Tuesday, May 16, 2017

Trường mẫu giáo ở Quảng Nam bị ô nhiễm bủa vây

Xưởng gỗ chỉ cách trường mẫu giáo một con đường nhỏ. (Hình: Báo Thanh Niên)
QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Hàng trăm trẻ em cùng giáo viên tại trường mẫu giáo Điện Phương ở thị xã Điện Bàn, đang bị mùi hôi thối, tiếng ồn từ xưởng cưa và bãi củi của hai doanh nghiệp chỉ cách trường một con đường khoảng 3 mét bủa vây.
“Mỗi ngày, hơn 200 học sinh và giáo viên của trường phải hít thở không khí hôi thối, ngột ngạt. Nhiều trẻ cũng vì thế mà bị bệnh viêm đường hô hấp nên thường xuyên phải nghỉ học,” một giáo viên nói với báo Thanh Niên.
Ông Nguyễn Nhiều (67 tuổi), nhà ở gần trường, cho biết hằng ngày, lượng gỗ và củi đưa về bãi chất cao, phơi nắng mưa nên dễ bốc mùi. Mưa xuống đọng nước tạo môi trường thuận lợi cho ruồi, muỗi sinh trưởng, dễ lây lan mầm bệnh. Còn xưởng cưa hoạt động cả ngày lẫn đêm, liên tục gây tiếng ồn. “Cuộc sống của gia đình tôi cùng nhiều hộ dân đang bị đảo lộn vì tiếng ồn và mùi hôi thối,” ông Nhiều ngao ngán nói.
Trong khi đó, ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần cùng phụ huynh trực tiếp phản ảnh với chính quyền địa phương, sau đó có cán bộ xuống kiểm tra nhưng vài ngày sau thì xưởng cưa, bãi củi lại hoạt động bình thường.
“Mùa nắng khổ đã đành, đến mùa mưa cũng chịu không thấu khi côn trùng, rắn rết từ bãi gỗ, củi mục bò vào tận lớp học. Vào giờ cao điểm, khi phụ huynh đưa, đón trẻ cũng là lúc xe tải chở gỗ, củi ra vô liên tục, gây mất an toàn giao thông rất cao,” một cô giáo nói.
Ông Lê Đức Thu, chủ tịch xã Điện Phương, cho biết: “Chúng tôi sẽ yêu cầu hai chủ doanh nghiệp này chuyển bớt số gỗ, củi và xưởng cưa ra khỏi cơ sở để tránh ảnh hưởng đến nhà trường và người dân trong khu dân cư.”
Ông Ngô Văn Hùng, phó trưởng phòng Tài Nguyên Môi Trường Điện Bàn, nói: “Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của người dân đã yêu cầu hai doanh nghiệp cam kết hoạt động phải bảo đảm các yếu tố về môi trường. Nếu không sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.” (Tr.N)

Nghệ An dọa sẽ ‘xử lý nghiêm minh’ các hoạt động phản kháng

Giao thông trên quốc lộ 1A, đoạn chạy qua huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, bị tê liệt do hàng ngàn người phản đối việc bắt cóc ông Bình. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Tỉnh Ủy Nghệ An vừa khẳng định sẽ “răn đe các đối tượng lợi dụng tôn giáo cấu kết với các tổ chức phản động kích động nhân dân để gây bất ổn.”
Sau khi sử dụng hàng ngàn cảnh sát có vũ trang tấn công những người phản đối việc bắt ông Hoàng Đức Bình hôm 15 Tháng Năm, ngay hôm sau, Tỉnh Ủy Nghệ An công bố một thông báo, theo đó, việc công an tỉnh này bắt ông Bình là “đúng quy định pháp luật,” dù việc thực thi lệnh bắt tạm giam giống hệt như bắt cóc.
Ngày 15 Tháng Năm, cảnh sát giao thông đã chặn chiếc xe chở Linh Mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc (một trong những giáo xứ mà giáo dân thường xuyên xuống đường đòi công lý cho họ trong vụ Formosa), và ông Bình để “kiểm tra.” Trong khi xe ngừng, một số kẻ mặc thường phục đã lôi ông Bình ra khỏi xe, chuyển sang một xe khác rồi chở đi giống như bắt cóc.
Đó cũng là lý do hàng ngàn người đổ ra đường phản đối. Giao thông trên quốc lộ 1, con đường xuyên Việt, bị tắc khoảng năm tiếng tại đoạn chạy ngang huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Ông Bình, 34 tuổi, vốn là một trong những người hết sức tích cực đối với việc đòi chính quyền Việt Nam đóng cửa nhà máy thép của tập đoàn Formosa ở Khu Công Nghiệp Vũng Áng-Hà Tĩnh, đồng thời phải bồi thường thỏa đáng cho tất cả những người bị thiệt hại vì chất thải có chứa độc chất mà Formosa xả ra hồi Tháng Tư, 2016, khiến cá chết trắng bờ biển bốn tỉnh phía Bắc miền Trung.
Theo báo Tuổi Trẻ, Tỉnh Ủy Nghệ An tuyên bố, công an tỉnh này đã có quyết định khởi tố ông Bình từ ngày 11 Tháng Năm, với hai cáo buộc: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” và “Chống người thi hành công vụ.”
Sở dĩ ông Bình bị khởi tố vì “Quan hệ, móc nối với các đối tượng phản động, chống đối trên địa bàn, thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên Facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ. Cấu kết với nhiều đối tượng lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung để kích động, tổ chức các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối Formosa ở Nghệ An và Hà Tĩnh, gây ảnh hưởng phức tạp đến tình hình an ninh trật tự.”
Thông báo cáo buộc Linh Mục Nguyễn Đình Thục “chỉ đạo” giáo dân phản đối việc bắt ông Bình khiến giao thông trên quốc lộ 1 tê liệt. Linh mục còn bị cáo buộc là “kích động giáo dân kéo về trụ sở công an huyện Diễn Châu đòi trả tự do cho Hoàng Đức Bình.” Mặt khác, thừa nhận “một số đối tượng đã kích động giáo dân bắt giữ trái phép bốn cán bộ đoàn thể cấp huyện và xã đang tham gia tuyên truyền, vận động bà con không gây rối trật tự trị an và làm ách tắc giao thông.”
Cũng theo thông báo thì “trước sự tuyên truyền, vận động tích cực của các cơ quan chức năng, Linh Mục Nguyễn Đình Thục đã chỉ đạo giáo dân trả tự do cho bốn cán bộ bị bắt giữ trái phép và tự giải tán trở về địa phương.”
Chuyện hàng ngàn cảnh sát có vũ trang tấn công những thường dân chỉ có khẩu hiệu mà người ta đã thấy qua nhiều video clip được đưa lên Internet trong ngày 15 Tháng Năm được giải thích là “thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, giải tỏa ách tắc giao thông, vận động quần chúng và trấn áp, răn đe các đối tượng quá khích.”
Theo tờ Tuổi Trẻ thì “lãnh đạo Tỉnh Ủy Nghệ An” cho rằng “cần xử lý nghiêm việc kêu gọi giáo dân, gây ách tắc giao thông và bắt giữ người trái pháp luật.” Giới lãnh đạo Tỉnh Ủy Nghệ An còn tuyên bố “sẽ kiên quyết xử lý các phần tử kích động nhân dân vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”
Đáng lưu ý là sau một thời gian dài liên tục chỉ trích Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, các linh mục Giáo Phận Vinh “thiếu thiện chí, cố tình gây rối trật tự, trị an” thậm chí “tiếp tay, câu kết với các thế lực thù địch,” lần này, sau sự kiện vừa kể, thông báo của Tỉnh Ủy Nghệ An đột nhiên ca ngợi “sự phối hợp nhiệt tình của Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh, của nhiều linh mục và giáo dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng như một số huyện trong việc vận động, thuyết phục Linh Mục Nguyễn Đình Thục và bà con giáo dân trong việc vãn hồi trật tự.” (G.Đ)

Hà Tĩnh di dân khẩn cấp để có đất bán đấu giá và cho thuê

Nhà của một trong những gia đình thuộc kế hoạch “di dân khẩn cấp” nhưng không được cấp đất, bởi vì toàn bộ đất đã được chính quyền thị xã Hồng Lĩnh cho tư nhân thuê làm dự án. (Hình: Báo Lao Động)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Đó là chuyện xảy ra ở thị xã Hồng Lĩnh, và bất kể các nạn nhân kêu cứu suốt từ năm 2011 đến nay, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh vẫn làm ngơ.
Tháng Bảy, 2011, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh gửi cho thủ tướng một tờ trình. Theo đó, tại phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, có 44 gia đình đang cư trú bên ngoài đê La Giang và 22 gia đình sống dọc bờ sông Minh, là những khu vực đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bão. Chính quyền tỉnh đề nghị thủ tướng cấp 90 tỷ đồng để xây dựng một khu tái định cư, thực hiện kế hoạch di dân khẩn cấp.
Đáng nói là sau khi được cấp tiền và cho phép sử dụng công thổ để xây dựng khu tái định cư, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh – nơi thay mặt chính quyền tỉnh thực hiện dự án di dân khẩn cấp này – chỉ cấp 14 lô đất cho 23 gia đình rồi thông báo bán đấu giá 52 lô còn lại.
Do bị chỉ trích kịch liệt, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh phải hoãn việc bán đấu giá và 8,500 mét vuông đất trong khu tái định cư bị bỏ hoang suốt từ 2011 đến nay.
Theo một loạt bài điều tra của báo Lao Động thì tờ trình mà chính quyền tỉnh gửi thủ tướng có nhiều điểm thiếu chính xác, 22 gia đình sống dọc bờ sông Minh được chính quyền tỉnh cho rằng cần “di tản khẩn cấp” thực ra chưa bao giờ bị mưa bão đe dọa, bởi vì nhà cửa của họ nằm phía trong đê La Giang. Đáng nói là trước nay, chưa bao giờ họ nghe bất cứ viên chức nào đề cập đến chuyện phải di dời vào khu tái định cư.
Cũng theo tờ Lao Động thì không phải căn nhà nào trong số 44 gia đình được chính quyền tỉnh xác định là gặp nguy hiểm trong mùa mưa bão vì sống bên ngoài đê cũng bị mưa bão đe dọa. Khoảng 10 căn nằm cạnh quốc lộ 1 và đã được xây dựng rất kiên cố, đất thuộc loại có giá trị cao. Hàng chục căn khác thì nằm sát chân núi – nơi mà những người bị chính quyền tỉnh Hà Tĩnh khoác cho cái vỏ “nạn dân” – khẳng định, sẽ chỉ ngập khi đê La Giang bị vô hiệu hóa.
Trong số 44 gia đình này chỉ 23 gia đình có thể phải chịu đựng cảnh ngập lụt trong mùa mưa bão. Dẫu còn dư tới 52 lô nhưng chính quyền thị xã Hồng Lĩnh chỉ cấp cho 23 gia đình này 14 lô. Cũng vì vậy, nhiều đại gia đình không đủ chỗ ở vì cha mẹ, con cái, cháu chắt đột nhiên bị dồn vào một nơi.
Bà Đậu Thị Thương, chủ của một trong 23 gia đình bị lùa vào khu tái định cư, kể với phóng viên tờ Lao Động rằng, vợ chồng bà có hai người con trai, cả hai đều đã có vợ con. Do chỉ được cấp một lô trong khu tái định cư nên hiện nay 12 người phải sống chung dưới một mái nhà.
Nhiều người dân than rằng, khi làm tờ trình gửi thủ tướng, chính quyền tỉnh phân định, liệt kê rõ ràng từng gia đình song khi xét cấp đất tái định cư, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh tự động gom các gia đình thuộc nhiều thế hệ lại thành một để có đất bán đấu giá.
Chưa kể cho đến nay, chưa ai rõ 90 tỷ đồng chi cho kế hoạch di dân khẩn cấp đã được sử dụng thế nào, bởi vì những gia đình bị buộc phải vào khu tái định cư chỉ được cấp 20 triệu đồng nên gia đình nào cũng phải vay thêm hàng trăm triệu mới đủ xây nhà.
Một điểm bất thường khác là dù xác định phía ngoài đê La Giang “nguy hiểm” nhưng sau khi lùa dân vào khu tái định cư, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh đã đem toàn bộ số đất này cho một số người thuê dài hạn. (G.Đ)

Giang hồ đập phá trụ sở công an phường ở Sài Gòn

Một nhóm giang hồ bị công an khống chế. (Hình minh họa: Báo điện tử Zing)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhóm giang hồ gần chục người quê Ninh Bình xông vào trụ sở công an phường 5, quận Gò Vấp, gây rối, đập phá máy móc và ném các vật dụng, buộc công an phải nổ nhiều phát súng để trấn áp, bắt giữ.
Theo báo điện tử VietNamNet, khoảng 0 giờ 45 sáng 16 Tháng Năm, trực ban công an phường 5 nhận được trình báo của một gia đình người dân sống trên địa bàn về việc bị một nhóm giang hồ tìm đến tận nhà gây rối.
Khi công an đang làm việc với người dân, thì có chín thanh niên đi xe gắn máy kéo đến gây rối. Ban đầu, lực lượng công an phường giải thích, yêu cầu nhóm ngưởi trên giải tán. Tuy nhiên, nhóm này vẫn hung hăng lao vào bên trong trụ sở công an phường đập phá máy tính để bàn, máy photocopy, bàn ghế và ném hồ sơ, giấy tờ trong phòng tiếp dân của công an phường xuống đất.
Trước sự manh động của nhóm giang hồ, công an phường đã bắn liên tiếp bốn phát súng để trấn áp, bắt giữ được sáu người ngay tại chỗ, tất cả cùng quê Ninh Bình. Ba người còn lại nhanh chân tẩu thoát.
Công an phường đã chuyển giao cho Đội Cảnh Sát Hình Sự, công an quận Gò Vấp, mở hồ sơ truy tố về tội “Hủy hoại tài sản,” đồng thời tiến hành truy xét những người liên quan. (Tr.N)

Nghệ An khẳng định bắt Hoàng Đức Bình là đúng luật

RFA 2017-05-16
Các nhà hoạt động dân chủ Bạch Hồng Quyền (trái) và Hoàng Đức Bình.
Các nhà hoạt động dân chủ Bạch Hồng Quyền (trái) và Hoàng Đức Bình. Courtesy of chantroimoimedia.com
Tỉnh Nghệ An nói rằng việc bắt giữ ông Hoàng Đức Bình, một nhà hoạt động xã hội tại Nghệ An, vào ngày hôm qua 15 tháng 5, là đúng luật.
Thông báo này được nhiều cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam loan tải trong ngày hôm nay.
Trên trang báo mạng Công Lý của Tòa án nhân dân tối cao có điểm lại những hoạt động của ông Hoàng Đức Bình trong mấy năm qua mà báo này gọi là phản động và mang màu sắc chính trị như là vận động thành lập Hiệp hội ngư dân miền Trung, tham gia Phong trào Lao động Việt và giữ chức Phó Chủ tịch của phong trào này.
Các tổ chức này đều là những nghiệp đoàn tự do không do nhà nước Việt Nam kiểm soát.
Thông báo của tỉnh Nghệ An còn cho rằng ông Hoàng Đức Bình đã kích động biểu tình vào đầu tháng tư, chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Báo chí Việt Nam cũng nói là sau khi ông Hoàng Đức Bình bị cơ quan an ninh bắt giữ tại khu vực huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nhiều người dân, mà các bản tin của nhà nước nói là nghe theo lời xúi giục của các linh mục đã đòi thả ông Hoàng Đức Bình, chận quốc lộ 1A trong 5 giờ đồng hồi, và bắt giữ bốn cán bộ truyên truyền của nhà nước.
Các cơ quan truyền thông của nhà nước cũng nói là vụ biểu tình đã chấm dứt, cũng như các cán bộ được trả tự do, với sự hợp tác của Tòa giám mục Vinh.
Theo tường trình của nhà báo tự do Nguyễn Hưu Vinh từ Nghệ An vào ngày hôm qua thì có đến vài ngàn người tham gia biểu tình đòi thả ông Hoàng Đức Bình, và chỉ có ba người bị người dân bắt giữ. Ba người này, theo nhà báo Nguyễn Hữu Vinh, là người của các cơ quan nhà nước là đoàn thanh niên huyện Diễn Châu trà trộn vào đoàn người biểu tình để gây rối.
Theo ông Nguyễn Hữu Vinh thì lực lượng an ninh được huy động rất đông đảo cùng với nhiều trang thiết bị đàn áp biểu tình, và có nhiều người biểu tình đã bị đánh đập.

Giải tỏa khu đất Lộc Hưng: Người dân hoang mang

 Thanh Trúc, phóng viên RFA 2017-05-16 
Công an ngăn cản dân dựng hàng rào vào năm 2014.
Công an ngăn cản dân dựng hàng rào vào năm 2014. Ảnh: Facebook Huỳnh Công Thuận
Lộc Hưng là khu đất vườn rau trên trăm hộ dân thuộc phường 6 quân Tân Bình, nằm trong diện qui hoạch của Ủy Ban Nhân Dân TP HCM khiến tranh cãi diễn ra 18 năm mà chưa được giải quyết. Người dân nơi đây nói kế hoạch cưỡng chế đất của nhà nước đang dồn họ vào đường cùng vì không thể làm ăn sinh sống.
Không tiếp dân
Khu đất Lộc Hưng ở phường 6 quận Tân Bình là nơi an cư của một số người từ Bắc di cư vào miền Nam năm 1954.
Với diện tích 50.000 mét vuông Lộc Hưng được gọi là khu đất tốt nằm tiếp giáp quận 3, quân 10, quận Phú Nhuận và quận Bình Tân. Đây cũng là Giáo xứ Lộc Hưng với nhà thờ Lộc Hưng xây lên đã lâu, với trên một trăm gia đình phần lớn làm nghề trồng rau để sinh sống ba bốn đời nay.
Tuy nhiên đã có những diễn biến mấy năm gần đây cho thấy khu đất vườn rau Lộc Hưng này có thể bị giải tỏa theo qui hoạch của nhà nước.
Được biết từ sau 30 tháng Tư năm 1975, Lộc Hưng được Ủy Ban Nhân Dân phường 7, nay là phường 6 quận Tân Bình, chia thành 4 tổ nông hội có trách nhiệm nộp thuế cho nhà nước. Việc đóng và thu thuế được xác nhận bằng biên lai cho đại diện các tổ trong khu vực vườn rau Lộc Hưng.
Năm 1999, theo nội dung Luật Đất Đai sửa đổi, đặc biệt theo chỉ thị 24/1999/CT-TTG của thủ tướng chính phủ về tổng kiểm kê đất đai, người dân vườn rau Lộc Hưng nộp đơn yêu cầu Ủy Ban Nhân Dân phường 6 quận Tân Bình xác nhận quá trình sử dụng đất theo chỉ thị trên. Tuy nhiên câu trả lời của hai vị chủ tịch phường Vũ Xuân Tâm và bà Trần Thị Ngọ tiếp đó vẫn đại ý là “đất do bà con khai phá canh tác mấy chục năm nay mà ai cũng biết, khẳng định chưa có dự án hay quyết định qui hoạch nào nên không thể giải quyết được vì đó là chỉ thị của cấp trên” .
Ông Cao Hà Chánh, cư dân lâu đời trong khu đất vườn rau Lộc Hưng, cũng là một trong những người đại diện chính của tập thể dân cư ở đây, cho biết:
Chính vì điều đó thì bà con vẫn liên tục nhiều lần kéo lên cơ quan chức năng nhưng họ không tiếp. Năm 2005  thì lãnh đạo có họp với chúng tôi để triển khai qui hoạch. Bà Thái Thị Dư lúc đó với cương vị chủ tịch quận trước mặt ban đại diện mới nói hiện nay khu vực này là khu vực qui hoạch để xây dựng chung cư và sẽ bồi hoàn cho bà con với giá 3 triệu cộng hỗ trợ thêm là thành 4 triệu. Họ nói nhưng họ không đưa bằng chứng, không đưa văn bản quyết định qui hoạch khu đất này. Khi bà con yêu cầu lập biên bản thì họ không lập mà trước khi họp họ bắt bà con phải ký tên để họ cho họp nhưng bà con không ký.
Đó là khởi điểm những vụ đối đầu về sau này giữa cư dân khu đất vườn rau liên quan đến kế hoạch cưỡng chế được coi là nhập nhằng từ khâu văn bản đến vấn đề bồi hoàn, hỗ trợ của phía chính quyền địa phương:
Cụ thể năm 2007 thì hàng rào ngay mặt tiền vườn rau bị hư và sụp đổ lâu rồi thì bà con thống nhất ra dựng lại bằng cột tràm và kéo dây kẻm gai, thì chính quyền phường nhiều lần xuống yêu cầu là không được dựng trên đất đã qui hoạch là đất của nhà nước. Họ đưa toàn bộ lực lượng xuống thì lúc đó bà con quyết liệt không cho họ cắt thì họ rút đi. Đó là sự việc 2007.
Theo ông Cao Hà Chánh,  cư dân Lộc Hưng chỉ dựa trên những qui định pháp luật hiện hành để khiếu nại:
Tất cả ở đây vẫn bám đất trồng rau, ký tên liên tục để yêu cầu các cấp lãnh đạo trả lời giải quyết tiếp công dân. Họ vẫn im lặng đến ngày hôm nay, chưa bao giờ trả lời tiếp dân, chưa có văn bản nào trả lời qui hoạch, chưa có cuộc họp nào trả lời tiếp công dân và trả lời đơn thư.
Không đối thoại với dân
image-400.jpg
Vườn rau Lộc Hưng quận Tân Bình, TPHCM. Blog Vườn Rau Lộc Hưng
Từ con số chính thức 124 hộ dân cư ngụ và trồng rau trong khu Lộc Hưng, đến giờ chỉ còn lại 89 hộ do có một số đã dọn ra ngoài. Ông Cao Hà Chánh:
Đó là thời gian 2007- 2008, chính quyền tung các đối tượng xâm nhập khoảng 30 hộ, là những người nhà của cán bộ và những người vướng vào tệ nạn hoặc thiếu tiền. Họ mua chữ ký và cứ ký tên vô thì họ trả một triệu. Mua được chữ ký khoảng chừng 30 người thì bắt đầu thành phố mới ra quyết định qui hoạch khu đất này và thành phố đã phê duyệt dự án là xây dựng, phân lô bán nền.
Tháng Bảy 2014, công an lại kéo đến khu đất vườn rau Lộc Hưng khi bà con tìm cách dựng lại một góc hàng rào cạnh bãi rác lớn mà người  dân bên ngoài mang đến đổ ở đấy. Trước đó người dân Lộc Hưng đã nhiều lần yêu cầu chính quyền  giúp giải quyết bãi rác này nhưng không được đáp ứng. Chính vì thế khi công an và dân phòng kéo đến Lộc Hưng để cản trở dân dựng lại rào thì một số người đã phản ứng quyết liệt bằng cách tự tẩm xăng vào người và dọa tự thiêu để giữ đất. Ông Cao Hà Chánh:
Hàng rào đổ vì dân chung quanh đưa rác ra đổ tràn ngập luôn, tập thể ở đây đưa đơn khiếu nại  yêu cầu chính quyền ngăn cấm việc đổ rác thì chính quyền cứ lờ đi. Sau đó tập thể mới thực hiện rào hàng rào lại thì họ đưa lực lượng thành phố xuống đầy đủ, có cả cứu hỏa cứu thương, quyết không cho làm hàng rào đó. Chính quyền không đối thoại mà cứ mở loa như thế và đến cuối ngày thứ Sáu mới chấm dứt một tuần lễ khủng bố tinh thần bà con.
Người dân khu đất vườn rau Lộc Hưng vẫn liên tục gởi đơn tố cáo lên chính quyền.
Bên ngành công an trả lời thẳng luôn là ở trên chỉ đạo không trả lời đơn tố cáo, không tiếp công dân. Thay mặt bà con, tôi khẳng định từ trước đến nay chưa bao giờ họp dân và đưa qui hoạch khu đất này dù chúng tôi đã tố cáo rất nhiều lần về hành vi từ cấp  phường, quận, thành phố cố tình đi ngược đường lối của đảng, đưa người dân vào đường cùng nhưng họ cũng không trả lời.
Chính quyền không đối thoại mà cứ mở loa như thế khủng bố tinh thần bà con.
- Ông Cao Hà Chánh
Theo người đại diện Cao Hà Chánh của Lộc Hưng thì mới nhất là những tin đồn gián tiếp mấy hôm nay liên quan đến việc cưỡng chế đất khiến bà con rất hoang mang lo sợ:
Hiện có những thông tin là họ sẽ đưa lực lượng xuống cưỡng chế, ba tuần nay họ ra quyết định gởi đến bao nhiêu hộ dân, họ thông tin đã họp với  các giới từ phường đội đến dân quân tự vệ đến các ngành quận và thành  phố để xuống cưỡng chế. Nhiều người còn mạo danh người này người kia đến thương lượng với bà con về giá thành rồi thương lượng xin gặp  ban đại diện nhưng chúng tôi không tiếp. Theo đúng pháp luật chúng tôi yêu cầu chính quyền phải tiếp công dân nhưng  chưa có câu trả lời, chưa có người nào đích thân họp bà con hết.
Cuộc sống hiện tại của 89 hộ dân quyết bám đất Lộc Hưng đang càng ngày càng khó khăn theo như mô tả của ông Cao Hà Chánh:
Khủng bố bằng mọi hình thức, thứ nhất là họ dựng 4 cái loa lớn ở trên cách đây 2 tuần, rồi chuyện xì ke ma túy, một ngày có thể là 200 con nghiện về đây. Rác rưới cộng với cầu cống đưa vô khu vực này, người dân không canh tác được nữa vì ngập. Họ nói đất này là đất của nhà nước thì diễn tiến suốt 18 năm nay khổ sở như thế nào.
Người dân ở đây nói họ cương quyết làm cho ra lẽ theo tinh thần 3 văn bản từ Văn Phòng Chính Phủ gởi đến cho họ từ năm 2014:
Ba văn bản của văn phòng chính phủ được chuyển về  cho bà con từ 2014 và 2016, yêu cầu Ủy Ban Nhân Dân TP HCM phải tiếp công dân và giải quyết đúng luật rồi báo cáo về Văn Phòng Chính Phủ. Đến hôm nay Ủy Ban Nhân Dân TP HCM chưa có văn bản trả lời kể cả tiếp công dân.
Trong lúc chưa có được câu trả lời từ phía chính quyền quận Tân Bình liên quan đến việc tranh cãi đất đai tại khu đất vườn rai Lộc Hưng, đài ACTD vẫn tiếp tục theo dõi sự việc để cập nhật tin tức.

Tại Việt Nam lịch sử được viết như thế nào?

Kính Hòa, phóng viên RFA 2017-05-16   
Trong một tiệm sách cũ ở Hà Nội hôm 4/1/2016.
Trong một tiệm sách cũ ở Hà Nội hôm 4/1/2016.  AFP photo
Đầu tháng năm, năm 2017, tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ có diễn ra một cuộc hội thảo về cuốn sách lịch sử mang tên Vietnam the New History, của nhà sử học Christopher Gosha, tạm dịch, Việt Nam cái nhìn lịch sử mới. Ông Gosha hiện dạy sử tại Đại học Quebec ở Montreal, Canada, ông cũng từng nghiên cứu lịch sử và học tiếng Việt tại Việt Nam. Trong quyển sách này tác giả cho rằng lịch sử được dạy ở Việt Nam như một công cụ chính trị.
Sau đây là phân tích của một số nhà quan sát và sử học về cách thức viết sử tại Việt Nam, cũng như là sự thay đổi từ từ của nhà nước Việt Nam về cách viết sử.
Lịch sử là một công cụ chính trị
Một điểm quan trọng trong quyển sách mới của sử gia Christopher Gosha về sách lịch sử của Việt Nam là cách mà lịch sử được trình bày bên trong Việt Nam trong mấy chục năm qua:
Ở Việt Nam, có lẽ là hơn nhiều nơi khác, nhất là khi so với người Mỹ, người Pháp, lịch sử được dùng để phục vụ cho việc vinh danh các cuộc chiến tranh. Sách giáo khoa lịch sử phải bảo đảm làm sao cho những người trẻ tuổi học về các cuộc kháng chiến chống xâm lược, từ xưa đến nay. Điều tôi thấy ở đây là sự huy động ở mức rất cao phương tiện lịch sử cho các mục đích chính trị. Một sự huy động các nhà viết sử chính thống được đảng chấp nhận nữa.”
Sự huy động phương tiện lịch sử cho các mục đích chính trị mà ông Gosha nêu ra, còn được một số nhà quan sát chính trị xã hội Việt Nam gọi là sự định hướng.
Khi trao đổi với chúng tôi về sách giáo khoa lịch sử Việt Nam ở trong nước, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nói:
Chương trình (lịch sử) ở một chế độ, một đất nước như Việt Nam thì người ta cần phải định hướng. Có những sự kiện người ta không thể đề cập đến một cách đầy đủ, mà chỉ trình bày theo một chiều hướng nào đó.
Có những sự kiện người ta không thể đề cập đến một cách đầy đủ, mà chỉ trình bày theo một chiều hướng nào đó.
- Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
Ông Lê Hồng Hiệp nói rằng cách trình bày như vậy sẽ làm cho các học sinh Việt Nam bị thiệt thòi vì không biết đầy đủ các sự kiện lịch sử đã xảy ra.
Một cựu giáo viên dạy sử hiện sống tại Đà Nẵng nói rằng cách thức trình bày lịch sử tại Việt Nam hiện nay là theo quan điểm Marxism, tức là tất các sự kiện lịch sử sẽ được đưa về giải thích bằng sự mâu thuẫn giai cấp, một điểm cốt lõi của học thuyết chính trị xã hội này.
Trong các sách giáo khoa lịch sử Việt Nam, giai đoạn từ khi đảng Cộng sản Đông dương được thành lập vào năm 1930 trở về sau chiếm rất nhiều chương. Trong khi giai đoạn lịch sử trước đó kéo dài hàng ngàn năm thì chiếm thời lượng ít hơn, cũng như giai đoạn Pháp thuộc, giai đoạn Việt Nam Cộng Hòa cũng sơ sài. Theo ông Gosha thì lẽ ra lịch sử Việt Nam phải được viết một cách kỹ lưỡng hơn về quá khứ của nó, và bên cạnh đó những thời gian và không gian lịch sử trong thời hiện đại cũng không nên bị bỏ qua, vì Việt Nam ngày nay là tổng hợp của những cái đó.
Ông Gosha nói rằng nước Việt Nam hiện đại ngày nay được hình thành dựa trên những điều kiện đã có trước đó không thể bỏ qua được. Ông đưa ra các chủ đề như là giai đoạn Việt Nam là thuộc địa của đế quốc Trung Hoa đã đem đến cho Việt Nam những ý tưởng về nhà nước, về luật, hay là Việt Nam vừa bị thuộc địa bởi người Trung Quốc, người Pháp, đồng thời cũng chinh phục các lãnh thổ khác của người Chăm, người Khmer để làm thuộc địa, và trong tất cả quá trình đó, những con người khác nhau, những ý tưởng khác nhau đã tương tác lẫn nhau để tạo nên Việt Nam ngày nay. Ông nói về một số chương sách của ông:
000_Hkg689535-400.jpg
Một cậu bé đọc sách lịch sử tại một công viên tại Hà Nội. AFP photo
Trong quyển sách của tôi, tôi cố trình bày câu chuyện xứ Đông Dương thuộc Pháp vốn bị các nhà viết sử chính thống Việt Nam bỏ qua, và tôi cũng cố gắng trình bài về những người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa. Ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn (phe cộng sản), đương nhiên, nhưng còn có Việt Nam thứ hai nữa, Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam này bị thất bại, nhưng không phải vì thất bại mà bỏ nó ra khỏi dòng lịch sử.”
Theo ông Gosha đã có những ý tưởng thách thức cách viết sử của các nhà sử học chính thống, ông lấy ví dụ như hai nhà văn Dương Thu Hương, và Bảo Ninh đã nêu lên cách nhìn chiến tranh của mình không giống như lịch sử chính thống của nhà nước trong các tác phẩm của họ.
Bảo Ninh và Dương Thu Hương là hai nhà văn lớn lên từ miền Bắc dưới chế độ của đảng Cộng sản Việt Nam.
Một nhà nghiên cứu lịch sử khác đã quá cố là ông Tạ Chí Đại Trường cũng có cách ghi nhận lịch sử không giống với các nhà viết sử chính thống. Trong quyển sách của ông tên gọi Lịch sử nội chiến Việt Nam, ông đã phân tích những khiếm khuyết của triều đại nhà Tây Sơn, trong khi đó triều đại này thường được lịch sử của nhà nước Việt Nam ca ngợi, thậm chí gọi đây là cuộc cách mạng của giai cấp nông dân.
Ông Tạ Chí Đại Trường là một nhà sử học của miền Nam Việt Nam, nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại miền Nam trước năm 1975, và tại Hoa Kỳ sau năm 1975.
Sự thay đổi
Tuy nhiên với sự mở cửa của xã hội Việt Nam, một số sách lịch sử có cách viết khác với lối viết chính thống được chấp nhận tại Việt Nam. Vào năm 2007, quyển sách Lịch sử nội chiến Việt Nam của ông Tạ Chí Đại Trường đã được xuất bản tại Việt Nam, nhưng buộc phải đổi tên là Nước Việt Nam thời Tây Sơn.
Tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng, cựu hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen tỏ ý cẩn trọng khi nói với chúng tôi về việc xuất bản quyển sách này ở Việt Nam:
Người mà xuất bản thì muốn xuất bản với cái nội dung, cho nên sự đổi tên là một sự nhượng bộ để có thể xuất bản được.
- Tiến sĩ Bùi Trân Phượng
“Người mà xuất bản thì muốn xuất bản với cái nội dung, cho nên sự đổi tên là một sự nhượng bộ để có thể xuất bản được. Khi mà có thể thay đổi thì người ta nói lại cho đúng thôi. Sẽ có sự thay đổi nếu nó đến từ những người trước đây không đồng ý, tôi không nghĩ rằng những người đó đã thay đổi.”
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà hoạt động chính trị và nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện sống ở Pháp thì chính phủ Việt Nam đã có nhiều nhân nhượng về cách thức viết lịch sử. Ông đưa ra ví dụ là vào năm 2014, ông Tạ Chí Đại Trường đã được một quĩ nghiên cứu độc lập tại Việt Nam là Quĩ Phan Chu Trinh trao giải thưởng về các công trình của ông, trong đó có quyển sách Lịch sử nội chiến Việt Nam. Và trong bản tin của báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh vào tháng ba năm 2016 về việc qua đời của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, tên quyển sách được gọi theo tên gốc của nó là Lịch sử Ni chiến Việt Nam chứ không phải là Việt Nam thời Tây Sơn như lần xuất bản năm 2007.
Khi chúng tôi hỏi ông Gosha là liệu sắp tới đây các nhà viết sử bên trong Việt Nam sẽ thay đổi cách viết của họ hay không, ông cho rằng trong tương lai gần thì điều đó không xảy ra.

Trường hợp Đinh La Thăng: Luật pháp không phải cho cán bộ cao cấp

Kính Hòa, phóng viên RFA 2017-05-15   
Các thành viên Bộ Chính trị mới được bầu: Vương Đình Huệ (thứ hai từ trái) và Đinh La Thăng (thứ hai từ phải) tại lễ bế mạc Đại hội đảng cộng sản toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội ngày 28 tháng 1 năm 2016.  AFP photo
Biến cố chính trị kỷ luật ông Đinh La Thăng trong Hội nghị trung ương đảng lần thứ năm, được rất nhiều blogger và cư dân mạng xã hội quan tâm trong tuần qua.
Trước Hội nghị trung ương, khai mạc vào ngày 5 tháng 5 năm 2017, ông Thăng là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi hội nghị khai mạc khoảng một tuần Ủy ban kiểm tra trung ương đảng đã công bố một đề nghị lên Bộ chính trị kỷ luật ông Thăng. Nhưng trước đó trên mạng xã hội và blog người ta đã bàn tán rất nhiều đến sai phạm của ông Thăng khi còn làm Chủ tịch hội đồng thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Đến ngày thứ ba của Hội nghị trung ương, ông Thăng chính thức bị mất chức Ủy viên Bộ chính trị, sau đó ông mất chức Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, và ông bị điều về Ban kinh tế trung ương. Sau khi Hội nghị trung ương kết thúc, ông Thăng lại được chuyển từ đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh về đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Ban kinh tế trung ương
Trên trang blog Bình luận án, Luật sư Trần Hồng Phong viết lại tin kỷ luật ông Thăng với tựa đề: Sai phạm nghiêm trọng về kinh tế, ông Đinh La Thăng được điều động làm Phó ban kinh tế trung ương.
Đó cũng là một điều nhiều người thắc mắc. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, viết trên Facebook rằng đó là một chuyện như đùa, một hình thức kỷ luật không thuyết phục, tại sao sai phạm về kinh tế, mà bây giờ lại làm việc nghiên cứu kinh tế?
Trang Bauxite Việt Nam bình luận về chuyện này:
Người ta tự hỏi: Sao một người phá nát kinh tế của đất nước như ông Đinh mà nay lại đưa về Ban Kinh tế tối cao của đảng? Vậy thực chất Ban Kinh tế của đảng đóng vai trò gì ngoài vai trò “ga chờ” của những tội phạm sắp hạ cánh? Nhưng nếu là ga chờ thì đối với đảng, đó là chỗ ưu ái dành cho người đồng hội đồng thuyền đang thất cơ lỡ vận, tất nhiên là nơi ẩn náu an toàn. Còn đối với dân, liệu người dân có cùng một cách nhìn với đảng hay không?
Nhiều người trong đó có blogger Huỳnh Ngọc Chênh, đặt vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng vào công cuộc chống tham nhũng của Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng phát động mấy năm nay, và so sánh nó với cái gọi là đả hổ diệt ruồi của ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc.
Đả hổ diệt ruồi là chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch họ Tập, tên gọi có ý muốn nói rằng việc chống tham nhũng sẽ không chừa bất kỳ ai dù người đó có là cán bộ cao cấp.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh viết:
000_Hkg10122177-400.jpg
Ông Đinh La Thăng thời còn làm Bộ trưởng Giao thông, năm 2014. AFP photo
Cuối cùng thì trận chiến "đả hổ diệt ruồi" phiên bản Việt Nam cũng đã kết thúc tốt đẹp như một vở kịch có hậu.
Phải có một con ruồi thật bự nào đó đứng ra chịu chém để lưỡi gươm chống tham nhũng dừng lại đúng chỗ.
Chủ trương "diệt chuột nhưng không để vỡ bình" của ông Trọng đã bộc lộ rõ ra qua chuyện dàn xếp cho Đinh La Thăng chức phó ban kinh tế ngay sau khi bị lấy lại hai chức được cho trước đây để y vui vẻ nhận tội, để chuyện chống tham nhũng chỉ dừng ở ruồi mà không dẫn lên đến hổ, để chuôt bị diệt mà không ảnh hưởng đến bình.
Câu nói diệt chuột sợ vỡ bình là của ông Nguyễn Phú Trọng trước đây, ý muốn nói sự khó khăn của công tác chống tham nhũng, khi các tội phạm tham nhũng cũng là những người đảng viên cộng sản như ông.
Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thanh Hóa
Về chuyện chuyển ông Thăng từ chổ làm đại biểu Quốc Hội ở thành phố Hồ Chí Minh, sang làm đại biểu Quốc Hội tỉnh Thanh Hóa, luật sư Lê Công Định viết trên mạng xã hội:
Đảng thích chuyển đại biểu quốc hội từ địa phương này sang địa phương khác chỉ cần vài tờ giấy gửi qua gửi lại là xong. Dân lỡ "bầu" ông bà nào cho địa phương mình có gì quan trọng đâu!
Cuối cùng thì trận chiến "đả hổ diệt ruồi" phiên bản Việt Nam cũng đã kết thúc tốt đẹp như một vở kịch có hậu.
- Ông Huỳnh Ngọc Chênh 
Bởi vậy mỗi lần "bầu cử quốc hội" nghe câu sáo ngữ "toàn dân nô nức đi bầu", tôi lại thấy buồn cười. "Nô nức" cho đã, khi cần họ vẫy tay một phát, chuyển người đi như chuyển ngân, không bận tâm ai là đại biểu của dân nào, ở đâu. Giấu đầu, lòi đuôi là thế!
Thôi thì các ngài thích cho ai ngồi vào cái gọi là "quốc hội" cứ ung dung tự tiện làm đi, chẳng ai cười đâu, chứ giả vờ "ứng cử, bầu cử" dân mới cười cho.
Nhà báo Huy Đức cho rằng Ban bí thư đã biến ông Thăng từ việc làm đại biểu của nơi này sang làm đại biểu của một nơi khác bằng một quyết định điều chuyển. Việc này cộng với những quyết định tước bỏ các chức danh cũ của hai ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, và ông Võ Kim Cự, cựu bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, đại biểu Quốc Hội, chứng tỏ đảng đang công khai thể hiện vai trò cầm quyền của mình. Và điều đó, theo Huy Đức, cho dân chúng thấy rõ ràng gốc gác của quyền lực là từ đâu.
Hai ông Vũ Huy Hoàng, và Võ Kim Cự đều được cho rằng có những sai phạm liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ và kinh tế, mà trong đó ông Võ Kim Cự là vụ nhà máy Formosa xả chất độc làm biển ô nhiễm hồi năm ngoái.
Một nhân vật cấp dưới của ông Thăng và rất nổi tiếng trong suốt một năm qua là ông Trịnh Xuân Thanh, đã bỏ trốn ra nước ngoài và bị nhà nước Việt Nam phát lệnh truy nã vì tội tham nhũng liên quan đến những sai phạm trong quả lý kinh tế. Ông Thanh cũng là đại biểu Quốc hội.
Huy Đức viết rằng Võ Kim Cự cũng chính đảng đưa vào Quốc Hội; Trịnh Xuân Thanh cũng đảng đưa vào Quốc Hội. Dân đã mất một buổi cày đi bỏ phiếu rồi bây giờ ngơ ngác nhìn đảng đưa họ ra.
Kỷ luật nhẹ của một thể chế chưa muốn cải cách
Bình luận về vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng, blogger Nguyễn Văn Thọ viết trên blog Kim Dung:
Kỷ luật ấy vẫn là sự nương nhẹ. Một đứa trẻ ăn cắp 1 cái bánh mỳ bị xử, một cán bộ cấp thấp tham ô vớ vẩn, nhận quà chỉ 1 cái đài bị tù cả bao năm cách tất cả chức vụ như Trần Mai Hạnh còn Đinh La Thăng tổn thất cả tỉ đô làm cho hàng triệu kẻ đói nghèo, không có đức lớn, tài cao sao lại chỉ cảnh cáo?
_92731722_619580e4-2a8b-462b-84af-67e0cc409095-400.jpg
Ông Võ Kim Cự (phải) và TBT Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp Quốc hội. AFP photo
Ông Trần Mai Hạnh vốn là một nhà báo, được cho là có nhận hối lộ trong vụ án băng nhóm xã hội đen Năm Cam tại Sài Gòn cách đây hơn 10 năm. Trong vụ án đó, số tiền ông Hạnh nhận là khoản vài ngàn đô la Mỹ.
Một tác giả khác ký tên là Mường Thanh viết trên trang Dân Luận về bản án kỷ luật của ông Đinh La Thăng:
Thăng văng ra khỏi top 18 nhưng vẫn là top 200 nhân vật quyền lực nhất trên 90 triệu dân VN, còn khối người mơ! Nhưng lần nhớ sau tế nhị hơn chút nha cha nội, làm quá không khéo người đời chép miệng, buông một câu: "Đúng là cái anh ấy làm nghề nghệ sĩ"!
Top 18 là 18 Ủy viên Bộ chính trị quyền lực nhất nước, top 200 là 200 Ủy viên Trung ương đảng, còn câu chuyện nghệ sĩ mà Mường Thanh đề cập là thói quen của ông Thăng hay cầm đàn ca hát trong các buổi văn nghệ phong trào.
Thăng văng ra khỏi top 18 nhưng vẫn là top 200 nhân vật quyền lực nhất trên 90 triệu dân VN, còn khối người mơ!
- Mường Thanh
Cũng trong thời gian diễn ra Hội nghị trung ương năm của đảng cộng sản, ông Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ có nói trong một buổi họp báo rằng: "Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật"?
Nay nhìn lại bản án kỷ luật dành cho ông Đinh La Thăng, tác giả Nguyễn Phương Đông trích lại lời ông Mai Tiến Dũng mà hỏi rằng phải chăng trong thời đại rực rỡ này pháp luật chỉ dành cho dân?
Trong lại vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng, nhà báo Huy Đức viết rằng đảng dùng kỷ luật nội bộ của mình để xử các ủy viên trung ương, ủy viên Bộ chính trị, là điều hợp lý, nhưng hành vi của họ còn làm tổn hại tới lợi ích quốc gia và tiền bạc của dân. Nếu dân không có thực quyền. Nếu không có nhà nước pháp quyền. Nếu các cơ quan tố tụng luôn phải chờ đợi quy trình chính trị này để túm cổ bọn sâu mọt thì những thành tích chống tham nhũng sẽ rất tạm thời và đất nước rất dễ rơi trở lại cái vòng luẩn quẩn.
Tương tự như vậy nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh đặt câu hỏi là những khoản tiền vô cùng lớn mà ông Đinh La Thăng có trách nhiệm trong việc làm thất thoát sẽ có được thu hồi hay không? Ông Chênh nói tiếp nếu những câu hỏi đó tiếp tục kéo dài dằng dặc thì chỉ có nhân dân là thất bại thảm hại trong những cuộc chiến gọi là chống tham nhũng.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/dinhlathang-case-the-law-for-pp-not-important-officials-kh-05152017110845.html/05152017-diemblog-kinhhoa.mp3

Nhà nước Pháp Quyền hay Thần Quyền?

Lê Công Định
Theo VOA-16/05/2017 
Một cảnh sát được người dân Đồng Tâm trả tự do ngày 22 tháng Tư chắp tay lạy tạ dân làng. (REUTERS/Kham)

Lời phát biểu gần đây về tương quan giữa quan và dân của ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, gặp nhiều chỉ trích từ công luận. Câu nói, rằng “nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân, nếu dân sai, thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, thật ra đã truyền tải một thông điệp khá hàm súc, mà có lẽ không cần diễn giải thêm.
Dù vậy, nhân phát ngôn của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, bài viết này chỉ muốn bàn đến quan điểm của đảng cầm quyền về “Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”, một khái niệm mà lúc thiết lập nền chuyên chính vô sản vào năm 1955 tại Việt Nam người cộng sản chưa nghĩ đến. Chỉ sau khi cùng các đảng chư hầu khác của Liên Sô tiến hành cải cách nền kinh tế, đảng cầm quyền mới giới thiệu và du nhập khái niệm đó vào Việt Nam.
Quy phạm đạo đức hay quy phạm pháp luật?
Trong phát biểu của mình, ông Mai Tiến Dũng dùng từ “sai” và “nhận lỗi” để mô tả tính chất và hậu quả của hành vi mà các quan chức thuộc bộ máy công quyền thực hiện trong lúc thi hành công vụ. Sai và lỗi là những yếu tố thuộc phạm trù đạo đức, nên vị Bộ trưởng dường như thừa nhận rằng chức trách của họ bị chi phối bởi các quy phạm đạo đức thuần túy.
Dưới lăng kính quy phạm đạo đức, nếu làm sai thì phải nhận lỗi. Điều này không sai. Tuy nhiên, điều làm mọi người ngạc nhiên là tại sao cơ quan công quyền và quan chức lại chỉ chịu sự chi phối của các quy phạm đạo đức lúc thi hành công vụ, thay vì bởi pháp luật nói chung và luật hành chính nói riêng.
Tuy nhiên, dưới lăng kính quy phạm pháp luật không có hành vi “sai”, mà chỉ có hành vi vi phạm một quy định pháp lý hoặc xâm phạm một quyền luật định. Luật pháp cũng đưa ra khái niệm lỗi [của người vi phạm], nhưng đó là cơ sở của trách nhiệm pháp lý mà chế tài là sự trừng phạt của pháp luật, chứ không đơn thuần nhận lỗi hoặc bị lên án như trong phạm vi đạo đức.
Quản lý nhà nước trong một Quốc gia Pháp trị (Rule of Law) là lĩnh vực được hiến định và luật định, tức là chỉ chịu sự chi phối bởi các quy phạm pháp luật. Tất nhiên, người dân vẫn đòi hỏi tư cách đạo đức của quan chức, nhưng sự lên án về đạo đức không phải là biện pháp chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lúc thi hành công vụ.
Ở đây cần lưu ý, dưới góc độ pháp lý, không có quan chức làm sai, mà chỉ có quan chức vi phạm, và như đã nói vi phạm thì phải chịu trách nhiệm pháp lý và chịu sự chế tài của pháp luật. Do đó, nhận lỗi hay không chỉ liên quan đến uy tín chính trị và đạo đức của quan chức, còn sự trừng phạt của pháp luật mới là điều mà một Quốc gia Pháp trị phải bảo đảm duy trì.
Như vậy, trong quan niệm về Nhà nước Pháp quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật chỉ đóng vai trò thứ yếu chi phối hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan công quyền và quan chức. Khi pháp luật không thủ giữ vai trò quan trọng nhất, thì thế nào là sai hay đúng sẽ không dựa trên cơ sở pháp lý, mà chỉ bằng nhận định cảm tính của các vị quan chức bề trên. Cơ quan công quyền vì thế được vận hành như những triều đình to hay nhỏ mà thôi.
Pháp luật dành cho một phía
Nói như thế không có nghĩa là Nhà nước Pháp quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam không có pháp luật. Pháp luật luôn hiện hữu, nhưng là công cụ để nhà nước cai trị toàn dân. Đến đây, thiết tưởng cần xem lại lý luận của các nhà khai sáng nên học thuyết làm nền tảng của những chế độ cộng sản toàn trị ngày nay.
Lý luận của Chủ nghĩa Marx-Lenin về nhà nước và pháp luật luôn cho rằng ở những xã hội có giai cấp, tức không phải xã hội Việt Nam hiện nay (theo sự phân loại giáo điều Marxisme), pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị được đề lên thành luật, là công cụ để giai cấp bóc lột áp đạt sự cai trị lên đại đa số quần chúng nhân dân lao động bị áp bức và bóc lột. Lý luận này, tuy nhiên, có vẻ mô tả chính pháp luật của nhà nước cộng sản.
Thật vậy, khi chỉ nhấn mạnh trách nhiệm pháp lý về phía người dân, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng vô tình thừa nhận pháp luật chỉ áp dụng cho dân, chứ không dành cho các cơ quan công quyền và quan chức. Pháp luật đó thể hiện ý chí của đảng cầm quyền và là công cụ để họ cai trị nhân dân, đúng như lý luận của Chủ nghĩa Marx-Lenin về pháp luật ở những xã hội có giai cấp bóc lột. Như vậy, ông Bộ trưởng vô tình quay mũi tên công kích những chế độ xã hội bóc lột của Marx và Lenin để đâm ngược lại vào chính đảng cầm quyền ở Việt Nam, nhưng ông đúng.
Chính vì pháp luật chỉ dành cho dân, nên sự diễn giải và áp dụng luật của cơ quan công quyền rất tùy tiện. Ai là sinh viên trường luật ở Việt Nam đều thuộc lòng câu gối đầu giường sau đây: pháp luật được áp dụng tùy thuộc vào tình hình chính trị ở mỗi nơi và mỗi lúc. Đó cũng là quan điểm về pháp luật của các nhà lý luận giáo điều Marxisme, mà ngày nay các nước thuộc khối chư hầu của Liên Sô trước đây đều đã từ bỏ, vì nó đi ngược lại quan niệm về một Quốc gia Pháp trị.
Sự tùy tiện nói trên đưa đến hậu quả tất yếu là tuy pháp luật vẫn hiện hữu nhưng tình trạng vô pháp ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở khắp nơi. Hầu như mỗi ngày đều có thông tin về những trường hợp vô pháp như thế trên các phương tiện truyền thông. Cách xử lý nương tay những quan chức tham nhũng như Đinh La Thăng gần đây, hay các bản án nặng nề dành cho dân đen dù hậu quả pháp lý không lớn là những ví dụ không bao giờ hết về sự vô pháp đó. Nó minh chứng cho điều mà dân gian vẫn truyền miệng, rằng tuy ở Việt Nam có một rừng luật, nhưng chỉ luật rừng được áp dụng.
Điều đáng tiếc là thay vì nhận ra tình trạng vô pháp nghiêm trọng ấy và tìm hướng giải quyết từ bên trong cơ chế luật pháp, các quan chức Việt Nam lại tiếp tục suy nghĩ sai lệch về quyền lực của đảng và trách nhiệm công vụ của mình, luôn tìm cách tránh né sự chế tài pháp lý trong chiếc ô xử lý nội bộ và bằng biện pháp “nhận lỗi” vô thưởng vô phạt. Phát biểu của ông Mai Tiến Dũng đã phản ánh chính xác não trạng như thế của tất cả quan chức trong bộ máy nhà nước hiện nay.
Hình ảnh thực tế của Nhà nước Pháp quyền
Tóm lại, câu nói của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng xứng đáng được xem là danh ngôn, vì nó thể hiện cô đọng và rõ nét nhất về hình ảnh thực tế củaNhà nước Pháp quyền theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hình ảnh đó chắc chắn không tương thích với Quốc gia Pháp trị, theo đó pháp luật được thượng tôn đối với cả quan lẫn dân, và nhà nước vận hành theo cơ chế tam quyền phân lập.
Trong khi đó Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa là một thể chế nhà nước dung nạp vừa quy phạm đạo đức, vừa quy phạm pháp luật. Trong đó, quy phạm đạo đức dành cho cơ quan công quyền và quan chức, còn quy phạm pháp luật chỉ dành cho dân. Hai loại quy phạm đó đều do đảng cầm quyền thiết lập và vận dụng, tùy vào nhận định riêng của các quan chức có thẩm quyền và tùy vào tình hình chính trị ở mỗi nơi và mỗi lúc. Tất cả đều nhằm mục đích tối hậu là bảo vệ quyền lực thống trị độc tôn của đảng cầm quyền đối với nhà nước và xã hội.
Như vậy, trong Nhà nước Pháp quyền, nhà nước phải luôn được bảo đảm ổn định bằng công cụ pháp luật vận hành uyển chuyển theo ý chí chủ quan của đảng cầm quyền. Điều cần lưu ý là do thiếu vắng tinh thần thượng tôn pháp luật, mà thay vào đó là sự thượng tôn quyền lực của đảng, nên hình ảnh của Nhà nước Pháp quyền không phải là Pháp trị, mà là Đảng trị.
Nói ngắn gọn hơn, Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa là thể chế nhà nước và pháp luật của đảng, do đảng và vì đảng.

Ông Phúc đi Mỹ: Thương mại, hay trắng tay?

Theo VOA-16/05/2017 
Phạm Chí Dũng
Ông Nguyễn Xuân Phúc. (REUTERS/Kham)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không kịp đi Hoa Kỳ vào cuối tháng Tư, đầu tháng Năm năm 2017 như tin tức được nêu ra bởi Murray Hiebert - cố vấn cao cấp, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ. Cũng bởi lẽ đó, ông Phúc đã không thể ghi điểm đối ngoại trước khi ông bước vào Hội nghị trung ương 5 của đảng ông - diễn ra vào nửa đầu tháng 5/2017 và đã chấm dứt.
Chỉ còn lại thời điểm cuối tháng 5/2017 là lúc Tổng thống Trump có thể tiếp ông Phúc tại Washington DC.
Đã rõ là có mối liên hệ mật thiết giữa hai chuyến đi cùng mục tiêu của Phạm Bình Minh và Nguyễn Xuân Phúc. Khoảng thời gian từ lúc trang facebook của Chính phủ Việt Nam “đánh tiếng” để Thủ tướng Phúc “sẵn sàng đi Mỹ” cho tới thời điểm chuyến đi “tiền trạm” Hoa Kỳ của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ có 40 ngày - một kỷ lục so với các cuộc thu xếp ngầm trước đây của giới ngoại giao Việt Nam để tổ chức những chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7 năm 2013 và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 năm 2015.
Nhưng xem ra, sự vụ vẫn còn quá ngổn ngang. Từ sau chuyến của bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh vào cuối tháng 4/2017, cho tới giờ vẫn chẳng thấy hé lộ bóng dáng nào của Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) mà giới chóp bu Việt Nam mong ngóng hơn cả. Trong khi đó, rất nhiều khả năng “món quà” của Thủ tướng Phúc sẽ mang đến Washington DC sẽ là một núi vụ việc vi phạm nhân quyền trầm trọng gây ra bởi chính quyền của ông.
Hiệp định song phương thương mại Việt - Mỹ?
Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu và mối quan tâm đầu tiên và trên hết của Việt Nam vẫn là những giá trị thương mại song phương với Hoa Kỳ, sau đó mới là những chủ đề về “xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương” và “giao lưu” quân sự - quốc phòng Việt - Mỹ ở khu vực Biển Đông.
Với Việt Nam, trong khi giấc mơ “GDP Việt Nam sẽ tăng 25% nếu tham gia vào TPP” còn quá xa xôi hoặc đang biến thành cơn mộng du lang thang trên nóc nhà thế giới, việc tiếp tục duy trì được số xuất siêu hơn ba chục tỷ USD hàng năm qua biên giới Hoa Kỳ sẽ là một nhiệm vụ tối hậu và một thành tích chính trị giúp thêm hy vọng cho chế độ Hà Nội trì kéo sự tồn tại thêm ít năm nữa.
Lượng ngoại tệ hơn ba chục tỷ USD thu lợi từ xuất siêu hàng năm sang Hoa Kỳ như thế là vô cùng có ý nghĩa, nếu đối sánh với quốc nạn Việt Nam phải nhập siêu hơn 30 tỷ USD theo đường chính ngạch và 20 tỷ USD theo đường tiểu ngạch mỗi năm từ “đồng chí Trung Quốc”.
Đó là nguồn cơn không thể rõ ràng hơn dẫn đến hành động của giới chóp bu Việt Nam phải bằng nhiều cách, thông qua nhiều kênh, nhằm tiếp cận với tân tổng thống Mỹ để Mỹ tiếp tục ưu ái cho Việt Nam những điều khoản thương mại đã ký kết từ BTA vào năm 2001 và một hiệp định khác giữa Mỹ và Việt Nam liên quan đến việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007.
Nhưng một nguy cơ lớn đang lừng lững ập đến: Sau 15 năm thực hiện BTA mà đã khiến phi mã giá trị giao thương Việt - Mỹ đến hàng trăm lần, chính quyền của Tổng thống Trump đang tiến hành rà soát lại toàn bộ BTA này. Việc rà soát này cũng nằm trong tổng thể lời lên án của Trump về 16 quốc gia có thương mại song phương “gây hại” cho kinh tế Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.
Một hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân”, đồng thời ngưng trệ BTA hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với 15 năm trước đó, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm.
Trong khi đó, một nguồn “ngoại lực” khác là kiều hối về Việt Nam cũng đang sụt mạnh đến hơn 4 tỷ USD trong năm 2016 so với năm 2015, báo hiệu một chu kỳ khó tránh thoát về suy giảm tình cảm của “kiều bào ta” đối với chế độ cầm quyền, càng khiến chân đứng của chế độ này dễ bị vỡ vụn hơn bao giờ hết.
Sẽ về tay trắng?
Mùa xuân năm 2017, Nguyễn Xuân Phúc như được sao chiếu mệnh.
Sau khi bất ngờ được “tập thể Bộ Chính trị tín nhiệm” cho giữ chức thủ tướng tại Đại hội 12 vào đầu năm 2016, ông Phúc một lần nữa đột ngột sáng giá khi sau tết nguyên đán 2017 bắt đầu có dư luận cho rằng Tổng bí thư Trọng có thể “chọn” ông để kế nhiệm chức vụ cao nhất của đảng.
Tương lai bất chợt sáng chói ấy đang nằm cả trong tay Thủ tướng Phúc.
Nhưng tình cảnh tổng thể của đảng lại đang đè nặng lên vai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hơn bao giờ hết, kể từ khi ông hớn hở đón nhận lẵng hoa từ người tiền nhiệm bị bất ngờ gãy đổ là Nguyễn Tấn Dũng.
Trong thực tế, Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm như nhân vật duy nhất trong Bộ Chính trị có khả năng kiếm tiền để nuôi đảng.
Ngay trước mắt, một hiệp định song phương thương mại với người Mỹ, dù chưa được ký nhưng nếu có được một cam kết nào đó có lợi cho phía Việt Nam, và tốt hơn nữa nếu Thủ tướng Phúc “quốc tế vận” thành công ở Tây Âu để Hiệp định song phương thương mại EU - Việt Nam (EVFTA) được ký kết, mang lại nguồn lợi xuất siêu thêm hai chục tỷ USD mỗi năm cho kinh tế Việt Nam, sẽ là những thành tích chính trị nổi bật để Thủ tướng Phúc thẳng tiến để loại các đối thủ chính trị khác, trở thành tổng bí thư mới của đảng CSVN - nếu sớm nhất có thể tại đại hội giữa nhiệm kỳ của đảng vào đầu hoặc giữa năm 2018.
Còn nhớ, Tổng bí thư Trọng cũng bằng vào thành tích “Mỹ cam kết cho Việt Nam vào TPP” trong chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 7/2015, mà đã tiến tới “tôi bất ngờ…” khi tái đắc cử vai trò tổng bí thư tại đại hội đảng CSVN đầu năm 2016.
Có lẽ tâm thế Thủ tướng Phúc cũng đang muốn tái hiện một thành tích tương tự Tổng bí thư Trọng.
Đi Mỹ hay đi châu Âu với hộ chiếu công vụ và bằng tiền thuế bổ đầu dân chỉ là “chuyện nhỏ”. Sống còn hơn nhiều đối với ông Phúc là làm thế nào đi mà không phải trở về với hai bàn tay trắng.
Thế nhưng, giới chóp bu Việt Nam có lẽ đang bị bất ngờ như họ đã từng bị bất ngờ trước chiến thắng của Trump vào cuối năm ngoái. Công thức {Trump + Cộng hòa chiếm lưỡng đảng = Nhân quyền} trong Quốc hội Mỹ đang khiến thái độ của người Mỹ về quyền làm người ở Việt Nam cứng rắn hẳn lên.
Một bức tường quá cao vẫn dựng đứng phía trước cung đường đi Mỹ của Thủ tướng Phúc. Cho tới thời điểm này, vẫn chưa hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam chịu thỏa mãn bất kỳ nội dung nào trong “gói cải thiện nhân quyền” mà người Mỹ, một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần, đặt lại.
Không những không cải thiện nhân quyền mà cũng không chịu trả tự do cho bất cứ tù nhân lương tâm nào, công an Việt Nam còn bắt thêm một nhà hoạt động nhân quyền và đấu tranh chống Formosa là Hoàng Bình vào ngày 15/5/2017. Vụ bắt bớ này có thể được xem là một thách thức lớn vỗ mặt đối với yêu cầu cải thiện quyền của người lao động do người Mỹ đặt ra, đơn giản bởi Hoàng Bình chính là Phó chủ tịch Phong trào Lao Động Việt - một tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam tranh đấu cho lợi ích người lao động và công đoàn độc lập.
Chưa đi, nhưng đã có thể dự liệu kết quả. Nếu kết quả của Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 21 vào nửa cuối tháng 5/2017 chỉ là con số 0 tròn trĩnh, tức chính quyền Việt Nam vẫn không chịu cải thiện và nếu có “cải thiện” thì cũng chẳng có gì kiểm chứng được, sẽ chẳng nên ngạc nhiên nếu chuyến công du Hoa Kỳ vào cuối tháng 5/2017 của Thủ tướng Phúc rất có thể phải ra về tay trắng.