Tuesday, January 17, 2017

Lá cờ vàng – Biểu tượng kế thừa lịch sử Việt

Image may contain: one or more people

Bản chất sự tồn tại và phát triển của tất cả quốc gia và dân tộc luôn mang tính kế thừa.  Một quốc gia mới được thành lập do dành được độc lập, hay thay đổi thể chế chính quyền đều thừa hưởng từ quốc gia cũ, ngoài những giá trị mang tính “vật chất” như lãnh thổ, tài sản, công dân còn thừa hưởng luôn những giá trị thuộc tính “tinh thần” như văn hóa, ngôn ngữ.  Trong lãnh vực “Văn hóa” còn còn chứa đựng những giá trị “trừu tượng” mang tính truyền thống thiêng liêng như biểu tượng quốc gia, linh vật/tô tem hay lá cờ.
Trên bước đường tị nạn Cộng sản, người Việt quốc gia dù tản mát khắp địa cầu nhưng vẫn qui tụ một lòng dưới lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thiêng liêng.
Lá cờ Vàng, không những là biểu tượng của chính nghĩa Quốc Gia của thể chế Việt Nam Cộng Hòa mà còn là sự kế thừa quyền tự chủ của dân tộc Việt trước hiểm họa thống trị từ phương Bắc.
Qua phong trào Nghị Quyết Cờ Vàng tại Hoa Kỳ, lá cờ Vàng đã được cộng đồng Người Việt Quốc Gia yêu chuộng Tự Do-Dân Chủ chọn làm biểu tượng “Di sản và Tự Do” và được xác nhận qua những nghị quyết ở các cấp chính quyền tại những tiểu bang mà người Việt cư ngụ.
Trừ Liên Sô là một thực thể qui tụ các chính quyền Sô Viết được thành lập sau năm 1917 mang lá cờ đỏ với hình búa liềm.  Nhưng nước Nga, với thuộc tính của dân tộc Nga, sau khi chế độ Cộng sản bị tổng thống Yelsin giải thể, đã tiếp tục truyền thống lá cờ 3 vạch ngang Xanh, Trắng, Đỏ đã xuất hiện trên những thương thuyền người Nga thời trung cổ và là lá cờ của vị quân vương Ivan đệ Tứ lãnh địa Tsardom of Muscovy có từ năm 1547.  Lá cờ này được “kế thừa” sang đế quốc Nga dưới thời Đại đế Peter.  Khi nước Nga lật đổ chế độ Sô Viết, quốc hội Duma đã chọn lá cờ của quân vương Ivan đệ tứ và Đại đế Peter là biểu tượng “hồn thiêng” của Cộng hòa Liên Bang Nga.  Đương kim tổng thống Nga, Vladimir Putin, dù là một điệp viên KGB thời Sô Viết, một cựu đảng viên Cộng sản, cũng chưa hề tỏ ra mong muốn thay đổi biểu tượng truyền thống dân tộc này.
Ví dụ tương tự cho lá cờ của Đông và Tây Đức.  2 thể chế dù đối chọi nhau nhưng đều xử dụng một nền cờ ba vạch màu Đen, Đỏ và Vàng.
Khác với tinh thần của những nước cựu cộng sản như Nga và Đức, người Cộng Sản Việt Nam cuồng tín trong tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản, họ sẵn sàng xóa bỏ lịch sử cũng như truyền thống dân tộc.
Những người cộng sản Việt Nam ngay từ thời Hồ Chí Minh còn trong phong trào Việt Minh đã chọn biểu tượng nền màu đỏ và sao vàng giống như cờ của Liên Xô và Trung Cộng.  Là cờ đỏ với sao vàng thời Việt Minh và quốc kỳ của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay lại giống cờ của tỉnh Phúc Kiến, cũng cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh nhưng với sao to và thô hơn.
Thế hệ trẻ Việt Nam sau 40 năm bị cai trị bởi những người Cộng Sản đã bị giáo dục nhồi sọ xóa đi sự thật lịch sử.
Các thế hệ sinh trưởng sau 1975 không biết rằng lá cờ với nền màu Vàng đã là biểu tượng của dân tộc từ thời thời Hai Bà Trưng.  Rồi sau đó, nền màu Vàng đã được kế thừa sau bao nhiêu triều đại nối tiếp.  Mỗi một triều đại thời quân chủ đã thêm những nét đặc trưng khác nhau nhưng vẫn trên nền cờ Vàng.
Sang qua thời lịch sử cận đại, các lá cờ Đại Nam Quốc Kỳ (1890), sang qua Long Tinh Kỳ (1920), Long Tinh Đế Kỳ (3-8/1945), cờ Quẻ Ly (3-9/1945) đã là tiền thân của lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của Quốc Gia Việt Nam và sau đó được Việt Nam Cộng Hòa kế thừa.
Chắc chắn, thế hệ được sanh trưởng tại Việt Nam sau năm 1975 hay ngay cả những người được sinh trưởng tại miền Bắc Việt Nam trước năm 1975, khi nhìn vào lịch sử của biểu tượng lá cờ mà dân tộc Việt đã chọn từ thời Hai Bà Trưng cách đây 2000 năm trải qua các triều đại đều sẽ nhận ra rằng: lá cờ Vàng mới thật sự được kế thừa lịch sử dân tộc.  Còn lá cờ Đỏ chỉ là sản phẩm ngoại bang đến từ phong trào Quốc tế Cộng sản, hơn nữa, đang là biểu tượng của thế lực xâm lăng Trung Cộng.
Khi chưa được khai sáng, ai cũng bị lầm lạc.
Hơn bao giờ hết, trong công cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, người Việt quốc gia tại hải ngoại cần nhiều nỗ lực hơn nữa để hướng dẫn những thế hệ trưởng thành dưới chế độ Cộng sản Việt Nam bị bưng bít thông tin từ sau năm 1954 tại miền Bắc và sau 1975 trên toàn cõi Việt Nam.
Mai Phi Long /SBTN

Trung Cộng làm ngơ yêu cầu liên lạc của Việt Nam về 3 nhà máy nguyên tử

Trung Cộng làm ngơ yêu cầu liên lạc của Việt Nam về 3 nhà máy nguyên tử
Ảnh: Tuổi Trẻ
Trung Cộng vẫn chưa hồi đáp yêu cầu của Việt Nam nhằm thiết lập liên lạc giữa hai nước về việc đưa ba nhà máy điện nguyên tử đi vào hoạt động gần biên giới, một việc có thể đe dọa môi trường và mạng sống của cư dân Việt Nam ở gần đó.
Báo Tuổi Trẻ hôm 17/01 cho biết, đề nghị mới nhất thiết lập kênh trao đổi về hạt nhân được đưa ra, giữa lúc có chuyến thăm Trung Cộng của tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng. Không chỉ đề nghị này chưa được phản hồi, mà một đề nghị tương tự từ Cục An Toàn Bức Xạ Và Hạt Nhân, thuộc Bộ Khoa Học Và Công Nghệ Cộng Sản Việt Nam, đưa ra từ cả tháng nay cũng bị làm ngơ. Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Tuấn Khải, cục trưởng Cục An Toàn Bức Xạ Và Hạt Nhân, cho biết lời đề nghị trước là do bộ trưởng Bộ Khoa Học Và Công Nghệ đưa ra với bộ trưởng Bộ Khoa Học Và Công Nghệ Trung Cộng, khi quan chức này có chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 12 vừa qua. Theo ông Khải, cho đến giờ phía Trung Cộng không có một phản hồi nào.
Ba nhà máy điện nguyên tử vừa được Trung Cộng đưa vào hoạt động thương mại hồi năm ngoái gồm nhà máy Phòng Thành ở Quảng Tây, nhà máy Trường Giang ở Quảng Đông, và nhà máy Sương Giang ở đảo Hải Nam.
Việt Nam và Trung Cộng đều là thành viên Công Ước An Toàn Hạt Nhân, qua đó mỗi thành viên đều có quyền yêu cầu thành viên khác báo cáo tình trạng an toàn của bất cứ nhà máy nào.
Huy Lam / SBTN

Vợ bí thư xã chém chủ nợ 17 nhát thoát án tử hình nhờ luật mới

Vợ bí thư xã chém chủ nợ 17 nhát thoát án tử hình nhờ luật mới
Ảnh: mangtinmoi.com
Một người vợ bí thư xã ở Bà Rịa – Vũng Tàu vừa được miễn án tử hình theo một điều khoản mới của bộ luật hình sự năm 2015, dù bộ luật này bị quốc hội dời ngày ban hành.
Bà Lê Thị Hường 42 tuổi, vợ nguyên bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức, bị tuyên án tử hình về tội giết người trong vụ chém hai vợ chồng chủ nợ 17 nhát dao hồi tháng 1 năm 2013. Hôm Thứ Ba, tòa án tối cao Cộng Sản Việt Nam vừa quyết định chuyển hình phạt dành cho bà Hường từ tử hình xuống 20 năm tù.
Chánh án Nguyễn Văn Hiến của tòa án Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, quyết định của tòa án tối cao căn cứ vào điều khoản mới của bộ luật hình sự 2015, quy định về “trường hợp phạm tội chưa đạt”, tức là khi nạn nhân của vụ giết người chưa chết. Theo tòa án tối cao CSVN, thì dù bộ luật hình sự 2015 đã bị quốc hội hoãn thi hành, nhưng các quy định có lợi cho người phạm tội vẫn được áp dụng.
Theo hồ sơ vụ án, bà Hường vay của một cặp vợ chồng 80 triệu đồng đã lâu không trả. Ngày 15 tháng 1 năm 2013, bà Hường gọi điện thoại mời vợ chồng chủ nợ đến nhà bà để tính toán nợ. Tại đây, vợ bí thư xã cầm dao chặt chuối chém cả hai vợ chồng chủ nợ tổng cộng 17 nhát. Do có người phát giác và can thiệp, hai vợ chồng chủ nợ được đưa đi cấp cứu kịp và thoát chết.
Trước đó, vào tháng 5 năm 2012, tại nhà bà Hường còn xảy ra một án mạng. Người chết là thủ quỹ xã, bà Dương Thị Thủy Bình Hà, 54 tuổi. Bà Hường khai rằng bà Hà chết vì bị giật điện ở thành giếng. Về vụ án này, dư luận cả nước Việt Nam vẫn hoang mang. Không hiểu vì lý do gì bà Hường sau đó tự ý đốt xác bà Hà ngay trong vườn nhà mình, rồi mang tro cốt chôn ở những gốc cây quanh nhà. Bà Hường chỉ bị kết án 5 năm tù vì án mạng bí ẩn này.
Huy Lam / SBTN

Hà Tĩnh: Bé sơ sinh thiệt mạng vì sưởi ấm bằng than củi

Than quả bàng hoặc củi được dùng để sưởi ấm mùa Ðông dẫn đến nguy cơ ngộ độc thán khí và thiệt mạng. (Hình: VNExpress)
HÀ TĨNH (NV) – Vì thời tiết mùa Ðông lạnh giá, một bé trai sơ sinh mới được 4 ngày đã thiệt mạng vì gia đình đốt than củi sưởi ấm trong phòng kín. Tai nạn xảy ra tại tỉnh Hà Tĩnh.
Theo tin VNExpress hôm 17 Tháng Giêng, thì ba ngày trước, vợ chồng anh Phan Văn Duy tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đưa con nhỏ mới sinh được 4 ngày tới bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh điều trị trong tình trạng bỏ bú, khó thở.
“Người nhà cho hay, vợ anh Duy hạ sinh bé trai. Sau khi sinh, vì thời tiết lạnh nên gia đình đốt than củi sưởi ấm cho bé trong phòng kín. Quá trình thăm khám, bác sĩ xác định cháu bé bị suy hô hấp nặng, mặc dù đã điều trị nhiều phương pháp song không qua khỏi,” VNExpress kể.
Theo lời Bác Sĩ Hoàng Song Hào, trưởng phòng Quản Lý Chất Lượng bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, bé trai nói trên bị nhiễm khí CO từ than củi dẫn tới tử vong. CO là chất khí không màu, không mùi, có khả năng khuếch tán mạnh, khi bị nhiễm độc thường rất khó nhận biết. Khí này được tạo ra từ các sản phẩm cháy không hoàn toàn của các chất có chứa carbon.
Ngộ độc khí CO nếu phát hiện và điều trị muộn sẽ dẫn tới tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh. Những người như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi có nguy cơ ngộ độc khí này rất cao. Từng xảy ra tại Việt Nam nhiều vụ ngộ độc bị thương trầm trọng hoặc thiệt mạng vì sưởi bằng than quả bàng, than tổ ong hoặc đốt củi sưởi trong phòng đóng kín cửa. (TN)

Ðốt 7 ngàn tỉ đồng, cách chức, khai trừ khỏi đảng CSVN là xong

Ông Vũ Ðình Duy - một “hạt giống đỏ.” Sau khi ông Duy đốt 7,000 tỉ, chính quyền Việt Nam hủy hai yếu tố “hạt giống” và yếu tố “đỏ” của ông Duy. Vậy là xong! (Hình: Ðất Việt)
HÀ NỘI (NV) – Chuyện ông Vũ Ðình Duy, cựu tổng giám đốc công ty hóa dầu và xơ sợi dầu khí, gọi tắt là PVTex coi như đã… xong!
Ông Duy được xác định là nhân vật phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của dự án xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Ðình Vũ, tọa lạc tại Hải Phòng. Sau khi ngốn hết 7,000 tỷ đồng, nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Ðình Vũ phải đóng cửa vì nếu ráng vận hành thì sẽ gây thiệt hại trầm trọng hơn.
PVTex là một thành viên của Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN). PVN có hàng chục dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng như PVTex.
Sau khi đốt xong vài chục ngàn tỉ đồng, ông Ðinh La Thăng, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Của PVN được rút về làm bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải, rồi trở thành ủy viên Bộ Chính Trị và giờ đang đảm nhiệm vai trò bí thư Thành Ủy Sài Gòn.
Những thuộc cấp của ông Thăng như ông Duy cũng rời PVN để chuyển về làm phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, cục phó Cục An Toàn Kỹ Thuật và Môi Trường Công Nghiệp của Bộ Công Thương. Năm vừa qua, trước khi ông Vũ Huy Hoàng (người làm bộ trưởng Công Thương suốt hai nhiệm kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng Việt Nam) nghỉ hưu, ông Duy được chỉ định làm thành viên Hội Ðồng Quản Trị Tập Ðoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem).
Do áp lực của dư luận, chính phủ Việt Nam phải tổ chức thanh tra các dự án ngốn của ngân sách nhiều ngàn tỉ đồng song không những không sinh lợi mà còn tạo thêm nhiều khoản nợ khổng lồ khác.
Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Ðình Vũ là một trong năm dự án thuộc loại vừa kể được lôi ra xem xét.
Ðầu Tháng Mười Một năm ngoái, khoảng hai tuần trước khi kết luận thanh tra về năm dự án ngốn hết 30.000 tỉ song chỉ sinh nợ, báo chí Việt Nam loan báo, ông Duy đã vắng mặt không phép nhiều ngày tại Vinachem, và không ai liên lạc được. Tin ban đầu cho biết ông Duy đã ra ngoại quốc để chữa bệnh!
Mới đây, trò chuyện với tờ Ðất Việt, ông Nguyễn Tuấn Minh, chánh văn phòng Vinachem, cho biết, do ông Duy vắng mặt không phép nhiều ngày, Bộ Công Thương đã cách chức, cho ông Duy thôi việc, còn Vinachem đã khai trừ ông Duy ra khỏi đảng CSVN. Ông Minh khẳng định, bởi ông Duy không còn liên quan đến Vinachem nên Vinachem không quan tâm đến ông Duy nữa. Ông Minh khuyên phóng viên tờ Ðất Việt nên liên lạc với Bộ Công Thương.
Theo tờ Ðất Việt thì một viên chức đại diện cho Vụ Tổ Chức Cán Bộ của Bộ Công Thương bảo rằng, cơ quan này đã làm xong tất cả những thủ tục cần thiết đối với một cán bộ “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động và vi phạm quy định về quản lý cán bộ đi ngoại quốc” nên chẳng còn “thông tin nào để trao đổi cả.”
Nói cách khác, chuyện ông Duy coi như đã xong. Nó giống hệt chuyện ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Trịnh Xuân Thanh, người từng là cựu chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) dưới thời ông Ðinh La Thăng làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị PVN.
Ông Thanh cũng rời khỏi PVC khi ông Thăng không còn ở đó và giống như ông Duy, dù làm mất 3,200 tỉ của PVC nhưng ông Thanh vẫn lên như diều. Sau khi làm trưởng văn phòng đại diện của Bộ Công Thương ở miền Trung, ông Thanh quay về Hà Nội làm chánh văn phòng Ban Cán Sự Ðảng của Bộ Công Thương, rồi được luân chuyển về tỉnh Hậu Giang làm phó chủ tịch. Nếu không có chuyện hệ thống tư pháp khởi tố, truy cứu trách nhiệm vì đã làm mất 3,200 tỉ đồng, chắc chắn ông Thanh sẽ trở thành thứ trưởng vì đã được qui hoạch.
Ông Thanh đột ngột biến mất trước khi lệnh khởi tố được công bố và 3,200 tỉ thành khói tiễn ông Thanh rời khỏi hàng ngũ đảng viên và công chức. (G.Ð)

'Người tù thế kỷ' Huỳnh Văn Nén nhận bồi thường 10 tỷ VND

Theo BBC-17 tháng 1 2017 

Ông Huỳnh Văn Nén và vợ đi kêu oanBản quyền hình ảnhFACEBOOK
Image captionÔng Huỳnh Văn Nén ngồi tù oan gần 18 năm
Sau 7 lần thương lượng, 'người tù thế kỷ' Huỳnh Văn Nén vừa chấp nhận mức bồi thường trên 10 tỷ đồng cho 18 năm ngồi tù oan.
Ông Huỳnh Văn Nén (sinh năm 1962, Bình Thuận) bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận kết án, xử phạt tù chung thân về 3 tội: "Giết người", "Cướp tài sản công dân", "Cố ý hủy hoại tài sản của công dân" (tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 31/8/2000).
Ông được tuyên vô tội ngày 28/11/2015, sau đó làm đơn yêu cầu bồi thường án oan với số tiền là 18 tỷ đồng cho gần 18 năm ngồi tù oan.
Đồng thời ông cũng nộp đơn yêu cầu xử lý 14 cán bộ công an, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát tỉnh Bình Thuận thiếu trách nhiệm gây oan sai cho ông cũng như các thành viên gia đình.
Trong phiên thương lượng thứ 7 hôm 12/1/2017, ông Nén chấp nhận số tiền 10.001.335.000 đồng. Tuy nhiên, kết quả này chỉ có giá trị pháp lý khi được Tòa án Nhân dân Tối cao thẩm định.
Đây là tiền bồi thường tổn thất tinh thần và bồi thường tiền thu nhập thực tế bị mất trong những ngày ông Nén bị giam; Bồi thường tổn hại về sức khỏe của ông Nén và thu nhập của ông từ khi ra tù đến khi ông đủ 60 tuổi; Bồi thường thiệt hại danh dự, uy tín của cha, vợ và các con ông Nén; Bồi thường chi phí thăm nuôi và kêu oan cho ông Nén...
Không thấy tòa nhắc tới đơn yêu cầu xử lý cán bộ trong phiên này.
Trước vụ ông Nén, đã có tiền lệ vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. Ông Nguyễn Thanh Chấn được bồi thường 7,2 tỷ đồng sau khi được xác nhận bị oan.

Facebook 'không có ý kiến về chặn thông tin xấu'

Theo BBC-17 tháng 1 2017

facebookBản quyền hình ảnhAFP
Image captionHơn 1/3 dân số Việt Nam sở hữu tài khoản Facebook
Facebook từ chối bình luận sau khi quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam lên tiếng Facebook, YouTube cần có nghĩa vụ "hợp tác chặn thông tin xấu".
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông được VietnamNet hôm 13/1 dẫn lời nói: "Các thông tin xấu, độc tràn lan hiện nay trên mạng xã hội, gây nhiễu loạn, sai, xuyên tạc, bịa đặt cung cấp gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, thậm chí đe doạ đến lợi ích quốc gia."
"Đối với thông tin xấu đe dọa đến lợi ích quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội Việt Nam thì chúng ta có biện pháp để ngăn chặn ngay, sau đó mới yêu cầu họ có biện pháp khắc phục."
"Hiện chúng ta đang cần cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ, đặc biệt như dịch vụ mạng xã hội và các trang web vào Việt Nam."
"Họ phải phối hợp với Việt Nam để xử lý các thông tin xấu độc đó. Thông tư 38 giải quyết vấn đề này."
Trang mạng này nói trong tiêu đề bài báo rằng ông Tự Do ám chỉ "họ" ở đây cụ thể là Facebook và YouTube.
Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới nhằm "quản lý chặt chẽ hơn các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước."
Hôm 17/1, BBC nhận được email phản hồi của bà Đào Thùy Linh, công ty T&A Ogilvy, đơn vị đại diện truyền thông cho Facebook tại Việt Nam.
"Chúng tôi cảm kích vì quý đài hỏi ý kiến của chúng tôi về sự việc liên quan Thông tư 38 gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam," email viết.
"Tuy nhiên, chúng tôi không có bất kỳ ý kiến hoặc thông tin để chia sẻ vào thời điểm này."
mạng xã hộiBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionViệt Nam trong top 10 nước xem YouTube nhiều nhất thế giới
'Mạnh miệng'
Trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hồng Phúc, một chuyên gia công nghệ thông tin, nói: "Mỗi lần có một quan chức truyền thông mới lên thì lại có phát biểu mạnh miệng về việc chặn thông tin xấu trên mạng."
"Thông tin xấu ở đây có thể hiểu là những nội dung mà lãnh đạo Việt Nam xem là nhạy cảm, không muốn thấy trên mạng xã hội."
"Tuy vậy, những nội dung này không được các hãng Facebook hay Google [hãng thâu tóm YouTube] tạo ra mà do người dùng và được hiển thị theo thuật toán riêng của các hãng."
"Vì thế, chính quyền muốn chặn nội dung thì buộc các hãng phải thay đổi thuật toán."
"Điều này khó về mặt kỹ thuật."
"Hơn nữa, thị trường Việt Nam quá nhỏ bé không đủ giá trị thương mại như Trung Quốc để những hãng này phải làm theo yêu cầu đó."
"Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng đến nay, cả Facebook lẫn Google đều không có văn phòng chính thức ở Việt Nam mà chỉ thông qua một số cá nhân nên mức độ chế tài họ rất ít."
Trao đổi với BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hà, luật gia, cựu ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội, nói: "Theo tôi, Thông tư 38 chỉ mang tính quản lý hành chính trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, chứ khó có hiệu lực với các hãng có trụ sở ở nước ngoài, không đặt máy chủ trong lãnh thổ Việt nam như Facebook, Google trên thực tế."
"Có thể quan chức đưa ra thông tin này chủ yếu để tạo cái cớ nhằm xử lý một số cá nhân hoạt động dân chủ đang có tài khoản Facebook và YouTube."
"Cơ quan an ninh và Ban Tuyên giáo biết những người này và muốn các hãng tác động đến tài khoản mạng xã hội của họ để chặn những post và clip bị chính quyền cho là bất lợi, phản động."
"Cho nên Thông tư 38 cũng giống như Điều 258 Bộ luật Hình sự thôi."
"Đó là chưa kể xét ở khía cạnh khác, chặn thông tin của người dùng cũng là việc vi phạm nhân quyền."
Theo luật nước ngoài, tài khoản mạng xã hội thuộc nhóm bí mật đời tư của cá nhân, được bảo vệ và bất khả xâm phạm."
"Nếu muốn chặn thông tin của người dùng mạng xã hội, Việt Nam đang xâm hại quyền của khách hàng các hãng Facebook, Google."
"Tôi nghĩ chính quyền nên bãi bỏ những luật, điều mơ hồ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân."
"Thay vào đó, họ nên đối thoại để tiếp nhận những tiếng nói phản biện, đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn," ông Hà nói với BBC.

Việt Nam 'đổi mới nhưng không đổi màu'?

Theo BBC-17 tháng 1 2017

TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Ban Thường vụ QH Trương Đức Giang ở Bắc Kinh hôm 13/01/2017Bản quyền hình ảnhXINHUA
Image captionTBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Ban Thường vụ QH Trương Đức Giang ở Bắc Kinh hôm 13/01/2017
Tiếp tục chỉ trích 'diễn biến hòa bình', một cựu quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng "Đòi từ bỏ chủ nghĩa xã hội là một sai lầm lớn", trong bài trên tờ Quân đội Nhân dân trước Tết Đinh Dậu.
Ông Hà Đăng viết hôm 16/01/2017 về sự kiện khối cộng sản Đông Âu tan rã đầu thập niên 1990 như 'cơn động đất chính trị' của Thế kỷ trước.
Nhưng ông nêu lập luận rằng Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam "không đi theo vết xe đổ của cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu".
Theo ông, quá trình Đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản ở Việt Nam thực hiện đã có thành tựu to lớn và "làm cho Việt Nam càng vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".
"Đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu là một sai lầm có dụng ý."
Theo ông, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, "đổi mới nhưng không đổi màu", là nguyên tắc đầu tiên.
Ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cũng nhân đây đã thách thức giới chỉ trích:
"Tôi muốn đặt ra câu hỏi đối với các tác giả đòi chúng ta từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, ý đồ thực sự của các vị phía sau đòi hỏi này là gì?"
Phản ứng lại lập luận của ông Hà Đăng, thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù nhân chính trị hiện sống tại TPHCM lên tiếng trên Facebook cá nhân:
"Tôi rất sẵn lòng lên đài truyền hình quốc gia VTV1 trao đổi và tranh luận với ông Hà Đăng. Nếu thật sự ông tự tin vào các lập luận và chính nghĩa của ông thì ông nên thúc giục VTV1 tổ chức ngay buổi đối thoại này."
Câu hỏi về chủ nghĩa xã hội
Bộ máy văn hóa tư tưởng ở Việt Nam thường nhấn mạnh đến ý thức hệ xã hội chủ nghĩaBản quyền hình ảnhDAN TRI
Image captionBộ máy văn hóa tư tưởng ở Việt Nam thường nhấn mạnh đến ý thức hệ xã hội chủ nghĩa
Từ nhiều thập niên qua, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tự nêu câu hỏi thế nào là 'Định hướng xã hội chủ nghĩa', nhất là khi Việt Nam đã vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chấp nhận kinh tế thị trường.
Hơn 10 năm qua, hai kỳ Đại hội Đảng Cộng sản cũng có vẻ chưa giải quyết được vấn đề này.
Hồi giữa năm 2006, TS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM có bài trên báo Tuổi Trẻ, phân biệt ra con đường XHCN như là mục tiêu, hay là mô hình.
Ông cho rằng "chọn định hướng XHCN là mục tiêu phát triển xã hội" (phát triển, phồn vinh, công bằng, văn minh tiến bộ) là sự lựa chọn đúng…"
"Còn XHCN là mô hình tổ chức xã hội thì trên thực tế đã và đang không còn tồn tại với sự lựa chọn trong xu thế phát triển chung của thời đại, cũng như trong tiến trình đổi mới ở nước ta."
"Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp…"
Thượng Đế và đấu tranh gia cấp mới
Có quan điểm tại Trung Quốc coi Marx là 'Thượng Đế' trong lĩnh vực niềm tin chứ không trong thực tiễnBản quyền hình ảnhXINHUA
Image captionCó quan điểm tại Trung Quốc coi Marx là 'Thượng Đế' trong lĩnh vực niềm tin chứ không trong thực tiễn
Việt Nam không phải là nước duy nhất phải suy tính về di sản nhập ngoại là chủ nghĩa Marx-Lenin.
Ngay từ năm 2009, tại Trung Quốc đã có các ý kiến phải làm gì với chủ nghĩa Marxist và một quan điểm nói cần đặt Marx vào phạm trù niềm tin hơn là nghị trình chính trị.
Từ Khuông Địch, cựu bí thư Thượng Hải, Phó Chủ tịch Chính Hiệp khi đó đã nói với nhà báo Daniel Gross (Newsweek 25/11/2009) rằng đường lối của Karl Marx, chỉ còn "đóng vai trò đạo đức ở Trung Quốc, tựa như Thượng Đế với người Thiên Chúa Giáo ở Âu Mỹ".
Ông Từ Khuông Địch cũng nói tuy vậy, mô hình dân chủ với bầu cử tự do như Tây Phương là chưa thể áp dụng ở Trung Quốc vì dân số quá đông, sự khác biệt vùng miền, và nhất là thu nhập quá lớn.
Ông thẳng thắn nói nếu để bầu cử tự do, một ai đó hô lên khẩu hiệu 'lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo' sẽ được bầu chọn ngay và Trung Quốc sẽ rơi vào cuộc đấu tranh giai cấp mới (class warfare).
'Tốt hơn cả các nước tư bản cùng mức'
Hồi năm 2012, khi sang thăm Cuba, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đọc diễn văn nói về thành tựu 25 năm Đổi mới ở Việt Nam và cho rằng:
"Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế."
Ông Nguyễn Phú Trọng không nêu tên các nước 'tư bản chủ nghĩa' đó là gì nhưng khẳng định đây là bằng chứng cho "sự ưu việt, là sức sống thực tiễn của chủ nghĩa xã hội".
Đến tháng 10/2016, sau khi đã tái đắc cử, TBT Nguyễn Phú Trọng lại nhấn mạnh đến công tác lý luận về định hướng xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam.
Ông cũng thừa nhận đây là công tác còn cần tiếp tục xây dựng, triển khai:
"Chúng ta cần tập trung đi sâu nghiên cứu và tổng kết nhằm tiếp tục phát triển và hoàn thiện lý luận về đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,,,", theo tờ Quân đội Nhân dân 20/10/2016.
'Từ chức là thắng lợi'
Hướng về Quảng trường Đỏ ngày Năm Mới: ông Gorbachev nói ông đã đem lại tự do cho người dân NgaBản quyền hình ảnhXINHUA
Image captionHướng về Quảng trường Đỏ ngày Năm Mới: ông Gorbachev nói ông đã đem lại tự do cho người dân Nga
Gần đây, trả lời phỏng vấn BBC nhân dịp kỷ niệm Liên Xô tan rã, ông Mikhail Gorbachev đã nhắc lại quan điểm rằng ông phải từ chức ngày 25/12/1991 vì đe dọa nội chiến:
"Chúng tôi tiến tới nội chiến và tôi muốn tránh nó."
"Tôi không thể để điều đó xảy ra chỉ để bám níu quyền lực. Từ chức là thắng lợi của tôi."
Trong diễn văn từ chức, Gorbachev nói nhờ chương trình cải tổ của ông, xã hội ở các nước Liên Xô cũ "đã có tự do".

Thủ tướng CSVN :" không đổi mới là chết"

Theo BBC-16 tháng 1 2017

Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc thăm Mông Cổ dự Hội nghị Thượng đỉnh Âu - Á tháng 7/2016Bản quyền hình ảnhREUTERS
Image captionThủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc thăm Mông Cổ dự Hội nghị Thượng đỉnh Âu - Á tháng 7/2016
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phê phán điều ông gọi là 'lợi ích cục bộ trong quy hoạch' ở bốn bộ thuộc quyền của ông.
Đó là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương.
'Quy hoạch' tức công tác lên đề án và kế hoạch, gồm cả nghị trình triển khai các nhiệm vụ công và chi tiêu ngân sách cho những công tác đó, là lĩnh vực được nhắc đến nhiều ở Việt Nam thời gian qua.
Công tác này bị phê phán nhiều, từ chuyện quy hoạch đô thị - vụ nhà 50 tầng ở Giảng Võ - cho đến quy hoạch tuyển chọn cán bộ cho bộ máy Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền.
Nay, ông Phúc đề cao quyết tâm và nhấn mạnh: "Quy hoạch sẽ gặp nhiều va chạm".
Ông cũng nói "Không đổi mới là chết", theo lời trích trên trang Pháp luật 12/01/2017.
Có vẻ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn định hướng lại cho công tác "làm kế hoạch, quy hoạch hiện nay" mà theo ông phải theo kinh tế thị trường.
"Thị trường đã là nhà lập kế hoạch tài ba… Quy hoạch phải trên tinh thần kiến tạo chứ không phải thuận tiện cho quản lý, kiểm soát, kìm hãm sự phát triển và tạo cơ hội xin-cho."
Nhắc đến cơ chế xin- cho, ông Phúc đã nhắm thẳng vào quy trình ban phát quyền lợi, hợp đồng công từ nguồn quốc gia cho các 'nhóm lợi ích'.
Các báo Việt Nam viết tiếp rằng "Thủ tướng lấy ví dụ về quy hoạch chỉ có 10 tỉnh được làm nông nghiệp công nghệ cao".
"Tôi đã nói nhà nào, HTX nông nghiệp nào, tỉnh nào làm được nông nghiệp công nghệ cao thì làm. Đó là nguyên tắc thị trường. Không phải chỉ ngân hàng NN&PTNT mới cho vay nông nghiệp công nghệ cao mà tất cả ngân hàng đều phải có gói vay này. Phải cạnh tranh chứ. Nếu có một ngân hàng nông nghiệp cho vay thì chỉ có nước đi "lạy" ông ấy để vay, rồi chi phí phát sinh nữa. Phải theo kinh tế thị trường chứ," ông Phúc phát biểu.
Nhu cầu thay đổi
Thủ ̉tướng Phúc đón Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm John Kerry của Hoa Kỳ đến Việt NamBản quyền hình ảnhXINHUA
Image captionThủ ̉tướng Phúc đón Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm John Kerry của Hoa Kỳ đến Việt Nam
Tuy nhiên, các báo Việt Nam không đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có biện pháp gì nếu những chỉ thị của ông không được cấp dưới thực hiện đến nơi đến chốn.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông cũng đã phát biểu nhấn mạnh đến nhu cầu 'thay đổi thể chế' chỗ nào không phù hợp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
"Còn đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Trung ương sẽ trình cơ quan có thẩm quyền kiến nghị bãi bỏ."
Báo Việt Nam hôm 26/12 trích lời ông Phúc cũng kêu gọi chính bộ máy không nên 'sợ thể chế':
"Thể chế là do chúng ta nghĩ ra nhưng chúng ta lại sợ nó; phải bãi bỏ vì dân vì nông nghiệp, nông thôn, đừng để các cơ chế chính sách đó ảnh hưởng, đây là nội dung quan trọng số một của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền."
"Tránh quy định lạc hậu mà bắt người dân thực hiện mãi", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được trích lời nói.
Nhưng dù các báo Việt Nam chạy tựa đề rất mạnh về 'thể chế', thực ra vấn đề được đề cập không phải là cải cách hệ thống chính trị mà chỉ là chính sách hạn điền đã nêu ra từ 2003 khi bàn về Luật Đất đai.
Trang Dân Trí (19/12/2016), tường thuật về một hội nghị ngành nông nghiệp đã nêu ra ví dụ nhà đầu tư không được phép làm chủ đất cho sản xuất nông nghiệp hiện đại, buộc phải nhờ người khác đứng tên.
Trong một bài đăng trên trang của Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi tháng 12/2015, GS Đặng Hùng Võ đã nhận định:
"Trên thực tế, cũng có hai cách nhìn nhận về quy định hạn điền. Một luồng ý kiến cho rằng cần loại bỏ hạn điền nhằm khuyến khích kinh tế trang trại quy mô lớn. Một luồng ý kiến ngược lại, muốn tiếp tục quy định hạn điền để tránh xu hướng hình thành tầng lớp địa chủ mới và tầng lớp tá điền mới ở nông thôn."
"Khi chuẩn bị dự thảo Luật Đất đai 2003, quy định xóa bỏ hạn điền được nhất trí khá cao. Khi thảo luận ở Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã có ý kiến nghi ngờ việc xóa bỏ hạn điền với luận cứ rằng cha ông ta bao nhiêu đời mà chưa ai dám bỏ hạn điền. Thế là lại phải đưa hạn điền vào quy định của pháp luật."
Dấu ấn của tân thủ tướng
Trong phát biểu mới nhất, ông Nguyễn Xuân Phúc nêu quyết tâm đổi mới:
"Tinh thần của Chính phủ là phải đổi mới, dù đổi mới không phải là dễ nhưng không đổi mới là chết".
Hồi tháng 7/2016, trong bài viết đăng trên Diễn đàncủa BBC Tiếng Việt, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ, từ Học viện Chính sách & Phát triển đã nhận định về các dấu ấn ban đầu của tân Thủ tướng:
"Ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các bộ ngành, đi đến nhiều địa phương để nắm bắt tình hình, lựa chọn các điểm nhấn điều hành qua cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp toàn quốc nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, phát động 'phong trào khởi nghiệp', và tuyên chiến với vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm."
Nhà máy Trina Solar, đầu tư của Trung Quốc tại Bắc GiangBản quyền hình ảnhXINHUA
Image captionNhà máy Trina Solar, đầu tư của Trung Quốc tại Bắc Giang
"Ông đã gây ấn tượng với phát ngôn 'không hình sự hóa' trong vụ quán cà phê 'Xin chào', 'không đánh đổi môi trường lấy kinh tế' ở vụ Formosa, hay 'mong muốn nghe ý kiến' khi đối thoại với đại diện công nhân của tám địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…"
Nhưng tác giả cũng nêu ra các thách thức chính trị cho ông Phúc, đến một mâu thuẫn cơ bản:
"Mâu thuẫn nêu trên cần được coi là mâu thuẫn cơ bản cần nhận thức thấu đáo trong cải cách thể chế kinh tế và chính trị hiện nay ở Việt Nam.
Cuối cùng, đổi mới, phát triển kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi thể chế, và bài học quan trọng nhất phải làm rõ nội dung dân chủ trong bối cảnh hiện nay để có nhận thức và hành động đúng của nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Các quyền cơ bản của công dân được công nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, dường như, có thế lực 'vô hình', nhóm lợi ích 'vô hình', song rất mạnh mẽ ngăn cản cụ thể hóa Hiến pháp bằng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để người dân được thực thi các quyền tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội…mà không làm bất ổn chính trị xã hội và an ninh quốc gia..."