Wednesday, January 16, 2019

Người dân Lộc Hưng: ‘Chúng tôi kiện các cấp có liên quan vụ cưỡng chế’


Cảnh Vườn rau Lộc Hưng tan hoang sau đợt cưỡng chế. (Hình: Người Việt)
Cát Linh/Người Việt
Sài Gòn, Việt Nam (NV) – Khoảng 164 hộ dân đã cùng ký đơn khiếu kiện việc chính quyền quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh tiến hành cưỡng chế, phá dỡ gần 200 căn nhà tại khu vườn rau Lộc Hưng, Phường 6, Quận Tân Bình hôm 4 và 8 tháng Giêng vừa qua.
‘Chúng tôi muốn nhìn thấy quyền sử dụng đất của mình’
Một người dân ở Lộc Hưng cho báo Người Việt biết qua điện thoại về sự việc này:
“Chúng tôi không kiện Phường 6 mà chúng tôi sẽ kiện các cấp có liên quan đến 2 đợt cưỡng chế hơn trăm căn nhà vừa rồi. Chúng tôi đã trưng ra tất cả vật chứng nguồn gốc đất từ thời Hội Thừa Sai Paris cho đến chế độ VNCH tiếp quản. Sau năm 1975 thì chúng tôi hoàn toàn không có sự tranh chấp cũng như không có sự trưng thu trưng dụng nào của phía nhà cầm quyền Việt Nam. Nhưng bây giờ họ vịn vào việc là xây dựng trái phép để cưỡng chế nhà của chúng tôi thì đó là trái pháp luật. Nếu theo đúng pháp luật thì chúng tôi phải được cấp quyền sử dụng đất, và nếu có thì chúng tôi sẽ xin giấy phép xây dựng. Cơ bản trong luật pháp Việt Nam thì đó là điều dễ dàng. Nhưng suốt bao nhiêu năm trời họ không trả lời, rồi nói thẳng là không cấp. Trên cơ sở cuộc sống thay đổi, biến động trong xã hội, từ việc trồng rau đến việc mưu sinh càng ngày càng khó khăn, con cái gia đình thêm người buộc chúng tôi phải nghĩ ra cách nào đó để mưu sinh. Đó là 1 trong những yếu tố mà nhà cầm quyền lấy cái cớ là xây dựng trái phép. Không cấp phép thì lấy gì có phép để mà xây.
Đó là yếu tố mà chúng tôi sẽ làm việc với phía luật sư để khởi kiện chuyện đập phá, cưỡng chế trái pháp luật như thế.”
“Xin nói thẳng là yêu cầu các cấp các ngành có liên quan đến việc từ lập dự án đến duyệt dự án hay là quyết định này quyết định kia liên quan đến khu đất, chúng tôi yêu cầu muốn làm gì cũng được, nhưng trước hết phải thượng tôn pháp luật.
Điều chúng tôi yêu cầu chính quyền trước mắt bây giờ giải quyết là làm sao chúng tôi nhìn thấy quyền sử dụng đất của chúng tôi, rồi mọi chuyện sau đó tính tiếp.”

Con chó mực của người dân Vườn rau Lộc Hưng cũng trở thành “dân oan”. (Hình: Người Việt)

Sau ngày diễn ra vụ cưỡng chế, tất cả những bằng chứng gọi là giấy thuế của người dân “nộp” cho chính quyền phường 6, quận Tân Bình trong suốt 20 năm qua được trưng ra.
Thêm vào đó, Toà tổng giám mục Sài Gòn hôm 15 tháng Giêng đã khẳng định “khu vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6 quận Tân Bình trước năm 30 tháng Tư, năm 1975  hoàn toàn không phải đất của nhà nước cũ sở hữu. Và cũng không hề có một cơ sở pháp lý nào cho phép xác định rằng trong thực tế, khu đất trên đã được Trung tâm Viễn Thông 3 tiếp nhận”.
Theo các văn bản tài liệu năm 2007 được đưa ra trên mạng xã hội, nhà nước cũ chỉ sở hữu một phần nhỏ (1,5 ha), còn lại thuộc về Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn.
Trên mạng xã hội gần đây cũng xuất hiện 2 tài liệu, 1bản tiếng Pháp và 1 bản tiếng Việt, cho thấy khu đất Vườn rau Lộc Hưng, Q.Tân Bình, TP.HCM, từ 1955 đã thuộc quyền sở hữu của Hội thừa sai Sơn Tây mà đài phát sóng chỉ được mượn chỗ dựng ăng-ten.
Văn bản của Giáo hội Công giáo Sài Gòn do Linh mục Huỳnh Công Minh – Tổng đại diện Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn ký năm 2007 nêu rõ:
  1. Từ năm 1954, chính quyền cũ (Pháp thuộc và VNCH) đã mượn một phần đất của Giáo hội để dựng cột antene phát tín, trong đó chỉ có 1.5 ha là thuộc sở hữu của nhà nước cũ.
  2. Trước khi dựng cột antene, khu đất đã thuộc quyền sở hữu của Hội Truyền giáo Công giáo và một số người dân.
  3. Sau năm 1975, cơ quan tiếp quản của chính quyền CHXHCN Việt Nam – Trung tâm Viễn thông 3 – chỉ tiếp quản trạm phát sóng và vài cột antene, chứ không phải toàn bộ khu đất. Người dân vẫn sống và canh tác trên khu đất của mình cho đến tận hôm nay.

Văn bản của Giáo hội Công giáo Sài Gòn do Linh mục Huỳnh Công Minh – Tổng đại diện Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn ký năm 2007. (Hình: Giáo hội Công giáo VN.)

Mãi cho đến năm 2000, khi bà con làm thủ tục kê khai đất, UBND quận Tân Bình mới bác bỏ với lý do trước và sau năm giải phóng, phần đất chuyên dùng bị các hộ chiếm dụng trồng hoa…
Ngoài ra, theo Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, chính quyền CSVN đã vi phạm chính bộ luật đất đai của mình, khi không cấp giấy chứng nhận bất động sản chính thức cho người dân cư trú và canh tác lâu dài tại đây sau thời điểm năm 1999, dù người dân đã tiến hành kê khai đất theo các đợt 1987, 1992, 1993 và 1998.
Về vấn đề này, ông Trần Quốc Tiến, là đời thứ 4 trong gia đình sinh sống vườn rau Lộc Hưng cho biết hơn mười mấy năm nay, chính quyền TP. HCM luôn né tránh người dân khi họ gửi đơn tố cáo đến các cấp lãnh đạo.
“Không hiểu sao người dân chúng tôi đều đóng thuế, có giấy quyết định thuế, và sổ thuế. Không hiểu chính quyền hay nhà cầm quyền muốn cướp đất của người dân như thế nào, torng khi đó chủ trương của Đảng và Nhà nước, bà con chúng tôi vẫn tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, yêu cầu lãnh đạo thành phố ra tiếp bà con, làm theo đúng qui định của pháp luật. Nhưng mười mấy năm nay, lãnh đạo thành phố trốn bà con chúng tôi, không tiếp, không muốn tiếp cận, muốn cướp đất của bà con.”
Khu đất vườn rau Lộc Hưng rộng khoảng 5 ha được người dân cho biết thuộc Hội thừa sai Paris cho người dân sử dụng để sinh sống và trồng rau từ thời Pháp thuộc. Phần đông người dân ở đây là dân di cư từ miền Bắc vào khoảng năm 1954 và là người Công giáo.
Chính quyền Quận Tân Bình đã nhiều lần thực hiện các đợt cưỡng chế trong hơn 10 năm qua và trận càn quét sau cùng vào ngày 4 và 8 tháng Giêng đã quét sạch toàn bộ nhà cửa ở khu vực này.
Một người dân, cũng là chủ của những căn nhà trọ trong khu vực vườn rau cho biết người dân không hề nhận được 1 thông báo nào hoặc 1 tiếp xúc thỏa thuận nào giữa chính quyền và người dân theo đúng qui trình pháp lý.
Niềm tin không còn
Hôm 13 Tháng Giêng, truyền thông trong nước cho biết chính quyền quận Tân Bình có thông báo hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 đất đối với các trường hợp sử dụng đất tại khu vực vườn rau, đồng thời hỗ trợ chi phí từ 4 đến 6 triệu đồng/ tháng trong 3 tháng cho các hộ trồng rau ở dây bị ảnh hưởng do giải tỏa.
Liên quan đến quyết định hỗ trợ bồi thường, dư luận vẫn chưa quên câu chuyện Thủ Thiêm với nhiều lần chính quyền nhà nước đưa ra đề nghị hỗ trợ cho các gia đình bị mất đất. Ngay cả khi ông Bí thư Thành Ủy TP.HCM, Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải “giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm và phải tập trung giải quyết theo hướng có lợi nhất cho bà con”, hoặc khi ông khẳng định “Chúng tôi không gạt bà con đâu”, thì sau đó một nhóm người dân oan Thủ Thiêm phải quyết định quay về dựng lều trên mảnh đất cũ của mình.
Ông Lê Văn Lung, 59 tuổi, trước đây là một doanh nhân ở Thủ Thiêm nay đã bỏ việc để dành trọn thời gian cho việc khiếu kiện cho ông và cho những gia đình mất đất khác nói rằng hành động quay về dựng lều trên đất bị giải tỏa là xuất phát từ bức xúc chung.
Cũng như những người dân Thủ Thiêm khác, ông đã rất ngán ngẩm với những thông báo hỗ trợ của chính quyền mà không có một phương án giải quyết cụ thể nào.
Ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ rất khó được giải quyết theo đúng pháp luật, rất khó giải quyết cho có căn cơ. Cái từ căn cơ này là giải quyết cho nó tận gốc, cho nó rõ ràng, chỗ nào sai thì sửa, ai làm sai thì xử lý. Theo như 10 nội dung của UBND Thành phố đưa ra thì nó không giải quyết căn cơ. Hồi xưa không là phương án bồi thường. Như vậy đã trái luật rồi. Qua 1 thời gian người ta khiếu nại thì lại hỗ trợ thêm. Hai lần hỗ trợ thêm. Ngày hôm nay, ngày mai, ngày mốt lại hỗ trợ.”
Cũng trong ngày thứ Ba 15 Tháng Giêng, năm 2019, trên trang cá nhân của luật sư Trần Vũ Hải cho biết 20 hộ dân Vườn Rau Lộc Hưng đã mời luật sư, ít nhất 10 tổ chức hành nghề luật sư đã nhận lời.
Bốn 4 đại diên cho hàng chục hộ dân Vườn Rau Lộc Hưng đã gặp các luật sư, trao giấy đề nghị hỗ trợ pháp lý của 20 hộ dân. Tất cả các luật sư có mặt trong buổi gặp mặt đã nhận lời. Đến nay, ngoài 10 tổ chức hành nghề luật sư đã đồng ý nhận trợ giúp các hộ dân này, còn nhiều luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khác đã ngỏ ý tham gia vào việc trợ giúp cho các gia đình vườn rau Lộc Hưng.

CSVN tố Facebook ‘quảng cáo lậu’ và ‘trốn thuế’

Facebooker Lã Việt Dũng với lá thư ngỏ gửi chủ mạng Facebook tố cáo công ty Facebook hợp tác với nhà cầm quyền CSVN để đàn áp những người bất đồng chính kiến. (Hình: AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN cho cơ quan thuế vụ tố cáo mạng xã hội Facebook “đang thu lợi rất lớn tại Việt Nam” trên dịch vụ quảng cáo hàng trăm triệu đô la “nhưng lại trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.”
Gần một tuần lễ sau khi đã cho Bộ Thông Tin và Truyền Thông cáo buộc mạng xã hội Facebook “vi phạm pháp luật Việt Nam ở ba lĩnh vực lớn: Quản lý nội dung thông tin; quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và trách nhiệm thuế với Việt Nam,” hôm Thứ Ba, 15 Tháng Giêng, 2019, nhà cầm quyền CSVN cho Tổng Cục Thuế tiếp tục cáo buộc Facebook về mặt kinh doanh là “quảng cáo bất hợp pháp” và “trốn thuế.”
Ông Nguyễn Văn Phụng, vụ trưởng Vụ Quản Lý Thuế Doanh Nghiệp Lớn, Tổng Cục Thuế của Bộ Tài Chính CSVN được thuật lời trên báo Kiến Thức là “mạng xã hội Facebook đang thu lợi rất lớn tại Việt Nam, nhưng lại trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Theo quy định, cá nhân kinh doanh phải khai báo và nộp thuế cho nhà nước, nhưng họ thông qua Facebook bán hàng, né được doanh thu.”
Như tin tức gần đây, chế độ Hà Nội mới chỉ bắt đóng thuế được một vài cá nhân hay công ty bán hàng trên mạng xã hội, còn tất cả vẫn không đụng chạm được.
Chế độ Hà Nội không thu được bao nhiêu tiền thuế qua dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội, theo ông Phụng, vì “ngành thuế sẽ không thể vào Facebook của từng người mà thu thuế được vì thiếu bằng chứng, thông tin. Cá nhân, tổ chức trả tiền quảng cáo cho Facebook thông qua thẻ tín dụng, cơ quan thuế cũng không nắm được.”
Thứ Sáu tuần trước, người ta thấy báo VOV dẫn thống kê dự đoán từ Công Ty Nghiên Cứu Thị Trường ANTS, nói năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng $550 triệu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp quảng cáo của Việt Nam như VCCorp, Zing, 24H, VNExpress… chỉ chiếm khoảng $150 triệu, tương đương 33.3% Trong khi đó, Google và Facebook chiếm khoảng 66.7%, tương đương $387.1 triệu (trong đó, Facebook khoảng $235 triệu, Google khoảng $152.1 triệu).
Vẫn theo ước lượng của ANTS, năm 2019 và 2020, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Họ cho rằng năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước khoảng $648 triệu, trong đó Facebook chiếm $275 triệu, Google $174.9 triệu, còn các công ty của Việt Nam chiếm chỉ $180.9 triệu.
Việc Hà Nội liên tiếp bắn tiếng đe dọa Facebook kinh doanh quảng cáo lậu và trốn thuế được hiểu như những áp lực ép nhà mạng xã hội của Mỹ phục tòng các đòi hỏi kiểm soát thông tin và kinh doanh của CSVN nếu muốn tiếp tục làm ăn tại Việt Nam.
Ngày 12 Tháng Sáu, 2018, CSVN thông qua Luật An Ninh Mạng buộc các công ty kinh doanh trên Internet nước ngoài phải “đặt máy chủ tại Việt Nam” và phải cung cấp cho công an CSVN mọi chi tiết về các cá nhân có tài khoản trên những mạng xã hỗi như Facebook, YouTube.
Các chính phủ Tây phương, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và ngay cả Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đều lên tiếng đả kích chế độ Hà Nội là siết chặt quyền tự do thông tin của người dân. Họ lên án CSVN trắng trợn vi phạm Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Hà Nội đã ký cam kết tuân thủ.
Tuần trước, khi bị CSVN tố cáo “vi phạm cả ba lãnh vực,” Facebook đưa ra bản tuyên bố nói rằng “Chúng tôi có một thủ tục rõ ràng để các chính phủ thông báo những nội dung bất hợp pháp. Chúng tôi xem xét đối chiếu các đòi hỏi căn cứ trên các điều lệ phục vụ của chúng tôi cũng như các luật lệ địa phương. Chúng tôi minh bạch về các nội dung bị hạn chế căn cứ theo luật lệ địa phương…”
Rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền, vận động dân chủ hóa Việt Nam kêu ca đã bị Facebook xóa bài viết, thậm chí khóa tài khoản một cách bất công. Trong khi đó thi chế độ Hà Nội cáo buộc Facebook hoặc chậm chạp hoặc không chịu xóa các nội dung “độc hại” như bị đòi hỏi. Một bức thư ngỏ của các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân có trang Facebook bị xóa, tố cáo chủ nhân Facebook đồng lõa với nhà cầm quyền độc tài đảng trị tại Việt Nam siết cổ thông tin đa chiều.
Ước lượng có khoảng 56 triệu tài khoản Facebook tại Việt Nam mà một số người có nhiều hơn một tài khoản. Nhiều người lập hai hay ba tài khoản để phòng ngừa trường hợp cái này bị khóa thì còn cái kia. (TN)

Việt Nam ‘quan ngại diễn biến Biển Đông’ với Trung Quốc

Lính CSVN và lính Trung Quốc thảo luận tuần tra hỗn hợp khu vực biên giới. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam và Trung Quốc đàm phán cấp thứ trưởng về các vấn đề biên giới lãnh thổ hôm Thứ Hai, 14 Tháng Giêng, 2019, tại Lào Cai nhưng không thấy có các kết quả cụ thể được loan báo ngoài những lời tuyên truyền.
Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) cho hay ông Lê Hoài Trung, ủy viên Trung Ương Đảng, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, tổng thư ký Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương Việt Nam – Trung Quốc, làm trưởng đoàn.
Đoàn Trung Quốc do ông Khổng Huyễn Hựu, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, tổng thư ký Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương Trung Quốc – Việt Nam, làm trưởng đoàn.
Hai bên đã họp với nhau ở Lào Cai “Trong không khí thẳng thắn, chân thành, hữu nghị, hai bên đã trao đổi một cách toàn diện, sâu sắc các vấn đề biên giới lãnh thổ và quan hệ hai nước trong thời gian qua, bàn phương hướng hợp tác, thúc đẩy giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ còn tồn đọng, kế hoạch triển khai quan hệ trong năm 2019 qua đó góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc,” TTXVN kể.
Tương tự những kỳ họp trước về các vấn đề biên giới lãnh thổ, chỉ thấy TTXVN kể lể cuộc họp “nhằm triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên cơ sở luật pháp quốc tế.” Và “Hai bên vui mừng trước các kết quả tích cực đạt được trong công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc theo ba văn kiện pháp lý về biên giới, duy trì ổn định biên giới, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới; nhất trí phối hợp tốt trong công tác mở, nâng cấp cửa khẩu, áp dụng biện pháp thuận lợi hóa thông quan, tạo điều kiện cho phát triển khu vực biên giới; triển khai hiệu quả hiệp định hợp tác bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc.”
Không thấy Tân Hoa Xã đưa tin nên người ta không biết Bắc Kinh phản ứng thế nào hay chỉ là sự tảng lờ. Chỉ thấy TTXVN khoe: “Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy vững chắc tiến trình đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển của các nhóm công tác về các vấn đề trên biển.”
Hồi năm ngoái, ít nhất hai lần CSVN và Trung Cộng họp về “hợp tác các lãnh vực ít nhạy cảm” trên biển cũng như khu vực bên ngoài Vịnh Bắc Bộ nhưng cũng không thấy có kết quả cụ thể gì được loan báo, mà chỉ thấy những sáo ngữ tuyên truyền quen thuộc.
Ngày 16 Tháng Mười Hai, 2018, theo báo chí chính thống tại Việt Nam, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh họp với Ủy Viên Quốc Vụ, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị nhân dịp dự Hội Nghị Bộ Trưởng Ngoại Giao Mekong-Lan Thương lần thứ tư tại Luang Prabang, Bắc Lào.
Ông Nghị được thuật lời nói: “Trung Quốc khẳng định sẵn sàng cùng Việt Nam xử lý thỏa đáng bất đồng trên biển,” nhưng tới giờ vẫn chỉ là lời hứa suông. (TN)
Không thấy Tân Hoa Xã đưa tin nên người ta không biết Bắc Kinh phản ứng thế nào hay chỉ là sự tảng lờ. Chỉ thấy TTXVN khoe: “Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy vững chắc tiến trình đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển của các nhóm công tác về các vấn đề trên biển.”
Hồi năm ngoái, ít nhất hai lần CSVN và Trung Cộng họp về “hợp tác các lãnh vực ít nhạy cảm” trên biển cũng như khu vực bên ngoài Vịnh Bắc Bộ nhưng cũng không thấy có kết quả cụ thể gì được loan báo, mà chỉ thấy những sáo ngữ tuyên truyền quen thuộc.
Ngày 16 Tháng Mười Hai, 2018, theo báo chí chính thống tại Việt Nam, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh họp với Ủy Viên Quốc Vụ, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị nhân dịp dự Hội Nghị Bộ Trưởng Ngoại Giao Mekong-Lan Thương lần thứ tư tại Luang Prabang, Bắc Lào.
Ông Nghị được thuật lời nói: “Trung Quốc khẳng định sẵn sàng cùng Việt Nam xử lý thỏa đáng bất đồng trên biển,” nhưng tới giờ vẫn chỉ là lời hứa suông. (TN)

Xe hơi của cán bộ kiểm lâm Bình Phước bị đặt mìn


Chiếc xe bị đặt mìn là của ông Nguyễn Văn Hữu, Phó phòng Pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước. (Hình: TTXVN)
BÌNH PHƯỚC, Việt Nam (NV) – Xe hơi của ông Nguyễn Văn Hữu, phó Phòng Pháp Chế Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Bình Phước vừa bị đặt mìn khi ông Hữu đi dự đám tang của một người quen ở thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước vào tối ngày 14 Tháng Giêng, 2019.
Báo Công lý cho biết sáng ngày hôm đó khi đang lái xe ra về sau khi dự đám tang thì ông Hữu thấy một vật lạ đặt ở cần gạt nước trước đầu xe. Ngay lập tức, ông Hữu chạy khỏi xe và báo với cảnh sát.

Báo Tiền Phong cho hay cảnh sát tỉnh và Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh Bình Phước đã tiến hành phong tỏa hiện trường, kiểm tra và phát hiện đó là một quả mìn tự chế có dạng chai tròn, dài khoảng 15cm, đường kính khoảng 20cm, trên đầu có hai dây điện thừa.
Hiện chưa rõ lý do vì sao xe của ông Hữu bị đặt mìn và cảnh sát tỉnh Bình Phước vẫn chưa tìm ra được nghi phạm. (C.T.)

Công an chuẩn bị biến ‘đầu gấu’ thành ‘hiệp sĩ đường phố’

Hai nhóm "hiệp sĩ đường phố" Sài Gòn và Bình Dương đứng chụp hình với nhau. (Hình: Thanh Niên)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Dân đâm thuê chém mướn sắp được “quản lý, huấn luyện” theo một số quy chế và còn được cấp “công cụ hỗ trợ” biến chúng thành “hiệp sĩ đường phố” làm cánh tay nối dài cho công an.
Tờ Thanh Niên hôm Chủ Nhật, 13 Tháng Giêng, 2019 đưa tin công an thành phố Sài Gòn đã báo cáo Bộ Công An về việc quản lý, huấn luyện “hiệp sĩ đường phố” theo “mô hình dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận.”
Những “ông kẹ” này lâu nay đã được công an thành phố sử dụng để đánh người hiện vẫn chỉ là những nhóm hoặc cá nhân “tự phát” hành động theo “lệnh miệng” của công an địa phương. Đổi lại, họ chỉ được hưởng những ân huệ nào đó chứ không hề có lương bổng ngoài danh xưng “hiệp sĩ đường phố” ở một lúc nào đó làm công cụ cho công an.
Tờ Thanh Niên thuật lời Đại tá Đinh Thanh Nhàn, phó giám đốc Công An Sài Gòn cho biết hệ thống cánh tay nối dài rất dài của công an “hiện trên địa bàn Sài Gòn có 83 loại mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự. Trong đó, khối đoàn thể thành phố quản lý 45 loại mô hình; khối cơ quan doanh nghiệp 3 loại mô hình; công an các cấp là 35 loại mô hình.”
Riêng với các “mô hình tự phát” ở Sài Gòn, theo ông Nhàn liệt kê ra, “có 4 nhóm mô hình với 25 người, thường được gọi là ‘hiệp sĩ đường phố.’ Hiện công an thành phố đã chỉ đạo công an các quận, huyện quản lý để có hướng dẫn, huấn luyện các ‘hiệp sĩ đường phố’ tự phát có kiến thức về pháp luật, kỹ năng trong quá trình hoạt động.”
Tướng Lê Đông Phong, giám đốc ông an thành phố Sài Gòn không che đậy khi nói “huấn luyện để họ trở thành ‘cánh tay nối dài,’ ‘tai mắt’ – ‘những cộng sự tích cực của lực lượng công an.’ Và ông còn ‘mong ước, mỗi công dân là mỗi chiến sĩ công an.’”
Trước đây, người ta thỉnh thoảng thấy có những nhóm “hiệp sĩ đường phố” tham gia bắt cướp tại một số tỉnh thị và cũng đã có hai ông bị cướp chém chết tại Sài Gòn hồi năm ngoái. Tỉnh Bình Dương có lẽ là địa phương có các nhóm “hiệp sĩ đường phố” nhiều nhất trên cả nước vì trộm cướp “nhiều như rươi.”
Theo tờ Thanh Niên ngày 23 Tháng Năm, 2018, “Trong năm 2017, các ‘hiệp sĩ’ tại Bình Dương đã phối hợp với công an ở địa phương tham gia tuần tra, hỗ trợ giúp sức phát hiện 232 vụ, bắt giữ 576 đối tượng phạm pháp các loại.” Trong đó một nhóm “đã phát hiện, bắt giữ trên 2,000 vụ phạm pháp giao công an xử lý, trong đó có rất nhiều vụ cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản…” Riêng từ đầu năm 2018 đến nay “đã phát hiện 56 vụ phạm pháp, bắt giữ gần 100 đối tượng giao cơ quan chức năng xử lý, trong đó cơ quan công an đã khởi tố 40 nghi can.”
Thấy những người này là tay sai đắc lực, công an tỉnh Bình Dương cho hay 91/91 xã phường, thị trấn của tỉnh đã “thành lập Câu Lạc Bộ Phòng Chống Tội Phạm với 3,248 thành viên, ban chủ nhiệm và hội viên. Trong đó có 84/91 địa phương thành lập đội xung kích phòng chống tội phạm (hay còn gọi là ‘hiệp sĩ’) với 1,508 đội viên.”
Tuy có thành tích như vậy nhưng tỉnh Bình Dương chỉ chi ra trên 9.1 tỉ đồng/năm để “duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, trong đó có tiền xăng xe đi tuần tra, văn phòng phẩm…”
Nhiều tỉnh thành trong đó có cả công an Sài Gòn được Bộ Công An tổ chức cho học tập gương của Bình Dương, nên những gì sắp được hình thành ở Sài Gòn, nhiều phần rút tỉa từ kinh nghiệm của tỉnh bên cạnh.
Ngày 30 Tháng Mười, 2018, tờ báo điện tử Kiến Thức cho hay “Theo phản ánh của anh Nguyễn Khắc Vĩnh, khoảng 6 giờ 30 chiều ngày 29 Tháng Mười, anh điều khiển xe ô tô BKS 56N-6657, đến giao lộ đường Đinh Bộ Lĩnh và Bạch Đằng thì bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe. Tại đây, anh yêu cầu cảnh sát giao thông báo lỗi và lập biên bản vi phạm. Lát sau, có 4 đối tượng lạ mặt xuất hiện, mang theo hung khí hành hung. Anh cho biết, mình làm đơn trình trình báo sự việc bị 4 đối tượng lạ mặt hành hung khi làm việc với cảnh sát giao thông lên công an phường 15, quận Bình Thạnh, Sài Gòn.” Vụ việc đã cho chìm xuồng như nhiều vụ tương tự đã xảy ra và được tường thuật trên mặt báo.
Một số nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị những tên đầu gấu có tên gọi mỹ miều “hiệp sĩ đường phố” có thể gồm cả công an đến hành hung tại nhà và cả trên đường lộ. Khi tin tức và hình ảnh phổ biến rộng rãi trên Facebook, những tên đó còn thách thức thưa kiện và còn dọa tiếp vì được công an bảo kê.
Buổi tối 15 Tháng Tám, 2018, ca sĩ Nguyễn Tín tổ chức một buổi hát có tên “Sài Gòn Kỷ Niệm” cho một nhóm vài chục thân hữu nghe. Chương trình vừa mới chuẩn bị bắt đầu thì cả một đoàn hàng chục công an và đầu gấu xông vào hành hung mọi người. Nguyễn Đại và Nguyễn Tín bị lôi đi, đánh suốt dọc đường rồi quẳng xuống đường ở một khu vực hẻo lánh của tỉnh Bình Dương. Người bị đánh nặng nhất là nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang phải vào cấp cứu tại bệnh viện.
Những ngày sắp tới, như tin tức loan báo, công an chuẩn bị biến “đầu gấu” thành “hiệp sĩ đường phố.” (TN)