Thursday, April 4, 2019

Chuỗi ngọc trai hay sợi thòng lọng!


Giáo dân Song Ngọc, Nghệ An công khai nói lên quan điểm của mình trước một vấn đề quan trọng của đất nước. Ảnh: FB Lê Sơn

Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân

Vào ngày 20 tháng 3 vừa qua, một số trí thức trong cả nước đã ra một thông báo phản đối cho Trung Quốc làm nhà thầu đường sắc Bắc – Nam. Sau đó, vào sáng Chủ nhật 31 tháng 3, nhiều người dân Giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An đã giương cao hàng loạt băng rôn, biểu ngữ với những nội dung phản đối việc nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc – Nam. Ngoài người dân Song Ngọc, nhiều người khác cũng lên tiếng và nói họ sẽ xuống đường phản đối nếu chính phủ để nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc – Nam.
Đến đầu tháng 4, qua các phương tiện truyền thông chính thống, nhà nước cũng phát đi thông điệp sẽ khởi công ngay trong tháng 6 và phải hoàn tất giai đoạn đầu vào năm 2020. Phản ứng chung của mọi người đều đồng ý với việc xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam; nhưng tâm lý lo lắng khi nhà thầu Trung Quốc (TQ) tham dự, nhất là trong những ngày vừa qua, hình ảnh nhếch nhác của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được lan truyền trên mạng.
Không cần phải là một chuyên viên xây dựng, ai ai cũng thấy những sai phạm cực kỳ thô thiển. Những mối hàn, những bù loong bắt vào trụ xi măng trông nham nhở, và nhìn vào ai cũng mang một mối lo về độ an toàn của công trình một khi đưa vào khai thác. Mọi người còn nhớ việc TQ trúng thầu cung cấp đường ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà và việc vỡ ống 22 lần trong 6 năm khai thác, và chắc chắn đây không phải là trường hợp độc nhất.
Câu hỏi thứ hai là nếu các cam kết không đúng như chủ đầu tư đòi hỏi, chúng ta cũng có thể loại các chủ thầu? Một lãnh đạo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã thú nhận rằng năng lực và kinh nghiệm đấu thầu của chúng ta còn quá hạn chế. Các chủ đầu tư chưa đưa ra được công thức xác định giá đánh giá phù hợp nhằm lựa chọn được các nhà thầu có thực lực, có kỹ thuật tốt và có đề xuất cạnh tranh về giá.Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là tại sao vẫn chấp nhận TQ đấu thầu với những “thành tích nguy hiểm như vậy?” Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận phần lớn các dự án đều phải đi vay, và phần lớn vốn vay lại đến từ TQ. Để vay vốn của họ thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu TQ thực hiện gói thầu như một điều kiện vay.
Nếu không tìm ra sai sót nào thì không thể phân biệt đối xử để ngăn chặn nhà thầu Trung Quốc khi đấu thầu quốc tế, vì chúng ta đã là thành viên của WTO rồi. Cách cuối cùng chỉ có thể là dùng hàng rào kỹ thuật. Mà nói về kỹ thuật thì bất kể một loại thiết bị nào, nhà thầu Trung Quốc cũng có đầy đủ các thông số kỹ thuật đòi hỏi. Vì thế không thể gạt bỏ trong hồ sơ dự thầu của họ. Nói tóm lại, cạnh trong sòng phẳng là chúng ta chưa đủ tầm.
Câu hỏi thứ ba là hầu hết mọi công trình hợp tác với các nhà thầu TQ từ trước đến nay đều đội vốn rất lớn, thi công dây dưa. Thủ đoạn của họ là bỏ thầu rẻ, thi công trì trệ, kết hợp với các quan tham Việt Nam đẩy giá lên. Thế thì làm sao xử lý? Vị lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định: Ở đâu có ép giá, ở đó dứt khoát không có chất lượng đồng hành. Tuy nhiên cho dù biết như thế, nhưng từ chối lại là một chuyện khác, nó không liên quan gì đến kỹ thuật hay kinh nghiệm. Nó liên quan đến… ý thức hệ. Chắc mọi người còn nhớ SEA Games 2003.
Ngày ấy, để chuẩn bị, Việt Nam quyết định xây dựng một sân vận động quốc gia (sau này là sân Mỹ Đình). Trong số các công ty tham gia đấu thầu có Philipp Holzmann AG International (Đức) bỏ thầu 57 triệu USD và Hanoi International Group (HISG – Trung Quốc) bỏ thầu 53 triệu USD, thấp nhất trong số các đơn vị tham gia đấu thầu.
Trong khi Philipp Holzmann là một công ty có nhiều kinh nghiệm (có hai chuyên gia từng tham gia thiết kế xây dựng sân vận động Stade de France, Pháp) và trang thiết bị đạt tiêu chuẩn Âu – Mỹ thì HISG của TQ chưa có kinh nghiệm xây dựng những công trình lớn cùng trang thiết bị chỉ đạt chuẩn Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên Bộ Xây dựng lại có văn bản khác khẳng định HISG đạt tiêu chuẩn và trúng thầu.
Sau này, ông Hà Quang Dự, khi đó là bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao đã thố lộ “nếu chúng ta chọn nhà thầu Âu−Mỹ, chắc chắn chất lượng sân vận động Mỹ Đình sẽ tốt hơn thế này, thiết kế cũng đẹp hơn. Hằng năm ngành thể thao không phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để sửa chữa. Tường khán đài nứt dọc nứt ngang, nhiều điểm sụt lún trên các khán đài, đường chạy điền kinh không thể hoạt động được.”
Đứng trước sự bức xúc của người dân, một quan chức sau đó đã bộc bạch thẳng thắn rằng “không phải là chúng ta không biết so sánh giữa Philipp Holzmann và HISG, nhưng chúng ta phải có nghĩa vụ đối với TQ vì những giúp đỡ của họ trong chiến tranh”. Tôi tự hỏi có phải vì thế mà Việt Nam đã chọn Trung Quốc cho tuyến Cát Linh – Hà Đông, và chúng ta sẽ phải “có nghĩa vụ” đến khi nào?
Đã từ lâu, người Việt chúng ta cũng như nhiều nước trên thế giới thường đồng hóa “Made in China” với những gì “dỏm”, “nhái”… Tuy nhiên, đó chỉ là những vật dụng rẻ tiền hoặc công nghệ thấp. Trong những năm gần đây, công nghệ của TQ đang từng bước chinh phục thế giới.
Vào ngày 3, tháng 1 vừa qua cộng đồng khoa học đã đánh giá rất cao việc TQ đưa được phi thuyền Thường Nga 4 (Change-4) lên phía khuất của mặt trăng, đây là điều mà chưa có quốc gia nào làm được cho đến nay. Một thí dụ khác, các tàu lửa cao tốc của TQ không thua kém gì các nước Tây Âu và Nhật Bản. Nhiều nguồn tin cho hay TQ đang thử nghiệm tàu theo công nghệ từ trường Maglev có thể lên đến 600km/h! Riêng về lãnh vực xây dựng, TQ cũng làm được một công trình đáng nể là đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng, dài gần 2.000 km và phần lớn nằm trên một nền đất đóng băng, vốn là một khó khăn rất lớn để xử lý.
Tuy nhiên, người TQ đã lợi dụng chính những thành tựu về công nghệ của TQ và nguồn ngoại tệ khổng lồ của mình để đi khuynh đảo các nước đang khát vốn để phát triển. Thí dụ điển hình nhất là Sri Lanka. Vào năm 2005, bắt mạch được những khó khăn về kinh tế và chính trị của nước này, TQ đã bỏ tiền ra ủng hộ cho ứng viên Mahinda Rajapaksa lên nắm quyền. Và cũng y như “nghĩa vụ” mà Việt Nam phải trả với sân Mỹ Đình, chính phủ của Rajapaksa phải dành cho Trung Quốc những hợp đồng béo bở trong đó có việc xây dựng cảng Hambantota.
Lợi dụng tình trạng tham nhũng ở đây, TQ không ngần ngại cấp những khoản tín dụng với mức lời cắt cổ 6,3%. Đến khi không đủ khả năng chi trả, chính phủ Rajapaksa buộc phải nhượng cảng Hambantota cho Trung Quốc bằng một hợp đồng thuê 99 năm. Tức khắc sau đó Trung Quốc đã biến Hambantota thành một căn cứ hải quân có thể tiếp nhận các chiến hạm, tàu ngầm và cơ sở gián điệp, và họ yên tâm trong vòng một thế kỷ ngự trị trên một trong những đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.
Chiến lược Chuỗi ngọc trai (String of Pearls) gồm 15 cảng (trong hình đính kèm Hambantota nằm ở số 10, số 3 và 4 là Hoàng Sa và Trường Sa) quan trọng nhằm khống chế Biển Đông, Vịnh Bengal, Biển Ả Rập và Biển Đỏ và Ấn Độ Dương đang từng bước hình thành. Mục đích chính là nhắm vào Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Ngoài Sri Lanka, các “nạn nhân” của việc bắt tay với TQ còn có Pakistan với cảng Gwadar. Ở châu Phi, Djibouti nợ Trung Quốc hơn 80% GDP và nước này trở thành căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc. Tại châu Mỹ Latinh, Ecuador đã đồng ý bán 80 – 90% dầu thô có thể xuất khẩu của mình cho Trung Quốc đến năm 2024 để đổi lấy 6,5 tỷ USD tiền vay của Trung Quốc. Và sau cùng, gần đây nhất, một trong 7 nước giàu nhất thế giới là Ý cũng đã bắt tay với Tập Cận Bình xây dựng cảng Trieste.
Trung Quốc luôn miệng phủ nhận những cáo buộc về âm mưu thâm độc của mình, nhưng bằng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, họ vẫn ngày đêm vươn vòi bạch tuộc của mình đến hang cùng ngõ hẻm để xây dựng tham vọng đế quốc mới của họ.
Thiết nghĩ TQ có thể lừa được Sri Lanka, Pakistan, Djibouti, Maldive… nhưng không thể nào lừa được người Việt Nam vì không dân tộc nào trên thế giới hiểu Trung Quốc bằng dân tộc chúng ta. Không người Việt Nam nào muốn thấy ngày nào đó Cam Ranh trở thành một Hambantota thứ hai.
Nhưng có điều trên mảnh đất này không chỉ có một, mà là hàng triệu Rajapaksa!

Phạm Minh Hoàng

Tự chui vào bẫy

Đỗ Văn Ngà|

Một đại ca giang hồ chuyên nghề cho vay nặng lãi, hắn lục tìm các anh nhà nghèo, có nhà cửa là tài sản duy nhất và thích đua đòi khoe khoan. Hắn gạ cho vay một cách dễ dãi. Ai thích mua ô tô, hắn cho vay. Ai thích SH sang chảnh hắn cho vay để mua con SH vi vi cùng bạn cùng bè. Ai muốn gì hắn cũng cho vay, miễn sao giá trị gói vay ấy thấp hơn rất xa giá trị căn nhà mà con nợ đang ở.

Thế rồi những đồng tiền đi vay để mua sắm ấy, nó trở nên gánh nặng mà con nợ không cách nào trả nổi. Những chiếc ô tô hay SH không sinh ra đồng lợi nào, nhưng khi túng thiếu bán đi, giá trị chỉ còn phân nửa. Lãi suất vay nóng quá cao, đến kỳ hạn không trả nổi, thế là thằng chủ nợ dẫn đàn em mặt mày bậm trợn đến siết nợ. Hắn buộc chủ nhà phải kí giấy bán nhà cho hắn. Nhờ thế, hắn thu được rất nhiều bất động sản về cho mình. Thủ đoạn cho những thằng nghèo chơi sang vay tiền tiêu xài để rồi chúng rơi vào thế không còn khả năng trả nợ mà ép con nợ ký bán nhà cửa đất đai với giá rẻ mạt. Người ta gọi đó là bẫy nợ.
Như vậy chúng ta có biết tại sao Trung Quốc luôn chơi với những nước độc tài nghèo đói, thích phá phách và hay tiêu sang không? Vì Trung Quốc cũng tựa như tên giang hồ cho vay nặng lãi kia, nó đi lùng sục những nước độc tài nghèo đói thích vay tiêu hoang phí để cho bọn này vay. Mục đích là ép những nước đó ký nhượng địa 99 năm, để nhà cầm quyền Bắc Kinh thiết lập những căn cứ kinh tế lẫn quân sự bủa khắp thế giới này.
Sri Lanka là một bài học, chính nước này đã dính bẫy nợ và bị buộc phải nhượng cảng Hambantota cho Trung Quốc khai thác trong 99 năm. Khi bị sập bẫy, Sri Lanka mới bừng tỉnh nhưng đã muộn, cảng đã thuộc về Trung Quốc. Biết chắc một thời gian sau, Trung Quốc sẽ thiết lập cơ sở quân sự nên Thủ tướng Sri Lanka đã yêu cầu bộ tư lệnh hải quân phía nam Sri Lanka dời về gần sát cảng biển Hambantota, nằm dọc con đường giao thương hàng hải đông – tây đóng quân. Để chi? Để Hải Quân Sri Lanka đóng vai trò như là con mắt giám sát động tĩnh của Trung Quốc, nhằm ngăn cản mưu đồ biến cảng này thành căn cứ quân sự của Trung Cộng. Chi khổ vậy? Để sập bẫy rồi giờ phải ngồi canh thằng Tàu nó giở trò gì trên đất của mình?Thực ra sáng kiến “1 vành đai, 1 con đường” của Tập Cận Bình là một dự án chính trị ẩn dưới dạng dự án kinh tế. Mục đích là Trung Cộng muốn chiếm cứ các vị trí đường biển và đường bộ từ Á xuyên Âu để hình thành nên gọng kiềm giữ lấy một thị trường rộng lớn và tiến tới thiết lập các căn cứ quân sự của họ trên các vùng bị chiếm cứ ấy. Hình thành nên vòi bạch tuộc kiểm soát một phần thế giới nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ. Đó là cả một dự án lớn, Trung Cộng thực hiện nó bằng cách dụ dỗ, gài bẫy, ép nhượng và sau đó chiếm giữ.
Cảng Hambantota của Sri Lanka cho Trung Quốc khai thác trong 99 năm.
Dự án đường cao tốc Bắc Nam có giá trị khoảng 13,6 tỷ đô la, và dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam có giá trị khoảng 58,7 tỷ đô la. Tổng giá trị 2 đại dựa án này là 72,3 tỷ đô la. Những dự án này không thể dùng tiền Việt để chi trả mà phải dùng ngoại tệ. Năm 2016, Việt Nam đã nợ nước ngoài là 210% GDP, tương đương với 431 tỷ đô la. Có thể năm 2019 này số nợ đã cao hơn. Như ta biết, hầu hết nguồn vốn ODA giải ngân trong những năm gần đây là do những hợp đồng vay từ trước năm 2014, chứ nguồn vay mới giờ đã cạn. Tại sao những nước thường cho vay ODA giờ họ siết lại? Đơn giản, vì những nước có nền chính trị minh bạch họ không muốn cho chúa chổm vay thêm nữa. Nó nợ ngập đầu rồi.
Như vậy với tổng tiền đầu tư lên đến trên 72 tỷ đô, Việt Nam vay ai? Không phải Trung Cộng thì không ai có thể vào đây cho vay số tiền khổng lồ này được. Khi đó nợ Việt Nam phình lên đến một con số khổng lồ thì lấy tiền đâu trả cho Trung Cộng đây? Nếu lâm vào khoản nợ này thì không phải chỉ nhượng Vân Đồn, Bắc Vân Phong, và Phú Quốc thôi, mà lúc đó Trung Quốc đòi nhượng thêm 10 khu nữa cũng phải kí. Mới 1 cảng biển mà Sri Lanka đã ăn không ngon ngủ không yên thì cả chục khu như vậy, hải quân Việt Nam có đủ dũng khí đóng quân gần đó để canh me quân Tàu không? Hay lại trốn biệt để đi cướp đất với dân?
Khi dự án đường cao tốc Bắc Nam được chuẩn bị mời thầu thì ông bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Nguyễn Văn Thể nói gần nói xa để trấn an nhân dân rằng, “Trung Quốc trúng thầu sẽ không sao, vì họ có năng lực”.

Vâng! Ở đây cho dù nhà thầu Trung Quốc có trúng thầu bằng năng lực tốt đi nữa, thì khi nhà thầu Trung Quốc nhận gói thầu này thì điều đó cũng đồng nghĩa rằng, gói vay khổng lồ đó chính là của Trung Quốc. Và chỉ cần như thế là sụp bẫy nợ Trung Cộng, hậu quả sau đó sẽ là nhượng địa rất nhiều cho Trung Cộng. Vì với số tiền khổng lồ đó, cộng thêm nợ cũ, Việt Nam trả sao nổi?

Giang hồ “thế thiên hành đạo”

Chuyện này chỉ có trong truyện của Kim Dung, truyện của Thi Nại Am bên Tàu và một vài truyện lẻ trong thời phong kiến Việt Nam, khi mà triều đình lụn bại, sa đọa, các thế lực nổi lên cát cứ, dân tình oán thán… Trong thời đại rực rỡ “Đất nước có bao giờ được như hôm nay” – lời của Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – sao lại có chuyện giang hồ thế thiên hành đạo? Có đấy, và chuyện này nghe ra không chỉ khôi hài mà đáng sợ!
Mới nhìn thấy đơn giản, Dương Minh Tuyền, một đại ca (lẻ) giang hồ, cũng không mấy khét tiếng bỗng dưng đứng ra thế thiên hành đạo trong vụ cô bé học sinh lớp 9, trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bị bạn đánh đập, lột áo quần và hành hạ đến mức phải nhập viện tâm thần. Điểm khác biệt ở đây là khi cô bé bị hành hạ, bị bạn cùng lớp đánh đập và nhục mạ, video clip ghi được từ camera an ninh của trường đã bị “ai đó” xóa mất và giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng thay vì lên tiếng, lên kế hoạch bảo vệ cho cô bé học sinh cũng như giáo dục các học sinh đã bạo lực thì lại giấu nhẹm câu chuyện.
Điều này cho thấy ngay từ trứng nước của sự giáo dục đã có vấn đề, một kiểu lách trách nhiệm để giữ thành tích nhà trường và hơn hết là sự dối trá tự thân của những người làm công tác giáo dục. Tuy vậy, đáng bàn hơn là hệ thống an ninh, cơ quan công quyền địa phương cũng không có động thái đúng mực, và họ đã vô trách nhiệm. Một học sinh nữ bị rơi vào trạng thái nạn nhân bạo lực học đường triền miên đến mức phải nhập viện tâm thần mà cơ quan có trách nhiệm của địa phương vẫn không hay biết. Trong khi đó, theo luật hiện hành, các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học được quản lý và giám sát trực tiếp từ chính quyền địa phương. Đó chỉ mới một vế! Vấn đề thứ hai là tại sao khi đã biết ban giám hiệu nhà trường cố tình xóa đi video clip bạo lực học đường mà cơ quan hữu trách không vào cuộc điều tra, không có động thái chăm sóc với nạn nhân và không có biện pháp răn đe kịp thời đối với những học sinh đã gây bạo lực?
Chuyện răn đe học sinh bạo lực và thăm hỏi, chia sẻ với nạn nhân, dường như giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường không hề có động thái nào, nó chỉ diễn ra với một đại ca giang hồ. Rõ ràng, ở đây có một sự bất lực không thể chối bỏ của cơ quan công lực, họ không thể hoặc cố tình không thể làm gì trước một hiện tượng xã hội có tên gọi là bạo lực học đường một cách dã man, máu lạnh (năm đứa học trò là con gái xúm vào đánh, hành hạ, lột quần áo một đứa bởi đứa bị đánh là con nhà nghèo, cô thế và hơi khờ khạo!).
Như vậy phải chăng có sự đồng lõa, toa rập giữa nhà trường và các gia đình của những đứa gây bạo lực? Và khi Dương Minh Tuyền đến thăm hỏi, tặng tiền cho gia đình nạn nhân, lên Youtube tuyên bố sẽ hỏi thăm gia đình những đứa gây bạo lực… Thì, xóm làng của gia đình nạn nhân đón Tuyền như một ngôi sao chính trị, thậm chí mức độ nồng hậu còn cao hơn cả việc đón Thủ tướng hay Chủ tịch nước về thăm làng. Liền sau sự việc thăm hỏi của Tuyền là việc ông Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đến bệnh viện thăm nạn nhân! Chuyện khôi hài và lố bịch ở chỗ, một người đầu ngành chỉ lên tiếng sau khi giang hồ (mà báo chí trong nước gọi là “người xã hội”) lên tiếng!Sự thờ ơ có tính hệ thống từ giáo viên chủ nhiệm cho đến ban giám hiệu, rồi cơ quan công quyền, thờ ơ đến mức độ chuyện này xảy ra nhiều lần, diễn đi diễn lại, đến mức nạn nhân trở nên trầm cảm và sang chấn tâm lý… Lẽ nào camera an ninh của nhà trường chỉ sắm ra để cho có? Lẽ nào ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm không một lần thử nhìn vào màn hình camera an ninh mà chỉ sắm để gọi là? Và nếu có nhìn thì biết bao nhiêu lần diễn đi diễn lại, rồi đến khi sự việc tồi tệ xảy ra thì nhà trường lại tổ chức họp kín với phụ huynh của năm đứa gây bạo lực trước, sau đó mời phụ huynh của nạn nhân và trước khi mời đã xóa sạch bằng chứng?
Và chuyện càng khôi hài hơn khi ông Bộ trưởng Nhạ đến thăm, gần như chẳng có ma nào đón ngoài những người trong ngành giáo dục, nó khác xa với cuộc đón tiếp hết sức nồng hậu và rầm rộ của người dân khi Tuyền đến thăm. Mặc dù số tiền của Tuyền mang đến tặng cũng không phải là lớn, chưa đầy 30 triệu đồng (đương nhiên không phải là nhỏ) nhưng không ít người cho rằng đó là số tiền “cải cách giáo dục”, số tiền làm thay đổi tư duy giáo dục, số tiền nhân đạo và sạch sẽ nhất…
Ơ Hay! Tiền của giới giang hồ được xem là tiền sạch sẽ, tiền làm thay đổi tư duy giáo dục nghĩa là sao? Trong khi tiền của ngành giáo dục là tiền mồ hôi, xương máu của nhân dân góp trong từng đồng thuế, vậy mà khi qua tay ông Nhạ, nó trở thành một thứ gì đó vô nghĩa, không ai nhắc đến, vậy nghĩa là sao? Và, cả một hế thống công quyền, hệ thống pháp luật, hệ thống giáo dục đang đứng ở đâu mà để cho một kẻ giang hồ với đúng bộ dạng xăm trỗ đầy mình, vận quần đùi, đi dép lê, tóc húi cua dài tó, mặt mày bặm trợn lại lên tiếng giáo huấn đạo đức cho những đứa học trò hư hỏng?
Và hơn nữa, lẽ nào đất nước này không còn có người nào đủ tư cách, đủ đạo đức và đủ sức hút quần chúng, nhân dân hơn một kẻ giang hồ (mà trong giới xã hội đen thì Tuyền cũng chả có tên tuổi gì)? Lẽ nào mọi thứ cơ quan hay quan chức chỉ là loại bù nhìn, việc thu xếp, củng cố trật tự, đạo đức xã hội lại là trách vụ của giới giang hồ?! Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy xã hội Việt Nam đang chạm đáy?! Và giới giang hồ đã chính thức bước vào “thế thiên hành đạo”?!

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng bị chuyển vào Bệnh viện Tâm thần

RFA-2019-04-04   
Ông Lê Anh Hùng
Ông Lê Anh Hùng-Photo by FB Hội Anh Em Dân Chủ
Hôm 1/4/2019, blogger Lê Anh Hùng, người bị cơ quan An ninh điều tra bắt giữ vào ngày 5 tháng 7 năm ngoái với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” nhưng chưa ra tòa, đột nhiên bị đưa vào Bệnh viện tâm thần trung ương 1 ở Thường Tín, Hà Nội.
Bà Trần Thị Niêm, mẹ của anh Hùng xác nhận thông tin này với Đài Á Châu Tự Do vào chiều mùng 4 tháng 4, tuy nhiên khi bà đi tới bệnh viện nêu trên vào buổi sáng thì không được gặp mặt con mình.
Bà Niêm kể lại vụ việc qua điện thoại với Đài Á Châu Tự Do:
Sáng nay tôi với thằng em và con bạn nó có đi thăm nhưng họ không cho gặp. Ở đó cơ quan điều tra ở bệnh viện tâm thần không cho gặp.
Họ nói là: “Chưa, chưa giám định nên không cho gặp!”
Tôi chỉ gửi được tiền cho nó thôi,”
Phóng viên của Đài Á Châu Tự do gọi điện thoại đến số trực ban của Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 thì một người đàn ông bắt máy cho biết, đang làm ở phòng thông tin của bệnh viện nhưng không biết gì về vụ việc của Lê Anh Hùng.
Còn ông Trần Văn Đặng, Trưởng phòng Tổ chức của cơ quan này cho hay, không biết Lê Anh Hùng có được vào điều trị hay không nhưng nói thêm rằng “vụ việc liên quan đến nhiều vấn đề”.
Anh thông cảm thật ra tôi không biết anh Lê Anh Hùng thế nào.
Vì cái này liên quan đến nhiều vấn đề, tôi ở trên phòng chức năng chứ không phải điều trị.
Tôi chưa biết, để cho đúng quy trình thủ tục thì anh có giấy xin giới thiệu là tôi ở cơ quan báo chí xác minh xem anh Lê Anh Hùng có nhập viện điều trị hay không”.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người nhận bào chữa cho blogger và là thành viên của Hội nhà báo độc lập Việt Nam cho hay, ông chưa nhận được bất kỳ văn bản nào về vụ việc ông Hùng bị chuyển vào bệnh viện tâm thần có thể là do văn bản chưa đến.
Vị luật sư thuộc đoàn luật sư TPHCM cũng đề cập đến bản Kết luận điều tra của Công an thành phố Hà Nội nói ông Hùng bị tâm thần, nhưng cho rằng lúc phạm tội ông này đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Ông Miếng nói:
Tôi được tiếp xúc với anh Hùng 2 lần do xa xôi, anh Hùng có nói vậy nè, khi nào có cáo trạng thì đề nghị luật sư ra làm việc với anh Hùng về bản cáo trạng đó vì hiện giờ kết luận điều tra không cụ thể lắm.”
Trong một bài viết vào ngày 26 tháng 1 năm 2018, mạng báo Thời Nay, một ấn phẩm của báo Nhân Dân đề cập đến sự kiện năm 2009, ông Lê Anh Hùng bị Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố và bắt tạm giam về tội "Vu khống" theo Điều 122 Bộ luật Hình sự.
Tác giả Tư Nguyên viết: Tuy nhiên, sau khi xác minh “bị can thực hiện hành vi sai phạm trong tình trạng bị bệnh tâm thần hoang tưởng, mất khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, Công an tỉnh Quảng Trị đã “Chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị để hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, tạm giam và ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can Lê Anh Hùng.”
Blogger Lê Anh Hùng, sinh năm 1973, là blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, đồng thời là thành viên của 2 tổ chức dân sự không được chính phủ Việt Nam công nhận là hội Nhà báo độc lập Việt Nam và hội Anh em dân chủ.
Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội bắt ông Hùng vào ngày 5/7/2018 thời điểm sau các vụ biểu tình sôi động chống dự thảo Luật Đặc khu và An ninh mạng.
Ngay sau khi có tin blogger Lê Anh Hùng bị bắt, Ân Xá Quốc tế ra thông cáo lên án việc bắt giữ và cho rằng chính quyền Việt Nam đã dùng các điều luật hà khắc để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích ôn hòa.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Dân lo, giới chức nói vẫn ổn

Trung Khang, RFA-2019-04-04   
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây.
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây.Courtesy moitruong.com.vn
Tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Hà Nội trong thời gian qua được báo chí cả trong và ngoài nước đề cập đến. Có những bất nhất trong thông tin và nhận định từ phía người dân với phát biểu của giới chức chính phủ và cả chuyên gia.
Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 4 năm 2019, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp, cho rằng chỉ có một số ngày Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng:
“Ô nhiễm của Hà Nội hiện nay chưa vượt mức báo động, chỉ có một số ngày vượt mức 300 hay 400 AQI thôi, tức là vượt khoảng 1,5 cho đến 2 lần tiêu chuẩn cho phép, không kéo dài nhiều ngày cho nên việc báo động cảnh giác chưa có gì ghê gớm lắm. Nhưng người ta cũng khuyên những ngày đó thì người già trẻ em nếu không có việc gì cần thiết thì không nên ra đường nhiều và hít cái vùng ô nhiễm của không khí.”
Chúng tôi liên lạc một người dân tại Hà Nội để tìm hiểu tình hình thực tế và được cho biết như sau:
“Thủ đô Hà Nội bây giờ không khí càng ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Đi ra đường không thấy bầu trời xanh đâu cả, toàn nhìn thấy khói bụi không. Mình có sống trong Đà Nẵng, bầu trời trong Đà Nẵng khác hoàn toàn với ở đây.”
Một người dân khác cho biết:
“Hiện tại bây giờ những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm rất trầm trọng. Bản thân tôi là người đang sống tại thủ đô Hà Nội thì thấy mức độ ô nhiễm không khí hiện tại rất là cao.”
Trong trả lời báo chí Việt Nam hôm 3/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm bụi mịn (bụi siêu nhỏ PM 2.5) xếp thứ hai Đông Nam Á là chưa chính xác. Ông cho rằng, đây là báo cáo về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, nhưng chỉ có số liệu của 20 thành phố thuộc bốn quốc gia ở Đông Nam Á.
Ô nhiễm bụi khói trong không khí được đo lường theo nồng độ và phân loại theo kích thước. Loại mịn nhất có ký hiệu hoá học là PM 2.5 nhỏ dưới 2,5 microgram, bằng 3% đường kính sợi tóc và nhỏ/ nhẹ như khói, lơ lửng lâu trong không khí. Vì quá nhỏ, nhẹ và gần như vô hình nên bụi khói PM 2.5 theo hơi thở đi sâu vào phổi, thậm chí là cả tim, mạch. Theo Kỹ sư Phạm Phan Long, chủ tịch tổ chức Viet Ecology, khi nồng độ bụi khói PM 2.5 trong không khí tăng thêm 10 microgram/m3, độ rủi ro của tất cả các loại bệnh cũng tăng theo, cụ thể là 4% đối với các loại bệnh thông thường, 6% đối với bệnh tim và 8% đối với nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng giải thích thêm:
“Ô nhiễm bụi PM2.5 tức đường kính hạt bụi 2.5 micrometers, rất nhỏ, thì trung bình ngày khoảng 120, thì nếu gấp đôi là 240, gấp 3 là 360… nếu gấp 2 lần thì phải cảnh giác rồi, còn gấp 3 lần thì coi như ô nhiễm nặng. Nếu 360 trở lên thì người ta đã khuyên người già trẻ em không nên ra đường tham gia giao thông, có hại sức khỏe.”
Quang cảnh Hà Nội bị khói bụi về đêm. Hình chụp ngày 27/10/17.
Quang cảnh Hà Nội bị khói bụi về đêm. Hình chụp ngày 27/10/17.Courtesy: Ảnh chụp màn hình zing.vn
Cũng theo Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018, tiếp xúc với ô nhiễm PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí.
Báo cáo cho biết đối với trẻ em sống ở Bắc Kinh, Jakarta và Hà Nội, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn lên 20%. Đối với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng 25-30%, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2 lần.
Người dân Hà Nội nhận định:
“Theo quan điểm của tôi, hiện tại ô nhiễm môi trường rất là cao, đặc biệt người trẻ tuổi hay những em nhỏ sẽ bị nhiễm bệnh nhiều hơn, cũng như những người cao tuổi. Đó là một trong những điều tôi cảm thấy cần phải khắc phục.”
“Mình cảm thấy, nhất là đối với trẻ em, khi đi ra đường phải hấp thụ không khí, mà phổi của trẻ em rất là kém, đưa trẻ em ra đường rất nguy hiểm. Kể cả mình trẻ như thế này nhưng khi ra đường thấy khói bụi cảm thấy cũng rất là khó chịu.”
Theo Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, nếu báo động một cách ghê gớm như Bắc Kinh, New Delhi… thì Hà Nội chưa đến mức độ như vậy, cho nên chỉ cần có những biện pháp lâu dài để cải thiện chất lượng không khí như giảm lượng xe… chứ những biện pháp tức thời như cấm nhà máy nhưng những thành phố kia thì Hà Nội chưa đến mức như vậy. Chưa có lần nào nhà nước phải đưa ra biện pháp để giảm thiểu nguồn thải một cách miễn cưỡng như vậy. Ông nói tiếp:
“Ô nhiễm không khí do rất nhiều nguồn gây ra, đặc biệt là nguồn xe máy. Xe máy thì dân đi là chính, nếu muốn giảm ô nhiễm không khí thì bất cứ xe gì cũng phải bảo dưỡng, để khí thải đảm bảo tiêu chuẩn Euro3 Euro4… thì sẽ giảm ô nhiễm không khí chung của thành phố thôi, ngoài ra còn có ô nhiễm do ô tô, nhà máy… nhưng o nhiễm xe máy vẫn là chính.”
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y yế Thế giới - WHO công bố vào tháng 10 năm 2018, việc tiếp xúc với không khí độc hại ở cả trong nhà và ngoài đường khiến hơn 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi trên toàn cầu tử vong mỗi năm.
WHO cũng cho biết, trẻ em được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí hơn người lớn vì nhịp thở của các em nhanh hơn do đó dễ nhiễm các chất độc hơn, trong khi não bộ và cơ thể của các em vẫn đang phát triển.
Theo WHO, mỗi ngày 93% số trẻ em dưới 15 tuổi trên thế giới đang hít thở không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nghiên cứu Thực trạng Không khí toàn cầu (State of Global Air - SOGA) 2019 vừa công bố được The Guardian dẫn lại cho thấy, dự báo tuổi thọ của trẻ em ngày nay sẽ bị rút ngắn khoảng 20 tháng so với mức trung bình do tình trạng ô nhiễm không khí.
Không khí ô nhiễm góp phần gây ra khoảng 10% tất cả các ca tử vong trên thế giới trong năm 2017, tương đương thuốc lá và cao hơn sốt rét, tai nạn giao thông.
Theo SOGA, khu vực Nam Á chịu ô nhiễm nặng nề nhất và tuổi thọ của trẻ em ở đây dự báo sẽ ngắn hơn 30 tháng so với mức trung bình, trong khi con số tương ứng ở vùng hạ Sahara là 24 tháng.
Vào đầu tháng 3 năm 2019, tổ chức IQAir AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á đã công bố Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018 và Bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, đưa ra số liệu mới nhất về tình trạng ô nhiễm không khí (PM2.5).
Theo báo cáo này, Jakarta (thuộc Indonesia) và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á.
Nghiên cứu hồi tháng 1/2018 của tổ chức phi chính phủ Phát triển xanh GreenID cho thấy, năm 2017, người dân Hà Nội chỉ có 38 ngày được hít thở không khí trong lành.

Hàng chục lao động Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất

Theo RFA-2019-04-04
Hình minh họa. Công nhân xuất khẩu lao động tại công ty xuất khẩu lao động Thiên Ân
   Hình minh họa. Công nhân xuất khẩu lao động tại công ty xuất khẩu lao động Thiên Ân-Courtesy of FB CÔNG TY XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG THIÊN ÂN - TAMAX THANH HÓA
30 lao động Việt Nam vừa bị Rumani trục xuất với cáo buộc lao động vi phạm pháp luật, trong khi 13 người Việt Nam khác phải chịu án tù từ 15 đến 20 tháng vì lao động trái phép ở Hong Kong, theo báo Người Lao Động và Asia Times.
Asia Times hôm 3/4 cho biết, 9 người đàn ông và 4 phụ nữ người Việt Nam đã bị án tù từ 15 đến 20 tháng vì lao động bất hợp pháp tại Hồng Kông. Asia times trích thông báo của chính quyền đị phương cho biết những người này bị bắt giữ vào hôm 27/3 sau một cuộc bố ráp những nhà máy, cửa hàng, khu dân cư, và các công ty dọn dẹp vệ sinh.
Những người bị bắt giữ có độ tuổi từ 21 đến 56 tuổi, trong đó có 5 người đang xin quy chế tị nạn.
Trong khi đó, tờ Người Lao Động hôm 4/4 cho biết, khoảng 30 lao động Việt Nam tại Rumani bất ngờ bị trục xuất về nước vì lý do lao động vi phạm pháp luật.
Đây là số lao động đã ký kết với công ty cổ phần xây dựng, cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân.
Người Lao Động trích lời ông Phạm Xuân Lộc, đại diện công ty Thiên Ân, cho hay đã cập nhật danh sách 29 người bị trục xuất và 1 người hiện đã bỏ trốn. Ông Lộc giải thích những lao động này dù đã được doanh nghiệp sở tại nhắc nhở tạo điều kiện cho cơ hội ở lại làm việc nhưng vẫn không đạt được theo yêu cầu.
Một số công nhân cho Người Lao Động biết họ rất bất ngờ về quyết định trục xuất này và nói rằng họ luôn tuân thủ pháp luật.

Xử hai công an đánh chết người vi phạm giao thông

RFA-2019-04-04 
Hai bị cáo là Nguyễn Tuấn Anh và Bùi Đức Nghĩa tại Tòa án Nhân dân Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ hôm 4/4.
 Hai bị cáo là Nguyễn Tuấn Anh và Bùi Đức Nghĩa tại Tòa án Nhân dân Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ hôm 4/4.Courtesy of Báo Tiền Phong
Tòa án Nhân dân Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ hôm 4/4 xét xử vụ án 2 cựu công an ở địa phương với cáo buộc đánh dã man một thanh niên vi phạm giao thông khiến người này tử vong.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết 2 bị cáo là Nguyễn Tuấn Anh (32 tuổi) và Bùi Đức Nghĩa (30 tuổi); nạn nhân là Nguyễn Chí Hiếu (30 tuổi) ngụ tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn.
Theo cáo trạng, vào lúc 11 giờ tối ngày 9/8/2018, tổ giữ gìn an ninh trật tự giao thông quận Ô Môn 8 người, trong đó có Nguyễn Tuấn Anh, đi tuần tra, phát hiện anh Nguyễn Chí Hiếu lái xe chao đảo, có biểu hiện say rượu nên yêu cầu anh Hiếu dừng lại.
Sau khi xuất trình giấy tờ nhưng từ chối đo nồng độ cồn và được nói có hành động thách đố với tổ tuần tra, anh Hiếu bị mời về trụ sở Công an phường Phước Thới để làm việc.
Tại trụ sở, anh Hiếu được nói đã từ chối không ký vào văn bản vì cho rằng mình không vi phạm thì bị công an Bùi Đức Nghĩa dùng tay đánh vào mặt khiến anh Hiếu té xuống đất. Công an Nghĩa bị cáo buộc tiếp tục dùng chân đá và đạp mạnh vào vùng bụng, sườn của anh Hiếu thì bị tổ tuần tra ngăn cản.
Sau khi dùng dép đánh vào mặt nạn nhân và đuổi về, Công an Bùi Đức Nghĩa cùng Nguyễn Tuấn Anh kéo nạn nhân ra trước cổng trụ sở. Bùi Đức Nghĩa bị nói tiếp tục dùng tay, chân, đầu gối đánh vào mặt và bụng nạn nhân.
Cáo trạng nói anh Hiếu đi sang bên kia đường, ngồi xuống ôm bụng nhưng tiếp tục có lời hăm dọa đòi đánh hai công an, nên bị Nguyễn Tuấn Anh đi tới dùng chân đá vào hông của nạn nhân.
Anh Hiếu sau đó ngủ trước cửa một cửa hàng gần đó đến 5 giờ sáng ngày hôm sau thì gọi người quen đến rước. Vào lúc 10 giờ sáng, anh Hiếu bị đau bụng, được chở đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, và tử vong vào sáng ngày 13/8.
Tại tòa, hai cựu công an thừa nhận hành vi đánh nạn nhân và đã sai trong việc thực hiện biện pháp nghiệp vụ, nhưng cho rằng lực tác động của họ không đủ mạnh để gây thương tích dẫn đến cái chết của nạn nhân.
Giám định viên của Sở y tế TP. Cần Thơ được triệu tập tại tòa cho biết nguyên nhân chính dẫn đến cái chết nạn nhân và do vỡ tá tràng, nhưng không xác định được là do bị đạp vào bụng hay đá vào hông; và cũng không xác định được có phải do cộng hưởng của cả hai công an.
Trong khi đó, Phân Viên pháp y Quốc gia tại TP.HCM xác định nạn nhân tử vong là do sốc nhiễm trùng độc, viêm phúc mạc toàn thể, hoại tử đại tràng do bị tác động lực mạnh vào vùng bụng.
Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung những tình tiết mới như đôi giày vật chứng mà bị cáo đã dùng để đá nạn nhân cũng như các mâu thuẫn trong nguyên nhân khiến nạn nhân tử vong.

Hà Nội bắt quả tang hàng chục ký gà ôi thiu nấu cho học sinh ăn

Một bữa ăn của học sinh trường tiểu học bán trú Chu Văn An, Hà Nội. (Hình: Thanh Niên)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hơn 35 kg thịt gà đông lạnh bị để lâu, ôi thiu, được đưa vào bếp ăn bán trú trường Tiểu Học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, đã bị phụ huynh phác giác, yêu cầu thay đổi.
Trong phiếu đánh giá của tổ kiểm tra giao nhận thực phẩm của trường Tiểu Học Chu Văn An, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) ngày 3 Tháng Tư, 2019, cho thấy đã có 35 kg thịt gà đông lạnh bị để lâu, ôi thiu, có mùi hôi nồng nặc được Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Và Thương Mại An Việt đem đến cung cấp cho bếp ăn bán trú tại trường. Phiếu có chữ ký của cả đại diện đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà trường và phụ huynh học sinh.
Nói với báo Thanh Niên, ngày 4 Tháng Tư, ông Hoàng Nhật Minh, đại diện phụ huynh của trường Tiểu Học Chu Văn An, người trực tiếp kiểm tra thực phẩm, cho biết lo sợ thực phẩm bẩn được tuồn vào học, để bảo đảm chặt chẽ hơn an toàn thực phẩm cho con, em từ ngày 20 Tháng Ba, phụ huynh bắt đầu tham gia kiểm tra việc giao nhận thực phẩm vào lúc 6 giờ sáng.
Thành phần đoàn kiểm tra khi nhận thực phẩm hàng ngày của trường, theo ông Minh, có sáu người, gồm: ba phụ huynh, hai giáo viên và nhân viên nhà bếp, không có đại diện ban giám hiệu.
Tuy nói là “kiểm tra” nhưng theo ông Minh, các thành viên trong đoàn cũng chỉ kiểm tra bằng cảm quan, nhìn hoặc ngửi xem thực phẩm có mùi lạ hay không, chứ không có thiết bị, máy móc gì.
Với thịt gà mà Công Ty An Việt giao sáng 3 Tháng Tư, ông Minh cho biết, lúc nhận thực phẩm thấy thịt gà vẫn đang trong tình trạng đông lạnh, nhưng lại bốc mùi ôi thiu nồng nặc. Do vậy, ông đã yêu cầu đơn vị cung cấp thực phẩm cho nhà trường đổi sang thịt gà khác an toàn hơn.
Việc này đã được lập biên bản, phía công ty đã “xin lỗi và hứa sẽ không tái diễn tình trạng này nữa.”
Đáng chú ý, ông Minh cho biết thêm: “Từ ngày bắt đầu tham gia vào việc giao nhận thực phẩm phục vụ bữa ăn bán trú của học trò đến nay, ngày nào chúng tôi cũng hỏi về nguồn gốc, tem mác, xuất xứ của thực phẩm, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời. Bên cạnh đó, cũng chưa có cuộc gặp ba bên nào giữa nhà trường, phụ huynh và công ty nên chúng tôi chưa nắm được thông tin này.”
Trả lời báo Thanh Niên, lãnh đạo Phòng Giáo Dục và Đào Tạo quận Hoàng Mai cho biết “đã nắm được sự việc” nhưng không trả lời gì thêm. Trong khi đó, Ban giám hiệu trường trường Tiểu Học Chu Văn An thì “không thể liên lạc được sau sự việc xảy ra.”
Tin cho biết, trong năm học 2018-2019, trường Tiểu Học Chu Văn An có số học sinh vào lớp 1 đông nhất thành phố Hà Nội, với 1,145 học sinh, chia làm 23 lớp.
Trước đó, chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 14 và 20 Tháng Hai, phụ huynh có con em học tại trường Mầm Non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã liên tiếp chứng kiến thực phẩm chưa bảo đảm vệ sinh được dùng để nấu ăn cho trẻ ăn.
Cụ thể, nhà trường đã dùng heo bị bệnh sán gạo và gà nát để chế biến thực phẩm cho trẻ dùng, khiến hàng trăm em sau đó đi xét nghiệm đều bị dương tính sán heo. Sự việc khiến người dân tức giận kéo đến trường phản đối, buộc chính quyền phải tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp giữa nhà trường, đơn vị cung cấp thực phẩm và người dân và kỷ luật bà hiệu trưởng để xoa dịu dư luận. (Tr.N)

Hãm hiếp con gái ruột suốt 4 năm, sĩ quan CSVN bị điều tra

Bé gái bị cha ruột là sĩ quân quân đội cưỡng hiếp suốt bốn năm liền. (Hình: Người Lao Động)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một sĩ quan Bộ Quốc Phòng CSVN quê Bắc Giang bị tố cáo đã “xâm hại tình dục” con gái ruột của mình trong suốt bốn năm liền từ khi bé mới 10 tuổi.
Ngày 3 Tháng Tư, 2019, tại cuộc họp báo của Bộ Quốc Phòng, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Đức, cục trưởng Cục Tuyên Huấn, nói với báo chí Việt Nam về việc đang cho điều tra một quân nhân quê ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nghi đã “xâm hại tình dục” con gái ruột trong bốn năm liền.
Theo báo Zing, trước đó hồi cuối Tháng Ba, 2019 vừa qua, Tổng Đài Quốc Gia Về Bảo Vệ Trẻ Em – 111 đã nhận được điện thoại của một giáo viên chủ nhiệm ở một trường trung học cơ sở thuộc huyện Lục Ngạn báo tin về việc một học sinh lớp 8 của mình nghi bị chính cha đẻ “xâm hại tình dục” trong nhiều năm qua.
Theo đó, ông Q.(43 tuổi) bị tố cáo đã cưỡng dâm nữ sinh L. (14 tuổi) hiện đang học lớp 8, nghĩa là cháu L. đã bị cha đẻ xâm hại suốt bốn năm qua, từ lúc mới 10 tuổi.
Sau khi nhận được thông báo, nhân viên tư vấn của Tổng Đài 111 đã hướng dẫn giáo viên để hỗ trợ cháu bé, cũng như liên hệ với gia đình cháu để hướng dẫn chăm sóc và bảo vệ cháu.
Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Trung Tâm Công Tác Xã Hội Tỉnh quan tâm và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hai mẹ con nạn nhân.
Nói với báo Người Lao Động, ông Trần Văn Dĩnh, trưởng Công An Huyện Lục Ngạn, cho biết “Người bị tố cáo là sĩ quan quân đội, sống và làm việc trong doanh trại quân đội nên công an huyện không có thẩm quyền điều tra. Vụ này quân đội sẽ thụ lý.”
Cũng theo ông Dĩnh, hai vợ chồng ông Q. đã ly hôn. Theo quyết định của tòa án, em L. ở với bố tại huyện Lục Ngạn.
Bày tỏ về sự việc trên báo VietNamNet, nhiều bạn đọc chỉ viết ngắn gọn: “Thật khốn nạn. Thằng thú vật.”
Còn bạn đọc Lương Ánh Dương viết: “Thật là đồi bại hết chỗ nói. Đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, bố hiếp dâm con, thầy cô giáo xâm phạm tình dục học sinh, xã hội đen diễu võ giương oai trên mạng xã hội… không có điều gì không thể xảy ra. Chúng ta đang sống dưới xã hội nào đây?”
Trong khi đó, bạn có tên Nguyễn Giang bày tỏ: “Tưởng bị người ngoài xã hội xâm hại đã đủ tởm và lên án. Đây lại chính là bố đẻ, không còn từ gì để nói về bộ mặt của hắn nữa. Thằng dâm ô với bé gái trong thang máy ở Sài Gòn cùng ‘họ’ với hắn. Từ nay trở đi tôi sợ lắm rồi, không dám xem, dám đọc những tin tức như thế này nữa, đau đầu uất ức không ngủ được. Thật là kinh tởm!” (Tr.N)

Kẻ tấn công tình dục bé gái trong thang máy từng gây nhiều ‘án oan sai’

Nguyễn Hữu Linh (hình trái, lúc còn tại chức) và hình ảnh y đang tấn công tình dục bé gái trong thang máy ở Sài Gòn. (Hình chụp từ video clip)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Một ngày sau vụ tấn công tình dục bé gái trong thang máy ở Sài Gòn bị vỡ lở, hôm 4 Tháng Tư, ông Nguyễn Hữu Linh, cựu viện phó Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, liên tiếp bị cộng đồng mạng đưa ra nhiều cáo buộc khác.
Báo Lao Động hôm 4 Tháng Tư cho biết ông Linh “đã đến trình diện Công An quận 4 ở Sài Gòn” nhưng “vẫn phủ nhận dâm ô đối với bé gái.”
“Ông Linh đã khai với điều tra viên và xác nhận ông chính là người trong clip. Tuy nhiên, ông Linh phủ nhận là không có sàm sỡ hay dâm ô gì bé gái mà chỉ là ‘nựng’ cháu bé vì thấy cháu dễ thương,” Thượng Tá Phạm Xuân Thao, phó Công An quận 4, được tờ báo dẫn lời.
Trong một diễn biến khác, ông Phan Thanh Trà, giám đốc Công Ty Thương Mại Phan Ngọc Lê ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, viết trên trang cá nhân rằng ông Linh “là cái tên làm tôi ám ảnh cả cuộc đời, khiến cuộc sống của tôi bị đảo lộn, đưa cả gia đình tôi đến bần cùng, bế tắc. Đó là hệ lụy của vụ án oan sai cũng vì chữ ký của ông.”
Chúng cư nơi xảy ra vụ Nguyễn Hữu Linh tấn công tình dục một bé gái. (Hình: Lao Động)
Liên quan đến cáo buộc của ông Trà, báo Pháp Luật TP.HCM hồi Tháng Tư, 2018, cho hay ông Phan Thanh Trà và ông Nguyễn Tấn Bình (giám đốc Công Ty Trí Tuệ Việt) “rất vui mừng khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án của Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Đà Nẵng.”
Trước đó, công ty của ông Trà và ông Bình tham gia thi công các hạng mục của nhà máy Chefmeat Việt Nam nhưng sau đó xảy ra tranh chấp và cả hai ông đều bị bắt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khiến hai doanh nghiệp của họ bị phá sản.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ông Bình cáo buộc trong vụ này, Cơ Quan An Ninh Điều Tra “đã hình sự hóa hợp đồng kinh tế dân sự dẫn đến án oan sai” và các điều tra viên “đã mớm cung, ép cung, dọa, thậm chí là bắt ghi giấy thông cung ra bên ngoài.”
Trong khi đó, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, nhà báo Hoàng Hải Vân, viết trên trang cá nhân ám ông Linh”‘là đầu sai của Vũ Nhôm”: “Tôi không gọi tên ông ta và không đưa hình ông ta lên đây vì thấy buồn nôn. Là một người từng rất có quyền thế, tên dâm tặc này sau khi đã về hưu đi chơi ở một địa phương khác còn ngang nhiên thực hiện trò dâm ô đồi bại đối với trẻ em, thì hãy tưởng tượng khi còn đương chức, ông ta có thể đã làm những trò đồi bại gì tại nơi ông ta làm việc và sinh sống? Ông ta chính là đầu sai của Vũ ‘Nhôm.’ Mà Vũ ‘Nhôm’ thì ngay cả các tướng lãnh Bộ Công An và một số vị bộ trưởng cũng còn sợ.”
“Nhiều người ở địa phương ông ta làm việc vẫn còn nhớ một vụ án, Viện Kiểm Sát không đủ chứng cứ để phê duyệt lệnh khởi tố, nhưng chính ông ta bất chấp lẽ phải đã phê chuẩn lệnh khởi tố, bắt giam một số người theo yêu cầu của Vũ ‘Nhôm.’ Các nạn nhân của vụ án oan sai này hiện vẫn đang tiếp tục đi đòi công lý. Để trả công cho tên dâm tặc, Vũ ‘Nhôm’ đã ‘thưởng’ cho ông ta một căn hộ cao cấp ở Sài Gòn,” theo Facebook Hoàng Hải Vân. (T.K.)

Bị ‘tạm giam’ 10 năm vẫn chưa ngã ngũ vụ án ‘giết người’

Ông Phạm Duy Lăng tại một phiên tòa. (Hình: Dân Trí)
BÌNH PHƯỚC, Việt Nam (NV) – Hôm 4 Tháng Tư, Luật Sư Ngô Anh Tuấn (ATN Lawfirm) cho biết trên trang cá nhân rằng các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước đã tạm giam một người 10 năm tròn: ông Phạm Duy Lăng, 29 tuổi, người bị bắt hôm 4 Tháng Tư, 2009, và bị truy tố về tội “giết người.”
Ông Lăng bị nghi làm chết một người trong vụ ẩu đả với trai làng tại đám cưới của một người quen. Trong 10 năm, nhiều phiên tòa đã được mở nhưng vẫn chưa thể buộc tội được ông này.
Theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự CSVN 2003, thời hạn tạm giam để điều tra là không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng. Tuy vậy, có thể gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
Thời hạn tạm giam theo luật thì “tối đa là không quá 20 tháng” đối với mọi loại tội phạm. Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự CSVN 2015 cũng giữ nguyên thời hạn tạm giam tối đa đối với tội phạm.
Luật Sư Tuấn viết trên trang cá nhân: “Sau 10 năm tròn, hôm nay Phạm Duy Lăng vẫn mòn mỏi trong trại tạm giam. Đây có thể là một kỷ lục của trại tạm giam cả nước Việt Nam trong thời kỳ đương đại và nó cũng có thể trở thành một vết nhơ trong lịch sử tố tụng Việt Nam khi sự thật được phơi bày.”
“Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bình Phước đã nhiều lần tuyên phạt bị cáo với các mức án khác nhau, từ 16 năm tù giam, sau đó còn 14 năm tù giam. Các bản án của tòa Bình Phước lần lượt bị Tòa Án Nhân Dân Tối Cao và mới đây là Tòa Cấp Cao ở Sài Gòn hủy án, trả hồ sơ điều tra lại. Các luật sư đã nhiều lần viết đơn yêu cầu thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước vẫn ‘kiên định’ với lập trường của mình và duy trì cái sai vốn dĩ đã tồn tại lâu nay. Với họ, có lẽ bắt nhầm còn hơn bỏ sót,” theo Facebook Tuan Ngo.
Luật Sư Tuấn giải thích thêm trên trang cá nhân: “Một vụ án oan sai lớn đã dần lộ diện và không ai trong số các điều tra viên, kiểm sát viên dính vào vụ này mong muốn thừa nhận thực tế và có thể vì thế mà họ có thể làm mọi thứ ngưng đọng lại càng lâu càng tốt.”
Liên quan đến vụ án này, báo Dân Trí hồi Tháng Mười, 2018, cho biết thêm: “Trong các lời khai ban đầu, ông Lăng thừa nhận có dùng chày đánh nạn nhân, sau này ông thay đổi lời khai. Sau bản án sơ thẩm, ông Lăng kháng cáo kêu oan cho rằng mình không giết người. Ngoài ra Hội Đồng Xét Xử phiên phúc thẩm cho rằng quá trình điều tra, xét xử cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, các kết luận giám định pháp y mâu thuẫn nhau…”
Trong một diễn biến khác, ngày 28 Tháng Ba, bản Nhận Xét Kết Luận Về Việt Nam do Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố viết rằng Ủy Ban này “lấy làm tiếc vì mức độ hiểu biết của nhà cầm quyền CSVN đối với Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) còn khiếm khuyết.”
Trang Luật Khoa Tạp Chí tường thuật: “Bản Nhận Xét Kết Luận lo ngại việc Bộ Luật Hình Sự Việt Nam không hình sự hóa một cách rõ ràng đối với hành vi tra tấn. Điều này đã khiến Ủy Ban hết sức quan tâm về các báo cáo tra tấn và ngược đãi phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là tra tấn dẫn đến tử vong trong quá trình tạm giam. Ủy Ban quan tâm đến các báo cáo về các điều kiện giam giữ tồi tệ như giam giữ kéo dài trước khi xét xử, sử dụng cùm xích, cố ý lây nhiễm HIV/AIDS cho tù nhân, từ chối chăm sóc y tế, và giam giữ tù nhân cách xa nơi ở của gia đình họ. Thông Tư 37 của Bộ Công An năm 2011 quy định về việc ‘giam riêng’ được nhắc đến như là một quy định ‘biệt giam’ trong việc phân biệt đối xử với tù nhân, và đặc biệt nghiêm trọng khi có thể được gia hạn đến vô thời hạn.” (T.K.)

Nông dân Việt hết khóc lại cười với thị trường Trung Quốc

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Trung Quốc luôn là khách hàng lớn và nhiều tiềm năng với các mặt hàng nông sản Việt Nam. Nhưng thị trường được xem là dễ tính này chưa bao giờ “dễ ăn” với người Việt.
Báo Thanh Niên hôm 3 Tháng Tư, 2019, cho biết, đầu năm nay, lúa gạo không ngừng rớt giá khiến bà con nông dân đứng ngồi không yên và các địa phương phải lên tiếng kêu cứu. Lý do năm nay Trung Quốc gần như ngưng mua.
Số liệu của Tổng Cục Hải Quan cho thấy, trong hai tháng đầu năm nay Trung Quốc chỉ mua có 9,534 tấn gạo so với 194,845 tấn của cùng kỳ năm 2018. Trong khi trước đây Trung Quốc luôn là nhà nhập cảng gạo lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng đến 30%-40%.
Ngược lại với lúa gạo, từ đầu năm nay nhiều loại trái cây hút hàng sốt giá vì Trung Quốc tăng mua, giá tăng trung bình từ 10,000 đến 20,000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể như thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chuối, mít nhưng nông dân không có hàng bán.
Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn nhận định giá mít Thái vẫn “nóng” liên tục trong thời gian qua. Đây là mức giá rất tốt cho nông dân. Nhờ Trung Quốc tăng mua trở lại nên xuất cảng rau quả cũng khởi sắc.
Nhưng bà con nông dân hẳn chưa quên, năm ngoái nhiều loại trái cây xếp hàng chờ giải cứu.
Việt Nam vẫn còn rất ít doanh nghiệp nông nghiệp. (Hình: Thanh Niên)
Trong nhiều năm qua chuyện nông dân khóc – cười theo thị trường Trung Quốc đã quá phổ biến. Nhưng quy trình, kết cục thì vẫn chỉ có một. Trung Quốc tăng mua, trong nước tăng trồng. Trung Quốc giảm mua, rau, quả đổ cho bò ăn.
Còn nhớ năm 2016, vào cao điểm sốt giá heo – cũng do Trung Quốc tăng mua, nhiều người chăn nuôi ở Đồng Nai tăng đàn ồ ạt trong sự phập phồng “không biết khi nào họ ngưng.”
Bà con nông dân Việt Nam đã thuộc làu những bài học như vậy trong quá khứ nhưng có vẻ nhiều người vẫn hy vọng mình sẽ không trở thành nạn nhân. Nó cho thấy họ đang phải chấp nhận “đánh đu” với thị trường Trung Quốc.
Thực tế cũng khó để trách họ. Vì nếu chấp nhận “đánh đu,” họ vẫn có cơ may trúng giá thậm chí trúng cả giá lẫn mùa. Nếu không cũng chẳng biết trồng cái gì bán cho ai. Nên cứ tranh thủ được lúc nào hay lúc ấy.
Hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam hình thành kiểu nhỏ lẻ và thói quen mạnh ai nấy làm mà chưa liên kết lại với nhau. Nông dân Nhật Bản cũng sản xuất trên diện tích khiêm tốn như Việt Nam nhưng nông sản của họ lại thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới.
Kinh nghiệm của họ là sự liên kết giữa nông dân với nhau cũng như không ngừng nâng cao phẩm chất. Trong khi người Việt có thói quen lấy lượng bù chất, cái nào dễ thì làm. Bằng chứng dễ thấy nhất là ở ngành lúa gạo, nông dân rất thích trồng các giống IR vì nó dễ trồng và cho năng suất cao hơn các giống khác, dù giá thấp hơn. (Tr.N)