Friday, December 25, 2015

Còn có một Tập đoàn gấp nhiều lần Tân Hiệp Phát

— 12/26/2015 - 00:45 
Tập đoàn Tân Hiệp Phát đứng trước cơn giận dữ của cộng đồng Việt sau những vụ án đưa người tiêu dùng vào chốn lao tù. Cuộc khủng hoảng của Tập đoàn này đang hứng chịu bắt nguồn từ những ứng xử mà hệ thống truyền thông, báo chí và mạng xã hội gọi là "ứng xử kiểu trọc phú", "trên tiền", "thiếu đạo đức"... cùng nhiều ngôn từ khác được dành tặng cho Tập đoàn này sau phiên tòa xử Võ Văn Minh.
Mẹo lừa đã mắc vào khuôn - (K)
Võ Văn Minh là một đối tác, khách hàng của Tân Hiệp Phát sau khi nhận 500 triệu đồng để đổi lấy chai nước nhãn hiệu Tân Hiệp Phát có chứa con ruồi như thỏa thuận thì công an ập đến bắt ngay sau đó rồi đưa ra tòa. 
Kết quả là Võ Văn Minh nhận bản án 7 năm tù. Còn Tân Hiệp Phát, sau khi đưa được khách  hàng của mình vào tù, thì nhận "bản án chung thân" của xã hội.
Người ta tranh cãi nhiều về những vấn đề pháp lý của vụ án cũng như những cách hành xử của một Tập đoàn đối với người tiêu dùng, khách hàng của mình, thì nổi lên những vấn đề không chỉ có ở trong một vụ việc Tân Hiệp Phát hôm nay.
"Trong tay đã sẵn đồng tiền" - (K)
Nhiều luật sư đã cho rằng: Vụ án được Tòa án Tiền Giang đưa ra xét xử đã vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự. Ngay tại Tòa, các luật sư đã tranh tụng, biện hộ... chỉ ra những sai sót, những vi phạm mà trong suốt quá trình vụ án, các cơ quan tố tụng đã mắc phải. Lẽ ra, với những hành vi vi phạm pháp luật đã được chứng minh, phiên tòa phải hủy bỏ. Những tranh tụng, những ý kiến của các luật sư ngay tại phiên tòa cũng như các ý kiến ngoài xã hội cho người ta có một cảm giác rằng: Đã ra tòa, thì nhiệm vụ của Tòa là phải tuyên cho được một bản án và kẻ đứng trước Tòa phải có tội mới được.
Người nông dân Võ Văn Minh, bị cáo trong phiên tòa bị Tòa tuyên mức án 7 năm. Với dư luận xã hội, đây là một hình phạt khắc nghiệt và bất công khi Võ Văn Minh với tư cách là khách hàng của Tân Hiệp Phát, là người tiêu dùng với sản phẩm mang nhãn hiệu của Tân Hiệp Phát.
Có thể nói, Võ Văn Minh thuộc đối tượng "thượng đế - ông chủ", là người nuôi sống và sự tồn tại của Tân Hiệp Phát phụ thuộc vào lớp người này. Chính lớp người này, mới có quyền trong sự tồn tại hay diệt vong của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Rồi người ta mới phát hiện ra rằng: Tân Hiệp Phát không phải lần đầu đưa khách hàng của mình vào tù, mà đã từng có nhiều nạn nhân vào tù vì những sản phẩm của Tân Hiệp Phát khi gặp sản phẩm lỗi và sập bẫy của Tập đoàn này.
Sở dĩ sự việc diễn tiến theo chiều hướng hình sự, nhà tù và đối kháng, lên án và tẩy chay với Tập đoàn Tân Hiệp Phát, chính là ở tư duy của họ thể hiện ra bằng những cách hành xử đối với "thượng đế - ông chủ" của mình.
Thay vì việc nghiêm túc nhìn nhận những khiếm khuyết có thể có trong các sản phẩm của mình, Tập đoàn này đã nhất nhất khẳng định sản phẩm của mình là "tuyệt đối vô trùng và khép kín" nên không thể có lỗi. Thậm chí họ còn tuyên bố: "Nếu ai bỏ được dị vật vào sản phẩm hoặc dây chuyền sản xuất sẽ được tập đoàn này thưởng 500 triệu đồng" - đúng bằng con số mà Võ Văn Minh đã được thương lượng và nhận 7 năm tù.
Trong khi đó, hàng loạt các sản phẩm của chính Tân Hiệp Phát ngày càng được phát hiện khắp nhiều nơi.
Thay vì việc phải bảo đảm sức khỏe xã hội, tôn trọng người tiêu dùng là những đối tượng đang nuôi chính họ, có quyền để họ tồn tại hay tiêu vong, Tân Hiệp Phát đã dùng đến hệ thống công an, nhà tù, hình sự và bạo lực để trấn áp chính người tiêu dùng sản phẩm của họ.
Đó là tư duy của những "đầy tớ" nhưng nắm quyền ông chủ với "thượng đế - ông chủ" của mình. Tư duy của kẻ lắm tiền bạc, chức quyền và thế lực mạnh theo lý thuyết "trong tay đã sẵn đồng tiền".
Đó cũng là kết quả của phiên tòa Tiền Giang kết tội Võ Văn Minh - Một đặc trưng của Tòa án thời Cộng sản. Ở phiên tòa đó, nhiều vấn đề vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đã được chỉ ra. Nhưng, phiên tòa đó, cũng như nhiều phiên tòa khác mà kết quả phiên tòa gần như đã được định sẵn. Ở đó vai trò luật sư, biện hộ, tranh tụng... chỉ là những màn kịch vui không có giá trị pháp luật. Cũng ở đó, vai trò của Viện Kiểm sát giữ vai trò của một kẻ điếc trong tranh tụng, bất chấp lẽ phải và ý kiến của các luật sư bào chữa ra sao.
Thế rồi, Tòa vẫn cứ tuyên án "Nhân danh Nước CHXHCN Việt Nam" - Một cái nhân danh quái gở bởi ngay cả cái XHCN vẫn là một ẩn số mờ mịt đầy kinh hãi mà không hề "Nhân danh Công lý" như Ls Ngô Ngọc Trai mới đây đã chỉ ra. Bởi vậy nên công lý vắng bóng và người dân nghèo ít học cứ vậy vào tù.
Điều này đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội trong xã hội, được thể hiện trên cộng đồng mạng xã hội và báo chí.
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều - (K)
Kể từ khi Võ Văn Minh bị bắt và báo chí, mạng xã hội lên tiếng, Tân Hiệp Phát đã chịu nhiều đòn trừng phạt nặng nề chính từ tầng lớp "ông chủ - thượng đế" là người tiêu dùng. Những chiến dịch tẩy chay đã đặt Tân Hiệp Phát vào cơn khủng hoảng nặng nề.
Khắp nơi, một phong trào tẩy chay Tân Hiệp Phát được khởi động và lan truyền chóng mặt trên khắp mạng xã hội và trong thực tế. Những quán hàng "Nói không với Tân Hiệp Phát", những công ty "Cấm dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát", những trang mạng "Tẩy chay Tân Hiệp Phát" mọc lên rầm rộ và người dân, là tập thể cũng như các cá nhân không ngại ngùng tuyên bố tẩy chay Tân Hiệp Phát và các sản phẩm của Tập đoàn này.
Theo tuyên bố của Tân Hiệp Phát, họ đã mất đi 2.000 tỷ đồng vì âm mưu và hành động của mình qua vụ án con ruồi.
Không chỉ có thế, cơn giận dữ của xã hội đã và đang tiếp tục dâng cao.
Và Tân Hiệp Phát đang đứng trước những hiểm họa khôn lường. Đến mức, ông chủ Tập đoàn này đã phải cay đắng thừa nhận: "Nếu không được sự ủng hộ, thì Tân Hiệp Phát chỉ tồn tại được 1-2 năm nữa mà thôi".
Cho đến hôm nay, có lẽ đã phần nào nhìn thấy trước một tấn thảm kịch dành cho mình sau những hành động đó, Tân Hiệp Phát đã bắt đầu bỏ bớt thói cao ngạo vốn có của mình để đưa ra lời xin lỗi và nhận trách nhiệm về sản phẩm của mình - Đó là lời xin lỗi muộn màng
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường - Đâu chỉ có một Tân Hiệp Phát
Những hành động của Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã không được sự ủng hộ của xã hội. Không ai chấp nhận cách hành xử của Tập đoàn này đối với "ông chủ - thượng đế" của họ, và họ đã bị tẩy chay đến điêu đứng.
Vụ Tập đoàn Tân Hiệp Phát vừa qua, đáng để cho chúng ta suy nghĩ về những hiện tượng, hành động và bản chất của Tập đoàn này trong môi trường Cộng sản hiện nay.
Đó là kết tinh của một cách nghĩ và cách làm không giống ai: Sự cao ngạo, ưa bạo lực, hành xử tàn bạo đối với thượng đế, ông chủ của mình và dẫn tới đau thương phải hứng chịu.
Nhưng, ngẫm lại, ở Việt Nam đâu chỉ có mỗi tập đoàn Tân Hiệp Phát. Còn có một tập đoàn hơn Tân Hiệp Phát rất nhiều, thậm chí cách hành xử và thái độ với ông chủ còn cao hơn Tân Hiệp Phát nhiều bậc.
Đó là Tập đoàn Cộng sản Việt Nam.
Tập đoàn Cộng sản Việt Nam luôn kêu rằng là "đầy tớ trung thàn và tận tụy của nhân dân", là "của dân, do dân và vì dân". Nhưng những hành xử của họ thì Tân Hiệp Phát chỉ là con muỗi trên lưng con voi.
Cũng như Tân Hiệp Phát, Tập đoàn Cộng sản Việt Nam với đặc trưng của sự kiêu ngạo Cộng sản. Luôn tự coi mình là "trí tuệ nhân loại, là đỉnh cao thời đại, là lương tâm, đạo đức, là văn minh"...
Thế nhưng, cho đến nay, sau hơn 85 năm ra đời và 70 năm cầm quyền ở Việt Nam, họ đã đưa Việt Nam đến chỗ đứng hàng cuối cùng của thế giới về mọi mặt. Đất nước Việt Nam từ lãnh thổ vẹn toàn, đến ngày nay, một phần lãnh thổ lớn lao đang nằm dưới gót giày quân xâm lược.
Có lẽ, với 4000 năm lịch sử, ngoại trừ những kẻ bán nước như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc... chưa có thời đại nào ở đất nước này, kẻ cầm quyền lại luôn coi kẻ xâm lược đất nước mình là "bạn vàng" như Tập đoàn CSVN hiện nay.
Người dân Việt Nam - những ông chủ của họ - được chu du khắp thiên hạ mong được làm đầy tớ, bán sức lao động hoặc bán thân để kiếm tiền nuôi hệ thống Cộng sản đang ngày một phình ra không ai nuôi nổi.
Để đối xử với những "ông chủ" của mình, hệ thống CSVN đã không tiếc tiền nuôi hàng đàn, hàng đống những lực lượng Công an và đủ mọi lực lượng khác chỉ để nhằm thực hiện "Còn đảng, còn mình" dưới cái vỏ "nhân dân". Với bất cứ những yêu cầu, đòi hỏi nào từ "ông chủ" về các quyền cơ bản của họ, đều được đám đầy tớ trả lời bằng súng, đạn, nhà tù.
Với bất cứ tài sản nào của ông chủ, họ tự ý định đoạt và thực hiện bằng hệ thống bạo lực mà họ sắm, nuôi nấng bằng những đồng thuế mà ông chủ của họ nai lưng làm thuê làm mướn, làm nô lệ kiếm về.
Với vai trò "đầy tớ" họ bán cả lãnh thổ cho nước ngoài, cho thuê với thời hạn cả 50 - 70 năm, bằng mấy đời người để khai thác tận cùng các khả năng kiếm tiền. Họ đã ăn cả phần con cháu của ông chủ.
Với vai trò "đầy tớ" họ đã không màng đến chuyện lãnh thổ, đất đai cha ông bị cướp đoạt phải giữ lấy, phải đòi lại mà họ sẵn sàng để món nợ đó cho con cháu ông chủ sau này.
Với đất đai, tài sản từ bao đời của người dân - ông chủ - họ cướp quyền định đoạt bằng hệ thống luật lệ do chính họ ban ra để phục vụ lợi ích của họ. Và ông chủ cứ thế mà lưu vong trên chính quê hương mình trở thành tầng lớp mới trong xã hội: Dân oan.
Với quyền lực độc tài trong tay, hệ thống thuế má của họ đặt ra đến mức người dân chỉ còn một nước kêu trời. Theo điều tra mới đây của Viện Thị trường và giá cả (Bộ Tài chính), một hạt thóc nông dân sản xuất ra phải cõng hơn 100 khoản đóng góp, mỗi con gà chịu đến 14 loại thuế - phí.
Với sự độc quyền do độc tài trong tay, thì xăng dầu, điện nước, y tế, giáo dục... người dân cứ thế mà chịu còn hơn cả thuế thân thời Thực dân.
Nhưng, họ vẫn luôn kêu gào rằng họ là đầy tớ "trung thành, tận tụy" của người dân và họ là "Của dân, do dân, vì dân".
Nếu như Võ Văn Minh bị đi tù vì lòng tham, đòi hỏi 500 triệu đồng cho chai nước có con ruồi để rồi Tân Hiệp Phát gài bẫy đưa vào tù, thì với tập đoàn CSVN, chỉ cần những người đòi cho mọi người quyền làm người, cho đất nước phát triển, dân tộc tiến bộ đã được đưa vào tù bằng những bản án đến mức hài hước nhưng vô cùng nặng nề.
Nếu như Tân Hiệp Phát không chịu nhận lỗi của mình mà lại đổ cho sự phá hoại từ bên ngoài, thì tập đoàn CSVN là bậc thầy về việc đổ cho "các thế lực thù địch".
Nếu như Tân Hiệp Phát coi người tiêu dùng là đối tượng cần đưa vào tù khi khiếu nại, thì tập đoàn CSVN coi người dân là thế lực thù địch khi họ đòi quyền lợi của họ.
Nếu như Tân Hiệp Phát chỉ mới đưa được một vài trường hợp vào tù, thì Tập đoàn CSVN đã đưa hết lớp người này, đến lớp người khác qua bao tù ngục và chết chóc.
Nếu như Tân Hiệp Phát cho đến giờ mới nhìn nhận được lỗi lầm của mình để đưa ra lời xin lỗi và nhận trách nhiệm, thì Tập đoàn CSVN đã quá nhiều lần "rút kinh nghiệm" để rồi cứ thế. Rồi lại tiếp tục cao giọng là "đỉnh cao trí tuệ, là lực lượng lãnh đạo không thể thay thế".
Điều cuối cùng, là nếu như tập đoàn Tân Hiệp Phát chỉ vì một bản án 7 năm tù cho nạn nhân - ông chủ của họ - đã bị cộng đồng xã hội lên án, tẩy chay không khoan nhượng buộc họ thay đổi thái độ. Thì ngược lại, người dân và xã hội Việt Nam vẫn là đàn cừu cho Tập đoàn CSVN chăn dắt mà không hề dám mở mồm kêu than. Họa hoằn nếu có, cũng chỉ là những tiếng kêu đơn độc giữa sa mạc.
Đó mới là tai họa của đất nước và dân tộc này hiện tại và tương lai.
Hà Nội, Ngày 26/12/2015
  • J.B Nguyễn Hữu Vinh

TP.HCM: Hơn 2.000 doanh nghiệp “chết” mỗi tháng

TUẤN MINH-15:39 25/12/2015
BizLIVE - Trong năm 2015, bình quân 1 tháng TP.HCM có 2.076 doanh nghiệp ngưng nghỉ họat động, trong khi đó, con số này của năm 2014 là 2.038 doanh nghiệp. 
TP.HCM: Hơn 2.000 doanh nghiệp “chết” mỗi tháng
Số liệu tổng kết của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tính từ đầu năm 2015 đến 15/12 TP.HCM đã có 30.931 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (không kể khu vực có vốn đầu tư nước ngoài), tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó lĩnh vực công nghiệp chiếm 12,2% (tăng 21,8%); xây dựng chiếm 10,2% (tăng 37,7%); khu vực dịch vụ chiếm 76,9% (tăng 29,3%).
Phân theo loại hình doanh nghiệp, có 918 doanh nghiệp tư nhân (giảm 10,6%), 3.314 công ty cổ phần (tăng 31,6%) và 26.699 công ty TNHH (tăng 24,7%).
Tổng vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp đạt 195.184 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực công nghiệp tăng 27,7%; xây dựng tăng 93,7%, khu vực dịch vụ tăng 48%. Quy mô vốn bình quân doanh nghiệp đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 19%.
Theo báo cáo từ cơ quan thuế TP.HCM, tổng số doanh nghiệp ngưng nghỉ 11 tháng đầu năm trên toàn địa bàn là 22.836 doanh nghiệp, bằng 75,8% số doanh nghiệp mới được cấp mã số thuế, tăng 1,8% so cùng kỳ.
Trong đó có 4 doanh nghiệp nhà nước, 144 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 22.688 doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Bình quân 1 tháng có 2.076 doanh nghiệp ngưng nghỉ họat động, trong khi đó con số này của năm 2014 là 2.038 doanh nghiệp. 
TUẤN MINH

Công nhân chạy ăn từng bữa, nói gì lương hưu

MINH PHƯỢNG - VŨ THỦY-16:10 24/12/2015
Đối với công nhân nghèo, lương chỉ ba cọc ba đồng, đủ ăn qua ngày thì tăng mức đóng bảo hiểm xã hội thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tháng càng dồn họ vào thế khó...

Công nhân chạy ăn từng bữa, nói gì lương hưu
Làm thủ tục nhận lương hưu.
Mặc dù hiểu đóng thêm tiền bảo hiểm xã hội thì lương hưu sau này sẽ tăng nhưng nhiều công nhân xác định chỉ làm vài ba năm kiếm chút vốn, không có ý định “gắn bó đến già” để có lương hưu.
Đối với công nhân nghèo, lương chỉ ba cọc ba đồng, đủ ăn qua ngày thì tăng mức đóng bảo hiểm xã hội thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tháng càng dồn họ vào thế khó, phải chật vật xoay xở cho cuộc sống trước mắt.
Chị Nguyễn Ngọc Anh, công nhân giày da (Q.12), cho biết: lương hiện nay của chị là 3,117 triệu đồng. Phụ cấp ăn trưa là 450.000 đồng, cả tiền chuyên cần tầm 4 triệu đồng mỗi tháng. Chồng chị làm ở một công ty khác, thu nhập có nhỉnh hơn một chút. Hai con nhỏ gửi ở quê cho ông bà nuôi, hằng tháng gửi tiền về.
Những món quà tết từ các phiên chợ công nhân luôn ấm áp và đầy nghĩa tình trong hành trang về quê ăn tết của người xa xứ (ảnh chụp tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: T.Long
Phiên chợ công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: T.Long.
Ở đây tiền nhà, tiền ăn, xăng xe… hằng tháng phải hết sức tằn tiện. Để tiết kiệm, hai vợ chồng chị phải nhín tiền ăn sáng, chỉ ăn mì gói. “Tính theo mức đóng cả phụ cấp, sắp tới tôi phải trích tới 400.000 đồng để đóng. Số tiền ấy cũng không nhỏ”, chị Anh nói. Tính cả hai vợ chồng thì mức đóng tròm trèm 1 triệu đồng/tháng.
Phần lớn trong số họ đều cho biết khó có thể gắn bó lâu dài với nghề để được lãnh lương hưu, vì lý do sức khỏe, vì vấn đề phụng dưỡng cha mẹ, ông bà hoặc về quê chăm sóc con cái bởi đa số đều ở nông thôn, xác định rõ chỉ đi làm công nhân khi còn trẻ và có sức khỏe.
Một số công nhân cũng lo cho doanh nghiệp: nếu mức đóng siết quá, doanh nghiệp gặp khó thì công nhân sẽ mất việc, giảm lương, giảm phụ cấp…
Một số nhìn nhận: áp lực đóng bảo hiểm xã hội tăng chắc chắn doanh nghiệp sẽ siết lại việc tổ chức lao động, giảm con người. Lúc này sẽ xuất hiện tình trạng nhảy việc, mất việc. Đây là một vấn đề xã hội sẽ xuất hiện trong thời gian tới, theo nhiều người.
 Theo Báo Tuổi Trẻ

Hãi hùng thực phẩm bẩn được "găm" lại để... chờ Tết

Hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm các cơ sở sản xuất, chế biến các mặt hàng thực phẩm phục vụ tết rục rịch vào mùa. Các dây chuyền sản xuất quy mô nhỏ lẻ và “siêu” bẩn bắt đầu hoạt động hết công suất.
Nơi chế biến đồ ăn bẩn như công trường
 
Cứ vào dịp giáp tết, người dân Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) lại tất bật đêm ngày để cho ra đời hàng chục tấn miến phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Khi đến làng miến truyền thống này, không ít người rùng mình bởi mùi hỗn tạp từ nước thải cống rãnh của các hộ xả thải ra mà chưa qua xử lý.
 
Chúng tôi tiếp cận cơ sở sản xuất bột sắn để làm nguyên liệu sản xuất miến, mì, bánh kẹo của gia đình anh Đ.K.T (thôn Minh Hòa 4). Khung cảnh sản xuất ngổn ngang như… công trường xây dựng.
 
Anh Đ.K.T (thôn Minh Hòa 4, xã Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội) không trang bị quần áo bảo hộ mà chỉ có duy nhất đôi ủng khi tham gia sơ chế nguyên liệu. Ảnh:  T.A
 
Cũng giống như nhiều lao động khác, anh T không trang bị quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang mà chỉ có mỗi đôi ủng khi sơ chế nguyên liệu. Khi chúng tôi đến, anh T đang hì hục xúc từng xẻng sắn lên máy nghiền để kịp giờ chuyển hàng. “3 tháng giáp tết là khoảng thời gian gấp rút vì lượng hàng các cơ sở sản xuất đặt tăng nhiều lần. Mỗi ngày, gia đình tôi xuất xưởng khoảng 1 tấn bột sắn” - anh T cho biết.
 
Tại cơ sở sơ chế nguyên liệu của gia đình anh T, củ sắn, dong riềng được đổ trực tiếp trên nền nhà bẩn thỉu rồi đưa lên máy nghiền thành bột. Một góc khác của căn nhà vung vãi những nguyên liệu sau khi được nghiền, thậm chí tràn ra lề đường bê tông. Trò chuyện với anh, chúng tôi được biết, củ sắn, dong chỉ rửa qua 1 lần nước rồi đưa vào nghiền luôn. Kết quả tạo ra một thứ nước bột sủi bọt đen đục. Thấy chúng tôi lo ngại về vấn đề sơ chế không đảm bảo, anh T trấn an: “Yên tâm, đến lúc đánh bột ra người làm sẽ rửa lại 4 - 5 lần nữa… Đến tay người tiêu dùng vẫn bảo đảm về chất lượng của sản phẩm” (?).
 
Trong vai người đến tìm nguồn hàng miến dong, mì gạo  về bán lẻ, chúng tôi được anh Hiệp – chủ cơ sở sản xuất bún, miến Thủy Hiệp cho biết: “Miến năm nay rất đắt, đỉnh điểm gần đây nhất là 57.000 đồng/kg. Giá bánh kẹo phục vụ tết năm nay cũng sẽ bị đẩy lên một chút do giá nguyên liệu nhập vào rất cao. Anh Hiệp cũng cảnh báo, do giá nguyên liệu đắt đỏ nên không tránh khỏi hiện tượng nhiều nơi sản xuất độn thêm sợi sắn, sử dụng thêm bột đót và chất phụ gia làm miến trắng hoặc phẩm nhuộm màu miến.
 
Mỡ bẩn... vào mùa
 
Giáp tết cũng là lúc các lò chế biến mỡ thành phẩm ở ngoại thành Hà Nội phải làm việc hết công suất để có đủ hàng phục vụ nhu cầu của các cơ sở sản xuất thực phẩm phục vụ tết.
 
Ngày nào chị Nguyễn Thị P (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) cũng phải dậy từ rất sớm để đến chợ đầu mối Bắc Thăng Long và lò mổ ở các xã lân cận để gom mỡ, bì cho lò chế biến mỡ của gia đình. Chị P tiết lộ, mỗi cân thịt mỡ lấy vào với giá từ 3.000 – 8.000 đồng/kg tùy thuộc vào độ tươi, khoảng 1 – 2 tháng gần đây giá mỡ nguyên liệu cũng tăng thêm khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg do nhu cầu thu mua của các lò chế biến mỡ nhiều hơn nhằm “găm” hàng phục vụ Tết Nguyên đán.
 
Cơ sở sản xuất của chị T ngay mặt đường liên thôn nên mỗi khi lò nổi lửa là mùi khét lẹt của mỡ cháy, mùi hôi thối của nguyên liệu bốc lên khiến ai đi ngang qua cũng thấy khó chịu.
 
Thịt mỡ mà chị P nói thực chất là những đám mỡ bèo nhèo được các lò mổ cắt ra từ những mảng thịt thừa, trong đó bao gồm cả nội tạng, lòng mề còn chứa cả phân. Nguyên liệu này sau khi mua về sẽ được mang ra rán trực tiếp trong các chảo lớn rồi lọc lấy mỡ, tóp mỡ cũng được gom lại để bán cho các cơ sở sản xuất nhân bánh, patê... Mỡ thành phẩm được bán cho các đầu mối phân phối mỡ với giá 14.000  – 16.000 đồng/lít.
 
Một đầu mối chuyên thu gom mỡ nguyên liệu cho biết, ngoài chợ đầu mối Bắc Thăng Long, anh còn thu mua tại các chợ đầu mối ở Thạch Thất, Phùng Khoang để cung cấp cho các lò chế biến mỡ ở Kim Sơn (Gia Lâm); Thanh Trì và Văn Lâm (Hưng Yên). “Đợt này nguồn cung được giá, gom bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu vì các cơ sở vào mùa làm mỡ phục vụ tết, chính vì vậy, chỉ cần có thể ép ra mỡ, nguyên liệu như thế nào cũng dùng được, giá nào cũng có hàng” – đầu mối này tiết lộ.

Ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế): Nâng cao nhận thức người dân
 
Hiện Hà Nội và TP. HCM đã hoàn thành tập huấn cho cán bộ và sẽ triển khai mô hình thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) xã phường trong đầu năm 2016. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của nhân dân về ATTP, không chỉ là cách lựa chọn thực phẩm an toàn mà còn là ý thức tẩy chay thực phẩm bẩn, tố giác cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm sai phạm.
 
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Đại Nam, Hà Nội: Luật chưa đủ răn đe
 
Điều 244 Bộ luật Hình sự nêu rõ: Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm biết rõ là không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm. Tôi cho rằng chế tài này không có tính răn đe. Đơn cử như quy định khi gây thiệt hại nghiêm trọng mới truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa đáp ứng được việc đấu tranh phòng ngừa. Bắt được hàng tấn mỡ bẩn, tuy nhiên việc chưa gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng (do bị phát hiện) là nằm ngoài mục đích của người vi phạm. Theo tôi, chỉ cần phát hiện là có thể xử lý hình sự, không cần đợi hậu quả xảy ra. Bộ luật Hình sự mới (khoản 1, Điều 317), có hiệu lực từ 1.7.2016, đã khắc phục được điều này.
 
Bà Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Mỡ bẩn dễ gây ung thư
 
Ăn phải mỡ bẩn người dân gặp rất nhiều nguy cơ về sức khoẻ. Trước hết, nếu mỡ hôi thối, có nấm mốc, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc thực phẩm, nhẹ thì bị tiêu chảy, nôn, mất nước; nặng có thể gây sốc trụy tim mạch, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, mỡ được bảo quản không tốt có thể bị ôxy hoá làm tăng các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ như tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ… Mỡ dùng lại nhiều lần sẽ tạo ra nhiều chất độc hại, vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, gây nhức đầu, huyết áp cao,  ung thư, tiểu đường, tim mạch...
 
Tuấn Kiệt - Lê Chiên (ghi)
 Thứ sáu - 25/12/2015 14:29
Tác giả bài viết: Tùng Anh – Mỵ Lương
Nguồn tin: Báo Dân Việt 

Hà Nội: Trạm y tế xã, có cũng như không!

Dù được trang bị nhiều máy móc hiện đại nhưng người dân lại không mấy "mặn mà" bởi sự xuống cấp và không đảm bảo vệ sinh của các Trạm y tế xã.
Trạm y tế xã cả năm không đỡ đẻ 
Trạm y tế xã Đồng Tiến (Ứng Hòa - Hà Nội) là một dãy nhà cấp 4 với 11 phòng chức năng. Trải bao mưa, nắng trạm y tế đã xuống cấp nghiêm trọng và không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của người dân. Bác sĩ Nguyễn Đức Trại - Trưởng Trạm y tế xã Đồng Tiến cho biết, từ đầu năm đến nay chưa có một sản phụ nào đẻ ở trạm y tế xã.
Theo nhận định của bác sĩ Trại, việc người dân không lựa chọn Trạm y tế xã để sinh con là do họ lo sợ các điều kiện về vô trùng, vệ sinh không được đảm bảo. Bác sĩ Trại thừa nhận với cơ sở vật chất như hiện tại, để đảm bảo vô trùng là điều không thể, chưa kể đến sự chật chội đến ngạt thở ở nơi này.
11 phòng chức năng ở Trạm y tế xã Đồng Tiến đều phải kiêm thêm chức năng của 2-3 phòng 
Bác sĩ Nguyễn Đức Trại cho hay, Trạm y tế xã Đồng Tiến có 11 phòng chức năng thì cả 11 phòng đều xuống cấp và có diện tích không quá 9m2, trong khi đó phòng nào cũng phải kiêm ít nhất từ 2 chức năng trở lên. Ví dụ, phòng truyền thông sẽ kiêm luôn phòng hành chính, phòng trực cũng là phòng khám thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng khám bệnh kiêm phòng sơ cấp cứu, phòng tiêm…
Diện tích nhỏ, lại phải kiêm nhiệm cùng một lúc nhiều chức năng khiến các phòng ở đây luôn trong tình trạng quá khổ, buộc các y bác sĩ phải khắc phục bằng cách kê bàn làm việc ra ngoài hành lang. Cũng vì chật chội mà mỗi đợt tiêm chủng Trạm y tế xã Đồng Tiến lại phải căng bạt dưới sân trạm để bà con không phải chịu nắng, chịu mưa.
Vốn đã thiếu các phòng chức năng, thời gian gần đây nhà phụ trợ của Trạm y tế xã còn bị sụt nóc vô cùng nguy hiểm. Không những thế trên mái nhà những tấm fi-bro-xi-măng bị gió làm cho xô lệch, tốc mái cũng chưa được sửa chữa, bổ sung vì không có kinh phí.
Năm 2012, Trạm y tế xã được cấp một loạt các máy móc hiện đại như máy siêu âm, X-quang, điện tim, xét nghiệm nước tiểu, máy ly tâm…nhưng làm thế nào để phát huy hết tác dụng của những loại máy móc này đang là bài toán khó đối với các y bác sĩ ở đây.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Trại với thời gian đào tạo 3 tháng cho việc sử dụng hai loại máy siêu âm và X-quang là quá ngắn. Bên cạnh đó, việc một phòng đặt đến 5 máy: X-quang, siêu âm, điện tim, ly tâm, kính hiển vi thì khó lòng phát huy được hiệu quả.
Nhà phụ trợ của Trạm y tế xã Đồng Tiến bị sụt mái, vô cùng nguy hiểm 
Trước thực trạng trên, TP Hà Nội đã phê duyệt đề án và kinh phí xây mới Trạm y tế xã Đồng Tiến từ tháng 10/2014, nhưng cho đến thời điểm hiện tại mọi thứ vẫn trên giấy tờ. Bác sĩ Trại cũng như các y sĩ khác đang công tác tại trạm tỏ ra sốt ruột, lo lắng khi nhắc tới việc này.
“Tôi nghĩ muốn giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên thì y tế cơ sở cần phải được đầu tư, quan tâm. Hơn nữa, nhà nước khuyến khích các bác sĩ về y tế sơ cở công tác cũng nên có các chính sách để tạo điều kiện hơn nữa cho họ. Phải làm việc trong môi trường như thế này, nhiều lúc chúng tôi rất tủi thân”, ông Trại tâm sự.
Cũng trong năm 2014, để trạm đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về văn hóa, ông Trại đã phải xin khất các cơ quan chức năng các tiêu chí liên quan đến cơ sở vật chất. Giờ đây, khi nhắc đến Trạm y tế xã Đồng Tiến là nhắc đến một Trạm y tế xuống cấp nhất nhì ở huyện Ứng Hòa chứ mấy ai nhớ Trạm y tế xã Đồng Tiến từng là một đơn vị điểm của toàn miền Bắc những năm kháng chiến chống Mỹ.
Thiết bị y tế "đắp chiếu" từ năm này sang năm khác 
Cùng với máy siêu âm và một số loại máy móc thiết bị y tế khác, Trạm y tế xã Cao Thành (Ứng Hòa, Hà Nội) còn được cấp máy ly tâm. 3 năm nay, chiếc máy này đã ở trạm nhưng luôn trong tình trạng "đắp chiếu". Nguyên nhân không phải do trình độ y bác sĩ không đủ đáp ứng mà là do chưa được cấp hóa chất.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai cho biết, máy ly tâm đã "đắp chiếu" 3 năm nay
Các y bác sĩ ở đây không biết lý do tại sao được cấp máy nhưng lại không được cấp hóa chất để vận hành máy móc và cũng không dám thắc mắc với Trung tâm y tế huyện. Theo như lời bác sĩ Nguyễn Thị Mai - Trưởng Trạm y tế xã Cao Thành, tình trạng này không chỉ xảy ra cá biệt ở một trạm mà xảy ra ở hầu hết các trạm y tế xã thuộc huyện Ứng Hòa.
Theo quy định, muốn siêu âm cho bệnh nhân có BHYT phải có chứng chỉ hành nghề, nhưng khi tham gia các lớp đào tạo, bác sĩ Mai cũng như bác sĩ Trại chỉ được cấp giấy chứng nhận đào tạo của khóa học nên những người dân tham gia BHYT chưa được hưởng lợi từ loại máy này. Chính vì thế mà xảy ra chuyện các hộ gia đình hoặc cá nhân đã tham gia BHYT nhưng vẫn phải trả tiền dịch vụ khi muốn siêu âm ở Trạm y tế xã.
Dù cơ sở vật chất khá khang trang nhưng Trạm y tế xã Cao Thành vẫn lâm vào tình trạng thiếu các phòng chức năng. Theo tính toán của bác sĩ Mai, Trạm y tế xã Cao Thành cần thêm ít nhất 3 phòng chức năng nữa, cực chẳng đã Trạm y tế xã Cao Thành phải tận dụng 4 gian nhà cấp 4 tường vôi đã bong tróc, bản lề cửa bị hỏng để làm nơi chứa đồ cũng như nghỉ ngơi cho các nhân viên trong trạm, nhưng mỗi khi trời mưa, 4 gian nhà bị dột không khác ngoài trời nên hiện giờ đang trong tình trạng khóa trái, bỏ không.
Rõ ràng, cơ sở vật chất xuống cấp đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của tuyến y tế cơ sở và việc cung cấp, trang bị máy móc, thiết bị y tế hiện đại cho các Trạm y tế xã chưa thực sự phát huy được hiệu quả.
Thứ sáu - 25/12/2015 15:19
Tác giả bài viết: Đắc Chuyên
Nguồn tin: Báo Công Lý

Một năm khóc - cười của những 'ông trùm' địa ốc

Theo VnExpress-24.12.2015 | 14:51 PM
Thị trường nhà đất ấm lại giúp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tiếp tục "bay cao" trên top người giàu trên sàn chứng khoán, song cũng không ít ông chủ phải nếm trái đắng...
Một năm khóc - cười của những 'ông trùm' địa ốc - Ảnh 1
Các đại gia bất động sản vẫn chiếm những vị trí quan trọng trong bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán.
Sau nhiều năm ảm đạm bởi suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu khởi sắc trong năm 2015. Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy thị trường nhà ở liên tiếp tăng trưởng, thể hiện qua lượng căn hộ chào bán và được bán tại Hà Nội và TP. HCM gia tăng.
Tồn kho bất động sản cũng có xu hướng giảm dần, dư nợ tín dụng tăng lên. Sự cải thiện của thị trường càng được chứng minh khi nhiều doanh nghiệp thoát khỏi cảnh khó khăn. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản đến tháng 11 đã tăng gần 80% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp giảm thể giảm gần 30%.
Với sự khởi sắc này, tài sản của không ít lãnh đạo, cổ đông lớn các doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng đáng kể so với năm 2014. Đến cuối ngày 22/12, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup (Mã CK: VIC) đã tiến gần hơn tới cột mốc tài sản chứng khoán một tỷ USD khi tổng giá trị cổ phiếu tăng hơn 1.900 tỷ đồng so với năm ngoái, lên gần 22.100 tỷ đồng.
Tuy cổ phiếu VIC giảm 13% từ đầu năm, song do được lĩnh hơn 109 triệu cổ phiếu từ đợt trả cổ tức nên tài sản của ông Vượng không bị hao hụt, đánh dấu 5 năm liên tiếp ở ngôi quán quân. Các thành viên gia đình họ Phạm như bà Phạm Thu Hương, Phạm Thúy Hằng cũng tiếp tục có mặt trong danh sách top 5 người giàu nhất sản chứng khoán, tổng tài sản lần lượt tăng thêm 330 tỷ đồng và 220 tỷ đồng.
Cũng được "thơm lây" từ việc thưởng cổ phiếu và tăng tỷ lệ nắm giữ, tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch của Tập đoàn FLC - Trịnh Văn Quyết tăng 635 tỷ đồng. Vị này hiện sở hữu 123 triệu cổ phiếu FLC so với mức 81,7 triệu cuối năm ngoái, nhưng từ đầu năm giá cổ phiếu công ty giảm 27% dù kết quả kinh doanh không đến nỗi nào. Lợi nhuận 9 tháng đạt hơn 630 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Ngoài những ông chủ được hưởng lợi từ việc tăng thêm số lượng cổ phiếu nắm giữ, một số đại gia khác lại đón nhận tin vui từ chính giá cổ phiếu tăng. Với việc cổ phiếu Công ty Cổ phần đầu tư Nam Long (Mã: NLG) tăng gần 30%, tài sản của ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị và ông Trần Thanh Phong - Phó chủ tịch lần lượt tăng hơn 180 tỷ đồng và hơn 50 tỷ đồng. Tương tự là ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc địa ốc Hòa Bình (Mã: HBC) với tài sản tăng hơn 86 tỷ đồng khi giá cổ phiếu tăng 27%.
Ngược lại, một số tên tuổi khác trong ngành lại nếm trái đắng khi tài sản trên sàn chứng khoán hao hụt mạnh. Từng đi lên với bất động sản song nay đã chuyển trọng tâm kinh doanh sang nông nghiệp, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Công ty Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) trải qua một năm đầy thử thách khi giá cổ phiếu mất tới gần 50%, về còn 11.300 đồng vào cuối ngày 22/12. Đây cũng là mức đáy của giá cổ phiếu này kể từ khi niêm yết năm 2008.
Trong năm 2015, cổ phiếu HAG hầu như chỉ ghi nhận diễn biến giảm và đi ngang, thậm chí công ty còn phải đối mặt và xử lý khủng hoảng với tin đồn vỡ nợ. Cá nhân Bầu Đức hồi cuối tháng 6 đã mua vào 6 triệu đơn vị, song giá cổ phiếu lao dốc vẫn khiến tài sản của ông "bốc hơi" gần 3.650 tỷ đồng, được ghi nhận là đại gia mất nhiều nhất trên sàn chứng khoán năm nay.
Chung cảnh ngộ là chị em họ Đặng, ông Đặng Thành Tâm và bà Đặng Thị Hoàng Yến. Dù được các đơn vị phân tích đánh giá sẽ được hưởng lợi từ việc dòng vốn nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam sau khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, song giá cổ phiếu Kinh Bắc và Tân Tạo - hai công ty nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh khu công nghiệp năm qua không được như ý muốn. Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu KBC giảm 19%, còn ITA giảm 28%, là hai trong những cổ phiếu có mức suy giảm khá mạnh trong ngành mặc dù kết quả kinh doanh đều chuyển biến rất tích cực. Lợi nhuận của Kinh Bắc và Tân Tạo 9 tháng đầu năm lần lượt tăng 131% và 76% so với 9 tháng năm 2014.
Năm nay cũng là năm buồn với cổ đông của Hà Đô và Quốc Cường Gia Lai khi giá cổ phiếu hai công ty này sụt 20% và 48% từ đầu năm, kéo theo tài sản trên sàn chứng khoán của ông Nguyễn Trọng Thông và bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch hai công ty giảm 125 tỷ và 78 tỷ đồng.
Bên cạnh điểm nhấn tại ngành bất động sản, top những cá nhân có tài sản biến động mạnh nhất trên sàn chứng khoán năm nay còn ghi nhận những tên tuổi từ ngành thép, thực phẩm.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, người giàu thứ hai sàn chứng khoán đến thời điểm này mất hơn 680 tỷ đồng khi cổ phiếu giảm hơn 40%. Việc giảm giá này khá trái ngược so với tình hình kinh doanh của công ty khi 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt hơn 2.938 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 7% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đầu năm đề ra và bằng 90% kế hoạch đã điều chỉnh. Một đại gia khác trong ngành thép là ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hoa Sen cũng bị hao hụt gần 580 tỷ đồng tài sản khi giá cổ phiếu HSG giảm 32%.
Sau khi bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International, năm 2015, giá cổ phiếu KDC giảm gần 50% khiến tài sản của hai anh em ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên lần lượt giảm 518 tỷ và 179 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, với việc KDC trả cổ tức 20.000 đồng một cổ phiếu hồi tháng 8, những ông chủ của công ty đã thu về số tiền không nhỏ, riêng anh em họ Trần cũng sở hữu 47 triệu cổ phiếu.
Năm nay là thứ 10 VnE công bố danh sách Người giàu trên sàn chứng khoán và cũng là năm thứ 6 nhận được hợp tác, tổng hợp số liệu của Công ty CP chứng khoán VNDIRECT từ thông tin công bố của gần 700 doanh nghiệp đang niêm yết tại hai Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. HCM.
Trên cơ sở những dữ liệu nêu trên, chúng tôi đã liên hệ với bộ phận quản lý cổ đông của các doanh nghiệp qua email để xác minh, nhằm đảm bảo độ chính xác cao nhất đối với thông tin công bố. Bên cạnh đó, trong gần 12 tháng qua, thị trường chứng khoán cũng chứng kiến một số trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp chuyển cổ phần từ sở hữu cá nhân sang cho công ty riêng quản lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh và đánh giá quan hệ sở hữu trong những trường hợp này, để bản danh sách cuối cùng công bố ngày 31/12 sẽ phản ánh đầy đủ nhất tài sản chứng khoán của các cá nhân.