Saturday, July 22, 2017

Chuyện bịp CSVN

Trần Thảo (Danlambao) - Trước đây tôi có đọc một bản tin liên quan tới nước Lào. Bản tin nói rằng Lào cử một phái đoàn sang Việt Nam để học hỏi cách phòng chống tham nhũng.  Không biết rồi cái phái đoàn "tưởng tượng" đó của Lào có học hỏi được chiêu thức gì không từ ông Cục Trưởng Cục phòng chống tham nhũng của nhà nước CSVN. Nhưng tôi nhớ chắc một điều là cái ông Phạm Trọng Đạt, người được nhận trách nhiệm cao quí đó đã từng vừa run vừa phát biểu: "Tham nhũng là những giới chức có quyền hạn, chúng tôi chống có khi mình chết trước!". Ngay cả ông Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng cũng múa mồm múa mép cho dzui, hô hào chống tham nhũng, nhưng ông lại bỏ nhỏ: "Đánh tham nhũng là ta đánh ta."; "Đường Tăng sang Thiên Trúc thỉnh kinh mà còn phải lo lót mua đường đi mà!"

Thế nên người biết ý ông Tổng thì phải hiểu rằng ông chỉ muốn biểu diễn cho dân coi chơi, và ông lợi dụng đòn phép chống tham nhũng để vật ngã những đối thủ chính trị mà ông cho là nguy hiểm cho ghế ngồi của ông. Chứ thử nghĩ mà coi, cả một bộ máy ăn rơ với nhau từ trên xuống dưới để tham nhũng, vơ vét, làm sao có thể ngưng ngang được? Những cán bộ đảng viên nhờ có QUYỀN và LỢI mới chịu thỏa hiệp với đảng, nghe theo đảng, một khi quyền lợi không còn thì đảng còn có ai để mà sai khiến, mồi chài? Chính ông Tổng và bộ máy nhơ nhớp của đảng đã sản sinh ra tham nhũng và nuôi dưỡng nó như một điều kiện để cùng tồn tại, tiêu diệt tham nhũng có khác gì bảo ông Tổng và bộ sậu của ông đi chết đi!

Lại cũng một bản tin liên quan tới nước Lào. Nếu tôi nhớ không lầm thì trong năm 2006, khi miền trung Việt Nam bị nạn lũ lụt vì thiên tai và vì nạn xả đập vô tội vạ của những đập thủy điện, nhà nước Lào có bóp bụng gửi qua VN 200.000 USD để giúp cứu trợ đồng bào vùng lũ. Số tiền đó mất tăm mất tích giữa dòng cuồng lưu. Chả ai biết nó về đâu? 

Cách đây không lâu lại nghe bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng y tế của chế độ CSVN, nổ một phát tới trời khi đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, bà nói: "Nhiều chuyên gia quốc tế học tập mạng lưới y tế Việt Nam."

Trời ạ! Lại là quốc tế tới Việt Nam để học hỏi! Không biết quốc tế tới Việt Nam để học hỏi cái gì về dịch vụ chăm sóc sức khỏe? Chẳng lẽ tới Việt Nam để học cách chặn sản phụ, không cho vào phòng đẻ vì cô ta chưa có đủ tiền? Hay học cách chích thuốc ngừa quá hạn cho trẻ sơ sinh? Hay học cách biến bệnh viện sạch đẹp như lau trở thành nơi hỗn tạp, nằm ngồi la liệt, ngay dưới gầm giường cũng có bịnh nhân? Hay học cách thuê mướn côn đồ, ngăn chận thân nhân người chết bệnh đưa xác về nhà, vì không mướn đúng xe của nhóm lợi ích? 

Vẫn chưa hết! Lời bốc phét của bà Kim Tiến chưa xuống nhịp thì lại nghe tin Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan lấy nền giáo dục xã nghĩa Việt Nam làm kim chỉ nam để Thái Lan hướng tới làm cải cách giáo dục. 

Ông bộ trưởng giáo dục Thái Lan có cái tên dài thòng Teerakiat Jareonsettasin không biết đầu óc có vấn đề hay không mà nhìn Thị Nở lại hóa ra Thúy Kiều xinh đẹp? Thưa ông bộ trưởng giáo dục Thái Lan, không biết hiện giờ thị trường công việc của nước ông có cần nhập khẩu nhân công không vậy? Nếu có thì ông chịu khó liên lạc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhé. Cái Bộ này đang xây dựng đề án để từ từ xuất khẩu 200.000 cử nhân và thạc sĩ Việt Nam đi lao động nước ngoài. Nếu ông Bộ trưởng muốn bắt chước những bất cập của nền giáo dục xã nghĩa thì còn gì bằng! Chế độ CSVN sẵn sàng cử "tiến sĩ" Phùng Xuân Nhạ sang Thái Lan làm cố dzấn cho quí vị. 
Việt Nam của tôi bây giờ là như thế đó! Toàn những đứa mộng du, nói phét không biết ngượng mồm. Cả một tập thể đồng ca nói láo, chả trách đây đó trên mạng tôi vẫn thường gặp những luận điệu dư luận viên, kiểu "Bác Hồ là danh nhân thế giới; Việt Nam bây giờ được thế giới nể nang; Việt Nam có tàu ngầm, phi cơ chiến đấu tối tân, kẻ thù khiếp sợ; Việt Nam tiến bộ trên nhiều lãnh vực, nhân dân hạnh phúc; không có đảng thì làm gì được như ngày nay v.v..." 

Tôi thực tình mong rằng những dư luận viên đã nói thực những gì họ nghĩ trong đầu, bởi vì như thế thì họ rất đáng thương, bị chế độ che mắt dài lâu, tầm nhìn không vượt qua góc nhà của mình. Nhưng nếu trong đầu họ biết tỏng là chế độ này toàn là dối trá, người lừa ta gạt, mà họ tiếp tay cho ma quỷ sài lang để truyền bá những tin tức sai lầm, hướng dẫn dư luận về hướng có lợi cho tập đoàn ma quỷ CSVN thì đó chính là tội ác. 

23.07.2017

Hàng loạt công ty quốc doanh CSVN làm ăn thua lỗ

Hàng loạt công ty quốc doanh CSVN làm ăn thua lỗ
Kiểm toán nhà nước CSVN vừa công bố kết quả kiểm toán các công ty quốc doanh năm 2016.
Nhiều công ty lỗ lớn, có số vốn âm và đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Một số công ty con của Tổng công ty Xi Măng Việt Nam Vicem có những khoản thua lỗ khổng lồ, như Vicem Tam Điệp lỗ hơn 50 triệu Mỹ kim, Vicem Hải Phòng lỗ 15.6 triệu Mỹ kim.
Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam cũng có một số công ty con bị lỗ hàng triệu Mỹ kim, như công ty cổ phần Vật Liệu Bưu Điện Việt Nam lỗ 2.3 triệu Mỹ kim, công ty cổ phần phát triển dịch vụ học tập và giải trí trực tuyến VDC lỗ 1.2 triệu Mỹ kim, công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thiết bị viễn thông TELEQ lỗ gần 1 triệu Mỹ kim.
Công ty cổ phần Thương mại, dịch vụ và du lịch cao su thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam VRG lỗ 13.8 triệu Mỹ kim.
Trong số những công ty quốc doanh có số vốn âm, có công ty liên doanh Sakura Hà Nội Plaza, trực thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội, có số vốn âm 7.3 triệu Mỹ kim, và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Petrolimex Singapore, trực thuộc Petrolimex, có số vốn âm 58 triệu Mỹ kim.
Trong khi ngành hàng không giá rẻ đang phát triển ở Việt Nam, thì công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines, thuộc Vietnam Airlines, có số vốn âm 5.6 triệu Mỹ kim.
Ngành du lịch có số lượng khách quốc tế tăng vọt, nhưng một số công ty quốc doanh vẫn bị lỗ, như công ty trách nhiệm hữu hạn Du lịch và Thương mại Hoàn Kiếm và công ty cổ phần du lịch và thương mại Dân Chủ, đều thuộc Tổng công ty Du lịch Hà Nội, bị lỗ lần lượt 3.4 và 2.3 triệu Mỹ kim.
Kiểm toán nhà nước CSVN cũng cảnh cáo rằng, hai công ty Xây dựng giao thông Sài Gòn và Liên doanh xây dựng Hà Nội – Bắc Kinh đang có nguy cơ ngừng hoạt động.
Huy Lam / SBTN

Lũ cuốn trôi nhà và người, đánh sập cầu ở Nghệ An, Hà Tĩnh


Hiện trường vụ lũ quét tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An chiều 21 Tháng Bảy. (Hình: Báo điện tử Dân Trí)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Chỉ trong vòng ít giờ đồng hồ xảy ra lũ quét, lũ ống, xã Tà Cạ, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An, tan hoang hơn bao giờ hết. Trong chốc lát, 10 căn nhà, một trường học và nhiều tài sản giá trị khác của người dân bị nước lũ cuốn trôi.
Khoảng 3 giờ chiều 21 Tháng Bảy, do mưa lớn ở đầu nguồn, nước ở các con suối trên địa bàn xã Tà Cạ dâng cao, xảy ra lũ ống (hiện tượng thiên nhiên xảy ra trong mùa mưa và chỉ có ở miền núi, không ít người lầm tưởng rằng lũ ống chính là lũ quét), lũ quét (lũ có tốc độ mực nước lên rất nhanh khi một khối lượng nước khổng lồ di chuyển nhanh từ địa hình cao xuống thấp) tràn xuống cuốn trôi 10 ngôi nhà ở các bản Nhãn Cù, Bản Cánh và Nhãn Lỳ cùng nhiều tài sản giá trị khác.
Bên cạnh đó, do lượng mưa lớn trong mấy ngày qua, một số con suối ở các xã như Mường Típ, Mường Ải, Tà Cạ mực nước dâng cao làm con đường liên xã, liên bản bị sạt lở nghiêm trọng và giao thông tắc nghẽn.

Nhiều tài sản bị nước lũ cuốn trôi được tìm thấy. (Hình: Báo điện tử Dân Trí)

Chiều 22 Tháng Bảy, nói với báo điện tử Dân Trí, ông Nguyễn Thanh Hoàng, chủ tịch huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, cho biết trận lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn xã Tà Cạ khiến 10 căn nhà bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn. Nước lũ tràn về nhanh, khiến nhiều nhà dân ở hai bên dòng sông bị nước lũ cuốn trôi mà không kịp trở tay.
“Nước chảy như thác đổ kéo dài chừng 2 giờ. Lũ khiến nhiều tuyến đường sạt lở nghiêm trọng, hệ thống đường từ trung tâm thị trấn Mường Xén vào xã Mỹ Lý bị cô lập. Một cây cầu dân sinh nhỏ bị nước làm sập, đường liên xã bị lũ chia cắt,” ông nói.
Theo thống kê ban đầu, trận lũ quét đã cuốn trôi 10 ngôi nhà, ba kho lúa, hai xe máy và hàng trăm gia súc, gia cầm của người dân ở xã Tà Cạ. Chưa ghi nhận thiệt hại về người.

Khu vực ba mẹ con bà Nguyễn Thị Sâm bị lũ cuốn trôi. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)

Còn tại Hà Tĩnh, sáng 22 Tháng Bảy, nói với báo Thanh Niên, ông Lê Ngọc Huấn, chủ tịch huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ ba mẹ con bị nước lũ cuốn trôi khi đi xe máy qua cầu tràn ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê. Sau khi xảy ra vụ việc, người dân ở gần đó đã cứu sống được hai mẹ con, cháu còn lại bị nước lũ cuốn mất tích đang được lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, vào khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, bà Nguyễn Thị Sâm (43 tuổi, trú tại xóm Hương Yên, xã Lộc Yên, huyện Hương khê) chạy xe máy chở hai con là Đinh Văn Sơn (17 tuổi) và Đinh Nguyễn Như Quỳnh (ba tháng tuổi) đến trạm y tế xã để tiêm vắc xin. Trên đường về, khi đi qua cầu tràn của xóm Hương Yên, cả ba mẹ con và xe máy bị nước lũ cuốn trôi.
Nghe tiếng kêu cứu, ông Nguyễn Văn Tiến ở gần đó kịp thời vớt được bà Sâm đang bồng đứa con nhỏ trong tình trạng đứa bé bị tím tái, còn cháu Sơn bị nước lũ cuốn mất tích. Bà Sâm và bé gái được người dân đưa đến bệnh viện Hương Khê cấp cứu ngay sau đó. Hiện bà đã tỉnh táo và con gái đã qua cơn nguy kịch. (Tr.N)

Cả chục con suối Biên Hòa bị bức tử

Nước suối Linh chảy qua năm phường của thành phố Biên Hòa đen kịt, bốc mùi hôi thối. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Biên Hòa có khoảng 10 con suối, trong số đó có những dòng chảy ngang giữa lòng thành phố như suối Linh, suối Tân Mai, suối Bà Lúa, suối Chùa… Song, các con suối này đang bị bức tử, gây ô nhiễm nặng.
Người dân sống cạnh suối Linh chảy qua năm phường Long Bình, Tam Hòa, Bình Đa, Tam Hiệp và An Bình của thành phố Biên Hòa cho biết, rất ngán ngẫm trước sự ô nhiễm trầm trọng của con suối này.
Ông Hoàng Văn Dũng, khu phố 4, phường Long Bình, cho biết: “Suối Linh vốn là suối lớn nhưng hiện đang bị bức tử. Mùa khô, nước thải sinh hoạt từ nhà dân đổ xuống hôi thối ngột ngạt bốc lên từ lòng suối không thể chịu nổi. Đến lúc mưa xuống, rác không được dọn dẹp dồn ứ lại, tràn lấp cả lòng suối kéo dài hàng trăm mét cùng nước thải tràn ngược vào nhà dân. Chưa hết, cứ sáng sớm, các gia đình xả nước giết mổ cùng nội tạng động vật làm nước trong con suối từ màu đen biến thành màu đỏ, tanh lợm. Dân hai bên bờ chung sống với mùi hôi thối, rất mệt mỏi.”
Còn ông Nguyễn Trần Hoàng, nhà ở phường Bình Đa, than: “Trước đây, vào mùa nắng suối có nặng mùi nhưng không đen như bây giờ. Do phải sống cùng dòng suối ô nhiễm khiến đời sống, sinh hoạt của người dân hai bên bị bờ đảo lộn bởi nhà cửa lúc nào cũng đóng kín, sức khỏe của con cái bị ảnh hưởng vì bệnh tật.”
Không chỉ có suối Linh mà suối Tân Mai và cả chục con suối khác cũng đang bị bức tử. Theo chính quyền thành phố Biên Hòa, nguyên nhân chính khiến các dòng suối ô nhiễm là do người dân vứt rác, phế phẩm động vật cũng như xả nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt xuống các lòng suối. Nhiều gia đình đã lấn chiếm hành lang và lòng suối để xây dựng, cơi nới nhà cửa, vật kiến trúc gây ngập cục bộ.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Dương Vũ, phó phòng Quản Lý Đô Thị thành phố Biên Hòa, cho biết chính quyền đang lên phương án nạo vét các dòng suối. Theo tính toán, chi phí cho việc nạo vét khoảng 100 tỷ đồng. Đây là các dự án cấp bách của thành phố để chống ngập và đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cũng theo ông, có khoảng 500 nhà vi phạm lấn chiếm các dòng suối sẽ bị giải tỏa. “Những gia đình không hợp tác sẽ tiến hành cưỡng chế để trả lại nguyên trạng các dòng suối,” ông nói. (Tr.N)

Việt Nam rộ chuyện thôi miên, bắt cóc, đánh người, đốt xe

Hai phụ nữ bị đánh oan vì bị nghi bắt cóc trẻ em. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chỉ vì nghi bắt cóc trẻ con mà hai bà của hợp tác xã tình thương ở Hà Nội đi bán tăm bị cả làng vây đánh trọng thương. Tương tự, giám đốc một công ty ở Hải Dương vào cửa hàng mua đồ, gặp lúc bà chủ chóng mặt la “thôi miên,” thế là cả ngàn người bao vây và… đốt xe.
Trưa 22 Tháng Bảy, mạng xã hội xuất hiện một số clip ghi lại cảnh người dân xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, khống chế và đánh đập bầm dập hai người phụ nữ.
Theo nội dung đoạn clip, sự việc xảy ra khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, hai phụ nữ này là người lạ đến xã Mai Đình để bán tăm. Đến xóm Thái Phù, xã Mai Đình, thấy cháu ĐHA (5 tuổi), hai người gọi lại cho kẹo thì bị một số người chứng kiến, nghi ngờ bắt cóc trẻ em nên đã hô hoán. Liền đó, người dân cả thôn đã lao vào đánh đập, khiến hai phụ nữ trọng thương.
Sự việc chỉ dừng lại khi công an xã Mai Đình tới can thiệp. Hai nạn nhân sau đó được xác định là bà LTB (40 tuổi, trú huyện Mỹ Đức) và bà NTP (52 tuổi, trú huyện Ứng Hòa); cả hai bà đều ở Hà Nội và là thành viên của Hợp Tác Xã Tình Thương huyện Mỹ Đức, đến xã Mai Đình để bán tăm.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hữu Mạnh, phó chủ tịch huyện Sóc Sơn, cho biết: “Theo báo cáo của công an huyện thì không có chuyện hai chị này bắt cóc trẻ em. Hiện công an cũng đã đưa cả hai tới bệnh viện để khám.”
Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch xã Mai Đình, cho hay: “Đến hiện tại, 99% khẳng định họ không phải bắt cóc.” Theo ông, hiện công an huyện Sóc Sơn đã đưa hai phụ nữ đi khám thương tích, đồng thời cử lực lượng về Hợp Tác Xã Tình Thương Mỹ Đức xác định cả hai có đúng là làm việc ở đây hay không.
Cũng theo ông Thắng, hai phụ nữ bắt xe buýt đến địa bàn để bán tăm. Khi gọi cháu ĐHA để cho kẹo thì một người hàng xóm nhìn thấy. Trong lúc hỏi chuyện, người hàng xóm xảy ra to tiếng nên đuổi hai người phụ nữ đi. Một lúc sau, gặp mẹ của cháu bé, người này kể lại câu chuyện. Cho rằng các đối tượng muốn bắt cóc con của mình, mẹ cháu hô hoán mọi người đuổi theo. Hai phụ nữ bán tăm đi đến địa phận xã bên cạnh thì bị đuổi kịp, hàng trăm người dân đã vây kín, đánh đập.
Chiếc xe của ông Trịnh Mạnh Hải bị người dân lật xuống ruộng, thiêu rụi vì nghi chủ xe thôi miên. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)
Cũng theo báo Pháp Luật TP.HCM, chiều 21 Tháng Bảy, trưởng công an huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, cho biết công an huyện đang điều tra nhóm người đốt xe hơi của ông Trịnh Mạnh Hải, giám đốc một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, vì “nghi người này thôi miên người khác.”
“Vụ đốt xe có dấu hiệu hủy hoại tài sản và công an đang điều tra, củng cố chứng cứ để khởi tố vụ án,” ông Lê Minh Hoàn, phó trưởng công an huyện Thanh Hà, nói.
Báo này cho hay, chiều 20 Tháng Bảy, ông Hải chạy xe hơi bảy chỗ đi cùng một người bạn từ thành phố Hải Dương về nhà vợ ở xã Tân Việt, huyện Thanh Hà. Khi ngang qua cửa hàng bán đồ gỗ của vợ chồng bà Lê Thị Quyên ở xã Hồng Lạc, cùng huyện thì dừng xe vào cửa hàng hỏi mua đồ.
Trong lúc nói chuyện, bà Quyên bỗng chóng mặt, mệt mỏi. Thấy giống những tin đồn trên mạng nên bà này cho rằng mình bị ông Hải thôi miên, nên chạy sang nhà hàng xóm tri hô. Hàng xóm của bà cũng hô hào phụ họa khiến nhiều người đang giờ tan tầm chặn xe ông Hải. Đám đông nhào vô đòi đánh, một số người kích động lật ngã xe hơi của ông Hải xuống ruộng, rồi châm lửa thiêu rụi chiếc xe.
Công an xã Hồng Lạc phải gọi báo công an huyện Thanh Hà xuống hỗ trợ vì gần 1,000 người bao vây ông Hải. Sau một hồi kiên trì vận động, phối hợp với chính quyền địa phương, đến khoảng 1 giờ 30 sáng 21 Tháng Bảy, công an huyện mới đưa được ông Hải rời khỏi đám đông.
Cơ quan điều tra khẳng định ông Hải không thôi miên, đánh thuốc mê bà Quyên hoặc bắt cóc trẻ em như đám đông suy diễn. Hiện công an đang củng cố hồ sơ giải quyết hành vi hủy hoại tài sản của nhóm người quá khích.
Báo này cho hay: “Tình trạng một số người dân theo tâm lý đám đông, chưa tìm hiểu kỹ sự việc nhưng đã ‘tự xử’ xuất hiện ngày càng nhiều do ảnh hưởng từ thông tin bịa đặt nhằm câu like, câu view trên mạng xã hội… gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, gây thiệt hại cho người khác.” (Tr.N)