Monday, February 11, 2019

Trương Duy Nhất - 'Những vụ mất tích ở Thái Lan là vết đen lên chế độ'

Theo BBC-11-02-2019
Bình luận "Horror of the disappeared" trên tờ Bangkok Post ngày 11/2
Image captionBình luận "Horror of the disappeared" trên tờ Bangkok Post ngày 11/2
Trường hợp mất tích đột ngột của blogger Trương Duy Nhất tại Thái Lan tiếp tục thu hút sự chú ý, không chỉ của các tổ chức nhân quyền, mà còn của giới truyền thông.
Bài bình luận "Horror of the disappeared" trên tờ Bangkok Post ngày 11/2 cho thấy rõ điều đó.
"Các trường hợp bị mất tích đột ngột của những nhà bất đồng chính trị tiếp tục chồng chất. Trường hợp mới nhất vậy xảy ngay giữa ban ngày, bên trong một trung tâm mua sắm nổi tiếng ở Bangkok. Trương Duy Nhất, một nhà báo và blogger nổi tiếng ở Việt Nam, đã bị bắt và lôi kéo ra khỏi trung tâm mua sắm Future Park. Ông vừa đăng ký thông tin cá nhân và xin tị nạn qua văn phòng tị nạn của Liên Hiệp Quốc." Bangkok Post viết.
nhấtBản quyền hình ảnhMR.A
Image captionÔng Trương Duy Nhất đến cơ quan UNHCR hôm 25/1 để nộp đơn xin tỵ nạn
Và vạch ra:
"Vụ mất tích của ông (Trương Duy Nhất) vào ngày 26 tháng 1 đã nhận được sự im lặng thường thấy từ các chính phủ liên quan. Nhân chứng về vụ bắt cóc ông Nhất đã được tìm thấy và phỏng vấn - nhưng không phải bởi chính quyền Thái Lan hay các nhà ngoại giao Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ công dân nước mình."
Bình luận "Horror of the disappeared" được đưa ra sau khi blogger Trương Duy Nhất đã mất tích gần 2 tuần rưỡi, và các tổ chức quốc tế đã lên tiếng ròng rã hơn một tuần lễ, nhưng cả hai chính quyền, đặc biệt là chính quyền Việt Nam vẫn một mực im lặng.
nhất
Image captionTrung tâm thương mại được cho là nơi ông Nhất "bị bắt giữ"
Ngoài Trương Duy Nhất, bài bình luận của Bangkok Post còn đơn cử trường hợp của nhà xuất bản Quế Dân Hải (Gui Minhai) một người bất đồng chính kiến với Trung Quốc người Thụy Điển gốc Hoa.
Theo Bangkok Post, việc ông Quế Dân Hải bị bắt khi ông rời căn hộ tại Pattaya vào tháng 10 năm 2015, được thu lại trong CCTV, nhưng cả hai chính quyền Thái Lan và Trung Quốc lúc đó vẫn tuyên bố không biết chuyện gì đã xẩy ra, mặc dù vài tháng sau đó, người ta thấy ông Quế Dân Hải bị giam giữ tại một nhà tù Trung Quốc.
Gui Minhai
Image captionNhà xuất bản và bất đồng chính kiến Trung Quốc Quế Dân Hải (Gui Minhai)
"Những vụ bắt cóc người Việt Nam và Trung Quốc làm phật lòng chính phủ của họ tại Thái Lan là một dấu ấn đen tối đối với chế độ." Bangkok Post khẳng định.
Và kết luận:
"Chúng ta phải hy vọng rằng vụ bắt cóc ông Nhất ở Bangkok sẽ mang lại những phản hồi dễ chấp nhận hơn từ các nhân viên chính phủ và an ninh. Ông Nhật rõ ràng là nạn nhân của một chế độ Việt Nam ngày càng không khoan dung và bạo lực, nơi hàng loạt các nhà nhà báo đã bị tống vào tù chỉ vì các bài báo đơn thuần chỉ trích Hà Nội hoặc hành động của chính quyền địa phương."
Bài bình luận được chia sẻ khá rộng rãi trong giới đấu tranh. Và phản hồi dưới đây được nhiều hưởng ứng:
"Đừng kỳ vọng bất cứ điều gì từ một chính phủ không ngần ngại loại bỏ các đối thủ cả bên trong lẫn bên ngoài lãnh thổ của họ..."
Nhưng những người chia sẻ bài viết cũng có cái nhìn lạc quan hơn:
"Cho dù tình hình tệ đến đâu, ngày nào những bài bình luận như này còn tồn tại, chúng ta vẫn còn có thể nuôi hy vọng."Theo Bangkok Post,

Môi trường Việt Nam: Hít bụi mịn, ắt chết sớm

Nguyễn Hà Hùng Hà Nội 

Theo BBC-9 giờ trước 

Gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều nơi ở Hà Nội được cảnh báo là cực kỳ nguy hạiBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionGần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều nơi ở Hà Nội được cảnh báo là cực kỳ nguy hại
Gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều nơi ở Hà Nội được cảnh báo là cực kỳ nguy hại, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ. Mặc cho con trẻ sống trong môi trường như vậy, chẳng khác gì thả cá chép xuống ao nhiễm độc, chúng sẽ đau ốm và/hoặc sẽ chết sớm.
Nhà sư Thái Lan khất thực giữa thành phố ô nhiễm
Cùng khoảng thời gian này, người Thái cũng đối mặt với ô nhiễm môi trường, dù mức độ thấp hơn, nhưng họ phản ứng tích cực hơn chúng ta. Đáng buồn, những người Việt được cho là đã trưởng thành, chẳng làm gì đáng kể để bảo vệ trẻ em. Họ để mặc tình trạng thiếu thông tin, không đòi hỏi, nhà nước thiếu hành động tương xứng. Hãy so sánh cách đối mặt, cách giải quyết vấn đề của người Thái Lan và người Việt Nam.
Người Thái có nhiều thông tin hơn chúng ta. Bangkok Post, The Nation và Thai PBS World đăng tới 207 bài. Hà Nội Mới, VnExpress và Dân Trí chỉ 17 bài. Trong khi báo chí Thái Lan cảnh báo người dân và nhà chức trách, đề cập trực tiếp về ô nhiễm, nguyên nhân, hậu quả cũng như yêu cầu chính phủ hành động, thì báo chí Việt Nam rất khác biệt.
VnExpress đăng tựa "Bụi siêu nhỏ trong không khí Hà Nội có lúc chạm ngưỡng nguy hại". "Có lúc" nghĩa là thi thoảng thôi, cơ bản vẫn tốt chán. Sáu bài còn lại của báo này, bốn bài nói về ô nhiễm ở các nước khác. Đặc biệt, "Người Bangkok ho ra máu vì ô nhiễm không khí trầm trọng"; "Dân Thái Lan lấy áo ngực, quần lót che miệng vì ô nhiễm" được báo chí Việt Nam đồng loạt đăng tải. Không rõ thông tin này có ích cho ai. Trong khi báo Thái kiến nghị, "Mười điều chính phủ phải làm để chế ngự khói bụi", hoặc "Chính phủ phải hành động", báo Việt Nam đến nay không có bài tương tự. Trong lúc chờ đợi, hãy xem người đọc phản ứng ra sao.
Bangkok Post screen shot
Image captionẢnh chụp màn hình bài báo của Bangkok Post có tựa đề "10 điều chính phủ cần làm để hạn chế khói bụi" hôm 21/1
Bạn đọc Thái bình luận rất tập trung, số lượng gấp nhiều lần so với bạn đọc Việt Nam. Phản biện của danh khoản dksharon được nhiều người ủng hộ nhất, liên quan đến nội dung trên Bangkok Post cho rằng nguyên nhân khói bụi một phần do nông dân Campuchia đốt rác ngoài trời. Bạn này nói, đại ý, nếu đúng vậy thì tại sao các thành phố giữa Bangkok và Cambodia không ô nhiễm?
Danh khoản mrexpat nói, "đây là vấn đề của người Thái, độc tài thường đổ lỗi cho người khác". Còn nhiều ý kiến nữa, nhưng bài viết này không cho phép dài dòng.
Trái với người Thái, bạn đọc Việt Nam phản hồi rất ít, nhiều ý kiến lạc đề và không rõ ràng. Một người có danh khoản Ngô Trung Sơn, nêu, "Di tản ra vùng ngoại ô, ai bắt các vị phải sống trong thành phố?". Danh khoản Ngocviet Vu viết, "Muốn giàu phải trả giá thôi. Gì cũng muốn mà ko ảnh hưởng đến môi trường thì phải giàu mới làm đc".
Những người này muốn gì? Ai biết? Đến đây, hãy cùng xem chính phủ của hai nước phản ứng ra sao.
Ảnh chụp màn hình bài báo của tờ Tiền Phong hôm 8/1
Image captionẢnh chụp màn hình bài báo của tờ Tiền Phong hôm 8/1
Ít nhất, Thủ tướng Thái xin lỗi nhân dân, Thống đốc Bangkok, được ủy quyền dẫn đầu một chiến dịch xử lý bụi mịn. Toàn bộ 437 trường công lập và các trường tư thục khác đóng cửa, học sinh nghỉ học. Người Thái nhận được nhiều khuyến cáo, trong đó có thông tin về sự cần thiết phải dùng khẩu trang chất lượng cao, N95…
Những ngày qua, chưa thấy quan chức Việt Nam thừa nhận hoặc phản bác, chưa thấy ai nhận trách nhiệm. Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, "Hà Nội phấn đấu lắp 95 trạm quan trắc không khí vào năm 2020". Trong bài báo này tác giả còn nêu, "Thành phố thực hiện chương trình trồng một triệu cây xanh".
"Phấn đấu" không đạt có làm nữa không? Hệ thống quan trắc chỉ nhận biết, chứ không xử lý ô nhiễm, mình nó không phải là một giải pháp. Nó giống như khám bệnh mà không uống thuốc. Chưa bàn "chủ trương"cây xanh hấp thu bụi mịn đúng hay sai, phải chăng các con cứ tung tăng đến trường hít bụi, chờ cây lớn?
Hãy nghĩ, hành động vì con em mình nhiều hơn và theo cách khác.Bản quyền hình ảnhAFP
Image caption"Hãy nghĩ, hành động vì con em mình nhiều hơn và theo cách khác".
Các ông bố, bà mẹ hô khẩu hiệu, "Vì tương lai con em chúng ta", những ai hay nói suông, "hy sinh đời bố, củng cố đời con", nên dừng lại.
Hãy nhìn xem mình đã làm gì để bảo vệ con trẻ. Rõ ràng, chẳng có gì đáng kể.
Cho con cháu một gia tài, du lịch nước ngoài, diện xe sang… mà chúng không thở được, rốt cuộc sẽ chung số phận với những con cá oan uổng đó thôi.
Báo chí ít thông tin vì chúng ta không thích đọc, thích giải trí. Chúng ta thích sex thì nhà báo cho chúng ta xem chống ô nhiễm bằng áo lót, quần lót.
Báo chí ít thông tin vì chúng ta không có nhu cầu thông tin. Chúng ta không yêu cầu, báo Nhân Dân chỉ đăng một bài.
Con em chúng ta không được Sở Giáo Dục quan tâm đúng mức, nghỉ học cũng không được, vì chúng ta tin sự học là cao quý, không kiến nghị.
Hãy dừng lại, đừng để những lo toan danh vọng, những vật lộn tiền bạc biến chúng ta tiếp tục là những kẻ có tội. Hãy nghĩ, hành động vì con em mình nhiều hơn và theo cách khác.
* Bài viết sử dụng công cụ tìm kiếm của Google và của từng trang báo (phiên bản điện tử) để tra cứu trong giới hạn 30 ngày, từ 07/01/19 đến 06/02/19.
Bài đã đăng trên Facebook cá nhân của tác giả hôm 10/2/2019.

Sẽ có khủng hoảng ‘Trịnh Xuân Thanh thứ hai’?

 Theo VOA-Phạm Chí Dũng/11/02/2019 
Blogger Trương Duy Nhất
Blogger Trương Duy Nhất.
Một năm rưỡi sau vụ Nhà nước Đức tố cáo Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay tại Berlin, vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ - nổ ra vào những ngày giáp tết nguyên đán năm 2019 - đang hứa hẹn sẽ trở thành một vụ Trịnh Xuân Thanh thứ hai.
Vẫn là ‘kẻ tử thù của chế độ’
Điểm trùng hợp ngẫu nhiên và cứ như thể một thứ điềm báo dành cho chính thể độc đảng ở Việt Nam là trong khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc vào thời gian cuối tháng 4 năm 2017 và chưa đầy một tuần sau đó báo chí Việt ngữ ở Đức và cả báo chí Đức đã đưa tin về vụ này, thì vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích’ xảy ra vào những ngày cuối tháng 1 năm 2019 cũng được phát tin khoảng một tuần sau đó bởi báo chí quốc tế. Nhưng đặc biệt nhất là được phát tin một cách rất chi tiết bởi một blogger - người bị xem là ‘kẻ tử thù của chế độ cộng sản Việt Nam’: Người Buôn Gió, tức Bùi Thanh Hiếu, hiện đang sống ở Đức.
Trong khi một số tờ báo nước ngoài, trong đó có báo Thái Lan, bắt đầu đề cập vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích’ một cách thận trọng và tỏ ý nghi ngờ có sự nhúng tay của phía Việt Nam, thì blogger Người Buôn Gió đã huỵch toẹt: blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc bởi Tổng cục 2 tình báo (thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam) theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kèm theo nhiều chi tiết khá cụ thể về vụ bắt cóc này: lực lượng bắt cóc khoảng 10 người, trong đó có 2 người biết tiếng Thái, lên đường đến Thái Lan vào ngày 23/1; trước khi bị bắt, Trương Duy Nhất đã nhận số máy lạ có đuôi 6521; ngày Trương Duy Nhất bị bắt là 26/1; Trương Duy Nhất bị bắt tại siêu thị FuturePark; khi bị bắt, Trương Duy Nhất còn xin thay áo; một số hình ảnh về Trương Duy Nhất tại Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Bangkok…. Những chi tiết quá cụ thể này khiến độc giả không thể không nghĩ rằng tác giả Người Buôn Gió, nếu không phải do hoang tưởng, đã nhận được những nguồn tin cực mật từ chính nội bộ đảng CSVN, hay cụ thể hơn là từ nội bộ của giới công an Việt Nam, hoặc từ chính người nằm trong ‘lực lượng bắt cóc’.
Trong bài viết mô tả vụ bắt cóc Trương Duy Nhất, blogger Người Buôn Gió còn gửi đi một thông điệp vừa ẩn ý vừa lộ liễu: “Tôi biết nhiều hơn những gì tôi viết, những điều tôi biết là những bằng chứng chứ không phải là những suy đoán, trong vụ này cũng như trong nhiều vụ khác cũng vậy”.
Đây là lần thứ hai Người Buôn Gió làm cho chính quyền Việt Nam điên đầu và có thể sẽ rơi vào trạng thái lúng túng cao độ như tình trạng hậu cuộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, những thông tin mà blogger Người Buôn Gió cung cấp trong loạt bài viết về Trương Duy Nhất cho đến nay chỉ thuộc về tác giả mà chưa thể kiểm chứng được.
Nhưng khách quan mà xét, nếu nhìn lại vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và loạt bài viết của Người Buôn Gió về vụ này, có thể nhận ra một số chi tiết mà Người Buôn Gió nêu ra là phù hợp với thực tế vụ bắt cóc này và kết quả điều tra đã được công bố của cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Công tố Đức.
Nếu những cáo buộc chi tiết và như thể trong ruột mà Người Buôn Gió nhắm tới Tổng cục 2 quân đội là đúng, hoặc ít ra có một số cơ sở xác thực, vụ blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Bangkok gần như chắc chắn sẽ trở thành vụ Trịnh Xuân Thanh thứ hai. Nhưng lần này, ‘tác giả’ không phải là Bộ Công an mà lại là Bộ Quốc phòng với vai trò Bí thư quân ủy trung ương là ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Liệu có ‘thỏa thuận ngầm’?
Chính quyền Việt Nam đã im lặng trước tết nguyên đán khi xuất hiện tin tức Trương Duy nhất bị mất tích hay bị bắt cóc. Đó là khoảng thời gian mà có thể ‘thông cảm’ được: giới quan chức còn phải ăn tết.
Nhưng sau cái tết nguyên đán đầy cảnh ‘lót tay’, chúc tụng đãi bôi và ăn nhậu xả láng thì lại là chuyện khác: thông tin lan rộng và đầy tính nghi ngờ trên một số tờ báo quốc tế về vụ Trương Duy Nhất sẽ khiến chính quyền Việt Nam không thể nhắm mắt che tai. Do đó, nhiều khả năng là sau tết nguyên đán 2019, chính quyền Việt Nam sẽ phải có thông báo về vụ này, trong đó hoặc phủ nhận việc chính quyền này ra lệnh bắt cóc Trương Duy Nhất, hoặc chính thức xác nhận Trương Duy Nhất đã bị bắt nhưng là ‘tự nguyện về nước đầu thú’ do hành vi phạm pháp - tương tự cái cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đồng thanh tương ứng ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ vào đầu tháng 8 năm 2017.
Điều an ủi mà có thể khiến chính quyền Việt Nam tạm thời yên tâm để đưa ra một thông báo theo kiểu trên là khác với lời tố cáo mạnh mẽ của nhà nước Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh, chính quyền Thái Lan sẽ khó mà lên án chính quyền Việt Nam tổ chức bắt cóc người một cách bất hợp pháp trên đất Thái do một ‘thỏa thuận ngầm’ nào đó (nếu có) giữa hai bên, cộng thêm mối quan hệ Việt - Thái được xem là ‘ngày càng tốt đẹp’, và chế độ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha chẳng ưa gì tự do báo chí. Củng cố cho khả năng này là động thái mới nhất của lãnh đạo Cục Di trú Thái Lan thông tin rằng họ đã không có hồ sơ về việc Trương Duy Nhất nhập cảnh vào Thái Lan - một vấn đề có thể được hiểu là ông Nhất đã vào đất Thái theo cách không hợp pháp và do vậy các cơ quan Thái có thể sẽ cho rằng họ không liên can đến vụ việc này.
Nhưng còn sức ép của các tổ chức nhân quyền quốc tế và truyền thông quốc tế đòi hỏi trách nhiệm của người Thái phải tìm ra tung tích của Trương Duy Nhất? Chắc chắn chính quyền Thái Lan sẽ phải tiến hành một số động tác nào đó, dù chỉ cho có, để có cơ sở hồi âm cho quốc tế về vụ việc này. Nội dung hồi âm này lại có thể có độ chênh, thậm chí là chênh biệt đáng kể, với một thông báo mà phía Việt Nam phải nêu ra sau tết nguyên đán 2019 về vụ Trương Duy Nhất. Khi đó, sự thật sẽ lộ dần ra.
Song mối lo sợ và nguy hiểm lớn nhất của chính quyền Việt Nam, và của cả chính quyền Thái Lan, sẽ đến từ… Người Buôn Gió.
Sẽ có bằng chứng?
Bởi khi Người Buôn Gió dám khẳng định là anh ta có những bằng chứng về vụ Trương Duy Nhất bị bắt cóc mà không phải là suy đoán, toàn bộ những ai quan tâm đến vụ này đều ngóng cổ trông chờ Người Buôn Gió tung ra những bằng chứng đó để xem tính xác thực đến đâu. Còn chính quyền Việt Nam, đặc biệt là thủ tướng Phúc và Tổng cục 2, có lẽ sẽ sống trong nỗi hồi hộp mòn mỏi.
Nếu Người Buôn Gió không thể cung cấp những bằng chứng trên? Nhiều quan chức Việt Nam sẽ thở phào và tổ chức phản đòn để cho quốc tế thấy ‘chính nghĩa Việt Nam’.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu trong những ngày tới một số bằng chứng, và nếu đúng là bằng chứng có tính xác thực, được công bố theo đúng cái cách mà Người Buôn Gió thường làm là rỉ rả giết dần giết mòn sức chịu đựng của địch thủ?
Chỉ có thể là những cơn đau tim, thống phong và… xơ gan cổ trướng. Hoặc cả ba.
Và nếu quả thực vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ sẽ nổ ra như một cuộc khủng hoảng ‘Trịnh Xuân Thanh thứ hai’, đó sẽ là điềm báo ‘rông cả năm’ hoặc còn lâu hơn thế dành cho tương lai toàn màu tối của chính thể độc trị ở Việt Nam.

Gia đình các Tù nhân lương tâm kêu cứu vì những dấu hiệu bất thường

RFA-2019-02-11 
Phan Kim Khánh (trái), Trần Hoàng Phúc (giữa), và ông Huỳnh Trương Ca (phải)
 Phan Kim Khánh (trái), Trần Hoàng Phúc (giữa), và ông Huỳnh Trương Ca (phải)-RFA edit
Tù nhân lương tâm Phan Kim Khánh trong ngày hôm nay 11/2/2019 sẽ làm đơn kêu oan về việc TAND tỉnh Thái Nguyên không nhận đơn kháng cáo phúc thẩm, trong khi đó gia đình của hai TNLT khác là Trần Hoàng Phúc và Huỳnh Trương Ca lên tiếng về những dấu hiệu bất thường xảy ra cho người thân của mình trong trại giam.

Phan Kim Khánh kêu oan về việc Tòa án Thái Nguyên không nhận đơn kháng cáo

Bà Đỗ Thị Lập, mẹ của tù nhân lương tâm Phan Kim Khánh cho hay gia đình bà có buổi gặp con mình trong trại giam Ba Sao, tỉnh Hà Nam hôm 10/2/2019 và nhận được thông tin như trên.
Hôm qua là cũng có 1 anh trong cùng trại của cháu nó là anh Kiên, hôm 29 cũng báo cho em gái của Khánh là Phan Thị Trang, cho gia đình biết trước là hết tết - là ngày hôm nay (11/2) Khánh sẽ làm đơn kêu oan gửi lên Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên vì nó không nhận tội, đã kháng cáo nhưng TAND tỉnh Thái Nguyên không trả lời.
Cháu nó có hỏi gia đình là sau 15 ngày (sau phiên tòa phúc thẩm - PV) có giấy gì về gia đình không, thì gia đình cũng bảo là không có giấy gì hết.
Khánh thông báo cho gia đình, bố mẹ biết là Khánh sẽ làm giấy là kêu oan,” bà Đỗ Thị Lập nói qua điện thoại.
Nhà hoạt động sinh viên Phan Kim Khánh
Nhà hoạt động sinh viên Phan Kim Khánh Courtesy of Phan Kim Khánh's Facebook
Hồi tháng 10 năm ngoái, luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho Phan Kim Khánh cũng cho Đài Á Châu Tự Do biết là ông không biết gì về đơn kháng cáo của thân chủ và việc kháng cáo chỉ có hạn 15 ngày sau phiên sơ thẩm.
Nếu quá thời gian này phải có lý do đặc biệt thì tòa án mới có thể chấp nhận việc kháng cáo.
Phóng viên của Đài Á Châu Tự Do gọi cho số điện thoại của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên để hỏi về vụ việc nhưng không có người bắt máy.
Sinh viên Phan Kim Khánh, sinh năm 1993, bị tòa án tỉnh Thái Nguyên tuyên 6 năm tù giam và 4 năm quản chế trong phiên xử diễn ra vào ngày 25/10/2017 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999.
Trước khi bị bắt, anh Phan Kim Khánh là Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên được một số người hoạt động cùng cho biết, anh thường sử dụng công cụ mạng xã hội để nói lên tình trạng tham nhũng và các vấn đề xã hội khác tại Việt Nam.
Truyền thông trong nước dẫn cáo trạng quy kết, từ tháng 3/2015 Phan Kim Khánh đã lập và quản trị 2 trang blog, 3 tài khoản facebook và 2 kênh YouTube để đăng nhiều thông tin mà theo Công An Việt Nam là “có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác.”

Trần Hoàng Phúc không nhận canh của trại giam vì nghi “có vấn đề”

Một tù nhân lương tâm trẻ khác là Trần Hoàng Phúc không nhận canh của trại giam An Phước, tỉnh Bình Phước từ đầu tháng 1 cho tới nay vì nghi thực phẩm của trại giam “có vấn đề’.
Thông tin trên được bà Huỳnh Thị Út, mẹ của tù nhân lương tâm này nói với Đài Á Châu Tự Do sau chuyến thăm gặp ngày11/2/2019 như sau:
“Cái thức ăn thì lần (thăm gặp) vừa rồi tại sao con có nói cả tháng không nhận canh thì Phúc nói là con nghi ngờ là trong canh có vấn đề, vì khi người ta đầu độc thì con đường dễ nhất và nhanh nhất là chất lỏng nên con không nhận. Chỉ ăn thức ăn gia đình mình gửi vào thôi!” bà Huỳnh Thị Út nói qua điện thoại vào trưa 11/2/2019.
Bà Út cũng cho biết thêm thông tin là thuốc đặc trị viêm gan siêu vi C gửi vào cho Trần Hoàng Phúc từ hôm 5/1 thì anh này đã được trại giam cho nhận để điều trị và trong ngày mùng 1 và mùng 3 Tết Kỷ Hợi vừa qua, những tù nhân chính trị trong trại giam An Phước cũng được ra khu giam riêng để giao lưu, trò chuyện với nhau.
Sinh viên Trần Hoàng Phúc
Sinh viên Trần Hoàng Phúc Courtesy of FB Nguyen Thien Nhan
Anh Trần Hoàng Phúc, sinh năm 1994, đã học hết năm cuối Khoa Luật quốc tế – trường đại học Luật TPHCM, nhưng chưa được trường cấp bằng do tham gia các hoạt động cổ vũ cho quyền con người.
Trước lúc bị bắt, Trần Hoàng Phúc là thành viên của nhóm Sáng Kiến Lãnh Đạo Đông Nam Á (YSEALI) do cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama thành lập nhưng bị ngăn đến dự buổi nói chuyện của ông Obama khi ông này đến TPHCM tháng 5/2016.
Hồi tháng giêng năm 2018, anh bị TAND Hà Nội tuyên án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế cùng với ông Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển trong phong trào Chấn Hưng Nước Việt.
Báo chí nhà nước dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát quy kết nhóm 3 người này đã “làm, đăng tải 17 video, clip lên mạng xã hội, Internet và tàng trữ nhiều tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền”.

Ông Huỳnh Trương Ca tố bị “ép cung, dụ cung”

Người thân của tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca, thành viên của nhóm Hiến Pháp trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do cho hay, ông Ca trong cuộc thăm gặp cuối tháng 1/2019 đã tố cáo một điều tra viên của cơ quan An ninh TPHCM trong giai đoạn điều tra đã “ép cung, dụ cung” ông này để khai ra những người còn lại, nhưng đã từ chối làm theo.
Có một ngày công an điều tra trên Sài Gòn đi xuống ép cung, dụ ông khai ra những người bạn trên Sài Gòn, những người cùng tuyên thệ và dùng lời lẽ thô thiển nạt nộ.
Nhưng ông nói mấy người không có quyền nói chuyện với tôi kiểu đó nên ông không khai ra gì hết trơn”, một người thân của ông Ca vì lý do an toàn xin được giấu tên cho biết.
Ông Huỳnh Trương Ca, sinh năm 1971, bị Tòa án tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hôm 28/12/2018 vừa qua.
Ông Huỳnh Trương Ca tại cơ quan công an
Ông Huỳnh Trương Ca tại cơ quan công an Courtesy of Vietnamnet
Người thân của ông Ca cũng tiết lộ trong phiên tòa sơ thẩm, người tù nhân lương tâm này không “tỏ ra ăn năn, hối hận” như báo chí nhà nước tường thuật về phiên tòa và ông cũng không có luật sư bào chữa.
Người này cũng cho biết, mặc dù ông Ca bị nhiều chứng bệnh trong người như tiểu đường, cao huyết áp, sỏi thận nhưng cán bộ trại giam từ chối nhận thuốc của gia đình gửi vào.
Hiện cũng có những lo ngại cho sức khỏe ông Ca không đủ sức để qua hết án tù vì “điều kiện trong đó khắc nghiệt quá”.
Tổ chức Bảo vệ Người Bảo vệ Nhân quyền dẫn lời một thành viên của nhóm Hiến Pháp là bà Nguyễn Uyên Thùy cho hay có tổng cộng 9 thành viên của nhóm này bị bắt trước và sau ngày Quốc khánh 2/9 năm ngoái.
Nhóm này được cho là có dự định kêu gọi tiến hành biểu tình ôn hoà vào ngày này để lên tiếng về nhiều vấn đề khác nhau gồm vi phạm nhân quyền, tình trạng tham nhũng có hệ thống, phản ứng yếu ớt của chính phủ Việt Nam đối với vi phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc, cũng như quản trị tồi của chính phủ Hà Nội dẫn đến thực tế ô nhiễm môi trường trầm trọng trên cả nước.

Về quê ăn tết “không nói chuyện chính trị”

Theo RFA-Nguyễn Tường Thuỵ-2019-02-10  
Hình minh hoạ. Những người đàn ông lớn tuổi trong làng dự một lễ ở đình làng ở làng Triều Khúc, Hà Nội nhân ngày Tết hôm 19/2/2016
 Hình minh hoạ. Những người đàn ông lớn tuổi trong làng dự một lễ ở đình làng ở làng Triều Khúc, Hà Nội nhân ngày Tết hôm 19/2/2016-AFP
Nhiều từ liên quan đến chữ ăn chẳng còn mấy ý nghĩa nhưng vẫn được sử dụng đến bây giờ, có lẽ do người Việt ta đã trải qua nhiều thời kỳ đói kém nên việc ăn là quan trọng nhất. Bây giờ nó không phải là ăn tết mà là đón xuân vì cái sự ăn không quan trọng nữa. “Ăn cưới” thực chất là đi dự đám cưới. Rồi có những việc chẳng liên quan đến ăn như ăn hỏi. Mang đồ sính lễ đến nhà gái, đặt cơi trầu nói chuyện để tác thành cho cặp uyên ương mới là mục đích chính. Nếu nhà gái mời ở lại dùng cơm thì ngồi uống với nhau chén rượu, chuyện trò thêm để hai bên thân thiện nhau hơn. Chỉ có “ăn cỗ đám ma” thì không gọi thế nữa. Chuyện ăn cỗ đám ma ngày xưa, người chết nằm đấy mà vẫn ăn uống như thường, bây giờ bỏ đoạn ăn uống, gọi là viếng đám tang. Còn ăn tết, ăn cưới, ăn hỏi... vẫn cứ nói như vậy. Thậm chí bây giờ, người ta uống là chủ yếu, uống đến độ cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, gây án mạng nhưng chẳng ai gọi là uống tết, uống cưới hay uống hỏi.
Vì tít bài viết có chữ”ăn tết” nên xin tranh thủ tám mấy dòng cho vui chứ không có ý định bàn về ngôn ngữ.

Hồn quê

Sống với nhịp sống đô thị, mỗi dịp tết đến xuân sang, người người lại náo nức về quê, tìm ở đây cái tình nghĩa con người, tìm về cánh đồng lúa, lũy tre làng và cảnh mùa xuân, cảnh tết nhà quê. Về vào ngày phiên chợ, đi chơi chợ tết thật thú vị, gặp người quen, bạn cũ, ríu rít hỏi han, chúc tụng.
Thấy quê hương thân thương lắm. Điều này giải thích tại sao, những bài thơ, ca khúc ca ngợi xuân quê, tết quê thì nhiều mà gần như không có những sáng tác cùng chủ đề ấy về thành thị. Nếu có thì cũng không thể hay được.
Người ở các tỉnh, làm ăn, sinh sống ở các đô thị lớn, vẫn giữ trong hồn mình một góc quê. Nơi ấy có một thời thơ ấu nghèo khó thiếu thốn nhưng đầy ắp kỷ niệm.
Hình như chỉ có về quê, lòng người mới hóa thân thiện hơn, chứ còn ở thành thị, người quê đối với nhau cũng nhiều thủ đoạn lắm.
Hình minh hoạ. Dân làng mang kiệu pháo trong một lễ hội xuân ở làng Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh hôm 22/2/2015
Hình minh hoạ. Dân làng mang kiệu pháo trong một lễ hội xuân ở làng Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh hôm 22/2/2015 AFP
Làng quê bây giờ đang đô thị hóa. Nhà đã thêm tầng, nhưng tình cảm của người nhà quê vẫn còn giữ được nét mộc mạc, chân chất và đằm thắm.
Nhớ quê, không phải lúc nào cứ thích là về được. Ngoài những lúc có việc đột xuất, tôi thường về quê vào vào những dịp giỗ chạp hay tết đến. Đó là những dịp anh em, họ hàng, con cháu làm ăn ở xa gặp nhau đông đủ hơn cả. Sau khi nâng ly rượu tưởng nhớ người đã khuất hoặc ly rượu mừng xuân là những câu chuyện về những kỷ niệm, hỏi han nhau về gia đình hay công việc làm ăn.

Không nói chuyện chính trị?

Tết nay đã khác tết xưa, những tết thời bao cấp. Vật chất không phải là việc phải lo lắng đầu tiên mỗi khi tết đến hoặc khi nhà có khách. Tuy nhiên, ở đây đó, vẫn có những đứa trẻ thơ không có tết. Người về quê ăn tết đã có xe hơi riêng để đi, hoặc có tiền thuê xe, tuy xe khách hay xe máy vẫn còn là phương tiện phổ biến. Trước sự thay đổi ấy, người ta thường cho rằng nhờ ơn đảng, ơn bác mới có công cuộc đổi mới. Chẳng ai để ý rằng, việc đưa nông dân vào hợp tác xã, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã dẫn đến những năm đói kém kinh hoàng vào những thập niên 60, 70, 80 thế kỷ trước là do ai gây nên. Họ cảm ơn đảng đã “cởi trói” mà không nghĩ đến ai đã “trói” họ. “Bây giờ được như thế này còn kêu gì nữa” là câu cửa miệng của nhiều đầu óc bảo thủ hoặc u mê. Họ không hề nhìn ra ngoài biên giới. Không nhìn sang Âu Mỹ đã đành, ngay cả cái ao làng Đông Nam Á hay ở ngay bán đảo Đông Dương họ cũng không cần biết. Họ cũng chỉ biết so sánh miếng ăn đã khác trước, chứ không nghĩ đến an sinh xã hội, nghĩ đến quyền con người. Họ không biết những hạn chế trong phát ngôn, hành động mà họ phải tuân thủ đã đành mà còn tự kiềm chế tư tưởng, không dám nghĩ khác những gì đảng nói.
Hình minh hoạ. Những người đàn ông mặc lễ phục truyền thống dự hội làng mùa xuân ở làng Triều Khúc, Hà Nội hôm 16/2/2016
Hình minh hoạ. Những người đàn ông mặc lễ phục truyền thống dự hội làng mùa xuân ở làng Triều Khúc, Hà Nội hôm 16/2/2016 AFP
Không dám nói khác, nghĩ khác, họ còn tự cho mình nhiệm vụ canh chừng tư tưởng của người khác. Vì là “của hiếm”, mỗi khi tôi xuất hiện ở quê, chẳng thiếu người nhìn tôi đầy cảnh giác. Tôi biết vậy nên chẳng có tham vọng “tuyên truyền” cho ai nhưng vẫn bị một vị có chức sắc nào đó trong họ phủ đầu: “Không nói chuyện chính trị”.
Một lần tôi ngồi nghe mấy ông anh nói chuyện về vụ án Đinh La Thăng, chuyện ông Trần Đại Quang vừa chết. Nói mãi không sao, đến khi tôi vừa mở miệng ra để cải chính một chi tiết sai, một ông gạt ngay: “Không nói chuyện chính trị”. Có lần mọi người đang nói về một vụ tai nạn giao thông, công an làm sai lệch hồ sơ. Tôi vừa xen vào hỏi thì bị một chú em gay gắt chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện đang nói: “Anh không ra nước ngoài anh không biết đấy thôi, chứ Thái Lan nó đầy nhà ổ chuột ra đấy”. Tôi ngạc nhiên, chẳng lẽ chuyện Mỹ đưa người lên mặt trăng cũng không được nói vì tôi chưa lên mặt trăng bao giờ?
Chuyện tương tự còn nhiều nhưng hễ tôi xen vào là bị chẹn họng ngay: “Không nói chuyện chính trị”. Từ đó, tôi đoán ra, khuôn khổ ấy chỉ đặt ra khi có mặt tôi. Tuy “không nói chuyện chính trị” nhưng anh vẫn nhìn bộ comple tôi đang mặc, mai mỉa: “Bộ này đi Mỹ đấy à? Hồi tôi vừa mới đi Mỹ về, một ông anh khác hỏi: “Bao giờ thì chú mua ô tô?”. Lại có cô em bảo, anh theo Mỹ thì thiếu gì tiền. Tôi nói toạc ra: “Ý cô là phải theo Trung Quốc? Theo Mỹ thì sao? Anh còn muốn cả đất nước này theo Mỹ, người Việt Nam cũng được như người Mỹ kia.
“Không nói chuyện chính trị”, câu chuyện chỉ ồn ào xung quanh công việc làm ăn của mỗi người, tự hào về dòng họ mình đông đúc, có bao nhiêu người thành đạt (tướng tá hoặc chức sắc trong hệ thống chính trị). Chẳng ai nêu ra dòng họ mình có cụ nào sống khí tiết để mà noi gương.
Trong các buổi họp mặt, thanh niên vẫn là đông nhất. Không phải cháu nào đầu óc cũng u tối nhưng trước các bậc trưởng lão, không đứa nào dám ho he trong khuôn khổ định sẵn: “không nói chuyện chính trị”. Có cháu bày tỏ sự cảm thông với tôi nhưng chỉ là câu chuyện riêng: "Việc chú làm là đúng nhưng cháu không theo được vì còn phải kiếm sống nuôi vợ con". Có chú em họ thẳng thắn nhận tôi hèn. Có đứa chỉ dám thừa nhận chú can đảm nhưng không dám nói tôi đúng hay sai. Có đứa lại bảo việc chú làm là đúng nhưng chưa đến lúc. Tôi nói, nếu ai cũng chờ “đến lúc” thì ai tạo ra cái “đến lúc” ấy để mà nói, để mà hành động. Có ông anh lọc lõi, khuyên tôi không được, bảo, thôi, chú viết gì cứ viết, nói gì cứ nói nhưng làm thì để cho đứa khác. Có ông anh bảo khi nào biểu tình có tiền thì chú gọi tôi đi với nhé. Tôi hiểu, anh muốn nhắc tôi phải thực tế, đừng làm những việc vô bổ, không thiết thực cho bản thân, đi lo những việc đâu đâu.
Một lần JB Nguyễn Hữu Vinh đưa tôi về quê bằng xe của anh, cũng vào dịp tết. Lần sau tôi về, bà chị dâu bảo: “Lần trước, chú đưa cái thằng phản động nào đó về nhà, nó dám nói xấu đảng, nói xấu bác. Nhà tôi là "gia đình cơ bản”, toàn đảng viên, công chức nhà nước mà nó chẳng nể. Chẳng nhẽ ngày tết tôi lại đuổi”. Tôi nói, thứ nhất, bác của chị à, họ hàng như thế nào? Thứ hai là mấy đứa nhà chị, nó là đảng viên không có nghĩa nó là đảng. Mà nó là đảng thì đã sao, không dám động đến chăng? Vợ tôi xen vào, chị xem, đảng nhà chị đã làm được những gì? Rồi bả kê ra một loạt việc đảng đã làm, đảng viên phạm tội ra sao.
Chuyến về quê tiếp theo, Thanh Hà chở tôi về. Tôi trêu anh tôi: "Lần trước, chị bảo em đưa phản động về nên em không dám nhờ nó nữa. Còn đây là chú Hà, chưa có “tiền án tiền sự” (với nhà anh), anh yên tâm".
Hình minh hoạ. Biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây ra, ở Hà Nội hôm 1/5/2016
Hình minh hoạ. Biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây ra, ở Hà Nội hôm 1/5/2016 AFP
Không nói chuyện chính trị nhằm che đậy hiện thực đen tối do chế độ này tạo nên. Nó cũng như Trung Quốc không muốn nhắc đến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 và kéo dài đến 10 năm sau đó mà thôi. “Không nói chuyện chính trị” vì nói ra, làm sao họ tranh luận nổi, bênh nổi cái đảng của họ. Bây giờ, còn cái gì để khoe ngoài việc tụng kinh “cuộc sống bây giờ đã khá hơn trước”? Họ muốn bảo vệ đảng của họ vì đảng ấy đã cho họ cuộc sống dư dả hơn người khác, có danh tước, địa vị trong xã hội. Cho nên, “không nói chuyện chính trị” thực chất là bài lảng tránh. Mà nếu có tranh luận, họ cũng chỉ “phản biện” bằng cách “không có đổi mới, làm gì được như bây giờ?”, “chúng mày phản bội lại tao và bố”. Tôi có thằng cháu vợ, nó “phản biện” cô chú nó (tức là tôi và vợ tôi) rằng “hết thuốc chữa”. Chợt nhớ đến đám dư luận viên hay “phản biện” chúng tôi bằng những câu “đồ phản động”, “Không có đảng bác làm gì có chúng mày”, “đất nước đang ổn định, chúng mày cứ muốn đảo lộn lên”. Tôi phải đóng ngoặc kép hai chữ “phản biện” vì làm gì có lý lẽ để gọi là phản biện.
Không nói chuyện chính trị, sống ngoài chính trị hình như là một cái mốt của những người tự xem mình là thức thời. Như con đà điểu rúc đầu vào cát, họ cố né mọi vấn đề bức xúc của cuộc sống, không nhìn, không thấy, không nghe, không biết. Có lẽ, họ chỉ động đến chính trị khi chính bản thân họ bị tấn công, bị cướp nhà cửa, ruộng vườn hay bị oan khiên trong một vụ án nào đó. Khi đó, họ mới biết họ có sống ngoài chính trị được không. Họ chưa bao giờ tự đặt câu hỏi, họ sống ngoài chính trị tại sao họ lại phấn đấu vào đảng, bon chen để lên chức và vun vén cho bản thân và gia đình không bằng lao động của mình? Không nói chuyện chính trị, vậy ai đã tuyên truyền chính trị cho họ để bộ não của họ biến thành không thể gột rửa được. Trong khi, báo chí vẫn đề cập đến những tiêu cực về mọi mặt của đời sống xã hội thì có ai nhắc đến các chuyện tham nhũng, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, chủ quyền của Tổ quốc thì họ vội gạt đi: “Không nói chuyện chính trị”. Họ còn bảo hoàng hơn vua.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do