Wednesday, July 20, 2016

‘Siêu ủy ban’ quản lý vốn nhà nước và thất bại của SCIC

Có lẽ để “sửa sai” từ chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa đưa ra kế hoạch sẽ thành lập “Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”. Cơ quan này còn được coi là “siêu ủy ban” nhằm mục tiêu “quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, góp phần phân bổ hợp lý và nâng cao hiệu quả và sử dụng nguồn lực xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao sức mạnh quốc gia và phúc lợi xã hội”.


Ảnh: CafeF
Dự kiến có 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ, gồm Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Tài chính, Thông tin truyền thông, Xây dựng và Y tế.
Trong danh sách này, chiếm chủ đạo là các doanh nghiệp của Bộ Công thương với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty.
Một tổ chức phân tích tài chính là CafeF cho biết: tổng tài sản của nhóm doanh nghiệp dự kiến chuyển giao cho Ủy ban trên vào khoảng 2.2 triệu tỷ đồng – tức xấp xỉ 100 tỷ USD, tương đương gần ½ GDP của Việt Nam.
Đáng chú ý là Ủy ban mới này cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập với chức năng tương tự như của Ủy ban mới này.
SCIC được thành lập vào năm 2005, tức cách đây đến 11 năm. Vào lúc thành lập, SCIC đã được giới chức quản lý và báo chí nhà nước tung hô như một cơ quan sẽ giúp cho bộ máy quản lý tinh gọn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Tuy nhiên, khoảng thời gian tồn tại hàng chục năm qua của SCIC cũng trùng với thời gian diễn ra phong trào tham nhũng ghê gớm nhất ở Việt Nam, tồn tại dưới “triều đại Nguyễn Tấn Dũng”. Cho đến những năm gần đây, rất nhiều dư luận xã hội đã cho rằng SCIC đã không làm gì khác ngoài việc lấy vốn nhà nước đi gửi ngân hàng để lấy lãi hặc chỉ bỏ tiền vào những vụ việc mang màu sắc “trục lợi chính sách”. Trong khi đó, vốn nhà nước ở nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn đều đặn thất thoát (Vinashin, Vinalines…).
Có thể nói, việc thành lập “Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp” là một sự thừa nhận gián tiếp về thất bại của mô hình SCIC.
Trước đây, Chính phủ cũng đã từng thành lập Tổng cục quản lý vốn nhà nước, nhưng cuối cùng đã thất bại và phải giải thể.
Theo một số dư luận, việc thành lập “Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp” không chỉ “bình mới rượu cũ”, mà còn mang ý nghĩa tập quyền hơn nữa về quản lý và chi dùng tài chính cho chính phủ, và qua đó cho đảng cầm quyền, thay vì để phân tán nguồn lực tài chính ở các bộ chuyên ngành mà dễ phát sinh “cát cứ quyền lực”.
07/20/2016 - 20:14
Lê Dung / SBTN

Công an Quảng Bình ém nhẹm 2 tháng nguyên nhân thợ lặn Formosa tử nạn

Ảnh: Người Lao Động
Công an huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, vừa gửi cho gia đình một thợ lặn làm việc cho công ty Formosa, thông báo kết quả điều tra về vụ tử vong của người thợ lặn, sau chuyến lặn biển trong thời gian xảy ra thảm họa cá chết hàng loạt.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, thợ lặn Lê Văn Ngày, 46 tuổi, đã qua đời do bị suy tim cấp, không phải do nhiễm độc trong nước biển. Giám định pháp y được đề ngày 10 tháng 5, nhưng đến nay đã hơn 2 tháng, gia đình nạn nhân mới nhận được. Nếu tính từ ngày nạn nhân tử vong là ngày 24 tháng Tư, đến nay đã được gần tròn 3 tháng.
Truyền thông trong nước hôm nay cho biết, gia đình nạn nhân tỏ ra rất bất mãn, vì một thông báo quan trọng như vậy đã bị công an huyện ém nhẹm hơn 2 tháng trời. Ngoài ra, gia đình cũng cho rằng lý do ông Ngày chết do suy tim không có tính thuyết phục, bởi vì nhóm công nhân cùng lặn với ông cũng có những dấu hiệu tương tự nhưng nhẹ hơn.
Vào ngày 22 tháng 4, sau khi lặn xuống biển trong công tác xây dựng đê chắn sóng cảng biển Sơn Dương, thuộc dự án nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh, ông Lê Văn Ngày và một số thợ lặn khác thuộc công ty Nibelc có những triệu chứng ho, tức ngực và khó thở. Chiều ngày 24 tháng 4, ông Ngày lại có thêm triệu chứng cứng quai hàm rồi ngất xỉu. Ông được đưa đến phòng y tế của công ty để kiểm tra rồi chuyển đến bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình để cấp cứu. Vào đến bệnh viện thì ông đã tử vong.
Huy Lam / SBTN

Thanh Hóa: Dân bị ‘tra tấn’ vì mùi cá chết

Xác cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt hồ Thùng Mục gây hôi thối kinh hoàng. (Hình: Thanh Niên)
Xác cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt hồ Thùng Mục gây hôi thối kinh hoàng. (Hình: Thanh Niên)
THANH HÓA (NV) – Những ngày qua, cá nuôi tại hồ Thùng Mục, phường Ðông Vệ, thành phố Thanh Hóa, chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối xộc vào nhà dân xung quanh và gây ô nhiễm môi trường.
Báo Thanh Niên ngày 20 tháng 7, loan tin, người dân sống quanh hồ Thùng Mục, rộng gần 2,000 mét vuông nhiều ngày qua phải khốn khổ chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc từ nước hồ và xác cá đang trong quá trình phân hủy. Nhiều nhà dân phải đóng cửa suốt ngày đêm, đeo khẩu trang cả lúc đi ngủ vì mùi hôi thối.
Theo người dân cho biết,cá nuôi tại hồ bắt đầu chết từ ngày 14 tháng 7, nhiều nhất vào ngày 17 và sáng 18 tháng 7, với hàng trăm ký cá nổi trắng trên mặt hồ. Hồ này nằm giữa khu dân cư, được ủy ban phường Ðông Vệ cho công ty bia Thanh Hóa thuê lại từ nhiều năm nay để làm hồ điều hòa chứa nước thải. Nước thải sau khi tích tại hồ sẽ được xả vào hệ thống dẫn nước thải của thành phố Thanh Hóa ra môi trường. Tuy nhiên, công ty này lại cho một hộ dân ngụ tại phố Mật Sơn 2, thuê nuôi cá.
Bà Nguyễn Thị Toàn, tổ trưởng tổ dân phố Mật Sơn 2, cho biết, công ty bia Thanh Hóa xả nước thải ra hồ Thùng Mục liên tục 24/24 giờ/ngày, với lượng rất lớn. Nước thải thường rất đục, có màu vàng, đen hoặc đỏ, bốc mùi rất khó chịu.
“Bình thường nước hồ đã rất hôi thối, giờ thêm mùi cá chết, trong khi trời nắng nóng như đổ lửa thế này, chúng tôi không thể nào chịu nổi. Người lớn đi làm cả ngày thì còn đỡ, chứ người già, trẻ nhỏ ở nhà chỉ biết đóng cửa, bịt khẩu trang suốt ngày,” bà Toàn bất bình nói.
Bà Toàn cũng cho hay, việc cá nuôi bị chết đã từng xảy ra vào các năm 2008, 2010 và 2013. Người dân đã nhiều lần báo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, nhưng không có ai đứng ra xử lý.
Thế nhưng, nói với phóng viên báo Thanh Niên, ông Lê Trọng Thụ, phó chủ tịch thành phố Thanh Hóa cho rằng, Phòng Tài Nguyên Môi Trường thành phố Thanh Hóa đã lấy mẫu nước hồ Thùng Mục gửi đi phân tích, tìm nguyên nhân. “Ðể làm rõ nguyên nhân của tình trạng nước trong hồ bị ô nhiễm, chúng tôi cần có thời gian để kiểm tra quy trình xử lý nước thải và xả nước thải ra hồ của công ty này,” ông Thụ nói.

Trong khi đó, trưa 18 ngày 7, công ty bia Thanh Hóa đã bịt đường ống xả nước thải xuống hồ. Những ngày qua, công ty này cũng đã huy động nhân viên vớt xác cá nổi trên mặt hồ để hạn chế tình trạng ô nhiễm. (Tr.N)
20-07-2016

Nỗi khổ của hành khách tàu lửa Bắc Nam

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-07-20  
SE7.jpg
Hành khách mua vé phụ trên tàu SE7.  RFA
Hành khách đi tàu lửa Bắc Nam, trên những chuyến tàu SE, tức là tàu hạng sang của đường sắt Việt Nam hiện tại sẽ khó quên cảm giác khi ngồi trên một con tàu hết sức lộn xộn và chẳng khác nào những chuyến tàu thời kinh tế tập trung bao cấp. Nếu có đủ tiền và đi sớm thì có thể mua được những tấm vé tốt, ngược lại, một khi có ít tiền hoặc đi muộn, chấp nhận mua ghế phụ thì cảm giác ngồi tàu sẽ là một kinh nghiệm tệ hại, khó tả.
Vật vạ giống thời bao cấp
Ngồi ghế phụ rất phiền phức, vì phải liên tục đứng lên, dẹp ghế để nhân viên người ta đẩy quầy thức ăn lưu động đi tới đi lui. Nguyên một đêm không ngủ được.
- Anh Năng
Gặp chúng tôi trên chuyến tàu SE7, xuất phát từ Hà Nội vào thành phố Sài Gòn, một hành khách tên Năng, mua vé ghế phụ đi từ Quảng Trị về ga Long Khánh, Đồng Nai, chia sẻ:
“Ngày có hai chiếc SE thôi nên nói hợp lý cũng không được mà không hợp lý thì cũng không được. Mình đi muộn thì phải ngồi nghế phụ, ngồi ghế phụ thì rất phiền phức, vì phải liên tục đứng lên, dẹp ghế để nhân viên người ta đẩy quầy thức ăn lưu động đi tới đi lui. Nguyên một đêm không ngủ được. Hành lý thì không biết bỏ đâu. Nói chung là không hợp lý, khó nói lắm!”
Ngồi ghế phụ rất phiền phức, vì phải liên tục đứng lên, dẹp ghế để nhân viên người ta đẩy quầy thức ăn lưu động đi tới đi lui. Nguyên một đêm không ngủ được.
- Anh Năng
Ông Năng cho biết là theo qui định của nhà ga, hành khách có thể mua vé trước khi tàu khởi hành nửa giờ trở lên, lúc ông đến ga vẫn sớm hơn một giờ đồng hồ so với giờ tàu khởi hành. Nhưng ông không thể nào mua được vé chính để lên tàu, người bán vé khuyên ông nên mua vé ghế phụ. Và khi lên tàu thì ông mới hiểu ghế phụ chính là những chiếc ghế nhựa đặt dọc hành lang các toa mà theo qui định của ngành đường sắt thì các đường hành lang bên ngoài phòng khách chỉ dành để đi lại chứ không phải là nơi đặt ghế cho khách.
Chính vì bị ngồi trái qui định nên mọi quyền lợi của một hành khách hoàn toàn không có đối với người mua vé ghế phụ. Mỗi khi các xe chở hàng ăn uống của nhà ga đẩy ngang qua hành lang, khách ghế phải đứng dậy, mang ghế đi chỗ khách nhường lối. Chuyện này lặp đi lặp lại khá nhiều lần trong một chuyến đi, người ngồi ghế phụ không tài nào chợp mắt mặc dù quá mệt mỏi.
Đặc biệt, những túi hành lý, người ngồi ghế phụ buộc phải mang lại nơi góc cửa lên xuống để chất thành đống ở đó rồi cử người thay phiên nhau ngồi canh, bởi nhà ga luôn khuyến cáo khách đề phòng mất cắp, móc túi và bán hàng đểu. Mỗi khi tàu dừng ở ga trung chuyển, những người ngồi ghế phụ lại loay hoay mang hành lý đi tránh để có đường khách lên xuống tàu.
Ông Dõng, một hành khách khác cũng lên tàu từ ga Đông Hà, Quảng Trị theo diện ghế phụ, cho biết thêm:
000_Hkg3679792.jpg
Hành khách đi tàu lửa từ Hà Nội đến Sài Gòn. Ảnh chụp ngày 9 Tháng sáu năm 2010. AFP PHOTO
“Nó bảo mua ghế phụ mà cuối cùng ngồi ghế nhựa chỗ hành lang người ta đi qua đi lại cả đêm. Khi khách xuống rồi, phòng trống, mình muốn vào trong nằm một chút cũng không được, nó khóa phòng hết. Mình mua vé 399.000 đồng đi từ Đông Hà vào Long Khánh, ngồi cả đêm làm sao chịu nổi. Cách hành xử của nhà tàu cũng khó nói lắm!”
Ông Dõng buồn bã đưa ra nhận xét, thái độ của nhân viên ngành đường sắt có thể nói là ở dưới mức văn hóa thông thường, bởi dù sao thì khách hàng cũng là thượng đế, không thể xem thường những người mua vé ghế phụ như ông được bởi ông cũng phải bỏ tiền ra mua vé như mọi hành khách khác. Ông không rõ thái độ của nhân viên đường sắt đối với người mua vé có phòng riêng, giường riêng như thế nào nhưng với người mua vé ghế phụ, họ rất xem thường và đôi khi có dấu hiệu hỗn láo. Bởi một nhân viên có thể nhỏ hơn ông vài chục tuổi, đáng tuổi con ông đã quát ông đứng dậy khi anh ta đẩy xe thức ăn đi qua hành lang như quát một đứa trẻ.
Ông Dõng bày tỏ sự bức xúc của mình và mong muốn ngành đường sắt phải có những điều chỉnh hợp lý để tránh tình trạng nhân viên có hình ảnh và hành động không đẹp với hành khách.
Không thể quản lý bởi hỏng từ gốc tới ngọn
Nhận xét về vấn đề cơ chế quản lý nhân viên cũng như tình trạng kinh doanh của ngành đường sắt hiện tại, một quan chức ngành đường sắt không muốn nêu tên, chia sẻ:
“Ngành này hết 90%, trước đây Hà Nội cũng vậy, Sài Gòn cũng vậy, bây giờ bán vé trên hệ thống điện tử, nhưng cũng không tránh khỏi nạn này, giờ Đà Nẵng cũng có chút chút…”
Vị này cho biết thêm là tình hình quản lý của ngành đường sắt Việt Nam nói chung đến nay hết sức lộn xộn, khó bề ổn định. Bởi hệ thống tổ chức quản lý không thể nào quan sát được lượng vé bán ra trên thực tế do nạn cò vé chợ đen, nạn ém vé và bán chỗ ngay trong chính nhân viên ngành đường sắt. Đây là chuyện không thể quản lý được.
Ra trực tiếp ngoài ga có người đó rồi, cứ gặp mấy bà giữ xe, cò bán hàng rong thì có liền. Nhiều vé có 50 ngàn đồng thôi, tùy vào từng nhà ga.
- Anh Cường
Lấy một ví dụ về nạn ém vé, vị này nói rằng tàu SE là tàu đặt biệt chạy xuyên Bắc – Nam nhưng lại bán vé cho từng chặng, vé do các ga mỗi tỉnh điều tiết. Người bán vé có thể thông đồng với nhân viên kiểm sát của các toa tàu để ém vé, ăn chia 50%. Và khi khách mua vé từ chặng A đến chặng B, nhân viên bán vé có thể báo với khách là đã hết vé theo loại khách yêu cầu nhưng lại báo về trung tâm là ghế đó bỏ trống. Thực ra thì ghế đó hoàn toàn không bỏ trống bởi các nhóm cò vé chợ đen trước đây sau bị bị ngành đường sắt xóa sổ ở các sân ga, họ chuyển sang cò người, họ sẽ tìm khách, hứa chỗ tốt và nhân viên bán vé sẽ đảm bảo giữ chỗ cho họ.
Điều này dẫn đến tình trạng tàu luôn đông khách, chật chội nhưng vé bán ra thì không được bao nhiêu. Bởi đã có sự ăn chia giữa nhân viên bán vé tàu với các cò khách và nhân viên kiểm sát. Đây là một hệ thống ăn chia khá nhịp nhàng.
Cường, một hành khách mua được chỗ ngồi giá rẻ nhưng không có vé trên chuyến tàu SE7, chia sẻ:
“Ra trực tiếp ngoài ga có người đó rồi, cứ gặp mấy bà giữ xe, cò bán hàng rong thì có liền. Nhiều vé có 50 ngàn đồng thôi, tùy vào từng nhà ga…”
Cường chia sẻ thêm là việc mua vé này không khó, kinh nghiệm đi tàu cho anh biết chỉ cần đến ga, tìm những quán bán hàng rong, quà vặt trong ga và đặt vấn đề, nhờ họ mua chỗ giùm, thậm chí có thể mua từ những cò chỗ qua mạng internet, khi họ đồng ý, giá vé sẽ rẻ còn 30% giá qui định. Ví dụ như đi từ Đồng Hới vào Đà Nẵng, nếu mua vé thì mất 330 ngàn đồng, nhưng nếu mua chỗ thì mất chỉ có 100 ngàn đồng.
Cùng đi với Cường có thêm một nhóm bạn hơn mười người, tất cả họ đều mua chỗ chứ không mua vé. Cường cho biết thêm là hiện tại, với khoản chi phí eo hẹp của một sinh viên năm cuối nên các bạn trong nhóm phải chọn cách mua chỗ mặc dù vẫn biết làm như vậy là tiếp tay cho tội ác. Cường nhận xét thêm rằng đi trên một chuyến tàu xuyên Bắc Nam lại cho thấy hình ảnh đất nước, đất nước giống như một đoàn tàu chở đầy những con sâu đục thân.

Chúng ta / Chúng nó & Tiếng nước mình

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến - Có lần, tôi (trộm) nghe giáo sư Đỗ Mạnh Tri nói rằng:"Rồi chế độ toàn trị sẽ chấm dứt tại Việt Nam. Nhưng người Việt Nam không thể xây dựng đất nước bằng cách phủ định thực tại Việt Nam. Trong thực tại ấy, có Mác." 

Thế còn Mao? Học thuyết Marx - Lénine, tư tưởng Mao Trạch Đông và tác phong Hồ Chí Minh mà. Chính Mao (chứ không phải là Hồ) mới là soạn giả của thảm kịch Cải Cách Ruộng Đất, và là tác giả của của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với sản phẩm phụ là vô số những từ ngữ thô bạo phát sinh ngay sau khi ĐCSVN phóng tay phát động quần chúng:

"Cán bộ: 'Tại sao thằng hào Thức nó lại sướng cao độ thế?'

Chị cốt cán: 'Nó sướng cao độ thế là vì nhà nó đi bóc lột nhân dân.'

Cán bộ: 'Thế tại sao chị lại khổ cao độ thế?'

Chị cốt cán:'Em khổ cao độ thế là vì em bị nó bóc lột em trên một cái vấn đề đi ở cho nó mười mấy năm.' 'Hôm nay em không đi họp được vì nhà em nó cứ khống chế em.'

Chúng ta không được phóng tay lỏng lẻo, mà phải phóng tay chặt chẽ.

Bần cố nông là con đẻ Cụ Hồ, dân nghèo là con nuôi thôi, nên mới đề ra chiếu cố.

Vì giai cấp địa chủ bóc lột mấy nghìn năm nay nên chị Phước mới bị toét mắt." (Trần Dần – Ghi chép về Cải cách Ruộng đất ở Bắc Ninh 1955-1956. Phạm Thị Hoài biên soạn).

Ở thời điểm này, có lẽ, vì ngôn ngữ cách mạng chưa kịp đi sâu vào lòng quần chúng nên mẫu đối thoại thượng dẫn (nghe) vẫn còn hơi ngọng nghịu. Với thời gian, cùng với cuộc chiến giải phóng miền Nam, ngôn từ chiến tranh mới trở nên phổ cập và mỗi lúc một thêm... nhuần nhuyễn:

"Có một lần từ mặt trận đường 9 ghé về thăm nhà, tôi gặp đúng đêm máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội. Còi báo động từ Nhà hát Lớn rú vang. Quầng sáng ánh đèn điện phía nội thành bỗng như dụi tắt bớt. Rồi những chùm đạn phòng không đỏ lừ thun thút lao lên vòm trời. Rồi bom nổ phía Yên Viên, Cầu Giát… 

Còi báo yên, đàn chó trong làng vẫn sủa râm ran, đường làng ngõ xóm vẫn rậm rịch bước chân người, không một ai ngủ lại cả. Các cô các chị thức thẳng từ lúc đó cho tới lúc quẩy gánh rau húng, rau thơm tới các phiên chợ sớm. Người làng Láng chia sẻ âu lo với người nội thành như thế đấy!

Giữa phút tĩnh lặng, nghiêm trang ấy tôi bỗng nghe có tiếng gì động mạnh như tiếng ai đập chiếu trên mặt ao, tiếng đổ vỡ loảng xoảng, ngay sau đó là tiếng kêu la của một người đàn bà:

“Ối bà con xã viên đội một, đội hai, đội ba, đội bốn ơi! Lão chồng tôi tàn ác, thâm độc như đế quốc thực dân. Nó đánh tôi trường kỳ, gian khổ như thế này làm sao tôi chịu nổi?”
...

Đêm sau máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá Hà Nội. Đúng vào giây phút không ai chợp mắt nổi ấy, bà Hin lại chạy bổ ra đường la hét váng động cả xóm:

“Ới bà con xã viên ơi! Chiều nay lão chồng tôi không nấu cơm cho tôi ăn. Nó còn giấu biệt hòm gạo đi. Nó rắp tâm triệt hạ kinh tế tôi đấy mà!” (Tô Hoàng - "Nỗi Buồn Lâu Qua." Talawas blog).


Chiến lược, cũng như chiến thuật, trong trận chiến giữa bần nông và phú nông Việt Nam được chỉ đạo sát sao từ nước XHCN anh em Trung Quốc. Cuộc chiến Bắc/Nam cũng vậy. Không ít lương thực, vũ khí, đạn dược, cùng vô số những từ ngữ (mới) cũng đều được chi viện từ nước bạn láng giềng: bảo quản, bồi dưỡng, cải thiện, đại trà, đăng ký, đề xuất, đột xuất, động viên, kiểm điểm, kiểm thảo, hộ khẩu, hộ chiếu, hộ lý, khẩn trương, nhất trí, quản lý, sư trưởng, sự cố, tham quan, thiết kế, tranh thủ, trợ lý, xuất khẩu, xử lý...

Nguồn ảnh: nhabe.hochiminhcity.gov.vn

Nhà phê bình văn học & văn hoá Vương Trí Nhàn cho rằng: “Cái mà ta gọi là giáo dục miền Bắc chỉ là sự kéo dài của lối phát triển giáo dục trong chiến tranh... Giáo dục chiến tranh, do dó, luôn luôn là một nền giáo dục dở dang chắp vá, mà lại vẫn phải khoác cho mình cái chức danh lớn lao của một nền giáo dục mới mẻ, cách mạng...”

Đôi lúc, tôi còn nghĩ thêm là tiếng nói của miền Bắc (trong nhiều thập niên qua) cũng thế, cũng là thứ ngôn từ của thời chiến chinh, cũng “chắp vá, mà lại vẫn phải khoác cho mình cái chức danh lớn lao... cách mạng.”

Chiến cuộc rồi tàn. Bắc/Nam thống nhất. Nam/Bắc hoà lời ca. Nhiều triệu người dân (ở vùng địch tạm chiếm) ca không nổi nên đã liều mạng đâm xầm ra biển, hoặc ù té bỏ chạy thục mạng qua biên giới xứ người. 

Họ chết bờ, chết bụi, chết dấm, chết dúi, chết đói, chết khát, chết đâm, chết chém, chết đạn, chết mìn, chết chìm, chết nổi, chết trôi, chết đuối (ôi thôi) nhiều vô số kể! Đám này chết “cũng tốt thôi” vì toàn là những kẻ thuộc thành phần “bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, chạy theo bơ thừa sữa cặn...” - theo như nguyên văn lời giải thích của Chính Quyền Cách Mạng với dư luận thế giới bên ngoài, và với lũ cột đèn (còn) kẹt lại. 

Không hiểu những người vượt biên đã hành nghề ma cô, đĩ điếm và tổ chức trộm cướp ra sao - nơi đất lạ quê người - nhưng số lượng "bơ thừa sữa cặn" mà họ gửi về cố hương đã (lắm phen) cứu được toàn dân, cũng như toàn Đảng thoát chết... vì đói khát!

Từ đó, Đảng mới “dũng cảm” đổi mới tư duy và – đồng thời – đổi giọng. Những kẻ phản bội tổ quốc (qua đêm) bỗng trở thành “khúc ruột xa ngàn dặm,” và là “thành phần không thể thiếu trong đại gia đình dân tộc." Nghị Quyết số 36-NQ/TƯ - về “Công Tác Ðối Với Người VN Ở Nuớc Ngoài”- đã ra đời (hơi muộn) vào ngày 26 tháng 3 năm 2004, dựa trên cơ sở đó. 


N.Q này, tiếc thay, không phát huy được chút hiệu quả nào ráo nạo. Những khúc ruột xa ngàn dặm vẫn nhất định giữ nguyên thái độ xa cách, và coi mọi thứ "ma zê in" Việt Nam (Bộ chính Trị, Chính Phủ, Nhà nước, Quốc Hội... ) đều không khác gì những nùi giẻ rách - kể cả những hạn từ trong tiếng nói hằng ngày mà họ gọi một cách miệt thị là chữ Vẹm hay chữ Việt Cộng:

Chúng ta nói là “phát ngôn viên” thì chúng nói là: “người phát ngôn”

Chúng ta nói là “thăm viếng” thì chúng nói là “tham quan”

Chúng ta nói là “ghi danh” thì chúng nói là “đăng ký”

Chúng ta nói là “đá bóng” thì chúng nói là “bóng đá”

Chúng ta nói là “yếu điểm” thì chúng nói là “điểm yếu”

Chúng ta nói là “trở ngại” thì chúng nói là “sự cố”

Chúng ta nói là “xuất cảng” thì chúng nói là “xuất khẩu”

Chúng ta nói là “liên lạc” thì chúng nói là “liên hệ”

Chúng ta nói là “hiểu rõ” thì chúng nói là quán triệt”.

Chúng ta nói là “viên chức” thì chúng nói là “quan chức”.

Chúng ta nói là “chuyển âm” thi chúng nói là “lồng tiếng”.

Chúng ta nói là“dẫn giải” thì chúng nói là “thuyết minh”.

Nguồn ảnh: tếu.blogspot.com

Tôi vốn tính hơi ba phải nên rất sợ chuyện chia phe; đã thế, khi nhìn thấy một đường ranh rạch ròi, phân chia bạn/thù (quyết liệt) giữa "chúng ta/chúng nó" thì không khỏi sinh lòng ái ngại, cùng với đôi chút băn khoăn. 

Uả, chớ "chúng" là ai vậy – hả Trời?

Chúng có phải là vài chục triệu đồng bào miền Bắc, những nạn nhân đầu tiên của chế độ hiện hành, những kẻ đã bị tra tấn không ngừng - từ hai phần ba thế kỷ qua - bởi cả một cái hệ thống truyền thông (loa/ đài/ sách/ báo) của ĐCSVN không? 

Chúng - không chừng - cũng dám là ông hay bà hàng xóm, những người cùng đi chung chuyến vượt biên với chúng ta (hai ba mươi năm trước) chớ ai? Chúng ta nhờ may nên đến được Bangkok, còn họ vì xui nên phải vào ngồi (bóc lịch) ở Băng Ki. 

Và chúng có phải là những người trẻ cỡ tuổi con cháu của chúng ta, sinh ra và lớn lên "trong lòng cách mạng," chưa bao giờ có dịp tiếp xúc với một thứ ngôn từ nào khác ngoài tiếng Vẹm (hay tiếng Việt Cộng) không?

Ngôn ngữ có đời sống và tuổi thọ riêng của nó. Sinh mệnh của cái được gọi là tiếng Vẹm; tuy thế, tuỳ thuộc không ít vào sự tồn vong của chế độ hiện hành. 

Tiếng Việt Cộng chỉ thôi phổ cập, và dần bị đào thải, sau khi chế độ này không còn có thể tiếp tục hoành hành nữa. Và việc dứt điểm nó sẽ không thể xẩy ra nếu mọi người vẫn cứ giữ khư khư cái lằn ranh phân chia bạn/thù ("chúng ta/chúng nó") giữa lòng dân tộc. 

21.07.2016


Quốc hội không bàn phán quyết Biển Đông do bị chỉ đạo?

Lễ khai mạc của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12. (Ảnh tư liệu ngày 21/1/16)
Lễ khai mạc của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12. (Ảnh tư liệu ngày 21/1/16)

An Tôn
VOA-20.07.2016
Quốc hội thứ 14 của Việt Nam đã bắt đầu phiên họp đầu tiên vào sáng 20/7. Một trong những việc quan trọng trong kỳ họp là bầu các lãnh đạo hàng đầu của đất nước.
Gần như chắc chắn Quốc hội khóa này – được bầu ra trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 – sẽ bỏ phiếu để bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Đại Quang vẫn sẽ là Chủ tịch nước và ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn là Thủ tướng. Ba nhân vật này đã được bầu vào các vị trí vừa kể bởi Quốc hội khóa trước đã kết thúc nhiệm kỳ hồi tháng Tư.
Việc bầu lại ba vị trí lãnh đạo hàng đầu chỉ có tính chất thủ tục. Từ sau cuộc bầu cử Quốc hội đến nay, đã có nhiều ý kiến của nhân dân trên mạng xã hội về sự rườm rà, lãng phí khi phải thực hiện thủ tục bầu và tuyên thệ cho cùng một dàn lãnh đạo cao cấp tới hai lần. Với tư cách cử tri, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Hoàng Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhận xét với VOA:
"Người dân người ta biết được chất lượng của Quốc hội hay là của những cái bình bầu đều không phản ánh trung thực mà nó được sắp xếp đâm ra người ta coi nó trở thành hình thức. Thì cái việc đấy, tất nhiên là từ cái việc thủ tục đến cái hình thức thì tất nhiên tốn chi phí của dân thì người ta phản ứng là điều dĩ nhiên."
Báo chí Việt Nam đưa tin trong kỳ họp kéo dài đến ngày 29/7, Quốc hội sẽ quyết định về cơ cấu và các thành viên Chính phủ, bao gồm cả việc phê chuẩn các phó thủ tướng và các bộ trưởng. Tin cho hay Quốc hội sẽ dành khoảng hai ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và một số nội dung quan trọng khác.
Nền kinh tế Việt Nam phát triển ở mức vừa phải, trong sáu tháng đầu năm có mức tăng GDP là 5,5% so với mức 6,3% của cùng kỳ năm trước. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 19/7 cho rằng kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại do nông nghiệp bị ảnh hưởng của hạn hán nghiêm trọng và tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp đã giảm xuống.
Ngoài ra, tại kỳ họp, chính phủ sẽ gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về nguyên nhân các vụ tai nạn máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay tìm kiếm cứu nạn hồi giữa tháng 6, và báo cáo về tình trạng cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền trung hồi đầu tháng 4.
Thông tin từ cuộc họp báo của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trước khi Quốc hội khai mạc cho thấy sẽ không có phiên thảo luận nào về phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) về Biển Đông, vốn là một mối quan tâm lớn của cử tri, đồng thời là một vấn đề sát sườn với lợi ích của Việt Nam. Nhà hoạt động Hoàng Dũng, người đã biểu tình chớp nhoáng trước Lãnh sự quán Trung Quốc để hoan nghênh phán quyết của PCA, đưa ra bình luận:
"Nó cũng chỉ thêm bằng chứng là Quốc hội này không hoàn toàn tự chủ mà họ toàn theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản thôi. Theo tôi thì Quốc hội tối thiểu phải ra một tuyên bố về Biển Đông, tuyên bố về PCA, và có thể là tuyên bố về đường lưỡi bò. Tối thiểu phải thể hiện một quan điểm. Dù có thể là một quan điểm bị chỉ đạo hay bị kiểm soát nào đấy thì Quốc hội cũng nên có để tỏ ra rằng mình đang tồn tại. Chứ Quốc hội lại không có thông tin gì về vấn đề này thì sẽ lại càng bị người dân không coi trọng."
Trong tổng số 494 đại biểu Quốc hội chỉ có 20 người không phải là đảng viên cộng sản. Ông Hoàng Dũng nói ông sẽ gửi thư hoặc tin nhắn đến đại biểu Trương Trọng Nghĩa của thành phố Hồ Chí Minh để chất vấn về vấn đề này. Ông Nghĩa được xem là một đại biểu hay phát biểu thẳng thắn về những vấn đề quan trọng hoặc gai góc.
Lâu nay, cử tri Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ trên mạng xã hội và đôi khi trên báo chí chính thống rằng Quốc hội cần làm rõ những thông tin về Việt Nam đang nắm giữ những gì ở Biển Đông, cũng như đang phải đối mặt với những vấn đề pháp lý, chủ quyền và quân sự nào. Cử tri cũng nhiều lần đề nghị Quốc hội phải sớm đưa ra luật biểu tình để người dân có thể biểu đạt quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông và các vấn đề khác mà không sợ bị công an, an ninh ngăn chặn, bắt bớ.

Sau phán quyết của PCA, nhân dân vui mừng, lãnh đạo e dè

Người Việt vui mừng tuần hành ở Manila trước khi Toà Trọng tài LHQ ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, 12/7/2016, Philippines.
Người Việt vui mừng tuần hành ở Manila trước khi Toà Trọng tài LHQ ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, 12/7/2016, Philippines.

Bùi Tín
Theo VOA-20.07.2016

Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) ở la Haye đã công bố phán quyết về vụ kiện của Philippines chống Trung Quốc về chủ quyền ở vùng biển Đông và quyền sở hữu một số đảo nhân tạo trong vùng.
Vụ kiện khởi sự ngày 22/1/2013, theo đơn kiện của Philippines, chiếu theo Công ước về Luật Biển (UNCLOS) được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1982. Chiếu theo Phụ lục VII của Công ước, Tòa án PCA có quyền giải quyết các vụ kiện quốc tế liên quan đến các quyền trên Biển. Hội đồng xét xử có 5 thành viên từ các nước Ghana, Pháp, Ba Lan, Đức và Hà Lan. Từ ngày 13/7/2015 Tòa PCA cho phép các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam được dự các phiên tòa với danh nghĩa là quan sát viên.
Đoàn Philippines, bên nguyên, rất đông, có lúc đến 80 người, gồm các nhà luật học, sử học, địa lý, hải dương học, ngoại giao, chuyên gia về môi trường, xã hội dân sự, và các nhà báo. Họ cung cấp nhiều tài liệu lịch sử và hiện tại dày đến 7.000 trang để tòa xem xét.
Trung Quốc một mực phủ nhận phiên tòa, coi vấn đề chủ quyền của họ trong tòan vùng biển Đông theo hình lưỡi bò do họ tự vẽ ra là thuộc chủ quyền cốt lõi từ lịch sử cổ xưa, không ai có quyền tranh cãi. Họ từ chối tham dự phiên tòa, không cung cấp tài liệu, còn tuyên bố là phán quyết của PCA là vô giá trị, còn dọa sẽ phủ định luôn cả Công Ước của Liên Hiệp Quốc. Mặt khác, Trung Quốc tỏ ra rất lo sợ về phán quyết của PCA. Họ huy động bộ máy truyền thông báo chí, ngoại giao tranh thủ mua chuộc một số nước ra tuyên bố bênh vực họ, chống phán quyết của PCA, tung tin là có đến hơn 60 nước ủng hộ họ, phản đối phán quyết của PCA. Họ còn mở các cuộc diễn tập quân sự bắn đạn thật, huy động hàng vạn dân quân trên biển với tàu thuyền vũ trang, mở rộng ngư trường xuống phía Nam, tuyên bố sẽ chống lại các kết luận ‘’phi pháp’’ của PCA, sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không bất khả xâm phạm của họ.
Ngày 29/10/2015 Tòa PCA công khai cho biết Tòa có thẩm quyền xét xử 7 vấn đề trong 15 vấn đề mà Philippines nêu lên trong đơn kiện của mình, trong đó có vấn đề chủ quyền lịch sử trong vùng lưỡi bò 9 đoạn nhằm độc chiếm toàn bộ vùng biển Đông, về chủ quyền trên và quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc tạo nên, về chủ quyền trên đảo Scarborough, về các hành động hủy hoại môi trường và môi sinh trong vùng biển Đông.
Chiều 12/7 phán quyết được công bố khắp nơi, ghi rõ là có giá trị cưỡng chế ngay.
Phản ứng của Trung Quốc đến nay là vừa phải, bực tức nhưng có phần nào tự kiềm chế vì tự biết lực bất tòng tâm. Số nước hoan nghênh phán quyết của Tòa PCA rất đông đảo, số nước ủng hộ Bắc Kinh như chỉ có 7 nước xa xôi ít ảnh hưởng quốc tế. Họ chỉ dám nói kiểu giả định: ‘’Nếu như quyền lợi của họ bị xâm phạm ...’’
Có vẻ như Trung Quốc sẽ chỉ ra tuyên bố để đáp lại những yêu sách vô lý bị Tòa án PCA bác bỏ. Tất nhiên họ không mảy may tuân theo phán quyết của Tòa, thậm chí vẫn tiếp tục chiến thuật gặm nhấm dần các hải đảo nhân tạo cũ và mới một cách ngang ngược.
Đây là một đòn rất đau cho thế lực bành trướng Bắc Kinh và tay sai. Từ nay Tập Cận Bình ra nước ngoài, đi công du đâu cũng sẽ bị xem như một kẻ tội phạm quốc tế.
Từ nay mỗi hành động của thế lực bành trướng ở biển Đông sẽ được nhìn nhận khác trước, những hành động gia cố các hòn đảo nhân tạo, cơi nới, xây thêm doanh trại, sân bay, bến cảng , trận địa, trạm rađa, đèn biển ...đều là phi pháp, là tội ác cố tình, là phạm luật quốc tế, đáng ngăn chặn và phải bị trừng phạt nghiêm minh, không ai có thể bênh che, nếu không muốn bị buộc tội tòng phạm, đồng lõa.
Nhân dân Philippines hân hoan đón mừng phán quyết của Tòa PCA. Giữa thủ đô Manila nhân dân phất cờ, vẫy hoa, ca hát nhảy múa vui đón tin mừng chiến thắng bất chấp Tổng thống mới Rodrigo Duterte không chống bành trướng Trung Hoa mạnh mẽ như Tổng thống cũ Aquino. Các thanh niên, sinh viên, thành viên các tổ chức xã hội dân sự tụ tập ngay trước Sứ quán Trung Quốc, với biểu ngữ in lưỡi bò bị cắt, bản đồ và khẩu hiệu ‘’ Scarborough là của Philipines ! ‘’, ‘’Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của PCA!’’. Theo tin của AFP, Reuteurs, tại thủ đô của Malaysia, Indonesia, Singapore, Nhật bản cũng có những biểu hiện mừng vui bộc phát trong nhân dân khi nhận được tin này.
Còn ở Việt Nam thì sao? Các mạng thông tin tự do vui mừng loan tin rất nhanh về phán quyết của Tòa PCA ngày 12/7. Nhiều bài bình luận trên các mạng tự do ca ngợi sự công bằng của Tòa PCA và nêu rõ thất bại nặng nề của thế lực bành trướng. Một nét mới rất đẹp là người Việt sống ở Philippines và Đài Loan đã sát cánh cùng dân địa phương đấu tranh chống bành trướng Bắc kinh. Nhiều tiếng nói của bà con ta trong và ngoài nước kêu gọi lãnh đạo còn chờ gì mà không phát đơn kiện thế lực bành trướng Trung Quốc ra Tòa PCA để đòi lại chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Báo chí lề phải và cơ quan ngoại giao VN tỏ ra hài lòng có chừng mực, không hề phản ánh nỗi vui mừng của toàn dân chống bành trướng, còn ngăn chặn quần chúng biểu tình hoan nghênh phán quyết của Tòa PCA trước các cơ quan sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc.
Lãnh đạo đảng CS, Chính phủ, nhà nước CS VN, Quốc hội đều chung một thái độ dè dặt, rụt rè, không dám đưa vụ án Formosa Plastics Hà Tĩnh ra truy tố trước pháp luật vì dính dáng đến các công ty quốc doanh Trung Quốc ở lục địa, nay lại ấp úng về phán quyết của PCA, sợ mất lòng Bắc Kinh.
Hội nghị Trung ương III cũng vậy, rồi Quốc hội khóa XIV cũng sẽ rụt rè về việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nguyên vẹn lãnh thổ lãnh hải quốc gia như trước, không dám nhân lúc Bắc Kinh bị thất thế để trừng phạt, trục xuất Formosa, đóng luôn các đề án công nghiệp vừa kém về kỹ thuật và chất lượng, vừa đắt đỏ. Nhân dịp tiến hành kiểm tra, trục xuất vài vạn công dân Trung Quốc không giấy tờ hợp lệ về nước. Hãy chấm dứt việc khủng bố các chiến sỹ dân chủ, No U, dành công sức của công an, an ninh chìm và nổi tập trung điều tra, lập hồ sơ về những viên chức đầu tư, môi trường, ngoại giao, quốc phòng bán mình cho bành trướng, làm hại cho an ninh đất nước và an toàn xã hội.
Các ủy viên Bộ Chính trị hãy tự mình tìm hiểu và cố gắng vượt lên, vui cái vui của nhân dân, mừng điều nhân dân mừng rỡ, làm cho lòng dân và ý đảng hòa nhập vào nhau, thật sự phục vụ nhân dân như các nhà lãnh đạo đảng và chính phủ vừa giơ tay tuyên thệ khi nhậm chức.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Trung Quốc có thể gia tăng đòi hỏi về chủ quyền biển Đông

Việt Hà, phóng viên RFA 2016-07-20  
000_D77I2.jpg
Bức ảnh chụp ngày 14 tháng bảy năm 2016 trên một đường phố ở Trung Quốc, cho thấy một người đàn ông đi qua một tấm áp phích với bản đồ tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn.  AFP photo
Một tuần sau phán quyết của tòa thường trực trọng tài quốc tế (PCA) trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp ở khu vực biển Đông. Trung Quốc thông báo nước này sẽ thực hiện một cuộc tập trận ở khu vực biển Đông và đã thực hiện những tuần tra trên không thường xuyên trên các thực thể đang tranh chấp với các nước. Những động thái này cho biết điều gì về chính sách biển Đông sắp tới của Trung Quốc và các nước có thể trông đợi gì về phản ứng của Mỹ.
Việt Hà phỏng vấn giáo sư Allen Carlson, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại đại học Cornell. Trước hết nhận định về những hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc ở biển Đông, giáo sư Carlson cho biết:
Theo tôi đó có thể là mở đầu của một loạt những hành động gây hấn trong phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của tòa. Nhưng thực ra còn quá sớm kể từ khi tòa ra phán quyết khoảng 1 tuần trước. Nhưng theo tôi với hành động quân sự dạng này, Trung Quốc có thể sẽ gia tăng đòi hỏi về chủ quyền bằng cách đưa ra các phản ứng mạnh mẽ hơn thay vì chấp nhận phán quyết của tòa.
Trung Quốc có xuống thang?
Việt Hà: Trong một hội thảo mới đây tại Washington DC ngay sau phán quyết của tòa PCA, một học giả Trung Quốc nói rằng Trung Quốc rất linh hoạt trong việc giải quyết các tranh chấp và có thể chấp nhận một số điểm mang tính kỹ thuật trong một số trường hợp. Liệu đây có thể coi là sự xuống thang trong chính sách biển Đông của Trung Quốc hay chỉ là lời nói nhằm xoa dịu quốc tế sau phán quyết được cho là đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế?
Bắc Kinh sẽ rất căng thẳng từ giờ trở đi và một phần trong cách ứng xử của Trung Quốc theo tôi sẽ phụ thuộc vào cách mà Philippines là nước liên quan trực tiếp trong vụ kiện và Việt Nam sẽ phản ứng thế nào.
- Gs. Allen Carlson
Gs. Allen Carlson: Theo tôi thì họ đang chơi một trò chơi 2 mức. Thứ nhất là họ phải giải thích với dân chúng trong nước. Chúng ta đã biết là có một mức độ nhất định về tinh thần dân tộc ở ngay trong Trung Quốc. Trong bối cảnh đó thì vấn đề chủ quyền khó có thể linh hoạt được. Cùng lúc đó thì Bắc Kinh đang nổi lên là một cường quốc của thế giới, một nước đóng vai trò xây dựng trên thế giới. Theo tôi, với ảnh hưởng rộng của phán quyết, nếu Bắc Kinh phủ nhận ngay lập tức thì đây sẽ là một cú đánh vào tiếng tăm của Trung Quốc trên trường quốc tế cho nên cuối cùng điều mà họ phải làm là cùng một lúc làm thỏa mãn tinh thần dân tộc đối với những đòi hỏi trước đó trong nước liên quan đến vấn đề chủ quyền, trong khi vẫn phải tỏ ra là không quá hiếu chiến trên diễn đàn quốc tế.
Việt Hà: Theo ông phán quyết này có ảnh hưởng thế nào đến tương lai chiến lược ở biển Đông của Trung Quốc trong 10 hay 20 năm nữa?
Gs. Allen Carlson: Dự đoán một tương lai dài như vậy với Trung Quốc là rất khó khăn và có nhiều điều chưa chắc chắn. Nhưng theo tôi thì sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta nhìn lại quá trình 20 năm vừa qua với những thay đổi có lợi choTrung Quốc. Thay đổi đó là sự tan rã của Liên Xô, một cường quốc ở biển mà trong suốt 3 thập niên đã làm Trung Quốc lo lắng về những vấn đề biên giới và đe dọa có thể có từ Liên Xô.
Đầu những năm 90, khi những đe dọa đó mất đi, Trung Quốc nhìn ra bên ngoài và nhìn vào khu vực biển như một hướng về sức mạnh quân sự và là nguồn năng lượng. Hướng về tương lai, xét trong bối cảnh mà Trung Quốc từ lâu đã có những đòi hỏi về chủ quyền và đang gia tăng những đòi hỏi này, hơn nữa lúc này Trung Quốc lại có khả năng để hỗ trợ những đòi hỏi này với sự phát triển của lực lượng hải quân thuộc quân đội nhân dân Trung Hoa, theo tôi đây là một phán quyết mang tính bước ngoặt và những ảnh hưởng ban đầu từ phán quyết này vẫn chưa thấy hết.
Việt Hà: Ông có nói là Trung Quốc có thể gia tăng những đòi hỏi về chủ quyền ở biển Đông. Trung Quốc cũng đã chính thức khước từ phán quyết và nói sẽ không lùi bước trước những hành động của mình ở biển Đông. Ông đánh giá thế nào về khả năng một xung đột có thể xảy ra ở đây như những gì đã xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc trước kia?
Gs. Allen Carlson: Tôi nghĩ có một khả năng riêng biệt ở đây nhất là ở mức độ mà phán quyết đưa ra khi trước đó Trung Quốc cũng đã dự đoán là phán quyết sẽ không có lợi cho họ. Nhưng cuối cùng phán quyết quá rộng. Phán quyết đã đụng chạm đến tất cả những gì mà Trung Quốc đã làm trong suốt một thập kỷ qua, từ đường đứt khúc 9 đoạn đến vùng đặc quyền kinh tế có thể thiết lập quanh các thực thể mà Trung Quốc nói là có chủ quyền lịch sử, và cụ thể hơn là những hoạt động cụ thể của Trung Quốc ở biển Đông, như hoạt động xây lấp, nạo vét bị cho là đã không quan tâm đến vấn đề môi trường ở khu vực. Tất cả những điều này đều vi phạm tinh thần của UNCLOS. Bắc Kinh sẽ rất căng thẳng từ giờ trở đi và một phần trong cách ứng xử của Trung Quốc theo tôi sẽ phụ thuộc vào cách mà Philippines là nước liên quan trực tiếp trong vụ kiện và Việt Nam sẽ phản ứng thế nào.
Mỹ sẽ làm gì?
000_DB2Y5.jpg-400.jpg
Đô Đốc Viên Dự Bách, Tư Lệnh Hạm Đội Bắc Hải của Hoa Lục (phải) và Đô Đốc Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ John Richardson (trái) trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 18 tháng 7 năm 2016. AFP photo
Việt Hà: Trung Quốc mới đây tuyên bố tập trận ở biển Đông và có thể là các nước còn phải tiên liệu những hành động gây hấn khác nữa từ Trung Quốc, liệu chúng ta có thể trông đợi gì vào những hành động của Mỹ trong thời gian tới?
Gs. Allen Carlson: Hoa Kỳ trong nhiều năm qua vẫn duy trì một lập trường là không tham gia vào tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nhưng ủng hộ những biện pháp giải quyết hòa bình, và đặt chú trọng vào tự do hàng hải trong khu vực. Tôi nghĩ rằng trong vòng khoảng 6 tháng tới khó có khả năng là những nước lớn sẽ có những hành động quan trọng làm thay đổi thực trạng. Điều mà chúng ta có thể thấy nhiều hơn là những hoạt động phía sau, có thể là những đối thoại mức hai và mức ba để thảo luận và tìm ra những đồng thuận vào lúc mà phán quyết đã được ra. Nếu Bắc Kinh thực sự vẫn kiên quyết theo lập trường của mình thì theo tôi điều này sẽ kéo theo những phản ứng mạnh mẽ hơn từ Việt Nam và Philippines và điều này sẽ kéo Mỹ vào sâu hơn trong xung đột ở đây.
Việt Hà: Ông nhận định thế nào về khả năng sẽ có những thay đổi sắp tới trong chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đang tiến hành ở biển Đông?
Gs. Allen Carlson: Hoa Kỳ đang có những vấn đề nội bộ trong khoảng thời gian này. Theo tôi chính quyền của Tổng thống Obama sẽ cố gắng tránh làm những gì khiến căng thẳng tăng cao hơn. Hơn thế nữa, ai mà biết được ai sẽ là Tổng thống tiếp theo ở Mỹ. Có nhiều ẩn số còn chưa được biết rõ.
Hoa Kỳ trong nhiều năm qua vẫn duy trì một lập trường là không tham gia vào tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nhưng ủng hộ những biện pháp giải quyết hòa bình...
- Gs. Allen Carlson
Việt Hà: Ông có nói là nước Mỹ đang trong năm bầu cử. Nếu trường hợp Donald Trump, người đã từng có những tuyên bố có thể làm các đồng minh của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương như Nhật Bản và Nam Hàn phải lo ngại, được bầu làm tổng thống Mỹ, thì điều này có ảnh hưởng thế nào tới cam kết của Mỹ ở biển Đông?
GS. Allen Carlson: Donald Trump đã đưa ra những bình luận khắp nơi liên quan đến chính sách của Mỹ, chính sách của Mỹ ở châu Á. Ông ấy cũng tấn công Trung Quốc theo nhiều cách, chủ yếu là về thương mại và kinh tế. Ông không nói nhiều lắm về yếu tố quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc. Cho nên đây vẫn là một con bài ẩn. Còn nếu Hillary Clinton được bầu làm Tổng thống thì bà ấy sẽ phải đối phó cùng lúc với một loạt các tranh cãi liên quan đến Trung Quốc kể từ thời bà ta là phu nhân Tổng Thống, đến khi là Thượng nghị sĩ, rồi làm Ngoại trưởng. Thực ra đến giờ vẫn chưa rõ Bắc Kinh thích ai làm tổng thống hơn.
Việt Hà: Một số chuyên gia quốc tế cho rằng Hoa Kỳ đã không đủ mạnh trong phản ứng với Trung Quốc. Một số thượng nghĩ sĩ cho rằng Hoa Kỳ nên chủ động hơn thay vì có phản ứng sau khi Trung Quốc đã có hành động. Theo ông thì Hoa Kỳ có khả năng đưa ra những tiếp cận chủ động nào?
Gs. Allen Carlson: Tôi muốn quay lại câu hỏi về khả năng ai, Trump hay Clinton sẽ là Tổng thống. Theo tôi cả hai đều có thể có những tiếp cận more muscular đối với khu vực này so với những gì mà Tổng thống Obama đã làm trong năm trước. Liên quan đến xung đột ở biển Đông, có những biện pháp trực tiếp và gián tiếp, mà Washington có thể thực hiện. Gián tiếp là xây dựng mối quan hệ sâu hơn với Philippines và Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Không phải là xây dựng liên minh mà là tăng cường hợp tác trong một loạt lĩnh vực. Về các biện pháp trực tiếp, rõ ràng là Bắc Kinh đã từ chối phán quyết của tòa hồi tuần trước và Hoa Kỳ cảm thấy phải hành động để cho thấy sự ủng hộ của Mỹ với phán quyết này, có thể là tăng cường các hoạt động của chương trình tự do hàng hải. Nhưng ở đây cũng có điểm mỉa mai ở đây là Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS. Vì vậy khi Mỹ ở vị trí ủng hộ một thỏa thuận nhiều phía mà chính Mỹ cũng chưa phê chuẩn sẽ cho thấy vấn đề đạo đức giả.
Việt Hà: Ông nhận định thế nào về khả năng Mỹ sẽ phê chuẩn UNCLOS trong tương lai?
Gs. Allen Carlson: Theo tôi nếu Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống thì sẽ rất có ít hy vọng là Mỹ sẽ phê chuẩn UNCLOS. Còn nếu Hillary chiến thắng thì cũng khó khăn vì phải có một thay đổi lớn trong thượng viện. Điều này cũng có thế xảy ra nếu Trump không giành được nhiều sự ủng hộ trong mua thu này và có thể dẫn đến những thay đổi ở thượng viện. Điều này sẽ dẫn đến một khả năng riêng biệt là Hoa Kỳ có thể tiến tới phê chuẩn UNCLOS.