Saturday, April 22, 2017

Các Linh Mục, Tu Sĩ và 43.256 người dân tại miền Trung gửi kiến nghị về vấn đề Formosa

CTV Danlambao - Thảm họa môi trường biển tại miền Trung do thủ phạm Formosa gây ra vẫn đang là vấn đề phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của người dân miền Trung. Kể từ khi nhà cầm quyền Việt Nam công bố đích danh thủ phạm và tự ý nhận khoản đền bù thiệt hại 500 triệu Mỹ Kim từ công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh để khắc phục hậu quả gây ra, cho đến nay người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng vẫn đang hết sức khó khăn trong cuộc sống. Mặc dù vậy nhà cầm quyền vẫn cố tình nhập nhằng trong việc chi trả khoản bồi thường thiệt hại cho ngư dân cũng như cố tình bảo vệ thủ phạm Formosa trước làn sóng yêu cầu trục xuất công ty này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Những cuộc biểu tình phản đối Formosa của người dân trên cả nước luôn bị trấn áp bởi lực lượng công an, an ninh và “côn đồ” mặc thường phục. Những lá đơn khởi kiện của ngư dân miền Trung luôn bị bác bỏ cùng những trận đàn áp dã man khi họ tuần hành ôn hòa để nạp đơn. Số tiền đền bù thiệt hại không thể đến tay những người dân khốn khổ vì những lý do không có cơ sở xác minh thiệt hại để được nhận đền bù. Đó là việc làm vô cùng khốn nạn mà nhà cầm quyền trực tiếp gây ra trong điều kiện sống tồi tệ mà người dân đang gánh chịu. 

Những hành động bất nhân của nhà cầm quyền đã gây thiệt hại nặng nề về vật chất, tinh thần và ảnh hưởng nghiêm trong đến cuộc sống hiện tại cũng như tương lai bế tắc của người dân miền Trung. Trước thực trạng thê thảm của người dân, một số Linh Mục quản xứ thuộc Giáo hạt Vạn Hạnh, Giáo phận Vinh đã đồng hành cùng 43.256 giáo dân nhằm đòi quyền lợi chính đáng đang bị nhà cầm quyền tước đoạt. 

Ngày 20/4/2017, các tu sĩ, chức sắc Công Giáo và giáo dân trong Giáo hạt Vạn Hạnh đã gửi đến nhà cầm quyền cộng sản bản kiến nghị V/v thảm họa môi trường biển và những vấn đề liên quan.

Dân Làm Báo gửi đến độc giả trong thôn nội dung bản kiến nghị trên nhằm rộng đường dư luận cũng như kêu gọi sự đồng hành cùng người dân miền Trung đang bị ảnh hưởng từ thảm họa môi trường biển.


22/4/2017

Cuộc chiến giai cấp

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Ngày 30/4/1975, cộng sản Việt Nam vui mừng xem là ngày cách mạng vô sản cho toàn cõi Việt Nam. Một cuộc cách mạng dối trá, lếu láo vì nó đưa Việt Nam vào tay những kẻ độc tài, tham nhũng, tạo nên sự bất công, mất lòng tin giữa hai giai cấp thống trị và bị trị đến mức độ tồi tệ chưa bao giờ có trong lịch sử. Sau ngày tháng tư đen ấy, cuộc chiến trên đất nước vẫn chưa kết thúc, nó xẩy ra với nhiều hình thức, mức độ khác nhau cùng sự chia rẽ giai cấp ngày càng tăng, càng cách biệt lớn trong xã hội. Lý thuyết căn bản của cộng sản: "Nơi nào có bất công, không còn lòng tin, nơi đó sẽ có đấu tranh, sẽ có cách mạng". Phải chăng người dân Hà Tĩnh, Đồng Tâm đang chứng minh cho mọi người lý thuyết đó, không phải chỉ là cây gậy đập ngược lại vào lưng mà trở thành những cái tát đang vỗ bốp bốp vào cái mặt trân tráo của các ông quan lại cộng sản?

*

Đấu tranh giai cấp, theo Wikipedia, hay còn gọi là mâu thuẫn giai cấp, là sự căng thẳng hoặc đối kháng tồn tại trong xã hội do cạnh tranh về lợi ích kinh tế và mong muốn giữa người dân của các tầng lớp khác nhau. Karl Marx, lý thuyết gia cộng sản cho rằng đấu tranh giai cấp để phát triển xã hội tiến lên thiên đường cộng sản, một nơi không còn giai cấp, mọi người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. 

Nhưng đấu tranh giai cấp như thế nào? Lenin kêu gào cách mạng vô sản, chủ trương giai cấp công nhân tiến hành lật đổ giai cấp tư bản bằng vũ lực, thiết lập chính quyền chuyên chính vô sản đầu tiên ở Liên Xô. Hàng triệu triệu người đã bị giết, bị tù đày chỉ vì họ là ông chủ tư bản hoặc thương gia nhờ buôn bán giỏi trở thành giàu có. 

Kết quả của cách mạng vô sản? Trong các nước xã hội chủ nghĩa theo kiểu Liên xô, hai giai cấp xã hội mới hình thành do kết quả của hệ thống độc tài, quan liêu của đảng cộng sản cầm quyền. Hai giai cấp mới này tiếp tục đối kháng với nhau. Một giai cấp thống trị gồm những kẻ trong đảng có đủ mọi quyền hành, bổng lộc. Một giai cấp bị trị gồm những người không trong đảng, không quyền lợi, là giai cấp dân đen hay chính là… giai cấp vô sản, vô quyền. Nhiều người đã mỉa mai gọi XHCN kiểu Liên Xô này là chủ nghĩa tư bản nhà nước, chủ nghĩa xã hội nhà nước, sự quan liêu tập thể. 

Số phận nhà nước XHCN kiểu Liên Xô? Sự dối trá trong việc xây dựng xã hội hoang tưởng ở Đông Âu đã chấm dứt. Trong cuộc cách mạng của thế kỷ, cuộc cách mạng 1989, diễn tiến hoà bình, it́ có máu đổ, người dân Đông Âu đã đứng lên xóa bỏ chế độ cộng sản, một chế độ độc tài, đảng trị đã tồn tại trên đất nước họ bao nhiêu năm để quay sang chế độ dân chủ, tự do. Các đảng cộng sản trên phần còn lại của thế giới phải thay hình đổi dạng mong có cơ may được tồn tại. 

Việc đổi mới của đảng cộng sản Việt Nam? Đảng CSVN dùng khẩu hiệu “Kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa", đã biến đổi đảng “Mác Lê” trở thành đảng “Mắt Lé”. kinh tế thì theo tư bản nhưng mắt cứ lé nhìn qua chủ nghĩa Mác Lê. Trong đất nước XHCNVN đã hình thành rõ rệt hai giai cấp. Giai cấp thống trị ngày càng giàu bao gồm những đảng viên có chức vụ, “tư bản đỏ”, "nhóm lợi ích". Bọn giai cấp này sử dụng luật đảng, luật mafia để phân chia quyền lợi, tiền bạc. Giai cấp thứ hai có thể gọi là giai cấp bị trị gồm những người vô sản. Họ là dân đen, không quyền thế, luôn bị chèn ép, bị bỏ tù…. khi đấu tranh cho quyền lợi của mình. Mỉa mai thay chính họ đã là lực lượng nòng cốt trong cách mạng vô sản mà đảng cộng sản bằng sự bịp bợm đã lợi dụng trong các cuộc chiến với giai cấp tư bản. 

Khoảng cách giàu nghèo giữa hai giai cấp ngày càng tăng. Giai cấp thống trị có tài sản khủng, thoải mái khoe khoang mình có nhà cửa nguy nga, đồ sộ, con cái gửi đi du học các nước tư bản, tiền bạc ký thác ngân hàng nước ngoài, cuộc sống gia đình từ xa hoa đến xa đọa... Giai cấp bị trị chật vật lo kiếm sống hàng ngày, người nghèo xơ xác, người có người thân chết phải bó chiếu chở về nhà bằng xe gắn máy…

Tại sao, tại sao??? Trong một xã hội dân chủ tự do, người dân được quyền chọn lựa một chính phủ hoạt động hữu hiệu. Một chính phủ không độc tài, không tham nhũng... được cung cấp tài chánh hoạt động do chính tiền đóng thuế của người dân. Theo luật pháp rất minh bạch, người lợi tức càng nhiều, đóng thuế càng cao, chính phủ có tiền trợ giúp người có lợi tức thấp. Trong xã hội cộng sản VN, đảng trên tất cả, đảng nắm quyền, đảng nắm tiền, đảng nắm tài nguyên... Đảng viên trong chính quyền, giai cấp thống trị, không sống bằng tiền thuế của người dân, họ sống bằng bổng lộc, bằng nguồn tiền tham nhũng được núp dưới nhiều hình thức. Họ coi thường người dân là điều dễ hiểu, mặc dù họ vẫn trân tráo rêu rao họ là “đầy tớ của nhân dân”. Một số người dân có lợi tức trung bình, sinh kế không bị xáo trộn nhiều do chính sách nhà nước, không có thái độ đấu tranh, mặc kệ bất công, áp bức trong xã hội: "Ồ, tụi nó đâu sống bằng tiền thuế của mình đâu mà mình đòi này, đòi nọ. Nếu mình có lên tiếng đòi hỏi, nó chèn ép, làm khó dễ, ngay việc bắt mình vào tù. Phải sống với cái xấu để được tồn tại?”. Lâu ngày thái độ này trở thành thói quen, quán tính, họ thấy bất công trong xã hội, bất công giữa giai cấp thống trị và bị trị, là “chuyện bình thường”! Thái độ “bỏ qua” này khiến giai cấp thống trị được thế làm giàu thêm lên với nhiều luồn lách ngày càng tinh vi. Bất công tăng đến một lúc giai cấp bị trị không thể cḥiu đựng, không thể tiếp tục yên lặng, họ đã đứng lên. 

Cuộc chiến giai cấp? Giai cấp thống trị hưởng tiền, hưởng lợi trên khai thác, mua bán tài nguyên đất đai, khoáng sản chung của đất nước. Giai cấp dân đen đang sinh nhai trên mãnh đất đang sống nay phải bị dời đi nơi khác vì đất bị cướp hay tài nguyên đã bị hũy hoại. Chia rẽ giữa hai giai cấp xẩy ra ngay trong quân đội, công an. Sau 30/4/1975 cấp cao tướng tá trong quân đội và công an đã phù phép biến những mãnh đất công ở những địa điểm ngon lành nhất trong thành phố thành của riêng, tài sản riêng cho gia đình. Cấp cao công an còn kiếm bao nhiêu vàng bạc trong các cuộc tổ chức vượt biên, bắt vượt biên lấy tiền chuộc. Bọn chúng gia nhập hàng ngũ quan to giàu có của giai cấp thống trị. Còn công an giao thông tép riu kiếm bạc cắc, chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển đảo,... họ có bao giờ suy nghĩ đến sự bất công giai cấp ấy trong xã hội?

Thảm họa do Formosa gây ra ở biển miền trung qua hơn một năm vẫn còn để lại nhiều hậu quả bi thương cho người dân đen. Lượng cá đánh bắt được it́ hẳn đi, và cá đánh được ở vùng này đem bán ít ai dám mua. Du lịch, nhà hàng ăn bị ảnh hưởng một cách nặng nề. Nhiều người dân đã và đang tìm cách đi kiếm sống ở các vùng khác. Trong khi đó giai cấp thống trị cười thỏa mãn. 500 triệu đô bồi thường của Formosa dễ dầu không chui vào cái túi tham lam không đáy của giai cấp thống trị. Số tiền bồi thường này có đưa người dân Hà Tỉnh về cuộc sống như xưa? Người dân Hà Tĩnh đã hiểu, đã đứng lên biểu tình, không thể để Formosa tiếp tục huỷ hoại môi trường sống, chọn thái độ không sợ sệt trước bạo quyền, trực tiếp đối đầu với giai cấp thống trị. 

Mọi người dân trong nước đang quan tâm cuộc đối đầu can đảm của người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức với chính quyền thành phố Hà Nội, một bộ phận của giai cấp thống trị hiện nay. Cuộc chiến sẽ như thế nào? Giai cấp thống trị sẽ nhượng bộ phần nào để xoa dịu sự phẫn nộ? Sau đó còn hơn 1000 đơn thưa kiện của dân oan liên quan đến tranh chấp tài nguyên đất đai giữa hai giai cấp trong xã hội sẽ giải quyết ra sao? Người nắm lý luận cao cấp nhất trong đảng, TBT còn mãi lo rượt đưổi con ruồi Trịnh xuân Thanh, đâu còn thì giờ giải quyết đấu tranh giai cấp?

Ngày 30/4/1975, cộng sản Việt Nam vui mừng xem là ngày cách mạng vô sản cho toàn cõi Việt Nam. Một cuộc cách mạng dối trá, lếu láo vì nó đưa Việt Nam vào tay những kẻ độc tài, tham nhũng, tạo nên sự bất công, mất lòng tin giữa hai giai cấp thống trị và bị trị đến mức độ tồi tệ chưa bao giờ có trong lịch sử. Sau ngày tháng tư đen ấy, cuộc chiến trên đất nước vẫn chưa kết thúc, nó xẩy ra với nhiều hình thức, mức độ khác nhau cùng sự chia rẽ giai cấp ngày càng tăng, càng cách biệt lớn trong xã hội. Lý thuyết căn bản của cộng sản: "Nơi nào có bất công, không còn lòng tin, nơi đó sẽ có đấu tranh, sẽ có cách mạng". Phải chăng người dân Hà Tĩnh, Đồng Tâm đang chứng minh cho mọi người lý thuyết đó, không phải chỉ là cây gậy đập ngược lại vào lưng mà trở thành những cái tát đang vỗ bốp bốp vào cái mặt trân tráo của các ông quan lại cộng sản?

22/4/2017

30/4 - Chuyện Giải Buồn: Tờ Hộ Khẩu

Mai Văn Các (Danlambao) - "Sự cố" ấy là một bước ngoặt trong cuộc đời lão và nó còn đeo theo lão không biết đến bao giờ.

"Một ngày xui xẻo," lão lẩm bẩm. Mới sáng banh mắt vừa ra mở cửa, mấy con quạ đen thù lù đậu trên cây vú sữa nhà thím Năm trông thấy lão chõ mỏ kêu "quà, quà, quà..." một hồi rồi vỗ cánh bay đi. Đến chiều lúc lão đem giá gạo ra hè nhặt sạn nấu bữa tối có bé Hai chơi bên cạnh thì viên công an ở đâu sồng sộc đi vô:

- Kiểm tra hộ khẩu.

Lão ngơ ngác nhắc lại:

- Kiểm tra hộ khẩu, hộ khẩu là gì thầy?

- Không được kêu thầy, đừng giữ mãi cái đầu óc phong kiến bóc bột! 

May quá, cái đầu óc già nua tối tăm của lão như có thần ứng mách bảo cho lão hai chữ: "đồng chí, đồng chí". Lão nói:

- Thưa đồng chí hộ khẩu là gì đồng chí?

- Ai đồng chí với gia đình Ngụy? Kêu là cán bộ nghe chưa! Tờ hộ khẩu đâu?

Lão vô nhà. Cán bộ theo sau. Tờ hộ khẩu mới lấy mấy bữa trước không biết ai để đâu mất. Hồi đó tờ khai gia đình cả vài năm lão không sờ tới. Hình như cách nay gần 1 năm lão kéo từ ngăn tủ phủi bụi bặm đem ra phường thêm tên con Sáu, vợ thằng Tư và con bé Hai xong lão lại đem về vất vô chỗ cũ.

May mắn sau ngày 30/4 nó vẫn nằm chình ình ở đó để lão đem trình cho Cách mạng làm tờ Hộ Khẩu mới. Lão tới lục ngăn tủ cũ không có, lão kéo ngăn bên kia ra xem cũng không, chỉ có bản sao Tờ Khai Gia Đình hồi trước.

Lão vã mồ hôi. Cái đầu óc già nua tối tăm của lão không giúp ích gì cho lão lúc này. Mới bữa trước tổ trưởng Năm Ghi tới tận nhà giao cho lão, không biết lão để đâu. Lão đứng ngơ ngẩn bần thần.

Viên công an sẳng giọng:

- Có một tờ hộ khẩu mà cũng không biết giữ. Kiếm đi chứ!

Lão luống cuống chạy vô phòng lật đầu giường của vợ chồng thằng Tư không có, bực mình lão lật mền lật gối, tìm trong tủ quần áo cũng không. 

Lão trở ra, đứng ngơ ngẩn cố suy nghĩ.

- Kiếm đi chứ, viên Công an lại giục.

Cuống quít quay tới quay lui, may mắn thấy cái bàn viết kê sát vách, lão cúi xuống lôi ngăn kéo ra lật lật đám sách vở ngổn ngang:

-A, nó đây rồi! Lại có cả cây viết đây nữa. Cây viết Pilot nắp mạ vàng con bé Hai vẫn đòi đem ra chơi. Thế mà cái đầu óc già nua tối tăm tới lúc cùng nó cũng giúp lão, lão cười miệng méo xệch. 

Viên công an giựt lấy tờ hộ khẩu ngắm nghía:

- Mới đây mà đã lem rồi. Ai bôi xóa mấy chữ này đây? Không muốn có Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc hả?

Lão tái mặt. Chắc con bé Hai rồi. Cách đây mấy bữa nó ngồi hý hoáy làm gì nơi đây. Nét bút yếu ớt vẽ loằng ngoằng làm lem mấy chữ Độc lập - Tự Do - Hạnh Phúc trên đầu tờ Hộ khẩu. Lão hú hồn, nếu nó xoá bỏ cả cái Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa thì chí nguy.

- Xin cán bộ bỏ qua, con bé này - lão chỉ bé Hai - nhỏ dại không biết gì.

- Nhỏ dại mà biết chống đối. Lần này tha, lần sau cho nó đi cải tạo mút mùa!

- Xin Cán bộ bỏ qua. Lão sợ hãi năn nỉ lần nữa.

Viên công an lầm lì không trả lời, hắn lật xem bên trong.

- Ngô Văn Tư là ai?

- Con trai tôi.

- Ngụy hả? 

- Dạ nó đi quân dịch, không phải Ngụy.

- Đi lính cho Ngụy là Ngụy còn vòng vo gì. Nói nó Cách Mạng lúc nào cũng độ lượng khoan dung. Phải chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Đảng, của nhà nước nếu không sẽ bị đưa đi cải tạo. Tên Tư tối nay ra công an phường trình diện. 

Lão cúi đầu:

-Dạ, dạ!

Viên công an lật trở lại nói tiếp:

- Còn mấy chỗ lem này tẩy sạch đi. Mua giấy lon (nylon) bọc lại. 

Cái bút này vẽ bậy bị tịch thu!

Bỏ cây viết Pilot nắp vàng vào sà cộp, viên công an dặn lại:

- Nhớ mua giấy lon bọc lại cho tử tế, cất kỹ đi. Thấy ông già tôi thương hại làm phúc nói cho biết tờ hộ khẩu quan trọng, rất quan trọng - hắn nhấn mạnh - mua lương thực: hộ khẩu, xin việc làm: hộ khẩu, đi học: hộ khẩu. Hộ khẩu, hộ khẩu, hộ khẩu...  Nó là mạch máu của gia đình. Mua gạo, nó; mua bo bo, nó; mua khoai mì, nó; mua... mua bắp, nó. Không có nó là chết đói nhăn răng!

Lão tái mặt, phải rồi không có gạo, không có bo bo thì chết đói cả lũ, chết đói nhăn răng. Lão sợ quá tiễn cán bộ ra khỏi cổng mà vẫn còn run. 

Thím Năm đứng ở sân thấy lão thương hại hỏi nhỏ:

- Gì thế anh Bảy, sao thằng công an nói lớn vậy?

-Xuỵt! - Lão ra dấu - Nó bảo phải kêu nó là cán bộ. Đây này, con bé Hai bôi lem mất mấy chữ làm nó la lối om xòm. Làm sao gôm hết thím Năm? Lão lo lắng hỏi.

- Mực nguyên tử đây mà. Anh Bảy lấy chút bông gòn thấm cồn lau đi là hết.

Lão thở phào nhẹ nhõm chạy vội sang nhà ông Ba Chích đối diện, giơ tờ hộ khẩu cho ông Ba xem:

- Xui quá chú Ba, con bé làm lem chút mực, chú Ba cho tôi xin chút alcool tôi lau nó đi.

Ông Ba Chích yên lặng xé miếng bông gòn bằng đầu ngón tay và thấm chút alcool đưa cho lão.

- Cho tôi xin thêm chút nữa chú Ba, sợ không đủ.

- Lúc này người khôn của hiếm anh Bảy. Lau đi thiếu lấy thêm. Mai mốt sợ không có mà xài, đừng có chê !

Cuối cùng thì lão cũng lau xong tuy những vết gạch trên mấy chữ Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc không sao sạch hết. "Tạm được rồi, mai mua giấy lon bọc nữa là xong." Lão nghĩ. 

Quay về nhà thấy con bé Hai đang úp mặt lên giường lão khóc thút thít. Chắc nó thương nội bị cán bộ la hay có điều chi đây. Con bé thương lão lắm, tuy mới hai tuổi mà cái gì nó cũng biết. Nó quấn quít bên lão, nheo nhẻo nói chuyện suốt ngày. Con nít thời nay khôn sớm, người ta nói thế. Lão vuốt nhẹ trên lưng cháu dỗ dành:

- Nội nè con, sao con khóc?

Con bé vẫn khóc thút thít làm lão phải nựng nó:

- Nói cho nội nghe, nội thương, sao con khóc?

- Cán bộ lấy cây viết của con. Nội đòi cho con đi...!

*
Tối hôm ấy khi thằng Tư ra phường trình diện về, cả nhà có buổi họp để giải quyết tờ Hộ Khẩu. Con Sáu muốn cất trong tủ quần áo, thằng Tư nói để trong tủ thờ khóa lại. 

Cả hai cách lão nghĩ đều không ổn. Mới có hơn 1 tháng được "giải phóng" mà bán hết cái này đến cái kia từ radio đến cái quạt máy. Nếu mai mốt phải bán đến mấy cái tủ lão chỉ sợ quên không lấy tờ Hộ khẩu lại thì nguy.

Nghĩ thế nhưng lão không dám nói ra sợ xui .

- Thôi để ba lo, ba đã có cách, lão nói.

Tuy giải quyết xong việc giữ tờ hộ khẩu nhưng còn kiếm giấy lon ở đâu để bọc không ai biết, lão phải chạy sang nhà tổ trưởng Năm Ghi hỏi. Năm Ghi trước đây đi bẻ ghi cho Sở Hỏa Xa hết làm ở ga Sài Gòn thì ra Hòa Hưng, Thủ Đức, ổng mới về hưu mấy năm nay. Nhà có miếng ăn, miếng để, nhất là sau khi vợ chết ổng lấy người vợ kế biết chao đảo làm ăn. Cách mạng vô Sài Gòn ổng theo ngay Cách Mạng. Tính ổng xuề xòa nhưng ai nói ổng là Cách Mạng 30 ổng nghe được thì chết ngay.

Từ nhà tổ trưởng Năm Ghi ra lão mới biết bọc giấy lon là bọc nylon. Lão lại tự giận mình, giận cái đầu óc già nua tối tăm của lão có thế mà không biết. 

Sáng hôm sau lão dậy thật sớm ra phường chầu chực. Khi cửa văn phòng mở lão nhào vô ngay mua giấy lon và nắn nót bỏ tờ hộ khẩu vô xong hỏi nhân viên phần hành:

- Thưa cán bộ, bọc giấy lon thế này được chưa?

- Được, tốt lắm.

Lão mừng quá rảo bước về ngay nhà lấy đinh đục lỗ và kiếm sợi dây móc vô đeo lên cổ, ngắm đi ngắm lại. 

Thế là yên trí, không bao giờ sợ mất và điều xui xẻo nếu lão có chết thì tờ Hộ Khẩu vẫn ở cổ lão. Con cháu trước khi chôn lão cứ việc lột ra giữ lại mà xài!

Từ đó ra cửa hàng mua lương thực, đi khám bệnh... lão cứ việc từ từ cởi nút áo phanh ngực ra trình tờ hộ khẩu, xong lão cẩn thận khép áo cài nút lại.

Không ngờ cái sáng kiến nhỏ nhen ấy lại làm cho lão nổi tiếng.

Chẳng là bữa ra phường xin chứng nhận giấy, nhân viên phụ trách yêu cầu xem hộ khẩu, lão đứng phanh ngực ra trình. Vừa lúc ấy Bí thư phường đi qua thấy hay quá vỗ vai lão khen lấy khen để. Trong buổi họp nhân dân phường tối đó lão được kéo lên cho Bí thư phát bằng khen tuyên dương "Lão gìa chấp hành nghiêm chỉnh lệnh của Đảng và nhà nước" và lấy lão làm điển hình tiên tiến nhân rộng ra học tập làm lão rất hãnh diện với tờ Hộ khẩu đeo trước ngực. 

Giá lão cao lớn như mấy ông Thượng Tướng hay Đại Tướng gì đó trên TV bữa trước thì tờ Hộ khẩu lão đeo trước ngực có khác gì tấm huy chương chiến công! Thật lẫy lừng .

Từ đó người ta kêu lão là Bảy Hộ Khẩu, không còn kêu cái tên Bảy Lùn của lão như trước nữa. 

Mất gần tháng trời đi hết khu phố này đến khu phố khác làm điển hình tiên tiến, tưởng được yên không ngờ Bí Thư Quận Ủy lại cấp giấy khen cho lão, lại mở chiến dịch học tập "nhân rộng điển hình tiên tiến" kéo lão đi làm điển hình suốt 26 phường mấy tháng mới xong làm lão mệt nhoài phát ốm. 

Bây giờ thì lão chán cái tấm huy chương này lắm rồi, nhưng không đeo ở cổ lại sợ mất.

Lão nằm dán mình trên giường chán nản nhìn lên mái tôn đang tỏa nóng hừng hực. 

Ngày Cách Mạng mùa Thu (2-9) cái tủ quần áo của mẹ con con Sáu ra đi, rồi Mùa Thu Cách mạng vừa chấm dứt thì cái tủ thờ cũng âm thầm đội nón bén gót theo sau ! 

Rồi lại từ bữa lão phát bịnh tốn kém thuốc men, cái trần nhà bằng tôn lạnh Mỹ được cẩn thận gỡ đem ra chợ tôn Lý Thường Kiệt bán!

Căn nhà nhỏ bé chật chội trước đây ra đụng vào chạm những đồ đạc dần dần lão thấy rộng thênh thang. Vợ chồng thằng Tư kéo xe ba gác ra đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, giá không có con bé Hai lúc nào cũng quấn lấy lão thì đời lão thật sự trống vắng quạnh hiu.

Đang lúc lòng lão buồn rười rượi thì con bé ở đâu chạy về sà ôm lấy lão làm lão nguôi nguôi .

- Sao nội buồn thế? Con thương nội lắm, con bé nói.

- Bé Hai à, con cầu trời cầu Phật cho nội chết đi cho đỡ khổ.

- Không, con không cầu trời cho nội chết đâu.

- Nội không chết thì sống làm gì?

Con bé cười hóm hỉnh lấy tay chỉ vô tờ Hộ khẩu nói:

- Sống để nội đeo cái này ở cổ, ở ngực.

Lão cười cái miệng méo xệch như mếu. Không biết lão còn phải sống để đeo cái của nợ này đến bao giờ! 


Ghi chú: (1) Ngoài Bắc người ta nói bị cắt hộ khẩu là bị cắt máu, chỉ có nước chết không làm ăn gì được. 

Từ United Airlines, nghĩ về sức mạnh Đồng Tâm

Đinh Yên Thảo (Danlambao) - Đến hôm nay thì câu chuyện một hành khách bị cảnh sát dùng vũ lực kéo ra khỏi một máy bay hãng United Airlines chở kín khách đôi tuần trước đã nguội đi. Thế giới biến động, tin buổi sáng vừa ra đã bị bản tin buổi chiều đè bẹp. Câu chuyện sai trái về mặt pháp lý riêng trong vụ này đến mức nào, thì ắt rằng những luật sư đại diện cho nạn nhân đang và sẽ tận sức để buộc hãng United Airlines gánh chịu những trách nhiệm cao nhất của mình, và sẽ còn quay lại trong thời gian tới. Còn ở đây, nó là một bài học chung cho những hãng hàng không về thái độ đối xử với khách hàng của mình trong tương lai ra sao cho đến các cơ quan dân sự, công lực và công quyền sẽ hành xử với người dân ra sao trước những thái độ chống đối, phẫn nộ của họ. Và rộng hơn, nói là bài học cho cả những người lãnh đạo của một quốc gia khi nhìn đến lòng dân.

Rất tình cờ, người nạn nhân bị đối xử thô bạo trên chuyến bay United lại là một người bác sĩ gốc Việt, ông David Đào như mọi người đã biết. Trong cuộc họp báo của những luật sư đại diện pháp lý cho ông, họ trích lời ông rằng, sự việc xảy ra kinh khủng hơn cả khi ông đào tị khỏi Việt Nam năm 1975. Có lẽ đó cũng là một cách nói để nhấn mạnh sự tác động lên thể chất đến tinh thần của ông đến mức nào. Nhưng ắt ông không xem qua các thước phim mà những người yêu nước biểu tình, lên tiếng chống giặc phương Bắc, chống công ty Formosa gây thảm họa môi trường cùng vô số vụ tuần hành ôn hòa khác, đã bị đàn áp ra sao. Nó khủng khiếp, xót xa gấp bội lần. Ông Đào mua vé, trả tiền cho dịch vụ mình muốn sử dụng, ông cần được đối xử công bằng và tôn trọng, chẳng vì bất cứ lý do gì để bị ngược đãi như vậy. Còn người dân nước Việt, họ có quyền bày tỏ lòng yêu nước của những người công dân có trách nhiệm, chứ làm điều gì sai để bị đánh đập, trấn áp, tù đày? Câu hỏi nghe da diết như lời nhạc sĩ Việt Khang, "Xin hỏi anh là ai, sao đánh tôi, tôi làm điều gì sai?". 

Sự so sánh nào cũng khập khiễng và lắm lúc, khó lòng đem đặt bàn chân này vào chiếc giày kia, theo kiểu người Mỹ vẫn thường nói. Nhưng tôi tự hỏi, giữa ông Đào và những người đấu tranh dân chủ, những người dân nước yêu nước có điều gì khác biệt, nếu không nói rằng, chuyện ông Đào chỉ là một sự việc cá nhân tình cờ, còn tinh thần yêu nước là hào khí kiêu hùng của cả một dân tộc. Giá ông Đào không ở một xã hội nhân quyền và tôn trọng phẩm giá con người như đất nước Hoa Kỳ này, không ở trong xã hội mà người dân chung quanh không cần biết ông là một người gốc Việt, Á Đông hay sắc dân nào, để lập tức phẫn nộ, lên tiếng vì "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha", thì điều gì sẽ xảy ra? Tổng Quản Trị hãng United trong bốn ngày liên tiếp đưa ra các thông cáo, từ việc binh vực nhân viên của mình ban đầu, gán ép ông có thái độ "gây hấn" cho đến cuối cùng bảo rằng đã cố gắng liên lạc ông Đào để xin lỗi và nhận lỗi hoàn toàn, sau khi cổ phiếu sụt giá hàng tỉ đô la và chứng kiến thái độ phản ứng quyết liệt của người dân trên các trang mạng xã hội, trên báo chí. Họ nhận lỗi không chỉ vì đã phạm lỗi, mà còn vì có cả một hệ thống pháp luật bảo vệ phẩm giá người dân và có một cộng đồng, một xã hội biết đồng lòng lên tiếng trước sai trái, bất công. Còn những người dân Việt? Hệ thống nào và ai là những người bảo vệ họ? Họ chỉ là những người cô đơn, mang dũng khí của cá nhân hay vài nhóm nhỏ để chống họa ngoại xâm hay những bất công xã hội, chống lại những giới cường hào mới đi cướp đất cướp nhà người dân, để rồi phải gánh chịu những sự ngược đãi, trấn áp hay tù đày. Tập Cận Bình sang Mỹ cũng bị không ít các sắc dân tụ họp, biểu tình phản đối. Có chuyện gì xảy ra?

Bạn tôi, một thương gia từ Việt Nam sang chơi. Bạn thân từ thuở mới lớn nên không chỉ ngồi nhắc lại chuyện xưa, chuyện đi học mà còn lan man chuyện gần chuyện đời, chuyện người - những chuyện chính trị, xã hội "tế nhị" đó đây mà người ta thường khuyên nên né tránh trong cuộc vui. Nhưng chúng tôi chẳng tranh luận, chỉ tâm tình, chia xẻ cái nhìn từ cuộc sống của hai xã hội khác nhau. Từ câu chuyện ông Đào và hãng United cùng dư luận và áp lực xã hội, nó dẫn dắt chúng tôi sang câu chuyện người dân đấu tranh, biểu tình trong nước. Bạn tôi bảo rằng những người cầm quyền trong nước mang nỗi sợ hãi rằng, khi cho người dân quá nhiều quyền tự do, quyền phản luận sẽ dễ dẫn đến sự bất ổn, chống đối và bạo loạn. Tôi bảo rằng, không có những chèn ép, bất công thì làm sao dẫn đến sự chống đối, bạo loạn. Bạn bảo rằng họ e rằng có nhiều ý kiến mà không có giải pháp thì chỉ thêm rối rắm. Tôi nói, giải pháp không phải là trách nhiệm và khả năng của người dân, đó là công việc của những người đang nắm trọng trách ở bất cứ quốc gia nào, nhưng họ cần lắng nghe tiếng nói người dân để tìm hay đưa ra giải pháp phù hợp. Câu chuyện cứ vậy mà không dứt. Về đến Việt Nam, bạn tôi nhắn sang rằng, có lẽ bọn mình còn cần thêm nhiều dịp gặp mặt để được nghe, được nói cho nhau nghe. Tôi hiểu, thế hệ đàn anh, thế hệ chúng tôi hay đàn em bây giờ, người nào chẳng mang một tấm lòng với quê hương, đất nước. Như một chàng ca sĩ trẻ khá nổi tiếng sang Mỹ trình diễn mà tôi có lần tình cờ trò chuyện. Bên ngoài cái vẻ tay chơi xâm mình, nhuộm tóc, em bảo những người làm lãnh đạo cần có trí tuệ và lòng từ bi. Trí tuệ để dẫn dắt đất nước và từ bi để yêu thương người dân. Đất nước nào không cần những minh quân như vậy. Tôi nghe qua mà lòng đầy cảm khái. Vị trí nào thì ai chẳng có tấm lòng trăn trở với quê hương. Cách này hay cách khác. Chốn này hay chỗ kia. 

Trở lại cùng câu chuyện ông Đào, có lẽ trong lời tuyên bố mà gia đình ông đã gởi ra thông qua các luật sư, khi họ đã cảm ơn những người dân khắp nơi đã ủng hộ, quan tâm và bày tỏ sự bất bình quả có lý do. Không có những thước phim do các hành khách chung quanh ghi lại rồi phát tán lên các trang mạng xã hội, không có những bài báo tạo nên sức mạnh dư luận chung, tất nhiên không kể và không tránh được cả những bài báo soi rọi đời tư của ông khi sự việc trở thành một tâm điểm thời sự quốc gia, sẽ khó tạo nên một áp lực đáng kể lên hãng United như nó đã phải đối diện. United cùng kỹ nghệ hàng không nói chung rồi sẽ phải thận trọng hơn, phải thay đổi cung cách phục vụ của mình đến mọi khách hàng trong tương lai. 

Còn với người dân trong nước, tôi vẫn hiểu điều gì, sự sợ hãi nào đã dẫn họ đến với những thái độ dường như hờ hững, vô tâm. Nhưng vẫn mong rằng sẽ có lúc, họ thôi còn thản nhiên nhìn năm ba học sinh đánh đập dã man một bạn học đồng lớp, hết còn chỉ đứng bên ngoài quay phim chụp hình trước cảnh một cô gái bị lột áo lột quần giữa đường và hết còn né tránh, sợ hãi trước cảnh người công an đang nắm tóc lôi xệch người phụ nữ bán hàng rong. Và để học được sức mạnh của sự hợp lực từ câu chuyện của những người dân làng Đồng Tâm vừa qua, khi họ buộc được những kẻ nắm quyền phải ngồi vào bàn thương lượng thay vì trấn áp bằng vũ lực. Và trên cả, người dân Việt sẽ thấu hiểu sức mạnh chung của cộng đồng, của cả dân tộc mà hết còn để những người yêu nước phải đơn độc trên con đường tranh đấu như hiện nay. 

23.04.2017

Vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức: Dân thả “con tin”, Chủ tịch Hà Nội cam kết không khởi tố hình sự


CTV Danlambao - Vụ khủng hoảng đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã tạm thời lắng xuống sau khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký vào bản cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người dân trong xã.

Đáp lại, vào lúc 14h30’ chiều ngày 22/4, người dân Đồng Tâm đã trả tự do 19 CSCĐ bị bắt giữ làm “con tin” sau vụ xô xát diễn ra hôm 15/4/2017, kết thúc 7 ngày đối đầu căng thẳng giữa những nông dân địa phương và nhà cầm quyền Hà Nội.

Tước đó, trong buổi sáng cùng ngày, một đoàn công tác hùng hậu do ông Nguyễn Đức Chung dẫn đầu đã có buổi làm việc với người dân tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm. Đoàn công tác bao gồm nhiều thành phần khác nhau như: Ban dân nguyện của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, quan chức huyện Mỹ Đức...

Trong bản cam kết viết tay với người dân, ông Nguyễn Đức Chung cam kết:“Trực tiếp tham gia đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao đoàn thanh tra làm đúng sự thật, khách quan và đúng pháp luật. Khu vực đất Đồng Sênh. đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiêp. không mập mờ, đúng quyền lợi cho dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật". 

"Không truy cứu trách nhiệm hình sự toàn thể nhân dân xã Đông Tâm. Cam kết chỉ đạo điều tra xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.”


Hàng nghìn người dân đã tập trung bên ngoài nhà văn hóa Thôn Hoành, Mỹ Đức để lắng nghe cam kết của ông Chung và chứng kiến cảnh 19 CSCĐ, công an được trả tự do. 

Trước đó, hôm 15/4, 38 người trong đoàn cướp đất đã bị người dân bắt giữ khi nhà cầm quyền thực hiện việc cướp đất và bắt giữ trái phép một số người dân địa phương. Trong số này có cụ Lê Đình Đình (82 tuổi) đã bị đánh gãy đùi. Cụ Kình một người có uy tín và sát cánh cùng người dân giữ đất trong nhiều năm qua.

Đến ngày 17/4, người dân trả tự do cho 15 người, còn 3 người khác tự giải thoát.

Ngày 20/4, một buổi đối thoại đã không thể diễn ra giữa người dân và ông Chung cùng đoàn công tác của UBND TP, Ban Dân nguyện Quốc hội khi 2 bên không thống nhất được về địa điểm. Khoảng cách 19,4km tại UBND xã theo yêu cầu người dân và tại UBND huyện Mỹ Đức theo yêu cầu của đoàn công tác đã ngăn cản buổi đối thoại.

Ngày 21/4, người dân bày tỏ thiện chí đối thoại khi tiếp tục thả ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Mỹ Đức theo nguyện vọng của ông Đức được về nhà chữa bệnh.

Dù sự kiện tại Đồng Tâm, Mỹ Đức đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng đây được dự báo sẽ là mồi lửa làm bùng phát các cuộc phản kháng trong tương lai liên quan đến việc cưỡng chiếm đất đai tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.