Wednesday, January 24, 2018

Bốn tín hữu Phật giáo Hòa Hảo bị xử án tù vì treo cờ vàng

VOA Tiếng Việt /24/01/2018 
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy Vương Văn Thả tại phiên tòa ngày 23/1/18 ở tỉnh An Giang.
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy Vương Văn Thả tại phiên tòa ngày 23/1/18 ở tỉnh An Giang.
Bốn tín hữu Phật giáo Hòa Hảo ở tỉnh An Giang đã bị chính quyền Việt Nam tuyên án tù vì đã treo cờ vàng của Việt Nam Cộng hòa. Cờ vàng là một biểu tượng của chế độ đã cầm quyền ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, mà Hà nội coi là kẻ thù của mình.
Hãng tin AFP hôm 24/1 loan tin Tòa án tỉnh An Giang hôm 23/1 tuyên án ông Vương Văn Thả, 49 tuổi, 12 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo khoản 2 Điều 88 Bộ luật Hình sự. Ông Vương Thanh Thuận, 28 tuổi, con trai ông Thả, bị tuyên 7 năm tù giam về cùng tội danh, và hai cháu trai song sinh của ông Thả là Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng, 33 tuổi, bị tuyên án 6 năm tù giam.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, sau khi mãn hạn tù, cả bốn người còn phải chấp hành hình phạt quản chế 3 năm tại địa phương.
Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy ở tỉnh An Giang
Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy ở tỉnh An Giang
Truyền thông trong nước trích cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh An Giang nói vào đầu năm 2017, ông Thả sử dụng loa phát thanh để “tuyên truyền với những lời lẽ bịa đặt, xuyên tạc, vu khống chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam”, đồng thời cáo buộc ông là đã chỉ đạo cho con trai, là Vương Thanh Thuận, đưa những thông tin này lên Facenook để “kích động mọi người treo cờ vàng ba sọc đỏ vào ngày 30/4/2017, và xuống đường gây rối.”
Ngoài ra, cáo trạng nói ông Thả kêu gọi ký tên ủng hộ, tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” của ông Đào Minh Quân ở Hoa Kỳ. Ông Thả được cho là đã “chỉ đạo” cho Thuận, Trường, Thượng và những người trong gia đình may cờ vàng ba sọc đỏ, và ông Thả liên lạc với với một người tên Kelly Triệu trên mạng Facebook để được hướng dẫn cách tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.”
Thông Tấn xã Việt Nam nói vào sáng ngày 30/4/2017, ông Thả treo cờ ba sọc đỏ trên nóc nhà, “dùng những lời lẽ bôi nhọ, phỉ báng chính quyền, tuyên truyền chống Nhà nước.”
Các video clip trên mạng cho thấy ông Thả cùng các thành viên trong gia đình có tất cả 9 người bị cô lập, cắt điện nước, bị khủng bố dưới hình thức bị người “lạ mặt” ném đá vào nhà. Ông Thả lên mạng xã hội cầu cứu dư luận khắp nơi, đã có một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiệp thông, quan tâm, và giúp đỡ gia đình ông.
Vào ngày 18/5/2017, chính quyền Việt Nam bắt ông Thả, con trai và hai cháu trai của ông. Họ thu giữ 1 lá cờ vàng ba sọc đỏ, thiết bị tăng âm, và các video clip do ông Vương Văn Thả phát tán trên mạng để làm bằng chứng buộc tội.

‘Vây cá mập’ làm lộ tiêu cực ngoại giao

Theo VOA-24/01/2018 
Số vây cá mập được báo Chile chụp. (Ảnh: El Mostrador.)
 Số vây cá mập được báo Chile chụp. (Ảnh: El Mostrador.)
Một số người dân tại Việt Nam cho rằng câu trả lời của Đại sứ quán Việt Nam tại Chile về vụ “phơi vây cá mập” là thiếu thuyết phục, thậm chí mang tính “bao che”, “trí trá cho qua chuyện”, trong khi vụ bê bối đã làm lộ ra nhiều tiêu cực và gây hổ thẹn cho người Việt Nam.
Trong thông cáo phát đi ngày 23/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile cho biết vây cá mập phơi trên mái nhà Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Chile là “được thân nhân của một cán bộ thuộc văn phòng mua tại chợ dân sinh ở trung tâm thủ đô Santiago de Chile để sử dụng trong gia đình”.
Thông cáo đưa ra một ngày sau khi báo chí tiếng Việt đăng lại thông tin trên tờ báo Chile, El Mostrador, cùng loạt ảnh cho thấy có nhiều vây cá mập được phơi trên mái nhà của văn phòng thương mại Đại sứ quán Việt Nam ở Chile.
Tờ báo nước Chile cho biết phát hiện trên xuất phát từ tố giác của cư dân về mùi tanh hôi bốc ra từ khu vực Đại sứ quán. Nguồn tin này dẫn lời cư dân nói số vây cá trên đã được phơi từ ngày 13/1 với số lượng nhỏ, sau đó tăng dần lên, ước tính ít nhất là 100 vây cá trong vòng 5 ngày.
Qua việc quan chức ngoại giao vi phạm pháp luật ở nước sở tại, chúng ta có thể đánh giá được phẩm chất và năng lực của họ, trong đó tồn tại vấn đề bổ nhiệm các viên chức ngoại giao.
Blogger Phạm Lê Vương Các
Trước những chỉ trích của dư luận quốc tế và trong nước, ngày 22/1, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại Chile phải giải trình sự việc trước ngày 25/1. Tuy nhiên, thông cáo đưa ra ngày 23/1 của Đại sứ quán Việt Nam tại Chile đã không thuyết phục được công luận Việt Nam.
Một cư dân tại Hà Nội, bà Bích Phượng, nói:
“Họ trả lời như thế là họ thiếu tôn trọng bản thân họ. Một là họ không hiểu biết về pháp luật. Hai là họ trí trá, nói cho qua chuyện. Người làm công tác ngoại giao thì thứ nhất phải hiểu về phong tục, tập quán của nước sở tại, thứ hai là luật quốc tế”.
Việc mua bán và tiêu thụ vây cá mập đã bị cấm ở nhiều quốc gia trên thế giới vì mối đe dọa hủy diệt cân bằng hệ sinh thái biển. Nhưng các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam lại xem vi cá mập là một món ăn cao cấp, có công dụng tốt cho sức khỏe.
Những người săn vây cá mập thường cắt vây, rồi thả cá xuống biển lại. Cá bị cắt vây thường chết vì mất máu hoặc chết đuối. Chính vì vậy, bà Bích Phượng cho rằng không có lời bào chữa nào có thể biện minh cho hành động của người đã gây ra vụ bê bối ở Đại sứ quán Việt Nam tại Chile.
“Ngoài sự man rợ ra, đó là một sự sỉ nhục, nhất là khi anh đại diện cho một quốc gia mà lại thiếu hiểu biết về luật pháp, thiếu cả lương tâm của xã hội loài người”, bà Phượng nói.
Từ Sài Gòn, blogger Phạm Lê Vương Các nhận định đây chỉ là một trong nhiều vụ cho thấy “bản năng thiếu tôn trọng pháp luật” của các giới chức Việt Nam khi ở nước ngoài.
Ngoài sự man rợ ra, đó là một sự sỉ nhục, nhất là khi anh đại diện cho một quốc gia mà lại thiếu hiểu biết về luật pháp, thiếu cả lương tâm của xã hội loài người.
Bà Đặng Bích Phượng
Ông Các nói: “Một số vụ việc gần đây phản ánh rõ ràng rằng phía ngoại giao Việt Nam có vấn đề về thiếu tôn trọng pháp luật nước sở tại. Chẳng hạn, vụ nổi tiếng mới đây là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Hay vụ một số người Việt ở Nhật phàn nàn về Đại sứ quán có những hoạt động không rõ ràng, minh bạch trong việc cấp visa”.
Cả blogger Phạm Lê Vương Các lẫn bà Bích Phượng đều cho rằng vụ bê bối cho thấy phần nào tiêu cực trong “công tác cán bộ”, không chỉ tại Bộ Ngoại giao mà ở tất cả các cơ quan công quyền của Việt Nam.
“Qua việc quan chức ngoại giao vi phạm pháp luật ở nước sở tại, chúng ta có thể đánh giá được phẩm chất và năng lực của họ, trong đó tồn tại vấn đề bổ nhiệm các viên chức ngoại giao”, blogger Phạm Lê Vương Các nói.
Vụ bê bối được dư luận cho là một bằng chứng khẳng định thêm về lời đồn “đầu tư đi sứ” của các viên chức ngoại giao.
“Chuyện họ đi làm công tác ngoại giao là một thương vụ. Họ bỏ vốn ra thì bây giờ họ phải tận dụng tất cả mọi thứ để kiếm lời bù lại”, bà Phượng nói.
Theo tường thuật của báo chí Chile, vụ phơi vây cá mập tại Đại sứ quán Việt Nam đã gây sốc cho cộng đồng khoa học tại Chile và quốc tế. Quốc gia Nam Mỹ này đã cấm buôn bán và tiêu thụ vây cá mập từ năm 2011.
Thông tin trên báo chí, phía Việt Nam nói đang “phối hợp” với Bộ Ngoại giao Chile để xác minh, làm rõ vụ việc và sẽ “xử lý nghiêm nếu có vi phạm”.
Tuy nhiên, blogger Phạm Lê Vương Các dự báo quy chế “miễn trừ ngoại giao” sẽ được áp dụng trong trường hợp tìm ra người vi phạm, mặc dù điều này không thể cải thiện được hình ảnh đã bị bôi nhọ của Việt Nam. Còn bà Bích Phượng thì nói “Rồi cũng sẽ trí trá cho qua như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà thôi”.

Trung Cộng đưa ra luận điệu mới: bành trướng ở Biển Đông để đối phó với Hoa Kỳ

Trung Cộng đưa ra luận điệu mới: bành trướng ở Biển Đông để đối phó với Hoa Kỳ
Tạp chí Foreign Policy hôm Thứ Tư 24/01 trích dẫn một bài xã luận đăng trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo do đảng cộng sản Trung Hoa điều hành. Bài xã luận của một người viết có bút hiệu là “Tiếng Nói Trung Hoa”, cáo buộc Hải Quân Hoa Kỳ là “khiêu khích” quân đội Trung Cộng bằng những chuyến hải hành xuyên qua khu vực mà cộng đồng quốc tế công nhận là vùng biển quốc tế. Để thực sự “bảo vệ hòa bình” ở Biển Đông, Trung Cộng phải củng cố và đẩy nhanh việc xây dựng các khả năng của mình tại đó. Trong khi Trung Cộng gia tăng cả phẩm lẫn lượng của quân đội, nước này cũng gia tăng kiểm soát Biển Đông. Câu chuyện mới này gợi ý rằng, việc bành trướng và quân sự hóa của Trung Cộng tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông được thực hiện nhằm phản ứng với các chuyến tuần tiễu vì tự do hàng hải của Hoa Kỳ.Tuy nhiên, tác giả Alex Hollings của tờ Foreign Policy chỉ ra rằng, câu chuyện này không phù hợp với những tiền lệ lịch sử. Một ví dụ mới đây là vào tháng 8 năm ngoái, Việt Nam buộc phải đình chỉ hoạt động thăm dò dầu khí trong lãnh hải của mình do áp lực từ Bắc Kinh. Vụ này không liên quan gì tới các cuộc tuần tiễu của Hải Quân Hoa Kỳ. Mới đây, Trung Cộng phản đối chiến hạm USS Hopper của Hoa Kỳ tiến gần một bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này lâu nay vẫn được chính phủ Philippines xem là thuộc chủ quyền quốc gia.
Huy Lam / SBTN

Một vị tổng thống muốn chia rẽ

Tất cả những chính sách quan trọng của ông Donald Trump trong năm đầu làm tổng thống có một mẫu số chung: Hoặc là những chính sách này thiên vị cho những người ủng hộ căn bản của ông – khoảng một phần ba cử tri mà vẫn còn ủng hộ ông – hay là trừng phạt những tiểu bang nào bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ.
Thí dụ rõ ràng nhất là việc cải tổ thuế vụ, vốn đã đánh một đòn vào người Mỹ ở các tiểu bang xanh, vốn thường trả thuế tiểu bang và địa phương cao, gọi tắt là SALT. Những cư dân của các tiểu bang này không bỏ phiếu cho tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2016, và bắt đầu năm nay, sự khấu trừ cho SALT trong việc trả thuế liên bang bị giới hạn.
Những biện pháp chính sách gần đây cũng có vẻ có một khuynh hướng bài xanh. Ngay sau khi chính phủ Trump loan báo kế hoạch nới rộng cho phép thăm dò dầu khí ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ trong điều được gọi là hải phận liên bang, chính phủ đã ngay lập tức miễn áp dụng cho Florida – một tiểu bang tối quan trọng cho sự thắng cử của tổng thống năm 2016. Các tiểu bang xanh như California cũng đang rất mong được sự đặc miễn đó nhưng họ vẫn còn chờ, chưa thấy hồi âm gì từ Washington.
Tài trợ cho thiên tai cũng đã gây nên cáo buộc phân biệt đối xử đảng phái. Các chính trị gia Dân Chủ ở tiểu bang nay ngày càng xanh đậm là California, đã nổi giận hồi Tháng Mười Một khi một yêu cầu của chính phủ Trump để cứu trợ thiên tai không nhắc đến tiểu bang, mà trong suốt năm nay những trận cháy rừng liên miên đã xảy ra, cũng như vào cuối năm cơn mưa bão và đất chuồi. Một yêu cầu Tháng Mười Hai để cung cấp trợ giúp thiên tai, có nhắc đến California, cũng như Texas, Florida và Puerto Rico, đã thông qua Hạ Viện nhưng còn lay lắt bỏ xó ở Thượng Viện.
Puerto Rico cũng vậy, một lãnh địa nặng ủng hộ cho đảng Dân Chủ, mặc dầu có một thống đốc Cộng Hòa, cũng đã than phiền hết sức về cách Washington đối xử với họ sau bão Maria. Đến nay là trên 100 ngày rồi mà nửa lãnh địa còn chưa có điện, mọi sinh hoạt vẫn còn chưa trở lại bình thường. Một cựu viên chức của cơ quan FEMA bảo là tình trạng cấp cứu cho Puerto Rico còn tệ hơn là ở những thuộc địa kế bên của Pháp và Anh.
Cần sa là một thí dụ khác. Một ghi nhớ mới đây của Bộ Tư pháp đã “giải phóng” cho phép các công tố viên tha hồ áp đặt luật liên bang một cách hung hăng ở những tiểu bang đã hợp pháp hóa việc sản xuất và mua bán cần sa – hầu hết là tiểu bang Dân Chủ, kể cả California.
Ngay cả một bức thư mới đây của chính phủ Trump tỏ vẻ nghi ngờ về tài trợ cho một đường hầm xe lửa nối liền New York và New Jersey cũng có một hơi hướm chính trị đảng phái. Cả hai tiểu bang đều xanh đậm.
Lối làm chính sách và gửi thông điệp dựa trên số ủng hộ căn bản của mình có thể làm cho mọi hợp tác với bên Dân Chủ trong tương lai thêm khó khăn. Rất nhiều luật lệ sẽ khó thông qua, nhất là khi bây giờ đảng Cộng Hòa chỉ có đa số một phiếu ở Thượng Viện.
Chỉ cần một lá phiếu không đồng ý của Thượng Nghị Sĩ John McCain là đã khiến mọi cố gắng hủy bỏ Obamacare thất bại. Thời gian cũng gần kề cho một thỏa thuận về những em nhỏ bị bố mẹ đưa sang Hoa Kỳ bất hợp pháp. Các em sẽ bị trục xuất nếu Quốc Hội không đồng ý cho một kế hoạch vào ngày 5 Tháng Ba.
Và cuộc bầu cử giữa kỳ Tháng Mười Một cũng đang gần kề. Những cố gắng của tổng thống để làm hài lòng những ủng hộ viên của ông có thể làm cho họ hứng khởi, nhưng cũng làm cho những người chống hăng hái hơn, tung ra những cố gắng để ủng hộ cho các ứng cử viên Dân Chủ. Với tình trạng hiện nay, đảng Cộng Hòa có thể mất cả lưỡng viện quốc hội, khả năng của tổng thống thông qua được bất cứ một việc gì sẽ bị giới hạn nghiêm trọng.
Những người Cộng Hòa thì nói là chính sách của thời đại Trump đương nhiên phải thiên lệch về phía đảng của ông: kẻ thắng ăn hết mà!
Một nhà thăm dò dư luận của đảng Cộng Hòa được tờ Christian Science Monitor dẫn lời nói chuyện đó là bình thường. Ông Whit Ayres nói: “Trong một hoàn cảnh phân cực, nơi chỉ có Dân Chủ trước năm 2010 trong nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Barack Obama, và chỉ Cộng Hòa từ năm 2016 làm chính sách, có một khuynh hướng tự nhiên có những chính sách nghiêng về những người đang làm nó.”
Ông Ayres cũng chỉ việc chính phủ Obama không muốn cho phép miễn một số điều kiện của đạo luật cải tổ sức khỏe như là một thí dụ. Ông cho là “Tôi không biết đó có phải là một lựa chọn hay không, hay nó chỉ là kết quả logic của việc có một đảng đang nắm trọn quyền.”
Những quan sát viên khác bi quan hơn nhiều và thấy một sự chuyển đôi sâu xa đang xảy ra. Phân cực đảng phái, vốn đã gia tăng từ nhiều thập niên nay, chắc chắn đã là một yếu tố. Nhưng cách hành xử của Tổng Thống Trump về chính trị thì không giống bất cứ những gì mà Hoa Kỳ đã chứng kiến trước đây.
Tổng thống không theo con đường bình thường của các ứng cử viên tổng thống thành công, vốn đã chiều lòng những ủng hộ viên nòng cốt của đảng để thắng được bầu sơ bộ, rồi thì chuyển sang cánh trung dung cho cuộc bầu cử chính thức. Thay vì vậy, ông Trump không bao giờ rời khỏi những ủng hộ viên nòng cốt của ông. Bài diễn văn nhận sự đề cử của đảng Cộng Hòa của ông nhấn mạnh đến những đề tài dân túy, địa phương, cũng như bài diễn văn nhậm chức của ông – không phải theo con đường cao cả, lập luận đoàn kết mà người dân Hoa Kỳ chờ đợi trong những giây phút quốc gia như vậy.
Là tổng thống, ông Trump vẫn tiếp tục nhắm hầu hết các thông điệp của ông vào khối ủng hộ của mình. Có thể, một số quan sát viên chỉ ra, là lời bình luận thô lỗ khiếm nhã mà ông nói về di dân từ Haiti, El Salvador hay Phi Châu là một chỉ dấu cố ý để những nhà bình luận truyền hình cực hữu như Tucker Carlson hay Ann Coulter thấy là ông không đổi ý về di dân.
Thêm vào đó, ngoại trừ thường xuyên lui tới những tiểu bang xanh nơi ông có nhà cửa, ở New York và New Jersey, tổng thống đã đi đến hầu như chỉ những tiểu bang mà ông đã thắng cử năm 2016. Cho đến nay, một năm tại chức mà ông chưa đến California, một sự hiếm có cho năm đầu của một nhiệm kỳ tổng thống từ nhiều thập niên nay.
Giáo Sư Jeremy Mayer, một giáo sư về chính sách và chính quyền ở Viện Đại Học George Mason ở Arlington, Virginia, giải thích: “Đây không phải là ‘vậy có sao đâu’ hay ‘mọi tổng thống đều làm vậy.’ Tất cả các tổng thống không làm vậy. Nếu họ đã làm vậy thì các vị tổng thống Dân Chủ sẽ không đời nào viếng thăm miền Nam và sẽ làm chính sách để gây thiệt hại cho miền Nam.”
Về cải tổ thuế vụ, thành tích làm luật đáng kể nhất của năm đầu của tổng thống, có lẽ sẽ không công bằng nếu chỉ đổ cho là vì ông mà chính sách này có khuynh hướng có hại nhiều hơn cho các cử tri Dân Chủ hơn là Cộng Hòa.
Giáo Sư Cal Jillson, giáo sư chính trị học ở Viện Đại Học Southern Methodist ở Texas, giải thích: “Điều đã thay đổi là trong khi trước kia có một tối thiểu điều đình ở quốc hội về việc phát triển những chính sách quan trọng, đảng cầm quyền nay cố thông qua luật dựa trên bỏ phiếu chỉ theo đảng thôi. Trong trường hợp như vậy, họ có thể đưa ra những lựa chọn chính sách truyền thống mà họ ưa thích không phải nhân nhượng, và thích thú trừng phạt đối thủ.”
Giáo Sư Jillson chỉ ra là quả là Tổng Thống Obama có thông qua một đạo luật quan trọng chỉ với lá phiếu Dân Chủ, nhưng trước đó ông đã có những nhượng bộ lớn để mong có được sự ủng hộ của bên Cộng Hòa.
Ông Jillson chỉ ra là trong hai năm đầu, “Obama và bên Dân Chủ đã cố gắng hết sức để phát triển một ấn bản của luật chăm sóc sức khỏe của ông Mitt Romney và dành một phần ba ngân sách kích thích kinh tế cho cắt giảm thuế, một điều mà bên Cộng Hòa bao giờ cũng đòi.” Tình hình hiện nay theo ông Jillson, là “sự kết thúc của truyền thống cố gắng đưa ra những yếu tố của một dự luật sao cho hấp dẫn được đối thủ để mời họ ủng hộ.”
Cải tổ thuế, và giới hạn mới về giảm SALT, là một trường hợp lý thú cho tổng thống. Là một người dân New York, một tiểu bang xanh thuế cao, ông có thể thông cảm với những ai bị một sự thua thiệt tài chánh. Nhưng New York không phải là nơi ông có ủng hộ. Tiểu bang không bỏ phiếu cho ông năm 2016 và khi những người bạn giàu có ở thành phố nhà yêu cầu ông giúp đỡ về SALT, ông còn đùa “Mấy anh có vẻ OK mà.” Vả lại tổng thống cũng đã có những khoản khác thay thế, chẳng hạn như việc cho phép trả thuế “pass through” khiến thuế doanh nghiệp trở thành thuế cá nhân, một biện pháp thông dụng trong ngành địa ốc.
Việc miễn cho Florida khỏi bị thăm dò dầu khí ngoài khơi, ngược lại, nhắm đúng vào quyền lợi của tổng thống. Ông đang muốn Thống Đốc Rick Scott, vốn đích thân xin miễn, ra ứng cử Thượng Viện vào Tháng Mười Một này. Thống Đốc Scott lý luận là khoan dầu ở thềm lục địa sẽ làm hại nền kinh tế du lịch của Florida. Cũng phải ghi nhận thêm là cơ sở mùa Đông của tổng thống, Mar-a-Lago, nằm ngay bờ phía Đông của tiểu bang Florida.
Một trong những điều bất biến đã lộ rõ: Cách hành xử của tổng thống là cuộn mình trong sự yêu mến của những người ủng hộ ông hẳn sẽ không thay đổi, mặc dầu nói chung sự ủng hộ của ông rất thấp, trung bình chỉ có 39%.
Chủ bút của Gallup, ông Frank Newport, gọi chiến thuật của ông Trump là “tập trung lựa chọn” cho ủng hộ của mình “một giải pháp hấp dẫn cho bất cứ một chính trị gia nào.”
Nhưng trong giai đoạn của ngày càng có phân cực đảng phái, nó có thể không phải là một khuôn mẫu hữu hiệu cho thành công lâu dài. Ấy là còn chưa kể là tổng thống được bầu lên làm tổng thống cho toàn thể nhân dân Hoa Kỳ chứ không phải chỉ cho những người bầu ông lên. (Lê Phan)

Nguyễn Phú Trọng qua mặt Tập Cận Bình!


Báo chí của đảng Cộng Sản Việt Nam đều tường thuật một chi tiết trong phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh, khi Thanh xưng “cháu” để ngỏ lời trực tiếp với Nguyễn Phú Trọng, nói “trong nước mắt” như các báo, đài mô tả: “Cháu muốn gửi lời xin lỗi tới bác Trọng, cháu rất mong bác tha thứ!”
Một câu nói đó đủ tố cáo cả hệ thống pháp luật trong chế độ Cộng Sản là giả dối, bịp 
Tại sao một bị cáo không nói chuyện với quan tòa để xin khoan hồng, không nói thẳng với những người đang ngồi đó xét xử và sắp phán quyết về tội trạng mình bị cáo buộc? Tại sao anh ta lại xin lỗi và van lạy một người vắng mặt là ông Nguyễn Phú Trọng, một người không giữ chức vụ nào trong ngành tư pháp, không làm công việc gì trong chính quyền, không đóng vai công tố buộc tội (viện kiểm sát) hay cảnh sát điều tra?
Chỉ trong một câu nói, Trịnh Xuân Thanh đã lột mặt nạ đảng Cộng Sản; gián tiếp tố cáo tòa án chỉ là cái bình phong tư pháp, các quan tòa chỉ là một đám bù nhìn do Nguyễn Phú Trọng giật dây.
Trịnh Xuân Thanh “bật khóc nức nở khi nhắc đến việc bỏ trốn” sang Đức, việc viết thư gửi cho Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam vạch tội Nguyễn Phú Trọng, Thanh thú nhận mình đã “dại dột,” như một đứa trẻ trốn cha mẹ đi hoang đang ăn năn hối lỗi!
Những chi tiết trên chắc chắn sẽ được chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức chú ý.
Tại sao nước Đức lại liên can tới một phiên tòa ở nước Việt Nam, xử một công dân Việt Nam? Vì họ muốn chứng tỏ Đức là một quốc gia sống theo nền nếp văn minh.
Chính phủ Đức chính thức tố cáo, với các bằng chứng cụ thể, mật vụ Cộng Sản đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào ngày 23 Tháng Bảy, 2017, trong khi anh ta và vợ con đang được cứu xét hồ sơ xin tị nạn. Ngày 10 Tháng Tám, 2017, tổng công tố viên Liên Bang đã khởi sự điều tra vụ bắt cóc này. Họ tự coi có bổn phận đối với một người đã xin được tị nạn ở xứ Đức. Đối với thủ tục pháp lý một nước văn minh, sau khi đã chấp nhận để nghiên cứu về đơn xin tị nạn thì chính quyền đã có trách nhiệm với người đứng xin! Trách nhiệm đó có nghĩa là người xin tị nạn phải được đối xử như một “con người” có đủ các quyền trước pháp luật, không thể xúc phạm! Bắt cóc, đe dọa, tra tấn là xâm phạm quyền tự do căn bản của nạn nhân!
Cho nên chính phủ Đức đã chính thức đòi hỏi nhà nước Cộng Sản Việt Nam phải xét xử Trịnh Xuân Thanh theo thủ tục pháp lý đứng đắn, với các quan sát viên quốc tế được tự do tham dự. Cộng Sản Việt Nam đã tìm cách ngăn cản không cho chính phủ Đức tìm thêm bằng cớ để mai mốt đưa ra khi truy tố vụ bắt cóc Thanh. Luật sư được gia đình Trịnh Xuân Thanh thuê bào chữa, từ bên Đức qua, bị cấm không cho vào Việt Nam. Báo chí ngoại quốc cũng không được vào theo dõi phiên xử dù chỉ ngồi ở phòng khác theo dõi qua truyền hình.
Cộng Sản Việt Nam hy vọng chính phủ Đức sẽ không thể dùng chi tiết các diễn biến trong phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh, các lời lẽ đối đáp giữa các luật sư, công tố viện, quan tòa, để phía Đức có thể đưa ra, chứng minh rằng Cộng Sản Việt Nam đã vi phạm tất cả các thủ tục pháp lý của thế giới văn minh!
Quả nhiên chính phủ Đức phải chịu bó tay không thể tham dự trong quá trình xét xử Trịnh Xuân Thanh, một người nộp đơn xin tị nạn mà nước Đức tự nhiên có trách nhiệm bảo vệ để được “đối xử như một con người!”
Nhưng chính Trịnh Xuân Thanh đã gỡ hết thế khó khăn cho nước Đức.
Chỉ cần nói mấy câu lạy lục van xin Nguyễn Phú Trọng; chỉ cần bỏ quên các quan tòa, coi cả cái tòa án kanguru trước mặt mình như một bóng ma không đáng đếm xỉa, Trịnh Xuân Thanh đã cung cấp cho chính phủ Đức, và tất cả những người đọc tin tức về vụ án, một bằng chứng hiển nhiên là hệ thống tư pháp Việt Cộng hoàn toàn vô giá trị!
Trịnh Xuân Thanh đã khóc lóc xin lỗi Nguyễn Phú Trọng, đã van xin “Bác Trọng” mở lòng thương. Trịnh Xuân Thanh không nói một câu nào xin tòa án khoan hồng. Riêng một chi tiết đó cũng đủ cho cả thế giới thấy quyết định kết tội nặng nhẹ hoàn toàn nằm trong tay một tên trùm sỏ. Các diễn viên đóng vai thẩm phán, kiểm sát, luật sư, cho tới cả các bị cáo, chỉ là những vai hề diễn trò trên sân khấu cho tên trùm sỏ ngồi coi và cười. Muốn xin khoan hồng, hãy lạy van trực tiếp tên trùm sỏ đó!
Một điều lạ đối với người quan sát tỉnh táo, là tại sao các quan tòa không ngăn lại, cấm Trịnh Xuân Thanh không được nói “lạc đề?” Bất cứ quan tòa nào cũng có quyền ra lệnh: Bị cáo phải trở lại vấn đề cốt yếu, hãy nói về các bằng cớ, các nhân chứng, các lý lẽ để biện hộ cho mình! Anh không có lý do nào nói với một người ngoại cuộc, không dính líu gì tới hồ sơ vụ án! Nếu một quan tòa ra lệnh như thế, Trịnh Xuân Thanh sẽ không mất công van xin lạy lục!
Điều kỳ lạ hơn nữa, là tại sao báo chí do đảng Cộng Sản kiểm soát và chỉ huy lại tung tất cả các chi tiết lên mà không biết rằng những lời Trịnh Xuân Thanh nói chỉ tố giác Nguyễn Phú Trọng là một tên độc tài, chuyên chế không khác gì Stalin?
Chỉ có một cách giải thích, là chính ông Nguyễn Phú Trọng muốn như vậy!
Đinh La Thăng cũng cư xử giống hệt Trịnh Xuân Thanh. Trước tòa án, ông cựu ủy viên Bộ Chính Trị đã cất lời ca ngợi tên đao phủ có thể cắt đầu mình: “Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, ‘mỗi việc đều có bối cảnh và nguyên nhân của nó.’ Do đó cần xem xét… xử lý cán bộ… không phải dập cho người ta không ngóc đầu lên được mà xử lý để người ta thấy sai. Khi tổng bí thư phát biểu ý này, bị cáo (Thăng) thấy được, cảm nhận được sự nhân văn sâu sắc của tổng bí thư (Nguyễn Phú Trọng).”
Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh không người nào tỏ ý ăn năn xin lỗi hơn 90 triệu người dân Việt Nam về tội đã làm công quỹ thất thoát. Không người nào yêu cầu tòa án xét xử công bằng và khoan dung. Cả hai dường như đều không đếm xỉa gì tới hệ thống tư pháp! Chỉ hướng về con người thực sự nắm vận mạng mình trong tay: Nguyễn Phú Trọng!
Ông tổng bí thư đang là người sung sướng nhất nước Việt Nam, khi có cơ hội làm nhục Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trước bàng dân thiên hạ! Về mặt này, Trọng đã qua mặt cả Tập Cận Bình! Trong các phiên tòa ở bên Tàu gần đây, các bị cáo như tướng Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Nghiệp, hoặc lớn hơn như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, không một người nào khóc lóc van xin, không ai khẩn cầu Tập Cận Bình tha thứ cho mình, thương hại vợ con, cha già, con dại của mình, như hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trổ tài trình diễn! Trong lịch sử các phiên tòa Cộng Sản trên thế giới, chỉ có Stalin được hưởng thú vui xa xỉ đó!
Cảnh tượng Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh van xin lạy lục còn chứa đựng một tác dụng khác. Các bị cáo này có thể đã được mớm lời khuyên hãy cúi đầu xuống càng thấp càng tốt, chịu nhục, chịu tiếng hèn, với hy vọng được xử nhẹ. Chính cha mẹ, vợ con họ có thể đóng vai truyền đạt ý tưởng đó, nhét vào đầu các bị can. Nguyễn Phú Trọng muốn như vậy, vừa để thỏa mãn ham muốn trả thù, vừa dùng hình ảnh đó chứng tỏ uy quyền tuyệt đối của mình. Trọng muốn đe dọa các tay khác trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng: Hãy coi gương Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh! Có ai muốn diễn những tấn tuồng này hay không?
Trong cơn khoan khoái, hỉ hả khi làm nhục được Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và gián tiếp tát vào mặt Nguyễn Tấn Dũng, ông tổng bí thư Cộng Sản đã quên một hậu quả của tấn tuồng tòa án ở Hà Nội. Nó chỉ chứng tỏ nước Việt Nam đang sống dưới một chế độ độc tài chuyên chế không khác gì nước Nga dưới thời Stalin.
Nhưng đầu óc của ông Nguyễn Phú Trọng không đủ chỗ chứa một mối quan tâm như vậy. Nguyễn Phú Trọng không hề cảm thấy ngượng ngùng khi các cán bộ cao cấp nhất của đảng biểu diễn bộ mặt đê hèn, ti tiện, ích kỷ. Đó chính là do “công ơn giáo dục” của đảng Cộng Sản trong 70 năm qua! Những đảng viên còn có lương tâm không luồn lọt, đê hèn, ti tiện, ích kỷ, thì không thể nào leo lên được tới địa vị cao trong đảng!
Nhưng dân Việt Nam đang có một cơ hội so sánh. Người ta sẽ thấy những nhà tranh đấu dân chủ tự do khi phải ra trước tòa có thái độ khác hẳn với các cán bộ cao cấp Cộng Sản. Những Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Điếu Cày, Người Buôn Gió, vân vân, và gần đây Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, người nào cũng ngẩng cao đầu khi đứng trước tòa án. Họ viện dẫn các luật lệ, đưa ra các chứng cớ, biện luận phải trái, để dạy cho các quan tòa Cộng Sản các thủ tục pháp lý văn minh phải như thế nào. Đồng bào ta khi đọc những lời họ nói, có thể nhận được một bài học về công lý, về những quyền bất khả xâm phạm của mọi công dân trong một xã hội bình thường.
Chế độ Cộng Sản không cho xã hội nào được sống bình thường. Người dân Việt ngày càng thấy rõ. Dân ta sẽ đòi thay đổi để được sống như loài người văn minh tiến bộ. (Ngô Nhân Dụng)

Metro Cát Linh-Hà Đông chưa xong, mỗi năm phải trả nợ Trung Quốc $28.8 triệu

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông tiếp tục chậm vì thiếu vốn. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù chưa làm xong nhưng dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã phải trả nợ cho ngân hàng Trung Quốc với số tiền trả nợ mỗi năm $28.8 triệu.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Bộ Tài Chính vừa có văn bản gửi Bộ Giao Thông Vận Tải, Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam thông báo về việc trả nợ kỳ hạn ngày 21 Tháng Giêng và phí cam kết cho khoản vay tín dụng người mua ưu đãi $250 triệu của Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc (China EximBank) cho dự án đường sắt tuyến Cát Linh-Hà Đông.
Tin cho hay, Việt Nam có chín năm để trả nợ cho China EximBank bắt đầu từ Tháng Giêng, 2016, đến 15 Tháng Mười Một, 2025. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trả nợ được hai năm. Còn bảy năm nữa để hoàn tất việc trả nợ gốc và lãi. Mỗi một năm, kỳ hạn trả nợ chia làm hai lần (vào 21 Tháng Giêng đầu năm và 21 Tháng Bảy giữa năm).
Số tiền phải trả mỗi kỳ là $14.4 triệu (tương đương với 325 tỷ đồng). Theo đó, mỗi năm Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc $28.8 triệu (khoảng 650 tỷ đồng) vốn vay để làm đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.
Tuy nhiên, số tiền trả nợ trên chỉ là trả cho vốn vay bổ sung $250 triệu. Thực tế, trước đó Việt Nam còn một khoản vay Trung Quốc làm đường sắt Cát Linh-Hà Đông là $419 triệu.
Được biết toàn tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông dài 13.05 km trên cao. Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư $552.86 triệu vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là $419 triệu, vốn đối ứng Việt Nam là $133.86 triệu.
Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là $868.04 triệu (tăng $315.18 triệu). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là $669.62 triệu, vốn đối ứng Việt Nam là $198.42 triệu. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm $250 triệu so với trước đây.
Do không đủ tiền nên dự án liên tục bị trì hoãn, chậm ba năm. Theo tiến độ của tổng thầu Trung Quốc, dự trù đầu Tháng Chín, 2018, sẽ chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu trên toàn tuyến. Sau khi vận hành thử từ ba đến sáu tháng, dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại. (Tr.N)

Chính quyền ở Ninh Thuận cắt nước để ‘thu hồi đất,’ ruộng lúa dân chết khô

Kênh Nam hồ Sông Biêu đã bị cắt nước từ sáu tháng trước. (Hình: Zing)
NINH THUẬN, Việt Nam (NV) – Để thu hồi đất bị lấn chiếm, ủy ban huyện Thuận Nam đã cho cắt nguồn nước thủy lợi, khiến hàng trăm hécta đất nông nghiệp của người dân không thể gieo trồng, nông dân phải đi lượm phân bò sống qua ngày.
Theo báo Zing, hơn 200 hécta đất nông nghiệp khu vực hạ lưu hồ thủy lợi Sông Biêu, thuộc hai xã Nhị Hà và Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, đang bỏ hoang vì bị chính quyền địa phương cắt nước.
Ông Phạm Văn Tiến (thôn Nhị Hà 1, xã Nhị Hà) cho biết gia đình có hơn 10 hécta trồng lúa tại xã Phước Hà, ngay kênh Nam của hồ Sông Biêu, giờ vẫn trơ gốc rạ khô vì không có nước để gieo trồng do khoảng sáu tháng nay kênh Nam bị cắt nước, người dân có ruộng, rẫy tại khu vực chỉ sản xuất bằng nước mưa.
“Kênh Bắc của hồ vẫn mở nước, nhưng kênh Nam lại đóng. Chúng tôi chỉ nghe xã thông báo là cắt nước để thu hồi đất của khoảng hơn chục hộ lấn chiếm. Nhưng vì một số hộ này mà cắt nước của hàng trăm hộ khác thì không công bằng,” ông bất bình nói.
Cũng như ông Tiến, hàng chục gia đình ở đây cũng đang đứng ngồi không yên vì đã vào vụ mùa mà không thể gieo sạ. Hệ thống mương thủy lợi chạy giữa những cánh đồng nhưng trong tình trạng khô cạn vì đã lâu không có nước.
Do không thể làm gì hơn, nhiều người dân phải tìm công việc khác kiếm sống qua ngày. Một số người bỏ xứ đi làm thuê, số khác hàng ngày vẫn đi lang thang trên ruộng, rẫy khô trắng của mình để lượm phân bò, mỗi bao bán được 20,000 đồng (gần $1) mưu sinh qua ngày.
Ông Tô Văn Tuấn trên mảnh ruộng khô cằn chỉ cách mương thủy lợi vài mét. (Hình: Zing)
“Chúng tôi là nông dân thì chỉ biết cầm cuốc làm ruộng rẫy, bây giờ ruộng rẫy không làm được thì hoặc bỏ xứ đi làm thuê hoặc phải đi lượm phân bò kiếm sống qua ngày,” ông Tô Văn Tuấn, người dân Phước Hà, ngồi giữa bốn sào ruộng khô nứt nẻ, nói.
Cũng theo những người dân, mặc dù cắt nước, không cho sản xuất nhưng chính quyền “không có chính sách hỗ trợ gì.”
Bà Võ Kim Sơn, chủ tịch xã Nhị Hà, xác nhận với báo Zing: “Có việc cắt nước tại kênh Nam hồ Sông Biêu theo chỉ đạo của huyện để thu hồi đất tranh chấp, đất bỏ hoang, đất rừng bị lấn chiếm theo kết luận thanh tra toàn diện tình hình quản lý, sử dụng đất tại khu vực hồ Sông Biêu của tỉnh. Sau đó, đất thu hồi sẽ giao lại cho những hộ dân không có đất sản xuất.”
Còn ông Trần Quốc Hoàn, trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Thuận Nam, cho biết kênh Nam của hồ Sông Biêu cung cấp nước cho khoảng hơn 400 hécta đất nông nghiệp. Khoảng 200 hécta của người dân có giấy tờ hợp pháp, còn lại đất đang xem xét thu hồi. Vì vậy, lãnh đạo huyện chỉ đạo miệng cắt nước trong một cuộc họp.
“Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do hồ Sông Biêu thiếu nước, việc cắt nước để thu hồi đất chỉ là phụ. Đúng ra khu vực đó chưa cắt nước năm nay, nhưng do có việc thu hồi đất nên huyện ủy, ủy ban yêu cầu cắt,” ông Hoàn giải thích.
Tuy nhiên, trái với lời ông Hoàn, một cán bộ trạm Thủy Nông huyện Thuận Nam lại cho biết, hiện hồ Sông Biêu đã tích đủ nước. Vị cán bộ này cũng cho hay, khu vực bị cắt nước này không nằm trong diện cắt luân phiên do thiếu nước, mà do lãnh đạo huyện chỉ đạo mới cắt.
“Khu vực đó thuộc thượng nguồn, nên chỉ có thể cắt toàn bộ kênh chứ không thể cắt luân phiên. Chúng tôi đang chờ huyện chỉ đạo để mở nước cho dân sản xuất,” người này cho hay.
Trong khi đó, ông Lê Huyền, chủ tịch huyện Thuận Nam, cho biết khu vực mà người dân phản ánh không được cấp nước để thu hồi đất.
“Xã Nhị Hà có phản ánh tình trạng thiếu nước của người dân, tuy nhiên xã lại không chắc được việc nếu mở nước sẽ bảo đảm việc thu hồi đất. Huyện không có chương trình hỗ trợ cho người dân bị cắt nước tại khu vực trên,” ông Huyền nói. (Tr.N)