Monday, September 19, 2016

TPP: Washington tiến, Hà Nội lùi

Đại diện các nước tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương ở Auckland, New Zealand, 4/2/2016. Khối 12 nước tham gia TPP chiếm gần 40% lượng GDP toàn cầu.
Đại diện các nước tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương ở Auckland, New Zealand, 4/2/2016. Khối 12 nước tham gia TPP chiếm gần 40% lượng GDP toàn cầu.

Linh Ðan
Theo VOA-19.09.2016

Động thái này của Hà Nội có thể làm cho Washington ngạc nhiên nhưng những người hiểu về Việt Nam thì không cho đó là một điều bất ngờ. Nhà nghiên cứu về Việt Nam Jonathan London, hiện là giáo sư kinh tế chính trị học về châu Á của đại học Leiden ở Hà Lan, cho rằng việc Việt Nam hoãn thông qua TPP là có lý do bởi “môi trường chính trị ở Mỹ đối với TPP hiện nay rất phức tạp” và Việt Nam có nhiều ràng buộc, nhất là về đảm bảo quyền lợi người lao động, phải đạt để có được TPP.
“Có khả năng là các lãnh đạo Việt Nam có tính toán mà thấy là chưa chắc họ nên hứa làm những bước đi mà TPP đã yêu cầu trước khi họ biết kết quả chính trị ở bên Mỹ sẽ như thế nào”.
Cả 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ, bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và ông Donald Trump của Đảng Cộng hoà, đều đã tuyên bố không ủng hộ hiệp định này.
Theo giới quan sát, Việt Nam được coi là nước sẽ thu lợi nhiều nhất trong số 12 nước thành viên tham gia ký kết hiệp định thương mại, trong đó bao gồm Mỹ, Úc, Nhật và các nước trong vành đai Thái Bình Dương. Với hiệp định này, Việt Nam được dự đoán sẽ thu được lợi ích lớn từ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp chính như may mặc, điện tử và thuỷ sản.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa giành thêm sự ủng hộ cho nỗ lực thông qua Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi Việt Nam vừa tuyên bố sẽ không vội thông qua hiệp định thương mại được coi là lớn nhất của thế kỷ 21 như dự định.
Ngay sau khi trở về từ chuyến công du châu Á cuối cùng, trong đó TPP là một trọng tâm, Tổng thống Obama đã đưa nghị sỹ đảng Cộng Hoà John Kasich, người trước đó tham gia vận động tranh cử tổng thống nhưng thua cuộc, vào danh sách những người sẽ giúp ông thúc đẩy thông qua hiệp định thương mại này.
TPP đã được Obama thúc đẩy từ rất sớm trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông và là một trọng tâm trong chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền mình. Tổng thống Obama xem châu Á Thái Bình Dương – khu vực đông dân nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới – là nơi mà Mỹ có cơ hội để bán các sản phẩm và thúc đẩy cho doanh nghiệp và công nhân Mỹ.
Nói với các phóng viên tại phòng Bầu dục hôm 16/9 ngay trước cuộc gặp ông Kasich và nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng, Tổng thống Obama nói: “Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ để tạo ra một hiệp định thương mại của riêng họ.”
Nhưng sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc không chỉ là về kinh tế và TPP được coi là một lá bài chính trị trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách gia tăng sức mạnh bá quyền. Thống đốc bang Ohio, John Kasich, sau cuộc thảo luận với tổng thống Obama hôm 16/9, kêu gọi quốc hội Mỹ ủng hộ TPP bởi nó sẽ giúp Mỹ có thêm sức mạnh ở châu Á nơi Trung Quốc và Nga cũng đang tìm cách gây ảnh hưởng.
Theo ông Kasich, đó sẽ là một cú đòn lâu dài cho an ninh khu vực nếu Nhật, Malaysia, Singapore, Việt Nam và các cường quốc đang nổi lên lo sợ rằng họ không thể dựa vào Mỹ mà thay vì đó tìm đến Trung Quốc và Nga để có một sự lãnh đạo.
Khối 12 nước tham gia TPP chiếm gần 40% lượng GDP toàn cầu với một thị trường hơn 800 triệu dân và chiếm khoảng 1/3 thương mại thế giới. Hiệp định này được các bộ trưởng thương mại của khối thông qua ở New Zealand hồi đầu năm nay sau hơn 5 năm đàm phán nhưng sẽ phải chờ sự thông qua của từng chính phủ mới được coi là hoàn tất.
Trong chuyến thăm châu Á vừa qua, Tổng thống Obama đã giành rất nhiều thời gian để thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Á rằng Mỹ sẽ hoàn tất TPP dù đang có nhiều sự chống đối từ quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, cuối tuần trước, quốc hội Việt Nam đã khẳng định rằng họ sẽ không phê chuẩn hiệp định này một cách nhanh chóng. Các nhà lập pháp Việt Nam đã từ chối đưa vấn đề phê chuẩn hiệp định TPP vào trong chương trình nghị sự của phiên họp tiếp theo vào tháng 10.

Một vụ mất tích trong cuộc chiến chống tham nhũng

Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-09-19  
000_8Y5XA.jpg
 Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 3 năm 2016.  AFP photo
Mất tích
Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên cán bộ quản lý cao cấp của công ty dầu khí Việt Nam, là người dường như được cơ quan báo chí của nhà nước và cả giới blogger truy tìm tông tích rất sôi nổi trong thời gian gần đây.
Ông mất tích. Một sự mất tích khó hiểu mà theo nhà báo Đoan Trang viết một cách trào lộng rằng các cơ quan chủ quản của ông Thanh đã không chịu nhờ đến một lực lượng từng tự hào là đứng hàng đầu thế giới về công tác điều tra tội phạm, đó là lực lượng công an Việt Nam.
Bản tin của báo chí Việt Nam vào ngày 13 tháng chín, nói rằng đến hẹn ông phải trình diện với cơ quan đảng của ông là tỉnh ủy Hậu Giang, nhưng ông vẫn mất tích.
Sự thật hay tưởng tượng?
Trong thời gian giới truyền thông cả hai nhóm chính thống và blogger truy tìm ông Thanh, một loạt bài đăng nhiều kỳ  mang tựa đề Trịnh Xuân Thanh, dê tế thần, của blogger Người Buôn Gió xuất hiện.
Suốt 14 kỳ, tác giả kể lại câu chuyện những người được cho là trong phe của ông Thanh tiếp cận tác giả ở Mỹ và Đức với lời đề nghị đưa những lá thư chống đối của ông Thanh chống ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên trang của mình.
Người Buôn Gió viết rằng cuối cùng ông đã chấp nhận lời đề nghị của những người đó.
Dĩ nhiên trong hệ thống cầm quyền mà “đập chuột sợ làm bể bình vì bình chứa toàn chuột” thì Trịnh Xuân Thanh  cũng chỉ là một con chuột trong bình nuôi toàn chuột mà thôi.
- Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
Câu chuyện bắt đầu bằng lá đơn xin ra khỏi đảng của ông Thanh được công bố, và kết thúc bằng chuyện vợ con ông đến một quốc gia châu Âu một cách an toàn, và ông Thanh vẫn đứng trong bóng tối.
Câu chuyện đã thu hút hàng triệu độc giả tiếng Việt trong suốt tuần qua. Ngoài ra nó còn dẫn đến hàng loạt bài bình luận của giới blogger, khen có, chê có.
Blogger Kami cho rằng tác giả Người Buôn Gió vốn có sở trường viết trộn lẫn sự tưởng tượng, tuy nhiên theo ông thì cách viết như thế cũng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay:
Tuy vậy, tôi luôn ủng hộ cách làm cũng như cách viết văn hiện nay của blogger Người Buôn Gió trong giai đoạn trước mắt, vì việc sử dụng thuyết âm mưu để chống một chế độ độc tài đang bóp nghẹt quyền tự do báo chí của dân chúng, thì đây là điều bắt buộc phải làm, cái đó nó có lợi nhiều hơn có hại.
Còn chính tác giả của câu chuyện dài 14 kỳ này thì nói rằng những thông tin quan trọng trong loạt bài là sự thật, chỉ có những chi tiết về nguồn tin bị giấu đi để giữ an toàn cho người cung cấp.
Những góc nhìn khác
Tác giả Châu Đoan lại cho rằng câu chuyện Trịnh Xuân Thanh chẳng có gì đáng quan tâm
Những bê bối Thanh đã dính vào vẫn còn nguyên đấy. Việc từ bỏ đảng không hề thay đổi hình ảnh của cậu ta dưới mắt người dân, những người đã mất lòng tin vào một hệ thống tai tiếng bởi nạn tham nhũng. Mà có lẽ việc ấy chỉ khẳng định thêm nghi ngờ chính cậu ta là tội đồ làm thất thoát mấy nghìn tỉ.
Có bạn nghĩ vụ này là một tín hiệu cho thấy đảng cộng sản có nhiều vấn đề bên trong. Tôi thì thấy rằng nó chẳng thể hiện cái gì sâu sắc cả. Mâu thuẫn thì lúc nào chẳng có và đấy chỉ là một mâu thuẫn tầm thường của phe nhóm và chẳng mang một ý nghĩa chính trị hay lý tưởng cao cả gì. Bất luận điều gì xảy ra thì cũng chỉ ảnh hưởng tới các đồng chí, người dân chẳng liên quan.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, một mặt viết rằng ông theo dõi câu chuyện Trịnh Xuân Thanh một cách hào hứng, tuy vậy theo ông bất cứ đảng viên cán bộ nào lâm vào tình trạng ông Thanh cũng phải hành động như ông Thanh mà thôi,
Dĩ nhiên trong hệ thống cầm quyền mà “đập chuột sợ làm bể bình vì bình chứa toàn chuột” thì Trịnh Xuân Thanh  cũng chỉ là một con chuột trong bình nuôi toàn chuột mà thôi. Thỉnh thoảng để cho bình khỏi vỡ, đảng bắt vài con chuột ra hy sinh, làm vật tế thần để che giấu cho những sai trái tày đình khác. Ví dụ như sai trái của dự án Bô xít Tây Nguyên, Formosa Hà Tĩnh…gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, nhưng đảng chưa hề lôi những kẻ có trách nhiệm ra nghiêm trị.
Theo tôi, tất cả những gì Trịnh Xuân Thanh làm là vì mạng sống của mình, vì quyền lợi bản thân mình mà thôi. Và tôi nghĩ, bất cứ đảng viên cán bộ nào bị sa vào hoàn cảnh của Trịnh Xuân Thanh đều khôn ngoan làm vậy, không ngu dại gì đưa đầu mình ra cho những đứa tham ô, tội lỗi gấp bội mình xét xử mình.
Đập chuột sợ bị vỡ bình là một câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Phú Trọng trước đây nói về chuyện chống tham nhũng của đảng cộng sản.
Một nhà báo khác là ông Trương Duy Nhất viết trên trang Góc nhìn khác của ông rằng ông nhìn câu chuyện Trịnh Xuân Thanh theo một hướng tích cực. Một trong nhiều điểm tích cực mà ông đưa ra là sẽ hình thành những phe cánh đối lập công khai của đảng cộng sản Việt Nam.
Cuộc chiến phe nhóm
trinh-xuan-thanh-pvc-0953.jpg-400.jpg
Ông Trịnh Xuân Thanh lúc còn ở PVC.
Ý kiến nhiều blogger đưa ra nhất xung quanh câu chuyện Trịnh Xuân Thanh là cuộc đối đầu phe phái của nội bộ đảng cộng sản. Tác giả Thanh Huyền viết trên trang Dân Luận rằng việc mất tích của ông Trịnh Xuân Thanh đang làm nhiều người lo ngại:
Lý do? Có nhiều lý do. Bởi leo lên đến cương vị tỉnh uỷ viên kiêm Phó chủ tịch Hậu Giang, cộng với nhiều năm làm Chánh văn phòng ban cán sự đảng tại Bộ Công Thương (hàm Vụ Trưởng) thì ông Thanh nắm giữ trong tay rất nhiều bí mật. Trong đó bí mật các thương vụ mua quan bán chức mới là điều “bạn bè” ông quan tâm sâu sắc. Nói cách khác, ông Thanh đang nắm trong tay sinh mạng chính trị của không ít người từ trung ương đến địa phương có liên quan.
Mặt khác nhiều blogger cho rằng trong cuộc đấu tranh nội bộ đó phe của đương kim Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng không hoàn toàn thắng thế, dù có vẻ như ông đã loại các đối thủ chính trị của ông ở đại hội 12 vừa qua và ở lại vị trí đứng đầu đảng. Nhà báo độc lập, blogger Phạm Chí Dũng cho rằng:
Hãy thử tưởng tượng, nếu ông Trịnh Xuân Thanh không thèm trốn ra nước ngoài mà vẫn ung dung ẩn mặt tại một nơi nào đó trong nước và còn ngang nhiên thách thức quyền lực của đảng bằng việc gọi điện thoại và viết thư gửi qua bưu điện lẫn tung lên mạng xã hội, hẳn phải có một thế lực đủ mạnh “bảo kê” cho ông. Và nếu giả thiết này có lý thì Tổng Bí Thư Trọng đang phải đối mặt với một hiểm họa ghê gớm ngay trong lòng đảng.
Blogger Kami thì cho rằng những diễn biến xung quanh vụ ông Trịnh Xuân Thanh chứng tỏ là ông không đơn độc, và những dự định của Tổng Bí Thư Trọng khó lòng thành hiện thực.
Blogger JP Nguyễn Hữu Vinh nhận xét rằng vụ Trịnh Xuân Thanh không giống những vụ trước đây, khi mà kẻ thất thế thường chấp nhận đầu hàng,
Thứ nhất, là cuộc chiến phe nhóm lợi ích và quyền lực ngày càng gay gắt và đến hồi quyết liệt. Đã có những thanh toán nhau bằng súng, bằng nhiều cách và giờ đây là thanh toán trực tiếp bằng Chỉ thị.
Thứ hai, là vị thế của Nguyễn Phú Trọng nói riêng, Đảng Cộng Sản nói chung đã không đủ để làm người ta khiếp sợ và cung cúc chấp nhận những sự bất minh mà điều này vốn đã thành lệ xưa nay.
Vẫn mất tích và sự bất lực của hệ thống
Theo những tin tức chính thống của báo chí nhà nước Việt Nam thì ông Trịnh Xuân Thanh đã viết đơn xin ra khỏi đảng, và sau đó ông lại bị khai trừ ra khỏi đảng. Blogger Trần Hồng Phong của trang Bình Luận Án tự hỏi mình rằng ông Thanh “bị” hay là “được” khai trừ ra khỏi đảng, và tác giả cũng thắc mắc rằng:
Qua chuyện này tôi cứ lan man suy nghĩ: Đảng lâu nay vốn quy định rất nghiêm, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thế mà sao vẫn có rất nhiều đảng viên "biến chất", trở thành người xấu, tham ô, tham nhũng ... làm mất niềm tin của nhân dân?
Thật khó tin, một tay lý luận Marxist trụ cột như ông Đinh Thế Huynh mà chỉ kêu gọi "xây dựng văn hóa khinh bỉ tham nhũng". Khinh bỉ thì làm được gì với tham nhũng? Kẻ đã tham nhũng biết hổ thẹn?
- Blogger Kinh Thư 
Ông còn trào lộng câu nói mới đây của Ông Tổng Bí Thư là trong chiến dịch chống tham nhũng của ông không nên làm lớn tiếng vì như thế những kẻ tham nhũng sẽ bỏ chạy.
Một thuộc cấp của ông Trọng là ông Đinh Thế Huynh cũng đưa ra một câu nói rất nổi tiếng trong thời gian vừa qua, ông nói rằng phải xây dựng được một nền văn hóa khinh bỉ bọn tham nhũng.
Blogger Kinh Thư giật mình:
Xây dựng "văn hóa khinh bỉ kẻ tham nhũng" ư? đó chính là văn hóa của nền báo chí tự do hay rộng rải hơn đó là tự do ngôn luận được phát triển trên nền chính trị đa nguyên. Chừng nào các ông vẫn thủ đắc quyền lực một mình thì đừng nói chuyện chống tham nhũng, hay thậm chí đừng nói đến văn hóa khinh bỉ tham nhũng, vì tham nhũng chính là một thuộc tính của thể chế độc tài.
Thật khó tin, một tay lý luận Marxist trụ cột như ông Đinh Thế Huynh mà chỉ kêu gọi "xây dựng văn hóa khinh bỉ tham nhũng". Khinh bỉ thì làm được gì với tham nhũng? Kẻ đã tham nhũng biết hổ thẹn? 
Tôi cứ nghĩ một nhà Marxist gạo cội phải có lý luận rất biện chứng là : Phải dứt khoát kê súng vào đầu tham nhũng mới diệt được tham nhũng, mới phải.
Những người Cộng Sản đâu rồi?
Trở lại câu chuyện 14 kỳ của blogger Người Buôn Gió, có nhiều người tin, và cũng có nhiều người không tin. Ngày 17 tháng chín nhà nước Việt Nam chính thức phát lệnh truy nã ông Trịnh Xuân Thanh, và cũng về mặt chính thức mà nói thì ông Trịnh Xuân Thanh vẫn mất tích, điều có lẽ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử công khai của đảng cộng sản Việt Nam.

Tại sao phải nói không với thiết bị Trung Quốc?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-09-19  
hoasen-622.jpg
Đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Tôn Hoa sen hôm 6/9/2016  Screen capture from YouTube
Trong Đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Tôn Hoa sen Group ông Lê Phước Vũ Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn này đã khẳng định là sẽ mua thiết bị của Trung Quốc để lắp đặt cho nhà máy Thép tại Cà Ná Ninh thuận với lý do Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị.

Không nên có một Formosa thứ hai

Mặc Lâm phỏng vấn bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để biết thêm về quan điểm của bà đối với thiết bị mua từ Trung Quốc. Trước tiên bà cho biết:
Phạm Chi Lan: Tôi không nghi ngờ là Trung Quốc có những thiết bị tốt làm cho chính nước họ, làm ra những sản phẩm tốt cạnh tranh toàn cầu hoặc là họ có thể bán sang các nước khác có sự giám sát khắc khe hơn.
Mua máy móc thiết bị lạc hậu về nó chỉ làm cho nền kinh tế kém cỏi đi, lạc hậu đi chứ hoàn toàn không giúp cho nền kinh tế hoặc cái ngành đầu tư máy móc thiết bị phát triển lên được.
-Bà Phạm Chi Lan
Bởi vì mua máy móc thiết bị lạc hậu về nó chỉ làm cho nền kinh tế kém cỏi đi, lạc hậu đi chứ hoàn toàn không giúp cho nền kinh tế hoặc cái ngành đầu tư máy móc thiết bị phát triển lên được. Hai nữa thường với máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu thì nó kéo theo hệ quả là hao tổn rất nhiều năng lượng, tài nguyên vật tư cho máy móc thiết bị đó hoạt động cũng như gây ô nhiễm môi trường rất lớn, đấy là khía cạnh mà không một nước nào mong muốn cả.
Việt Nam trong thời gian vừa qua trong quá trình phát triển đã thấy rõ có nhiều ngành phát triển không hiệu quả do hao tốn quá nhiều tài nguyên, năng lượng và gây ra ô nhiễm môi trường và trong trường hợp này thì Formosa là một bài học đắt giá cho Việt Nam. Đã có bài học Formosa rồi thì tuyệt đối không nên có một Formosa thứ hai thể hiện qua nhà máy thép mà công ty Tôn Hoa sen đang tính làm ở Cà Ná.
Mặc Lâm: Thưa bà có doanh nghiệp cho rằng khi mua thiết bị của Trung Quốc thì khi cần phụ tùng sẽ được cung cấp nhanh hơn và giá cũng rẻ hơn phụ tùng từ các nước tiên tiến khác, bà có nhận xét gì về ý kiến này?
Phạm Chi Lan: Một khi đã mua máy móc thiết bị của họ thì thường nó đi cùng với việc tất cả các phụ tùng thay thế khi hư họ phải sửa chữa, lại phải nhờ vả vào Trung Quốc để họ cung cấp. Khi cung cấp thiết bị như vậy lại đi cùng với cung cấp người của họ sang để làm.
Trong quá trình lắp ráp thiết bị và sau này sửa chữa bảo quản cho thiết bị đó đều phụ thuộc vào người Trung Quốc cả. Cũng đã có những trường hợp Việt Nam mua thiết bị của họ, rất mau hỏng, và khi hỏng kêu mãi họ không qua rốt cục nhà máy phải để đó và mức độ hư hỏng càng nặng nề thêm. Khi đã nặng nề thêm thì họ lại tăng thêm chi phí về vật tư phụ tùng sửa chữa để gửi người của họ sang, như vậy tốn kém lại nhân lên.
ccc17_cana-622.jpg
Sơ đồ vị trí dự án khu liên hợp nhà máy thép Cà Ná tại Ninh Thuận.
Mặc Lâm: Hiện nay động cơ chính để doanh nghiệp tư nhân lẫn nhà nước đều đổ xô mua thiết bị Trung Quốc vì được họ tạo điều kiện cho vay với phân lời rất hạ. Bà nghĩ sao về lý do khá thuyết phục này?
Phạm Chi Lan: Khi mua thiết bị của Trung Quốc thì họ tạo điều kiện cho vay để trả sau hoặc là thời gian hoàn trả dài ra nhưng trên thực tế nó đều đi theo với phí tăng lên ở chỗ càng kéo dài thì chi phí càng lớn và cuối cùng số tiền phải trả cao hơn rất nhiều. Như vậy có thể ban đầu là rẻ nhưng rốt cục lại thành đắt hơn rất nhiều lần so với chi phí ban đầu. Vì vậy khi mua thiết bị đắt tiền hơn của nước khác nhưng lại thành ra rẻ hơn do thiết bị so với Trung Quốc. Tôi nghĩ hoàn toàn không nên.
Thời gian vừa qua khi ông Thủ tướng của Việt Nam sang thăm Trung Quốc ông cũng nói khá là thẳng điều đó rồi. Ngay con đường sắt nối Cát Linh với Hải Hưng của Hà Nội là một bằng chứng rất rõ bởi vì công trình đó làm bao nhiêu năm không xong mà cũng không thể để dang dỡ như vậy được. Cũng không nhà thầu nào khác vào làm vì thiết bị từ Trung Quốc cho nên buộc phải vay thêm 250 triệu đô la của Trung Quốc.
Như vậy là nó dội vốn lên rất dữ dội so với lúc ban đầu và chất lượng thì phải nói người dân Việt Nam rất nghi ngờ chất lượng con đường sắt đó. Thế nhưng cũng chưa biết tuy vay như vậy nhưng bao giờ thì họ mới bỏ tiền vào và bao giờ mới hoàn thành con đường đó. Đấy là những câu chuyện đang hiển hiện ở Việt Nam rồi và con đường sắt ở ngay Hà Nội nó đập vào mắt từ người lãnh đạo cao nhất của đất nước cho tới người dân thường không ai không thấy nó như bài học vô cùng đắt giá từ chuyện mua thiết bị của Trung Quốc cả.

Không kiểm soát được thiết bị lạc hậu

Mặc Lâm: Bộ Khoa học và Công nghệ có quy định hẳn bằng các thông tư, nghị định, văn bản loại thiết bị nào được nhập và tiêu chí đánh giá độ hiện đại của máy móc cũng được cập nhật, thế nhưng vẫn không kiểm soát được sự nhập khẩu các thiết bị lạc hậu lỗi thời, bà có nhận xét gì về tệ nạn này?
Nhà cung cấp có thể đi đêm với các nhà thẩm định của Việt Nam bằng cách đút lót hay nhiều cách khác để che giấu vì hối lộ thì người Trung Quốc họ quá rành trong chuyện làm ăn với Việt Nam theo cách nào đó có lợi cho họ.
-Bà Phạm Chi Lan
Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ điều này cũng như một số điều khác tại Việt Nam. Quy định trong pháp luật thì rất đầy đủ nhưng quá trình thi hành của nó lại là cả một vấn đề, nhiều khi có khoảng cách rất lớn giữa luật ban hành, quy định với thực tế nhất là về phía các cơ quan nhà nước.
Ở đây có thể có hai lý do chính. Một là không đủ trình độ về người về trang thiết bị để nhìn nhận và đánh giá thiết bị đó có đủ mức hiện đại hay không hay mức độ lạc hậu đến như thế nào vào vùng cấm mà Việt Nam không cho phép nhập khẩu hay không. Không phải cơ quan khoa học công nghệ có đủ trình độ đánh giá tất cả các mặt được.
Tôi rất tiếc quy định của Việt Nam không để cho các nhà phản biện độc lập, bởi vì cho phép thuê dùng các nhà phản biện độc lập thì có thể nhiều người có kỹ năng họ thành lập những công ty phản biện độc lập để họ làm thuê giúp cho các quy định về nhập khẩu đánh giá thiết bị có thực sự đúng như hợp đồng hay như cam kết bên cung cấp hay không thì điều này ở Việt Nam lại không có. Các cơ quan nhà nước vẫn giao cái quyền ấy cho người không đủ khả năng thực hiện thành ra làm tổn hại cho đất nước.
Khía cạnh thứ hai hoàn toàn có thể xảy ra là do bên cung cấp họ cố tình gian dối, họ sơn phết, tân trang họ đưa ra những hồ sơ giả làm cho Việt Nam với trình độ thẩm định thấp không thể phát hiện ra được thiết bị của họ kém cỏi như vậy.
Một mặt khác nữa cũng về phía nhà cung cấp có thể đi đêm với các nhà thẩm định của Việt Nam bằng cách đút lót hay nhiều cách khác để che giấu vì hối lộ thì người Trung Quốc họ quá rành trong chuyện làm ăn với Việt Nam theo cách nào đó có lợi cho họ. Điều này thì xã hội Việt Nam cũng đã nói quá nhiều và thực tế nhà nước Việt Nam cũng đã công nhận rộng rãi tham nhũng là quốc nạn ví vậy nhập khẩu trang thiết bị từ Trung Quốc tham nhũng cũng có thể hoàn toàn sẽ xảy ra và có thể là một trong những nguyên nhân rất lớn.
Mặc Lâm: Xin cám ơn bà.

Biểu tình phản đối Formosa xả thải ra sông Quyền

RFA-2016-09-19  
songquyen-protest-622.jpg
Hôm Chủ nhật 18/9/2016, nhiều người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh, tuần hành phản đối việc công ty Formosa xả thải xuống sông Quyền. Ảnh chụp từ màn hình video youtube
Vào ngày 18/9/2016, rất đông người dân ở giáo xứ Dũ Yên đã biểu tình để phản đối Formosa cũng như phản đối việc chính quyền cho công ty Formosa xả thải ra sông Quyền.

Xả thải ra sông Quyền

Sáng Chủ nhật 18/9, gần 2.000 người thuộc tổ dân phố Tây Yên thuộc xứ Dũ Yên, phường Kỳ Thịnh, Thị xã Kỳ Anh đã đứng lên biểu tình phản đối Formosa “xả chất thải chảy qua sông Quyền trước khi đổ ra biển”.
Trước đó vào ngày 9/9, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nhiều đại biểu của Hà Tĩnh kiến nghị với Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cần phải cho nước thải của công ty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh xả ra khu vực sông Quyền (con sông này nằm cạnh khu công nghiệp Formosa) để dễ quản lý.
Sau đó phó bí thư thường trực tỉnh ủy Hà Tĩnh ông Trần Nam Hồng đã làm văn bản, dự án để xả thải ra sông Quyền trước khi cho chất thải của Formosa đổ ra biển.
Khi nhận được thông tin đó từ chính quyền tỉnh Hà Tĩnh là đang phê duyệt về dự án này thì người dân ở đây đã rất phẫn nộ và không còn tin vào chính quyền.
Việc Formosa xả thải đã làm cho ngư dân của 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại rất nặng nề, nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhiều người mất việc làm, gia đình điêu đứng, trong khi nhiều hộ ngư dân lại chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính quyền, nay chính quyền lại muốn nước thải đó đổ ra sông.

Nguồn sống bị nhiễm độc

Trong nhiều tuần qua, người dân ở Kỳ Anh đã có nhiều cuộc biểu tình, để yêu cầu chính quyền đóng cửa Formosa để trả lại biển sạch, cuộc sống cho người dân, tuy nhiên chính quyền không đóng cửa mà lại còn huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động để bảo vệ cho Formosa.
Đi cả giáo xứ, ngăn chặn bên phía chính quyền có dự định cho Formosa xả thải, con sông Quyền trải dài từ Formosa đến đầu kia, cuộc sống của người dân chỗ nhà em phụ thuộc vào sông đó.
Anh Văn, phố Tây Yên
Vào ngày 16/9, người dân ở xã Kỳ Phương đã phát hiện rất nhiều cá chết dạt vào bờ biển đèo Con cách nhà máy Formosa chừng 5km mà chưa rõ nguyên nhân, vào chiều ngày 15 tháng 09 lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an Hà Tĩnh đã phát hiện một tàu chờ Bô Xít từ Trung Quốc nhập vào Formosa, trước những động thái đó cho thấy chính quyền đang dung túng cho Formosa.
Trong khi người dân ở các tỉnh chịu thiệt hại do Formosa gây nên chưa đi đánh cá được, thì sông Quyền là nơi người dân có thể dựa vào, sông Quyền dài chỉ 20km, con sông này là nơi rất nhiều người dân dựa vào để đánh cá, nuôi trồng thủy sản, nguồn nước cho tưới tiêu nông nghiệp…
Tuy nhiên chính quyền lại cho phép Formosa xả thải ra sông Quyền thì người dân ở đây coi như hết con đường sống. Nếu chất độc hại xả ra sông Quyền thì nguy cơ lây nhiễm bệnh còn cao hơn vì con sông này gắn liền với cuộc sống của người dân.

Yêu cầu đóng cửa Formosa

Anh Văn một người dân ở phố Tây Yên xứ Dũ Yên cho biết, sáng hôm qua sau thánh lễ Chúa Nhật thì hầu hết người dân trong giáo xứ với đầy đủ băng rôn, khẩu hiệu đã xuống đường biểu tình, với mong muốn chính quyền chấm dứt dự án xả thải của Formosa ra sông Quyền.
Anh Văn cũng cho biết từ khi chính quyền có quyết định xả thải ra sông Quyền thì người dân đã viết đơn phản đối nhưng vẫn chưa thấy chính quyền trả lời, anh cũng cho biết ý nghĩa của con sông này với người dân ở đây, cuộc biểu tình hôm qua của người dân ôn hòa, nên không có sự cản trở nào từ chính quyền địa phương.
“Đi cả giáo xứ, ngăn chặn bên phía chính quyền có dự định cho Formosa xả thải, con sông Quyền trải dài từ Formosa đến đầu kia, cuộc sống của người dân chỗ nhà em phụ thuộc vào sông đó.”
Chị Hạnh một người dân cũng cho biết, cuộc sống của chị lâu nay gắn liền với con sông này, ngoài việc đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, nó còn là nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp, nước sinh hoạt cho bà con, nếu sông này bị ô nhiễm thì cuộc sống của người dân sẽ rất khó khăn.
Nối liền với cảng Sơn Dương, nối ra chỗ Vũng Áng, họ có nuôi trồng đánh bắt, tưới tiêu.
Chị Hạnh, Kỳ Anh
Chị Hạnh chia sẻ:
“Nối liền với cảng Sơn Dương, nối ra chỗ Vũng Áng, họ có nuôi trồng đánh bắt, tưới tiêu”
Trên Facebook Người Tây Yên thuộc giáo xứ Dũ Yên chia sẻ nỗi bức xúc: Sự sống của chúng tôi đang bị đe dọa nghiêm trọng, nên các nhà lãnh đạo hãy về từng địa phương, để thấy được nguyện vọng chính đáng của người dân chúng tôi, và dập tắt ngay ý tưởng dốt nát, ngu xuẩn này sớm nhất có thể.
Nếu cứ dồn chúng tôi đến đường cùng thì chắc chắn chúng tôi sẽ đứng lên đấu tranh, sẽ vượt lên nỗi sợ hãi, dù cho phải đổ máu hay phải hy sinh tính mạng mình, bằng mọi giá chúng tôi phải bảo vệ con sông, quê hương và các thế hệ mai sau.
Đồng thời, chúng tôi sẽ khởi kiện những người có chức năng gây ra đại họa này, bởi vì khi một chút niềm tin vào các vị đã không còn nữa thì hậu quả sẽ thật khôn lường, sức mạnh đoàn kết của nhân dân sẽ đẩy lui tất cả và không có một thế lực đen tối nào có thể cản phá, ngăn chặn nỗi được đâu.
Dư luận cũng cho rằng, việc xả thải ra sông Quyền cho dễ xử lý, trước khi cho thải ra biển là một việc làm thiếu sáng suốt của chính quyền Hà Tĩnh, để ngăn chặn những hậu quả của nó gây ra thì hãy đóng cửa Formosa. Trên báo VOA Tiếng Việt cũng cho biết, tòa án Hình sự Quốc tế họ sẽ bắt đầu tập trung vào những tội phạm liên quan đến hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và chiếm đoạt đất đai phi pháp.

VIDEO&PIC:Phiên tòa xét xử Dân Oan Cấn Thị Thêu


12h00: Toà tuyên án dân oan Cấn Thị Thêu 20 tháng tù giam.

CTV Danlambao - Sáng ngày 20/09/2016, tại tòa án quận Đống Đa, số 157B Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử dân oan Cấn Thị Thêu. 

Tham gia bào chữa cho bà Thêu gồm có 4 luật sư: LS Hà Huy Sơn, LS Lê Văn Luân, LS Võ An Đôn và LS Nguyễn Khả Thành.

Bà Cấn Thị Thêu sinh 1962, cư ngụ tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, bị bắt vào ngày 10/06/2016, bị cáo buộc với tội danh “gây rối trật tự công cộng”, theo điều 245 BLHS.

Dân oan Cấn Thị Thêu tại phiên toà sáng nay. Photo: Reuter
Cách đây 2 năm, ngày 25/07/2014 bà Thêu cùng bà con dân oan Dương Nội ra sức bảo vệ mảnh đất của mình, ngăn cản không cho nhà cầm quyền CS ngang nhiên cưỡng chiếm, trong khi việc thỏa thuận đền bù chưa thỏa đáng. Bà bị lực lượng cưỡng chế đánh ngất xỉu ngay trước khi bị bắt.

Qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án Hà Nội đã kết án bà 15 tháng tù giam gán với tội danh “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 BLHS.

Trong tù, bà Thêu luôn giữ vững lòng trung kiên, không khuất phục trước bạo quyền. Bà đã tuyệt thực 11 ngày (6 ngày đầu không uống nước) nhằm lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Hà Nội giam giữ người trái pháp luật.

25/07/2015 bà Cấn Thị Thêu mãn án tù. 

Sau khi ra tù, mặc dù tình trạng sức khỏe rất kém nhưng Cấn Thị Thêu vẫn không chùn bước, bà tiếp tục đồng hành cùng bà con dân oan Dương Nội trên con đường tranh đấu đòi quyền được sống, cũng như quyền lợi chính đáng của mình đã bị nhà cầm quyền CS tước đoạt. Bà tích cực tham gia các hoạt động, phong trào đấu tranh tự do dân chủ cho Việt Nam.

Gần đây, bà Thêu cũng đã thường xuyên có mặt trong các cuộc biểu tình, nhằm kêu gọi nhà cầm quyền CS phải minh bạch thông tin về việc cá chết hàng loạt trên vùng biển của 4 tỉnh miền Trung, đồng thời yêu cầu khởi tố tội ác của tập đoàn Formosa cùng đồng bọn đã gây ra thảm họa này.

Ngày 10/06/2016 bà bị bắt tại tư gia, thuộc xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, với cáo buộc vào tội danh “gây rối an ninh trật tự” theo điều 245 BLHS. 

Từ sáng sớm ngày 20/09/2016, tại khu vực gần khu vực tòa án Đống Đa, hàng trăm công an, an ninh mặc sắc phục, thường phục và dân phòng đang bố ráp và phong tỏa các lối vào phiên tòa và nhiều chiếc xe buýt và xe chuyên dụng công đang đậu sẵn chờ bắt người.


Hàng trăm người muốn dự phiên tòa bị ngăn cản không cho vào dự phiên tòa “công khai”, họ đã tuần hành ôn hòa, giơ cao các khẩu hiệu “Cấn Thị Thêu vô tội” “Công Lý cho dân oan Cấn Thị Thêu” “Bắt người cướp đất là tội ác”.. đồng thời họ hô vang khẩu hiệu “Tự do cho Cấn Thị Thêu” “Phản đối mật vụ cộng sản công an nhân dân”, “ phản đối công an nhân dân”, “phản đối cướp đất”, “phản đối phiên tòa lén lút”… sau đó họ đã bị lực lượng công quyền bắt và áp giải đi đâu cũng không rõ.


Dân oan các tỉnh đồng hành cùng bà Cấn Thị Thêu. Ảnh Nguyễn Sinh Hùng
Trên đường Láng, cách phố Chùa Láng (nơi có trụ sở tòa) cũng có nhiều công an giao thông mặc sắc phục, mật vụ đi bằng xe ô tô, xe gắn máy và đi bộ lượn quanh khu vực tòa án.

Vào lúc 8 giờ đã có một người bị lực lượng công quyền đánh ngất xỉu ngay khu vực gần tòa án.

8:45 phút: Anh Trịnh Bá Phương và anh Trịnh Bá Tư là hai con trai của bà Cấn Thị Thêu đã bị bắt giữ cùng hàng chục dân oan khác. Những người này bị tống lên xe buýt đưa về số 6 Quang Trung Hà Đông.

Photo: Bạch Hồng Quyền

Sau đó chị Mai Phương Thảo (Fb Thảo Teresa) bị bắt đưa về đồn công an Quang Trung khi vừa tiếp cận khu vực toà án (đoạn giao nhau giữa Nguyễn Chí Thanh - Đường Láng, cách vị trí toà khoảng 500m).

Bên ngoài toà án, Facebooker Vũ Huy Hoàng là người muốn đến dự phiên tòa nhưng đã bị ngăn cản từ xa chia sẻ cùng CTV Danlambao: "Khi đang trên taxi đến tòa án Đống Đa tôi thấy từ đầu đường Nguyễn Thị Thanh đến đường chùa Láng có cả trăm CA, CSGT, an ninh mật vụ và lực lượng dân phòng đứng dọc hai bên đường. Ngay lúc đó tôi nghe radio trên taxi là CSGT cấm các loại phương tiện giao thông đi vào con đường chùa Láng vì lý do an ninh.

Theo tôi nghĩ đây đây là phiên tòa bất công, đã nói là phiên tòa công khai tại sao xảy ra việc bắt bớ hang loạt không cho người dân đến tham dự phiên tòa.Và tôi được biết chị Thêu và gia đình rất mạnh mẽ, bất chấp mọi hành vi đàn áp từ phía chính quyền, thậm chí bắt bỏ tù nhưng họ vẫn không khuất phục tà quyền, quyết đấu tranh đòi công lý."

Qua trao đổi với anh Thuật - tài xế taxi, anh nói: "Tôi không biết thông tin nhưng khi đi làm thì qua đây bị cấm đường. Tôi thấy lạ nên hỏi thì được người dân cho biết là có phiên toà xử người mất đất. Tôi thấy rất đông công an. Họ không cho ai đến gần khu vực toà án. Tôi thấy lạ nhất ở chỗ là, tại sao phải cấm người dân vào tham dự phiên toà trong khi mọi phiên toà đều phải được xử công khai. Ở đây thì công an lại cấm và bắt người dân. Việc này tôi chưa từng thấy"

Anh Thuật - tài xế taxi

Anh Tài xế cho biết thêm, các vụ tham nhũng, đục khoét của dân mà không sao. Trong khi người dân giữ nhà, giữ đất thì bị o ép, trừng phạt. Anh tài xế còn lấy ví dụ về hai thanh niên vì đói quá ăn trộm 2 ổ bánh mì mà bị phạt tù 8 tháng. Và anh kết luận đây là một xã hội thối nát.

Có mặt tại số 6 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội - nơi đang giam giữ trái phép những người tới tham dự phiên toà, chị Đoàn Trương Vĩnh Phước cho CTV Danlambao biết: Hiện có khoảng 40 người bị bắt về đây và sắp tới có thể họ (CA) sẽ đàn áp, đánh đập bất cứ ai đi đòi người. Bởi ở đây, hôm nay họ đông và mạnh tay hơn bình thường. Họ dùng nhà tù để trả lời cho lời kêu oan của dân oan mất đất. Đó là bản chất của chế độ ăn cướp. Cấn thị Thêu vô tội.

Gần 30 người, bao gồm nhiều nhà hoạt động xã hội như nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, nhà báo Phạm Đoan Trang, Trương Văn Dũng, Nguyễn Thu Nguyệt, Thuý Hạnh, Dương Lâm..., cùng bà con dân oan các miền đang ở trước khu vực dẫn vào toà án nhân dân quận Đống Đa. Ảnh CTV Danlambao


Chị Thuý Hạnh và anh Dương Lâm

Blogger Phạm Thanh Nghiên chia sẻ cùng CTV Danlambao: "Dù biết rằng không được vào quan sát phiên toà nhưng tôi vẫn từ Sài Gòn ra Hà Nội để cỗ vũ tinh thần cho chị Cấn Thị Thêu, một người phụ nữ can trường. 

Đây là lần tù thứ 2 của chị và cả hai lần tù chị luôn giữ được khí phách của một cpn người quả cảm, chính trực. Tôi đã không thể tiếp cận được gần trụ sở toà án vì lực lượng an ninh quá đông đảo, họ đứng kín dọc những con đường dẫn vào toà. Bất cứ phương tiện giao thông nào khi ngang qua mà giảm tốc độ, đi chậm lại là họ áp sát để hoạnh hoẹ hoặc xua đuổi.

Hầu hết bà con dân oan và nhiều người đấu tranh đã bị bắt và đưa về số 6, Quang Trung. Hai ng con trai chị Thêu là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư ko những không được vào tham dự phiên xử mẹ mình, mà còn bị bắt với cách rất thô bạo.

Tôi chỉ có thể nói một điều rằng: phiên toà cộng sản nào cũng hết sức man rợ. Điều này, sẽ lặp lại trong phiên xử Anh Ba Sàm hai hôm tới và nhiều phiên toà kết tội những người Việt Nam yêu nước khác. Nhưng tôi tin, dù có bị ngăn cấm, bắt bớ, đánh đập thì nhiều người vẫn đến ủng hộ tinh thần cho những người tù yêu nước"

Chị Vũ Thị Hải, một dân oan Ninh Bình vừa mãn hạn 15 tháng tù giam cho biết: "Việc chính quyền bắt bớ, ngăn cản người thân và bạn bè tham dự phiên toà công khai như thế này là vi hiến. Họ chà đạp lên pháp luật, hiến pháp mà họ lập ra. Tôi từng trải qua phiên toà như chị Thêu hôm nay nên tôi có thể nói: bên trong phiên toà chỉ là một vở hài kịch của chính quyền nhằm bỏ tù những người đấu tranh cho quyền lời đất đai của họ."

Chị Vũ Thị Hải - Ảnh CTV Danlambao

Anh Trương Văn Dũng trước đám đông thường phục. Ảnh: CTV Danlambao

12h00: Toà tuyên án dân oan Cấn Thị Thêu 20 tháng tù giam.

Ngay lập tức, khoảng 40 người có mặt bên ngoài phiên toà đã biểu tình và hô vang khẩu hiệu: "Cấn thị Thêu vô tội", "đả đảo phiên toà bất công", "đả đảo phiên toà lén lút".

Những dân oan có mặt đã lao ra cản đường những chiếc xe biển số xanh đi ra từ phía toà án. Họ đồng thanh phản đối kết quả phiên toà.

14h:00: Theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, hiện công an Hà Nội đang bắt giữ trái phép khoảng 40 người tham dự phiên tòa vừa qua tại đồn CA thành phố Hà Nội, số 6 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.

Được biết bên ngoài đồn CA có khoảng 60 người đang đang tổ chức đòi người. Họ hô vang khẩu hiệu "phản đối phiên tòa bất công" "yêu cầu thả người" " phản đối bắt giữ người trái phép "...trong số những người tham gia đòi người có chị Vân Lê, dân oan Hải Phòng bị CA đánh đập vào bụng đang rất đau đớn. Anh Trịnh Bá Tư, con trai bà Cấn Thị Thêu cũng bị đánh đập dã man. Thậm chí còn đe dọa giết anh.

Dân oan Vân Lê. Ảnh CTV Danlambao

Khoảng 3 giờ 30 công an bắt đầu thả người.

Anh Trịnh Bá Phương - con trai dân oan Cấn Thị Thêu cũng đã được thả

Hai anh em Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư

Chị Mai Phương Thảo đã được thả và cho CTV Danlambao biết: "Đã có gần chục thằng xông vào đòi khám người và thu đồ của tôi. Tôi kháng cự lại và nói nếu bị thu đồ tôi sẽ lao đầu vào tường tự vẫn. Sau đó bọn chúng mới dừng tay, nhưng bọn chúng luôn mồm đe dọa tôi."

Ngay sau khi ra khỏi số 6 Nguyễn Trung, anh Trịnh Bá Tư chia sẻ với CTV Danlambao: "Trong đồn CA họ đã qui chụp tôi là gây rối trật tự công cộng, thực té chính công an cộng sản là người đánh đập người dân rất thô bạo, trong khi người dân chúng tôi chỉ biểu tình ôn hòa".

Anh Tư chia sẻ thêm: "Tôi được mọi người nói lại, mẹ tôi (Cấn Thị Thêu) bị xử 20 tháng tù giam. Qua đây tôi thấy nhà cầm quyền cs đang đối đầu với người dân bằng cách xử dụng tòa án, nhà tù và vũ lực để trấn áp, cướp đất của những người vô tội. Tội ác của cộng sản chắc chắn lịch sử sẽ ghi lại. Một khi nhà cầm quyền cs đã đối đầu với người dân thì chế độ này sớm sẽ bị sụp đổ thôi. Khi đảng cộng sản này sụp đổ thì những kẻ gây tội ác, đàn áp, đánh đập người dân cần phải đem ra xét xử. Bản thân tôi rất tự hào về mẹ tôi, vì bất cứ trong hoàn cảnh nào mẹ tôi vẫn không khuất phục vẫn tiếp tục đứng lên đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho gia đình tôi cũng như bà con dân oan tại Dương Nội".

Bản thân tôi sẽ noi theo gương của mẹ, tôi tiếp tục đấu tranh vạch rõ những sai trái của đảng cộng sản cho tất cả mọi người dân được biết. Theo tôi chế độ độc tài tham nhũng cộng sản này còn tiếp tục cai trị đất nước thì tương lai chúng ta rất là mù mịt".

20.9.2016

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

Tại sao việc xử lý tham nhũng của đảng đang có dấu hiệu giảm dần?

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Ngày 19/9/2016 Phan Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ tuyên bố "tình hình tham nhũng trong phạm vi toàn quốc diễn biến phức tạp, nghiêm trọng nhưng công tác phát hiện và xử lý các vi phạm tham nhũng đang có dấu hiệu giảm dần." (1)

Tại sao giảm? Câu trả lời ngắn: có bao giờ tăng đâu để có dấu hiệu giảm dần! Trả lời ngắn hơn: đảng!

Đảng! Vì cả một đảng đã được chính chúa đảng Nguyễn Phú Trọng gọi nó là bình chuột. Vì chính những tên đang diễn trò đập chuột cũng đang dè chừng theo lời chúa đảng "đập chuột nhưng đừng để vỡ bình".

Đảng! Vì bình chuột ấy không phải chỉ vài con chuột, đập chúng coi chừng đập lộn cái bình, mà cái bình ấy nhung nhúc những chuột. Đập con này của phe đồng-chí-địch thì sẽ dính cánh đồng-chí-ta. Đánh qua, đập lại nhưng chỉ đập gió - đánh mưa, nếu không thì cả bình (đảng) sẽ không còn một con chuột (đảng viên) nào cả, còn ai "tài đức và xứng đáng" như lời Tổng bí thư để "lãnh đạo" đất nước. 

Đảng! Vì tham nhũng cũng là đảng viên, thanh tra chính phủ, thanh tra trung ương, thanh tra các loại, các cấp cũng là đảng viên. Chính phủ cũng đảng, Quốc hội cũng đảng, Công an điều tra, Toà án phán xét cũng là đảng, và truyền thông muốn cho đồng chí nào bị lộ, đồng chí nào tiếp tục "ăn không chừa thứ gì" cũng là cái miệng của đảng. 

Đảng! Thực tế, đảng cộng sản có bao giờ thật tâm chống tham nhũng đâu để có cái gọi là "dấu hiệu chống tham nhũng" tăng hay giảm. Chính đảng CSVN là một tập đoàn thanh nhũng và chống tham nhũng chỉ là một chiêu bài để phe nhóm giành độc quyền tham nhũng. Phe ăn ít loại phe ăn nhiều để sau đó độc quyền ăn.

Đảng! Chống tham nhũng chính là vị trí, phương tiện tốt nhất, là cơ hội làm giàu của những kẻ nhân danh thanh tra để "tham nhũng trên tài sản những tên tham nhũng". Muốn có chứng cớ, hãy hỏi nguyên Tổng Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền về tài sản của chính ông ta đã bị phanh phui tràn lan trên mạng.

Trước tình trạng gọi là "có dấu hiệu giảm dần" ông Phan Văn Sáu giải thích ra sao?

Giải thích rằng: "Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy địa phương chưa quyết liệt, việc xử lý của các cơ quan tố tụng chưa nghiêm, công tác phối hợp chưa tốt nên tình trạng án bị hủy hoặc trả hồ sơ nhiều lần hoặc giải quyết kéo dài..."

Mới nghe cứ nghĩ rằng - À, thì ra trung ương tốt, địa phương xấu! À thì rằng: trên bảo dưới không nghe! À thế là cấp trên đỗ thừa cấp dưới!

Nhưng thực tế là: tham nhũng cộm cán nhất, đại trà nhất, có hệ thống nhất, thất thoát (bỏ túi) nhiều nhất chính là tập đoàn lãnh đạo Trung ương đảng, xếp hàng để ăn từ Bộ Chính trị, sang Thủ tướng, các Bộ trưởng, thứ trưởng, xuống đến các bí thư tỉnh, thành...

Cứ nhìn vào chuyện trước mắt là Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận cùng đồng bọn với 3,300 tỷ bốc hơi là rõ. Đây không phải là "sự cố" bốc hơi vĩ đại duy nhất.

Nhưng nhìn vào hiện tại thì sẽ chưa "tỏ tường" bản chất của đảng. Phải nhìn ngược về quá khứ khi Nguyễn Tấn Dũng còn nắm quyền lực, những tên tội phạm ngày hôm nay đã được hệ thống chính trị và tuyên giáo ngày hôm qua nâng bi, ca tụng như thế nào.

Nhưng chỉ ngược về quá khứ cũng lại chưa "ngộ" được chân tướng của đảng. Phải hướng về tương lai khi Nguyễn Phú Trọng và đồng bọn bị đá văng thì những tên quan tòa đóng vai chống tham nhũng ngày hôm nay sẽ trở thành tội phạm trước tòa án thanh trừng của nhóm quyền lực mới ngày hôm sau như thế nào. Lúc đó cũng không lạ nếu có sự "trùng hợp lạ kỳ" giữa cuộc đào tẩu của Trịnh Xuân Thanh và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh; hay Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố xin làm người tử tế.

Và lúc đó, cũng chẳng ngạc nhiên khi lại phải đọc những bài báo chạy tít "Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ bị yêu cầu kiểm điểm, thu hồi nhà đất"... Chỉ khác là trong đó cái tên "nguyên Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền" được thay thế bằng "Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu."

Tham nhũng chống tham nhũng để độc quyền tham nhũng. Đó là bản chất của đảng CSVN và là sự thật không thể chối cãi.

20.09.2016



________________________________________