Thursday, November 16, 2023

‘Trảm’ nhiều quan chức tỉnh Quảng Nam

 VNTB-17.11.2023 



 (VNTB) – Nhiều quan chức ở tỉnh Quảng Nam với nhóm lợi ích của cựu chính khách Nguyễn Xuân Phúc bị Đảng tuyên… ‘trảm’.   

Cứ mỗi lần mà Ủy ban kiểm tra Trung ương họp dài ngày là sau đó có ngay bản ‘phong thần’ xướng danh các quan chức đầu lĩnh của Đảng bị kỷ luật. Trong thông cáo báo chí phát hành cuối giờ chiều ngày 16-11-2023, người ta đang cảm giác… “chuông nguyện hồn ai” chuẩn bị gióng lên với nhóm lợi ích của cựu chính khách Nguyễn Xuân Phúc. 

Nội dung về “kỷ luật Quảng Nam”, cụ thể như sau: 

Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Trung ương nhận thấy: 

Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiếp nhận công dân về nước phòng, chống dịch; quản lý, sử dụng đất đối với một số dự án đầu tư và thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự. 

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại và nguy cơ thiệt hại lớn tiền, tài sản của Nhà nước, dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. 

Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; 

Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và các đồng chí: Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Văn Thu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Văn Tân, Nguyễn Hồng Quang; đồng chí Huỳnh Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đình Tùng, nguyên Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Văn Mười, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế; Nguyễn Thanh Hồng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Phú, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng; Trần Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Ngọc Tường, Giám đốc Sở Ngoại vụ, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Văn Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế; Thân Đức Sửu, Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Sở Tài chính; Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Tài nguyên và Môi trường; Trần Bá Tú, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng. 

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: 

– Khai trừ ra khỏi Đảng: đồng chí Lê Ngọc Tường, Nguyễn Văn Văn.

 – Cách chức:

 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài chính các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 đối với đồng chí Thân Đức Sửu;

 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 đối với đồng chí Nguyễn Văn Thọ. 

– Cảnh cáo: Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; Đảng ủy Sở Tài chính nhiệm kỳ 2015-2020; Đảng ủy Sở Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2015-2020; Đảng ủy Sở Xây dựng các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các đồng chí: Đinh Văn Thu, Nguyễn Hồng Quang, Huỳnh Khánh Toàn, Nguyễn Phú, Trần Thanh Hà.

 – Khiển trách: Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016-2021 và các đồng chí: Lê Trí Thanh, Mai Văn Mười, Nguyễn Thanh Hồng, Trần Bá Tú. 

UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các đồng chí: Phan Việt Cường, Trần Văn Tân, Trần Đình Tùng. 

UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan, báo cáo kết quả về UBKT Trung ương.


Copyright (C) https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-tram-nhieu-quan-chuc-tinh-quang-nam/ .

Nên công khai tài sản của chính khách đương nhiệm

 Tử Long-17.11.2023



 (VNTB) – Các chính khách đương nhiệm như Vương Đình Huệ, Tô Lâm… thu nhập hàng tháng bao nhiêu tiền mà có thể chu cấp cho con cái học du học ở tận trời Tây? 

Ở Việt Nam chỉ khi chính khách nào đó ‘ngã ngựa’ như cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thì báo chí mới được phép đưa tin về các bất động sản, về ‘của nổi – của chìm’ trong một ‘tần số’ có chủ đích nào đó được gọi là ‘phục vụ yêu cầu điều tra’. 

Giới báo chí gọi đây là “đá gà… chết”. Tin tức sẽ hấp dẫn hơn, có giá trị về phòng – chống tham nhũng tốt hơn hẳn nếu như khi đương quyền cao, chức trọng, chính khách ấy được báo chí ‘săn tìm’ về các tài sản – bất động sản, kiểu như nội thất gỗ của tư dinh cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh hay Lê Khả Phiêu chẳng hạn. 

Thực tế thì đến nay không người dân nào biết được gia đình của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh sống trong cơ ngơi ra sao; bởi vậy nên liêm chính ở đây khó thuyết phục khi bản kê khai tài sản của chính khách luôn được “mật” đến mức không ai dám đề cập đến, dù “xa” hay “gần”. 

Có lập luận vầy: Nếu đang sống trong một quốc gia có nền pháp chế chặt chẽ, thì ông Tô Lâm, ông Vương Đình Huệ đã có thể nghĩ đến việc tiến hành khởi kiện một số cá nhân đưa tin trên mạng xã hội về những nghi vấn liên quan đến tài chính gia đình họ, vì đã “vi phạm bí mật đời tư”.

 Việt Nam, tiếc thay, chưa có luật bảo vệ đời tư, nhưng, ngay cả khi đã có luật này, thì với tư cách một chính khách, chuyện tài sản liên quan đến gia đình các ông bà này được công chúng quan tâm cũng là điều dễ hiểu. 

Không có gì khó hiểu khi ông Tô Lâm, ông Vương Đình Huệ hay ông Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính… nhận được sự quan tâm của công luận. Là đại biểu Quốc hội, các ông này đang là đại diện cho cử tri tại Quốc hội; trong khi về mặt Đảng, các ông là Ủy viên Trung ương, với điều lệ Đảng xác định rõ việc “tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”. 

Trên thế giới, không thiếu những tỷ phú trở thành quan chức. Thị trưởng New York trước đây, ông Michael Bloomberg, là một đơn cử. Nhưng không ai thắc mắc về tài sản của Michael Bloomberg, khi ông là nhà sáng lập kiêm cổ đông chính của hãng tin tài chính khổng lồ Bloomberg. Trước khi bước vào chính trường, ông đã là tỷ phú và với chức danh thị trưởng, ông chỉ nhận mức lương tượng trưng 1 USD/năm. 

Tương tự như Bloomberg, nhiều quan chức – tỷ phú bắt đầu hành trình chính khách của họ khi đã là… tỷ phú. Sự giàu có của họ đã được xây dựng từ sự nghiệp kinh doanh hoặc thừa kế và phần nào đó, chính những thành công trong kinh doanh đã tạo ra uy tín chính trị cho họ. 

Hành trình ngược lại, từ quan chức trở thành tỷ phú, là một câu chuyện khác hẳn.

 Đơn giản là, khi trở thành quan chức, mọi thay đổi về tài sản liên quan đến quan chức sẽ được dân chúng giám sát một cách chặt chẽ; và với riêng cá nhân họ, ngay cả khi nhận mức lương đặc biệt, tài khoản của các quan chức dẫu là cấp cao cũng không thể nào gia tăng một cách nhanh chóng. 

Với bất kỳ quan chức nào, nếu không có “lịch sử” là một doanh nhân hay có nguồn gốc thừa kế đặc biệt nào đó, việc chứng minh tính hợp pháp của một khối tài sản có giá trị lớn là khó khả thi. 

Ở Hàn Quốc, biên bản kê khai tài sản của các quan chức cấp cao và cấp trung được chính phủ nước này công bố trên công báo quốc gia và người dân có thể tìm hiểu, truy cập thông tin này thông qua hệ thống thư viện công cộng. Báo chí cũng công khai đưa tin về nội dung những biên bản kê khai tài sản này. 

Nếu điều này được áp dụng tại Việt Nam, nếu chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của bạc tiền, thì gia đình ông Tô Lâm, ông Vương Đình Huệ hay Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính… sẽ chẳng có gì phải phiền lòng trước các ngờ vực của công luận.

Copyright (C) https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-nen-cong-khai-tai-san-cua-chinh-khach-duong-nhiem/ .

Giá điện tăng đã ‘nhấn chìm’ ngành thép Việt Nam

 Ghi nhanh Hàn Lam 17.11.2023 



 Nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục chìm trong thua lỗ và dự báo càng ảm đạm hơn khi giá điện vừa điều chỉnh tăng. 

Mùa báo cáo tài chính quý III vừa mới bắt đầu đã ghi nhận hàng loạt các doanh nghiệp ngành thép đua nhau báo lỗ. Hàng loạt doanh nghiệp phải chật vật tìm cách xoay sở trong bối cảnh nhu cầu của thị trường suy yếu, giá bán đầu ra giảm mạnh trong khi giá nguyên liệu đầu vào lại đắt đỏ, đặc biệt là giá điện vừa được điều chỉnh tăng. 

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên – Tisco (mã chứng khoán TIS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2023 với doanh thu ở mức 2.414 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu giảm trong khi chi phí tài chính và chi phí doanh nghiệp đều tăng ở mức lần lượt là 13% và 36% so với cùng kỳ đã khiến tổng lỗ sau thuế của doanh nghiệp là 59 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 5 liên tiếp của Tisco. 

Bên cạnh TIS, Công ty cổ phần Thép Vicasa – VnSteel cũng ghi nhận thua lỗ trong quý 3 vừa qua. Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 390 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức lỗ khoảng 3 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, con số này được cho là khả quan vì đã giảm nhiều so với số lỗ 22 tỷ đồng mà công ty này ghi nhận trong quý II vừa qua. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, lũy kế của Thép Vicasa đạt doanh thu 1.256 tỷ đồng và vẫn có lãi sau thuế hơn 3,5 tỷ đồng do kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng cao, trong khi cùng kỳ lỗ 12,5 tỷ đồng. 

Một loạt doanh nghiệp họ VNSteel khác là Thép Thủ Đức – VNSteel (TDS), Thép Nhà Bè – VNSteel (TNB) cũng lần lượt báo lỗ sau thuế 491 triệu đồng, 2,7 tỷ đồng, 58,5 tỷ đồng trong quý III/2023. Kim khí TP. Hồ Chí Minh – VNSteel (HMC) là doanh nghiệp hiếm hoi trong nhóm báo lãi quý III dù mức lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng. 

Hòa Phát dù báo lãi quý III tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận 9 tháng vẫn ở vùng đáy 8 năm. Theo đó, lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 85.430 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 3.830 tỷ đồng, giảm hơn 60% và tương đương 48% kế hoạch năm. 

Trong một báo cáo gần đây Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng ngành thép sẽ chưa thể trở lại đà tăng trưởng từ cuối năm nay. Theo PSI, thị trường bất động sản chưa thể có sự sôi động đủ mạnh để kích cầu cho thép xây dựng, dẫn đến khả năng tiêu thụ thép sẽ phụ thuộc nhiều vào việc triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm của cả nước. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ là rủi ro lớn cho ngành thép về cuối năm 2023. 

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quý IV/2023. Thị trường EU đang trở nên dè dặt hơn với những đơn đặt hàng mới trong tháng 9. PSI nhận định điều này sẽ tiếp diễn trong quý IV khi nhu cầu tiêu thụ là tương đối thấp. 

Đồng thời, giá bán thép cũng đang thiếu những động lực hỗ trợ. Nhu cầu yếu là lý do chính khiến cho giá thép giảm liên tục trong 2 quý vừa qua. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong quý cuối năm. 

Lãnh đạo nhiều công ty thép đều cho rằng chưa thể dự báo được khi nào sẽ bớt khó khi các vấn đề của thị trường bất động sản nói chung vẫn chưa có dấu hiệu sáng hơn. Trong bối cảnh đó thì mới đây, Bộ Công thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 1.920,37 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, tương đương tăng 4,5% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Đây là lần tăng giá điện thứ hai trong năm nay. 

Chi phí giá điện đối với các công ty thép là một gánh nặng và tác động này sẽ gia tăng. Cụ thể, trong báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán MiraeAsset, trong thời gian tới, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy. 

Với toàn cảnh chung đó của kinh tế công nghiệp Việt Nam, cho thấy viễn cảnh của đời sống ở thời gian còn lại ở nhiệm kỳ thứ ba của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng đậm gam màu xám xịt của khủng hoảng niềm tin trong tìm kiếm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.


Copyright (C) https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-gia-dien-tang-da-nhan-chim-nganh-thep-viet-nam/ .

Thị trường bất động sản Việt Nam: gì cũng vướng

 Hàn Lam -14.11.2023 


(VNTB) – 80% khó khăn của thị trường bất động sản liên quan đến pháp lý.

 Ông Bùi Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh, cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể nhất là dự án ở Đồng Nai đang vướng các quy trình, thủ tục liên quan đến khâu cập nhật biến động đất đai. Để đăng ký biến động, doanh nghiệp phải lo hết phần công chứng với các hộ dân cũ, phải tiến hành thủ tục hủy các nội dung đền bù cũ… Nhưng người dân lại không chịu đi hủy công chứng đền bù. 

Còn đơn vị công chứng cũng không chịu làm vì cho rằng họ không liên quan. Thế nên doanh nghiệp loay hoay 1 – 2 năm chỉ dành cho đăng ký biến động sử dụng đất nông nghiệp. Chúng ta áp dụng luật nhưng lại mang tính địa phương cao, điều này đã gây cản trở cho doanh nghiệp. Vậy làm sao cho đúng pháp luật là câu hỏi rất khó cho doanh nghiệp. Việc này, ảnh hưởng lớn không chỉ với lĩnh vực bất động sản mà cả môi trường đầu tư tại Việt Nam”. 

Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng đến 21,86%, trong khi tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm. Bà Hà Thu Giang – vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước – cho biết đến cuối tháng 9-2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tại các ngân hàng đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022 và chiếm tỉ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. 

Trong đó tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỉ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản. 

Giải thích về chuyện dư nợ tín dụng bất động sản, ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holdings ví von: Như một sơ đồ 4 – 3 – 3 trong bóng đá. Doanh nghiệp phát triển một dự án khoảng 30% vốn tự có, 30% huy động từ khách hàng và 40% sử dụng vốn vay. 

Giả sử 40% vốn vay ngân hàng mà dự án bị đình trệ trong 5 năm do pháp lý, sẽ gây thiệt hại rất lớn. Vốn vay từ ngân hàng hoặc trái phiếu, với chi phí bình quân 15% tổng vốn thì mỗi năm sẽ thiệt hại 6% và trong vòng 5 năm doanh nghiệp sẽ bị lỗ 30% và đây cũng chính là phần vốn đầu tư ban đầu. Vậy là, doanh nghiệp chỉ còn lại 30% huy động của khách hàng. 

Còn theo góc nhìn của bà Nguyễn Thị Hồng – thống đốc Ngân hàng Nhà nước – cho rằng vấn đề lớn nhất của thị trường bất động sản là cung – cầu. “Căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất ít, chỉ có một vài dự án thôi. Nên nếu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững thì đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp từ phía cung. Đó là có chính sách để tăng cung nhà ở xã hội” – bà Hồng nhận định. 

Đối với nhu cầu mua nhà để đầu tư, bà Hồng thông tin thêm, thị trường phát triển rất nhanh, tốc độ phát triển cao trong những năm qua. Nhưng nhu cầu đầu tư muốn quay lại thì niềm tin của nhà đầu tư phải trở lại. Niềm tin được giải quyết bằng yếu tố pháp lý. Yếu tố pháp lý rõ ràng thì nhà đầu tư yên tâm khi mua nhà. Hay tính minh bạch của dự án, đặc biệt là vấn đề giá, người ta thấy giá hợp lý sẽ khuyến khích cầu đầu tư. 

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM cũng cho rằng pháp lý là yếu tố then chốt của thị trường bất động sản vì liên quan đến rất nhiều luật khác nhau, từ luật Nhà ở, luật Đất đai, luật Kinh doanh bất động sản, luật Đấu thầu, đấu giá, luật phòng cháy chữa cháy. Trong khi đó, luật của chúng ta lại không rõ ràng, chồng chéo khiến cho mỗi nơi, mỗi người hiểu một cách khác nhau. Vướng mắc cơ bản trong pháp lý là những quy định liên quan đến tính tiền sử dụng đất. 

Ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, cho biết khó khăn về pháp lý đang chiếm đến 80% các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp bất động sản và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. 

Về diễn biến giao dịch trên thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính – phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – nhìn nhận về dự án, cả nước có 1.200 dự án với giá trị 30 tỉ USD đang nằm chờ tháo gỡ. Thực tế, thị trường đang gặp khó khăn do người mua mất lòng tin vào doanh nghiệp bất động sản và thị trường.


Copyright (C) https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-thi-truong-bat-dong-san-viet-nam-gi-cung-vuong/ .

Vụ kêu gọi tặng thẻ BHYT cho học sinh: Nhân ái thôi chưa đủ…

Thái Hạo-16-11-2023

Nhân ngày 20/11, một nhà trường THCS tại Q.6, TP.HCM đề nghị “thay vì tặng hoa, bánh kem thì xin đổi hình thức bằng cách tặng thẻ bảo hiểm y tế học sinh” cho 89 em học sinh “khó khăn không thể mua được thẻ bảo hiểm y tế”, mỗi thẻ có trị giá 680.400đ.

Đây là một hành động đẹp rất đáng được khen ngợi. Tôi chỉ muốn nói thêm vài điều.

Thứ nhất, BHYT học sinh là bắt buộc, nếu không tham gia thì có thể bị phạt cảnh cáo 300.000đ.

Thứ hai, theo tôi, bản chất của bảo hiểm y tế là tốt, vì nó hỗ trợ rất nhiều cho người không may đau bệnh, nhất là gia đình khó khăn. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập trong việc khám chữa bệnh cho đối tượng BHYT (mà ai cũng thấy) nên người dân dần mất niềm tin và chán nản không muốn tham gia, chứ không hẳn họ không thể mua được bảo hiểm với mỗi tháng chỉ khoảng dăm chục nghìn. Cho nên, cái cần sửa chữa chính là chỗ này (dịch vụ và lợi ích thực tế mang lại từ việc tham gia BHYT), để người dân sẵn sàng tham gia mà không hề đắn đo.

Thứ ba, nếu 89 em học sinh trong Thư ngỏ kia thực sự “khó khăn không thể mua được thẻ bảo hiểm y tế” nhưng lại không được xếp vào đối tượng hộ nghèo hoặc cận nghèo để được miễn từ 70 đến 100% tiền đóng BH thì rất có vấn đề. Phải chăng bệnh thành tích đã biến người nghèo thành người “hết nghèo” trong khi cuộc sống của họ vẫn không có gì thay đổi? Ai đã xóa đi cái “thực tế” ấy và ai phải chịu trách nhiệm gọi đúng tên cho hoàn cảnh của họ để không lấy mất những quyền lợi mà đáng ra họ phải được nhận?

Và ngoài 89 em này thì còn bao nhiêu em khác cũng có hoàn cảnh thực sự khó khăn nhưng đã cố mà mua được thẻ BHYT? Và các nhà trường cũng cần có trách nhiệm trong việc này để tìm hiểu, lập danh sách và đề nghị với các cơ quan liên quan trong việc đảm bảo quyền lợi cho học sinh của mình, chứ không phải chỉ dừng lại ở việc kêu gọi lòng hảo tâm.

Tóm lại, đây là một vấn đề mang tính hệ thống và cần được sửa chữa một cách hệ thống, từ việc đánh giá đúng tình trạng kinh tế của người dân đến thay đổi cung cách phục vụ trong khám chữa bệnh BHYT; và từ đó, tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích của việc tham gia cũng như sự chế tài nếu không tham gia.

Xã hội cần nhiều hơn nữa lòng nhân ái và chung tay trách nhiệm, nhưng song song với đó luôn phải đòi hỏi các cơ quan, ban ngành nhà nước làm đúng, làm đủ trách nhiệm của họ. Nhân ái thôi chưa đủ, xã hội muốn tiến bộ thì phải dứt khoát đặt trên nền tảng của sự công bằng, tử tế.

Xây tượng đài cho ngành y trong chống dịch?

 Chu Mộng Long-15-11-2023

43 ngàn người chết trong đại dịch. Các nhà văn mất tích. Chỉ có vài ba người tập tò làm thơ ngợi ca anh Đam. Thơ dở đến mức Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phải xắn tay làm thơ để động viên mọi người chống dịch.

Nay dịch giã đã yên. Nhà văn bắt đầu lên tiếng. Trái tim nhà văn rung lên bần bật khi nghĩ về đại dịch. Nhà văn nói, do vụ án Việt Á và Chuyến bay giải cứu mà người đời đã lãng quên công lao to lớn của đội ngũ y bác sĩ. Nhà văn tha thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho xây dựng tượng đài về ngành y để người đời ghi nhớ công lao của đội ngũ y, bác sĩ.

Hoan hô sự lên tiếng kịp thời của nhà văn. Đúng là nhà văn luôn có tâm hồn và nhân cách lớn, có thể quên khi sự kiện đang nóng hổi chứ nguội đi một chút thì có cơ hội nhớ rất nhanh. Tôi tin, với dự án 350.000 tỉ chấn hưng văn hoá đang bị gây tranh cãi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chắc chắn vui mừng như bắt được vàng. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng không có lí do gì thoái thác, vì đó là vinh dự của cả ngành.

Hiện thực của đại dịch là bi kịch. Không chỉ tưởng nhớ đội ngũ y, bác sĩ mà còn tưởng niệm 43 ngàn người đã chết. Nghệ thuật phải có kịch tính chứ nhàn nhạt thì không cần nữa. Nếu lại là tượng đài chiến thắng thì từ Nam chí Bắc đã có đầy. Nếu hoạ sĩ nào làm được như ý tưởng của tôi, ắt tác phẩm sẽ ấn tượng và lưu hậu thế.

Tôi sẽ ủng hộ 10 triệu đồng. Tôi hứa là tôi sẽ ủng hộ… mà có không hứa thì tôi cũng sẽ ủng hộ.

_____

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: ĐỪNG VÌ VỤ VIỆT Á MÀ QUÊN CÔNG LAO ĐỘI NGŨ Y TẾ!

Vậy là cho tới nay, 11- 2023, có thể nói, dịch Covid 19 trên thế giới và ở Việt Nam đã được gần như chấm dứt. Khi có đại dịch, sự táng tận lương tâm của nhiều quan chức cao cấp trong vụ án Việt Á cũng, đã bị Đảng và Nhà nước xử lí.

Nhưng trong kí ức của tôi không bao giờ phai nhoà được sự đóng góp đầy tinh thần hy sinh cao cả của Ngành y tế mà cụ thể hơn là Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng viên trong cả nước; nhất là khi phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh bị nạn dịch hoành hoành, tạo ra cơn chấn động sự sợ hãi khủng khiếp, nhiều đau thương. Trong giờ phút cam go ấy, đội ngũ y tế thành phố Hồ Chí Minh và toàn ngành y tế đã không sợ cả cái chết, trở thành những chiến sĩ tiên phong y như hành động của các chiến sĩ nơi mặt trận xông vào tận trung tâm nạn dịch để dập tắt chúng.

Ngành tuyên truyền VTV 1 đã tái hiện sự hy sinh cao cả ấy trong bộ phim thời sự tài liệu Ranh giới của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.

Ảnh: Một cảnh trong film Ranh giới. Nguồn: VTV1

Xem lại phim, theo dõi thời sự chính trị bấy nay tôi có cảm giác dường như vụ Việt Á, khuyết điểm rất nghiêm trọng của quản lí ngành y, làm ít nhiều phai nhạt đi của dư luận về sự đóng góp hy sinh vô cùng lớn lao của ngành Y, cụ thể là sự hy sinh của đội ngũ cán bộ nhân viên ngành y tế trong chiến công dập tắt cơn đại dịch, khi họ phải luôn luôn bám bệnh viện, nhiều anh chị em đã rời bỏ gia đình thân yêu của mình từ Hà Nội, từ nhiều địa phương khác tăng cường cho đội ngũ dập dịch ở thành phố Hồ Chí Minh. Sự hy sinh lớn lao ấy tới mức quên thân mình cho bao mạng sống của nhân dân phải xứng đáng được tưởng thưởng.

Tôi được biết ở vài nước như nước Nga, sau đại dịch đã dựng tượng tưởng thưởng công lao của đội ngũ y tế.

Tôi cho rằng điều đó có ý nghĩa, nó vừa ghi nhận một giai đoạn lịch sử của đất nước mà tác dụng to lớn nhất là làm cho con người hiện tại nhìn những tượng đài ấy để làm dày dặn hơn lòng tri ân, một tinh thần văn hoá của người Việt cần giữ gìn.

Nếu có dựng tượng cũng không cần phải quá lớn gây sự thất thoát tiền bạc của nhân dân, gây bức xúc dư luận như các nhóm tượng hay tượng chưa đẹp về nhiều phương diện…

Tôi viết mote này tha thiết kính đề nghị ông Bộ văn hoá Nguyễn Văn Hùng cùng đặc biệt bà bộ Y tế Đào Hồng Lan xem xét, nghiên cứu, để có thể làm điều gì đó để chứng tỏ không vì vụ Viêt Á mà quên đi công trạng của đội ngũ cán bộ và nhân viên ngành Y tế trong giai đoạn đại dịch vừa qua. Chiến công của họ phải mãi mãi được ghi nhận!

Kính thư

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Tôi cũng tha thiết đề nghị bạn bè tôi nếu thấy đúng, chia sẻ, để đến tai Quốc hội ý kiến này.

Chỉ e là Ban Tuyên giáo sẽ cho thiết kế một tượng đài chiến thắng. Theo khuôn mẫu sẽ là hình tượng các bác sĩ vung tay reo mừng, phía dưới chân là những con virus sợ hãi ra đi dưới nắng vàng rực rỡ. Nếu đúng vậy thì chán òm. Quá lý tưởng đến mức xa rời hiện thực!

Tôi đề nghị thiết kế tượng đài như sau. Hình tượng trung tâm là người đứng đầu ngành y, hiên ngang khoác veston, đeo cavat, tay cầm bộ test kit vung lên, miệng cười như địa chủ được mùa. Xung quanh là các bác sĩ khoác áo choàng, mặt phờ phạc, đau khổ, bất lực nhìn các xác chết trong túi nilon. Và la liệt những chiếc hũ sành…

Nghe đài địch (Kỳ 2)

 Nguyễn Thọ-14-11-2023

Tiếp theo kỳ 1

Máy thu hình còn có chỗ để tháo các “kênh đen”, nhưng máy thu thanh thì vô phương. Khi vặn núm dò sóng người ta lướt qua mọi tần số, không theo kênh như TV. Công an Đông Đức muốn phá sóng cũng không được, vì CHDC Đức là thành viên của liên minh viễn thông quốc tế, phải tôn trọng các tần số được phân bổ.

Thế là các bạn STASI nghĩ ra biện pháp gài một loại sóng có tần số thấp, phát xen vào đài phát thanh “địch”. Máy thu vẫn bắt được đài địch kèm tiếng ù ù tần số thấp, không đến nỗi khó chịu, nhưng đủ để STASI nghe thấy. Xe săn đài địch đi đến đâu nhận được tiếng ù ù này thì biết là trong nhà đang ăn trái cấm.

Sau một vài thắng lợi ban đầu, kế hoạch này của STASI cũng đổ bể. Thứ nhất là nó rất tốn tiền. Nghe đâu nhà nước phải xây rất nhiều đài phát sóng kiểu này đặt ở khắp mọi. Thứ hai là vì nó chỉ nhận biết tiếng ù ù qua sóng âm nên chủ nhà chỉ cần đóng cửa sổ lại là xe STASI bị điếc. Hơn thế nữa, có lúc chiếc xe đứng trong một khu phố mà có quá nhiều nơi phát ra tiếng ù ù thì nó bó tay trước thế trận chiến tranh nhân dân.

Ở Đông Đức, không phải chỉ có ông chủ tịch xã mới có cái đài Xiong Mao đeo bên hông, mà là cả làng. Với trình độ như vậy, dù trung thành với CNXH đến mấy cũng không ai cam chịu dùng đài mà không nghe đài địch.

Michael Verleih, bạn tôi, một nhà bất đồng chính kiến từng bị STASI bắt bỏ tù, dù cha bạn là người cộng sản khai quốc công thần của CHDC Đức từ năm 1949 [1]. Một hôm Michael đi học về thấy ông Heinz, bố bạn đang nghe đài RIAS [2]. Bạn ngạc nhiên hỏi: Ở trường cô giáo bảo nghe đài địch là xấu mà bố!

Bố ôm cậu vào lòng: Quan trọng là phải biết nghe tiếng nói từ phía bên kia con ạ!

Rõ ràng bức tranh “Nghe đài địch” ở Đức và Việt Nam hoàn toàn khác nhau, cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự khác biệt này biểu hiện qua cái cách mà hai đất nước được thống nhất.

Trình độ chống đài địch cũng vậy. Biết là không cách gì cấm dân nghe, STASI tìm cách phản công. Từ năm 1960, đài truyền hình CHDC Đức lên một chương trình gọi là “Kênh truyền hình đen” (Der schwarzer Kanal) [3]. Chương trình này do ông Karl Eduard von Schnitzler khởi xướng từ tháng 3.1960. Ông này tuy dòng dõi quý tộc (bá tước) nhưng thiên tả, chống phát xít từ trong trứng. Ông là nhà báo chính trị cộm cán ở miền Tây chạy sang CHDC Đức vì ghét tư bản như hủi.

Ảnh: Chương trình “Kênh truyền hình đen” của CHCD Đức, chuyên phản pháo các chương trình TV của Tây Đức. Nguồn: Der schwarze Kanal

Ông bá tước đỏ tìm những chương trình “địch” đang được dân Đông Đức thích. Ông không giấu giếm nội dung mà dùng chính các hình ảnh đó để phản kích. Ông có tài bẻ ngược mọi lập luận của phương Tây nên những người yêu CNXH như tôi rất khoái nghe ông bẻ ngược. Trong gần 30 năm tồn tại, cứ tối thứ hai hàng tuần, “Kênh TV đen” của von Schnitzler đã 1.519 lần đem các chương trình “có vấn đề” của các đài Tây Đức ra mổ xẻ. Không chỉ dân Đông Đức, mà giới cánh tả ở miền Tây cũng thích chương trình này. Báo chí Tây Đức ghét von Schnitzler lắm.

Ảnh: Nhà bình luận Karl-Eduard von Schnitzler. Vị bá tước đỏ này là nhà tuyên truyền hàng đầu của CHDC Đức, chuyên thách thức các nhà báo Tây Đức. Nguồn: © DRA Babelsberg

Năm 1986, tôi đi công tác ở Tiệp Khắc. Bên đó bắt được cả đài truyền hình Áo lẫn đài Đông Đức. Nghiện “kênh đen” tôi mò xem ông thầy nói gì. Bên Tây Đức chê nạn thiếu cà phê ở Đông Đức. Ông nói rằng, cà phê bên tây là “bóc lột xương máu của người lao động Nam Mỹ, vì mua với giá rẻ mạt, là cà phê thực dân mới”. CHDC Đức lúc đó mới sang Việt Nam đầu tư vào các nông trường cà phê. Cà phê Đông Đức sẽ mang lại phúc lợi xã hội cho hàng vạn nông dân Việt Nam, là cà phê chống thực dân. Tôi nghe mà ấm cả lòng.

Nhưng “Cà phê Đức” ở Tây Nguyên chưa kịp ra quả thì nước CHDC Đức đã sụp đổ vào năm 1989. Vì không phạm tội hình sự gì nên ông bá tước vẫn hưởng lương hưu cao ngất ngưởng trong nước Đức thống nhất, vẫn được làm cố vấn cho các tạp chí cánh tả. Năm 1999, trong một talk show chính trị, ông vẫn khẳng định là, CNXH ở Đức bị sụp đổ không phải vì nó xấu, mà vì những người làm tuyên truyền như ông chưa hoàn thành nhiệm vụ đưa thông điệp của nó đến mọi người dân. Tuyên truyền thế mới khủng.

Giá như Việt Nam cũng có các khủng long như vậy thì khỏi phải chặn BBC, VOA hay RFI tiếng Việt. Cứ lấy chính tin địch mà phang ngược lại. BBC đã nhiều lần giúp Việt Nam đào tạo phóng viên và luôn giang tay hợp tác. Vậy mà chặn đài của họ trên mạng thì quả là chơi không đẹp. Tường lửa trong thời buổi công nghệ chỉ còn là trò lố bịch. Đó là chưa kể đến tính cẩu thả của người Việt khiến cái tường lửa rách như tổ đỉa. BBC vẫn xác định được 70% độc giả truy cập trang của họ xuất phát từ Việt nam.

Rách việc! Sao không theo phương châm: “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó… sợ gì” [4] cho xong.

Ngày nay ranh giới địch-ta lẫn lộn. Báo của “ta” vẫn bị bạt tai, phải gỡ bài. Có nghĩa là có lúc anh từng là địch, đưa tin độc hại. Còn báo đài địch thì đôi khi khen ta hùi hụi. Rất nhiều người đã từ bỏ khái niệm “địch-ta”, chỉ hướng tới thông tin đa chiều. Thậm chí có người từ báo ta, chỉ xem báo Tây. Nhưng báo Tây thì không phải lúc nào cũng chính xác. Tự do báo chí phương Tây không có nghĩa là không có kiểm duyệt và không định hướng.

Trong xã hội dân chủ, báo chí không nằm trong tay nhà nước mà do tư nhân hoặc xã hội nắm. Báo tư nhân thì phải sống bằng nguồn thu, vào lượng độc giả. Mỗi tờ báo đại diện cho một khuynh hướng và có khối độc giả riêng. Đã như vậy thì chớ làm cho họ phật lòng và quay lưng. Chạy theo sở thích “main stream” để kiếm ăn chính là sự kiểm duyệt và định hướng rất hiệu quả.

Cũng may là truyền thông tư sản bám vào nhiều nhóm lợi ích khác nhau nên chúng cũng chạy theo các main stream khác nhau. Vì vậy, bức tranh ít đơn điệu hơn là ở những nơi chỉ có một ban tuyên huấn.

Người Việt trước đây đói ăn nhưng nay thì nhiều người ốm đau vì ăn uống lung tung hơn là vì thiếu ăn. Và người ta đang bị rối trí không phải vì thiếu tin mà vì ngập trong các loại tin đểu, tin rác, quảng cáo và tin nhắn các loại. Vậy những ai thanh minh là mình thiếu thông tin thì nên xem lại mình.

Để tránh bị ngộ độc thông tin thì điều quan trọng là phải biết chắt lọc và phải biết nhìn nhận thực tế: Thông tin đa chiều hay ngược chiều là để mình biết thế giới quanh mình đang ra sao, chứ đừng chỉ tìm những nguồn tin nghe sướng tai, giúp mình hả giận để nhìn thế giới như mình mong muốn.

Người biết xử lý tin đa chiều sẽ không bao giờ nghĩ rằng nước Ukraine bé nhỏ, không có bom hạt nhân, lại có thể đe dọa một nước Nga có nhiều bom nguyên tử nhất thế giới. Người hiểu biết càng không thể biện hộ cho việc đem bom đạn vào tàn phá hủy diệt một đất nước, một dân tộc láng giềng nhỏ bé. Tin đa chiều cũng làm cho người ta không thể lạc quan rằng, lòng yêu nước của người Ukraine và vũ khí phương Tây sẽ mau chóng đập tan bọn “Nga ngố”. Ngố mà không coi xương máu dân mình ra gì thì ai cũng phải sợ, chưa nói đến chuyện nó không “ngố” như ta mong.

Tin đa chiều cũng sẽ giúp người ta không phát biểu hồ đồ kiểu: “Hồi giáo là hiểm hoạ toàn cầu”, “Các nước Ả Rập phải nhận hết người Palestine về đó để hòa bình cho Israel”… Người có hiểu biết thấy ngay vụ thảm sát của Hamas ngày 7.10 là tội ác chiến tranh man rợ và những thảm họa đang gây cho trẻ em, người già Palestine ở Gaza cũng là tội ác chiến tranh, nhưng kiểu “văn minh”.

Thông tin đa chiều cũng giúp người ta nhận ra bức tranh một cậu bé nông thôn xưa thiếu đói, nay đã có ăn. Cậu lớn nhanh nên bộ quần áo vải nâu sồng bị cơ thể xé bung đường chỉ. Cậu đã mua được những bộ quần áo jean lòe loẹt, rẻ tiền để mặc. Cậu lớn rất nhanh, nhưng bọn trẻ xung quanh vẫn lớn nhanh hơn cậu. Cơ thể phát triển nhưng đầu cậu vẫn nghĩ theo kiểu thằng Bờm nhà nông nên những bộ jean cậu sắm luôn cũn cỡn, để lộ nhiều vết sẹo. Cậu vụng về nên luôn đứt tay, đứt chân, tạo ra những vết sẹo mới. Nhiều người nhìn cách Bờm loay hoay thì buồn cười, chê trách cậu. Họ giục cậu học thằng nọ, con kia. Nhưng Bờm không thể là thằng Peter hay con Anna được. Bờm vẫn sống, vẫn nhút nhát, vẫn khôn lỏi, vẫn cười hề hề với mọi sai lầm của cậu và… vẫn đang lớn, đang bắt đầu học xài hàng hiệu, học sống kiểu tư bản.

Đó là thực tế, ai biết cách “nghe bên kia nói gì” cũng đều thấy.

______

[1] Cuộc đời của Michael Verleih được kể trong “Hai Quê Hương” https://books.google.de/books?id=L9-0EAAAQBAJ

[2] RIAS: Radio Im Amerikanischen Sektor = Đài phát thanh trong khu vực Mỹ (chiếm đóng) là đài được dân Đông Đức nghe nhiều nhất vì nó phát từ Tây Berlin, nằm lọt thỏm trong lòng CHDC Đức.

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Der_schwarze_Kanal

Di sản thế giới hay ao làng? (Kỳ cuối)

 Nguyễn Thông-12-11-2023


Tiếp theo kỳ 1 và kỳ 2

Không chỉ ông trời lấn biển mở đất mà chính người cũng liên tục ăn biển. Cách nay cũng chưa xa, gần nửa thế kỷ chứ bao nhiêu, những năm 80 trở về trước, người ta ít quan tâm tới đất ven biển. Từ Móng Cái Quảng Ninh lần theo bờ biển qua Hải Phòng, Nam Hà, Ninh Bình, Thanh Hóa vào tít tận Vĩnh Linh, rồi sau 1975 kéo tới tận Cà Mau, Rạch Giá, đất ven biển rất hoang sơ, chả mấy ai để ý, không bị những khu du lịch, rì sọt, khách sạn chia năm xẻ bảy, xâm chiếm như sau này.

Ông bạn tôi bảo, đến ngay cả Hoàng Sa, Trường Sa còn không được vào bản đồ, vào sách giáo khoa thì mấy vùng rừng ngập mặn, nước lợ, cửa sông, bãi bồi, ai mà thèm để ý. Nhắc vậy để thấy rằng, con cháu rất có lỗi với tiền nhân, tổ tiên, những người khai sơn phá thạch, lấn biển mở mang và bảo vệ bờ cõi, như cụ Nguyễn Công Trứ chẳng hạn.

Năm 1974, đám sinh viên chúng tôi đi thực tế ở Thái Bình, tôi và anh Nguyễn Ngọc Xuân người Ninh Bình cán bộ đi học được phó về Tiền Hải huyện biển, trụ ngay xã Đông Minh sát biển. Hơn tháng trời, hai anh em lặn lội khắp vùng, cả ruộng lúa lẫn đồng cói. Tối về ở nhà ông cụ Tại đã 90 tuổi, da đỏ đắn, tiếng oang oang, nhà ven đê trông ngay ra bãi biển. Hầu như xã nào cũng có đền thờ cụ thượng Trứ, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, vị thành hoàng của mọi làng, người đứng đầu cuộc khẩn hoang lấn biển mở mang đất đai ruộng đồng cho xứ Tiền Hải này. Cứ gặp đền thờ cụ thượng là anh Xuân lại vào khấn vái thành kính lắm. Anh kể, không chỉ Tiền Hải, Thái Bình, mà ngay Kim Sơn, Ninh Bình quê anh cũng đội ơn cụ lắm lắm về cái công khai phá.

Giờ ngồi nhớ lại, lẩn mẩn nghĩ chỉ một mình cụ Nguyễn Công Trứ làm việc hiệu quả bằng cả cái bộ Tài nguyên Môi trường thời nay. Chả biết có phải nhờ thành kính với cụ thượng không mà anh Xuân sưu tầm được rất nhiều thơ ca dân gian, riêng cụ Tại đã góp cho khoảng một phần ba, về làm cái khóa luận khá tày tặn nộp thầy Chu Xuân Diên. Từ khi ra trường chia tay nhau tới giờ, cả đám không đứa nào bắt liên lạc được với cán bộ đi học Nguyễn Ngọc Xuân người Ninh Bình nữa. (Ai biết tung tích cụ Xuân học khoa Văn, Tổng hợp khóa 17, xin chỉ giùm, đa tạ).

Lấn biển mở mang đất nước, làm lợi cho dân, tạo thêm di sản, như cụ thượng Trứ gây dựng, thì ai dám ý kiến ý cò. Lại có người đem vụ Quang Hanh hôm rồi so với cuộc khai phá đảo Tuần Châu của đại gia Đào Hồng Tuyển, hoặc nước UAE bên Trung Đông xây hẳn thành phố hoành tráng giữa biển, ngầm ý người ta cũng “đổ đất lấn biển” đó, sao không nói đi.

Đành rằng vụ khai phá đảo Tuần Châu cũng chưa hẳn đúng với luật di sản, cả việc lấp biển làm đường nối ra đảo, nhưng thời ấy ý thức về di sản thiên nhiên, bảo vệ di sản đâu có sâu đậm như sau này. Tôi đồ rằng vào thời điểm hiện nay, nếu Tuần Châu vẫn còn hoang sơ, thì cũng như Hạ Long, Bái Tử Long thôi, sẽ không có chuyện đô thị hóa “Tuần Châu trong mắt ai” bằng xi măng, bê tông, làm vĩnh viễn mất vẻ đẹp thiên nhiên vô giá mà ông trời ban tặng. Trong cuộc sống xô bồ, kim tiền, dục vọng, ăn chơi, nhảy nhót, lấn át tất cả, thì người ta chưa thấy tiếc cái đã mất đâu.

Cả nước này, 63 tỉnh thành, giả dụ mỗi tỉnh đều có thứ di sản đặc biệt như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long thì thiên hạ sẽ kệ, mặc đám Quảng Ninh và trung ương muốn làm gì thì làm, có nung vôi hòn gà hòn vịt, bịt hang Đầu Gỗ, san phẳng Bái Tử Long để phân lô bán nền cũng kệ. Khổ nỗi, nó độc nhất vô nhị, chẳng riêng ở Việt Nam mà cả thế giới.

Cần nói thêm rằng, Hạ Long (vùng lõi di sản) rất đẹp, hữu tình, hiếm có, nhưng Bái Tử Long (vùng đệm, vùng bảo vệ 2) cũng chả kém cạnh, một chín một mười. Chẳng qua nó hơi xa tỉnh lỵ nên bị thờ ơ thôi. Không hiểu sao nhà chức việc lại chỉ làm hồ sơ di sản cho Hạ Long, mà lạnh nhạt với Bái Tử Long. Mà cả cái khu vực biển đảo nhấp nhô thiên hình vạn trạng chỗ 10B Quang Hanh, Cẩm Phả, đang bị xâm lấn trắng trợn, cũng bị buông lỏng vậy. Nhẽ ra, tất cả phải được coi là di sản lõi, vùng bảo vệ 1. Đứa nào phạm vào, chặt tay. Xây vài dãy nhà ở đó cùng lắm chỉ lợi cho đám xôi thịt kim tiền ăn xổi ở thì, chứ cảnh quan quý giá thì vĩnh viễn mất, có tội với con cháu mai sau.

Nhà nước chưa coi (hoặc không coi) toàn bộ khu vực danh lam thắng cảnh này là di sản cần được bảo vệ thì không có nghĩa đó cũng là quan điểm của dân. Làm ngơ vụ Quang Hanh hoặc tìm cách che đậy nó, chính quyền sẽ tự vẽ nên bộ mặt thật của mình.

Di tích triều Nguyễn ở Huế ngập trong nước lũ

 THỪA THIÊN HUẾ, Việt Nam (NV) – Nước lũ lên nhanh tràn vào kinh thành Huế, gây ngập nhiều di tích thời triều Nguyễn.

Theo báo VNExpress, từ hôm 13 đến sáng 16 Tháng Mười Một, mưa lớn cộng với nước lũ từ thượng nguồn sông Hương đổ về nhanh khiến nhiều khu dân cư ở thành phố Huế ngập sâu cả mét.

Nhiều điểm bên trong Đại Nội Huế bị ngập. (Hình: Võ Thạnh/VNExpress)

Nước lũ tràn vào kinh thành Huế, không chỉ làm tuyến đường 23 tháng 8 trước lầu Ngũ Phụng, cửa Ngọ Môn bị ngập nặng, mà cả Đại Nội Huế, Điện Thái Hòa, Nghênh Lương Đình… cũng mênh mông nước.

Cụ thể, tuyến đường Trần Hưng Đạo trước đình Thương Bạc do vua Tự Đức xây dựng năm 1875 để tiếp đón các sứ thần, là nơi làm việc hằng ngày của các quan lo việc ngoại giao, đồng thời cũng để tiện việc đối phó với đại diện của Tòa Khâm Sứ Pháp, hiện biến thành sông, người dân phải đi lại bằng thuyền.

Tương tự, di tích Nghênh Lương Đình, một trong hai công trình nổi tiếng của triều Nguyễn cũng bị nước lũ bủa vây.

Trong khi đó, di tích Bình An Đường được xây dựng vào năm 1823 dưới thời Vua Minh Mạng – nơi khám chữa bệnh cho thái giám, cung nữ – nằm trên đường Đặng Thái Thân bị ngập 0.5 mét.

Xung quanh hoàng thành Huế, nước lũ vẫn đang bủa vây. Lũ tràn vào hộ thành hào nằm trước kinh thành Huế khiến tuyến đường Trần Huy Liệu dọc kinh thành ngập sâu 0.5 mét, vắng bóng người qua lại.

Nhiều tuyến đường trong kinh thành Huế như Lê Thánh Tôn, Mai Thúc Loan, Đoàn Thị Điểm vẫn đang còn ngập. Người dân tranh thủ thả lưới trên hồ bao quanh hoàng thành Huế để bắt cá tôm…

Hiện nhiều điểm bên trong Đại Nội Huế vẫn đang bị ngập. Để tránh đàn cá chép, cá koi thoát ra bên ngoài, Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Huế phải dùng lưới vây lại.

Thậm chí, nằm bên sông Phổ Lợi, đình làng Dương Nổ – “Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt” – cũng bị ngập khoảng 1 mét.

Tuy đang bị ngập, song nhiều du khách ngoại quốc vẫn lội bì bõm vượt qua cửa Ngăn để vào thăm viếng kinh thành Huế. Nhiều người tỏ vẻ thích thú khi trải nghiệm “du lịch trong mưa lũ.”

Nước lũ tràn vào hộ thành hào nằm trước kinh thành Huế, ngập sâu 0.5 mét. (Hình: Võ Thạnh/VNExpress)

Theo báo đài trong nước, Thừa Thiên Huế là tâm mưa trong đợt mưa lũ hôm 13 và dự kiến kéo dài đến hết ngày 17 Tháng Mười Một. Trừ huyện A Lưới, tám huyện thị của tỉnh đều bị ngập.

Nằm ở hạ du ven sông Hương, toàn bộ 36 phường, xã của thành phố Huế đến tối 15 Tháng Mười Một ngập 0.5-1.2 mét, trong đó khoảng 8,500 gia đình bị ngập sâu 0.8-1.2 mét, làm một người chết, một người mất tích do lật ghe. (Tr.N) [qd]

Hàng chục ngàn phòng khách sạn, nhà hàng ở Việt Nam ế ẩm, ngưng trệ

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng chục ngàn phòng khách sạn ở Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Vịnh Hạ Long… đang đóng băng, các dịch vụ giải trí, nhà hàng cũng đều ngưng trệ.

Đây là thông tin được loan ra tại hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững,” diễn ra hôm 15 Tháng Mười Một.

Nhiều khách sạn ở Nha Trang ế dài không có khách đặt phòng. (Hình: An Bình/Zing)

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa trụ sở chính phủ Việt Nam với trụ sở Ủy Ban Nhân Dân 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, do ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, chủ trì.

Báo Tuổi Trẻ hôm 16 Tháng Mười Một dẫn lời bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Sovico Holdings, phát biểu tại hội nghị cho biết những điểm đến quốc tế xinh đẹp như đảo Phú Quốc, vịnh biển Nha Trang, con đường di sản miền Trung Huế-Đà Nẵng-Hội An, kỳ quan Vịnh Hạ Long… đang đóng băng hàng chục ngàn phòng khách sạn, dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ.

Tính đến hết Tháng Mười vừa qua, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 10 triệu lượt, chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước dịch COVID-19.

Thừa nhận du lịch Việt Nam kém hút khách quốc tế, ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam, cho rằng nguyên do công tác xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch chưa tốt.

“Việc khai triển xúc tiến ở ngoại quốc để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam quá ít, nhiều hội chợ quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới bị bỏ qua hoặc nếu tham gia cũng rất cầm chừng khiến hình ảnh du lịch Việt Nam mờ nhạt,” ông Bình giải thích.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, phó tổng giám đốc tập đoàn Sun Group, nhận định cùng với việc ưu tiên ngân sách nhiều hơn cho quảng bá và xúc tiến du lịch, chính phủ nên mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn như Úc, Canada, Mỹ, các nước EU và một số nước khu vực Trung Đông…

Tuy nhiên, biện minh cho việc này, ông Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công An, cho biết từ khi Luật Xuất Nhập Cảnh có hiệu lực hôm 15 Tháng Tám, đến 14 Tháng Mười Một vừa qua đã có khoảng 5.6 triệu lượt người ngoại quốc nhập cảnh vào Việt Nam, tăng 1.8 lần so với năm 2022. Trong đó, 85% lượt người ngoại quốc nhập cảnh với mục đích du lịch, còn lại là đầu tư, làm việc, thăm thân nhân, du học.

Riêng đối với đơn phương miễn thị thực, có hơn 1.25 triệu lượt, cao hơn 1.6 lần so với năm trước.

Hội nghị “Phát triển du lịch nhanh, bền vững” trực tuyến giữa trụ sở chính phủ Việt Nam với trụ sở ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố, do ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, chủ trì. (Hình: Dương Giang/Thông Tấn Xã Việt Nam)

Song, các đại biểu tham dự đồng tình cho rằng Việt Nam cần mở rộng các chính sách visa, miễn thị thực, xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ, các sự kiện mang tầm quốc tế và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch để tháo gỡ các điểm nghẽn trong thu hút khách quốc tế tới Việt Nam.

Để xoa dịu các doanh nghiệp, phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Minh Chính chỉ nói chung chung và yêu cầu Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch “khẩn trương trình thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.” (Tr.N) [qd]