Monday, December 24, 2018

Thế nào là đình công có kích động xúi giục?

Thảo Vy (VNTB) 
Giai cấp công nhân ở Việt Nam vì sao lại sút kém trình độ chính trị để có thể dễ dàng bị kích động xúi giục trong đình công?

Chiều ngày 21-12, tại TP.HCM đã diễn ra Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP.HCM và các LĐLĐ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công nhân, người lao động, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn giáp ranh.

“Nếu suy diễn, tôi nghĩ rằng các ông, bà chủ tịch các LĐLĐ Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và TP.HCM đã công khai tự diễn biến, khi ngờ vực vào khả năng lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ảnh minh họa. 
Điều 4.1, Hiến pháp 2013 đã ghi rất rõ rằng, ‘Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’.

Chỉ trong một câu, có đến 2 lần nhắc tới ‘công nhân’ và ‘nhân dân lao động’. Dưới sự lãnh đạo chuyên chính như vậy, thử hỏi ai có thể xúi giục hay kích động công nhân, người lao động đình công?”. Một thân hữu luật gia, hiện là giám đốc doanh nghiệp ngành dệt may đã chia sẻ kiểu ‘trà dư tửu hậu’ với người viết.

Phóng viên dự để đưa tin về buổi lễ hôm chiều 21-12 tại LĐLĐ TP.HCM, kể là các vị trong LĐLĐ đã không ngại giấu vẻ lo lắng vài hôm nữa đây khi Luật An ninh mạng hiệu lực, và dự luật về đặc khu hành chính sẽ được xới lại trước kỳ họp Quốc hội, khả năng người dân lại xuống đường biểu tình phản đối. Do đó các quan chức của LĐLĐ 5 địa phương đã bàn nhau phối hợp để có thể ngăn chặn biểu tình ngay trong giai đoạn manh nha.

Một báo cáo trình bày vào chiều 21-12 tại LĐLĐ TP.HCM có đoạn viết: “Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình an ninh trật tự ở TP.HCM và các tỉnh lân cận trở nên căng thẳng trong thời điểm Quốc hội thông qua nhiều dự luật quan trọng. Các thế lực phản động đã có những hành động kích động, xúi giục lợi dụng người công nhân, người lao động ngưng việc tập thể, diễu hành thành từng đoàn, từng nhóm trên đường phố gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao thông. Đồng thời có những hành động phá hoại tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó tình hình có diễn biến phức tạp khi đối tượng kéo vào các nhà máy, xí nghiệp ở ngoại thành TP.HCM và khu vực giáp ranh nhằm lôi kéo, xúi giục những công nhân đang làm việc phải cúp điện, ngừng làm việc tạo thành một nhóm lớn để biểu tình, gây rối trật tự xã hội, kích động và xúi giục công nhân đình công…”.

Từ góc nhìn nói trên, xem ra việc công nhân đình công đã được chính ngành công đoàn mặc định là mang màu sắc của chính trị, chứ không phải xuất phát từ quyền lợi vật chất như quy định ở Bộ Luật Lao động.

“Nhận định này của cả 5 tổ chức LĐLĐ tỉnh, thành là không phù hợp pháp luật. Hiến pháp có bảo hộ quyền biểu tình, không giới hạn quyền này trong thành phần nào của xã hội. Hiến pháp cũng bảo hộ quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bằng xác lập quyền công dân về chính trị, đó là cơ sở để đảng cộng sản mạnh miệng cam kết rằng mình là đội tiên phong của giai cấp công nhân.

Ở bối cảnh Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, lẽ ra ngành công đoàn cần hiểu mình phải làm gì cho các quyền lợi vật chất lẫn quyền lợi chính trị của người lao động. Đàng này họ lại hè nhau tìm mọi cách chụp mũ người lao động. Tôi nghĩ rằng đây chính là đòn đánh dưới thắt lưng đối với tất cả các nghiệp đoàn độc lập sẽ hình thành trong tương lai. Bởi họ phải đối mặt với sự chụp mũ chính trị hóa trong các hoạt động, đặc biệt là về đình công”. Luật sư Trần Thành dự báo.

“Đúng lý, ở buổi Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa LĐLĐ TP.HCM và các LĐLĐ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, các quan chức đứng đầu 5 tổ chức công đoàn này phải đưa ra kiến nghị Quốc hội Việt Nam sớm ban hành Luật về quyền biểu tình. Bởi có bao nhiêu hội nghị liên tịch kiểu vầy đi nữa về chuyện biểu tình, mà vẫn chưa có luật biểu tình thì vẫn là những hình thức đối phó trong sợ hãi về một quyền hiến định.

Doanh nghiệp tụi tôi mới là những người sợ công nhân đình công nhất, sợ công nhân biểu tình nhất…, mà tụi tôi còn thấy xấu hổ cho kiểu họ bàn nhau chụp mũ biểu tình, vu tiếng xấu cho công nhân trong đòi hỏi quyền công dân của mình…”. Vị thân hữu là doanh nhân (kể ở trên), chia sẻ.

Đánh vào nguồn giúp đỡ tù nhân lương tâm là một tội ác.


Hôm thứ tư 19/12 vừa rồi, một người gọi vào máy của tôi hỏi địa chỉ để giao tiền. Vì gửi theo địa chỉ cũ nên tôi hướng dẫn đến địa chỉ mới. Họ hẹn tôi ra đầu ngõ nhận, tôi nói giao tại nơi ở, không giao ngoài đường, tránh rủi ro. Họ không chấp nhận và cúp máy.
Hôm sau, người gửi gửi theo địa chỉ mới và ghi tên vợ tôi. Kịch bản lặp lại như hôm trước. Cũng yêu cầu vợ tôi ra đầu ngõ, vợ tôi nói vào nhà giao, họ cũng cúp máy.
Tôi thường nhận tiền từ nước ngoài gửi giao tận nhà, hoặc là người gửi cho mã số ra ngân hàng nhận. Không có dịch vụ nào lại giao nhận ngoài đường cả.
Căn cứ vào một loạt vụ mật vụ bố trí để cướp tiền xảy ra như chúng tôi đã thông tin trên mạng, có thể nhận định được rằng, nếu tôi hoặc vợ tôi chấp nhận ra ngõ để nhận tiền thì sẽ bị cướp.
Cả hai lần dụ ra ngõ không thành, phía gửi tiền đều cho tôi biết, ngân hàng gọi sang, nói không giao vì tôi nằm trong danh sách đen.
Thế đấy, nếu không chấp nhận nhận tiền ngoài đường thì từ chối giao với lý do người nhận nằm trong danh sách đen. Còn nếu chấp nhận ra đường theo kịch bản của chúng thì không phải nằm trong danh sách đen nhưng hậu quả tiền sẽ rơi vào tay bọn cướp.
*
Chuyện bố trí để cướp tiền do các nhà hảo tâm gửi cho TNLT từng xảy ra. Vào thời gian này năm ngoái, một lần nhân viên ngân hàng hẹn anh Ngô Duy Quyền đến nhà giao tiền. Đến giờ hẹn thấy mật vụ quen và lạ lảng vảng quanh nơi ở nên Quyền từ chối nhận, sau đó chúng tôi đề nghị nhà hảo tâm chuyển sang người nhận khác.
Chị Nguyễn Thúy Hạnh cũng có lần sau khi nhận một khoản tiền khá lớn nhưng bọn cướp chậm chân một chút, chúng đến khi chị đã lên trên nhà nên chỉ bắt được cô giao tiền rồi xét hỏi. Một lần khác, sau khi nhận tiền xong cũng có mật vụ rượt theo nhưng chị đã kịp vào được thang máy.
Chiều ngày 6/5/2018, nhân viên ngân hàng đến giao cho tôi 3200 USD. Khi nhận tiền xong thì khoảng 10 tên mặc thường phục ập vào nhà. Chúng bóp cổ, bịt mồm vợ tôi không cho kêu. Nhưng lúc ấy, tôi đã kịp lên phòng và chốt cửa lại. Chúng gọi cửa phòng không được nên bỏ đi. Trước vợ tôi và những người nghe hô cướp chạy đến, chúng xưng chúng tôi là công an và bảo không có gì đâu. Lần giao tiền sau đó, cậu nhân viên này kể, hôm đó, khi ở nhà tôi ra, cậu ta bị đám công an này giữ lại xét hỏi. Cậu ta bảo tôi chỉ là người làm công ăn lương. Chúng cho cậu ta đi, rồi xông vào nhà tôi như vừa kể.
Trong nhưng trường hợp kể trên, nhờ cảnh giác nên chúng cướp không thành công và làm chúng khá ê chề, có  thể về bị mắng chửi, có thể nội bộ chỉ trích lẫn nhau lấn địa bàn, vượt mặt. Đó là những vụ có số tiền lớn, trên dưới 3000 đô la. Tuy nhiên, cũng có những vụ chúng cướp thành công do nạn nhân mất cảnh giác, bị bất ngờ. Chị Tươi vợ tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi, bị cướp khi vừa ở ngân hàng ra. Vụ này, anh Vi Đức Hồi đã đưa tin lên mạng. Một trường hợp khác, một TNLT bị cướp 300 USD khi vừa nhận từ nhân viên ngân hàng.
Còn bây giờ, chúng đã tỏ thái độ rõ ràng. Không dụ được ra ngoài đường thì không cho giao nữa vì người nhận nằm trong sổ đen. Pháp luật không có nghĩa lý gì đối với chúng và cả hệ thống chính trị này làm ngơ cho chúng hoành hành.
Những vụ việc vừa nêu nhằm đánh vào nguồn tiền hỗ trợ tù nhân lương tâm. TNLT là những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, cho sự phát triển của đất nước. Họ hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật nhưng vẫn bị qui kết vào những tội danh áp đặt, bị kết án có người tới 20 năm tù. Có lẽ, những năm tù dằng dặc chụp lên cuộc đời TNLT chưa đủ thỏa mãn sự độc ác của những kẻ nắm quyền, chúng còn muốn cắt đứt sự giúp đỡ của đồng bào trong và ngoài nước dành cho TNLT, muốn họ bị cô lập hoàn toàn. Đánh vào nguồn giúp đỡ TNLT, chúng đã gây thêm một tội ác mới và tội ác của chúng là không giới hạn.
Không thể không nói trách nhiệm về phía ngân hàng. Rõ ràng là họ hợp tác với an ninh, bất chấp nguyên tắc kinh doanh, bất chấp cam kết với khách hàng về bảo mật, cung cấp thông tin để xảy ra rủi ro cho khách hàng và khi có lệnh từ phía an ninh, họ khước từ giao dịch.
21/12/18
Ps: Diễn biến mới nhất: 
Ngày 23/12/2018, một nhân viên ngân hàng gọi nhận tiền nhưng vẫn nhất quyết không chịu vào nhà mà yêu cầu chúng tôi xuống để giao tiền. Điều đáng nói là nhân viên này từng vào nhà tôi giao tiền đã nhiều lần. Nhưng đến lần này, cậu ta không chịu vào nữa. 
Phải chăng chúng quyết tâm bố trí cướp tiền của tù nhân cho bằng được. Còn tôi nhất định không để tiền của TNLT rơi vào tay bọn cướp đỏ. Vì vậy, cả ba lần giao dịch trong vòng 4 ngày đều không thành,

2019: Nếu rửa hàng cho Tàu, Việt Nam sẽ ăn thuế phòng vệ thương mại???

Nguyễn Việt Nam |

Việc Việt Nam hội nhập, tham gia vào các FTA (hiệp định thương mại tự do) cùng nhiều quốc gia sẽ làm cho thuế nhập khẩu vào các quốc gia thành viên giảm mạnh. Nhất từ ngày 1/1/2019 thì CPTPP sẽ được thực thi. CPTPP là một FTA thế hệ mới lớn thứ ba thế giới gồm những thành viên có năng lực cạnh tranh rất mạnh như Nhật Bản, Australia, Canada.. Khi thuế nhập khẩu trong khối giảm về mức rất thấp hoặc 0% thì rào cản xuất nhập khẩu sẽ được gỡ bỏ. Điều này làm cho các quốc gia thành viên sẽ tăng cường phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất của quốc gia mình.
1) Phòng vệ thương mại là gì?
là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ. Thường thì các quốc gia giải quyết việc này bằng cách áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ.

2) Thực trạng bị kiện bán phá giá của Việt Nam:
Hiện Việt Nam đang dính đến 78 vụ kiện bán phá giá trên thế giới, 12 vụ điều tra chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế bán phá giá. Trong đó nhiều nhất là sắt thép có đến 37 vụ. Thứ hai là hàng dệt may. Vụ lớn nhất là thép từ Formosa bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá là 199,76% và thuế chống trợ cấp là 256,44% hồi tháng 5 vừa rồi vì lý do Mỹ cho rằng thép của Formosa sử dụng chất nền có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và hiện tại Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Mỹ vẫn coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường (vì có đuôi XHCN).
3) Yếu tố Trung Quốc:
Các sản phẩm thép, nhôm của Trung Quốc được tuồn qua Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác với nhãn hiệu Ma Zê in Ziệt Nam bị đánh thuế vừa qua là lời cảnh tỉnh cho việc tiếp tay, rửa hàng Trung Quốc của Việt Nam. Tuy nhiên trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang ngày càng gia tăng khiến cho các doanh nghiệp Trung Quốc tháo chạy sang Việt Nam để né thuế cũng là hồi chuông báo động cho chính phủ của anh Phúc. Nhưng chính phủ của anh Phúc lại rất hồ hởi, ưu tiên, mở rộng cửa để đón các nhà đầu tư Trung Quốc (anh Phúc chịu sự chỉ đạo của anh Trọng, anh Trọng chịu sự chỉ đạo của Tập Cận Bình).
Thêm nữa là sắp thực thi CPTPP (hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương) sẽ khiến các nhà đầu tư Trung Quốc kéo sang đón đầu để hưởng lợi từ hiệp định này. Những điều này làm cho các doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện ở Việt Nam nhiều hơn. Và dĩ nhiên họ sẽ tìm cách đưa hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam để xuất khẩu. Sẽ có những mánh lới nào đó được áp dụng để né được rào cản truy xuất nguồn gốc của CPTPP như nhập hàng bán thành phẩm hay xây dựng khu công nghiệp xuyên biên giới (cái này đã và đang làm rồi). Ngay cả hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc chất lượng, sức cạnh tranh không thể bằng hàng của các nước có hàng hóa chất lượng cao trong khối như Nhật Bản, Canada được nên chỉ có thể cạnh tranh về giá. Trong khối cũng như các nước thuộc FTA khác cũng không quy định về số lượng hàng hóa nên họ sẽ áp dụng phòng vệ thương mại nếu hàng giá rẻ lấn át thị trường làm ảnh hưởng nền sản xuất trong nước của họ. Mà nhất là thị trường Mỹ và Canada . Nếu phát hiện có yếu tố Trung Quốc trong hàng hóa của Việt Nam thời gian “nhạy cảm” này thì việc ăn thuế phòng vệ thương mại là khó tránh khỏi. Không chỉ như vậy mà nó còn lan sang các mặt hàng khác cùng loại của Việt Nam hoặc sẽ dính điều tra các mặt hàng khác loại khác.
4) Nguy cơ:
Nguy cơ bị ăn thuế phòng vệ thương mại là khá cao, không chỉ với hàng Trung Quốc gửi qua để rửa mà có cả hàng của Việt Nam. Rào cản thuế quan được rỡ bỏ như vậy, hàng Việt Nam thì sức cạnh tranh lại kém, thành ra để sống được thì cạnh tranh về giá sẽ là lựa chọn hàng đầu của chính phủ anh Phúc. Số lượng lớn, giá rẻ thì liệu có dính thuế phòng vệ không? Khả năng là có đấy.Thế nên nguy cơ là khá cao.
Đấy, nếu cố tình thả cửa cho Trung Quốc nó vào, rửa hàng cho nó thì kịch bản phòng vệ thương mại sẽ là như thế. Nó cũng sẽ làm hàng hóa trong nước bị dính điều tra, áp thuế phòng vệ kiểu “vạ lây” nhưng cố tình “bị vạ lây” ấy. Và nếu thuế phòng vệ thương mại được tung ra thì số lượng, giá trị hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ sụt giảm trong lĩnh vực xuất khẩu đấy. Sang năm mà bị áp thuế thì chúng ta có thêm nhiều tia hi vọng đấy.
Dưới đây là mánh lới, nhận định của một số chuyên gia nhưng vẫn không cản được sự “mời mọc” Trung Quốc của anh Phúc và anh Trọng:

Lộ tẩy dối trá của CSVN về nhân vật ‘Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo’

Giáo Sư Hà Văn Thịnh: "Lịch sử Việt Nam hiện đại, chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối". (Hình:Nghiệp Đoàn Sinh Viên Việt Nam)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mấy ngày qua, trên các mạng xã hội ở Việt Nam bàn tán xôn xao về việc một giáo sư sử học lâu năm của Trường Đại Học Khoa Học Huế xác nhận rằng nhân vật lịch sử thời chống Pháp “Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo” là do CSVN hư cấu dựng lên.
Trên trang web Nghiệp Đoàn Sinh Viên Việt Nam ngày 23 Tháng Mười Hai, 2018, trong bài viết “Giáo sư Hà Văn Thịnh xác nhận chuyện Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo là không có thật” dẫn lời nói của Giáo Sư Hà Văn Thịnh, Đại Học Khoa Học Huế: “Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại, chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ, đánh nhau 30 năm, với Pháp và Mỹ mà Việt Nam không thua trận nào là không thể chấp nhận được. Hay như Lê Văn Tám ấy, châm lửa rồi chạy. Làm sao mà chạy được, 5 mét là gục xuống liền. Hay Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo. Quả pháo nặng hàng tấn, nó đè cho dập nát, chèn thế nào được. Nhiều vô cùng những chuyện như thế. Sự dối trá đó làm sinh viên không thích học sử nữa. Thấy sử là bịp bợm, chán quá!…”
Trên trang Facebook Huy Anh của nhà báo Nguyễn Duy Khanh, ngày 24 Tháng Mười Hai, 2018 viết: “Điều này cũng giống như Giáo Sư Phan Huy Lê nhiều năm trước đã công bố nhân vật ‘anh hùng Lê Văn Tám’ là do CSVN dựng lên, bây giờ là lúc cần nói lên sự thật.
Thực ra, nhiều người dân đều biết đó là chuyện hoang đường, nhưng hiện nay ở Việt Nam có nhiều con đường, công viên, trường học mang tên Lê Văn Tám vẫn còn hiện diện khắp nơi. Tương tự, Tô Vĩnh Diện cũng có tên đường, trường học mang tên ông.
Nhân dịp này, nhà báo Nguyễn Duy Khanh cho biết thêm, riêng chuyện những “anh hùng” thời chống Mỹ thì vẫn còn kín như bưng, bởi sự nín lặng của những sử gia CSVN.
Trang Facebook của nhà báo Nguyễn Duy Khanh viết về sự thật “Tô Vĩnh Diện.” (Hình: Tr.N)
“Còn nhớ, quãng 15 năm trước, câu hỏi đưa ra là ai là người viết thư đầu hàng buộc Dương Văn Minh đọc trên sóng phát thanh tại số 3 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, Sài Gòn thì không ai dám trả lời, dù rằng chỉ có hai người nhận đó là Trung Tá Trần Văn Tùng hay Trung Tướng Phạm Xuân Thệ. Sau đó ông Thệ là người đứng ra nhận nhưng lý lẽ và chứng cứ thì rất mờ nhạt.”
“Trước đây, cứ mỗi dịp 30 Tháng Tư là thế hệ học sinh chúng tôi được thầy cô đưa vào Dinh Độc lập để nghe anh hùng Bùi Quang Thận kể chuyện lái xe tăng tông đổ cổng Dinh, rồi ông leo lên xe tăng trong Dinh diễn tả giống như thật. Tuy nhiên, sau đó sự việc bị nhà báo Pháp vạch trần, ông Thận cũng rút êm, chỉ còn nhận là người cắm cờ đầu tiên trên nóc Dinh. Chiếc xe tăng đó sau này cũng bị đưa ra khỏi dinh, chấm dứt một câu chuyện không phải là sự thật.”
Sự việc “ăn theo” này nghĩ cũng kinh. Bởi, nhiều năm trước, ông Trần Mai Hưởng lúc đó đang là giám đốc Thông Tấn Xã Việt Nam đưa hình xe tăng húc đổ Dinh Độc Lập ở Sài Gòn và nói là của mình để tham gia giải thưởng “cao quý” Hồ Chí Minh.
Và thế mà ông Hưởng đã được nhận giải thưởng, nhưng đồng đội của ông đều biết, lúc đó ông đang bị kẹt ở tận Long Khánh, Đồng Nai nên làm sao có thể phóng ống kính tới tận Sài Gòn. Nhiều nhiếp ảnh gia cũng lên tiếng phản đối, nhưng không biết vì lẽ gì, ông Hưởng vẫn được vui vẻ nhận giải, xem như đó là một sự thật.
Bình luận về việc này, người có nickname Quốc Anh Nguyễn bày tỏ: “Lịch sử Việt Nam sự thật được bao nhiêu %? Đọc nghe cho vui thôi, đa số đượcc hư cấu và thổi thồng, chủ yếu là bịa những câu chuyện làm sao cho dân hai miền căm thù Việt Nam Cộng Hòa và quân Mỹ, đó là điều ‘bên thắng cuộc’ làm, bất chấp trắng đen và tai tiếng sau này.”
“Hàng loạt lãnh tụ khi thành lập đảng CSVN năm 1930 cho đến giờ tên còn không dám lấy tên thật, mà tên đã không thật thì lấy gì làm chắc rằng người đã thật, mà người không thật thì không có việc gì những kẻ đó tạo ra là thật cả,” người có tên Nguyễn Quê châm biếm. (Tr.N)

Trung Quốc nhòm ngó cảng Cái Mép và Thị Vải

Tàu chở hàng Trung Quốc cập cảng Thị Vải - Cái Mép. (Hình Thanh Niên)
VŨNG TÀU, Việt Nam (NV) – Một phái đoàn Trung Quốc đã tới cảng Cái Mép và Thị Vải khảo sát tình hình mọi mặt của một cảng nước sâu hiện có vẻ như một khúc xương vướng cổ họng nhà cầm quyền Hà Nội.
Theo báo mạng Trí Thức Việt Nam, giữa tuần qua, “Đoàn đại biểu Ủy Ban Hợp Tác quản lý cửa khẩu Trung Quốc” đã đến cảng biển nước sâu quốc tế Cái Mép và Thị Vải thuộc huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu “tiến hành khảo sát” và nghe ban quản lý cảng “báo cáo về quá trình phát triển, cơ chế quản lý cũng như tiềm năng phát triển” của cảng.
Hiện nay cảng được vận hành bởi một liên doanh gọi là “Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép” (CMIT) trên nguyên tắc hợp tác với tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), Cảng Sài Gòn và APM Terminals (công ty khai thác cảng container quốc tế của Đan Mạch).
CMIT có cầu cảng dài 600 mét, công suất hơn 1.1 triệu TEU và có khả năng đón những tàu viễn dương rất lớn đến 160,000 tấn đến từ Á Châu, Âu Châu và Mỹ Châu. Khi lập dự án xây dựng cảng Cái Mép và Thị Vải, nhà cầm quyền Hà Nội có tham vọng biến nó thành cảng trung chuyển của kỹ nghệ vận chuyển hàng hóa đường biển quốc tế, tranh mối với Singapore, Hồng Kông.
Tuy nhiên, sau 10 năm thành lập, cảng Cái Mép – Thị Vải chỉ đạt được các mối bốc dỡ hàng hóa khoảng 20% công suất của cảng từ khi bắt đầu hoạt động đến nay.
Người ta không biết mục đích phái đoàn chuyên viên Trung Quốc đến “khảo sát” cảng Thị Vải – Cái Mép để làm gì, không thấy tờ TTVN đưa bản tin cho biết ngoài chuyện họ đến nghe và xem. Hà Nội đã đổ vào dự án này hơn $2.5 tỷ tưởng để hốt bạc nhưng hiện có vẻ đang muốn tìm cách tháo chạy bằng cách rước mấy ông Trung Quốc vào thế chân.
Tin phái đoàn Trung Quốc đến “khảo sát” cảng Cái Mép – Thị Vải vào lúc có nhiều tin tức nói Trung Quốc thành lập thêm một số khu công nghệ chế xuất gần sát với biên giới Việt Nam, sản xuất hàng hóa gắn nhãn hiệu Việt Nam, xuất cảng qua các cửa khẩu Việt Nam núp dưới danh hiệu hàng hóa Việt Nam để tránh bị đánh thuế nặng từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều công ty Trung Quốc cũng có các kế hoạch chạy sang Việt Nam mở hãng xưởng sản xuất cũng vì mục đích đó.
Ngày 10 Tháng Sáu, 2018 vừa qua, hàng chục ngàn người tại Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thị khác đã biểu tình dữ dội chống “Luật đặc khu kinh tế…” mà nhà nước CSVN quyết định cho thuê đất đến 99 năm tại Vân Đồn (Quảng Ninh), bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Dân chúng ngờ rằng dự luật chỉ giúp người Trung Quốc tràn sang Việt Nam, thâu tóm đất đai, biến những khu vực quan yếu về an ninh quốc phòng thành những “đặc khu” của họ. Dự luật bị hoãn lại và sẽ được đem ra để có thể thông qua vào kỳ họp đầu năm tới.
Nay phái đoàn Trung Quốc đến “khảo sát” cảng Cái Mép – Thị Vải mà người ta không biết họ tính toán gì. Nó có nằm trong kế hoạch của họ thâu tóm một chuỗi cảng biển quan trọng suốt một dọc từ Biển Đông sang Ấn Độ Dương, và ngay cả cảng Haifa của Do Thái ở Trung Đông, diễn ra từ mấy năm nay hay không? Đây là nghi vấn nhiều người muốn biết. (TN)

Mẹ con ‘Cường đô la’ chuyển nhượng hết tài sản để tháo chạy?

Ông Nguyễn Quốc Cường và mẹ, bà Nguyễn Thị Như Loan. (Hình: Người Đưa Tin)
GIA LAI, Việt Nam (NV) – Sau khi vướng vào “vận đen” với ông Tất Thành Cang trong vụ chuyển nhượng đầy mờ ám khu đất hơn 32 hécta tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Sài Gòn, công ty Cổ Phần Quốc Cường Gia Lai đang âm thầm chuyển nhựơng, thu hồi tài sản để tháo chạy.
Nói với báo Lao Động ngày 24 Tháng Mười Hai, 2018, công ty Cổ Phần Quốc Cường Gia Lai, cho rằng không công bố thông tin 14 giao dịch với tổng số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng là do “liên tục thay đổi thư ký Hội Đồng Quản Trị.”
Trong văn bản giải trình, công ty Cổ Phần Quốc Cường Gia Lai “nghĩa vụ công bố thông tin đối với các giao dịch góp và thoái vốn”, công ty này nêu “Trong khoảng thời gian từ ngày 24 Tháng Giêng, 2013 đến ngày 26 Tháng Tám, 2017, công ty Cổ Phần Quốc Cường Gia Lai có 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng.
Trong đó, có những giao dịch có quy mô rất lớn như thương vụ nhận chuyển nhượng cổ phần của Quốc Cường Gia Lai do bà Nguyễn Thị Như Loan, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị, mẹ của ông Nguyễn Quốc Cường (người được công chúng biết tới với danh hiệu “Cường đô la”), với bà Lê Thị Kim Chính, người trong công ty Cổ Phần Quốc Cường Liên Á, với giá trị nhận chuyển nhượng 127.46 tỷ đồng, tương đương gần 6.2 triệu cổ phần, chiếm 24.75% vốn điều lệ của công ty.
Ngoài ra, phải kể đến thương vụ Quốc Cường Gia Lai chuyển nhượng 76 tỷ đồng phần vốn góp của mình cho công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Phú Việt Tín; chuyển nhượng 340 tỷ đồng cho công ty Cổ Phần Bất Động Sản Thịnh Vượng và 459 tỷ đồng cho công ty Cổ Phần Biệt thự Thành Phố…
Gần đây nhất, là thương vụ Quốc Cường Gia Lai chuyển nhượng 85% cổ phần (tương đương 158 tỷ đồng) từ công ty Cổ Phần Sparkle Value Homes cho công ty Bắc Phước Kiển với giá 339 tỷ đồng.
Khu đất Phước Kiển của Công Ty Tân Thuận – Thành Uỷ Sài Gòn khiến mẹ con “Cường đô la” lao đao. (Hình: Người Đưa Tin)
Trong văn bản giải trình, đại diện Quốc Cường Gia Lai, cho rằng “đã thiếu sót khi không công bố thông tin kịp thời mà chỉ ghi nhận kết quả các giao dịch tại báo cáo tài chính được công bố thông tin theo quy định khi hoàn tất,” với lý do “liên tục có sự thay đổi nhân sự thư ký quản trị doanh nghiệp, nên quá trình cập nhật các quy định quản trị còn hạn chế và hiểu chưa đúng về nội dung, thời hạn công bố thông tin “nên không tránh khỏi thiếu sót.”
Văn bản của Quốc Cường Gia Lai khẳng định “mục tiêu cuối cùng của công ty là để đạt doanh thu và lợi nhuận, mang đến kết quả tốt nhất cho công ty và cổ đông cũng như để đảm bảo cam kết bảo mật thông tin với đối tác, khách hàng trong các thỏa thuận hợp đồng.”
Tuy nhiên dư luận cho rằng, mẹ con bà Loan, chủ sở hữu công ty Cổ Phần Quốc Cường Gia Lai, trong thời gian dài đã âm thầm rút hết tài sản khỏi công ty này để tháo chạy do sắp vỡ nợ.
Trước đó, hồi giữa Tháng Mười Một, 2018, chỉ một ngày sau khi Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương CSVN công bố nội dung kiểm tra đối với ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực thành ủy thành phố Sài Gòn “có dấu hiệu vi phạm,” Quốc Cường Gia Lai đã phát đi thông tin về việc ông Nguyễn Quốc Cường rút khỏi thành viên Hội Đồng Quản Trị công ty “vì lý do cá nhân.”
Tuy nhiên, báo chí Việt Nam cho rằng nguyên nhân chính là do dính vào “vận đen” liên quan tới khu đất có diện tích trên 32.4 hécta tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Sài Gòn mà Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng từ công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên Đầu Tư Và Xây Dựng Tân Thuận – doanh nghiệp 100% vốn thuộc Văn Phòng Thành Ủy Sài Gòn, do ông Cang ký “chấp thuận chủ trương chuyển nhượng đất.”
Cũng vì vụ này mà ngày 15 Tháng Mười Một, 2018, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương kết luận những sai phạm của ông Tất Thành là “rất nghiêm trọng.”
“Ông Tất Thành Cang đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách đảng bộ thành phố,” Thông Cáo Báo Chí của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương nêu rõ.
Cho đến nay, theo chỉ đạo của Ban Thường Trực Thành Uỷ Sài Gòn, hai bên đã huỷ hợp đồng chuyển nhượng khu đất 32 hécta tại Phước Kiển.
Tính đến ngày 30 Tháng Chín, 2018, tổng số dư nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai đã lên tới 8,379 tỷ đồng.
Năm 2014, công ty Quốc Cường Gia Lai đã một lần hoán đổi công nợ thành vốn cổ phần và nhiều cái tên quen thuộc liên tục xuất hiện xung quanh khoản nợ này.
Theo báo Người Đưa Tin, sau khi thanh toán kịp thời khoản nợ với Ngân Hàng BIDV Quang Trung, kèm yêu cầu miễn giảm 50% tiền lãi, Quốc Cường Gia Lai đã bị ngân hàng này “bít cửa tín dụng.”
Hiện, ngoài chủ nợ lớn nhất là Ngân Hàng Vietcombank Chi Nhánh Gia Lai (vay ngắn hạn 74 tỷ đồng và vay dài hạn 416 tỷ đồng), Quốc Cường Gia Lai phải “giật gấu vá vai” những tỷ phú thân quen như bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (em gái bà Loan), bà Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan), ông Lầu Đức Duy, ông Lại Thế Hà và con gái ông Hà là bà Lại Thị Hoàng Yến…
Những cá nhân trên ít nhiều có quan hệ với nhau và quan hệ với Quốc Cường Gia Lai dưới danh nghĩa “cho mượn tiền” và đương nhiên… không cần lấy lãi. (Tr.N)

Toà án Long An huỷ án sơ thẩm vụ 3 quản giáo trại giam đánh chết tù nhân 17 tuổi

Toà án Long An huỷ án sơ thẩm vụ 3 quản giáo trại giam đánh chết tù nhân 17 tuổi
Quản giáo trại giam trong vụ đánh chết tù nhân - ảnh: RFA
Tin từ Long An – Thứ Sáu ngày 21/12/2018, toà án nhân dân tỉnh Long An tuyên bố bác bỏ kết quả bản án sơ thẩm vụ 3 cảnh sát trại giam Long Hòa đánh chết tù nhân Lại Đức Huy (17 tuổi) vì cho rằng bản án này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Trước đó, vào tháng 8/2018, toà án nhân dân huyện Bến Lức mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Phước Thuận (36 tuổi), Nguyễn Minh Huân (26 tuổi), Châu Minh Nhựt (22 tuổi) là những quản giáo của trại giam Long Hòa về cáo buộc dùng nhục hình đối với năm tù nhân lứa tuổi 16, 17 vừa nhập trại được ba ngày. Toà này đã tuyên phạt bị cáo Thuận 3 năm 6 tháng tù, bị cáo Huân 2 năm 6 tháng tù và bị cáo Nhựt 2 năm tù cùng với cáo buộc “dùng nhục hình.”
Tuy nhiên, toà án nhân dân tỉnh cho rằng trong phiên sơ thẩm, toà án huyện Bến Lức đã có nhiều thiếu sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra như không thu giữ vật chứng là phương tiện mà các bị cáo dùng vào việc phạm tội là cái còng tay, ghế để kê bị hại và những người còng tay bị hại lên vách lưới; chưa thực hiện thực nghiệm điều tra để làm rõ hậu quả ảnh hưởng đến tính mạng của bị hại và hành vi cụ thể của các bị cáo để xác định rõ mối quan hệ về hành vi của các bị cáo đối với thiệt hại xảy ra trong quá trình phạm tội, nhất là đối với cái chết của nạn nhân Lại Quốc Huy.
Trở lại sự việc vào ngày 20/10/2017, ba quản giáo trại giam đã đánh đập 5 tù nhân mới nhập trại. Một trong năm tù nhân tên Lại Đức Huy bị đánh đập bằng dùi cui cao su sau đó bị còng hai tay vào vách lưới B-40 ở tư thế dựa lưng vào lưới, giơ hai tay cao hơn đầu, mỗi tay một còng, chân đứng dưới đất. Khi được phát hiện bị ngất xỉu, công an có tháo còng và đưa Huy đi cấp cứu nhưng Huy đã chết trên đường đến bệnh viện.
Nguyên nhân cái chết của nạn nhân sau đó được xác định là do bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp dẫn đến suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp, tuy nhiên gia đình khẳng định Huy khỏe mạnh trước khi nhập trại và có chứng nhận của trại giam.
Cho dù Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn (CAT) từ năm 2014, tra tấn vẫn diễn ra nhiều nơi trên cả nước. Hàng trăm tù nhân và nghi phạm đã bị đánh đập trong đồn công an hay trại tạm giam và trại giam từ đó tới nay. Truyền thông quốc doanh đưa tin có ít nhất 12 nạn nhân bị chết trong khi bị giam giữ trong năm 2018.
Quốc Ngữ

Một quân nhân CSVN bị đồng đội dùng kéo đâm chết

Một quân nhân CSVN bị đồng đội dùng kéo đâm chết
Tin Vũng Tàu, Việt Nam – Cùng là đồng đội chung một đơn vị, nhưng chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà một binh nhì đã dùng kéo đâm chết một binh nhất.
Truyền thông trong nước ngày 23 tháng 12 năm 2018 loan tin, khoảng 9 giờ 30 tối ngày 22 tháng 12, giữa binh nhất Nguyễn Quang Chung, 25 tuổi và binh nhì Nguyễn Trung Hiếu, 19 tuổi đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Không kiềm chế được cơn nóng giận, Hiếu đã dùng kéo đâm vào bụng Chung khiến nạn nhân gục tại chỗ. Chung được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong trước khi vào bệnh viện vì vết thương quá nặng.
Được biết, Chung và Hiếu đều là chiến sĩ nghĩa vụ của Hải đoàn 18, đóng quân tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chỉ còn một tháng nữa là Chung phục viên, nhưng đã bị đồng đội đâm chết.
Nguyên nhân của sự việc trên chỉ được truyền thông gọi là “mâu thuẫn nhỏ”, nhưng không nói rõ là mâu thuẫn gì. Hiện tại, Hiếu đã bị công an bắt tạm giam để điều tra về hành vi giết người.
Trước đây, những thông tin tiêu cực của quân đội CSVN đều bị ban Tuyên giáo Trung ương cấm, không được loan tin. Vì vậy, nhắc tới quân đội truyền thông chỉ được phép đưa những tin được xem là tốt đẹp. Thế nhưng, kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN thực hiện chiến dịch thanh trừng phe phái thì hàng loạt sai phạm của quân đội đã có mặt trên các tờ báo trong nước.
An Nhiên

Phó ban quản trị dự án “Đại sứ Nhật đòi nợ” trốn đi Hoa Kỳ

Phó ban quản trị dự án “Đại sứ Nhật đòi nợ” trốn đi Hoa Kỳ
Ông Hoàng Như Cương - ảnh: vietnamnet
Tin Sài Gòn, Việt Nam – Ông Hoàng Như Cương, phó Ban quản trị đường sắt đô thị thành phố Sài Gòn mới bị phát hiện đã tự ý đi Mỹ mà chưa được cấp thẩm quyền cho phép theo quy định của nhà cầm quyền CSVN.
Truyền thông trong nước ngày 23 tháng 12 năm 2018 loan tin, ông Cương là phó Ban quản trị kiêm bí thư đảng uỷ Ban quản lý hỏa xa đô thị thành phố Sài Gòn.
Vào nửa đầu tháng 12 năm 2018, ông Cương đã tự ý đi Mỹ mà chưa được sự cho phép của nhà cầm quyền CSVN. Đến ngày 22 tháng 12, ông Lê Nguyễn Minh Quang, trưởng ban quản trị hỏa xa đô thị Sài Gòn, là cấp trên của ông Cương đã có đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, đơn của ông Quang chưa được nhà cầm quyền CSVN tại Sài Gòn chấp thuận, nên ông Quang vẫn đang làm việc.
Ban quản trị hỏa xa đô thị Sài Gòn được thành lập vào ngày 13 tháng 9 năm 2007, thuộc ủy ban thành phố của CSVN tại Sài Gòn, với chức năng là chủ đầu tư các dự án hỏa xa  đô thị thành phố. Sau 6 năm thi công, tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên mới hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc vì luôn trong tình trạng đói vốn.
Liên quan đến dự án này, đại sứ Umeda Kunio của Nhật Bản đã gửi văn bản đến chính phủ CSVN, yêu cầu trả nợ số tiền hơn 100 triệu Mỹ Kim cho các nhà thầu Nhật đã đầu tư vào công trình này. Trước sự việc trên, ủy ban nhà cầm quyền CSVN tại Sài Gòn đã ra thông báo, từ nay đến Tết 2019, cấm các cơ quan, đơn vị không được đi công tác, tham quan, học tập… ở ngoại quốc, các trường hợp đặc biệt phải do chủ tịch thành phố quyết định.

Hải quan tại Sài Gòn phải làm việc cả tuần để kiếm đủ 108,000 tỷ đồng

Hải quan tại Sài Gòn phải làm việc cả tuần để kiếm đủ 108,000 tỷ đồng
Tin Sài Gòn, Việt Nam – Cơ quan Hải quan CSVN tại Sài Gòn buộc phải làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật trong hai tuần cuối năm 2018, để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách 108,000 tỷ đồng mà nhà cầm quyền CSVN đã đưa ra trước đó.
Báo Tuổi Trẻ ngày 22 tháng 12 năm 2018 loan tin, cơ quan Hải quan CSVN tại Sài Gòn vừa gửi công văn đến Trưởng các cơ quan Hải quan cấp thấp hơn, yêu cầu nhân viên phải làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật cũng như các ngày lễ cuối năm dương lịch. Phải bố trí đủ lực lượng, có trách nhiệm phối hợp đáp ứng yêu cầu thông quan của công ty trong những ngày nghỉ. Nỗ lực này để phấn đấu mỗi ngày thu được 610 tỷ đồng, nhằm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách 108.000 tỷ đồng.
Hải quan yêu cầu nhân viên với tinh thần làm việc “hết việc không hết giờ.” Ngoài ra, bản thân lãnh đạo cơ quan phải tổ chức gặp gỡ và làm việc với các công ty để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục thông quan.
Tính đến ngày 15 tháng 12 năm 2018, đơn vị đã thu và nộp ngân sách từ hoạt động xuất nhập cảng được 101,900 tỷ đồng, đạt 94,35% dự toán. Vì vậy, Hải quan phải làm việc hết công suất mới đạt được chỉ tiêu mà lãnh đạo CSVN đã đưa ra để ép trước đó.
Lãnh đạo các công ty cho biết, nhiều ngày nay, việc lấy hàng ở một số cảng Sài Gòn trở nên khó khăn hơn, thời gian xử lý thủ tục các lô hàng kéo dài, khiến họ phải chờ đợi mệt mỏi. Các mặt hàng nhập về chủ yếu là hàng tiêu dùng, rượu và nguyên liệu sản xuất cuối năm. Đây là một trong những nhóm hàng hải quan “nhờ cậy” để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách.
An Nhiên

Việt Nam chiếm “đỉnh cao thế giới” vì giá thịt heo đắt nhất hành tinh

Việt Nam chiếm “đỉnh cao thế giới” vì giá thịt heo đắt nhất hành tinh
Tin Sài Gòn, Việt Nam – Ông Nguyễn Xuân Dương, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn CSVN tự hào vì chiến dịch giải cứu thịt heo đã thành công đến mức vượt Trung Cộng, Thái Lan để chiếm “đỉnh cao thế giới” do giá thịt heo Việt Nam đắt đỏ nhất thế giới.
Ngày 22 tháng 12 năm 2018, báo Vietnamnet loan tin, tháng 4 năm 2017, chăn nuôi heo ở Việt Nam gần như vỡ trận do nguồn cung dư thừa, hàng trăm ngàn hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, nợ nần chồng chất. Lúc này, nhà cầm quyền CSVN phải thực hiện gỉai cứu ở quy mô quốc gia với lời kêu gọi “toàn dân ưu tiên ăn thịt lợn.” Cùng với chiến dịch giải cứu, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn CSVN yêu cầu phải giảm ngay đàn heo nhằm điều tiết cung cầu.
Đúng một năm sau, ngành hàng thịt heo đã lật ngược tình thế đầy “ngoạn mục” giá tăng lên 56,000 đồng/kg, tăng 200%. Lúc này, Bộ Nông nghiệp phải họp bàn tìm cách hãm đà tăng giá thịt xuống dưới mốc 50,000 đồng/kg.
Nhận định về quá trình trên, ông Dương nói, khi các nước gặp vấn đề thừa cung, họ mất một thời gian khá dài để vực lại ngành chăn nuôi heo. Ví như Thái Lan phải mất tới 5 năm, Trung Cộng mất 3 năm, trong khi ở Việt Nam chỉ mất đúng 1 năm. Đây là thành tựu rất lớn của ngành chăn nuôi.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn xuất cảng thịt heo sang một số nước, giá thịt heo xuất cảng cao hơn 15% so với giá thế giới. Đây được xem là điều chưa từng có, phần lớn thịt heo từ Việt Nam xuất sang Trung Cộng bằng đường tiểu ngạch, còn chưa xuất cảng được do vướng nhiều rào cản. Và giá thịt heo đắt đỏ nhất thế giới đã khiến cho lãnh đạo nhà cầm quyền CSVN tự hào vì cho rằng đây là “đỉnh cao của thế giới.”
An Nhiên 

Dân mang chiếu ra đường chặn xe chở hoá chất độc hại vào khu di tích lịch sử

Dân mang chiếu ra đường chặn xe chở hoá chất độc hại vào khu di tích lịch sử
Người dân xã Vân Sơn kéo nhau ra đường chặn xe nghi chở hóa chất độc hại - Ảnh: NLĐ
Tin Thanh Hoá, Việt Nam —  Nghi ngờ những chiếc xe container chở hoá chất độc hại vào nhà máy sản xuất, xả thải nước và không khí ra môi trường đầu độc người dân, nên nhiều gia đình đã mang chiếu và luồng ra ngoài đường chặn đoàn xe này lại.Báo Người Lao Động ngày 22 tháng 12 năm 2018 loan tin, chiều ngày 21 tháng 12, hàng chục người dân xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá đã dùng cây luồng buộc ngang đường vào nhà máy của Công ty cổ phần Cromit Nam Việt, rồi mang chiếu, bảng biển ra đường để ngăn chặn 5 xe đầu kéo chở các container lớn vào nhà máy.
Người dân yêu cầu nhà cầm quyền CSVN tại địa phương phải làm rõ xem hàng hoá trong thùng container là chất gì. Họ cho biết, nhà máy trên chưa được cấp phép hoạt động nhưng đã cho một công ty ngoại quốc thuê lại để luyện kim từ quặng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, người dân đã nghi ngờ những container chứa hoá chất, khoáng chất độc hại vào trong nhà máy để sản xuất, rồi xả thải ra môi trường sống của người dân.
Sự việc đã được người nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng không ai vào giải quyết. Trước những yêu cầu của người dân, công an huyện Triệu Sơn đã xuống cùng với công an xã phớt lờ lời đề nghị này, rồi đưa những chiếc xe trên ra khỏi hiện trường. Đồng thời, gọi hành động bảo vệ môi trường sống của người dân là “tụ tập” để bắt dân phải giải tán.
Được biết, nhà máy của công ty cổ phần Cromit Nam Việt xây dựng một trong thung lũng của dãy núi Nưa, đây là dãy núi di tích lịch sử nổi tiếng của Thanh Hoá, nơi Bà Triệu và nghĩa quân tập luyện để chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc phương Bắc.
An Nhiên 

Xưởng lọc dầu thứ hai tại Việt Nam bắt đầu sản xuất thương mại

Một góc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). (Hình: Hà Đồng)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Xưởng Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bắt đầu sản xuất thương mại sau hơn nửa năm chạy thử, góp phần giúp Việt Nam tự cung ứng được 70% nhu cầu nhiên liệu.
Công ty Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) tên chính thức của dự án Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn tại khu kinh tế cùng tên tại vùng biển huyện Tĩnh Gia chính thức bắt đầu sản xuất thương mại từ hôm 23 Tháng Mười Hai, 2018 trong một buổi lễ rầm rộ có sự tham dự của nhiều chức sắc chóp bu của chế độ.
Dự án có vốn đầu tư hơn $9 tỉ với sự góp vốn liên doanh với hai công ty Nhật, Idemitsu Kosan (35.1%) và Mitsui (4.7%), Tập đoàn dầu mỏ Kuwait (35.1%) và Việt Nam chỉ có 25.1%. Công suất của xưởng lọc dầu tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn dầu thô một năm, thỏa mãn cho khoảng 40% nhu cầu nhiên liệu xăng dầu trong nước.
Trước xưởng Lọc Nghi Sơn, xưởng lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đặt tại Dung Quất, đã bắt đầu sản xuất từ 10 năm trước, nhưng đến nay cũng vẫn gặp các khó khăn tài chính. Chế độ Hà Nội muốn rút bớt vốn, dụ được Nga để bán 49% cổ phần nhưng sau họ lại bỏ chạy vì đòi những điều kiện không được thỏa mãn.
Các sản phẩm của hai xưởng lọc Nghi Sơn và Dung Quất phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại vẫn còn phải nhập cảng nhưng giá lại thấp hơn vì nhà cầm quyền CSVN phải giảm từ từ thuế nhập khẩu theo các thỏa thuận thương mại ở khu vực. Để có thể cạnh tranh, nhà cầm quyền CSVN buộc phải trợ giá, một phần để sản phẩm nội địa có thể cạnh tranh, một phần phải cam kết với các nhà đầu tư quốc tế Nhật và Kuwait để họ chịu đổ tiền vào.
Hai năm trước, một số chuyên viên kỹ thuật và kinh tế từng cho hay các dự án lọc dầu của Việt Nam đều lỗ vốn vì các xưởng lọc đều thuộc loại nhỏ so với các xưởng lọc ở khu vực, trung đông, và những nơi khác, nên chi phí vận hành cao lại phải đội rất nhiều loại thuế, phí của nhà nước. Đó là chưa kể tới yếu tố tiến bộ kỹ thuật đã giúp các loại xe tiêu thụ ít nhiên liệu hơn nên sản xuất xăng dầu của thế giới cũng giảm xuống, giá cả xuống theo. Đây là điều Hà Nội khi lao đầu vào đầu tư sản xuất xăng dầu không ngờ tới.
Cuối năm ngoái, nhà máy Dung Quất xin nhà cầm quyền trung ương “giải cứu” vì “tình hình thị trường có nhiều bất lợi, gồm cung cầu sản phẩm dầu mỏ trên thị trường và các quy định mới của Chính phủ, lợi nhuận của nhà máy lọc sẽ giảm rất nhiều.”
Mới đầu Tháng Mười, 2018, tờ Tuổi Trẻ cho hay, không những sản phẩm của hai xưởng lọc Dung Quất và Nghi Sơn phải cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài với thuế nhập khẩu giảm dần, mà còn phải cạnh tranh với nhau nên các nhà đầu tư của hai dự án đối diện với nhiều vấn đề tiêu thụ khó khăn. Nhà cầm quyền Hà Nội phải bù lỗ bao nhiêu và trong bao lâu, không thấy đề cập. (TN)

Niềm tin mùa Giáng Sinh

(Hình minh họa: Getty Images)
 Huy Phương
Tháng Mười Hai, 1975, Sài Gòn không có cây thông, đèn ngôi sao, hang đá, không có Ông Già Noel! Gia đình miền Nam nào cũng không còn nguyên vẹn, sum họp như những mùa Đông năm trước. Khi được hỏi vì sao năm nay không có Ông Già Noel, người mẹ trả lời các con:
– Ông Già Noel đi cải tạo rồi, Ông đang lội bùn trong tại tù ở Kà Tum, Suối Máu thì cũng cuốc đất ở Long Giao, Tiên Phước!
Chẳng qua vì ông cũng là một sản phẩm của Mỹ Nguỵ, với bộ áo quần màu đỏ viền trắng, thắt lưng da đen, đội chiếc nón đỏ, cứ nhìn cái má phúng phính, mái tóc bạc dầy, với chòm râu dài trắng, mang đôi ủng cao, với cái túi quà tư hữu chất nặng những thứ đồ chơi dành cho bọn tư sản. Trông ông chẳng giống một chút hình ảnh nào với công nông, với thành phần vô sản. Hình ảnh của vô sản phải là một ông già đội nón cối, răng hô, râu lưa thưa, gầy đét, trán vồ, mắt cáo, chân đi dép lốp, cần lội suối thì cái quần cháo lòng lăn lên tận bẹn, với một cái gậy trong tay.
Những đứa trẻ đi ngủ với cái bụng đói và với nỗi buồn năm nay không có Ông Già Noel mang quà đến, cũng như bóng người cha trong gia đình bỗng dưng biến mất. Mẹ chúng ngồi bên cái lò nấu khoai luộc, mặt buồn rười rượi, đôi khi còn kéo vạt áo chấm nước mắt.
Cả một thế giới, những mơ ước sụp đổ trong một ngày. Ngoài đường, hình như người ta đi lại bất thường, phố xá đỏ rực với những lá cờ lạ, với những khuôn mặt như trên rừng mới xuống và tiếng nói không quen. Người ta không còn những chiếc áo mới, những bộ y phục màu sắc. Thế giới nhuộm một mầu đen tối thê thảm. Người ta giấu đi ý nghĩ, che chắn lời nói, và nuốt những giọt lệ vào lòng.
Trong khi bọn trẻ thấy Ông Già Noel biến mất, cùng với ánh sáng và đèn ngũ sắc lấp lánh, gian nhà đầy bóng tối với nỗi buồn và không khí lạnh lẽo, thì người lớn hụt hẫng bởi điều vô lý của cuộc đời, không lẽ kẻ gian tà lại được ân phước, trong khi người ngay thẳng lại bị oan khiên. Vinh danh Thiên Chúa trên Trời không biết có còn không, nhưng bình an dưới thế quả là một điều không còn hiện hữu!
Năm nay những đứa trẻ không còn giấc mơ mùa Giáng Sinh, không có hình ảnh Ông Già Noel trong trí tưởng, nhưng những người lớn lạc lõng giữa một cuộc đời xáo trộn, đổ vỡ không bao giờ nghĩ đến.
Mùa Giáng Sinh lại về, ví thử trên thế giới này, không có Ông Già Noel hay Ông Già Noel đã chết, thì niềm vui của trẻ thơ cũng chết theo, niềm vui chết thì niềm tin cũng không còn, và con người vắng niềm tin thì cũng như con người đã chết!
“Ông già Noel có thật không?” Câu hỏi này đã khiến không biết bao nhiêu đứa trẻ trên thế giới này thắc mắc. Tờ The Sun ở thành phố New York, ấn hành cách đây hơn 100 năm (1897), đã có một bài báo nổi tiếng với tựa đề “Có ông già Noel không?”
Năm ấy, một cô bé tên là Virginia O’Hanlon đã viết thư cho tòa soạn The Sun để hỏi rằng ông già Noel có thật hay không. Biên tập viên Francis Church, một phóng viên chiến trường thời Nội chiến Mỹ – người đã chứng kiến trong thời đại ấy nhiều người đã mất niềm tin và cả hy vọng, đã trả lời câu hỏi này:
“Virginia, các bạn của em đã sai rồi. Họ đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hoài nghi trong một thời đại hoài nghi. Họ không tin nếu họ không tự nhìn thấy. Họ nghĩ rằng những thứ mà tâm hồn hạn hẹp của họ không tiếp nhận được, thì nó không thể tồn tại… Ông già Noel là có thật, Virginia ạ! Ông tồn tại hiển nhiên như là tình yêu, sự rộng lượng và sự thành tâm…”
Không ai cho rằng nói dối là điều tốt, nhưng có những lời nói dối không hề hại ai và nhiều sự thật cũng không nhất thiết phải nói ra, đặc biệt là với thế giới của trẻ em. Những đứa trẻ luôn tin tưởng vào những phép mầu  nhiệm mà những người lớn như chúng ta không hề có. Trẻ em tin rằng nếu chúng ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ, biết làm điều tốt thì sẽ nhận được món quà từ ông già Noel. Thế giới ngày nay xẩy ra bao nhiêu điều lừa lọc, gian trá vì con người không tin vào sự trừng phạt hay khen thưởng của một đấng vô hình không nhìn thấy!
Sao chúng ta nỡ bóp chết niềm tim trong trái tim non nớt của trẻ thơ. Cách đây không lâu báo chí đưa tin, một cô giáo ở New Jersey (Mỹ) đã nói với một nhóm học sinh lớp 1 của cô rằng ông già Noel không có thật. Trẻ em trong lớp học này trở về nhà với gương mặt ủ rũ thất vọng, vì Ông Già Noel sẽ không còn để đi phát quà cho các em vào đêm Giáng Sinh năm nay. Ngay sau đó, hiệu trưởng trường tiểu học Montville đã gửi thư xin lỗi phụ huynh vì hành động thiếu suy nghĩ của nữ giáo viên này. Cô giáo đã được cho nghỉ việc, và có lẽ nên đi tìm một nghề khác.
Một bà mẹ ở Anh Quốc cũng đã nổi giận thật sự khi nhà trường nói với học sinh “Làm gì có Ông Già Noel!” Bà cho rằng, bà có quyền giữ cho con bà có niềm tin là Ông Già Noel có thật, vì đó là lựa chọn của bà, và không ai có quyền tước bỏ niềm tin đó!
Khi chúng ta ở tuổi thơ ấu, chúng ta tin rằng có Ông Già Noel. Khi trưởng thành chúng ta hiểu biết nhiều hơn, nhưng chúng ta vẫn nói với những đứa bé rằng Ông Già Noel là có thật, như thời thơ ấu chúng ta đã nghĩ như vậy!
Cuộc đời sẽ đi đến chỗ trần trụi, thô ráp và vô vọng khi chúng ta không có niềm tin. Không có niềm tin thì chúng ta sống bằng gì hở bạn? (Huy Phương)