Saturday, November 14, 2015

Dân làng đá Non Nước 'kêu trời' vì bị cấm đường

ĐÀ NẴNG (NV) - Hàng trăm hộ dân làm nghề chế tác mỹ nghệ ở khu làng đá Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, đang “kêu trời” vì biển cấm xe tải không cho ra vào các tuyến đường khu vực làng đá.

Biển cấm xe tải hơn 1.5 tấn lưu thông trên đường Mai Đăng Chơn.
(Hình: Tuổi Trẻ)

Tin Tuổi Trẻ ngày 13 Tháng Mười Một cho biết, theo các hộ dân, đường Mai Đăng Chơn, con đường duy nhất dẫn vào khu làng đá, hơn một tháng nay xuất hiện biển cấm xe tải trên 1.5 tấn, khiến các hộ kinh doanh bế tắc trong việc vận chuyển nguyên vật liệu cũng như các mẫu tượng thành phẩm.

Ông Huỳnh Mai Hùng (48 tuổi), chủ cơ sở chế tác Mai Hùng, cho biết, đá nguyên liệu làm nghề thông thường chở theo số lượng lớn từ các tỉnh phía Bắc về. Mỗi chuyến xe nhẹ nhất cũng 20-30 tấn, nên việc cấm xe trên 1.5 tấn đi vô đường Mai Đăng Chơn coi như bịt luôn lối ra vào làng nghề.

“Một tháng qua, tôi chưa nhập hàng về nhưng cũng xuất vài mẫu tượng đi, mẫu nhẹ nhất đã hơn 2 tấn, phải đi chui chứ,” ông Hùng nói.

Nhiều người dân phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, cũng tỏ ra bất bình với lệnh cấm xe tải trên đường Mai Đăng Chơn. Họ cho rằng, đường này thiết kế rộng hơn 15 mét, không lẽ không chịu nổi tải trọng 1.5 tấn?

Trong khi đó, cả phường Hòa Quý đang trong quá trình xây dựng sau khi bị giải tỏa trắng, giờ cấm xe vào tuyến huyết mạch thì người dân không biết làm thế nào chở nguyên vật liệu vào xây dựng.

Theo ông Nguyễn Nho Trung, phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng, nguyên nhân có việc cấm xe tải trên đường này là do vừa qua, sau khi rà soát tình trạng an toàn giao thông nội thị, ủy ban thành phố tiến hành cấm xe tải ở một số tuyến đường, trong đó có đường Mai Đăng Chơn.

Trước phản ứng ngày càng dữ dội của người dân, ông Huỳnh Cự, phó chủ tịch quận Ngũ Hành Sơn, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, cho biết, quận đã có văn bản gởi Sở Giao Thông Vận Tải Đà Nẵng, kiến nghị gỡ khó cho người dân bằng cách hủy bỏ biển cấm xe tải trên đường Mai Đăng Chơn, và nâng tải trọng ở các trục đường chính. Tuy nhiên, hiện sở giao thông mới đang tập hợp thông tin để tham mưu thành phố xử lý. (Tr.N)
 Saturday, November 14, 2015 1:22:08 PM 

Việt Nam: Chính quyền chỉ biết đòi chứ không muốn trả

HÀ NỘI (NV) - Sẽ có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa nếu chính quyền Việt Nam chậm hoàn thuế. Hoàn thuế là trả lại khoản thuế mà chính quyền đã thu trước, cao hơn số thuế mà doanh nghiệp phải nộp.

Chế biến hạt điều xuất cảng. Nhiều công ty, không ít là những công ty chuyên
xuất cảng tại Việt Nam, đang bị vắt cho kiệt sức. (Hình: Tuổi Trẻ)

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế và cũng là lời kêu cứu của nhiều doanh nhân.

Vì ngân sách thất thu, liên tục bội chi theo hướng năm sau cao hơn năm trước, chính quyền Việt Nam đang sử dụng nhiều biện pháp để ép các doanh nghiệp phải nộp thuế đúng hạn. Nộp trễ vừa bị phạt, vừa phải trả lại, chưa kể còn bị nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngược lại, sau khi doanh nghiệp hoàn tất thủ tục về thuế, chính quyền Việt Nam lừng chừng, không chịu hoàn lại khoản thuế đã thu dư. Theo tờ Tuổi Trẻ, riêng tại Sài Gòn, có 400 doanh nghiệp đang bị thiếu tiền hoàn thuế. Cục Thuế Sài Gòn tuyên bố sẽ chia các doanh nghiệp đang bị thiếu tiền hoàn thuế thành nhiều nhóm và sẽ hoàn thuế theo đợt. Đợt đầu tiên chỉ có 184 doanh nghiệp và chưa biết đến bao giờ những doanh nghiệp trong đợt này mới được nhận tiền hoàn thuế.

Đáng lưu ý là Bộ Tài Chính Việt Nam đã ban hành một số công văn, yêu cầu các cơ quan thuế “áp dụng các biện pháp nghiệp vụ” kiểm tra chặt chẽ những hồ sơ xin hoàn thuế và việc hoàn thuế chỉ được thực hiện trong phạm vi dự toán (khoản ngân sách đã được phân bổ cho chuyện này). Nếu nằm ngoài dự toán (không còn tiền) thì thông báo cho doanh nghiệp... biết!

Theo tờ Tuổi Trẻ, những công văn này đang khiến cho cục thuế của các địa phương thi nhau dựng lên “hàng loạt hàng rào kỹ thuật” nhằm kéo dài thời gian hoàn thuế.

Chẳng hạn, trước đây, nếu số thuế VAT của doanh nghiệp bị âm liên tục (đã trả dư tiền thuế) trong ba tháng thì họ sẽ được hoàn thuế. Bây giờ, thời gian số thuế VAT của doanh nghiệp bị âm phải liên tục trong... 12 tháng.
Do tính chất hoạt động, nhiều doanh nghiệp trước đây nằm trong diện “hoàn trước, kiểm tra sau” nay bị chuyển sang diện “kiểm tra trước, hoàn thuế sau.” Thủ tục hoàn thuế nay được nhận định là nhiêu khê hơn trước để kéo dài thời gian phải trả lại tiền cho doanh nghiệp.

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, thực tế như vừa kể đang đẩy nhiều doanh nghiệp đến chỗ chỉ hoạt động cầm chừng vì khoản tiền thuế mà chính quyền phải hoàn nhưng không chịu trả quá lớn, thành ra họ thiếu vốn. Trong số này có không ít doanh nghiệp xuất cảng. Những doanh nghiệp chuyên gia công hàng xuất cảng đang đứng trước tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, không ký hợp đồng thì công nhân không có việc, khó có thể duy trì hoạt động bình thường. Còn ký hợp đồng thì bị chính quyền Việt Nam chiếm dụng tiền hoàn thuế. Hợp đồng có giá trị càng lớn thì số vốn bị chiếm dụng càng lớn. Đã thế, lại không biết tới lúc nào mới được trả lại.

Ai cũng biết “khoan” với doanh nghiệp là nuôi dưỡng và duy trì nguồn thu cho ngân sách. Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam đang làm ngược lại. Không chỉ chây ì đối với việc hoàn thuế, chính phủ Việt Nam đang đề nghị Quốc Hội tăng nhiều loại thuế. (G.Đ.)

11-14- 2015 1:35:27 PM

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải 'mua' sự tử tế từ hải quan

HÀ NỘI (NV) - Kết quả khảo sát về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan cho thấy, vẫn còn 28% doanh nghiệp chi tiền cho nhân viên hải quan để mua thái độ và lối hành xử tử tế từ lực lượng này.
 
Đồ họa ghi các số liệu từ kết quả khảo sát về cải cách thủ tục hành chính
trong lĩnh vực hải quan do VCCI thực hiện. (Hình: Tuổi Trẻ)

Cuộc khảo sát vừa kể do Phòng Thương Mại - Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) và cùng cơ quan Phát Triển Quốc Tế của Hoa Kỳ (USAID) cùng thực hiện và công bố. Tỉ lệ vừa kể chắc chắn là chưa chính xác vì vẫn còn tới 37% doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát từ chối trả lời về việc họ có chi tiền cho nhân viên hải quan hay không.
Theo kết quả cuộc khảo sát, sở dĩ giới doanh nghiệp chủ động chi tiền cho nhân viên hải quan vì nếu không, họ sẽ bị “phân biệt đối xử,” bị đòi phải “bổ sung” nhiều thứ giấy tờ, phải thực hiện thêm nhiều thủ tục và thời gian hoàn thành các thủ tục liên quan đến hải quan sẽ rất dài!

Kết quả cuộc khảo sát còn cho thấy, tiền mua sự tử tế (mà VCCI gọi là “chi phí không chính thức”) sẽ rất cao nếu các doanh nghiệp phải liên lạc với nhân viên của các cục hải quan ở những tỉnh, thành phố lớn.
Nếu không xét tổng thể mà xét theo khu vực thì có đến 53.35% doanh nghiệp ở Sài Gòn phải chi tiền cho nhân viên của Cục Hải Quan Sài Gòn.

Tuy chính quyền Việt Nam tiến hành “cải cách hành chính” cách nay hai thập niên, nhưng đến giờ, vẫn có 30% doanh nghiệp than rằng, sáu nhóm thủ tục của hải quan như: Thông quan, xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại - tố cáo, đều rất khó tự hoàn tất để được hoàn thuế, miễn thuế.

Cục Hải Quan Kiên Giang dẫn đầu về chuyện gây khó khăn đối với thủ tục hoàn thuế (50% doanh nghiệp tham gia khảo sát xác nhận điều này). Cục Hải Quan Quảng Ngãi dẫn đầu về chuyện gây khó khăn đối với thủ tục miễn thuế (35% doanh nghiệp tham gia khảo sát xác nhận điều này).

Chưa kể, theo kết quả khảo sát, có tới 73% doanh nghiệp cho biết họ bị hành hạ vì có quá nhiều mẫu phải khai báo khi thực hiện thủ tục thông quan và những mẫu này thường xuyên thay đổi.

Chuyện nhân viên hải quan không hướng dẫn đầy đủ, tận tình, đòi phải cung cấp thêm thông tin và các loại giấy tờ nằm ngoài quy định vẫn phổ biến.

Giới doanh nghiệp tố thêm rằng ngoài hải quan, Bộ Tài Chính Việt Nam (quản lý hải quan) cũng tham gia gây khó cho họ khi ban hành quá nhiều “thông tư” hướng dẫn về thủ tục. Không ít “thông tư” vừa ban hành xong là bị một “thông tư” khác hủy bỏ. Thay vì cải cách hành chính là đơn gỉan hóa, các “thông tư” này bày ra thêm nhiều chuyện, chẳng hạn “kiểm tra sau thông quan”: Kiểm tra lại những tờ khai mà nhân viên hải quan đã kiểm tra xong trên thực tế.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài Chính Việt Nam, thừa nhận kết quả cuộc khảo sát vừa kể “phản ánh tương đối đúng tình hình ngành hải quan hiện nay.” Giống như những lần trước, viên ông Tuấn “động viên” doanh nghiệp cố gắng nhẫn nại vì luật thuế xuất nhập cảng mới sắp có hiệu lực và nó sẽ giúp giảm phiền nhiễu. (G.Đ.)

11-14- 2015 1:17:00 PM 

Ước mơ dân chủ

Theo Người Việt-11-14-2015 2:13:07 PM 
Lê Phan
Ở một phòng bỏ phiếu trong một cửa tiệm bỏ trống, trông ra đường phố ở ngay trung tâm của thành phố lớn nhất Miến Điện, thành phố Yangon, người ta đang kiểm phiếu trong cuộc bầu cử thực sự đầu tiên từ năm 1990. Nhân viên kiểm phiếu lượm một lá phiếu màu vàng, giơ ra cho các quan sát viên xem. Bà cho thấy là nó đã được đánh vào chỗ có dấu hiệu của một đảng, con chim công đang đá của đảng Nghị Hội Quốc Gia vì Dân chủ (National League for Democracy-NLD), đảng đối lập chính.

Lá phiếu được bỏ vào một cái rổ plastic và lá phiếu được đếm trên một tấm bảng bởi một ông tay cầm cây bút felt-tip. Ông ta vẽ một cạnh của một hình vuông. Với thêm phiếu được kiểm, ông thêm các cạnh khác và một gạch chéo để chỉ 5 lá phiếu trước khi đi sang một cái hộp mới. Đến cuối tấm bảng của ông đảng NLD có 62 hộp và đảng cầm quyền Liên Minh Đoàn Kết và Phát Triển (Union for Solidarity and Development -USDP) được sáu hộp.

Quang cảnh này làm tôi nhớ lại một cuộc bầu cử khác hồi năm 1998 ở Cambodia. Hồi đó, là một trong số vài trăm phóng viên ngoại quốc đổ về thủ đô Phnom Penh của Cambodia để chứng kiến cuộc bầu cử cuối cùng dưới sự bảo trợ của Cơ Quan Hành Chánh chuyển tiếp của Liên Hiệp Quốc cho Cambodia-UNTAC.

Mặc dầu ký ức về cuộc bầu cử tự do thực sự cuối cùng hồi năm 1991 đã bắt đầu phai nhạt, người dân Cambodia, một lần nữa có một hy vọng mong manh tìm được một chính quyền dân chủ, đã hăng say đi bỏ phiếu. Từ 5 giờ sáng, tôi đã theo chân một phái đoàn quan sát của Úc do một thượng nghị sĩ cầm đầu tìm đến một trường học nơi có phòng bỏ phiếu. Chúng tôi đến nơi thì dân chúng đã sắp hàng chực sẵn không biết tự bao giờ. Đến 7 giờ sáng, phòng phiếu mở cửa, dân chúng bình tĩnh đi vào bỏ phiếu rồi đi ra. Thấy chúng tôi mang thẻ nhà báo và thẻ quan sát viên Liên Hiệp Quốc, một số người giơ ngón tay có nhúng mực tím để khoe họ đã bỏ phiếu.

Suốt ngày hôm đó, phái đoàn Úc tận tâm đi thăm từng phòng phiếu trong khu vực mà họ chịu trách nhiệm. Ở những nơi đó cuộc bỏ phiếu xảy ra đứng đắn không có gian lận. Nhưng khi về khách sạn, tin tức bắt đầu loan truyền về gian lận bầu cử lớn ở các tỉnh. Ở nhiều nơi đảng Nhân dân Cambodia -CPP của ông Hun Sen đã công khai mua phiếu. Ở những nơi khác họ cũng công khai uy hiếp dân chúng bỏ phiếu cho đảng.

Dĩ nhiên những nơi đó không có quan sát viên ngoại quốc. Ngay trong thủ đô Phnom Penh, khi tôi bỏ không theo phái đoàn Úc, đi đến một địa điểm bầu phiếu khác không có sự hiện diện của các quan sát viên quốc tế, tình hình khác hẳn. Khi tôi tìm đến một địa điểm như vậy, một thanh niên Cambodia, thấy thẻ nhà báo của chúng tôi, đã giắt tay tôi và ra dấu bảo theo anh. Cảnh một người của đảng CPP ngang nhiên đổ một đống phiếu mang màu của đảng vào thùng phiếu thật khó tin nhưng có thật. Anh bạn trẻ Cambodia hỏi tôi “Quan sát viên Liên Hiệp Quốc đâu rồi? Tại sao họ không có mặt ở đây?” Tôi không biết trả lời cho anh như thế nào bởi tôi biết là các quan sát viên cũng đang bị rơi vào hiện tượng thấm mệt. Một số sinh viên trẻ được Liên Hiệp Âu Châu tuyển từ các trường đại học ở Âu Châu, nào có thiết gì đến dân chủ cho một đất nước xa xôi. Họ thích ở lại khách sạn năm sao, nằm phơi nắng bên hồ bơi hơn là đi kiểm soát bỏ phiếu.

Nhưng phải nói tôi thán phục sự ao ước dân chủ của người dân Cambodia. Xin nhắc lại cuộc bầu cử này xảy ra sau cuộc bầu cử năm 1991 khi đảng bảo hoàng FUNCINPEC của Hoàng Tử Ranariddh thắng cử nhưng ông Hun Sen, vốn đã cởi áo Khmer Đỏ sau khi được Việt Nam đưa về cầm quyền, nhất định không chịu thua. Ông Hun Sen đe dọa sử dụng vũ lực nếu bị tước đoạt chính quyền dầu ông thất cử. Sau cùng, UNTAC, trong một cố gắng hòa giải, với sự đốc thúc của Vua Sihanouk, đã đưa ra giải pháp chính phủ liên hiệp với hai đồng thủ tướng.

Ngay cả lúc đó cũng không ai tin là giải pháp tạm bợ chính phủ hai đầu đó có thể thành công. Chả mấy lâu sau, tình hình bắt đầu suy thoái. Ông Hun Sen từ chối không chịu chia quyền cho Hoàng Tử Ranariddh. Những thỏa thuận như chia một nửa số chức vụ địa phương cho FUNCIPEC đã bị ông Hun Sen lờ đi. Tình hình càng ngày càng rối loạn. Trong tình hình rối ren đó, ông Hun Sen thừa nước đục thả câu. Vào cuối tuần 5 và 6 tháng 7 năm 1997, ông Hun Sen đảo chánh lật đổ chính quyền, phá tan lực lượng an ninh của FUNCINPEC, thủ tiêu những thành viên quan trọng nhất là những chỉ huy quân sự của phe Bảo Hoàng và sau cùng khiến Hoàng Tử Ranaridhh phải đi lưu vong.

Thế nhưng, sau khi cộng đồng quốc tế lần đầu tiên đoàn kết chống lại ông Hun Sen, tư cách hội viên Liên Hiệp Quốc của Cambodia bị ngưng, đơn xin gia nhập Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á của Cambodia không được cứu xét, và nhất là viện trợ bị siết chặt, ông Hun Sen đồng ý cho tổ chức cuộc bầu cử vào năm 1998.

Và một lần nữa người dân Cambodia hy vọng. Lần này, ngoài FUNCINPEC VÀ CPP còn có đảng của ông Sam Rainsy. Cuộc vận động tranh cử đã lôi cuốn được đông đảo dân chúng. Những cuộc meeting của FUNCINPEC và đảng Sam Rainsy được dân chúng hưởng ứng nồng nhiệt.

Cuộc bầu cử vào ngày 26 tháng 7 năm 1998 đã trở thành một ngày mà một lần nữa nhân dân Khmer cương quyết chứng tỏ là họ muốn dân chủ. Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia NEC tuyên bố là 93.74% cử tri đi bầu. Con số này cho thấy, mặc dầu bị đe dọa và mặc dầu những vấn đề trước ngày bầu cử, cử tri đã cương quyết để tiếng nói của mình được xác định.
Nhưng cả cộng đồng quốc tế lẫn nhân dân Cambodia đã bị mắc lừa. Cơ quan bầu cử NEC, dưới sự điều khiển của ông Hun Sen đã đổi công thức đếm phiếu với kết quả là đảng CPP có 64 ghế so với FUNCINPEC có 43 ghế và Sam Rainsy 15 ghế. Theo công thức được thỏa thuận trước bầu cử thì CPP chỉ có 59 ghế, 44 ghế cho FUNCINPEC và 18 ghế cho Sam Rainsy, tức là phải có chính phủ liên hiệp.

Với cộng đồng quốc tế qua tuyên bố của ông Sven Linder, chỉ 32 giờ sau cuộc bầu cử, công nhận “cuộc bầu cử là tự do và công bằng,” những nhà báo quốc tế, chứng kiến sự gian lận và thủ đoạn của ông Hun Sen tức giận nhưng không làm gì được, ông Hun Sen đã lên nắm quyền và từ đó Cambodia không còn có một hy vọng nào có bầu cử tự do và dân chủ nữa.

Nhưng không phải dân tộc nào cũng xấu số như dân tộc Khmer. Ở Indonesia, sau khi chính quyền độc tài quân phiệt của ông Suharto bị lật đổ, tình hình vô cùng rối ren, nhất là sau khi chính phủ chuyển tiếp của ông Habibie bị bất tín nhiệm. Cuộc bầu cử tháng 6 năm 1999 đảng của bà Megawati PDI-P đạt đa số nhưng các đảng khác họp nhau lại chống bà và đưa ông Abdurahman Wahid lên làm tổng thống.

Tình hình đã rối loạn còn ồn ào hơn nữa, ủng hộ viên của bà Megawati xuống đường đòi bà phải được trao quyền, trong khi quân đội vẫn còn có tham vọng nắm quyền. Trong tình trạng đó, ông Wahid, một lãnh tụ của một tổ chức quần chung Hồi giáo lớn nhất nước, đã dùng sự khôn khéo của mình, điều đình để cho bà Megawati trở thành phó tổng thống. Sau đó ông thuyết phục bà Megawati, vốn lúc đó đã muốn bỏ cuộc, ra ứng cử phó tổng thống và bà đã thắng đối thủ là ông Hamzah Haz của đảng PPP.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy cái lối kiểm phiếu tay thô sơ như ở Miến Điện. Cuộc bầu cử ở viện MPR cũng hết sức căng thẳng. Mỗi lá phiếu được loan báo công khai khiến mọi người hồi hộp. Ai cũng biết là nếu bà Megawati không thắng thì sẽ lại có loạn. Nhưng sự thu xếp của ông Wahid ổn thỏa và một chính quyền dân chủ ở một mức độ nào đó ra đời trước sự nghi ngờ của toàn thế giới. Báo chí ngoại quốc tiên đoán là Indonesia, không còn sự chế ngự của một chế độ độc tài, sẽ tan rã thành nhiều mảnh.

Nhưng họ đã không hiểu ao ước dân chủ của người dân Indonesia. Và họ cũng không hiểu sự khôn ngoan của ông Wahid. Tuy chỉ cầm quyền được có từ năm 1999 đến 2001 và sau cùng bị Quốc Hội cách chức nhưng trong giai đoạn ngắn ngủi đó ông đã bắt đầu được tiến trình đưa Indonesia ra khỏi chế độ cũ. Ông bắt đầu để điều đình với Mặt Trận Aceh Tự Do và tiến tới việc giải quyết cuộc nổi dậy ở Aceh. Ông cũng mở cửa cho người gốc Hoa ở Indonesia được những quyền như người Malay. Và hơn hết, như ông Greg Barton đã gọi, ông là một nhà dân chủ Hồi Giáo. Sau ông, Tổng Thống Susilo Bambang Yudhoyono, một ông tướng cởi áo lên cầm quyền trong cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên, và từ đó nền dân chủ Indonesia bắt rễ.

Miến Điện cũng là một quốc gia khác nữa mà ao ước dân chủ tuy bị chà đạp trong hơn nửa thế kỷ cầm quyền của chính quyền quân phiệt vẫn không bao giờ biến mất. Tôi còn nhớ hồi năm 1997 khi tôi đến Miến Điện, con đường đi từ phi trường về trung tâm thành phố Yangon, lúc đó là thủ đô, đi qua các trường đại học đóng cửa im ỉm, cây cỏ rêu phong. Con đường đi vào nhà bà Suu Kyi bị quân đội kéo rào kẽm gai phong tỏa, bên ngoài hai cái xe tăng đứng canh.

Ấy vậy mà anh bạn sinh viên trẻ mà tôi được giới thiệu vẫn còn đủ bình tĩnh để nói đùa “Mấy ông tướng sợ một người đàn bà không một tấc sắt trong tay hơn là sợ tất cả các đạo quân khác.” Anh ta cũng buồn rầu bảo tôi là “thế hệ chúng tôi chắc là thất học mất vì họ (các ông tướng) cứ động một cái là đóng cửa viện đại học.”
Rồi sau đó, cuộc cách mạng áo vàng thất bại, những người thương Miến Điện nhất cũng phải lắc đầu nghĩ là không thể bao giờ có dân chủ ở đất nước đó. Nhưng những thanh niên như anh bạn trẻ tôi gặp cũng như lãnh tụ tinh thần của họ, bà Aung San Suu Kyi, không chịu từ bỏ ước mơ dân chủ.

Và rồi “phép lạ” xảy ra. Các ông tướng, bị Trung Cộng chèn ép quá, đã viết ra một bản hiến pháp để bảo đảm là họ không thể bị đẩy ra khỏi vị thế quyền lực, rồi mở cửa. Cuộc bầu cử năm năm trước là một trò hề, nhưng nó đã giúp đưa ông Thein Sein lên làm tổng thống, đại diện cho nhóm chủ trương cởi mở trong quân đội. Ông Thein Sein thả tù chính trị, trả tự do cho bà Suu Kyi, và rồi trong một cuộc bầu bổ túc, bà Suu Kyi trở thành dân biểu. Rồi cuộc bầu cử hôm chủ nhật 8 tháng 11. Tương lai sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng có vẻ như dân tộc Miến đã có được một hy vọng. Và hy vọng đó chính là nhờ họ hiểu là dân chủ không phải là một phép lạ mà là một cố gắng phi thường.


Mỹ gia tăng tuần tiễu tại các thành phố sau vụ tấn công ở Paris

LOS ANGELES, California (NV) - Giới hữu trách ở các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ đã ra lệnh tăng cường các cuộc tuần tiễu sau vụ tấn công của khủng bố tại Paris hôm Thứ Sáu. Tuy nhiên, các Sở Cảnh Sát Mỹ cho hay hiện chưa thấy có mối đe dọa gì đáng kể.Bản tin của tờ Washington Post loan tải hôm Thứ Bảy cho hay ông Jeh Johnson, bộ trưởng Bộ Nội An, khẳng định rằng ngay lúc này cơ quan an ninh không thấy có tin tức gì là sẽ xảy ra cuộc tấn công tương tự như ở Paris.

Cảnh sát canh gác tại quảng trường Time Square, New York.
(Hình: AP Photo/Mary Altaffer)

Phát ngôn viên Sở Cảnh Sát thành phố New York tối hôm Thứ Sáu cho biết việc có thêm các nhân viên cảnh sát bố trí quanh những khu vực đông người tại đây là vì “sự cẩn thận đề phòng.”

“Tối nay chúng ta sẽ thấy có thêm các cảnh sát viên New York xuất hiện tại một số địa điểm chính yếu quanh thành phố, trước các cơ quan của chính phủ Pháp ở đây cũng như tòa lãnh sự Pháp,” theo lời Thị Trưởng Bill de Blasio khi trả lời câu hỏi của đài NY1. “Chúng ta học được kinh nghiệm đau đớn là phải tự bảo vệ mình. Người dân New York hiểu rõ điều này và đó là lý do tại sao chúng ta phải sẵn sàng.”

Tại Washington, DC, giới hữu trách nói rằng Thị Trưởng Muriel Bowser đã được báo cáo tình hình an ninh trong thành phố và dù rằng không có thấy mối đe dọa nào vào thời điểm này, cảnh sát đã tăng cường hiện diện ở những nơi do có cơ sở Pháp.

Bản tin của tờ Washington Post cho biết là tại Florida, trung tâm điều hợp an ninh đang theo dõi rất sát tình hình an ninh.

Sở Cảnh Sát Miami-Dade nói rằng các nhân viên của họ được đặt trong tình trạng báo động.
Trong khi đó, Sở Cảnh Sát Los Angeles nói rằng đã mở thêm các cuộc tuần tiễu ở các vị trí quan trọng và theo dõi tình hình.

Các cơ quan cảnh sát ở Chicago và Boston cũng cho hay đang theo dõi tình hình và đặt lực lượng cảnh sát trong tình trạng sẵn sàng đối phó với mọi tình huống dù rằng hiện không thấy có mối đe dọa rõ ràng nào. (V.Giang)

11-14- 2015 3:04:57 PM 

Trung Cộng hủy diệt sinh thái tại biển Đông

Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) -  Xây lấp đảo nhân tạo tại biển Đông của Trung Cộng đang đe dọa nặng nề đến an toàn sinh thái tại nơi này.

Kể từ cuối năm 2013, Trung Cộng đã mở rộng diện tích các đảo san hô tại khu vực biển Trường Sa với tổng số diện tích được mở rộng xấp xỉ khoảng 1200 hecta. Cát đá từ dưới lòng biển được các máy bơm cực mạnh hút liên tục không ngừng nghĩ để phun lên trên phủ lấp các ghềnh đá có sẳn tại Trường Sa tạo ra các đảo cát nhân tạo với hình thù theo ý muốn.

Theo nhận định của nhiều nhà hải dương học lừng danh như Greg Mitchell, giáo sư hải dương học thuộc Institution of Oceanography ở La Jolla, California hay John McManus của đại học Florida ở Hoa Kỳ, hành động ngu xuẩn này của Trung Công làm toàn bộ sinh vật cực quí cực hiếm nằm sâu trong lòng biển mà chỉ có ở tại vùng biển Trường Sa hoàn toàn bị tiêu diệt. Hàng loạt các sinh vật lạ trên bề mặt của lòng biển bị hủy diệt không có cơ hội phục hồi, đó là chưa kể hệ thống sinh thái san hô quí hiếm, đá ngầm vốn là nguồn thức ăn giúp ích cho nhiều loài cá bị phá nát hoàn toàn.

Riêng John McManus, ông đã phải thốt lên rằng: "Đây là một sự kiện quá thê thảm xảy ra cho hệ thống sinh thái san hô trong thời đại chúng ta." Bộ Ngoại Giao Phi luật Tân thừa nhận một khoảng diện tích sinh thái san hô lên đến 300 mẫu Anh bị hủy diệt trong một thời gian rất ngắn gần đây. 

Vùng biển Trường Sa rộng khoảng 390 ngàn cây số vuông, với hơn 300 loài thủy sản khác nhau mà trong đó có trên 66 loài thủy sản hàng năm đem về lợi nhuận cho nghề đánh cá trên cả trăm triệu Mỹ kim mỗi năm. Bình quân, cứ mỗi một cây số vuông tại vùng này cung cấp khoảng 7 tấn cá cho nhu cầu tiêu thụ hải sản toàn vùng Đông Nam Á và cho cả thế giới. Hành động ngu xuẩn của Trung Cộng khi tiến hành cho xây đảo nhân tạo làm suy sụp sinh thái hải dương nghiêm trọng khiến nguồn cá ở vùng này bị suy kiệt nghiêm trọng là một điều tất yếu phải xảy ra. 

Tạm thời chưa đủ thời gian và điều kiện để nghiên cứu mức độ tàn phá môi trường của việc Trung Cộng cho xây dung đảo nhân tạo vì nơi này đang căng thẳng với những hoạt động quân sự khiến mọi nỗ lực thám hiểm lòng biển Trường sa để nghiên cứu sự tàn phá môi sinh không thể thực hiện được.

Điều này chỉ khiến giới hải dương học trên thế giới càng thêm lo lắng. Biến đổi khí hậu và môi trường đã và đang làm cho vùng biển này bị xáo trộn và tàn phá, dẫn đến nhiều loài hải sản đã bị tuyệt chủng. Nay, Trung Cộng lại tăng tốc phá hủy sinh thái hải dương của vùng này nhanh hơn cả trăm lần trong một thời gian ngắn chỉ khiến toàn bộ sinh thái vùng biển này không còn hy vọng có thể phục hồi được nữa.

Giới hải dương học khắp nơi trên thế giới hiện đang tố cáo mạnh mẽ Trung Cộng vị phạm công ước thế giới về an toàn sinh thái gọi tắt là CBD tức Convention on Biological Diversity, cũng như công ước về bảo vệ sinh vật quí hiếm gọi tắt là CITES tức Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora khi cho xúc tiến hút cát đá liên tục ngày đêm từ lòng biển để tạo mưa cát phủ lên các bải đá thành đảo nhân tạo như ý muốn.

Cho nên, giới hải dương học ủng hộ nổ lực của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ép buộc Trung cộng phải dừng ngay hành động xây đảo này. Tuy nhiên, Trung Cộng đang lờn mặt và coi áp lực cộng cộng đồng thế giới chẳng ra gì dẫn đến những hành động quân sự từ phía Hoa Kỳ trong tháng qua mà cụ thể là Hải quân Hoa Kỳ cho tàu USS Lassen tuần tra quanh khu vực này.

What done is done! Giới khoa học gia hải dương học trên thế giới nay chỉ đành thở dài với hy vọng cuối cùng là Hoa Kỳ đủ sức chấm dứt vĩnh viễn hành động tàn phá sinh thái hải dương của Trung Cộng ở biển Đông trong tương lai gần.



___________________________________

Nguồn tham khảo:

China and the Deep Blue Sea
China Land Reclamation Threatens Marine Life In South China Sea
https://www.cbd.int/doc/legal/cbd-en.pdfhttps://www.fws.gov/le/pdf/CITESTreaty.pdf
China To Finish South China Sea's Artificial Island Building Soon
http://www.valuewalk.com/2015/05/china-u-s-confront-south-china-sea/
http://news.discovery.com/earth/oceans/how-to-build-an-island-photos-140915.htm
Satellites and seafood: China keeps fishing fleet connected in disputed waters
http://www.stimson.org/images/uploads/research-pdfs/cbmapspratly.pdfhttp://www.pbs.org/newshour/updates/5-things-didnt-know-south-china-sea-conflict/
http://english.vietnamnet.vn/fms/business/122924/vietnamese-seafood-exports-off-to-a-rocky-start-for-2015.html

Họ Tập sỏ mũi Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, nhưng không đánh lừa được nhân dân VN!

Âu Dương Thệ (Danlambao) - ...Cách chào đón trịnh trọng và thái độ khúm núm trước Tập Cận Bình và để họ Tập nói nhảm nhí, phủ nhận lịch sử tại Quốc hội; trong khi ấy thẳng tay đàn áp thanh niên, trí thức VN. Hai thái độ trắng đen rõ ràng này đã tự chứng minh: Nhóm cầm đầu Hà Nội, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, đang đứng về phía nào, đứng về phía nhân dân cùng đấu tranh chống bá quyền phương Bắc, hay đang cúi đầu làm bầy tôi, chấp nhận làm thân phận con “trâu vàng” để Tập Cận Bình che chở nhằm bảo vệ ghế cao...


*

Trước quốc hội của chế độ toàn trị ở Hà Nội ngày 6.11 trong một diễn văn dài 20 phút Tập Cận Bình đã giảng dạy cho những người cầm đầu CSVN thế nào là chủ trương và cách thực hiện chính sách “4 tốt” của Bắc Kinh và nhắc nhở phải tin vào “lòng tốt” của Bắc Kinh: “Tín giả, giao hữu chi bản” (lòng tin là cái căn bản để xây dựng tình bạn) (1). 500 đại biểu Quốc hội còn phải vảnh tai nghe họ Tập xuyên tạc lịch sử rằng, người Hán không có cái “Gen” xâm lấn các dân tộc khác! Vì thế ông ta không một lần nhắc đến tranh chấp biển Đông, trong đó từ đầu thập niên 70 của thế kỉ trước đã dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng sa của VN và sau đó chiếm nhiều đảo khác của VN và một số nước Đông Nam Á trên quần đảo Trường Sa. Các tầu thuyền của ngư dân VN đánh cá trên vùng biển này đã bị hải quân Trung quốc bắn phá và giết hại. Hiện nay Bắc Kinh còn đang mở rộng, lập phi trường quân sự biến thành các pháo đài uy hiếp an ninh của VN và Đông Nam Á, đồng thời đe dọa an ninh đường hàng hải quốc tế quan trọng bậc nhất. Chuyện này không chỉ nhân dân VN cực kì bất bình, nhiều nước Đông Nam Á lo ngại. Ngay cả Hoa Kì, Nhật và EU cũng đều lên tiếng phản đối và đang có những biện pháp thích ứng để ngăn chặn chính sách bành trướng của Bắc Kinh.

Nhưng lời khuyên những người cầm đầu chế độ toàn trị VN phải tin vào tình bạn của Bắc Kinh còn nóng hổi thì ngay hôm sau (7.11) khi vừa từ VN sang Singapore Tập Cận Bình đã tuyên bố công khai: “Hãy để tôi nói rõ: những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung quốc kể từ thời xa xưa”. Họ Tập còn đe dọa “Chính quyền Trung quốc có nhiệm vụ phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chính đáng của Trung quốc.” 

Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng có thực không biết lòng dạ đen tối của họ Tập, hay vì lí do gì họ đã trịnh trọng mời Tập Cận bình sang vào đúng dịp trước thềm Đại hội 12 của ĐCSVN? Dụng tâm thực sự của Tập Cận Bình trong chuyến thăm hai ngày ở Hà Nội là gì? Từ ngữ “Đại cục” Tập Cận Bình nhắc nhở “Tứ trụ” ở Hà Nội có hàm ý gì?

“Đại cục” là phải trung thành với Bắc Kinh!

Có thể nói chưa lần nào những người cầm đầu Bắc Kinh đã nói đến nhiều lần tới các phương châm “16 chữ vàng”, “4 tốt” và “Đại cục” như Tập Cận Bình trong hai ngày ở Hà Nội. Mặc dầu các tiêu chí này cực kì nhảm nhí, ngớ ngẩn và đã bị chính những hành động xâm lấn trên biển và giết hại ngư dân VN của Bắc Kinh chứng minh là hoàn toàn giả dối và xảo quyệt! Trong các dịp hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng họ Tập đều nhấn mạnh các tiêu chí này và được ba ông Trọng, Dũng, Hùng lập lại vanh vách và ngoan ngoãn! Đặc biệt là trong diễn văn trên trên 3.500 chữ phát biểu trên 20 phút tại “Hội trường Diên hồng” họ Tập đã giảng giải mục tiêu, nội dung và ý nghĩa của “4 Tốt” mà nhóm cầm đầu Bắc Kinh đang thúc đẩy Hà Nội phải tuân thủ! Trong quan hệ “4 tốt” họ Tập không phải tình cờ mà là có chủ ý đã ưu tiên đặt quan hệ “đồng chí tốt” giữa hai ĐCS VN và Trung quốc lên hàng đầu và khuyên các đồng chí Hà Nội phải tiếp tục giữ vững quĩ đạo XHCN:

Thứ nhất, Trung Quốc Việt Nam cần là đồng chí tốt có thể tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau... Chế độ chính trị của hai nước tương đồng, lí tưởng và niềm tin giống nhau, có chung lợi ích chiến lược. Trung Quốc, Việt Nam kiên trì với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, kiên trì đi theo con đường Chủ nghĩa xã hội... Trên con đường đã bước đi này, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Đi theo con đường này về phía trước, chúng ta nhất định sẽ đạt được những thành quả huy hoàng, những tương lai phát triển rực rỡ hơn.”(2)

Sau khi dùng lời ngon ngọt khuyên các “đồng chí” vẫn chưa yên tâm, họ Tập còn lên giọng răn đe các đồng chí phương Nam phải trung thành với Bắc Kinh, đừng có tự diễn biến hay dao động bỏ Bắc Kinh và chạy theo các thế lực khác:

Thực tiễn đã nói cho chúng ta, phương hướng quyết định con đường đi về phía trước, đường đi quyết định vận mệnh. Trên vấn đề quan trọng kiên trì đi trên con đường mà nhân dân hai nước chúng ta đã lựa chọn. Hai đảng, nhân dân hai nước chúng ta cần phải có lòng tin kiên định, hỗ trợ lẫn nhau, cùng dắt tay nhau đi về phía trước, kiên quyết không được để bất kì kẻ nào phá vỡ bước đi của chúng ta, kiên quyết không được để bất kì thế lực nào dao động, thay đổi bức tường bảo vệ chế độ của chúng ta.”(2) 

Lời răn đe trên là muốn cảnh cáo Hà Nội sau các chuyến thăm Hoa kì gần đây của Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng. Cũng ngôn ngữ này vài năm trước Nguyễn Phú Trọng từng hồ hởi cám ơn lời khuyên của Bắc Kinh và nói, ""BẠN [tức nhóm lãnh đạo Bắc Kinh - ghi chú riêng của tác giả] thường nhấn mạnh, không để bị” Tây hóa, tha hóa, thoái hóa!”(3) 

Phân tích nội dung phát biểu trên của Tập Cận Bình tại Quốc hội đã cho thấy, ông ta ra hai điều kiện là phải tuân thủ tiếp tục trong quĩ đạo XHCN và trung thành với Bắc Kinh thì chế độ toàn trị ở VN sẽ được che chở! Trong đó phải trung thành với Bắc Kinh được coi là điều kiện quan trọng nhất, đấy chính là “đại cục” là ưu tiên hàng đầu Hà Nội không được phép quên! 

Những người dân chủ chúng ta, kể cả đảng viên tiến bộ, cần phải hiểu cặn kẽ ý đồ đen tối này của họ Tập. Vì cả hai chế độ toàn trị ở Trung quốc và VN đang biến thể thành chế độ độc tài cá nhân và các phe nhóm kình chống lẫn nhau để tranh giành quyền-tiền.(4) Khẩu hiệu hành động của Bắc Kinh từ thời Đặng Tiểu Bình tới nay vẫn là “mèo trắng mèo đen miễn là bắt dược chuột”! Nghĩa là kẻ nào ở Hà Nội trung thành và thực hiện hữu hiệu những yêu sách của Bắc Kinh thì sẽ được che chở và giúp đỡ để nắm quyền, bất kể đấy là Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng hay một nhân vật nào khác!

Các nội dung và ý đồ trên đây cũng đã được Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc hội đàm với cả hai ông Trọng và Dũng. Ngày 5.11 khi gặp Nguyễn Phú Trọng họ Tập đã lập lại:

Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung-Việt là Cộng đồng vận mệnh có ý nghĩa chiến lược, hai bên cần tăng cường định hướng chính trị và thiết kế thượng tầng quan hệ song phương, sâu sắc giao lưu giữa hai Đảng”(5)

Nguyễn Phú Trọng đã trả lời ngoan ngoãn: 

Việt Nam sẽ thúc đẩy phát triển sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung thể theo phương châm 16 chữ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai và tinh thần 4 tốt láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”(6)

Dịp này ông Trọng còn mời họ Tập sang dự Hội nghị APEC tại VN vào cuối 2017: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang dự Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Việt Nam vào năm 2017”(7). Tại sao ông Trọng không để người kế nhiệm mình mời, vì từ nay tới đó còn ít nhất hai năm? Điều này có thể hiểu, đây chỉ là cách mời xã giao; nhưng cũng có thể hiểu cách khác, đó là cách gián tiếp bắn tin cho dư luận biết, vai trò Tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng có thể kéo dài tới giữa nhiệm kì của Đại hội 12, mặc dù năm nay đã 71 tuổi.

Theo đài Bắc Kinh, trước khi lên đường sang Singapore Tập Cận Bình gặp lại Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh ý nghĩa của “đại cục” lần nữa, đòi hỏi muốn để chế độ toàn trị ở VN cầm quyền tiếp tục thì phải ràng buộc với ĐCS Trung quốc và phải ngăn chặn nhân dân VN chống lại chế độ Bắc Kinh: 

Tổng Bí thư Tập Cận Bình nêu rõ, chúng tôi sẵn sàng cùng với Việt Nam tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý Đảng và quản lý đất nước, cùng nâng cao năng lực cầm quyền. Trung quốc và Việt Nam là cộng đồng vận mệnh chung mang ý nghĩa chiến lược, tương lai và vận mệnh của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa hai nước gắn bó với nhau. Củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống Trung-Việt, tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phù hợp với lợi ích chung của hai nước. Trung quốc và Việt Nam cần phải sâu sắc tình hữu nghị truyền thống, tăng cường giao lưu văn hóa rộng rãi, tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, khiến tình hữu nghị Trung-Việt đi sâu vào lòng người”(8)

Đòi hỏi này cũng đã được ông Trọng đáp lại rất rõ ràng: 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Việt Nam coi trọng cao công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới, quan tâm những kinh nghiệm về xây dựng Đảng và phát triển Chủ nghĩa xã hội của Trung quốc, sẵn sàng tăng cường giao lưu và hợp tác với Trung quốc, học tập và tham khảo lẫn nhau. Việt Nam hoan nghênh việc tăng cường giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước,”(9) 

Con ong đã tỏ đường đi lối về!

Sau khi hội đàm với Nguyễn Phú Trọng họ Tập đã gặp Nguyễn Tấn Dũng trước Trương Tấn Sang. Trong cuộc gặp này có một số điểm đáng chú ý về các điểm đã được thảo luận và cách đối đáp của hai người. Họ Tập đặt trọng tâm vào hợp tác kinh tế, hứa viện trợ nhưng yêu cầu Nguyễn Tấn Dũng phải mở rộng hợp tác, nhất là các dự án lớn và phải tạo những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung quốc làm ăn ở VN. Trong vấn đề biển Đông họ Tập cũng đòi Nguyễn Tấn Dũng phải giải quyết song phương và mở rộng hợp tác trên biển với Bắc Kinh:

Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ... Hai bên cần khẩn trương thương thảo hợp tác trong khuôn khổ "Một vành đai, một con đường" và "Hai hành lang, một vành đai", điều phối thúc đẩy hợp tác năng lực sản xuất trong nhiều lĩnh vực giữa hai nước, tập trung sức lực làm tốt một số dự án lớn có tính đại diện, ra sức thúc đẩy hợp tác biên giới hai nước. Trung quốc sẵn sàng dành sự hỗ trợ cần thiết cho Việt Nam tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, mong Việt Nam dành sự hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung quốc đến Việt Nam đầu tư kinh doanh. Hai bên phải kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, giữ gìn ổn định trên biển, thúc đẩy hợp tác trên biển. Phải tăng cường điều phối và phối hợp trong công việc quốc tế và khu vực.”(10) 

Nguyễn Tấn Dũng đã đáp lại các đòi hỏi của Tập Cận Bình: “Việt Nam tán thành sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư kinh doanh, hai bên có thể nghiêm chỉnh nghiên cứu các biện pháp tạo thuận tiện tại cửa khẩu.” (11)

Ông Dũng tuân theo những yêu sách của họ Tập trong việc đòi mở rộng kinh tế và thương mại của Trung quốc tại VN cũng giống như lời chấp thuận của ông Trọng khi gặp họ Tập trước đó.(12) Mặc dù hai người này đều biết rất rõ là, mức nhập siêu của VN với Trung quốc đang gia tăng khủng khiếp từ năm này sang năm khác, nếu tiếp tục mở rộng hơn nữa giao thương với phương Bắc trong những điều kiện vô cùng bất lợi như hiện nay thì sẽ dẫn tới hậu quả vô cùng tai hại là kinh tế và tài chính của VN sẽ hoàn toàn lệ thuộc Trung quốc, hàng hóa Trung quốc sẽ tràn ngập, đồng Nhân dân tệ sẽ giữ vai trò ưu thế và các doanh nghiệp VN sẽ bị tê liệt! Tuy biết thừa như vậy nhưng hai người cầm đầu đảng và chính phủ lại vẫn ganh đua nhau để tìm cách thỏa mãn những yêu sách và tham vọng của Bắc Kinh để mong lọt vào mắt xanh của Tập Cận Bình trong việc tranh giành các ghế cao “Tứ trụ” tại Đại hội 12!

Đặc biệt nữa là, trái với tuyên bố gần đây của Nguyễn Tấn Dũng chỉ trích Bắc Kinh đã gia tăng các hành động xâm lấn và không “nghe những lời nói viển vông” của phương Bắc, nhưng khi gặp Tập Cận Bình ông Dũng lại khen là “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong thời gian qua, quan hệ Việt - Trung có bước phát triển tích cực.”(13) 

Đáp lại lời khen của ông Dũng -theo chính bài tường thuật trên báo điện tử Chính phủ dưới quyền của ông Dũng-, họ Tập đã “đưa ra 4 phương hướng lớn hợp tác Trung-Việt trong thời gian tới.” Trong đó việc đầu tiên là tăng cường gặp gỡ ở cấp cao và liền đó họ Tập đã chính thức mời Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung quốc trong thời gian tới: 

Về chính trị, hai bên cần tăng cường gặp gỡ cấp cao, trao đổi chiến lược. Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Trung Quốc vào thời điểm thích hợp.”(14) 

Việc người cầm đầu đảng và Chủ tịch nước Tập Cận Bình chính thức mời Nguyễn Tấn Dũng, tuy lúc này chỉ giữ chức Thủ tướng, nhưng lại có ý nghĩa trong tương lai gần. Điều này chứng tỏ Tập Cận Bình đã biết tỏ tường nội tình trong Bộ chính trị ĐCSVN về cuộc tranh giành ghế trong “Tứ trụ” ở Hà Nội đã diễn ra như thế nào và kết quả ai đã nắm phần thắng trong tay! Trong tư cách là Tổng bí thư và Chủ tịch nước nên lời mời Nguyễn Tấn Dũng của họ Tập được hiểu là ông Dũng sẽ có thể nắm ít nhất là chức Chủ tịch nước trong Đại hội 12 vào đầu 2016. 

Việc ngay trước Đại hội 12 công khai mời Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Trung quốc trong thời gian tới cho thấy đây là sự can thiệp trắng trợn vào nội bộ ĐCSVN của Tập Cận Bình và nhóm cầm đầu Bắc Kinh. Việc Nguyễn Phú Trọng cố tình đứng ra mời Tập Cận Bình sang dự Hội nghị cấp cao APEC trước cả 2 năm cũng chứng tỏ ông Trọng đã qua mặt Trung ương đảng. Thật vậy, trong khi tại Hội nghị trung ương 12 Trung ương đảng CSVN chưa có quyết định chính thức “xem xét trường hợp “đặc biệt”” về đề án nhân sự cấp cao nhất tong Bộ chính trị và BBT, đặc biệt là "Tứ trụ", thì Tập Cận Bình lại đã biết Nguyễn Tấn Dũng sẽ là một trong 4 người lãnh đạo chủ chốt sắp tới. Điều này để ngỏ những câu hỏi quan trọng về quyền tự quyết, chủ quyền và danh dự đối với ĐCSCN. Đó là ai đang có thực quyền chọn lựa và quyết đinh nhân sự lãnh đạo trong đảng? Trung ương đảng và Đại hội 12 hay nhóm cầm đầu CS Trung quốc, đứng đầu là Tập Cận Bình?

Mọi người đều biết, trong diễn văn khai mạc Hà Nội TU 12 sáng 5.10.15 chính Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu:

Đề nghị Trung ương tập trung nghiên cứu kỹ Báo cáo của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung này, nhất là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt" đối với Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII; trên cơ sở tiêu chuẩn chung của 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt đã nêu tại Phương hướng công tác nhân sự, Báo cáo đã đề xuất tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), về các phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt.”(15)

Nhưng sau nhiều buổi thảo luận đã có những tranh cãi gay gắt và giành giựt giữa các phe, nên cuối cùng chưa có một đề án nhân sự cấp cao được đa số ủng hộ. Vì vậy chủ đề quan trọng này phải dời tới các Hội nghị trung ương sắp tới. Chính việc này đã được Thông báo của Hội nghị trung ương 12 ngày 11.10.15 xác nhận:

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự Đại hội XII, căn cứ ý kiến của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, để tiếp tục xem xét, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã được Ban Chấp hành Trung ương thông qua [tại Hà Nội TU 11, 5.15] và Quy trình công tác nhân sự để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại các hội nghị Trung ương khóa XI tiếp theo.”(16)

Nhưng trong hai ngày 5 và 6.11 khi tiếp xúc lần lượt với "tứ trụ" hiện nay là Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng thì Tập Cận Bình chỉ mời chính thức Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Trung quốc trong thời gian tới, còn Nguyễn Phú Trọng lại mời họ Tập sang thăm vào cuối 2017. Điều này chứng tỏ một số trường hợp:

1. Sau Hội nghị trung ương 12 hai phe kình địch nhau Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã thỏa hiệp ngầm với nhau để chia ghế trong “Tứ trụ” theo cách Mafia Chính trị và qua mặt Trung ương đảng cũng như Đại hội 12 sắp tới.

2. Bắc Kinh đã nắm được thông tin đầy đủ về các quyết định nhân sự này và đã được Tập Cận Bình phê chuẩn bằng cách công khai chỉ mời Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Trung quốc và nhận lời mời của Nguyễn Phú Trọng sang thăm VN vào cuối 2017!

Nhưng hai điều trên chỉ chứng minh một điểm là, Bắc kinh đang chủ động thao túng nội bộ ĐCSVN, cầm trịch trong việc chọn lựa nhân sự cấp cao nhất của ĐCSVN! Chủ trương thâm độc của Bắc Kinh từ trước tới nay là khoét sâu chia rẽ trong Bộ chính trị và Trung ương đảng CSVN, khiến cho những người cầm đầu Hà Nội hiện nay và tương lai đều phải quỵ lụy và tùy thuộc Bắc Kinh! Chính vì thế Tập Cận Bình đã dám ăn nói trịch thượng theo lối sỏ mũi những người cầm đầu Hà Nội trong chuyến thăm vừa qua!

Trong các tuần lễ tới sẽ chứng minh, liệu Trung ương đảng và Đại hội 12 có còn thực quyền trong việc chọn lựa nhân sự cấp cao, hay đã bị Bắc Kinh thao túng toàn bộ, vì họ đã nắm được nội tình và các nhân vật cũ và mới ở Hà Nội chỉ là hình nộm của Bắc Kinh, vì các đồng chí phương Bắc đã như con ong đã tỏ đường đi lối về!

Tập Cận Bình không thể đánh lừa nhân dân VN!

Trong khi nhân dân VN, đi tiên phong là chuyên viên, trí thức, thanh niên và cả nhiều đảng viên tiến bộ đều nhận rõ ý đồ thâm hiểm và chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh. Nhận định này không xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và cực đoan mà căn cứ trên những chứng cớ lịch sử mấy ngàn năm. Không một người Việt nào, cũng như các sách nghiên cứu lịch sử trên thế giới lại không biết các triều đình nhà Hán đã từng đô hộ VN gần một ngàn năm, muốn biến VN thành châu quận Trung quốc. Sau đó họ cũng đã nhiều lần tìm cách xâm chiếm trở lại VN, đặc biệt khi các vua chúa của VN phân hóa, mất lòng dân, phải cúi đầu nhờ phương Bắc che chở. Trung quốc còn xâm chiếm và đồng hóa nhiều nước láng giềng!

Từ khi ĐCS độc quyền ở miền Bắc và sau đó cả nước thì Bắc Kinh đã nhiều lần can thiệp trực tiếp và trắng trợn vào nội tình VN. Từ Hiệp định Geneve VN bị chia hai, biến miền Bắc thành trái độn bảo vệ tiền đồn của Bắc Kinh. Nhưng khi thấy có lợi cho Trung quốc thì họ sẵn sàng bỏ rơi đồng chí Hà Nội để thỏa hiệp với Mĩ chiếm Hoàng sa của VN và nắm ghế với quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc vào đầu thập niên 70. Khi thấy Hà Nội muốn giành tiểu bá ở Đông dương thì Đặng Tiểu Bình đem mấy trăm ngàn quân đánh phá các tỉnh biên giới phía Bắc và dìm hằng trăm ngàn Bộ đội Nhân dân sa lầy trong chiến trường Kambod cuối thập niên 70. Đến khi CS Hà Nội kiệt lực và bị phương Tây phong tỏa thì Bắc kinh ra lệnh cho những người cầm đầu CSVN tới Thành đô chấp nhận các yêu sách phải thần phục Bắc kinh theo tiêu chí “16 chữ vàng và bốn tốt” vào cuối thập niên 80. Từ cuộc họp bí mật tại khách sạn Kim ngưu (trâu vàng) ở Thành đô (9.1990) tân đế quốc Bắc kinh đã coi VN như con “Trâu vàng” sỏ mũi và bắt gông cổ kéo cày cho Bắc kinh. Chính vì thế cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã phải thốt lên, từ nay VN lại bị Bắc thuộc kiểu mới!

Trong những năm gần đây chủ trương bành trước của bá quyền Bắc Kinh càng ngang ngạnh và công khai, muốn chiếm trọn biển Đông của VN và nhiều nước Đông Nam Á, xây dựng các đảo chiếm đóng thành các pháo đài, chiếm tài nguyên, đe dọa an ninh và chủ quyền của VN và nhiều nước trong vùng. Khiến Hoa Kì, Nhật bản và EU phải giựt mình lo ngại và tìm cách đối phó.

Nhiều năm qua nhân dân ta, đi đầu là chuyên viên, trí thức, thanh niên và cả nhiều đảng viên tiến bộ đã lên tiếng cảnh cáo chế độ toàn trị phải chấm dứt thái độ cúi đầu với phương Bắc, nhiều cuộc biểu tình của nhân dân đã nổ ra để phản đối các hành động xâm lấn trắng trợn của Bắc Kinh trên biển Đông. Trong khi đó Nguyễn Phú Trọng lại tuyên bố là “Tình hình biển Đông không có gì mới”. Còn Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc hội thảo quốc tế “Đối thoại Shangri-La 2013” 31.5.2013 lại đặt kì vọng “lòng tin cậy lẫn nhau”(17) vào Bắc Kinh! 

Họ thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình của nhân dân VN, bắt giam nhiều nhân sĩ và thanh niên và cấm Quốc hội không được thảo luận về tranh chấp biển Đông! Khi Tập Cận Bình thăm, nhiều thanh niên đã biểu tình tố cáo sự bành trướng của Bắc Kinh, công an đã đàn áp làm nhiều người bị thương. Trong khi đó “Tứ trụ” lại long trọng chào Tập Cận Bình bằng 21 phát đại bác, còn trịnh trọng mời họ Tập đọc diễn văn tại Quốc hội ngày 6.11!

Trong đó họ Tập không thèm nhắc tới tranh chấp biển đông, coi như chuyện đã xong. Chẳng những thế họ Tập còn kiêu ngạo, cố tình bóp méo và xuyên tạc lịch sử, tuyên bố là người Hán không có “Gen” xâm lấn nước ngoài:

Dân tộc Trung Hoa từ trước đến nay đều yêu hòa bình, cái gen “hòa” của dân tộc từ trước tới nay đều không thay đổi, “hòa” trong văn hóa được bảo lưu trường tồn, mãi mãi. Từ hơn 2400 năm trước, cổ nhân Trung Quốc đã nêu ra đường lối “Lễ chi dụng, hòa vi quý” (sử dụng lễ nghĩa thì lấy hài hòa, hòa thuận là quý trọng làm đầu). Nguyện vọng hòa bình được mọc rễ từ trong con tim của mọi người Trung Quốc, hòa nhập vào trong dòng máu của dân tộc Trung Hoa.” (18)

Nhưng chỉ một ngày sau họ Tập đã không ngượng ngùng, nhổ chính vào mặt mình khi tuyên bố tại Singapore: “Hãy để tôi nói rõ: những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa”(19). Lời tuyên bố ngạo nghễ này cũng là cái tát tai vào “Tứ trụ” ở Hà Nội, vào Quốc hội bù nhìn! Mãi gần một tuần sau họ mới để Phát ngôn viên bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối, còn “Tứ trụ” lại vẫn cố tình tránh né, không dám công khai phản đối lời phát biểu cực kì sai trái và đầu óc đế quốc của Tập Cận Bình!

Cách chào đón trịnh trọng và thái độ khúm núm trước Tập Cận Bình và để họ Tập nói nhảm nhí, phủ nhận lịch sử tại Quốc hội; trong khi ấy thẳng tay đàn áp thanh niên, trí thức VN. Hai thái độ trắng đen rõ ràng này đã tự chứng minh: Nhóm cầm đầu Hà Nội, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, đang đứng về phía nào, đứng về phía nhân dân cùng đấu tranh chống bá quyền phương Bắc, hay đang cúi đầu làm bầy tôi, chấp nhận làm thân phận con “trâu vàng” để Tập Cận Bình che chở nhằm bảo vệ ghế cao.

Họ đang tỉnh hay mơ? Quyền-tiền đã làm họ mất lương tri, nên các hành động hiện nay của họ đúng là trao trứng cho ác! Đây là thái độ ngu xuẩn và đầy tội ác với dân tộc VN! Càng chờ đợi sự thức tỉnh của họ thì càng thất vọng! Đã đến lúc nhân dân ta muôn người như một phải quyết phá rào chính trị độc tài tàn bạo và lệ thuộc Bắc Kinh. Quyết không nghe những lòi hứa của họ và khước từ những mệnh lệnh của họ! Chấm dứt sớm chế độ toàn trị, cô lập và ngăn chặn bọn quan đỏ chỉ biết thờ quyền-tiền, đây là sách lược thông minh và hiệu quả nhất để thoát Trung!

Tập Cận Bình đang sỏ mũi những người cầm đầu chế độ toàn trị VN, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng; nhưng họ Tập không thể đánh lừa được dân tộc VN! Trí thức, chuyên viên, thanh niên VN và các đảng viên tiến bộ hãy đi tiên phong chấm dứt chế độ toàn trị, phong tỏa bọn tham quan để thoát Trung và xây dựng một nước VN mới để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, dân chủ, tự do và hưng thịnh…!

14.11.15


___________________________________

Chú thích:

(1) Reuters và Thanh niên 7.11.15
(2) Như 1
(3) Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc trên 1000 cán bộ trung và cao cấp 27.2.12. Cùng tác giả: Hai năm làm Tổng bí thư (1.2011-1.2013), Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu?http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2013/adt1.htm
(4) Cùng tác giả, Cuộc biến thể thoái hóa của ĐCS:Từ đảng trị sang nhóm trị và nay đang trở thành gia đình trị http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2015/adt2510.htm#_edn13
(6) Như 7
(7) Cộng sản 5.11
(9) Như 10
(11) Như 12
(12) Như 9
(14) Như 15
(15) CP 5.10; Cuộc biến thể thoái hóa của ĐCS:Từ đảng trị sang nhóm trị và nay đang trở thành gia đình trị http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2015/adt2510.htm#_edn13
(16) CP 11.10
(17) Cùng tác giả, Khi Đồng chí X gởi gấm lòng tin vào "kẻ lạ" ở "đâu đó"!http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2013/shangri.htm
(18) Như 1
(19) Như 2