Wednesday, November 28, 2018

Ông Trọng yêu cầu công an ‘cảnh giác khiếu kiện đông người và an ninh mạng’

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (trái) và Bộ Trưởng Công An CSVN Tô Lâm. (Hình: An Ninh Thủ Đô)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Bộ Công An CSVN cảnh giác về “âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, suy thoái nội bộ, tình trạng khiếu kiện đông người, vấn đề an ninh mạng…” và kêu gọi lực lượng công an “đấu tranh phản bác lại những tư tưởng, luận điệu xuyên tạc, hạ thấp uy tín của lực lượng công an.”
Đó là những gì ông Trọng phát biểu tại Hội Nghị Thường Vụ Đảng Ủy Công An Trung Ương hôm 28 Tháng Mười Một, 2018, được Thông Tấn Xã Việt Nam trích dẫn.

Phát ngôn của ông Trọng cho thấy ưu tiên hàng đầu của đảng CSVN và Bộ Công An là “bảo vệ chế độ,” còn việc “khiếu kiện đông người” hay “biểu tình” vẫn được quy là “kẻ thù của chế độ” và cần phải trấn áp thẳng tay.
Việc ông Trọng công khai đến họp, chỉ đạo Bộ Công An CSVN đã là chuyện thường ngày từ sau khi ông tham gia Đảng Ủy và Thường Vụ Công An hồi Tháng Chín, 2016, như một cách thâu tóm quyền lực.
Giới quan sát đánh giá ông Trọng đang “nắm thóp” Bộ Trưởng Công An CSVN Tô Lâm vì ông này đang có nguy cơ bị quy trách nhiệm cao nhất trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh khiến quan hệ ngoại giao Việt-Đức rơi vào bế tắc từ hơn một năm qua. Vụ khủng hoảng cũng được giới quan sát cho rằng khép lại con đường thăng tiến tiếp tục của ông Lâm, người từng được cho là một trong các ứng viên sáng giá cho chức chủ tịch nước trước khi ông Trọng ngang nhiên thu tóm vị trí này bằng chiêu “nhất thể hóa.”
Cuộc họp của ông Trọng và lãnh đạo Bộ Công An CSVN hôm 28 Tháng Mười Một diễn ra trong bối cảnh các báo ở Việt Nam đồng loạt phơi bày những điểm tệ hại trong ngành công an khi tường thuật chi tiết diễn biến phiên tòa xử hai vị tướng nắm vai trò chủ chốt trong đường dây đánh bạc ngàn tỷ.
Báo InfoNet hé lộ một tình tiết đáng giật mình: “Theo lời bào chữa của luật sư, cựu Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa được bổ nhiệm chức vụ cục trưởng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao (C50) nhưng không có hiểu biết gì về mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số. Thậm chí ông Hóa không biết sử dụng máy vi tính…”
Tuy vậy, các báo của đảng CSVN khi tường thuật cuộc họp cho thấy thực trạng bổ nhiệm tùy tiện nêu trên của ngành công an không hề được đả động tại sự kiện này. Ông Trọng được ghi nhận phát biểu chung chung rằng: “Không vì một số vụ án, tiêu cực mà phủ nhận công lao của lực lượng công an” và nêu mục tiêu “xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, liêm chính.”
Trên mạng xã hội, một ý kiến nhận được nhiều sự tán thưởng của các blogger: “Điều tôi quan tâm nhất là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có thể cho dân chúng biết đến khi nào thì công an giao thông mới hết đòi tiền mãi lộ của người dân khi đi đường không?” (T.K.)

Dân Huế bị xã ‘ép’ trả lại tiền hỗ trợ ô nhiễm môi trường biển

Hồ nuôi tôm, cá của anh Lê Văn Rường (xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) bị Ủy Ban Nhân Dân xã Phú Xuân yêu cầu trả lại số tiền hỗ trợ thiệt hại do bị ô nhiễm môi trường biển. (Hình: Tuổi Trẻ)
THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Hơn 150 người dân ở xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, đã tố lãnh đạo xã này ép họ trả lại số tiền hỗ trợ được nhận sau vụ môi trường biển bị Công Ty Formosa giết chết một cách vô lý, nếu không sẽ “không được giải quyết các thủ tục hành chính.”
Ngày 28 Tháng Mười Một, 2018, nói báo Tuổi Trẻ về việc bị lãnh đạo xã này “ép” trả lại tiền hỗ trợ ô nhiễm môi trường biển được nhận trước đó, ông Phan Viết Sáu (trú thôn Ba Lăng, xã Phú Xuân huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết gia đình ông có hai hồ nuôi tôm, cá với diện tích mỗi hồ hơn 800 mét vuông trên phá Tam Giang.
Năm 2016, tôm cá trong hai hồ của ông Sáu bị chết sạch vì ô nhiễm môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, thiệt hại hơn  trăm triệu đồng. Đến năm 2017, ông Sáu được Ủy Ban Nhân Dân xã Phú Xuân chi trả tiền hỗ trợ đợt 1 là 17.5 triệu đồng (khoảng $750).
Sau khi nhận tiền, ông Sáu lại được ủy ban xã Phú Xuân thông báo làm hồ sơ nhận tiền hỗ trợ đợt 2 cho nhân công, người làm thuê tại hồ của gia đình ông với số tiền mỗi người là 8.7 triệu đồng (khoảng $372).
Ông Sáu làm các thủ tục, hồ sơ cho hai người và họ được nhận tiền sau đó. Tuy nhiên đến Tháng Mười Hai, 2017, ông Sáu bị lãnh đạo xã mời lên trụ sở làm việc yêu cầu ông trả lại số tiền hỗ trợ đợt 2 vừa được nhận.
Lý do mà xã Phú Xuân đưa ra là hai nhân công này “không thuộc danh sách đối tượng được chính phủ hỗ trợ đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển năm 2016,” theo báo Tuổi Trẻ.
“Trước đó tôi đã làm hồ sơ để hai nhân công này nhận tiền hỗ trợ theo thông báo của xã. Có đầy đủ giấy tờ, xác nhận do lãnh đạo xã ký tên. Vậy mà chỉ vài ngày sau, chính lãnh đạo xã lại đòi lại số tiền hỗ trợ này. Thật quá vô lý,” ông nói.
Đồng cảnh ngộ với ông Sáu là ông Dương Văn Sản (54 tuổi, trú thôn Xuân Ổ, xã Phú Xuân), cũng bị xã Phú Xuân đòi lại tiền hỗ trợ đợt 2 và ra quyết định yêu cầu ông phải trả lại số tiền 8.7 triệu đồng đã nhận trước đó.
Phiếu thu hồi tiền của ủy ban xã Phú Xuân. (Hình: Tuổi Trẻ)
Ông Sản và ông Sáu là hai trong số 153 trường hợp bị xã Phú Xuân yêu cầu trả lại số tiền hỗ trợ ô nhiễm môi trường biển đợt 2 từ Formosa gây ra.
Một số người dân “tố” rằng, họ bị dọa nếu không nộp số tiền trên trước ngày 31 Tháng Mười Hai, 2018, thì mọi thủ tục hành chính liên quan đến xã “sẽ không được lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân xã Phú Xuân xử lý.”
“Hiện xã đang giữ, không trả số tiền 2.5 triệu đồng/hộ được nhà nước hỗ trợ để mua dầu máy bơm hồ tôm hằng năm của chúng tôi. Họ nói là do chúng tôi chưa trả lại tiền hỗ trợ đợt 2 cho xã nên giữ lại rồi trừ vào,” ông Sản bất bình nói.
Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch xã Phú Xuân, xác nhận có yêu cầu 153 người “không nằm trong danh sách hỗ trợ tiền hỗ trợ sự cố môi trường biển đợt 2” trả lại tổng số tiền hơn 1.3 tỷ đồng (hơn $55,705).
Ông Dũng giải thích, trước đó do việc chi trả tiền đền bù quá gấp gáp nên “xã không có thời gian để kiểm tra, xác minh các trường hợp trên có đúng đối tượng hay không,” và rằng sau khi hoàn thành việc trả tiền hỗ trợ đợt 2 thì “xã mới cho xác minh lại và phát hiện nhiều trường hợp không đúng đối tượng.”
Sau đó, xã Phú Xuân đã phối hợp với Công An huyện Phú Vang “đấu tranh trực tiếp” với những người được cho là “không thuộc diện hỗ trợ” nhưng vẫn làm hồ sơ nhận tiền.
Ông Dũng cũng xác nhận việc Ủy Ban Nhân Dân xã Phú Xuân hiện chưa chi trả số tiền 2.5 triệu đồng (hơn $107)/nhà mà nhà nước hỗ trợ mua dầu máy bơm nước hồ tôm năm 2017 cho những gia đình chưa trả lại tiền hỗ trợ đợt 2.
“Chúng tôi chỉ giữ lại số tiền này chờ các hộ dân trả lại tiền hỗ trợ ô nhiễm đợt 2  xong sẽ chi ngay. Chúng tôi cũng đề xuất lên trên cho phép lấy số tiền này bù vào số tiền hỗ trợ trên nhưng chưa được cấp trên trả lời,” báo Tuổi Trẻ trích lời ông Dũng nói.
Khi được hỏi về trách nhiệm để xảy ra vụ “sai sót” này, ông Dũng nói rằng “đã xử lý kỷ luật những cá nhân vi phạm.”
Tuy nhiên, khi được hỏi ai là người vi phạm và xử lý kỷ luật bằng hình thức gì thì ông Dũng không trả lời vì “thời điểm đó tôi ốm.”
Trong khi đó, ông Đỗ Công Khiêm, chủ tịch xã Phú Xuân, né trách nhiệm nói rằng, xã chỉ thu hồi số tiền hỗ trợ đợt 2 theo quyết định của Ủy Ban Nhân Dân huyện Phú Vang.
“Tôi mới về làm chủ tịch xã Phú Xuân được bốn tháng nên chỉ làm theo chỉ đạo của huyện. Còn các vấn đề liên quan trước đó, tôi không rõ,” ông Khiêm nói.
Ông Khiêm phủ nhận không có chuyện Ủy Ban Nhân Dân xã Phú Xuân không giải quyết các thủ tục hành chính của những gia đình chưa trả lại tiền đền bù và cho biết thêm “xã đang tìm cách giải quyết số tiền hỗ trợ đợt 2 chi trả sai đối tượng trước ngày 31 Tháng Mười Hai, 2018.” (Tr.N)

Sẽ không còn ‘mở đường cho người ta tiến’?

Minh Quân(VNTB) - Đã hoàn toàn biến mất khái niệm ‘mở đường cho người ta tiến’ trong phát ngôn mới nhất của Nguyễn Phú Trọng, nếu so sánh với những phát ngôn về cùng chủ đề của chính ông ta trước đó.

Thực tế những vụ vừa qua ai cãi được không và tại sao được dân đồng tình như thế. Đây là bài học rút ra để làm tiếp. Các cử tri cứ yên tâm không bao giờ chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi. Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” - đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng ‘báo bài’ trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại hai quận Tây Hồ và Ba Đình vào ngày 24/11/2018.



‘Mở đường cho người ta tiến’ là một cách nói của ông Trọng vào năm 2017, trước thời điểm khởi tố bắt giam Đinh La Thăng. Khi đó, ông Trọng còn đang vướng vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ và không biết do chủ ý hay bởi lực bất tòng tâm, ông ta đã không xử lý cựu ủy viên trung ương, cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng - tác giả của 2/3 trong số 12 dự án đầu tư ngàn tỷ đồng bị đắp chiếu gây lãng phí tại Bộ Công thương, mà chỉ có thể thốt lên ‘Bị kỷ luật như thế đã đủ đau chưa!’ - như một cách nói đượm tâm thế bất lực của ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’.

Trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018, ‘Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa’ và ‘mở đường cho người ta tiến’ là những phát ngôn đượm nét xuôi xị của Tổng bí thư Trọng, cho dù ông Trọng vẫn không quên dùng bổ túc từ ‘lò đã nóng rực’.

Tại Hội Nghị Trung Ương 7 đã không có bất kỳ xử lý một quan chức nào, thậm chí kết quả này còn tệ hơn cả Hội Nghị Trung Ương 6 vào tháng Mười năm 2017, khi hội nghị này còn kỷ luật và loại khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương nhân vật bí thư của Đà Nẵng là Nguyễn Xuân Anh.

Sau khi xuất hiện ‘chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Phú Trọng’, đã có một luồng dư luận cho rằng thực ra ông Trọng là người thiếu kiên quyết trong chống tham nhũng và phần đa chỉ là giơ cao đánh khẽ, chủ đích nhằm răn đe để giữ đảng, thu hồi tài sản tham nhũng và lấy tiếng ‘Sỹ phu Bắc Hà’ hay ‘Minh quân’ cho cá nhân mình.
Nhưng vào lần này, hình như sẽ không có ‘nhân văn’ và ‘mở đường cho người ta tiến’. Có lẽ Nguyễn Phú Trọng, với đà này, sẽ xử gọn, nhanh và mạnh nhóm quan chức Nam Bộ tham nhũng ngập mặt.

Chiến dịch ‘Bình Nam’ của Nguyễn Phú Trọng đã chính thức bắt đầu ở Sài Gòn. Cái Lê Thanh Hải - được xem là nằm trong ‘phe cánh chính trị Ba X’ - đương nhiên là tiêu điểm. Hàng loạt người nhà của Lê Thanh Hải  - vợ, con, em trai - đã bị mang ra ‘đấu tố’…

Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ sau khi Trần Đại Quang chết, cựu phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Hữu Tín mới chính thức bị bắt giam, dù ông ta đã bị khởi tố bị can vào tháng Chín năm 2018.

Nguyễn Hữu Tín không chỉ liên đới mật thiết đến các phi vụ cấp ‘đất vàng’ cho Vũ ‘Nhôm ở Sài Gòn, mà Tín còn được xem là một ‘đệ ruột’ của ‘bố già’ Lê Thanh Hải - cựu ủy viên bộ chính trị - cựu bí thư thành ủy TP.HCM với triều đại của ông Hải đã thống trị Sài Gòn suốt 15 năm.

Cùng lúc, một ‘đệ ruột’ khác của Lê Thanh Hải là Tất Thành cang - Phó bí thư thường trực thành ủy và là con bài đắt giá nhất mà Lê Thanh Hải đã ‘cài’ lại sau khi phải rời bỏ chức vụ vào đầu năm 2016, đang phải chịu nguy cơ không chỉ mất chức vì những sai phạm trong vụ ‘ăn đất’ Nhà Bè và Thủ Thiêm, mà còn có thể vào nhà đá.

‘Đốt lò’ nhiều khả năng đang tập trung vào TP.HCM và một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ, và giai đoạn này có thể sâu hiểm nhất, sắc máu nhất, kể cả tàn nhẫn nhất kể từ đầu chiến dịch ‘đốt lò’. Nhiều quan chức Nam Bộ sẽ chính thức vào ‘lò’ và làm ‘bạn chăn kiến’ với Đinh La Thăng.

231 cái tát: sao lại là sao đỏ mà không phải Bộ GD&ĐT?

Ánh Liên (VNTB) Dư luận đang đặc biệt quan tâm việc nam sinh Hoàng Long N (lớp 6.2, trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nói tục, bị đội sao đỏ của trường ghi vào sổ, đã bị cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy phạt 231 cái tát khiến học sinh này phải nhập viện điều trị .

Nhiều trang tin sau đó đề cập đến việc, cần dẹp bỏ đội 'sao đỏ'? Vì họ cho đây là nguyên cớ của việc cô giáo chủ nhiệm phạt 231 cái tát? Liệu điều này có đúng?

Nếu nhìn vào cục diện của vấn đề, thì đội cờ đỏ cũng chẳng qua là một hình thức quản lý - kỷ luật trong trường, nó không phải nguyên nhân gốc để dẫn đến việc em Hoàng Long N bị tát, mà cơ bản nạn bạo lực trường học xuất phát từ chính đạo đức của giáo viên và được ấp ủ bởi bệnh thành tích trong nhà trường. Hãy xem hai trong số các khẩu hiệu của trường THCS Duy Ninh, một là 'chất lượng là danh dự của nhà trường', và hai là 'không có học sinh yếu kém, chỉ có học sinh chưa tích cực'. Nếu nhìn một cách cảm quan thì có thể hiểu đây là một nhóm khẩu hiệu tích cực, thúc đẩy thầy và trò thi đua trong học tập, nhưng nếu đặt tính chất lượng là 'danh dự nhà trường' thì đồng nghĩa, nó sẽ chứa đựng những tiêu cực thành tích bên trong.

Chính vì vậy, mà sau khi báo chí lên án sự bạo hành học sinh, thì hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh thay vì nhận lỗi và khắc phục, thì điều mà người đứng đầu nhà trường lại xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II.

Chính yếu tố 'trường chuẩn quốc gia mức độ II' đã bao che cho hành vi bạo lực của cô giáo Phương Thủy, và thúc đẩy cô giáo này thực hiện các biện pháp bạo hành trẻ em, chà đạp lên công ước trẻ và đạo đức nghề nghiệp. Nhưng không dừng tại đó, bởi Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh lại là nạn nhân của chính cấp trên của mình là Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh, khi mà Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã cho nhân viên kiểm tra vụ học sinh trường THCS Duy Ninh hứng 231 cái tát nhưng giấu nhẹm vì thành tích.

Một người đứng đầu ngành giáo dục hiệu còn thành tích đến mức vô cảm, coi trẻ em và mái trường là phương tiện để đạt điểm thi đua, giành danh hiệu tập thể/ cá nhân lao động tiên tiến, giành danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành giáo dục thì hỏi sao, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy lại có đất dụng võ nhiều đến như thế.

Nhưng dừng ở Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh mới dừng ở trách nhiệm, còn gốc gác của bạo lực và áp lực đầy phi nhân của thầy cô giáo ngành giáo dục trong trường hợp nêu trên chính là 'bệnh thành tích trong giáo dục'. Chính căn bệnh này đã phá nát tuổi thơ của hàng vạn học sinh và gián tiếp đẩy nghề giáo trở thành một nghề dễ động chân tay nhất. Chính căn bệnh thành tích giáo dục đã đào tạo và rèn luyện những giáo viên trở thành những thợ dạy, với sự suy thoái đạo đức trầm trọng, sử dụng các liệu pháp 'áp bức tinh thần và thể chất' để đạt mục tiêu.

Câu chuyện của trường THCS Duy Ninh cũng chỉ là một câu chuyện tiếp theo của nền giáo dục bạo lực vì thành tích hiện nay, bởi trước đó, sự kiện một cô giáo giảng dạy trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM) đã 'im lặng' suốt 3 tháng khi lên lớp, và lãnh đạo nhà trường đã gây sức ép để buộc người lên tiếng tình trạng này là em Phạm Song Toàn, học sinh lớp 11A1 phải chuyển trường vì em đã lên tiếng 'không đúng chỗ'.

Chính căn bệnh 'trường chuẩn quốc gia' đã làm gia tăng tình trạng giả dối trong thi cử, khi những em học sinh chưa đủ trình độ đều được giáo viên nâng đỡ để tránh ảnh hưởng thành tích trường, dẫn đến hiện trạng 'ngồi nhầm lớp'.

Khi mà nền giáo dục XHCN vẫn tồn tại cái gọi là 'thi đua' và phong tặng 'chiến sĩ, tập thể lao động, cá nhân lao động' thay vì đề cao tính đạo đức, tính thực học và cả sự nhân văn trong mối quan hệ thầy - trò, thì khi đó, nạn bạo lực vẫn còn sẽ diễn ra dài dài.


Và tất nhiên, đội sao đỏ chỉ là cái cớ để hướng dư luận vào mục tiêu trút giận, thay vì Bộ GD&ĐT, lớn hơn là thuộc tính "thành tích hóa - vĩ đại hóa về hình thức" của nền giáo dục XHCN hiện nay.

Ông Trọng có ‘bảo kê’ vụ tham nhũng Thủ Thiêm?

Thường Sơn(VNTB) - Hiện tượng hết sức lạ lùng là dư luận và người dân vẫn tuyệt đối không nghe Nguyễn Phú Trọng đả động đến vụ Thủ Thiêm dù chỉ một từ...



Từ tháng Năm năm 2018 khi tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm ‘vô tình’ bị báo chí nhà nước phát hiện đã bị biến mất, cho đến nay cái điều nghịch lý kinh khủng ấy vẫn còn là một bí mật khổng lồ mà không có bất kỳ cơ quan hay cá nhân quan chức nào phải chịu trách nhiệm.

Cũng cho tới nay, những bản kết luận kiểm tra và thanh tra của cơ quan Thanh tra chính phủ đã không hề làm rõ được việc ít nhất 160 ha đất dành cho tái định cư ở Thủ Thiêm ‘biến’ đi đâu hoặc biến vào túi ai. Trong khi đó, những đối tượng bị xem là  ‘ăn đất’ bẫm nhất như Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua… vẫn ung dung phè phỡn trên nước mắt và xương máu của hàng chục ngàn dân oan Thủ Thiêm, còn những tờ báo nhà nước muốn mở miệng về vụ này thì lại bị cơ quan Tuyên giáo trung ương kềm nén theo phương châm ‘cho sủa mới được sủa’.

Tháng Năm năm 2018 đã có một bằng chứng hết sức hùng hồn để tố cáo âm mưu của một thế lực chính trị nào đó muốn dùng vụ Thủ Thiêm, bắt đầu từ vụ mất tích tấm bản đồ quy hoạch gốc Thủ Thiêm, nhằm ‘tống tiền’ nhóm lợi ích Lê Thanh Hải theo cách phải ‘ói ra’. Trong suốt một tuần lễ, báo chí nhà nước được đăng bài thả ga, báo có tâm cũng như báo đánh hôi và báo lợi dụng đã như thể lên đồng trong một cơn rên rỉ sướt mướt. Song sang tuần sau đó, báo chí chợt câm bặt như vừa bị một bàn tay bóp nghẹt miệng. Từ đó đến nay, tham nhũng Thủ Thiêm vẫn nguyên trạng một mớ hổ lốn, còn dân oan vẫn nguyên trạng những kẻ chỉ thiếu điều cạp đất mà ăn.

Cho đến nay, rất tương đồng thời gian khiếu nại tố cáo vụ ‘ăn đất’ của giới quan chức TP.HCM ở Thủ Thiêm đã kéo dài vượt quá mọi giới hạn, vụ xử lý Tất Thành Cang và phía sau đó là ‘phe cánh chính trị’ Lê Thanh Hải đã nhùng nhằng, ‘nâng lên hạ xuống’ quá lâu, hoặc nói trắng ra là đã liên tiếp xảy đến những hành vi chạy chọt và thỏa hiệp giữa những đối tương tham nhũng với các ‘cơ quan chức năng’ và ngay trước mắt người vừa ngồi vào ghế chủ tịch nước của kẻ đã ‘chẳng may qua đời dù được tận tình cứu chữa’.

Cũng cho tới nay, hiện tượng hết sức lạ lùng là dư luận và người dân vẫn tuyệt đối không nghe Nguyễn Phú Trọng đả động đến vụ Thủ Thiêm dù chỉ một từ, tuy trong các cuộc tiếp xúc cử tri của ông ta tại Hà Nội luôn có những câu hỏi của giới tướng lĩnh về hưu và cựu thần trung thành về câu chuyện kinh thiên động địa này. Với thái độ im lặng đầy kiên định và như thể cố ý như thế, không thể trách rất nhiều người dân đã và đang cho rằng ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng, nếu không dính dáng đến vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm, thì cũng cố gắng ‘bảo kê’ cho những quan chức tham nhũng trong vụ này.

Quá nhiều bằng chứng chỉ trong thời gian ngắn gần đây đã cho thấy bất kỳ lúc nào vụ Thủ Thiêm cũng có thể bị một thế lực chính trị - lợi ích nhóm trong nội bộ đảng cầm quyền nhấn cho chìm xuồng, nếu không luôn có sự hiện diện một phong trào đấu tranh của mạng xã hội, các tổ chức xã hội dân sự và người ân không cho chìm xuồng một cách dễ dàng như thế.

Một năm sau vụ kỷ luật và loại khỏi ban chấp hành trung ương đối với Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, giờ đây dư luận xã hội và người dân, đặc biệt là khối dân oan đất đai lên đến hàng trăm ngàn người Việt  Nam - đang nhìn vào quan điểm và thái độ xử lý Tất Thành Cang - Ủy viên trung ương, Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM - của Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ chính trị của ông ta như một phép thử quan trọng về thực chất của tuyên ngôn ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ hay chỉ là ‘chống tham nhũng một bên’.  

Vụ án dằn mặt Hải Tòa án: ghét chủ nhà nên đánh nhân viên?

Tâm Don (VNTB) Ở Việt Nam, có nhiều phiên tòa bất công, và dĩ nhiên, có nhiều vụ án bất công. Phiên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu diễn ra vào ngày 26-11 tuyên phạt y án 2 năm tù giam đối với Đỗ Văn Bảo và Thái Hoài Thương về tội “gây rối trật tự công cộng” là một bản án bất công xuất phát từ một vụ án bất công mà theo dư luận là đã được dàn dựng kỹ lưỡng.

Cáo trạng thế nào?

Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 30-4-2018, các anh Trần Văn Thắng, Trần Văn Bốn và Trần khải Khoa( đều trú tại Vũng Tàu) điều khiển 03 xe mô tô đến đậu sát vỉa hè thuộc đoạn chân dốc Nghinh Phong, đường Thùy Vân, phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, rồi ra bờ biển đứng đợi người thân tắm biển xong để chở về. Trong lúc đứng đợi, anh Thắng nhìn thấy Đỗ Văn Bảo là nhân viên giữ xe của Nguyễn Thanh Hải( tên gọi khác là Hải tòa án, sinh năm 1972, trú tại 306 Phan Chu Trinh, phường 2, TP Vũng Tàu) cách vị trí anh Thắng đậu xe khoảng 15 mét dắt xe mô tô của anh Thắng vào bãi giữ xe nên anh Thắng đi đến kéo xe lại và nói với Bảo là không gửi xe. Anh Thắng và Bảo cãi nhau, sau đó Bảo lấy cây gậy đánh bóng chày đuổi đánh anh Thắng nhưng anh Thắng bỏ chạy nên không thương tích gì. Thấy anh Thắng bị đuổi đánh nên anh Bốn và anh Khoa chạy theo sau để can ngăn thì cũng bị Bảo và Thương đuổi đánh luôn. Ngày 3-5-2018, Trung tâm pháp y tỉnh BR-VT có bản kết luận giám định pháp y về thương tích của anh Khoa là 1% và anh Bốn là 0%.

Cáo trạng cho rằng, ông Nguyễn Thanh Hả - chủ bãi giữ xe, không xúi giục nhân viên đánh anh Thắng, anh Khoa và anh Bốn nên không xử lý hình sự.

Luật sư nói gì?

Luật sư Nguyễn Văn Hòa thuộc Văn Phòng luật sư Nguyễn Văn Hòa và đồng sự, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, được gia đình và các bị cáo Đỗ Văn Bảo, Thái Hoài Thương mời làm người bào chữa cho họ. Theo luật sư Nguyễn Văn Hòa, vụ việc vi phạm hành chính này đã bị hình sự hóa bởi sự can thiệp của cơ quan hành chính và doanh nghiệp.

Cụ thể là vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã được công an phường 2 tp Vũng Tàu lập Biên bản lúc 19h15’ ngày 30/4/2018 về vi phạm hành chính số 2055/BB-VPHC với nội dung vi phạm: “ vào khoảng 17h00 ngày 30/04/2018 tại ngã ba Phan Chu Trinh - Thùy Vân có hành vi gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, qua kiểm tra không mang theo giấy tờ tùy thân” (bí lục số 25 của Công an tp Vũng Tàu, và là bí lục số 2 của VKSND tp Vũng Tàu).

Tuy nhiên ngày 02/5/2018 UBND Phường 2 tp Vũng Tàu có văn bản số 532/UBND- VP đề nghị Công an thành phố Vũng tàu xử lý nghiêm vụ việc gây rối trật tự công cộng theo quy định pháp luật.
Đỗ Văn Bảo và Thái Hoài Thương bị tuyên án phạt về tội “gây rối trật tự công cộng”
Ngày 04/5/2018, Hiệp hội Du lịch tỉnh BRVT có văn bản số 22/CV-HHDL gửi Công an và UBND tp Vũng Tàu đề nghị xử lý nghiêm hành vi tại bãi giữ xe HTA mà hiệp hội này gọi là hành vi côn đồ gây rối an ninh trật tự.

Công an thành phố Vũng Tàu đã không xử lý nghiêm về vi phạm hành chính mà đã hình sự hóa hành vi hành chính, hình sự hóa vụ vi phạm hành chính này.

Ngày 3/5/2018 Công an TP Vũng Tàu ban hành quyết định số 119 (bí lục 22) trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích của ông Trần Văn Bốn và quyết định số 120 (bí lục 23) trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích của ông Trần Khải Khoa.

Kết luận giám định pháp y thương tích của Trung tâm pháp y tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu kết luận tỷ lệ thương tích của ông Trần Khải Khoa là 01%, tỷ lệ thương tích của ông Trần Văn Bốn là 00%, với tỷ lệ thương tích của ông Khoa, ông Bốn như vậy chưa đủ tỷ lệ thương tích để cấu thành hình sự đối với người gây ra thương tích cho các ông Khoa, ông Bốn.

Về hung khí sử dụng trong vụ việc là vũ khí thô sơ, đúng như biên bản VPHC số 2055/BB-VPHC đã nói ở phần trên.

Luật sư Nguyễn Văn Hòa cho rằng, hành vi gây rối trật tự công cộng của các thân chủ của ông chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm hành chính quy định tại Nghị Định 67/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, không cấu thành tội phạm hình sự “gây rối trật tự công cộng”.

Những uẩn ức sâu xa

Anh Nguyễn Thanh Hải, còn có tên gọi khác là Hải tòa án, ngụ tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, là một nhà hoạt động xã hội có uy tín trong phong trào đấu tranh vì nhân quyền của Việt Nam, anh luôn nhận được sự tôn trọng của các nhà hoạt động xã hội trên khắp cả nước. Từ nhiều năm qua, anh Nguyễn Thanh Hải là cái gai trong mắt chính quyền các cấp, các ngành ở tỉnh BR-VT. Anh Hải và gia đình đã gặp phải rất nhiều sự sách nhiễu dưới nhiều hình thức của chính quyền địa phương mà anh cư trú. Thu nhập chính của gia đình anh Nguyễn Thanh Hải đến từ bãi giữ xe của gia đình có từ năm 1983. Từ nhiều năm nay, một số nhà hoạt động xã hội đã nhận định rằng, sẽ đến ngày anh Hải sẽ bị chính quyền cài bẫy-tạo cớ để triệt đường mưu sinh của anh và gia đình, qua đó sẽ dập tắt con đường tranh đấu của anh. Và, cay đắng đã diễn ra đúng như dự đoán.

Trước khi bị khởi tố và bắt tạm giam, hai anh Đỗ Văn Bảo và Thái Hoài Thương cho biết, các anh đã bị anh Trần Văn Thắng gây hấn trước, bị anh Thắng đấm tới tấp vào mặt. Không thể chịu đựngđược, anh Đỗ Văn Bảo và anh Thái Hoài Thương đã phải đánh lại để tự vệ. Tuy nhiên, chi tiết này đã không có trong kết luận điều tra của công an. Cộng đồng mạng cho rằng, một bằng chứng khác khẳng định tính ngụy tạo của vụ án là video clip của vụ án rất rõ nét, có độ phân giải cao được quay bằng camera chuyên dụng. Luật sư Nguyễn Văn Hòa cho rằng, đây là một vụ án oan nghiệt, thể hiện ý chí “ghét chủ nhà nên đánh nhân viên”.

Đảng ‘giãy giụa trước khi giãy chết’?

Thường Sơn

(VNTB) - Nhiều người đã bình luận rằng tâm thế hoảng sợ của đảng đã lên cao đến mức lú lẫn để đảng liên tiếp phạm sai lầm khi áp dụng hàng loạt biện pháp cực đoan - một tín hiệu cho thấy đảng đang trong ‘giai đoạn giãy giụa trước khi giãy chết’.


Nhà văn Nguyên Ngọc (bìa trái) và giáo sư Chu Hảo (bìa phải) đã cùng từ bỏ đảng Cộng sản vào tháng Mười Một năm 2018


Ngày 23/11/2018, vụ việc tờ Thanh Niên được chọn làm ‘thí điểm’ cho chiến dịch thanh trừng 13 nhân sự ngoài đảng đã phát đi một tín hiệu: trong những ngày tới, nhiều tờ báo nhà nước có thể sẽ phải nối gót theo ‘tấm gương’ Thanh Niên để thanh lọc nhân sự ngoài đảng và không chịu vào đảng. Thậm chí chiến dịch này còn có thể trở thành một phong trào mang tính mao ít đến mức đảng có thể áp đặt một chủ trương mới đối với báo chí nhà nước là sẽ cho nghỉ việc tất cả những ai không chỉ không muốn trở thành đảng viên cộng sản mà còn mang khuynh hướng không ủng hộ đảng Cộng sản.

Vụ việc trên xảy ra chỉ khoảng 3 tuần sau khi hai trí thức gạo cội là Nguyên Ngọc và Chu Hảo tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản cùng lời lẽ đanh thép tố cáo ‘chế độ phản dân hại nước’. Vụ việc trên cũng xảy ra ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố  ‘khai trừ đảng đối với đồng chí Chu Hảo’.

Mặc dù đợt bỏ đảng vào tháng Mười Một năm 2018 chỉ đạt được con số hơn 10 người, song nhiều thông tin trong dư luận xã hội cho biết các cơ quan đảng ở Hà Nội đã ‘lo đến phát sốt’ vì sợ không sớm thì muộn, hiện tượng những người từ bỏ đảng ấy sẽ tác động mạnh đến giới đảng viên hưu trí và cả những đảng viên đương chức, dẫn đến một làn sóng bỏ đảng trên diện rộng và khiến ‘uy tín’ của đảng Cộng sản càng thêm giảm sút.

Nỗi lo sợ trên là có cơ sở, bởi hơn ai hết, ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng và những người theo luận thuyết tháp ngà xa dân của ông ta cảm thấy lây đài cát của họ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Bởi tình trạng thoái đảng diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam.

Năm 2013, một con số thống kê chính thức của một cơ quan đảng đã cho thấy có đến 40% đảng viên nằm trong những dạng thoái đảng khác nhau tại các địa phương. Cho tới nay, hẳn tỷ lệ này còn phải cao hơn – có thể lên đến 50 - 60%, trong bối cảnh chính trị và xã hội nhiễu nhương hơn nhiều trước đây và còn chưa tới đáy.

Phần lớn những người thoái đảng thuộc về lớp cán bộ, công chức hưu trí. Họ âm thầm không nộp hồ sơ đảng từ nơi làm việc trước đó về nơi cư trú, và nếu sau một thời gian mà không thấy “nhắc nhở”, thì coi như không sinh hoạt đảng và cũng xem như đã “ra đảng”. Cũng có những đảng viên thoái đảng theo những cách khác như cố ý không sinh hoạt đảng dù có tên trong chi bộ địa phương, cố ý không đóng đảng phí, cố ý gây ra mâu thuẫn nội bộ để chi bộ bắt buộc phải khai trừ mình. Một số đảng viên khác, vì nguyện vọng đi định cư ở nước ngài cùng gia đình, đã đương nhiên đề nghị đảng xóa tên mình…

Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng độc trị và độc tài, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp của quốc nạn tham nhũng mà đã khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng thảm cảnh như ngày hôm nay.

Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi khổng lồ không thương xót đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu hơn 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.

Hãy nhớ lại, trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990, đảng Cộng sản Liên Xô còn đến 20 triệu đảng viên và cả 5 triệu quân nhân lẫn 3 triệu công an, nhưng tất cả đều bất động trước một biến đổi mang tính quy luật của lịch sử. 

Sau khi xảy ra vụ khai trừ đảng ông Chu Hảo và thanh trừng 13 nhân sự ở báo Thanh Niên, nhiều người đã bình luận rằng tâm thế hoảng sợ của đảng đã lên cao đến mức lú lẫn để đảng liên tiếp phạm sai lầm khi áp dụng hàng loạt biện pháp cực đoan - một tín hiệu cho thấy đảng đang trong ‘giai đoạn giãy giụa trước khi giãy chết’.

Báo chí thuần đảng

Ảnh minh họa.
Paulus Lê Sơn (VNTB) Trên mạng xã hội chia sẻ thông tin có 13 người hiện đang là trưởng ban, phó ban hoặc tương đương được cho 'thôi chức' của báo Thanhnien. Ông Huỳnh Ngọc Chênh, từng làm cho tờ báo này nói biết những người mới bị cho thôi chức, lý do vì không phải là đảng viên cộng sản.

Trên facebook của nhà báo Kim Cúc Ngô Thị có 20 năm  hoạt động tại Báo Thanhnien liệt kê danh sách tên tuổi đầy đủ 13 người bị cho thôi chức gồm:

Ban Chính trị- Xã hội: Thanh Tùng - Phó ban
Ban Văn Nghệ: Thu Nga - Trưởng ban, Bích Hạnh và Đỗ Tuấn - Phó ban
Ban Giáo dục: Thùy Ngân - Phó ban
Ban Thể thao: Quang Huy - Phó ban
Ban Công tác Bạn đọc: Trần Thanh Bình- Phó ban
Ban Mạng Xã hội: Kim Trí - Trưởng ban (Kim Trí trước là Trưởng ban Chính trị- Xã hội), Thu Thủy- Phó ban
Tòa soạn tiếng Anh: Thế Vinh - Thư ký tòa soạn 
Ban Phóng viên Báo Điện tử: Thành Trung - Phó ban
Phòng Tài vụ: Nguyễn Tuấn - Phó phòng
Phòng Quảng cáo: Quỳnh Na - Phó phòng.

Bà Kim Cúc nhận định “Sự kiện này hẳn sẽ được lịch sử báo chí Việt Nam ghi lại. Lần đầu tiên, một tòa soạn báo đã “tự cho thôi chức” một loạt lãnh đạo cấp ban/phòng của mình…”

Sự kiện này được bàn tán và gây ra nhiều phản ứng trái ngược nhau trên không gian mạng xã hội. Tuyệt nhiên trên báo chính thống nhà nước không có một tờ báo nào đăng tin. Những bình luận khá chua chát chung quanh sự việc này như:

“Vậy đề nghị bào nớ đổi tên đi “Thanh niên cộng sản” và chỉ để dành cho thanh niên đảng viên đọc thôi!”

“Dưới sự cai trị của chế độ cộng sản, mọi thứ đều phải diễn ra trong sự kiềm tỏa của họ, dù những điều đó là bất qui tắc, sai trái.”

Nhiều người cho rằng, việc bị thôi chức của 13 nhà báo như là một sự cởi trói, tự do, thoát khỏi nguy cơ trở thành bồi bút của chế độ.

Trong một diễn biến liên quan. Sáng 22-11, tại trụ sở Hội Nhà báo TPHCM, một lớp Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính dành cho Phóng viên -PV, Biên Tập viên - BTV cơ quan báo chí - xuất bản được khai mạc, nội dung của khóa huấn luyện này được nghiên cứu, học tập 10 học phần gồm: Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng Cộng sản, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Hệ thống chính trị, nhà nước pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ công tác đảng, MTTQ và các đoàn thể nhân dân.

Đảng cộng sản biến báo chí thành công cụ tuyên truyền cho chế độ. Họ đã khẳng định Báo chí cách mạng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước. báo chí chỉ có chức năng, nhiệm vụ là phục vụ cho tuyên truyền của đảng.

Vai trò của báo chí trong đời sống xã hội là sự truyền tải tất cả thông tin đang diễn ra trong thực tại cuộc sống cho con người tiếp cận, truyền tải những kiến thức cập nhật, những dữ kiện giải thích tại sao thế giới và xã hội ta đang sống thay đổi.

Nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Họ tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin nhanh nhất về tất cả những sự kiện mới tới công chúng.

Cộng sản đã biến vai trò của báo chí trở thành công cụ phục vụ lợi ích cho riêng họ, biến các nhà báo trở thành bồi bút, thậm chí là những cây bút máu tanh lòng.

Ở Việt Nam, có nhiều nhà báo lương tri không nghe theo chỉ thị của đảng cộng sản  thường thì trở thành nạn nhân, hoặc họ bị thu thẻ hành nghề, hoặc bị ngăn cản phạm vi hoạt động, hay có thể là bị tấn công âm thầm, trực diện, nặng thì bị bắt bỏ tù. Mới đây nhất, nhà báo Đỗ Công Đương tại Bắc Ninh bị tuyên tổng cộng 2 bản án với 9 năm tù giam.

Hàng năm, trên bản đồ tự do báo chí trên toàn thế giớ của Tổ chức Phóng viên không biên giới xếp Việt Nam cùng với Trung Cộng, Bắc Triều Tiên là quốc gia kẻ thù với báo chí, được tô gam màu đen trong tình trạng rất nghiêm trọng (very serious situation).

Có thể cộng sản sẽ phải trả giá khi đối xử tệ bạc với hàng loạt nhà báo, phóng viên. Kết thúc bài viết về sự kiện này, tôi xin được trích bình luận của ông Nguyen Dang Hung trong phần bình luận “Đảng hóa một tờ báo thuộc Liên Hiệp Thanh Niên một tổ chức quần chúng là một đấu hiệu hốt hoảng phi chính trị, tự cô lập trong nhân dân. Tôi có cảm tưởng cùng với việc khai trừ nhà trí thức Chu Hảo đảng CSVN đang ly khai với dân tộc Việt Nam và thế giới văn minh!” - Hết trích.

Portland, OR 24/11/2018