Saturday, April 18, 2020

Một Facebooker ở Khánh Hòa bị câu lưu, nghi do viết ‘dân chúng đói khổ lầm than’


Ông Vũ Đạt Phong. (Hình: Facebook Vũ Phong)

KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Trong hai ngày 16 và 17 Tháng Tư, ông Vũ Đạt Phong, tức Facebooker Vũ Phong, 37 tuổi, bị công an tỉnh Khánh Hòa câu lưu.
Trong một post đăng hôm 14 Tháng Tư, Facebook Vũ Phong viết: “Ấm lòng mùa dịch! Tình hình là dịch virus Trung Quốc sẽ còn kéo dài, dân chúng đói khổ lầm than. Theo tinh thần cướp kho cứu đói giúp dân, chú có lụm bên nhà ‘học giả Dũng’ một ít thóc cho bà con dùng trước. Kho số 1: Kho thóc nhà Nguyễn Tấn Dũng (thủ tướng Việt Nam 2006-2016) ở 91 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, Sài Gòn…”
Theo Facebook của nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, vào sáng 16 Tháng Tư, ông Phong đang chấp hành lệnh tự cách ly 14 ngày ở nhà theo yêu cầu của Ủy Ban Nhân Dân phường Cam Lộc thì công an khu vực cùng với bốn người mặc thường phục tự nhận là “công an thành phố Cam Ranh” ập vào đưa giấy mời về đồn “để làm rõ một số việc liên quan.”
Ông Phong chỉ được “tạm thả” vào gần nửa đêm cùng ngày, sau khi bị công an tịch thu điện thoại di động, cũng như bị kiểm soát tài khoản Facebook cá nhân. Ông tiếp tục bị bắt “làm việc” tại đồn công an trong hôm 17 Tháng Tư.
Ông Phong là một người giao hàng, hành nghề ở Sài Gòn từ năm 2017 và cũng là gương mặt quen thuộc trong giới xã hội dân sự. Đến giữa Tháng Ba, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến không có khách hàng, thu nhập không đủ trang trải tiền thuê nhà, ông buộc phải về lại quê nhà ở phường Cam Lộc, thành phố Cam Ranh.
Trên Facebook Vũ Phong cho thấy ông Phong post nhiều hình chụp cạnh các nhà hoạt động và tham gia các phong trào phản đối Formosa, kêu gọi trả tự do cho một số tù nhân lương tâm.
Ông Vũ Đạt Phong tham gia kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng. (Hình: Facebook Vũ Phong)
Facebooker Hoàng Dũng chia sẻ lại một post được cho là của ông Phong có nội dung châm biếm ông Nguyễn Quang Thuấn, phó chủ tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương Đảng CSVN, cựu chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Ông Thuấn được ghi nhận là bệnh nhân thứ 21 nhiễm  COVID-19 ở Việt Nam hồi tháng trước và theo báo nhà nước thì ông này “đã được chữa khỏi.”
Trong post này, ông Phong viết: “Thuấn, là chú đây. Đã hai tuần rồi mà con chưa trả lời tin nhắn của chú. Có biết chú lo lắm hông? Hổm rày con như thế nào, cố gắng nhắn chú hai từ ‘con khỏe’ cũng được, cho chú yên lòng. D**** cái bọn dân chúng đang đồn con rụng rồi. Mà còn cho rằng con bị hái chứ không phải tự rụng nữa chớ…”
Trong một diễn biến khác, hồi cuối Tháng Mười Một, 2019, ông Vũ Huy Hoàng, một người giao hàng khác cũng tham gia hoạt động xã hội dân sự như ông Phong, công khai yêu cầu công an ở Sài Gòn “chấm dứt ngay việc sách nhiễu” nhắm vào vợ con ông.
Ông Hoàng, một tài xế taxi, được cộng đồng mạng biết đến qua hành động giương biểu ngữ phản đối tăng giá xăng tại cơ quan đại diện phía Nam của Bộ Công Thương CSVN trước đây. Ông cũng thường xuyên lên tiếng về các vấn đề thời sự xã hội trên Facebook với tư cách “người cổ súy cho các quyền tự do, dân chủ tại Việt Nam vì phải chứng kiến vô số những bất công, oan khiên diễn ra trong xã hội mà mình đang sống” như ông viết về mình.
Ông Hoàng cũng đưa cáo buộc rằng mình bị công an phường 6, quận 3 ở Sài Gòn câu lưu và đánh đập vì “tội” đi giao sách của Nhà Xuất Bản Tự Do, nơi in ấn và phát hành các tác phẩm ngoài vòng kiểm duyệt của CSVN. (N.H.K) [qd]

Dân tố cáo nhiều sếp công an Thái Bình bảo kê băng nhóm Đường ‘Nhuệ’


Sau khi bị Đường “Nhuệ” cho đàn em đến chiếm đóng, công ty Lâm Quyết phải ngừng hoạt động từ năm 2017 đến nay. (Hình: Sơn Tân/Thanh Niên)

THÁI BÌNH, Việt Nam (NV) – Nhiều người dân đã tố cáo đích danh những cán bộ công an tại thành phố Thái Bình “có dấu hiệu tiếp tay cho băng nhóm xã hội đen Đường ‘Nhuệ.’”
Trong đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan hữu trách ngay sau khi ông Trương Hòa Bình, phó thủ tướng thường trực chính phủ CSVN, yêu cầu mở rộng điều tra hoạt động băng nhóm xã hội đen Đường “Nhuệ,” nhiều người dân đã đề nghị làm rõ sai phạm trong việc giải quyết các vụ án hình sự của Công An thành phố Thái Bình.
Theo báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hà (31 tuổi, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình), hiện đang là cán bộ Công An phường Phúc Khánh, tố cáo và kiến nghị làm rõ hai vụ án liên quan đến cha mẹ ông là bà Phạm Thị Quyết và ông Nguyễn Văn Lẫm, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm Quyết.
Ông Hà cũng chỉ đích danh một số cán bộ, lãnh đạo Công An thành phố Thái Bình “đã có biểu hiện bao che khi tham gia thụ lý các vụ án.”
Và vì là cán bộ Công An phường Phúc Khánh mà lại gửi đơn tố cáo, kêu oan từ năm 2017 cho đến nay nên trong nhiều năm nay ông Hà chỉ ở mức “hoàn thành nhiệm vụ” trong công tác.
Hồ sơ do ông Hà cung cấp cho báo Thanh Niên được ghi nhận, năm 2017, do thiếu vốn làm ăn, cha mẹ ông là ông Lẫm và bà Quyết đã vay 1.7 tỷ đồng ($72,833) của ông Nguyễn Xuân Đường (còn gọi là Đường “Nhuệ,” 49 tuổi, trú phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình), với lãi suất 3.7 triệu đồng ($158)/ngày.
Do việc kinh doanh gặp khó, vợ chồng ông Lẫm xin trả dần nhưng Đường “Nhuệ” không đồng ý. Dù gia đình vẫn đang trả nợ nhưng ngày 3 Tháng Mười, 2017, Đường “Nhuệ” cho người đến đập phá, ép cha mẹ ông Hà phải bán lại nhà xưởng công ty Lâm Quyết cho mình dù tài sản này có giá đến 7 tỷ đồng ($299,635).
Trong 16 ngày liên tiếp, Đường “Nhuệ” cho đàn em ở lại nhà xưởng, đuổi đánh người trông coi, thế nhưng Công An thành phố Thái Bình không giải quyết dù gia đình kêu cứu nhiều lần.
Khi làm việc với Đội Cảnh Sát Kinh Tế Công An thành phố Thái Bình, vợ chồng ông Lẫm đã nói rõ việc tố cáo Đường “Nhuệ” là vấn đề hình sự, yêu cầu chuyển hồ sơ cho Đội Cảnh Sát Hình Sự Công An thành phố thụ lý.
Mẹ con bà Đinh Thị Lý tố cáo sự việc bị Đường “Nhuệ” và đàn em hành hung với báo chí. (Hình: X.A/Tiền Phong)
“Tuy nhiên, Trung Tá Cao Giang Nam, phó thủ trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An thành phố Thái Bình, và ông Nguyễn Hữu Vinh, đội trưởng Đội Cảnh Sát Kinh Tế (hiện là trưởng Công An phường Trần Lãm), kiên quyết không chuyển hồ sơ cho Đội Cảnh Sát Hình Sự Công An thành phố thụ lý, mà chỉ ép cha mẹ tôi về công ty khi đã bị Đường ‘Nhuệ’ đập phá, hủy hoại và cướp đoạt tài sản,” ông Hà bất bình nói.
Sau đó, vợ chồng ông Lẫm đã gửi đơn về sự việc lên Phòng Cảnh Sát Hình Sự Công An tỉnh Thái Bình, nhưng không biết vì sao hồ sơ lại được chuyển ngược về Đội Cảnh Sát Kinh Tế Công An thành phố Thái Bình.
Đến ngày 29 Tháng Ba, 2018, ông Cao Giang Nam đã ký thông báo đã hết thời hạn giải quyết và sau đó ký quyết định “không khởi tố vụ án hình sự” liên quan đến đơn tố cáo của vợ chồng ông Lẫm với Đường “Nhuệ.”
Tiếp đó, ngày 16 Tháng Tư, 2018, ông Lẫm và bà Quyết bị Công An thành phố Thái Bình bắt giữ về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” sau khi một chủ nợ là ông Đỗ Văn Tới làm đơn tố cáo. Tháng Sáu, 2019, Tòa Án Nhân Dân thành phố Thái Bình tuyên án ông Lẫm 14 năm tù và bà Quyết 13 năm.
“Cha mẹ tôi bị khởi tố, kết tội vì liên quan đến việc vay nợ của người khác. Một sự việc dân sự mà ông Cao Giang Nam lại biến thành hình sự, trong khi sự việc của gia đình tôi đang là hình sự lại được xác định ‘không có dấu hiệu tội phạm,’” ông Hà uất ức nói.
Chính vì vậy, ông Hà cho rằng: “Đường ‘Nhuệ’ với ông Cao Giang Nam có mối liên hệ với nhau nên ngụy tạo lý do bắt giam cha mẹ tôi, nhằm trả thù người tố cáo, làm cho cha mẹ tôi không còn tiếp tục tố cáo Đường ‘Nhuệ’ cướp đoạt tài sản, và ông Cao Giang Nam là người bao che dẫn đến bỏ lọt tội phạm.”
Ngoài vụ việc trên, theo báo Tiền Phong trong vụ án “Cố ý gây thương tích” với ông Mai Thế Duy (32 tuổi), con trai của bà Đinh Thị Lý (58 tuổi) xảy ra hôm 17 Tháng Mười Một, 2014, liên quan đến một phụ nữ không quen tên Giang (trú huyện Từ Liêm, Hà Nội) nhờ Đường “Nhuệ” đòi lại 300 triệu đồng ($12,746) tiền xin việc sau hai năm thỏa thuận, xảy ra tại trụ sở Công An phường Trần Lãm vừa được Công An tỉnh Thái Bình cho phục hồi điều tra, cả quyết định khởi tố và tạm đình chỉ điều tra ban hành năm 2015 đều do Trung Tá Cao Giang Nam ký.
Nói với báo Tiền Phong, một sĩ quan công an đã nghỉ hưu từng công tác trong tỉnh Thái Bình, đánh giá: “Bao che chắc chắn là có. Bao che ở đây tôi không biết cụ thể là ai nên không dám nói bừa nhưng phải có cả một mạng lưới.”
Đáng chú ý là trong những ngày qua, báo Thanh Niên đã nhiều lần liên lạc với ông Cao Giang Nam và một số cán bộ Công An thành phố Thái Bình để làm rõ nội dung người dân tố cáo, nhưng không nhận được sự hồi đáp.
Trong khi đó, nhiều người dân Thái Bình đang cho rằng việc băng nhóm xã hội đen Đường “Nhuệ” lộng hành trong thời gian dài như trên “còn liên quan đến nhiều nhân vật khác.” (Tr.N) [qd]

Bí thư Hà Nội, Sài Gòn ngủ mơ với ‘dịch vụ sẽ trở lại như cũ’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cùng một lúc, phát ngôn của người đứng đầu hai Thành Ủy Hà Nội và Sài Gòn khiến công luận hoang mang về mức độ “ngủ mơ, hoang tưởng” của hai ông này trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam đang lao đao bên bờ vực phá sản do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Hôm 16 Tháng Tư, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Vương Đình Huệ được báo VNExpress trích lời rằng ông này “mong doanh nghiệp chung tay tạo kỳ tích kinh tế vì đã cam kết với chính phủ phấn đấu mức tăng trưởng gấp 1.3 lần so với bình quân cả nước.”
“Đây là lúc nạp năng lượng, tạo hiệu năng để khi vượt qua dịch thì kinh tế có thể tăng trưởng vượt bậc như thủ tướng đã nói, kinh tế sẽ như lò xo nén lâu ngày bật trở lại,” ông Huệ nói.
Còn tại Sài Gòn, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Bí Thư Nguyễn Thiện Nhân rằng ông này “mong muốn ba tháng nữa ngành dịch vụ sẽ trở lại như cũ.” Phát ngôn này cho thấy ông Nhân lúc nào cũng bị ám ảnh vì chuyện phải giữ vững thành tích phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Dường như người đứng đầu Sài Gòn không cần quan tâm đến chuyện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ẩm thực và lưu trú, vận tải đang khốn đốn vì họ phải tiếp tục án binh bất động do lệnh kéo dài “cách ly xã hội” thêm một tuần và còn chưa biết có bị đóng cửa đến cuối Tháng Tư hay không.
Ông Vương Đình Huệ (trái), và ông Nguyễn Thiện Nhân. (Hình: VNExpress, VietNamNet)
Thực ra, cả hai ông Huệ và Nhân được ghi nhận “nói theo” tuyên bố trước đó của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc trên báo Chính Phủ hôm 1 Tháng Tư rằng “lò xo kinh tế sẽ bật lên khi dịch bệnh cơ bản được giải quyết.”
Điều khá oái oăm là cùng lúc với việc trích dẫn phát ngôn “hùng hồn” của hai vị bí thư nêu trên, các báo đảng cũng tường thuật tình trạng thê thảm của các doanh nghiệp, nhất là các công ty tư nhân.
Báo VOV của Đài Truyền Hình Việt Nam dẫn kết quả cuộc khảo sát của Ban Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Tư Nhân đối với 1,200 doanh nghiệp ở Việt Nam cho thấy nếu dịch COVID-19 kéo dài sáu tháng thì “74% doanh nghiệp sẽ bị phá sản.”
Trang này cũng đặt câu hỏi: “Đối với nhiều ngành, những ngày phía trước vẫn còn rất u ám. Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng COVID-19?”
Facebooker Mai Quốc Ấn, cựu phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, bình luận trên trang cá nhân: “Tốc độ phá sản doanh nghiệp tăng rất nhanh dẫn đến tốc độ thất nghiệp cũng tăng nhanh. Chính phủ còn chần chừ gì nữa mà không mau tung gói hỗ trợ và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp? Cứu được doanh nghiệp nào hay doanh nghiệp đó chính là cứu vãn nền kinh tế. Doanh nghiệp nào cũng than trời, nói gói hỗ trợ tới giờ là nói mồm cho vui chứ thực tế gõ cửa thì ngân hàng nào cũng lắc đầu. Một nền tài khóa kiểu cứu ngân hàng không màng doanh nghiệp không khác gì cắt thịt mình đi nuôi bụng mình, thay vì để cơ bắp ấy lao động ra lương thực.” (N.H.K) [qd]