Friday, November 17, 2023

Những Cô Giáo Nhỏ

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến  



  (VNTB) – “Tính ra, thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc!”  

 Bữa coi phim Titanic tui khóc ướt áo luôn khiến mấy đứa nhỏ cười bò lăn, bò càng: 

– Trời ơi, sao nghe nói “tuổi già hạt lệ như sương” mà ba lại nhiều nước mắt dữ vậy cà? 

Sau con, tới vợ: 

– Chắc tại cái tuyến nước mắt của ổng bị bể (ngang) nên nó mới tràn lan quá xá ể như vậy!

 Tui (ra đường) hay đi tròng ghẹo thiên hạ nên (về nhà) bị mẹ con nó xúm lại chọc quê kể cũng… đáng đời. Tui không giận dỗi hay buồn phiền gì ráo mà chỉ cảm thấy mình cũng hơi kỳ.

 Tui không chỉ yếu xìu trong chuyện làm tiền (cũng như làm tình) mà còn yếu ớt trong đủ thứ chuyện tào lao khác nữa. Tui đi mua hàng bị thối thiếu tiền nhưng sợ người bán ngượng nên đành nín lặng cho qua. Sáng sớm chạy tập thể dục, lỡ đạp nhằm con ốc sên (“nghe cái rốp”) là tui bần thần cho tới tận trưa luôn. Dọn vườn – có khi – lỡ tay làm gẫy một nhánh hoa, cũng khiến tôi đâm ra áy náy. 

Nói tóm lại, và nói theo ngôn ngữ của tâm lý học phổ thông, là tui thuộc loại người đa cảm và có hơi nhiều … nữ tính. Đây không hẳn vì tính trời sinh đâu mà còn do ảnh hưởng của giáo dục từ những năm thơ ấu.

 Không hiểu tại sao, và bằng cách nào, khi vừa đến tuổi cắp sách đến trường thì tôi (và năm bẩy thằng nhóc khác) lại được nhận vô trường nữ tiểu học Đoàn Thị Điểm – ở Đà Lạt. Thành phố này vốn sẵn nhiều bông, tui lại lâm vào cảnh “lạc giữa rừng hoa” nên trở thành “mong manh” là phải. 

Các cô giáo của tôi đều là những phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng, hiền lành và vô cùng tận tụy. Qua năm năm tiểu học, tôi được dậy dỗ kỹ càng nhiều điều cần thiết để thành người tử tế: phải rửa tay trước khi ăn, đánh răng trước khi ngủ, phải viết chữ (thay vì con số) ở đầu câu, phải xuống hàng sau mỗi đoạn văn đã đủ ý, phải vâng lời cha mẹ và anh chị, kính mến người già, tôn trọng thiên nhiên, thương mến xúc vật, quí trọng bạn bè, yêu quê hương đất nước, thương người như thể thương thân… 

Tuy không không thành công hay hiển đạt (gì ráo trọi) tôi vẫn sống được như một người đàng hoàng cho mãi đến hôm nay là nhờ luôn ghi khắc (và biết ơn) những gì đã được học hỏi vào thưở ấu thời. Hình ảnh của những cô giáo (thiên thần) của tôi cũng thế, cũng mãi mãi in đậm trong tâm trí của một kẻ tha hương – dù tóc đã điểm sương. 

Trên con đường học vấn, tôi tự cho mình là một kẻ may mắn. Ít nhất thì cũng may mắn hơn rất nhiều những đứa bé thơ, hiện đang lớn lên ở đất nước Việt Nam: 

– Cô giáo mầm non dùng dép đánh vào đầu trẻ 

– Viết sai chính tả học sinh bị cô giáo đánh thâm tím mặt 

– Giáo viên buộc học sinh uống nước giẻ lau bảng – 

Thầy giáo cấp 1 bị tố dâm ô 9 học sinh lớp 3 … 

– Phụ huynh biểu tình phản đối lạm thu

 Như đã thưa, tôi vốn đa cảm và yếu đuối. Nghe tiếng vỡ vụn của một cái vỏ ốc sên dưới gót chân (lỡ bước) cũng đủ khiến tôi cảm thấy bất an nên không khỏi hoang mang, lo ngại cho những mầm non xứ sở vì những mẩu tin thượng dẫn. 

May thay – tuần rồi – tôi tình cờ quen được một cô giáo trẻ, đang đi thăm người thân ở thủ đô Bangkok. Khi được hỏi về nghề nghiệp, cháu hãnh diện cho biết mình là một giáo viên dạy học tại một vùng quê thuộc tỉnh Nghệ An. 

Tính cởi mở, và vẻ bặt thiệp, của người đồng hương khiến tôi bớt ngần ngại khi đặt những câu hỏi về tình trạng trẻ thơ bị ngược đãi hay bạo hành nơi trường học. Cháu xác nhận là có nhưng không nhiều lắm, và nói thêm rằng trở ngại lớn của nền giáo dục Việt Nam (hiện nay) là mức sống quá thấp nơi những thôn làng heo hút. Ở lắm chỗ, chuyện ăn mặc vẫn còn là vấn đề nên việc học hành gần như đang bị lãng quên hay bị coi như là điều xa xỉ. Trước khi chia tay, chúng tôi trao đổi fb, email …  Có lẽ vì sợ tuổi tác khiến cho tôi khó cập nhật thông tin nên vài hôm cô giáo trẻ gửi cho tôi vài bài báo, rất cảm động, về công việc của nhiều bạn đồng nghiệp: –

 Cô giáo bản nghèo, cống hiến tuổi thanh xuân cho học sinh vùng cao

 – Cô giáo trẻ mang lời ca tiếng hát ra hải đảo 

– Ngưỡng mộ cô giáo trẻ năng động, tâm huyết ở bãi bồi ven bờ sông Hậu

 – Cô giáo 19 năm hi sinh hạnh phúc riêng vì học trò vùng cao  

Tuần qua, tôi cũng tình cờ đọc được một đoạn văn ngăn (ngắn) nhưng đầy ắp tình cảm của nhà báo Mai Thanh Hải. Ông viết vì quá xúc động sau cái chết của một cô giáo vùng cao, bị lũ cuốn trôi:

 Vẫn nhớ gương mặt em hòa lẫn cùng hơn 20 gương mặt giáo viên Mầm non toàn nữ, trong những ngày rét nhất, rét đến cứng đơ người của mùa rét 2011 năm trước, khi các em tập trung về điểm Trường chính Sàng Ma Sao (Bát Xát, Lào Cao) nhận áo ấm, thực phẩm, chăn màn của Gánh Hàng xén – “Cơm có thịt” cho bọn lít nhít đang ngồi yên ở điểm Trường Ki Quan San, đợi cô về. 

Hôm ấy, mình phải ngủ lại điểm trường chính vì đường rừng bị sạt lở và lần đầu tiên, mấy thằng đàn ông bị “quây” rượu bởi hơn 30 cô giáo trẻ măng, vừa học xong đã phải lên trên bản dạy học, cả tháng may ra về Thị trấn được 1 lần. 

Cuộc rượu về đêm, không say nổi bởi nghe các em thay nhau kể về cái cảnh thiếu thốn, chịu đựng và còn cả khát khao rất tầm thường của những thiếu nữ mới hơn 22-23 tuổi, đang ở phố thị, nhoằng cái phải lên rừng dạy học. 

Sống cuộc sống không điện đóm, không tivi, không đài, không bạn bè, không tiếng người Kinh qua lại. Thiếu thốn từ hạt muối cho đến thanh củi, đêm nằm trong căn nhà tranh dột nát, gió lùa hun hút, không ngủ được vì lạnh, thành mất ngủ triền miên… Gần 2 năm, dự định gần Tết lại mang áo của Áo ấm biên cương lên Sàng Ma Sáo, gặp lại các em. Vậy mà! 

Vĩnh biệt em, cô giáo Lý Thị Hồng (SN 1987, dân tộc Giáy, cư trú ở thôn Piềng Láo, xã Mường Hum, Bát Xát, Lào Cai) – Giáo viên thuộc phân hiệu Ki Quan San, Trường Mầm non xã Sàng Ma Sáo… 

Họ hy sinh mọi thứ (kể cả tính mạng) nhưng họ chỉ được nhận lại khoản tiền thù lao vô cùng ít ỏi. Theo BBC: “Một nhà khoa học Việt Nam đưa ra đánh giá nói công an và quân đội có thu nhập chính thức cao nhất, còn nghề giáo và làm nông là thấp nhất nước này.” Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng Phòng GD, Sở GD-ĐT TPHCM – cho biết thêm chi tiết: “Tính ra, thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc!” 

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám Đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định: “Không đâu chăm lo mầm non tốt như ở nước ta!” Tôi e khó mà chia sẻ với sự lạc quan của vị Phó Giám Đốc Sở GD-ĐT TPHCM, trước thực trạng “thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc!” 

Tuy thế, không ai có thể phủ nhận được sự tận tụy, cùng tấm lòng vị tha, của hằng vạn giáo viên trên khắp nẻo đường đất nước. Xin chân thành cảm ơn các em, các cháu – những cô gái Việt Nam vô danh và thầm lặng – đã vì những mầm non bất hạnh mà hy sinh, và trao trọn tuổi thanh xuân, để tương lai của xứ sở đỡ được phần đen tối.


Copyright (C) https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-nhung-co-giao-nho-2/ .

Kêu gọi ‘ủng hộ bảo hiểm y tế học sinh’ đã giúp rõ hơn về ‘nguồn lực Việt Nam’

 Hoài Nguyễn



 (VNTB) – “Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế phù hợp với độ tuổi, nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ.” 

Chuẩn bị chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6, TP.HCM) vừa có thư ngỏ xin không nhận hoa ngày 20-11, mà thay bằng thẻ bảo hiểm y tế học sinh. 

Ông Đinh Phú Cường, hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6, TP.HCM, cho biết: “Hằng năm cứ đến 20-11 là trường chúng tôi nhận khá nhiều hoa và bánh kem. Thật ra, một năm có một ngày lễ của nghề, hoa thì rất đẹp, ai cũng thích. Nhưng hoa đẹp chỉ dùng một ngày thì rất phí phạm, trong khi năm nay tình hình đã khác.

 Sau đại dịch Covid-19, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Khoản phí bảo hiểm y tế học sinh Nhà nước thu 680.400 đồng/học sinh nhưng đến thời điểm này trường chúng tôi vẫn còn 89 em chưa đóng được. Một số phụ huynh đã xin nhà trường cho nợ hoặc trả góp khoản này. Do đó, trường chúng tôi đã gởi thư ngỏ đến phụ huynh, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Nhà trường xin không nhận hoa, bánh kem ngày 20-11, mà xin thay thế bằng thẻ bảo hiểm y tế để chúng tôi phát cho học sinh khó khăn”. 

Và, thật bất ngờ: Sau hai ngày gởi thư ngỏ, đến nay trường THCS Nguyễn Văn Luông đã nhận được số tiền tương đương với 200 thẻ bảo hiểm y tế học sinh. 

Cái kết đầy tốt đẹp này đã mở ra vấn đề lớn hơn với Đảng ở tư cách ‘lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội’ theo Hiến định tại điều 4.1 về việc thực thi Luật trẻ em. Theo đó, các ‘nội dung cáo buộc’ về trách nhiệm Hiến định được căn cứ theo Luật trẻ em, tại “Điều 5. Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em: 

1. Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình. 

2. Không phân biệt đối xử với trẻ em. 

3. Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em. 

4. Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. 

5. Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, ngành và địa phương”. 

Pháp luật cũng đã quy định về nội dung được gọi là “nguồn lực để bảo đảm”, tại Điều 7. Nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Luật trẻ em, như sau: “

1. . Nhà nước bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, ngành và địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. 

2. Nguồn tài chính thực hiện quyền trẻ em bao gồm ngân sách nhà nước; ủng hộ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong nước, nước ngoài; nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ; viện trợ quốc tế và các nguồn thu hợp pháp khác. 

3. Nhà nước có giải pháp về nhân lực và bảo đảm Điều kiện cho việc thực hiện quyền trẻ em; phát triển mạng lưới người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, ưu tiên bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và vận động nguồn lực để phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm”. 

Luật trẻ em cũng nhấn mạnh rằng “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển” – Điều 12 “Quyền sống”; “Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh” – Điều 14 “Quyền được chăm sóc sức khỏe”. 

Tuy nhiên ở Luật trẻ em có một điều khoản mà qua đó các tổ chức phi chính phủ lẫn xã hội dân sự có thể vận dụng để đánh giá mức độ “an dân” của Đảng và nhà nước Việt Nam qua cụ thể ở từng giai đoạn: “Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế phù hợp với độ tuổi, nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ” – trích khoản 5, Điều 43 “Bảo đảm về chăm sóc sức khỏe trẻ em”. 

Mặc dù như rất nhiều lần tuyên bố đầy phấn khích của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở suốt nhiệm kỳ vừa qua và hiện tại: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, song ở Việt Nam cho đến tận hôm nay, chuyện miễn phí bảo hiểm y tế chỉ áp dụng với trẻ em đến 72 tháng tuổi (tức từ lúc sinh ra tới 6 tuổi).


Copyright (C) https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-keu-goi-ung-ho-bao-hiem-y-te-hoc-sinh-da-giup-ro-hon-ve-nguon-luc-viet-nam/ .

Ai đã làm hư đảng viên Phan Việt Cường?

 Sơn Trà



 (VNTB) – Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam bị cáo buộc liên quan đến việc lũng đoạn chính sách trong đại dịch COVID.

 Lẽ nào Bộ Chính trị là… ‘vô can’?

 Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư), từ ngày 14 đến 16-11, tại Hà Nội, UBKT T.Ư đã họp kỳ thứ 33 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Trần Cẩm Tú. 

Tại kỳ họp, sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam, UBKT T.Ư nhận thấy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiếp nhận công dân về nước phòng, chống dịch; quản lý, sử dụng đất đối với một số dự án đầu tư và thực hiện các dự án, gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự. 

UBKT T.Ư đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025 và các ông Phan Việt Cường, Trần Văn Tân, Trần Đình Tùng. 

Ông Phan Việt Cường được Bộ Chính trị ‘sắp ghế’ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 thay ông Nguyễn Ngọc Quang bất ngờ… ‘nghỉ hưu’ kể từ ngày 1-1-2019. Ngày 12-10-2020, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, ông Phan Việt Cường tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2020-2025.

 Hạ tuần tháng 6-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Nam. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Nam do ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam làm trưởng ban. 

Hôm ra mắt Đảng bộ Quảng Nam, tân Bí thư Phan Việt Cường đã tuyên thệ như sau – trích băng hình: “Đứng trước các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh, tôi xin hứa tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; luôn giữ vững bản lĩnh chính trị; kiên định lập trường, quan điểm Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Không có hiện tượng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Bản thân sẽ đem hết sức mình, trí tuệ để cùng với các đồng chí Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị toàn tỉnh đưa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra”. 

Nhìn từ một ‘văn kiện báo công’ của Đảng bộ Quảng Nam 

Đầu năm 2023, trong một tuyên bố trên báo Quảng Nam, ông Phan Việt Cường khẳng khái: “Sai phạm của những cá nhân hay tập thể nếu có, trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của Đảng và pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ như tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư. Tôi mong rằng, những chuyện không hay vừa qua là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho cán bộ, đảng viên hãy biết tự giữ mình”. 

Ở bài báo trên, ông Phan Việt Cường kể loạt công trạng và nội dung này được lưu trữ như văn kiện thành tích của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam dưới thời Bí thư Phan Việt Cường – trích:

 “Quảng Nam đón chuyến bay giải cứu đầu tiên vào cuối tháng 4-2021 và chuyến cuối cùng là giữa tháng 1-2022. Có tổng cộng 40.096 người từ nước ngoài hồi hương về cách ly an toàn tại 28 khách sạn, hầu hết 4 sao trở lên và chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển Hội An, Điện Bàn. 

Trước đó, từ ngày 29-5-2020, đã có chuyến bay đầu tiên đưa kiều dân Việt Nam về quê hương và được cách ly tại Trường Cảnh sát nhân dân 5 (Thăng Bình), do quân đội trực tiếp quản lý và được miễn phí hoàn toàn. 

So với thời điểm Chính phủ có chủ trương cho phép thực hiện những chuyến bay giải cứu có thu phí, Quảng Nam là một trong số các địa phương triển khai thực hiện khá sớm. Cụ thể, ngày 7-4-2021,Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2490 về một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. 

Tiếp đó là nhiều văn bản khác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch, các Bộ, ngành trung ương về chủ trương này. Và ngày 16-4-2021, UBND tỉnh có Công văn số 2195 về việc tiếp đón công dân về nước cách ly tập trung tại các khách sạn.

 (…) Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch rơi vào sự suy thoái nặng nề; nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng sa thải hầu hết nhân viên, đứng trước nguy cơ phá sản. Vậy nên, rất dễ hiểu ngay khi có chủ trương của Chính phủ, hàng loạt khách sạn như thấy được chiếc “phao cứu sinh” trước mắt mình, nhanh chóng đăng ký để được làm khu cách ly đón bà con về nước tránh dịch. 

Sẵn kinh nghiệm từ công tác phối hợp phục vụ đón công dân, quản lý và thực hiện phòng chống dịch tại cơ sở cách ly tập trung đối với bà con nước ngoài về quê hương trên các chuyến bay giải cứu miễn phí do quân đội quản lý (Quảng Nam đã đón 6.293 công dân Việt Nam về nước cách ly thuộc diện này từ tháng 5-2020 đến tháng 10-2021); diễn biến của dịch bệnh và năng lực phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh; nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp; cùng trách nhiệm, tình cảm đối với bà con xa quê, chính là những lý do có thể lý giải cho sự năng động, quyết liệt của Quảng Nam. 

Cũng cần nhắc thêm, địa phương rất thuận lợi khi có nhiều khách sạn đủ tiêu chuẩn ở gần sân bay Đà Nẵng, và giai đoạn đó, TP.Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành khác vẫn đang phong tỏa trên diện rộng vì dịch bệnh. 

Hơn 46 nghìn bà con ở nước ngoài về nước (kể cả trên các chuyến bay giải cứu có thu phí và miễn phí) được cách ly an toàn, chăm lo chu đáo hẳn sẽ rất vui mừng. Hàng chục khách sạn nhờ đó, cũng có nguồn thu quý giá để trụ lại trong khốn khó, hàng nghìn nhân viên du lịch nhờ thế khỏi mất việc làm, là những mảng màu sáng đem lại nhiều giá trị không thể phủ nhận trong bức tranh “giải cứu” (dừng trích). 

Thay lời kết

 Không bàn ở đây chuyện nội bộ Đảng xử trí về công tác cán bộ, với nội dung của ‘báo cáo thành tích’ trên của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường, người ta có quyền ngờ vực với một tỉnh có hạ tầng y tế thua xa Đà Nẵng, song tỉnh này lại không phải chịu cảnh ‘ngăn sông cấm chợ’ của điều mà ông Phan Việt Cường nói rằng “Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành khác vẫn đang phong tỏa trên diện rộng vì dịch bệnh”.

Phải chăng đây là chủ ý khi đó của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong chuyện ‘đáp lễ’, người được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tín nhiệm trao quyền “thống lĩnh” tối cao khi dịch Covid bắt đầu bùng phát ở Việt Nam? 

Liệu các chính sách/ chủ trương ‘zero Covid’ mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bảo thủ có nguyên nhân ‘hậu trường’ của ăn chia phe nhóm trong những cú áp phe mùa dịch Covid – tức kinh doanh trên… xác đồng bào Việt Nam?


Copyright (C) https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-ai-da-lam-hu-dang-vien-phan-viet-cuong/ .

Truyện cười: Thằn lằn cụt đuôi

 Trần Thế Kỷ  



   1. Mấy người bạn trò chuyện : 

– Theo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thông tin không tốt về phim Đất Rừng Phương Nam là chưa chuẩn xác, “cần xem xét xử lý nếu có hành vi xúc phạm, bôi xấu”. 

– Cần xác định rõ thế nào là bôi xấu. Xử lý người đưa tin thất thiệt khác với việc trình bày quan điểm cá nhân khen chê một sản phẩm văn hóa ( TS Gàn )

 – Hữu xạ tự nhiên hương. Nếu ĐRPN có chất lượng cao thì khán giả sẽ rủ nhau đi xem, bất chấp đánh giá tiêu cực ( John Wick )

 – Quyền chê, quyền ghét và quyền thảo luận lại bị can thiệp à ?? ( Kiu Pit ) 

– Bôi xấu hay gì đã có quy định trong pháp luật, chẳng lẽ Bộ trưởng lại không biết ( Occi ) 

– Giờ mới nhớ cha Bộ trưởng Văn hóa này từng hành xử rất vô văn hóa khi hiên ngang bước trên thảm đỏ, mặc kệ Thủ tướng Malaysia đi ngoài rìa ( Tư Cổ Cò ) 

– Đúng là cha Bộ trưởng này. Hành xử vô văn hóa như vậy, ông ta đã bôi xấu đất nước ! ( Năm Sài Gòn )     


2. Anh Năm bảo anh Tư : 

– Trung Quốc  muốn giúp Việt Nam chống tham nhũng, đảm bảo “con đường tơ lụa sạch”. 

– Hay, Trung Quốc là vua tham nhũng mà lại đòi dạy nước khác chống tham nhũng. 

– Là anh em thì phải giúp nhau thôi. “Núi liền núi, sông liền sông” mà. – Hay là “H.ng liền h.ng, mông liền mông” ? 

– Cũng được thôi. Bác Tập đã dạy : “Cộng đồng chung vận mệnh”. 

– “Cộng đồng chung vận mệnh” hay là “Đứa nào không nghe tao vặn họng” ?!     3. Hai người bạn trò chuyện : 

– Võ Văn Thưởng không rành kinh tế mà đi họp APEC. 

– Sao lại không rành ? Dẫu gì ông ấy cũng có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ về triết học Mác– Lê cơ mà. 

– Giỏi cái thứ đó thì sao ? 

– Thì nghĩa là am hiểu kinh tế chính trị Mác – Lê. 

– Ôi sời, kinh tế chính trị Mác – lê biến thành đống rác từ lâu rồi.

 – Rác cũng xài được chứ. Đời không có gì là bỏ đi. 

– Đành vậy. Nhưng đi họp nơi xứ người mà bê theo đống rác thì có hay ho gì ? 

– Hay chứ. Thiên hạ vừa họp vừa được ngửi mùi rác thum thủm thì thế nào mà chẳng bảo nhau  : “Mẹ kiếp, thằng nào đánh rắm thối quá” !   


 4. Năm Xích lô bảo Tư Ba gác :

 – Chốc nữa tớ sẽ đi Trung Đông. 

– Để làm gì ? 

– Để tháo ngòi nổ Hamas – Israel. 

– Cậu là cái mẹ gì mà đòi tháo cái ngòi nổ đó ? LHQ còn chả làm được nữa kia. 

– Sao lại không là cái mẹ gì ? Tớ sẽ tới Trung Đông với tư cách là công dân nước CHXHCNVN độc lập tự do miếng nào to thì gắp. 

– Ừ nhỉ. Cậu mà xưng như thế thì ai cũng phải sợ vãi ra quần. 

– Chứ sao. Tớ sẽ bảo Israel : “Ngừng bắn ngay !”. Quay sang Hamas, tớ bảo : “Ngừng bắn ngay. Thả hết con tin ra”. Cả hai phe ắt sẽ nghe tớ răm rắp. 

– Chứ còn gì nữa. Cậu mà mang lại hòa bình cho Trung Đông thì mười mươi sẽ được cái Nobel Hòa bình vanh vá. Chúc cậu thành công, đại thành công. Đừng trở về với cái xác không hồn !


Copyright (C) https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-truyen-cuoi-than-lan-cut-duoi/ .

Dân túy chính trị

 Dương Quốc Chính-17-11-2023

Ảnh chụp màn hình bài báo Tuổi Trẻ

Dân túy, hiểu một cách nôm na, đó là dùng lời nói hoa mỹ để vuốt ve quần chúng, nhưng không thể thực hiện được bởi nguồn lực đang có, hoặc đưa ra những lợi ích ngắn hạn để lấy lòng đám đông nhưng bỏ qua lợi ích dài hạn, bền vững. Dân túy nhằm mục đích để lấy lòng đám đông, để có lợi cho cá nhân, phe nhóm đang áp dụng chính sách dân túy đó hoặc đơn giản chỉ là thủ pháp tuyên truyền.

Các nền dân chủ mới phổ biến kiểu chính trị dân túy, bởi vì nó dựa trên nguyên lý vận hành cơ bản nhất của nền dân chủ, đó là muốn cầm quyền, muốn chính sách được áp dụng… thì phải được đám đông ủng hộ. Các nước độc tài, toàn trị nguyên bản khi đã có quyền lực vững vàng đều hiếm khi cần dân túy vì quyền lực họ đang nắm chắc chắn rồi mà đâu cần lá phiếu của quần chúng. Khi đó, khái niệm dân túy được chuyển sang tuyên truyền, để dân tin yêu chứ không cần để dân bầu.

Ví dụ về dân túy điển hình là phong trào đập hè đường của anh Hải cẩu. Nó được lòng dân, nhưng phi thực tế, nên hiệu quả chỉ tức thời như bắt cóc bỏ đĩa. Không thể thành 1 chính sách bền vững để kiểm soát việc lấn chiếm vỉa hè.

Hay như việc ông Thaksin thủ tướng Thái bị kết án do mua giá cao thóc của nông dân, để mua phiếu của nông dân (chiếm đa số), nhưng làm hại cho quốc gia vì làm tăng giá gạo, mất sức cạnh tranh quốc tế. Mấy hôm trước cũng có đại biểu QH Việt Nam hò hét phải tăng lương, giảm giờ làm. Cũng là dân túy, bởi CP chỉ có thể áp đặt mức lương tối thiểu và thời gian làm tối đa, chứ không thể áp đặt như trên, đó là thỏa thuận giữa chủ và thợ. Các ví dụ trên là dân túy cánh tả, đôi khi là thủ đoạn chính trị, đôi khi là do nhận thức kém.

Nhưng dân túy chính trị kinh điển nhất phải là phổ thông đầu phiếu khi 95% dân không biết chữ! Và cải cách ruộng đất, tiêu diệt địa chủ, để lấy lòng nông dân, nhưng phá hủy mối quan hệ kinh tế cơ bản, làm rối loạn xã hội, phá hủy luân thường đạo lý (con tố bố mẹ, người làm tố ân nhân…).

Ông Trump cũng là trùm về dân túy cánh hữu hiện nay, khi chém gió lấy lòng dân, kiểu xây tường ngăn dân Mễ vượt biên, lại còn bảo bắt Mexico bỏ tiền ra xây. Nhìn Tàu làm hàng rào biên giới Việt Nam đó, lặng lặng làm và tự bỏ tiền! Hiện tại ông đang đe sẽ trục xuất dân nhập cư lậu nữa.

Tóm lại, dân túy là việc cơm bữa mỗi ngày ở các chế độ chính trị, nó diễn ra thường xuyên liên tục, nếu không đủ khả năng nhận thức là bị chăn ngay.

***

Quay về chuyện ông Lưu Bình Nhưỡng. Nhiều người bảo ông ấy là dân túy. Không sai đâu. Nhưng cũng không trách ông ấy được. Vì ĐB QH Việt Nam vốn dĩ ít có vai trò gì, nên coi như 100% tiếng nói trái chiều đều không gắn liền với việc thực thi, tức là dân túy hết.

Đó là do có tới hơn 95% số ĐB QH là đảng viên. BCT kiểm soát QH thông qua đảng đoàn QH. Đảng đoàn kiểm soát UB thường vụ QH. Mỗi đợt cần bỏ phiếu vấn đề gì thì đảng quán triệt trước, anh em đại biểu cứ dựa vào đó mà bỏ phiếu, lộn lề là liệu hồn. Thế nên yên tâm là đồng thuận ý đảng lòng dân (thông qua đại biểu).

Vậy muốn trách thì đi trách QH có vai trò thấp, trách gì mấy ông ĐB chém lộn lề là dân túy? Muốn chính sách hay đề xuất của mấy ông ấy hết dân túy thì những người như thế phải chiếm đa số ở QH nhé. ĐB QH vốn dĩ cũng chỉ biết chém gió, còn làm là bên hành pháp, tư pháp. Họ không làm thì ĐB QH cũng chả làm gì được, vì chỉ là cánh én nhỏ.

Quay sang Hạ viện Mỹ để so sánh. Hạ viện hiện tại do đảng CH chiếm đa số, nhưng lệch đâu đó 10 ghế thôi, là rất mong manh. Nên chủ tịch Hạ viện (của CH) có thể chém rất oách, đi ngược lại quan điểm của tổng thống và thượng viện (phe DC) nhưng khi bỏ phiếu có thể vẫn xịt, vì chỉ cần 10 ông dân biểu CH quay xe. Mà dân biểu Tây nó quay xe là thường, vì không phải đảng viên luôn đồng thuận tuyệt đối với chủ tịch đảng hay chính sách chung của đảng. Vẫn có this và that.

Hiểu được rủi ro đó, nên đảng ta chốt cmn 95% đảng viên ở QH, phòng nhỡ 1 số anh em quay xe, thì vẫn còn ít nhất ăn được 70% phiếu! Chứ về lý thuyết, đảng chỉ cần nắm 60% ghế là đã ăn chắc, nếu không có quay xe. QH khóa 1, 2 đảng đối lập là Việt Quốc, Việt Cách chiếm 21% ghế đó (70/333).

Từ khi khai thiên lập địa, thời Lenin, nhà nước CS đã không chấp nhận có đối lập đấu tranh nghị trường. Nhà nước CS đầu tiên bị sụp đổ do đấu tranh nghị trường, rất êm ái, là Công đoàn đoàn kết ở Ba Lan (CS) thắng cử. Đương nhiên đảng ta và đảng Tàu phải nhận thức sâu sắc được các bài học kể trên. Nên 100% các đại biểu kiểu ông Nhưỡng đều là dân túy hết.

Nếu hiểu sâu sắc về chính trị và bản chất thể chế thì nhìn hiện tượng ông Nhưỡng, ông Đam, ông Hải cẩu, ông Thăng…thì cũng không nên xúc động quá đà. Hãy cứ bình thản mà theo dõi như quan sát một cánh én nhỏ. Bao giờ tứ trụ chém như các ông ấy thì hãy xúc động nhé.

Cần thêm bộ sách giáo khoa nữa không?

 Nguyễn Ngọc Chu-17-11-2023



Với Việt Nam hiện nay, nội dung sách giáo khoa (SGK) cho học sinh phổ thông là vô cùng quan trọng. Nếu các nước có nhiều chương trình, nhiều bộ SGK, và giáo viên giữ vai trò quyết định trong lựa chọn nội dung và phương thức truyền dạy, thì ở nước ta, giáo viên chỉ được dạy những nội dung đã được phê duyệt trong SGK. Mọi sự dạy ngoài SGK, nếu không cẩn trọng, có thể dẫn đến bị coi là vi phạm pháp luật. Bởi thế, nội dung SGK phải được xem xét kỹ lưỡng. Trước khi quyết định dạy điều gì và không dạy điều gì thì yêu cầu đầu tiên phải là không có sai sót.

Hiện tại có ba bộ SGK đang được biên soạn được Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGD&ĐT) cho phép dùng trong chương trình cải cách giáo dục. Nhưng cả ba bộ SGK đều có nhiều khiếm khuyết. Vì nội dung SGK quyết định tri thức của nhiều thế hệ học sinh phổ thông, nên xã hội yêu cầu phải có những bộ SGK tốt hơn. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị QH quyết định thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 [1] về việc giao cho BGD&ĐT biên soạn một bộ SGK [2].

Nghe các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu trên nghị trường trong các ngày qua, một phía yêu cầu BGD&ĐT phải làm thêm một bộ SGK, một phía thì cho rằng không cần thiết. Trên mạng xã hội cũng chia làm hai phía, ủng hộ và không ủng hộ. Viện dẫn đủ lý do, từ các Nghị quyết Quốc hội (NQQH), cho đến tốn kém tài chính, cuộc tranh luận ủng hộ và chống đối chưa đi đến hồi kết. Cách tiếp cận theo chiều hướng này sẽ không đưa đến lời giải.

I. NHỮNG CÂU HỎI MANG TÍNH TIÊN ĐỀ

Để thoát khỏi các cuộc tranh luận pháp lý về NQQH không đưa đến hồi kết, cũng như giúp cho QH, Chính phủ (CP) và BGD&ĐT thêm phương án để quyết định, chúng ta sẽ thay đổi cách tiếp cận. Trước hết là trả lời những câu hỏi khung, mang tính tiên đề, từ đó suy ra lời giải.

1. THỰC TIỄN QUYẾT ĐỊNH

Bộ Tổng tham mưu của một chiến dịch đưa ra kế hoạch tác chiến. Nhưng thực tế trên chiến trường thay đổi, dẫn đến phải thay đổi kế hoạch tác chiến. Như vậy là “Thực tiễn quyết định Nghị quyết”, chứ không phải “Nghị quyết quyết định Thực tiễn”. Cũng như vậy, các NQQH đưa ra về sách giáo sẽ còn phải thay đổi chừng nào chưa có ít nhất là một bộ SGK được xã hội chấp nhận. Nghĩa là chất lượng SGK đạt yêu cầu hay chưa đạt yêu cầu quyết định việc phải có thêm SGK nữa hay không. “Thực tiễn quyết định Nghị quyết” làm cho chúng ta thoát khỏi cuộc tranh luận pháp lý về các NQQH mà đi đến câu hỏi thực chất tiếp theo…

2. CÁC BỘ SGK ĐẠT YÊU CẦU HAY CHƯA?

Chưa, các bộ SGK đã biên soạn chưa đạt yêu cầu. Đây là câu hỏi mang tính quyết định. Nếu ba bộ SGK cải cách đã biên soạn và đang biên soạn đạt yêu cầu thì chưa cần có thêm ngay bộ SGK nữa. Nhưng tiếc thay, các cuốn SGK đã biên soạn của cả ba bộ SGK đều có sai sót, chưa đạt yêu cầu. Các cuốn SGK sắp biên soạn cũng không đảm bảo là chắc chắn tốt. Vì thế, thực tiễn đòi hỏi phải có thêm những bộ SGK khác tốt hơn.

3. TẠI SAO CÁC BỘ SGK ĐÃ BIÊN SOẠN CHƯA ĐẠT YÊU CẦU?

Cần thiết phải trả lời câu hỏi này để tránh sai lầm khi đưa ra quyết định có thêm các bộ SGK khác nữa.

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng của ba bộ SGK đang được lựa chọn cho chương trình cải cách giáo dục. Nhưng chỉ xin nêu mấy nguyên nhân.

– Vừa viết SGK vừa đưa vào giảng dạy. Không có thời gian kiểm nghiệm thực tế. Không có nước nào liều lĩnh như nước ta. Đây là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng xấu đến chất lượng SGK

– Mang tính độc quyền, chưa có sự cạnh tranh.

– Độc quyền của nhà xuất bản (NXB). Chỉ số ít NXB được phép biên soạn SGK.

– Độc quyền lựa chọn các tập thể tác giả biên soạn. Chỉ các NXB được phép biên soạn SGK mới có quyền lựa chọn ai được quyền viết SGK.

– Chất lượng SGK phụ thuộc vào tầm của Giám đốc Nhà Xuất bản. Vì chất lượng SGK phụ thuộc vào các tác giả viết SGK. Mà các tác giả viết SGK lại do Giám đốc (người có quyền hạn và trách nhiệm cao nhất) NXB quyết định. Thêm nữa NXB quyết định giá SGK, quyết định trả thù lao. Nên cuối cùng chất lượng SGK phụ thuộc vào “nhãn quan” của Giám đốc NXB.

4. TẠI SAO GIÁ THÀNH CỦA BA BỘ SGK HIỆN HÀNH CAO?

Là bởi vì độc quyền. Chỉ có hai NXB và ba bộ SGK nên dễ dàng giữ mặt bằng giá SGK để có lợi nhuận.

Đây cũng là vấn đề mấu chốt dẫn đến yêu cầu phải có bộ SGK mới. Nó gây ra phản ứng dữ dội trong xã hội. Bởi xã hội hàng năm phải bỏ ra một nguồn kinh phí rất lớn để mua SGK. Đến mức phải yêu cầu QH can thiệp quản lý giá SGK.

5. CÓ THỂ CÓ NHỮNG BỘ SGK KHÁC TỐT HƠN VỀ NỘI DUNG VÀ GIÁ KHÔNG?

Có. Vì nới lỏng sự độc quyền. Muốn có thêm SGK thì sẽ có thêm các tác giả mới ngoài các tác giả của ba bộ SGK hiện hành. Số lượng người viết SGK sẽ rộng hơn. Các NXB nhiều hơn. Sự cạnh tranh lớn hơn. Kết quả là chất lượng tốt hơn và giá thành cũng hạ hơn.

6. CÓ QUAY LẠI THỜI KỲ MỘT CHƯƠNG TRÌNH MỘT BỘ SGK KHÔNG?

Không. Không quay lại thời kỳ một chương trình một bộ SGK. Vì nó bảo toàn sự độc quyền, trói buộc sự tự do sáng tạo. Phải tiến đến nhiều chương trình, nhiều bộ SGK, như nhiều nước tiến tiến đã lựa chọn.

7. XÃ HỘI HOÁ HAY BAO CẤP CHO SGK?

Phải hiểu đúng phạm vi xã hội hoá ở nước ta. Muốn xã hội hoá tốt thì phải có thị trường cạnh tranh tự do. Nước ta, sở hữu nhà nước giữ vai trò quyết định. Lãnh đạo chỉ do một đảng. Nên sẽ có sự ngự trị của độc quyền. Ở nước ta sẽ không có thị trường cạnh tranh tự do toàn phần, chỉ xã hội hoá được phần nào ở một số lĩnh vực. Chỉ khi sở hữu tư nhân áp đảo, đa đảng tranh quyền, thì lúc đó mới có thị trường cạnh tranh tự do toàn phần, và sẽ xã hội hoá được ở nhiều lĩnh vực.

Riêng về lĩnh vực giáo dục, thì nhiều nước xem phổ cập Giáo dục phổ thông (GDPT) như thực hiện quyền cơ bản của con người. Bởi vậy, nhờ sự giàu có về tài chính giúp gia tăng mức độ an sinh xã hội, GDPT được bao cấp toàn phần ở các nước văn minh. Nước ta rồi cũng phải tiến đến GDPT miễn phí.

8. NHƯNG NẾU BAO CẤP, DÙNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO SGK CÓ TRÁNH ĐƯỢC LÃNG PHÍ VÀ QUAY TRỞ VỀ TRẠNG THÁI ĐỘC QUYỀN?

Vấn đề là sử dụng kinh phí nhà nước phục vụ mục đích miễn phí GDPT, chứ không phải sử dụng kinh phí nhà nước để bao cấp cho bộ SGK này mà không bao cấp cho bộ SGK kia. Nghĩa là phải tạo ra mội trường cạnh tranh sòng phẳng. Có cách thức sử dụng ngân phí nhà nước một cách khoa học cho mục tiêu miễn phí GDPT. Các nước họ cũng đã làm rồi. Không phải chúng ta là nước đầu tiên.

Nếu chúng ta duy trì chỉ có ba bộ SGK hiện nay, chính là duy trì sự độc quyền cho ba bộ SGK đó. Có thêm các bộ SGK mới, rõ ràng sự cạnh tranh gia tăng, không thể quay về thế độc quyền hơn tình trạng hiện nay. Nguyên nhân quan trọng khác, như đã phân tích ở trên là chất lượng các SGK đã xuất bản của cả ba bộ SGK không đạt yêu cầu. Chúng ta không thể sử dụng các sản phẩm khuyết tật. Nhất là sách để dạy người.

9. KẾT LUẬN

Từ những điều nêu trên có thể đi đến các kết luận cốt lõi sau đây.

9.1. Việc phải có thêm các bộ SGK mới là do đòi hỏi của thực tiễn, không phụ thuộc vào các Nghị quyết của QH. Ba bộ SGK hiện có chưa đạt yêu cầu. Bởi thế cần thiết phải có các bộ SGK mới có chất lượng tốt hơn. SGK không phải để cho một năm mà cho nhiều năm. Nhiều thế hệ con em của chúng ta không thể học theo các bộ SGK chưa đạt yêu cầu. Chúng ta cần không chỉ một bộ SGK tốt.

9.2. Ngoài ba bộ SGK hiện có, thì việc tiếp tục có thêm các bộ SGK mới làm cho sự cạnh tranh trong biên soạn và xuất bản SGK tăng lên, bớt đi tính độc quyền, do đó sẽ cho ra đời các bộ SGK tốt hơn về nội dung, hạ hơn về giá thành.

9.3. BGD&ĐT có thể tự đứng ra biên soạn SGK, cũng có thể đặt hàng những đối tác có thể biên soan SGK. Trước hết là đưa ra cơ chế công bằng để các đối tác có năng lực đều có thể tham gia biên soạn và xuất bản các bộ SGK. Cơ chế này phải bảo đảm ba điều quan trọng: công bằng, quyền tự do tham gia, không bỏ sót tài năng.

9.4. Phải tiến tới nhiều chương trình, nhiều bộ SGK như các nước tiên tiến đã lựa chọn.

9.5. Cùng với việc cho giáo viên quyền lựa chọn SGK là nới rộng tự do cho giáo viên trong biên soạn nội dung giáo án. Nghĩa là mở rộng sự tự do của giáo viên đối với SGK.

Để cho giáo viên tự do đổi mới kiến thức và phương pháp giảng dạy. Để cho học sinh được tự do toả sáng suy nghĩ cá nhân, không ràng buộc vào SGK và giáo viên. Khai phóng cho thầy và khai phóng cho trò là hai trụ cột chính của giáo dục khai phóng.

II. ĐỀ XUẤT MỘT CÁCH TIẾP CẬN VỀ BIÊN SOẠN SGK

BGD&ĐT là cơ quan thay mặt Chính phủ phụ trách về lĩnh vực giáo dục. Nhưng Chính phủ mới là người cuối cùng chịu trách nhiệm trước toàn dân về giáo dục. Đề xuất dưới đây là để cho Chính phủ. Cụ thể là cho Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách về lĩnh vực giáo dục.

Để cho SGK rơi vào tình trạng hiện nay, lỗi đầu tiên thuộc về BGD&ĐT. Qua nhiều đời Bộ trưởng, BGD&ĐT đã mắc rất nhiều sai lầm, dẫn đến đời Bộ trưởng hiện nay phải gánh chịu hậu quả.

Sai lầm đầu tiên là chọn “tổng công trình sư” không đủ năng lực. Sai lầm tiếp theo là phó thác cho NXB độc quyền biên soạn SGK, độc quyền lựa chọn các tác giả viết SGK. Sai lầm lớn nữa là vội vã vừa viết SGK vừa đưa vào giảng dạy mà không có thời gian để kiểm nghiệm thực tiễn. Đó là những sai lầm khó chấp nhận. Âu cũng là do tầm nhìn của người đứng đầu. Người đứng đầu yếu kém thì không có gì cứu vãn khỏi thất bại, trừ phi thay thế.

1. GIAO NHIỆM VỤ BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA CHO BA TRUNG TÂM KHOA HỌC VÀ GIÁO DỤC LỚN NHẤT NƯỚC

Ở nước ta, hiện có ba trung tâm khoa học và giáo dục lớn nhất nước: Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam (VHLKHVN), bao gồm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VHLKH&CNVN) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VHLKHXHVN); Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM).

Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam (VHLKHVN), bao gồm Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VHLKH&CNVN) và Viện hàn lầm Khoa học xã hội Việt Nam (VHLKHXHVN) trực thuộc Chính phủ, độc lập với BGD&ĐT.

Theo báo cáo năm 2022 của VHLKH&CNVN [3] thì VHLKH&CNVN có 3.183 cán bộ, viên chức, bao gồm 55 giáo sư, 151 Phó giáo sư, 869 TSKH và Tiến sĩ, 843 Thạc sĩ [3]. Dự toán chi ngân sách năm 2022, từ nguồn vốn trong nước là 2.402 tỷ đồng, và từ nguồn vốn ngoài nước là 2.944 tỷ đồng.

Còn theo giới thiệu, VHLKHXHVN có hơn 2.000 cán bộ nhân viên, với hơn 700 giáo sư, Phó giáo sư TSKH, Tiến sĩ, Thạc sĩ [4]. Tiêu đề công khai ngân sách hàng năm có trên trang Web của VHLKHXHVN nhưng chưa tìm được tổng số. Nhưng từ ngân sách của VHLKH&CNVN thì cũng ước lượng được mức chi ngân sách hàng năm của VHLKHXHVN cả nguồn vốn trong nước lẫn ngoài nước cũng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đại học quốc gia Hà Nội cũng chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ [5]. ĐHQGHN có 3.476 công nhân viên, trong đó có 1876 cán bộ khoa học với 44 giáo sư, 274 phó giáo sư, 827 TSKH và Tiến sĩ, 1.330 thạc sĩ [6].

Về tài chính, theo báo cáo tài chính 2010, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho ĐHQGHN là 457,78 tỷ đồng, nguồn thu sự nghiệp là 534,21 tỷ đồng, nguồn thu khác là 4,552 tỷ đồng; tổng ba nguồn thu là 996,542 tỷ đồng [7].

Đại học quốc gia TP HCM có hơn 6000 cán bộ công nhân viên. Trong đó có hơn 35000 cán bộ giảng dạy với hơn 400 giáo sư và phó giáo sư, 1.300 tiến sĩ và TSKH, 2.200 thạc sĩ [8]. Ngân sách 2022 được giao là 464,73 tỷ đồng, trong đó từ nguồn vốn trong nước là 431,88 tỷ đồng, và từ vốn ngoài nước 32,85 tỷ đồng [9]. Nguồn thu của ĐHQG TP.HCM cũng rất lớn, nếu tính cả 6 trường đại học thành viên tự chủ tài chính, thì con số sẽ lên đến trên ngàn tỷ đồng [10].

Câu hỏi hiển nhiên là, với đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu như vậy, hàng năm dùng đến nhiều ngàn tỷ đồng tiền ngân sách, VHLKHVN (VHLKH&CNVN, VHLKHXHVN), ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM mỗi đơn vị có viết được một bộ SGK hay không?

Nhận nguồn tài chính thì phải nhận nhiệm vụ. Chính phủ giao nhiệm vụ cho ba trung tâm khoa học và giáo dục lớn nhất cả nước – VHLKHVN (VHLKH&CNVN, VHLKHXHVN), ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM, mỗi đơn vị viết một bộ SGK.

Chính phủ và nhà nước không phải bỏ tiền. Bản thân ba đơn vị đó hàng năm đã nhận một khoản tiền khổng lồ từ nhà nước rồi. Ba đơn vị đó thừa năng lực tài chính và khoa học để biên soạn và xuất bản SGK. Nếu các NXB còn tự biên soạn và xuất bản được SGK thì không có lý gì ba trung tâm khoa học và giáo dục đứng đầu cả nước lại không đủ năng lực để biên soạn và xuất bản SGK.

Đừng lý luận rằng, viết SGK phải là người đang đi dạy phổ thông. Những người đang nghiên cứu và giảng dạy tại ba trung tâm nêu trên đều đã học qua phổ thông. Họ lại tiếp cận thường xuyên với tiến bộ khoa học và giáo dục của nhiều nước. Họ cũng có con cháu đang học phổ thông. Trong số họ, có nhiều người đủ năng lực để viết SGK.

Tin chắc rằng các bộ SGK của VHLKHVN (VHLKH&CNVN, VHLKHXHVN), ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM là những bộ SGK tốt. Với tiềm lực khoa học và giáo dục lớn như vậy mà không ra được một bộ SGK tốt thì đơn giản là người đứng đầu kém, nên cách chức mà không phải băn khoan một điều chi.

2. MUA VÀ CẤP CHO HỌC SINH MƯỢN MIỄN PHÍ

Đề xuất vừa nêu trên đây có thể giúp cho BGD&ĐT hoá giải tình thế bất lợi hiện nay. Với tiềm lực to lớn cùng với sự bảo vệ thể diện trong tư cách ba trung tâm khoa học và giáo dục lớn nhất nước, các bộ SGK được biên soạn bởi VHLKHVN, ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM chắc chắn sẽ không tầm thường. Trong cuộc cạnh tranh vì sự tồn tại và vì uy tín, ba bộ SGK hiện hành cũng buộc phải thay đổi về chất lượng và giá thành. Với 6 bộ SGK cùng đua tranh, xã hội và nền giáo dục nước nhà tất đắc lợi. Cũng khômg loại trừ khi có sự xuất hiện ba đối thủ mới, một ai đó sẽ rời cuộc chơi.

Hiện nay, cả nước có khoảng 18 triệu học sinh phổ thông. Theo giá SGK hiện hành thì một bộ phải mua với giá trung bình khoảng 500 ngàn đồng. Nếu tính theo giá hiện hành thì mỗi năm cả nước phải chi cho SGK 9.000 tỷ đồng, 5 năm là 45.000 tỷ đồng.

Sau khi có thêm ba bộ SGK mới, dự đoán rằng SGK sẽ mỏng đi còn lại không quá 2/3 số trang hiện nay. Không còn độc quyền về giá. Sự cạnh tranh sẽ đưa giá SGK về giá trị thực, trung bình khoảng 300 ngàn đồng một bộ.

BGD&ĐT có trách nhiệm đánh giá các bộ SGK và lựa chọn khoảng 3 bộ để khuyến cáo sử dụng trong các nhà trường. Đồng thời, nên cấp phát một bộ miễn phí cho học sinh trên cả nước mượn, tuỳ theo sự lựa chọn của từng trường. Nghĩa là BGD&ĐT chỉ cấp miễn phí một bộ. Các trường phải tự lựa chọn sử dụng bộ sách nào.

Giả thiết một bộ SGK được cho mượn trong vòng 5 năm, mất hay hỏng học sinh phải đền. BGD&ĐT mua một bộ SGK cho mượn miễn phí theo sự lựa chọn của các trường, tính thời hạn sử dụng chỉ 5 năm, thì phải chi 5.400 tỷ đồng. Như vậy, thay vì 5 năm phụ huynh phải trả 45 000 tỷ đồng theo giá SGK hiện hành, và 27.000 tỷ đồng theo giá SGK dự báo, thì một cách tương đối, toàn xã hội sẽ tiết kiệm được một khoản tiền 39.600 tỷ đồng theo giá SGK hiện hành, hay 21.600 tỷ đồng theo giá 300 ngàn/bộ. Đó là một lợi ích khổng lồ dù tính theo giá nào.

Con đường cho mượn miễn phí SGK là con đường bắt buộc. Trước hết là vì tiết kiệm cho toàn xã hội. Sau nữa là vì mục đích giáo dục miễn phí.

3. AI SẼ PHẢN ĐỐI ĐỀ XUẤT NÀY

Sẽ có các nhóm sâu đây phản đối cách biên soạn SGK vừa nêu.

– Nhóm thứ nhất là các NXB.

– Nhóm thứ hai là các tác giả của các bộ SGK đã được lựa chọn hiện hành.

– Nhóm thứ ba là những người thu được lợi ích từ cách biên soạn, xuất bản và phân phối ba bộ SGK hiện hành.

– Nhóm thứ tư là từ một bộ phận ở các cơ quan được phân công biên soạn SGK ở VHLKHVN, ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM.

– Nhóm thứ năm là từ một bộ phận của BGD&ĐT.

Sự phản đối của 5 nhóm nêu trên đều liên quan đến lợi ích. Cũng sẽ có một nhóm thứ sáu nữa không đồng ý với cách tiếp cận nêu trên, xuất phát từ quan điểm chứ không bị lợi ích chi phối.

Nhưng với cách đề xuất biên soạn thêm ba bộ SGK nêu trên, nền giáo dục nước nhà chắc chắn có thêm những bộ SGK tốt.

TRĂN TRỞ

Kế hay mà không hiểu được thì không khác gì kế dở. Kế hay, hiểu được mà yếu đuối thì không thể thực thi. Kế hay cần người sáng trí để hiểu, mạnh mẽ để hành động. Ấy là MINH CHỦ CÁI THẾ.

Tiếc thay MINH CHỦ CÁI THẾ nhô lên từ đấu tranh sinh tồn của số đông, chứ không xuất hiện từ chu trình lựa chọn bồi dưỡng của số ít.

_____

TƯ LIỆU DẪN

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-quyet-88-2014-QH13-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-260798.aspx

[2] https://thanhnien.vn/de-nghi-quoc-hoi-quyet-dinh-viec-giao-bo-gd-dt-bien-soan-mot-bo-sach-giao-khoa-185230922092500149.htm

[3] https://vast.gov.vn/documents/20182/9960576/2022.tieng-viet.pdf/

[4] https://vass.gov.vn/noidung/gioithieu/Pages/gioi-thieu.aspx

[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/Đại_học_Quốc_gia_Hà_Nội

[6] https://www.vnu.edu.vn/home/?C2571/N14444/Chat-luong-doi-ngu-can-bo

[7] https://www.vnu.edu.vn/home/?C2572/N10536/Thu,-chi-tai-chinh.htm

[8] https://vi.wikipedia.org/wiki/Đại_học_Quốc_gia_Thành_phố_Hồ_Chí_Minh

[9] https://static.vnuhcm.edu.vn/images/DT-2023-B01-TT61-%C4%90HQG%20TP.HCM-230627025057.pdf

[10] https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32343364/nhung-thach-thuc-tren-hanh-trinh-tu-chu-dai-hoc-/353239393364.html