PHƯƠNG LOAN - Thứ Bảy, ngày 13/6/2015 - 04:45
(PL)- Sau gần hai năm Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-7-2013), rất nhiều vướng mắc, bất cập đã nảy sinh khiến các cơ quan chức năng lúng túng khi áp dụng.
Tại buổi tọa đàm do Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức tại TP Vũng Tàu sáng 12-6, các đại biểu đã chỉ ra hàng loạt bất cập, vướng mắc khi thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) 2012.
Một quy định, nhiều cách hiểu
Khoản 1 Điều 126 Luật XLVPHC quy định trả lại tang vật, phương tiện vi phạm đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép thuộc trường hợp bị tịch thu cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này người vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vào ngân sách.
Theo đại diện Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh, đã có nhiều cách hiểu về quy định trên: Có người hiểu là trả lại tang vật, phương tiện cho chủ sở hữu sau khi người vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt. Có người hiểu là trả lại sau khi hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Có người lại hiểu trả lại sau khi định giá tang vật, phương tiện để xác định thẩm quyền xử phạt. Cũng có ý kiến cho rằng trả khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã nộp khoản tiền tương đương với giá trị tang vật, phương tiện bị tạm giữ vào ngân sách.
Ông Đàm Văn Chất (Trưởng phòng Theo dõi thi hành pháp luật và XLVPHC Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau) nêu tình huống: Có vụ một người mượn ô tô đi đám cưới, trên đường về chở theo một con vật quý hiếm, bị kiểm tra, lập biên bản vi phạm và tạm giữ ô tô. Theo luật thì phải trả lại ô tô cho chủ phương tiện nếu người vi phạm nộp một khoản tiền tương ứng với giá trị của ô tô. Trong vụ này, người vi phạm xin đóng tiền nhiều lần nhưng sau khi đóng được một lần thì không đóng nữa. Quyết định xử phạt coi như không thi hành được, trong khi ô tô thì đã cho lấy ra rồi. Vậy phải làm sao để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt?
Quy định trả lại tang vật, phương tiện vi phạm đang bị tạm giữ, tịch thu cho chủ sở hữu còn nhiều cách hiểu khác nhau. Ảnh: HTD
Ông Lê Thanh Bình (Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật) nhận xét trên đây là các vướng mắc mà sắp tới khi sửa đổi Nghị định 81/2013 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC) sẽ phải bổ sung quy định để điều chỉnh.
Theo ông Bình, trước khi Luật XLVPHC ra đời, những người vận chuyển lâm sản, khoáng sản, động vật quý hiếm trái phép khi bị bắt thường khai mượn phương tiện của người khác nên cơ quan chức năng phải trả lại phương tiện cho chủ sở hữu. Sau này Luật XLVPHC đã đưa ra giải pháp bắt người vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương giá trị phương tiện vi phạm nhưng do Nghị định 81/2013 chưa quy định rõ nên vẫn còn nhiều cách hiểu.
Cũng theo ông Bình, cơ quan chức năng cần phải định giá phương tiện và số tiền người vi phạm phải nộp, sau đó ghi rõ các nội dung này vào quyết định xử phạt rồi mới trả lại phương tiện cho chủ sở hữu. Việc trả lại phương tiện phải trong thời hạn tạm giữ theo quyết định tạm giữ.
Nghị định “vượt rào” luật
Theo nhiều Sở Tư pháp, một vướng mắc khác là Nghị định 121/2013 (quy định xử phạt VPHC trong hoạt động xây dựng…) có quy định “vượt rào” so với Luật XLVPHC.
Cụ thể, Điều 38 Luật XLVPHC quy định chủ tịch xã được phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa nhưng không quá 5 triệu đồng, chủ tịch huyện được phạt tiền đến 50% mức phạt tối đa nhưng không quá 50 triệu đồng. Tuy nhiên, Điều 67 và Điều 68 Nghị định 121/2013 thì lại quy định chủ tịch xã được phạt đến 10 triệu đồng, chủ tịch huyện được phạt đến 100 triệu đồng.
Cạnh đó, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên Nguyễn Công Danh nêu vướng mắc: Điều 3 Luật XLVPHC quy định một hành vi VPHC chỉ bị xử phạt một lần. Khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013 cũng quy định tương tự nhưng lại thêm là một hành vi VPHC chỉ bị lập biên bản một lần. Vì quy định thêm này mà trên thực tế nhiều trường hợp đã khiến cơ quan chức năng lúng túng.
Chẳng hạn, khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng lập biên bản, chưa xử phạt. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hình thức và một số nội dung biên bản được lập không phù hợp nhưng nếu lập biên bản lại thì trái với quy định chỉ lập biên bản một lần trong Nghị định 81/2013. Lúc này cơ quan chức năng rất lúng túng bởi lập lại biên bản thì không được mà nếu xử phạt dựa trên biên bản chưa chuẩn thì cũng không ổn.
Khó áp dụng biện pháp xử lý hành chính
Theo Cục Công tác phía Nam, đang có một thực tế là các cơ quan chức năng khó áp dụng, thi hành các biện pháp xử lý hành chính với người vi phạm (giáo dục tại địa phương, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc).
Chẳng hạn ở An Giang, sáu tháng đầu năm nay đã xử phạt 432 người sử dụng ma túy trái phép, đưa vào hồ sơ quản lý nhưng chưa thể áp dụng các biện pháp giáo dục tại địa phương hay đưa đi cai nghiện bắt buộc. Hoặc tại Ninh Thuận, sáu tháng đầu năm nay các cơ quan chức năng không áp dụng biện pháp xử lý hành chính với trường hợp nào cả. Nguyên nhân là hiện chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hình thức, biện pháp thực hiện, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai nêu một khó khăn khác: Tỉnh này chưa có cơ sở xã hội để tiếp nhận người nghiện ma túy. Ngoài ra, theo vị này, luật quy định người vi phạm phải qua biện pháp giáo dục tại địa phương rồi mới đưa đi cai nghiện bắt buộc. Vậy nếu người vi phạm thuộc trường hợp trước đây đã từng đi cai bắt buộc, hiện đang thi hành quyết định quản lý sau cai hoặc đã hết thời hạn quản lý sau cai, nay tái nghiện thì phải giáo dục tại địa phương trước hay lập hồ sơ đưa đi cai luôn? Trường hợp người tự cai, cai tại cộng đồng, gia đình mà nay tái nghiện thì có lập hồ sơ đưa đi cai bắt buộc hay không?
Bà Lê Thị Kim Liên (Trưởng phòng Theo dõi thi hành pháp luật Sở Tư pháp TP.HCM) cũng cho biết: “Chúng tôi đang gặp khó do chưa có hướng dẫn về thời điểm để tính thời hạn chấp hành quyết định đưa đi cai bắt buộc là thời điểm nào. Thời điểm người nghiện được đưa vào cơ sở xã hội hay thời điểm quyết định của tòa có hiệu lực?”.
Một số quy định chưa phù hợp
- Thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền (từ Điều 38 đến Điều 51).
- Biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Điều 122).
- Quy định về người ra quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải ký, đóng dấu vào quyết định tạm giữ (khoản 9 Điều 125).
- Quy định về khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì phải được sự đồng ý của chủ tịch UBND cấp huyện (khoản 2 Điều 129).
Luật xung đột
Luật Phòng, chống ma túy quy định người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương mà vẫn nghiện thì áp dụng biện pháp đưa đi cai bắt buộc.
Trong khi đó, Luật XLVPHC lại quy định chỉ áp dụng biện pháp đưa đi cai bắt buộc với người từ 18 tuổi trở lên. |
PHƯƠNG LOAN