Wednesday, September 5, 2018

Thêm 1 Facebooker bị bắt vì “chống phá đảng và nhà nước”

RFA-2018-09-05   
Ông Huỳnh Trương Ca tại cơ quan công an
Ông Huỳnh Trương Ca tại cơ quan công an-Courtesy Vietnamnet
Ông Huỳnh Trương Ca, một Facebooker có những đoạn video trực tiếp trên các mạng xã hội để nói về thực trạng xã hội Việt Nam vừa bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng với Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ khi ông đang trên đường từ Tiền Giang lên thành phố Hồ Chí Minh hôm 4 tháng 9.
Mạng báo Vietnamnet dẫn thông tin từ cơ quan công an cho hay, ông Huỳnh Trương Ca, 47 tuổi, sinh sống tại huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp bị bắt khi đang lên TPHCM "để kích động kêu gọi biểu tình, gây rối trật tự" và ông này được cho là có hành vi “sử dụng mạng xã hội youtube, facebook cá nhân đăng tải nội dung bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam".
Theo công an, ông Huỳnh Trương Ca là thành viên nhen nhóm của tổ chức có danh xưng là “Hiến Pháp”, ông này được cho là thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các bài viết, clip, livestream có nội dung xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước; nói xấu chính quyền, lãnh đạo và lực lượng Công an địa phương.
Cũng tin từ tờ báo điện tử này, dạo gần đây ông Huỳnh Trương Ca “tiếp tục có những bài viết, chia sẻ nội dung để kích động quần chúng nhân dân xuống đường biểu tình chống chế độ vào dịp Quốc khánh 2/9.”
Theo tìm hiểu của phóng viên Đài Á Châu Tự Do, tài khoản Facebook mang tên Huỳnh Trường Ca hôm 14/6 có đăng tải một tấm giấy mời làm việc của công an huyện Hồng Ngự để “trao đổi một số việc có liên quan đến tụ tập đông người xảy ra tại TPHCM vào ngày 10/6/2018”.
Dòng trạng thái cuối cùng của trang Facebook này là phản đối việc bắt giữ 2 Facebooker khác “một cách bừa bãi và vi hiến”.
Trước và sau ngày lễ 2-9, có ít nhất 4 người bị bắt về các cáo buộc có liên quan đến an ninh quốc gia.
Hàng loạt các Facebooker khác được bạn bè thông báo là bị mất tích không rõ nguyên nhân.
Trước dịp lễ Quốc khánh 2/9, chính phủ đã cảnh báo về nguy cơ những cuộc biểu tình rộng khắp trên toàn quốc. Công an được huy động để siết chặt an ninh tại các thành phố lớn trong dịp này.

Tinh thần thể thao và “màu cờ, sắc áo”

Đồng Phụng Việt Theo RFA-2018-09-05   
Cổ động viên Việt Nam cổ vũ đội bóng đá nam trong trận tranh huy chương đồng ở ASIAD 2018 hôm 1/9/2018
Cổ động viên Việt Nam cổ vũ đội bóng đá nam trong trận tranh huy chương đồng ở ASIAD 2018 hôm 1/9/2018-AFP
ASIAD 2018 đã kết thúc. Đoàn Thể thao Việt Nam đã trở về với bốn tấm huy chương vàng của Điền kinh, Đua thuyền, Pencak Silat, đội tuyển bóng đá nam góp mặt tại vòng tứ kết môn bóng đá. Ngoài chuyện tổ chức đón tiếp trọng thể, Thủ tướng Việt Nam đã dành thời gian gặp gỡ những đại diện tiêu biểu của Đoàn Thể thao Việt Nam.
Ông Phúc thú thật rằng trong những ngày vừa qua (từ 18 tháng 8 đến 2 tháng 9), không khí đất nước rất sôi động, người dân sống với nhiều cảm xúc đặc biệt khi xem các trận đấu, các màn tranh tài của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018. Chứng kiến cảnh hàng vạn người đổ ra đường mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam suốt đêm, ông Phúc cũng xúc động và cho rằng, chiến thắng lớn nhất là chiến thắng trong lòng người hâm mộ Việt Nam...
Giống như thường lệ, đại diện các huấn luyện viên và vận động viên tiếp tục gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Chính phủ đã tạo điều kiện tốt nhất cho các vận động viên trong tập luyện, thi đấu và hứa sẽ cố gắng đạt kết quả tốt ở những giải sắp tới…
Sự biết ơn sâu sắc đó có lẽ thái quá. Nếu có, sự biết ơn sâu sắc ấy chỉ nên dành riêng cho các huấn luyện viên và vận động viên bóng đá nam mà thôi…
***
Vận động viên nhảyba bước Vũ Thị Mến của Việt Nam tại ASIAD 2018 ở Jarkata hôm 30/8/2018
Vận động viên nhảyba bước Vũ Thị Mến của Việt Nam tại ASIAD 2018 ở Jarkata hôm 30/8/2018 AFP
Sau buổi đón tiếp trọng thể và cuộc gặp thể hiện sự ân cần của chính phủ, Lê Anh Tùng – một trong những người gắn bó – biết rất rõ về quyền Anh Việt Nam, tâm sự như thế này trên mạng xã hội về “Những người không được vinh danh”...
Trường Giang có lẽ là Huấn luyện viên boxing duy nhất trên thế giới làm công tác ổn định tâm lý trước khi thi đấu cho vận đông viên của mình bằng… Zalo. Anh không có suất đi ASIAD đợt này mặc dù vận động viên đó là do anh huấn luyện trực tiếp hàng ngày. Chả cứ anh, chuyên gia Thái lan, người đồng hành cùng anh cũng không có suất vì anh chỉ là nhân viên hợp đồng, không trong biên chế nhà nước và vị chuyên gia cũng chẳng có tên bởi hắn thuộc quân số Hà Nội.
Tuần trước, mấy thằng chúng tôi ngồi uống bia bên Nguyễn Sơn, anh cắm mặt vào điện thoại chat với đệ tử, chỉ đạo về mặt chiến thuật và động viên tâm lý cho đệ tử của mình. Trận đó, Tâm gặp đối thủ người Hàn Quốc và chiến thắng oanh liệt 5-0 giành suất vào Tứ kết. Tôi hỏi anh: Liệu Tâm có hi vọng đoạt huy chương vàng không? Anh bảo: Khó lắm, mai là ngày nó có kinh, điều chỉnh bằng thuốc cũng gây mệt mỏi mà không điều chỉnh cũng dở thành ra phải làm công tác tâm lý kỹ, không là hỏng...
Trận Bán kết, Tâm gặp đối thủ người Triều Tiên. Em đánh dưới khả năng, chịu thua và chỉ được Huy chương Đồng. Huy chương Đồng nghe thì chả oai phong gì nhưng nếu đến xem các cháu nó ăn tập như thế nào thì mới thấm thía giá trị của tấm huy chương đó…
Một lần anh Giang bảo tôi: Mày xuống Mỹ Đình xem có giải quyết được nước cho các cháu không. Chúng nó con gái mười tám, đôi mươi mà không có nước tắm rửa tội chúng nó quá. Tôi phi xuống kiểm tra. Mò vào phòng mấy đứa vận động viên, vừa mở cửa, mùi hôi xộc lên làm tôi hắt hơi lia lịa. Mùi đó tổng hợp của mồ hôi, ẩm thấp lẫn mùi cứt đái cống rãnh... Tôi lật nắp bồn cầu: Cứt đầy ự!.. Mở thử vòi chả có tí nước nào. Anh Giang giải thích. Nước nó bơm theo giờ. Ỉa buổi sáng chiều mới xả được. Tôi hỏi: Không có bể chứa hả anh? Có nhưng ống hỏng nên tí là chảy hết. Tôi lắc đầu: Thế thì em chịu mẹ nó rồi. Anh xin kinh phí chứ cả tòa nhà to thế này làm lại đường nước chết tiền đấy. Nói đến tiền tôi thấy anh xịu mặt. Tôi biết là anh bó tay...
Đầu Hè, anh bảo: Mày có con điều hòa cũ nào không? Tao đang cần một con để lắp cho mấy đứa vận động viên. Nóng quá chúng nó không ngủ được. Tôi bảo em không có máy cũ đâu, anh mua mẹ nó máy mới mà lắp, điều hòa bây giờ cũng rẻ mà… Anh không nói gì chỉ thở dài...
Tôi đã vào phòng dành cho huấn luyện viên ở Mỹ Đình. Căn phòng độ 20 mét vuông kê cái gường sắt và la liệt xô chậu để hứng nước từ trần đang tí tách rỏ xuống. Nền gạch chỗ phồng lên, chỗ sụt xuống. tường nhà rêu mọc xanh rì. Thấy tôi lắc đầu ngán ngẩm anh bảo: Kêu nhiều rồi: Chả ai quan tâm...
Tùng nhận định: Thầy trò nhà anh ăn tập trong điều kiện khủng khiếp đó mà vẫn có huy chương. Đồng thôi nhưng với tôi, đó chắc chắn là đồng đen chứ đếch phải đồng thau vớ vẩn.. và kết: Chuyện của anh Ba Đồ Lỗ. Có thế thật hoặc không thật. Ai tin thì tin (1)…
***
Các vận động viên Việt Nam giành huy chương đồng môn pencak silat ở ASIAD 2018 tại Jakarta hôm 29/8/2018
Các vận động viên Việt Nam giành huy chương đồng môn pencak silat ở ASIAD 2018 tại Jakarta hôm 29/8/2018 AFP
Tự thân thể thao – cách gọi chung những hoạt động thể chất nhằm duy trì, phát triển cả kỹ năng lẫn năng lực thể chất – là lành mạnh. Khi đề cao yếu tố cạnh tranh trong phạm vi quốc gia, khu vực hay toàn cầu, thể thao đem lại niềm vui, hứng khởi cho cả người tham gia lẫn người xem. Tuy nhiên, cạnh tranh gay gắt đến mức nào thì ở đâu, bao giờ, người ta cũng đề cao và nhắc nhau về “tinh thần thể thao” - ứng xử đẹp, có trước có sau với nhau, bất kể thắng – thua, thành tích.
Chẳng phải lúc nào “tinh thần thể thao” cũng ở trên hết. Lịch sử thể thao ghi nhận, Benito Mussolini từng sử dụng Giải Vô địch Bóng đá Thế giới 1934 diễn ra ở Ý để thị uy về chính thể phát xít ở Ý. Chính thể phát xít ở Đức cũng đã từng dùng cả Olympic mùa Hè và Olympic mùa Đông ở Berlin năm 1936 để quảng bá sự ưu việt của chủng tộc Aryan…
Chắc chắn không phải tự nhiên mà Việt Nam nhấn mạnh yếu tố “màu cờ, sắc áo” trong việc tham dự các giải thể thao. Chắc chắn không phải tự nhiên mà tại Việt Nam, bóng đá nam được đối xử như “con cầu tự”, còn những môn thể thao khác bị đối xử như “con hoang”. Cứ quan sát ắt sẽ thấy, khác biệt trong cách đối xử với bóng đá nam và các môn thể thao khác chỉ vì chiến thắng của những môn thể thao khác không thể làm hàng triệu người phát cuồng theo kiểu “Tự hào quá Việt Nam ơi”, khiến họ quên đi thực tại và cũng chẳng thèm bận tâm đến tương lai.
Không phải “tinh thần thể thao”, chỉ có “màu cờ, sắc áo” nên dẫu đỏ chóe, màu sắc mau… bạc. Muốn biết “màu cờ, sắc áo” mau… bạc và bạc đến mức nào, cứ vào google, gõ những từ khóa kiểu như “vận động viên+đoạn kết buồn”, “vận động viên+bất hạnh” sẽ thấy vô số những “nữ hoàng”, “kình ngư”, “cô gái vàng”… sống bi thảm ra sao sau khi không còn khả năng tô điểm cho “màu cờ, sắc áo” (2) (3)...
Nghe "biết ơn sâu sắc" mà buồn: Buồn cười và buồn nôn!
Chú thích
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Kiểm duyệt bất đồng chính kiến gắt gao, sách hình lưỡi bò lại nói sơ suất

RFA-2018-09-05   
Sách "Wow! Những bí mật kỳ diệu cho học sinh" có bản đồ lưỡi bò.

Sách "Wow! Những bí mật kỳ diệu cho học sinh" có bản đồ lưỡi bò.-Ảnh chụp màn hình Vnexpress

Bức xúc dư luận

Sự việc gần đây nhất khiến dư luận lên tiếng đó là cuốn sách cho trẻ em lớp 1 mang tên “Wow! Những điều bí mật kỳ diệu dành cho học sinh” do NXB Thế Giới cùng nhà sách Đinh Tị phát hành có bản đồ in hình lưỡi bò của Trung Quốc. Trước sức ép của dư luận, nhà xuất bản đã cho thu hồi cuốn sách để sửa đổi, và giải thích rằng do đường lưỡi bò quá nhỏ nên các biên tập viên không để ý hoặc nhầm lẫn đó là tuyến đường hàng hải. Đây là cuốn sách của một tác giả Trung Quốc, VN mua bản quyền và dịch sang tiếng Việt.
Một giáo viên Tiểu học, xin giấu danh tính, cho biết quan điểm:
Tôi là giáo viên, tôi bực bội chuyện này lắm. Mấy năm nay rồi chứ không phải là mới đây. Không chỉ in hình lưỡi bò, ngay cả sách cho học sinh mẫu giáo tô màu cũng có tiếng tàu trong đó. Tôi thấy phụ huynh mua sách dó tôi đã nói rằng tại sao không mua sách tiếng Việt mà mua sách tiếng Tàu. Nhưng họ vô tư lắm, người VN mình ít biết tình hình của đất nước. Họ nói đâu có sao, mua cho con em tô màu chứ đâu quan tâm đến chữ.
Một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 khác không muốn nêu tên bày tỏ lo ngại:
Do bên quản lý thị trường họ làm không chặt thôi, còn trong mắt tôi thì thực sự người VN nào cũng thế chẳng ai đồng ý đường lưỡi bò của TQ cả, nó quá vớ vẩn và phi lý. Điều này ảnh hưởng tới thế hệ con cháu sau này. Như con tôi sắp vào lớp 1, nó nhìn bản đồ chưa hiểu gì nhiều. Nhưng sự truyền đạt của giáo viên là rất quan trọng, nếu họ có tư tưởng sai thì nó cũng ăn sâu vào đầu các em.
Lưỡi bò là đường đứt khúc 9 đoạn cho Trung Quốc đơn phương vạch ra ở biển Đông để tuyên bố chủ quyền phần lớn vùng biển giàu tài nguyên này. Đây là khu vực Trung Quốc còn tranh chấp chủ quyền với một số nước châu Á khác trong đó có Việt Nam. Tòa trọng tài Quốc tế La Hague năm 2016 đã bác bỏ tính hợp pháp của đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Tôi cho rằng Trung Quốc thì rõ ràng họ có âm mưu còn VN tiếp tay cho âm mưu đó bằng sự lỏng lẻo và thờ ơ vô trách nhiệm. - Nhà hoạt động Lã Việt Dũng
Đây không phải là một trường hợp hiếm hoi sách báo lưu hành ở VN in bản đồ có hình lưỡi bò của Trung Quốc, hoặc có các yếu tố Trung Quốc được đưa vào một cách không hợp lý, mà đối tượng bị nhắm đến phần lớn là trẻ em. Trước đây, cuốn “Tiếng Hoa dành cho trẻ em" của NXB Tổng hợp TP.HCM cũng bị phát hiện có in bản đồ lưỡi bò. Trong bài học 14 in các hình ảnh kèm từ khóa như Bắc Kinh, quốc kỳ, và phần từ khóa Trung Quốc in hình bản đồ Trung Quốc và vùng đảo xung quanh, trong đó có phần chồng lấn chủ quyền với Việt Nam và các quốc gia khác.
Hay cuốn "Bé làm quen với chữ cái" đề tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà, của NXB Sư phạm, in cờ Trung Quốc ngay phần tập đánh vần chữ C, thay vì lá cờ Việt Nam.
Còn sách "10 phút cho bé trước giờ đi ngủ" của NXB Mỹ Thuật, ở mục Yêu Tổ Quốc, bắt đầu bằng “Tổ quốc của chúng ta là Việt Nam. Quốc kỳ của chúng ta chính là lá cờ đỏ sao vàng.” Phần minh họa có hình lá cờ Việt Nam để trẻ tô màu, nhưng ngay bên cạnh là hình lá cờ Trung Quốc.
Bộ sách tham khảo Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ của nhà sách Hương Thủy cũng phải sửa lại, với lá cờ Trung Quốc cắm trên cổng trường bị yêu cầu xóa đi.
Mới năm ngoái, cuốn sách Luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Hoa có in bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc, bị phát hiện đã tồn tại trên thị trường suốt sáu năm.
Chỉ khi dư luận lên tiếng phản đối, các nhà xuất bản mới cho thu hồi và chỉnh sửa lại các cuốn sách này.
Hầu hết nhưng tài liệu này là của các tác giả người Trung Quốc và được VN dịch sang tiếng Việt.
Hình lưỡi bò trong cuốn Luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Hoa cũng có đường lưỡi bò.
Hình lưỡi bò trong cuốn Luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Hoa cũng có đường lưỡi bò. Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.
Theo nhà hoạt động Lã Việt Dũng, thành viên đội bóng No-U chống đường lưỡi bò của TQ, thì sự lỏng lẻo của cơ quan cơ quan chức năng đã để tiếp diễn tình trạng này:
Thứ nhất, đây là sự vô trách nhiệm của những người in ấn bởi vì việc nhầm này rất nhiều khả năng họ bê nguyên xi tài liệu của TQ về và họ chỉ việc sơ xào lại và cho xuất bản ở VN.
Thứ hai, là câu hỏi về cơ quan kiểm duyệt ấn phẩm báo chí ở VN. Những tài liệu nhạy cảm ảnh hưởng tới quyền lợi của Đảng Cộng sản hay chính quyền thì họ kiểm duyệt rất gắt gao. Nhưng những cái xâm phạm nghiêm trọng về chủ quyền dân tộc hay gây bất lợi cho nhận thức của người Việt về Trung Quốc thì họ lại rất lỏng lẻo.
Điều này ảnh hưởng tới thế hệ con cháu sau này.- Phụ huynh
Những năm gần đây chính phủ Hà Nội siết chặt việc kiểm duyệt các thông tin trên mạng, đặc biệt nhắm vào giới có quan điểm chính trị khác với Đảng Cộng sản VN. Cơ quan chức năng thường xuyên gây áp lực với các hãng thông tin lớn như Facebook, Google, Youtube, yêu cầu họ phải tháo gỡ những tài liệu, video mà Việt Nam cho là “độc hại”. Đây phần lớn là những thông tin, clip bày tỏ quan điểm chính trị bất đồng với chính quyền Hà Nội. Riêng năm ngoái, hơn 3000 clip được nói có thông tin độc hại ở VN đã bị Youtube gỡ bỏ, trong tổng số hơn 8.000 clip mà Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu.

Sơ ý?

Giáo viên Tiểu học chúng tôi có dịp tiếp xúc nói rằng mặc dù phía chức năng thường giải thích là do sơ xuất không để ý bản đồ lưỡi bò, nhưng cô không tin vào lý do này:
Đó là họ chống chế thôi, chứ sơ suất gì mà lặp đi lặp lại nhiều lần. Thí dụ cái cờ 5 ngôi sao vàng của TQ làm sao gọi là sơ suất được. Tôi nghĩ, trong nội bộ Đảng Cộng sản có phe chấp nhận làm nô lệ cho Tàu.
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng lại có quan điểm khác:
Tôi cho rằng Trung Quốc thì rõ ràng họ có âm mưu còn VN tiếp tay cho âm mưu đó bằng sự lỏng lẻo và thờ ơ vô trách nhiệm. Tôi không nghĩ họ trắng trợn tới mức có mưu kế trong chuyện này. Các nhà xuất bản ở VN cũng chỉ chạy theo lợi nhuận thôi, họ thấy chỗ nào rẻ thì in, chỗ nào bản quyền lỏng lẻo họ có thể ăn trộm hoặc mua rẻ được thì họ làm và vô hình chung họ tiếp tay cho việc truyền bá âm mưu của TQ.
Ngoài việc sử dụng chiến lược truyền bá tư tưởng cho trẻ em như ông Lã Việt Dũng nhận định, Trung Quốc còn thực hiện nhiều “mưu mẹo” khác nhằm đem hình ảnh đường lưỡi bò vào lãnh thổ VN, chẳng hạn như khách du lịch mặc áo in hình lưỡi bò, ban phát tờ rơi có hình này tại các khu du lịch, dùng hộ chiếu có đường lưỡi bò để quá cảnh vào VN,…

Những bức ảnh ‘thương và hận’ trong ngày khai trường ở Việt Nam

Học sinh chui túi nylon vượt sông đi học ở Điện Biên. (Hình: VOV)
VIỆT NAM (NV) – Hôm 5 Tháng Chín, tại Việt Nam, hơn 20 triệu học sinh bắt đầu buổi khai trường. Ba lô, cặp sách của các em trĩu nặng trên vai cũng đồng nghĩa là những mối lo âu của phụ huynh về trường lớp, những vất vả lo toan về học phí, về chén cơm nuôi con ăn học.
Cũng trong ngày này, trên mạng xã hội facebook, người ta chia sẻ và loan truyền nhau nhiều hình ảnh lo lắng, thương cảm và cả sự phẫn nộ về một nền giáo dục yếu kém, lạc hậu,… mà nhiều người gói gọn trong 3 chữ ‘thương và hận.’ Thương là thương các em học sinh còn hận là hận nhà cầm quyền.
* Khai trường bên bờ suối
Học sinh khai giảng bên bờ suối ở Lai Châu. (Ảnh: Nguyễn Long Khánh)
“Người ta khai giảng tưng bừng/ Tôi nay khai giảng rưng rưng lệ sầu”.
Đó là lời thầy Nguyễn Long Khánh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. ‘Chia sẻ’ của thầy trên mạng xã hội được dư luận quan tâm đặc biệt. Thầy Khánh cho biết 3 năm học gần đây trường đều tổ chức khai giảng bên bờ suối vì sân trường quá chật hẹp. Thầy cũng cho biết cơ sở vật chất hoàn toàn tạm bợ, trang thiết bị dạy học ở mức tối thiểu. Số lượng học sinh tiểu học có 315 em, trung học cơ sở có 243 em.
* Chui vào túi nylon vượt sông đi học

Học sinh chui túi nylon ở Điện Biên. (Ảnh: VOV)
Còn tại bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà, Điện Biên) là một trong những bản xa xôi và nghèo khó nhất của xã Na Sang. Do đang vào mùa lũ, nước suối Nậm Chim (rộng hơn 20 mét) lên cao khiến nhiều học sinh phải chui vào túi nylon và nhờ người lớn vừa bơi trong dòng nước lũ vừa kéo qua suối để kịp đến trường.
Cách vượt nước lũ như vậy thật nguy hiểm, nhưng ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên cho báo chí biết: “Việc cho học sinh vào túi nylon rồi người lớn đưa cho qua suối như vậy phản cảm quá, nhưng cũng là một cách để bảo đảm an toàn cho các cháu bởi đặc thù của các tỉnh miền núi, nhất là vùng sâu, xa người dân sống phân tán, địa hình hiểm trở, ngăn cách bởi sông suối.
Ông Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà cũng đồng tình khi cho rằng: “Tôi biết nói ra nhiều người có thể cười nhưng chẳng có cách nào đưa các cháu qua suối lúc mưa lũ lớn như thế, được còn chui vào túi nilon đưa qua là đơn giản nhất, tương đối an toàn”.
* Lội bùn đi khai giảng
Thầy cô và học sinh lội bùn đi khai giảng ở Thanh Hóa. (Hình: VTC)
Tại Huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là nơi chịu thiệt hại nặng của đợt mưa lũ vừa qua. Nhiều nơi phải khai giảng trong tình trạng thiếu lớp học, do đã bị mưa lũ cuốn trôi. Để đến được trường, nhiều thầy cô và học sinh của huyện Quan Hóa phải chống gậy, lội bùn.
* Leo thang, vượt cầu nguy hiểm
Ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, học sinh phải leo cầu thang cao dựng đứng để lên cầu bị gãy vì mưa lũ để vượt sông đi học. (Hình Facebook)
* Băng đèo, vượt suối để đến trường
Băng đèo, lội suối đến trường (Hình: Hội khuyến học Quảng Trị)
Tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị những trẻ thơ người sắc tộc thiểu số Vân Kiều phải tự băng đèo, vượt suối để đến trường. Việc bì bõm lội qua 5, 6 con suối trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” đối với các em.
* Thu học phí giá trên trời
Phụ huynh vây kín sân trường chiều 4 Tháng Chín đến hơn 18 giờ vẫn chưa giải tán (Hình: Facebook Hà Phượng)
Tại Hà Nội không có cảnh gian nan cực khổ trên đường đến trường, nhưng học phí và hàng chục khoản thu không rõ mục đích khác khiến phụ huynh học sinh phẫn nộ.
Tại trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) khoản tiền phải nộp đầu năm lên đến hơn 8 triệu đồng. Nhiều phụ huynh đã đến trường đề nghị hiệu trưởng giải thích, nhưng bà hiệu trưởng không trả lời và bỏ ngang buổi họp. Trước đó, một số phụ huynh phản đối các khoản thu bất hợp lý này trên mạng xã hội Facebook và thay vì trả lời, giải đáp thắc mắc, giáo viên phụ trách đã đến nhà đề nghị cha mẹ học sinh gỡ bài viết, một số phụ huynh còn bị công an xã Sơn Đồng mời làm việc.
“Việc đăng tải thông tin dễ nảy sinh ra mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cũng như ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương. Phát hiện như vậy lãnh đạo xã chỉ đạo công an mời người dân đăng bài ra để trao đổi, làm rõ”, ông Nguyễn Hữu Thắng – Trưởng Công an xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) nói với Báo Pháp Luật TP.HCM như vậy.
* Vượt lũ để đến trường
Các em ở ấp Giồng Bàng (xã Thường Phước 1) đến trường khai giảng bằng đò. (Ảnh: TTXVN)
Năm nay, lũ ở đồng bằng Sông Cửu Long về sớm, mực nước tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang ở mức vượt báo động II, cường suất mỗi ngày lên 4 – 5cm. Mặc dù tại Đồng Tháp chưa có trường bị ngập nhưng nhiều nơi bị chia cắt khiến việc đến trường của các em học sinh gặp khó khăn. Để đến trường khai giảng các em phải đi bằng đò.
* Thèm được đi học
Còn tại Tân Phú, Sài Gòn, trên Facebook của Jen Tran đăng tấm ảnh có người vô tình chụp được cảnh ba bé gái bán vé số khoảng 6-7 tuổi leo lên hàng rào một trường học để ngắm nhìn cảnh các học sinh đang rộn rã tựu trường. (UV)

Dân nuôi cá tra ở Bà Rịa-Vũng Tàu trắng tay vì vỡ đập

Người dân kích điện bắt cá sổng từ ao nuôi trong hai ngày nay. (Hình: VNExpress)
BÀ RỊA-VŨNG TÀU, Việt Nam (NV) – Nước từ trên núi cuồn cuộn đổ về khiến đập suối Giao Kèo ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, bị vỡ, người dân bất lực nhìn hàng trăm tấn cá tra nuôi tuôn ra suối mất trắng.
Nói với báo VNExpress, ông Nguyễn Ngọc Pha, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết trưa 3 Tháng Chín, 2018, sau nhiều trận mưa lớn, nước từ trên núi Thị Vải, núi Dinh cuồn cuộn đổ về gây vỡ đập suối Giao Kèo.
“Tôi cùng công nhân kịch liệt phòng vệ nhưng trận mưa lớn không tưởng tượng được đành bất lực nhìn gần 300 tấn cá tra trong các hồ bị cuốn trôi xuống suối,” ông nói.
Ông cho biết, gia đình thả nuôi 43,000 con cá tra trong năm hồ rộng hơn 7 hécta phía trên thượng nguồn đập suối Giao Kèo. Cá thả được tám tháng và ông đã thỏa thuận bán cho nhà máy chế biến thủy sản ở miền Tây.
“Cách đây nửa tháng, tôi kéo thử một mẻ 30 tấn, cá chỉ đạt tám lạng nên chỗ công ty yêu cầu nuôi thêm thời gian nữa,” ông nói và cho biết bị thiệt hại gần 5 tỷ đồng (hơn $214,343) và hiện cá trong ao vẫn còn nhưng không đáng kể.
Vị trí đập trên suối Giao Kèo bị vỡ. (Hình: VNExpress)
Hay tin vỡ đập, ngày 4 Tháng Chín, hàng chục người dân ở hai xã Tóc Tiên, Châu Pha, đổ xô đi bắt hàng bao tải cá tra, rô phi, cá trê. “Nhiều người bắt được hàng tạ cá, bán được vài triệu đồng. Thương lái chỉ mua cá còn sống, số chết đem tặng nhưng người dân không ăn,” một ông đang kích điện bắt cá nói.

Tin cho biết, hiện nước vẫn tràn qua con đập, đàn cá sót lại tiếp tục tuôn ra suối, hàng chục người mang kích điện, vợt vây bắt. “Lượng cá sổng ra ngoài quá nhiều, chỗ nào có nước dí điện vào là cá trồi đầu lên,” người dân cho biết.
Không riêng cá nuôi, vụ vỡ đập suối Giao Kèo cuốn trôi nhiều đồ đạc, vịt gà của người dân xã Tóc Tiên và gây ngập úng 35 hécta lúa và hoa màu của người dân xã Châu Pha.
Theo Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đập Giao Kèo trước đây là vùng đất trũng. Sau quá trình khai thác vật liệu san lấp, thị xã Phú Mỹ đắp bờ bao tạo thành con đập trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đập tạm bợ, gặp mưa lớn tạo áp lực gây vỡ. (Tr.N)

Hải Dương quyết xây ‘trung tâm hành chính’ triệu đô để ‘moi tiền ngân sách’

Thư viện tỉnh Hải Dương to lớn nhưng thiếu người đến, năm 2017 từng được cho tư nhân thuê lại tầng bốn làm nơi tập thể dục. (Hình: Đất Việt)
HẢI DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Dự án “Trung Tâm Hành Chính Tập Trung” từng bị thủ tướng CSVN yêu cầu ngưng từ ba năm trước, nay đang được tỉnh Hải Dương tái khởi động bằng cách chia nhỏ, đổi tên và chuyển đổi hình thức đầu tư để quyết moi tiền ngân sách.
Hôm 4 Tháng Chín, 2018, báo Thanh Niên cho hay, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hải Dương đã có văn bản kiến nghị thủ tướng CSVN về việc “điều chỉnh hình thức đầu tư công trình Trung Tâm Hội Nghị và Quảng Trường.”

Trước đó, tại tờ trình năm 2014, tỉnh này đề nghị xây dựng trụ sở Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân và Đoàn Đại Biểu Quốc Hội tỉnh; khu làm việc khối các sở, ngành thuộc ủy ban tỉnh; trung tâm hội nghị; sân đường, quảng trường với tổng mức đầu tư 2,060 tỷ đồng (hơn $88.3 triệu) từ nguồn ngân sách, bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, lẫn một phần hỗ trợ từ trung ương.
Sợ không được phê duyệt vì nguồn vốn đầu tư từ tiền ngân sách quá lớn, đầu năm 2015, tỉnh Hải Dương có tờ trình xin đổi sang hình thức đầu tư BT (xây dựng-chuyển giao) và được thủ tướng CSVN chấp thuận về nguyên tắc, đồng thời lưu ý không dùng vốn ngân sách để thực hiện.
Tuy nhiên, dự án đã bị tạm ngưng từ Tháng Mười Một, 2015, khi thủ tướng có công văn yêu cầu các địa phương “tạm dừng việc xây khu hành chính tập trung” do “hết tiền.”
Thế là từ giữa năm 2017 đến nay, tỉnh Hải Dương liên tiếp có những động thái chuẩn bị cho việc tái khởi động dự án trung tâm hành chính này mà điển hình nhất là công văn xin thủ tướng điều chỉnh dự án khoảng một tháng trước.
Bản vẽ chi tiết xây dựng khu “trung tâm hành chính” tỉnh Hải Dương. (Hình: Thanh Niên)
Văn bản lần này có ba điểm rất đáng chú ý. Đầu tiên là việc “chia nhỏ” dự án khi triển khai trước một phần là công trình Trung Tâm Hội Nghị và Quảng Trường với số vốn gần 650 tỷ đồng (hơn $27.8 triệu).
Kế tiếp, dự án nay được đổi tên mới là Trung Tâm Văn Hóa Xứ Đông (quy mô sáu tầng, gồm một tầng hầm, bốn tầng và một tầng áp mái), tổng diện tích xây dựng hơn 4,500 mét vuông, trên tổng diện tích 19,633 mét vuông.
Cuối cùng, chính quyền tỉnh Hải Dương đề nghị chuyển từ đầu tư theo hình thức BT sang dùng vốn ngân sách bằng nguồn thu từ việc đấu giá sử dụng đất của dự án khu đô thị ven sông Thái Bình (Ecoriver). Đặc biệt thông báo luôn địa phương đã đấu giá đất xong và thu về 805 tỷ đồng (hơn $34.5 triệu) từ trước khi xin thủ tướng thay đổi hình thức đầu tư dự án.
Riêng các công trình còn lại, tỉnh này đề nghị giữ nguyên theo hình thức BT. Nếu được thông qua, ủy ban tỉnh Hải Dương dự trù thực hiện dự án từ nay đến năm 2020.
Mặc dù đã dùng nhiều cách để quyết xây dựng dự án, song tham gia ý kiến về đề xuất này theo yêu cầu của Văn Phòng Chính Phủ, Bộ Xây Dựng cho hay, với những tài liệu hiện nay thì “chưa có cơ sở để xem xét sự cần thiết đầu tư dự án bằng ngân sách nhà nước.”
Chưa kể, đề nghị thay đổi hình thức đầu tư từ BT sang vốn ngân sách của tỉnh Hải Dương diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài Chính đang đề nghị tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.
Lâu nay, các tỉnh, thành ở Việt Nam thi nhau xây dựng các “trung tâm hành chính” như một căn bệnh. Chính quyền địa phương đua nhau xây “trung tâm hành chính” của mình to, đẹp hơn các tỉnh, thành phố khác, mà không bận tâm về việc làm sao phát triển địa phương theo đúng nghĩa.
Cốt yếu của việc xây “trung tâm hành chính” là để lấy tiền công bỏ vào túi riêng mà thôi! (Tr.N)