HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Những gì hiện đang xảy ra tại khu vực bãi Tư Chính và các bãi phụ cận trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dân chúng không được cho biết.
Hệ thống thông tin tuyên truyền chính thống của nhà cầm quyền CSVN sau ít ngày rầm rộ như một dàn loa đồng thanh hồi Tháng Bảy đả kích Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS), sau đó người ta chỉ thấy lác đác ít lời phỏng vấn hoặc các chuyên viên ngoại quốc, hoặc các chức sắc đảng viên CSVN đã nghỉ hưu.
Tuần trước, báo đài tại Việt Nam đồng loạt đưa tin Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh cáo buộc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 hoạt động “trái phép” ở khu vực Tư Chính tại hội nghị cấp ngoại trưởng ASEAN và một số hội nghị liên quan ở Bangkok, Thái Lan.
Cuối Tháng Bảy, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN loan báo giàn khoan Hakuryu-5 của một công ty Nhật được công ty của Nga Rosneft thuê dò tìm tại lô 6-1 thuộc bãi Tư Chính được triển hạn đến giữa Tháng Chín. Người ta không được biết hợp đồng được triển hạn vì hoạt động của họ bị các tàu Trung Quốc quấy rối cản trở nên cần thêm thời gian hoàn tất công việc; hoặc Hà Nội muốn “đấu lỳ” với Bắc Kinh?
Nhà cầm quyền CSVN qua hệ thống báo đài độc diễn không hề cho dân chúng biết gì về các vụ đối đầu giữa các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam từ giữa Tháng Sáu đến nay ở khu vực nói trên. Những ai trong nước có thể theo dõi báo đài nước ngoài mới biết được phần nào sự thật.
Trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN chỉ mơ hồ tố cáo các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi báo đài nhà nước vội vã chỉ trích Bắc Kinh mà chẳng có bao nhiêu chi tiết.
Giữa Tháng Bảy, báo đài nước ngoài thuật một bản tường trình của tổ chức “Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu” (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) ở Washington kể chi tiết về các hoạt động “quấy rối” của nhóm tàu Trung Quốc đối với hoạt động của công ty Rosneft (được Việt Nam cấp thỏa thuận cho dò tìm và khai thác dầu khí tại lô 6-1).
Theo AMTI, tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 từ ngày 16 Tháng Sáu, đã đi lòng vòng ở khu vực cách bờ biển Đông Nam Việt Nam 190 hải lý xoay quanh lô 06-01, ở phía Tây Bắc bãi Tư Chính (tên quốc tế là Vanguard Bank).
Lô dầu khí 06-01 thuộc dự án đường ống khí đốt Nam Côn Sơn, là dự án thành lập lần đầu năm 2000 giữa Tổng Công Ty Dầu Khí Việt Nam (nay là Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam), Tập Đoàn BP và Tập Đoàn Statoil. Năm 2012, TNK thay thế BP trở thành đối tác chiếm phần vốn lớn thứ 2 của hợp doanh. Năm 2013, Rosneft của Nga thay thế TNK.
Hiện nay, dự án là hợp doanh giữa Tổng Công Ty Khí Việt Nam (PV GAS), Rosneft Pipelines Vietnam và Perenco Pipelines Vietnam. Tại lô 06-01, hiện có giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công Ty Khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành công tác khoan.
Rosneft giao cho giàn khoan Hakuryu-5 đào một mỏ khác trong lô 06-01, bắt đầu làm từ ngày 18 Tháng Năm. Tàu Sea Meadow 29 và tàu Crest Argus 5 – là loại tàu AHTS chuyên dụng, cung cấp dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí – đã đi lại giữa Vũng Tàu và lô 06-01 từ Tháng Năm để phục vụ giàn khoan Hakuryu-5.
Theo AMTI, tàu Haijing 35111 đã có hành vi “đe dọa gần các tàu này nhằm ra oai với họ.” AMTI kể là ngày 2 Tháng Bảy, trong khi hai tàu kéo rời khỏi giàn khoan Hakuryu-5, tàu hải cảnh Haijing 35111 “đi vào giữa hai tàu với tốc độ cao, cách mỗi tàu khoảng 100 mét và chỉ cách giàn khoan chưa đầy nửa hải lý.” Dù vậy giàn khoan Hakuryu-5 vẫn tiếp tục hoạt động.
Đến ngày 4 Tháng Tám, người ta thấy ông Carl Thayer, một chuyên viên người Úc về các vấn đề Việt Nam, viết trên trang tham vấn của ông về vụ bãi Tư Chính là Trung Quốc đã điều động, tùy thời điểm, từ 35 đến 80 tàu các loại từ hải cảnh đến tàu cá mà thực chất là các tàu “dân quân biển” để áp lực phía Việt Nam ngừng hoạt động dầu khí.
Phía nhà cầm quyền CSVN không hề có những thông tin như thế cho dân biết. Khi xảy ra đối đầu giữa lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam với các tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc hồi giữa năm 2014 tại phía Nam quần đảo Hoàng Sa, báo chí trong ngoài nước đã được cho đi theo để cung cấp tin tức, hình ảnh, video clip diễn tiến kéo dài suốt hai tháng rưỡi. Nay không hề thấy có tin tức, hình ảnh gì về vụ Tư Chính.
Ngày 25 Tháng Bảy, người ta thấy tạp chí Tuần Việt Nam (một bộ phận của báo VietNamNet) có bài viết với tựa đề “Nhịn để được yên ổn làm giảm sức mạnh của Việt Nam.” Sau đó, tựa đề này bị đổi lại nhẹ nhàng hơn “Huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc” và nội dung bài viết dựa trên phỏng vấn cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts Mỹ Dukarkis cũng bị bỏ bớt những đoạn “xúi” Việt Nam phản ứng mạnh hơn với Bắc Kinh.
Trên báo Đất Việt ngày Thứ Tư, 7 Tháng Tám, người ta thấy báo này phỏng vấn ông Lê Việt Trường, cựu phó chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng An Ninh của Quốc Hội CSVN, kêu gọi “Việt Nam chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể sẵn sàng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, cơ quan phán xử những xung đột trong quá trình thực hiện UNCLOS.”
Lời kêu gọi của ông Trường lập lại lời kêu gọi của một ông cựu đại sứ vài ngày trước đó, và lời khuyến cáo của một chuyên viên Mỹ, như một cách bắn tiếng nhẹ nhàng cho Bắc Kinh biết để đừng dồn ép quá đáng.
Trước đó một ngày, khoảng 10 người ở Hà Nội đã biểu tình chống Bắc Kinh bá quyền bành trướng phía trước tòa đại sứ Trung Quốc đã bị công an giải tán nhanh chóng. (TN)