Wednesday, February 24, 2016

Bám Trung Cộng để bảo vệ đảng

Theo Người Việt-02-23-2016 1:57:38 PM 
Ngô Nhân Dụng

Sau Ðại Hội 12 của đảng Cộng Sản Việt Nam, nhiều người đoán rằng nhóm lãnh đạo mới vốn nổi tiếng thân Trung Cộng thì họ sẽ không cần phải bày tỏ thái độ quá khúm núm trước các “đồng chí anh em” nữa vì tất cả đã được Bắc Kinh chuẩn y rồi. Thỉnh thoảng cứ cho dân Việt được kêu la khóc lóc chống đế quốc xâm lược, không cần phải đàn áp nặng nề. Miễn là những món dâng lên các “đồng chí anh em” ăn miếng nào ra miếng nấy, là “hẩu lớ!”

Cho nên trong ngày 17 Tháng Hai năm 2016 vừa qua ở Hà Nội, buổi lễ tưởng niệm 60,000 đồng bào và tử sĩ bị quân Trung Cộng tàn sát trong cuộc chiến tranh Trung-Việt năm 1979 không bị phá. Phản ứng của chính quyền Cộng Sản khác hẳn hai năm trước. Ngày 16 Tháng Hai năm 2014, không những công an cộng sản ngăn chặn những người muốn đi dự lễ tưởng niệm từ lúc mới bước chân ra cửa nhà, mà còn xua công an côn đồ trai gái tới “nhảy múa” ngay tại chỗ trong giờ hành lễ. Nhảy múa trên xác chết là một cách chửi thề: “Chúng mày muốn lễ hả? Bà múa cho mày mở mắt ra! Lễ cái này này!”

Năm 2014, đảng Cộng Sản cố ý “chửi cha đồng bào và các chiến sĩ.” Vì đám công an côn đồ phát ra một bài hát Tầu để nhảy theo điệu nhạc Cha cha cha! Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi tiết lộ điệu nhạc cổ này có tên “Trung Quốc cáp cáp” (中國恰恰).  Lời ca Tàu dịch sang tiếng Việt khoe rằng: “Cha cha cha / Cô gái Trung Quốc xinh đẹp như đóa hoa / Cô nương có đôi môi hồng tươi / Chính lúc nàng ngoảnh lại cất tiếng vui tươi / cha cha cha / Là lúc tiết trời hoan lạc / Chính lúc nàng ngoảnh lại cất tiếng vui tươi/ cha cha cha...” Những người không biết tiếng Tàu cũng hiểu rằng họ chửi cha mình!
Năm nay Ðảng không “chửi cha” đồng bào Hà Nội nữa. Ông Nguyễn Phú Trọng có thể xoa bụng tự khen: “Ðấy nhé, đứa nào dám bảo tớ thần phục Trung Quốc?”

Nhưng trong tuần trước, lễ tưởng niệm được nhiều người dân Sài Gòn tổ chức thì công an vẫn tới từng nhà ngăn chặn và đánh phá cuộc lễ. Những bông hoa dâng cúng bị đám côn đồ đạp nát dưới chân. Tại sao lại phân biệt đối xử như vậy? Có lẽ bởi vì ông Ðinh La Thăng, mới nhậm chức thành ủy, rất táo bạo. Khi làm bộ trưởng Giao Thông Vận Tải ông đã từng ra lệnh đốt hết những chiếc xe gắn máy chạy đua “cho chúng nó hết đua!” Phải bao nhiêu người can ông mới tha. Hoặc vì ông biết dân Sài Gòn “khó dạy” hơn dân Hà Nội; cho nên cứ cấm tiệt cho xong chuyện.

Ở Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng có thể yên tâm cho người ta đi thắp hương khấn vái các tử sĩ và đồng bào chết oan trong cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 vì biết rằng mấy nén hương thắp lên rồi cũng tàn, đâu lại vào đó, tượng đài Lý Thái Tổ mai mốt lại chỉ còn “rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.” Ngay những tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ, kể cả bia ghi công “Sư Ðoàn 33 đánh bại và chặn đứng quân Trung Quốc xâm lược” cũng bị đục bỏ tàn nhẫn, mà cả một sư đoàn cho đến dân địa phương không ai dám hó hé nói một tiếng! Dân và quân Việt Nam hiền lành, dễ bảo như vậy, các đồng chí anh em Trung Quốc không có gì phải lo!

Giới lãnh đạo Trung Nam Hải, từ Mao Trạch Ðông tới Tập Cận Bình đều rất thực tế. Họ cần kết quả cụ thể, chứ không phải chỉ muốn nghe nịnh hót, mặc dầu có nịnh hót thì vẫn hơn. Năm 1950 khi tiễn phái đoàn các cố vấn Trung Cộng qua chỉ đạo Cộng Sản Việt Nam, Mao Trạch Ðông đã nhắc nhở họ hãy nhớ chuyện Mã Viện đánh Hai Bà Trưng ở nước ta. Ông ta dặn dò các cố vấn giữ ý tứ, đừng khiêu khích tự ái dân tộc của người Việt. Ðám cố vấn này, mỗi khi khuyến cáo mà quân đội Việt Minh không nghe đều phải làm áp lực qua Hồ Chí Minh mới được toại ý. Năm 1951, Hồ Chí Minh gặp Mao đã phải lên tiếng xin Mao chỉ thị cho cố vấn La Quý Ba hãy đáp ứng lời mời đến dự các phiên họp của Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam. Mao đã cho Hồ được thỏa mãn! Chẳng khác nào triều đình Huế mời viên công sứ Pháp dự các phiên họp của cơ mật viện!

Theo đúng tấm gương này, đáng lẽ bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng phải mời đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội tới dự các phiên họp Bộ Chính Trị mới xứng đáng là cháu ngoan bác Hồ! Nhưng Bắc Kinh không cần lý đến hình thức bên ngoài. Trung Cộng sẽ tiếp tục bảo vệ chế độ Cộng Sản ở Việt Nam, miễn là cứ cho họ khai thác mỏ bô xít, coi là “chiến lược lớn lâu dài của đảng và nhà nước” như lời ông Nguyễn Tấn Dũng. Miễn là Hà Nội vẫn ký hợp đồng cho người Tầu khai thác rừng Việt Nam ít nhất 50 năm. Miễn là các công ty Trung Cộng vẫn trúng hầu hết các mối thầu xây dựng. Miễn là cứ cho công nhân Trung Cộng sang làm việc không giấy phép, lập các thành phố Trung Cộng khắp ba miền Nam Trung Bắc và cao nguyên! Miễn là hải quân Việt Nam không được phép bén mảng tới gần những hòn đảo Hoàng Sa đã bị Tàu chiếm. Miễn là đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn ngậm miệng không dám thưa kiện Trung Cộng ra các tòa án quốc tế sau khi cho tầu hải giám cướp phá, giết hại các ngư dân Việt Nam.

Cộng Sản Trung Quốc có thể yên tâm cho phép dân Việt lâu lâu thắp hương tưởng niệm các tử sĩ năm 1979, năm 1988, cả những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử chiến ở Hoàng Sa năm 1974 cũng được. Bởi vì họ biết đảng Cộng Sản Việt Nam không thể nào rời bỏ cái “vú mẹ!” Công an an cộng sản có khẩu hiệu “Ðảng còn thì mình còn.” Các lãnh tụ Cộng Sản thì biết: “Trung Cộng còn ủng hộ thì mình mới còn!”

Vì thế, ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Cộng đã có lần lo lắng đến nỗi hốt hoảng nói: “Tôi thấy lo lắng lắm! Không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già đều có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng cái đó là nguy hiểm cho dân tộc.” Từ trẻ con đến người già ai cũng ghét Trung Quốc, nguy hiểm quá!

Trong một ngàn năm Bắc thuộc, chưa nghe người Việt Nam nào nói một câu như vậy, ngoài các quan cai trị như Tô Ðịnh, Trần Bá Tiên, Cao Chính Bình! Tô Ðịnh đã bị Hai Bà Trưng đánh đuổi. Trần Bá Tiên không đánh lại Triệu Quang Phục phải bỏ về Tàu lo việc trong nhà. Phùng Hưng đánh cho Cao Chính Bình phát bệnh mà chết. Nhờ thế dân tộc Việt Nam mới “Ðứng Vững Ngàn Năm!”

Nhưng thời nay, đảng Cộng Sản Việt Nam biết rằng Trung Cộng còn được ăn thì mình còn! Mất lòng đồng chí anh em thì chính số phận đảng Cộng Sản ở Việt Nam cũng mất. Cho nên ngày mùng 8 Tháng Mười Hai năm 2015, ông Nguyễn Phú Trọng đã thổ lộ tâm sự trước kỳ đại hội đảng thứ 12. Ông Trọng rất lo làm mất lòng Trung Nam Hải. Không dám kiện Bắc Kinh trước các tòa án quốc tế. Không dám cho hải quân ra biển bảo vệ các thuyền ngư dân đang bị “tàu lạ” tấn công. Chỉ vì sợ “đụng độ!” Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình thế nào? Giờ ta có ngồi đây mà bàn tổ chức đại hội đảng được không?”

Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng lo cho vận mệnh dân tộc. Còn Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng bây giờ chỉ lo bảo vệ đảng Cộng Sản! Nước mất không lo, miễn đảng đứng vững được năm nào hay năm đó!


Sang năm sẽ còn một số người Việt Nam vẫn làm lễ tưởng niệm 60 ngàn đồng bào và chiến sĩ bị quân Trung Cộng sát hại. Số người có thể sẽ không đông bằng năm nay. Trong sách giáo khoa môn lịch sử bậc trung học, cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 chỉ được ghi trong 11 dòng! Rồi năm này qua năm khác, dần dần người ta sẽ quên. Những người còn nhớ vẫn được phép khấn vái. Miễn là đảng Cộng Sản vẫn còn ngồi đó để ăn. Mà phần ăn lớn nhất vẫn thuộc về các vị tân thái thú, tân tiết độ sứ, nối gót Tô Ðịnh, Trần Bá Tiên, Cao Chính Bình!

Doanh nghiệp Nhật: Môi trường đầu tư ở Việt Nam xấu dần

HÀ NỘI (NV) - Giới đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam kêu rằng môi trường đầu tư sản xuất tại Việt Nam đang xấu đi do tăng tính rủi ro, theo báo cáo của tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).



Xe máy Honda được lắp ráp tại Việt Nam chuẩn bị giao cho khách hàng. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Bản báo cáo công bố sáng 23 tháng 2, 2016 của JETRO về cuộc khảo sát hồi cuối năm 2015 đưa đến kết luận có thể làm nản lòng giới tư bản Nhật Bản muốn đầu tư sản xuất tại Việt Nam vào thời điểm nhiều doanh nghiệp Nhật muốn bỏ Trung Quốc chạy sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Theo tường thuật của tờ Người Lao Động, trong 5 hạng mục hàng đầu chung của toàn khu vực về “rủi ro trong môi trường đầu tư” của toàn khu vực thì Việt Nam đã tăng 4 điểm ở hạng mục so với năm 2014, cho thấy môi trường đầu tư đang xấu đi.

Bản khảo sát cho hay, hơn 60% các doanh nghiệp Nhật chỉ ra vấn đề “rủi ro về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch” khiến Việt Nam rơi vào vị trí thứ 3 về độ rủi ro trong 15 quốc gia được tiến hành khảo sát tại Châu Á và Châu Đại Dương. Bên cạnh đó, hơn một nửa số doanh nghiệp nhận định vấn đề rủi ro là “chi phí nhân công tăng cao,” “thủ tục hành chính phức tạp,” “chính sách, thủ tục thuế phức tạp,” chính quyền địa phương vận dụng chính sách không rõ ràng, tờ Người Lao Động tường thuật.

“Như vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam đang xấu đi, hầu như chưa có cải thiện nào cả. Dù chúng tôi biết chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư song trên thực tế, các doanh nghiệp Nhật Bản chưa cảm nhận được điều này,” ông Atsusuke Kawada, trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội, phát biểu tại buổi họp báo được tờ Người Lao Động thuật lời.

Theo nguồn tin trên, liên quan đến các khó khăn trong hoạt động kinh doanh, Việt Nam vẫn thuộc tỉ lệ cao khi có gần 80% doanh nghiệp đưa ra vấn đề về “lương cho nhân viên sở tại tăng,” và 65% doanh nghiệp trả lời “khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại.” Vấn đề nội địa hóa của Việt Nam (chỉ đạt khoảng 32.1%, giảm 1.1% điểm so với năm trước) cũng thấp nhất so với Trung Quốc (65%), Thái Lan (56%), Indonesia (41%), Malaysia (36%).

Trong một bản tin khác của tờ Dân Trí hôm Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016, Chủ Nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội CSVN Nguyễn Văn Giàu cho biết, ông đọc trên báo thấy người Nhật sang Việt Nam đầu tư “bức xúc” và sợ nhất là “chi phí gầm bàn.” Ông này được thuật lời: “Chúng ta đang phấn đấu ‘Asean 4,’ luật pháp minh bạch nhưng vẫn mất đầu tư không chính thức như vậy làm mất hình ảnh rất lớn.”

Trong một bản tin khác cùng ngày 24 tháng 2, 2016 , Chủ Nhiệm Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội CSVN Nguyễn Văn Hiện kêu rằng: “Các nước phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm toán, còn ở Việt Nam ngược lại.”

Cuối tháng trước, tổ chức minh bạch Quốc Tế đưa ra bảng xếp hạng cho thấy điểm số của Việt Nam tiếp tục là 31/100 điểm, đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu, tức vẫn tồi tệ như bao năm qua. (TN)

02-24-2016 5:18:28 PM

Tố cán bộ bất minh bị giang hồ đến nhà 'khủng bố'

BÌNH ĐỊNH (NV) - Sau khi tố cáo việc cán bộ trạm cân lưu động trên quốc lộ 1, huyện Tuy Phước ăn tiền để xe tải vượt trạm cân, gia đình người tố cáo đã bị giang hồ đến tận nhà “khủng bố.”

Gia đình bà H. đang sống trong tâm trạng bất an. (Hình: Dân Trí)

Phản ánh với báo Dân Trí ngày 24 tháng 2, 2016, bà Nguyễn Thị H. (47 tuổi), ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, người có đơn tố cáo nghi vấn cán bộ trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên quốc lộ 1 ở gần nhà bất minh ăn tiền cho xe quá tải vượt trạm cho biết, sau khi tố cáo một nhóm giang hồ mặt mũi bặm trợn, xăm trổ đầy mình đến nhà đập phá. Thậm chí, họ còn đe dọa nếu tiếp tục tố cáo thì người thân trong gia đình bà H “sẽ có chuyện chẳng lành.”

Sự việc xảy ra sau khi bà H. tố cáo việc nhiều lần nhân viên trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên để nhiều xe quá tải vượt trạm cân, trong đó có 2 xe tải của ông Huỳnh Ngọc Hải, cán bộ Phòng Quản Lý Vận Tải thuộc Sở Giao Thông Bình Định “có nghi vấn bất thường.”

Từ đơn tố cáo, giám đốc Sở Giao Thông Bình Định kiểm tra và bắt quả tang. Sau đó chỉ đạo kiểm điểm ông Nguyễn Quả, chánh thanh tra kiêm trạm trưởng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Bình Định đặt tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước và ông Đặng Tiến Công, trạm phó cùng cá nhân liên quan ca trực “không hoàn thành nhiệm vụ được giao.”

“Gia đình tôi giờ chẳng dám ra đường, nhất là con gái và cháu ngoại mỗi khi đi học luôn có người lớn theo sát đưa đón cẩn thận. Còn buổi tối, đúng 19 giờ là nhà phải đóng kín cửa, thậm chí chồng tôi dùng khóa và dây xích sắt chốt, buộc cẩn thận,” bà H. lo lắng.


Bà H. nói thêm, mặc dù sau khi vụ việc xảy ra, bà có yêu cầu Sở Giao Thông Bình Định phải có biện pháp bảo vệ người tố cáo và ông Trần Văn Ơi, phó chánh thanh tra sở này đại diện lập biên bản xác nhận và yêu cầu các cơ quan chức năng “có biện pháp ngăn chặn để bảo đảm an toàn cho người tố cáo.” (Tr.N)

02-24-2016 4:27:13 PM 

Thầy giáo đánh học trò bằng gậy, phải nhập viện

THANH HÓA (NV) - Một thầy giáo của trường cấp 2 Định Hòa, huyện Yên Định đã dùng gậy tre đánh nam sinh lớp 8 đến chấn thương tay phải nhập viện bó bột vì “nói chuyện trong lớp.” 

Em Đỗ Lân Anh đang điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Yên Định với cánh tay bị bó bột do chấn thương. (Hình: Người Lao Động)

Nói với truyền thông Việt Nam ngày 24 tháng 2, 2016, bà Vũ Thị Hằng, phó Phòng Giáo Dục huyện Yên Định xác nhận, sẽ tiến hành xác minh, làm rõ việc em Đỗ Lân Anh, học sinh lớp 8A, trường cấp 2 Định Hòa bị thầy giáo dùng gậy tre vụt liên tiếp dẫn đến phải nhập viện bó bột.

Tin Người Lao Động dẫn lời kể của em Đỗ Lân Anh hiện đang điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Yên Định cho biết, sáng ngày 22 tháng 2, trong giờ ra chơi, em có nhặt được một chiếc gậy tre, nên đã mang vào lớp học và bị thầy giáo Đoàn Văn Học, dạy Vật lý tịch thu.

“Trong tiết học, em có nói chuyện riêng, bị thầy Học phát hiện gọi lên bục giảng bắt em đứng vào góc lớp. Ở phía dưới, một bạn nữ hỏi có cần tớ ghi bài giúp không, em trả lời là có thì bị thầy gọi lại rồi bảo cầm gậy tre lên văn phòng. Khi lên tới phòng, thầy yêu cầu em quay mặt vào tường rồi dùng gậy đánh liên tiếp vào lưng, cánh tay, gáy, cổ em. Đau quá, em van xin thầy dừng tay. Sau đó thầy bắt em quay lại lớp đứng đến hết tiết học mới cho về,” Lân Anh nói.

Ông Bùi Văn Bá (73 tuổi), ông ngoại Lân Anh cho biết, lúc cháu đi học về nhà khóc nức nở, kêu đau ở tay, hỏi ra mới biết sự việc. Chiều cùng ngày, Lân Anh được người nhà đưa đến trạm y tế xã khám rồi sau đó được chuyển đến bệnh viện đa khoa Yên Định để điều trị.

Ông Trịnh Minh Toàn, trưởng khoa ngoại, bệnh viện đa khoa huyện Yên Định cho biết: “Bệnh nhân Lân Anh nhập viện trong tình trạng đau gáy cổ và khuỷu tay phải bị sưng, khó vận động. Bệnh viện nhanh chóng tiến hành chụp X quang thì xác định bệnh nhân chấn thương khuỷu tay nên tiến hành bó bột,” ông Toàn nói.

Thế nhưng, khi phóng viên Người Lao Động đến trường cấp 2 Định Hòa để làm rõ thông tin, ông Lê Thanh Xuân, hiệu trưởng trường này từ chối không cung cấp thông tin mà yêu cầu “phải có giấy giới thiệu của xã, huyện mới làm việc.”

Tin cho biết, Lân Anh có hoàn cảnh rất khó khăn, mẹ mất sớm, phải ở với bố không có công việc ổn định. Em là một học sinh giỏi, ngoan và sẽ đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi trong thời gian tới. (Tr.N)

 02-24-2016 4:08:28 PM 

Thuốc “tình yêu” bán tràn lan tại biên giới Việt – Trung

Một loạt cửa hàng bán “thuốc bắc” của Hoa Lục mọc như nấm tại thị trường biên giới phía Việt Nam, bán một loạt thuốc kích thích tình dục không có giấy phép, có thể gây nguy hiểm sức khoẻ người sử dụng.
Các cửa hàng này xuất hiện tại Móng Cái, thị trấn biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh, và một số địa điểm khác của tỉnh Lạng Sơn. Chúng quảng cáo sản phẩm bất hợp pháp được cho là “thuốc tình yêu”, rêu rao rằng chữa được bệnh rối loạn cương dương và cải thiện quan hệ tình dục. Báo Thanh Niên cho biết, chỉ cần bước tới bất kỳ cửa hàng nào cũng dễ dàng tìm thấy nhiều loại thuốc và chất bôi trơn, được cho là phải dùng ít nhất nửa tiếng đồng hồ được khi quan hệ tình dục. Tất cả nhãn hiệu và xuất xứ đều ghi của Trung Quốc. Một người bán hàng tại tỉnh Lạng Sơn nói rằng, nhiều khách hàng của bà tại Hà Nội thường xuyên đến cửa hàng, và một số đã trở thành đại diện bán hàng.
Vẫn theo báo Thanh Niên, ít nhất hai người đàn ông mà họ hỏi chuyện đều cho rằng, thuốc không có tác dụng như mong muốn và chỉ sau lần đầu sử dụng, tình trạng của họ càng tệ hại hơn. Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, chuyên viên y tế hàng đầu về sức khoẻ nam giới nói rằng, các bệnh viện ở Sài Gòn thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân là nạn nhân của cái gọi là “thuốc tình yêu”. Việc lạm dụng các loại thuốc này có thể gây xơ vữa bộ phận sinh dục và làm tăng nguy cơ bệnh tim và huyết áp.
02/24/2016 - 15:36
 Song Châu / SBTN

Sinh viên Việt Nam ở Melbourne bị án 10 tháng tù về tội trồng cần sa

Toà án Úc hôm nay tuyên án 10 tháng tù giam một sinh viên Việt Nam được thuê để tưới nước cây cần sa trồng trong một căn nhà.
Truyền thông Việt Nam dẫn nguồn từ Herald Sun cho biết, nam sinh viên này tên Nguyen Tien Dat, 28 tuổi, bị cáo buộc về tội trồng cần sa. Dat nói rằng, đã được trả công 1,000 Úc kim, tương đương 720 Mỹ kim mỗi ngày, để chỉ làm một công việc là tưới nước cho cây tại một căn nhà ở ngoại vi Melbourne. Nguồn tin này cũng nói rằng, Dat đến Melbourne bằng visa du học, nhưng bỏ học nửa chừng để làm việc tại một nhà hàng của người Việt Nam. Cảnh sát cho biết, Nguyen đã hai lần trú ngụ trong căn nhà trồng cần sa, từ 15 đến ngày 18 tháng Bảy. Cuộc bố ráp được tiến hành 2 ngày sau khi cảnh sát khám phá một hệ thống tưới tiêu hết sức tinh vi, được sử dụng khắp căn nhà trồng cần sa. Cảnh sát tịch thu khoảng 300 cây cần sa trị giá hơn 1 triệu Mỹ kim.
Dat khai với nhân viên điều tra đã  gặp một người đàn ông tên Sơn trong một bữa tiệc và được ông này thuê trồng cần sa. Phán quyết của chánh án toà án quận, ông James Parrish nói rằng, Dat can tội hình sự ở cấp độ thấp, vì không liên can đến việc thiết lập cơ sở trồng cần sa hoặc bán ma tuý cho người khác.
 02/24/2016 - 15:32
Song Châu / SBTN

Nhà máy lọc dầu Dung Quất nguy cơ đóng cửa vì thiếu đơn đặt hàng

PetroVietnam, đại công ty Xăng Dầu và Khí đốt Việt Nam lại một lần nữa vận động xin miễn giảm thuế đánh vào sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất lớn nhất Việt Nam.

Truyền thông địa phương hôm kia dẫn lời người đứng đầu PetroVietnam nói rằng, sản phẩm của họ không thể cạnh tranh nổi với giá dầu nhập cảng quá rẻ. PetroVietnam yêu cầu được cắt giảm thuế đánh vào dầu thô của nhà máy lọc dầu Bình Sơn và công ty Petrochemical. Bức thư cũng cho rằng, giá thành thấp giúp ngành lọc dầu Việt Nam cạnh tranh trên thị trường Đông Nam Á và Nam Hàn.
Mặc dù lượng dầu thô xuất cảng lên tới 18 triệu 740 ngàn tấn hồi năm ngoái, Dung Quất vẫn phải dựa vào nguồn dầu thô nhập cảng để sản xuất các sản phẩm chính, như diesel và nhiên liệu phi cơ kể từ bắt đầu hoạt động vào năm 2008. Thuế suất dầu thô nhập cảng vào Việt Nam hiện nay là 20%, trong khi xăng nhập cảng được miễn thuế theo hiệp ước đã ký kết với các quốc gia Đông Nam Á từ đầu năm nay.
Cuối năm ngoái, một số nhà phân phối tại các địa phương cắt giảm đơn đặt hàng, khiến Dung Quất càng phải vất vả để bán được hàng. Khách hàng lớn nhất của Dung Quất là tổ hợp Xăng dầu Quốc gia Việt Nam chỉ đặt hàng 80 ngàn mét khối diesel, thay vì 120 ngàn khối như trước đây. Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Bình Sơn nói rằng, nếu không có thêm đơn đặt hàng mới, Dung Quất có thể bị đóng cửa trong vòng từ 2 đến 3 tháng.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất là cơ sở trị giá 3 tỉ Mỹ kim, công suất hàng năm khoảng 6 triệu 500 ngàn tấn. Đây là một thí dụ điển hình nhất cho sự điều hành kinh tế duy ý chí, kém hiểu biết của CSVN. Chính ra đó là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, liên doanh với Pháp, phải được xây dựng từ cuối thập niên 90 tại khu vực phía Nam, là nơi gần vùng tiêu thụ và nguyên liệu. Tuy nhiên, phía chính quyền Việt Nam muốn nó được xây dựng ở QUảng Ngãi, quê hương của Phạm Văn Đồng, với lý do duy ý chí “để phát triển kinh tế Miền Trung”, bất chấp nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường. Vì lý do này, đối tác Pháp rút ra khỏi dự án. Phía Tổng Công Ty Dầu Khí sau đó tiếp tục tìm thêm nhiều đối tác nước ngoài khác nhưng đều thất bại, nên đành tự mình làm chủ đầu tư. Kết quả là dự án đã bị trì hoãn đến 8 năm, tiêu tốn hàng tỉ Đô cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng bỏ hoang. Và quan trọng hơn hết, cơ hội tận dụng thị trường đã trôi qua, dẫn đến sự thất bại về kinh tế như ngày hôm nay.
 02/24/2016 - 15:37
Song Châu / SBTN

Thấy gì từ việc Ban tuyên giáo trung ương lần đầu tiên trả lời ‘đài địch’ RFA?

Một hiện tượng “chuyển tư tưởng” đáng chú ý là chỉ 3 tuần sau đại hội 12 của đảng cầm quyền, một viên chức cao cấp của đảng là Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, đã lần đầu tiên trả lời phỏng vấn đài RFA.
Viên chức Vũ Ngọc Hoàng. Hình Internet
Trong số các đài Việt ngữ quốc tế, RFA luôn bị bị xem là “đài địch” đầu bảng. Trong một lần bắt giữ trái phép rồi hỏi cung nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng vào giữa năm 2015, Cơ quan an ninh điều tra – Công an TP.HCM – đã tuyên bố “Trả lời phỏng vấn các đài RFA, VOA, BBC… là trả lời giặc”.
Nhưng không những trả lời “giặc”, dường như ông Vũ Ngọc Hoàng còn không né tránh những câu hỏi nhạy cảm của RFA.
Khi được hỏi “Đảng đã đề cập rất nhiều đến chuyện kiểm soát quyền lực, một Bộ trưởng đề cập thẳng ở đại hội chuyện độc lập giữa ba nhánh chính của nhà nước. Vậy cụ thể sẽ có gì mới trong việc kiểm soát quyền lực sắp tới?”, ông Vũ Ngọc Hoàng trả lời: “Kiểm soát quyền lực là việc nhất thiết phải làm. Đại hội 12 vừa rồi đã khẳng định như vậy. Trong đó, theo tôi nghĩ, cần thiết và quan trong hàng đầu là việc phân quyền giữa 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp cho hợp lý nhằm bảo đảm độc lập tương đối và thực hiện kiểm soát quyền lực lẫn nhau để hạn chế tối đa các sai sót hoặc sớm phát hiện và sớm điều chỉnh khi có sai, bảo đảm xử dụng quyền lực đúng quyền hạn và đúng mục đích, không lạm quyền, không lộng quyền, không để tha hóa quyền lực”.
Cũng là lần đầu tiên, cụm từ “độc lập tương đối” được một quan chức cao cấp của đảng áp dụng cho cơ chế kiểm soát quyền lực ba nhánh, mặc dù vẫn chưa nói thẳng về tính “tam quyền phân lập’ mà phương Tây đã áp dụng rất nhiều năm.  
Cần nhắc lại, ngay trong thời gian diễn ra đại hội 12, ông  Vũ Ngọc Hoàng - đã trả lời phỏng vấn báo Người Lao Ðộng, mà theo báo này tường thuật thì ông Hoàng “tỏ ý tin tưởng nếu quyết tâm, tích cực, chủ động thì có thể tiến tới bầu trực tiếp tổng bí thư tại đại hội đảng.”
Khi được hỏi, “Ông có cho rằng thực hiện tranh cử trong Ðảng sẽ giúp đánh giá, lựa chọn chính xác hơn những người giữ trọng trách?,” ông Vũ Ngọc Hoàng đã bộc lộ: “Tôi nghĩ về lâu dài, công tác bầu cử trong đảng nên có tranh cử để nhiều người lên trình bày phương án của mình trước đông người, nói rõ dự định nếu trúng cử vào vị trí đó sẽ làm gì... Sau đó, các ứng cử viên tranh luận với nhau một cách công khai. Ðó là một cơ chế tốt, tiến bộ, cần tích cực chuẩn bị nhằm sớm triển khai.”
Có thể cho rằng, đây là lần rất hiếm hoi một tờ báo nhà nước dám vượt qua rào cản tuyên giáo để đặt câu hỏi về vấn đề tranh cử trong đảng mà thực chất là “tranh cử kiểu phương Tây.” Nhưng là lần đầu tiên, một quan chức có trách nhiệm và lại là lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Trung Ương - cơ quan nổi tiếng là xơ cứng và giáo điều - không phủ nhận tính cần thiết của cơ chế tranh cử trong đảng, cho dù vẫn chưa hứa hẹn khi nào đảng Cộng Sản sẽ thực thi cơ chế này.
Ðược xem là cánh tay mặt của tổng bí thư, phát ngôn của Ban Tuyên Giáo Trung Ương có thể mang tính “định hướng” về những việc mà đảng Cộng Sản có thể thực hiện trong tương lai. Logic có thể hình dung là nếu não trạng của ông Vũ Ngọc Hoàng có thể “chuyển” thì điều đó có nghĩa là tư duy của ông Nguyễn Phú Trọng đã có hơi hướng thay đổi.
02/24/2016 - 18:06
Lê Dung / SBTN

Lạm bàn về "chính trị"

Phạm Dương Đức Tùng (Danlambao) - Chính trị là nhiệm vụ hàng đầu, là công tác cao cả mà mọi người cần phải tham gia, đóng góp vào cho đời sống làm người thêm ý nghĩa. Giúp cho nước mạnh, dân giàu, người ấm no, dân hạnh phúc, và quê hương rạng danh năm châu bốn biển vậy. Mọi công tác trong một xã hội đều là chính trị. Làm văn hóa, nhân đạo, xã hội, bỏ phiếu bầu cử, hay những việc nhỏ nhất cho cộng đồng xã hội cũng đã là làm chính trị. Vì các hoạt động này được thực hiện với mục đích phục vụ xã hội và con người. Một xã hội có nhiều người tham gia chính trị là một xã hội văn minh tiến bộ. Và ngược lại, một xã hội mà có rất ít người tham gia chính trị, công dân bị cấm tham gia chính trị là một xã hội nghèo nàn lạc hậu, phần nhiều xuất phát từ độc tài..

*

I. Nhu cầu chính trị

Cách đây mươi ngàn năm, khi con người bắt đầu kết xã, tổ chức cuộc sống thành những làng nông nghiệp, làng đánh cá, bộ lạc, tiểu đô thị thì nhu cầu chính trị đã ra đời. Để điều hành xã hội, điều hòa cuộc sống và phục vụ con người cho cuộc sống được hòa bình, an thái.

Xã hội loài người sẽ hỗn loạn, con người sẽ sống như loài thú man dại, hoang sơ, nếu chính trị không được áp dụng vào đời sống loài người.

II. Nguyên ngữ “chính trị”

"Politic", "politique", "politician" (chính trị, chính trị gia) là những chữ bắt nguồn từ nguyên ngữ "poli" của Hy Lạp. Theo chữ Hy Lạp, “polis” là thành phố hay tiểu đô thị, “polites” là những người sống trong các “polis”. Sau này, "police" được dùng trong một quốc gia để chỉ định những lực lượng cảnh sát bảo vệ người dân và giữ gìn trật tự an ninh xã hội.

Khi người Hy Lạp bắt đầu kết xã thì họ thành lập những "polis". Các đô thị được thành hình theo thời gian, tạo nên một nếp sống mới, khác với cuộc sống của người dân sống ở nông thôn. Những người đô thành tự cho mình là những “polites” (công dân sống trong các polis) có cuộc sống văn minh.

Chính những người "polites" này, vì sống nơi thành thị, có điều kiện tiếp cận với xã hội văn minh tiến bộ, nên cho ra đời "politic" (chính trị).

"Politic" dần dần sản sinh khắp Âu châu, nơi tiếp xúc trực tiếp với nền văn minh Hy Lạp cổ. Là cái nôi của nền văn minh châu Âu và văn minh La Mã sau này.

III. Định nghĩa

Ngày nay, người ta đã định nghĩa chính trị một cách tổng quát và khoa học như sau: "Chính trị là khoa học cai trị quốc gia", "Chính trị là nghệ thuật, cách thực hành cai trị các xã hội loài người".

Hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Khổng Phu Tử đã định nghĩa vắn tắt: "Chính trị là đạo cả". Nghĩa là con đường lớn nhất của bậc sĩ phu, của người quân tử. Là công tác quan trọng bậc nhất của đời sống loài người. Aristote cũng đã dạy rằng:"Khoa chính trị là thầy của các môn khoa học".

Theo các triết gia Tây phương nói chung, Hy Lạp nói riêng là Socrates, Platon và Aristote, thì họ quan niệm rằng con người là sự kết hợp của hai phần tách biệt là Tinh thần và Vật chất. Nói cách khác là gồm Linh hồn và Thể xác. Vì linh hồn bất diệt nên tinh thần quan trọng hơn hẳn thể xác. Do đó, mọi việc phải bắt đầu bằng lý trí, triết lý chính trị. Tức là phải bắt đầu bằng phần lý trí, lý luận rồi mới đến kinh tế, vật chất. Nghĩa là văn hóa, chính trị lãnh đạo, chi phối hệ thống sản xuất kinh tế.

Mấy trăm năm gần đây, ngược lại, Karl Marx quan niệm con người thuần vật chất. Ông nhìn lịch sử loài người bằng con mắt Duy Vật (duy vật sử quan). Ông cho rằng lịch sử loài người là lịch sử của hệ thống sản xuất kinh tế nên kết luận cho rằng kinh tế chi phối, chỉ đạo văn hóa chính trị.

Đến bây giờ thì tất cả chúng ta đều đã thấy rằng hệ thống kinh tế có thể ảnh hưởng đến thể chế chính trị, nhưng không thể nào chỉ huy hoặc tạo ra một cơ cấu chính trị được.

IV. Quan niệm chính trị theo người xưa

Suốt mấy nghìn năm, sĩ phu của ta và của các nước có nền tảng Nho học đều hành xử trong một chuẩn mực được gọi là "Đạo" mà căn bản chính là mẫu Người Quân Tử.

Theo quan niệm của các bậc sĩ phu, việc "chính thân trị quốc", phải luôn đi đôi với "Tài năng" và "Đức độ".

Chữ "Sĩ" vốn nghĩa là học trò, là người theo học đạo Nho. Là hạng người khí tiết thanh cao, ninh thọ tử bất ninh thọ nhục, uy vũ bất năng khuất (thà chết chứ không chịu nhục, thế lực không khuất phục được).

Kẻ sĩ luôn giữ vững ba mối quan hệ giữa vua-tôi, cha-con, vợ-chồng (tam cương) cùng năm đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (ngũ thường).

Ở triều đình, kẻ sĩ đứng vào hạng thứ 5, sau các tước khanh, tướng, thượng đại phu, hạ đại phu. Ngoài đời, kẻ sĩ được xếp vào hạng nhất, trên các giới nông, công, thương.

“Chính” là chính khí, chính tâm, chính nhân, chính pháp. Riêng "chính khí" là quan trọng tột cùng. Là xuất phát điểm cho ba phần kia. Bởi về bản chất hình nhi thượng (siêu hình), kẻ sĩ là người làm bật ra được cái khí hạo nhiên của chính khí mà trời đất ban cho.

Khi bị quân Nguyên bỏ giam trong ngục, vị danh tướng nhà Tống, Văn Thiên Tường đã viết bài "Chính Khí Ca", trong đó có câu:

"Giữa đất trời có chứa một khí lực chân chính gọi là chính khí. Khí ấy nhập vào các loại thể, ở dưới thì ngưng tụ nơi núi sông, ở trên thì ngưng tụ nơi tinh tú, nơi con người là khí hạo nhiên. Lúc nước nhà thanh bình, bầy tôi hấp thụ khí hạo nhiên ấy mà làm sáng sủa triều chính. Khi nguy biến, thì khí hạo nhiên ấy phát hiện dưới hình thức xả thân cho tròn tiết nghĩa." - (Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Huế, 1929).

Tại Việt Nam, cụ Nguyễn Văn Giai cũng đã viết bài "Chính Khí Ca", tường thuật lại việc cụ Hoàng Diệu tuẫn tiết khi Hà Nội mất vào tay giặc:

"Một vùng chính khí lưu hành,
Khoảng trong trời đất nhật tinh sơn hà.
Hạo nhiên bởi tại lòng ta,
Tấc gang son sắt hiện ra khi cùng"

Cũng chính vì "chính khí" mà người quân tử sống, chết và hành xử theo đúng quan niệm "Xuất, Xử" của người xưa.

Khi chưa gặp thời (vị ngộ), kẻ sĩ ở ẩn, trong vùng cỏ bông, cỏ tất ở thôn quê, nằm chờ thời một cách hiêu hiêu tự tại, như một Lã Vọng ngồi câu cá ở sông Vị, như một Y Doãn đi cày ở đất Sằn.

Khi gặp thời, kẻ sĩ đem tài lương đống ra mà giúp đời, trị nước, an dân. Chính thân, trị quốc, bình thiên hạ. Bằng văn tài, võ lược. Với tài đức vẹn toàn.

Khi lập nghiệp xong, kẻ sĩ lại rút về ở ẩn theo chủ trương "công thành thân thoái" của Hoàng Thạch Công (là ẩn sĩ cuối đời nhà Tần, có học trò là Trương Lương rút lui sau khi đã giúp vua Hán Cao Tổ lập nghiệp đế). Từ chức về quê hưởng nhàn, ngao du sơn thủy, bầu rượu túi thơ.

Trong Kinh Dịch, chữ Thời là quan trọng hơn cả. Khi đã gặp thời thì người câu cá như Hàn Tín, kẻ bán thịt chó như Phan Khoái cũng thành công. Bằng không thì có tài như Sở Bá Vương cũng phải tự vận trên bến Ô Giang.

Riêng văn hóa thuần Việt, dựa trên nền tảng tổ chức xã hội “Một Bọc Trăm Con”, chính trị dựa theo nguyên lý "Thân Thương và Bình Đẳng". Thân thương vì xã hội Việt là những anh em có cùng một mẹ, một cha. Bình đẳng vì họ sinh ra cùng một lúc.

V. Chính trị là đạo cả - đức trị học thuyết của Khổng Tử

Chính trị theo ngữ học gồm hai chữ: "chính" và "trị". Chính có nghĩa là ngay thẳng. Trị là cai trị. Chính trị là cai trị một cách ngay thẳng. Chữ "Chính" theo nghĩa bóng còn có nghĩa là đạo đức, tốt đẹp, nhân đạo, là Chân Thiện Mỹ.

Nguyên ngữ ban đầu chính trị có nghĩa là cách cai trị với mục đích trọng sự thật, thực hiện điều thiện và quảng bá điều mỹ. Là con đường vương đạo, trái với bá đạo. Là đạo cả, là con đường đại đạo, là con đường đưa đến cái học lớn, là con đường lớn của bậc sĩ phu, là đạo đức lớn nhất theo Khổng Tử: "Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện" (đạo đại học là ở chỗ làm sáng tỏ cái đức sáng, là ở chỗ khiến đời sống người dân không ngừng đổi mới, là ở chỗ khiến cho người ta ở vào cõi chí thiện) [Tiết thứ nhất - Chương I - Đại học - Tăng Tử].

Xuất phát từ quan điểm chính trị và đạo đức của Nho gia, Đại học đã nhấn mạnh vào tính thống nhất không thể chia cắt được giữa việc tu dưỡng đạo đức cá nhân với việc trị quốc, bình thiên hạ.

Trong lịch sử tư tưởng chính trị, Khổng Tử không phải là người đầu tiên chủ trương dùng Đạo Đức để cai trị, nhưng là người đầu tiên nhấn mạnh về tư cách đạo đức của người cầm quyền. Ông không tách rời Đạo Đức và Chính Trị. Ông cho rằng phải cai trị dân bằng đạo đức chứ không phải bằng bạo lực.

Khổng Tử sinh trưởng trong thời loạn lạc, thời mà "vương đạo" suy vi, nhường chỗ cho "bá đạo", khiến xã hội nhà Chu bị đảo lộn. Ông cho rằng cần phải lập lại kỷ cương trong xã hội thì thiên hạ mới có Đạo, xã hội mới an bình. Ông dựa vào Đạo đức để làm phương tiện chính trị quản lý xã hội.

Đức Trị học thuyết đòi hỏi người làm chính trị, người trị dân phải có Đạo Đức.

Các tư tưởng này được nhiều thế hệ học trò của ông ghi lại trong sách Luận ngữ, Trung dung, Đại học. Chu Hy thời Nam Tống đem các tác phẩm này ghép với trước tác của Mạnh Tử lại gọi là Tứ Thư (bốn cuốn sách lớn).

Người cai trị mà Khổng Tử kỳ vọng là Người Quân Tử. Người quân tử phải có Đức. Đó là nhân-nghĩa-lễ-trí-tín (ngũ thường), trong đó đức Nhân là quan trọng hơn cả. Nhân là đức căn bản của Nho giáo cả về tư tưởng chính trị, xử thế và tu thân.

Khi Quý Khương Tử, đại phu nước Lỗ hỏi Khổng Tử về việc chính, tức là cai trị, ông nói: "Chữ chính (cai trị) là từ chữ chính (ngay thẳng). Cai trị là chăn dân trở thành ngay thẳng, chính đính. Nay đại phu là người dẫn đầu trong dân chúng mà tự mình chính đính thì không ai dám ăn ở bất chính". [Tứ Thư - quyển Luận ngữ - dịch giả Đoàn Trung Còn, trang 191].

Tựu trung, tư tưởng chính trị của Khổng Tử là dùng Đức trị. Ông đòi hỏi người cai trị phải có đức và phải dùng đức để cai trị. Để có đức thì họ phải hành đạo, tức là phải tu thân, phải làm theo lễ. Muốn khôi phục lễ thì phải thực hiện chính danh. Thực hiện được chính danh thì xã hội sẽ ổn định và phát triển.

Hoài bão của ông chứa đựng lòng nhân đạo cao cả, nhưng không thực tiễn trong thời loạn lạc thời Đông Chu. Chủ trương dùng đạo đức để cai trị của ông thật là lý tưởng. Nhưng trong lúc nước nhà loạn lạc, mà dùng Đức để cảm hóa thì thật là ảo tưởng. Ông không có cơ chế để buộc người cai trị phải tuân theo đạo đức mà chỉ trông mong vào sự tự giác của họ. Giá như ông biết dung hòa giữa đức trị và pháp trị thì đã không phải than rằng đời vì đạo của ông không ai dùng đến cả.

VI. Mục đích tối hậu của chính trị

Từ thời bộ lạc chuyển sang thời thành lập quốc gia, mọi dân tộc trên thế giới đều nhắm vào hai nhiệm vụ chính là "Kính Trời và Yêu Dân", qua trung gian của những vị vua hay những nhà lãnh đạo chính trị.

Tiến trình chính trị nhân loại trải qua từ chế độ Bộ Lạc, đến Quân Chủ chuyên chế, lập hiến, đại nghị, và đến Dân Chủ Tây Phương, Dân Chủ Nhân Dân của cộng sản, Dân Chủ Châu Á, Châu Phi, và đang dần bước sang Tân Dân Chủ. Các thể chế chính trị luôn biến đổi để phù hợp với tình thế xã hội và tâm lý, cũng như nhu cầu đời sống của người dân.

Chính trị là nhiệm vụ hàng đầu, là công tác cao cả mà mọi người cần phải tham gia, đóng góp vào cho đời sống làm người thêm ý nghĩa. Giúp cho nước mạnh, dân giàu, người ấm no, dân hạnh phúc, và quê hương rạng danh năm châu bốn biển vậy.

Mọi công tác trong một xã hội đều là chính trị.

Làm văn hóa, nhân đạo, xã hội, bỏ phiếu bầu cử, hay những việc nhỏ nhất cho cộng đồng xã hội cũng đã là làm chính trị. Vì các hoạt động này được thực hiện với mục đích phục vụ xã hội và con người.

Một xã hội có nhiều người tham gia chính trị là một xã hội văn minh tiến bộ.

Và ngược lại, một xã hội mà có rất ít người tham gia chính trị, công dân bị cấm tham gia chính trị là một xã hội nghèo nàn lạc hậu, phần nhiều xuất phát từ độc tài.

VII. Thay lời kết

Ngày nay, trong thời buổi nhiễu nhương, thế thái nhân tình, đất trời hỗn loạn, lâu lâu đọc lại những quan niệm nguyên thủy về chính trị để thấy chúng ta còn thua các “Cụ nghè” nhiều lắm.

Thời xưa, nguyên từ "Chính Trị" cao quý lắm! "Làm chính trị" thiêng liêng thay! Bởi "chính trị là đạo cả", là con đường lớn của các bậc sĩ phu.

Ngày nay, cái gì xưa thì cứ cho là gàn, là cổ hủ. Nhưng quá khứ hào hùng quá, thiêng liêng quá. Quên làm sao được, xóa làm sao xong?

Trong những nước độc tài cuối cùng còn lại trên thế giới, cái mũ "chính trị" vẫn thường được chụp hầu trừng phạt những cái đầu biết suy nghĩ và muốn sống, sống theo đúng nghĩa sống của một con người văn minh trong một xã hội tiến bộ.

Những thể chế chính trị ấy, dù độc tài cách mấy, rồi cũng phải qua đi. Vì vật cùng tắc biến. Trong cái biến có cái bất biến, và chính cái bất biến chỉ huy cái biến. Vật chất rồi cũng sẽ bị phân hủy. Chỉ có Linh hồn là bất diệt.

"Tri kim nhi bất tri cổ, vị chi man cổ. Tri cổ, nhi bất tri kim, vị chi lục trầm" (biết đời nay mà học về đời xưa, lấy đời xưa làm bài học cho đời nay). Và chỉ có một bài học duy nhất dành cho những người đi làm chính trị: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. Thuận theo lẽ trời thì sống, trái với lẽ trời sẽ chết.

Thực tiễn hơn, những nhà lãnh đạo chính trị phải hành xử đúng theo Lẽ Đạo. Làm chính trị là để phục vụ cho cộng đồng, là phụng sự cho dân, theo đúng tinh thần Nhân Bản:

Cổ lai quốc dĩ dân vi Bản
Đắc quốc ưng tri tại đắc Nhân
(Xưa nay, nước lấy dân làm gốc
Được nước nên biết là do được lòng nhân).

Paris, 2016

Mặc kinh tế phá sản, CSVN vẫn có 5 năm vơ vét mới

Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Lần đầu tiên công chúng được biết đến trận thư hùng đầy gian kế tranh quyền lộ liễu chưa từng có trong lịch sử đảng CSVN, diễn tiến gần như trọn đại hội 12, cuối tháng Giêng tại Hà Nội. Đại hội lần này phơi bày trọn vẹn khuân mặt “đảng cướp tranh ăn” của tập đoàn Ba đình, trong lúc nền kinh tế Việt Nam dù nằm ngang dưới đáy vực, đảng CSVN quyết “tay búa, tay liềm” xiết cổ dân tộc Việt Nam để có thêm 5 năm vơ vét mới. Đảng trưởng tái cử độc diễn Nguyễn Phú Trọng, gom trong tay gần như trọn quyền lực, “kiên định theo chủ thuyết Marx-Lenin, bảo vệ độc quyền lãnh đạo của đảng để theo đuổi đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đầy mâu thuẫn nội tại. Tuy nhiên giới chuyên gia nhận đinh rằng, “Đảng CSVN chỉ còn một đường, nếu muốn tồn tại phải tiếp tục đổi mới về kinh tế, xã hội và cả chính trị; không thể quay lại phía sau”.

Tình thế mới buộc CSVN phải chọn chỗ “dựa lưng”: một bên tiếp tục lệ thuộc Trung cộng đang lao đao về kinh tế, tiền bị “tuồn” ra ngoài, vì mất giá. Chỉ mới 6 tháng nay, ngoại tệ biến mất khỏi Trung cộng 420 tỷ Đôla, riêng tháng Giêng, gần 100 tỷ. Trên 70% dân Việt Nam chán ghét Trung Cộng. Nhưng chỗ dựa này lại cho tập đoàn cộng sản Ba Đình cái cảm giác an toàn chính trị, để mặc tình trấn áp bóc lột người dân như đang làm; bên kia là phải trao dần quyền cho dân chúng để hội nhập vào nền kinh tế thị trường, công nhận quyền nghiệp đoàn độc lập của công nhân, tuân thủ mọi đòi hỏi của Hiệp định TPP thì cũng còn ăn bẩn được, tuy có vất vả bội phần, nhưng chưa đến nỗi bị ban “Tang Lễ nghênh đón”.

Đại hội đảng cộng sản 12 bế mạc trong bối cảnh chẳng những “đảng tự làm mất hào quang” còn sót lại, mà còn làm gia tăng trong dân chúng lòng chán ghét chế độ “hèn với giặc, ác với dân”. Kẻ thắng thì loay hoay xoay xở làm sao để vơ vét thêm; bên thua thì quần thần ngơ ngáo, đang cố chỉnh đốn hàng ngũ để thủ thế. Nếu bên thua không thủ nổi, sẽ xảy ra nhiều màn tranh đoạt mà chỉ dấu đầu tiền sẽ diễn ra tại khối ngân hàng thương mại. 

Chỉ có dân chúng luôn phải đón nhận vô vàn đắng cay, thiệt hại: Thị trường chứng khoán Việt Nam hoảng loạn, tuột dốc thẳng đứng, mất toi 5 tỷ Đôla vào thời gian lãnh đạo CSVN sát phạt nhau trong đai hội. Khối ngân hàng thương mại cổ phần và định chế Tín Dụng tiếp tục là mối lo làm ăn gian dối. Ngay trong lúc đại hội 12 diễn ra, có 9 thành viên Ban quản trị ngân hàng Đầu Tư & Phát Triển Việt nam (BIDV) bị bắt, nhưng mãi một tuần sau, truyền thông mới được biết tin này. Nợ xấu ngân hàng như “cục máu đông” có thể đưa đến “đột tử” lúc nào không ai biết. Đồng tiền Việt Nam tiếp tục mất giá so với Mỹ Kim. Doanh nghiệp quốc doanh chiếm 32% GDP làm ăn thua lỗ là gánh nặng cho nền kinh tế. Khối doanh nghiệp tư thì bị chèn ép đến phá sản hàng loạt. Ngoại thương vẫn lệ thuộc lớn vào Trung cộng, Việt Nam bỏ ra 50 tỷ Đôla mua hàng từ phương Bắc, tạo ra tình trạng nhập siêu lên đến 32 tỷ Đôla. Năm 2015, nhà cầm quyền cộng sản thiếu tiền chi tiêu phải vay 324 ngàn tỷ đồng từ quỹ Bảo Hiểm Xã Hội, là tiền của công nhân đóng góp cho bảo hiểm y-tế và thất nghiệp. Ngân sách vẫn liên tục thâm thủng buộc CSVN phải phát hành ngay 220 ngàn tỷ trái phiếu để có tiền chi dùng... 

Dân nghèo quanh Hà Nội than phiền “đại hội đảng XII chỉ diễn ra có (8) ngày, nhưng gây méo mặt, teo dạ dày trong dân chúng trước sau hàng tháng.” Cảnh mưa phùn, gió Bấc rít lên từng chặp, vin cong những hàng cây, đưa hơi giá buốt của mùa Đông bao trùm gần khắp Miền Bắc, khiến nhiều trường học phải đóng cửa. Nhưng ngoài trời, bất kể ngày, đêm 5200 tay súng thường trực, võ trang đến tận răng, chưa tính an ninh chìm lúc nào cũng dầy đặc bên cạnh hàng đoàn xe bọc thép, có phi pháo yểm trợ vần vũ rợp trời, đưa đến cảnh tượng khủng bố tinh thần dân chúng khắp nơi, không còn ai mua bán được vào dịp Tết, khiến giới tiểu thương và dân buôn thúng bán bưng cũng như dân nghèo không thể kiếm nổi chút tiền sắm Tết. Gần 40 dãy phố quanh Mỹ Đình chìm vào không khí đề phòng “quân thù” sắp xuất hiện. Rốt cuộc, họng súng kia chỉ nhắm vào trường hợp “giả định” đám dân oan cùng khốn dám biểu tình đòi công bằng trong thời gian đảng cướp họp mặt. [1]

Nghênh ngang trong khung cảnh “chiến tranh từng con phố”, ngoài các loại xe sang trọng dành cho các đại biểu cấp cao, còn 125 chiếc xe ô-tô đủ loại, rườm rượp ra vào Trung Tâm Hội Nghị như khung cửi. Có những chiếc xe trang bị vũ khí có khả năng chiến đấu cao trong bất cứ tình huống nào. Bên trong cánh cửa hội trường đóng kín, 1510 đảng viên “ưu tú” đại biểu đấu đá, giành giựt nắm quyền, được truyền thông phô bày rất bỉ ổi. Mánh khóe hạ gục nhau tranh giành quyền lực thì lúc nào cũng có trong nội bộ CSVN, nhưng họ dấu rất kín, chưa từng được “khui” ra, kể từ ngày đảng cướp Ba Đình hoành hành trên đất Việt. 

Kết quả cuộc tranh quyền lần này lộ rõ 19 người trong Bộ Chính Trị, thì có 1 người Miền Trung, 3 Nam và 15 Bắc, là bằng chứng đảng viên gốc gác miền Trung và Nam đã bị hất cẳng ra ngoài! Quyền và lợi từ nay nằm gần gọn trong tay đám đảng viên Miền Bắc, đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng. [2]

Dàn nhân sự “hồng hơn chuyên” có tiếng độc đoán trong Bộ Chính Trị đảng CS khóa 12, phần lớn trong ngành an ninh, công an, quân đội hay tuyên giáo, thuộc lớp người “đã luống tuổi”, có ít năng lực điều hành, quản trị kinh tế vĩ mô. Cách “bày trận” của Nguyễn Phú Trọng như muốn dựa vào cây súng và nhà tù nhằm đe dọa những tiếng nói ôn hòa đòi hỏi tiến độ cải cách kinh tế, chính trị triệt để hơn. 

Khả năng của nhóm “tay liềm, tay búa” chỉ có thể làm, là họ tiếp tục nhì nhằng đi dây để cân bằng quan hệ giữa đàn anh Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn. Đồng thời kéo lê con tàu kinh tế Việt Nam đôi khi trồi lên khỏi mặt sóng cho “nổ bong bóng” bằng số liệu tăng trưởng GDP theo lề thói thi đua “thành tích”, đưa kinh tế Việt Nam thoi thóp cho qua 5 mùa Đông nữa. Tình trạng này sẽ thuận lợi cho tham nhũng gia tăng, không có cơ may thuyên giảm. 

Trước Tết, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình được báo chí Việt Nam trích lời nói, sai phạm kinh tế phát hiện ra được trong giai đoạn 2011-2015 lên tới số tiền tương đương 9,3 tỷ Đôla. Còn vô vàn trường hợp không muốn phát hiện ra thì sao? Đã có nhiều lần, báo chí “khui” ra tham nhũng, phóng viên liền bị bắt tù; nhẹ nhất cũng bị hành hung đến thương tật. Một đất nước giới tham nhũng được ngầm ưu đãi như “công thần” của chế độ, thì ai cũng biết rằng nói chống tham nhũng chỉ để mị dân thôi.

Ngân khoản chi tiêu cho đại hội 12 không được công bố. Nhưng trung bình trong những năm không tổ chức đại hội, chỉ riêng văn phòng trung ương đảng cũng tiêu gần 2000 tỷ đồng. Không có quốc gia phát triển nào lấy tiền dân nộp thuế nuôi cơ quan đảng.

Phát biểu chính thức tại đại hội đảng 12, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu Tư, ông Bùi Quang Vinh, nói rằng: “bao năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp gần như không thay đổi. Nền chính trị phù hợp với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển. Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách.” 

Lời phát biểu của ông Vinh được nhiều đại biểu vỗ tay tán thưởng, nhưng không được Bộ Chính Trị đếm xỉa gì. Không thấy tên ông Bùi Quang Vinh trong Bộ Chính Trị cũng như Ban Chấp Hành Trung Ương Cộng đảng khóa 12.

Trong bài dự báo về tình hình chính trị - kinh tế Việt Nam trên trang Australian Financial Review cuối năm 2015, tác giả Thomas Jandl viết: "Năm 2016 mang tính then chốt để Hanoi điều chỉnh cơ cấu chính trị trong nước cho phù hợp với vị trí mới của Việt Nam trong kiến trúc kinh tế và an ninh toàn cầu. Việc hoàn tất đàm phán TPP đặt Việt Nam vào khối 12 nước cần tuân thủ một loạt các quy tắc thương mại, đầu tư chung, đồng thời đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện những thay đổi to lớn ở trong nước.

Hiệp định TPP được 12 nước thành viên chính thức ký kết hôm mùng 4 tháng 2, theo sau những kết ước kỹ thuật hoàn tất hồi tháng 10 năm ngoái. Mỗi nước thành viên có đến 26 tháng để hoàn tất thủ tục chấp thuận tại quốc gia mình. Hoa Kỳ cũng chưa đạt đồng thuận giữa Hành Pháp và Lập Pháp để TTP được chấp thuận. Việt Nam đã hoàn tất thương thảo các hiệp ước thương mai với EU, Đại Hàn... Nhưng cũng như TPP, cần có 1 đến 2 năm mới thấy sự vận hành và hiệu quả hay không của các hiệp ước thương mại này.

Quốc hội CSVN khóa 14, bầu cử vào tháng 5 sắp tới, sẽ cứu xét chấp thuận Hiệp định TPP. Sau đó, trên nguyên tắc, công nhân Việt Nam có toàn quyền tổ chức và thành lập Nghiệp Đoàn Tự Do không do Nhà nước quản lý và điều hành như Tổng Liên đoàn Lao động VN. Tuy nhiên, nhà cầm quyền CSVN sẽ tìm cách trì hoãn và đưa ra các điều kiện để ngăn cản tiến trình thành lập nghiệp đoàn công nhân độc lập. 

Đây là thách đố lớn lao để dân Việt Nam giành lấy quyền lập công đoàn độc lập từ tay đảng cộng sản. Chắc chắn khi quyền lao động và các quyền tự do của công nhân bị đảng CSVN xâm phạm, chà đạp bằng bất kỳ hình thức nào thì nhà cầm quyền Hà Nội sẽ khó mà ăn ngon ngủ yên với 11 nước thành viên TPP khác, đứng đầu bởi Hoa Kỳ. Nhưng từ nay cho đến khi có được kết quả “ban đầu” đó, dân tộc Việt Nam phải tích cực tranh đấu qua các hình thức ôn hòa, buộc CSVN phải thi hành từng bước các điều khoản TPP đưa ra thì đó là tia hy vọng duy nhất có thể tìm thấy ở Việt Nam sau Đại hội đảng cộng sản XII. 

23.02.2016

_______________________________________

Chú thích:

[1] Bộ Công an giả định tình huống có hàng ngàn người biểu tình đòi công lý, kéo đến đòi gặp lãnh đạo cao nhất đang hội họp, thì các lực lưọng võ trang sẵn sàng trấn áp. (Wikipedia/ An ninh đại hội 12). Dân chúng thì nói là phe trong đảng nắm được công an biểu dương sức mạnh dằn mặt đối phương.

[2] Ông Nguyễn phú Trọng từng tuyên bố “vơ vào” cho mình trước ngày có đai hội 12, “...tiêu chí bắt buộc để chọn Tổng Bí Thư phải là người Miền Bắc, phải là người có lý luận”.