Thursday, June 23, 2016

Đáp trả Trung Quốc, Châu Âu kêu gọi tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông

THỤY MY-05:00 24/06/2016
 BizLIVE - Các nước phải được "tự do lưu thông tại Biển Đông". Ủy ban Châu Âu hôm 22/06/2016 đưa ra cảnh báo ngoại giao đầu tiên với Bắc Kinh, sau vụ máy bay Trung Quốc ngăn chận một phi cơ quân sự Mỹ trên không phận Biển Đông tháng trước.

Đáp trả Trung Quốc, Châu Âu kêu gọi tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông
Tàu hải quân Mỹ ở Biển Đông
Các nước phải được "tự do lưu thông tại Biển Đông". Ủy ban Châu Âu hôm 22/06/2016 đưa ra cảnh báo ngoại giao đầu tiên với Bắc Kinh, sau vụ máy bay Trung Quốc ngăn chận một phi cơ quân sự Mỹ trên không phận Biển Đông tháng trước, RFI đưa tin.
Thông cáo phát hành ngày hôm qua của Ủy Ban Châu Âu ghi rõ: "Khối lượng lớn hàng hóa thương mại đường biển qua vùng này cho thấy tự do hàng hải và hàng không là điều quan trọng hàng đầu đối với EU. Liên Hiệp Châu Âu cần cổ vũ Trung Quốc đóng góp vào sự ổn định của khu vực…và ủng hộ trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp".
Ủy ban Châu Âu tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh, đối tác thương mại chủ yếu của Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhưng cảnh báo trong một văn bản mới về chính sách, là Châu Âu "phản đối các hành động đơn phương có thể phương hại đến nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng". Đây là dấu hiệu cho thấy sự quan ngại của Châu Âu trước việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.
Dự thảo chính sách đối với Trung Quốc trong năm năm tới của Ủy ban Châu Âu viết: "EU muốn rằng tự do hàng hải và hàng không được tôn trọng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông". Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải thông qua dự thảo này.
Trong khi đó, Washington thúc giục Brussels lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông. Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc có hành vi cưỡng chiếm tuyến đường hàng hải huyết mạch ở Biển Đông.
Tòa án trọng tài thường trực La Haye sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về "đường 9 đoạn" do Bắc Kinh tự vẽ ra, dù Trung Quốc từ chối tham dự và nói rằng tòa án Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền xét xử.
Tháng trước, hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay chặn một phi cơ trinh sát quân sự Mỹ trên Biển Đông, yêu cầu Washington chấm dứt giám sát gần Trung Quốc. Vụ này xảy ra một tuần sau khi khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS William P.Laurence đi vào vùng 12 hải lý xung quanh đá Chữ Thập mà Bắc Kinh đang ra sức đào đắp.
Dù cẩn trọng trong từ ngữ, Liên Hiệp Châu Âu ngày càng quan ngại trước tình trạng căng thẳng hiện nay, và bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian trong tháng 6/2016 đã kêu gọi Châu Âu tiến hành các cuộc tuần tra "thường xuyên và công khai" tại Biển Đông.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc “chiêu” dùng tàu cá trong tranh chấp lãnh hải

CÔNG MINH 06:00 24/06/2016 
BizLIVE - Hôm 22/06/2016, một quan chức cao cấp của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo việc Trung Quốc đang dùng các đội tàu cá có quân đội hộ tống cho mục đích tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc “chiêu” dùng tàu cá trong tranh chấp lãnh hải
Tàu chiến Indonesia KRI Imam Bonjol (T) kiểm soát một tầu đánh cá Trung Quốc trong vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia - Ảnh: Handout/Indonesian Navy/ via REUTER.
Hôm 22/06/2016, một quan chức cao cấp của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo việc Trung Quốc đang dùng các đội tàu cá có quân đội hộ tống cho mục đích tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Theo quan chức này, hành vi của Trung Quốc gây quan ngại, RFI đưa tin.
Bình luận của phía Hoa Kỳ được đưa ra sau khi các tàu chiến của Indonesia bắn cảnh cáo và bắt giữ một tàu cá mang cờ Trung Quốc và một số thủy thủ gần quần đảo Natuna ở Biển Đông tuần trước. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh với hành động của Jakarta.
Quan chức giấu tên của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng việc dùng tàu cá có quân đội hộ tống cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tầm hoạt động theo hướng khiêu khích và gây mất ổn định.
Không giống như các nước khác trong khu vực, về  nguyên tắc, Indonesia khẳng định không có yêu sách chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc trên Biển Đông không có những tranh chấp chồng lấn với Trung Quốc liên quan đến các đảo nhỏ và bãi đá ngầm. Tuy nhiên, khi đòi quyền đánh cá gần quần đảo Natuna, dường như Bắc Kinh đang nhắm tới việc tạo ra một khu vực chồng lấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta.
Kể từ năm 2014, Jakarta đã mạnh tay với việc đánh cá trái phép. Từ đó, xảy ra nhiều va chạm giữa Trung Quốc và Indonesia. Theo chỉ huy Hạm đội phía Tây của Indonesia, Bắc Kinh đã thay đổi cấu trúc và trang bị của các tàu cá. Việc đưa tàu cá ngụy trang đến vùng biển Natuna là một mưu mẹo của Trung Quốc để tạo ra tranh chấp.
Hồi tháng Ba vừa qua, tuần duyên Trung Quốc đã giải cứu một tàu cá nước này bị bắt giữ gần quần đảo Natuna.

Trung Quốc sẽ không thay đổi những hành động tại Biển Đông

Việt Hà, phóng viên RFA 2016-06-23  
000_Par7929832.jpg
 Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Lý Triệu Tinh (giữa) chụp tại Paris vào ngày 14/7/2014.  AFP photo
Vài tuần trước khi Tòa Trọng tài Quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, một cựu quan chức ngoại giao của Trung Quốc mới đây lên tiếng khẳng định lập trường của Trung Quốc là không chấp nhận phán quyết của tòa và lên án Philippines đã không công bằng.
Phát biểu tại Hội châu Á (Asia Society) tại New York vào sáng ngày 23 tháng 6, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Ngoại giao công của Trung Quốc, ông Lý Triệu Tinh nói rằng phát quyết sắp tới của tòa trọng tài quốc tế về chủ quyền ở biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc sẽ không làm thay đổi những đòi hỏi và hành động của Trung Quốc trong khu vực. Ông cũng gọi hành động đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế của Philippines là sai luật và không công bằng:
Thật đáng tiếc, trong những năm gần đây, một số nước không thuộc trong khu vực đã cho thấy những quan tâm quá mức vào vấn đề này….
- Ông Lý Triệu Tinh 
Chúng tôi sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa sẽ không có bất cứ đòi hỏi chủ quyền hay hành động nào sẽ bị ảnh hưởng bởi phán quyết này. Lập trường này của Trung Quốc hoàn toàn tuân thủ với luật quốc tế bao gồm cả UNCLOS.
Hồi năm 2013, căn cứ theo Công ước về luật biển của Liên hiệp quốc năm 1982 (UNCLOS), Philippines đã nộp đơn lên tòa trọng tài quốc tế yêu cầu tòa phán quyết về những giải thích liên quan đến đòi hỏi chủ quyền ở biên Đông của Trung Quốc, nước hiện vẫn khẳng định đến 90% diện tích biển Đông bao gồm các đảo và bãi đá là thuộc chủ quyền của nước này theo lịch sử. Dự kiến, tòa trọng tài quốc tế ở the Hague sẽ đưa ra phán quyết trong vài tuần tới.
Trung Quốc đã tham gia vào UNCLOS nhưng ngay từ đầu đã tuyên bố không tham dự phiên tòa vì từ năm 2006, Trung Quốc đã chọn không chịu những phán quyết của tòa quốc tế theo UNCLOS.
Lên án Mỹ
Trong bài phát biểu dài khoảng 12 phút trước đông đảo cử tọa là các nhà báo, các nhà ngoại giao và chuyên gia quốc tế, ông Lý Triệu Tinh khẳng định Trung Quốc có chủ quyền lịch sử với khu vực biển Đông, bao gồm các đảo và bãi đá. Ông cũng khẳng định Trung Quốc là nước luôn yêu chuộng hòa bình và vấn đề biển Đông chỉ trở thành điểm nóng vào khoảng những năm 1970 khi phát hiện những trữ lượng dầu lớn ở đây khiến các nước như Việt Nam, Philippines đổ quân vào chiếm đóng các đảo. Ông Lý nói, Trung Quốc đã trở thành nạn nhân lớn nhất ở biển Đông.
Biển Đông chỉ trở thành vấn đề vào những năm 60 và 70 khi những mỏ dầu trữ lượng lớn được tìm thấy ở Trường Sa. Sau đó UNCLOS có quy định về vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế…. sau đó Việt Nam và Philippines đã có những đòi hỏi về chủ quyền với các đảo ở Trường SA và vùng nước xung quanh. Họ còn gửi quân đội đến chiếm các đảo, cho xây lấp đảo, triển khai vũ khí và xây dựng những cơ sở dân sự… ở khía cạnh này, Trung Quốc đã trở thành nạn nhân lớn nhất của vấn đề biển Đông.
Nhà ngoại giao Trung Quốc khẳng định Trung Quốc theo đuổi đàm phán hòa bình với các nước có liên quan, nhưng vụ kiện của Philippines là một hành động vi phạm cam kết giữa hai nước.
Ông Lý cũng không quên lên án Mỹ đã đưa quân đội, tàu chiến và máy bay đến khu vực biển Đông, dù ông không nêu tên trực tiếp:
Thật đáng tiếc, trong những năm gần đây, một số nước không thuộc trong khu vực đã cho thấy những quan tâm quá mức vào vấn đề này….
Ông Lý Triệu Tinh nói một số quan chức cho rằng vấn đề tự do hàng hải và an ninh khu vực đang bị đe dọa nhưng thực chất thì hoàn toàn khác:
000_BW4UM.jpg-400.jpg
Hình ảnh biển Đông trên một quả địa cầu bày bán tại một hiệu sách ở Bắc Kinh vào ngày 15 tháng 6 năm 2016. AFP photo
Sự thực là biển Đông đã hoàn toàn yên bình và ổn định trong nhiều thập kỷ qua. Đã không có những xung đột hay đe dọa về tự do hàng hải và vùng biển này thực chất còn hòa bình hơn nhiều vùng khác trên thế giới. Cho nên cái gọi là đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông chỉ là cái cớ để một số nước khác không trong khu vực cố gắng sử dụng để can thiệp vào vấn đề. Điều này không hợp lý và không có tính xây dựng.
Bắt đầu từ năm ngoái, Hoa Kỳ đã thực hiện chiến dịch tự do hàng  hải ở biển Đông khi cho các tàu chiến của mình đi gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho xây dựng ở khu vực tranh chấp. Mới đây, Hoa Kỳ cũng gửi 2 hàng không mẫu hạm cùng quân đội đến tham gia huấn luyện cùng quân đội của Philippine, đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á.
Kể công với VN
Trong bài phát biểu của mình, ông Lý Triệu Tinh luôn khẳng định Trung Quốc là nước yêu chuộng hòa bình, tuân thủ các điều luật của Liên hiệp quốc và vì vậy các nước khác không cần phải lo sợ về vấn đề biển Đông. Ông nhấn mạnh đây vẫn là đương giao thương lớn nhất có hòa bình trên thế giới.
Trả lời câu hỏi về những hành động tiếp theo mà Trung Quốc sẽ thực hiện nếu phán quyết của tòa đưa ra có lợi cho Philippines, ông Lý Triệu Tinh nói:
Dựa trên kinh nghiệm ngoại giao của tôi thì chúng ta nên đợi kết quả chứ không nên dựa vào giả thuyết. Tôi nghĩ, lập trường của chúng tôi là rõ ràng. Vụ kiện ra tòa của Philippines là không đúng luật và bất hợp lý. Bất luận kết quả là gì, phán quyết là gì, Trung Quốc là một nước đồng sáng lập ra Liên Hiệp Quốc, là nước ký hiệp ước 1945 San Francisco của Liên Hiệp Quốc, thành viên của UNCLOS, chúng tôi có tất cả mọi lý do để khước từ phán quyết và công lý đứng về phía chúng tôi.
Ông Lý Triệu Tinh cũng không trả lời trực tiếp vào câu hỏi liệu Trung Quốc có gây chiến tranh để bảo vệ quyền lợi cốt lõi của mình ở biển Đông hay không. Thay vào đó ông lên án các nhà báo là không công bằng với Trung Quốc vì Trung Quốc luôn là nước yêu chuộng hòa bình và là nạn nhân của chiến tranh. Trả lời phóng viên hỏi câu hỏi này, ông Lý Triệu Tinh nói:
Trung Quốc đã giúp đỡ nước láng giềng Việt Nam. Tôi đã thăm Việt Nam nhiều lần. Trước 1975, khi nước ông (VN) bị xâm lược, ông có biết bao nhiêu người lính Trung Quốc đã hy sinh để bảo vệ các ông không?
- Ông Lý Triệu Tinh 
Trung Quốc đã luôn là mục tiêu của một số nhà báo, những người không tôn trọng công lý. Tôi không muốn thấy ông là một trong những nhà báo đó, những người áp đặt bất công lên người Trung Quốc yêu chuộng hòa bình.
Khi được một nhà ngoại giao Việt Nam tại New York hỏi về cam kết của Trung Quốc đối với hòa bình trong khu vực và đảm bảo mọi bên đều thắng trong vấn đề hợp tác ở biển Đông, ông Lý Triệu Tinh đã kể lể về những sự giúp đỡ mà Trung Quốc làm đối với Việt Nam trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam trước năm 1975:
Trung Quốc đã giúp đỡ nước láng giềng Việt Nam. Tôi đã thăm Việt Nam nhiều lần. Trước 1975, khi nước ông (VN) bị xâm lược, ông có biết bao nhiêu người lính Trung Quốc đã hy sinh để bảo vệ các ông không? Khổng Tử nói là người ta không nên quên mình đến từ đâu, ngay cả khi anh đã mạnh hơn thì anh cũng không nên quên người bạn cũ đã giúp đỡ mình.
Nhà cựu Ngoại giao Trung Quốc kết thúc phần thảo luận về vấn đề biển Đông với khẳng định hòa bình có thể được duy trì ở biển Đông với cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa ASEAN và Trung QUốc. Ông cũng không quên nhấn mạnh điều này cũng phải đi kèm với điều kiện không có sự can thiệp của nước ngoài.

Hoà giải giữa Việt Nam và Mỹ

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang (phải) và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (trái) phát biểu trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2016.
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang (phải) và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (trái) phát biểu trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2016.

Nguyễn Hưng Quốc
Theo VOA-23.06.2016
Lâu nay, nói đến chuyện hoà giải, chúng ta chỉ hay giới hạn trong quan hệ giữa người Việt với nhau, chủ yếu là giữa người Việt ở miền Nam và người Việt ở miền Bắc, sau đó, giữa chính quyền Việt Nam và cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Trên thực tế, nội hàm khái niệm hoà giải rất rộng, không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn ở tầm quốc tế, ở đó, sự hoà giải giữa người Việt và người Mỹ là then chốt.
Trước hết, cần nhắc lại một số điểm: Một, mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với độc lập và chủ quyền của Việt Nam hiện nay đến từ những tham vọng bành trướng lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc. Hai, đối diện với sự đe doạ ấy, Việt Nam chỉ có một cách duy nhất để tự vệ là tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc tế, trong đó, quan trọng nhất là Mỹ. Ba, trong quan hệ với Mỹ, điều trở ngại lớn nhất chính là quá khứ, là cuộc chiến tranh kéo dài giữa hai nước trước đây. Bởi vậy, có thể nói, công việc cần làm đầu tiên của hai nước là nỗ lực hoà giải.
Sự hoà giải ấy cực kỳ quan trọng bởi vì di sản của cuộc chiến tranh Việt Nam rất nặng nề.
Về phía Mỹ, đó là cuộc chiến tranh ở nước ngoài dài thứ hai của họ (sau cuộc chiến tranh tại Afghanistan hiện nay); đó cũng là một cuộc chiến tranh chia rẽ nước Mỹ một cách sâu sắc nhất. Ngoài 58.000 lính Mỹ bị hy sinh, những chấn thương tâm lý ở những người lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam vẫn còn kéo dài rất lâu. Nhiều người vượt qua các chấn thương ấy để hoà giải với Việt Nam, nhưng cũng không ít người vẫn tiếp tục nhìn Việt Nam bằng cặp mắt đầy hận thù và nghi kỵ: chính những người đó là lực lượng chống đối mạnh mẽ nhất đối với mọi nỗ lực hoà giải của chính quyền Mỹ.
Về phía Việt Nam, cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, từ 1954 đến 1975, cũng là một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất với trên ba triệu người, kể cả thường dân ở hai miền Nam và Bắc, bị thiệt mạng. Số lượng bom và các loại chất nổ thả xuống Việt Nam trong hai mươi năm ấy còn nhiều hơn tổng số bom mìn được sử dụng trên khắp thế giới trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cho đến tận ngày nay, hơn 40 năm sau chiến tranh, những bom mìn ấy vẫn còn là một nguy cơ. Đó là chưa kể các loại hoá chất độc hại, trong đó, đáng kể nhất là chất độc màu da cam, đến nay vẫn ảnh hưởng đến nhiều người.
Di sản nặng nề đến vậy nhưng hầu như bất cứ người sáng suốt và có tầm nhìn chiến lược nào cũng đều thấy rõ một điều: mọi người, từ cả hai phía, đều cần vượt qua quá khứ để cùng hợp tác với nhau nhằm đối phó với những thử thách nghiêm trọng trong hiện tại, trong đó, thử thách lớn nhất là những âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Với Mỹ, cũng giống như thời chiến tranh lạnh, Việt Nam lại nằm ở tuyến đầu trong chiến lược chống lại sự bành trướng ấy. Với Việt Nam, âm mưu bành trướng ấy trực tiếp đe doạ đến chủ quyền của Việt Nam trên biển và đảo, thậm chí, có thể cả trên đất liền.
Ý thức được điều đó, lâu nay Mỹ cố gắng bày tỏ nỗ lực hoà giải với Việt Nam. Cả ba tổng thống Mỹ, từ Bill Clinton đến Georges W. Bush và Barack Obama, khi đến Việt Nam, đều nhấn mạnh đến nhu cầu hoà giải để một mặt, gác bỏ những hận thù trong quá khứ; mặt khác, hướng tới tương lai với những sự hợp tác để cả hai bên cùng có lợi. Nói cách khác, Mỹ là những người chìa tay ra trước. Khi chìa tay ra như vậy, họ chấp nhận cả sự nhượng bộ. Có hai sự nhượng bộ lớn: Một là công khai nhìn nhận tính hợp pháp và chính đáng trong vị thế lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản Việt Nam, và hai là nhiều lúc nhắm mắt làm ngơ trước những hành động vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn của chính quyền Việt Nam. Biểu hiện chính của sự nhượng bộ thứ nhất không những chỉ qua các lời tuyên bố tôn trọng thể chế chính trị của nhau mà còn qua việc chính thức tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng vào giữa năm 2015. Biểu hiện của sự nhượng bộ thứ hai là Mỹ quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam ngay cả khi vấn đề nhân quyền chưa được cải thiện dù, trên nguyên tắc, nó vốn được xem là một trong những yêu sách đầu tiên của Mỹ.
Còn phía Việt Nam thì sao? Nhớ, năm 2000, sau khi Tổng thống Bill Clinton phát biểu với nội dung kêu gọi mọi người cố quên quá khứ thù nghịch giữa hai nước để cùng nhau hướng về tương lai, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phản đối ngay: Theo ông, người Việt Nam không thể và cũng không nên quên cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc đầy chính nghĩa của mình. Bill Clinton ngơ ngác. Giới bình luận chính trị quốc tế, sau đó, cho bài đáp từ của Lê Khả Phiêu là một sự vụng về, phá hỏng không khí hoà giải mà Bill Clinton muốn mang lại. Trong cuốn Bên Thắng Cuộc, Huy Đức kể lại lời của Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng, lúc chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Bill Clinton năm ấy, đại khái: Bộ Chính trị ra chỉ thị là, khi gặp Bill Clinton, ông không được cười! Trong cuộc đón tiếp Tổng thống Barrack Obama vừa rồi, không biết Bộ Chính trị có ra chỉ thị gì không nhưng mặt mày của giới lãnh đạo Việt Nam trông rất thiếu thân thiện. Có vẻ như Việt Nam còn khá miễn cưỡng trong tiến trình hoà giải với Mỹ.
Sự khác biệt trong vấn đề hoà giải thể hiện rõ nhất qua thái độ của nhiều người Việt Nam đối với việc ông Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của đại học quốc tế Fulbright Việt Nam. Về phía Mỹ, người ta xem vai trò của Kerrey, một cựu quân nhân từng tham chiến tại Việt Nam, như một bằng chứng của hoà giải. Phía Việt Nam, ít nhất là đối với một số thành phần nào đó, ngược lại, người ta từ chối cử chỉ hoà giải ấy với lý do bàn tay của Kerrey đã từng dính máu trong cuộc chiến tại Việt Nam. Điều đáng nói là cái gọi là thành phần từ chối ấy dường như không phải nhỏ. Một cách công khai, chỉ có một mình bà Tôn Nữ Thị Ninh lên tiếng. Tuy nhiên, việc bài phỏng vấn ông Đinh La Thăng, trong đó, ông ủng hộ việc Bob Kerrey, bị gỡ ra khỏi các báo, cho thấy thế lực từ chối hoà giải tại Việt Nam rất lớn, ít nhất cũng lớn hơn ông Đinh La Thăng, một uỷ viên Bộ Chính trị và là Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh.
Tại sao chính quyền Việt Nam có vẻ miễn cưỡng trong tiến trình hoà giải với Mỹ như vậy?
Thực tình, tôi không hiểu.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Chung sức thảo Bản cáo trạng: Tội ác hủy hoại môi trường của giặc bành trướng

Người dân xuống đường biểu tình vụ cá chết tại H Nội, ngày 1/5/2016.
Người dân xuống đường biểu tình vụ cá chết tại H Nội, ngày 1/5/2016.
Bùi Tín
Theo VOA-24.06.2016
Vì sao từ sau vụ cá chết trắng ven biển miền Trung, sau nhiều đợt kiểm tra tại chỗ, có nhiều chứng cứ về sự cố tình hủy hoại môi trường biển, Bộ Chính trị đến nay vẫn im lặng. Họ không mở mồm vì khó nói, khó giái thích, khó giải quyết quá! Nhưng sẽ im lặng đến bao giờ?
Lẽ ra Bộ Chính trị phải thảo ra bản cáo trạng liên quan đến vụ đầu độc môi trường ven biển Việt Nam, chỉ đích danh thủ phạm là đảng CS và Nhà nước Trung Quốc cho tòan dân, quốc hội và toàn thế giới biết. Nhưng họ không dám, không có gan làm, cho nên trí thức dân tộc cùng giới luật gia Việt Nam cần hợp sức đảm nhận trách nhiệm thảo ra Bản Cáo trạng này.
Là nhà báo theo dõi tình hình , tôi xin mạn phép tạm phác thảo ra bản nháp đầu tiên Bản Cáo trạng, tất nhiên là có nhiều thiếu sót, để quý vỵ bổ sung cho. Tôi nghĩ hàng triệu đồng bào cũng đang sốt ruột đến cùng cực như tôi.
Bản cáo trạng nên có các nội dung sau đây :
Nói trắng ra, đây là một âm mưu cực kỳ thâm độc, tàn bạo, và bất nhân, mang tính chất hủy diệt cuộc sống của cả một dân tộc bằng một hệ thống âm mưu tổng hợp:
- ở phía Tây, bao vây bằng gọng kìm tự nhiên sông Mekong với hàng chục đập lớn nhỏ, làm cho ruộng đồng hạ lưu khi thì cạn kiệt hoang hóa, khi thì lụt to, nhiễm mặn nặng, khai tử vựa lúa lớn nhất nước ngay từ mùa lúa năm nay.
- ở phía Đông, cố tình gây thảm họa môi trường biển quy mô lớn bằng các độc tố mạnh, làm cạn kiệt nguồn sống của hàng triệu ngư dân ven biển, cũng làm cạn kiệt nguồn thức ăn chủ chốt của mọi tầng lớp dân cư, khi cá là nguồn dinh dưỡng chính của toàn dân, khi muối, nước mắm là nguồn gia vị truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt.
- giải đất hẹp bị kẹp giữa hai gọng kìm trên đã bị Hán hóa dần 26 năm nay theo các kế hoạch trồng rừng suốt giải biên giới, khai thác bô xít độc hại trên Cao nguyên miền Trung, hàng loạt dự án nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, gang thép, xi măng, cầu cống, hài cảng... trải dài ra khắp nước, hiện do hàng trăm công ty lớn nhỏ người Hán trúng thầu đảm nhận, thi công kéo dài, giá thành cao, kỹ thuật cực thấp, đồng thời chúng tạo nên hàng chục tụ điểm dân cư người Hán, gồm mỗi cụm gồm vài trăm đến vài ngàn người Hoa và gia đình Hoa – Việt , cùng hàng vạn cán bộ kỹ thuật và công nhân Trung Quốc các loại, phần lớn không có giấy nhập cảnh hợp lệ.
Tất cả việc làm trên đây nhằm nhiều mục tiêu, nhiều mặt, trước mắt và lâu dài, nhằm làm suy yếu nền kinh tế - tài chính, nền nông nghiệp và công nghiệp nước ta, làm hao mòn, suy yếu và kiệt quệ sinh lực của dân tộc ta về mọi mặt: con người, cuộc sống, văn hóa xã hội, để cuối cùng phải phụ thuộc vào chúng và không có con đường nào thoát khỏi số phận bị đồng hóa với người Hán, như các dân tộc Mãn, Mông, Hồi, Tạng. Để rồi Việt Nam sẽ trở thành một vùng tự trị của Trung Quốc, hoặc một tỉnh của Trung Quốc, thậm chí một huyện của tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Châu hay tỉnh Hải Nam.
Nói tóm lại đây là một mưu đồ diệt chủng có tính tóan, có hệ thống đối với toàn dân tộc Việt Nam, đã biểu hiện rõ ràng, mà vụ xả chất độc quy mô và hàm lượng lớn trong Biển Đông của Việt Nam hai tháng nay đã phơi bày ra ánh sáng, không còn che dấu được nữa.
Vụ diệt chủng này vượt qua tất cả các cuộc khủng bố của Nhà nước Hồi giáo, mỗi cuộc gây nên hàng trăm nạn nhân, vượt quá vụ đánh sập Tháp đôi ở New York, có thể xếp ngang với cuộc diệt chủng Do Thái của bọn phát xít Hitler gây nên cái chết của hơn 6 triệu sinh mạng trong Thế chiến II.
Nhân dân Việt Nam có quyền đưa Vụ án diệt chủng này ra Liên Hiệp Quốc, ra Tòa án Quốc tế ở La Haye.
Chúng ta cũng nên mời các Luật gia Quốc tế chuyên về Tội ác và Diệt chủng tham gia cuộc điều tra và phát biểu chính kiến về vụ án lớn chưa từng có này. Chắc chắn rằng khi tìm các nguyên nhân xa và gần cũng như những kẻ tội phạm trực tiếp hay gián tiếp của vụ án, đảng CSViệt Nam sẽ có phần trách nhiệm không nhỏ của mình, và 5 khóa Bộ Chính trị, 5 khóa Ban chấp hành TƯ, 5 khóa Tổng Bí thư, từ Nguyễn Văn Linh, qua Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu đến Nông Đức Mạnh và hiện tại là Nguyễn Phú Trọng đều có trách nhiệm, đều phải bị thẩm vấn kỹ càng trước ngành tư pháp Việt Nam và quốc tế. Khi vấn đề đặt ra: ai dẫn quân giặc vào nhà? Từ đây sẽ lòi ra nội dung Mật đàm và Mật ước Thành Đô còn kín mít.
Cã xã hội Việt Nam là nhân chứng, cũng là nạn nhân, sẽ có quyết định để giải quyết theo Luật pháp Vụ án kinh hoàng này. Quân đội Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống an lành của toàn dân trong cuộc khủng hoảng chính trị. Các tổ chức Xã hội Dân sự được xây dựng trong hy sinh bị đàn áp và tù đầy có đầy đủ tư thế thay mặt cho nhân dân và xã hội đứng ra tạm nắm quyền lực trong tình thế đặc biệt hiện nay. Chúng ta có quyền đóng cửa nhà mình, đóng cửa tạm thời biên giới phía Bắc trong tình thế khẩn trương.
Rất mong tất cả những người yêu nước thương dân ở trong và ngoài nước tham gia ý kiến vào Bản Cáo trạng sơ lược này qua các phương tiện thông tin đại chúng.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

‘Tàu vũ trang Trung Quốc hộ tống tàu cá ở Biển Đông’

Các nhà nghiên cứu nói tàu cá là 'công cụ tuyệt vời' của Trung Quốc trong chính sách bành trướng ở Biển Đông.
Các nhà nghiên cứu nói tàu cá là 'công cụ tuyệt vời' của Trung Quốc trong chính sách bành trướng ở Biển Đông.

VOA Tiếng Việt
23.06.2016 
Một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ hôm qua cho biết rằng Trung Quốc đang sử dụng đội tàu cá với sự yểm trợ của tàu hộ tống vũ trang, ra khơi đánh bắt ở những vùng lãnh hải tranh chấp nhằm khẳng định chủ quyền.
Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Mỹ không muốn nêu danh tính nói rằng đây là một xu hướng “đáng ngại”.
Nhà ngoại giao này nói rằng việc các tàu tuần duyên hộ tống tàu cá cho thấy “sự vươn rộng của các lực lượng quân sự và bán quân sự” Trung Quốc, và điều đó có thể “gây hấn” và “gây bất ổn”.
Trước bước đi của Trung Quốc, ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội nghề Cá, nói với VOA Việt Ngữ rằng đó là việc Việt Nam “tất yếu phải làm”. Ông nói thêm:
“Mình không bảo vệ ngư dân thì làm sao người dân ra được. Tàu bè của Trung Quốc nói đi đâu là có hải quân Trung Quốc đi kèm. Việc đó rất khoát mình phải làm. Chỉ có nước nghèo, không có tiền, mới không làm thôi, chứ còn các nước phải làm rồi. Lực lượng hải quân, kiểm ngư phải thường xuyên có mặt chứ”.
"Mình không bảo vệ ngư dân thì làm sao người dân ra được. Tàu bè của Trung Quốc nói đi đâu là có hải quân Trung Quốc đi kèm. Việc đó rất khoát mình phải làm. Chỉ có nước nghèo, không có tiền, mới không làm thôi, chứ còn các nước phải làm rồi. Lực lượng hải quân, kiểm ngư phải thường xuyên có mặt chứ."Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội nghề Cá Việt Nam, nói.
Quan chức Mỹ trên cho biết rằng Washington hy vọng phán quyết của Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc vào ngày 7/7 về vụ kiện của Philippines về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông sẽ “buộc các quốc gia tuyên bố chủ quyền phải đàm phán” để tìm giải pháp.
Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ nói: “Vì quyền lợi của mình, Bắc Kinh không nên có bất kỳ hành động gây hấn, trái với phán quyết”.
Trong một diễn biến khác liên quan tới biển Đông, Tổng thống đắc cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte, hôm 21/6 cho biết rằng mới đây ông đã hỏi Đại sứ Mỹ tại nước ông rằng liệu Washington có hỗ trợ Philippines nếu xảy ra một cuộc đối đầu với Trung Quốc ở biển Đông hay không. Và ông Philip Goldberg đã trả lời rằng “chỉ khi nào các ngài bị tấn công”.
Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22/6 nói rằng bằng việc giải quyết hợp lý các vấn đề liên quan, Bắc Kinh và Minila “có thể đưa quan hệ song phương phát triển tốt đẹp trở lại”.
Philippines đâm đơn kiện tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Trung Quốc tại tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc năm 2013.

Ý kiến: Biển Đông và tư thế Việt Nam hiện nay

Nguyễn An Dân Gửi tới BBC từ TPHCM

 23 tháng 6 2016

Image captionPhilippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc vào 22/1/2013 trước Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines”
Mấy ngày nay, dư luận lại một lần nữa bị khuấy động về việc Philippines kiện Trung Quốc ở tòa quốc tế, và vì vụ kiện này sắp có phán quyết, mà theo dư luận đánh giá là “sẽ có lợi cho phía nguyên đơn là Philippines”.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc càng tăng cường sức ép lên chính quyền Philippines và đe dọa quân sự. Ngược lại, trong vai trò đồng minh quân sự và có hiệp ước thủ hộ Philippines, Mỹ điều thêm hàng không mẫu hạm vào Biển Đông cũng như khẳng định sẽ bảo vệ nếu Philippines “bị tấn công”.
Cần thấy là theo nhiều nhà nghiên cứu, chưa bao giờ Mỹ điều động nhiều quả đấm chiến thuật - hàng không mẫu hạm - như lần này, đến các khu vực có tranh chấp và có khả năng va chạm vũ trang.
Cùng bị ảnh hưởng bởi chính sách bành trướng của Trung Quốc như Philippines là Việt Nam, và vì là công dân Việt Nam, nên tôi chú trọng bình xét chuyện Việt Nam.

Việt Nam và ASEAN

Phán quyết của tòa quốc tế trong vụ Trung Quốc-Philippines sẽ là một bước ngoặt quan trọng với tình hình tranh chấp Biển Đông về sau nên một sự đánh giá toàn diện, tổng hợp lúc này để tất cả cùng nhìn rõ là hết sức cần thiết.
Trong bối cảnh là một nước nhỏ yếu và nội lực chưa đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền vốn có ở Hoàng Sa-Trường Sa, Việt Nam chọn lựa quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông cũng như tìm kiếm một sự đoàn kết từ ASEAN để đề kháng Trung Quốc là một việc có thể hiểu được.
Image captionTQ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông dựa trên bản đồ 'lưỡi bò'
Tuy nhiên, e rằng lựa chọn này còn thiếu tính khả thi trong bối cảnh khối ASEAN rời rạc, thiếu đồng nhất vì lợi ích riêng của từng quốc gia ở Biển Đông là khác nhau, chưa kể chính sách đối ngoại của từng quốc gia cũng khác nhau.
Sự kiện hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN vừa qua rút lại tuyên bố chung về Biển Đông vào giờ chót là một bằng chứng cho thấy nỗ lực này của Việt Nam đã không mang lại nhiều kết quả.
Vì Trung Quốc cần chiếm Biển Đông để giữ cân bằng cho việc mất kiểm soát eo biển Malacca, nên gần như chỉ có các nước ở khu vực Malacca trong khối ASEAN là có lợi ích trong việc chống bành trướng từ Trung Quốc. Đó là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore.
Các quốc gia khác như Thái Lan, Campuchia, Lào, Brunei, Myanmar hầu như không thiết tha trong việc này, vì họ hầu như chẳng bị ảnh hưởng gì nếu Trung Quốc thành công trong kế sách đường chín đoạn, nên việc họ thờ ơ và đôi khi ngả về Trung Quốc nếu được cho thêm lợi ích là điều dễ hiểu.
Họ chỉ phản ứng lại khi Trung Quốc đe dọa trực tiếp đến chủ quyền của họ, điển hình như Campuchia.
Còn lại, dĩ nhiên họ theo Trung Quốc vì lợi ích của Trung Quốc với các nước đó lớn hơn bất kỳ lợi ích nào của một nước trong ASEAN, như Việt Nam, có thể mang lại cho họ. Chúng ta đã học được nhiều bài học từ phản ứng của Thái Lan, Malaysia, Campuchia lâu nay.
Do đó, tôi tổng kết là Việt Nam chỉ có khoảng 3-4 quốc gia trong ASEAN có thể coi là đồng minh trong tranh chấp Biển Đông, còn lại thì không hi vọng gì nhiều.
Việc dựa vào ASEAN để “kháng Trung” coi như chỉ thành công được một phần ba, e rằng hơi ít.
Image copyrightREUTERS
Image captionCuộc họp các ngoại trưởng khối ASEAN đã rút lại tuyên bố chung về Biển Đông vào phút chót, hồi trung tuần tháng Sáu 2016

Việt Nam và Nga

Nga là nước có quan hệ lâu đời về lịch sử với Việt Nam từ thời kỳ Xô Viết.
Hiện nay Nga cũng là một quốc gia mà Việt Nam đang kỳ vọng có thể ủng hộ Hà Nội trong vấn đề an ninh khu vực. Chuyến đi đối ngoại đầu tiên mà tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lựa chọn là Nga cho thấy điều đó.
Tuy nhiên, tôi e rằng việc kỳ vọng vào Nga ủng hộ Việt Nam trong lúc này cũng khó khả thi. Quan hệ Nga-Trung đang được củng cố, và bằng chứng mới nhất là ngoại trưởng Nga đã có những phát ngôn “ủng hộ Trung Quốc” trong tranh chấp Biển Đông.
Chưa kể tình hình nước Nga lúc này cũng đã suy yếu, vì nội lực suy yếu, ảnh hưởng và tiếng nói của Nga lúc này trên quốc tế không còn như trước.
Đảng Cộng sản Nga không còn là đảng cầm quyền, nên quan hệ của hai đảng cộng sản Việt-Nga cũng không ảnh hưởng gì đến chính sách ngoại giao của Nga lúc này.
Thành ra dùng Nga như một đối trọng để hy vọng có thể làm giảm uy hiếp từ Trung Quốc trên Biển Đông theo tôi e rằng hiệu quả kém.
Image copyrightGETTY
Image captionGiới lãnh đạo của Nga trong những năm gần đây đã có các chuyến thăm Việt Nam

Việt Nam và Mỹ

Chuyến đi của Tổng thống Obama đến Việt Nam vừa rồi chỉ là một điều cần thiết cho việc phát triển quan hệ Mỹ -Việt, còn xa lắm nó mới có hiệu quả trong việc Mỹ “giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông”.
Về tư, Mỹ không có lợi ích cũng như cơ hội có chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, nên Mỹ không có động cơ riêng cá nhân trong việc ủng hộ một phe nào đó trong tranh chấp ở vùng biển này.
Về công, quan hệ Việt –Mỹ chưa có đủ hành lang pháp lý để hậu thuẫn quân sự bảo vệ như quan hệ Mỹ-Philippines. Mỹ là nước thượng tôn pháp trị, nếu Mỹ muốn đưa quân bảo vệ Việt Nam, giữa hai nước cần ít nhất một hiệp ước quân sự làm cơ sở pháp lý để chính phủ Mỹ hành động.
Về liên minh địa-chính trị để cùng chia lợi ích, vì Obama không nhận được 21 phát đại bác như Tập Cận Bình ở Việt Nam, nên Mỹ cũng chưa thể coi Việt Nam là quan hệ anh em như Mỹ-Israel để mà ra tay giúp.
Do đó, nếu Việt-Trung xảy ra va chạm lúc này trên Biển Đông, Mỹ chỉ có thể ngồi nhìn, và hô hào “stop, stop” là chính.
Khi đó, vì nhỏ yếu hơn, khả năng Việt Nam mất hết các khu vực còn lại ở Trường Sa là chuyện dễ thấy.
Image copyrightJIM WATSON AFP GETTY
Image captionTuy được đón tiếp nồng nhiệt tại Việt Nam, nhưng ông Obama đã không được nghênh đón với loạt 21 phát đại bác như ông Tập Cận Bình

Việt Nam và Trung Quốc

Vì Trung Quốc đã chiếm hẳn Hoàng Sa từ 1974, và nhiều đảo ở Trường Sa từ năm 1988 bất chấp tình hữu nghị giữa hai đảng cộng sản Trung –Việt, nên chúng ta cần dẹp bỏ hi vọng vì “16 vàng 4 tốt” mà Trung Quốc sẽ dừng lại trong việc lấn chiếm thêm.
Tuy nhiên, việc giữ tấm mặt nạ hữu nghị Trung-Việt để giảm sức ép nội bộ trong hai nước là cần thiết, nên Trung Quốc dù hô hào to lớn thế nào, họ vẫn sẽ hết sức tránh việc chủ động nổ súng trước khi Việt Nam nổ súng.
Và vì Việt Nam khó chủ động va chạm trước, nên tình hình vẫn sẽ như lâu nay là Trung Quốc âm thầm bành trướng chiếm lãnh hải và không phận, vốn thuộc về Việt Nam, ở Biển Đông.
Trung Quốc sẽ dùng tàu chiến, tàu cá, máy bay… để bao vây, cô lập tiếp tế ở các đảo mà Việt Nam còn chiếm giữ, dẫn đến Việt Nam phải từ bỏ.
Chưa kể Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục tung “hạm đội dân quân” tàu đánh cá có vũ trang, trá hình dân sự, để tung hoành và độc chiếm ở Biển Đông, ngăn chặn các tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam.
Sau đó, Trung Quốc chỉ việc lý luận rằng do Việt Nam tự từ bỏ chứ Trung Quốc không đánh chiếm vũ trang, và thế là Việt Nam mất nốt những gì còn lại.
Qua thực tế từ 1974 đến nay, tôi e rằng Trung Quốc có đủ máy bay và tàu chiến để thực thi kế hoạch này.
Image copyrightXINHUA
Image captionTQ hồi đầu 2016 đã cho tiến hành một số chuyến bay dân sự ra sân bay nhân tạo xây trên Bãi Chữ Thập ở Biển Đông

Giải pháp ngắn và trung hạn

Việc khởi kiện Trung Quốc thì có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cá nhân tôi vẫn nhớ lời phát ngôn của Hồng Lỗi, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước đây, lúc đó tại Việt Nam nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc (giai đoạn 2007-2008).
“Chúng tôi nhận thấy chính quyền Việt Nam có những tuyên bố khác nhau vào các thời điểm khác nhau,” ông Hồng Lỗi đã nói thế khi nhận định về chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa-Trường Sa.
Tôi e ngại rằng những điều ẩn sau phát ngôn này có thể gây bất lợi cho Việt Nam khi kiện Trung Quốc. Nên giải pháp khởi kiện cần cân nhắc cẩn thận.
Thiết lập liên minh phòng thủ với Philippines là điều có thể và cần làm ngay.
Với vị trí chiến lược của cảng Subic của Philippines, cảng Cam Ranh của Việt Nam, đảo Phú Quốc ở Vịnh Thái Lan, các nước có thể hình thành tam giác phòng tuyến hải-không quân án ngữ Trung Quốc bành trướng ra thêm, giữ vững ưu thế ASEAN ở Malacca, để có thêm điều kiện lôi kéo các nước trung lập còn lại trong khối này.
Hiện nay ba nước Indonesia-Malaysia-Singapore đang liên kết lại là một thuận lợi theo chiều hướng này.
Nên tạo cơ chế đấu tranh nhân dân, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân Việt Nam khởi kiện tàu Trung Quốc khi có va chạm dẫn đến thiệt hại người và của trái luật quốc tế, và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Việt-Trung.
Bài học của Nhật Bản trong quan hệ Nhật-Mỹ sau 1945 nên và cần được áp dụng cho quan hệ Việt-Trung hiện nay, khi dân chúng Nhật ngày ngày biểu tình “chống Mỹ” trong khi chính phủ Nhật vẫn đi gặp Mỹ xin viện trợ và thiết lập cơ chế đồng minh.
Chính quyền Việt Nam nên cho phép dân chúng biểu tình khi Trung Quốc có hành động bành trướng phi pháp, còn việc quan hệ hữu nghị Việt Trung vẫn duy trì là việc khác của đảng.
Về đối ngoại, ngoài Nga, chính phủ Việt Nam cần củng cố quan hệ quân sự-đối ngoại với các quốc gia tuy chưa bằng Mỹ nhưng có sức mạnh và không ủng hộ Trung Quốc như Ấn Độ, Nhật, Úc..., nhất là những quốc gia có lợi ích bị tổn hại khi Trung Quốc có thể mạnh lên.
Cũng còn nhiều giải pháp khác, nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi không đi vào chi tiết.
Rất đáng tiếc, với sự kiện những máy bay bị nạn vừa qua, theo tôi, với việc từ chối đề nghị từ Mỹ hỗ trợ trong việc tìm kiếm các máy bay bị nạn, cũng như chậm công bố thông tin từ chính quyền đã làm quần chúng hoài nghi "có yếu tố Trung Quốc" trong đó.
Nếu từ bây giờ chúng ta không có những hành động thiết thực mà chỉ ngồi phản đối và hô hào suông, mai này con cháu chúng ta dựa vào cái gì, có sức mạnh gì để có thể đòi lại Hoàng Sa-Trường Sa?
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của riêng tác giả, hiện đang sống tại TP HCM.

Tình hình sức khỏe của bà Cấn Thị Thêu

Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ 2016-06-23
  11800321_1609205706007793_7645839517731304405_n.jpg
Bà con Dương Nội mừng bà Cấn Thị Thêu ra tù hôm 25/4/2015. Photo: thanhnienconggiao
Sau gần hai tuần bị bắt giam trở lại, tin tức về nhà hoạt động đất đai và cựu tù nhân Cấn Thị Thêu được luật sư và gia đình thông báo.
Ngưng tuyệt thực
Luật sư Hà Huy Sơn, người nhận bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu trong vụ việc hiện nay, vào ngày hôm qua 22 tháng 6, sau khi đến gặp thân chủ tại Trại tạm giam số 1 Hà Nội, đã thông báo cho gia đình về tình hình sức khỏe của bà này.
Đây là thông tin mà luật sư chỉ có thể chia sẻ đến lúc này từ khi bà bị bắt hôm ngày 10 tháng 6 ngay tại nhà ở Hòa Bình. Sang ngày 23 tháng 6, luật sư Hà Huy Sơn phát biểu lại với Đài Á Châu Tự Do:
“Vụ án đang trong giai đoạn điều tra nên tôi chỉ được thông tin về mặt sức khỏe của chị Thêu thôi. Như tôi đã thông báo với con trai chị Thêu là đến ngày hôm qua theo lời chị nói là đã tuyệt thực 13 ngày kể từ ngày 10 (tháng 6) khi bị bắt. Sức khỏe chị rất yếu, nhưng tinh thần còn tỉnh tảo. Chị cho biết đi tiểu ra máu, nôn ra máu.
Hôm qua tôi cũng chuyển lời của gia đình, con trai và bạn bè nói rằng chị không nên tuyệt thực, nên ăn uống trở lại, nên giữ gìn sức khỏe. Chị cũng đồng ý không phụ lòng gia đình và chị dừng tuyệt thực.”
Vào sáng ngày 23 tháng 6, anh Trịnh Bá Phương- con trai bà Cấn Thị Thêu cùng với một số người dân Dương Nội đến tại Trại tạm giam để được làm việc về trường hợp của bà Cấn Thị Thêu. Sau khi ra về, anh này thuật lại:
Hôm qua tôi cũng chuyển lời của gia đình, con trai và bạn bè nói rằng chị không nên tuyệt thực, nên ăn uống trở lại, nên giữ gìn sức khỏe. Chị cũng đồng ý không phụ lòng gia đình và chị dừng tuyệt thực.
- Luật sư Hà Huy Sơn
“Sáng nay tôi cùng chừng hơn 50 người dân đến tại Trại tạm giam Số 1 ở Hỏa Lò thuộc Công an Thành phố Hà Nội. Khi đến nơi có rất đông lực lượng an ninh của Trại và cả lực lượng an ninh của quận Hà Đông, một tốp an ninh thành phố. Họ cử một người ra hỏi tình hình.
Sau khi đến nơi tôi cũng yêu cầu được gặp Ban giám thị của Trại và ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó giám thị Trại tạm giam số 1 đã làm việc với tôi trong một phòng riêng.
Trong buổi làm việc, ông cho biết hiện có hai y tá túc trực bên mẹ tôi. Trong thời gian tuyệt thực từ khi bị bắt đến nay, sức khỏe mẹ tôi rất yếu, có triệu chứng đi tiểu ra máu và nôn ra máu nên có hai y tá túc trực.
Trong khi làm việc tôi cũng nói là dưới chế độ này tôi không thể kiện được họ, nhưng nếu như mẹ tôi gặp bất cứ vấn đề gì liên quan đến tính mạng thì tôi sẽ kiện họ lên các tổ chức quốc tế. Hôm nay tôi cũng nói với ông Hùng nếu như trại giam trực tiếp hay gián tiếp có những hành động như ngược đãi hay bỏ mặc mẹ tôi không có sự can thiệp y tế khiến mẹ tôi tử vong thì tôi sẽ kiện lên các tổ chức quốc tế.
Sau khi trao đổi một số vấn đề như thế thì ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết là Trại sẽ chịu trách nhiệm về tính mạng mẹ tôi. Họ có trạm xá và các bệnh viện từ tỉnh và trung ương; nếu mẹ tôi có vấn đề gì thì họ sẽ đưa đến các bệnh viện lớn.”
Bị bắt với cáo buộc ‘gây rối trật tự’
Khi lực lượng chức năng đến bắt bà Cấn Thị Thêu vào sáng ngày 10 tháng 6 vừa qua, họ đọc lệnh theo đó bà này bị cáo buộc tội ‘gây rối trất tự công cộng’.
Trước đây vào năm 2014, cơ quan chức năng từng bắt bà Cấn thị Thêu khi bà đang quay phim đoàn cưỡng chế đất Dương Nội với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ.’
Luật sư Hà Huy Sơn, người từng tham gia bào chữa cho một số người vì đi khiếu kiện đất đai và bị kết án hai tội danh vừa nêu, có ý kiến về biện pháp truy buộc như thế của tòa:
“Đối với hai tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’ và ‘chống người thi hành công vụ’ trong các vụ án tôi làm thì những chứng cứ bên điều tra đưa ra không rõ ràng, không khách quan, mang tính chủ quan để người ta đạt được mục đích nào đó của họ thôi.
Tại các phiên tòa, luật sư bào chữa cũng như những người bị bắt đều trình bày; nhưng nói chung tôi cảm nhận tòa không được độc lập nên các phán quyết không công bằng.
Theo tôi nhận thấy công luận cũng nhận ra được điều đó nhưng để tìm được công bằng hay công lý thì cũng còn cả một quá trình nhận thức hay sự lên tiếng của xã hội mạnh mẽ thì mới có sự thay đổi được.”
Không chỉ riêng an ninh Hà Nội mà cả an ninh tại tỉnh Hòa Bình, nơi bắt giữ mẹ tôi, họ liên tục đi tuyên truyền trong dân rằng mẹ tôi là thành viên của Đảng Việt Tân và nhận tiền chống phá đất nước.
- Anh Trịnh Bá Phương 
Gia đình của bà Cấn Thị Thêu còn cho biết trong những ngày qua tại địa phương gia đình này sinh sống có thông tin được tung ra nói là bà Cấn Thị Thêu nhận tiển của tổ chức Việt Tân, trụ sở chính ở Hoa Kỳ. Con trai bà này, anh Trịnh Bá Phương cho biết về điều này:
“Không chỉ riêng an ninh Hà Nội mà cả an ninh tại tỉnh Hòa Bình, nơi bắt giữ mẹ tôi, họ liên tục đi tuyên truyền trong dân rằng mẹ tôi là thành viên của Đảng Việt Tân và nhận tiền chống phá đất nước.
Gia đình tôi rất bức xúc trước những thông tin đó. Công cuộc đấu tranh của gia đình tôi xuất phát từ đất đai. Gia đình tôi đấu tranh chống lại những ‘kẻ cướp’- chính quyền Hà Nội đã cướp đất đai, phá mồ mả, đánh đập, bắt bỏ tù người dân chúng tôi.
Tôi cũng có bài biết đưa lên trang facebook nói rằng gia đình tôi không thuộc đảng Việt Tân; tuy nhiên gia đình tôi ủng hộ đường lối của họ. Họ đấu tranh ôn hòa, bất bạo động. Họ cũng đã lên tiếng về những tội ác của chế độ cộng sản này
Thông tin mà phía chính quyền gán ghép mẹ tôi vào đảng Việt Tân là nhằm mục đích chia rẽ người dân.”
Quan tâm của các tổ chức nhân quyền
Cũng theo anh Trịnh Bá Phương cho biết thì đại diện Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc và Ân xá Quốc tế- Amnesty International, có liên lạc để hỏi về trường hợp bà Cấn Thị Thêu bị bắt giam lại từ ngày 10 tháng 6 cho đến nay.
Anh Trịnh Bá Phương nói rõ được hai tổ chức vừa nói hẹn gặp trực tiếp tại Bangkok, Thái Lan; thế nhưng hiện nay việc làm hộ chiếu của bản thân anh gặp trở ngại và anh không biết có thể xuất cảnh để gặp Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc và Ân Xá Quốc tế như được hẹn hay không. Thực tế chứng tỏ những người hoạt động công khai tại Việt Nam hầu như đều bị ngăn cản khi xuất cảnh.
Anh này cũng cho biết thêm vào ngày mai 24 tháng 6, bản thân anh cùng những người dân Dương Nội sẽ ra Hồ Gươm, Hà Nội để biểu tình yêu cầu trả tự do cho bà Cấn Thị Thêu.
Sau khi mãn án 15 tháng tù vào tháng 7 năm ngoái, bà Cấn Thị Thêu công khai khẳng định tiếp tục cuộc đấu tranh giữ đất tại Dương Nội. Ngoài những cuộc biểu tình với người dân khiếu kiện trước các cơ quan công quyền yêu cầu thực thi pháp luật, bà còn tham gia những cuộc biểu tình phản đối chặt cây ở Hà Nội, đòi hỏi minh bạch về thảm họa cá chết ở miền Trung…