Tuesday, March 4, 2014

Thắng kiện nhưng khó đòi tiền!

Thứ tư 05/03/2014 07:09

ANTĐ - Việc thi hành án dân sự chưa đạt được hiệu quả như mong muốn đã khiến một bộ phận doanh nghiệp tìm đến côn đồ, lưu manh để nhờ đòi nợ. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã đưa ra kết quả khảo sát về tình trạng này tại hội thảo “Luật Thi hành án dân sự - Từ góc nhìn doanh nghiệp”.


Các nhóm đòi nợ thuê thường sử dụng “luật rừng” để thu hồi nợ, dẫn đến nhiều hành vi phạm pháp
(Trong ảnh: Một nhóm đòi nợ thuê bị bắt giữ)

Ông Nguyễn Minh Đức- Ban pháp chế (VCCI) cho biết, kết quả khảo sát nhanh về thực tiễn hoạt động thi hành án tại các doanh nghiệp Việt Nam do VCCI vừa tiến hành đã khiến không ít người phải “giật mình” khi hiệu quả của việc nhờ lưu manh đòi nợ trên thực tế cao hơn nhiều so với việc khởi kiện tại tòa án và cơ quan thi hành án. 

Theo đó, để làm thủ tục khởi kiện tại tòa án và cơ quan thi hành án, doanh nghiệp sẽ mất khoảng 400 ngày, 20-30% phí phải nộp cho nhà nước và tỷ lệ thành công chỉ khoảng 50-60%. Nếu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thu nợ hợp pháp sẽ từ 60-90 ngày; chi phí phải trả là 20-50% và tỷ lệ thành công ở mức 
70-80%. Đáng chú ý, trong trường hợp nhờ lưu manh đòi nợ, doanh nghiệp tốn kém chi phí hơn, bằng 40-70% tổng số nợ nhưng chỉ tốn mất nhiều nhất là 1 tháng và tỷ lệ thành công rất cao, ở mức 80-90%. Chính vì tốn thời gian, công sức mà hiệu quả không như mong muốn nên chỉ có 30% doanh nghiệp lựa chọn phương án nhờ tòa án và cơ quan thi hành án. 

Đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI thẳng thắn nói: “Khi chúng tôi hỏi về thi hành án, một lãnh đạo doanh nghiệp xin giấu tên lắc đầu ngán ngẩm. Còn ông Bùi Trường Sơn - Công ty Phục Hưng Holding thì thốt lên: “Lúc đầu tôi nghĩ có bản án của tòa là có thể đòi tiền được rồi, nhưng vẫn gặp khó khăn khi thi hành án”.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ông Nguyễn Văn Luyện cho rằng, vi phạm thời hạn luật định trong công tác thi hành án đang diễn ra phổ biến, khiến không ít doanh nghiệp chịu thiệt hại do thu hồi nợ chậm và phát sinh nhiều phụ phí. 

Không cảm thấy bất ngờ trước kết quả khảo sát, Luật sư Trần Xuân Tiền- Văn phòng Luật sư Đồng Đội- Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đánh giá, hiệu quả thực tế của việc thi hành án hiện nay rất kém, vừa gây lãng phí cho xã hội vừa làm mất lòng tin của doanh nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này là do còn nhiều điểm thiếu chặt chẽ trong quy định của pháp luật, trách nhiệm của cơ quan thi hành án các cấp… đặc biệt là thiếu sự tham gia của luật sư trong quá trình tố tụng và thi hành án. Luật sư Trần Văn Tiền đề xuất cần mở rộng quyền tham gia của luật sư trong các giai đoạn thi hành án dân sự. 

Theo ông Nguyễn Đức Thường - nguyên Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự Hà Nội, khuyết điểm lớn nhất của Luật Thi hành án là nhiều thủ tục không có thời hạn xác định. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thời gian thi hành án kéo dài. Bên cạnh đó, Luật Thi hành án dân sự còn quá rườm rà dẫn đến hiệu quả thi hành án giảm sút. 

Đại diện của Công ty Ready Mix, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, Luật Thi hành án dân sự hiện nay khó khả thi bởi đơn vị thi hành án có làm hay không là quyền của họ. Bản thân doanh nghiệp này cũng đang có nhiều hợp đồng cho vay khó đòi nhưng họ băn khoăn có nên đưa ra tòa hay không, vì vừa lo tốn kém thời gian, tiền bạc mà hiệu quả lại thấp. “Ngành tư pháp cần phải có những quy định chặt chẽ, chi tiết, các chế tài phải rõ ràng trong các luật dân sự và hình sự, bởi quy định hiện hành vẫn còn “lỗ hổng” khiến nhiều doanh nghiệp khó xác định đâu là vấn đề dân sự và hình sự. Bên cạnh đó, thiếu quy định về thời hạn thi hành án cũng khiến cán bộ thi hành án có thêm cơ hội để nhũng nhiễu các đối tượng được thi hành án”- ông Phạm Hồng Sơn kiến nghị.

Mọi sự liên quan đến pháp luật, phải do các cơ quan có trách nhiệm thực thi-sử dụng các liệu pháp “ngoài luồng”, là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nó vẫn diễn ra ở đời sống xã hội-Điều này là thực tế cần được nhìn nhận và có giải pháp xử lý.
Hà Linh

No comments:

Post a Comment