Thursday, July 7, 2016

Biển Đông: Chiến hạm Mỹ lại tuần tra gần các đảo Trung Quốc kiểm soát

Thanh Phương 
Theo RFI-07-07-2016 12:32 
media
 Chiến hạm USS Stethem của Hoa Kỳ. Wikipédia 
Tờ Navy Times hôm nay, 07/07/2016, trích dẫn một quan chức quốc phòng Mỹ, cho biết là các khu trục hạm của hải quân Hoa Kỳ trong hai tuần qua đã tuần tra gần các đảo do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông. Các cuộc tuần tra này được tiến hành vào lúc Tòa Án Trọng Tài Thường Trực chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về hồ sơ Biển Đông.   

Cụ thể, ba khu trục hạm Stethem, Spruance và Momsen đã tuần tra ở những khu vực cách bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa từ 14 đến 20 hải lý. Khoảng cách này cho thấy đây không phải là những cuộc tuần tra nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải. Theo Navy Times, một cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải, trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo, phải có sự chấp thuận của cấp cao hơn.
Ngày 20/06 vừa qua, hải quân Mỹ đã loan báo là ba khu trục hạm nói trên đang tiến hành các chiến dịch ở Biển Đông nhằm bảo đảm an ninh hàng hải và ổn định cho toàn bộ các quốc gia, nhưng không nói rõ địa điểm hoạt động.
Đối với Bắc Kinh, mọi cuộc tuần tra của chiến hạm Mỹ trong phạm vi 12 hải lý là một sự xâm phạm lãnh hải. Theo các chuyên gia quân sự, tuần tra bên ngoài phạm vi này sẽ không có nhiều nguy cơ đụng độ, nhưng cũng là hình thức bày tỏ quyết tâm của Washington đối với Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ, vào lúc Tòa Án Trọng Tài Thường Trực vào ngày 12/07 tới sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về hồ sơ Biển Đông.
Các quan chức Mỹ khẳng định các cuộc tuần tra mới của ba khu trục hạm nói trên và của đội hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Biển Đông là nằm trong khuôn khổ sự hiện diện bình thường của hải quân Mỹ ở vùng tây Thái Bình Dương. Nhưng các cuộc tuần tra này diễn ra vào lúc quân đội Trung Quốc đang tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa từ ngày 05/07 đến 11/07/2016.

Kêu gọi 'hạ nhiệt' ở Biển Đông

Theo BBC-7 tháng 7 2016

Image copyrightREUTERS
Image captionMột cuộc họp đặc biệt giữa ngoại trưởng Trung Quốc và ngoại trưởng các quốc gia thành viên Asean ở Trung Quốc hôm 14/6/2016.
Các ngoại trưởng khu vực đang chuẩn bị kêu gọi tất cả các bên tăng nỗ lực để xuống thang, hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông khi họ nhóm họp tại một hội nghị an ninh Asean quan trọng vào cuối tháng này tại Lào, nguồn tin ngoại giao cho hãng tin Kyodo của Nhật Bản hay hôm 07 tháng Bảy.
Các nhà ngoại giao hàng đầu từ các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (Asean) sẽ nhóm họp trong sự kiện này, cùng với hơn một chục nước khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Hội nghị được dự kiến sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì ổn định trong vùng biển khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, một dự thảo tuyên bố mà nguồn tin Kyodo tiếp cận được cho biết.
Diễn đàn Khu vực Asean năm nay diễn ra vào một thời điểm đặc biệt tế nhị.
Sự kiện sẽ diễn ra chỉ hai tuần sau khi một tòa án quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện mà trong đó Philippines thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Dự thảo tuyên bố mới nhất của của người chủ trì hội nghị dự kiến được đưa ra sau khi cuộc họp nhóm vào ngày 26 tháng Bảy.

Quan hệ gần gũi

Dự thảo được cho là sẽ tuyên bố rằng hội nghị "đã lưu ý" về những quan ngại mà "một số ngoại trưởng" lên tiếng về các tuyên bố của Trung Quốc và các diễn biến khác trên Biển Đông.
Tuy nhiên, dự thảo sẽ không đề cập và gọi tên bất kỳ quốc gia nào nêu 'quan ngại', theo các nguồn tin từ Asean mà Kyodo biết được.
Dự thảo được Lào, nước chủ tịch luân phiên Asean năm nay, chấp bút.
Image copyrightGETTY
Image captionAsean đã đang có những quan điểm khác nhau trong các quốc gia thành viên về xử lý tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Đây là khối mười quốc gia ở khu vực mà trong đó có một số thành viên có quan hệ gần gũi với Trung Quốc.
Phản ánh tính thân cận của các thành viên này với Trung Quốc, dự thảo được cho là cũng sẽ nói rằng các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nên được các "quốc gia hữu quan" giải quyết thông qua biện pháp hòa bình.
Trung Quốc đưa ra lập trường cho rằng các tranh chấp nên được giải quyết mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ hoặc can thiệp nào từ các bên không tuyên bố chủ quyền.
Theo đó, Trung Quốc nhiều lần nói rằng Tòa án trọng tài thường trực ở The Hague không có thẩm quyền đối với vụ kiện mà Philippines đệ đơn vào năm 2013.
Và Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận và không tôn trọng phán quyết mà tòa án sắp đưa ra vào thứ Ba tới.
Trong lúc nhiều chuyên gia dự đoán rằng phán quyết này sẽ bất lợi cho Trung Quốc, hành động pháp lý của Philippines đã nhận được sự ủng hộ của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ, các nước xem vụ kiện như một bước tiến trong việc giải quyết bất đồng thông qua luật pháp quốc tế.

VN muốn 'trục xuất' hướng dẫn viên TQ

Theo BBC-7 tháng 7 2016 

Image copyrightAFP
Image captionDu lịch Đà Nẵng - Hội An đón lượng khách Trung Quốc lớn
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Việt Nam nói sẽ trục xuất và cấm nhập cảnh hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động trái phép ở Việt Nam.
Công bố này được tờ Vnexpress đăng sau nhiều sự việc xảy ra giữa các hướng dẫn viên Trung Quốc và Việt Nam tại Đà Nẵng trong những ngày qua.
Hôm thứ Tư 6/7, chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ xử phạt sáu người Trung Quốc làm hướng dẫn viên được cho là "có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép," báo Tiền phong tường thuật.
Sáu hướng dẫn viên bị phạt từ 20-21,25 triệu đồng.
Trước đó, các hướng dẫn viên Trung Quốc này bị cáo buộc "xuyên tạc lịch sử khi thuyết minh với khách" và "sử dụng đồng nhân dân tệ" khi mua hàng qua các clip, tài liệu do một nhóm các hướng dẫn viên tiếng Trung người Việt cung cấp cho Sở Du lịch Đà Nẵng.
Có khoảng 60 hướng dẫn viên người Trung Quốc nói tiếng Việt đang hoạt động tại Đà Nẵng. Các công ty lữ hành đón khách Trung Quốc là người Việt đứng tên, còn điều hành hoạt động do người Trung Quốc thực hiện, báo Đất Việt nói về cách thức hoạt động.

'Tiếp tay'

Trao đổi với BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Văn Mỹ, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhận định:
"Mọi người đều biết khách Trung Quốc hiện nay đi du lịch đông nhất thế giới. Dân số của họ 1,4 tỷ, thì mỗi năm trên 100 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài. Riêng Thái Lan khoảng tám triệu, Việt Nam hiện nay mới khoảng hai triệu thôi cho nên về đặc thù khách Trung Quốc. Do đặc thù văn hóa nên họ đi tới đâu thì ồn ào, hành xử như ở nhà, ỷ mình là người có tiền, dĩ nhiên không phải là tất cả cho nên là có một số nước hơi ngán ngại và tạo dư luận không tốt về khách Trung Quốc."
“Một số công ty lữ hành Việt Nam, Phó chủ tịch hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng từng khẳng định chính các công ty lữ hành ở Việt Nam và một số ở địa phương đã tiếp tay cho một số người Trung Quốc xấu xí.”
“Họ qua Việt Nam, núp bóng công ty Việt Nam tự thuyết minh. Nguyên tắc là hướng dẫn viên nước nào, đi qua nước khác thì chỉ được làm người dẫn đoàn, còn hướng dẫn viên phải là người bản xứ. Đây họ làm việc đó luôn. Họ chỉ làm được như vậy nếu công ty Việt Nam tiếp tay. Công ty lữ hành cũng không thể làm nếu không có người chống lưng và bảo kê,” ông Mỹ nhận định về việc các hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động trái phép ở Đà Nẵng.
Vị giám đốc công ty du lịch Lửa Việt nói việc trục xuất "ảnh hưởng đến cả hai nước chứ không phải chỉ Việt Nam không".
Image copyrightAFP
Image captionTheo ông Nguyễn Văn Mỹ một phần của vấn đề hướng dẫn viên Trung Quốc là vì Việt Nam thiếu hướng dẫn viên

'Thiếu hướng dẫn viên'?

“Về phía Việt Nam, việc này làm lộ ra bất cập tình trạng hướng dẫn viên Việt Nam thiếu trầm trọng, là lỗ hổng hướng dẫn viên du lịch. Cả nước hiện nay có khoảng 10.000 hướng dẫn viên cả nội địa cả quốc tế, trong khi khách quốc tế vào Việt Nam gần tám triệu, khách Việt Nam ra nước ngoài gần sáu triệu. Không thể nào con số hướng dẫn viên đó đáp ứng cho 14 triệu khách được.”
“Trong đó Việt Nam chỉ có 1.500 hướng dẫn viên tiếng Hoa. Vì tiêu chuẩn quá khó, trong khi nội địa chỉ cần trung cấp hoặc đại học, học thêm ba tháng nghiệp vụ là được cấp thẻ. Tổng cục lại quy định hướng dẫn viên quốc tế phải có bằng đại học. Trong khi đó rất nhiều hướng dẫn viên không có bằng đại học, chỉ có bằng cao đẳng nhưng thông thạo ngoại ngữ. Và nếu là người Hoa ở Việt Nam, được đào tạo nghiệp vụ có thể sử dụng làm hướng dẫn. Nhưng Việt Nam không cho.”
“Tự mình làm khó mình. Cái kiểu người Việt hay nói là quân ta làm hại quân mình bằng ràng buộc vô lý. Như vậy dẫn đến việc quá thiếu hướng dẫn viên, đó là cái cớ để người Trung Quốc thao túng thôi,” ông Nguyễn Văn Mỹ phân tích.
“Cấp bách phải làm là bổ sung lực lượng hướng dẫn viên tiếng Hoa, tiếng Nga. Như tiếng Nga có thể sử dụng người đi hợp tác lao động ở Nga về. Tiếng Hoa thì có thể sử dụng ngay người Hoa ở Việt Nam, hướng dẫn nghiệp vụ cho họ trong thời gian nhất định để đáp ứng lượng khách Trung Quốc tăng đột biến ở Việt Nam”

'Chê khách'?

Sáng 7/7, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Cao Trí Dũng - chủ tịch Hội lữ hành Đà Nẵng nói Trung Quốc làm tour "cắt giảm hết chi phí","trốn thuế rất lớn, mọi giao dịch của họ với khách Trung Quốc đều bằng tiền mặt, khép kín, không kiểm soát được".
Ông Lê Tấn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch VN (Vitours) được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói phía Trung Quốc bán giá tour dưới giá vốn (bán lỗ) nhưng họ bù lại bằng cách ép khách đi mua hàng hóa trong hệ thống người Trung Quốc làm chủ với giá cao.
Image copyrightDALE DE LA REY GETTY
Image captionBáo tại Việt Nam dẫn lời chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng nói Trung Quốc làm tour trốn thuế và cắt giảm hết chi phí
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mỹ nói với BBC: “khách Trung Quốc đến Việt Nam đông, tôi cho đó là tín hiệu đáng mừng. Thứ nhất là chẳng có nước nào lại chê khách cả. Khách càng tới đông càng thu được nhiều tiền và bán được nhiều hàng. Khách Trung Quốc cũng có những hành xử không hay như ở Thái Lan, vô chùa họ vẽ bậy, hay làm điều này điều khác ở Ai Cập, Châu Âu chẳng hạn, nhưng tất cả các nước đều có cách để đối phó, ngăn chặn các hành xử chưa tốt”.
“Riêng với VN khác. Việt Nam chưa có kinh nghiệm đối phó và rất bị động trong dự báo tình hình khi xảy tình huống thì cư xử rất kém, làm cho hình ảnh xấu xí của một số người Trung Quốc đáng lý phải được ngăn chặn kịp thời thì có khi còn xấu ra.”
Ông Mỹ cũng đề cập đến những vụ như khách Trung Quốc đốt tiền trong quán ở Đà Nẵng hay muốn chi trả bằng nhân dân tệ. Ông nói những việc này “hoàn toàn có thể xử phạt. Nếu vị khách đó đốt tiền tại Trung Quốc thì cũng có thể bị xử phạt cơ mà. Tại sao Việt Nam không xử phạt như bình thường?”
“Tại sao Thái Lan 8 triệu khách vào mà người Thái Lan vẫn hành xử rất đàng hoàng khiến người Trung Quốc phải đi vào nề nếp? ở Việt nam cũng vậy thôi, tiên trách kỷ hậu trách nhân,”vị giám đốc này nhận định.

Giá vàng tại VN ‘biến động nhất thời’

Theo BBC- 7 tháng 7 2016 

Image copyrightGETTY
Ngân hàng Nhà nước nói diễn biến giá vàng những ngày qua tại Việt Nam chỉ là “biến động nhất thời” và chưa có "xu hướng rõ ràng".
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, được truyền thông trong nước dẫn lời khuyến nghị người dân và các nhà đầu tư cần thận trọng để “tránh bị thua thiệt”.
“Phía NHNN cũng sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết,” ông Cảnh nói thêm.
Giá vàng trong nước vào hôm 07/07 đã “đảo chiều” sau khi tăng tới ngưỡng được cho là kỷ lục từ vài năm trở lại đây.
Một số báo đưa tin những người trót mua vàng ở “đỉnh” 40 triệu đồng/lượng ngày hôm qua 06/07 bị “lỗ ngay” khoảng hơn 2 triệu đồng/lượng nếu bán vào hôm nay 07/07.
Giá vàng trong nước cũng cao hơn giá vàng thế giới cả triệu đồng/lượng.
Thực trạng giá vàng trong nước tăng mạnh hơn thế giới và cao hơn giá vàng thế giới nhiều có dấu hiệu mà báo này gọi là "bong bóng,” báo Đầu tư viết.
Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng, Ủy viên thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, được báo Zing dẫn lời khuyên người dân nên bình tĩnh trước sự biến động quá mạnh quá giá vàng.
Ông Hùng mô tả điều ông gọi là "có sự khan hiếm giả tạo" để đẩy giá vàng trong nước lên cao hơn so với giá thế giới trong vòng một tuần qua.
"Việc chênh lệch giá vàng giữa mua vào và bán ra lên tới một triệu đồng thể hiện sự bất thường, không hợp lý ở góc độ thị trường. Chênh lệch này cũng giúp các cơ sở kinh doanh vàng kiếm lời," ông Hùng nói.
Chuyên gia này nhắc lại lịch sử giá vàng trong nước lên tới 49 triệu đồng một lượng ở thời điểm năm 2011 thì đã có sự đổ xô đi mua vàng, và sau đó giá vàng đã cắm đầu đi xuống dưới 30 triệu đồng/lượng.

Nhà máy luyện đồng giết cá

Theo NLĐO-07/07/2016 21:14

Chất thải của nhà máy thuộc Công ty CP Khoáng sản đồng An Phú (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) tràn ra môi trường, gây chết cá hàng loạt

Những ngày qua, đã xảy ra hiện tượng cá chết bất thường ở 2 ao nuôi của người dân xã Yên Lập và tại suối Màn, suối Nhẹm thuộc huyện Cao Phong. Đây là khu vực nằm phía dưới Nhà máy Chế biến đồng An Phú thuộc Công ty CP Khoáng sản đồng An Phú.
Ông Lê Xuân Hà, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Cao Phong, cho biết sau khi nhận được thông tin, UBND huyện đã đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan làm rõ nguyên nhân. Để bảo đảm sức khỏe người dân, UBND huyện Cao Phong yêu cầu UBND các xã Yên Thượng, Yên Lập, Dũng Phong, Nam Phong, Tây Phong, Bắc Phong và Thung Nai thông báo cho người dân khu vực này không sử dụng nước từ các con suối trên, đồng thời báo cáo ngay cho UBND tỉnh Hòa Bình. Các cơ quan chức năng của huyện này đã lấy 16 mẫu nước gửi về Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ của tỉnh để kiểm định và kết quả cho thấy tỉ lệ đồng trong nước cao hơn mức cho phép.
Cá trên các con suối ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình chết vì Nhà máy Chế biến đồng An Phú
Cá trên các con suối ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình chết vì Nhà máy Chế biến đồng An Phú
Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Phạm Văn Long cho biết hiện nay, Sở TN-MT và các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã làm việc với Công ty CP Khoáng sản đồng An Phú. Theo ông Long, nguyên nhân ban đầu gây chết cá được xác định là do tràn bể nước thải sau khi mưa to. “Công ty CP Khoáng sản đồng An Phú đã thừa nhận vụ việc và lập phương án đền bù cho người dân” - ông Long nói.
Nhà máy Chế biến đồng An Phú hoạt động từ tháng 3-2016. Trong quá trình hoạt động, nhà máy sử dụng axít phosphoric, dầu hỏa và một số hóa chất khác. Ông Trần Trung Chính, Giám đốc Công ty CP Khoáng sản đồng An Phú, thừa nhận sự cố chảy tràn nước mưa ở bãi chứa quặng đã làm chết cá của người dân ở huyện Cao Phong. “Hiện công ty này đã bị dừng hoạt động để khắc phục sự cố và bồi thường thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Trần Anh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình, thông tin.
Chỉ mới bồi thường bước đầu
Theo ông Nguyễn Trần Anh, ngoài việc đền bù cho người dân, công ty phải thu gom cá chết trên suối để chôn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình cũng đã lấy mẫu để sau này nếu có hậu quả về môi trường, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tính toán và yêu cầu công ty tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bồi thường. “Việc tạm dừng hoạt động của công ty cũng như đền bù thiệt hại cho dân mới chỉ là yêu cầu chịu trách nhiệm bước đầu” - ông Trần Anh nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Văn Duẩn

30% trong dự trữ ngoại hối của Việt Nam là giấy ?

Ảnh: greetingvietnam.com
Trong nửa đầu năm 2016, nhiều dấu hiệu cho thấy quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã bị sụt giảm đáng kể. Vào đầu năm 2016, thông tin chính thức cho biết dự trữ ngoại hối chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, tức thấp hơn mức tối thiểu 3 tháng nhập khẩu và đã rơi vào tình trạng bất ổn.  
Nhưng đến tháng 6/2016, một thông tin từ Ngân hàng nhà nước lại cho biết quỹ dự trữ ngoại hối đã tăng vọt lên 38 tỷ USD. Vậy số ngoại hối “thặng dư” 8 tỷ USD của năm nay so với năm trước từ đâu ra?
Nhiều tin tức cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, Ngân hàng nhà nước đã “bung” tiền đồng để mua vào đô la Mỹ, và số đô la thu gom được từ các nguồn ngân hàng thương mại và từ dân lên đến 8 tỷ USD. Cũng bởi thế, ngân hàng đang tồn tại tình trạng thừa tiền tạm thời và phải tìm nhiều cách để “đẩy” tiền đồng ra thị trường, bất chấp rất nhiều rủi ro mà có thể không thể thu hồi được tín dụng cho vay. 
Trong khi đó, lại xuất hiện những nghi ngờ trong giới chuyên gia về tính thực chất của con số 38 tỷ USD dự trữ ngoại hối do Ngân hàng nhà nước công bố. Một số tờ báo nhà nước đã không bỏ qua sự việc được coi là “nhạy cảm” này. 
Mới đây, khi Bộ Tài chính Mỹ công bố danh sách 50 quốc gia sở hữu nhiều nhất trái phiếu chính phủ nước này, các góc nhìn đa chiều xoáy vào con số tối thiểu 12 tỉ USD giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà Việt Nam đang nắm giữ.
Cho tới nay, con số chính thức về dự trữ ngoại hối của Việt Nam, hay kể cả lượng vàng vật chất dự trữ tại Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các ngân hàng thương mại, đều chưa được công bố qua các báo cáo chính thức.
Theo một nhà phân tích, số liệu của Bộ Tài chính Mỹ đã mở ra một vấn đề quan trọng khác liên quan đến cơ cấu dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào thời điểm hiện tại, không chỉ bao gồm ngoại tệ tiền mặt.
Nếu phân tích dựa trên việc tham khảo chéo giữa 2 báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) năm 2015, giới chuyên gia kinh tế có thể hình dung phần nào tỉ trọng và cơ cấu của các loại tài sản trong danh mục dự trữ ngoại hối hiện nay.
Nếu đối chiếu chéo với báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, thì trong lượng ngoại tệ dự trữ gần 33.8 tỉ USD năm 2014 của Việt Nam, không ngoại trừ khả năng gần 30% là trái phiếu chính phủ Mỹ. Như vậy, dự trữ ngoại hối quốc gia có thể chứa đến 1/3 là giấy tờ có giá của các nền kinh tế lớn, chứ không phải hoàn toàn là ngoại tệ tiền mặt. 
Điều đó cũng có nghĩ là lượng tiền mặt trong quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện thời chỉ vào khoảng 26 tỷ USD – thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu cần có cho 3 tháng nhập khẩu. 
Năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu của cả nền kinh tế Việt Nam đạt ngưỡng 166 tỉ USD, tức tính trung bình mỗi tháng có giá trị gần 14 tỉ USD. Theo chuẩn mực tối thiểu quốc tế, lượng dự trữ ngoại hối mà Việt Nam cần duy trì cho 3 tháng nhập khẩu sẽ phải là 40-42 tỉ USD.
07/06/2016 - 20:57
Lê Dung / SBTN

Cảnh sát Cambodia: tòa đại sứ CSVN đưa tin sai về 84 người Việt bị bắt

Ảnh: Phnom Penh Post
Cảnh sát di trú của Cambodia vừa bác bỏ thông tin trên truyền thông nhà nước của Việt Nam, rằng Tòa Đại Sứ Cộng Sản Việt Nam ở Phnom Penh đã bảo hộ hàng chục công dân Việt Nam khỏi bị bắt giữ.
Phần tiếng Anh của báo mạng Viet Nam News hôm qua tường thuật rằng, theo chỉ thị của Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Việt Nam, Tòa Đại Sứ Cộng Sản Việt Nam đã tiến hành các biện pháp để bảo hộ các công dân Việt Nam, sau khi nhà chức trách Cambodia bắt giữ 84 người Việt hôm 1 tháng 7. Bản tin của Viet Nam News nói rằng cho đến ngày 3 tháng 7, tất cả các công dân Việt Nam bị bắt đã được thả.
Nhật báo Phnom Penh Post hôm 7/7 dẫn lời ông Uk Hai Sela, giám đốc Bộ Di Trú Cambodia, bác bỏ câu chuyện đó, và cho biết là tất cả 84 người Việt vừa kể đã bị trục xuất hôm Thứ Hai 4 tháng 7. Ông Hai Sela cho biết ban đầu có tất cả 93 người bị bắt giữ ở xã Niroth, tỉnh Meanchey. Chín người đã được thả vì họ có giấy phép cư trú. Ông Hai Sela cũng bác bỏ việc tòa đại sứ CSVN nói rằng những người Việt bị bắt đã cư trú từ lâu ở Cambodia. Ông nói rằng những người bị bắt đều là người mới đến, có người chỉ mới đến được 2-3 tháng, và họ đang tìm việc làm trong ngành xây dựng, bán cà phê hoặc mở tiệm massage.
Ông Hai Sela cho biết nhà chức trách Cambodia cũng đã đưa những người này lên danh sách đen và cấm họ nhập cảnh Cambodia trở lại.
07/07/2016 - 09:57
Huy Lam / SBTN

Bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa ?(I)

07/07/2016 - 21:53 

Cách đây không lâu, Lê Anh Hùng có đặt ra một vấn đề ở tầm chiến lược : « Cách mạng dân chủ ở Việt Nam: từ dưới lên hay từ trên xuống? », đồng thời đưa ra một số phương án về khả năng chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam.


Đây là một chủ đề lớn, và cần thảo luận rốt ráo, nhất là trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, khi chủ quyền và môi trường đều bị đe dọa. Sẽ có những người cho rằng, đối với Việt Nam vấn đề cấp bách là thoát Trung, và tạm thời cần dẹp qua một bên vấn đề nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên cũng sẽ có người nghĩ rằng, Việt Nam muốn độc lập thì phải dân chủ hóa. Tôi cũng nghĩ theo hướng này, Việt Nam không thể có độc lập, không thể cứu môi trường nếu không dân chủ hóa. Nhận định này có lẽ được củng cố khi ta quan sát những gì đang diễn ra, những cách thức xử lý của chính phủ về các vụ đồng bằng sông Cửu Long, Vũng Áng, Formosa…


Tiếp tục suy nghĩ về các khả năng và nhất là về điều kiện cho sự dân chủ hóa ở Việt Nam, trong bài này tôi sẽ đề cập đến một điểm, một trong cả chuỗi vấn đề cần quan tâm phân tích : bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa trong tình thế cấp bách này?


Câu trả lời mà có lẽ nhiều người nghĩ đến đầu tiên là : bộ phận cấu thành phong trào dân chủ. Dĩ nhiên, để định nghĩa phong trào dân chủ không đơn giản. Dù vậy, cũng có thể xem là từ « phong trào dân chủ » được hiểu là phong trào của những người trực diện đấu tranh, những người bất đồng chính kiến, những người từng bị giam giữ, những người thường xuyên trực tiếp xuống đường… Không thể phủ nhận đóng góp to lớn của những người này trong quá trình thức tỉnh lương tri và làm thay đổi nhận thức. Thực sự là những hy sinh của họ, những nỗ lực của họ đã có một tác động quan trọng đối với sự chuyển động xã hội. Sự can đảm của họ đã kêu gọi sự can đảm của người khác, khiến cho dần dần càng có nhiều người bước qua lằn ranh của sự sợ hãi.


Câu trả lời thứ hai mà có thể nhiều người cũng đồng tình : xã hội dân sự. Cụ thể là các tổ chức xã hội dân sự. Sự hình thành của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã đánh dấu một bước chuyển biến mới của phong trào dân chủ. Giờ đây, các cá nhân đã tập hợp lại với nhau trong một số tổ chức. Và dĩ nhiên, sức mạnh của một tổ chức bao giờ cũng lớn hơn sức mạnh của một cá nhân. Đồng thời sự tồn tại của các tổ chức xã hội dân sự gợi lên niềm hy vọng rằng một ngày nào đó chính phủ độc tài sẽ cho phép hợp pháp hóa các tổ chức hội đoàn độc lập. Dĩ nhiên, đấy là một trong những điều kiện nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ.


Tuy nhiên, câu trả lời mà tôi tìm thấy hơi khác. Dù phải chịu đựng nhiều hy sinh, dù có đóng góp quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa, nhưng vai trò thúc đẩy NHANH quá trình dân chủ không thuộc về các hội đoàn xã hội dân sự, các cá nhân bất đồng chính kiến hay các nhà tranh đấu (như từ vẫn thường được dùng ngày nay). Tại sao ? Tại vì trong quan niệm của xã hội Việt Nam hiện nay, họ bị xem là quá cực đoan (một người chỉ viết lách ôn hòa như tôi mà cũng bị xếp vào diện cực đoan thì những người đã từng bị kết án tù sẽ còn bị xem là cực đoan đến mức nào). Điều này, cùng với sự đàn áp của chính quyền khiến họ bị đặt vào tình thế cô lập.


Mặc dù họ liên kết lại với nhau trong một số hội đoàn, nhưng vẫn chỉ là họ với nhau. Nghĩa là họ không có cơ hội để tiếp xúc và để tác động trực tiếp với cái khối đông đảo quần chúng trong xã hội. Tác động của họ chủ yếu thông qua việc viết lách, thông qua các công bố trên mạng. Các cuộc tiếp xúc chỉ diễn ra giữa họ với nhau, trong những nhóm rất nhỏ. Điều này thật khác với Aung San Suu Kyi, khi mà bà có thể làm những cuộc diễn thuyết về dân chủ trước hàng ngàn người. Cũng có một bộ phận trong giới đấu tranh có thể có tác động trên diện rộng, đó là bộ phận công giáo. Tuy nhiên, các bài giảng ở nhà thờ không thể đi ra ngoài phạm vi tôn giáo, nghĩa là các linh mục cũng không thể giảng các bài giảng về dân chủ, mà chỉ có thể lồng một số nội dung nhất định nào đó vào các bài giảng thánh lễ.


Ngoài ra, một điều khác mà ta có thể nhận thấy là cuộc đấu tranh ở Việt Nam đang chủ yếu đi theo hướng phản ứng lại các chính sách bất cập hay ngăn chặn các việc làm sai trái của bộ phận công quyền. Phán kháng, tố cáo, kiến nghị, một số cuộc biểu tình… là những dạng thức hoạt động chính. Dĩ nhiên, những việc này rất cần thiết và quan trọng, và luôn cần thiết và quan trọng.


Nhưng việc truyền bá kiến thức về dân chủ hầu như rất ít được thực hiện. Hiện nay cũng chưa có một tổ chức nào chuyên tập trung vào việc này. Họ không lựa chọn việc truyền bá kiến thức về dân chủ, quảng bá ý nghĩa của dân chủ, giới thiệu tầm quan trọng của dân chủ, như một nội dung hoạt động chính. Dĩ nhiên, có một số chương trình như giới thiệu về quyền con người. Nhưng thực sự rất ít những chương trình như thế. Và nhất là bản thân các hội đoàn dường như cũng không xem việc phải xây dựng một lề lối làm việc dân chủ, một cơ cấu tổ chức dân chủ, là quan trọng.


Nghĩa là, nếu lấy lại một ý mà tôi từng nói trong một bài viết trước đây thì ta có thể nói, cuộc đấu tranh hiện nay đang thiên về hướng chống lại thể chế độc tài, chứ chưa xem trọng việc phải xây dựng các kiến thức, các giá trị và các chuẩn mực về dân chủ, chưa làm rõ được ý nghĩa và vai trò của dân chủ trong đời sống xã hội. Và như thế thì khối đông quần chúng trong xã hội sẽ không tìm thấy lý do để ủng hộ các nhà tranh đấu, họ sẽ không biết tại sao họ cần ủng hộ các nhà tranh đấu, trong khi mà dù xã hội nhiễu nhương dường như họ vẫn đang có cuộc sống ổn định. Và thực ra, nếu người dân hỏi rằng : « Dân chủ ích lợi gì trong việc bảo vệ Trường sa Hoàng sa ? », « dân chủ ích lợi gì trong việc giải độc biển Đông ? », « dân chủ có cứu được phụ nữ Việt Nam phải bán mình đi làm thê thiếp cho đàn ông nước ngoài không ? »… thì những người tranh đấu sẽ trả lời như thế nào ?


Nói điều này thì một người như tôi phải tự nhận trách nhiệm về phần mình. Tôi cũng là người tham gia phong trào, và tôi cũng chưa làm được gì để cải thiện tình hình này, mặc dù có lẽ tôi có điều kiện để làm việc này hơn một số người khác.

(Còn tiếp)


Paris, 7/7/2016

Nguyễn Thị Từ Huy

 

Hậu Formosa: Để tạo áp lực mạnh đối với chính quyền cần phải làm gì?

 Kami07/07/2016 - 11:30 

Sau khi Chính phủ Việt nam đã công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường 4 tỉnh Bắc Trung bộ và đại diện tập đoàn Formosa đã thừa nhận và cam kết bồi thường các thiệt hại với mức 500 triệu USD - khoảng 11.000 tỷ VNĐ. Nếu biết rằng mức thống kê thiệt hại ban đầu của riêng một tỉnh Quảng bình đã vào khoảng 4.000 tỷ đồng, thì sẽ thấy mức bồi thường của Formosa quá thấp so với thiệt hại thực tế. Theo tính toán của các nhà khoa học thì, tổng số mức bồi thường của Formosa Hà tĩnh để khắc phục toàn diện các hậu quả tàn phá môi trường biển và thiệt hại về kinh tế có thể lên tới 1.000 tỷ USD.
Bao che và dung túng
Truyền thông quốc tế và Đài loan từ lâu đã vạch rõ thủ đoạn của tập đoàn Formosa áp dụng trong việc đầu tư các nhà máy thép ở các quốc gia khác là, để hạ giá thành sản xuất thì họ dùng biện pháp lách luật ở các quốc gia có đầu tư, trong việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải rẻ tiền, nhưng không đảm bảo chất lượng. Việc Formosa Hà tĩnh chỉ đầu tư 450 triệu USD cho hệ thống xử lý chất thải ở nhà máy thép Vũng Áng, thay vì đáng lẽ phải đầu tư từ 2 -3 tỷ USD cho một hệ thống xử lý đảm bảo chất lượng đã cho thấy điều đó. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Văn Lâm, thủ phủ của Formosa ở Đài loan số người bị chết do ung thư là rất cao. Đây là nguyên nhân khiến Formosa đã bị dân chúng Đài loan đã tẩy chay và đuổi ra khỏi đảo quốc này. Tuy vậy các nhà lãnh đạo Việt nam đã bất chấp hậu quả, thậm chí Bộ Khoa học và công nghệ đã thừa nhận không được thẩm định việc thiết kế xây dựng nhà máy Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Trước các diễn biến trong việc tiến hành xử lý các sai phạm của Formosa Hà tĩnh, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà nước Việt nam đang lưỡng lự, bởi có quá nhiều các yếu tố cho thấy có việc quan chức các cấp đã nhận tiền để giúp đỡ, hay nhân nhượng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Formosa Hà tĩnh vi phạm pháp luật và dẫn đến thảm họa môi trường lần này. Đó là các sự ưu ái quá mức bình thường và bất chấp quy định, đã cho thấy quyền lợi của số đông quan chức đã gắn chặt với quyền lợi của Formosa Hà tĩnh. Điều đó cho thấy lãnh đạo nhà nước đang đứng chung chiến tuyến với kẻ thủ phạm và có thể sẵn sàng đi ngược với quyền lợi của toàn thể nhân dân trong vụ việc này. Rõ nhất là việc Chính phủ Việt Nam đã vội vã chấp nhận lời xin lỗi và đồng ý nhận số tiền 500 triệu USD từ thủ phạm trong khi chưa điều tra, thống kê đầy đủ các thiệt hại, rõ ràng đây là một sự vội vàng rất đáng ngờ. Không chỉ thế, họ còn cho rằng đang cân nhắc việc đưa vụ án ra khởi tố hay không, thậm chí còn kêu gọi nhân dân có thái độ khoan hồng đối với Formosa. Đây là điều không thể chấp nhận được. 
Chỉ cần thấy, việc nhà máy thép của Formosa Hà tĩnh chỉ mới chạy để sản xuất thử lần đầu mà đã gây ra một thảm họa nghiêm trọng như thế, vậy thì khi toàn bộ tổ hợp công nghiệp Formosa chính thức đi vào hoạt động thì nó sẽ gây ra hậu quả ghê gớm đến mức độ nào? Vì thế vệc buộc Formosa Hà tĩnh phải ngừng hoạt động và tiến tới phải đóng cửa là biện pháp duy nhất, nếu không muốn ảnh hưởng đến sự tồn vong của giống nòi. Trong việc này, áp lực mạnh mẽ nhất của dân chúng đối với nhà nước sẽ là giải pháp duy nhất.
Những điều về biểu tình nên biết
Biểu tình là hành động của người dân để bày tỏ chính kiến của mình, về các chính sách hoặc các vấn đề mà họ quan tâm. Thông qua việc tổ chức biểu tình của một số đông người, sẽ tạo áp lực cần thiết nào đó, để buộc chính quyền hoặc một tổ chức phải giải quyết các yêu sách. Đây là quyền hợp pháp của công dân và được hiến định trong hiến pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Do vậy, một hay nhiều cá nhân, hoặc nhiều nhóm cá nhân cùng quan tâm chung một vấn đề, đều có thể tiến hành tổ chức biểu tình bất kỳ lúc nào, ở đâu để đòi hỏi. 
Sự thắng lợi của các cuộc biểu tình phụ thuộc rất nhiều vào: sự tổ chức có bài bản; số lượng người tham gia; sự lựa chọn địa điểm biểu tình khi nào, ở đâu; dưới hình thức nào (tuần hành, tọa kháng...); và quan trọng nhất là điều kiện tài chính. Để có thể đảm bảo phục vụ cho người tham gia biểu tình, như: phục vụ ăn uống miễn phí; các điểm WC công cộng, nơi tắm rửa; lán trại ngủ qua đêm; thậm chí còn trả tiền cho người tham gia biểu tình. Đây là điều nên hiểu là điều bình thường, trong khuôn khổ luật pháp không cấm chẳng có gì là xấu xa như nhiều người nghĩ.
Ở các  quốc gia dân chủ thì việc tổ chức các cuộc biểu tình là một vũ khí chính trị của các đảng đối lập, nhằm gây áp lực lên chính phủ với mục đích tạo sức ép nặng nhất nhằm buộc chính phủ phải thay đổi chính sách. Nếu áp lực của các cuộc biểu tình quá lớn, thì có khả năng buộc một chính phủ phải chấp nhận từ chức, hoặc tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức lại tổng tuyển cử. Còn ở các quốc gia độc tài, phi dân chủ thì biểu tình thường được các tổ chức sử dụng làm hình thức đấu tranh bất bạo động. Thông qua việc tận dụng sự bức xúc của một số lượng lớn người dân về một vấn đề xã hội nào đó, đến một thời điểm chín mùi thì các tổ chức hay cá nhân có uy tín sẽ khởi động các cuộc biểu tình để tạo ra các áp lực càng lớn càng tốt để buộc chính quyền nhanh chóng giải quyết các yêu sách. Thậm chí có khả năng lật đổ chính quyền.
Chính vì thế, ở một số quốc gia khôn ngoan trên thế giới, nhà nước đã quy định việc biểu tình phải tiến hành ở các địa điểm cho phép, như ở công viên, sân vận động... Vì họ sợ các cuộc biểu tình ở quy mô lớn khi trấn giữ các tụ điểm đông người, các ngã 5, ngã 6 trên trục giao thông huyết mạch trong thành phố sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông. Từ đó sẽ dẫn đến các xáo trộn, đảo lộn các sinh hoạt bình thường hàng ngày của người dân là điều  sẽ khiến dư luận xã hội bức xúc và phẫn nộ, buộc chính quyền phải nhanh chóng giải quyết các đòi hỏi và các yêu sách mà người biểu. Đây là vấn đề mấu chốt của sự thành công mà các cuộc biểu tình cần phải đạt được.
Các cuộc biểu tình tiến hành với mục đích nhằm gây áp lực đối với chính quyền, thì việc xảy ra xung đột giữa lực lượng cảnh sát chống biểu tình và đám đông người biểu tình là điều khó có thể tránh khỏi và cũng là điều hết sức cần thiết. Nhờ đó sẽ khiến cuộc biểu tình sẽ diễn biến kịch tính hơn, để tạo ra các bước ngoặt với hướng có lợi cho phe biểu tình. Vì đổi lại, việc đàn áp của chính quyền càng khốc liệt bao nhiêu (có người tử vong thì càng tốt) thì phe biểu tình càng tỏ ra có chính nghĩa hơn và càng nhận được sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế. Vì thế những người tham gia biểu tình cần phải ý thức được điều này, để chuẩn bị tinh thần trước.
Biểu tình ở Việt nam.
Một cuộc biểu tình thành công là khi các yêu sách của người biểu tình được chính quyền chấp nhận toàn bộ, hoặc một phần và cam kết sẽ giải quyết. Vì thế các cuộc biểu tình muốn thành công cần phải được xem xét, tính toán một cách hết sức kỹ lưỡng để đạt được kết quả cao nhất, đồng thời tránh những thiệt hại không đáng có cho người tham gia biểu tình.
Ở Việt nam, các tổ chức hay cá nhân kêu gọi biểu đa phần là ẩn danh, do vậy bất kẻ ai cũng có thể ra lời kêu gọi xuống đường biểu tình trên mạng xã hội. Vì thế, các cuộc biểu tình khi bị trấn áp, người biểu tình bị thiệt hại về sức khỏe cũng như tiền bạc, thì không có cá nhân hay tổ chức nào chịu trách nhiệm và đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. Có lẽ vì thế, nên các cuộc biểu tình do các tổ chức hay cá nhân phát động ở Việt nam nhận được sự ủng hộ rất ít từ người dân, chưa kể đến mục đích của các cuộc xuống đường chưa thực sự thiết thực, người tổ chức chưa đủ uy tín phải có. Các cuộc biểu tình, mang nặng tính hình thức, lặp đi lặp lại nhàm chán, với các khuôn mặt quen thuộc và diễn ra thường quá chóng vánh buổi sáng của ngày Chủ nhật. Vậy các cuộc biểu tình đã thu được kết quả gì là câu hỏi cần được trả lời nghiêm túc? Hay là vô tình cái đó đã trở thành vật trang trí cho chế độ độc tài ở Việt nam.
Việc chọn thời điểm tổ chức biểu tình vào ngày Chủ nhật với phương thức tuần hành là điều cực kỳ sai lầm. Vì họ mới chỉ nghĩ rằng việc tuần hành để phô diễn và có tác dụng lôi kéo. Đây là điều buộc phải có, nhưng chỉ nên coi là khúc dạo đầu cho một cuộc biểu tình ngồi (tọa kháng) tại các nút giao thông yết hầu, sẽ là địa điểm mà những người biểu tình sẽ tập hợp để biểu thị ý chí của mình. Cũng như việc buổi sáng ngày Chủ nhật là thời gian bất lợi nhất để tổ chức một cuộc biểu tình. Đây là một buổi vắng vẻ nhất trong tuần, khi mà mọi người đều còn trên giường ngủ vì thế thông điệp của người biểu tình sẽ đến được với công chúng ít hơn. Và đây là ngày nghỉ mọi người không đi làm, thì chính quyền có thể dễ dàng dựng rào thép gai, chặn đường, phá sóng điện thoại mà không sợ sự phản đối của người dân. Quan trọng hơn họ có thể sử dụng những hành vi bạo lực dễ dàng hơn vì sẽ có ít người chứng kiến, đặc biệt là giới báo chí.
Tóm lại các cuộc biểu tình ở Việt nam vừa qua, không đạt được mục đích cần phải có cho mỗi cuộc biểu tình phải là: phải tạo ra các xáo trộn, đảo lộn các sinh hoạt bình thường hàng ngày của người dân, có như thế mới tạo ra được sức ép lên nhà nước. Tiếc rằng các cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi cũng như người tham gia biểu tình chưa ý thức được điều này. Mà hiện nay, những người tham gia biểu tình chỉ nghĩ việc biểu tình để thể hiện chính kiến của mình. 
Vì thế việc biểu tình vừa qua không làm cho cho chính quyền phải lo ngại quá mức, cho dù chính quyền nào thì cũng rất sợ các cuộc biểu tình (đúng nghĩa). Việc chính quyền sử dụng lực lượng tham gia trấn áp các cuộc biểu tình chỉ là, nhân viên công ty TNXP hay dân quân tự vệ... sẽ thấy rằng họ chỉ muốn răn đe. Chỉ khi nào các cuộc biểu tình ở Việt nam đạt tới mức, chính quyền phải sử dụng tới lực lượng cảnh sát chống bạo loạn; quân đội với các thiết bị chống biểu tình, như xe chữa phun vòi rồng, thậm chí là xe thiết giáp. Có như thế mới dủ tầm cỡ và khiến cho nhà cầm quyền lo sợ. Đến khi ấy thì hãy hô hào một cuộc "Cách mạng Cá".
Cần làm gì để tạo áp lực mạnh đối với chính quyền?
Điều quan trọng nhất hiện nay là , việc biểu thị thái độ cũng như ý chí của người dân cần được tập hợp nhằm tạo áp lực cần thiết đối với chính quyền buộc họ phải khắc phục sự cố môi trường biển một cách nhanh nhất cũng như xử lý thủ phạm Formosa Hà tĩnh theo đúng luật pháp và cần thiết thì phải đóng cửa nhà máy này.
Chính vì thế, tổ chức các cuộc biểu tình dưới hình thức tọa kháng với số lượng người tham gia đông đảo, kéo dài nhiều ngày tọa kháng tại các nút giao thông quan trọng cần được diễn ra trên khắp các thành phố lớn trong cả nước. Vì thế tới đây, người dân ở các địa phương thì trấn giữ các nút giao thông huyết mạch và đầu mối, đặc biệt là trục quốc lộ 1A. Đây là điều hết sức quan trọng, cần phải tiến hành, kết hợp với việc bãi khóa, bãi thị trên toàn quốc. Đây là biện pháp duy nhất mà dân chúng có thể tham gia để có thể buộc nhà cầm quyền phải chấp nhận các yêu sách và đòi hỏi, để tiến tới xử lý nghiêm túc, đúng luật pháp Việt nam đối với Formosa Hà tĩnh.
Tuy nhiên, đây là một thách thức và có thể là quá sức đối với các tổ chức XHDS ở Việt nam hiện nay, khi mà họ chưa có các tổ chức đủ mạnh, các thành viên còn thiếu hiểu biết và kinh nghiệm trong việc đấu tranh bất bạo động. Và quan trọng là các cá nhân và tổ chức này chưa đủ uy tín và không được dân chúng ủng hộ. Điều này có lẽ phải trông chờ ở các tổ chức của Giáo hội Thiên Chúa giáo đang chiếm ưu thế tại 4 tỉnh miền Trung, đặc biệt là Giáo phận Vinh. Đã đến lúc các nhóm hay cá nhân các nhân sĩ trí thức có uy tín ở trong nước, cần nhận rõ trách nhiệm của mình để đứng ra đảm trách việc dẫn dắt người dân bằng nhiều hình thức, trong việc tạo áp lực mạnh mẽ đối với nhà nước, buộc họ phải giải quyết hậu quả thảm họa môi trường do Formosa Hà tĩnh gây ra theo đúng pháp luật, kể cả các quan chức có liên quan.
Nếu hiểu chính trị là những vấn đề xoay quanh việc giành và giữ quyền lực nhà nước giữa các nhóm cá nhân khác nhau, thì vấn đề giải quyết hậu quả thảm họa môi trường do Formosa Hà tĩnh không được chính trị hóa. Nghĩa là việc tạo áp lực buộc nhà nước giải quyết nghiêm túc vấn đề Formosa hoàn toàn không liên quan đến việc lật đổ chính quyền. Vì thế các tổ chức và cá nhân không nên lợi dụng vấn đề này để biến các cuộc biểu tình mang màu sắc của một cuộc "Cách mạng Cá". Vì hiện nay các yếu tố Thiên, Địa, Nhân chưa đầy đủ để họ có thể tiến hành những việc đó. Nói như vậy là vì, việc hô hào một cuộc "Cách mạng Cá" nếu không đúng thời điểm thích hợp, sẽ vô tình tạo điều kiện cho chính quyền lấy cớ thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa với những đòi hỏi mang tính xã hội cấp bách của dân chúng. 
Kết
Các chuyên gia đều thấy rằng, hệ thống pháp luật của Việt nam hiện nay có đủ điều kiện xử lý vụ án Formosa Hà tĩnh một cách nghiêm túc, tuy nhiên khả năng này không cao vì sự bao che từ phía chính quyền. Mà việc họ phải mất thời gian tới gần 3 tháng để mặc cả xong với Formosa Hà Tĩnh, cho đến lúc thì phía nhà nước mới dám chính thức công bố nguyên nhân và thủ phạm của sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Hơn nữa, lâu nay Đảng CSVN luôn luôn bảo thủ và không bao giờ thừa nhận các sai trái của họ, để có các biện pháp khắc phục hậu quả một cách nghiêm túc đúng pháp luật.
Chính vì thế, mỗi người dân Việt nam trong lúc này cần phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, chứ không thể thờ ơ mãi để giao vận mệnh của mình, của con cháu mình cho một hệ thống quan chức gian, tham. Chỉ coi tiền bạc là trên hết, bất chấp sự tồn vong của dân tộc cũng như đất nước. Chỉ có các áp lực mạnh mẽ nhất của người dân mới có thể buộc chính quyền hiện nay thực thi luật pháp một cách nghiêm túc nhất, nếu không mọi vấn đề liên quan đến thảm họa môi trường lần này sẽ chìm xuống và Formosa Hà tĩnh sẽ trở lại hoạt động trong một ngày không xa.
Mỗi chúng ta hãy làm mọi thứ có thể để thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước. Trong thảm họa về môi trường và bệnh ung thư không có sự lựa chọn, hay ưu ái cho những ai khôn ngoan. Dù có tiền thì bạn cũng khó có thể tránh khỏi. Khi mà tỷ lệ người bị nhiễm bệnh ung thư ở Việt nam hiện nay đang ở mức đầu bảng, sau thảm họa môi trường do Hormosa Hà tĩnh gây ra chắc chắn đất nước chúng ta sẽ giữ vị trí quán quân. Và nạn nhân sẽ là tất cả mỗi chúng ta
Thảm họa ô nhiêm biển nghiêm trọng chưa từng thấy xảy ra ở miền Trung lần này, cần được coi là bài học không chỉ đối với chính quyền cũng như người dân Việt nam, mà còn phải là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt nam, yêu cầu họ phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường và phải hiểu rằng Việt nam không phải bãi chứa rác thải của họ.
Ngày 08/07/2015
 © Kami
 * Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.