Thursday, September 24, 2020

Bài viết bị cấm phổ biến ở VN

 “…Bước đầu của việc "pháp trị hóa nhà nước" phải là "nhà nước hóa đảng". Tức là đảng phải phục tùng pháp luật nhà nước. Đảng phải có "tư cách pháp nhân" như những đoàn thể tư nhân khác. Đảng phải có trách nhiệm trước pháp luật về những chuyện mình làm...”

democracy_not_found

Bài này viết từ tháng 6 năm 2020 trên trang Facebook của cá nhân Trương Nhân Tuấn. Bài này bị cấm ở VN vì các lý do "phạm luật lệ" địa phương.

Một con số thống kê của TQ được báo SCMP vào tháng sáu 2020 cho biết, nhờ vào các nỗ lực đầu tư mà "quốc gia TQ" trở nên cực kỳ giàu. Nếu lấy của cải này chia đều cho 1 tỉ 400 triệu dân, thì người dân lục địa nào cũng trở thành "triệu phú". Con số kinh khủng đến mức khó tin. Nhưng nếu ta xét lại toàn bộ các công trình "xây dựng và phát triển đất nước" của TQ, từ 30 năm nay, như hạ tầng cơ sở ở các thành phố, hạ tầng cơ sở công kỹ nghệ, hải cảng, phi trường, “savoir faire” công kỹ nghệ (kỹ nghệ thông tin với 5G, kỹ nghệ máy tính nguyên lượng, kỹ nghệ dược phẩm…), hệ thống vệ tinh, kỹ thuật phi thuyền, sức mạnh quốc phòng, hệ thống đường cao tốc, đường xe lửa cao tốc v.v... ta không còn ngạc nhiên vì con số này nữa.

Nhưng nếu ta so sánh TQ với Mỹ hay các nước Châu Âu, dân lục địa xem ra vẫn còn "nghèo" hơn dân Mỹ hoặc Châu Âu rất nhiều. TQ không chỉ thua kém về đầu tư (của Etat - quốc gia) cho hạ tầng cơ sở "vật chất" mà còn cho sự "bien être - sự sung sướng, hạnh phúc" của mỗi thành tố trong xã hội.

TQ phát triển với chủ trương ưu tiên cho "nước mạnh". Người dân tất cả phải phục vụ cho mục tiêu này. Nước mạnh rồi dân giàu.

Các nước tự do dân chủ ưu tiên phát triển nhắm vào "người dân", cho sự "hạnh phúc" của từng người dân, từ vật chất cho đến tinh thần. Họ chủ trương dân giàu thì nước mạnh.
Còn VN. "Nhà nước" và dân VN, ai giàu ai nghèo?

Thống kê của WB hay Quĩ tiền tệ quốc tế đều cho thấy thu nhập bình quân của dân VN thuộc hạng "thấp". Mỗi người dân VN, ngay cả ở đứa bé mới sinh ra, đều phải gánh một khoảng “nợ công” trung bình 2 năm thu nhập.

"Quốc gia" VN là một quốc gia thuộc dạng "nghèo", hàng "kém phát triển". VN “rập khuôn” mô hình TQ nhưng thành quả vô cùng thấp kém. Các thành phố miền Nam mở mang theo lối "chấp vá", ngay cả ở các tỉnh “đầu tàu” về kinh tế hay cung cấp lương thực cho cả nước. Hệ thống điện, nước, cầu cống... để lại từ thời Pháp, Mỹ… đã “xuống cấp” trầm trọng. Đường cao tốc, cảng hàng không, xí nghiệp lớn nhỏ... đều thuộc tư nhân nước ngoài (hay hợp doanh với nước ngoài).
 
Các thành phố miền Bắc, Hà nội ưu tiên, dĩ nhiên, các tỉnh khác cũng tranh “cắn miếng lớn nhứt” trong ngân sách nhà nước. Miền Bắc “đi sau về trước”. Số cây số đường cao tốc được xây dựng ở miền Bắc cao gấp 5 lần miền Nam. Nhưng các tỉnh miền Bắc vẫn không khác ngày xưa.

Người ta đặt câu hỏi số thu đến từ dầu khí khai thác mấy chục năm nay đi về đâu? tiền bán lúa gạo đi đâu? tiền thu từ xuất khẩu lao động, từ đám việt kiều (khúc ruột ngàn dặm) đi đâu? Tất cả hầu như cung cấp từ miền Nam. Con số hàng trăm tỉ mỗi năm chớ không ít.

Đảng CSVN đặt mục tiêu nào lên trên : 1/ phục vụ cho lợi ích của đảng. 2/ phục vụ cho lợi ích của dân tộc, 3/ cho lợi ích của quốc gia 4/ hay phục vụ cho lợi ích vùng miền?

Theo tôi, hệ quả VN "dân nghèo nước mạt" (hay nước mạt dân nghèo) là do các chính sách phát triển của đảng CSVN, trong đó "khả năng", "tầm nhìn" và đầu óc địa phương của nhân sự đảng CSVN.

Đảng viên khả năng kém, cái nhìn chật hẹp dĩ nhiên họ "yêu đảng hơn yêu nước", họ đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích của nhân dân và đất nước. Hai nhiệm kỳ của ông Trọng ta thấy rõ ràng điều này.

Hệ quả là đảng cực kỳ giàu. Tài sản của VN hiện nay tập trung vào đảng. Vấn đề là đảng viên đa số tập trung ở các tỉnh miền Bắc.

Còn người dân? Lãnh đạo càng thiển cận, càng lú lẫn thì dân càng nghèo, nước càng mạt rệp. Nhứt là dân các tỉnh cũng như các thành phố ở miền Nam.

Mà nhờ vậy đảng mới mạnh. Trong một chế độ như vậy chỉ có thành phần công an và đảng viên là hưởng hết mọi thành quả phát triển của quốc gia và xã hội.

Hiện nay báo chí đăng tải tin về đại hội đảng, về việc "chuẩn bị nhân sự" lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới.

Trở lại con số dẫn trên, người dân TQ nào cũng là "triệu phú", đến từ cuộc họp "lưỡng viện" ở Bắc kinh. Lãnh đạo TQ người ta khoe như vậy.

Lãnh đao VN có cái gì để khoe với dân trong các kỳ họp đại hội?

Chủ trương của đảng đến nay vẫn cố gắng "đảng hóa nhà nước" (hay đảng hóa bộ máy quốc gia) và duy trì nguyên tắc “tổng bí thư phải là người Bắc kỳ biết lý luận”. Hai nhiệm kỳ của ông Trọng đã thành công phát nát bét chủ trương "nhà nước hóa đảng" của ông Ba X.

“Đảng hóa nhà nước” là chủ trương "nặc danh hóa" quyền lực quốc gia. Tức là người sử dụng quyền lực quốc gia không bị chi phối bởi pháp luật.

Ông Trọng đã đi ngược lại nguyên tắc "Etat de Droit" (VN dịch là “nhà nước pháp quyền”), tức quốc gia được xây dựng trên các hệ thống pháp luật. Ông Trọng đã thành công hạ bệ công lý xuống dưới gót chân của đảng.

Nghe nói ông Trọng còn muốn ngồi lại thêm một nhiệm kỳ. Ý kiến khác lại nói ông Vượng sẽ thay thế ông Trọng.
Có cái gì khác cho đất nước nếu ông Vượng lên thay ông Trọng?

Sẽ chẳng có gì mới. Ông Vượng chỉ là "cái bóng", là phiên bản "cóp py" ông Trọng. Tức ông Vượng chỉ là ông Trọng thứ hai mà thôi!

Theo tôi, ý kiến lặp đi lặp lại từ thời ông Đỗ Mười, ông Nông Đức Mạnh. Muốn VN thoát khỏi cảnh nghèo hèn thì phải "pháp trị hóa nhà nước". Sau đó là dân chủ hóa chế độ.

Bước đầu của việc "pháp trị hóa nhà nước" phải là "nhà nước hóa đảng". Tức là đảng phải phục tùng pháp luật nhà nước. Đảng phải có "tư cách pháp nhân" như những đoàn thể tư nhân khác. Đảng phải có trách nhiệm trước pháp luật về những chuyện mình làm...

Không áp dụng mô hình "quốc gia pháp trị" (Etat de Droit) thì nỗ lực của quốc dân, mồ hôi, nước mắt, trí tuệ... đều hoài công. Công trình xây dựng một đất nước tốt đẹp trở thành việc củng cố một tập đoàn mafia mà trong đó "quyền lực quốc gia" cũng trở thành một món hàng mua bán (như hiện nay).
Vấn đề là ai là "nhân vật" trong đảng có khả năng và uy tín để thay đổi chế độ?
Ông Vượng vô danh tiểu tốt nổi lên nhờ núp vào cái bóng của ông Trọng? Ông Phúc với tầm nhìn hạn hẹp và đầu óc ích kỷ địa phương? Bà Ngân với kiến thức pháp luật quê mùa? Ông Tô Lâm với hai bàn tay nhuộm máu?

Không đưa tầm mắt rời khỏi giàn đảng viên "cá đối bằng đầu" thì làm gì tìm ra người có được một khả năng và kiến thức để “kiến tạo đất nước” và "xoay vần thời cuộc"?

Trương Nhân Tuấn

Nguồn: nhantuantruong.blogspot.com/2020/09/bai-viet-bi-cam-pho-bien-o-vn.html

Đã thập tử nhất sinh chưa?

 “…Tuyên giáo đã kêu gọi toàn đảng hãy: ”Kết hợp chặt chẽ cuộc đấu tranh chống “chủ nghĩa chống cộng” và đấu tranh chống “chủ nghĩa cơ hội, xét lại”. Vì chúng thường cấu kết với nhau, dựa vào nhau để chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…”

down_with_communism02

Đảng Cộng sản Việt Nam đã có hàng chục Nghị quyết, Quyết định và Chỉ thị về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng nhưng vẫn không sao chấm dứt được tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Đảng cũng thừa nhận đã có không ít người, kể cả cấp lãnh đạo, đã công khai bài bác quyết định kiên định Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin, dù Thế giới Cộng sản do Nga lãnh đạo đã tan hàng ra đám từ năm 1991.

Ngoài ra, tình trạng đã có nhiều đảng viên bỏ sinh hoạt đảng, lười học Nghị quyết và hiện tượng Thanh niên không tha thiết vào đảng cũng đang làm cho lãnh đạo điên đầu với trận cuồng phong “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”, đe dọa sự sống còn của chế độ.

Thêm vào những khuyết tật nan giải này, bây giờ, trước Đại hội đảng XIII vào đầu tháng 01/2021, lại tăng nhanh bệnh “cơ hội chính trị” trong nội bộ đảng với mánh mung chạy chức chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy dự án để được “làm quan phát tài” cho cả họ, cả làng và cả Tổ chức được chia phần.

Bằng chứng được Ban Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của đảng dẫn chứng: ”Điều đáng chú ý là trong thời gian gần đây, khi toàn Đảng triển khai công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đã xuất hiện tình trạng như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảnh báo trong các Hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp  hành Trung ương Đảng là vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã không tập trung vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội ở cơ quan, địa phương mình, mà chỉ lo chạy chức, chạy quyền để có những vị trí cao ở nhiệm kỳ tới.”(Tạp chí Tuyên giáo, ngày 02/01/2020)Hiện tượng này được bài viết giải thích thêm: ”Thực tế, tệ cơ hội chính trị đang diễn ra ở nước ta hiện nay là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó cũng là biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cơ hội mà những kẻ cơ hội chính trị lại rất tinh vi và xảo quyệt, bằng trực quan chúng ta không thể xét đoán được bộ phận nào trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.”

Nhưng những căn bệnh nêu trên không mới mà đã liên tục được nêu lên, nhưng không giải quyết nổi, từ thời Khóa đảng VIII, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (26/12/1997 – 22/04/2001); qua 2 Khóa IX-X thời Nông Đức Mạnh kế vị (22/04/2001 – 19/01/2011; rồi chuyển sang 2 Khóa XI và XII do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu (từ 19/01/2011-bây giờ).

Như vậy, sau 5 khóa đảng, tổng cộng 25 năm, đảng CSVN đã loay hoay đủ chiều, đủ kiểu, phí phạm không biết bao nhiêu tiền bạc và thời giờ của dân mà vẫn không giải quyết được vấn nạn của công tác tổ chức cán bộ mà ông Trọng gọi là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước” (bài viết của ông Trọng ngày 31/08/2020).

Ngoài ra, sau 90 năm có mặt trên đất nước Việt Nam, chưa bao giờ đã có nhiều Trí thức bỏ đảng như thời nay. Một số không nhỏ đảng viên tại chức và nghỉ hưu đã tìm mọi lý do để tránh sinh hoạt đảng, rất lười học tập các Nghị quyết của đảng.

Bên cạnh sự sao lãng nhiệm vụ của đảng viên, nhiều cơ sở đảng đã gần như không còn tổ chức sinh hoạt thường xuyên vì ít người tham dự. Đảng viên không đọc báo đảng, đặc biệt là báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản.

Trong khi đó thì mặc dù đã tiêu phí không biết bao nhiều tiền bạc mồ hôi nước mắt của dân, nhưng Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tự nhận là “cánh tay đắc lực và đội hậu bị của Đảng”, không sao vận động được Sinh viên và Thanh niên gia nhập Đảng, nếu không vì để bảo đảm công ăn việc làm trong các cơ quan nhà nước.

Rõ như ban ngày

Thế nhưng, trong bài viết phổ biến ngay 31/08/2020, “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", ông Nguyễn Phú Trọng lại khoe: ”Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tạo dấu ấn nổi bật. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt, tích cực. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế.”

Vậy đâu là sự thật?

Hãy đọc trên Tạp chí Cộng sản (TCCS), Cơ quan Lý luận Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN: ”Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, trong hàng ngũ của chúng ta có một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bị lôi kéo, mua chuộc, thoái hóa, biến chất. Một số cán bộ, đảng viên sau khi bị tiêm nhiễm thông tin tiêu cực, độc hại đã tỏ ra hoài nghi về con đường cách mạng, có tư tưởng xét lại một số chủ trương của Đảng, như đảng viên làm kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tư nhân hay vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ... Họ hoài nghi và cho rằng, đây chính là biểu hiện, là minh chứng về sự dần “đổi màu” của Đảng, của chế độ. Nhiều cán bộ, đảng viên từ lung lay lập trường, lại bị tác động, tấn công dồn dập của kẻ thù trên không gian mạng nên dẫn tới tha hóa, biến chất, biến thành những phần tử cơ hội chính trị, thậm chí phản bội lại lợi ích dân tộc và nhân dân.”  (theo Tạp chí Cộng sản (TCCS), ngày 22/06/2020)

Về mặt được gọi là “bảo vệ tư tưởng đảng” có mục đích buộc đảng viên phải  tuyệt đối trung thành với Đảng và kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh xem ra đã bị lung lay đến tận gốc rễ cơ sở đảng. Điều này trái với lời tự bốc  của ông Trọng cho rằng: ”Với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước.”(Bài viết ngày 31/08/2020)

Trái với ông Trọng, bài viết trên TCCS lại nói khác: ”Có những cán bộ phai nhạt lý tưởng, không kiên định con đường cách mạng, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói và làm trái với quan điểm của Đảng, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, lợi dụng công nghệ và mạng xã hội để “chia sẻ”, “bình luận”, hùa theo các quan điểm sai trái, lệch lạc; không tận tâm, tận lực vì Tổ quốc, vì cách mạng, vì nhân dân, không làm tròn chức trách, bổn phận được giao; kết bè, kéo cánh, tham nhũng, hủ hóa, cơ hội, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân; gián tiếp tiếp tay cho các lực lượng thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.”

Hay:

“ Một bộ phận cán bộ, đảng viên dần đi vào lối sống “ảo”, làm việc thiếu chuyên tâm, ngại học tập lý luận chính trị, dẫn tới xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, từ bỏ con đường đã chọn. Nhiều cán bộ, đảng viên mất phương hướng, lầm lẫn giữa cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu, thực và “ảo”, bạn và thù. Thực tế cho thấy, sau khi bị tiêm nhiễm, có những cán bộ đi vào quá trình “tự diễn biến”, căn bệnh ngày càng trầm trọng thêm nếu tổ chức không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. “Diễn biến” đến “độ” nhất định sẽ dẫn tới sự “chuyển hóa”, trở thành “sâu mọt” trong tổ chức và hành vi tất yếu tiếp theo là tiếp tay cho kẻ địch lên mạng nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền các quan điểm sai trái, phản động, thù địch.”
(TCCS, ngày 22/06/2020)

Thoái hóa - biến chất dài dài
Tuy nhiên, tình trạng hoang mang, dao động, mất định hướng của cán bộ, đảng viên bây giờ cũng không mới mà là chuyện đã xẩy ra từ khuya rồi

Trước hết, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) năm 1999 của Khóa đảng VIII thời Lê Khả Phiêu đã xác nhận rằng: “Tuy nhiên, trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm, bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước chậm được củng cố và đổi mới. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH  (công nghiệp hóa-hiện đại hóa) đất nước, Đảng phải có biện pháp phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.”
(Trích : Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 02/02/1999 Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) BCHTW Đảng (khoá VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.)

Đặc biệt tại Hội nghị này, đảng CSVN đã quyết định “Thực hiện kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước”, nhưng không đi đến đâu. Sau khi nghỉ hưu, chính ông Phiêu (27/12/1931 – 07/08/2020) đã than phiền nhiều tài sản của kẻ tham nhũng đã do người khác đứng tên nên không sao giải quyết được.

Qua năm 2002, Đảng khóa IX thời Nông Đức Mạnh viết tiếp: ”Tuy nhiên, sự suy thoái về nhận thức, tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn. Hiện tượng phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa sút phẩm chất đạo đức, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng có chiều hướng phát triển. Tính chiến đấu của nhiều tổ chức đảng và đảng viên sút kém. Tình trạng không coi trọng nguyên tắc đổi mới, dập khuôn mô hình nước ngoài, chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần... diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Tệ mê tín có chiều hướng tăng lên.

(Trích Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX)

Đáng chú ý là chỉ 4 tháng sau, Khóa đảng IX lại than phiền: ”Tình trạng cán bộ thoái hoá, biến chất chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Trong đội ngũ cán bộ vẫn tồn tại tình trạng trì trệ, thiếu trách nhiệm và tính chiến đấu chưa cao. Quản lý và đánh giá cán bộ là khâu yếu nhất nhưng chậm khắc phục; quan điểm, phương pháp, tiêu chí đánh giá cán bộ chưa rõ ràng, nhất quán, chưa căn cứ trước hết vào kết quả thực hiện nhiệm vụ. Chưa làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; việc bố trí cán bộ còn chắp vá, bị động, chính sách cán bộ còn nhiều bất hợp lý.
(Kết luận số 15-KL/TW ngày 26/7/2002, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX)

Bước sang Khóa đảng X, cũng thời ông Mạnh, đảng lại than tiếp: ”Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thiếu tự giác rèn luyện, phấn đấu, thiếu tinh thần đồng chí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ diễn ra nghiêm trọng, kéo dài nhưng chậm có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và kịp thời xử lý, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.” 

(Kết luận số 37-KL/TW, ngày 2/2/2009, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020.

Bây giờ, 11 năm sau, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn,

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam lại báo động  trên Tạp chí Cộng sản ngày 02-07-2020:

Diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được Đảng ta xác định là một nguy cơ của cách mạng Việt Nam. Do vậy, đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là công cuộc “giữ nước” trong thời bình của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một nhiệm vụ cấp bách, diễn ra quyết liệt trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa.”

Ông nói: ”Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trên lĩnh vực văn hóa. công tác xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam còn có hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, những tác động của cơ chế thị trường đã làm thay đổi các giá trị xã hội, định hướng chuẩn mực đạo đức trong mỗi con người…. Tình trạng lai căng sùng ngoại, coi thường giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các tệ nạn xã hội và sự xâm nhập các sản phẩm, dịch vụ độc hại, chủ nghĩa cá nhân vị kỉ, đang làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhất là giới trẻ hiện nay….Việc ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn chưa thực sự hiệu quả, kịp thời.”

Bài Mác-Lênin – chống cộng     

Ngoài những thay đổi tư duy mãnh liêt về đảng và tìm cách thoát đảng của một số không nhỏ đảng viên như đã dẫn chứng, đảng CSVN còn đối diện với thái độ bài bác Chủ nghĩa Mác-Lênin đang lên cao trong nội bộ, trước thềm Đại hội đảng XIII.

Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phải răn đe: ”Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.”  (Bài viết ngày 31/08/2020)
Phụ họa với ông Trọng đã có Giáo sư, Tiến sỹ (GS-TS) Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ông Nghĩa báo động ngày 07-09-2020: ”Trong bối cảnh các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tung ra rất nhiều quan điểm, luận điệu, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hòng gây nhiễu loạn về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mưu đồ “giải trừ ý thức hệ”, làm cho Đảng tan rã về ý thức hệ, từ đó tan rã về tổ chức, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ ta, thì việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện mới là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay.” (theo TCCS)

Nhưng bên cạnh chuyện đảng viên sổ toẹt vào Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin, đảng CSVN còn phải đương đầu với “chủ nghĩa chống cộng”, ngay trong thời kỳ đảng tiến hành tổ chức Đại hội XIII.

Đây là lần đầu tiên, Ban Tuyên giáo đã đưa ra lời cảnh giác này trước một Đại hội đảng toàn quốc.

Báo Tuyên giáo viết: ”Hiện nay, toàn Đảng đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thời điểm này, các thế lực phản động, thù địch lại ra sức “rêu rao” và cổ xúy cho nhiều thứ “chủ nghĩa”, trong đó, nguy hiểm hơn là “chủ nghĩa chống cộng”. (TG, ngày 15/9/2020)
Mặc dù không nêu ra đích danh cá nhân hay tổ chức nào, nhưng bài báo tiết lộ rằng: ”Chủ nghĩa chống cộng” lợi dụng sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở các nước Đông Âu và Liên Xô, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tạm thời lâm vào thoái trào; lợi dụng những yếu kém, khó khăn và thách thức trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam… để ra sức xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận những thành tựu to lớn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; cổ xúy cho chủ nghĩa tư bản...”

Thêm vào đó, Tạp chí Tuyên giáo nêu ra các mũi tấn công Việt Nam của “Chủ nghĩa chống cộng” bao gồm:

-“Lợi dụng vấn đề dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền để chống phá Việt Nam nhằm áp đặt dân chủ, nhân quyền, tự do kiểu phương Tây, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của nước ta và thúc đẩy cái gọi là “cách mạng màu sắc” nhằm lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế.”

-“Sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá Việt Nam một cách toàn diện nhằm thực hiện âm mưu “không đánh mà thắng”. Chiến lược “diễn biến hòa bình” chống CNXH, chống độc lập dân tộc của chủ nghĩa đế quốc đối với Việt Nam, với 3 nội dung cơ bản là dân chủ hóa chính trị, tự do hóa kinh tế, và áp đặt văn hóa, lối sống tư sản. Thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình” là đánh mềm, đánh ngầm, đánh sâu, đánh hiểm để thực hiện âm mưu phá hoại toàn diện, “chiến thắng không cần chiến tranh”, “nhuộm đen các thế hệ thanh niên”... ở Việt Nam. Về phương thức tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình” là kết hợp chống phá công khai với bí mật, hợp pháp với bất hợp pháp; triệt để lợi dụng những hạn chế, khiếm khuyết trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong, làm cho Việt Nam tự suy yếu, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

-“Đặc biệt “đặt trọng tâm” vào chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, tìm mọi cách thúc đẩy chuyển hóa đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và thực hiện “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang; khi thấy có điều kiện, thời cơ sẽ kết hợp “diễn biến hòa bình” với bạo loạn lật đổ để nhanh chóng lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam.”

Sau khi vạch ra các mũi tấn công của điều gọi là “chủ nghĩa chống cộng”, bái báo đã hé lộ lực lượng này được phối hợp nhịp nhàng giữa ba nhóm: lực lượng Quốc tế, người Việt ở nước ngoài và các cá nhân và tổ chức người Việt trong nước.

Tuy nhiên, báo Tuyên Giáo đã không đưa ra bất cứ bằng chứng nào để hậu thuẫn cho nội dung, mặc dù bài viết đã vẽ ra nhiều đường giây chiến thuật cho ra vẻ nghiệm trọng, như:

Các thế lực phản động quốc tế và các tổ chức, cá nhân phản động người Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên chống phá một cách mạnh mẽ, quyết liệt với sự phối kết hợp của nhiều lực lượng thù địch cả trong và ngoài nước. “Hậu thuẫn” cho chúng là những đối tượng cơ hội và chống đối chính trị trong nước bao gồm các phần tử, tổ chức phản động; những đối tượng tiêu cực, bất mãn bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo, mua chuộc... Các thế lực thù địch từ bên ngoài tìm mọi cách móc nối để “gây dựng”, hình thành các hội đoàn chống cộng, tổ chức phản động trong và ngoài nước.”

Về nhân sự, Tuyên giáo quy kết: ”Những “nhân vật” được chúng đặc biệt chú trọng là các đối tượng đã bị xử lý trong các vụ án hình sự trước đây, nay tiếp tục hoạt động chống đối trở lại (như số đối tượng trong các vụ án chống Đảng, Nhà nước XHCN, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân); một số đối tượng là đảng viên trong bộ máy Nhà nước có quá trình tham gia cách mạng, có người từng giữ cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp đã “trở cờ” khi có nhận thức, quan điểm chính trị đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, phản bội lại mục tiêu, lý tưởng cộng sản, phản bội Tổ quốc. Một bộ phận là trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ trẻ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống..., một số chức sắc, người đứng đầu núp bóng dưới những hình thức tôn giáo khác nhau, lợi dụng tôn giáo để kích động, lôi kéo quần chúng nhân dân, nhất là quần chúng có đạo...”

Bài báo kết luận:”Có thể tổng quát phương châm, âm mưu, thủ đoạn chống phá của “chủ nghĩa chống cộng” trong bối cảnh hiện nay là: lấy chống phá về chính trị, tư tưởng làm khâu đột phá; lấy mua chuộc kinh tế làm mũi nhọn; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo làm ngòi nổ; dùng ngoại giao để hỗ trợ, hậu thuẫn; cuối cùng là dùng hoạt động quân sự để can thiệp vũ trang lật đổ chế độ XHCN ở nước ta.”

Do đó, Tuyên giáo đã kêu gọi toàn đảng hãy: ”Kết hợp chặt chẽ cuộc đấu tranh chống “chủ nghĩa chống cộng” và đấu tranh chống “chủ nghĩa cơ hội, xét lại”. Vì chúng thường cấu kết với nhau, dựa vào nhau để chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, CNXH hiện thực và phong trào cách mạng thế giới cũng như ở Việt Nam. Nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế, phối hợp chặt chẽ trong cuộc đấu tranh vì lợi ích chung. Tích cực chủ động tiến công trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Như thế thì đảng CSVN đã thập tử nhất sinh chưa?

(09/2020)
Phạm Trần

Cứ đeo mạng cho an toàn!

 …So với Tháng Tư vừa qua thì hiện nay những người bệnh được chữa khỏi đã tăng lên nhiều, cao hơn trước từ 30% đến 50%. Cho nên, tôi hy vọng chỉ lo đeo mạng nghiêm chỉnh từ nay đến mùa Hè năm 2021 nữa thôi!...”

mask_anticovid

Tôi phải tập sống với Cô Vi. Từ nay cho đến ít nhất mùa Hè sang năm. Chưa biết bao giờ nước Mỹ có thuốc chủng ngừa vi khuẩn SARS-CoV-2. Bác sĩ Robert Redfield, giám đốc CDC, Cơ quan Phòng chống Bệnh Dịch, đã nói với các đại biểu quốc hội Mỹ rằng đến cuối năm nay sẽ có vaccine. Lúc đó thì chắc tôi, vì tuổi già, có thể được ưu tiên chích ngừa. Nhưng tôi sẽ nhường thứ vaccine quý hóa này cho người khác cần hơn mình; vì hiện nay tôi chưa mắc những bệnh như áp huyết hay tiểu đường.

Phải đến mùa Hè sang năm mới hy vọng tất cả mọi người sẽ được chủng ngừa. Trong khi chờ đợi, tôi chấp nhận sẽ sống với Covid-19, gọi tắt là Cô Vi cho dễ nghe.

Vả lại, ông Bác sĩ Robert Redfield cũng nói rằng thực ra nếu mình chịu kiêng cữ, đeo mạng che mũi và không tới chỗ tụ tập đông người trong nhà kín gió thì mình có thể tránh Cô Vi dễ dàng, hiệu nghiệm hơn cả vaccine nữa!

Tôi tin lời khuyên của ông bác sĩ. Trước hết, vì khi đeo mạng thì mình biết nó bịt miệng và mũi lại, cản đường không cho Cô Vi bay sang người khác, hoặc từ người khác chui vào trong phổi mình. Mỗi khi ra đường bôi tí dầu gió vào mũi! Về nhà rửa tay kỹ càng. Trong khi không có gì bảo đảm vaccine sẽ hiệu nghiệm. Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), theo đúng luật, có thể chấp thuận một thứ vaccine dù khi thử nghiệm nó chỉ công hiệu đối với một nửa số người được thử mà thôi. Biết đâu, mình thuộc vào cái nửa không may mắn trong nhân loại!

Thứ hai, có hàng chục vaccine đang được thử, chưa biết thứ nào công hiệu hơn thứ nào, và nhất là không biết chúng công hiệu trong bao lâu. Hồi xưa ở Việt Nam tôi vẫn phải chích ngừa bệnh đậu mùa mỗi năm một lần, vì nó chỉ kích thích sanh ra kháng thể công hiệu một năm thôi. Trên nguyên tắc, một người đã bị Cô Vi tấn công rồi được chữa khỏi thì trong người phải có sẵn kháng thể; vậy mà đã có nhiều người bị mắc bệnh tới hai lần, trong vòng mấy tháng. Chích ngừa có thể công hiệu tới một năm, hay chỉ mấy tháng thôi? Tốt nhất, cứ đeo mạng cho an toàn!

Cũng không thể chờ tới lúc nước Mỹ sẽ đạt tới tình trạng miễn nhiễm tập thể (herd immunity). Khi nào có nhiều người đã được Cô Vi thăm viếng và họ trở thành miễn nhiễm thì cô virus này sẽ không hoành hành được nữa, đó là miễn nhiễm tập thể. Nhưng bao nhiêu người mắc bệnh thì đủ? Thường thì phải 60 phần trăm, tức là 200 triệu người Mỹ mắc bịnh rồi thì cả nước có herd immunity. Hiện nay mới có 6 triệu bị bịnh mà đã 200 ngàn người chết rồi. Chờ tới khi 200 triệu thì lâu quá! Tất cả các nước trên thế giới chưa nơi nào đạt tới tình trạng miễn nhiễm tập thể.

Thụy Điển đã theo chính sách chấp nhận cho bệnh truyền lan cho đến khi có miễn nhiễm tập thể. Hậu quả là số người chết lên quá cao, đáng lẽ không cần phải chết nhiều đến thế nếu áp dụng các biện pháp cách ly và đóng cửa ngay từ đầu. Thôi, cứ đeo mạng cho an toàn!

Tôi sẽ cẩn thận đeo mạng kỹ hơn trong năm, ba tháng tới. Vì khi trời trở lạnh thì người ta sẽ ở trong nhà nhiều hơn, đóng kín cửa hơn, loài virus sẽ tung hoành dễ hơn!

Tháng Mười là một tháng đáng nhớ trong Trận Đại dịch Cúm năm 1918. Mùa Hè năm đó, người ta đã tưởng bịnh dịch ngưng rồi. Nhưng đến Tháng Mười nó trở lại đợt thứ hai, khắp thế giới, 200,000 người Mỹ thiệt mạng trong vòng một tháng.

Ở Âu châu, Covid 19 Đợt Hai có vẻ đã bắt đầu. Trong tuần trước, các nước từ Đan Mạch cho tới Hy Lạp đã bắt dân chúng hạn chế sinh hoạt sau khi Cô Vi bùng phát tại các thành phố. Nước Anh đang có 6,000 ca bệnh thêm mỗi ngày, nước Pháp hơn 10,000 ca, cao hơn cả trong Cô Vi đợt đầu.

Bác sĩ Michael T. Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm (Center for Infectious Disease Research) tại Đại học University of Minnesota, ví bệnh dịch Cô Vi này giống như đám cháy rừng. Mình dập tắt lửa mọi chỗ rồi, nhưng chưa chắc đã dập hết. Khi nào vẫn còn một đám than hồng âm ỉ và còn cây, còn gỗ, thì rừng còn có thể bùng cháy lại. Trong trường hợp bệnh dịch thì con người là cây và gỗ!

Những đốm than hồng là loài virus đang ẩn náu trong nhiều người nhưng không ai biết. Ở những khu bị Cô Vi đánh nặng nhất, như vùng Queens, New York, các cuộc thử nghiệm cho thấy số người bị bệnh thật ra cao hơn con số được ghi nhận rất nhiều. Trong toàn thể nước Mỹ có tới 10 phần trăm hay 12 % đã bị nhiễm SARS-CoV-2, rất nhiều trường hợp không ai biết. Đó là những đốm than nóng bỏng và mọi người chung quanh là đống gỗ có thể bị bén.

Chỉ có thể tìm ra để dập tắt những đốm than lửa đó nếu việc thử nghiệm, testing, được áp dụng rộng rãi. Lúc đó mới biết ai đang mang vi khuẩn trong người mà không có triệu chứng. Và sau đó phải có một chương trình theo dõi để tìm coi những ai đã tiếp xúc với mấy người này (tracing).

Hiện nay ở nước Mỹ cả hai việc testing và tracing còn chưa được phát triển toàn diện, trừ hai tiểu bang New York và Massachusetts. Bản hướng dẫn (guidance) của CDC, được Bộ Y tế (Department of Health and Human Services) sửa đổi, còn nói không cần thử nghiệm những người không có triệu chứng bịnh. Đó là chấp nhận cho các đốm than hồng tiếp tục âm ỷ cháy.

Thôi thì mình chấp nhận, cứ đeo mạng cho an toàn, cho đến khi nào cả nước được chích vaccine đều đều, sáu tháng nếu cần thì chích ngừa lại! Hoặc cho đến khi cả nước được miễn nhiễm tập thể!

Nhưng đang có nhiều tin tức đáng mừng. Thứ nhất, mọi người đã khôn ngoan hơn, những người mới bị bệnh, hoặc sắp bịnh sẽ là những người trẻ tuổi, dễ vượt qua. Hoặc họ cuồng cẳng không thể cấm cung mãi, nên tụ họp nhiều hơn, hoặc đó là những sinh viên trở lại trường. Các đại học đã theo chính sách khôn ngoan, không cho các sinh viên bị bệnh trở về nhà, vì trở về nhà tức là đem vi khuẩn truyền đi xa hơn. Nhiều đại học đã nói sẽ bãi bỏ những ngày nghỉ đầu Xuân (Spring breaks) để sinh viên không về thăm gia đình như mọi năm nữa.

Thứ hai, phong trào chống đeo mạng đang xuống dần, hầu hết mọi người chấp nhận nên đeo mạng. Các trường đại học đều bắt sinh viên phải đeo mạng!

Những tiến bộ trong phương pháp điều trị và việc tìm thuốc trị bệnh là tin đáng mừng nhất. So với Tháng Tư vừa qua thì hiện nay những người bệnh được chữa khỏi đã tăng lên nhiều, cao hơn trước từ 30% đến 50%. Cho nên, tôi hy vọng chỉ lo đeo mạng nghiêm chỉnh từ nay đến mùa Hè năm 2021 nữa thôi!

Trong khi chờ đợi, xin kiếu từ không tham dự các cuộc họp mặt Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh và Tết! Mong bạn bè và bà con thông cảm!

Ngô Nhân Dụng

Nguồn: voatiengviet.com/a/deo-khau-trang-cho-an-toan/5591454.html

Người sống trắng tay – kẻ sống đầy tay

 “…Sống tham tàn, không bao giờ biết đủ và chẳng bao giờ quan tâm đến ai; họ sẽ quằn quại vì khó chấp nhận cuộc ra đi khi lòng còn chứa đầy đam mê vật chất và không muốn xa rời nó…

tuong_nguyentatthanh
Tượng đài Nguyễn Tất Thành và thân phụ Nguyễn Sinh Sắc
tại tỉnh Bình Định, 18/5/2017. (Ảnh chụp từ Báo Bình Định)

Mới đọc bài trên báo Observer tường thuật về tỷ phú Charles “Chuck” Feeney, người đã cho đi tất cả những gì mình có để chia sẻ không chỉ tiền của bản thân nỗ lực kiếm được, mà chia sẻ cả tình yêu thương đồng loại (1). Vâng, có thể nói cuộc đời Charles “Chuck” Feeney là hiện thân của tâm Bồ Tát từ - bi – hỷ - xả; và một tinh thần từ bỏ của Phanxicô Assisi; “Chuck” Feeney sống giữa thời hiện đại vốn luôn đề cao giá trị vật chất nhưng lại gìn giữ được tâm hồn cao thượng, không dính bén của cải phù vân. Ông tâm niệm đến cuộc đời này tay trắng và sẽ ra đi trắng tay!

Tuy nhiên, suy ngẫm về tinh thần sẻ chia bao dung đến mức anh hùng của “Chuck” Feeney, tôi không khỏi ngậm ngùi liên tưởng đến bài thơ “đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô Trần Thị Lam (2). Và qua đó suy ngẫm thêm những cái “ngộ” ở Việt Nam (VN) luôn trái ngược với ước muốn sẻ chia của “Chuck” Feeney.

Riêng từ năm 1997 – 2013, “Chuck” Feeney đã quyên tặng VN số tiền hơn 381 triệu đô la cho các dự án tái lập những thư viện, xây dựng trường đại học, xây mới bệnh viện, hiện đại hóa hệ thống y tế v.v… Ông tỷ phú lòng thương này đã cố giúp những trẻ em, người bệnh, các thế hệ trẻ tương lai VN mà ông không hề quen biết. Ông cũng không quảng cáo rầm rộ về công việc ông đang làm. Ông chỉ đơn giản là cho đi mà không mong nhận lãnh và cố gắng chia sẻ tình yêu thương tương trợ giữa người với người, nhất là những người yếu thế. Muốn thực hiện được điều đó, hẳn “Chuck” Feeney phải là con người đạo đức, thiện lương và sống có chiều sâu nội tâm vững chãi.

Điều đáng nói, đang khi một người xa lạ nhìn thấu cảnh khổ của nhân dân VN; ông xúc động sâu xa và đưa đến hành động quảng đại với con dân đất Việt. Thì chính người VN, đúng hơn là chính quyền VN, đã hành động ngược lại. Nhà cầm quyền VN từ trước đến nay vẫn thản nhiên bù lỗ, nuôi dưỡng các công ty quốc doanh thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng; đcsVN vẫn thản nhiên ký duyệt cho xây dựng các tượng đài hàng nghìn tỷ đồng (3), vốn chẳng nuôi sống được ai, không cải thiện được hệ thống y tế, giáo dục gì cho dân nghèo. Hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền thuế người dân “được” chính quyền coi nhẹ tợ lông hồng, cứ thế mà lãng phí: đền Chung Sơn cả 100 mẫu đất, xây 8 năm mới xong này, đến tượng đài nghìn tỷ kia, rồi cổng chào trăm tỷ nọ. Ủa, sao biết đất nước còn nghèo, mọi mặt đời sống nhân dân cần cải thiện, cần tiền giúp xây dựng đời sống xã hội dễ thở hơn… vậy mà mấy ông nhà nước và chính quyền địa phương cứ sốt sắng chi hàng ngàn tỷ đồng chỉ để dựng lên mấy cục đá, mấy tảng bê tông vô nghĩa chẳng giúp ích gì cho nước nhà, tương lai còn bị giật đổ như ở Liên Xô hoặc Iraq để làm gì (4)?

Trước hết, xét theo những gì đang diễn ra, ta thấy rõ người dân không phải là người làm chủ thực sự của đất nước. Rõ ràng là VN không có dân chủ; đảng cộng sản VN (đcsVN) muốn làm gì thì làm, muốn chi bao nhiêu tiền thuế của người dân là chi. Không hề có cân nhắc, minh bạch hoặc nhớ gì đến thảm trạng lam lũ của người dân khi sử dụng tiền thuế nhân dân đóng góp. Không hề có chuyện dân bàn – dân kiểm tra gì cả. Dân chỉ có nhiệm vụ duy nhất là làm ra tiền nộp cho đảng; làm theo ý của đảng, còng lưng kiếm tiền làm con nợ trả những gì đảng cộng sản vay mượn các chính phủ, tổ chức nước ngoài và làm phu gánh gồng trên đầu trên cổ các tượng đài, đền thờ Hồ Chí Minh. Đảng và nhà nước có mất gì đâu? Tất cả đều từ dân mà ra, là cho dân gánh, do dân gồng và nhờ dân vác cả mà!

Thứ đến, VN không có nhân quyền. Tại sao nói như thế? Xin thưa chẳng hạn đơn giản trẻ em sinh ra và lớn lên, các em có quyền được đối xử bình đẳng. Vậy chúng ta xét xem ở VN trẻ em được bình đẳng hay không (5)? ĐcsVN chủ trương xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ tư sản, mọi người đều bình đẳng như nhau… Thực tế các bịnh viện thủ đô, thành phố có đủ điều kiện cho con quan chức, con nhà giàu có tiền được ở phòng cao cấp, phòng yêu cầu, uống thuốc đặc trị đắt tiền; đang khi con nhà nghèo vùng sâu vùng xa chẳng có bịnh viện để vào, hoặc vào viện nằm lay lắt ở các trạm xá, bịnh viện tuyến huyện, quận thiếu thốn trang thiết bị y tế… và chỉ biết trông chờ vào nguồn trợ giúp của các nhà hảo tâm nước ngoài như “Chuck” Feeney. Ở VN, người có tiền, quan chức và dân nghèo vào viện không hề có sự bình đẳng, các quyền con người chỉ là lời đãi bôi. Thậm chí sức khỏe lãnh đạo còn là một bí mật nhà nước, dân đen không có quyền biết đến (6).

ĐcsVN không hề xem dân là nền tảng, là gốc rễ gì cả. Người dân không được nhà cầm quyền xem trọng, dân chỉ được xem là con tin, khi cần đảng mang ra làm tiền phương che chắn cho đảng. Chẳng hạn xây tượng đài nghìn tỷ, đcsVN cứ tuyên bố đó là ý kiến được dân đồng thuận cao, là lòng dân ý đảng… Và người dân không thể mở miệng phản bác vì mọi công cụ tuyên truyền đều nằm trong tay đảng. Tại sao đảng không xây tượng đài trong lòng dân, lại cứ đi xây những tượng đài vô hồn, trơ trẽn mọc giữa những đất đai lẽ ra để dân canh tác gia tăng nguồn thu nhập cho đời bớt khổ?

Cạnh việc xây tượng đài, đcsVN rất chú trọng việc xây chùa lớn (7). Phải chăng đcsVN lo lắng cho đời sống tâm linh của người dân chăng? Thưa không. Xây chùa lớn trăm mẫu tại VN không hề vì mục tiêu thiêng liêng nhưng là vì tiền. Nó chả là tấm lòng đạo đức, hướng thiện nhưng vì thiện nam tín nữ đến các chùa lớn tham quan khá đông; ngoài tiền thu các dịch vụ ăn ở, họ còn hào phóng làm công quả, bỏ tiền vào các hòm công đức; kiểu buôn thần bán thánh này thu về nguồn lợi không sao kể xiết. Và còn có hai điểm nhỏ cần lưu ý: Một là đcsVN muốn nắm luôn phần đạo và đời, cả xác và hồn của nhân dân qua các chùa lớn có những sư quốc doanh thỉnh vong giải oán, cúng sao giải hạn, hướng dẫn tâm linh cho nhân dân theo ý đảng. Hai là đcsVN muốn biến Hồ Chí Minh thành một dạng thức tín ngưỡng tân thời cho nhân dân sì sụp cúng vái (8). Từ ngàn xưa, các triều đại VN đều có những sắc phong cho những ai nhân dân tôn thờ làm thần hoàng bảo trợ cho một làng nào đó. Việc triều đình sắc phong hàm nghĩa vua quyền phép hơn thần, có quyền phong thần cho ai vua muốn; nay đcsVN cũng muốn lấy lại cái nghĩa hoang sơ này chăng? Tuy cũ kỹ nhưng vẫn có hiệu quả thiết thực cho sự tồn tài một chế độ cộng sản độc tài vô thần.

Những ai lương thiện luôn ước mong sống cuộc đời bình an, không quá thừa mứa về vật chất nhưng cần đầy đủ về tinh thần và tâm linh. Từ đấy phát sinh tâm nguyện xây chùa hướng Phật, tạo phúc cho con người. Thế nhưng đcsVN đã bỏ qua tất cả; xây chùa chỉ để thúc đẩy du lịch và tận thu tiền công đức; họ quên rằng việc xây dựng chùa chiền nó liên quan đến cộng đồng người tin, đạo đức và cái tâm thiện giúp liên thông các nguồn thần lực cõi trên. Xây chùa lớn đang khi đất nước còn nghèo để làm gì? Dĩ nhiên là nó có nhiều cái lợi: vừa quảng cáo cho tự do tôn giáo của chế độ vừa có nguồn thu khủng từ du lịch tâm linh. Nhưng chúng là những cái xác vô hồn. Tìm Phật ở đâu khi trong chính tâm hồn đảng viên vô thần không có Phật tính? Xây dựng chùa lớn làm gì khi lời Phật dạy bị thay bằng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh? Xây chùa to làm gì khi thay thế tượng Đức Thế Tôn bằng hình Hồ Chí Minh? Và còn biết bao biến tướng không hề có trong kinh Phật dạy…

Thế là lời thơ cô Trần Thị Lam lại vang lên đầy ý nghĩa:

Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…

Vâng, sinh mệnh người dân nhẹ tựa móng tay như cái chết của cụ Lê Đình Kình, 84 năm tuổi đời, 56 năm tuổi đảng, bị công an thảm sát ngay trên giường ngủ trong nhà cụ (9). Nay mai tiếp tục là hai án tử hình của anh Lê Đình Công và Lê Đình Chức, con cụ Kình. Xây chùa – dựng đền nhưng tâm ma chướng nó cứ lồ lộ ra bên ngoài như thế đó. Rồi còn biết bao cái chết oan ức của anh Nguyễn Hữu Tấn (10), Một con số cho thấy chỉ trong 3 năm (2011 – 2014), cả nước có 226 trường hợp chết trong các trại tạm giam, tạm giữ của đcsVN (11). Quả là sinh mạng người dân đối với đcsVN rẻ như cái móng tay. Rồi Lê Anh Hùng, một nhà báo tự do bị bắt giam giữ không lý do, đến nay anh bị công an vu cho căn bệnh tâm thần rồi đưa anh vào viện tâm thần mà không cho gia đình tiếp xúc hay chăm sóc (12). ĐcsVN cho thấy nghịch lý cuộc đời, khi họ xây chùa càng to thì tâm thiện của họ càng nhỏ. Xây tượng đài nghìn tỷ càng lớn càng cho thấy lương tri cộng sản không đáng một xu trước mắt người dân. Xây đền gia tiên Hồ Chí Minh càng lộng lẫy, nguy nga càng cho thấy sự tha hóa đạo đức về cần – kiệm – liêm – chính mà ông Hồ sinh thời từng đề cao.

Trên đây là họa ảnh của một đcsVN chỉ muốn đầy tay mọi thứ vật chất đời này, kể cả nhân dân cũng để cho người ngoài lo lắng chứ trong thâm tâm, đảng chỉ lo kiếm tiền qua việc xây tượng đài, xây chùa, xây đền mà từng có một thời đảng ra lệnh phá hủy tất cả. Đảng cướp sẽ sinh ra kẻ cướp, đảng giết người sản sinh những tên đồ tể, đảng say mê vật chất sẽ sản sinh ra những kẻ tham nhũng mà thôi. Cộng sản thuyết quan niệm vật chất có trước thế nên quan chức, đảng viên cộng sản xem trọng vật chất là điều rất hiển nhiên.

Hành động cho đi cách vô vị lợi của James Bond “Chuck” Feeney càng làm lộ rõ bản chất thu vén của các đảng viên đcsVN hiện nay. Chúng ta cứ nhớ lại các vụ án tham nhũng với biết bao tiền của nhân dân bị bọn đam mê vật chất cướp trắng trợn, mà không hề quan tâm dân sẽ sống ra sao. Lẽ ra hàng ngàn ngàn tỷ đồng tham ô đó sẽ được đầu tư vào con người, gia tăng phẩm giá, nhân quyền người dân; củng cố các hệ thống y tế, xã hội, nâng cao đời sống kinh tế giúp dân bớt khổ; giờ lại trở thành tài sản cá nhân ở các tài khoản nước ngoài; rồi giới quan chức ấy tha hồ ăn chơi phè phỡn nhà cao cửa rộng, biệt phủ - xe sang, mua dâm hoa hậu, người mẫu với giá 30 – 50 ngàn đô (13). Tiền không phải do mồ hôi nước mắt tạo ra nên các quan tham tha hồ tiêu xài hoang phí vô độ. Cạnh đó, loạt quan chức này còn sợ chết khi chưa kịp hưởng thụ hết nguồn lợi bòn rút từ nhân dân. Cho nên, hiện nay Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore là những điểm đến lý tưởng cho các quan chức VN muốn sử dụng công nghệ tế bào gốc giúp chữa lành các nội tạng yếu, bị tổn thương hoặc tái tạo trẻ hóa cơ thể…

Đang khi đó, những người ở xứ tư bản giẫy chết, như “Chuck” Feeney lại chắt chiu từng đồng xu trợ giúp cho trẻ em vùng cao, bệnh nhân nghèo và giới trẻ tại VN. “Chuck” Feeney giàu có dựa vào trí tuệ, mồ hôi và nước mắt nhưng ông cũng giàu tâm hồn cao thượng mà không đảng viên đảng cộng sản nào có thể tưởng tượng nổi. “Chuck” Feeney giàu nhưng không hề quan tâm đến bản thân, không hề thu vén cho gia đình, không di chúc để lại cho người thân cái gì ngoài bài học tương thân tương ái.

Riêng trong nội bộ đcsVN, châm ngôn “hy sinh đời bố củng cố đời con”, “con ông cháu cha”, “thái tử đỏ”... đủ nói lên cái tâm và cái tầm của những kẻ tự xem mình là “phụ mẫu chi dân”. Quan chức đcsVN sẵn sàng bỏ quên hàng chục ngàn ki lô mét đường biên giới phía bắc, biển đảo cho Tầu, nhưng không bao giờ quên giành cho được 59 ha đất cánh đồng Sênh của làng Hoành – Đồng Tâm, bất kể phải đánh đổi sinh mạng công an và người dân. Họ sẵn sàng đánh đổi danh tiếng, lương tâm để giành giật tiền của bất chính mỗi khi có cơ hội ngồi vào chiếc ghế quyền lực nào đấy. Cứ trông vào các bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn, chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung là rõ. Họ cho con ra nước ngoài du học, gởi tiền cho con cái sắm xe sang, mua đất mua nhà, mua quốc tịch nơi các xứ tư bản, kẻ thù của giai cấp vô sản, để con cái, gia đình họ được tận hưởng tiện nghi hiện đại. Còn trẻ em, người dân nghèo trong nước cứ thế mà tự lo. Dân khỏi no, nhà nước no đủ rồi.

Ở “hỏa ngục” tư bản, người ta gắp thức ăn cho nhau rồi còn gắp cho cả con dân VN ăn nhờ. Còn cái “thiên đường” xã hội chủ nghĩa, “đỉnh cao chói lọi” của đảng cộng sản thì hệ thống đảng viên chỉ lo giành giật mọi thứ ích lợi về cho mình, cho phe nhóm mình; không có tình người lấy đâu ra lòng thương xót đồng loại. Những tượng đài xây to xây cao chỉ nhắm tư túi, bên trong rỗng tuếch không cốt sắt, không bảo đảm an toàn xây dựng. Chúng ta cứ nhìn mấy trụ điện không cốt thép ngã gãy trong trận bão Noul mới đây sẽ rõ (14). ĐcsVN chỉ có phá hoại rừng cũng như tài nguyên thiên nhiên dù biết rõ họ chẳng bao giờ có khả năng tái tạo được. Fomosa Vũng Áng, Bô xít Tây Nguyên gây thảm cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến cá chết, biển cũng chết và rừng cũng hết. Người dân lao đao đau ốm bệnh tật vẫn phải bỏ tiền mua thuốc giả của bộ y tế cho nhập về rao bán (15); đang khi từ nơi nảo nơi nao người ta mang tiền đến giúp VN hiện đại hóa hệ thống y tế hầu giúp dân bớt khổ.

Tất cả do lòng tham vô đáy của những đảng viên được tiếp thu tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mà ra. Đất nước VN do đcsVN cầm quyền đã dột từ nóc và thối nát từ nền móng. Nó lý giải vì sao đất nước đang phát triển, nhà nước đi vay hết nơi này đến nơi khác, kể cả vay nóng của Trung Quốc nhưng vẫn lãng phí xây tượng đài nghìn tỷ? Những sai phạm từ cấp cao nhất chính phủ cho đến Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài… tính sơ bộ những cán bộ cộm cán tham ô vài ngàn tỷ, các cán bộ thấp hơn vài trăm tỷ đến các cán bộ xã thôn vài chục tỷ… Vậy thì hơn 5 triệu đảng viên tại VN đã hủy hoại đất nước VN như thế nào. Rồi cứ cắm đầu đi vay mượn, điều đáng nói là các ngân hàng Trung Quốc sẵn sàng cho vay theo kiểu gán biển đảo, đặc khu cho họ. Hậu quả mất nước cứ thế lớn dần theo năm tháng. Cán bộ thay mặt đảng - nhà nước VN đi vay tiền gia tư còn khủng hơn người nước ngoài ký giấy cho vay. Cho nên càng vay nhiều người dân càng phải gánh gồng trả nợ nhiều. Vì thế mà “mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại - Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải?”

Cơ mà dù rằng đảng viên tham nhũng có cơ chế, hệ thống ăn từ gốc đến ngọn như vậy, nhưng bao nhiêu cái tham lam, xấu xa cứ bị công an và ban tuyên giáo đổ hết lên đầu nhân dân. Tướng Tô Ân Xô đã gọi cụ Kình là “cường hào địa chủ mới” (16). VTV gọi người bán hàng rong là thứ “ký sinh trùng” đường phố (17). Người dân bảo vệ đất nông nghiệp canh tác lại bị tấn công bắn chết tận phòng ngủ. Ai phản đối sẽ bị giết cả cha lẫn con như gia đình cụ Lê Đình Kình nói trên.

Quả là cuộc đời đầy dẫy những tâm thế và lựa chọn sống khác biệt nhau. Tựa như hai mặt của đồng tiền hay cuộc chiến giữa thiện và ác; hoặc cuộc đấu tranh nội tâm dai dẳng: sống cho đi như “Chuck” Feeney và sống ích kỷ giữ khư khư mọi thứ không hề thuộc về mình. Thái độ nào đều có hệ quả của nó. Sống hy sinh chia sẻ giúp lan tỏa tình yêu thương, lòng vị tha, hâm nóng cuộc đời nhân thế vốn đầy dẫy những mảnh đời lạnh lẽo đau thương, khốn khổ. Sống ích kỷ, hung ác và thu vén sẽ khơi nguồn cho những ác nạn tiếp diễn trên cõi đời và tạo ác nghiệp cho kẻ thủ ác ở đời sau. Sống tham tàn, không bao giờ biết đủ và chẳng bao giờ quan tâm đến ai; họ sẽ quằn quại vì khó chấp nhận cuộc ra đi khi lòng còn chứa đầy đam mê vật chất và không muốn xa rời nó. Sống thiện lương tốt lành sẽ mỉm cười ra đi trong an bình thanh thản, vì linh hồn đã biết sống có ý nghĩa và hữu ích cho mọi người.

Hoàng Hoành Sơn

Nguồn: voatiengviet.com/a/nguoi-song-trang-tay-ke-song-day-tay/5591464.html

Chú thích:

(1)observer.com/2020/09/charles-chuck-feeney-close-philanthropy-foundation-after-8billion-lifetime-donation/

(2)https://www.thivien.net/Tr%E1%BA%A7n-Th%E1%BB%8B-Lam/%C4%90%E1%BA%A5t-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%C3%ACnh-ng%E1%BB%99-qu%C3%A1-ph%E1%BA%A3i-kh%C3%B4ng-anh/poem-OoHCOCBrsvLEM-uXZP9DSQ

(3) https://laodong.vn/dien-dan/chung-ta-sap-co-them-mot-tuong-dai-nghin-ty-565989.ldo

https://danviet.vn/tuong-dai-nghin-ty-20200711181828822.htm

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53832418

http://nghean24h.vn/den-chung-son-the-tua-nui-linh-thieng-uy-nghiem-sung-sung-a606757.html

(4) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pul-dw-lenin-stat-01282014051026.html

https://vnexpress.net/tuong-hussein-o-trung-tam-baghdad-bi-keo-do-1969777.html

(5) https://www.unicef.org/vietnam/vi/tr%E1%BA%BB-em-vi%E1%BB%87t-nam

(6) https://vnexpress.net/thong-tin-suc-khoe-lanh-dao-cap-cao-la-toi-mat-4154493.html

(7) https://www.vyctravel.com/tin-tuc/tin-tuc/nhung-cai-nhat-chi-co-tai-chua-bai-dinh-ninh-binh.html

https://tuoitre.vn/chua-ba-vang-10-nam-bien-thanh-nguy-nga-rong-hang-chuc-ngan-met-vuong-20190321101531503.htm

(8) https://www.bbc.com/vietnamese/forum-48313898

(9) https://thanhnien.vn/thoi-su/vu-dong-tam-ong-le-dinh-kinh-tu-vong-lien-quan-den-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-1170662.html

(10) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39814348

(11) thanhnien.vn/thoi-su/ba-nam-co-toi-226-nguoi-chet-trong-trai-tam-giam-tam-giu-542959.html

Con nói đúng!



Đặng Bích Phượng

Cụ nhà em tuy 97 tuổi, nhưng không phải nói gì cụ cũng chịu nghe ngay. Hồi xảy ra vụ Đồng Tâm, cụ cứ một mực bảo con đừng có dính vào chuyện đó đấy nhé. Một lời không thể nói hết cho cụ hiểu, nên nhà em đành kệ cụ.

Hôm nay sang thăm bố mẹ, cụ chủ động nói về chuyện Đồng Tâm, nhưng vẫn là nói theo “đài”. Nhà em chỉ nói vắn tắt thế này cho cụ nghe:

– Vụ Đồng Tâm, dư luận đặt dấu hỏi: Sao ban ngày không đến đọc lệnh bắt ông Kình một cách đàng hoàng, mà nửa đêm tấn công vào nhà một ông già 83 tuổi, què chân, không có khả năng chống cự rồi bắn chết ông ấy?

– Ông Kình là đảng viên 58 tuổi đảng, chỉ chống tham nhũng, cướp đất. Nhà ông ấy rất nghèo (ai không tin thì cứ đến xem).

– Khi ông Kình mất, hơn 700 người gửi tiền phúng viếng 528 triệu đồng. Đó là câu trả lời của người dân trước sự đơm đặt của chính quyền về ông Kình. Đó là cái tát của dân vào mặt chính quyền nên họ rất cay cú.

– Bố cứ nói đài nó bảo thế, mà không nhớ dân mình bị bưng bít thông tin suốt mấy chục năm qua à? Có đưa tin thì toàn bịa đặt, giả dối. Nếu ông Kình sai, sao đến cái chết của ông ấy cũng sợ dân đến đưa tang? Nếu dân Đồng Tâm sai, sao phải phong tỏa cả phố để không cho ai đến xem họ xử dân Đồng Tâm ra sao? Ngày xưa bố quan tâm đến vụ xử ông Tạ Đình Đề như thế nào, thì bây giờ con cũng quan tâm đến vụ xử người dân Đồng Tâm như thế. Nhưng ngày xưa bố còn đi được, bây giờ thì con hay bất cứ ai mà đến đó, chúng nó sẽ bắt ngay. Con hỏi bố thế là thế nào? Nếu là chính nghĩa thì sao phải sợ dân đến thế?

Cụ nghe, trầm ngâm hồi lâu mới bảo, bố nghe đài nhưng cũng đoán nó sợ dân biểu tình vì chuyện Đồng Tâm. Nhưng thôi kệ họ con ạ, bố già rồi, chỉ lo cho con.

Nhà em lại bảo, vì nhiều người sợ, nhiều người không quan tâm nên mỗi cuộc đấu tranh chống lại bất công như dân nhà C1 nhà mình mới đơn độc đến thế. Thế nên con không muốn họ đơn độc như dân mình bố ạ. Bố nghe cái gì cũng phải nghe hai tai, nghe nhiều nguồn thông tin, tự khắc bố sẽ nhận ra sự phi lý, bất công ở đâu.

Cụ gật đầu: Con nói đều đúng cả!

Công nhận xong điều ấy, thấy vẻ buồn rầu, bất lực trên gương mặt cụ.

Lạm bàn về triết học

Ls. Lê Công Định|

Tôi bắt đầu đọc sách triết lần đầu vào năm 15 tuổi nhờ kho sách in trước 1975 của anh Hai tôi (nay định cư ở Canada). Anh tôi học đại học thời Việt Nam Cộng Hòa.

Quyển đầu tiên tôi đọc là “Lịch sử Triết học Tây phương” của giáo sư Lê Tôn Nghiêm. Sau đó đến “Đại cương Triết học Trung Quốc” của hai học giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, và “Lịch sử Triết học Đông phương” của giáo sư Nguyễn Đăng Thục.

Từ ba quyển sách gối đầu giường đó, tôi bắt đầu làm quen với các tên tuổi lẫy lừng như Kim Định, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Thành Trị, Nghiêm Xuân Hồng, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Ngọc Lan, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, v.v…. Rồi nhờ các vị giáo sư khả kính này, tôi biết đến các triết gia Tây phương, Đông phương và triết học của họ.

Năm 17 tuổi vào đại học, làm quen với Chủ nghĩa Marx-Lenin, ban đầu tưởng rằng đó là triết học như tên gọi môn “Triết học Marx-Lenin”, nên tôi cũng hăng hái nghiên cứu, thậm chí đọc cả “Marx-Engels Toàn Tập” và “Lenin Toàn Tập”.

Tuy nhiên, chính nhờ đọc “Marx-Engels Toàn Tập” và “Lenin Toàn Tập” tôi mới nhận ra đó không phải là triết học theo đúng nghĩa mà tôi đã đọc, học và chịu ảnh hưởng ở các triết gia Tây phương và Đông phương. Dù vậy, tôi vẫn kính trọng Marx và Engels như những tác gia có ảnh hưởng lớn. Còn Lenin thì không, bởi đó là một tay đao phủ không hơn không kém.

Năm 30 tuổi sang Pháp, tôi cả gan đọc quyển “Critique de la raison pure” (Phê phán Lý tính Thuần tuý) của Emmanuel Kant qua bản dịch tiếng Pháp. Dù không thấu hiểu triết học Kant qua quyển sách ấy ngay, tôi vẫn cảm thấy bản tiếng Pháp dễ đọc hơn bản dịch tiếng Việt mà sau này tôi có dịp đọc.

Sau quyển “Critique de la raison pure”, tôi lại cả gan đọc tiếp “Principes de la philosophie du droit” (Những Nguyên tắc của Triết luận Luật pháp) của Hegel qua bản dịch tiếng Pháp. Quyển này dễ hiểu hơn, vì luật pháp dù sao cũng là chuyên ngành của tôi và cũng nhờ đã đọc các tác phẩm về triết luận luật pháp của các tác giả khác trước đó.

Thời gian ở trong tù, tôi nghiền ngẫm hai quyển “Phê phán Lý tính Thuần tuý” của Kant và “Hiện tượng luận Tinh thần” của Hegel qua bản dịch tiếng Việt xuất sắc của Bùi Văn Nam Sơn.

Có thể nói Bùi Văn Nam Sơn là dịch giả và tác giả có công lao lớn đối với học thuật triết học ở Việt Nam ngày nay do công trình dịch thuật và chú giải các tác phẩm triết học kinh điển của Tây phương mà ông đã kiên trì thực hiện nhiều năm qua.

Thời gian ở Pháp tôi còn tìm đọc các tác phẩm triết học của Trần Đức Thảo viết bằng tiếng Pháp, vẫn còn được ấn hành và bán ở các hiệu sách chuyên ngành tại Paris. Thú thật, tôi không hiểu nổi triết gia Việt Nam đáng kính này, có lẽ vì ông tìm cách lý giải và dung hòa Chủ nghĩa Duy vật Biện chứng trong và vào dòng chảy triết học Tây phương đương thời: một Mission Impossible!

Một tác giả triết học người Việt đáng chú ý khác ngày nay là Nguyễn Hữu Liêm. Ông viết những tác phẩm bàn về triết học bằng tiếng Việt hoàn toàn theo phong cách riêng, không lệ thuộc truyền thống triết lý của cả Đông lẫn Tây. Tôi đã học ở ông rất nhiều điều, nhất là phương pháp nghiên cứu và tiếp cận triết học.

Liên quan đến câu hỏi Việt Nam XHCN hơn 75 năm qua có triết gia hay không? Cho đến nay, thật lòng tôi chưa thấy ai, bởi lẽ những ai có tư tưởng khác với đảng cầm quyền đều bị Tra và Giết cả, lấy đâu ra triết gia còn sống? Thêm nữa, triết học đúng nghĩa làm gì có cái gọi là “chính thống” và “thù địch”, ngoại trừ thời kỳ Đêm Trường Trung Cổ?

Ngay cả trong Đêm Trường Trung Cổ, dòng Triết học Kinh viện chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo vẫn có nhiều triết gia và trường phái triết học khác nhau, tất cả đều tỏa sáng lấp lánh trên bầu trời triết học đa dạng của nhân loại đương thời.

Còn trong Đêm Trường Cộng Sản, một cây đinh vừa mới nhú lên đã bị đập giập đầu ngay tức khắc, vì trót dại có suy nghĩ khác với đảng cầm quyền, huống chi có tư tưởng và triết học khác với cái gọi là “Triết học Marx-Lenin”, bách chiến bách … bại!

Tấm gương Trần Đức Thảo sống một đời lận đận từ 1946 đến 1986, và Nguyễn Mạnh Tường, Kẻ bị vạ tuyệt thông (như nhan đề tác phẩm của ông), vẫn còn nguyên đó!


Vì vậy, nếu (và chỉ nếu) vào một ngày đẹp trời nào đó, nhà nước bỗng ban hành quyết định phong mấy cha nội tuyên giáo thành “triết gia” cả đám, như từng phong bọn “Phó Tiến sĩ” thành “Tiến sĩ”‘ sau một đêm thức dậy, thì Việt Nam may ra mới có thể có những “triết gia”, như ảo tưởng mới bộc phát gần đây mà thôi./.

Ba bài học từ Đồng Tâm


 – Luật Khoa Tạp Chí

Tôi tiếp cận Đồng Tâm ở một góc độ khá khác biệt với hầu hết giới ủng hộ dân quyền và nhân quyền tại Việt Nam.

Tôi không ủng hộ việc ông Nguyễn Đức Chung ký giấy “hứa” không khởi tố những người tham gia vào vụ bắt giữ một số cán bộ và công an viên tại xã Đồng Tâm. Tại thời điểm đó, tôi tin rằng kiểu “trả giá” này không giúp ích gì được cho nền tư pháp vốn đã rệu rã của Việt Nam. Những thảo luận trong tương lai càng khó tuân theo các lằn ranh pháp lý cụ thể khi mà những ngoại lệ cho cả bên hành pháp và những người dân đấu tranh đã được thành hình.

Song có một thực tế là Phong trào Đồng Tâm vẫn giành được cảm tình rất lớn từ công chúng.

Ngày ông Lê Đình Kình được chữa trị xong vết thương ở chân và trở về thôn Hoành, người dân ở đây hồ hởi ra tiếp đón ông, báo chí Việt Nam ca ngợi ông không tiếc lời. Ngoại trừ một số cá nhân có chức quyền hoặc thân đảng, người dân cả nước nhìn chung có cái nhìn khá tích cực về phong trào ở đây, ít nhất là đến giai đoạn 2017 – 2018. Riêng bản thân chính quyền cũng phải nhiều lần nhượng bộ.

Đây không phải là một điều dễ dàng đạt được đối với các phong trào xã hội tại Việt Nam. Nếu chúng ta thật sự nhìn lại những phong trào lớn, có mục tiêu chính đáng và thu hút được sự tham gia tích cực của một lực lượng công dân rất đáng kể như biểu tình ôn hòa yêu cầu minh bạch về môi trường ở Formosa trên khắp đất nước, biểu tình ôn hòa vì một Hà Nội xanh hay biểu tình ôn hòa phản đối những hành vi bành trướng của Trung Quốc, ta sẽ thấy họ đều không đạt được hình ảnh mong muốn. Quan điểm của của công chúng về các phong trào này nhìn chung hoặc là hời hợt, hoặc là lẫn lộn. Báo chí luôn dùng văn phong tiêu cực để miêu tả mục tiêu và cách thức thực hiện phong trào, còn chính quyền thì dùng đủ mọi biện pháp vũ lực để ngăn chặn.

Vậy với tất cả những gì Phong trào Đồng Tâm đã có, điều gì khiến cho nó thất bại? Nhiều bạn đọc có thể đang cho rằng Đồng Tâm không thất bại, chính quyền chỉ đang đàn áp người dân dã man và giết chết người lãnh đạo phong trào mà thôi. Song, cũng có nhiều lý do để tin rằng phong trào đã không còn trọn vẹn với những điều tốt đẹp và đúng đắn mà nó đại diện trước đó. Và với công tác thông tin không hoàn hảo, Đồng Tâm sẽ mất đi tính tiên phong và điển hình của một phong trào xã hội.

Ông Lê Đình Kình được dân làng chào đón khi xuất viện về nhà năm 2017. Ảnh: PLO.
Ông Lê Đình Kình được dân làng chào đón khi xuất viện về nhà năm 2017. Ảnh: PLO.

Không bao giờ dùng diễn ngôn bạo lực

Hiển nhiên, cũng như rất nhiều người có lương tri, tôi không tin rằng có lý do gì để một ông cụ 85 tuổi, một chân đã hỏng vì bị giới công an đánh đập trước đó, lại thức dậy lúc nửa đêm và trực tiếp chỉ đạo một nhóm vài chục người cũng lớn tuổi không kém đi đánh úp lực lượng an ninh có con số lên đến hàng ngàn, được huấn luyện chuyên nghiệp, với đầy đủ khí tài. Và tôi cũng có một niềm tin nội tâm mạnh mẽ rằng nhóm người nhà ông Kình cũng như một số người dân Đồng Tâm bị bắt hoàn toàn không muốn leo thang xung đột một mất một còn với chính quyền đông đảo như vậy.

Song, có một sự thật mà chúng ta không thể phủ nhận là chính bản thân những người lãnh đạo phong trào đã để cho rất nhiều video clip và các phát ngôn cụ thể, chi tiết về những hành vi bạo lực chủ động, trực tiếp lan truyền trên mạng trở thành những lời đe dọa dành cho chính quyền. Từ việc ông Lê Đình Công đòi sống chết với “lực lượng giả danh quân đội” xâm phạm khu 59 hecta đất đang tranh chấp, cho đến việc ông Bùi Viết Hiểu tự hào nói về số lượng xăng và bình gas dự trữ cho xung đột. Chưa cần nói đến việc những con số này có thật hay không và họ có thực hiện những hành vi này hay không, những phát ngôn nói trên khiến phong trào xa rời nền tảng ủng hộ đông đảo của quần chúng mà nó có trước đó.

Điều này có phải lạ lùng và không công bình lắm với những phong trào chính trị hiện đại chăng? Chẳng phải những thay đổi quan trọng trong lịch sử nhân loại đều dựa trên bạo lực hay sao? Cách mạng Pháp, Cách mạng Hoa Kỳ, các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ hậu Đệ nhị Thế chiến, rồi cả cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền hiện nay cũng đã bằng con đường bạo lực cả đấy thôi. Nói theo kiểu Mao Trạch Đông, cách mạng – phong trào mà càng nhiều người chết thì càng thành công.

Nhưng rõ ràng thời đại của các phong trào bạo lực đã đi qua, và có nhiều lý do để lý giải cho việc đó. Phong trào bất bạo động có khả năng tiếp cận đến một nền tảng ủng hộ rộng lớn và đa dạng hơn. Ngưỡng để tham gia vào các hành động vì mục đích chung thấp hơn. Yêu cầu về rủi ro và hy sinh lợi ích cá nhân thấp hơn. Khả năng ảnh hưởng của phong trào đến tâm lý, tình cảm của đại bộ phận nhân dân cao hơn. Không chỉ vậy, trong môi trường kinh tế thế giới gắn chặt với nhau, lợi ích của các quốc gia có phần lệ thuộc và với các cơ quan quốc tế về nhân quyền đã được thành lập có thẩm quyền giám sát và can thiệp tương đối, bất kỳ xu hướng bạo lực nào, kể cả dù nó chỉ là diễn ngôn và chưa được thực hiện thành hành động, cũng là đang tự cô lập mình với phần còn lại của thế giới.

Cổng thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Ảnh: Reuters.
Cổng thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Ảnh: Reuters.

Cũng sẽ có người cho rằng các phát ngôn bạo lực được lan truyền chỉ nhằm mục tiêu tự vệ, là phản ứng thụ động trước sự tấn công, sự lấn tới của chính quyền. Nhưng như chúng ta đã bàn ở trên, đây không phải thời đại của các phong trào phản kháng bạo lực.

Một mặt, khó có quốc gia nào, dù cấp tiến đến đâu, có thể ủng hộ tư duy cho rằng có bất kỳ lực lượng nào ngoài nhà nước được phép sử dụng vũ lực.

Mặt khác, ngay cả khi chính quyền sở tại là kẻ thủ ác, kẻ gây hấn (mà thông thường đều là vậy), duy trì tâm thế phi bạo lực cho dù bị bắt bớ, đàn áp mới là thứ khiến thông điệp của bản thân phong trào Đồng Tâm, và các phong trào khác tại Việt Nam, nhận được sự ủng hộ nhất định từ phía cộng đồng vốn vẫn luôn “nặng tình” với sự lãnh đạo “ổn định, tài tình” của Đảng Cộng sản.

Nói theo ngôn ngữ của Martin Luther King, bất bạo động không có nghĩa là hèn nhát. Và chỉ có bất bạo động mới có thể đánh trực diện vào những thế lực, ý thức hệ xấu xa, thay vì làm hại đến những con người bằng xương bằng thịt bị trói buộc bởi thứ ý thức hệ đó.

Một lần nữa, tôi vẫn không tin rằng nhóm của ông Lê Đình Kình chủ động tham gia vào xung đột rạng sáng ngày 9 tháng Một năm 2020.

Thời điểm đó không phải là thời điểm để họ có được sự hỗ trợ tốt nhất từ những người dân thôn Hoành có cảm tình với phong trào. Nhưng những phát biểu và tuyên bố mang tính chất ủng hộ xung đột – bạo lực trước đó đã đẩy những nhà hoạt động đất đai khốn khổ vào một thế quá khó để kêu gọi sự ủng hộ và đồng cảm từ một bộ phận quần chúng Việt Nam đông đảo vẫn còn chưa định hình quan điểm, kể cả những người có thể đã từng ủng hộ Phong trào Đồng Tâm hết mình tại thời điểm 2017, khi mà ông Lê Đình Kình bị bắt và đánh gãy chân, dẫn đến khủng hoảng con tin đáng nhớ nhất lịch sử Việt Nam mấy thập niên trở lại đây.

Xác định và xây dựng rõ mục tiêu tích cực dài hạn

Mục tiêu tích cực dài hạn ở đây, có thể hiểu là điều mà phong trào hướng tới duy trì, từ đó thể hiện sự tích cực và chính danh của phong trào.

Trong các cuộc biểu tình chống Formosa, có rất nhiều mục tiêu tích cực như đòi bồi thường cho ngư dân bị ảnh hưởng, đòi minh bạch hóa thông tin về kiểm soát ô nhiễm, đòi xác định trách nhiệm của giới chức trách cũng như bản thân công ty Formosa… đều góp phần vào một hệ thống pháp luật và quản lý hành chính lành mạnh hơn trong dài hạn.

Trong các cuộc biểu tình chống hành vi bành trướng của Trung Quốc, các mục tiêu tích cực bao gồm kiến nghị nhà nước Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thông qua các tài phán quốc tế, yêu cầu minh bạch hóa kênh thông tin đối ngoại giữa Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời là một lời khẳng định về tinh thần dân tộc trước nhà nước Trung Quốc.

Hay kể cả trong xung đột tại Tiên Lãng, vốn cũng mang tính vũ trang với mìn tự cài và súng hoa cải khiến cho một người bên đoàn cưỡng chế thiệt mạng. Quyền lợi tích cực mà ông Đoàn Văn Vươn và gia đình hướng đến là quyền sử dụng đất lâu dài của chính gia đình ông, vốn đã được phía chính quyền trực tiếp giao đất và thừa nhận, cũng như bảo vệ kế sinh nhai và số tiền tâm huyết cả đời ông đầu tư vào khu đất. Cộng thêm thực tế là với việc sử dụng quân đội trái phép trong hoạt động cưỡng chế là nguyên nhân chính khiến xung đột và căng thẳng leo thang, khó có ai có thể phủ nhận những giá trị chính đáng mà ông theo đuổi. Hiện nay, Đoàn Văn Vươn đã ra tù và tiếp tục canh tác, sinh sống trên phần đất mà ông từng bảo vệ.

Một thông điệp của Phong trào Đồng Tâm, chụp ngày 21/4/2017. Ảnh: RFA.
Một thông điệp của Phong trào Đồng Tâm, chụp ngày 21/4/2017. Ảnh: RFA.

Trong những năm 2017 – 2018, Phong trào Đồng Tâm rõ ràng đã có được tiếng vang lớn nhờ vào việc xây dựng tính thiết thực liên quan đến quyền lợi đất đai của người dân đang sinh sống và trồng trọt trên cánh đồng Sênh. Tiếng nói của phong trào, vì vậy, tương tự như tiếng nói của xung đột tại Tiên Lãng, nhắm vào quyền sử dụng đất ổn định và lâu dài của những cư dân có liên quan. Điều này dễ dàng khiến người dân Việt Nam đồng cảm với thông điệp, trong bối cảnh tranh chấp đất đai giữa nhà nước và công dân tiếp tục là một trong những tranh chấp xã hội phổ biến và căng thẳng nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nền tảng này lại không được đẩy mạnh và làm rõ.

Phong trào Đồng Tâm đã không thể hiện quan điểm phản đối rõ ràng về các diễn ngôn của chính quyền liên quan đến 14 hộ dân trực tiếp sinh sống và canh tác ở khu đất chấp thuận di dời với phương án tái định cư.

Hiển nhiên, đất cộng đồng – đất hương ước và thậm chí là đất hợp tác xã tồn tại từ lâu trong chiều dài lịch sử Việt Nam. Khả năng rất cao là đất phía Tây đồng Sênh vẫn là mảnh đất nông nghiệp được cộng đồng thôn Hoành sử dụng chung. Đến cuối cùng, người dân và cộng đồng có trước, chứ không phải Luật Đất đai của chính phủ.

Nhưng khi chúng ta không thể xác định được những người trực tiếp đòi hỏi quyền lợi đối với khu đất, và khu đất vốn vài năm qua cũng không còn được người dân trong thôn canh tác trên thực tế, nhiều người quan tâm đến vụ việc hoặc ủng hộ phong trào không khỏi phải thắc mắc liệu mảnh đất sẽ được ai khai thác, cơ sở nào để khai thác, và quan trọng nhất là khai thác như thế nào sau phong trào.

Sự mất kết nối giữa quyền lợi thực tế chính đáng của công dân và tiếng nói, mục tiêu của phong trào khiến thông điệp Đồng Tâm mất đi tầm ảnh hưởng rõ ràng, mạch lạc mà nó từng có.

Luôn xây dựng phương án đấu tranh bất bạo động thay thế

Dựa dẫm quá nhiều vào nhánh hành pháp có lẽ là phương án lợi bất cập hại cho việc xác lập phương án đấu tranh của Phong trào Đồng Tâm.

Ở đầu bài viết, tôi đã nhắc việc mình từng phản đối việc phong trào dùng ông chủ tịch Chung như là tấm khiên hộ pháp cho những hoạt động trong tương lai. Sau sự kiện bắt giữ ông Lê Đình Kình và người dân Đồng Tâm đáp trả bằng việc giam giữ con tin là cán bộ, công an địa phương, ông Bùi Viết Hiểu là người trực tiếp trao đổi với ông Nguyễn Đức Chung, và cũng thể hiện một niềm tin sắt đá rằng bộ máy hành pháp nói chung, hệ thống thanh tra đất đai và cá nhân ông Chung nói riêng, sẽ giám sát, xác minh dứt điểm tranh chấp.

Thực tế cho thấy ông Nguyễn Đức Chung không lừa dân, và làm rất “dứt điểm”.

Ngay trong năm 2017, Quyết định của Thanh tra Hà Nội khẳng định không tồn tại khái niệm đất đồng Sênh trong hồ sơ địa bạ, và toàn bộ diện tích đất tranh chấp thuộc quyền sở hữu quốc phòng.

Đến năm 2019, Quyết định của Thanh tra Chính phủ tiếp tục ủng hộ quyết định của Thanh tra Hà Nội, quả quyết kết quả rà soát là khách quan, chính xác; có sự phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Quốc phòng.

Đây là cấp khiếu nại cuối cùng mà phong trào có thể dựa vào, nhưng vẫn không tìm ra được kết quả như mong muốn.

Vậy bước đi kế tiếp là gì? Liệu có thể sử dụng các biện pháp tư pháp, vốn đã bị chính những người lãnh đạo phong trào gián tiếp phủ nhận về tính khách quan và hợp lý bằng “thỏa hiệp” hồi năm 2017 với ông Nguyễn Đức Chung?

Hay trong cuộc “đấu trí mới” với chính quyền mà ông Lê Đình Kình tuyên bố sau quyết định của Thanh tra Chính phủ năm 2019, vì sao cho đến nay các luật sư liên quan vẫn chưa có động thái nào rõ ràng và cụ thể hơn, đặc biệt trong bối cảnh ông Lê Đình Kình và các hộ dân quan tâm bị cáo buộc là những người không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến khu đất?

Hay người dân thôn Hoành cũng như những thành viên của phong trào đã từng nghĩ đến việc số hóa các tư liệu đất đai liên quan đến Đồng Tâm, từ đó chuẩn bị cho một phong trào đấu tranh dài hơi, tranh thủ sự ủng hộ của người dân cả nước?

Có một điều rất rõ ràng là phong trào vẫn còn dựa dẫm quá nhiều về tính minh bạch và lòng chính trực của chính quyền, điều khi có khi không tại Việt Nam, và dường như chưa có những chuẩn bị cần thiết nhằm đối phó với những hành động bất ngờ cùng thẩm quyền vũ lực vượt trội từ phía chính quyền.

***

Bài viết này không nhằm phủ nhận mục tiêu, thành quả và những định hướng tốt đẹp mà Phong trào Đồng Tâm hướng tới; nó lại càng không phải để ủng hộ phương pháp quản lý đất đai hời hợt, lạm quyền, cũng như cách thức giải quyết khủng hoảng yếu kém và bạo lực của chính quyền. Song có thể khẳng định các phong trào dân sự tại Việt Nam trong tương lai có thể học hỏi và rút kinh nghiệm rất nhiều từ sự suy yếu của Phong trào Đồng Tâm.