Sunday, February 5, 2017

Lãnh đạo cộng sản thương môi trường lắm cơ

Chim Biển (Danlambao) - Những năm vừa qua có thể xem là một chu kỳ đại họa của môi trường tại Việt Nam. Dẫu cho Bộ Tài nguyên Môi trường không đưa thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra trong công bố 10 sự cố môi trường nổi bật của ngành tài nguyên trong năm 2016. Nhưng chắc chắn đây được xem là thảm họa môi trường lớn nhất tại Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh thảm họa biển, việc chặt phá cây xanh tại một số tỉnh thành lớn như Hà Nội, Sài Gòn cũng được xem là một trong những tác nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Năm 2015 nhà cầm quyền Hà Nội chặt hạ hàng trăm cây xanh, trong có rất nhiều cây cổ thụ có độ tuổi 50, 60 năm. Với lý do phục vụ dự án đường sắt và hạ bỏ những cây bị sâu mọt đục khoét, cộng sản Hà Nội đã triệt hạ không thương tiếc mảng xanh của thủ đô.

Từ việc bao che cho thủ phạm gây ra thảm họa môi trường biển đến việc chặt hạ hàng trăm cây xanh đã cho thấy nhà nước cộng sản Việt Nam xem thường việc bảo vệ môi trường như thế nào. Khi hàng ngàn người biểu tình phản đối Formosa hay phản đối việc chặt cây xanh thì ngày lập tức nhà cầm quyền dùng vũ lực để giải tán các cuộc biểu tình. Thế nhưng cộng sản lại tỏ ra trân trọng việc gìn giữ và bảo vệ môi trường bằng việc kêu gọi người dân tham gia Tết trồng cây ngay trong những ngày đầu xuân của năm 2017.

Trần Đại Quang được xem là một kẻ có công lớn trong việc dẹp các cuộc biểu tình khi xua những tên côn an, an ninh, dân phòng, thậm chí là những tên trong lực lượng thanh niên tình nguyện “xuống đường” để trấn áp những cuộc biểu tình vì môi trường. Là kẻ cầm đầu trấn áp những người bảo vệ môi trường, nhưng Trần Đại Quang lại là người đưa ra lời kêu gọi toàn dân tham gia Tết trồng cây trong ngày 02/02/2017. Điều đáng nói là lời phát biểu ấy được đưa ra tại khu vực phục hồi môi trường của công trường than Đèo Nai (tp Cẩm Phà tỉnh Quảng Ninh). Cộng sản phá hoại môi trường để khai thác, để đầu độc người dân qua các dự án, các ký kết liên quan với Tàu cộng. Sau đó lại bày trò khôi phục môi trường vói lý do “phát động tết trồng cây đời đời nhớ ơn bác Hồ”.

Dĩ nhiên một khi Chủ tịch nước đưa ra lời kêu gọi với lý do hết sức thần thánh như thế thì các đồng chí cốt cán của cộng sản không thể nào im hơi lặng tiếng được. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, Hoàng Trung Hải, bí thư thành ủy Hà Nội khẳng định “thành phố đã quán triệt sâu sắc lời dạy của bác Hồ, vì lợi ích mười năm trồng cây”. Vì thế Hà Nội đã tổ chức lễ phát động tết trồng cây vào ngày 04/02 cùng với chỉ thị Hà Nội phải trồng thêm 430.000 cây các loại trong năm 2017 này. Về phía Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND Hà Nội đã cao hứng cho rằng "trồng đi đôi với chăm sóc và bảo vệ cây. Mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan cần nhận thức đầy đủ về tác hại của biến đổi khí hậu để tham gia trồng cây, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, góp phần tích cực bảo vệ môi trường sinh thái của Thủ đô và đất nước". Thật vô phước cho Thủ Đô ngàn năm văn hiến bởi những kẻ ra lệnh chặt phá cây xanh lại là những kẻ đứng ra tuyên truyền về lợi ích của việc trồng cây.

Cũng trong tư tưởng quán triệt lợi ích của việc trồng cây xanh, người đứng đầu bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia vào “công cuộc” khôi phục môi trường. Một bộ trưởng, một kẻ phủ nhận thảm họa môi trường biển tại miền Trung khi cho rằng đó chỉ là sự cố cũng đã lội bùn trồng cây. Trong buổi lễ mít tinh và trồng cây đầu xuân diễn ra tại tỉnh Thái Bình sáng ngày 05/02/2017, Trần Hồng Hà cùng hơn “500 anh em”, bao gồm cán bộ đại biểu, chiến sĩ bộ đội, học sinh... đã lội bùn trồng 5000 cây bần chua, cây trang tại vùng ven biển Thái Thụy. Bộ trưởng Trần Hồng Hà là người “có công” lớn khi xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến “sự cố” mội trường biển. Vị bộ trưởng bộ “Tài Môi” này đã can đam “kỹ luật, khiển trách và luân chuyển, điều động” những kẻ có liên quan sang đơn vị khác làm việc. Có lẽ lúc này người dân vùng biển miền Trung “thầm” cảm ơn vị bộ trưởng “có tài dùng môi” này đã quyết định xử lý sáng suốt sau vụ thảm họa môi trường.

Không ai biết mùa xuân có từ khi nào, cái Tết đầu tiên được tổ chức ra sao. Nhưng người Việt Nam ai cũng thấy Xuân năm nay cộng sản làm trò nhiều hơn Khỉ. Tết năm nay nhà nước xã hội chủ nghĩa “xếp hàng cả ngày” để chờ tới lượt mình khẳng định cho nhân dân thấy “đỉnh cao chí tuệ” của loài “cốt đột” đang cai trị loài người tại quê hương Việt Nam. Những ngày tết của năm Đinh Dậu đã qua, xin cầu chúc người dân Việt Nam trong năm tới sẽ đón một mùa Xuân trong sự đoàn tụ. Bởi đã hơn 86 năm rồi, kể từ khi cộng sản Việt Nam ra đời, người dân cả nước chưa khi nào được hưởng một cái Tết xum họp Nam Bắc, chùa từng có một mùa Xuân trọn vẹn không bóng dáng cộng sản.



Quảng Bình: Bất ngờ biểu tình yêu cầu cắt chức trưởng thôn Cồn Sẻ

 


TMĐ - Lúc 13h trưa ngày 05 / 02 /2017 (mồng 09 tết âm lịch) khoảng 1.000 người dân bất ngờ kéo đến trụ sở thôn và nhà trưởng thôn biểu tình yêu cầu minh bạch việc bồi thường cho những hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại nặng nề do Formosa xả thải làm chết cá hàng loạt lồng bè, hiện có 94 hộ nuôi cá, nhưng cán bộ địa phương chỉ bồi thường cho 79 hộ còn 15 hộ nuôi không được bồi thường!...

Ngoài ra số người lao động nuôi cá trong tổng số hộ cũng chưa đồng ý với cách tính bồi thường của nhà cầm quyền địa phương về thiệt hại lao động gần hơn 10 tháng qua. Bà con đã dùng loa và trống khua vang và hô khẩu hiệu "đả đảo" ...đừng mị dân...

Yêu cầu nhà cầm quyền bồi thường thỏa đáng cho người dân lao động nuôi cá bị thiệt hại do Formosa gây ra, nhiều bà con đang hoang mang số tiền bồi thường từ Formosa có phải đã vào túi ai?... mà đến nay vẫn còn nhập nhằng chưa chịu bồi thường cho người dân.

Cộng sản VN cống nạp thêm 19 ha đất cho Formosa

Toàn nhà chính của cty Formosa. Ảnh, chú thích: Đức Hùng
Bạn đọc Danlambao - Tỉnh Hà Tĩnh vừa chấp nhận “cống nạp” thêm cho Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thêm 19 ha đất tại 2 xã Kỳ Phương và Kỳ Liên (Thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh). Mục đích của việc “cống nạp” đất này nhằm để Formosa xây dựng khu nhà ở lâu dài tại đây.

Dự án xây dựng khu nhà ở lâu dài này được Formosa đầu tư khoảng 90 triệu USD. Quy mô gồm nhiều nhà cao tầng liền kề với khoảng 1.766 căn hộ, mỗi căn 2-3 phòng.

Theo một lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh (giấu tên) cho biết thì dự án này đã triển khai cách đây vài tháng tại xã Kỳ Liên. Tức là Formosa đã được chính quyền chấp nhận cho phép triển khai dự án này mặc cho thời điểm đó, nhân dân cả nước đang sôi sục xuống đường yêu cầu đóng cửa.

Hiện nay, chính quyền Hà Tĩnh vẫn đang đẩy nhanh, đẩy mạnh việc cướp đất của dân tại Kỳ Liên, Kỳ Phương để "cống nạp” đủ 19 ha đất cho Formosa xây dựng.

Formosa là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa môi trường biển tại 04 tỉnh miền trung. Hậu quả và di hại của thảm họa môi trường biển là vô cùng nặng nề và dài lâu đối với đất nước Việt Nam. Thế nhưng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không những quyết tâm bảo vệ mà còn cúi đầu để “cống nạp” thêm đất đai cho kẻ thù của nhân dân này. Phải chăng, không chỉ Formosa nhận lỗi, đảng nhận tiền, nhân dân nhận thảm họa mà hơn thế, nhà cầm quyền Việt Nam đang phải từng bước thực hiện Hiệp Ước Thành Đô 1990 – Sáp nhập Việt Nam vào Trung cộng vào năm 2020?


Mùi rác

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Thành phố vào xuân với một buổi sáng êm dịu, gió lạnh của mùa đông đã qua đi và cái nóng của muà hè vẫn còn xa. Trên con đường chính của thành phố, xe cộ qua lại tấp nập. Mọi người đều vội vã hơn ngày thường vì đã gần Tết. Anh phu rác gồng mình dùng hai tay kéo hai cái càng đưa chiếc xe rác đến chỗ đậu. Chổ đậu chỉ là lề đường, gọi là chổ đậu vì anh đã kéo một xe rác khác đến trước đó, vợ anh, con anh cũng đang ở đó. Anh kéo nón xuống, đưa tay quẹt những hạt mồ hôi trên trán, mỉm cười nhìn vợ. Chị vợ vội đeo găng tay, cầm cái cào nhỏ, nhanh nhẹn bới đống rác trên xe. Chị đã quen công việc. Ngày đầu tiên chị ra phụ chồng, chị lúng túng sử dụng cái cào, nhưng tệ nhất là cái mùi. Cái mùi nồng nặc từ rác, nhiều thứ đã phân huỷ do sức nóng để thành chất lỏng sền sệt, nó chảy ra một cách tự nhiên để hợp với đủ thứ rác khác tạo ra cái mùi không con người nào muốn ngửi. Chị đã muốn ngộp thở, quay mặt đi chỗ khác. Chồng chị đã vội quàng cho chị mạng che:

- Mới bắt đầu nó như dzậy. Từ từ em quen liền hà. Hổng sao đâu! 

Chị từ từ quen với nó thật. Những ngày mát mẻ, cái mùi rác cũng dịu đi, chị không cần mang che: 

- Mang vô khó thở quá trời. 

Anh chồng cũng lấy cái cào, căm cụi làm. Cặp mắt, bàn tay thành thạo, nhanh nhẹn họ chọn ra thứ nào còn có thể bán lại, còn có thể sử dụng được. Họ làm việc cần mẫn như những con kiến đang tìm mồi tha về tổ. Thỉnh thoảng họ ngừng, liếc nhìn đứa con gái đang chơi trên lề. Anh chị lấy nhau đã được năm năm, đứa con gái được ba tuổi. Nó được cha mẹ đặt trong cái mẹt dưới bóng cây. Trong cái mẹt có hai món đồ chơi anh chị đã mót được từ xe rác và anh đã kỳ cọ rửa sạch sẽ đêm hôm qua. Ngày gần Tết, con bé được mặc cái áo đầm mới màu trắng mà anh chị đã mua tối qua ở Big C. Khi ngồi xuống chơi, như người lớn, nó cẩn thận kéo áo lên cao, không để cái mẹt làm bẩn aó. Đấy thế giới bé bỏng của nó. 

Buổi chiều chị đưa con về trước, anh ở lại chờ chuyển rác cho xe lớn. Xong anh tay vác bao hàng đã chọn ra từ xe rác về. Hôm nay anh vui: 

- Bữa nay không đến nỗi tệ. Gần Tết người ta dọn dẹp cho sạch nhà nên cũng đỡ. 

Về đến nhà, chị vợ đã soạn xong cơm chiều. Anh khẽ đưa tay vờ chạm vào má con. Đứa nhỏ nheo mũi, hai tay nắm mép áo, bỏ chạy, cười nhạo: 

- Ba hôi quá… 

Anh bật cười. Phải đi tắm cho sạch mùi rác. 

Buổi tối, đứa nhỏ đã ngủ say. Anh nằm xuống cạnh vợ, ôm vợ vào hai tay: 

- Sao em không thay áo cho nó. 

Chị vợ mỉm cười, quấn chặt tay chồng vào người: 

- Em nói nó thay, nó khóc, hổng chịu. Nó mê cái áo mới quá. 

Anh có tài kể chuyện, vợ anh đã quen nên nhắc: 

- Anh kể lại cho em chuyện cổ tích bửa trước. Em thích nó. 

Anh cười, giọng anh êm như giòng suối chảy rì rào: 

“Ngày xửa, ngày xưa có ông bán ve chai. Ổng người Việt gốc Hoa. Mọi buổi sáng trời nóng cũng như lạnh, ông quẩy hai cái gánh lên vai, rảo bước qua mọi con đường mà ông như thuộc lòng: 

- Ai có ve chai bán hông... Ai có ve chai... 

Ngày qua ngày, căn nhà lụp sụp cạnh bờ sông của ông như khu chứa đồ rác, nào chai lo cũ, bao ny lông, sách báo cũ... Ông sắp sếp ra từng món riêng, có món chất cao quá đầu người. Rồi ông gọi người đến bán. Công việc làm ăn từ từ khấm khá, nhiều người gánh ve chai đến bán hàng cho ông, ông đứng giữa ăn hoa hồng. Ông bớt tự gánh đi mua hàng, dùng nhiều thời gian để phân loại, xếp gọn hàng… 

Sau 1975, cửa hàng ve chai trống vắng, người ta tiết kiệm hoặc không còn gì để bán ve chai nữa. Ông đã luống tuổi, ông ngày ngày thẩn thờ ngồi trước nhà như chờ đợi. Chờ đợi gì? Chắc không. Ông chỉ ngồi và nhớ về ngày xưa. 

Năm 1979, người gốc Hoa được đăng ký đi bán chính thức. Một người phải trả cho nhà nước trên 10 cây vàng, một số tiền rất lớn không dễ kiếm ra. Mọi người vô cùng ngạc nhiên khi ông cho biết hai đứa con vừa trưởng thành đã được ông cho đi vượt biên bán chính thức: 

- Tui nó li tàu sắt đàng hoàng. Ló công an canh gác, “canh me” hổng được cho lên lâu. 

Người ta hỏi sao ông không đi. Ông mỉm cười, lắc đầu: 

- Ngộ lâu có nhiều tiềng. Lủ cho hai lứa thôi. Mình già dồi. 

Nhưng bẩy tám năm sau, ông và vợ lên máy bay xuất ngoại theo diện gia đình đoàn tụ. Qua xứ sở ấy ông như lạc vào xứ thần tiên. Ông không trở lại nghề ve chai. Hai vợ chồng già chỉ an hưởng tuổi già, buổi sáng hay chiều đưa nhau đi bộ trên những con đường đầy bóng cây. Thỉnh thoảng ông thấy một hai chiếc xe rác. Một ngày trong tuần, người ta kéo thùng rác để trên bãi cỏ trước nhà, thường một thùng cho rác, một thùng cho rác tái chế. Trên xe rác chỉ có người lái xe, những thùng rác được tự động nâng lên, lắc hết rác, tự động hạ thùng rác xuống. Ông mỉm cười: 

- Đổ rác kiểu này sao có nghề ve chai như mình." 

Anh chồng ngừng kể chuyện, vợ anh đang ngáy đều. Anh không ngửi thấy mùi rác từ vợ. Anh chìm vào giấc ngủ, mỉm cười. Trong giấc mơ, anh đang lái xe rác trên xứ thần tiên trong chuyện cổ tích. Ngồi trong buồng lái, ăn mặc tươm tất, sạch sẽ, quần aó còn mùi thơm từ xà bông giặt, anh đưa tay nhấn nút, cái càng trên xe rác từ từ hạ xuống nhấc thùng rác lên… 

*

Ông cầm quyển sách lên mũi ngửi. Ông yêu cái mùi từ quyển sách quá. Được gần quyển sách từ lúc còn nhỏ, ông quen với cái mùi ấy. Nó trở thành cái mùi không thể tách rời khỏi cuộc sống, thà chết chứ không ai bắt ông phải sống xa nó. Ở xứ tây phương, quyển sách mang cái mùi này người ta đã đem bán ve chai hay quăng nó vào thùng rác. Mỗi lần nghĩ đến chuyện này, ông lại lầm bầm: 

- Cứ quăng vào thùng rác đi. Có ngày nó thành đồ cổ quí và hiếm, giá cao hơn bình cổ thời Khang Hi, lúc đó bọn bay có tiếc đến mà vỡ tim. 

Ông tạm ngưng hít hà cái mùi sách vì có tiếng điện thoại reo. Ông sẳng giọng sau khi nghe báo cáo từ đầu dây bên kia: 

- Nó viết sặc mùi phản động. Sao không đưa nó ngay vào tù. 

Ông gỡ mắt kính xuống, nghe có vẻ lơ đảng. Đột nhiên, bật cười: 

- Đồng chí nói gì? Chuyện cổ tích trên xứ thần tiên à. "Hiến pháp đã thắng thế. Không ai ở trên luật pháp, kể cả tổng thống!". Đồng chí nên trở lại thực tế của Cộng Hoà Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam nhé! Đảng trên hết, đảng ra hiến pháp, luật pháp, đảng nắm toà án, công an. Đồng chí gọi ngay cho Chánh Ngửa, kết án thằng viết blog phản động tối thiểu 10 năm tù. Rõ chửa? Đảng phát động chiến dịch đánh phản động đến mức cao điểm, tránh “tự diễn biến, tự chuyển hóa” làm hại đến đảng, đến quyền lực của chúng ta. 

Đặt điện thoại xuống, sực nhớ chuyện cổ tích, ông bực bội lẩm bẩm: 

- Con mụ vợ lại trốn đâu rồi. Tối đi ngủ nghe chuyện cổ tích thiên đường cộng sản thì cứ ngáp tới ngáp lui. Không tiến bộ tí nào. Bên cái bóng dáng vỹ đại của ông chồng cứ yên phận làm cái bóng mờ. Mấy đứa con cũng không khá hơn. Nghe bố nói chuyện cổ tích thiên đường cộng sản là cứ ngơ ngơ, ngác ngác. Đầu óc như thế làm sao trèo lên bí thư này, bí thư nọ với người ta kia chứ. Chả có ai thèm nghe chuyện cổ tích của mình. Thôi đi ngủ. 

Ông ngủ, mỉm cười trong mơ. Ông thấy mình bước trên con đường gập ghềnh, phía trước sương mù đang che khuất. Một người đứng cạnh ông cúi xuống, nhìn ông mỉm cười, hàm răng khấp khểnh, màu vàng nâu lẫn lộn, mùi thoát như mùi rác, y như mùi sách Mác Lê mà ông ấp ủ. Ông sung sướng như chưa có bao giờ trong đời: 

- Bác đưa cháu lên thiên đường. Thiên đường của Mác Lê đấy. 

Bác nắm tay cháu, tay Bác lạnh quá: 

- Ừ, để Bác đưa cháu lên thiên đường. Đường mịt mờ và còn xa vời vợi. Nhưng phải đi thôi cháu. Không đi sao có Tổng Bí Thư, sao có đảng? 



Việt Nam mơ trở thành công xưởng của hành tinh

Trọng Nghĩa 
Theo RFI-04-02-2017 15:13 
media
 Ảnh chụp ngày 21/10/2015. Reuters/Kham 
Nguyệt san Le Monde Diplomatique, số tháng Hai 2017, có một bài đặc biệt về Việt Nam : « Việt Nam mơ trở thành xưởng thợ của hành tinh », trong lúc đó thì các tuần báo Pháp lại cuốn vào những diễn biến sôi động trên chính trường Pháp - đặc biệt là vụ được mệnh danh là Penelopegate, liên quan đến việc phu nhân ứng viên tổng thống sáng giá của cánh hữu François Fillon bị nghi ngờ được chồng lấy công quỹ trả lương trong nhiều năm trời, cho công việc « trợ lý nghị sĩ » không có thật. Một hồ sơ khác cũng thu hút chú ý là các quyết định gây tranh cãi của tân tổng thống Mỹ Donald Trump, nhất là những điều được cho là ý đồ không tốt đối với châu Âu.
Mở đầu một phóng sự dài về kinh tế Việt Nam trong nguyệt san Le Monde Diplomatique, tác giả Martine Bulard ghi nhận là trong không đầy 40 năm, dân chúng Việt Nam đã cải thiện được mức sống : Không còn thiếu ăn, thanh niên miệt mài trên các mạng xã hội, phim Nhật Bản và Hàn Quốc là món giải trí trong các gia đình… Chỉ có điều kiện lao động là còn rất khó khăn và kinh tế ngày càng lệ thuộc vào nước ngoài. Hy vọng của chính quyền Việt Nam có quan hệ đối tác ưu đãi với Mỹ có thể sẽ không thành.
Tác giả bài viết minh họa nhận định của mình qua những cuộc gặp với giới doanh nhân Việt Nam, cụ thể là trường hợp lãnh đạo một công ty may xuất khẩu tại Bắc Giang, tên tiếng Anh là Bac Giang Garment Corporation (BGGC), có những khách hàng là các đại tập đoàn nước ngoài : Gap của Mỹ, Uniqlo của Nhật hay Zara của Tây Ban Nha.
Dệt may xuất khẩu phát đạt
Đây là một công ty mà dân chúng Việt Nam ít biết đến vì sản phẩm làm ra, theo quy định của hợp đồng, không bán trên thị trường nội địa để giữ giá trị của nhãn hiệu. Vả lại với đồng lương tháng 5 triệu đồng cho 6 ngày làm việc, thì các công nhân ở đấy không tài nào mua nổi sản phẩm mà họ làm ra. Cách đây 10 năm, tức trước thời kỳ tư hữu hóa, một từ ngữ ở đây không ai dùng, BGGC chỉ có một xưởng, thu dụng 350 người. Bây giờ thì công ty đã phát đạt lên với 5 cơ xưởng và 14.000 nhân công, đơn đặt hàng đầy ắp.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công, đặc biệt là các đại tập đoàn Nhà Nước bị thua lỗ nặng dù đã cổ phần hóa hay không. Một luật sư xin giấu tên, giải thích đó là do họ vừa không có kinh nghiệm, vừa tham nhũng. Một ví dụ điển hình là Petro Vietnam, mà nhiều lãnh đạo đã phải từ chức do thua lỗ quá nặng. Dĩ nhiên là có những thành công ngoạn mục hiếm hoi, như Vingroup mà chủ tịch tổng giám đốc là tỷ phú Việt Nam duy nhất trên danh sách tạp chí Forbes, hay Viettel của quân đội và tập đoàn Vinamilk với vốn nước ngoài, trong đó có một quỹ đầu tư của Singapore.
Vị luật sư Việt Nam xin giấu tên so sánh : Trước kia doanh nhân Việt Nam bơi trong một cái ao rất hẹp, cái ao làng, nhưng bây giờ trước mặt họ là đại dương, một đại dương dậy sóng tự do mậu dịch và cạnh tranh khốc liệt.
Công ty may mặc BGGC đã kinh qua khó khăn : « Để giảm bớt chi phí, một số khách hàng không ngần ngại dùng Việt Nam để đối đầu với Trung Quốc và cũng sử dụng Trung Quốc để đối phó với Việt Nam ». Và Việt Nam đã phải cắt xén nhiều khoản chi tiêu để thực hiện các hợp đồng và giữ khách hàng.
Chẳng hạn như Uniqlo đã ngưng cung cấp hàng choTrung Quốc để chuyển sang Việt Nam. Lever Style, một nhà cung cấp khác của nhãn hiệu Nhật Bản đã giảm 1/3 nhân công Trung Quốc và dự kiến sản xuất 40% sản phẩm ở Việt Nam từ đây đến 2020, trong lúc mà họ vắng bóng ở Việt Nam cách đây 6 năm.
Từ đầu thập niên này các nhãn hiệu lớn quốc tế và giới gia công của họ dần dần rời bỏ Trung Quốc, như tập đoàn Đài Loan Bảo Thành (Pou Chen) gia công cho Adidas, Nike, Puma, Lacoste..., đã đầu tư hơn 2 tỷ đô la vào khu công nghiệp chung quanh Thành Phố Hồ Chí Minh. Phó chủ tịch Hiệp hội các công ty vải sợi - may mặc Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm cho biết là 65% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm của các công ty vốn nước ngoài hay của đơn đặt hàng từ nước ngoài.
Nhân công rẻ và TPP từng là hấp lực
Cũng như phần đông lãnh đạo kinh tế Việt Nam, ông Cẩm chờ đợi nhiều nơi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Dựa trên đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới, giới dệt may chờ đợi là thị phần thế giới của họ tăng mạnh, từ 4% hiện nay lên 11% vào năm 2025, xuất khẩu như thế sẽ tăng 18%. Lãnh đạo Việt Nam dự kiến khoản tăng thêm của tăng trưởng từ 0,8% đến 2% mỗi năm trong thập niên tới.
Triển vọng tốt đẹp này đã góp phần làm cho số công ty nước ngoài đến Việt Nam tăng vọt những năm gần đây. Dĩ nhiên nhân công giá hạ cũng góp phần không nhỏ, như giải thích của hai ông Shimizu và La Văn Tranh, lãnh đạo công ty Nhật Foster Electric sản xuất micro cho iPhone : « Công nhân Việt Nam có tính cạnh tranh cao. Khởi đầu thì họ không được đào tạo tốt, nhưng họ học hỏi rất nhanh. Chúng tôi sử dụng 30.000 người và lương tháng căn bản chỉ xoay quanh 150-200 đô la trong khi trung bình ở Trung Quốc là phải 650 đô la. Chúng tôi như thế tiết kiệm rất nhiều ».
Không chỉ có Foster giảm hoạt động ở Trung Quốc, Samsung cũng vậy và đã đầu tư 15 tỷ đô la, sử dụng 46.000 nhân công. Cả một thành phố nhỏ ! Và còn có Foxconn, Apple, Canon…
Nhưng không chỉ do nhân công rẻ, mà còn các dự kiến giảm thuế quan ở Mỹ và trong 11 nước khác của TPP, bỏ hoàn toàn vào năm 2025. Các nhà thương thuyết Mỹ cũng đưa ra một quy tắc là các sản phẩm xuất khẩu phải do Việt Nam hoàn toàn sản xuất hay từ những sản phẩm do các đối tác trong hiệp định TPP sản xuất, không còn chuyện lắp ráp tại đây những yếu tố sản xuất ở bên ngoài khối.
Với trợ giúp của Mỹ và hiệp định TPP, theo Le Monde diplomatique, Việt Nam nhìn thấy tương lai của mình trong tư thế xưởng sản xuất thứ hai của thế giới, sẵn sàng giành thị phần của Trung Quốc.
Donald Trump phá hy vọng của Việt Nam
Nhưng việc tân tổng thống Mỹ Donald Trump chống lại TPP có thể thay đổi ván cờ. Bài báo nhắc lại sự kiện vào tháng 11 vừa qua, màn hình đài CNN xem tại Việt Nam có lúc bị một tấm bảng màu xanh che khuất với dòng chữ : « Vì nội dung không thích hợp ». Sau này mới biết là tổng thống tân cử Mỹ đã chỉ trích « hàng giả rẻ của Việt Nam » đe dọa tràn ngập nước Mỹ. Cho nên CNN đã tránh cho khán giả Việt Nam nghe thấy những lời tố cáo không hay ho này.
Trước mắt lãnh đạo Việt Nam hy vọng là các tập đoàn Walmart, Nike, Apple, Microsoft v.v có thể làm cho tổng thống Mỹ hiểu rõ hơn hay ít ra áp đặt một hiệp định song phương. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc lại trước Quốc Hội, ngày 18/11, là Việt Nam đã ký 12 hiệp định tự do mậu dịch và sẽ tiếp tục con đường hội nhập dù có TPP hay không.
Hiện tại đầu tư vào Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia Châu Á , theo thứ tự : Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thủ tướng Việt Nam cũng nhìn đến hiệp định ký với Châu Âu mà Quốc Hội Pháp đã thông qua tháng 6/2016.
Hà Nội đặt hy vọng tăng trưởng vào « tất cả vì xuất khẩu » và đầu tư nước ngoài với những điều kiện bằng vàng : miễn thuế trong vòng 4 năm đầu, giảm một nửa thuế trong 9 năm sau, điều kiện dễ dàng về mặt bằng - bất kể thiệt thòi cho nông nghiệp, cộng thêm trợ giúp của chính phủ về cơ sở, thủ tục hành chính đơn giản, v.v… bấy nhiêu yếu tố ưu đãi mà các nhà đầu tư khó cưỡng lại, ngay cả trong khu vục.
Nhưng cái gì cũng có mặt trái. Mặt trái ở đây đối với Việt Nam là sự lệ thuộc vào nước ngoài chưa kể vấn đề phá hoại môi trường.
Ngoài ra, các tập đoàn nước ngoài nắm 2/3 xuất khẩu. Tác giả trên Le Monde Diplomatique ví von : Samsung hiện chiếm 60% hàng điện tử bán ra nước ngoài của Việt Nam. Nếu tập đoàn Hàn Quốc bị ho, như với vụ pin của Galaxy Note 7 bị cháy, thì Việt Nam sẽ bị cảm ngay.

Đinh Dậu, mùa Xuân 'hy vọng của đổi mới'

Quốc Phương BBC Tiếng Việt 

1 giờ trước  


Hình ảnh Việt NamBản quyền hình ảnhPHOTO NGUYEN LAN THANG/BBC
Image captionTết nguyên đán và đầu Xuân luôn là những dịp đặc biệt cho các lễ hội và hoạt động gắn kết cộng đồng ở Việt Nam.

'Tất cả các năm Đinh Dậu trong lịch sử Việt Nam đều báo hiệu một điều thay đổi, vì vậy cho nên chúng ta có thể hy vọng vào sự thay đổi', đó là điều mà một nhà nghiên cứu Hán Nôm, đồng thời là chủ blog 'Chú Tễu' chia sẻ trong một chương trình mạn đàm đầu Xuân với BBC Việt ngữ hôm 05/2/2017.
Tán thành với một khách mời cùng dự cuộc tọa đàm hôm Chủ Nhật, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện từ Hà Nội nói:
"Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà văn Võ Thị Hảo khi nói rằng đất nước Việt Nam hiện nay đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhất là về kinh tế, văn hóa và xã hội.


"Điều này đòi hỏi là những nhà lãnh đạo cần phải thay đổi. Nếu không tạo ra một sự thay đổi... trên một cục diện lớn, sẽ làm cho đất nước Việt Nam ngày càng chìm đắm vào trong một sự lạc hậu, cổ hủ, nghèo nàn và bất công trong xã hội ngày càng lớn.
"Và sự thay đổi này đang đặt ra như một tối hậu thư đối với những nhà lãnh đạo và nếu như không có sự thay đổi thì đất nước Việt Nam sẽ ngày càng đi xuống, một cách như là xuống dốc không phanh," nhà nghiên cứu Hán Nôm và Ca Trù nói với BBC.

'Tín hiệu đổi mới'

Mới đây nhân đón Tết nguyên đán và trong dịp đầu Xuân Đinh Dậu, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam ở trung ương và địa phương đã xuất hiện trên truyền thông, trong đó có nhà lãnh đạo xuống ruộng cày máy, có vị tham gia trồng cây, có vị chuẩn bị tham dự lễ phát ấn, trong lúc các vị khác tranh thủ đầu Xuân năm sớm đưa ra các chỉ thị, chỉ đạo như ở Hà Nội là yêu cầu chấm dứt nhanh không khí vui Tết, còn tại Sài Gòn là ngăn chặn bảo kê thu mua sữa ở Củ Chi v.v...

Việt Nam NamBản quyền hình ảnhPHOTO NGUYEN LAN THANG/BBC
Image captionĂn Tết xong, người dân mọi miền ở Việt Nam lại bắt tay trở lại nhịp sống thường nhật.

Bình luận về 'tín hiệu đổi mới' nhân năm mới và liên quan vài khía cạnh ở trên, nhà văn Võ Thị Hảo từ Berlin, CHLB Đức nói với BBC:
"Một tín hiệu nói rằng nếu không đổi mới sẽ chết, bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam phải làm việc đó như thế nào?
"Họ có thực lòng hay không, hay chỉ là đổi mới râu ria, để rồi tình hình lại tệ hơn và chế độ, hệ thống tư bản thân hữu, hệ thống tư bản 'hoang dã, man rợ', hiện nay đang 'thoán đoạt' những lãnh đạo ở Việt Nam, thì nó sẽ còn tàn hại người Việt Nam đến mức nào?


"Và chữ 'chủ nghĩa tư bản thân hữu' không phải là từ của tôi nghĩ ra, đấy là từ đăng trong một Tạp chí Cộng sản năm 2015 của ông Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, họ đã nhận ra, nhưng mà từ đó, họ vẫn không làm. Vậy thay đổi bây giờ là thay đổi như thế nào?
"Tôi quan tâm đến những việc đó hơn, còn những chuyện đi cày ruộng hay là trồng cây, tất cả những trò đó đều hết sức hình thức và 'vớ vẩn'.
"Cái quan trọng nhất là hãy cứu nước Việt Nam và tôi nghĩ rằng những người lãnh đạo đừng nghĩ rằng họ không phải là nạn nhân của thể chế Việt Nam hiện nay và trong khi cứu nước thì họ cũng phải tự cứu mình. Tôi nghĩ điều đó quan trọng hơn," nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo chia sẻ với BBC từ thủ đô nước Đức.
Mời quý vị bấm vào các đường dẫn sau đây để theo dõi thêm một số trao đổi, mạn đàm đầu năm Đinh Dậu giữa BBC Việt ngữ với một số văn nghệ sỹ và nhà nghiên cứu nhân dịp Xuân về.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện
Image captionKhách mời, TS. Nguyễn Xuân Diện với một bộ nam phục truyền thống 'khăn xếp, áo the' tham gia cuộc mạn đàm đầu Xuân với BBC.

Hơn 1,000 bà con ngư dân Cồn Sẻ biểu tình yêu cầu nhà cầm quyền đền bù thoả đáng

Hơn 1,000 bà con ngư dân Cồn Sẻ biểu tình yêu cầu nhà cầm quyền đền bù thoả đáng
Vào khoảng 13 giờ chiều ngày 05 tháng 02 năm 2016, khoảng hơn 1,000 người dân giáo xứ Cồn Sẻ ở xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tuần hành, biểu tình để yêu cầu nhà cầm quyền địa phương đền bù thoả đáng cho bà con ngư dân.
Anh Mai Văn Tám cho phóng viên SBTN biết: “hôm nay, nhà cầm quyền đã tiến hành chi trả một số khoản đền bù trong vụ thảm hoạ môi trường. Tuy nhiên, còn nhiều khoản mà họ không chi trả cho bà con ngư dân. Đặc biệt, có 14 gia đình có tàu thuyền đánh bắt hải sản không được đền bù thoả đáng nên không chịu nhận. Và toàn bộ người lao động phổ thông cũng không được nhà cầm quyền hỗ trợ tiền thất nghiệp như đã cam kết. Vì vậy mà bà con rất bức xúc nên đã biểu tình để yêu cầu nhà cầm quyền minh bạch trong các khoản đền bù và chi trả đúng như những gì đã hứa với dân”.
Được biết, đông đảo bà con ngư dân đã cầm các banner có biểu ngữ: “yêu cầu cán bộ thôn tôn trọng ý kiến của dân”, “yêu cầu đền bù thoả đáng, minh bạch, công khai”, “chúng tôi sẽ không dừng lại nếu không đền bù thoả đáng”, “chúng tôi không phải là những chú bò nên đừng mị dân”,… và tuần hành quanh khu vực địa phương giáo để bày tỏ chính kiến của người dân.
Nhà cầm quyền đã huy động lực lượng công an xã, cán bộ thôn theo dõi tình hình, yêu cầu người dân giải tán không tụ tập đông người.
Người dân nơi đây nói sẽ tiếp tục biểu tình trong những ngày tới, để yêu cầu nhà cầm quyền địa phương phải đền bù chính đáng thì mới dừng lại.
Kể từ sau thảm hoạ môi trường xảy ra hồi tháng 04/2016 vừa qua do công ty Formosa gây ra đối với bốn tỉnh Miền Trung, bà con ngư dân giáo xứ Cồn Sẻ là một trong những vùng chịu thảm hoạ nặng nề nhất.
IMG_1409
IMG_1413
Nguyên Nguyễn/SBTN

Đà Lạt đang ‘bán rẻ’ mình vì khách Trung Quốc

Nguyễn Vĩnh Nguyên/Người Việt
04-02-2017
Hình ảnh từng đoàn du khách Trung Quốc đi trên đường nay trở nên quen thuộc tại các thành phố du lịch ở Việt Nam. (Hình: Getty Images)
ĐÀ LẠT (NV) – Trong dịp tết Nguyên đán 2017, nhiều du khách từ Sài Gòn lên du xuân Đà Lạt đã phải dùng đến cách nói “Đà Lạt thất thủ” để kể chuyện khách bình dân Trung Quốc “đổ bộ” vào thành phố này, gây ra cảnh nhếch nhác, chen lấn, thiếu văn minh.
Đà Lạt đang và sẽ đánh mất mình nhanh hơn, vội hơn trước làn sóng du lịch bình dân đến từ Trung Quốc khi đường bay Vũ Hán – Đà Lạt hoạt động thường xuyên mỗi tuần ba chuyến?
Một giờ sáng ngày 18 Tháng Mười Hai, 2016, 229 hành khách Trung Quốc đáp xuống phi trường Liên Khương.
Lâm Đồng Online, tờ báo của đảng Cộng Sản địa phương hôm sau loan tin: “Đây là chuyến bay đầu tiên giữa Đà Lạt và Vũ Hán (Trung Quốc) được Cục Hàng Không Việt Nam (Bộ Giao Thông Vận Tải) cấp phép bay, theo đề xuất của Công Ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) với tấn suất ba chuyến/tuần, thời gian bay 3 giờ 30 phút.”
Bản tin trên cũng giải thích thêm: “Khách từ Vũ Hán đến Đà Lạt do nhiều công ty lữ hành phía Trung Quốc gom tour và giao cho các công ty có trụ sở hoặc chi nhánh tại Nha Trang đón và hướng dẫn.
Lượng khách từ Trung Quốc đến Việt Nam theo đường cảng hàng không Cam Ranh quá đông (có đêm tới 30 chuyến), nên các công ty lữ hành vận chuyển khách qua cảng hàng không Liên Khương theo lịch trình 6 ngày 5 đêm (lưu trú ở Đà Lạt 1 đêm, ở Nha Trang 3 đêm và quay trở về Đà Lạt 1 đêm trước khi bay về Trung Quốc).”
Gần hai tháng qua, lịch trình trên cố định, Đà Lạt là điểm lưu trú qua đêm của khách Trung Quốc đến từ Vũ Hán trong chương trình tour đặt trọng tâm vào Nha Trang. Tuy nhiên, chỉ hai đêm lưu trú tại Đà Lạt của khách Trung Quốc cũng đủ khiến cho những người hiểu đặc thù giá trị của Đà Lạt lo âu. Nhiều lời bình luận, ta thán, chia sẻ ưu tư trên mạng xã hội ngay từ khi thông tin đường bay trên được chính thức công bố đã nói lên điều đó.
Nhưng trên thực tế, Đà Lạt sẽ thực sự bị đe dọa bởi “chiến lược” khai thác du lịch nói trên?
Muốn trả lời câu hỏi này, phải trở về với lịch sử khai thác du lịch gắn với các giá trị Đà Lạt trong quá khứ.
Khởi sinh, Đà Lạt là một thành phố được người Pháp kiến tạo từ hình mẫu đô thị phương Tây. Cụ thể hơn, đó là một thành phố kiểu Pháp bỗng hiện ra tráng lệ trên miền núi đồi cao nguyên Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng của quan chức, sĩ quan, binh lính, thương gia người Pháp. Điều kiện khí hậu ôn đới giữa xứ nóng cũng giúp người Pháp ở Đông Dương tránh được những bệnh dịch miền ở nhiệt đới và không gian đô thị hài hòa với thiên nhiên ít nhiều tạo ra cảm giác gần gũi, giúp tâm trí họ nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.
Cùng với công sở hành chính, dinh thự các quan chức, giới thượng lưu, thì biệt thự, khách sạn nghỉ dưỡng cũng mọc lên trong khoản từ 1920-1940 phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp của người Pháp và người Việt giàu có ở vùng đồng bằng, cụ thể là Sài Gòn. Những phẩm chất giàu có (thậm chí có bề xa xỉ), lịch lãm, sang trọng, thịnh vượng về sau mà chúng ta vẫn nhắc lại như một sự tiếc nuối là được hình thành từ không gian du lịch trải nghiệm và một cấu phần quan trọng khác – đó là sinh hoạt văn hóa, giáo dục mà Đà Lạt đã từng có trước đây.
Đà Lạt đang 'bán rẻ' mình vì khách Trung Quốc
Máy bay chở đoàn du khách Trung Quốc đáp xuống phi trường Liên Khương, tối 18 Tháng Mười Hai, 2016. (Hình: TTXVN)
Một thời, người miền đồng bằng giàu có đã có tâm lý ưa thích đưa con cái đi học nội trú ở Đà Lạt ngoài việc bọn trẻ được thụ hưởng chương trình giáo dục khai phóng ở những trường Tây, còn là cái cớ để cuối tuần lái xe vượt núi đèo đi thăm con, tận hưởng khí hậu mát mẻ, sự tĩnh lặng và bình yên ở thành phố cao nguyên.
Những thanh niên chọn Đà Lạt làm nơi theo đuổi nghiên cứu học hành, ngoài chuyện các trường viện ở đó là nơi có đời sống nghiên cứu cởi mở, đa nguyên, tiến bộ, thì Đà Lạt cũng hấp dẫn họ bởi không gian thiên nhiên và nhân văn lý tưởng để trải qua những năm tháng thanh xuân của cuộc đời.
Trong quãng thời gian học hành, họ như những du khách dài hạn của Đà Lạt. Thời Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa (1954-1975), nhiều trí thức lớn của miền Nam cũng chọn gắn bó với Đà Lạt thông qua những hợp đồng cộng tác giảng huấn, để có thời gian nghỉ dưỡng, không gian tịnh mặc dành cho suy niệm, sưu khảo học thuật. Nghệ sĩ thì chọn Đà Lạt làm nơi du ngoạn, sáng tạo, trải nghiệm một đời sống khác lạ,…
Như vậy, theo đó, là cả một hệ hình phát triển đặc thù, biến Đà Lạt trở thành thành phố du lịch của giới thượng lưu và trí thức!
Cung cách bặt thiệp, khiêm cung, tao nhã và quý trọng du khách trong nếp dịch vụ du lịch ở Đà Lạt đã được hình thành từ đó. Những chụp giật, bon chen, xô bồ, lừa lọc tầm thường nhất thời lập tức bị đào thải khỏi hệ sinh thái thị trường tương đối thuần nhất. Cũng đã có những thời kỳ, (như thời thực dân và Hoàng triều cương thổ) thành phố này còn tìm cách tự “thanh lọc” mình bằng việc xây dựng những quy chế thị thực “nhập cảnh” để ngăn chặn bệnh dịch, thành phần bất hảo, chọn lọc thành phần nhập cư, giữ cho môi trường sống được trong sạch, thanh bình!
Đó là câu chuyện trước 1975.
Sau 1975, Đà Lạt vẫn là một thành phố du lịch. Nhưng khuynh hướng hoàn toàn thay đổi.
Đây không còn trội lên với tư cách một thành phố du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, một đặc khu văn hóa và giáo dục nữa vì những chính sách phát triển cào bằng, phân loại quy mô đô thị bằng các chỉ số cơ sở vật chất mà bỏ qua thước đo nền tản văn hóa và sinh hoạt tinh thần.
Chức năng đô thị trong quá khứ làm nên sắc vóc đã bị phá hủy, vùi chôn, cộng với các làn sóng nhập cư ồ ạt, sự tranh giành sở hữu nhà cửa, bất động sản của nhóm nắm quyền, Đà Lạt đã bị phá nát từng ngày, kháng thể văn hóa thành phố không còn đủ để có thể tự “thanh lọc” mình như một đô thị “tự trị” và thuần nhất nữa.
Khách sạn bình dân, dịch vụ du lịch rẻ tiền mọc lên khắp nơi phục vụ cho nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng của đại chúng. Không phải đến bây giờ, cung cách làm dịch vụ du lịch của người Đà Lạt mới có biến chuyển mạnh và “mất gốc,” mà ngay từ thời bao cấp, đổi mới (từ 1986) đã có nhiều dấu hiệu manh mún, lộn xộn, xô bồ, bừa bãi.
Nét thanh lịch xưa cũ nhỏ nhẹ lịch duyệt, hướng đến sự thanh cao, phẩm tính văn hóa… phai nhạt đi, thay vào đó là một kiểu làm ăn hướng đến số đông, những tính toán đoản hạn, chộn rộn, thiếu bền vững.
Đà Lạt đang 'bán rẻ' mình vì khách Trung Quốc
Một góc đường hoa ở trung tâm thành phố Đà Lạt. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Cùng với sự đi xuống của môi trường nhân văn là sự sa sút và khủng hoảng của môi trường tài nguyên thiên nhiên.
Đà Lạt đông, ồn, chật, phẳng, nóng. Và rẻ. Tất cả các yếu tố đó đã góp phần “dọn đường” cho những xu hướng du lịch bình dân Trung Quốc, mà chúng ta thấy, chuyến bay Vũ Hán – Đà Lạt là một dẫn chứng tàn nhẫn và kinh khủng. Cách làm du lịch trong dân cũng thay đổi theo chiều hướng xấu. Mỗi mùa lễ tết, người Đà Lạt làm dịch vụ lưu trú tha hồ “chém đẹp” khách thập phương. Cần nhớ lại khoảng giữa năm 2016, nhà hàng Thanh Thủy tại bờ Hồ Xuân Hương đã có chuyện nhân viên nhà hàng này niềm nở với khách Trung Quốc nhưng thiếu ân cần với khách Việt Nam!
Giấc mộng phồn hoa trở về làng xã khi những kẻ nắm quyền tư duy hẹp hòi, tư lợi, thiếu tầm nhìn phát triển. Sự đeo đuổi khuynh hướng du lịch “đếm tiền lẻ” từ hơn 40 năm nay là sự chuẩn bị hợp lý để cái ngày thành phố hoa đào đón làn sóng du lịch bình dân Trung Quốc hôm nay âu là chuyện nhân quả dễ hiểu!
Nhưng là một thành phố sang trọng và tươi đẹp, Đà Lạt ngày càng cho thấy sự liệt kháng và đánh mất giá trị của mình, một khi tư duy những người tạo ra chiến lược tổng thể về phát triển mang tư duy tiểu nông, chậm tiến. Du lịch chỉ là một mảnh nhỏ trong cấu phần suy thoái đó.
Sự đọa đày thương tổn sẽ còn diễn ra trên từng phần cơ thể Đà Lạt, như Nha Trang, như Đà Nẵng hay Sapa đã từng, một khi những người nắm quyền ở thành phố này đánh mất, coi rẻ chính những giá trị sang cả của đô thị đã từng có trong quá khứ!
Mỗi tuần, hãng bay giá rẻ Vietjet Air sẽ đưa trên 600 khách đến Đà Lạt. Họ sẽ đi du ngoạn, ăn hải sản và vùng vẫy càn quét ở các bờ Nha Trang, ba ngày đêm và đi dạo, tiêu xài, xả rác, chen lấn và hít thở khí trời Đà Lạt hai đêm. Không kỳ thị hay phân biệt, nhưng tập tính du lịch bình dân Trung Quốc thì cả thế giới hôm nay đâu còn lạ gì. Cũng đã quá nhiều dẫn chứng “đau thương” xảy ra ở Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long và nhiều nơi khác trên toàn cầu để giúp ta nhận diện rõ những ảnh hưởng mà nhóm khách này tạo ra cho nơi chốn mà họ “đổ bộ có chiến lược.”
Nhưng cũng nhìn vào cái cách lãnh đạo Đà Lạt cử người ra xếp hàng tiếp đón những vị khách Trung Quốc trong đêm khuya giá rét vào đêm 18 tháng 12 năm 2016, có thể nhận thấy rằng, họ hoan hỉ và xác tín biết bao về chiến lược quyết tâm biến Đà Lạt thành thành phố du lịch bình dân và bình dân bằng mọi giá.
Sắc vóc hay phẩm giá sang cả của một đô thị thuở vàng son xa lắc là chuyện… ai hiểu thì nấy đau!