Thursday, May 25, 2017

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Tàu rỉ sét là do trách nhiệm của dân

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Tàu rỉ sét là do trách nhiệm của dân
Mặt boong tàu vỏ thép của ngư dân bị rỉ sét nặng khi vừa đưa vào hoạt động. (Ảnh: Dân Trí)
Một câu tuyên bố thuộc loại “đỉnh cao trí tuệ” của thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn CSVN Vũ Văn Tám đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong giới nông dân, ngư dân và giới trí thức Việt Nam.
Sự việc liên quan đến nhiều tàu vỏ thép vừa đóng, khi đem vào xử dụng không lâu thì đã bị rỉ sét, hư hỏng tại tỉnh Phú Yên và Bình Định. Sau khi bị báo chí đưa tin, ông Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã xuống địa phương kiểm tra, và tuyên bố rằng trách nhiệm giám sát tàu trong khi đóng thuộc về người dân, chứ không phải thuộc về cơ sở đóng tàu!
“Đây là trách nhiệm chung, trong đó có trách nhiệm của ngư dân là chủ tàu. Bởi ngư dân chính là chủ khoản nợ vay của ngân hàng để đóng tàu nên phải là bên giám sát chính. Nếu chủ tàu giao hết trách nhiệm giám sát cho cơ sở đóng tàu là sai, là thiếu trách nhiệm”. – ông Vũ Văn Tám tuyên bố.
Theo thông tin trên tờ báo Dân Trí ngày 24/05, ngư phủ Nguyễn Văn Mạnh, bảo rằng cơ sở đóng tàu đã không đóng theo thiết kế đã quy định. Chẳng hạn, thiết kế dùng thép Nam Hàn để đóng, nhưng công ty lại dùng thép Trung Cộng, cho nên mới gây ra tình trạng rỉ sét nhanh chóng khi vừa mới hạ thủy.
Nhiều ý kiến  trên tờ Dân Trí đã phê bình ông Vũ Văn Tám rất nặng nề về cách lý luận của ông. Họ mỉa mai rằng chính quyền cần phải đưa các ngư phủ qua một lớp đào tạo về kiến thức kim loại, rồi sau đó qua một lớp kiểm tra kim loại bằng quang phổ, hóa học, kim tương thì mới có thể giám sát quá trình đóng tàu.
Một độc giả đặt câu hỏi: “Dân giám sát bằng cách nào? Dân tiếp tục đi thuê một nhà máy đóng tàu khác giám sát thay mình hay sao?” 
“Nếu ngư phủ qua được các lớp này rồi, thì họ chẳng cần làm nghề cá, mà có khi thay luôn cái chức vụ của ông Vũ Văn Tám.” – một độc giả khác bình luận.
Tường Thắng / SBTN

Dẫu là 5.000 tỉ thì trách nhiệm vẫn bằng 0

Một trong những nhà máy của DQS. Sau khi ngốn thêm 5.000 tỉ của PVN vẫn hoang vắng, 1.200 công nhân không có việc làm. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM (NV) – Nếu thực hiện khuyến cáo của các chuyên gia cách nay bảy năm: Để Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) phá sản thì công quỹ của Việt Nam không mất thêm 5.000 tỉ nữa.
DQS là một trong những thành viên lớn nhất của tập đoàn Vinashin. Vinashin được giao khoảng 102.500 tỉ và sau ba năm (từ 2006 đến 2009), Vinashin làm mất khoảng 10.000 tỉ đồng. Cuối năm 2009, tài sản của Vinashin còn lại khoảng 92.500 tỉ nhưng tổng nợ lên tới 86.700 tỉ. Chỉ tính riêng năm 2009, Vinashin lỗ 5.000 tỉ.
Năm 2010, các chuyên gia đề nghị nên để Vinashin phá sản nhưng từ Đảng, Quốc hội đến chính phủ Việt Nam lúc đó khăng khăng duy trì Vinashin. Tập đoàn Vinashin được đổi tên thành Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Một số doanh nghiệp thành viên của Vinashin như DQS được tách ra, giao cho các tập đoàn nhà nước khác như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gánh vác.
Từ đó đến nay, PVN đã đổ vào DQS 5.000 tỉ nhưng DQS vẫn không hồi phục. Mới đây, Bộ Công Thương đề nghị chính phủ Việt Nam xét phương án cho Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) phá sản.
Trả lời thắc mắc của tờ Tuổi Trẻ rằng tại sao đã ngốn thêm 5.000 tỉ nữa mà DQS vẫn lụn bại, ông Lương Minh Hải, Phó Tổng giám đốc DQS, phân bua, 5.000 tỉ đó chỉ để trả nợ cho Vinashin. Nếu không trả nợ, DQS sẽ bị các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế kiện và chính phủ Việt Nam sẽ bị vạ lây (bảo lãnh cho Vinashin vay).
Ông Hải nói thêm là tính riêng hoạt động năm ngoái thì DQS có lãi nhưng nợ nần quá lớn (khoảng 6.000 tỉ) nên vẫn bị coi là lỗ nặng bởi nợ lớn, lãi nhiều. Theo ông Hải thì ngoài giải pháp cho phá sản, còn tới hai giải pháp khác dành cho DQS là Trước hết tôi cần phải nói rõ, phá sản chỉ là một trong ba đề xuất lên Chính phủ chứ không phải là rao bán hoặc tái cơ cấu – hỗ trợ giãn nợ (tạm ngưng đòi nợ, tính lãi).
Đối với chuyện rao bán, DQS đã tiếp xúc với một số khách hàng ở Hoa Kỳ, Nhật, Nam Hàn. Còn quyết định tái cơ cấu thì chính quyền Việt Nam phải tiếp tục hỗ trợ về tài chính.
Cần lưu ý là DQS đã mất sạch vốn. Tài sản mà chính quyền Việt Nam giao cho không những không còn đồng nào mà còn âm 1.600 tỉ đồng.
Ông Hải bảo rằng, nếu cho DQS phá sản, chính quyền Việt Nam sẽ thu lại được những khoản thuế mà DQS còn nợ. Sau đó mới tới phần của các chủ nợ!
Những cá nhân khăng khăng duy trì Vinashin và tiếp tục tạo thêm những thất thoát khổng lồ như ông Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch Quốc hội), ông Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng) đều đã nghỉ hưu. Riêng ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư) thì vẫn còn tại chức, vẫn đang chỉ đạo công cuộc chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng và tìm “cơ sở lý luận” để củng cố “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhờ “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, Vinashin – một Tổng công ty (1996) được nâng lên thành tập đoàn nhà nước (2006), cùng với những tập đoàn nhà nước khác hút kiệt các nguồn lực của quốc gia để làm “trụ cột cho nền kinh tế”. (G.Đ)