Wednesday, August 9, 2017

Hà Nội ‘chống tham nhũng’: Cựu Thống đốc Ngân hàng là mục tiêu mới

Ông Nguyễn Văn Bình. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM (NV) – Dường như đèn xanh đã sáng và cuộc tấn công đã bắt đầu nhắm vào ông Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng (2011 – 2016), giờ là Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng CSVN.
Trong hai ngày 7 và 8, tờ Tuổi Trẻ liên tục giới thiệu ý kiến của hàng loạt cá nhân, đại diện cho nhiều giới, kể cả công an, phân tích và đề nghị phải truy cứu trách nhiệm những cá nhân đã gây ra hàng loạt vụ đổ vỡ trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng.

Việc tập hợp, giới thiệu ý kiến đó diễn ra sau khi ông Trầm Bê bị bắt.
Trầm Bê? Có nhiều “Trầm Bê”!
Trầm Bê, 58 tuổi, một doanh nhân người Việt gốc Hoa, vẫn được xem như ông trùm trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Ông ta là một trong ba người sáng lập bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hồi đầu thập niên 2000. Là chủ công ty độc quyền cung cấp dịch vụ chiếu xạ cho nông sản xuất cảng ở Việt Nam từ 2002 đến 2009. Tuy nhiên điểm nổi bật, khiến ông Bê trở thành một nhân vật đặc biệt là khả năng lũng đoạn hệ thống ngân hàng.
Năm 2004, ông Trầm Bê đột nhiên trở thành người kiểm soát Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vì nắm trong tay một lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng này. Vào thời điểm đó, Southern Bank là một ngân hàng thương mại nhỏ nhưng triển vọng phát triển rất lớn, lợi nhuận hàng năm hàng trăm tỉ.
Năm 2012, song song với thông tin từ Kiểm toán Nhà nước loan báo là Southern Bank lâm nguy vì tỉ lệ nợ xấu (nợ khó thu hồi cả vốn lẫn lãi) lên tới 45,6% là sự kiện ông Trầm Bê và ba thành viên khác của Southern Bank trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Ngoài việc nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của Sacombank, lý do ông Bê và ba thành viên của Southern Bank có thể bước vào Sacombank là vì sự ủng hộ của một số cổ đông lớn. Đến nay, nhân dạng, danh tính của những cổ đông này vẫn chỉ là phỏng đoán.
Bởi Southern Bank nằm trong nhóm ngân hàng yếu kém phải “tái cơ cấu”, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức cho phép Southern Bank “sáp nhập” với Sacombank. Lúc đó, Southern Bank đang ôm khối nợ xấu gần 24.000 tỉ. Sacombank thì là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất và hiệu quả hoạt động thuộc loại tốt nhất Việt Nam nhưng lại bị Southern Bank nuốt gọn vì ông Trầm Bê và nhóm ủng hộ ông nắm lượng cổ phần đủ khả năng chi phối Sacombank.
Quyết định cho phép sáp nhập khiến Sacombank phải ôm toàn bộ nợ xấu của Southern Bank. Nuốt xong Sacombank, Southern Bank tự xóa tên. Sacombank “mới” bắt đầu tuột dốc…
Ông Trầm Bê không phải là hiện tượng cá biệt. Đầu thập niên 2010, trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng ở Việt Nam đột nhiên xuất hiện một số “đại gia” – những cá nhân đột nhiên có trong tay hàng ngàn tỉ đồng, vừa khuynh loát lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, vừa chi phối lĩnh vực bất động sản. Vài năm sau, các “đại án ngân hàng” rộ lên giống như thập niên 1990 nhưng qui mô của thiệt hại kinh khủng hơn. Nếu năm 2012, hệ thống tư pháp Việt Nam xác định thiệt hại do ông Nguyễn Đức Kiên (một trong những người sáng lập Ngân hàng Á châu – ACB) gây ra khoảng 950 tỉ thì đến 2016, hệ thống này loan báo thiệt hại do ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đại Dương – Ocean Bank) gây ra là 2.000 tỉ đồng, thiệt hại do ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB) gây ra là 9.500 tỉ đồng. Khi bắt ông Trầm Bê, công an Việt Nam giải thích là vì ông Bê phải chịu trách nhiệm về việc cho ông Danh vay 1.800 tỉ sai qui định, còn Sacombank cho biết, ông này đang nợ Sacombank 43.000 tỉ kèm lời trấn an là trong ba năm sẽ thu hồi hết số nợ ấy…
Một điểm đáng chú ý khác là trong các “đại án” liên quan tới lĩnh vực tín dụng – ngân hàng, rất nhiều người, kể cả báo giới tỏ ra không “tâm phục, khẩu phục”. Chuyện bất phục không phải do các “đại gia” vô tội mà vì các tình tiết cho thấy, họ trở thành “đại gia” vì có thể vận dụng rất nhuần nhuyễn các qui định hết sức khó hiểu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi điều hành thị trường vàng, thị trường tín dụng.
Những qui định đó khiến năm 2012, tạp chí Global Finance đưa ông Bình vào danh sách những thống đốc ngân hàng quốc gia kém nhất thế giới. Nó cũng là cơ sở để trườc Tòa, ông Kiên, ông Thắm, ông Danh,… và nhiều viên chức, nhân viên ngân hàng khác cũng như các luật sư của họ khăng khăng khẳng định tất cả bị oan!
Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam loan báo, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2,46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.
Đến tháng 6 vừa qua, một năm sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng thôi làm Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Bình thôi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chính phủ Việt Nam thú thật, tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17,21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600.000 tỉ đồng và 90% là tiền của dân! Đó cũng là lý do chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc hội Việt Nam thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi).
Chưa hài tên nhưng bắt đầu chỉ mặt
Nhiều tờ báo đã bắt đầu cuộc tấn công vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua hàng loạt các thắc mắc về trách nhiệm trong việc ban hành những qui định mà về bản chất là hỗ trợ một số cá nhân lũng đoạn thị trường vàng, thị trường tín dụng và làm thị trường bất động sản đóng băng, khiến kinh tế Việt Nam suy thoái chưa có điểm dừng.
Trong cuộc tấn công vừa kể, tờ Tuổi Trẻ tỏ ra rõ ràng và kiên trì nhất. Tờ báo này đã thu thập, giới thiệu ý kiến của nhiều người nhằm lý giải tại sao “đại gia” và “lao lý” lại song hành với nhau. Chẳng hạn một thượng tá tên là Vũ Như Hà, Trưởng phòng Điều tra tội phạm tham nhũng và kinh tế của công an Sài Gòn khẳng định: Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc phát sinh tội phạm ngân hàng chính là chính sách chế độ quản lý hoạt động ngân hàng còn thiếu, một số văn bản chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu chặt chẽ tạo ra kẽ hở cho hoạt động tội phạm. Theo viên thượng tá này, đó là lý do, nếu muốn, một số cổ đông, nhóm cổ đông có cổ phần trong nhiều ngân hàng dễ dàng thao túng thị trường tài chính và thao túng ngân hàng.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam thì nhận định, không thể đổ hết lỗi cho doanh nhân mà phải xem lại hệ thống hiện nay. Theo ông Dũng, hệ thống pháp luật, thể chế bất cập sẽ đẻ ra tình trạng “hợp lý nhưng không hợp pháp” và ngược lại. Ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nêu ra một ý khác, hàng loạt những sự kiện gần đây cho thấy “tinh thần quyết liệt” từ lãnh đạo cao nhất của Đảng, chính phủ, vì thế “cần tiếp tục quyết liệt, truy tận gốc các vụ án, chống thân hữu”. Tuổi Trẻ còn dẫn ý kiến một doanh nhân yêu cầu ẩn danh, bảo rằng, “nếu không truy đến cùng, sự méo mó và vòng lao lý có thể đến với nhiều doanh nhân khác”.
Có lẽ cần nhắc lại rằng, Ngân hàng Nhà nước từng là một trong những lĩnh vực bất khả xâm phạm.
Tháng 4 năm 2013, tờ Thanh Niên công bố bài điều tra, tố cáo, cách thức điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước rõ ràng đã giúp một số cá nhân “rửa” vàng có nguồn gốc bất minh, lũng đoạn thị trường vàng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả nền kinh tế lẫn người tiêu dùng. Dẫu “Rửa vàng bằng cơ chế” (thu thập số liệu những thương vụ mua bán vàng của Việt Nam trong các tài liệu của ngoại quốc, đối chiếu với chính sách quản lý thị trường vàng, nêu thắc mắc, có phải Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách để hợp thức hóa vàng buôn lậu, hỗ trợ độc quyền kinh doanh vàng hay không) đăng tải ngày 24 tháng 4 năm 2013 được công chúng tán thưởng và đề nghị điều tra thêm. Ngay trong ngày hôm đó, Ngân hàng Nhà nước gửi văn bản cho Bộ Công an Việt Nam, yêu cầu khởi tố tác giả, đồng thời yêu cầu Bộ Thông tin – Truyền thông, “xử lý nghiêm khắc Ban Biên tập tờ Thanh Niên. Ngày hôm sau, Ban Biên tập tờ Thanh Niên đục bỏ “Rửa vàng bằng cơ chế”, xin lỗi Ngân hàng Nhà nước, thề sẽ kỷ luật tác giả do “dịch và hiểu chưa đúng về các thuật ngữ” thành ra “nhầm lẫn, sai sót khi phân tích về giao dịch vàng trong nước”!
Gió dường như đã đổi chiều. Khi truyền thông chính thống có xu hướng đó, khó có thể loại trừ tình huống, vào một ngày xấu trời nào đó, công an Việt Nam chính thức xác nhận, nội dung những thư tố cáo ông Bình là… “có cơ sở”. Ông Bình – nhân vật mà theo tin đồn đã được ông Nguyễn Tấn Dũng gửi vào Bộ Chính trị Đảng CSVN sẽ sớm bước ra khỏi đó giống như ông Đinh La Thăng. (G.Đ)

Sáu tháng, hơn 200 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam

Tàu hải giám của Trung Quốc đang xịt nước xua đuổi một tàu CSB của Việt Nam ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa hồi đầu Tháng Sáu năm 2014. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Kiểm Ngư Việt Nam đã “phát hiện 201 tàu cá của Trung Quốc hoạt động xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam” và chúng chỉ bị “đẩy đuổi.”
Tờ Dân Trí hôm Thứ Hai, 7 Tháng Tám 2017, tường thuật theo tin từ Cục Kiểm Ngư Việt Nam cho biết về tình hình hoạt động của cơ quan vừa kể trong nửa năm đầu năm nay.
“Qua tuần tra, kiểm soát, đã quan sát được 2,264 tàu, trong đó phát hiện 201 tàu cá của Trung Quốc hoạt động xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Kiểm tra 541 tàu hoạt động trên biển, trong đó có 17 tàu của Trung Quốc; số tàu cá vi phạm các lỗi là 146 tàu, có 17 tàu Trung Quốc.” Bản tin của tờ Dân Trí nêu thống kê của cơ quan Kiểm Ngư Việt Nam.
Vừa kể là các thống kê của lực lượng Kiểm Ngư, chưa thấy có thống kê nào của Cảnh Sát Biển hay Hải Quân về con số tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Hơn một năm trước, báo chí trong nước từng cho hay ‘nhiều lượt/chiếc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của ta, chỉ cách phía Ðông-Ðông Nam đến Bắc bán đảo Sơn Trà, TP Ðà Nẵng chỉ từ 34 – 89 hải lý!’
Tàu đánh cá của Trung Quốc, không loại trừ có cả các tàu do thám đội lốt tàu đánh cá, xâm phạm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xảy ra rất nhiều hàng năm nhưng chỉ bị Cảnh Sát Biển và Kiểm Ngư Việt Nam “đẩy đuổi” mà không dám bắt giữ hay phạt.
Ngược lại, khi tàu đánh cá của Việt Nam đến các khu vực gần quần đảo Hoàng Sa khai thác thủy sản đều bị các loại tàu tuần của Trung Quốc đối xử rất hung bạo. Một số tàu bị cướp hết ngư cụ, trang bị hải hành và thủy sản khai thác được. Một số tàu khác bị đâm cho hư hỏng hoặc tệ hại hơn đâm cho chìm xuống biển, bất kể mạng sống của ngư dân Việt Nam.
Phần lớn các lần tàu tuần Trung Quốc cướp phá hoặc đâm chìm tàu cá của Việt Nam, báo chí chính thống của Hà Nội chỉ giám kể đó là “tàu lạ,” hiếm hoi có trường hợp nêu rõ tàu Hải Giám Trung Quốc.
Mới ngày 21 Tháng Bảy vừa qua, báo chí trong nước gồm cả tờ Thanh Niên cho hay, “Hai tàu cá của ngư dân Bình Ðịnh hành nghề vây ánh sáng bị tàu Trung Quốc (không rõ số hiệu) bắt giữ tại vùng biển cách Bắc-Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng 5 hải lý.”
Theo nguồn tin vừa kể, “Tàu BÐ 93540 TS của ông Trần Văn Vạn (ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) có công suất 420 CV, trên tàu có 9 thuyền viên. Tàu BÐ 93377 TS của ông Nguyễn Minh Dược (ở xã Cát Tiến) có công suất 420 CV, trên tàu có 11 thuyền viên. Hai tàu trên đã được thả nhưng bị phía Trung Quốc lấy ngư cụ và hải sản.”
Năm ngoái, một số tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, một ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung Việt Nam suốt từ bao đời qua. (TN)

Giận chuyện Biển Ðông, Vương Nghị bỏ cuộc gặp Phạm Bình Minh

Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh từng bắt tay Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước cuộc họp song phương bên lề hội nghị ASEAN-Trung Quốc ở thủ đô Lào vào ngày 24 Tháng Bảy 2016. Năm nay cuộc họp song phương bị hủy bỏ vì Bắc Kinh tức giận Hà Nội về chuyện Biển Ðông. (Hình: Getty Images)
BẮC KINH (NV) – Ngoại trưởng Trung Quốc hủy bỏ cuộc họp song phương với ngoại trưởng Việt Nam bên lề hội nghị ASEAN và đối tác tại Manila trong khi Bắc Kinh cho Tân Hoa Xã đả kích Hà Nội chống Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg loan tin Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hủy bỏ cuộc họp song phương với Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình minh dự trù diễn ra hôm Thứ Hai vì Bắc Kinh tức giận với hành động của Hà Nội trong cuộc họp của ASEAN tại thủ đô Manila về chuyện Biển Ðông.
Bắc Kinh bực tức cho Tân Hoa Xã – cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc – đả kích Hà Nội là đang làm suy yếu sự đoàn kết của các nước của tổ chức ASEAN vì những mưu cầu riêng hàm ngụ chống lại Trung Quốc.
Sự lên án của Bắc Kinh qua các bản tin và bình luận trên Tân Hoa Xã tiếp theo hội nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc về vấn đề ngăn ngừa các xung đột võ trang có thể xảy ra trên Biển Ðông. Việt Nam là nước đòi dự thảo khung để đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử phải có ràng buộc pháp lý mới có “thực chất” trong khi một số nước thành viên ASEAN không liên quan đến tranh chấp thì chống lại.
Lời đả kích Hà Nội của Bắc Kinh đưa ra cùng ngày với lời lên án của cả Hoa Kỳ, Nhật và Úc (ba thành viên của tham dự cuộc họp ASEAN và các đối tác Á Châu-Thái Bình Dương tiếp theo cuộc họp cấp ngoại trường của 10 nước ASEAN với Trung Quốc tại thủ đô Manila) đối với việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và biến các nơi này thành các căn cứ quân sự khổng lồ trên biển.
Lời đả kích Trung Quốc của ba nước vừa kể hoàn toàn trái ngược với thái độ trung lập hoặc ngầm về phe với Trung Quốc của nhiều nước ASEAN để hưởng các mối lợi kinh tế cục bộ.
Khi thảo luận về bản thông cáo chung sẽ được đưa ra sau khi đã thông qua bản dự thảo khung về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Ðông, Tân Hoa Xã nói Việt Nam đòi có những từ như “xây dựng trên các đảo và bãi ngầm.” Mục đích Việt Nam muốn là “tạo áp lực với Trung Quốc” nhưng “vô ích” nên “nhóm từ đã bị loại bỏ do sự chống đối của các nước ASEAN khác.”
Tân Hoa Xã nói rằng, “Trong bầu khí thân hữu, chủ trương của Việt Nam không những đi ngược lại khuynh hướng tích cực trên Biển Ðông mà còn có có nghĩa là làm suy giảm sự thống nhất của ASEAN chống lại ý chí của người dân khu vực.”
Bên cạnh bản tin có những lời phê phán phía Việt Nam như vừa kể, cùng trong ngày 7 Tháng Tám 2017, Tân Hoa Xã bình luận kiểu vừa đánh trống vừa ăn cướp rằng, “Ðã đến lúc Việt Nam phải điều chỉnh lại thái độ và cổ võ cho hòa bình trên Biển Ðông.”
Bắc Kinh đánh cướp của Việt Nam quần đảo Hoàng Sa năm 1974 rồi xua quân đánh cướp tiếp một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa năm 1988 nhưng Tân Hoa Xã ngược ngạo chửi Việt Nam là “tên trộm hô hoán bắt trộm” để tạo áp lực với Trung Quốc về việc bồi đắp, cơi nới các đảo trên Biển Ðông.
Tảng lờ chuyện mình bồi đắp đảo nhân tạo, mở rộng thêm đảo và biến chúng thành các căn cứ quân sự để khống chế toàn bộ Biển Ðông, Bắc Kinh trơ trẽn cáo buộc Hà Nội “từ từ lấn chiếm các đảo và bãi ngầm của Trung Quốc từ năm 2007, gia tăng nhịp độ bồi đắp quy mô lớn trên 21 đảo và bãi đá ngầm chiếm cứ bất hợp pháp, và còn xây dựng một số cơ sở quân sự mới trên Biển Ðông.”
Bắc Kinh đả kích Hà Nội là “ý đồ phá hoại của Việt Nam muốn đầu độc tình hình đã được cải thiện trên Biển Ðông và gây chia rẽ giữa ASEAN với Trung Quốc thì không được hoan nghênh ở khu vực.”
Bởi vậy, Bắc Kinh cảnh cáo: “Ðã đến cao điểm để Việt Nam điều chỉnh thái độ và cách tiếp cận vấn đề, và thành khẩn tham gia nỗ lực của các nước trong khu vực để cổ võ hòa bình, thịnh vượng chung trên Biển Ðông,” Tân Hoa Xã viết.
Ðây là một trong những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đặt trên “16 chữ vàng” và “4 tốt” của hai nước Cộng Sản anh em đang ở những lúc xuống rất thấp.
Báo chí quốc tế đã nhiều lần viết về sự mua chuộc bằng lợi lộc của Trung Quốc cho một số nước ASEAN để hậu thuẫn cho họ trên các diễn đàn quốc tế. (TN)