Phạm Trần (Danlambao) - Bấy lâu nay, mỗi lần kỷ niệm cuộc “gọi là” Cách mạng mùa Thu 1945 (19/08/1945), Ban Tuyên giáo đảng lại nhắc nhở báo đài nhà nước đừng quên mài chữ, uốn lưỡi và tăng giờ lao động để bảo vệ cho bằng được món đặc sản
“Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử.”
Nhưng có ai biết tại sao cho đến bây giờ, sau 70 năm có Chính phủ đầu tiên do đảng kiểm soát (1946) và 86 năm đảng Cộng sản được ông Hồ Chí Minh thành lập (1930) mà các cơ quan tuyên truyền của nhà nước vẫn còn phải bươn chải khổ sở về chuyện tự cho mình chính danh, chính phận này không?
Thưa “rằng thì là”, vì chuyện lịch sử chọn đảng Cộng sản lãnh đạo đất nước chỉ là món hàng tự biên và tự diễn của đội ngũ của những cái đầu óc ít bùn nhiều của đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuộc tranh cãi có thể sẽ kéo dài đến tận chân mây nếu có ai cắc cớ muốn hỏi người Cộng sản: ngày 18 tháng 9 năm 1945 là “ngày cách mạng” hay “ngày cướp chính quyền” từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim?
Làm theo chỉ thị đảng, Dư luận viên Trần Văn Huyên viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 29/08/2016: "Những ngày gần đây, khi cả nước thực hiện các hoạt động kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 thì trên một số mạng xã hội, các phần tử cơ hội về chính trị lại tiếp tục tán phát những bài viết có nội dung tuyên truyền, nói xấu chế độ, phản đối chủ trương, đường lối của Đảng, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Chúng cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là trở ngại duy nhất cho dân tộc và nền dân chủ chân chính của nhân dân” v.v... Tóm lại, họ muốn Đảng Cộng sản Việt Nam thôi giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam, nhường quyền lãnh đạo dân tộc cho một “lực lượng chính trị mới”.
Chắc nhóm “chuyên cãi lấy được” của Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân chỉ còn một con mắt nên không thấy đất nước đang đi về đâu sau 71 năm đảng nắm quyền cai trị độc tôn. Những người “bảo hoàng hơn vua” này cũng chưa hiểu được giá trị của dân chủ và tự do đã giúp các nước trong khu vực, kể cả hai nước Lào và Cao Miên từng bị Việt Nam coi thường, đã qua mặt Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhất là về xây dựng và phát triển.
Về chính trị, Lào giống như Việt Nam, chỉ có một đảng cầm quyền là
Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Chịu ảnh hưởng toàn diện, nhất là về chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Nhưng Cao Miên có tới 15 đảng chính trị. Hai đảng có thế lực trong chính quyền hiện nay là Đảng Nhân dân Campuchia do Thủ tướng Hun Sen cầm đầu. Đảng này có 46/57 ghế tại Thượng viện và 68/123 ghế tại Hạ viện.
Đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia do ông Sam Rainsy lãnh đạo chiếm 11/57 ghế Nghị sỹ và 55/123 ghế trong Hạ nghị viện.
Ông Hun Sen cũng lệ thuộc và chịu ơn Trung Quốc nặng nề nên đã ngả theo Bắc Kinh trong chuyện tranh chấp ở Biển Đông để tránh họa Việt Nam khiến cả khối các nước Đông Nam Á (khối ASEAN) và Việt Nam nổi điên. Tuy nhiên ông ta đã thức thời khi để cho 12 báo, phần lớn độc lập và tự do, phát triển khác với Việt Nam chỉ có báo đài của nhà nước độc quyền thông tin để kiểm soát dự luận quần chúng.
Vì vậy, người dân chả biết ai mà hỏi hay được phép chất vấn khi thấy Dư luận viên Trần Văn Huyên múa tiếp trên báo báo QĐND rằng: "Trước hết cần khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn sáng suốt của lịch sử. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam là sứ mệnh lịch sử mà dân tộc, giai cấp công nhân, nhân dân lao động trao cho Đảng."
Nhưng “lịch sử nào” và “của ai” nếu không phải là thứ đảng nói, đảng nghe và đảng làm để tự vinh danh mình, và tự đeo vòng Nguyệt quế vào cổ cho mình quyền cầm đầu nhân dân mà chả có ai “trao cho Đảng” bầu đảng lên lãnh đạo cả!
Điều rõ ràng nhất là từ xưa cho đến bây giờ, nhân dân chưa bao giờ trao quyền lãnh đạo đất nước cho đảng, nói chi đến chuyện tổ chức bầu cử cấp nhà nước.
Các cuộc gọi là bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ mấy chục năm nay đều do đảng chọn người của đảng hay tổ chức do đảng lập ra cho dân bỏ phiếu chứ có tổ chức nhân dân nào, ngoài những người của đảng, được phép ra tranh cử đâu.
Bằng chứng như trong cuộc bầu cừ Quốc hội khóa XIV ngày 22/5/2016, đảng đã loại bỏ tất cả các ứng cử viên độc lập có máu mặt, điển hình như Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Tiến sỹ Lê Văn Diện và nhiều Nghệ sỹ nổi tiếng khác như Ca sỹ Mai Khôi và Danh hài Vượng Râu.
Vì vậy, sự mạo nhận “đại diện cho dân” của 494 Đại biểu Quốc hội, thay vì 500 như dự kiến của đảng, chỉ là những “cán bộ lập pháp” của đảng mà thôi.
Do đó tư cách chính danh gọi là lãnh đạo cuộc “cách mạng” 19/8/1945 của đảng CSVN và của ông Hồ Chí Minh chẳng qua cũng chỉ mạo nhận trên danh nghĩa.
Hãy nghe Giáo sư Tiến sỹ ngành Xây dựng Nguyễn Đình Cống, một nhân sỹ nổi tiếng trong nước viết về ngày gọi là “cách mạng 19/08/1045".
Ông kể: "Đêm 9 tháng 3- 1945 Nhật đảo chính Pháp. Trên đất VN không còn một người Pháp cai trị. Ngày 11 -3 vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, xóa bỏ mọi hiệp ước đã ký với Pháp. Tháng 4- 1945 giải tán Triều đình phong kiến với các Thượng thư, lập Chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu và các Bộ trưởng. Ngày 15 – 8 Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngày 17 – 8 Chính quyền Hà nội tổ chức Mit tinh, treo Cờ Quẻ Ly để chào mừng nước Việt Nam độc lập. Cuộc mit tinh này đã bị người của VM cướp đoạt, hạ cờ Quẻ Ly xuống, giương Cờ đỏ sao vàng lên và kêu gọi đi theo VM."
Chuyện này, các nhà khoa học và lịch sử đã tốn nhiều giấy mực và sức khỏe tranh biện mà vẫn chưa xong. Hãy nghe tiếp những lời đanh thép của Giáo sư Nguyễn Đình Cống: "Một số người lập luận rằng nếu không có đảng CS lãnh đạo làm CM tháng 8 thì đất nước VN không có được như ngày nay. Đó là một kiểu ngụy biện. Và ngày nay của VN như thế nào, có đáng mơ ước và tự hào không. Nếu năm 1945 những người theo Đảng làm CM tháng 8 biết được tương lai của VN sau 70 năm sẽ như bây giờ, rất nhiều giá trị bị đảo ngược, nếu họ biết Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Văn Linh nói: "Biết đi với Trung quốc thì mất nước, nhưng mất nước còn hơn mất Đảng" thì liệu có bao nhiêu người hăng hái theo Đảng, hy sinh cho Đảng. Hà Sĩ Phu (Nguyễn Xuân Tụ, Tiến sỹ Sinh học) bình luận câu nói của ông Linh là rất dại, rất ngu, rất phản động. Thực ra rất đau xót và nhục nhã cho dân tộc vì con đường đi với Trung quốc đó đang được một số người có chức quyền ra sức thực hiện chỉ vì lợi ích nhóm của ĐCS, còn một số khá đông khác thuộc nhân dân thì vì sợ đủ mọi thứ mà chịu yên lặng, chịu hèn yếu chấp nhận sự hủy hoại, sự diệt chủng do Trung cộng gây ra cho dân Việt một cách từ thâm trầm đến ào ạt."
Tại sao ra đi?
Như vậy, những người làm công tác tuyên truyền cho đảng có thấy nước đã mất vào tay Trung Quốc từ thời Nguyễn Văn Linh (1986-1991), hay biết mà không dám hé răng để cam tâm hèn hạ cho dạ dầy được no? Và từ đó đến nay, qua các triều đại nối nghiệp Nguyễn Văn Linh gồm Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và bây giờ đến phiên Nguyễn Phú Trọng, nhân dân Việt Nam có biết đã bị đảnh đánh lừa đến mức độ nào không?
Những gì đang diễn ra ở Việt Nam cho thấy hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam không dám bỏ Trung Quốc để chọn tương lai cho dân tộc mà chỉ biết dựa vào Bắc Kinh để củng cố quyến lực và danh vọng.
Đó là lý do tại sao người dân Việt Nam đã tìm mọi cách để ra đi.
Có rất nhiêu lý do không ai muốn sống ở Việt Nam, nhưng có thể thu ngắn lại mấy nguyên do sau đây:
- Không có tự do, dân chủ.
- An ninh cá nhân không được bảo vệ.
- Tình hình kinh tế bấp bênh và tồn tại tùy vào những kẻ có chức và có quyền.
- Tệ nạn tham nhũng đã hết thuốc chữa. Cá lớn bắt nạt cá bé. Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng từng nói bây giờ cái gì cũng tiền, không tiến không xong!
- Bất công, tội phạm xã hội, mức độ ô nhiễm không gian, nước uống và an toàn thực phẩm, có sự tiếp tay của con buôn Trung Quốc và sự bất cẩn, ích kỷ của người Việt, không còn kiểm soát được nữa.
Vì vậy, tại cuộc họp của Quốc hội ngày 01/04/2016, Đại biểu Luật sư Trương Trọng Nghĩa của Thành phố Hồ Chí Minh đã nói như đang khóc: "Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài?".
"Không phải vì đất nước nghèo mà vì họ cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không được đầy đủ và lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy cũng biết!"
“Lệ thuộc” ở đây là lệ thuộc vào Trung Quốc.
Tại sao, lời giả trình của Ông Nghĩa được báo Tuổi Trẻ online tường thuật lại: "Nói về nỏ thần, ông nhắc lại hai câu thơ của Tố Hữu trong bài thơ “Tâm sự”, được sáng tác năm 1967: "Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...". Nhưng ở hội trường Diên Hồng của Quốc hội, ông mạn phép được sửa lại cho phù hợp với tình hình đất nước, thành: "Nỏ thần chớ để sa tay giặc/Mất cả đất liền, cả biển sâu".
Rồi Ông đề nghị phải xác định đúng: ta, bạn, thù. Ông phân tích: "Ta là dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, ta là nhân dân ta. Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng văn minh".
"Thù là thế lực thù địch, cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh của đất nước."
Và để ngăn chặn làn sóng người bỏ nước ra đi, Luật sự Nghĩa nói với Quốc hội: "Phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải được tự do dân chủ, an toàn, an ninh và công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, đạo đức tốt đẹp. Nhân dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển" (Báo Tuổi Trẻ online, 01/04/2016)
Đưa nhau ra nước ngoài
Bằng chứng cho chuyện đảng viên có tiền nhiều của bỏ nước sang Mỹ, cựu thù của CSVN, không có gì muối mặt cho đảng bằng bài viết mang tựa đề "Khu định cư mới của “việt cộng” ở Quận Cam USA” của Nhạc sỹ nổi tiếng Tuấn Khanh.
Bài viết phổ biến trên Internet bắt đầu: "Trên con đường dài dẫn ra biển Hungtington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt. Họ là những người rất trẻ, hoặc đó là những gia đình bình thường nhưng sống khép kín. Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của “Việt cộng”."
Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn 1 triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình.
Phần lớn những người này đều nói giọng miền Bắc, mới. Họ có một lối diễn đạt thời thượng thật dễ gây ấn tượng. Anh bạn tôi, một người làm real estate - môi giới mua bán bất động sản ở Mỹ - kể lại cuộc trò chuyện với một khách hàng như vậy, và được biết nhà được mua ngay bằng tiền mặt, mà người khách dằn giọng “tiền tươi!”."
Nhưng những “cán bộ chạy làng, bỏ đảng” không chỉ muốn đến quận Cam, nơi định cư của vài trăm nghìn người Việt ra đi từ năm 1975, mà nhiều nơi khác trên đất Mỹ.
Nhạc sỹ Tuấn Khanh viết tiếp: "Không chỉ ở nơi đó, nhiều năm gần đây, cộng đồng Việt Nam ở Texas cũng hay nói với nhau rằng khu Bellaire đang ngày càng nhiều những người chạy khỏi Việt Nam hợp pháp như vậy. Thậm chí, không chỉ xuỳ tiền nhanh để mua nhà – lớp người này rất nhiều tiền – họ mua luôn các cơ sở thương mại. Từ các tiệm nail với giá vài chục ngàn cho đến các siêu thị giá trên chục triệu USD, một thế hệ khác chính kiến, khác tư duy đang len lỏi vào các cộng đồng Việt Nam chống Cộng để mong an cư và sinh tồn. Nơi quần cư cho tiếng Việt, văn hóa Việt không chấp nhận chế độ cộng sản mà nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từng gọi là “một Việt Nam bên ngoài Việt Nam”."
Chuyện ca sỹ Mỹ Lệ
Nhưng ra đi không chỉ là chạy thoát của riêng cán bộ, đảng viên để bảo vệ tài sản vơ vét được bằng mọi cách ở Việt Nam mà còn để bảo vệ tương lai cho bản thân và gia đình.
Câu chuyện gửi 2 con gái tuổi nhỏ sang Đức của gia đình Ca sỹ Mỹ Lệ được cô giải thích với Phóng viên Hoàng Nguyên Vũ của báo Trí Thức Trẻ trong số ra ngày 22/08/2016: "Là một người mẹ không ai muốn xa con, nhất là khi con mới hơn 10 tuổi. Nhưng, chỉ có cách đó, tôi mới bảo vệ được con mình, khi người dân đang đầu độc nhau như thế…"
Lý do Mỹ Lệ đưa ra vì ở Việt Nam bây giờ thực phẩm độc hại, con người bán thực phẩm độc cho nhau và các giá trị về đạo đức và nhân phẩm đã tụt hậu đến mức “phải bỏ chạy”.
Mỹ Lệ nói: "Bạn vào bếp chăm sóc cho gia đình cái ăn từng bữa, bạn sẽ hiểu việc ăn uống không phải là thứ có thể qua loa thế nào cũng được. Nhất là giờ đây, thị trường thực phẩm của Việt Nam đã không còn niềm tin. Gia đình bạn, con bạn sẽ bị đầu độc bất cứ lúc nào. Và đầu độc từ từ. Đó là lý do tôi phải đưa con qua nước ngoài học, để bảo vệ con mình. Chúng sống bên Việt Nam, ăn uống tội quá. Với tình hình thực phẩm kinh khủng như ở Việt Nam thì lũ trẻ sẽ có nguy cơ bị đầu độc từ từ."
Mỹ Lệ còn tiết lộ: "Tôi ít ăn đồ hải sản ở Sài Gòn vì tôi sợ khi chúng về đến Sài Gòn thường phải "ăn" phân đạm để giữ tươi lâu, nhất là mực. Còn những thứ nuôi được thì nỗi sợ dùng thuốc tăng trưởng. Một con heo ngày xưa nuôi 1 năm mới xuất chuồng, giờ chỉ mấy tháng. Các loại cá tôm cũng thế, thu hoạch nhanh chắc chắn sẽ dùng thuốc… Nhưng chứng kiến thực phẩm bẩn thì nhiều. Tôi thực sự thấy sợ. Ở Huế, có những lò bún làm cạnh chuồng heo. Rau để tươi lâu thì chất bừa trong nhà vệ sinh… Người ta làm mọi cách để có thể sinh lời mà không cần biết đồng loại sẽ ăn phải những thứ gì."
Nói về nhà nông, Ca sỹ Mỹ Lệ bảo: "Rất nhiều hộ nông dân trồng rau bán, cái ngạc nhiên là họ biết loại nào độc loại nào không, cái độc thì đem đi bán cho đồng loại.
Chung quy lại, đồng bào ăn phải thức ăn bẩn cũng là do những người đồng bào gần gũi mang lại. Lòng tham đã tạo ra cái ác, và hủy hoại rất nhiều thứ của con người."
Vậy chuyện người Việt ra nước ngoài thấy gì, Mỹ Lệ kể: "Tôi từng đi Nhật, Thái và nhiều nước. Nhật, Thái, tôi từng nhìn thấy những bảng tiếng Việt như: "Không được ăn cắp", "Không được lấy quá nhiều buffet, lấy nhiều phải ăn hết"…, nhìn thấy cảnh đó cũng nhục lắm."
Kể lại vài mẩu chuyện trên đây để ta thấy những lời cảnh giác của Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa về tình trạng dân bỏ nước ra đi, người đi học không về và thoi thóp sợ bị “lệ thuộc Tầu” của dân không phải là vô tình hay nói cho vui miệng.
Bởi vì ngày nay ai cũng đã thấy xã hội Việt Nam đang xuống cấp, luân thường đạo lý dân tộc bị bạc tiền hóa giải và chỉ có nhà nghèo trong tuyệt đại đa số 90 triệu người dân phải ăn thực phẩm độc hại, uống nước dơ, không được học hành.
Những kẻ lắm tiền nhiều của là thành phần cán bộ có chức có quyền đã tìm mọi cách đem gia đình chạy khỏi Việt Nam sau khi đã vơ vét đầy túi thì đó có phải là “thành tích” sau 30 năm đổi mới, hay cũng là “chọn lựa tất yếu của lịch sử” của đảng và cuộc “cách mạng Tháng Tám 1945”?
Ban Tuyên giáo, Tổng cục chính trị Quân đội và các Dư luận viên thử phản bác nghe coi. -/-
(09/016)