Kính thưa quý vị,
Sau những hù dọa sẽ trả đủa nếu phía Mỹ tăng cường hoạt động quân sự trên biển Đông mà không đi đến đâu, thì trong ngày 10 Thảng 3 có tin ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị đưa ra lời tuyên bố mang tính cách hòa hoãn là: "Trung Quốc đang “nghiên cứu cơ chế hợp tác tại Biển Ðông và sẽ sớm giới thiệu chi tiết về cơ chế này".. Sau quá trình "quân sự hóa Biển Đông" bất chấp mọi cam kết với những quốc gia liên hệ thì nay Trung cộng lại nói về "cơ chế hợp tác". Mà dẫu cho cơ chế kia nếu được thành hình thì ông Lý Minh Giang (Li Mingjiang) một giảng viên tại Trường Nghiên cứu Quốc Tế S. Rajaratnam (RSiS) ở Tân Gia Ba đã có nhận định: Cơ chế mà Trung Quốc đang “nghiên cứu” và sắp giới thiệu sẽ chỉ xoay quanh việc hợp tác để bảo vệ môi trường chứ không nhằm hợp tác để giải quyết vấn đề cốt lõi là chủ quyền tại Biển Ðông.Như thế là thế nào? Vấn đề chính là ở đâu? Nghĩa là hợp tác giải quyết căng thẳng trên Biển Đông hay hợp tác để cải thiện môi trường bị suy thoái, hủy hoại? Bình Luận Đầu Tuần chúng tôi hôm nay tìm hiểu vấn nạn nầy.
Chúng ta đề cập "Cơ chế hợp tác" sẽ có ấy đối với vụ việc trên Biển Đông trước. Cơ chế nầy được đưa ra sau những vụ các chiến hạm USS Lassen đi vào vùng Hoàng Sa (10/2015); Curtis Wilbur vào vùng đảo Tri Tôn (1/31/16), và gần đây là hải đội tác chiến bao gồm Hàng Không Mẫu Hạm USS Stennis cùng 4 chiến hạm hộ tống đi vào khu vực Trường Sa, bắc của Phi Luật Tân. Đối ứng lại, tàu chiến Trung cộng chỉ bám sát, theo dõi. Và những phản kháng từ cơ quan truyền thông nhà nước Bắc Kinh chứ không có thái độ, hành động nào khác. Đề nghị cơ chế cũng chỉ được giới thiệu đến sau khi các ngoại trưởng ASEAN bao gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Ðài Loan, gần đây có thêm Nam Dương lần đầu tiên đã ra một tuyên bố chung nhấn mạnh các hoạt động của Trung cộng tại Biển Ðông đang xói mòn niềm tin, khiến căng thẳng gia tăng, có thể phá hoại hòa bình, sự ổn định trong khu vực. Tổng hợp hai sự kiện quân sự và chính trị vừa kể đã cho Bắc Kinh thấy làm cứng không xong, nay là lúc phải tỏ vẻ hòa hoãn với đề nghị đưa ra một "cơ chế hợp tác".
Trước tiên, có thể đánh giá rằng "Cơ chế hợp tác" nầy không có giá trị khả thi. Vì báo South China Morning Post đã có nhận định là Trung cộng sẽ giới thiệu cơ chế “hợp tác tại Biển Ðông” ở buổi lễ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và ASEAN, để làm ra vẻ có ý muốn "hợp tác". Nhưng thật ra chỉ "hợp tác" để "hợp pháp hóa" phần đã lấn chiếm trên Biển Đông từ sự kiện đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH, 1974; một phần Trường Sa Hoàng Sa, 1988; của Phi Luật Tân (2013). Nói một cách khác là "hợp thức hóa" 80 % lãnh hải, biển đảo trên Biển Đông, nằm trong phạm vi của phần lưỡi bò 9 đoạn tự quy định của Bắc Kinh.
Ngoài ra, nếu như phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye có lợi cho yêu cầu của Phi Luật Tân, có nghĩa yêu sách vùng 9 đoạn là vi phạm Công Ứớc Quốc Tế về luật biển, thì lúc ấy Bắc Kinh có thể rút ra khỏi Công Ước Quốc Tế Luật Biển năm 1982, để khỏi bị ràng buộc bởi những điều khoản của công ước nầy. Tóm lại sáng kiến đề nghị của Vương Nghị cũng chỉ là một đòn thử, nhằm đề phòng cho Bắc Kinh mọi hướng tiến tới hoặc tháo lui.
Nhưng già sử đề nghị của Vương Nghị được đưa ra trước diễn đàn ASEAN thì điều gì sẽ xẩy ra? Chúng ta cần trở lại nhận định của giảng viên Lý Minh Giang (Li Mingjiang). Vị giáo sư nầy đánh giá: Cơ chế mà Trung Quốc đang “nghiên cứu” và sắp giới thiệu sẽ chỉ xoay quanh việc hợp tác để bảo vệ môi trường, chứ không nhằm hợp tác để giải quyết vấn đề cốt lõi là chủ quyền tại Biển Ðông.
Cùng với môi trường Biển Đông, nơi vùng Đông Nam Á lưu vực sông Mê Kông, cuối giòng Cửu Long lại đang trong tình trạng báo động: Chuỗi đập thủy điện bậc thềm vùng Vân Nam, Trung Hoa với khoảng 14 con đập khổng lồ, cốt để thực hiện dã tâm lớn nhất của Trung cộng là KHỐNG CHẾ NGUỒN NƯỚC VĨ ĐẠI của Châu Á phát xuất từ cao nguyên Tây Tạng (Tibet). Chuỗi đập tiếp gây tác hại ở phía hạ nguồn chảy qua Miến Địện, Lào,Thái, Campuchia và cuối cùng với Việt Nam trong tất cả các lãnh vực, chứ không chỉ gây nguồn nước bị nhiễm mặn mà thôi. Đáng sợ nhất là tác hại về mặt MÔI SINH, do làm thay đổi - đúng ra phải nói làm đảo lộn- môi trường sống của vạn vật, từ thảo mộc đất đá, đến các loài động vật trên bờ cho đến thủy sản dưới nước!
Nhà nước Bắc Kinh không chỉ giới hạn trực tiếp gây nên tai hoạ đối với 60 triệu dân sinh sống hai bên bờ Mê Kông- bao gồm 20 triệu dân Việt nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long- mà còn tài trợ tiếp tay cho Lào xây dựng các đập khổng lồ Xarabury, Don Sahong ở Trung Lào. Chuyên viên Tom Fawthrop đã chỉ ra mưu định ác độc của người Hoa là: Các đập nầy xét trong nhiều lãnh vực không có giá trị kinh tế. Thay vì giúp Lào thịnh vượng, nó chỉ làm nền kinh tế mong manh của xứ sở nầy rơi vào suy kiệt, mang công mắc nợ nặng nề vì công tác xây dựng được sự cố vấn tồi tệ (của Trung cộng). Nhưng không phải Lào mang họa một mình. Campuchia sau ngàn năm lập quốc, năm vừa qua không có mùa nước nổi, vì Biển Hồ khô cạn. Và Việt Nam, nơi tai họa dần hiện thực không lường, do hạn hán và nhiễm mặm Đồng Bằng Sông Cửu Long. Với người nông dân miền Đồng Bằng Sông Cửu Long đồng ruộng phì nhiêu và những con sông hiền hòa đầy tôm cá chính là sức mạnh kinh tế, đời sống xã hội, văn hóa từ trăm năm qua. Khi các con sông ngày càng trở nên khô khốc, tôm cá ngày càng ít đi, tức là người dân miền Tây mất đi hai nguồn lực chính yếu để tồn tại và phát triển. Đó là hạt lúa và tôm cá.
Trong tương lai rất gần, Việt Nam chắc chắc sẽ không còn là một nước xuất khẩu gạo đứng nhất, nhì thế giới nếu như Trung cộng tiếp tục hoành hành, giày xéo Việt Nam bằng nhiều cách như đã và đang thực hiện.
Nhưng người cộng sản cầm quyền nơi Hà Nội không thể nói một lời phản kháng, thành phần cán bộ điều hành Ủy Ban Sông Mê Kôngnơi đường Hàng Tre Hà Nội có thể không hề biết Sông Cửu Long như thế nào, đang dần cạn kiệt ra sao? Trong trường hợp nầy, chỉ càng cay đắng để nhắc lại cuốn "Cửu Long Cạn Giòng-Biển Đông Dậy Sóng" của Nhà Văn Ngô Thế Vinh đã khẩn thiết viết ra từ mấy mươi năm trước mà chẳng mấy ai nghe! Uát hận thay và đau đớn thay.
03/15/2016 - 17:39Phan Nhật Nam / SBTN