Wednesday, November 2, 2016

2 giờ trưa, các quan chức làm gì ở quán Karaoke?

Bạn đọc Danlambao - Các quan chức cộng sản này là những trưởng, phó phòng cấp sở đã có mặt tại quán karaoke 68, phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội. 12 người trong số 13 cán bộ liên hoan, ca hát, nhậu nhẹt trong giờ làm việc này đã bị tử vong khi quán karaoke bị bốc cháy vào 2 giờ trưa ngày 01/11/2016. Trong số này có 1 cán bộ của Tp. Hà Nội.

Điều cần ghi nhận là vì có sự có mặt của các quan chức đảng nên ngay sau khi nhận được báo cáo về vụ cháy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh Tp Hà Nội chỉ đạo các lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm những người mắc kẹt trong đám cháy, ra lệnh cho Công an Hà Nội nhanh chóng điều tra và kết luận nguyên nhân và xử lý nghiêm sai phạm.

Trong vòng 1 năm qua đã có 23 vụ cháy tại các quán karaoke, tuy nhiên phải đợi cho đến lúc các cán bộ của đảng bị chết cháy thì Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, C66 mới ra chỉ thị kiểm tra các cơ sở vui chơi giải trí như các quán karaoke, vũ trường, quán bar, nhà hàng… và xử nghiêm các vi phạm.

Không có cán bộ lãnh đạo nào, kể cả ông thủ tướng đặt vấn đề các quan chức đi nhậu nhẹt, liên hoan trong giờ làm việc. 

03.11.2016

Tuần duyên Hàn Quốc nổ súng bắt giữ tàu cá Trung Quốc ở Hoàng Hải

Anh Vũ 
Theo RFI- 02-11-2016 
media
Tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc bị lực lượng tuần duyên Hàn Quốc bắt giữ, neo tại cảng Incheon ngày 09/10/2016. Yoon Tae-hyun/Yonhap via REUTERS 
Theo AFP, chính quyền Hàn Quốc ngày 02/11/2016 thông báo, lần đầu tiên lực lượng tuần duyên nước này đã phải bắn súng máy cảnh cáo để bắt giữ các tàu cá Trung Quốc xâm nhập đánh bắt trái phép trong vùng biển của Hàn Quốc.
Sự việc xảy ra vào khoảng 17 giờ giờ địa phương hôm qua, được lực lượng bảo vệ bờ biển của Hàn Quốc báo cáo lại. Các tàu tuần duyên Hàn Quốc đã dùng súng máy M60 bắn chỉ thiên để bắt giữ các tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng Hoàng Hải, ngoài khơi thành phố Inchon ở phía nam .
Hãng tin Yonhap dẫn lời ông Kim Jung-Shik, sĩ quan chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc, cho biết lệnh nổ súng được đưa ra khi có khoảng ba chục tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt trái phép trong vùng biển phía nam của Hàn Quốc.
Ban đầu tuần duyên chỉ định bắn chỉ thiên yêu cầu tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển Hàn Quốc, nhưng hai chiếc tiếp tục lao về phía tàu tuần duyên, khiến lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc buộc phải nổ súng về phía tàu Trung Quốc. Cuối cùng hai tàu cá trên đã bị bắt giữ.
Sự cố không gây thiệt hại gì về người và tài sản cho các tàu Trung Quốc, nhưng đây là lần đầu tiên tuần duyên Hàn Quốc phản ứng mạnh mẽ với các tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển của họ.
Các vụ đụng độ giữa tuần duyên Hàn Quốc và tàu đánh cá Trung Quốc vẫn thường xuyên xảy ra trong nhiều năm qua. Tháng trước, tàu tuần duyên của Hàn Quốc đã đâm chìm một chiếc tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trái phép bên trong lãnh hải Hàn Quốc ở Hoàng Hải.
Seoul đã yêu cầu Bắc Kinh phải có hành động nghiêm khắc để các tàu cá Trung Quốc chấm dứt các hoạt động đánh bắt cá trái phép trong lãnh hải Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tàu đánh cá lớn của Trung Quốc, được trang bị ngư cụ hiện đại, xâm nhập đánh bắt trái phép trong vùng biển của Hàn Quốc.
Không chỉ Hàn Quốc, đội tàu cá Trung Quốc còn hoạt động trái phép trong lãnh hải của nhiều nước khác như Indonesia, Việt Nam, Philippines hay Nhật Bản. Mỗi lần xảy ra sự cố, phản ứng của Bắc Kinh vẫn thường là khẳng định các ngư dân của họ hoạt động trong vùng lãnh hải Trung Quốc.

Tổng thống Philippines ra lệnh thả 17 ngư dân Việt Nam

Đức Tâm 
Theo RFI-02-11-2016 
media
 Các ngư dân Việt Nam được Philippines trả tự do rời đảo Luzon về nhà ngày 02/11/2016. TED ALJIBE / AFP 
Hôm nay, 02/11/2016, đích thân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh trả tự do cho 17 ngư dân Việt Nam, để thể hiện thiện chí và tình hữu nghị với Việt Nam, sau chuyến công du Hà Nội vừa qua của ông. Các ngư dân Việt Nam và ba thuyền đánh cá đã bị bắt ngày 08/09 trong vùng biển của Philippines.
Trong buổi lễ trả tự do cho ngư dân Việt Nam, tổng thống Duterte nói với các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ là ông đã ra lệnh hủy bỏ các cáo buộc bởi vì nhóm ngư dân này chỉ vào vùng biển của Philippines để tránh thời tiết xấu.
Nguyên thủ Philippines cho biết là ông đã chú ý đến trường hợp này trong chuyến công du Việt Nam hồi tháng Chín ; cả Việt Nam và Philippines là những quốc gia nhỏ bé, đều phải hứng chịu « những áp đặt » của các quốc gia hùng mạnh hơn. Ông nhấn mạnh : « Đó chính là vì sao chúng tôi chú trọng tới ASEAN. Là láng giềng của nhau, chúng tôi đôi khi phải làm gì đó để bảo vệ các lợi ích của chúng tôi ».
Theo AFP, các ngư dân Việt Nam cùng với thuyền của họ được tiếp tế đầy đủ, đã rời cảng Sual, tỉnh Pangasinan, trên đảo Luzon, phía tây bắc Philippines. Một trong những chiếc thuyền có ghi hàng chữ lớn : Các ngư dân Việt Nam xin cảm ơn tổng thống Duterte ».
Cũng trong lễ tiễn đưa này, tổng thống Duterte lại không nhẹ lời với Hoa Kỳ vì Washington đã chỉ trích các vụ giết người trong chiến dịch chống buôn bán ma túy tại Philipines. Ông Duterte nói rằng các đối tác châu Á đã đối xử, tôn trọng ông hơn.

Hậu vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội

Theo BBC-2 tháng 11 2016 

cháyImage copyrightEPA
Image captionBáo Việt Nam tường thuật "dù đã bơm nước, dập cháy 4-5 giờ, cảnh sát cũng chưa vào được hiện trường"
Tác giả của nhiều tập tản văn về Hà Nội chia sẻ suy nghĩ với BBC sau vụ cháy quán karaoke khiến 13 người thiệt mạng tại quận Cầu Giấy.
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy hôm 1/11.
Tin cho hay, ông Dương Cao Thanh, chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy loan báo quyết định tạm dừng hoạt động đối với tất cả các quán karaoke trên địa bàn quận để tiến hành kiểm tra.
Hôm 2/11, trang Thông tin Chính phủ cho hay cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy xảy ra tại quán karaoke này.
"Nguyên nhân vụ cháy bước đầu được xác định là do thiếu cẩn trọng khi hàn bảng quảng cáo tại tầng 2 nhà 68, là địa chỉ kinh doanh quán karaoke. Đây là cơ sở kinh doanh có 9 tầng", trang này viết.
"Chủ tịch quận Cầu Giấy khẳng định, đây là cơ sở kinh doanh mới đang trong quá trình đầu tư và hoàn thiện thủ tục pháp lý."
"Gần đây nhất là ngày 25/10, tổ công tác của phường tiến hành kiểm tra cơ sở. Tại thời điểm đó, tổ công tác yêu cầu cơ sở không được kinh doanh dịch vụ karaoke khi chưa có đủ giấy phép theo quy định của pháp luật".
Hôm 2/11, trả lời BBC, nhà văn Nguyễn Trương Quý, tác giả nhiều tập tản văn về Hà Nội, nói: "Đi hát karaoke là hình thức giải trí phổ thông với người Việt và người dân các nước châu Á khác."
"Nhưng sau sự vụ này, tôi nhận ra cuộc sống đang có quá nhiều nguy cơ rình rập, ảnh hưởng đến sinh mạng của người dân."
"Điểm đáng lưu ý qua vụ này là nhận thức của đám đông và trách nhiệm của giới chức về việc đảm bảo an toàn tại các cơ sở kinh doanh cũng như những tòa nhà."
'Thiếu quyết liệt'
Nhà văn nói thêm: "Người Việt chúng ta có thể hơi dễ dãi trong việc bảo vệ sinh mạng của chính mình trong lúc công tác phòng cháy chữa cháy quá yếu."
"Bình thường thì nguyên tắc lúc sửa sang xây dựng thì các hoạt động khác phải tạm dừng để đảm bảo thi công."
"Tôi hoài nghi nếu có sự cố cháy nổ xảy ra ở các khu chung cư thì liệu việc chữa lửa có thể hiệu quả đến đâu trong lúc Hà Nội ngày càng nhiều nhà cao tầng hơn."
"Dường như nhà chức trách còn thiếu sự quyết liệt trong việc đảm bảo an toàn, dự phòng cho những tình huống sự cố cháy nổ xảy ra."
Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay "11 trong số 13 nạn nhân của vụ cháy là học viên lớp cao cấp chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh".
"Đây là lớp cán bộ nguồn cấp trưởng phó phòng, học viên đến từ nhiều tỉnh thành, trong đó Hà Nội có một cán bộ cấp phòng tham gia lớp học này. Các học viên vừa thi xong môn học, tổ chức liên hoan thì xảy ra vụ cháy", theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh.
Hôm 31/10, website của Thông tấn xã Việt Nam tường thuật, Cầu Giấy được coi là một trong những địa bàn có nhiều cơ sở kinh doanh karaoke nhất Hà Nội, với 88 cơ sở.
Website này dẫn lời ông Quách Tuấn Anh, Phòng An ninh chính trị nội bộ, PA83, Công an Hà Nội cho biết: "Với các cơ sở kinh doanh karaoke phục vụ người nước ngoài, phần lớn chủ cơ sở là nữ, am hiểu về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, các trang thiết bị của cơ sở chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch không được kiểm định, lượng tiếp viên người Việt đông, hình thức hoạt động chủ yếu về đêm… nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ về phòng cháy, chữa cháy rất lớn."
Tháng 9/2016, một vụ cháy quán karaoke 8 tầng ở phố Nguyễn Khang, cũng ở quận Cầu Giấy khiến 20 nhân viên và khách tháo chạy.
Báo chí Việt Nam tường thuật, thời điểm xảy ra hỏa hoạn, quán "đang sửa chữa nhưng vẫn kinh doanh karaoke".

Cán bộ và dân, lửa và nước

11/02/2016 - 19:49 

Chưa bao giờ bản chất của nhân dân với cán bộ nhà nước lại trái ngược nhau như nước với lửa giống tình trạng hiện tại. Nói một cách nghiêm túc thì cán bộ là lửa, còn nhân dân là nước. Và trong một số trường hợp ngẫu nhiên lại có sự trùng hợp, thậm chí tương ứng đặc biệt trong chuyện dân là nước, cán bộ là lửa.
Nhiều người nói đùa rằng cán bộ là lửa, đến chết cũng gắn với lửa, còn dân là nước nên đến chết cũng gắn với nước. Chuyện này mới gnhe thì có vẻ đùa cợt nhưng sâu xa của nó vẫn có cái gì đó hớp lý khó nói. Từ trước tới nay, những vụ chết nổi cộm, chết đình đám của cán bộ điều rơi vào tình trạng chết lửa, nếu không chết vì chó lửa (súng) khạc đạn như vụ cán bộ công an giao thông miền Nam xử nhau, vụ cán bộ cấp cao tỉnh ủy Yên Bái xử nhau thì cũng là cán bộ nguồn của đảng Cộng sản bị chết cháy trong quán karaoke. Và đặc biệt, cái chết vì lửa của cán bộ luôn gắn với thú vui đàn đúm hoặc những vụ ăn chia bất minh, bất sòng phẵng giữa họ với nhau.
Ngược lại, cái chết của nhân dân, nếu nổi đình nổi đám thì chết vì nước, từ cái chết của các thợ lặn ở Vũng Áng, Hà Tĩnh do bị độc tố (Formosa thải vào biển miền Trung) cho đến những cái chết trôi, chết mất tích do lũ, mà chính xác hơn là do nước xả lũ của các thủy điện cuốn trôi. Mặc dù cái chết của nhân dân nổi cộm hơn, đau lòng và oan khiên hơn, nhưng cái chết của nhân dân nhanh chóng bị chìm như hòn cuội chìm xuống dòng nước. Ngược lại, những cái chết của giới quan chức, cán bộ lại được nổi lên như lửa rơm gặp gió. Đương nhiên, nổi không đồng nghĩa với việc được chia sẻ, đồng cảm hay thương cảm, có khi là nổi theo hướng ngược lại.
Và vì sao cho đến lúc này, tôi không ngần ngại để ví von nhân dân là nước và cán bộ là lửa. Bởi theo như cách lý giải trong Thái Ất Thần Kinh của của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trung Thiên Dịch của cụ Trần Cao Vân, gần đây là Kinh Dịch của cụ Phan Bội Châu và tác phẩm mang tính chất giải mã Kinh Dịch của cố học giả Nguyễn Hiến Lê thì nước thuộc quẻ Khảm, lửa thuộc quẻ Ly. Tuy rằng nước hiểm hóc, mới nhìn có vẻ âm tính nhưng bản chất của nước lại là dương trưởng, mạnh mẽ và hàm chứa năng lượng khủng khiếp nhất của vũ trụ. Ngược lại, lửa mới nhìn bên ngoài có vẻ minh triết nhưng thực tế bên trong lại hàm chứa tính âm, ti tiện và nhỏ mọn về bản chất, cá tính. Đương nhiên, có một tính năng hiện ra rất rõ là trong thế giới, nước bao giờ cũng nhiều và mênh mông, bao la, ngược lại, lửa rất ít so với nước và luôn bị khống chế, giới hạn bởi tính nguy hiểm, tham tàn của nó.
Xét trên khía cạnh này, có vẻ như nước thuộc về nhân dân và lửa thuộc về nhà nước, đặc biệt là giới cán bộ nhà nước Cộng sản Việt Nam, bởi họ có quá nhiều tính chất ngược ngạo, mâu thuẫn với nhân dân. Mọi quyền lợi của cán bộ nhà nước, xét về bản chất, nó hoàn toàn đi ngược với quyền lợi của nhân dân. Lợi ích nhóm và tư bản đỏ, bè phái tham nhũng, bành trướng quyền lực và bán đứng lãnh thổ đang hoành hành đất nước. Đời sống nhân dân đi từ đói khổ sang bất an và uất ức. Nỗi uất ức của nhân dân như một đại dương chứa đầy sóng ngầm. Ngược lại, ngọn lửa tham tàn của giới cán bộ, đảng viên Cộng sản đang cháy hết công suất của nó, thiêu rụi mọi thứ có thể thiêu được, từ tài nguyên, sức người, tài sản, đất đai của nhân dân cho đến văn hóa, tinh thần, giá trị nhân văn của tổ tiên để lại đều bị thiêu rụi trong ngọn lửa phe nhóm lợi ích và tư bản đỏ.
Nhân dân có thể không đói khổ nhưng đau khổ bởi độc tố từ thực phẩm cho đến tư tưởng, bị ruồng bỏ, ruồng bố ngay trong căn nhà, ngay trong mảnh vườn thân yêu của mình. Và kẻ ruồng bỏ/ruồng bố không ai khác ngoài đảng Cộng sản Việt Nam. Ngọn lửa tham tàn cháy càng mạnh, tiền bạc, sự giàu có của giới cán bộ Cộng sản càng phình to bao nhiêu thì dòng nước cuộn chảy, những con sóng ngầm nơi đại dương nhân dân càng mạnh lên bấy nhiêu. Điều này giống như một thứ qui luật vô hình của trời đất, tạo hóa, dù nhìn thấy hay không nhìn thấy, nhận ra hay không nhận ra thì ngấm ngầm trong vô thức tập thể nhân dân cũng đã có một xung năng cực lớn nhằm dập tắt ngọn lửa tham tàn của giới cầm quyền. Trong khi đó, ngọn lửa tham tàn của giới cầm quyền đã cháy đến độ không thể tự điều chỉnh được nữa mà cháy lan khắp mọi nơi, bén sém tất cả những gì nó bắt gặp, nó đã hoàn toàn không còn tính tự chủ, đã thành một thứ bản năng tập thể, hễ có đảng Cộng sản, có đảng viên, cán bộ thì có tham tàn. Tham từ gói mì tôm cứu trợ đồng bào vùng lũ cho đến chiếc phong bì từ thiện của người đói khổ, khốn khó và không ngoại trừ việc tham lam cả những đồng tiền bán đứng quốc gia, lãnh thổ, những đồng tiền, những cú áp phe thấm đầy xương máu, sinh mạng của nhân dân.
Ngược lại, đại dương vốn nguội lạnh trong nhân dân qua bốn chục năm sống trong sự kiềm kẹp, tàn nhẫn của nhà cầm quyền bỗng dưng trở nên sôi sục do sức nóng của ngọn lửa tham tàn từ giới cầm quyền. Biển lạnh được hâm nóng và sự chuyển động của những dòng hải lưu nóng đang ngày càng thêm mạnh, gây một cuộc chuyển động nội năng của biển lớn. Và điều gì xảy ra khi nước và lửa gặp nhau? Có lẽ cũng không cần nói nhiều. Mà vấn đề tôi muốn bàn ở đây là không hiểu vì sao sự khác biệt giữa quẻ Ly và quẻ Khảm lại được nhắc nhiều nhất, làm rõ tính chất của nó theo hướng ngược cách lý giải của người Trung Hoa trong cuốn Trung Thiên Dịch của Chí sĩ Trần Cao Vân.
Và cũng theo tác phẩm này, vào Trung Nguyên, Trung Phần Việt Nam sẽ có dấu hiệu quẻ Khảm mạnh hơn quẻ Ly và quẻ Khảm sẽ làm chủ đại cục. Ý nghĩa của việc này như thế nào khó mà đoán ra cho cụ thể. Nhưng hiện tại, điều dễ thấy nhất là “thế nước đang lên” theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Và nước lên cỡ nào thì chưa biết nhưng chắc chắn là nhân dân ứng với nước, sống với nước và chết với nước. Ngược lại, cán bộ ứng với lửa, lòng tham của họ cũng chẳng khác gì lửa thiêu rụi mọi thứ và họ chết với lửa.
Chuyện nghe có vẻ kì cục nhưng kì thực. Chí ít là thực và ứng quẻ trong lúc này, lũ lụt đã bao trùm cả miền Trung Việt Nam. Nhưng quẻ chỉ là quẻ, con người mới tạo ra quẻ và xóa bỏ kí hiệu đi, cũng giống như con người cưu mang, dung dưỡng chế độ và đập bỏ chế độ đi, chuyện đời như mưa như nắng!

63 tỉnh thành Việt Nam có đến 29 hải cảng và 21 phi trường

63 tỉnh thành Việt Nam có đến 29 hải cảng và 21 phi trường
Nhiều đại biểu quốc hội CSVN cảnh cáo chính sách quy hoạch kinh tế vùng hiện nay chỉ là sự ghép nối các tỉnh thành, cho phép nhiều địa phương tự xây dựng các công trình, dẫn đến việc cả nước có quá nhiều phi trường và hải cảng.
Trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội hôm 2 tháng 11, đại biểu Nguyễn Bá Sơn từ Đà Nẵng chỉ ra thực tế là cả nước Việt Nam có 63 tỉnh thành, nhưng có tới 29 hải cảng và 21 phi trường, trong đó có 10 phi trường quốc tế. Ông Sơn nói rằng: “…Gần như tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn có phi trường, hải cảng…”. Ông mô tả tình trạng này là các tỉnh thành “mạnh ai nấy làm, thi nhau rải thảm đỏ” để thu hút nhà đầu tư.
Nhiều đại biểu khác cũng nhận định rằng Việt Nam không nên trở thành 63 địa phương là 63 nền kinh tế riêng lẻ. Đại biểu Cao Đình Thưởng đưa ví dụ về nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Dự án này khởi công với kinh phí sơ khởi là 1,385 tỷ đồng. Đến nay dự án đã qua 4 lần điều chỉnh với kinh phí “đội” lên gần 2,490 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Ông Thưởng nói đây là “dự án nguy cơ phá sản cao, để lại nhiều hệ lụy”.
Một đại biểu khác là ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam, cảnh cáo mục tiêu tăng trưởng GDP 6.7% cho năm 2017 là “quá tầm với” cho thấy “tính chủ quan, duy ý chí” của nhà cầm quyền.
Huy Lam / SBTN

Nợ công Việt Nam: Làm ra 1 đồng, nợ 3 đồng

Một người gánh hàng bán rong trên đường phố Hà Nội. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – “Bóc ngắn, cắn dài” là hoàn cảnh của chế độ Hà Nội khi người ta thấy nó qua báo cáo của Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách Quốc Hội CSVN khiến thâm thủng ngân sách ngày càng nặng.
Theo “Báo cáo thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 – 2020” của Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách Quốc Hội được một số báo tại Việt Nam thuật lại thì “do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, chính sách tài khóa chưa tích cực cùng với sự mất cân đối trong thu, chi ngân sách nhà nước, dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu Quốc Hội đề ra.”
Nợ công tính đến năm 2015 là 2,608,000 tỷ đồng, bằng 62.2% GDP. Tuy “vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18.4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP…” Báo Diễn Đàn Đầu Tư tường thuật và viết là “Tỉ lệ nợ chính phủ/GDP tăng từ 39.3% năm 2011 lên 50.3% năm 2015. Đặc biệt, chỉ tiêu nợ chính phủ/GDP năm 2015 là 50.3% đã vượt giới hạn trần cho phép (50%).”
Bản báo cáo kêu rằng “Đây chính là nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn.”
Tháng trước, ngày 11 Tháng Mười, 2016, tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam dựa theo báo cáo tổng kết của Bộ Tài Chính viết rằng “Đến hết 30 Tháng Chín, chính phủ đã huy động 250,320 tỷ đồng (hơn $11 tỷ) trái phiếu, vay vốn nước ngoài quy đổi khoảng $4.88 tỷ… bội chi ngân sách chín tháng đã vượt 152,200 tỷ đồng, bằng 59.9% so với dự toán năm.”
“Để có tiền chi tiêu, nhà nước CSVN vay ngang vay dọc qua nhiều ‘kênh’ khác nhau, khi gộp lại, tính chung cả vay nợ nước ngoài và huy động qua trái phiếu (quy đổi ra USD), 9 tháng Chính phủ đã vay thêm khoảng 16 tỷ USD,” tờ TBKTVN viết.
Theo dự báo của Ngân Hàng Thế Giới (WB), nợ công của Việt Nam sẽ lên tới hơn 64% GDP, vượt xa mức $117 tỷ vào hồi cuối năm ngoái.
Những gì mới được nêu ra trong bản báo cáo ở quốc hội ngược với hình ảnh khả quan được nêu ra trong “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm năm 2016-2020” thấy đăng tải ngày 23 Tháng Tư, 2016, trên trang mạng chinhphu.vn. Trong đó đã khoe rằng “Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định” và “Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên.”
Đầu tháng trước, ngày 1 Tháng Mười, 2015, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đưa ra bản “Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Tháng Chín và 9 Tháng Năm 2015” khoe rằng về tình hình kinh tế vĩ mô “Nền kinh tế nước ta phục hồi khá rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây: tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước; tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm đạt 6.5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ bốn năm trước.”
Trước thực trang “mất cân đối trong thu, chi ngân sách nhà nước, dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm,” ngày càng nguy ngập hơn, người ta không khỏi ngạc nhiên khi chế độ Hà Nội vẫn đưa ra những dự án đòi hỏi những ngân khoản khổng lồ.
Cuối Tháng Tám vừa qua, chế độ Hà Nội loan báo “Tái khởi động nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc” có thể lên trăm tỷ đô la. Tháng trước, Bộ Giao Thông Vận Tải của chế độ đệ trình dự án đường lộ cao tốc bắc nam với ước tính bây giờ khoảng 230,000 tỷ đồng hay hơn chục tỷ đô la.
Đó là chưa kể đến dự án phi trường Long Thành và một số dự án khác nhỏ hơn mà người ta biết, chế độ Hà Nội phải đi vay nước ngoài để thực hiện trong khi tình trạng nợ công đã ngập đầu, năm nào cũng phải vay thêm nợ mới để “đảo nợ.” (TN)

Quảng Nam: 3 thủy điện xả lũ, dân khốn đốn lánh nạn

Người dân thượng nguồn sông Vu Gia theo đò dọc chạy lũ. (Hình: Tiền Phong)
QUẢNG NAM (NV) – Mặc cho các vùng thấp trũng ở Quảng Nam đang ngập nặng, 3 nhà máy thủy điện ở xung quanh vẫn xả lũ càng khiến đời sống người dân xáo trộn, tìm cách di tản tài sản đi lánh nạn.
Ngày 2 Tháng Mười Một, nói với báo Tiền Phong, ông Ngô Xuân Yến, chủ tịch xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc cho biết, mưa lớn kéo dài suốt hai ngày qua, cùng với nước ở thượng nguồn đổ về khiến nhiều nơi bị chia cắt. Hiện ở thôn Tân An, xã Đại Lãnh, nhiều ngôi nhà đã bị ngập sâu, có nhà bị ngập gần quá bậc cửa.
Thế nhưng, cũng theo ông Yến, hiện có 3 nhà máy thủy điện đã gửi thông báo đến ủy ban xã về việc xã lũ. Trong đó, nhà máy thủy điện Đăk Mi trong ngày hôm nay sẽ bắt đầu vận hành hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4 với lưu lượng 900-2,400 khối/giây.
Tương tự, ban quản lý nhà máy thủy điện Sông Bung thông báo về việc bắt đầu xả tràn hồ thủy điện Sông Bung 4A, với lưu lượng xả tràn từ 100-1,250 khối/giây. Cùng lúc đó, lũ từ nhiều “nguồn” đổ về đã khiến hàng trăm hộ dân vùng hạ lưu lo lắng.
Sau khi nhận được thông tin các nhà máy thủy điện cùng lúc xả lũ, người dân ở các xã vùng trũng thấp của huyện Đại Lộc đã tìm cách đưa gia súc, gia cầm lên núi để tránh trú, chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự trữ để “ứng phó” lũ.
Đang dẫn bò lên núi, ông Nguyễn Văn An (48 tuổi), ở xã Đại Hưng nói với phóng viên báo Tiền Phong: “Sau khi nhận thông tin của chính quyền về việc thủy điện xả lũ, vợ chồng tôi nhanh chóng đưa hết đàn bò, mấy con gà lên núi trú ẩn. Không biết nước lũ sẽ đổ bộ về khi nào, nhưng phải lo cho đàn gia súc, gia tài có giá nhất hiện nay của gia đình.”
Tin cho biết, hiện khu vực đoạn cầu Ba Khe 3, trục đường giao thông chính nối liền các xã Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Hưng… hiện đã bị ngập sâu đến 1 mét. Giao thông ách tắc nghiêm trọng và tái diễn cảnh người dân dùng xe kéo để làm “dịch vụ” vận chuyển người, xe qua đoạn ngập ở xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn.
Ở huyện trung du Nông Sơn, tình trạng cũng tương tự với hàng loạt tuyến đường đang bị ngập lụt khiến nhiều nơi bị cô lập. Một số xã vùng tây như Quế Lâm, Phước Ninh, Quế Ninh… bị nước chia cắt các tuyến đường liên thôn, liên xã.
Trong khi đó, ít nhất 6 ngôi nhà ở xã Đắc Pre, huyện Nam Giang,đã bị sụt lở hơn một nửa diện tích, buộc lực lượng cứu hộ phải hỗ trợ người dân di dời khẩn cấp. Sạt lở cũng diễn biến phức tạp tại các huyện miền núi cao Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang… (Tr.N)

11/13 ‘cán bộ nguồn’ chết trong vụ cháy karaoke Hà Nội

Sau 7 tiếng cháy dữ dội, khu vực mặt tiền của 4 ngôi nhà cao tầng bị biến dạng. (Hình: Pháp Luật Sài Gòn)
HÀ NỘI (NV) – Ông Hoàng Trung Hải, bí thư thành ủy Hà Nội đã loan tin như vậy với báo chí bên hành lang Quốc Hội CSVN, sáng 2 Tháng Mười Một, về vụ cháy quán karaoke làm chết 13 người tại quận Cầu Giấy hôm qua.
Theo ông Hải, 11 nạn nhân trên là lớp “cán bộ nguồn” từ cấp trưởng, phó phòng thuộc nhiều ban ngành chủ chốt từ nhiều tỉnh thành, trong đó Hà Nội đang theo học lớp cao cấp chính trị của Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh.
“Các em đang học lớp chính trị. Sau khi thi xong môn học thì tổ chức liên hoan. Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng. Cho đến thời điểm này các nạn nhân đã được gia đình đón, đưa về nhà làm các thủ tục an táng. Điều đáng nói là quán karaoke này chưa được phép kinh doanh nhưng vẫn cho khách vào ăn uống, vui chơi. Chúng tôi đang kiểm tra và nếu phát hiện có sự bảo kê của chính quyền địa phương thì công an sẽ xem xét trách nhiệm quản lý tiến hành khởi tố hình sự,” ông Hải nói.

Xe cứu thương với băng ca phủ vải trắng chở xác nạn nhân rời hiện trường. (Hình: Pháp Luật Sài Gòn)
Xe cứu thương với băng ca phủ vải trắng chở xác nạn nhân rời hiện trường. (Hình: Pháp Luật Sài Gòn)
Về nguyên nhân, ông Hải cho biết có thể do xuất phát từ việc quán đang sửa chữa, hàn dẫn tới bắt cháy. Cơ quan điều tra đã giữ những người có liên quan và tiếp tục điều tra. Nhân đây, thành phố cũng như rà soát xem xét lại toàn bộ việc phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện ở Hà Nội.
Tuy nhiên, nói với phóng viên báo Pháp Luật Sài Gòn, ông Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công An cho hay, có khởi tố vụ cháy quán karaoke hay không phải xác định rõ nguyên nhân có dấu hiệu tội phạm thì mới khởi tố vụ án. “Điều tra ban đầu để xác định nguyên nhân, do cố ý hay vô ý. Cái này khả năng là vô ý gây ra đám cháy,” tướng Vương nói.

Cũng theo ông Vương, từ đầu năm 2016 đến nay đã xảy ra 23 vụ cháy quán karaoke trên nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. (Tr.N)

Công lý bịt mắt và "quan luôn thắng dân"

XUÂN DƯƠNG 10:31 02/11/15
(GDVN) - Một khi thẩm phán vừa xét xử, vừa phải chú ý nghe tiếng chuông điện thoại thì công lý sẽ trở nên mù lòa mà không cần đến dải khăn che mắt.

Câu nói nổi tiếng của  St. Augustine, triết gia thời trung cổ: “Nếu không có công lý, nhà nước sẽ là gì nếu không phải là một băng cướp có tổ chức?
Câu nói đó được nhiều học giả viện dẫn khi phân tích quyền bình đẳng mà tạo hóa ban cho con người và sự bất công trong xã hội hiện đại khi giai cấp thống trị sử dụng luật pháp như là công cụ bạo lực đàn áp giai cấp bị trị.
Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Xuân Tùng trong bài viết “Yêu công lý: Phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ tư pháp Việt Nam” đăng ngày 09/07/2012 trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp cũng đã trích dẫn câu nói nổi tiếng này. [1]

Tính chân lý trong câu nói của St. Augustine đưa người ta đến một lý giải, rằng trong những nhà nước mà công lý không được thực thi thì tất yếu sẽ có “một bộ phận” quan chức tự biến mình thành kẻ cướp trong băng cướp có tổ chức.

Thần thoại Hy Lạp và La mã cổ đại xây dựng hình tượng thần Công lý là một phụ nữ một tay cầm kiếm, tay kia cầm cân.

Sau này (vào khoảng thế kỷ 16) các nhà hội họa, điêu khắc mới sáng tạo thêm dải khăn bịt mắt (đôi khi bịt cả tai) nữ thần với ngụ ý Công lý không chịu bất kỳ tác động nào từ bên ngoài, chiếc cân tượng trưng sự công bằng cho mọi người, thanh gươm tượng trưng cho quyền uy của công lý, cái ác sẽ bị trừng phạt.

Đa số tượng thần Công lý châu Âu, tay phải cầm gươm, tay trái cầm cân, ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản thì tay phải cầm cân, tay trái cầm gươm. 
Tượng thần Công lý
Nói đến công lý, gần đây có ba sự kiện thu hút quan tâm của nhiều người: vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, vụ bị can Huỳnh Văn Nén được chính thức được tại ngoại sau 17 năm bị giam giữ vì bị buộc tội “Giết người”, “Cướp tài sản” và vụ tử tù Lê Văn Mạnh ở Thanh Hóa buộc phải hoãn thi hành án tử.

Vụ Nguyễn Thanh Chấn  đưa đến một kết thúc là ngân sách phải bồi thường cho nạn nhân 7,2 tỷ đồng. Về vụ Huỳnh Văn Nén, báo Dân trí dẫn lời Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư Hà Nội:

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy phần nào diễn biến tiếp theo qua quyết định trả tự do cho ông Huỳnh Văn Nén ở thời điểm này, có lẽ các cơ quan tiến hành tố tụng đã thấy rõ oan sai sau khi điều tra lại, nên đã trả tự do sớm cho ông Nén trước khi kết luận điều tra để tránh gây thiệt hại lớn”.

Về vụ Lê Văn Mạnh, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc làm rõ việc tử tù Lê Văn Mạnh có bị oan hay không.

Chiều 26/10, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn khẳng định “vụ án Lê Văn Mạnh (Thanh Hóa) bị tuyên tử hình về tội “giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em” sẽ được xem xét đúng quy định pháp luật, không làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm”. [2]
Lê Văn Mạnh bị bắt giam ngày 20/4/2005, đến nay cũng đã hơn 10 năm.

Các vụ án, cách xa nhau cả về địa lý và thời gian song lại có điểm chung, đều dựa vào lời “tự thú” của nghi phạm khi bị giam giữ mặc dù tại tòa họ đều phản cung, đều cho rằng bị ép buộc, mớm cung, ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén còn tố cáo bị điều tra viên dùng nhục hình bức cung.

Có ý kiến cho rằng, án oan chủ yếu là do tòa xử, lỗi thuộc về thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ dựa vào tài liệu điều tra và suy đoán có tội mà không căn cứ vào tranh tụng cũng như suy đoán vô tội.

Mặt khác dù có quyền tiến hành điều tra, tòa án vẫn chủ yếu dựa vào kết quả mà bên công tố cung cấp chứ không tiến hành điều tra lại.

Sai lầm chủ tọa phiên tòa trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn dẫn đến vụ án mới mà thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm trở thành bị cáo.

Ông Chiêm, cựu thẩm phán Toà phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ông Chiêm, không thấy nói đến trách nhiệm của những người cùng tham gia phiên phúc thẩm của Tóa án tối cao trong vụ án này.

Việc khởi tố một mình ông Phạm Tuấn Chiêm khiến cho không ít người chưa tâm phục, khẩu phục. Trang Thuvienphapluat.vn ngày 11/10/2014 có bài: “Thẩm phán là một nghề đầy rủi ro, nguy hiểm”, bài viết có đoạn:

Từ việc minh oan cho một người lại làm oan một người khác, xoá nhòa ranh giới kẻ phạm tội với người lương thiện thì đó là một thảm họa công lý”.

Xin không bàn chuyện ông Chiêm có tội hay vô tội, vấn đề cần bàn chính là tiêu đề của bài báo, có thật “Thẩm phán là một nghề đầy rủi ro, nguy hiểm?".

Ví dụ gần đây nhất, ngày 12/8/2015 Tòa án nhân dân Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh xử sơ thẩm vụ án đánh bạc đã tuyên cho bị cáo được hưởng án treo dù bị cáo này đã có có tiền sự.

Trả lời báo chí, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh đã thừa nhận trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, ông này đã gọi điện thoại cho lãnh đạo TAND thị xã Hồng Lĩnh nhờ xem xét các tình tiết giảm nhẹ để kết án “vừa có lý vừa có tình”.

Ông Bùi Xuân Cần - Chánh án TAND Thị xã Hồng Lĩnh giải thích: “Vụ án này quá rõ ràng rồi, phải xử tù giam nhưng trong tỉnh có điện thoại ra nên tôi trao đổi với thẩm phán tinh thần đó”. [3]

Đương nhiên rủi ro, nguy hiểm sẽ đến với các vị thẩm phán, cả người gọi điện và người nghe điện trong vụ án tại Hồng Lĩnh, chính họ đang tự tròng thòng lọng vào cổ mình.
Một khi thẩm phán vừa xét xử, vừa phải chú ý nghe tiếng chuông điện thoại thì công lý sẽ trở nên mù lòa mà không cần đến dải khăn che mắt.
Luật sư Trần Đình triển trình bày, Chủ tọa phiên tòa nghe điện thoại (ảnh: Báo Xây dựng)
Một thẩm phán, hễ nghe tiếng chuông điện thoại là giật mình, là chỉ biết vâng, dạ thì nguy hiểm và rủi ro với họ là điều không thể tránh khỏi kể cả khi họ đã rời xa quan trường. Xem thế để thấy, không đủ dũng khí và năng lực hãy đừng chọn nghề thẩm phán.

Sự lựa chọn giữa thăng tiến bằng cách làm vừa lòng ai đó và trở thành tội nhân chốn công đường chỉ cách nhau… một cuộc điện thoại, một cuộc họp "liên ngành" nhằm "thống nhất quan điểm" về vụ án.

Nếu hôm nay thẩm phán xét xử theo “lời khuyên” từ một chiếc điện thoại nào đó, lấy gì đảm bảo cho sinh mạng chính trị của họ khi chiếc điện thoại đó bị đập vỡ? Lấy gì đảm bảo rằng sẽ không có những chiếc Smartphone đời mới hơn, âm thanh to hơn sẽ lấn át âm thanh mà họ đã nghe được?

Năm 1925 Cụ Hồ viết “Bản án chế độ thực dân Pháp”, chương 8 có tên là “Công lý”, tại đó Người viết: “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm.

Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội
”.
Chế độ thực dân, phong kiến bị xóa bỏ cho đến nay đã được 70 năm, chặng đường từ Hiến pháp đến công đường không phải là quá xa vời, vậy tại sao không ít người được trao trọng trách cầm cân nảy mực ngành Tư pháp, đặc biệt là một số thẩm phán ngày nay chỉ biết cầm kiếm mà không biết cầm cân?

Tại sao những nhát kiếm oan nghiệt đa phần lại cứ nhằm vào những người nghèo “thấp cổ bé họng” như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén…?

Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” Cụ Hồ viết: “Nếu có vụ kiện cáo giữa người An Nam và người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả mặc dù tên này ăn cướp hay giết người”.

Ngày nay Đại biểu  Quốc hội Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đã phải nói thẳng khi phát biểu  ý kiến về dự thảo Luật tố tụng hành chính sửa đổi tại Quốc hội sáng 27/10/2015: “Quan luôn thắng dân và không ít cán bộ thù lâu, nhớ dai”. [4]

Nếu các thẩm phán, kiểm sát viên và điều tra viên tham gia quá trình tố tụng nhìn kỹ bức ảnh tượng thần Công lý trong bài viết này, hẳn họ sẽ phải nhận thấy tay phải của Thần nâng cao cán cân, còn thanh gươm bên tay trái chúc xuống đất. Sự công bằng phải được đặt trên sự trừng phạt.

Giúp cho “Quan luôn thắng Dân” như lời ông Chu Sơn Hà không ai khác hơn chính là những người tự vứt bỏ cán cân công lý bên tay phải, tự bịt mắt, bịt tai để rồi vung thanh gươm bên tay trái chém thẳng vào dân (chứ không phải vào quan).

Một nền tư pháp minh bạch không thể chấp nhận kiểu cứ trả hồ sơ, cứ giam giữ nghi phạm mà không dám xét xử, không dám tuyên nghi phạm vô tội khi chứng cứ buộc tội không thuyết phục. Càng không thể chấp nhận quan điểm thà bỏ tù sai còn hơn bỏ lọt tội phạm.

Trang Thông tin điện tử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đăng bài của GS-TS Lê Hồng Hạnh: “Làm thế nào để thẩm phán và tòa án độc lập trong thực thi công lý”.
Tác giả viết: “Một thẩm phán hiện nay nếu muốn bản án của mình không bị kháng nghị giám đốc thẩm, không đối mặt với nguy cơ bị tạm đình chỉ thực hiện thì không thể không tính tới những cáo buộc của kiểm sát viên.

Chính vì lý do này nên trong thực tế có khá nhiều vụ án trước khi được đưa ra xét xử phải qua thủ tục “họp trù bị” mà ở đó việc xác định tội danh, khung hình phạt hay các kết luận khác đã được thống nhất
”.

Câu chuyện vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết ở TP.Hồ Chí Minh mà nhiều cơ quan báo chí phản ánh gần đây cho thấy bị cáo đã bị tạm giam quá lâu nhưng vẫn chưa thể xét xử.
Phải chăng bà Tuyết còn phải ngồi tù để chờ “họp trù bị mà ở đó việc xác định tội danh, khung hình phạt hay các kết luận khác sẽ được thống nhất?”.

Liệu sẽ có chuyện thẩm phán chủ tọa phiên tòa xử bà Tuyết “nếu muốn bản án của mình không bị kháng nghị giám đốc thẩm, không đối mặt với nguy cơ bị tạm đình chỉ thực hiện thì không thể không tính tới những cáo buộc của kiểm sát viên?”.

Các thẩm phán, không biết có bao nhiêu người nghĩ xa hơn, rằng hôm nay nghe lời người này nhưng ngày mai sẽ có người khác lục lại bản án?
Thậm chí khi trở thành dân thường chưa chắc họ đã được yên thân bởi khi "bới" hồ sơ vụ án, các "chuyên gia pháp lý" sẽ dễ dàng tìm được điểm yếu trong hàng vạn bút lục để "kiến nghị xem xét lại trên cơ sở đúng pháp luật, không làm oan cho công dân".
Vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết có thể ảnh hưởng đến đường quan lộ của ông Dương Ngọc Hải, vì vậy gần đây xuất hiện thông tin Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đang chịu nhiều sức ép.
Chỉ đạo của Viện kiểm sát tối cao (phần chữ được khoanh đỏ trên ảnh) được cho là chưa phù hợp. Theo quy định của pháp luật, bất kỳ vụ án nào cũng phải được xem xét xử lý dựa trên chứng cứ và pháp luật.
Các lãnh đạo ngày nay càng có xu hướng "gần dân, lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng tha thiết của nhân dân thông qua các cơ quan truyền thông" hơn. Nghĩa là khi có tiếng nói từ công luận, họ sẽ nhanh chóng chỉ đạo "xem lại theo đúng quy định của pháp luật".
Mà pháp luật thì vốn dĩ lạnh lùng, kết án người ta phải dựa trên chứng cứ pháp lý được thu thập hợp pháp. Pháp luật không dựa trên sự suy diễn chủ quan, áp đặt...
Kết cục đau xót của thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm và tới đây là thẩm phán vụ Huỳnh Văn Nén chẳng lẽ chưa đủ thức tỉnh ý thức tự bảo vệ bản thân của các thẩm phán nhẹ dạ?

Trước khi ca thán, rằng “Thẩm phán là một nghề đầy rủi ro, nguy hiểm” các thẩm phán hãy nhớ lại lời dạy của Cụ Hồ:
Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”. [5]

Lời dạy của Cụ Hồ không phải chỉ dành riêng cho ngành Tòa án mà cũng còn dành cho tất cả những quan chức đương thời đang tham gia bảo vệ pháp luật.
 
Tài liệu tham khảo:

Cá chết hồ Linh Đàm là do... sáng nắng to, chiều lại mưa

Sống Mới -02/11/2016 08:24

Hiện tượng cá chết hàng loạt tại hồ Linh Đàm, Hà Nội vào cuối tháng 10 được ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội giải thích là vì nguyên nhân “thay đổi thời tiết, sáng nắng to, chiều lại mưa”.

Ca chet hang loat o Ho Linh Dam do “sang nang, chieu mua” - Anh 1

Theo báo Giao thông, tại buổi giao ban báo chí vào chiều ngày 1/11 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Lê Văn Dục đã có phản hồi về hiện tượng cá chết tại hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai gây xôn xao vào ngày 27/10 vừa qua cũng như điểm về tình trạng các hồ trên địa bàn Hà Nội.

Ông Dục cho biết: “Tôi khẳng định cá hồ Linh Đàm chết do thay đổi thời tiết, sáng nắng to, chiều lại mưa”.

Theo ông, số lượng cá chết không nhiều, do đó nguyên nhân có thể do thay đổi thời tiết: “Một ngày thay đổi thời tiết, 200kg cá chết trên hồ có diện tích hơn 70ha là điều bình thường”.

“Ô nhiễm hồ này không đến mức như các hồ khác”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhận định.

Ông Lê Văn Dục cũng cho hay sau khi được thông tin về hiện tượng cá chết tại hồ Linh Đàm, Công ty Thoát nước Hà Nội đã cho tiến hành vớt cá chết, sau đó bàn giao lại cho Công ty Môi trường đô thị để vận chuyển về bãi tập kết rác thải Nam Sơn để xử lý theo quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường.

Về sự cố 200 tấn cá chết ở Hồ Tây, ông Dục cho biết các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra và sẽ công bố khi có kết quả cụ thể.

Trước đó, đêm 26/10 và rạng sáng 27/10, hàng nghìn cá thể cá chết với kích thước lớn đã nổi trắng dạt vào ven hồ Linh Đàm trong tình trạng phân hủy mạnh, tạo thành một dải dài hàng km, bốc mùi hôi thối. Lực lượng chức năng đã đến lấy mẫu vật phẩm và mẫu nước hồ để xét nghiệm, tìm nguyên nhân.

P.V