Wednesday, March 29, 2017

Thêm một sự cấu kết của quyền lực bất chính

Lê Anh Hùng Theo VOA-29/03/2017 
Ảnh chụp màn hình từ trang plo.vn - Đoàn Phòng CSGT (PC67) Công an TP.HCM ký kết với chi đoàn bốn tờ báo ở TP.HCM gồm Pháp Luật TP.HCM, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Người Lao Động về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.Ảnh chụp màn hình từ trang plo.vn - Đoàn Phòng CSGT (PC67) Công an TP.HCM ký kết với chi đoàn bốn tờ báo ở TP.HCM gồm Pháp Luật TP.HCM, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Người Lao Động về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Những cái bắt tay đáng ngờ
Ngày 18/3 vừa qua, một loạt báo chí chính thống tại Sài Gòn đưa tin về sự kiện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Phòng Cảnh sát Giao thông TP HCM tổ chức lễ kết nghĩa với các chi đoàn, cụm chi đoàn trên địa bàn thành phố. Theo đó, 19 chi đoàn thuộc Đoàn Phòng PC67 sẽ kết nghĩa với 18 cơ sở đoàn địa phương; 4 cụm chi đoàn thuộc Đoàn Phòng PC67 kết nghĩa với 4 cơ sở đoàn thuộc 4 trường đại học. Đặc biệt, Đoàn Phòng PC67 sẽ kết nghĩa với các cơ sở đoàn của 4 cơ quan báo chí lớn tại thành phố lớn nhất cả nước này là Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động và Pháp Luật TP.HCM.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Đoàn Công an TP, phát biểu tại buổi lễ kết nghĩa: “Tình hình trật tự an toàn giao thông hiện nay đang rất phức tạp, đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trong đó chính vẫn là lực lượng công an nhưng cần phải có sự kết hợp với các cơ quan, đơn vị… nhằm chuyển biến nhận thức của người dân trong tham gia giao thông”.
Mặc dù theo lãnh đạo Phòng CSGT TP HCM thì mục đích của việc “kết nghĩa” này rất là chính đáng – “để cùng nhau phục vụ tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, song dường như chẳng người dân Sài Gòn nào tỏ ra hoan hỉ trước thông tin trên, ngoại trừ những người trong cuộc.
Bao giờ cho đến ngày xưa?
Tình hình trật tự an toàn giao thông trên cả nước nói chung và địa bàn TP HCM nói riêng diễn ra ngày một tệ hại là thực tế mà công luận đã phản ánh quá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các cơ quan hữu quan ở Việt Nam thường quy nguyên nhân của thực trạng này cho cái gọi là “ý thức của người tham gia giao thông”. Và, theo đúng “quy trình”, sau khi “bắt bệnh” xong, “phương thuốc” được người ta đưa ra là làm thế nào để “nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông”, mà cách thức phổ biến là “tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông”.
Trên thực tế, như chúng ta đều biết, Hà Nội trước năm 1954 và Sài Gòn từ năm 1975 trở về trước đều là những thành phố ngăn nắp, trật tự; người dân có ý thức cao trong việc chấp hành pháp luật nói chung cũng như luật lệ giao thông nói riêng. Tuy nhiên, sau khi Đảng CSVN nắm quyền trên toàn Miền Bắc từ năm 1954 và trên cả nước từ năm 1975, tình hình đã thay đổi theo chiều hướng như chúng ta đã thấy. Tinh thần “thượng tôn pháp luật” nói chung và ý thức tuân thủ luật lệ giao thông nói riêng của người dân ngày càng đi xuống, trong khi không thể nói là dân trí Việt Nam hiện nay thấp hơn so với năm 1975 hay 1954. Trách nhiệm này, trước hết thuộc về bộ máy công an, lực lượng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội. Họ chính là những người trực tiếp tạo ra “ý thức chấp hành pháp luật” (hoặc ngược lại, ý thức coi thường pháp luật) trong dân chúng. Ý thức là sự phản ảnh của hiện thực khách quan vào trong não bộ con người. Và cái “hiện thực khách quan” về tinh thần thượng tôn pháp luật, trước hết, do chính những người thừa hành pháp luật tạo ra.
Sự tha hoá của quyền lực thiếu kiểm soát
Trở lại với sự kiện Đoàn Phòng CSGT TP Hồ Chí Minh “kết nghĩa” với các cơ sở đoàn trên địa bàn thành phố. Việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại Sài Gòn là trách nhiệm trực tiếp của lực lượng cảnh sát giao thông thành phố. Tuy nhiên, họ đã không làm tròn nhiệm vụ được giao của mình, điều mà ngay chính họ cũng phải thừa nhận ở trên. Nói cách khác, họ đã thất bại trong việc tạo ra “ý thức chấp hành luật lệ giao thông” cho người dân. Nguyên nhân rất đơn giản: họ đã sử dụng quyền lực được hệ thống chính trị giao phó không phải nhằm phục vụ cho lợi ích của cộng đồng và xã hội, mà chủ yếu là cho lợi ích cá nhân. Có quá nhiều minh chứng cho nhận định này: đó là việc lực lượng CSGT thành phố đứng sau các đội “xe vua”; việc CSGT thoả thuận với người vi phạm luật lệ giao thông theo kiểu “của đồng chia ba, của nhà chia đôi” để khỏi lập biên bản vi phạm; việc CSGT nhắm mắt làm ngơ cho các hành vi phạm luật của người tham gia giao thông khi không thể “kiếm chác” gì, v.v.
Trong một xã hội mà mọi quyền lực đều tập trung trong tay Đảng Cộng sản thì sự tha hoá của quyền lực nhà nước nói chung và lực lượng CSGT TP HCM nói riêng là điều tất yếu. Để ngăn chặn quá trình tha hoá đó, các quyền lực xã hội như báo chí càng cần tăng cường vai trò giám sát đối với quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, một mặt báo chí Việt Nam chỉ là công cụ tuyên truyền của đảng (thể hiện, chẳng hạn, qua việc Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng vừa mới chỉ đạo lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam dừng phát sóng loạt bài điều tra “Mạng lưới rút ruột dầu máy bay ở TP HCM”) nên hiệu quả của việc “giám sát” đó là rất hạn chế; mặt khác các quyền lực này luôn tìm cách cấu kết với nhau vì lợi ích riêng, mà việc Phòng Đoàn CSGT TP HCM “kết nghĩa” với cơ quan đoàn của bốn tờ báo lớn tại Sài Gòn là một ví dụ điển hình. Từ nay, các phóng viên muốn đăng bài phản ảnh tình hình tiêu cực trong lực lượng CSGT Sài Gòn trên các tờ báo này chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn trước nhiều.
Khi quyền lực nhà nước hay quyền lực xã hội được sử dụng để phục vụ cho những mục đích cá nhân, nó đã “tự diễn biến, tự chuyển hoá” thành quyền lực bất chính. Bản thân quyền lực bất chính đã nguy hiểm cho xã hội, sự cấu kết giữa chúng lại càng nguy hiểm bội phần.
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Làm thế nào để Thủ tướng Phúc được ‘thăm Mỹ’ nhanh nhất?

Phạm Chí Dũng Theo VOA- 28/03/2017

Năm 2017 đã “mở hàng” đối ngoại Việt Nam bằng những “tâm tư lạ” và chưa có tiền lệ.
Tháng Ba năm 2017, đột nhiên xảy ra một động tác “bắn tiếng” chưa từng có tiền lệ: trang Facebook của chính phủ Việt Nam đăng tải những thông tin về ý nguyện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “sẵn sàng đi thăm Mỹ”.
Trước đó vào tháng Hai, nhân vụ nữ sát thủ mang hộ chiếu Việt là Đoàn Thị Hương bị bắt ở Malaysia, lần đầu tiên Bộ trưởng công an Tô Lâm đã “chiếu cố” trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) - một hãng truyền thông mà báo đảng ở Việt Nam thỉnh thoảng vẫn xem là “đài địch”. Trả lời không chỉ một lần mà đến hai lần, sau đó Tô Lâm còn trả lời phỏng vấn cả đài BBC, khiến một số quan chức cấp thứ trưởng ngoại giao cũng không còn quá e dè với “đài địch” nữa.
Còn trước đó nữa - tháng Giêng, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam là Hữu Thỉnh bất ngờ thông báo “sẽ mời tất cả các nhà văn hải ngoại về dự “hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” vào dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng Ba âm lịch”. Ngày này sắp đến.
Công khai ‘gợi ý’
Tính chất khác thường của “Thủ tướng sẵn sàng thăm Mỹ” cần được đối chiếu với việc trước đây các hoạt động vận động và thỏa thuận về những chuyến thăm cao cấp Việt - Mỹ đều thông qua kênh ngoại giao, và thường gần đến lúc “đi” mới công bố thông tin trên báo chí nhà nước, chứ hoàn toàn không có chuyện bày tỏ mong muốn như vừa đây trên trang Facebook của chính phủ.
Vào năm 2013, giới ngoại giao Việt đã âm thầm mở một cuộc vận động để Tòa Bạch Ốc mời ông Trương Tấn Sang - chủ tịch nước vào thời điểm đó - đến Washington vào tháng Bảy cùng năm. Còn để ông Nguyễn Phú Trọng - tổng bí thư - được đón tiếp tại Phòng Bầu Dục vào tháng 7/2015, nghe nói trước đó Bộ ngoại giao Việt Nam đã “chạy đôn chạy đáo” để vận động Bộ Ngoại giao Mỹ dành cho ông Trọng những nghi thức tiếp đón cấp nguyên thủ quốc gia như đối với Gorbachev của Liên Xô vào năm 1987.
Nhưng bây giờ thì không còn âm thầm nữa, mà gần như công khai “gợi ý”.
Thậm chí, trang Facebook chính phủ còn nhắc lại “kỷ niệm” về việc “ông Trump nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ rằng ông sẽ tiếp ông Phúc “bất cứ lúc nào, dù là ở Washington hay là New York”.
Không những “sẵn sàng đi thăm Mỹ”, vào ngày 9/3/2017 ông Phúc còn gián tiếp thông qua một đoàn doanh nhân Hoa Kỳ để đề nghị phía Mỹ “quan tâm lại vấn đề TPP”, cho dù quan điểm của Tổng thống Trump đã xác quyết ngay từ ngày đầu ông nhậm chức bằng việc ký quyết định hủy bỏ việc Mỹ tham gia hiệp định này.
Cần lưu ý rằng động tác “bắn tiếng” từ phía Việt Nam diễn ra trong bối cảnh chưa rõ phía Mỹ đã chính thức mời Thủ tướng Phúc công du Hoa Kỳ hay chưa. Nhưng theo một số tin tức ngoài lề thì cho tới giờ này, người Mỹ còn đang quá bận rộn với công việc nên “chưa có thời giờ nghĩ đến Việt Nam”.
Tình thế khó khăn kinh tế của chế độ Việt Nam nói chung và của Thủ tướng Phúc cũng bởi thế càng cám cảnh. Đã từng hy vọng TPP là cứu tinh gần như duy nhất cho nền kinh tế Việt đã trượt vào chu kỳ suy thoái đến năm thứ 9 liên tiếp, giới lãnh đạo chóp bu càng tỏ ra thất vọng sâu sắc khi bị trôi tuột kỳ vọng “GDP Việt Nam sẽ tăng 25% khi vào TPP”, khiến chân đứng chế độ càng bị chao nghiêng dữ dội.
Nếu không thể thuyết phục Mỹ về TPP, Việt Nam chỉ còn hy vọng Mỹ sẽ không quá làm khó đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ và do đó vẫn duy trì được xuất siêu Việt Nam sang Mỹ khoảng 25 tỷ USD/năm. Thực tế ám ảnh là trong những năm gần đây, do chất lượng không bảo đảm nên một số mặt hàng của Việt Nam như gạo, cá ba sa, tôm… đã bị hàng rào kiểm định chất lượng của Mỹ chặn lại, khiến giá trị của xuất khẩu Việt bắt đầu giảm sút.
Đó là chưa kể một cảnh báo có ý nghĩa vừa được nêu ra bởi tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế - Credit Suisse. Một báo cáo của tổ chức này nhận định rằng các biện pháp kiểm soát biên giới gắt gao hơn của chính quyền Tổng thống Trump có thể làm giảm một lượng kiều hối tương đương với 0,4% GDP của Việt Nam. Tổng lượng kiều hồi từ Mỹ về chiếm 4% GDP của Việt Nam. Báo cáo cho rằng điều này sẽ tác động mạnh nhất đến thị trường bất động sản và bán lẻ.
Thực tế là trong năm 2016, lượng tiền mà “kiều bào ta” gửi về Việt Nam đã chỉ còn 9 tỷ USD, giảm hơn 30% so với con số 13,2 tỷ USD của năm 2015.
Chưa kể nếu dự luật về thuế biên giới đánh vào hàng nhập khẩu của chính quyền ông Trump được thông qua, Việt Nam có thể bị giảm thêm 0,9% GDP…
Tự cứu
Ông Nguyễn Xuân Phúc có lẽ là đời thủ tướng rơi vào hoàn cảnh “tế nhị” nhất trong lịch sử triều đại cộng sản.
Không chỉ là người phải gánh quá nhiều khó khăn kinh tế và xã hội để lại từ đời thủ tướng trước - ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Phúc dường như còn là niềm hy vọng duy nhất của Bộ chính trị đảng để làm sao có thể kiếm ra tiền nuôi dưỡng bộ máy gần 4 triệu đảng viên và gần 3 triệu công chức viên chức, chưa tính đến một lực lượng quân đội thường trực nửa triệu binh sĩ mà chi phí quốc phòng luôn “ngốn” gần 5% GDP, trong đó nhu cầu “sẵn sàng chiến đấu” với Trung Quốc có vẻ được đẩy lên những cấp độ cao hơn cứ sau mỗi quý hoặc nửa năm.
Nhưng khác hẳn với thời “tiền nhiều như nước” của Thủ tướng Dũng, một phần không nhỏ của kinh tế Việt Nam giờ đây đã kiệt quệ cùng gánh nặng nợ công không phải chỉ “sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP” như các báo cáo mang tính di truyền từ đời Nguyễn Tấn Dũng đến nay, mà đã vọt lên đến 210% GDP, tương đương khoảng 431 tỷ USD.
Chưa cần nói đến nhiệm vụ “đầu tư phát triển”, bây giờ thì chỉ cần có đủ tiền để trả nợ lãi vay cho quốc tế và trong nước đã là quá thành công. Nhưng quả là “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, ông Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức thủ tướng vào đúng thời gian mà hầu hết các chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu đều đồng loạt tuyên bố ngừng các khoản cho vay lãi suất ưu đãi và thời gian ân hạn đối với Việt Nam. Tất cả phải trở về nguyên trạng thế sòng phẳng của “kinh tế thị trường”.
Có thể hình dung sức ép của Bộ chính trị đảng, và đặc biệt từ Tổng Bí thư Trọng - người đặc biệt ao ước có được TPP - tràn ngập đến thế nào dành cho Thủ tướng Phúc.
Tình thế đó đã biến ông Phúc thành “ngôi sao” duy nhất có khả năng kiếm tiền. Nhưng ở một vế có đi có lại, thành công hay thất bại chính trị của ông Phúc sẽ tùy thuộc phần lớn vào những chuyến công du đối ngoại để làm sao vay được tiền và xin được viện trợ không hoàn lại.
EVFTA?
Có thể còn một lý do thiết yếu nữa để Thủ tướng Phúc “sẵn sàng thăm Mỹ”: Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA).
EU được đánh giá là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ và luôn giúp Việt Nam xuất siêu đến 20 tỷ USD hàng năm chứ không phải thường nhập siêu đến hơn 50 tỷ USD mỗi năm (cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch) như thương mại song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Vị thế của thị trường EU sẽ càng quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hàng Việt xuất đi thị trường Mỹ đang gặp phải rào cản đáng kể về giám định chất lượng.
Thế nhưng đã hơn một năm trôi qua tính từ thời điểm Tháng Mười Hai năm 2015 khi EVFTA được ký kết chính thức, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ mà chưa có động tác triển khai nào tiếp theo. Kinh tế Việt Nam cũng bởi thế vẫn chưa có gì được coi là “hưởng lợi” từ EVFTA.
Vào đầu năm 2017, một lần nữa, việc triển khai FTA giữa EU và Việt Nam được đặt ra giữa hai bên. Nhưng vào thời gian này, hoàn cảnh đã khác biệt nhiều so với một năm trước.
Nếu một năm trước, vai trò của EU trong đàm phán thương mại và đối thoại nhân quyền gắn với thương mại với Việt Nam vẫn còn tương đối mờ nhạt trước vị trí đương nhiên của người Mỹ, thì kể từ giữa năm 2016, khi bắt đầu một cuộc “chuyển giao” về vai trò đối thoại và đàm phán nhân quyền đối với Việt Nam từ Mỹ sang EU, vai trò của EU và nghị viện khối này đã dần mạnh lên.
Vì thế, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Thủ tướng Phúc có lẽ không ngoài việc thuyết phục Tổng thống Trump vận động EU sớm thông qua EVFTA. Và càng tốt nếu không có điều kiện Việt Nam phải cải thiện nhân quyền.
Không loại trừ chuyến thăm Việt Nam của Nhật hoàng vào cuối tháng 2/2017 đã có một tác động nào đấy đến thái độ “sẵn sàng đi thăm Mỹ” của Thủ tướng Phúc.
Việc Nhật hoàng không đưa ra một hứa hẹn nào về việc Nhật Bản sẽ gia tăng viện trợ cho Việt Nam có thể cũng là một hàm ý “Nhật còn phải hỏi ý kiến người Mỹ”.
Vậy làm thế nào để thủ tướng phúc có thể “thăm Mỹ” nhanh nhất và có hiệu quả nhất?
Cải cách thể chế và cải thiện nhân quyền
Thiết tưởng nên nhớ lại chuyến công du rất đặc biệt của Tổng thống Obama đến Myanmar vào cuối năm 2012. Trước đó một năm, Thein Sein - tổng thống theo đạo Phật của Myanmar đã hồi tâm một cách kỳ lạ và đưa ông trở thành một nhân vật lịch sử theo đúng nghĩa: giải chế cho lãnh tụ đối lập là bà Aung San Suu Kyi, ban hành luật tự do biểu tình, tự do hội họp, tự do báo chí, trả tự do hàng loạt cho các tù nhân chính trị, bắt đầu cải cách kinh tế… Kết quả là song trùng với chuyến thăm Myanmar của Obama, Câu lạc bộ Paris đã xóa món nợ lên đến 6 tỷ USD cho Myanmar và đầu tư nước ngoài bắt đầu ồ ạt chảy vào đất nước đã nhòa nhạt ách quân phiệt này.
Còn Việt Nam thì sao?
Bi kịch chính thể sinh ra từ tư tưởng thủ cựu và thói xấu bo bo đục khoét dân để trục lợi.
Từ lâu lắm rồi, bất chấp đòi hỏi của các tầng lớp dân chúng trong nước cùng rất nhiều lần khuyến nghị của quốc tế, giới chóp bu Việt Nam vẫn bo bo giữ thế độc quyền chính sách cho những doanh nghiệp lợi ích nhóm nhà nước trong ngành xăng dầu và điện lực, vẫn ôm trọn quyền “sở hữu đất đai toàn dân” mà thực chất là kéo dài càng lâu càng tốt cơ hội cho các nhóm lợi ích và quan chức thu hồi đất của dân với giá rẻ mạt. Và trong khi viện ra đủ thứ lý do để “treo” các quyền hiến định của dân như Luật Biểu tình, Luật Lập hội, Luật tự do báo chí thì vẫn thẳng tay đàn áp giới bất đồng chính kiến và những người dân nào dám thể hiện các quyền ấy.
Để rốt cuộc, nếu không chịu cải cách thể chế và cải thiện nhân quyền một cách thực chất, nhóm lãnh đạo bảo thủ và lợi ích trong đảng sẽ chính là một bức tường dựng đứng mà Thủ tướng Phúc không cách nào trèo qua để kiếm tiền nuôi đảng.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Áo ngực Trung Cộng là một trong những nguyên nhân gây ung thư vú

Áo ngực Trung Cộng là một trong những nguyên nhân gây ung thư vú
Áo lót ngực Trung Cộng bày bán khắp nơi ở Sài Gòn. (ảnh: N.Thịnh)
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (Sài Gòn) cho biết hôm 29-3, là cứ 8 người phụ nữ Việt Nam thì có 1 người mắc ung thư vú.
Những con số đưa ra thật đáng báo động. Nếu như trước đây phụ nữ mắc ung thư vú phần lớn đều sau 40 tuổi, thì hiện nay ung thư vú ở Việt Nam đang trẻ hóa, nhiều phụ nữ chỉ mới 20 – 30 tuổi đã mắc ung thư vú, thậm chí có không ít trường hợp dưới 20 tuổi. Bà Tuyết cho biết mỗi năm có khoảng 15,000 trường hợp phát hiện ung thư vú mới. Cứ 8 phụ nữ thì có 1 người mắc ung thư vú.Cứ 3 phút là có 1 phụ nữ chẩn đoán mắc ung thư vú, 13 phút có 1 phụ nữ chết vì ung thư vú. Đây là bệnh ung thư đứng hàng đầu trong số các bệnh ung thư ở nữ giới của Việt Nam.
Bác sỹ chuyên khoa về bệnh lý tuyến vú Nguyễn Thị Phương Nga cho biết: “Việc sử dụng các loại áo ngực kém chất lượng của Trung Cộng trong thời gian dài, là nguyên nhân khiến tỉ lệ phụ nữ mắc ung thư vú ở Việt Nam ngày càng gia tăng”. Bác sĩ Nga cho biết trong áo ngực của Trung Cộng có tẩm một loại hóa chất dầu khoáng, tạo cảm giác mềm mịn khi chạm vào, song nó lại nguy cơ tổn hại sức khỏe. Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết do tính chất nguy hiểm của các loại dầu khoáng đến sức khỏe của con người, nên chúng đã bị cấm sử dụng từ rất lâu. Những hóa chất có trong các sản phẩm này có thể gia tăng kích ứng da, cũng như gia tăng nguy cơ mắc ung thư da.
Bác sỹ Nga cũng cho biết các mẫu áo lót ngực Trung Cộng còn chứa kẽm và silicon – hợp chất được làm phụ gia trong ngành nhựa, cao su… Theo bác sĩ Trần Ngọc Ánh, Bệnh viện Da liễu Sài Gòn, áo lót ngực Trung Cộng có chứa “túi bi nhựa” trong áo ngực nhằm độn, tăng kích cỡ và nâng ngực mà vẫn có độ mềm mại, không bị cứng, cộm. Nhựa polystyrene và dầu khoáng có chứa trong phần độn áo ngực đó.
Vũ Minh Ngọc / SBTN

Cộng sản núp bóng "công dân" đề xuất đúc tượng rùa vàng 10 tấn để dụ và móc vàng từ dân?

Dân Đen (Danlambao) - Tạ Hồng Quân là người như thế nào mà có thể huy động nguồn lực xã hội để xây dựng rùa vàng hàng tấn? Tại sao báo chí nhà sản lại đồng loạt đăng bài về ý tưởng của một "công dân" mà không hề cho biết "công dân" đó hình hài ra sao, làm ăn như thế nào mà chỉ đơn thuần đó là một cái tên rất là Hồng Vệ Binh và cái tên đó được biết là ở Hà Nội. Phải chăng ý tưởng xây dựng biểu tượng rùa vàng là một trong những động thái dọn đường của các quan tham với ý đồ huy động vàng và ngoại tệ trong dân? Và muốn có biểu tượng rùa vàng thì phải xây dựng một “biểu tượng” ảo, hay chính xác hơn là "cò mồi ảo" là Tạ Hồng Quân?

*

Có thể nói Việt Nam là một quốc gia có vô số những ý tưởng, những đề xuất nhằm thay đổi, vinh danh, hay thậm chí chỉ để khoe mẽ với thiên hạ. Dẫu cho những ý tưởng, đề xuất này nọ mà cộng sản đưa ra nhằm mục đích gì đi nữa thì cuộc sống của người dân Việt vẫn không thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nó gần như đã trở thành một thứ “tư duy bệnh hoạn” trong cách cai trị của nhà cầm quyền cộng sản. Cũng có thể xem đây là một chiêu trò lèo lái dư luận trước, trong và sau khi diễn ra sự kiện do cộng sản “ấp ủ”.

Thứ tư duy bệnh hoạn ấy của quan chức cộng sản đã lây lan sang những kẻ thừa tiền trong dân, (do cấu kết làm ăn với quan chức nhà sản). Những kẻ ấy cho rằng những tượng đài nghìn tỷ, những đợt bắn pháo hoa vào dịp lễ, tết, những tô hủ tiếu khủng, những chiếc bánh trưng, bánh dày khổng lồ... là thứ cần thiết. Trong khi hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu con người đang khốn khổ vì đói, vì nghèo. Cái nghèo, cái đói ấy không tự nhiên đến với họ, nó được “tạo” ra bởi bè lẽ cộng sản cấu kết doanh nghiệp trong nước hay những tập đoàn kinh tế của “nước lạ” để cướp những gì có thể cướp của người dân.

Ngày 28/03/2017, có chủ đích, hàng loạt trang báo của ban tuyên giáo cộng sản đồng loạt đăng bài viết có tiêu đề: “Đề xuất đúc tượng rùa vàng 10 tấn tại hồ Hoàn Kiếm”. Người đưa ra ý tưởng này là Tạ Hồng Quân, được cho là "một công dân" Hà Nội. 

"Công dân" mang tên "Hồng Quân" này đã trình UBND Hà Nội đề án và cho biết đây là điều ông đã ấp ủ từ năm 2011. "Công dân" Quân đề xuất tượng rùa vàng sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng và vàng nguyên chất. Rùa vàng hồ Hoàn Kiếm sẽ có chiều dài 2,5 mét, chiều cao 3,5 mét và có trọng lượng từ 6-10 tấn. Dự kiến thời gian thực hiện tượng rùa vàng mất khoảng hai năm. Kinh phí thực hiện sẽ không sử dụng ngân sách nhà nước mà sẽ huy động bằng hình thức xã hội.

Hà Nội ngàn năm văn hiến với lịch sử hào hùng trong công cuộc chống lại sự xâm lược của kẻ thủ phương Bắc. Truyền thuyết Lê Lợi sau khi đánh đuổi giặc Minh đã hoàn trả gươm thần cho thần Kim Qui cũng từ đó mà có. Đó là một câu chuyện tâm linh đã gắn liền với tư duy người dân Thủ Đô. Hồ Hoàn Kiếm với hình ảnh Tháp Rùa cũng đã trở thành biểu tượng của Hà Nội. Nếu nói về biểu tượng thì Việt Nam không hề thiếu những công trình lâu đời xứng tầm trở thành biểu tượng của quốc gia. Vấn đề là cộng sản sau khi cướp và nắm chính quyền chỉ chuyên chăm phá hoại những di tích, đập bỏ những biểu tượng đã gắn liền với dân tộc. Điển hình mới nhất là hành vi đập phá tòa nhà làm việc của chính phủ vốn là một di tích lịch sử gần 100 năm. Thay vào đó cộng sản liên tục đề xuất phải xây dựng những thứ mới mẻ mang nặng tư duy của gã nhà nghèo thích khao trương.

Không biết "Hồng Quân" này là quân cờ nào của các quan chức cộng sản, nhưng đã đưa ra một đề án có phần gây sốc rất quen thuộc của cán bộ: “hiện tại Việt Nam đang thiếu một biểu tượng nhận diện. Nếu bạn sang Singapore thì sẽ bắt gặp biểu tượng sư tử hóa rồng, đến Pháp sẽ thấy có biểu tượng Eiffel, đến Mỹ sẽ thấy tượng Nữ thần tự do... vậy còn biểu tượng nhận diện của Việt Nam là gì?”.

Không biết "Hồng Quân" đã đi đến bao nhiêu nước, hiểu được thế nào về văn hóa, lịch sử, kinh tế... của các nước. Nếu hiểu có lẽ đã không dám so sánh Việt Nam với các nước ấy. Bởi lẽ những biểu tượng của họ được xây dựng từ lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, từ nền kinh tế vững chắc mà quốc gia họ có được. Còn Việt Nam hiện tại vẫn là một trong những quốc gia có nền kinh tế kém nhất thế giới, xếp sau cả Campuchia. Dẫu cộng sản muốn xây dựng biểu tượng gì đi nữa thì đó cũng không phải là thứ để nhìn vào khi đánh giá một quốc gia.

Nếu ý tưởng ấp ủ bao lâu của "Hồng Quân" đem lại sự ấm no, thịnh vượng cho dân tộc, cho quê hương và cho những mảnh đời khó khăn thì ắt hẳn đó là điều tốt. Tuy nhiên ý tưởng mà ông đề xuất lại mong muốn những cái nhìn mơ hồ từ sự sĩ diện hão huyền của một đất nước mà người dân đang gồng mình với món nợ công không lồ do nhà cầm quyền “trao tặng”.

Tạ Hồng Quân là người như thế nào mà có thể huy động nguồn lực xã hội để xây dựng rùa vàng hàng tấn? Tại sao báo chí nhà sản lại đồng loạt đăng bài về ý tưởng của một "công dân" mà không hề cho biết "công dân" đó hình hài ra sao, làm ăn như thế nào mà chỉ đơn thuần đó là một cái tên rất là Hồng Vệ Binh và cái tên đó được biết là ở Hà Nội. Phải chăng ý tưởng xây dựng biểu tượng rùa vàng là một trong những động thái dọn đường của các quan tham với ý đồ huy động vàng và ngoại tệ trong dân? Và muốn có biểu tượng rùa vàng thì phải xây dựng một “biểu tượng” ảo, hay chính xác hơn là "cò mồi ảo" là Tạ Hồng Quân?

30.03.2017


Cần phải đập tan những luận điệu của các thế lực phản động!

Nguyễn Dư (Danlambao) - Mỗi ngày người ta có thể lướt lên mạng, đọc hàng trăm tin tức từ những tờ báo chính thống trong nước cho đến các diễn đàn báo chí của người Việt hải ngoại; rồi YouTube, Facebook... Nhưng trong thời buổi "nhiễu nhương" hiện nay thì chúng ta cần phải tỉnh táo để nhận định, phân tích tùy theo mỗi thể loại báo; của các tác giả hay bút hiệu; không phải tất cả các tin tức hay bài bình luận nào cũng đều đáng tin. Nhất là trên YouTube hay Facebook thì phải biết: loạn xà bần!

Đọc cái tin: ông Trương Minh Tuấn bộ trưởng bộ thông tin và truyền thông, mời ông đại sứ Mỹ Ted Osius đến họp với các quan chức của bộ để bàn về việc tác động cho Google và Facebook - có đại diện ở Việt Nam - ngăn chặn những tin tức "độc hại". Trong trong suốt mười mấy năm qua, ban tuyên giáo và bộ bốn tê đã nỗ lực, nhưng cho đến hiện nay thì "đảng ta" coi như là "lực bất tòng tâm" cho nên mới nhờ đến ông đại sứ can thiệp (!)

Đọc cái tin mà tôi giật cả mình. Ông Tuấn nghĩ sao về ông Đại sứ mà đi lôi kéo ông ấy nghe theo cái chủ trương độc tài của đảng cộng sản! Hơn thế nữa, là chỉ để phục vụ cho đảng của ông Tuấn, lợi dụng nó để ngăn chặn thông tin "xấu", bưng bít mọi điều bí mật nội bộ để đảng cộng sản thao túng quốc gia, nắm đầu tới mấy chục triệu dân. Lấy áp lực từ đâu, hay ông Tuấn chỉ dùng cách mua chuộc? Tôi dám chắc, ông Đại sứ mà mở lời, nhúng tay vào chuyện này thì đối với chính quyền Mỹ, ông sẽ bị bay chức như chơi. Quyền lợi kinh doanh của dân Mỹ và có đại diện ở Việt Nam thì không thể chối cãi, nhưng để phục vụ cho người Việt Nam chứ không phải chỉ để phục vụ cho hơn bốn triệu đảng viên. Nếu máy chủ mà đặt tại Việt Nam, thì coi như các ông Mỹ bị bộ bốn tê cộng sản nắm đầu. 

Ông Tuấn còn lập luận với họ rất ư là mâu thuẫn kiểu như trẻ con: ông "muốn phát triển Internet nhưng phải đảm bảo quyền được thông tin của người dân". Cái này thì ông Tuấn nói sai. Ông phải nói rằng đảm bảo quyền được thông tin của đảng thì mới đúng. Cái gì các ông cũng dựa vào nhân dân để che đậy hành vi bỉ ổi của mình! Nếu đã bảo là "quyền được thông tin", tức là không đặt vấn đề thông tin đó có đúng hay sai, xấu hay tốt, bởi lẽ không ai cũng hoàn toàn ý thức được những điều mình nói, viết là đúng hoặc sai. Nếu sai thì không bị đánh đập, không bị bắt bỏ tù thì mới là đảm bảo quyền được thông tin, phải không?

Ông Tuấn muốn cả hai: vừa muốn có Internet để phát triển đất nước vừa muốn kiểm soát được thông tin thì là một việc làm "đội đá vá trời"!

Ông Tuấn còn trấn an phía Mỹ là không phải lo ngại các nghị định hay thông tư hạn chế về ngăn chặn bất kỳ hoạt động nào của Google hay các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, mà các ông chỉ hạn chế các hành vi vi phạm. Vậy xin hỏi, thế nào là hành vi vi phạm?

Thì đây, tôi xin chứng minh "quyền được thông tin của đảng", tự do đến nỗi mà không cần đặt vấn đề thông tin đó đúng hay sai, xấu hay tốt; không phải chịu dưới sự kiểm soát nào. Chứ nếu mà người dân thông tin xuyên tạc gán ghép đảng cái kiểu này thì... chết mẹ luôn! 

Đài truyền hình Việt Nam VTV và NTV vu khống rất bỉ ổi, bôi nhọ linh mục Anton Đặng Hữu Nam và linh mục JB. Nguyễn Đình Thục. Họ nói rằng: "Lấy danh nghĩa chủ chăn, rồi nhận tiền bố thí, tài trợ từ bên ngoài để lôi kéo, kích động một bộ phận người dân khiếu kiện Formosa, Linh mục Đặng Hữu Nam, xứ Phú Yên, xã An Hòa đã và đang có những hành động cực đoan nhằm chống đối đảng, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc... Rõ ràng đằng sau sự tài trợ này là những mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, lợi dụng vào lòng tham của một số Linh mục cực đoan như Đặng Hữu Nam hay Nguyễn Đình Thục, với chiêu trò vì môi trường, kích động khiếu kiện đông người, nhằm gây bất ổn cho xã hội."

Với cái luận điệu của các thế lực phản động kiểu này, khỏi cần "đập" thì tự nó cũng sẽ "tan" bởi vì sự thật vẫn là sự thật của Formosa mà nhiều người đã biết đến. Tôi tin rằng những người có lương tâm không ai đi hằn học với những vị tu hành như thế. Những kẻ phản động đó, có thể họ là những con người còn rất trẻ; chứ những người lớn tuổi, chín chắn, biết lẽ phải, biết đúng, biết sai thì không ai có những lời lẽ hồ đồ, thiếu ý thức như thế.

Khỏi cần phân tích đoạn văn trên. Nhưng có một câu, ai đọc lên cũng phải ôm bụng mà cười: "đi ngược lại với lợi ích của dân tộc" (nếu đi kiện Formosa!) Cũng lại là lợi ích của dân tộc chứ không phải lợi ích của "đảng ta" à nghe!

Phải xác định lại cho đúng đắn, nếu vì lợi ích của dân tộc thì phải là biển sạch, cá sạch và nhà cầm quyền phải trong sạch, không khuất tất trong vấn đề thảm họa môi trường do Formosa gây ra, do đó đi biểu tình đuổi cổ Formosa ra khỏi Việt Nam thì mới là hợp tình, hợp lý, hợp "với lợi ích của dân tộc."

Người ta không ai mà không biết rõ về thảm họa Formosa mà người dân của bốn tỉnh miền Trung phải gánh chịu cả năm trời nay. Nhà cầm quyền Việt Nam đồng lõa với nhà máy, vô trách nhiệm với dân, bỏ rơi nên họ kêu lên đến tận trời xanh mà ai có thấu! Những nhà tu hành tìm mọi cách, kêu gọi sự giúp đỡ khắp nơi, đứng ra chia sẻ từ tinh thần cho đến vật chất với những người khốn khổ là điều đáng làm và nên làm lắm chứ. 

30.03.2017

Đừng gọi anh bằng... Giải Phóng

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - “Đã gần 42 năm rồi, trắng đen đã rõ, Vàng / Đỏ nay đã tỏ tường. Đừng gọi anh bằng... Giải Phóng nữa. Đó là mệnh lệnh của lương tri”.

Trên đây là yêu cầu của cựu cán binh bộ đội cụ Hồ từng có mặt trong đoàn quân chiến thắng “vĩ đại, triệt để, toàn diện, lịch sử, ý nghĩa, thời đại, nhựng dồ”(1) 30 Tháng Tư, 75, gửi các em gái vót chông làm bẩy “bọn giặc Mỹ cọp beo”, các em giã gạo “Cắc cùm cum” trên sóc Bom Bô nuôi quân “Giải Phóng”, năm xưa.

Trước biến cố “bên thắng cuộc” xin các em từng “có công với Cắt Mạng” bằng mác dao và chày cối, rằng “Đừng gọi anh bằng Giải Phóng”, Cu Tèo cực kỳ “bức xúc” động não lung tung.

Ban đầu mới nghe qua, Cu Tèo cứ tưởng “mệnh lệnh của lương tri” trên là “Đừng gọi anh bằng chú”, tên một trong 5 bài hát thuộc “văn hóa đồi trụy”, vừa bị Đảng ta ra lệnh “ngừng lưu hành chứ không phải cấm” với lý do được DLV Bích Lâm “phê” dưới bài viết “Năm ca khúc mới bị CSVN cấm lưu hành” của tác giả Bùi Lộc trên Dân Làm Báo rằng thì là: “...Hiện tại có rất nhiều dị bản của những tác phẩm đấy vì đặc thù là đã được phát hành khá lâu rồi nên xuất hiện nhiều dị bản là điều đương nhiên.Tuy nhiên, để đảm bảo sự nguyên vẹn của những tác phẩm nổi tiếng này các cơ quan chức năng cần vào cuộc để trả lại sự nguyên vẹn ban đầu vốn có. Đó cũng là để tôn trọng những tác giả đó.”

Đọc lý do “ngưng lưu hành chứ không phải cấm” 5 bài hát có trước 30 Tháng Tư 75 trên đây, phen này bọn phản động chọc phá tổ bìm bịp hết đường chỉ trích chủ trương Hờ Gờ Hờ Hờ 36 kiểu của Đảng ta là trò xỏ lá ba sạo, lừa lọc, bỏ bùa mê, vê thuốc lú nhắm vào những khúc ruột ngàn dặm nhẹ dạ mà nặng túi. 

Trái ngược với cảnh ngày đó đảng ta thả từng đoàn Hồng vệ binh, mặt mày bặm trợn, cử chỉ hung tợn hơn quân Du Dêu đi tìm bắt Chúa Giê-Su, xông vào nhà dân Miền Nam sục sạo để tìm và đốt sạch “văn hóa đồi trụy”, nay đảng ta ra lệnh nhẹ nhàng êm ái cho “các cơ quan chức năng cần vào cuộc để trả lại sự nguyên vẹn ban đầu của những tác phẩm nổi tiếng này” của “Văn hóa đồi trụy” trước ngày bị Phỏng, và “đó cũng là để tôn trọng những tác giả đó” từng bị đảng chửi như chửi chó ròng rã 40 năm qua.

Trong khi nhạc Cắt Mạng nổi tiếng cũng có không ít bài bị nhiều dị bản, chẳng hạn như “Bác cùng chúng cháu hành quân” thành “Bác cùng cháu gái hành...”; bài “Giải phóng Miền Nam: Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước” thành “Phỏng hai hòn Miền Nam; Diệt đế quốc Mỹ để ta tha hồ bán nước”, vân vân, nhưng đảng lại không cho “ngưng lưu hành”, đảng không “cần vào cuộc để trả lại sự nguyên vẹn ban đầu vốn có. Đó cũng là để tôn trọng những tác giả đó”, trái lại đảng ưu tiên ưu ái, chỉ chiếu cố cách riêng nhạc “Ngụy đồi trụy”. Đúng tinh thần châm ngôn “Bảo hoàng hơn vua”, Đảng “bảo vệ” nhạc Vàng hơn nhạc Đỏ. Chính sách Hờ Gờ Hờ Hờ mang ý nghĩa hỡi ôi là ở chỗ đó.

Nhưng nghe lại kỹ “mệnh lệnh lương tri” của các chú Lão thành Cắt Mạng, thì té ra không phải “Đừng gọi anh bằng Chú”, mà là “Đừng gọi anh bằng Giải Phóng”. Phải vậy chứ; có như vậy mới đúng quy trình... “Đừng gọi anh...” 

Lúc này mà lên tiếng vòi “đừng gọi anh bằng chú” để bị CA rình bắt được là mất toi cho chú Phúc Niểng 15 đến 20 triệu tiền Hồ như chơi. (Vậy mà càng cấm, thiên hạ càng hát, vẫn cứ “Con đường xưa em đi” vào “Rừng xưa” tỉ tê “chuyện buồn ngày Xuân”, vẫn gửi em “Cánh thiệp đầu Xuân” để xin “Đừng gọi anh bằng chú”).

“Đừng gọi anh bằng Giải Phóng” lúc này là thiên thời địa lợi nhân hòa đúng nghĩa nhất:

Giải Phóng gì mà “Nhà Ngụy ta ở, Vợ Ngụy ta lấy, Con Ngụy ta sai”, mà “Ngụy” đây không ai khác hơn là toàn dân Miền Nam không mắc lừa CS;

Giải Phóng gì mà đi đến đâu, dân kéo nhau bỏ của chạy lấy người khỏi đó. Cứ xem lại những hình ảnh Đại lộ Kinh hoàng Quảng Trị, năm 1972, Quốc lộ 7 Phú Bổn - Tuy Hòa, 1975, sẽ “thưởng thức” phần nào “công lao” của Giải Phóng;

Giải Phóng gì mà “bên thắng cuộc” vào thành phố “bị địch tạm chiếm, dân bị kìm kẹp đói khổ”, trông còn tệ hơn “Mán về thành”, ngơ ngơ ngáo ngáo khác nào đàn bò vào thành phố;

Giải Phóng gì mà thấy cái chi của Ngụy cũng quý, kể cả những thứ Ngụy vứt đi; chạy nhốn nháo “sắm làm quà về Bắc”;

Giải Phóng gì mà mồm thì chửi “văn hóa Ngụy đồi trụy” nhưng tai thì khoái củ tỉ khi được nghe Nhạc Vàng và, đầu thì lén lút, sau thành công khai, thậm chí rước ca sĩ Ngụy về giữa Hà Nội hát cho các quan “Giải Phóng” thưởng thức chút tàn hơi của ca sĩ Ngụy.

Giải Phong gì mà sau 30 Tháng Tư
“Người Đất Nam như đàn chim vở tổ
Tứ phương trời bão bùng giông tố 
Biển Đông quỷ dữ nước độc rừng thiêng”;

Giải Phóng gì mà sau 30 Tháng Tư
Mặt trời buồn cám cảnh tang thương
Phố thị im lìm người qua đường gục mặt 
Nơi làng quê tiếng sáo bặt tăm; 

Giải Phóng gì mà sau 30 Tháng Tư
Ai dắt Em về thời hoang dại xa xăm
Sách Em học Chữ Người bằng Khỉ 
Thầy cô Em hóa mặt bủng da chì ;

Giải Phóng gì mà sau 30 Tháng Tư
Mái nhà Em ai cướp đoạt trên tay 
Đuổi Em lên rừng dạy Em bài củ sắn 
Đêm mắt phờ đớ đẩn ngẩn ngơ hồn;

Giải Phóng gì mà sau 30 Tháng Tư
Đạo Phật Trời ai báng bổ vùi chôn 
Nơi linh thiêng loài chồn cáo huênh hoang chễm chệ 
Hồn Dân Nam vật vã giữa tỉnh mê;

Giải Phóng gì mà sau 30 Tháng Tư
Bốn mươi hai năm Cộng Sản hoành hành 
Dân tộc điêu đứng Tổ quốc tan hoang
Hòn ngọc viễn đông, nay hạng dưới Miên Lào...

Giải Phóng gì mà Dân Việt hôm nay phải cất tiếng hỏi “Việt Nam tôi đâu?”

Giải Phóng gì mà Dân Việt hôm nay xuống đường biểu tình chống Giặc xâm lăng bị Công an Nhân dân cấm cản, đánh đập, hàng hung, có người còn chửi rủa bằng tiếng “nước lạ”, nên Nhân dân chẳng còn hiểu Công an Nhân dân bây giờ “Anh là Ai?”

Giải Phóng gì mà..

...Thôi thôi xin đừng gọi nữa làm gì, 
Đời người Giải Phóng coi như đồ vứt đi. (2)

Này em cô gái Lam Hồng
Này em cô gái vót chông 
Này em cô gái giã gạo
Này em cô gái giao liên
Của năm nào

Anh xin các em
Đừng gọi anh bằng Giải Phóng

“Giải Phóng”
Nhắc đến tên nó
Anh xấu hổ
Bỏ mẹ

Riêng Cu Tèo, hễ nghe nhắc đến “Giải Phóng” là thấy ran rát ở vùng “địch tạm chiếm” ban đêm.

30.03.2017



_________________________________

Ghi chú:

(1) Trích nguyên văn lời cán bộ từ Hà Nội vào “lên lớp” tù “cải tạo” bài “Ý nghĩa của chiến thắng 30/4/75, trong đó có hai chữ “nhựng dồ” mà ý nghĩa của nó chỉ có “ông thầy” hôm đó và đồng hương mới hiểu; tiếng “phổ thông” có nghĩa là,”những con tương cận”, “vân vân”, tiếng Mỹ lai... Việt là “xêm xêm”.

(2) Xin được phép nhại theo lời bài hát "Kiếp cầm ca".

ASEAN – Trung Quốc họp về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông

Ngày 19 Tháng Giêng 2017, người dân tại Hà Nội tưởng niệm 74 tử sĩ VNCH đã nằm lại trên biển Hoàng Sa sau trận hải chiến với hải quân Trung Quốc ngày 19 Tháng Giêng 1974. (Hình: Getty Images)
PHNOM PENH (NV) – Các nước ASEAN họp với Trung Quốc tại thủ đô Phnom Penh, Cambodia, với hy vọng đạt được những thỏa thuận về bản dự thảo sơ khởi của Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông.
Cuộc họp diễn ra vào các ngày Thứ Tư 29 và Thứ Năm 30 Tháng Ba 2017 theo sự đề nghị của Trung Quốc cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) vốn đã bị trì hoãn suốt 15 năm qua vì sự chống đối từ Bắc Kinh, không muốn thảo luận cho tới khi họ đã cài cắm được những căn cứ quân sự khổng lồ trên Biển Đông.
Tuy là thủ phạm trì hoãn thảo luận cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông, tờ Hoàn Cầu Thời Báo viện dẫn lời Li Kaisheng (Lý Khải Sinh) của Viện Hoa Học Xã Hội ở Thượng Hải tuyên truyền rằng Bắc Kinh đã thúc đẩy dự thảo sau cùng của bộ Quy Tắc Ứng Xử từ năm 2013 đến nay.
Vì quyền lợi và chủ đích khác nhau, bao nhiêu lần họp trước đều không có kết quả. Nay bản dự thảo này, nếu đạt được, có thể giảm bớt căng thẳng hay không khi mà âu lo về tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn còn nguyên đó.
Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông bao gồm các mặt từ ngăn ngừa và giảm thiểu ảnh hưởng do các thảm họa thiên nhiên và tai nạn, cấp cứu trên biển, bảo vệ môi trường, nghiên cứu sự đa dạng của hải dương, khảo cứu khoa học, an toàn hàng hải.
Vấn đề an toàn hàng hải là mấu chốt của các bất đồng vì khi đã trở thành một thỏa thuận quốc tế và có hiệu lực, ràng buộc các nước thuân theo. Nó sẽ kềm chế các hành động của các nước có tranh chấp hầu duy trì sự ổn định và anh ninh trong khu vực. Tuy nhiên, nếu lời lẽ vẫn chỉ rất tổng quát và mơ hồ trong khi Bắc Kinh vẫn cả quyết chủ quyền lãnh thổ của họ trên Biển Đông theo hình “Lưỡi Bò”, dù đã bị Tòa Trọng Tài Quốc Tế bác bỏ, nó sẽ để ngỏ cho Bắc Kinh giải thích thỏa hiệp theo chủ trương của họ mỗi khi có hành động gì bị các nước khác chống đối.
Bắc Kinh từng ngang ngược chống chế cho hành động bồi đắp 7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa là họ có quyền làm bất cứ gì trong phạm vi chủ quyền lãnh thổ của họ “có từ cổ xưa” dù mới cướp của Việt Nam từ thập niên 1980.
Tháng trước, vào các ngày 20 và 21 Tháng Hai 2017, Hội nghị thu hẹp cấp bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã được tổ chức tại Philippines, nước hiện đang làm chủ tịch luân phiên Hiệp hội các nước ASEAN.
Trong hội nghị này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã âu lo về diễn tiến tình hình trên Biển Đông có thể làm gia tăng căng thẳng và suy giảm lòng tin giữa các nước với nhau. Họ đồng thời kêu gọi các bên không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Sau cuộc họp vừa kể, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói với báo chí là ông tin tưởng dự thảo khung cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông hy vọng đạt được khoảng giữa năm nay hay ít lâu sau đó vì “tất cả các bên gồm cả các thành viên ASEAN và Trung Quốc đều thúc đẩy mạnh”.
Bên lề cuộc họp quốc hội Trung Quốc, ngày 8 Tháng Ba 2017, Ngoại trưởng Vương Nghị khoe rằng “Cuối tháng Hai vừa qua, nhóm làm việc chung Trung Quốc – ASEAN đã đạt tiến bộ rõ ràng trong việc tham vấn và đưa ra dự thảo khung đầu tiên Bộ quy tắc ứng xử trên Nam Hải” mà ông ta nói “Cả Trung Quốc và tất cả các nước Asean đều rất hài lòng” về bản dự thảo.
Trong khi ASEAN và Trung Quốc họp tại Cambodia cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử, tin mấy ngày qua cho hay hoạt động xây dựng các cơ sở, tòa nhà cho các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng tại các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã hoàn tất, đặc biệt là tại ba đảo nhân tạo có phi trường cỡ lớn.
Các loại vũ khí từ máy bay chiến đấu, máy bay ném bom đến các loại hỏa tiễn phòng thủ cũng như tấn công tầm xa có thể mang tới đây để Bắc Kinh khống chế khu vực Biển Đông.
Nhiều nhà phân tích thời sự từng báo động Bắc Kinh sẽ có thể tuyên bố thiết lập “Vùng Nhận Dạng Phòng Không” trên Biển Đông khi các căn cứ quân sự của họ tại Trường Sa đã trang bị đầy đủ, sẵn sàng tác chiến. (TN)

Việt Nam: Xung đột chính trường, báo nhà nước mở ‘mặt trận thứ hai’?

Phạm Chí Dũng/Người Việt-29-03-2017

Việt Nam hiện có hơn 1,000 tờ báo cùng các đài phát thanh truyền hình. (Hình: Getty Images)
Hai loại “máu mặt”
Trong tổng số 858 tờ báo in, 105 báo điện tử và 66 cơ quan phát thanh, truyền hình của chính quyền Việt Nam, chỉ có khoảng 25-30 báo là có “máu mặt.” Với những quan chức cao cấp của đảng mang tư tưởng cố thủ quyền lực và lợi ích, tham vọng khuấy đảo chính trường, tìm mọi cách để “vươn lên một tầm cao mới” và ít nhiều thẩm lượng được vai trò dẫn dắt của báo chí trong bối cảnh truyền thông đang tác động mạnh đến nhận thức người dân, nếu không biết “mượn tay” báo thì chỉ có “vứt đi.”
Khoảng 25-30 tờ báo có “máu mặt” hiện thời lại được phân thành 2 loại: loại không thể có được lượng độc giả lớn nhưng lại có “đẳng cấp chính trị” và được phổ biến đến từng chi bộ cơ sở và chi bộ khu phố như Nhân Dân, Quân Ðội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Tạp chí Cộng Sản.
Loại thứ hai, tuy không được liệt vào “loại một” về vai vế chính trị, nhưng lại có lượng người đọc từ khá đến cao, như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Trí, Vietnamnet, Vnexpress, Zing,…
Chẳng hề ngẫu nhiên mà từ giữa năm 2016 và đặc biệt là từ đầu năm 2017 đến nay, bất chấp tình cảnh báo chí nhà nước bị “kim cô” Tuyên Giáo Trung Ương siết chặt cùng một số lượng chưa từng có lãnh đạo, phóng viên báo bị kỷ luật, tâm lý ứng phó với báo chí của giới quan chức từ trung ương xuống địa phương không những không gia tăng thái độ coi thường mà lại có chiều hướng theo dõi và “có tật giật mình” nhạy bén hơn.
Vì sao lại xuất hiện khuynh hướng có vẻ bất thường như thế?
Lo “thế lực thù địch” bên ngoài thì ít, mà sợ “nội bộ” bên trong lại cuống cuồng hơn hẳn.
Sau Tết Nguyên Ðán 2017 ít lâu, một chiến dịch được coi “chống tham nhũng” không tuyên bố bùng lên trên mặt báo chí. Không chỉ là cách “đánh” vào những quan chức đã về hưu như cựu tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền, cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng như trước đây, mà “nhắm” thẳng vào những quan chức cao cấp đương nhiệm như Trịnh Văn Chiến – Bí thư Thanh Hóa, Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Ðà Nẵng, Huỳnh Ðức Thơ – Chủ tịch Ðà Nẵng…
Nếu cả Văn Nghệ Trẻ – một tờ phụ san của Hội Nhà Văn Việt Nam mà chỉ có lượng người đọc năm bảy ngàn – còn “tham chiến” vụ “một rừng không thể hai cọp” ở Ðà Nẵng, người ta có thể nhận ra tương lai của “mặt trận thứ hai” của báo giới nhà nước là hiện hữu, rất hiện hữu.
Từ “mặt trận thứ nhất” đến “mặt trận thứ hai”
“Mặt trận thứ nhất” đã tồn tại từ nhiều năm qua: mạng xã hội.
Việt Nam: Xung đột chính trường, báo nhà nước mở ‘mặt trận thứ hai’?
Số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện đã hơn 20 triệu người. (Hình: Getty Images)
Bắt đầu từ năm 2012 và trước Hội Nghị Trung Ương 6 của đảng cầm quyền, mạng xã hội đã chính thức được những bàn tay ẩn giấu mà dư luận nghi là trong đảng lợi dụng để tung ra rất nhiều thông tin đánh phá lẫn nhau trong nội bộ. Hẳn hình ảnh ấn tượng nhất vào lúc đó là khi kết thúc Hội nghị 6, Tổng Bí Thư Trọng phải rơi lệ mà chẳng kỷ luật được “đồng chí X” nào.
Ðến cuối năm 2014, đầu năm 2015, “mặt trận thứ nhất” đã tạo được hiệu ứng công phá mãnh liệt với sự xuất hiện của trang Chân Dung Quyền Lực cùng vụ “tau khỏe mà, có chi mô” của nhân vật sắp trở thành cố trưởng ban nội chính trung ương – ông Nguyễn Bá Thanh. Ðể vào giữa năm đó, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bật phát trong một cuộc họp “không cấm được mạng xã hội đâu các đồng chí à!…”
Truyền thông nhà nước cũng chính thức chạy theo mạng xã hội kể từ vụ Nguyễn Bá Thanh.
Ðến giữa năm 2015, một lần nữa báo giới nhà nước lại như tỉnh ngủ trước vụ “tướng chữa bệnh Phùng Quang Thanh” mà mạng xã hội lôi ra nhiều thông tin kinh khiếp.
Nhưng xét cho cùng, truyền thông nhà nước đã chỉ chạy theo mạng xã hội trong hai vụ Nguyễn Bá Thanh và Phùng Quang Thanh với mục đích chính để tăng lượng người đọc, còn ý đồ chính trị vẫn còn lẩn khuất mà khó có thể nhận ra.
Mọi chuyện chỉ trở nên phát lộ hơn với nhân vật thứ ba của “vận số Tam Thanh”: Trịnh Xuân Thanh. Ðó là vào nửa cuối năm 2016 – bối cảnh mà quyền lực của Tổng Bí Thư Trọng không còn giữ được đỉnh điểm như ngay sau Ðại Hội 12 và đã bắt đầu xuất hiện những nhân vật “đối trọng” với ông. Một số tờ báo nhà nước đã được “tổng động viên” để phục vụ chiến dịch công kích Trịnh Xuân Thanh, qua đó gián tiếp công kích những người đứng sau Thanh trong vụ làm lỗ hơn 3 ngàn tỷ đồng tại PVC và những “bóng ma” đã giúp cho Thanh trơn tuột khỏi vòng tay yêu thương của đảng.
Tháng Chín năm 2016, trùng với biến cố ghê gớm “cả ba bị bắn” tại Yên Bái, vụ đại tá công an kiêm tổng biên tập báo Petrotimes là Nguyễn Như Phong bị cách chức thần tốc bởi ít nhất một nguyên do công khai là đăng lại bài phỏng vấn blogger Người Buôn Gió, nếu không muốn nói về một nguyên nhân ngầm kín có thể ghê gớm hơn nhiều, đã trở thành minh chứng hiển thị nhất cho biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong báo giới đảng. Có thể cho rằng đến lúc này, “mặt trận thứ hai” đã chính thức được xác nhận.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Chân Dung Quyền Lực “bỗng dưng” biến mất. Nhưng trám vào lỗ hổng có chủ ý ấy là hàng loạt blog và facebook “đấu tranh chống tham nhũng và nhóm lợi ích.” ‘Mặt trận thứ nhất” đã tự chuyển hóa và ngay cả giới bảo thủ nhất trong đảng cũng trở nên khôn ra để lợi dụng nó, song trùng với “mặt trận thứ hai.”
Hội nghị trung ương 5!
Ðiểm khác biệt cơ bản giữa hai hoạt cảnh chính trường Việt Nam trước và sau đại hội 12 là không có và bắt đầu hình thành “mặt trận thứ hai” của báo chí nhà nước. Còn nhớ khi bầu không khí trở nên hết sức căng thẳng trước đại hội 12, hầu hết các tờ báo nhà nước đều im bặt mà chỉ theo dõi những diễn biến sôi sục của đủ các loại đơn thư tố cáo nội bộ tung hứng nhảy nhót trên mạng xã hội. Nhưng đến nay thì một bộ phận mạng xã hội lẫn một bộ phận báo chí nhà nước đang “đồng chí” trong một chiến dịch đánh nhau tung tóe.
Việt Nam: Xung đột chính trường, báo nhà nước mở ‘mặt trận thứ hai’?
Nhiều phe phái tại Việt Nam đang mượn tay báo chí để triệt hạ nhau. (Hình: Getty Images)
Giờ đây, một lần nữa từ sự kiện Ðại Hội 12, đơn thư tố cáo nội bộ lại như bươm bướm trên mạng xã hội. Không mạnh bạo như mạng xã hội, nhưng một số tờ báo nhà nước cũng không bỏ qua những chi tiết sâu hiểm nhất theo cách diễn đạt gián tiếp.
Bối cảnh hiện thời lại đang chờ đợi Hội nghị trung ương 5 của đảng cầm quyền. Ðáng lý ra, hội nghị này đã phải diễn ra vào tháng Ba theo thông lệ. Nhưng sau đó lại có dư luận cho rằng Hội Nghị 5 bị “hoãn” vì một số lý do nào đó. Cũng có người cho rằng hội nghị này chưa thể tổ chức được nếu ai đó chưa hoàn thành cơ bản một số đầu việc “thanh lý” nào đó.
Thực ra, việc một hội nghị trung ương bị hoãn là hiếm xảy ra trong nội bộ đảng. Một trường hợp hiếm hoi là hội nghị trung ương 10 đã bị hoãn đến gần 2 tháng vào thời gian cuối năm 2014, đầu năm 2015. Khi đó có hai diễn biến chính trị chủ yếu làm sôi trào công luận là vụ ông Nguyễn Bá Thanh – trưởng Ban Nội Chính Trung Ương – bị ung thư và phải điều trị tận Hoa Kỳ, sau đó là tin đồn về ông Thanh đã chết và thi thể được đưa về Việt Nam; và cuộc chạy đua trong đảng khi tổ chức “thăm dò uy tín trong Bộ Chính Trị,” với kết quả ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu bảng tổng sắp – theo rất nhiều nguồn tin.
Còn vào lần này, cũng có thể đang tiến hành một chiến dịch “tái cơ cấu nhân sự” ở Ban Chấp Hành Trung Ương đảng, cùng một cuộc chạy đua nào đó, có thể cả “thăm dò uy tín”… Và cả “thanh lý.”
Cùng lúc bùng nổ trận thư hùng giữa một số lực lượng trong đảng từ cấp trung ương xuống cấp địa phương: vụ Hà Văn Thắm – Ngân hàng Ðại Dương có liên quan đến 800 tỷ đồng “mất tích” của Tập Ðoàn Dầu Khí Quốc Gia (PetroVietnam), vụ đại gia Trầm Bê đứng trước nguy cơ bị “hồi tố,” vụ MobiFone được “xới” lại, rồi đến các vụ việc quyết chiến trong giới quan chức ở Thanh Hóa và Ðà Nẵng, có thể cả Bình Ðịnh và lan xuống các vùng dưới của đất nước theo đà “Nam tiến”…
Báo Thanh Niên đã trở thành mũi tiên phong trong trận “mổ cặp bài trùng” Trịnh Văn Chiến (bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa) với người cùng họ Trịnh là Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của một tập đoàn “khủng” là FLC. Không ít dư luận nhận định về một chiến dịch của một lực lượng chính trị nào đó muốn triệt “dây Thanh Hóa” vốn đã tồn tại từ lâu trong đảng.
Và báo Thanh Niên càng trở nên tiêu điểm khi tung ra loạt bài “đánh” Tập Ðoàn Dầu Khí PetroVietnam.
Có dư luận cho rằng nội dung “điều tra” của tờ Thanh Niên được cung cấp từ nguồn Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của ủy viên Bộ Chính Trị Trần Quốc Vượng.
Sau Thanh Niên, một số tờ báo nhà nước có lượng người đọc tương đối lớn cũng quyết định tham chiến “mặt trận thứ hai.”
Ai sẽ bị ‘vứt đi”?
Ở một chiều kích có vẻ khá trái ngược với ý đảng, lại có dư luận “chỉ mặt điểm tên” một số quan chức thuộc ngành tuyên giáo và quan chức báo chí đang âm thầm thúc đẩy “mặt trận thứ hai.” Dẫn chứng Nguyễn Như Phong của Petrotimes vẫn còn sờ sờ đầy sống động.
Còn tuyên giáo đảng thì sao?
Mặc dù vẫn nắm trọn quyền “quy hoạch báo chí” cùng lưỡi gươm lơ lửng trên đầu những tổng biên tập báo có dấu hiệu bất tuân thượng lệnh, vào lúc này Ban Tuyên Giáo Trung Ương của Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn dường như không còn được uy quyền sinh sát như thời điểm giữa năm 2016. Thậm chí vào cuối năm 2016 khi có đến hai chục tờ báo tự động biến phát ngôn “Ai cho phép xây nhà 50 tầng” của Thủ Tướng Phúc (ám chỉ công trình của chủ đầu tư Phạm Nhật Vượng) thành “nhà cao tầng,” người ta chẳng hề thấy bóng dáng của ông Trương Minh Tuấn từ đó đến nay, cho dù chỉ mới trước đó ông Tuấn đã xử lý mạnh tay nhiều tờ báo đăng bài “đánh” nước mắm truyền thống…
Thời thế đã thay đổi. Ðang biến đổi hẳn và còn có thể biến động khôn lường. Hiểu một cách nào đó, kết quả chính trị được kết cấu bằng cuộc chiến truyền thông. Ðể đến một lúc nào đó thể chế chính trị Việt Nam lộ ra hơi hướng “nhiều hơn một đảng,” những quan chức cao cấp nào không biết tranh thủ mạng xã hội và sở hữu trong tay vài ba tờ báo nhà nước để đấu đá và vận động tranh cử thì sẽ chỉ còn mang thân phận “vứt đi.”