Friday, August 12, 2016

Dze luôn bác tài!

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - (Hay là những cái hay của Ba Dze đi xe Phố Cổ…)

Nếu “người Việt Nam ai cũng là con cháu bác Hồ” cả, thì tất cả những ai lên tiếng chỉ trích Ba Dze đi xe vào đường cấm nơi Phố Cỗ Hội An cũng đều là “bọn phản động chống phá tổ quốc” mà thời gian sau này Kắt Mạng gọi một cách túm gọn là bọn “Việt Tân”(VT), khiến VT ở tận bên Mỹ bỗng dưng có công với Kắt Mạng, à quên, có công với đồng bào quốc nội trong phong trào “tẩy uế môi trường” trong đó có “Formosa, Go home” tức “Đồ Xã Độc, Cút ngay khỏi Việt Nam”.

Với bản chất chống phá chính quyền do dân của dân vì dân, dân biết dân làm dân kiểm tra, dân làm chủ tập thể nhưng nhà nước quản lý, nên khi thấy cảnh Ba Dze cho xe chạy le te vào đường cấm, "bọn VT” chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của ngài Thủ tướng như: cố tình vi phạm pháp luật; làm gương xấu cho bọn trẻ ưa đi xe; làm mất mặt dân VN trước con mắt khách nước ngoài đang du lịch Phố Cổ; làm khách bộ hành bực mình; “có khả năng” phá hủy tài sản quốc gia (do chấn động ảnh hưởng kiến trúc cũ lâu đời) vân vân…, nhưng “bọn VT” không chịu nhìn nhận những mặt tích cực trong việc Ba Dze và phái đoàn “bộ dưới” (bộ hạ) mang lại khi lái cả đoàn xe gần 20 chiến chạy phom phom như trẩy hội trên đường cấm.

Những mặt tích cực VN ta đạt được qua sự cố Ba Dze đi xe vào phố cỗ Hội An thì nhiều lố nhố; trong phạm vi bài này người mổ chỉ “có khả năng” ghi ra một số, như sau:

Một là, giới thiệu cho cả thế giới biết, Việt Nam có Thành phố cỗ Hội An được LHQ công nhận là di sản văn hóa thế giới; để từ đó mình có động cơ ngẩng cao đầu giữa thế giới văn minh: tuy chưa làm được cái con ốc con vít nhưng mình đã có... phố cổ.

Hai là, quảng cáo không công cho ngành Du Lịch VN đang lúc ế ẩm cần đi khách quốc tế vốn ưa của lạ như phố cỗ, trong khi 75% khách du lịch nước ngoài đến VN rồi chuồn một mạch không dám quay lại;

Ba là, nói lên tính chất siêu việt lẫn siêu nhân của lãnh đạo VN: Làm được những điều người thường không làm được, hay không dám làm, như chạy xe vào đường cấm. So sánh đâu xa, chỉ cần nhìn sang nước láng giềng Campuchia, Làm đếnThủ tướng như Hunsen, mã chạy xe hai bánh lỡ quên đội mũ bảo hiểm cũng để cho cảnh sát lôi về đồn phạt;

Bốn là, Bá là là... Ba Dze chẳng lẽ để thua OBama! Từ bên kia nửa vòng trái đất sang đây thăm VN mà TT Mỹ còn mang cả đoàn xe hoành tráng như rứa, trong khi Ba Dze đi khoe “áo gấm về làng”, chẳng lẽ lại cuốc bộ cả đoàn lâu le là mất thể diện quốc gia nói chung, mất mặt đại gia nói riêng; đó là chưa nói đến bên Mỹ không thôi: biệt thự hai ba ngôi, xe con vài ba chiếc đang chờ sẵn, tội gì đi bộ phố cỗ …

Năm là,... mà xin thôi. Thiết nghĩ nhiêu đó cũng đã tạm đủ để... đứng về phe Ba Dze.

Tội nghiệp Ba Dze, cũng vì cái tên! Không đặt Bốn Tới, lại đặt Ba Dze! Thôi thì, gặp tên thế, thế thời phải thế:

Dze luôn, bác tài!


16 nạn nhân VN bị Tàu mổ cướp nội tạng, Thiếu Tướng C45 Hồ Sĩ Tiến xem như trò đùa văn bản?

Thiếu tướng C45 Hồ Sĩ Tiến
Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Không hiểu sao hễ gặp bóng dáng mấy ông tướng XHCN phát biểu, kẻ hèn này cứ thấy bộ mã quân phục Tàu nị, Tàu phù, Tàu ô, Tàu khựa, Tàu “lọa”… là chịu-hết-nổi tinh thần phục tòng rập khuôn sát ván của các lãnh đạo nhà sản, nói chi đến một chút rớt rơi còn sót lại của tinh thần dân tộc, để chí ít họ cũng thoát Tàu từ bộ đồ quân ngũ quốc gia, hòng còn có cái mà “hãnh tiến” nước Việt có con số tướng lãnh đứng đầu thế giới là 719 vị, hơn gấp mấy lần quân Tàu bá quyền và nước Mỹ siêu cường. Đã vậy, chúng ta càng dị ứng hơn, khi những hàm tướng này, hễ mở miệng là một họ thuộc loại ngu-hoành-tráng, hai là họ tưởng dân đen ai cũng không có cái đầu, đặc biệt trong trường hợp này là những ký giả, phóng viên đang làm báo chính thống bị tướng tá nhà nước xem thường, hạ thấp trình độ “viết nhầm, soạn nhầm” của dân i-tờ-rít, nói chi đến điều kiện để trở thành một nhà báo là phải có tiêu chuẩn đại học cử nhân.

Đường đường là Cục trưởng Cảnh sát Hình sự (C45), Thiếu Tướng Hồ Sĩ Tiến đã tỏ ra bao che một cách khó hiểu, khi hùa theo Trưởng phòng Tham mưu đại tá Công an tỉnh Hà Giang, ông Lê Văn Canh vào chiều 11/8 cho rằng vụ thông tin bắt cóc mổ lấy nội tạng là “do sơ xuất trong khâu soạn thảo văn bản”.

Từ đại tá này đến đại tá Giám đốc công an Đinh Tiến Quân, người ta đều coi những văn bản thông tin trước đó là tin vịt, và đơn thuần là lỗi của “khâu soạn thảo” xem gà hóa cuốc mới lạ chứ.

Hết lý do để biện minh cho lũ giặc đang âm mưu tìm cách diệt chủng dân Việt rồi sao?

16 nạn nhân, 16 vụ bắt cóc trên đất Việt giáp ranh giới Việt-Trung (tỉnh Hà Giang), 16 lần ra tay cắt xẻ không thuốc tê với những con dao cùn, 16 nỗi đau thấu trời của những gia đình nạn nhân mất mát, 16 “bữa tiệc” mời mọc bán buôn nội tạng cho kẻ không gớm máu người gồm tim, gan, thận,…


Chỉ một trường hợp thôi đã là đáng sợ, nhưng nội trong 6 tháng đầu của năm 2016 đã xảy ra tới 16 trường hợp kinh khiếp như thế. Cả 16 lần không lẽ báo chí chính thống của nhà nước dám thông tin sai? Còn văn bản thông báo của Công an ở Lào Cai cũng với nội dung làm rõ thủ phạm chính là người Tàu, đã dùng xe ô tô không có biển số, họp thành từng nhóm nhỏ đi lùng bắt trẻ em, người già bỏ lên xe để chở đến chỗ vắng vẻ mổ lấy nội tạng thì cũng đã chuyển tải khắp mạng xã hội. Do đó, ông Thiếu tướng họ Hồ này không thể chạy làng một cách vô lý và vô tâm, chỉ vì lệnh từ phương Bắc thổi đến.

Hay ông vốn coi mạng sống của 16 nạn nhân Việt Nam đã chết thảm thương dưới tay Tàu, chỉ thoáng qua như chuyện qua đường? Và ông, chắc cũng đã quên khuấy mất bọn Tàu đã và đang có dã tâm lấn chiếm đất nước mình từng bước, từng bước âm thầm như tầm ăn dâu, nhất là tội ác diệt chủng mổ lấy nội tạng tại Trung Quốc với hơn 2 triệu học viên Pháp Luân Công, đã bắt đầu dọ dẫm mở đường trên lãnh thổ đất Việt, không lẽ ông không lo sợ cho con cháu thân nhân của chính mình? 

Tình thật với ông nói riêng và những tướng sĩ khác nói chung, đã đến lúc mấy ông nên ném mẹ xuống biển những tấm huân chương đã làm khổ nhân dân này vì không bảo vệ được họ, bởi 719 vị tướng của đất Việt chứ ít ỏi gì mà không ai biết, không ai dám đứng lên nhắc nhở nhà cầm quyền về âm mưu luôn muốn diệt chủng, diệt vong con dân Việt của Tàu Cộng.

Mối thù truyền kiếp từ nghìn năm Bắc Thuộc vẫn chưa nguôi, vì chưa bao giờ Trung Quốc chịu từ bỏ giấc mộng bành trướng muốn biến Việt Nam thành một nước tự trị của mình. Hãy bình tâm giở lại những trang sử hào hùng cũ, để thấy rằng nếu ông cha ta không đứng dậy khởi nghĩa oanh liệt, nếu chúng ta không có những tướng sĩ lãnh đạo kiên cường dũng mãnh như Lê Lợi, Nguyễn Trãi… thì những cuộc tàn sát dã man dân tộc Việt từ bàn tay Tàu trong giai đoạn dài lịch sử 20 năm (1407-1427) sẽ khó lòng thoát ra được.

Tại sao đất nước chúng ta có thể bất hạnh như thế này mà người dân và cả những vai trò truyền thông báo chí không mở ra những cuộc họp báo để hỏi cho ra lẽ vì đâu mà 16 nạn nhân tỉnh Hà Giang đã bị chết oan uổng ở những khu vực vắng vẻ, với những hình hài máu me đục khoét mất nội tạng. Nhất là theo công văn ngày 27/7/2016 của Bộ Công An ở Lào Cai (tỉnh Hà Giang) đã xác minh thủ phạm những vụ Mẹ mìn bắt cóc người già trẻ em và mổ lấy nội tạng không ai khác hơn là lũ Tàu ác ôn.

Vậy thì mọi chuyện đã quá rõ như ban ngày, và ông Thiếu Tướng Hồ Sĩ Tiến Cục 45 không thể tọa rập với Bộ Công An huyện Sĩ Mai Cai (Lào Cai) để rút bỏ thông tin nghiêm trọng này bằng những lời phản bác ngụy biện ấu trĩ như vì lỗi kỹ thuật của khâu đánh máy hay thảo văn bản. Văn bản có “chuẩn” hay không thì toàn bộ nội dung đưa ra vẫn là những cái chết thương tâm của 16 nạn nhân Việt Nam.

Kể cũng quá thất đức, như khi mấy ông nhớn xúi giục dân đen ăn cá độc, tắm biển độc, bởi nếu nhà cầm quyền này cứ muốn tiếp tục bưng bít thông tin một chiều, và bắt dân phải răm rắp nghe theo lệnh quan thầy của họ ban ra, thì làm thế nào các cơ quan truyền thông báo chí chính thống có thể mạnh dạn phơi bày những sự thật đau đớn lòng như thế, để con dân Việt Nam chúng ta có thể tìm cách đề phòng bảo vệ con em, cha mẹ già của mình khỏi bị đám Mẹ mìn Trung quốc bắt đi cướp nội tạng.

Nếu Thiếu Tướng họ Hồ này cứ lên tiếng đánh phủ đầu lại những thông tin đã cảnh báo trước đó bằng cách cho rằng: “Công an Hà Giang và Công an Lào Cai đã có thông tin về sự việc trên là không chính xác, và chưa từng xảy ra một việc nào như vậy.”, thì dân chúng lại càng phải hoang mang hơn vì họ thừa biết khi các lãnh đạo nói không tức là có và ngược lại, nhất là từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, ai cũng quá tỏ tường là lệnh ban phát “muộn màng” của Đại Hán. 

Cả 16 vụ xảy ra đều không chính xác? Đâu phải chuyện đùa! Ông Thiếu tướng này coi bộ làm thương tổn những vị làm báo ở Việt Nam quá thể. Không những ông đã coi thường thông tin văn bản báo chí Việt Nam là trò hề chỉ viết theo đơn đặt hàng, mà còn không muốn tránh né hay không bảo vệ cho nhân dân Việt Nam khỏi một tai họa khủng khiếp, của chính những tội phạm tày trời nhân loại đã mang đến.

Câu trả lời là không phải tất cả chúng ta đều muốn trở thành những con cừu ngoan giàu chịu đựng, nhẫn nhịn. Những sự đàn áp những học viên Pháp Luân Công lập trình theo chính sách Tàu khựa phải được chấm dứt, trước khi bọn họ dở tiếp thủ đoạn đem giết lấy nội tạng từng người và từng người, như đã diễn ra ở bên Tàu.

Chỉ khác những nạn nhân bây giờ chính là những người Việt Nam chúng ta!


Đà Nẵng xây trung tâm hành chính 90 triệu mỹ kim, muốn dọn đi chỉ sau 2 năm sử dụng

Ảnh: Dân Trí
Sau 2 năm làm việc trong trung tâm hành chính được xây dựng với kinh phí ngót nghét 90 triệu Mỹ kim, các quan chức thành phố Đà Nẵng đang nhốn nháo đòi dọn ra khỏi tòa nhà hình trái bắp bằng kính khổng lồ để dọn đến một nơi khác, trong khi chưa biết rõ là dọn đi đâu và thậm chí là dọn vì lý do gì.
Truyền thông trong nước đưa tin, ủy ban thành phố Đà Nẵng đang dự tính chuyển các sở ngành đến trụ sở làm việc mới. Tại buổi họp hội đồng thành phố hôm Thứ Năm, nghị viên Đà Nẵng kiêm bí thư huyện ủy Hoà Vang là ông Trần Văn Trường nêu ra một loạt các thắc mắc về vấn đề thành phố tính dời trung tâm hành chính, và ông muốn biết trung tâm hành chính mới sẽ nằm ở đâu, bao giờ xây dựng, và nếu di dời thì trung tâm hành chính hiện nay sẽ dùng vào việc gì.
Ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư thành ủy kiêm chủ tịch hội đồng thành phố Đà Nẵng, xác nhận là thành phố "có chủ trương" di dời trung tâm hành chính. Nhưng ông bí thư cũng không rõ tại sao phải di dời, và liệu trụ sở mới có tốt hơn trụ sở hiện tại hay không.
Báo Dân Trí hôm Thứ Sáu 12/08 dẫn lời ông Hoàng Quang Huy- chủ tịch Hội Quy Hoạch Phát Triển Đô Thị Đà Nẵng- cho rằng kiến trúc tòa nhà trung tâm hành chính hiện nay không thích hợp để dùng làm nơi làm việc. Theo ông Huy, phòng ốc bên trong tòa nhà "giống như mê hồn trận" đối với người dân bước vào tìm gặp các giới chức chính quyền. Ông Huy cũng kể đến hiện tượng tòa nhà bị bí hơi và nóng với khung kính bao quanh, và cho biết thành phố đã phải tốn nhiều tiền để chạy máy lạnh và bơm oxygen.
Tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng khánh thành tháng 9 năm 2014, cao 37 tầng, được xây với kinh phi hơn 2 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 90 triệu Mỹ kim. Tòa nhà hiện là nơi làm việc của khoảng 1,600 công chức thành phố. Ngoài tòa cao ốc hình trái bắp, Đà Nẵng còn nổi tiếng với một cây cầu rồng phun lửa.
Huy Lam / SBTN

Tiền Cát-sê là bao nhiêu?

— 08/12/2016 - 11:17 

Sau hai pha trình diễn vừa đấm vừa xoa diễn ra trong vòng chưa đầy ba tháng, kịch hạ màn, mọi chuyện trởi nên tối tăm hơn người ta tưởng. Nhưng cuộc đời vốn dĩ vậy, tối tăm trong cái nhìn của người này thì lại sáng sủa, tươi mát trong mắt kẻ khác. Câu chuyện biển chết, cá chết, ngư dân thất nghiệp, kinh tế miền Trung bị khủng hoảng vẫn chưa hề dịu xuống chút nào, Formosa chỉ mới trả 250 triệu Mỹ kim tiền bồi thường thì lại có thêm chuyện nhà nước hoàn thuế cho Formosa số tiền tương đương với 500 triệu Mỹ kim. Chuyện này nghe có vẻ giống như anh tặng tôi con gà thì tôi tặng anh con chó, vì cả hai chúng ta cùng bán thịt gà và thịt chó, có qua có lại mới toại lòng nhau thì phải?!
Chuyện này được các báo trong nước đưa tin với nội dung: Theo dự thảo Tổng cục Thuế vừa gửi Bộ Tài Chính về một số biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại do sự kiện ngày 13/5/2014 (xô xát của người dân, công nhân một số khu công nghiệp tại một số địa phương sau việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam).
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, sau sự kiện trên, cả nước ghi nhận 778 DN được đánh giá có bị ảnh hưởng, với tổng thiệt hại là 9.900 tỷ đồng và 4,23 triệu USD. Bình Dương thiệt hại nặng nhất với 537 DN, Đồng Nai 171, TP HCM 33 và Hà Tĩnh có 1 DN là Formosa. Formosa Hà Tĩnh khai báo chịu thiệt hại lên đến 5.533 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua rà soát, số thiệt hại của các DN trên cả nước chỉ là 4.523 tỷ đồng và 4,23 triệu USD. Riêng thiệt hại của Formosa là 4,77 tỷ đồng, các nhà thầu làm cho Formosa là 68,32 tỷ đồng. Ngoài nhà máy của Formosa chịu ảnh hưởng trực tiếp, 16 nhà thầu chính (chủ yếu là DN đến từ Trung Quốc) đang thi công các hạng mục cho dự án Formosa cũng bị ảnh hưởng.
Để hỗ trợ, cơ quan thuế đã thực hiện gia hạn hồ sơ khai thuế và gia hạn nộp thuế cho nhiều DN. Ngoài ra còn thực hiện cơ chế giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh (hoàn trước kiểm sau cho 408 hồ sơ đề nghị, với tổng số tiền hơn 15.200 tỷ đồng).
Hà Tĩnh đã hoàn cho Formosa kể từ kỳ hoàn thuế tháng 4/2014 cho đến nay số tiền 10.173 tỷ đồng, trong đó 1.185 tỷ đồng là thuế giá trị gia tăng đã nộp khâu nhập khẩu thực hiện cơ chế ghi thu ghi chi.
Formosa còn được Bộ Tài Chính miễn giảm, miễn phạt và hoàn lại số tiền thuế đã truy thu, phạt trước khi xảy ra sự kiện 13/5/2014 số tiền trị giá 71,6 tỷ đồng. Đây là số tiền miễn giảm và hoàn lại khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đã nộp đối với hoạt động hút cát san nền (trong đó thuế tài nguyên là 49,2 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường là 22,75 tỷ đồng).
Như vậy, suy cho cùng thì số tiền mà Formosa Hà Tĩnh đã đền bù cho những sai phạm của họ dẫn đến biển miền Trung bị nhiễm độc nặng bằng đúng với số tiền mà nhà nước Việt Nam hoàn thuế, hỗ trợ cho họ. Trong đó có khoản đền bù những “thiệt hại” của Formosa Hà Tĩnh!
Nghe có vẻ như kịch nhưng đó là sự thật. Nghĩa là chuyện nộp phạt và nhận lại quả bằng hoàn thuế đã giúp Formosa không mất đồng nào, chuyện đưa qua đưa lại chỉ đóng vai trò tượng trưng và đôi bên vẫn vui vẻ, chẳng có ai mất đồng nào. Người chịu thiệt thòi nặng nhất, mất nhiều nhất trong phi vụ này phải nói là nhân dân Việt Nam.
Không còn dừng ở nhân dân miền Trung nữa mà cả quốc dân Việt Nam này bị thiệt từ hai hướng: Tiền thuế lại chảy máu và: An toàn thực phẩm bị đe dọa.
Ở khía cạnh tiền thuế bị chảy máu. Trong lúc chính phủ rỗng túi, nợ ngập đầu ngập cổ, nhân dân gồng lưng đóng thuế, những nhà đầu tư man rợ làm hỏng môi trường và nguồn thu của nhân dân bị mất mà nhà nước vẫn ung dung chơi trò anh cho tui con gà tui cho anh con chó với một kẻ tội phạm giết biển Việt Nam như Formosa thì quả là đáng kinh tởm, không thể dùng từ ngữ nào hơn. Để bù khoản tiền gần 11 ngàn tỉ đồng hoàn thuế cho Formosa, nhân dân lại mỗi người còng lưng gánh thêm một thứ phí nào đó cấy gởi trong mọi mặt hàng theo giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, vì đã có những bất minh trong việc giải quyết vấn đề biển chết, môi trường biển độc hại giữa nhà nước Cộng sản Việt Nam với Formosa nên ngân khoản để hỗ trợ ngư dân miền Trung và các nhóm ngành kinh tế có liên quan tới biển là hoàn toàn không có. Giỏi lắm vài chục ký gạo cứu tế và vài trăm ngàn đồng cho mỗi gia đình. Số tiền và gạo này chỉ giúp ngư dân cầm hơi chứ không thể thay đổi loại hình kinh tế để tạm tồn tại được.
Và để cho mọi chuyện suông sẻ, nhà nước CSVN đã ngầm cho ngư dân đánh bắt trở lại một cách bình thường, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã đánh bắt gần bờ suốt hai tháng nay. Chỉ có một số nhỏ ngư dân vì lương tâm, trách nhiệm và vì sợ nhiễm độc nên không dám ra khơi. Số còn lại đi đánh bắt bình thường và lượng hải sản thu được họ chuyển thẳng vào miền Nam, chuyển ra miền Bắc. Như vậy, an toàn thực phẩm của cả nước đang bị đe dọa nghiêm trọng chứ không riêng gì miền Trung như trước đây.
Sở dĩ có chuyện trầm trọng như vậy là vì nhà nước hoàn toàn không can thiệp, không cấm đánh bắt, cấm tiêu thụ hải sản miền Trung, không quan tâm đến sức khỏe nhân dân, và quan trọng hơn là họ muốn thả mọi việc trôi xuôi để nhân dân thấy mọi việc lại đâu vào đó. Ngư dân tiêu thụ được sản lượng thì không còn lên tiếng phản đối nhà nước hay phản đối Formosa nữa mà chỉ lo cặm cụi kiếm cơm. Trả giá cho việc làm vô lương tâm này là sức khỏe của cả nước bị đe dọa.
Và khi mà vở kịch 500 triệu Mỹ Kim đền bù biển độc và gần mười một ngàn tỉ đồng hoàn thuế diễn ra, người ta sẽ đặt câu hỏi: Chính phủ, nhà nước Cộng sản Việt Nam có phải là nhà nước của nhân dân Việt Nam hay là nhà nước của Formosa, của các doanh nghiệp Trung Quốc? Và khi chấp nhận đóng một vai trong vở diễn tố tội đền bù và hoàn thuế như đang thấy, các diễn viên nhà nước CSVN nhận tiền cát-sê là bao nhiêu? Vì chắc chắn không ai chấp nhận đóng một vai diễn cực kì khó, cực kì dã tâm và phản động như vậy mà không có cát-sê! Trừ khi đó là một đám người điên! Nhưng nhà nước CSVN có thể điên trong chuyện bán nước chứ khó để mà họ điên trong việc kiếm tiền, đưa tiền vào két sắt của họ! Chắc chắn là vậy!
Chưa bao giờ khái niệm “mãi quốc cầu vinh” lại hợp thời, hợp người và hợp hoàn cảnh như hiện nay! Và nhân dân Việt Nam sẽ bị bán cho đến lúc nào? Bán đến khi còn lại gì? Câu trả lời bây giờ đã quá cấp thiết, nếu nhân dân không tự trả lời cũng đồng nghĩa với nằm im chờ chết, chờ người ta đạp bầm dập trước khi lấy đi mạng sống!

Ai chịu trách nhiệm những tồn đọng của lịch sử?

Ngay sau khi sự việc tin tặc Trung Cộng tấn công vào 3 phi trường  tại Việt Nam, bộ trưởng bộ Truyền Thông và Thông Tin của cộng sản Việt Nam, Trương Minh Tuấn nhìn nhận rằng hạ tầng viễn thông đang phụ thuộc nhiều vào công nghệ từ phía Trung Cộng và có khả năng thiết bị công nghệ đó có lỗ hổng. Ông Trương Minh Tuấn cho rằng việc sử dụng công nghệ viễn thông Trung Cộng là do hoàn cảnh lịch sử để lại.  
Còn nhớ việc phân định biên giới năm 2008, và thác Bản Giốc cũng được cho là do các tồn đọng lịch sử để lại. Công hàm bán Hoàng Sa và Trường Sa do Phạm Văn Đồng ký để trả nợ chiến phí trong thời gian chống Pháp cũng là tồn đọng của lịch sử. Sau khi bị Đặng Tiểu Bình dạy cho bài học phản Tàu theo Liên Xô năm 1979, Trung Cộng yêu cầu cộng sản Việt Nam phải hoàn trả 25 tỉ Mỹ Kim chiến phí tính theo thời giá 1975, cho cuộc chiến tranh chống Mỹ tại miền Nam Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam bị kiệt quệ sau những lần đổi tiền, đánh tư sản mại bản, cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam sau năm 75, không tiền trả nợ, đảng cộng sản Việt Nam chuyển 25 tỉ Mỹ Kim chiến phí thành những tồn đọng lịch sử để cấn nợ. Hệ quả của nó là lãnh thổ Việt Nam bị Trung Cộng gậm nhấm, hạ tầng kinh tế Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc và trở thành bải rác tiêu thụ hàng dư của Trung Cộng. 
 Quốc dân Việt Nam phải xác quyết rằng những cái gọi là "tồn đọng lịch sử" là hệ quả của việc đảng cộng sản VN nợ đảng cộng sản Tầu. Quốc Dân Việt Nam không nợ gì đảng cộng sản Tầu; có chăng là đảng cộng sản Tầu nợ ta đất đai, vùng biển, và đảo chúng xâm chiếm. Cộng sản VN có toàn quyền đem đảng viên của họ sang Tầu ở đợ và làm lao công để trừ nợ; nhưng chúng ta không cho họ đem tài nguyên và của cải đất nước, mà vốn không phải của họ, đi cấn nợ.
Ngày nào đảng cộng sản còn cầm quyền ngày đó dân Việt còn phải trả những khoản nợ mà dân ta không hề vay.
 08/12/2016 - 15:57
Theo SBTN

Tha tù hàng loạt trước thời hạn vì nhân đạo hay khốn quẫn ngân sách?

Việt Nam – đất nước của những trại tù, điều kiện giam cầm hà khắc và chưa hề có tiền lệ ngành công an chịu “nhả” tù nhân, vừa xảy ra một chuyện lạ.

phạm nhân trong trang phục sọc trắng - xanh cùng xây dựng nhà đại tá Thắng giám thị trại giam - Ảnh: Đ.TR.

Thủ tướng Phúc vừa ký Quyết định số 1461/QĐ-TTg, về việc “Phê duyệt Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện”. Bộ Công an lại chính là tác giả của đề án này. Theo đó, việc tha tù trước thời hạn là “tiếp tục thể hiện tinh thần nhân đạo, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý, giáo dục người phạm tội; ghi nhận và là điều kiện bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013” (Trích phần I.1 của Đề án). Đề án này “giúp” khoảng 20 ngàn phạm nhân được tha tù trước thời hạn.
Để thực hiện Đề án từ nay đến năm 2020, mỗi năm ngân sách sẽ chi cho những người thực hiện Đề án này là 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những thông tin được công bố trên báo chí lại tiết lộ phần ngầm của tảng băng: nếu Đề án thành công, sẽ giúp ngân sách tiết kiệm được 200 tỷ đồng/ năm. Cùng lúc, sẽ “cho nghỉ việc” khoảng 3000 cán bộ chiến sĩ quản trại”.
Mới đây trong một cuộc nhậu, một quan chức có vai vế của chính quyền bật mí “Ngân sách nhà nước rất nguy hiểm trong thời gian tới”.
Từ trước tới nay, cơ chế giam tù được nhiều dư luận phát hiện là mảnh đất cực kỳ màu mỡ đối với giới cán bộ quản giáo. Rất nhiều câu chuyện về “nước sông công tù” đã được truyền tai, cho thấy “một bộ phận không nhỏ” cán bộ quản giáo đã lợi dụng tù nhân để kiếm chác.
Mới đây, báo Tuổi Trẻ đã có một bài điều tra cho biết hàng chục phạm nhân, mặc đồ phạm nhân được đưa đi làm... phụ hồ để xây căn biệt thự ngay mặt tiền đường của giám thị trại giam Z30A. 
Dư luận cũng cho rằng nhiều cán bộ quản giáo đã phất lên từ các thủ đoạn trục lợi tù nhân và gia đình của họ.
Nhưng việc Bộ Công an chịu “nhả tù” cho thấy nhiều khả năng đây không phải là “sáng kiến” của cơ quan thích bắt bớ và giam giữ này, mà chịu sức ép của Quốc hội và Chính phủ.
Sau tiết lộ chấn động “Ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì” của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vào cuối năm 2015, cho tới nay tình hình đã chưa hề cải thiện, nếu không muốn nói là càng tệ hơn.
Vào đầu năm 2016, chiêu trò “huy động 500 tấn vàng trong dân” lại hiện hình. Nhiều người dân nói thẳng rằng một khi chính quyền đã phải tính đến chuyện “móc túi dân” như thế, hẳn là ngân sách đã cực kỳ khó khăn.
“Thành công” duy nhất cho đến nay là chỉ là việc bán cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn, trong đó có “con bò sữa” Vinamilk vào cuối năm 2015, để ngân sách có thêm được 10,000 tỷ đồng.
Trong khi đó, kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu đặc biệt mà chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hô hào quảng cáo cuối năm 2015 vừa chính thức bị phá sản – theo một “thừa nhận” của Bộ Tài chính…
Hãy thử hình dung: chỉ để tiết kiệm 200 tỷ đồng/năm, Bộ Công an đã phải “nhân đạo” đến mức tha tù hàng loạt trước thời hạn, vậy ngân sách chính quyền sẽ cầm cự được bao lâu nữa?
Lê Dung / SBTN

Trung Quốc bóp méo thực tế Biển Đông trong giáo dục như thế nào ?

Trọng Nghĩa 
Theo RFI- 11-08-2016 15:37 
media
 Một quả địa cầu có ghi bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc (DR) 
Việc chính quyền Trung Quốc « nhồi sọ » người dân, đặc biệt là giới thanh thiếu niên bằng những thông tin bị bóp méo về Biển Đông là điều ai cũng thấy. Chính sách này được thể hiện trong thực tế ra sao và có tác dụng cụ thể như thế nào ? Trong một bài viết trên tờ Yomiuri của Nhật Bản, hôm 07/08/2016 vừa qua, một ký giả Nhật đã vạch trần những điều mắt thấy tai nghe về lập luận sai lạc về Biển Đông, ghi nhận được tại Trung Quốc.
Bài báo mở đầu bằng một chuyến thăm một viện bảo tàng thiên nhiên gần Công viên Thiên Đàn ở Bắc Kinh vào thời điểm tháng Bảy, đúng hôm Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết về Biển Đông, bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh.
Hôm đó viện bảo tàng này có tổ chức một cuộc triển lãm về đời sống tự nhiên tại Biển Đông. Bên cạnh những mẫu trưng bày như san hô, cá mập và những loại cá khác, cho thấy toàn bộ sự đa dạng của vùng biển phía nam, nhà báo Nhật rất ngỡ ngàng trước phần thuyết minh mang nặng nội dung chính trị trên các tấm biển ở cửa vào. 
Một trong những tấm biển ghi rằng : « Các hòn đảo ở Biển Đông đã là lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc từ thời xa xưa, còn biển thì thuộc vùng biển lịch sử của đất nước. Các đảo chính hiện đang bị Việt Nam và Philippines chiếm đóng ». Một tấm pano khác thì ghi « Tài nguyên biển ở vùng Biển Đông phải được phát triển để bảo vệ chủ quyền của chúng ta ».
Khi được hỏi về phán quyết của Tòa Trọng Tài, một em học sinh đến xem triển lãm đã trả lời ngay rằng « Một phiên tòa không thể giải quyết được vấn đề. Trung Quốc phải nâng cao sức mạnh toàn diện của mình, từ kinh tế, khoa học đến công nghệ, quốc phòng ».
Đối với nhà báo Nhật Bản, câu trả lời đó chẳng khác gì phát ngôn của chính quyền Tập Cận Bình, đã xem phán quyết là « một tờ giấy lộn », và tiếp tục kế hoạch mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc trên biển bằng vũ lực.
Một cậu học sinh lớp bốn, đến xem triển lãm cùng với người bố, thì cho biết : « Khi em còn học lớp Ba, thầy giáo của em nói « Biển Đông rất đẹp và đang bị Nhật Bản tranh chấp », hàm ý rằng Nhật Bản là nước xấu. Theo nhà báo Nhật Bản, trong các sách giáo khoa cũng vậy. Trong quyển địa lý cho học sinh cấp hai, trong phần nói về lãnh thổ Trung Quốc, có một đoạn nói rõ là « đất nước của chúng ta không chỉ là một lục địa rộng lớn, mà còn là vùng biển bao la ». Trang tiếp theo có một bản đồ lớn chỉ ra đường 9 đoạn bao quanh Biển Đông.
Phán quyết của Tòa Trọng Tài đã xác định rằng đường chín đoạn này không có cơ sở pháp lý.
Trong một cuốn sách được sử dụng để hướng dẫn giáo viên, một trong những điểm mà họ được chỉ thị là phải nói rõ : « Các vùng biển Trung Quốc kiểm soát, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, rộng 3 triệu cây số vuông ». Biển Đông chiếm khoảng hai phần ba vùng biển này.
Tóm lại, học sinh Trung Quốc đã được dạy về một điều hoàn toàn trái ngược với phán quyết của tòa án trọng tài.
Điều đáng nói là Trung Quốc không thể sửa chữa những điểm ghi trong sách giáo khoa sao cho phù hợp với phán quyết quốc tế. Trong tình hình đó, những lời tự nhận Biển Đông là của Trung Quốc sẽ tiếp tục ngự trị, không chỉ trong trường học, mà còn trên báo chí, chương trình truyền hình, trên internet, và trong các viện bảo tàng.

Trung Quốc: Nổ nhà máy điện, ít nhất 21 người chết

Mai Vân Đăng 
Theo RFI-12-08-2016 14:45 
media
 Toàn cảnh vụ nổ tại Đương Dương nhìn từ trên cao. Ảnh của trang Nhân Dân Nhật Báo. People's Daily China 
Một vụ nổ lớn đã xẩy ra trưa ngày 11/08/2016, tại một nhà máy điện chạy bằng than tại Đương Dương (Dangyang), tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Theo thông tin đầu tiên, tai nạn đã làm hơn 20 người chết và một số người bị thương.
Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Heike Schmidt, cho biết thêm chi tiết :
"Khói dầy đặc tỏa ra từ nóc nhà máy điện Đương Dương. Vụ nổ vào buổi trưa dường như do ống dẫn hơi nước bị vỡ.
Hình ảnh đăng trên trang web của Nhân Dân Nhật Báo gợi lên một thảm kịch khác : Vụ nổ tại khu công nghiệp Thiên Tân, cách nay đúng một năm, vào ngày 12/08/2015. Vụ nổ đó đã tàn phá cả một khu vực của thành phố cảng, làm 165 người chết, 3.000 tấn hóa chất bị cháy, thải hơi độc ra không khí.
Xảy ra ngay trước ngày kỷ niệm một năm thảm họa Thiên Tân, vụ nổ tại Đương Dương càng cho thấy sự lỏng lẻo của Trung Quốc trong vấn đề kiểm tra an toàn nhà máy, không tôn trọng luật lệ hiện hành.
Tháng Năm vừa qua, một vụ nổ khác cũng đã tàn phá một cơ xưởng làm pin lithium ở Giang Tô. Tháng Tư trước đó, nhà máy sản xuất bột aluminium ở Thẩm Quyến cũng phát nổ, khiến 4 người thiệt mạng".

Còn 'giới hạn về tự do tôn giáo' ở VN

 Theo BBC-12 tháng 8 2016 

Bộ Ngoại giao MỹImage copyrightGETTY
Hôm 10/8 Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố Phúc trình Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2015 trong đó có phần nói về Việt Nam.
Phần Tóm tắt Phúc trình Tự do Tôn giáo Quốc tế về Việt Nam năm 2015 đã nhắc tới thực tế Hiến pháp Việt Nam khẳng định tất cả mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, tuy nhiên các quy định tôn giáo tại nước này lại cho phép “có những giới hạn về tự do tôn giáo vì các lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội đã được nêu ra”.
Tóm tắt phúc trình viết: “Giới chức chính phủ tiếp tục hạn chế các hoạt động của các nhóm tôn giáo không được đăng ký, đặc biệt là những nhóm chính phủ cho là tham gia vào các hoạt động chính trị, trong khi thành viên của các nhóm đã đăng ký có thể thực hành tín ngưỡng của họ mà ít bị can thiệp hơn”.
Phúc trình cũng nhắc tới việc chính phủ Việt Nam “tiếp tục hạn chế các hoạt động của mọi nhóm tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục và y tế, và yêu cầu nhiều hoạt động khác phải được xin phép”.
Hiện tại theo con số được Phúc trình đưa ra, chính phủ Việt Nam đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, 36 trong số này được công nhận hoàn toàn.
Các tổ chức tôn giáo được công nhận này xuất phát từ 14 tôn giáo được nhà nước ghi nhận, gồm Phật giáo Hồi giáo, Công giáo, Tin Lành, Mormon, Hòa Hảo, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu nghĩa, Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo, Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu và đạo Bà La Môn.
“Một số thành viên của các nhóm không được đăng ký đã nói về nhiều hình thức sách nhiễu của chính phủ, bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở, hành hung, giam giữ ngắn hạn, truy tố, giám sát, hạn chế về đi lại, và từ chối cho đăng ký và / hoặc các cho phép khác,” tóm tắc phúc trình viết.

Phân biệt đối xử

Cụ già người Tây Nguyên (hình minh họa của Khắc Giang)
Image captionNgười thiểu số tại Tây Nguyên (hình minh họa của Khắc Giang)
Tuy nhiên các đối xử của chính phủ đối với các nhóm tôn giáo có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng, và giữa các cấp trung ương, tỉnh và địa phương quản lý.
Vẫn theo phúc trình thì quyền hiến pháp về tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng vẫn được diễn giải không đồng đều và không được bảo vệ đồng nhất, đặc biệt liên quan tới các nhóm sắc tộc thiểu số tại một số tỉnh ở Tây Nguyên và Tây Bắc.
Các tín đồ tôn giáo đã báo cáo về việc chính quyền địa phương hoặc cấp tỉnh, chứ không phải chính quyền trung ương, chính là nơi thực hiện phần lớn các vụ việc đó, phúc trình viết.
“Một số giới chức địa phương và cấp tỉnh đã sử dụng một cách có hệ thống và công khai các cơ chế quản lý địa phương và quốc gia để làm chậm, phi hợp pháp hóa, và đàn áp các hoạt động tôn giáo của các nhóm cưỡng lại sự quản lý chặt chẽ của chính phủ đối với cơ cấu lãnh đạo, chương trình đào tạo, các cuộc tụ họp, và các hoạt động khác của các nhóm này,” phúc trình viết.
“Có nhiều tin tức nói tới các vụ hành hung, giam cầm và phá hủy tài sản tại các tỉnh nông thôn, đặc biệt là tại cao nguyên ở Tây Nguyên và Tây Bắc.”
Một số trường hợp cụ thể được nêu ra trong Phúc trình bao gồm việc đàn áp nhóm tôn giáo Dương Văn Minh, hay trường hợp mục sư Nguyễn Hồng Quang có tin nói là đã bị cảnh sát lùng sục nhà trong dịp Tết hay bị “khoảng 20 cá nhân mặc thường phục đánh” hồi tháng Ba v.v.
Phúc trình cũng nói tới những căng thẳng trong các nhóm dân tộc H'mong liên quan đến tôn giáo mà cụ thể như vụ bảy dân làng có tin đã bị hành hung khi ngăn chặn hay quay phim các viên chức cảnh sát thường phục và không mặc thường phục phá nhà don của nhóm tôn giáo Dương Văn Minh tại Tây Bắc, hay vụ việc được cho là giới chức địa phương đã trục xuất một số tín đồ Thiên chúa giáo ra khỏi làng tại tỉnh Điện Biên, v.v.

Yêu cầu về thủ tục, cơ cấu

Chùa Liên TrìImage copyrightINTERNET
Tình trạng không phản hồi trước đơn xin đăng ký của nhiều nhóm tôn giáo cũng được nêu ra trong Phúc trình với ví dụ con số “vài trăm hội đoàn thuộc Giáo hội Tin Lành Việt Nam quyết định đơn xin đăng ký của họ vượt quá thời gian quy định theo Nghị định 92”.
Việc chính quyền địa phương yêu cầu sáp nhập các hội đoàn nhỏ vào nhau dường như cũng khá phổ biến đối với Giáo hội Tin Lành Miền Nam Việt Nam hay với một số nhóm Tin Lành, theo Phúc trình.
Ngoài ra Phúc trình cũng nói tới “các nhóm Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và Thiên Chúa giáo không đăng ký thường báo cáo giới chức ở một số địa phương dùng quy chế đăng ký địa phương để gây áp lực, dọa nạt, đe dọa, tống tiền, sách nhiễm và tấn công các thành viên” của các nhóm tôn giáo này.
Một số lượng đáng kể các tổ chức tôn giáo có đăng ký nói rằng việc họ có thể công khai gặp gỡ để thờ cúng đã được cải thiện trong những năm gần đây. Ví dụ hai nhóm Tin lành chính cho biết họ được tự do hơn trong việc tổ chức các hoạt động tôn giáo.
“Tuy nhiên chính phủ tiếp tục yêu cần các nhóm tôn giáo đăng ký trước các hoạt động của mình và dùng yêu cầu này để giới hạn và không khuyến khích việc tham gia vào các hoạt động của một số nhóm tôn giáo không đăng ký nhất định, kể cả các nhóm Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài và Hòa Hảo không bị cấm,” Phúc trình viết.

Giám sát các tín đồ và tổ chức tôn giáo

Hòa Thượng Thích Quảng Độ, năm 2007Image copyrightAFP
Image captionHòa Thượng Thích Quảng Độ là trong số các lãnh đạo tôn giáo được nhắc tới trong Phúc trình.
Phúc trình cũng nhắc tới trường hợp những người theo phái Pháp Luân Công đã bị cấm thực hành tín ngưỡng của mình tại một công viên ở thành phố Hồ Chí Minh, hay việc giới chức thành phố tiếp tục thương thuyết với lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Thống nhất về Chùa Liên Trì cũng như thương thuyết với một nhà thờ Công giáo gần đó phải rời đi để thực hiện một dự án phát triển đô thị.
Phúc trình nói tới tình trạng người Thượng ở Tây Nguyên nói rằng “chính phủ tiếp tục giám sát, thẩm vấn và phân biệt đối xử với họ, một phần vì nghi ngờ họ liên kết với các tổ chức Tin lành có liên hệ với các tổ chức chính trị ly khai”.
Phúc trình cũng nói tới việc giám sát của giới chức trách, ngăn chặn đi lại, gặp gỡ với một số các lãnh đạo tôn giáo như trường hợp Hòa thượng Thích Quảng Độ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Linh mục Công giáo Phan Văn Lợi ở Huế, mục sư Phạm Đình Nhân ở thành phố Hồ Chí Minh.v.v.
Trong khi một số nhóm Tin Lành và Công giáo nói về tình trạng tiếp tục hạn chế hoặc cấm không cho các tổ chức tôn giáo này mở các cơ sở giáo dục và y tế như bệnh viện hay trường đạo nhưng ở một số nơi chính quyền địa phương cho phép các tổ chức tôn giáo được mở các dịch vụ xã hội, chẳng hạn như tại Hà Nội các viên chức thành phố cho phép các nhà thờ Tin lành mở các trung tâm cai nghiện.
Phúc trình cũng ghi nhận việc là thành viên của một nhóm tôn giáo nói chung không gây bất lợi cho các cá nhân trong các tổ chức dân sự phi chính phủ, kinh tế và thế tục. Nhiều người là thành viên của các nhóm tôn giáo có đăng ký khác nhau cũng là thành viên của Mặt trận Tổ Quốc và nhiều người nắm giữ các vị trí trong chính quyền địa phương và cấp tỉnh và có đại diện tại Quốc hội.
Các viên chức cao cấp trong chính phủ thường gửi thư chúc vào các dịp lễ tôn giáo như Giáng sinh, Phục sinh hay dự các lễ kỷ niệm Phật đản.

Chính sách của chính phủ Hoa Kỳ

Bộ Ngoại giao MỹImage copyrightREUTERS
Phúc trình nêu rõ :“Tổng thống Hoa Kỳ và Bộ trưởng Ngoại giao, trong các cuộc họp với các quan chức cao cấp của chính phủ, đã kêu gọi tiếp tục cải thiện về tự do tôn giáo.
“Đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ thúc giục giới chức trách cho phép tất cả các nhóm tôn giáo được hoạt động tự do, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Tin Lành và các nhà thờ Công giáo, và các nhóm tôn giáo độc lập Hòa Hảo và Cao Đài; tìm cách có được tự do hơn cho các nhóm tôn giáo đã được công nhận; và kêu gọi chấm dứt những hạn chế và sách nhiễm đối với các nhóm chưa đăng ký. “