Saturday, January 24, 2015

Những điều cần biết về cảm cúm

 Theovietdaikynguyen
 Bác sĩ Mercola, www.mercola.com 24 Tháng Một , 2015
(Shutterstock*)
Gừng, bạc hà cay và trà xanh (Shutterstock*)
Chúng ta thường nghĩ về việc dùng vắc xin cúm khi mùa cảm cúm đến.
Trước đây, tôi đã viết nhiều bài về những nguy hiểm của vắc xin cúm, và theo các bằng chứng khoa học, chúng hoàn toàn không có tác dụng gì cả.
Vậy nên bây giờ là lúc đánh giá lại những biện pháp chúng ta có thể làm để tự bảo vệ bản thân và gia đình, tránh bị cảm lạnh hay bất kì loại cúm nào trong mùa này, và trong các năm tiếp theo.

Nguyên nhân gây ra bệnh cảm và cúm

Cảm lạnh và các loại cúm do rất nhiều loại vi rút (không phải vi khuẩn) gây ra.
Hai loại đau ốm khổ sở này có cùng triệu chứng đặc thù là ảnh hưởng tới hệ hô hấp của bạn, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng thì khác nhau.
Trong khi triệu chứng hay gặp của bệnh cảm thông thường bao gồm chảy nước mũi, tắc mũi, ho và đau họng. Còn triệu chứng của cúm có xu hướng nghiêm trọng hơn, bởi vì vi rút cúm có khả năng gây ra bệnh truyền nhiễm về phổi, viêm phổi và suy giảm hệ hô hấp nghiêm trọng. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới khớp xương của bạn – do vậy người bị cúm có cảm giác đau nhức toàn thân.
Con đường lây nhiễm vi rút cúm phổ biến nhất là do tiếp xúc giữa tay với tay. Ví dụ, bạn có khả năng lây bệnh nếu bạn bắt tay với một người bị cảm vừa dùng tay hỉ mũi, hoặc chạm tay vào bề mặt mà người này trước đó đã chạm vào.
Tuy nhiên, điều cơ bản cần nhớ là tiếp xúc với vi rút cảm không có nghĩa bạn sẽ bị cảm. 
Nếu hệ miễn dịch của bạn đang ở trạng thái tốt nhất, bạn hoàn toàn có thể đẩy lùi vi rút cúm gây bệnh. Nhưng nếu hệ miễn dịch của bạn suy yếu, vẫn vi rút cúm đó, chúng sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của bạn. Vì vậy điều quan trọng nhất mà bạn cần biết là: nguyên nhân thực chất của cảm cúm là do hệ miễn dịch của bạn đã bị sút kém. Không phải cứ tiếp xúc với vi rút là sẽ sinh bệnh.
Hệ miễn dịch bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong lối sống. Các yếu tố đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau làm suy yếu hệ miễn dịch. Chúng gồm có:
  • Ăn quá nhiều đường, đặc biệt là đường fructose, hoặc quá nhiều các loại hạt. Một người trung bình hiện nay dùng khoảng 75 gam fructose một ngày. Và ăn nhiều đường như vậy có thể tàn phá hệ miễn dịch của bạn. Một trong những nguyên nhân khiến đường làm suy yếu hệ miễn dịch là nó gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Đường là chất nuôi dưỡng vi khuẩn, men và nấm gây bệnh trong ruột, và bọn này giúp vi khuẩn đường hô hấp tấn công hệ miễn dịch của chúng ta. Phần lớn mọi người không biết rằng 80% hệ miễn dịch của chúng ta nằm ở đường ruột và dạ dày. Vì vậy kiểm soát lượng đường vào cơ thể là TẤT YẾU để có hệ miễn dịch tối ưu. Sẽ là khôn ngoan nếu bạn giới hạn lượng fructose hấp thụ hàng ngày dưới 25 gam khi đang có sức khỏe tốt và dưới 15 gam/ngày khi bạn bị huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim hoặc tự kháng insulin.
  • Không bổ sung đủ vitamin D do thiếu tiếp xúc ánh sáng mặt trời
  • Nghỉ ngơi không đủ
  • Thiếu rèn luyện thân thể
  • Chưa có biện pháp hiệu quả để kiềm chế kích thích cảm xúc.

Thiếu vitamin D: Nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh cảm và cúm

Thống kê của Medline ước tính người trưởng thành ở Mỹ trung bình bị cảm lạnh từ 2 đến 4 lần mỗi năm, trong khi trẻ em có thể nhiễm tới hơn chục lần. Mỗi năm, khoảng 5 đến 20 phần trăm dân số Mỹ bị các bệnh về cúm.
Một nguyên nhân khiến nhiều người bị cảm và cúm, đặc biệt trong các tháng mùa đông khi vi rút cảm và cúm hoạt động mạnh nhất, có thể là do quá nhiều người Mỹ thiếu vitamin D. Nghiên cứu đã xác nhận rằng việc bị nhiễm cảm và cúm có thể thực sự là do thiếu vitamin D, một loại vitamin quan trọng. Nếu hấp thụ ít hơn lượng vitamin D cần thiết thì sẽ làm suy giảm đáng kể sức đề kháng, làm bạn cực kỳ dễ bị cảm, cúm và các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
Một nghiên cứu về vitamin D cấp quốc gia có quy mô lớn nhất cho tới nay, với 19000 người Mỹ tham gia, cho thấy những người có mức vitamin D thấp nhất bị mắc cảm hoặc cúm mới nhiều hơn đáng kể – và nguy cơ có thể lớn hơn đối với những ai bị bệnh mãn tính về hệ hô hấp như là bệnh hen suyễn. Ít nhất 5 nghiên cứu khác đã chỉ ra mối liên hệ ngược lại, nghĩa là giữa việc ít bị nhiễm bệnh qua đường hô hấp với các mức vitamin D trong cơ thể.
Các ngiên cứu cho thấy rõ ràng rằng mức vitamin D càng cao, nguy cơ mắc cảm, cúm và các bệnh lây qua đường hô hấp càng thấp. Tôi tin chắc rằng bạn có thể tránh được bệnh cảm và cúm hoàn toàn bằng việc duy trì lượng vitamin D ở mức tối ưu.
(Shutterstock*)(Shutterstock*)

QUAN TRỌNG: Tại sao hấp thụ vitamin D từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lại rất quan trọng?

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bác sĩ Dtepjanie Seneff đã nâng tầm quan trọng của việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lên một mức hoàn toàn mới. Tôi luôn khuyến cáo mọi người nên thường xuyên tiếp xúc ánh sáng mặt trời bất cứ khi nào có thể để hấp thụ vitamin D. Và đánh giá của bác sĩ Seneff về mối liên hệ chặt chẽ giữa vitamin D – cụ thể là từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời – với mức cholesterol và lưu huỳnh đảm bảo cho cơ thể khỏe mạnh, đã củng cố thêm cho khuyến cáo này.
Khi da bạn tiếp xúc ánh sáng mặt trời, nó sẽ tổng hợp vitamin D3 sulfate. Dạng vitamin D này có thể hòa tan trong nước, không giống việc bổ sung vitamin D3 dạng uống, vốn là unsulfate và không thể hòa tan tạo sulfate. Dạng hòa tan trong nước có thể di chuyển tự do trong máu của bạn, trong khi đó dạng unsulfate cần LDL (còn được gọi là chất cholesterol xấu) làm phương tiện để di chuyển trong máu. Bà Seneff cũng nghi ngờ liệu uống vitamin D unsulfate có thể mang lại lợi ích giống như vitamin D có được do da bạn tiếp xúc ánh sáng mặt trời, bởi vì vitamin D unsulfate không thể chuyển hóa thành vitamin D sulfate.
Tôi tin đây là một lý do rất thuyết phục để đồng thanh kêu gọi mọi người đáp ứng nhu cầu vitamin D của cơ thể bằng việc tiếp xúc an toàn với ánh sáng mặt trời, hoặc sử dụng giường thuộc da an toàn (với chấn lưu bằng điện tử, không dùng chấn lưu bằng từ trường để tránh bị nguy hiểm với trường điện động). Tôi duy trì lượng vitamin D khoảng 65 tới 110 nanogam/ml nhờ tiếp xúc ánh sáng mặt trời đều đặn.
Tôi thừa nhận là hấp thụ vitamin D qua ánh sáng mặt trời có thể không khả thi với phần lớn mọi người, và lúc đó việc uống bổ sung vitamin D hiển nhiên sẽ tốt hơn nhiều nếu không làm gì hết.

Vitamin D có thể giúp bạn hồi phục nhanh hơn… và ngăn chặn cảm, cúm ngay từ ban đầu

Vitamin D là một chất chống vi trùng có hiệu quả đáng kinh ngạc, nó sản xuất 200 đến 300 các chuỗi axit amin chống vi trùng khác nhau trong cơ thể, giúp tiêu diệt vi khuẩn, vi rút và nấm. Vậy nên tối ưu hóa hàm lượng vitamin D trong cơ thể của bạn không chỉ loại trừ vi rút cảm cúm mà còn ngăn chặn chúng xâm nhập cơ thể ngay từ ban đầu.
Ngược lại với việc sử dụng vắc xin cúm (tôi sẽ nhắc tới sau đây), khuyến cáo dùng vitamin D ngày càng được khoa học công nhận.
Ví dụ, trong một nghiên cứu công bố năm ngoái, các nhà khoa học đã điều tra tác dụng của vitamin D đối với học sinh trong việc ngăn mắc cúm A theo mùa. Trong hơn một năm, họ tiến hành nghiên cứu so sánh ảnh hưởng của vitamin D3 với các loại thuốc giả dược (là thuốc giả không có tác dụng chữa bệnh, chủ yếu để làm yên lòng người bệnh hoặc để kiểm tra công dụng của một loại thuốc nào đó). Họ thấy chỉ có 10,8% trẻ em trong nhóm vitamin D  nhiễm cúm A, so với 18,6% trẻ em trong nhóm thuốc giả dược.
Theo các tác giả nghiên cứu:
“Nghiên cứu này đã đưa ra một giả thiết rằng bổ sung vitamin D3 trong mùa đông có thể giảm việc nhiễm cúm, đặc biệt đối với nhóm tuổi học sinh”.
Theo nghiên cứu mới nhất của Carole Baggerly, giám đốc của Grassroots Health cho biết người trưởng thành trung bình cần 8000 đơn vị vitamin D dạng uống trong một ngày. Với trẻ em, nhiều chuyên gia đồng ý rằng chúng cần khoảng 35 đơn vị vitamin D trên một pound trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, nên nhớ rằng nhu cầu về vitamin D là rất khác nhau ở mỗi người, vì trạng thái vitamin D của bạn phụ thuốc vào nhiều yếu tố. Do vậy lượng vitamin D khuyến cáo ở trên có thể phù hợp với phần lớn mọi người, nhưng không thể có liều lượng nào phù hợp với nhu cầu của tất cả mọi người.
Cách duy nhất để xác định liều lượng tối ưu với bạn là kiểm tra máu. Sẽ là lý tưởng nếu bạn duy trì lượng vitamin D ở mức 50 đến 70 nanogam/ml quanh năm.

Cách chống cảm cúm thông thường thực sự làm giảm khả năng trị bệnh.

Bệnh cảm đơn giản nhất sẽ hết sau khoảng 8 đến 9 ngày, khoảng 25% khỏi sau 2 tuần, 5-10% khỏi sau ba tuần. Thậm chí, dai dẳng nhất thì cũng khỏi sau vài tuần.
Ngược lại, bệnh cúm có xu hướng khỏi nhanh hơn, cúm thông thường sẽ khỏi sau 4 đến 7 ngày. Và thời gian khỏi bệnh phụ thuộc vào thói quen sinh hoạt của bạn. Điều này không có nghĩa là bạn có thể tự ý áp dụng các phương pháp chữa cảm, cúm hoặc dùng thuốc hạ sốt mà không có đơn hoặc chỉ định của bác sĩ. Thực tế, miễn là nhiệt độ cơ thể bạn duy trì dưới mức 102 độ Fahrenheit (38.9 độ C) thì không cần dùng thuốc hạ sốt. Vì vi rút cảm không tái tạo ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cơ thể, nên các cơn sốt nhẹ chính là để giúp bạn loại bỏ vi rút nhanh hơn.
Cũng tránh dùng thuốc giảm đau không có đơn của bác sĩ, vì các nhà nghiên cứu khuyên rằng uống thuốc Aspirin hay Tylenol (Acetaminophen) có thể thực sự làm giảm khả năng sản xuất các kháng thể tiêu diệt vi rút cảm. Thuốc Aspirin có liên quan tới các biến chứng về phổi bao gồm chứng phù phổi và sự xuất hiện bất thường các chất lỏng trong phổi khi bạn dùng quá liều hay lạm dụng. Chỉ sử dụng các loại thuốc này khi thực sự cần thiết, như trường hợp thân nhiệt bạn cao hơn 105 độ Fahrenheit (40.5 độ C), đau hoặc yếu cơ nghiêm trọng.
Điều quan trọng nhất cần nhớ là thuốc kháng sinh KHÔNG diệt được vi rút, do vậy chúng vô dụng với vi rút cảm và cúm. Nhưng không may, kháng sinh lại được kê đơn quá nhiều cho mục đích chống lại vi rút. Nên nếu bạn bị cảm hay cúm, nhớ là trừ khi bạn có viêm phổi thứ phát do vi khuẩn, một liều kháng sinh có thể có nhiều tác hại hơn là lợi. Bởi vì bất cứ khi nào bạn sử dụng một loại kháng sinh, cơ thể bạn sẽ dễ mắc phải các bệnh lây nhiễm đang phát triển sự đề kháng đối với loại thuốc đó – và bạn có thể trở thành người mang con bệnh kháng thuốc này và truyền nó sang người khác.

Khi nào bạn nên gọi bác sỹ?

Xoang, tai, bệnh về phổi (viêm cuống phổi, viêm phổi) là ví dụ của bệnh lây nhiễm vi khuẩn mà PHẢN ỨNG lại các loại thuốc kháng sinh. Nếu cơ thể xuất hiện bất kì loại triệu chứng nào sau đây, bạn có nguy cơ đang nhiễm loại bệnh lây truyền do vi khuẩn hơn là vi rút cảm, và bạn nên gọi bác sĩ:
  • Sốt trên 102 độ Fahrenheit (38.9 độ C)
  • Đau tai
  • Đau xung quanh mắt, đăc biệt với chảy mủ xanh ở mũi.
  • Thở gấp hoặc ho không ngăn được, dai dẳng.
  • Ho dai dẳng ra đờm xanh và vàng

Thật bất ngờ, THIẾU các bằng chứng chứng minh hiệu quả của vắc xin cúm

Trong khi vắc xin cúm được quảng cáo là cách tốt nhất để tránh cúm trong mùa cúm, nhiều người không nhận ra rằng các quảng cáo này không có cơ sở khoa học. Thực chất nó chỉ là mong muốn phòng bệnh vốn không được ủng hộ bởi các bằng chứng khoa học.
Hãy lấy các đánh giá cơ sở dữ liệu của Cochrane – là tiêu chuẩn vàng để đánh giá hiệu quả các các biện pháp y học – làm ví dụ. Năm đánh giá của Cochrane được công bố giữa năm 2006 và năm 2010 đã hoàn toàn phủ nhận quan điểm rằng dùng vắc xin cúm là cách tốt nhất để ngăn chặn bệnh cúm.
  • Một đánh giá có tính hệ thống, quy mô lớn với 260.000 trẻ em tuổi từ 6 đến 23 tháng tham gia, công bố trong bài viết điểm lại hệ thống cơ sở dữ liệu của Cochrane năm 2006 cho thấy không có bằng chứng nào chứng minh rằng dùng vắc xin cúm hiệu quả hơn giả dược ở trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Hai năm sau, năm 2008, một điều tra khác của Cochrane một lần nữa kết luận rằng “rất ít bằng chứng có thể kiểm chứng” rằng vắc xin cúm hiệu quả với trẻ em dưới 2 tuổi. Thậm chí đáng ngại hơn khi các tác giả tuyên bố rằng: “Thật ngạc nhiên khi chỉ tìm thấy duy nhất một nghiên cứu về sự không hiệu quả của vắc xin với trẻ dưới hai tuổi, trong bối cảnh trẻ em khỏe mạnh từ 6 tháng tuổi ở Canada và Mỹ được khuyến cáo phải tiêm chủng như hiện nay. Những khuyến cáo quan trọng như vậy cần được đánh giá qua nhiều nghiên cứu quy mô lớn. Và nếu tạo miễn dịch ở trẻ em được coi là chính sách sức khỏe cộng đồng, cần thực hiện gấp các nghiên cứu quy mô lớn”.
  • Sau đó, năm ngoái, Cochrane đã công bố kết luận gây xôn xao dư luận sau đây:
“Vắc xin cúm có rất ít tác dụng trong việc giảm triệu chứng cúm và giúp giảm ngày nghỉ làm do cúm.Không có bằng chứng cho thấy vắc xin tác động đến các biến chứng như là viêm phổi hay lây truyền.
CẢNH BÁO: Cuộc điều tra này đánh giá 15 trong số 36 thử nghiệm, được tài trợ bởi ngành công nghiệp (4 thử nghiệm không công bố nhà tài trợ). Trước đó, một bài viết mang tính hệ thống điểm lại 274 công trình nghiên cứu về vắc xin cúm được công bố trước năm 2007 cho thấy các nghiên cứu do ngành công nghiệp tài trợ được xuất bản trong các tạp chí uy tín hơn và được trích dẫn nhiều hơn các nghiên cứu khác, không phụ thuộc vào chất lượng phương pháp luận và quy mô. Và các nghiên cứu được tài trợ từ nguồn công cộng rất hiếm khi đưa ra các kết luận có lợi cho vắc xin.
Cuộc điều tra cho thấy bằng chứng đáng tin cậy về vắc xin cúm là rất ít nhưng có bằng chứng về việc phổ biến làm giả các kết luận và cả sự giả dối rõ ràng của các nghiên cứu. Khám phá này nên được dùng để giải thích cho nội dung và kết luận của cuộc điều tra”. [Trích dẫn từ bài báo của Cochrane]
  • Năm ngoái, Cochrane cũng đánh giá các bằng chứng được sử dụng để kết luận rằng vắc xin tốt cho người già, và họ thấy các “bằng chứng” này đều không thể kiểm chứng. Nên các tác giả đã kết luận: “Các bằng chứng hiện tại đều có chất lượng thấp và không cung cấp thông tin về an toàn, hiệu quả và hiệu nghiệm của các loại vắc xin cúm cho người từ 65 tuổi trở lên”.
  • Họ cũng đánh giá liệu tiêm vắc xin cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe có giúp những người cao tuổi ngăn chặn bệnh cúm từ những người chăm sóc mình không. Và các tác giả đã kết luận là: “Không có bằng chứng chứng minh việc tiêm phòng này có hiệu quả”.

Chế độ ăn đẩy lùi bệnh cảm hoặc cúm

Điều đầu tiền bạn nên làm khi cảm thấy bị cảm hoặc cúm là tránh ăn tất cả các loại đường, chất làm ngọt nhân tạo và thức ăn chế biến sẵn. Đường đặc biệt phá hủy hệ miễn dịch vốn cần được gia tăng để có thể chiến đấu chống lại bệnh lây nhiễm đang xuất hiện. Đường ở đây bao gồm cả đường fructose từ nước ép trái cây và tất cả các loại hạt (vì chúng sẽ chuyển hóa thành đường trong cơ thể chúng ta).
Lý tưởng nhất, bạn phải giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng, ngủ nghỉ, tập luyện và các việc căng thẳng ngay khi cảm nhận được bản thân sắp bị cảm hay cúm. Khi đó các biện pháp làm tăng hệ miễn dịch sẽ có hiệu quả nhất. Các loại thức ăn giúp gia tăng sức đề kháng bao gồm:
  • Sữa hữu cơ từ bò nuôi bằng cỏ, sữa tươi nguyên chất, và/hoặc protein chiết xuất từ sữa (whey protein) chất lượng cao.
  • Thức ăn lên men như là rượu kefia nguyên chất, kim chi, miso, giấm, món dưa cải bắp của Đức
  • Rau hữu cơ
  •  Trứng hữu cơ, tươi từ gà chăn thả
  • Tỏi, ăn sống và đập dập trước khi ăn là lý tưởng nhất
  • Thịt bò chăn thả, ăn cỏ.
  • Nghệ, cây oregano, quế, đinh hương
  • Dừa và dầu dừa
  • Các loại nấm, đặc biệt là nấm linh chi, nấm hương, nấm gà rừng (maitake)
Đảm bảo uống nhiều nước lọc. Nước là thiết yếu giúp tối ưu hóa chức năng của mọi hệ thống trong cơ thể và giúp thông tắc mũi và nhuận tràng. Bạn nên uống đủ nước sao cho nước tiểu có màu vàng nhạt.
Súp gà có thể làm giảm triệu chứng của cảm.
Trong thịt gà có a-xít amin tự nhiên có thể làm giảm bớt chất nhầy trong phổi và làm nó bớt dính nên bạn có thể tống nó ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, súp chế biến sẵn, đóng lon sẽ không tốt như súp nấu ở nhà. Tốt nhất là tự nấu một mẻ ngon lành ở nhà (hoặc nhờ bạn bè hoặc người thân nấu) và ăn nóng với nhiều hạt tiêu.
Gia vị tạo ra sự giải phỏng đột ngột của chất lỏng trong miệng, cổ và phổi, sẽ giúp làm giảm các chất nhầy ở đường hô hấp, nên sẽ dễ dàng hơn để ho và tống các chất nhầy này ra.
(Shutterstock*)
(Shutterstock*)

Trà xanh – Đồ uống có lợi cho sức khỏe trong mùa cúm

Trà xanh chứa các chất chống vi rút nên rất hữu hiệu trong việc chống nhiễm cúm. Một nghiên cứu gần đây đã kiểm chứng mối liên hệ giữa uống trà xanh và nguy cơ mắc cúm đối với các học sinh. Hơn 200 học sinh tiểu học đã nhận được các phiếu hỏi ẩn danh về hai việc là mức độ uống trà xanh và tình hình mắc bệnh trong mùa cúm.
Kết quả cho thấy uống trà xanh 5 cốc một ngày có liên quan tới tỷ lệ nhiễm cúm thấp hơn.
Theo các tác giả:
Các khám phá của chúng tôi cho biết rằng uống 1 đến 5 cốc trà xanh một ngày có thể ngăn chặn nhiễm cúm ở trẻ em”.

Thực phẩm bổ sung giúp loại bỏ các mầm bệnh

Bổ sung dưỡng chất có thể có ích với bệnh cảm, nhưng tôi tin rằng chúng chỉ nên được sử dụng như biện pháp thứ yếu bên cạnh khẩu phần ăn tốt và lối sống lành mạnh như đã trao đổi ở phần trước. Một vài lựa chọn hữu ích khi bạn bị cảm hoặc cúm bên cạnh vitamin D là:
  • Vitamin C: một chất chống oxy hóa hiệu nghiệm, trong trái sơ ri (acerola) có rất nhiều vitamin C và các nguyên tố vi lượng liên kết. Bạn có thể bổ sung một vài gam vitamin C mỗi giờ cho đến khi bạn thấy tốt hơn trừ khi bạn bắt đầu đi ngoài.
  • Dầu Oregano: loại dầu oregano nào có hàm lượng carvacrol (chất làm tăng đề kháng) càng cao, thì càng tốt. Carvacrol là thành phần chống vi trùng mạnh nhất trong dầu oregano.
  • Keo ong (sáp ong): nhựa ong và keo ong – một trong những hợp chất chống nhiều loại vi trùng nhất trên thế giới, là nguồn giàu acid cafeic và apigenin (chất chống oxy hóa), hai hợp chất quan trọng giúp tăng sức đề kháng.
  • Trà làm từ hỗn hợp  hoa rơm cháy (elderflower), cỏ thi, cây đoan, bạc hà cay và gừng. Uống nóng thường giúp chống lại bệnh cảm hoặc cúm. Nó khiến bạn ra mồ hôi và việc ra mồ hôi lại rất hữu ích trong việc tiêu diệt vi rút trong cơ thể.
  • Chiết xuất từ lá cây ô liu: người Ai Cập và các nước Địa Trung Hải cổ xưa có văn hóa sử dụng chiết xuất lá cây ô liu trong nhiều biện pháp nâng cao sức khỏe và nó được biết rộng rãi như là chất gia tăng hệ miễn dịch không độc hại và tự nhiên.

Các loại nấm – thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch ít được biết tới

Các loại nấm đang nổi lên như là loại thực phẩm bổ sung hữu ích trong việc tăng cường hệ miễn dịch của bạn.
Hơn 300 loại nấm khác nhau hiện nay được tin là có khả năng gia tăng sức khỏe con người. Liên tục có các bằng chứng xác nhận trong nấm có các protein, khoáng vi lượng, polysaccharide, a-xít amin, và chất xơ hỗ trợ toàn diện sức khỏe bằng việc:
  • Đẩy mạnh sự phát triển của các tế bào bình thường.
  • Ngăn chặn các căng thẳng do môi trường.
  • Hỗ trợ quá trình giải độc bình thường của cơ thể
  • Hỗ trợ hệ vi sinh có lợi cho sức khỏe trong ruột
  • Thúc đẩy tối ưu hệ tiêu hóa.
Trong khi phần lớn mọi người đều chỉ ăn phần thân nấm, nghĩa là phần mọc phía trên mặt đất, nhưng phần kỳ diệu nhất của nấm thì thực sự nằm ở cấu trúc rễ phức tạp nằm dưới đất, gọi là sợi nấm, nơi có thể chứa tới 95% tổng sinh chất của cây nấm.
Beta glucan (hợp chất đường liên phân tử) và proteoglycan là hợp chất hoạt động sinh học căn bản trong cây nấm và hệ sợi nấm, chúng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch.
Beta glucan là các chuỗi polysaccharides và proteoglycan là các protein đặc biệt, thường được tìm trong các mô liên kết. Beta glucan được tìm thấy trong nấm là các phân tử chuỗi dài phức tạp và lớn. Điều tạo nên sự khác biệt của beta glucan  là cấu trúc rẽ nhánh của nó. Giống như ổ khóa và chìa khóa, hợp chất beta glucan trong nấm kích hoạt các vị trí thụ cảm tế bào một cách hoàn hảo giúp hỗ trợ hệ miễn dịch của bạn.

Kẽm làm giảm triệu chứng bệnh cảm ở giai đoạn đầu

Một bài phê bình của Cochrane đối với các nghiên cứu y học về kẽm cho thấy nếu bổ sung kẽm trong vòng một ngày khi có biểu hiện đầu tiên của bệnh cảm có thể làm giảm thời gian bạn bị cảm khoảng 24 giờ.
Cochrane đánh giá 15 thử nghiệm kiểm tra ngẫu nhiên, với 1360 người tham gia ở tất cả các nhóm tuổi. Và kẽm được nhận thấy là giúp giảm đáng kể sự nghiêm trọng của các triệu chứng.
Điều này xác nhận niềm tin bấy lâu nay của mọi người về công dụng của kẽm. Nó cũng chặn đứng những lời khuyên sử dụng kẽm vô độ; nêu lên sự cần thiết phải tiến hành các nghiên cứu sâu rộng hơn để xây dựng các công thức và thời gian điều trị tối ưu. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu được điều tra đã cho thấy thông thường sử dụng lượng kẽm khoảng 50 tới 65 mg mỗi ngày có thể phát huy tác dụng chống lại bệnh cảm. Người uống thuốc viên sẽ dễ bị các ảnh hưởng xấu hơn người uống si rô, chưa kể vị đắng, khó chịu và buồn nôn của thuốc viên.
Kẽm không được khuyên dùng với người có tình trạng sức khỏe không tốt, như là hệ miễn dịch yếu, hen suyễn, hoặc bệnh mãn tính.
Lưu ý rằng nếu bạn chỉ sử dụng một loại dưỡng chất và không dùng kết hợp các loại khác, sẽ dẫn tới khả năng cơ thể bị mất cân bằng hoặc tình huống tệ nhất là bị quá liều. Do đó hiện tại tôi khuyến cáo không dùng quá 50mg kẽm một ngày. Và tôi cũng không khuyên dùng kẽm với liều lượng như vậy hàng ngày như là yếu tố quan trọng nhất để  chống đỡ bệnh cảm. Vì dùng như vậy, lượng đồng trong cơ thể bạn sẽ dễ bị mất cân bằng. Và bạn cũng có thể bị “tác dụng ngược”, vì dùng quá nhiều một loại chất dinh dưỡng tốt thực ra có thể gây phản ứng ngược lại với mong đợi.

Lối sinh hoạt lành mạnh giúp hạn chế bệnh cảm và cúm

Bên cạnh việc bổ sung các chất dinh dưỡng, lối sinh hoạt sau đây cũng sẽ giúp bạn có sức đề kháng tối ưu chống lại vi rút cảm cúm:
  • Thường xuyên ngủ ngon giấc. Nếu bạn không ngủ đủ giấc, bạn sẽ dễ nhiễm các vi rút nguy hiểm. Hệ miễn dịch của bạn chỉ làm việc hiệu quả nhất khi bạn không bị thiếu ngủ, nên bạn nghỉ ngơi càng nhiều cơ thể càng nhanh hồi phục.
  • Tập thể dục đều đặn. Tập luyện đều đặn là chiến lược cốt yếu giúp gia tăng sức đề kháng của bạn. Có các bằng chứng chứng minh rằng tập thể dục điều độ giúp nâng cao hệ miễn dịch, do đó có thể làm giảm nguy cơ bị các bệnh về hô hấp. Thực tế, một nghiên cứu cho biết ai tập thể dục đều đặn (5 lần trở lên trong một tuần) sẽ giảm gần 50% nguy cơ bị cảm. 
Và nếu người đó bị cảm thì triệu chứng cũng bớt nghiêm trọng hơn nhiều so với người không tập thể dục. Ngoài ra, tập luyện làm tăng nhiệt độ cơ thể nên cũng có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Điều này giúp tiêu diệt các mầm bệnh đang xâm nhập vào cơ thể, và không bị sốt khi ốm.
  • Kiềm chế cảm xúc. Các kích thích cảm xúc cũng có thể làm bạn dễ bị bệnh truyền nhiễm và làm các triệu chứng của bệnh cảm tệ hơn. Biết cách quản lý các căng thẳng hàng ngày và các phản ứng thái quá về cảm xúc sẽ góp phần xây dựng hệ miễn dịch mạnh mẽ và nhanh hồi phục.

Ngụy


Tiểu Tử - Trong ngôn ngữ thông thường miền Nam Việt Nam trước tháng tư 1975, tiếng "ngụy" nghĩa là "giả" ít thấy có ai dùng tới. 

Cái gì không phải thứ thiệt, không phải thứ "chánh cống", không phải thứ "có cầu chứng tại tòa"... là người ta gọi hoạch tẹt là "đồ giả", chớ không ai gọi là "đồ ngụy" hết. Ví dụ như rượu giả, thuốc giả, vú giả, bạc giả, v.v. 

Bởi vì từ ngữ hồi đó rất... thật!

Sau tháng Tư 1975, tiếng "ngụy" đã theo gót... dép râu (Xin lỗi! Chỗ này văn chương nghe chỏi lỗ tai một chút, nhưng rất... tả chân. Không thể viết "theo gót giầy" như xưa nay thường viết, vì đối tượng ở đây toàn mang dép râu cả!) quân nón cối và quân mũ tai bèo vào Nam làm cách mạng...

Sau biến cố, toàn dân miền Nam đều phải đi "học tập" ba hôm. Chính trong ba hôm đó người ta mới nghe lần đầu tiên tiếng "ngụy". Và nghe... đầy lỗ tai!

Vậy là đầu hôm sớm mai, tiếng "ngụy" được nhét vào ngôn ngữ miền Nam một cách "ngang xương", không cần phổ thông đầu phiếu! Mới đầu nghe lạ hoắc, không hiểu ý nghĩa sâu đậm của nó. Cũng chẳng có ai giải thích. Mà ví dụ có ai to gan lớn mật đặt câu hỏi thì cán bộ cũng chỉ giải thích... ngang như cua thôi!

Thành ra nhân dân miền Nam hiểu tiếng "ngụy" một cách rất... tự do, và sử dụng tiếng "ngụy" rất... rộng rãi (Được "giải phóng", có khác!). Thôi thì cái gì của miền Nam cũng đều biến thành "ngụy" ráo. Để phân biệt với "cách mạng"!.. Thằng ngụy, vợ ngụy, con ngụy, lính ngụy, chánh quyền ngụy, cơ sở ngụy, xí nghiệp ngụy, công nhân ngụy, "hàm-bà-lằng" ngụy... Và người ta nghĩ một cách rất đơn giản, rất thật thà: "Hễ thấy không có đóng con dấu ngôi sao đỏ thì cứ xếp vào đồ ngụy, là ăn chắc!".

Thật ra, khi dán cái nhãn "ngụy" lên miền Nam, "Đảng và Nhà Nước" muốn nhân dân "chủ yếu là nhân dân miền Bắc" hiểu theo định nghĩa "ngụy" là giả, "giả nhân giả nghĩa, giả đạo đức, giả yêu nước thương dân, "ngụy" là đoạt của người ta mà nói là của mình, là bịp, là láo, là phiến loạn...

Về sau, khi nhân dân cả hai miền đều... mở mắt, tiếng "ngụy" ít thấy dùng tới. Nhưng bây giờ thì mọi người đều nhận ra ai mới đúng là ngụy. Lớp ngụy trang bị rơi xuống, những ngụy ngôn bị vạch trần, thì chân tướng ngụy lòi ra rõ rệt, đến người mù cũng phải thấy!

Viết dài dòng để... "đả thông tư tưởng" trước khi vào chuyện.

Ông H là thiếu tá quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông làm việc ở Tổng Tham Mưu.

Ông thuộc gia đình trung lưu. Hồi 1945, cha và anh của ông đi kháng chiến rồi đi luôn ra Bắc. Từ đó, không được tin tức gì hết.

Mẹ của ông là giáo viên tiểu học, xem việc dạy dỗ trẻ con là một thiên chức. Bà thường nhắc về người cha và người anh vắng mặt, nhứt là người anh với những kỷ niệm đẹp của thời mà hai anh em còn ở chung với nhau: "Anh Hai của con thương con lắm. Đi học về là cởi trần rồi cõng con chạy cà bồng cà bồng quanh sân vừa chạy vừa hí rân như ngựa làm cho con cười hắc hắc. Mà con thì hay nhõng nhẽo với anh Hai con, đi đâu cũng bắt nó cõng hết. Còn khi nào con đòi cái gì không được, con hay vừa khóc vừa la để ba tưởng là anh Hai chọc con, ba rầy ảnh! Tội nghiệp! Những lúc thấy con sắp sửa làm trận như vậy, anh Hai con thường đưa đầu biểu con đánh nó đi chớ đừng khóc la, sợ ba rầy!". Rồi bà kết luận: "Tánh tình nó tốt lắm!".

Ông lớn lên trong vòng tay người mẹ, được giáo dục bằng tình thương, xem gia đình là căn bản, lấy đạo đức làm phương châm. Và ông giữ mãi trong lòng sự mến mộ "người anh Hai lúc nào cũng làm vui lòng em, lo lắng cho em, bảo vệ em".

Mãi đến năm 1973, mới được tin qua một người bà con rằng cha mất đã lâu và người anh bây giờ là tướng của "ngoài đó". Thật là bàng hoàng. Mẹ ông khóc hết nước mắt. Thời gian sau, bà nói: "Mẹ chỉ mong cho mau hết giặc, để anh em con về sống bên mẹ yên vui như ngày xưa. Chừng đó, mẹ mãn nguyện để theo ông theo bà...".

Mẹ ông qua đời vào giữa năm 1974, chưa kịp thấy cảnh "hết giặc" ra làm sao và chưa kịp gặp đứa con làm tướng...

Mấy hôm sau ngày 30 tháng tư 1975, ông tướng nhờ người bà con đưa lại nhà ông H. Xa cách đã ba mươi năm, nhưng hai anh em vẫn nhìn ra được nhau. Bởi vì họ giống nhau như đúc. Sau mấy giây ngỡ ngàng, họ xà vào ôm lấy nhau siết chặt. Cả hai đều không cầm được nước mắt. Bà H và bốn đứa con "ba trai một gái, đã lớn hết, hai đứa đại học và hai đứa trung học cấp hai" đứng nhìn cảnh hai anh em ôm nhau, cũng bồi hồi xúc động...

Sau đó là bữa cơm gia đình để hai anh em kể cho nhau nghe những biến thiên của đời mình, của thời cuộc. Tiếp theo là ông tướng mang hành trang lại ở với gia đình ông H, để có anh có em.

Ông bà H có hai cái nhà. Cái mà ông bà đang ở với hai con học trung học, là loại vi-la lầu có sân lót gạch và vườn cây kiểng hồ cá trang trí theo kiểu Nhựt. Nhà này do ông bà tự cất lấy hồi thời các con còn nhỏ. Về sau, ông được thuyên chuyển ra miền Trung một thời gian. Ông đem hết gia đình ra ngoài đó, để nhà cho Mỹ mướn. Nhờ vậy, mấy năm sau, ông mua thêm một căn phố nhỏ cho hai đứa con trai lớn ở, khi chúng nó vừa vào đại học.

Sau khi đi xem nhà, ông anh bảo:

- To thế thì ở làm gì cho hết? (Bây giờ ông anh nói pha giọng Bắc rất nhiều). Nguyên cái buồng ngủ thôi cũng chứa cả môt hộ bốn năm người đấy!

Hôm sau, ông H được người anh khuyên:

- Chú làm cái vườn như thế này là phí đất. Đào lên đi để trồng trọt khoai bắp cho các cháu có mà ăn. Phải biết tăng gia chứ!

Mới đầu, ông hơi phật ý. Nhưng, khi nhìn sang hàng xóm thấy nhà nào cũng đào cũng xới kể cả dải đất hẹp té nằm dọc theo chân tường rào phía ngoài đường, ông nghĩ: "Mình cũng phải làm như thiên hạ, cho yên thân".

Vậy là cha con ông hè hụi đập nạy cạy khượi, gạch, bê-tông, hồ cá... cho lòi đất rồi trỉa đậu trồng mì! Khu vườn Nhụt Bổn mà ông Bà H đã tự tay xây đắp, bây giờ tan hoang lồi lõm giống như bãi đổ... xà bần. Nhà ông H bây giờ mới thật sự mang nét cách mạng!

Ông anh "tên R" làm việc ở đâu, hỏi không bao giờ nói. Chỉ thấy mỗi sáng có xe của cơ quan đến rước, chiều đưa về. Ông H, sau khi khai lý lịch ở tòa đô chánh, tối ngày ngồi nghe tin tức qua ra-đi-ô. Bà H không dám nấu nướng trong bếp bằng lò ga. Bà sợ làm như vậy nó... ngụy quá đi, nên bà dựng ở hàng ba mấy cục gạch rồi nấu bằng than củi bằng lá khô... Bà kê cạnh đó một cái bàn thấp để chén đũa mắm muối, còn nồi niêu dao thớt thì cứ bỏ nằm lỏng chỏng dưới đất bên cái thau nhôm lớn đựng nước để dùng cho việc nấu nướng rửa ráy. Nước lấy từ ống cao su trước đây dùng tưới vườn. Nước dơ thì cứ tạt... cha nó ra sân. Bà H ngồi chồm hổm làm bếp, chổng khu thổi lửa khói bay um tùm làm đôi khi bà nhớ thời thơ ấu – bốn mươi mấy năm về trước – hồi ở dưới quê với bà ngoại, bà hay nhìn bà ngoại nấu cơm như bà làm bây giờ. Chỉ khác là hồi đó chưa có cách mạng! Ông anh có vẻ hài lòng về tác phong của bà H, nên khen: "Cô thật là sớm giác ngộ!".

Một hôm, đài phát thanh gọi các sĩ quan ngụy đi trình diện học tập. Và nói rõ: "Đem theo tiền ăn cho một tháng". Ông H lo lắng, hỏi ý kiến ông anh thì được trả lời:

- Chú cứ yên tâm đi học tập. Anh bảo đảm không sao hết.

Vậy là ông H hun vợ con, xách ba-lô lên đường, còn dặn:

- Ở nhà có bác Hai. Mẹ con bây cần gì thì nhờ bác, nghen.

Một tháng sau, không thấy ông về, bà H hỏi ông anh thì được trấn an một cách rất bình thản:

- Cô yên tâm. Vài hôm là về thôi!

Cứ thế, vài hôm rồi vài hôm... dài dài... Bà H nóng lòng, chạy đi gặp mấy bà bạn cũng là vợ sĩ quan, mới hay rằng có thể chồng đã bị chở đi luôn ra ngoài Bắc. Bà lau nước mắt, về quây quần với mấy con, ngồi đợi ông anh. Gặp ông, bà mếu máo:

- Họ chở nhà tôi đi mất rồi...

- Đi đâu mà mất? Còn tập trung cải tạo ở trong Nam chứ phải biệt xứ đâu mà mất? Đi học tập chứ đi tù đâu mà cô sợ.

- Nghe đồn trong trại khổ lắm. Nhờ anh can thiệp cho nhà tôi về. Dù gì anh cũng là tướng và cha đã hy sinh vì cách mạng.

- Cách mạng không phải như ngụy đâu cô! Không có chuyện móc ngoặc bè phái. Không có chuyện tư vị nể nang. Luôn luôn xử sự có tình có lý. Chú ấy cứ học tập tốt là về ngay thôi! Nói thế chứ... để tôi xem có làm gì được không.

Một hôm, ông anh họp các con ông H lại, khuyên:

- Ba các cháu là ngụy. Cách mạng khoan hồng gởi đi học tập cải tạo. Ba các cháu có sớm được trả về hay không là còn tùy thuộc ở thái độ học tập của ba các cháu. Và cũng tùy thuộc ở trình độ giác ngộ cách mạng của má các cháu và các cháu nữa.

- Vậy, mình phải làm sao?

- Dễ thôi! Bác sẽ giới thiệu các cháu vào đội thanh niên xung phong, nếu các cháu muốn giúp ba các cháu.

- Vô đó để làm cái gì, thưa bác?

- Để phục vụ nhân dân theo khả năng của mình. Nếu các cháu có tinh thần phục vụ cao, Nhà Nước sẽ cho điểm tốt trong việc cứu xét trường hợp của ba các cháu.

Sau một lúc bàn tính, cả bọn bốn đứa đều đồng ý... xung phong.

Bốn đứa được thâu nhận nhưng không cùng ở chung một đơn vị. Phân tán chúng nó ra, cô lập từng đứa một, để dễ theo dõi kiểm soát, tránh mầm móng phản loạn... Nhà Nước đi một nước cờ thật cao!

Chúng nó được đưa đi đào đất đắp nền ở các vùng kinh tế mới hay đi đào kinh làm thủy lợi. Lâu lâu mới về thăm nhà một vài hôm. Nhưng không bao giờ cùng về một lúc. Và đứa nào về cũng xác xơ hốc hác, tay chân ghẻ lở giống như bị đi đày! Đứa con gái trước đây học năm thứ bảy dương cầm ở quốc gia âm nhạc, bây giờ tay cứng còng, không đánh nổi một bài tầm thường của hồi đó. Bà H nhìn các con mà đứt ruột. Cho nên mỗi lần đứa nào về, bà cũng chạy lo thuốc men và nấu nướng cho ăn uống tẩm bổ. Chỉ có ông anh là hài lòng và cho rằng đó là thành quả tốt đẹp của lao động!

Một hôm, ông anh bảo người em dâu:

- Bây giờ các cháu đã có Nhà Nước lo. Cô giữ làm gì đến hai cái nhà? Đây là lúc mà cô phải chứng tỏ trình độ giác ngộ cách mạng của mình bằng cách hiến cái nhà này cho Nhà Nước để làm cơ quan phục vụ nhân dân. Như vậy, chú ấy có cơ được về sớm.

Sau vài phút suy nghĩ, bà H chỉ bằng lòng cho Nhà Nước mượn thôi.

- Ừ! Thì cho mượn cũng được, tôi nghĩ thế. Để tôi liên hệ với các đồng chí ấy xem sao.

Vậy là tuần lễ sau, bà dọn về căn phố nhỏ ở cách đó độ mười lăm phút xe đạp, nhưng thuộc về một quận khác. Sự chuyển hộ (nghĩa là dời chỗ ở, địa chỉ) không gặp khó khăn, nhờ ông anh cách mạng (Trong thời này, muốn chuyển hộ phải làm đơn xin phép nơi mình sắp dọn đến. Phải "có lý do chánh đáng" và điều này phải được chứng nhận bởi chánh quyền nơi mình đang ở!

Khi đã được chấp thuận (có ký tên đóng dấu) đương sự phải vác đơn đó về trình cho chánh quyền nơi đang ở để... xin phép được di chuyển. Khi được chấp thuận - ký tên đóng dấu- mình mới được quyền dọn đi!

Rắc rối như vậy nên lúc nào cũng có một sự giải thích rất "có trình độ": "Đằng kia có cho anh vô thì ở đây tôi mới cho anh ra. Chớ tôi cho anh ra mà đằng kia không cho anh vô thì anh... đi đâu?".

Rõ như vậy, nhưng nhiều khi vác đơn đến "đằng kia" trước, thì bị từ chối và dĩ nhiên được giải thích cũng rất "có trình độ" không kém: "Anh phải xin phép nơi anh đang ở trước rồi mới đến đây sau. Anh có được cho đi thì tôi mới nhận cho anh đến. Chớ bảo tôi nhận cho anh đến, trong lúc anh chưa được cho đi thì làm sao được? Phải có đi rồi mới có đến chớ! Dễ hiểu thôi!".

Cứ lẩn quẩn loanh quanh như vậy nên việc chuyển hộ thật là khó khăn.

Trong trường hợp chuyển từ tỉnh sang tỉnh hay từ vùng sang vùng thì khỏi nói, thật là "trần ai gian khổ"!).

Ông tướng có "động viên" một số đồng chí trẻ trong cơ quan đến phụ dọn nhà cho bà H. Và có cho mượn một chiếc xe cam-nhông-nét (cũng của cơ quan) nên việc dọn nhà cũng nhanh. Sau đó, ông anh cho bà ký tên tờ ủy quyền để ông anh thay mặt bà quản lý cái nhà lớn mà ông đang ở. Bởi vì bây giờ, bà đã chuyển hộ thì mặc nhiên ông anh trở thành chủ hộ ở ngôi nhà đó, mà muốn sử dụng cái nhà thì phải có sự ủy quyền của chủ nhà.

Mười lăm ngày sau, bà H được biết là nguyên cả tầng trệt nhà của bà đã trở thành "tổ gạo", còn ông anh thì vẫn ở một mình trên lầu. Nghe nói bà tướng có vào thăm chồng một lần, ở độ mười lăm hôm rồi trở về Hà Nội. Không hiểu sao ông tướng không có đưa bà vợ lại thăm cô em dâu. Cách mạng có khác!

Bẵng đi một thời gian dài gần cả năm, một hôm ông anh ghé nhà thăm bà H để báo tin đã tìm ra trại cải tạo của người em ở ngoài Bắc và chỉ vẽ cho bà cách thức xin đi thăm nuôi, đường đi nước bước, xe cộ v.v... và nhứt là những thứ cần thiết như lương khô quần áo. Nghe như vậy, bà H đã đoán ra phần nào đời sống của chồng ở ngoài đó, nên bà rớt nước mắt hỏi:

- Sao trước đây anh không nói rõ để tôi lo cho nhà tôi có đầy đủ phải hơn không?

- Chuyện Nhà Nước, đâu nói ra được. Cô phải hiểu như thế chứ!

- Cái gì cũng che đậy. Cái gì cũng giấu diếm. Nhưng lần hồi thiên hạ đều biết hết. Bộ anh tưởng thiên hạ đui sao?

Đến đây bỗng nghe tiếng bà hàng xóm la lớn: "Đi đâu đó nữa? Mấy bữa nay tao nói mầy kê lại dùm mấy ông Táo kẻo mấy ổng sụm xuống thì không còn khỉ gì để nấu nướng... mà mầy cứ ăn rồi là xách đít đi hà!". 

Giọng người con trai: "Bộ má tưởng con đi chơi hả?". 

Giọng bà hàng xóm: "Chớ đi đâu mà ngày nào cũng đi, mầy nói tao nghe coi!". Giọng người con, có vẻ hảnh diện, nói rời ra từng tiếng: "Con-đi-phục-vụ-nhân-dân!". 

Giọng bà hàng xóm, tức tối: "Phục vụ nhân dân! Phục vụ nhân dân! Con gái mẹ mầy cũng là nhân dân đây nè! Mầy phục vụ cho nó đi! Kẻo không chổi chà nó đơm lên đầu bây giờ!". 

Ngừng một lúc, lại nói: "Cha... Lúc này nói giọng cách mạng quá há! Phải mà! Con mẹ buôn gánh bán bưng này hăm mấy năm nay nó kềm kẹp mầy quá mà! Nó nhét cho mầy ăn để mầy lớn! Nó ép mầy học để mầy khôn! Nó ác ôn quá phải hông? Nó ngụy quá phải hông? Nó giả nhơn giả nghĩa quá phải hông?"

Nghe đến đây, ông tướng nhăn mặt:

- Ăn với nói! Rõ là không có trình độ!

Rồi ông đứng lên:

- Tôi phải vào cơ quan. Bao giờ cô được phép đi thăm nuôi, gặp chú ấy nhớ bảo tôi nhắn chú ấy luôn vững tin vào sự sáng suốt của Đảng và Nhà Nước. Ta khác ngụy ở chỗ xử sự có tình có lý và lúc nào cũng khoan hồng đối với những người biết quay về với nhân dân.

Bà H làm thinh, nhưng nhìn người anh chồng chỉ có nửa con mắt! 

Lúc đó, nghe tiếng thằng con trai nhà hàng xóm: "Rồi đó! Con kê lại mấy ông Táo rồi đó!". Giọng bà mẹ, vẫn còn hậm hực: "Dữ hôn! Có bao nhiêu đó mà cũng phải đợi tao nhắc năm lần bảy lượt! Thôi! Mầy đi phục vụ nhân dân của mầy, đi. Chiều, vác mỏ về, con mẹ ngụy này nó nấu cơm cho mà ăn".

Từ ngày dọn về đây, bà H đi làm ở tổ hợp may thêu gần đó. Cũng phải đi làm như thiên hạ để đừng bị để ý theo dõi, chớ thật ra bà chưa đến nỗi túng thiếu nhờ đã cất giữ nữ trang trong nhà thay vì gởi ở ngân hàng. Bây giờ, lâu lâu bà bán một vài chỉ...

Bà hàng xóm (tên là bà Năm) có cái sạp cháo lòng ở đầu ngõ. Sáng nào, bà cũng đi bộ theo thằng con trai đạp xe ba bánh chở thùng tô dĩa muỗng đũa, thùng lòng dồi gia vị, nồi cháo lớn bằng nhôm, lò dầu hôi và mấy can nhựa đựng nước rửa chén... ra cây trứng cá nằm trên lề đường Phan Đăng Lưu (tức là đường Chi Lăng hồi trước). 

Ở đây, có cái sạp gỗ dựng đứng và bốn năm cái ghế gỗ nhỏ được... xiềng vào gốc cây trứng cá. Hai mẹ con mở ống khóa, hạ cái sạp rồi kê ngay ngắn dưới tàn cây. Xong, thằng con về nhà lấy xe đạp, đạp đi "phục vụ nhân dân" cho tới tối. Thành ra, đến trưa khi bán hết nồi cháo - bà chỉ bán có buổi sáng - bà thâu xếp dọn dẹp một mình ên, rồi đẩy xe ba bánh chở đồ nghề về nhà (Bà không đạp vì không biết đi xe đạp!).

Cứ vài bữa, bà lại mang biếu bà H một tô cháo lòng. Bà biết bà H là vợ thiếu tá quốc gia và chồng đi học tập nên bà hay tới lui thăm viếng để an ủi. Bà H thật cảm động. Có hôm bà nhắc chừng:

- Bà Năm cẩn thận. Có thể tụi nó theo dõi.

- Ối... Cái lũ cô hồn đó tôi đâu có sợ, cô Hai. Hồi tụi nó mới vô, bắt mình làm tờ "báo công báo tội". Tôi phát ghét nên khai là tôi tội lỗi đầy đầu bởi vì gần hai chục năm nay tôi bán cháo lòng cho ngụy ăn chớ không cho cách mạng ăn! Vậy mà có thấy thằng nào đụng tới tôi đâu, cô Hai!

- Coi vậy chớ cũng nên coi chừng, bà Năm à! Nhứt là khi bà rầy la thằng nhỏ, nói đụng chạm tới họ quá, không nên.

- Tụi nó đã coi mình là ngụy thì cứ thí mạng cùi chửi cho sướng miệng. Tội vạ gì mà nín thinh? Há?

Nói xong, bà Năm nhếch mép cười, làm như bà đang thách đố cách mạng vậy!

Khi bà H được giấy phép đi thăm nuôi chồng, bà báo tin cho bà Năm và nhờ bà Năm coi chừng nhà giùm. Bà Năm mừng rỡ, làm như ông H là người nhà:

- Dữ hôn! Tới bây giờ mới cho con người ta đi thăm nuôi. Quân ác ôn! Được rồi, cô Hai cứ yên tâm, tôi giữ nhà cho. Mà chừng nào cô Hai định đi?

- Chắc mười hôm nữa, bà Năm à. Để có thì giờ lo cho đầy đủ. Chớ gấp rút quá thì quên trước quên sau...

- Cô Hai nói phải đó. Đi ra tới ngoài Bắc chớ bộ gần gụi gì hay sao?

Ngừng một chút, bà Năm cầm tay bà H lắc nhẹ:

- Cần gì thì cứ nói nghe cô Hai, đừng ngại. Mình với nhau mà...

Bà H xúc động, lí-nhí "cám ơn" mà nước mắt chảy quanh. 

Lạ quá! Chỉ có mấy tiếng "mình với nhau" mà sao nghe ấm cúng vô cùng. Nhứt là trong hoàn cảnh này, trong giai đoạn này. "Mình với nhau" là sự nhận diện của những người cùng đứng về một phía. "Mình với nhau" nói lên sự cảm thông của những người cùng cảnh ngộ, cần nương tựa vào nhau, nâng đỡ nhau để sinh tồn. "Mình với nhau" là tình người không dị biệt giai cấp. Cho nên, khi mở rộng vòng tay, bà Năm cháo lòng chỉ cần nói có mấy tiếng đó thôi là quá đầy, quá đủ...

Hai hôm trước ngày bà H khăn gói đi thăm chồng, bà Năm qua nhà đưa một lon ghi-gô được ràng chằng chịt bằng dây thun:

- Cô Hai cho tôi gởi ổng lon thịt chà bông. Tôi làm có hơi mặn để ăn cho lâu. Tôi ém chặt và ràng kỹ, cô Hai đừng lo đường xa nó sút sổ. Cô cho tôi gởi lời thăm ổng, nghen.

Bà H "cám ơn"mà có cảm tưởng như bà Năm là người trong quyến thuộc!

Trong khi đi ra cửa, bà Năm còn quay lại nói:

- Cô Hai đi yên tâm. Tụi nhỏ của cô có về chơi thì tôi lo cơm nước cho hết. Cô nhớ viết ít chữ để lại cho tụi nó biết, nghen!

Bà H gật gật đầu, nhìn theo mà thấy bà bán cháo lòng đó còn cao cả gấp mấy mươi lần người anh chồng làm tướng của cách mạng!

Đi thăm chồng về, bà H như già đi năm bảy tuổi. Mắt bà sưng húp, tóc tai rối bời, mặt mũi hốc hác. Bà Năm nhìn bà H, động lòng chảy nước mắt. Ngồi xuống bên bà H, bà Năm hỏi:

- Sao, cô Hai? Khổ lắm phải không?

Bà H mếu máo khóc, chỉ gật gật đầu chớ không nói được một lời. Bà Năm nhích lại gần, choàng tay ôm vai bà H, chửi đổng:

- Mẹ bà nó! Quân ác ôn!

Bà H bỗng quay sang ôm chầm lấy bà Năm, khóc nức nở. Vừa khóc vừa cố gắng nói, câu nói đứt ra từng khúc:

- Ảnh... ốm... đến nỗi... tôi... nhìn... ảnh... không ra...

Đến đây, bà Năm cảm động nghẹn lời. Bà chỉ còn biết vuốt vuốt lưng bà H, giống như bà đang dỗ về người em gái.

Hôm sau, bà H đội nón lá cầm cái thơ ông H viết cho người anh để gởi gắm vợ con, đi bộ về cái vi-la của bà ở quận kế bên. Bà cố tình đi bộ, vì bà nghĩ đến chồng. Đối với những gian khổ cùng cực mà chồng bà đã chịu đựng từ bao nhiêu năm nay - theo lời kể lại của ông H - thì sự đi bộ của bà không thấm thía vào đâu hết. Nhưng, khi bà đi bộ, bà tưởng chừng như bà đang chia xẻ một phần nào những khổ dịch của chồng, người tù cải tạo.

Vi-la của bà, bây giờ thấy khác trước. Tường rào đã xây lên cao. Cổng song sắt được gắn thêm lưới sắt ô vuông. Nhìn vào trong không còn tổ gạo, mà sân thì đã được tráng xi-măng lót gạch khía sạch sẽ.

Thấy có bóng người, bà H bấm chuông. Có giọng đàn bà hỏi vọng ra, giọng Bắc:

- Ai đấy?

- Dạ... tôi.

Một bà cỡ tuổi bà H bước ra hất hàm:

- Chị muốn gì?

- Thưa... Tôi muốn tìm ông R. Nhà tôi có viết cho ổng cái thơ...

- Đồng chí R à? Đồng chí ấy đã phục viên lâu rồi. Đồng chí bán nhà cho chúng tôi, xong, dọn hết về thủ đô. Thế... chị là gì của đồng chí ấy?

Bà H choáng váng mày mặt, chỉ còn kịp tỳ người vào trụ cổng để khỏi quị xuống. Tuy nhiên, bà vẫn nghe tiếng mình nói:

- Dạ... Tôi... À... Không!

Rồi câm luôn. Thấy bên ngoài làm thinh, bà người Bắc bỏ đi vào trong, nhưng vẫn nói vói ra:

- Đồng chí R hiện ở đâu, tôi cũng không biết. Thôi, chị về đi!

Phải một lúc lâu sau, bà H mới hoàn hồn. Bà đứng thẳng nhìn vào trong. Bà bỗng thấy bà đã biến thành một người khác. Một người cứng rắn hơn, lì lợm hơn. Một người sẽ dám nhìn thẳng vào mặt kẻ địch mà chửi như bà Năm cháo lòng. Ví dụ có người anh chồng đứng trước mặt bây giờ, bà sẽ xáng cho anh ta một bạt tai – điều mà trước đây bà chẳng bao giờ dám làm dám nghĩ!

Bà H vẫn đứng thẳng, nhìn vào trong. Mắt mở to, ráo hoảnh. Môi mím chặt. Tay bà vò nát cái thơ của chồng viết. Bà vò nó mà bà không hay! Bà chỉ cảm thấy một sự căm thù đang dâng lên làm bà trạo trực. Bà nghe buồn nôn! 

Phải rồi! Bà muốn nôn mửa lên những giả dối gian manh mà bọn chúng nó thằng nào cũng có sẵn trong đầu. Bà muốn nôn mửa lên những lời lẽ giả nhân giả nghĩa mà bọn chúng nó thằng nào cũng có sẵn trên đầu môi chót lưỡi. 

Bà muốn nôn mửa lên những thủ đoạn xảo quyệt được ngụy trang bởi những chiêu bài yêu nước thương dân, có nghĩa có tình... mà bọn chúng nó thằng nào cũng sẵn sàng hành động. Bà muốn... Bà muốn...

Bà H liệng cái thơ nhàu nát xuống đất, phun nước miếng nghe cái phụt một cách khinh bỉ, rồi cúi lượm cái nón lá bỏ rơi khi nãy đội lên đầu, đi thẳng.

Mấy năm sau, ông H vẫn "còn được cải tạo", bà H lâu lâu vẫn lặn lội đi thăm nuôi chồng, hai thằng con lớn vượt biên rồi định cư ở Úc, đứa con gái lấy chồng đánh cá ở Minh Hải, thằng con út cặp với con bạn cùng xóm mở quán cà phê vỉa hè cạnh hàng cháo của bà Năm. Còn bà Năm vẫn bán cháo lòng, lâu lâu vẫn chửi thằng con mà giống như bà chửi Nhà Nước!...

"Trích từ tuyển tập truyện Những Mảnh Vụn - Tiểu Tử"

Tiểu Tử