Thursday, November 1, 2018

Thủ Thiêm: Kiểm điểm tập thể, hòa cả làng, chết mỗi dân



Báo vừa đăng nói rằng vụ Thủ Thiêm sẽ kiểm điểm tập thể. Cụ thể là các tổ chức như: UBND quận 2, Ban quản lý dự án Thủ Thiêm, UBND các phường quận 2 phải bị kiểm điểm. Tôi không biết đây có phải là quyết định cuối cùng hay chưa vì không thấy anh Phong nhắc gì cả.
Nhưng đây là hành động “khiêu khích, trêu ngươi” dân Thủ Thiêm nói riêng và dư luận cũng như nhân dân cả nước nói chung vì đây là đại án rất rất lớn. Và nó cũng cho ta thấy rằng quan chức thành phố hcm coi thường pháp luật, đặt kỷ luật đảng lên trên pháp luật.
Nhân dân người ta chỉ rõ thủ phạm là anh Tất Thành Cang, anh Nguyễn Văn Đua, anh Lê Thanh Hải là thủ phạm chính và rất nhiều quan chức, tập đoàn dính đến vụ này như anh Dương bên Trường Hải ô tô. Tại sao lại phớt lờ ý kiến của dân để chối tội vậy? Tại sao dân vi phạm thì điều tra nhanh thế mà quan chức vi phạm thì mãi không xong. Và cái vụ Thủ Thiêm này bị dìm 20 năm nay rồi là thế nào? Kiểm điểm xong rồi thế nào nữa? Thôi à?
Thăm dò dư luận, nếu dư luận căng quá thì tiếp tục quanh co, còn êm là lờ lớ lơ luôn hả. Hay đưa ba chuyện dư luận tào lao ra để lái? Và thấy anh Phong nói rằng sẽ đền bù, sắp xếp ổn thỏa cho bà con. Tôi hỏi là bao nhiêu mất mát trong 20 năm ấy, từ sinh kế, nhà ở, oan ức, danh dự…thì ai đền bù và đền bù như thế nào mới là đủ? Cái nhân dân cần ở các anh không phải chỉ là lời xin lỗi, cũng chẳng phải mấy cái trò kiểm điểm tập thể, chơi kiểu chung chung ấy. Mà dân cần các anh phải thượng tôn pháp luật, phải lôi từng cá nhân, tập thể, doanh nghiệp nào sai phạm ra vành móng ngựa, sai đến đâu xử đến đó, xử thật công minh. Chứ ba cái kiểm điểm của các anh chẳng có ý nghĩa gì với đau thương, mất mát của bà con Thủ Thiêm. Và tôi tin chắc rằng các anh còn quanh co chán và cũng chẳng tìm ra tốt thí. Vì toàn thằng to ký và dính líu thì thí thằng bé vào nó vô lý ầm ầm. Và cũng chẳng xử nghiêm minh được đâu.
Các anh nên nhớ rằng dân Thủ Thiêm chẳng còn gì nhiều để mất đâu. Còn có mấy cái dép thôi đó. Đừng có trêu họ. Họ mà điên lên chắc nhiều thằng cũng khó sống. Có dám cho công an bỏ tù, đánh chết họ không? Không được đâu. Mất chế độ như chơi đấy. Nên tốt nhất không xử được mười thì cũng phải làm được bảy tám phần gì đó. Muốn sống thì nên làm cho tốt. Sợ nhất là máu me, chết chóc./.

Nói về tính “chính danh” của đảng CSVN

Ông Chu Hảo ra tuyên bố từ bỏ đảng. Một trong những lý do khiến ông bỏ đảng là “đảng không có chính danh để lãnh đạo”.
“Chính danh” là gì ?
“Chính danh – légitime” trong chính trị có thể có thể được hiểu như là sự “hợp pháp” hay “hợp hiến” của một sự việc, hay một hành vi liên quan đến việc sử dụng quyền lực chính trị.
“Légitime” nguyên thủy bắt nguồn từ Latin “legitimus”, có nghĩa là được “chuẩn nhận bằng luật”, có “phù hợp với tập quán, với luật lệ”.
Khi tuyên bố rằng “đảng không có chính danh để lãnh đạo”, GS Chu Hảo chính thức không nhìn nhận tính hợp pháp của mọi hành vi chính trị, mọi quyết định chính trị của đảng CSVN. Việc này hàm ý đảng CSVN lãnh đạo “nhà nước và xã hội” hiện nay chỉ là sự “tiếm danh” và “lạm dụng”.
Những ngày qua ta thấy liên tục nhiều bài viết xuyên tạc GS Chu Hảo được đăng lên báo chí. Ngoài việc phỉ báng cá nhân, không bài viết nào phản biện được lập luận của GS Chu Hảo về tính chính danh của đảng CSVN. Người ta tìm cách hướng dẫn dư luận về một phía khác, tung hỏa mù khắp nơi, mục đích để mọi người không để ý tới vấn đề quan trọng là “tính chính danh” của đảng lãnh đạo.
Bởi vì đây là một “sự thật” không thể phản biện.
Ngay từ việc “bầu” ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Chủ tịch nước, đã là một việc thiếu chính đáng.
Ông Trọng cho rằng “trình độ, năng lực, sự hiểu biết” của ông là “có hạn” trong khi “tuổi tác đã lớn” và “sức khỏe yếu”. Ông Trọng tự nhận mình “phận mỏng cánh chuồn” và e ngại rằng không biết có “hoàn thành được nhiệm vụ hay không.”
Cả nước có 95 triệu người. Tại sao lại bầu chọn một con người không có trình độ, không có năng lực, thiếu hiểu biết lại không đủ sức khỏe… vào ghế “chủ tịch nước”, lãnh đạo đất nước và đại diện cho dân tộc ?!
Đảng CSVN không đủ nhận thức bằng xã hội loài thú.
Nếu so sánh với xã hội loài thú. Ta thấy trong một đàn chim, một bầy sư tử… luôn có một con đầu đàn.
Tính “chính danh” của con thú đầu đàn là sức mạnh, sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Sức mạnh không phải là “mạnh được yếu thua” hay khả năng tiêu diệt được đồng chủng, mà là sự cần thiết để bảo vệ an ninh cho cả bầy trước những đe dọa của thiên nhiên hay trước sự tấn công của các con thú khác.
Tính “chính danh” của con chim đầu bầy là sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Những thứ cần thiết để dẫn dắt cả đàn đến vùng nắng ấm, có nhiều mồi ngon, cả bầy được sống trường tồn và sung túc.
Ông Trọng, “sức khỏe yếu”, “thiếu năng lực” không có tính “chính danh” của con sư tử đầu bầy. Ngay khi ông Trọng có khả năng “tiêu diệt đồng chí” thì việc này cũng không tạo nên ông tính “chính danh” của một “con thú đầu đàn”.
Ông Trọng không có “trình độ” và “sự hiểu biết”, tức thiếu sự “tinh khôn” của con chim đầu đàn. Ông Trọng có thể dư thừa mưu mẹo để loại bỏ những “đồng chí” chống lại mình. Mà việc này không bao giờ tạo nên ông Trọng tính “chính danh” của một “con chim đầu đàn”.
Những ngày qua có hàng trăm bài viết tung hô nịnh bợ ông Trọng. Ngay cả khi những thứ tiếng “vo ve” này “trấn áp” dư luận xã hội, việc này cũng không thể tạo cho ông Trọng sự “chính danh” trong lãnh đạo.
Còn về đảng CSVN, tính “chính danh” của đảng dựa lên cái gì ?
Hiến pháp VN qui định rằng thể chế nước Việt Nam là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” và “có chủ quyền”.
Người ta hiểu thế nào là “cộng hòa” và thế nào là “có chủ quyền” ?
“Cộng hòa” là chế độ đối nghịch với chế độ “phong kiến đế quyền”. Đó là một thể chế chính trị mà quyền lực của người lãnh đạo, ở bất kỳ cấp bậc nào, không đến từ sự kế thừa. Trong chế độ phong kiến, quyền lực thụ đắc của người lãnh đạo là do sự kế thừa. Tính chính danh của người lãnh đạo thể hiện qua việc kế thừa.
Vậy thì tính “chính danh” của người lãnh đạo chính trị trong chế độ cộng hòa là gì ?
VN là một “quốc gia có chủ quyền” có nghĩa là hiện hữu trong lãnh thổ VN một quyền lực chủ tể (chủ quyền).
Trong một chế độ phong kiến, chủ quyền thuộc về vị chủ tể (vua, lãnh chúa…). Trong một chế độ cộng hòa, chủ quyền thuộc về dân tộc (nation) hay thuộc về nhân dân (populaire).
Hiến pháp VN khẳng định quyền lực chủ tể (chủ quyền) thuộc về nhân dân.
Nguyên tắc của mọi chế độ dân chủ (dân chủ tự do hay dân chủ tập trung) là việc phân bổ quyền hành trong bộ máy nhà nước phải đến từ “quyền chủ tể”, tức đến từ nhân dân, thể hiện qua các cuộc bầu cử.
Tính chính danh của “quyền lực” trong chế độ “cộng hòa” được bảo đảm bằng sự trung thực của kết quả các cuộc bầu cử.
Từ trước đến nay, những người cộng sản luôn lập luận rằng tính chính danh của đảng CSVN đến từ việc đảng “đã lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập, thống nhứt đất nước”.
Tạm cho rằng đảng CSVN đã “lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập và thống nhứt đất nước” là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần tranh biện.
Thì những thế hệ “khai quốc công thần” chống Pháp, chống Mỹ, tức những người có tư cách, có chính danh để lãnh đạo, đã lần lượt khuất núi. Những người “có công”, tức những người có tham gia vào cuộc chiến, đã không còn bao nhiêu người. Ngay cả thế hệ lãnh đạo hiện thời, như ông Nguyễn Phú Trọng, cũng không có ai trực tiếp tham gia vào cuộc chiến “chống Mỹ”.
Nếu dựa vào “công lao”, thì trong đảng hiện nay không ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm sự “chính danh”. Không ai có tư cách để lãnh đạo đất nước hết cả.
Mà tính chính danh không có “kế thừa”. Nếu nhìn nhận sự kế thừa thì lý ra con cháu của những bà mẹ anh hùng, những liệt sĩ, những thương phế binh… phải làm lãnh đạo mới đúng.
Tức là, nếu lập luận theo kiểu “kế thừa”, thì ông Chu Hảo có “chính danh” hơn cả ông Trọng (hay bất cứ ai trong BCT hiện thời).
Con cháu của con chim đầu đàn, của con sư tử đầu bầy, chỉ đơn thuần là một thành tố trong bầy. Muốn trở thành con thú đầu đàn, con chim đầu bầy, những con thú này phải khẳng định sức mạnh, hay chứng minh trí khôn và kinh nghiệm. Đó là tính “chính danh” trong thế giới loài thú.
Ông Chu Hảo bỏ đảng là phải (cho dầu hơi bị trễ một chút)!.

Từ sự kiện GS. Chu Hảo nghĩ về những trí thức im lặng

GS Mạc Văn Trang (trái) và Nhà văn Nguyên Ngọc công khai tuyên bố từ bỏ đảng CSVN ngay sau khi báo chí loan tin GS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật.

Nguyễn Trang Nhung – RFA

Ba ngày trước, khi lướt news feed trên Facebook và bắt gặp fanpage của Giản Tư Trung – Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Giám đốc Sáng kiến OpenEdu, Chủ nhiệm Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL, Trưởng Ban Tổ Chức Giải Thưởng Sách Hay thường niên, Ủy viên Hội đồng Điều hành Hội Giáo dục So sánh Châu Á[1] – tôi thử vào fanpage của ông để xem liệu ông có nói gì về sự kiện GS. Chu Hảo hay không.
Câu trả lời, đáng tiếc, là tôi không thấy. Ông cũng vắng mặt trong danh sách những người đồng ký tên cho thư ngỏ của một số trí thức, nguyên là thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), ủng hộ GS. Chu Hảo và phê phán Ủy ban Kiểm tra Trung Ương, cơ quan đã đề nghị kỷ luật GS. Chu Hảo.[2] Tôi tự hỏi tác giả của ‘Đúng việc’ – một cuốn sách rất hay về làm việc, làm dân và làm người – có cho rằng lên tiếng trong sự kiện GS. Chu Hảo là một việc đúng hay không?
Sau một lúc không lâu, tôi chợt nghĩ đến GS. Ngô Bảo Châu, người đã giành được giải thưởng Fields và nhiều giải thưởng cao quý khác, là niềm tự hào của giới trí thức Việt Nam, rồi lại tự hỏi ông nghĩ gì về sự kiện GS. Chu Hảo và có nói gì hay không. Tôi nghĩ hẳn là không, vì nếu có thì cộng đồng mạng đã lan truyền rất nhanh chóng và rộng rãi tiếng nói của ông như đã làm vậy trong một số vụ việc trước. Thư ngỏ kể trên cũng không có tên ông.

Tôi có lý do gì để đặt các câu hỏi về họ như thế? Đơn giản thôi. Họ là những người có uy tín rộng rãi trong xã hội cho mỗi lời hay họ nói. Họ là những người có ảnh hưởng mạnh mẽ tới xã hội cho mỗi việc đúng họ làm. Vì vậy, họ có trách nhiệm lên tiếng (chưa kể hành động) cho xã hội ngày càng tốt đẹp. Hơn nữa, họ là những trí thức – ít ra là đa số mọi người thừa nhận như vậy – thì càng có bổn phận lên tiếng trước các nhiễu nhương của xã hội. Ngoài ra, sự kiện GS. Chu Hảo nhằm thẳng vào giới trí thức, nên đây là dịp rất thích hợp để họ lên tiếng.
Có người nói họ có quyền im lặng, và chỉ có họ mới thấy cần lên tiếng hay không. Tất nhiên là họ có quyền im lặng, nhưng như vậy không có nghĩa là họ nên im lặng. Đây không phải là vấn đề họ có quyền gì, mà là vấn đề họ nên làm gì. Một người có thể bị phê phán không chỉ vì đã làm gì sai, mà còn vì đã không làm gì trong khi lẽ ra phải làm.
Nếu chỉ số ít không lên tiếng thì chưa sao. Nhưng rất nhiều người như thế không lên tiếng thì họ đang nghĩ gì vậy?
Họ là những người có uy tín, nếu không dùng uy tín của mình để lên tiếng thay đổi xã hội thì để cho ai?
Họ là những người có ảnh hưởng, nếu không dùng ảnh hưởng của mình để lên tiếng thay đổi xã hội thì để cho ai?
Họ là những trí thức, nếu không dùng trí tuệ và bản lĩnh của mình để lên tiếng thì để cho ai?
Liệu có vô can quá không khi chọn im lặng?
Liệu có thận trọng quá không khi chọn im lặng?
Liệu có khôn ngoan quá không khi chọn im lặng?
Và nếu họ thấy có lý do mạnh mẽ để im lặng thì lý do của những người thấy họ phải lên tiếng còn mạnh mẽ hơn.
Tôi không cho rằng mình đã hẹp hòi hay thiển cận khi đặt câu hỏi rằng nguyên nhân gì khiến họ chọn im lặng. Thậm chí, tôi cho rằng không chỉ riêng tôi, mà tất cả chúng ta nên đặt câu hỏi như thế, để tạo áp lực cho những người được cho là trí thức phải thực hiện đúng bổn phận của mình đối với xã hội.
Nếu xã hội có ít nhiễu nhương, chẳng mấy ai phải nhắc tới vai trò của trí thức. Còn khi xã hội có nhiều thứ ấy, trí thức sẽ luôn phải đòi hỏi chính mình, và phải được đòi hỏi bởi các thành phần khác, để họ làm đúng bổn phận mà xã hội đã đặt lên vai họ một cách tự nhiên. Nếu khác đi, trí thức sẽ không còn là trí thức nữa.
Để kết bài, tôi xin để lại đây một bài thơ ngắn của môt người trẻ không nổi danh[3], một người tuy không có ảnh hưởng tới xã hội như Giản Tư Trung, Ngô Bảo Châu hay rất nhiều trí thức nổi danh khác nhưng đã chọn lên tiếng thay vì im lặng, mà cụ thể là bày tỏ sự ủng hộ GS. Chu Hảo. Bài thơ thể hiện tinh thần của trí thức, mà những trí thức im lặng hãy lấy đó làm gương để thể hiện lập trường.
“Nếu phải chọn ánh sáng và bóng tối
Giữa tiền bạc và lợi ích dối gian
Giữa cuộc đời đầy rẫy lời trái ngang
Tôi sẽ chọn đứng về người bất khuất.”
Chú thích:
[1] Fanpage của Giản Tư Trung
https://www.facebook.com/tacgiaGianTuTrung
[2] Thư ngỏ ủng hộ GS. Chu Hảo – Đợt 2 (155 người ký)
https://boxitvn.blogspot.com/2018/10/thu-ngo.html

Làm gương đầu voi đuôi chuột

Phạm Trần (Danlambao) - Quy định “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương” đã được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng Cộng sản cầm quyền duy nhất ở Việt Nam ký ban hành ngày 25/10/2018.

Quy định gồm 4 Điều và 19 nội dung là văn bản được coi để lấy lại niềm tin trong nhân dân qua xây dựng và chỉnh đốn hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu của đảng, gọi văn hoa là cấp “chiến lược” từ Trung ương đến địa phương.

Nhưng văn kiện cứu đảng khỏi tan quan trọng đầu tiên của ông Trọng trong vai trò Chủ tịch nước, sau khi ông được Quốc hội bỏ phiếu bầu ngày 23/10/2018, lại “đầu voi đuôi chuột” không đi đôi giữa nói và làm của chính ông.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 ngày 02/10/2018, ông Trọng nói:"Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân."

Vậy ông có ý cứu đảng ra sao, ông Trọng đưa ra sáng kiến: "Để khắc phục tình trạng nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao xin kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành một Quy định mới về vấn đề này. Nội dung của bản Quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát. Dự thảo Quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống."

Nói thì mạnh đáo để nhưng khi Quy định ban hành thì cả 2 nội dung, mỗi phần chỉ còn lại 8, tổng cộng là 16 “nội dung”, thay vì 18 như tuyên bố của ông Trọng.

Ba (03) nội dung còn lại ở phân cuối chỉ tập trung vào “tổ chức thực hiện” của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Mặt trận Tổ quốc; Ban Tổ chức Trung ương.

Trung thành với xác chết

Trách nhiệm phải gương mẫu tiên quyết, theo khoản 1 là phải: "Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghiên cứu, nắm vững hệ thống các nguyên tắc cơ bản và kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch."

Nói cách khác, phải sống chết với chủ nghĩa phá sản Cộng sản và phải bảo vệ tư tưởng của Mác-Lênin và Hồ Chí Minh là những con người từng sống và hưởng thụ trên xác chết của hàng triệu người dân vô tội, kể cả người Việt Nam.

Sau đó, trong khoản 2, mọi người phải cam kết trước tiên "Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng" rồi sau mới đến "đất nước và nhân dân". Điều này đích thực đã đặt quyền lợi đảng CSVN trên quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân.

Sau đó, đến khoản 7 thì phải: "Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành."

Toàn là những chữ sáo rỗng mà mọi người sống trong chế độ CSVN đã phải nghe đi nghe lại từ khi ông Hồ Chí Minh còn sống mà có thấy cán bộ giảm tham ô đâu. Nếu tính từ thời ông Hồ dạy cán bộ ở thập niên 50 thì bây giờ cũng đã gần 70 năm mà tham nhũng thì lúc nào cũng “vẫn còn nghiêm trọng” thì ai cần, ai không kiệm?

Phê bình và từ chức

Đến khoản 8 thì Quy định đòi phải: "Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ."

Đọc qua có lẽ nhiều người có kinh nghiệm “tự phê bình và phê bình” trong các cuộc họp đảng từ chi bộ trở lên phải tủm tỉm cười vào mũi ông Tổng Trọng. Bởi vì chuyện bày ra chỉ toàn làm cho có lệ, hình thức để báo cáo cho đẹp lòng nhau thôi. Những “nể nang”, “chín bỏ làm mười” hay “nay người mai ta”, hoặc “cùng là đồng chí, đồng hội mà hại nhau thì còn mặt mũi nào mà nhìn mặt nhau” v.v… vẫn nở rộ, lan rộng và ăn sâu, mọc rễ trong đảng chả bao giờ thay đổi được. Không tin cứ đến hỏi Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng để xin tài liệu “lười học nghị quyết” về mà đọc.

Còn chuyện bảo “các quan” nên "chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ" thì có đi ngược đầu cũng chưa xẩy ra, trừ khi những người ấy là Thánh.

Hãy lấy chuyện Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bị phiếu tín nhiệm thấp nhất của Quốc hội làm tỷ dụ.

Theo kết quả được công bố ngày 25/10/2018, trong 48 chức danh được lấy phiếu, ông Nhạ đã bị 137 phiếu “tín nhiệm thấp”, hạng bét trong số người được Quốc hội phán xét.

Nếu ở các nước có truyền thống bảo vệ nhân cách và trọng danh dự thì người như ông Nhạ đã cúi đầu, khoanh tay xin lỗi nhân dân trước Quốc hội và tuyên bố xin từ chức.

Ngược lại, ông Nhạ còn vênh váo nói với báo chỉ ở Hà Nội rằng: "Đúng như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động".

"Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo" (theo VNExpress, ngày 25/10/2018)

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng từng nói với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam: "Cán bộ tham nhũng, đút lót nhau hàng trăm tỷ, nhưng chưa thấy ai từ chức vì sai phạm. Cả cuộc đời 60 năm làm công tác tổ chức cán bộ, tôi chưa thấy ai từ chức".(VOV, ngày 06/07/2018)

Ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nghe rõ chưa mà còn ngây thơ cụ bảo kẻ dưới quyền hãy “chủ động xin từ chức” 

Chống ai - chống gì?

Bây giờ xin bàn tiếp đến Điều 3, cũng chỉ có 8 “nội dung” thay vì 9 như ông Trọng hứa trước Hội nghị Trung ương 8.

Nội dung trong Điều 3 buộc các “Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: 

1) Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít. 

2) Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Định kiến với người góp ý, phê bình. Trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. 

3) Chủ trì tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.

4) Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân. 

5) Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đấu giá đất đai, tài sản nhà nước. 

6) Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Tổ chức đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước không đúng thành phần, thời gian và nội dung yêu cầu công việc. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí. 

7) Lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định. 

8) Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. 

Đầu to - đít bé

Như vậy là tuyệt nhiên trong phần cam kết chống sống còn này của đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo gồm các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương không thấy giống những gì báo đài đảng đã viết khi Quy định còn trong vòng lấy ý kiến. 

Những nhóm chữ quan trọng và được chú ý nhiều trong dân đã biến mất trong Quy định chính thức như: "Các ủy viên phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập”, “tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; “Không đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài”; 

Hay: "Chống lợi dụng Doanh nghiệp hoặc để Doanh nghiệp lợi dụng; liên kết lập "sân sau ”, "lợi ích nhóm"; dung túng, bao che, móc ngoặc, thông đồng với Doanh nghiệp trục lợi. Việc sử dụng tiền, tài sản của Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người thân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ..." (Theo Zing.VN và VietnamNet)

Những thay đổi quan trọng này liệu có trùng hợp với việc kê khai tài sản rồi giữ lại nơi cán bộ làm việc hay tổ chức, đảng bộ và nhất định không phổ biến cho dân kiểm soát thì có trơ trẽn và lố bịch không?

Đến Dự Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước đang thảo luận tại Quốc hội còn nhiêu khê kịch cỡm với chủ đích che giấu cho Lãnh đạo và những việc đáng lẽ phải công khai cho dân biết.

Nguyên văn trong Chương II: PHẠM VI, PHÂN LOẠI, DANH MỤC BÍ MẬT NHÀ NƯỚC, Điều 10 quy định “ Phạm vi bí mật nhà nước” đã viết:

1. Trong lĩnh vực chính trị bao gồm:

a) Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng Đảng; công tác dân tộc, tôn giáo; 

b) Thông tin về hoạt động của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước;

c) Thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước;

d) Thông tin về tình hình tư tưởng, đời sống các tầng lớp nhân dân có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, xã hội.

Toàn là chuyện bí mật láo lếu. Nếu không để che đậy, giấu dân và làm cản trở quyền làm chủ đất nước của dân và trốn tránh bổn phận là “đầy tớ của dân” của cán bộ, đảng viên thì viết như vậy với mục đích gì?

Thậm chí “thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước” cũng phải giấu như mèo giấu phân thì ai làm gương cho ai soi, hay đưa ra Quy định làm gương để làm gì?

Hay là ông Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng muốn làm trò cười cho thiên hạ mà không hay, hoặc cái đầu ông thật sự là “có vấn đề”? -/-

(10/018)

Quảng Bình, phóng sự: Người có công bị cướp đất hành trình tìm công lý

Bà Đồn thắp hương lên các ngôi mộ thân nhân gia đình quy tập trong khuôn viên từ năm 1985 đến nay.

Bình Minh- Anh Nguyễn (Danlambao) - “Dù ốm đau bệnh tật, nhưng vì sự thật nên tôi không “chạy...” mà kiên quyết đi tìm công lí để họ phải trả lại toàn bộ diện tích (DT) đất gia đình khai khẩn sử dụng ổn định hơn 30 năm qua trên núi ỒỒ, bị Chính quyền địa phương xã tùy tiện bán trộm hàng ngàn m2 đất vườn trục lợi bất chính, gây thiệt hại hàng tỷ đồng của gia đình tôi”. Đấy là đơn tố cáo của bà Trần Thị Đồn, thôn Lục Sơn, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Ai âm mưu chiếm đoạt đất của dân để trục lợi? 

Bà Trần Thị Đồn 65 tuổi- Huân chương kháng chiến Hạng ba (ở xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) khởi kiện Quyết định trái pháp luật số 3984/QĐ-UBND ngày 14/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình về việc lãnh đạo địa phương lợi dụng chức vụ, quyền hạn, âm mưu bán đất vườn của gia đình bà Đồn để trục lợi bất chính. 

Bà Đồn có căn cứ thực tế cho rằng: Năm 1982, vợ chồng bà vào đồi ỒỒ khai khẩn được khoảng 12.000m2 đất trồng Tràm, Keo, khoai, sắn cho cả gia đình sinh sống. Nhờ thế, năm 1985 ngoài vườn cây, gia đình bà đặt 16 ngôi mộ thân nhân trong khuôn viên. Ngày 25/10/2009, UBND huyện Lệ Thủy mới cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”(QSDĐ) mang tên Dương Văn Lợi (nay đã chết) và bà Trần Thị Đồn là: 2138m2 tại thửa số 315, 316, tờ bản đồ số 8 (có sơ đồ kèm theo). Thế nhưng năm 2002, ông Võ Hào Quang- Bí thư Đảng ủy xã Trường Thủy (nay đã chết) và vợ ông là bà Đỗ Thị Loan (cùng xã) lợi dụng chồng Bí thư Đảng ủy xã ngang nhiên chiếm đoạt đất vườn của gia đình bà Đồn. Bà Loan khoe rằng: “Đất bà Đồn nhưng nay tôi chạy đã có sổ đỏ”(!?) Bà Đồn bức xúc yêu cầu bà Loan công khai sổ đỏ ai ký để bà Đồn sẽ kiện người đó. Qua xác minh, ngày 22/9/2014 UBND xã Trường Thủy kết luận: “ông Võ Hào Quang, cùng vợ là bà Đỗ Thị Loan tranh chấp thửa đất số 315, 316 tờ bản đồ số 8, diện tích là 2138m2 mang tên ông Dương Văn Lợi, bà Trần Thị Đồn. Tại thửa đất tranh chấp, bà Loan không cung cấp đủ, đúng như trong bản đồ+ diện tích ở sổ mục kê. Thửa đất ông Lợi, bà Đồn có giấy chứng nhận QSDĐ cấp ngày 25/10/2009 là 2138m2 tại thửa số: 315, 316 tờ bản đồ số 8. Bà Loan tự cho máy đào đường blô, lấn chiếm sang đất bà Đồn là hoàn toàn sai”. UBND xã Trường Thủy tiếp công nhận tại Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 27/10/2014: “Thửa đất số 317, bà Đỗ Thị Loan đang “cho” ông Trần Phi Anh làm nhà trái phép. UBND xã đã có công văn đình chỉ”. 

Thế nhưng do tiêu cực trục lợi “cố đấm ăn xôi”, nên ngày 28/11/2014 Chủ tịch UBND xã Trường Thủy quay ngoắt 180 độ kí Quyết định trái thẩm quyền số 27/QĐ-UBND kết luận “ngược”: “Khiếu nại bà Đồn không có cơ sở”(!?) 

Phát hiện sai phạm có hệ thống, ngày 26/4/2018 bà Đồn viết đơn tố cáo bà Trần Kim Anh- Phó chánh Thanh tra Sở TNMT tỉnh là Trưởng đoàn xác minh liên ngành Quảng Bình làm các biên bản có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo chữ ký của bà Đồn (đến nay bà Kim Anh không dám đề nghị cơ quan chức năng làm rõ sự thật theo điều 10 của Luật tố cáo 2011). 

Báo Kinh tế nông thôn ngày 2/6/2016, ngày 04/8/2017 và báo Ngày mới online. vn đăng ngày 13/2/2018 lên tiếng: “Lệ Thủy, Quảng Bình: Ai âm mưu chiếm đoạt đất của hộ người cao tuổi”? Bị sức ép dư luận, ngày 20/7/2017 ông Nguyễn Hữu Thiện- Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình (người bị tố nhúng chàm) đành ký văn bản số 1345/STNMT-TTr trả lời: “bà Đỗ Thị Loan đồng ý giao trả lại DT tích này cho bà Trần Thị Đồn để tiếp tục sử dụng toàn bộ DT đã được cấp giấy chứng nhận tại thửa đất số 315, 316, tờ bản đồ số 8 xã Trường Thủy theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, bà Đồn còn tố cáo với lý do: “văn bản còn chung chung, chưa nói rõ trả lại cụ thể cho bà Đồn theo thẻ đỏ: 2138 m2 hoặc theo thực tế 3902m2 đất bà Đồn bị chiếm dụng trái pháp luật? Đáng chú ý trong số này, UBND xã bán cho bà Nguyễn Thị Xuân Bảo là 1764,3m2. Ngày 25/9/2013, ông Phạm Hữu Thảo- Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy tùy tiện ký Giấy chứng nhận QSDĐ: 724 m2 cho bà Bảo trong khi bà Đồn đang tố cáo tiêu cực vụ việc này, nhưng chưa được làm rõ?

Vậy mà, UBND tỉnh Quảng Bình ký Quyết định trái pháp luật số 3984 nói trên, gây thiệt hại nghiêm trọng 3902m2 đất vườn với hàng tỷ đồng của hộ gia đình bà Đồn (chưa kể hàng ngàn hộ khác trong huyện, tỉnh cũng nằm vào trường hợp bị cướp đoạt đất đai để trục lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng của Nhà nước và Nhân dân hàng ngàn tỷ đồng).

Do lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm kéo dài không được giải quyết nên ngày 8/12/2017, bà Đồn có đơn khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Sáng ngày 25/1/2018, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức công khai chứng cứ, đối thoại (lần 1) và sáng 7/2/2018 đối thoại (lần 2): Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình xin vắng mặt. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy vắng mặt không lý do nên “Phiên đối thoại không thành”. Ngày 13/3/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đến thẩm định tại chỗ. Bà Đồn hỏi thửa 317 ở đâu và liền kề ai? Giấy chứng nhận QSDĐ của bà Loan đâu? Xác nhận hộ liền kề đất của bà Bảo ai ký? Tôi xác nhận cho bà bảo đâu? Không ai có tài liệu chứng minh, trả lời cho bà Đồn.

Thế nhưng, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân tỉnh Quảng Bình số 10/2018/HC-ST ngày 19/6/2018 vẫn bất chấp công lý, tùy tiện giữ nguyên “lệnh quan” Quyết định Chủ tịch tỉnh Quảng Bình, bác nội dung đơn khởi kiện, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích kinh tế chính đáng, hợp pháp của gia đình bà Đồn. 

Ngày 03/7/2018 bà Đồn có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nói trên của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình. Sáng 7h30 ngày 15/10/2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử. Thế nhưng phía bị đơn: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; Người có trách nhiệm nghĩa vụ liên quan: Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy; Chủ tịch UBND xã Trường Thủy…vẫn “điệp khúc” vắng mặt không lý do, khiến người dự phiên tòa bất bình. TAND cấp cao tại Đà Nẵng phải tạm hoãn phiên tòa. 

Ngày 12/11/2018 sắp tới, TAND cấp cao tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục đưa vụ án này ra xét xử.

Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bà viết đơn tố cáo Trần Kim Anh- Trưởng xác minh liên ngành giả mạo chữ ký để tiêu cực. 

Quyết định và giấy triệu tập phiên tòa của TAND cấp cao tại Đà Nẵng.


“Quà” cho người sống hay… người chết?

Nguyễn Công Bằng (VDF) - Vào ngày cuối tháng 10-2018, người đại diện cho các bà con ở vùng Kor Ka’ek (tỉnh Pursat) gọi điện thoại báo tin là: Ngân khoản $1.000 mỹ kim của Quỹ Hậu Sự Từ Thiện đã giúp cho năm tang gia nghèo khó hết rồi. Bây giờ có một bà cụ rất nghèo khó vừa mãn phần… không biết tính làm sao… Hiệp Hội có thể tiếp tục giúp tiền “mua hòm” nữa không? Trước hoàn cảnh này, câu trả lời không thể là KHÔNG, dù rằng Quỹ Yểm Trợ Giáo Dục của VDF đang rất khó khăn.

Một cái hòm đóng bằng ván-ép ($75) ở Cambodia (Ảnh VDF)

Trong hơn bốn năm qua, nhờ sự yểm trợ nhiệt thành của nhiều tấm lòng nhân ái ở nước ngoài, ViDan Foundation đã đem đến được niềm vui thiết thực cho hàng ngàn gia đình đồng bào kém may mắn đang sống cảnh lưu thân lạc xứ ở Cambodia. Từ chương trình chính yếu là trợ giúp giáo dục cho hơn 500 trẻ thơ thoát cảnh dốt chữ, Hiệp Hội đã mở thêm chương trình Phát Gạo Từ Thiện – chia sẻ những chén cơm tình nghĩa cho hàng ngàn gia đình đồng bào nghèo. Đến khoảng gần giữa năm 2018, Hiệp Hội nhận được lời khẩn cầu: Xin giúp các gia đình khốn khổ tiền “mua hòm” cho người thân vừa mãn phần. Và từ đó, Quỹ Hậu Sự Từ Thiện được thành lập, dù rằng chủ trương hoạt động chính yếu của Hiệp Hội là yểm trợ giáo dục cho trẻ nghèo.

“Chúng tôi là những người sống không có cái nhà đúng nghĩa, mà khi chết cũng không chắc có một nấm mồ đàng hoàng.” Đó là lời than thở về thân phận của một người nghèo đang vật lộn với cuộc sống, vốn chỉ mong kiếm đủ tiền mua gạo nấu cơm ăn hằng ngày; và không thể hình dung được là khi mãn phần sẽ được chôn cất ra sao…

Cuộc sống của hàng trăm ngàn đồng bào đang sống trôi nổi trên Biển Hồ hay vất vả trong những khu lao động thấp kém là chuỗi khốn khổ không còn hiện hữu trong các xã hội tiến bộ. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh nghiệt ngã khác nhau. Nhưng kết cuộc của không ít cuộc đời vong xứ còn bi đát hơn nữa – bạc phước cho người mất và khốn đốn cho người thân còn sống.

Theo lời tâm sự của một số đồng bào đang tạm cư ở làng Kor K’Ek, phía Tây Biển Hồ, khi nhà nghèo có người thân mất, hầu như việc hậu sự hoàn toàn trông cậy vào lòng thương người của những gia đình cùng cảnh ngộ ở chung quanh, cũng nghèo khó tương tự. Bà con giúp cho gia đình có tang sự là vì tình đồng bào nhưng đồng thời cũng là một hình thức “bỏ óng” tự giúp mình, để sau này khi nhà có người thân qua đời thì được bà con lối xóm cùng nhau giúp lại.

Cảnh mãn phần của một người nghèo ở Cambodia (Ảnh VDF)

Với hoàn cảnh sống không có khai sinh, giấy tờ hợp lệ đầy đủ và từ nhỏ đến khi trưởng thành phải vật lộn với cuộc sống để có miếng ăn… hầu như không ai chuẩn bị được gì cho ngày cuối cùng của người thân, thậm chí của chính bản thân. Đối với những gia đình đang sống trên những “cái bè” ọp ẹp, mục nát… chuyện tang sự, chôn cất gần như chỉ trông chờ vào lòng nhân từ của bà con lối xóm cùng đóng góp hỗ trợ.

Với cuộc sống long đong, tạm bợ hầu như các gia đình nghèo đều không có đủ tiền mua hòm cho người thân quá cố. Nỗi khổ không chỉ vậy, khi mua được hòm để tẩm liệm rồi thì phải xoay trở, vay mượn ngay… bằng mọi cách để mua cho được một mảnh đất nhỏ làm nơi chôn cất. Có không ít trường hợp, vì tang gia không đủ tiền mua đất chôn ở khu cao ráo, phải đành chôn người thân ở mé bờ Biển Hồ, đến mùa nước lên (có khi cao hơn mùa khô hơn 5-6 mét) chẳng thấy, chẳng biết được… đâu là mồ mả người thân. Mọi chi phí tang sự như loại hòm phải mua, nơi chôn cất… phải được “tính toán” thật gấp. Đối với những gia đình quá nghèo, thân nhân đành mua hòm đóng bằng ván ép (giá khoảng 75 mỹ kim một cái), để dành tiền mua một mảnh đất làm nơi chôn cất, và phần còn lại để tổ chức tang lễ.

Đồng hương chuyển quan tài cụ Nguyễn thị Tứ (71t) đến nơi chôn cất (Ảnh VDF)

Từ hoàn cảnh chung bi đát đó, với lời đề nghị khẩn thiết của một số đồng bào trong xóm, ViDan Foundation đã dành ra một ngân khoản để lập Quỹ Hậu Sự Từ Thiện: giúp cho mỗi gia đình nghèo khó $200 mỹ kim để mua hòm và làm tang lễ cho người thân quá cố. Hai trăm mỹ kim đủ để mua một cái hòm gỗ tạp rẻ tiền, và tang gia có thể an tâm dùng khoản tiền bà con phúng điếu để mua khoảnh đất nhỏ làm chỗ chôn cất. Gia đình nào có được đôi chút tiền chuẩn bị thì mua thêm gạch ống xây mồ, còn quá khó khăn thì đành phải chấp nhận một ngôi mộ đắp đất đơn sơ.

Quỹ Hậu Sự Từ Thiện VDF lập vào tháng 5-2018, chỉ sau ba tháng, đã có hai tang gia xin được giúp đỡ: một gia đình có người bị tai nạn lao động qua đời; và một gia đình nghèo khó khác có người bị tai nạn giao thông cướp mất sinh mạng. Hai người qua đời chỉ ở tuổi trung niên, bỏ lại vợ và những đứa con nhỏ dại. Hai trăm mỹ kim cho một trường hợp hậu sự: một khoản tiền quá nhỏ bé nhưng chắc chắn đã giúp cho tang gia có được sự an tâm là người thân vừa qua đời được tẩm liệm, chôn cất đàng hoàng.

Người chết không thể chậm chôn, chờ đợi nhiều ngày. Quỹ Hậu Sự Từ Thiện chắc chắn là “niềm an ủi” của những tang gia nghèo khó.

Hai trăm mỹ kim không cứu được người đã mãn phần song ít nhất cũng giúp được cho tang gia sự an tâm là người thân quá cố có được cái hòm, để còn đủ tâm trí, điều kiện tìm mua một mảnh đất nhỏ chôn cất người thân.

Quỹ Hậu Sự Từ Thiện là món quà từ thiện đáp ứng được hoàn cảnh khó khăn tột bực của người còn sống song cũng là “món quà” ý nghĩa cho người đã ra đi vĩnh viễn. Dù ở ý nghĩa nào, đó cũng là một sự chia sẻ trong tình đồng bào. Một sự chia sẻ khẩn thiết mà ở những xã hội, hoàn cảnh bình thường chắc chắn không phải xảy ra.

Hy vọng sao một ngày nào đó, cảnh thương tâm này chỉ là những kinh nghiệm buồn của một quá khứ.

*

Đồng hương muốn xem thêm thông tin về ViDan Foundation xin thăm mạng: www.hoamai.us hay www.vidan.us

Thư từ liên lạc hay chi phiếu ủng hộ cho Hội xin gửi đến:

ViDan Foundation: PO Box 152486, Austin, TX 78715-2486

Đồng Hương muốn đóng góp qua hệ thống chuyển ngân PayPal có thể ủng hộ Hội qua địa chỉ email:  paypal@vidan.us

Mọi thắc mắc hay hay cần trao đổi, xin vui lòng liên lạc cô Anh Trinh ở số điện thoại: 713-391-9843 hoặc địa chỉ email: lienlac@vidan.us


Tự biến hoá

Đỗ Thành Nhân (Danlambao) - “Tự Biến Hóa” trong bài này là viết tắt của “Tự chuyển Biến, Tự chuyển Hóa”, theo cách viết tắt những từ “điều nghiên”, “tuyên giáo”; đồng thời nó cũng hợp với thuộc tính như “con tắc kè”.

oOo

1. Từ Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức…

Ông Chu Hảo, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức; nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật vì cho rằng ông đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự biến hóa".

Chuyện là bình thường với một quốc gia đa đảng, nếu đảng viên không tuân thủ tôn chỉ, cương lĩnh, điều lệ đảng thì bị kỷ luật, khai trừ. Đơn giản vậy thôi.

Chuyện cũng rất bình thường như trong sách kiếm hiệp Kim Dung. Các băng đảng, giáo phái khai trừ, thanh trừng thành viên phản bội. Có người từ tham gia ma giáo, tà giáo bị khai trừ băng đảng lại trở thành người chính giáo.

Nhưng ở Việt Nam lại khác; vì đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(1), nên khi Đảng(2) kỷ luật đảng viên cao cấp như ông Chu Hảo đã tạo ra tác động mạnh đến dư luận xã hội.

Điều bất thường !

Không như những đảng viên tham nhũng, làm thất thoát tài sản của nhân dân cố gắng đeo bám Đảng cho đến khi bị khai trừ; ông Chu Hảo đã chủ động “tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam”(xem ảnh) với mục tiêu “Góp phần nâng cao dân trí theo tinh thần Khai sáng của Phan Châu Trinh: Dân tộc, Dân chủ và Phát triển; …”



Tiếp theo ông Chu Hảo, nhiều đảng viên cấp cao, nhiều năm tuổi Đảng, những người nổi tiếng cũng tuyên bố bỏ Đảng như: Nhà văn Nguyên Ngọc, Đại tá quân đội nhân dân và là Cựu Tổng biên tập báo Văn nghệ, hơn 60 năm tuổi Đảng; PGS-TS. Mạc Văn Trang, một trí thức hơn 54 năm tuổi Đảng và nhiều năm làm việc ở Viện Khoa học - Giáo dục; v.v…

Điều bất thường hơn nữa, những cơ quan tuyên truyền của Đảng với những đài, báo lớn nhất nước đồng loạt đấu tố ông Chu Hảo. Bất thường ở chỗ:

1) Những người đấu tố được giới thiệu là trí thức, có địa vị trong xã hội chỉ ra những sai phạm của ông Chu Hảo ở chỗ “trái với cương lĩnh của Đảng”, chứ không chứng minh được “hành vi vi phạm pháp luật”.

2) Sai phạm của ông Chu Hảo (nếu có) là cả một quá trình kéo dài nhiều năm trời, nhưng những người gọi là trí thức không tranh luận, phản biện mà đợi đến khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật mới cùng nhau lên tiếng.

3) Nhờ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật mà những quyển sách Nhà xuất bản Tri thức thời ông Chu Hảo làm Giám đốc - Tổng Biên tập được nhiều người quan tâm tìm đọc. Đây là loại sách kén chọn độc giả, dịch từ tinh hoa, trí tuệ của nhân loại; nhưng lại không phù hợp với cương lĩnh của Đảng.

4) Dù sao cũng từng là cán bộ, đảng viên cấp cao của Đảng; nhưng ông Chu Hảo và những người ủng hộ ông cũng không có được cơ hội tự bào chữa, giải trình. Đến nỗi ông phải công bố lên mạng xã hội với những câu như: “Thông báo kết luận của UBKTTW đã được công bố ra toàn xã hội một cách thiếu dân chủ, đi ngược lại hoàn toàn với ý kiến của các đảng viên và các cấp ủy đảng của LHH VN sau cả bốn lần thanh-kiểm tra”, “Không một lời giải trình nào của tôi, không một ý kiến, một kiến nghị nào của Đảng đoàn, Đảng ủy và Chi bộ được chấp nhận; rồi Đoàn kiểm tra đơn phương công bố rộng rãi bản Kết luận cuối cùng mà không thông báo trước cho cá nhân và tổ chức đương sự.”(xem ảnh)

Quay lại chuyện Kim Dung nhân ngày ông mất (3)

Nhờ ngụy quân tử Nhạc Bất Quần khai trừ khỏi bang hội mà Lệnh Hồ Xung trở thành nghĩa hiệp, thanh thản cất cao bài “Tiếu ngạo giang hồ”.

Ngay trong chính các băng đảng, giáo phái ma giáo các “đồng chí” với nhau đã không có được dân chủ và bình đẳng, quyền sinh quyền sát trong tay ma đầu giáo chủ; thì giang hồ sẽ không có được dân chủ, bình đẳng khi bị ma giáo thống trị.

oOo

2. đến Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương …

Chấp nhận là Đảng sáng suốt, kỷ luật ông Chu Hảo vì “trái với cương lĩnh của Đảng”

Theo VietnamNet, VOV(4), … cùng đưa tin: “Từ ngày 10-13/9/2017, Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Mỹ.”; “Phía Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.”

Tìm hiểu “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (6-1991)” được “Cập nhật lúc 15h52 - Ngày 12/10/2016” trên Báo điện tử đảng Cộng sản Việt Nam (5) có các nội dung về Đảng lãnh đạo đường lối, chính sách kinh tế vĩ mô với những đoạn như sau:

1) “Ba là, phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, từng bước thiết lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao với sư đa dạng về hình thức sở hữu phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.”

2) “- Phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng.”

3) “- Phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng.”

4) “Các thành phần kinh tế đó là những bộ phận quan trọng hợp thành nền kinh tế thị đường định hướng xã hội chủ nghĩa,…”(6)

Theo “Cương lĩnh của Đảng” cập nhật 2016 thì Việt Nam là “nền kinh tế thị đường định hướng xã hội chủ nghĩa” và trong “Cương lĩnh” cũng không có chỗ nào ghi là: đường lối kinh tế “đối ngoại” khác với “đối nội”.

Do đó, việc ông Hoàng Bình Quân đề nghị Hoa Kỳ “công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường” (bỏ đi “xã hội chủ nghĩa”) là hoàn toàn đi ngược với “cương lĩnh của Đảng”

Chưa hết, Khoản 1 Điều 51 Hiến pháp năm 2013 “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.”

Qua phân tích trên cho thấy Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân:

- Với tư cách là một đảng viên, đã làm trái với Cương lĩnh của Đảng;

- Còn với tư cách một công dân, đã vi phạm Hiến pháp của Nhà nước.

Rõ ràng các khái niệm “kinh tế thị trường” và “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là hoàn toàn khác nhau. Nếu như một người dân yêu cầu Đảng, Nhà nước từ bỏ “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà chỉ là “kinh tế thị trường” theo đúng quy luật phát triển của các nước phát triển trên thế giới thì tình trạng pháp lý của họ như thế nào ?

Hoặc là người dân theo đó mà yêu cầu bỏ đi cụm từ “xã hội chủ nghĩa” trong các danh xưng như “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, … !!!

Ông Hoàng Bình Quân qua đã Mỹ hơn một năm nay, nhiều báo đăng tải.

oOo

Nhìn nhận một cách khách quan của một người ngoài Đảng; cả hai ông Chu Hảo và Hoàng Bình Quân đều là cán bộ, đảng viên cao cấp:

- Trong khi ông Chu Hảo, xuất bản những quyển sách dịch từ tinh hoa, trí tuệ của nhân loại mà bị kỷ luật vì đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự biến hóa"; mang tính chất cá nhân.

- Thì ông Hoàng Bình Quân vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng; vi phạm Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước tác động tới xã hội lớn hơn nhiều. Lại không bị kỷ luật, không nghe thấy “trí thức xã hội chủ nghĩa” nào lên tiếng, góp ý.

Đúng là, làm dân không hiểu ý Đảng !

“tự biến hóa” là thuộc tính tự nhiên của con tắc kè.



_________________________________

Ghi chú:

(1) Điều 4, Hiến pháp năm 2013

(2) Trong bài này, từ “Đảng” (viết hoa) được hiểu là đảng Cộng sản Việt Nam

(3) Người người tiếc thương nhà văn Kim Dung - http://plo.vn/quoc-te/nguoi-nguoi-tiec-thuong-nha-van-kim-dung-800526.html

(4) Đề nghị Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam 



(5) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (6-1991) - http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/lich-su-dang/books-293020152480856/index-1930201524556568.html

(6) ghi chú trong câu này “thị đường” (không phải “thị trường): có thể lỗi chính tả của bài viết




Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân (phải) trao đổi với các đối tác Hoa Kỳ.