Sunday, October 18, 2015

Bế tắc trong bang giao giữa Mỹ và Tàu cộng

 
Samsung (Danlambao) dịch - Chủ tịch Tàu cộng Tập Cận Bình thực hiện chuyến công du Hoa Kỳ hồi cuối tháng trước với những kỳ vọng lớn lao. Đề mục tối ưu trong chương trình nghị sự của họ Tập là quyết tâm tìm kiếm sự chấp thuận chính thức từ Hoa Kỳ về “một mô hình mới cho mối bang giao nước lớn” (A new model of major-country relations) và thiết chế mối quan hệ Hoa Kỳ-Tàu cộng theo đúng tinh thần của mô hình đó. Rủi thay, với thái độ lãnh hội mà Hoa Kỳ dành cho chương trình nghị sự trọng đại của họ Tập và với nỗi thất vọng về những vụ va chạm liên tục với Tàu cộng ở Tây Thái Bình Dương trong mấy năm gần đây (thậm chí trong mấy ngày trước khi diễn ra cuộc hội kiến thượng đỉnh), Tổng thống Barack Obama đã không đáp ứng lời kêu gọi của họ Tập và ông ta ra về với hầu như hai bàn tay trắng.

Yêu sách thỏa hiệp của Tàu cộng

Tàu cộng và Hoa Kỳ có một mối quan hệ đầy gập ghềnh, giằng xóc kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân hồi năm 1949. Trong mấy thập niên gần đây, mối bang giao này ngày càng trở nên phức tạp hơn vì một sự chuyển tiếp quyền lực do tăng trưởng kinh tế châm ngòi.
Sự chuyển tiếp quyền lực là một cuộc tranh đấu giữa các nước lớn ngay trong hệ thống quốc tế. Nó xảy ra giữa một nước lớn phát triển dưới mức bình thường trước đây nhưng bây giờ tăng trưởng và một nước siêu cường trong hệ thống. Cuộc tranh đấu này là về tôn ti trật tự chính trị, kinh tế và an ninh quốc tế mà qua đó phản ảnh giá trị và lợi ích của các quốc gia quyền lực nhất.
Thucydides, một sử gia Hy Lạp cổ đại, có lẽ là người đầu tiên lý luận rằng sự chuyển tiếp quyền lực thường chứa đựng các mầm móng chiến tranh. Theo quan sát của ông về Cuộc Chiến Peloponnesian giữa Sparta và Athens, Thuycydides quả quyết rằng sự tăng trưởng quyền lực của Athens và nỗi sợ hãi mà họ tạo ra với bên Sparta đẩy hai cường quốc này vào một cuộc chiến dài 27 năm.
Tấm thảm kịch của Hy Lạp cổ đại không phải là ví dụ duy nhất về loại chiến tranh này: Có rất nhiều cuộc chuyển tiếp quyền lực trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại. Hầu hết đều kết thúc bằng chiến tranh. Vì vậy, cuộc chuyển tiếp quyền lực đang xảy ra giữa Hoa Kỳ và Tàu cộng đặt ra một nghi vấn là liệu nó có giẫm vào vết xe đổ đó không.
Người Tàu lý luận ngay từ đầu rằng sự chuyển tiếp quyền lực chỉ là một kinh nghiệm của các nước Tây phương, và cái bẫy Thucydides sẽ không xảy ra với mối bang giao Trung quốc-Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các lãnh tụ người Tàu dần dần nhận ra rằng sự gia tăng quyền lực của Tàu cộng đang tạo ra các thế lực vượt khỏi tầm kiểm soát và gây ra các bất đồng trong mối bang giao Trung quốc-Hoa Kỳ. Thật vậy, trong một toan tính trấn an nỗi lo ngại của Hoa Kỳ, Tàu cộng đã đưa ra lời kêu gọi “Phát triển Hòa bình” trong năm 2003 và hứa hẹn sẽ không thách đố uy quyền tối cao của Hoa Kỳ và không lập lại lỗi lầm mà các siêu cường phạm phải trong quá khứ.
Trên bề mặt, hành động của người Tàu là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, nó không bảo đảm một mối bang giao tích cực và lâu bền giữa Tàu cộng và Hoa Kỳ bởi vì nhiều vấn đề bất đồng vẫn đang gây rắc rối cho hai nước. Trong một cuộc hội kiến với Tổng thống Obama hồi năm 2013 tại khu nghỉ mát Sunnylands, Tiểu bang California, Hoa Kỳ họ Tập đã đẩy sự cam kết “Phát triển Hòa bình” tiến thêm một bước nữa bằng cách biến nó thành một nguyên tắc chỉ đạo cho mối quan hệ Hoa Kỳ-Tàu cộng (cũng như là cho các cường quốc khác). Sáng kiến của họ Tập bao gồm 3 quy tắc hành động mà Tàu cộng và Hoa Kỳ nên nỗ lực đạt cho bằng được: 1) không đối đầu, 2) tôn trọng lẫn nhau về các lợi ích chính yếu, và 3) hợp tác để đôi bên cùng hưởng lợi (win-win co-operation).
Giải mã mô hình của Tập Cận Bình
Mô hình của họ Tập đặc biệt đơn giản nhưng lại chứa đựng nhiều yêu cầu nặng ký. Trước tiên, họ Tập lý luận rằng mặc dù Tàu cộng và Hoa Kỳ có nhiều xung đột nhưng cả hai đều không nên chọn giải pháp chiến tranh để giải quyết các dị biệt; và nếu Hoa Kỳ và Tàu cộng có thể đạt được một cam kết về điểm này, thì các căng thẳng giữa hai nước sẽ không tự động biến thành một cuộc trắc nghiệm thiện chí hoặc đặt guồng máy chiến tranh của hai quốc gia vào thế đối đầu nhau.
Thứ nhì, tín nhiệm chiến lược phải được căn cứ trên lòng kính trọng lẫn nhau. Về điểm này, họ Tập khẳng định rằng Trung quốc đã và đang bị một sự “thiếu kính trọng” của Hoa Kỳ. Nói cách khác, Hoa Kỳ thách đố: hình thức cầm quyền của Tàu cộng, yêu cầu của Tàu cộng đối với một sự toàn vẹn lãnh thổ và “địa vị xứng đáng của Tàu cộng trên bình diện thế giới”; tất cả những điều này đều là những lợi ích chính yếu của Tàu cộng. Họ Tập nhắc nhở Hoa Kỳ rằng Tàu cộng bây giờ mạnh mẽ hơn và đáng nhận được lòng tôn trọng tương xứng.
Thứ ba và cũng là sau rốt, họ Tập lập lại sự cam kết “Phát triển Hòa bình” rằng nước Trung Hoa đang lớn mạnh của ông ta sẽ không có ý định lật đổ Hoa Kỳ hoặc là trật tự quyền lực quốc tế mà Hoa Kỳ lãnh đạo; Tàu cộng không tìm kiếm các lợi lộc đơn phương trong sự cạnh tranh với Hoa Kỳ; và sự cạnh tranh giữa Tàu cộng và Hoa Kỳ sẽ không hiện hữu mà thay vào đó sẽ là đôi bên cùng hưởng lợi.
Trong ba năm qua, họ Tập (và nhà cầm quyền Bắc Kinh) thực hiện nhiều nỗ lực phi thường để phát mãi sáng kiến này. Tuy nhiên, họ Tập cũng thấy rằng ông Obama rất miễn cưỡng, không chịu toàn tâm ủng hộ ông ta. Vì vậy, họ Tập đưa vấn đề này lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự nhân dịp công du Hoa Kỳ. Thật vậy, họ Tập đã tận dụng mọi cơ hội có được để nhắc nhở ông Obama về “thỏa thuận Sunnylands”, về ba quy tắc hành động, về mối nguy hiểm của việc rơi vào cái bẫy Thucydides, và về tính cấp thiết của sự hợp tác và lòng kính trọng lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Tàu cộng.
Mâu thuẫn tư tưởng của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ rất dè dặt với những lời kêu gọi ủng hộ sáng kiến của Tàu cộng. Một trong những lo ngại chính yếu của Hoa Kỳ là cái gọi là sáng kiến của người Tàu trong thực chất chỉ là sự yêu cầu Hoa Kỳ ban cấp cho Tàu cộng một địa vị quyền lực chưa xứng đáng và một giấy phép để làm bất cứ chuyện gì Tàu cộng muốn. Yêu cầu này đặc biệt gây rắc rối nếu đề cập tới quy tắc hành động thứ hai trong mô hình của họ Tập, vì Hoa Kỳ bất đồng quan điểm với Tàu cộng về những lợi ích chính yếu. Ví dụ, một trong những lợi ích chính yếu hàng đầu của Tàu cộng là duy trì hệ thống chính trị độc tôn do đảng Cộng sản cầm quyền. Hoa Kỳ có thể làm việc với chính phủ Tàu nhưng họ không thể mắt nhắm tai ngơ trước những sai trái của một chế độ hà khắc. Với sự khác biệt cơ bản về vấn đề này, thì mâu thuẫn thay vì lòng kính trọng là chuyện thường tình.
Một ích lợi chính yếu khác của người Tàu là về sự toàn vẹn lãnh thổ. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi và bất an, và Tàu cộng hiện can dự trong những cuộc tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông của Việt Nam). Mặc dù Hoa Kỳ hiện không đứng về một bên nào, nhưng họ không đồng ý rằng các hải đảo tranh chấp lại tạo thành một sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung quốc. Yêu cầu Hoa Kỳ tôn trọng ích lợi chính yếu này của người Tàu, thì chẳng khác nào chuyện đặt con ngựa trước một cỗ xe, và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không tán thành.
Nhìn từ góc độ văn hóa, các tương tác Mỹ-Tàu cộng là khó khăn vì hai nước này không hát cùng một tông. Họ Tập thích nói về những nguyên tắc trọng đại và bày tỏ viễn kiến về một quy mô lớn. Ông ta biết mối bang giao Hoa Kỳ-Tàu cộng phức tạp nhưng nếu nguyên thủ hai quốc gia nắm bắt được sự liên kết chủ chốt, thì họ có thể đưa các vấn đề phức tạp vào một trật tự nhất định; và theo quan điểm của họ Tập thì sự liên kết chủ chốt đó chính là lòng tín nhiệm chiến lược và kính trọng lẫn nhau.
Với người Mỹ, thì khó chấp nhận được mô hình mà họ Tập đề nghị. Hoa Kỳ là một chuyên gia giải quyết rắc rối và thiên về hành động. Thay vì tham dự các cuộc đàm phán mơ hồ, người Mỹ thích khắc phục các vấn đề cụ thể. Thật vậy, ông Obama đã chuẩn bị một danh sách đầy đủ chi tiết các rắc rối cho họ Tập; chẳng hạn như nạn đột nhập trộm cắp dữ liệu điện toán và gián điệp mạng của Tàu cộng, các cách thức mậu dịch bất công, nạn thao túng thị trường chứng khoán và tiền tệ, các vi phạm nhân quyền, hành vi lấn lướt bá đạo trong các vụ tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông và Hoa Nam, các vụ chạm trán liều lĩnh ở Tây Thái Bình Dương v.v… Ông Obama nói về những rắc rối này ngay ở buổi lễ đón tiếp họ Tập tại Tòa Bạch Ốc. Đối với Hoa Kỳ, giải quyết các vấn đề thực tế này là cách tốt nhất để cải thiện mối bang giao Hoa Kỳ-Tàu cộng.
Cuộc hội nghị thượng đỉnh siêu cường bị trật đường rầy
Họ Tập đến “Hoa Thịnh Đốn của Tây phương” vào cùng một ngày mà Đức Giáo Hoàng Francis thực hiện chuyến thánh du đến “Hoa Thịnh Đốn của Đông phương”. Hoa Kỳ tập trung toàn bộ sự quan tâm vào Đức Giáo Hoàng khả ái. Tin tức về sự quan lâm của vị Chủ tịch người Tàu thậm chí không được một đài truyền thông lớn nào ở Hoa Kỳ loan tải.
Phái đoàn họ Tập có cả 15 công dân người Tàu giàu có nhất. Họ tiêu biểu cho một sự giàu có tổng hợp hơn 1,3 ức Mỹ kim, bằng với Tổng Sản lượng Nội địa của Đại Hàn (theo dữ liệu của năm 2013), nền kinh tế lớn hạng thứ 13 trên thế giới, và sẵn sàng tiêu xài. Thật vậy, để khởi sự mua sắm, họ mua 300 chiếc phi cơ vận chuyển hành khách, một đơn đặt hàng chiếc lớn nhất trong kỷ lục xưa nay. Rủi thay, hành động này không đủ để lôi cuốn bất kỳ sự quan tâm nào của người Mỹ. Phái đoàn công du người Tàu, giống như nhiều nhóm du khách người Tàu mà bây giờ chúng ta hay gặp, bị bỏ lại xài tiền ở “Thương xá Bán lẻ Seattle” (Seattle Outlet Mall).
Khi Tập Cận Bình cuối cùng đặt chân tới thủ đô Hoa Thịnh Đốn, thì lại bị phớt lờ lần nữa vì công luận Hoa Kỳ tập trung vào nơi khác. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, ông John Boehner bất thần loan báo từ chức. Hành động sớm hơn dự trù của ông Boehner lập tức trở thành đề tài gây bàn tán ở Hoa Thịnh Đốn. Khi ông Obama và ông Tập Cận Bình ra gặp gỡ giới truyền thông, các phóng viên, ký giả Hoa Kỳ không còn cách nào khác hơn là phải chuyển sự quan tâm từ một cuộc họp báo của Tổng thống và Chủ tịch sang diễn đàn chính trị nội địa Hoa Kỳ. Họ Tập đứng lúng túng kế bên bục nói chuyện nhìn ông Obama phát biểu về các sinh hoạt chính trị quốc nội.
Mô hình mới cho bang giao nước lớn
Không có một bản thông cáo chung nào sau cuộc họp báo của ông Obama và ông Tập Cận Bình. Đây hiển nhiên là nỗi thất vọng đối với họ Tập. Tồi tệ hơn, cả hai buộc phải cung cấp các tường trình riêng về những gì xảy ra tại các cuộc hội kiến cấp nguyên thủ. Có những thông tin mâu thuẫn to lớn. Bên Tàu cộng thì liệt kê 49 “thỏa thuận” như là những thành quả đạt được từ chuyến công du Hoa Kỳ của họ Tập. Trong khi đó, Hoa Kỳ liệt kê ít đề mục hơn và đặt tầm mức quan trọng của chúng theo một trật tự khác hẳn.
Dị biệt lớn nhất là về mô hình mới dành cho bang giao nước lớn. Ngoại trưởng người Tàu xác nhận rằng họ Tập và ông Obama đã có một cuộc thảo luận kéo dài về mô hình mới này. Đề mục số 1 trên bản liệt kê của người Tàu xác định rằng: “Đôi bên đều khen ngợi nhau về những thành quả khả quan đạt được từ cuộc hội kiến tại Sunnyland trong năm 2013, cuộc hội kiến ở Bắc Kinh trong năm 2014 và cuộc hội kiến ở Hoa Thịnh Đốn trong năm 2015 giữa hai nguyên thủ, và đồng ý tiếp tục các nỗ lực thiết chế một mô hình mới cho bang giao cường quốc giữa Trung quốc và Hoa Kỳ dựa trên lòng kính trọng lẫn nhau và sự hợp tác đôi bên cùng có lợi”. Tuy nhiên, tài liệu lưu trữ của Tòa Bạch Ốc không có vi bằng về việc ông Obama thảo luận về mô hình mới với họ Tập và không có sự nhắc nhở đến sáng kiến của người Tàu trong bất kỳ một thông cáo báo chí nào cả.
Chúng ta chưa rõ là bên nào cho biết sự thật. Nhưng có lẽ ai cũng nhìn thấy rằng các sự tường trình khác biệt rõ ràng là các cú xóc trong sự chuyển tiếp quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung cộng. Khi cuộc hành trình này tiếp tục, bên người Tàu sẽ tạo áp lực để đạt lòng tín nhiệm và kính trọng lẫn nhau; và khẳng định rằng các vấn đề thực tế sẽ được giải quyết triệt để nếu như họ đạt được một sự cam kết chiến lược từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn luôn theo đuổi cách giải quyết các rắc rối trong mối quan hệ giữa hai nước một cách cụ thể; và tin tưởng rằng lòng tín nhiệm và kính trọng lẫn nhau chỉ có thể đến từ sự hợp tác khả dĩ đo lường được. Cuộc hành trình này sẽ tiếp tục gập ghềnh, khúc khuỷu nếu cả hai nước cứ bàn thảo cho có và không bên nào chịu phá vỡ tình trạng bế tắc. 
* Tiến sĩ David Lai là Giáo sư Nghiên cứu về An ninh Sự vụ Á châu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Đại học Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ. Các quan điểm trong bài viết này không nhất thiết phản ảnh đường lối hoặc lập trường của Đại học Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ, Quân đội Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng hoặc Chính phủ Hoa Kỳ.
18/10/2015

Chính quyền không còn biết xấu hổ với người dân của mình...

 

Con vua thì lại làm vua,
Con sãi ở chùa thì chỉ quét lá đa...
Thời gian qua, sự việc thu hút sự chú ý cũng như bức xúc nhiều nhất của người dân là việc chỉ trong một thời gian ngắn, các cuộc bổ nhiệm, phong chức, thăng chức cho các tài năng trẻ diễn ra liên tục, dồn dập và vào các vị trí chính quyền trong cả nước. Thế nhưng việc để người ta bàn tán giễu cợt lại là chuyện cha con ông quan mới được tân phong. Vì ông bố lại chính là ông quan to nhất vùng, và các tên tuổi được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong bộ máy công quyền, những người được phong vượt cấp, vượt hạn ngạch, lập kỷ lục về tuổi trẻ tài cao đó té ra đều là con cái của các vị quan chức đứng đầu tỉnh, đứng đầu ngành nơi mà con cái họ được bổ nhiệm vào.
Chẳng biết họ có tài cán gì, năng lực đạo đức ra sao nhưng tất cả đều phải công nhận đó là những công tử Đỏ thật may mắn. Ra đời rồi đi trên đường đời luôn có sự nâng đỡ, che chở vững như thạch của: "Công cha như núi Thái Sơn" thì làm gì các anh không tài năng. Mà cũng chẳng cần tài năng làm gì khi ta có được một người cha làm to như thế. Mà ông bố cũng đâu có cần tài năng mà vẫn leo lên làm to như thế.
Dân tình xôn xao bàn tán, chế giễu những việc bổ nhiệm kỳ quặc như trong một gia đình riêng của họ vậy. Nhưng hình như trong cả bộ máy chính quyền ở những nơi bổ nhiệm chức vụ tào lao đó không hề có người trọng trách nào có được một sự cảm nhận xã hội tinh tế, một nhãn quan chính trị khôn ngoan để có thể chấm dứt những chuyện thị phi không đáng có này. Cũng chẳng hề để ý đến dư luận thì liên tiếp chỉ khoảng hơn tháng nay, các vụ thăng vượt cấp của quá nhiều tài năng trẻ vào các cơ quan hành chính của chính quyền. Và cũng không có một tiếng nói phản biện nào của bất cứ quan chức nào, của tổ chức nào, từ tòa nhà Quốc Hội uy nghi với các ông bà Nghị vốn thét ra lửa, chắc hẳn cũng thấy chướng nhưng không ai lên tiếng, các nhà báo của thông tin đại chúng cũng không đồng ý với việc này nhưng cũng không lên tiếng, không có tiếng nói có trọng lượng nào phản đối hay không đồng tình với việc làm sai trái cả về luật công chức lẫn luật đời của Đạo Làm Người. Cái kiểu "cha truyền con hứng", làm như chức danh trong chính quyền là quả banh quyền lực và lợi lộc riêng của họ hay phe nhóm họ vậy.
Ta điểm qua vài cái tên nổi bật nhé. Quí tử của ông Bí Thư TP.HCM Lê Thanh Hải thì được bổ nhiệm làm chủ tịch quận 12, cùng phạm vi của một thành phố, còn ông Lê Hoài Quốc Bảo là con ông cựu bí thư Quảng Nam thì được thăng làm GĐ Sở KH trong phạm vi của tỉnh nhà. Còn trong phạm vi quốc gia thì con giai cả, Đông Cung Thái Tử Nguyễn Thanh Nghị, người kế vị chính dòng Vương Triều Việt Nam mới mang tên Nguyễn Tấn đã tạm chấp một chức lót đường là bí thư một tỉnh nhỏ, chờ ngày phụng mệnh trời ra làm việc lớn. Tất cả các tài năng trên đều trên dưới 30 tuổi.
Đã từ lâu rồi, những sự bổ nhiệm vào các chức vụ trong chính quyền đã trở thành một thứ bổng lộc, một thứ chiến lợi phẩm được trao cho người có công có sức vậy. Người lập công, lập quốc thì ăn phần to, người ăn theo đóng góp thì ăn phần nhỏ hơn. Kể cả đám khuyển mã ăn theo thì cũng đều có phần xương hay xái. Ban phát chức quyền như thế cũng là để ban phát bổng lộc, dù có nói dưới hình thức nào. Chính quyền cấp cao hơn đã làm gương cho các chính quyền cấp dưới, và ngành dọc nhìn ngành ngang, học hỏi và cứ cái đà như thế tiến tới. Những con người trẻ tuổi và tài năng của nước Việt Nam ta bỗng đâu sanh ra nhiều như muỗi sau mưa, và chuyện bổ nhiệm, thăng chức các tài năng ấy vào các chức vụ béo bổ trong chính quyền diễn ra nhiều như ruồi sau cỗ vậy.
Đó là điều rất tai hại cho chính quyền và nhất là cho người dân, người công chức dưới quyền các vị, mà chức vụ cha truyền con nối như thế. Hại như thế nào thì nói cả một pho sách cũng chưa nói hết cái tai hại mà việc bổ nhiệm theo kiểu lề Vua, thói Chúa này mang chỉ hai dân hai nước mà thôi. Việc bổ nhiệm như thế sẽ triệt tiêu động lực đấu tranh công bằng của cả một tầng lớp thanh niên ưu tú nhưng chỉ vì không xuất thân tốt như các Thái Tử Đảng kia.
Vì xã hội Việt Nam mà chúng ta đang sống đã thay đổi, và đang thay đổi và sẽ còn thay đổi nhiều hơn nữa, và hướng về những điều tốt đẹp, dân chủ và công bằng cho tất cả người dân Việt Nam có cơ hội, có quyền tham chính để phụng sự đất nước cũng như để mưu cầu hạnh phúc cho gia đình họ. Thì không ai lại tán thành cái việc phân chia đẳng cấp, thành phần, hay lý lịch vô lý mà 40 năm qua vẫn còn treo trên đầu trên cổ người dân. Và qua cái việc bổ nhiệm vô tội vạ vừa qua thì bóng dáng của sự phân biệt đối xử, những rào cản vô lý khi đặt những kẻ con ông cháu cha vào những cái ghế quyền lực, và ngăn chặn những con người trẻ trung tài năng khác tiến thân. Thực tình thì tôi không tin họ có tài, vì người tài sẽ từ chối các cơ hội như thế mà cha mẹ trao cho.
Nhưng đó không phải là những việc làm ngốc của những anh ngốc, mà là việc làm của những kẻ khôn đang hành động cực kỳ khôn ngoan cộng với sự lỳ lợm, tham lam của một phường thảo khấu mãi lộ đang chia chác quyền tiền. Và phân chia thế nào là quyền của họ. Tâm lý của họ vẫn là tâm lý chiến thắng của đám lục lâm xuống núi chiếm được thành. Họ chiếm được cái gì thì cái đó hiển nhiên là của họ, đó là một cái thành quách, hay một quốc gia thì cũng giống như nhau. Cái nơi ấy sẽ đương nhiên là chiến lợi phẩm của kẻ chiến thắng. Kẻ đó sẽ thụ hưởng nó, đặt ra luật và rồi lại truyền ngôi cho con cháu, đồng chí thụ hưởng nữa cho đến đời sau kiếp sau. Những việc bổ nhiệm như đã nói cũng chỉ đang đi theo một đường hướng rõ ràng. Các chức sắc trong làng thì cứ ăn chia theo lệ. Bọn đinh, lệ mõ tuần thì vòng ngoài, chiếu dưới theo lệ mà đớp hít cho xong phần ngồi cỗ bàn. Còn để chỗ phân chia cỗ bàn mâm trên thì để cho các bậc tiên chỉ làng vừa ăn nhậu no say, vừa đấu đá kiếm chức Chánh, Phó Tổng của làng chứ. Quyền cao chức trọng, mâm cao cỗ đầy, kẻ tung người hô thì cũng từ cái những cái chức quan viên đầu làng đó mà ra. Bọn dân đen cứ rủa thì đường ta cứ đi...
Và dĩ nhiên trong những cái khôn ngu, tính toán của việc đặt những ông trời cha, ông trời con lên đầu người dân thì cũng là thái độ coi người dân của mình như cỏ rác, hay như những con cừu hiền lành trong đàn cừu ngoan ngoãn như trước kia. 
Chẳng cần ai bảo ai, ai xúi ai thì giờ đây tuyệt đại đa số người dân Việt Nam đều bất mãn, không hài lòng với các kiểu bổ nhiệm thăng thưởng cho con cháu người thân một cách ngớ ngẩn, coi thường công luận và cho thấy dường như căn bệnh ấu trĩ tả khuynh vẫn còn bám vào người các lãnh đạo cao nhất của chính quyền, như những vết ghẻ của cái thời nằm rừng, cũng như vết phèn chua của cái thuở cấy lúa đồng chiêm trũng cách nay không xa... Nên thật dễ dàng để thấy có những việc không nên làm, không được làm mà một ông quan chức to trong chính quyền vẫn làm, và không gặp sự phản đối nào thì cả một bộ máy trong chính quyền ấy đều đã bị nhiễm vi rút nặng nề lắm rồi. Nhất là các vi rút có tên là Lương Tâm, Danh Dự hay Đạo Làm Người. Cha con của những ông truyền ngôi cho con không thấy ngượng, mà những người biết chuyện rồi làm ngơ thì cũng không thấy xấu hổ.
Không phải tất cả, nhưng có đến phân nửa những ông quan to trong chính quyền đã không còn biết xấu hổ là gì, phân nửa các ông còn lại thì không biết ngượng trước các việc làm đáng xấu hổ, đáng ngượng trên…

Phượng Oan (Tập 2)

 
 
Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Phượng oan không phải bây giờ, mà oan từ khi có thể là còn trong bụng mẹ. Hãy nhẩn nha, để bác kể Phượng nghe:
Ngày đó... Cách đây gần 50 năm về trước. Trong một cuộc giao tranh với quân “Phỏng Hai Hòn” trong vùng Dục Tượng, bác bị “loại khỏi vòng chiến” bởi hỏa tiển chống chiến xa “made in China”, và được máy bay trực thăng Mỹ bốc về thị xã Rạch Giá. Sau khi y sĩ phân loại tại phòng lựa thương là nặng, bác được đặt trên cáng đẩy sang bệnh viện ở bên kia đường. Nằm trên băng ca, bác nghe tiếng nhốn nháo chặt lưỡi như xót xa của đám đông nữ sinh vừa tan trường. Rồi có giọng run run cất lên rất gần, “Tội nghiệp ông này quá”...
Phượng Oan ơi, người ta hay “nói xấu” đàn ông “thấy con gái là sáng mắt ra”, nhưng bác đây, chưa thấy, chỉ mới nghe giọng con gái thôi, cũng đã “sáng mắt” ra được. Số là mặt bác bị lửa B.41 nó táp vào, đốt trụi tại chỗ lông mày lông mi biến (mặt) thành “nô he/ no hair”; hai mắt nhắm ghiền; vậy mà khi nghe tiếng cô nữ sinh cất lên “chiếu cố” đến mình, con mắt trái bỗng dưng tự nhiên như người hà nội dướn (rướn) lên được. Để thấy khuôn mặt một người...
Người ấy sao trông giống má Phượng Oan quá. Biết đâu chừng người đi qua "đời"... bác nằm trên băng - ca nửa thế kỷ trước là phu nhân Ếch Thủ tướng nước CHXHCN Cờ Cờ bây giờ. Hay, nếu không phải chính người đó, mà là một trong đám học trò “em gái hậu phương”của người lính VNCH? Mà nếu như cả hai điều trên không đúng, thì chí ít má Phượng là người Rạch Giá, như chị Tạ Phong Tần là dân Bạc Liêu.
Bạc Liêu hay Rạch Giá đều là cái gốc Miền Nam, tức nước Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả rồi, Lá rụng về cội.
“Lá” Phượng đang phấp phới rụng về cội bằng con đường... lấy chồng “Mỹ Ngụy” Nguyễn Bảo Hoàng.
Thế nên ai đó viết thư “giải oan” Mỹ Ngụy cho Nguyễn Thanh Phượng, cho rằng Phượng thuộc dòng dõi Cộng Sản là đổ thêm oan cho Phượng Oan của bác.
Thế nên, về sau, có lời chép rằng: Không có gì oan bằng con gái Miền Nam bổng dưng không muốn mà phải khóc ròng vì khi không phải lấy chồng Cộng Sản.

Trước Đại hội 12: Con dân và con quan

Thiếu niên Đỗ Đăng Dư bị đánh chết khi đang bị giam giữ tại Hà Nội

Trước cuộc họp năm năm một lần vào đầu năm tới của Đảng Cộng sản, một số sự việc xảy ra cho thấy sự tương phản về thân phận con người tại đất nước mà người đứng đầu Đảng nói là đang ở vào "thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử".

Từ con dân...

Sáng Chủ Nhật ngày 4/10, theo những gì công an Việt Nam đưa ra, thiếu niên 17 tuổi Đỗ Đăng Dư, con của một gia đình nông dân ở Hà Nội, bị bạn cùng buồng giam đánh.
Thứ Bảy ngày 10/10, Đỗ Đăng Dư tử vong.
Trong khoảng thời gian từ 4-10/10, gia đình thanh niên xấu số nói họ bị ngăn cản khi muốn vào thăm con em mình.
Khám nghiệm tử thi diễn ra hôm 11/10 nhưng luật sư đại diện cho gia đình nói ông không ký vào biên bản khám nghiệm vì các điều tra viên "chỉ ghi những dấu vết bên ngoài thân thể mà không ghi các dấu vết bên trong khi giải phẫu".
Các dấu vết bên trong, theo luật sư Trần Thu Nam, bao gồm "bị tụ máu trên não" cũng như "đốt sống số 1 trên cùng bị tổn thương dẫn đến động mạch chỗ đó bị tổn thương không đưa máu lên nuôi não dẫn đến chết não, phù não."
Ngày 16/10 khi một đoàn trong đó có một nhóm vận động cho dân chủ và nhân quyền tới viếng và chuyển tiền phúng viếng cho gia đình, một số thanh niên đã tới gây lộn xộn tại nhà của nạn nhân khiến bố mẹ Đỗ Đăng Dư phải thách thức họ "Giết con rồi, giết luôn vợ chồng nhà tôi đi xem có được không."
Có những bình luận trên Facebook nói bà Đỗ Thị Mai là "chị Dậu thời hiện đại" nhưng còn khổ hơn chị Dậu thời xưa.
Khác với một số vụ việc tương tự trước đó vài tháng, các báo chỉ đưa những gì phía công an thông báo mà không tìm hiểu thêm từ phía gia đình nạn nhân hay có điều tra riêng.
Theo dõi trên báo chí chính thống, không một chính trị gia có tiếng nào cảm thấy cần phải có lời chia buồn với gia đình nạn nhân hoặc coi đây là giọt nước làm tràn chiếc ly trong đó có hơn 200 người chết khi đang bị giam giữ trong ba năm trở lại đây.

...tới con quan

Trong lúc đó một loạt các con quan gây sốt khi chứng tỏ họ 'tuổi trẻ tài cao'.
Ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi, con trai của người giữ chức bí thư tỉnh Quảng Nam tới tháng Chín năm nay, trở thành giám đốc sở kế hoạch đầu tư trẻ nhất nước tại cùng tỉnh bố lãnh đạo.
Trong ngày các thanh niên lạ mặt gây sự tại đám viếng Đỗ Đăng Dư, các báo coi như đó là chuyện không đáng kể và tập trung đưa tin về sự thăng tiến chính trị của những người được coi là "hạt giống Đỏ" hay "thái tử Đảng" khác.
 
  Cả hai con trai của ông Nguyễn Tấn Dũng đều vừa có sự thăng tiến mới trong chính trường
Trưa 16/10, VietNamNet đưa tin tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh, 39 tuổi, con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi, trở thành người đứng đầu về Đảng ở địa phương và bình thêm:
"Đến thời điểm này, có thể nói ông Xuân Anh là vị Bí thư Thành ủy trẻ tuổi nhất nước."
Tối muộn cùng ngày vẫn VietNamNet lại đưa tin ông Nguyễn Thanh Nghị, người báo nói "xuất thân từ gia đình truyền thống cách mạng, là con trai lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng" trở thành Bí thư tỉnh Kiên Giang.
Danh hiệu bí thư trẻ nhất nước của ông Nguyễn Xuân Anh chỉ giữ được trong vài tiếng vì ông Nghị kém ông Anh vài tháng tuổi.
Con trai khác của ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Minh Triết, cũng vừa trở thành tỉnh ủy viên trẻ nhất khi được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ Bình Định ở tuổi 27.
Hồi tháng Tám, tháng con thường dân Đỗ Đăng Dư bị bắt giam và hiện còn có tranh cãi quyết định giam giữ có đúng không, con ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Trương Hải Hiếu trở thành chủ tịch quận trẻ nhất nước.
Tuy nhiên, trong một trong những bất ngờ hiếm hoi, ông Hiếu đã không lọt được vào Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh theo tin hôm 17/10.

Bình luận trên mạng xã hội

Vụ của nạn nhân Đỗ Đăng Dư và của các "hạt giống Đỏ" đều gây xôn xao mạng xã hội.
Video cảnh gây lộn khi có đoàn tới viếng Đỗ Đăng Dư trên YouTube Facebook của BBC đã được hàng vạn lượt xem sau hai ngày.
Các bài về nhân sự trẻ tuổi trong Đảng, nhất là bài về con trai lớn của thủ tướng, cũng được nhiều người bình luận.
Trên các trang Facebook cá nhân, một số người quan tâm tới thời cuộc và không e ngại khi nói tới các vấn đề chính trị cũng đăng các thông điệp về bước đường chính trị của con cái chính trị gia.
Blogger Trương Duy Nhất viết:
"Những đứa trẻ ranh mới hôm rồi chỉ biết vọc tiền, chơi gái thoắt cái khoác áo vét cà vạt chễm trệ trên đỉnh cao quyền lực cai trị, hoạch định chính sách kinh tài quốc gia.
"Đất nước này, tổ quốc này, non sông này đâu phải cái chiếu giỗ để chia mâm bát cho vài gia đình dòng tộc.
"Chưa giai thời nào đội ngũ con quan- quan con được mệnh danh là lớp “Thái tử đảng” lại xuất hiện nhiều đến thế, chướng tai gai mắt đến thế."
Luật sư Lê Công Định bình luận:
"Kể từ đời nhà Trần chấm dứt đến nay, dường như chế độ Thái Thượng Hoàng đang được tái lập? Chỉ ở những hình thái chính trị-xã hội phong kiến, dù cổ truyền hay hiện đại, mới dung dưỡng tình trạng chuyển giao quyền hành bằng thừa kế theo huyết thống.
"Đất nước ta trên thực tế đang rẽ vào giai đoạn phân hoá nghiêm trọng giữa giới quý tộc cai trị với nhiều đẳng cấp cao thấp và những người dân đen bị trị vô sản. Tầng lớp trung gian, tuy không rơi vào cảnh nghèo hèn phải bán sức lao động, nhưng cũng chẳng có cơ hội trực tiếp giành quyền lực chính trị, đó là giới doanh nhân ngày nay.
"So sánh xã hội Việt Nam hiện tại thấy rất giống thời tiền cách mạng tư sản ở Âu Châu thế kỷ 17-18. Ánh sáng cuối đường hầm đã le lói."
Và nhà báo Trương Huy San đăng:
"Đem "hết trứng" - Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết - đặt vào một "giỏ" - cái giỏ đảng Cộng sản VN - như gửi con tin.
"Vậy mà có nhiều trí thức vẫn hy vọng rằng nếu ông Nguyễn Tấn Dũng làm TBT [tổng bí thư] ông sẽ giải tán đảng và dân chủ hóa đất nước.
"Có ai chặt cái cây mà hai thằng con nối dõi của mình đang hăm hở leo lên không. Chấp nhận độc tài, tham nhũng để đổi lấy dân chủ, hy vọng cải cách từ một người chỉ giỏi thu vén cá nhân, cũng "viển vông" như "tình hữu nghị" Việt - Trung thôi quý vị ạ."
Trong khi đó về mặt công khai hiện chưa có tin tức gì về những ai đang tranh đua vào vị trí tổng bí thư Đảng Cộng sản mà hiện ông Nguyễn Phú Trọng đang giữ cũng như những vị trí then chốt khác trong đó có chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
Cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói mọi chuyện vẫn có thể thay đổi ở "những phút đá bù giờ".
Nhưng dường như ít ai hy vọng vào thay đổi lớn lao từ đại hội sắp tới của các đảng viên Cộng sản.
Mấy ngày nay trên mạng xã hội người ta lại nhắc lại câu ca dao "Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa".

Con chó đợi đèn

 Theo Người Việt- 10-18- 2015 3:05:10 PM
Tạp ghi Huy Phương
Hình ảnh trên YouTube ghi lại chuyện một con chó nhất quyết đợi đèn xanh mới sang đường trong khi có hai cô gái vượt đèn đỏ khiến nhiều người xem không khỏi ngạc nhiên, vì đây là một câu chuyện lạ đối với nhiều người.


(Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Hẳn con chó này chưa hề ngồi qua một lớp dạy luật lệ giao thông dành cho chó, hay được ai dạy dỗ, căn dặn về chuyện tôn trọng luật lệ đi đường. Nhưng có một điều tôi biết chắc là người chủ của con chó là một người “công dân có giáo dục” và là một người tử tế. Từ khi con chó được lớn lên trong gia đình này, đi theo người chủ, chưa bao giờ nó thấy người chủ vi phạm luật giao thông, ông chưa bao giờ vượt đèn đỏ để qua đường, và con chó đã học được thói quen ấy trong nhiều năm.
Bây giờ không có người chủ đi bên cạnh, không có cảnh sát hướng dẫn, không có cây chắn đường, con chó vẫn ngồi chờ cho đến khi có đèn xanh, để qua đường. Cử chỉ này xem qua có vẻ đơn giản nhưng quá khó khăn, vì hiện nay hàng triệu người Việt Nam văn minh, tử tế vẫn chưa làm được như con chó này.
Chuyện con chó chờ đèn xanh để qua đường gây được sự chú ý của dư luận, lẽ cố nhiên, phần lớn là ở trong nước, vì ở ngoại quốc, người ta xếp hàng trước tiệm ăn, hay một con chó chỉ chịu qua đường khi đèn xanh bật lên thì đâu có gì lạ. Không thấy ai khen ngợi con chó, không ai chấp nhận nó còn hơn cả con người, sinh vật mà lâu nay đi bằng hai chân, một tác phẩm tuyệt hảo của Thượng Đế hay sao?
Thật là ngu như chó! Nó không thông minh, không linh hoạt, không thích ứng như con người. Vì vậy người ta xem nó hành động cứng nhắc vì nó không biết cách “uyển chuyển theo tình huống” bằng con người, nghĩa là khi không có xe thì cứ qua, khi không có cảnh sát thì cứ vượt đèn đỏ.
Bình luận cho việc một con chó đợi đèn, một người trong nước cho biết ý kiến: “Tôi không cổ xúy cho việc phải phá vỡ luật nhưng mình cứ chọn đúng thời điểm, chớp thời cơ thì không có gì là sai cả!” Theo ý kiến người này, không cần thiết phải đợi đèn, cứ vượt đèn đỏ đúng lúc, “miễn là đúng thời điểm” và chớp thời cơ, phải chăng là khả năng của con người XHCN trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cách đây 70 năm, Hồ Chí Minh đã “chọn đúng thời điểm, chớp thời cơ” nhảy ra cướp chính quyền, việc lớn cũng không sao, huống gì ngày nay với dăm ba việc lẻ tẻ, sống sao có lợi cho bản thân mình là được.
Bí quyết thành công của con người hôm nay là phải quên cái câu “mình sống vì mọi người,” ngày nay muốn thành công “phải đạp lên đầu người khác mà đi!”
Ở Việt Nam hiện nay, họa là ngu mới đứng lại ở đầu đường khi đèn trở màu đỏ. Tai nạn vượt đèn đỏ không nguy hiểm tàn khốc bằng tai nạn khi chúng ta tuân hành đèn giao thông và dừng lại khi thấy đèn đỏ, vì chúng ta sẽ bị những loạt xe đằng sau tiến lên cán nát.
Một người khác thì cho rằng: “Đèn giao thông chẳng qua là một quy định chung cho số đông, nhưng cái mà nó tiến đến cũng là phục vụ sự thuận tiện cho con người!”
“Phục vụ sự thuận tiện cho con người!” có nghĩa là sống theo luật rừng, thuận tiện nhưng không cần đến quy luật. Phục vụ cho sự thuận tiện của con người, phải chăng là thấy đói thì ăn, không biết thức ăn đó là của ai, khát thì uống dù thức uống đó không phải của mình, phóng uế bất cứ nơi đâu khi cần, và buông thả thú tính khi không có ai kèm thúc, ràng buộc.
Không thấy hổ thẹn khi con người phá bỏ ngay quy ước và luật lệ do con người đặt ra để bảo vệ an toàn chính cho con người. Bài báo này hẳn không có mục đích để ca tụng một con chó, con vật mà trong xã hội Việt Nam, lâu nay vốn đã xem nó là thấp hèn, hạ tiện biết chừng nào. Từ việc xem chó như một con vật bình đẳng của một số rất nhỏ hiện nay, tiến tới chuyện con người Việt Nam biết thương yêu và tôn trọng những con vật như chó, người Việt Nam phải trải qua, ít nhất là vài trăm năm nữa!
Có nhiều điều rất mâu thuẫn trong cung cách đối xử giữa con người với nhau, và sự khinh miệt của con người đối với một con chó. Tuy khinh miệt loài chó, loài người Việt Nam có thể hung hãn giết một con người bằng đủ loại hành động tàn khốc, man rợ thời trung cổ, để bênh vực một con chó, dù chỉ là một con chó qua đường, không thuộc quyền sở hữu của họ.
Có một đất nước nào tôn trọng, bênh vực sự sống tốt đẹp của loài chó như trong “thiên đường” Việt Nam không, để cho bất cứ con chó nào trên trái đất này đều có một mơ ước trở thành một con chó Việt Nam? Nghĩa là vì sự sống của một con chó, người ta có thể giết một con người. Nhưng sự thật là không phải vậy. Phải ở trong xã hội Việt Nam mới thấy cái “chó” của những vở kịch đẫm máu này!
Bài viết nhỏ nhoi này không hề có ý bệnh vực loài chó vì trong câu chuyện này vẫn có người khẳng định: “Con người hơn chó là vậy đấy. Người hơn chó vì biết chớp thời cơ!”
Câu chuyện còn đưa đến một kết luận: “Đơn giản là chú chó sợ chết hơn con người.” Sợ chết, muốn sống là bản năng của sinh vật, bất kể con người hay con chó. Nhưng vì sao con chó trong câu chuyện này sợ chết, mà con người lại không?
Những bản tin trên báo chí Việt Nam đọc đến nhàm chán: - “Ba xe chờ đèn đỏ bị xe tải chạy tới hất văng,” - “Đang đứng lại đầu đường vì đèn đỏ, thiếu nữ bị tông xe, ngã nhào,” - “Xe container đâm hàng loạt xe đang chờ đèn đỏ,” - “Vợ chồng dừng lại đèn đỏ, vợ bị xe sau tông chết...” Như vậy, chúng ta đi xe dừng lại khi thấy đèn đỏ bật lên là đúng luật hay sai luật? Nhưng quan trọng là con người lại muốn sống hơn là được công nhận thi hành đúng luật giao thông hay không?
Chúng ta hãy nghe một tài xế vượt đèn đỏ gây tai nạn giải thích lý do: “Đèn bật đỏ! Tôi tưởng cái xe chạy trước tôi đi luôn, nhưng không hiểu sao, nó dừng lại!” Các bạn đã thấy một đám xe gắn máy khi gặp đèn đỏ chưa? Họ hung hãn, tống chân ga, chen lấn, ào lên, lấn lách, tràn lên hè phố, nơi người ta buôn bán, đi bộ.
Đứa nào đứng lại, không thuộc loại dại cũng là ngu, không thuộc loại lừ đừ cũng là thứ gà chết. Cuối cùng, đứng lại khi thấy đèn đỏ cũng chết, vượt đèn đỏ sai luật lại càng dễ chết hơn.
Ở Mỹ này, có khi bạn đi về rất khuya, đến chỗ đèn đỏ, dù lúc bấy giờ đường sá vắng tanh, không có một ai qua lại, bạn vẫn tự động dừng xe lại chờ. Không phải vì bạn sợ chết như chuyện con chó đợi đèn, hay bạn sợ một ông cảnh sát nào đó bỗng nhiên lù lù hiện ra, mà đó chỉ là một thói quen, một phản ứng tự nhiên. Để có một phản ứng như vậy, bạn phải có chừng năm, bảy năm sống trong một cộng đồng loài người văn minh, ở một xứ sở văn minh.
Sài Gòn có thể cần $5 triệu để chống ngập lụt, $5 triệu nữa để chống nạn kẹt xe, nhưng thật tình tôi không biết phải cần bao nhiêu tiền nữa để sửa cái “công tắc” trong đầu mỗi người dân, cái “công tắc” đó để chỉ huy người lái xe, tự động đứng lại khi gặp đèn đỏ và chỉ chạy xe khi có đèn xanh?

Nợ công và tham nhũng vượt ngưỡng nguy hiểm

 Theo Người Việt10-18- 2015 4:28:55 PM
Phạm Chí Dũng
Chỉ ít ngày trước Hội Nghị Trung Ương 12 và kỳ họp Quốc Hội cuối năm, bất chợt nổi lên những tín hiệu về thế trầm kha của nạn tham nhũng và nợ công Việt Nam.
Vượt trên ngưỡng nguy hiểm!
Vào đầu Tháng Mười, lần đầu tiên xuất hiện một báo cáo đáng giá lương tâm từ phía Học Viện Chính Sách và Phát Triển (Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư) về nợ công, khác hẳn thái độ cực kỳ “ngoan ngoãn” của bộ này trước đây.
Báo cáo này “tính toán lại” nợ công năm 2014: nếu tính thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng là 5% nợ công trong nước thì sẽ là 66.4% GDP, chênh lệch tới 6.5 điểm phần trăm so với mức nợ công 59.9% GDP đã được các báo cáo của chính phủ công bố.
Tỷ lệ mới về nợ công đã hiển nhiên vượt hơn ngưỡng nguy hiểm 65%.
Thế nhưng trong nhiều báo cáo gửi tới các kỳ họp Quốc Hội trong những năm gần đây, chính phủ đều khẳng định nợ công vẫn ở mức an toàn. Một số chuyên gia “phản biện trung thành” đã được xuất hiện trên truyền thông để trấn an giới phản biện độc lập và dân chúng khi cho rằng chẳng có gì đáng lo ngại về nợ công quốc gia.
Xu thế vay mượn ODA cũng vì thế càng trở nên “ăn của dân không chừa thứ gì.” Không chỉ dự án sân bay Long Thành $15 tỷ mà cả dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam cũng đang ngấp nghé con số $55 tỷ, chỉ chực chờ đổ ập lên đầu dân chúng núi nợ truyền kiếp không biết bao nhiêu đời con cháu.
Để có được con số nợ công trung thực hơn, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đã thay đổi cách tính, bổ sung ba tiêu chí là nợ Ngân Hàng Nhà Nước, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội. Đây cũng là những tiêu chí không nằm trong Luật Quản Lý nợ công 2009. Thế nhưng, những tiêu chí này, đặc biệt là nợ của DNNN, lại là tiêu chuẩn bắt buộc của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (WB).
Cần nhắc lại, từ năm 2011, một số chuyên gia phản biện độc lập đã báo động về tình hình nợ công quốc gia của Việt Nam. Ông Vũ Quang Việt, nguyên vụ trưởng Tài Khoản Quốc Gia, Cục Thống Kê của Liên Hiệp Quốc, đã tính toán số nợ của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước để từ đó đưa ra tỉ lệ nợ công quốc gia trên GDP lên đến 106%.
Chỉ đến năm 2014, vài chuyên gia và quan chức nhà nước mới chịu thừa nhận nợ công quốc gia có thể lên đến 98% GDP, tức “làm ra 100 đồng đã phải dành đến 98 đồng để trả nợ.”
Trong khi đó, giới lãnh đạo chính phủ vẫn cố ép tỉ lệ này chỉ ở mức 50-55% GDP.
Vào Tháng Tám, khác với những lần trước khi thông báo về tình hình nợ công quốc gia được dẫn nguồn từ chính phủ hoặc thậm chí cơ quan tuyên giáo, báo giới nhà nước lại đồng loạt phát tin “Việt Nam là quốc gia có rủi ro nợ công lớn nhất khu vực Đông Nam Á” và “được” ngân hàng Bank of America (Mỹ) xếp hạng rủi ro thứ 12 trên thế giới.
“Việt Nam không bao giờ vỡ nợ công” thuộc loại tuyên bố “ấn tượng” vô trách nhiệm nhất của giới quan chức Việt Nam cách đây không lâu. Thế nhưng đã quá chán ngán trước tình cảnh dối trá bất tận về thực trạng nợ công, nợ xấu, cộng thêm đòi hỏi ngày càng lớn về minh bạch tài chính ngân sách, báo chí nhà nước chỉ còn chờ những tổ chức phân tích tài chính có uy tín như Bank of America phát thông tin là lập tức xé rào dẫn lại.
Với con số nợ công mới 66.4%/GDP mà Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đưa ra, kỳ họp Quốc Hội Việt Nam vào Tháng Mười Một sẽ có thể sôi động hơn chứ không thuần một chiều như trước đây. Có khả năng một số đại biểu sẽ phản bác báo cáo của chính phủ và những dự án vay ODA với dự toán theo kiểu “giết sống'' dân nghèo.
Tình hình nợ công tiếp tục dấn sâu vào vùng nguy hiểm cũng đang là hiện tượng tiếp biến mà rất có thể sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam lao vào vùng phá sản trong ít năm tới - không khác mấy trường hợp Argentina năm 2001.

Đáy minh bạch - đỉnh tham nhũng

Trên một bình diện khác, vào đầu Tháng Chín, Tổ Chức Đối Tác Ngân Sách Quốc Tế công bố chỉ số công khai ngân sách mở của Việt Nam năm 2015 chỉ là 18 điểm trên thang điểm 100, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 45 điểm. Chỉ số này thậm chí còn thấp hơn một điểm so với xếp hạng năm 2014.
Sự việc quá đáng xấu hổ trên phải có căn nguyên của nó. Vào Tháng Mười Hai, 2014, Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng 2014 (CPI 2014): Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong số chín quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm 2014, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào, Cambodia, và Miến Điện. Trong lúc điểm số của Việt Nam không thay đổi trong một bảng xếp hạng về tham nhũng hàng năm, nhiều quốc gia láng giềng lại đang cải thiện kết quả CPI của họ.
Mức độ thiếu công khai, minh bạch về ngân sách Việt Nam luôn đứng gần chót bảng xếp hạng lại không gây ngạc nhiên với nhiều người, trong đó có trưởng đại diện Tổ Chức Hợp Tác Quốc Tế Nhật tại Việt Nam (JICA), ông Mori Mutsuya. Trong nỗ lực tìm kiếm thông tin về ngân sách để phục vụ cho nghiên cứu gần đây về nợ công, nợ trong nước, nợ nước ngoài của Việt Nam mà JICA quan tâm, ông đã không khỏi thất vọng. Các số liệu ngân sách nhà nước mà Bộ Tài Chính thường công khai trên cổng thông tin điện tử đã không thể hiện được gì nhiều.
Ở cấp địa phương, vấn đề công khai, minh bạch ngân sách còn tồi tệ hơn nhiều. Một khảo sát gần đây với hơn 1,100 người dân tại năm tỉnh là Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị và Bà Rịa-Vũng Tàu của năm tổ chức xã hội dưới sự bảo trợ của Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội cho thấy điều đó.
Kết quả tham vấn tại Bắc Giang cho thấy, hơn 43% người dân được hỏi không biết rằng ngân sách được chi cho phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước; tới hơn 63% số người được hỏi không biết rằng ngân sách được chi trả nợ của nhà nước và chi viện trợ. Trong khi đó, có gần 43% người dân ở các tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Bà Rịa-Vũng Tàu và Nam Định cho biết họ có nghe hoặc có nhìn thấy báo cáo thu chi ngân sách của xã nhưng không nhớ hoặc không hiểu được những thông tin này.
Đặc biệt, chi đầu tư xây dựng cơ bản - thường chênh lệch tới 50% so với dự toán, vượt xa so với hướng dẫn về thông lệ tốt là duy trì chênh lệch chi tiêu ở mức không quá 5% dự toán. Bình quân các tỉnh miền núi phía Bắc chi cao hơn dự toán đến 42%, các tỉnh ở Tây Nguyên chi cao hơn 35%. Còn tại khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, mức chi bình quân cao hơn lần lượt là 7% và 9%.
Nhân nào quả nấy. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 đã vọt lên 6.6% GDP, từ mức 5.3% GDP được phê duyệt trước đó.
Bản dự thảo đầu tiên của Luật Ngân Sách nhà nước từng có điều khoản xử lý trách nhiệm cá nhân của những người chi tiêu sai ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nội dung này không còn xuất hiện trong luật được Quốc Hội thông qua tại kỳ họp trước.
Hiển nhiên Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế chẳng thiếu cơ sở khi cho rằng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp (2012- 2014), và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Quy luật nghịch đảo cuối cùng đã được giới báo chí nhà nước thừa nhận: thu chi ngân sách càng kém minh bạch, tham nhũng càng ngập ngụa, nợ công càng rủi ro. Song nếu phải chờ cho đến khi chính phủ Việt Nam phải thú nhận về hậu quả này, thì e rằng sẽ quá trễ để cứu vãn nền kinh tế chỉ còn da bọc xương.
Ai và cơ quan nào có thể khoan đến xương tủy sự thật về nợ xấu và nợ công, từ đây đến Đại Hội 12 của đảng cầm quyền?

Hà Nội: Dân sống trong sợ hãi dưới chân cẩu tháp khổng lồ

HÀ NỘI (NV) - Trần nhà nứt, rò rỉ nước, đi ngủ phải dùng thau hứng nước mưa, nền nhà sụt, nghiêng lún, sống thấp thỏm lo âu bên cạnh cầu cẩu xây dựng khổng lồ..., là tình trạng của hàng chục hộ dân ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội.



Tường nhà nhiều hộ dân khu vực hẻm 85 đường Lĩnh Nam sát vách công
trình 87 đường Lĩnh Nam bị nứt toác. (Hình: Dân Trí)
Dân Trí ngày 18 Tháng Mười dẫn đơn kêu cứu của các hộ dân tổ 49, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, có nhà ở liền kề với công trình chung cư cao tần số 87 đường Lĩnh Nam, do công ty Việt Hà làm chủ đầu tư, cho biết kể từ khi chung cư này khởi công, nhà nhiều hộ dân liền kề đều bị lún nứt, tường nhà bị xé vỡ nhiều chỗ, thậm chí có hộ không dám sử dụng nhà vệ sinh vì tắc đường ống thoát nước, bể ống bồn cầu phát tán mùi hôi ra toàn khu vực dân cư.
Không chỉ thế, theo đơn kêu cứu của người dân, ban quản lý dự án 87 đường Lĩnh Nam còn cho lắp các cần cẩu tháp xây dựng sát ngay phía sau nhà dân vươn xa đến mặt đường hẻm 85 và hẻm 13, khiến người dân không khỏi lo ngại về nguy hiểm rình rập trên đầu.
Điều đáng nói là ngay phía dưới các cẩu tháp này là hàng chục hộ dân cùng nhà trẻ luôn có hàng chục cháu nhỏ đang học mỗi ngày, bởi trước đó việc sập giàn cẩu đổ xuống nhà dân đã từng xảy ra với gây hậu quả không nhỏ.
Theo phản ánh của người dân, mặc dù luật quy định, các cần cẩu tháp xây dựng vượt khỏi phạm vi công trình có ảnh hưởng tới giao thông đi lại của người dân và công trình lân cận, chỉ cho phép hoạt động từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, và phải có đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn... Tuy nhiên, các giàn cẩu tháp này lại hoạt động liên tục ba ca trong ngày, gây tiếng động lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh.
Cực chẳng đã, các hộ dân ở hẻm 85 và hẻm 13 đã hai lần đề nghị ủy ban phường Mai Động và nhà thầu có biện pháp cho người dân được đi sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng, nhưng cả hai lần họp có đại diện phường chủ trì thì bên ban quản lý dự án cũng như chủ đầu tư công trình không đề cập gì đến vấn đề này.
Tin cho hay, sau khi người dân gởi đơn phản ánh về thực trạng nguy hiểm trên vào ngày 13 Tháng Tám, đoàn kiểm tra của quận Hoàng Mai đã có biên bản xác định tại thời điểm kiểm tra, cẩu trục tháp SCM - 6024 có phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng của vật rơi nằm ra ngoài phạm vi của công trường xây dựng và yêu cầu phải dừng ngay, song đến nay chưa có ý kiến của Sở Xây Dựng Hà Nội.
Trước đó, từ khi thực hiện thi công dự án, phường Mai Động chưa nhận được văn bản nào về việc chấp nhận hoạt động của Sở Xây Dựng Hà Nội. Cho đến ngày 28 Tháng Chín, ủy ban phường tiếp tục làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu xuất trình giấy phép hoạt động của các cẩu tháp, thì chủ đầu tư đưa ra văn bản “mới được cấp” ngày 25 Tháng Chín của Sở Xây Dựng Hà Nội, khiến người dân càng thêm bất bình.
Tuy nhiên, điều khiến người dân nghi ngờ là văn bản của Sở Xây Dựng Hà Nội có phải là “giấy phép” chấp thuận cho cẩu tháp SCM - 6024 sát vách nhà dân khu vực hẻm 85 Lĩnh Nam được phép hoạt động, hay của cầu tháp khác? Bởi tử khi người dân gởi đơn yêu cầu xác minh cụ thể giá trị pháp lý của văn bản này tới thanh tra Sở Xây Dựng Hà Nội từ ngày 1 Tháng Mười, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Trong khi đó, trước phản ánh và quan ngại của người dân, ông Nguyễn Trường Thịnh, phó chủ tịch phường Mai Động, chỉ cho biết sẽ tiếp tục việc kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật, nếu chủ đầu tư vi phạm, sẽ yêu cầu giải tán thợ vận hành hoạt động của cẩu tháp. (Tr.N)
10-18-2015 1:33:27 PM

Rộ nạn buôn người ở Việt Nam dưới nhiều hình thức


CẦN THƠ (NV) - Tình trạng buôn người ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp, nhất là các tuyến biên giới với quy mô ngày càng lớn. Chỉ trong nửa năm 2015, công an đã phát hiện thêm 200 vụ, liên quan 310 người lừa bán 508 nạn nhân.



Một vụ xét xử sơ thẩm hai phụ nữ về tội buôn người ở Cần Thơ
vào Tháng Tám. (Hình: Thanh Niên)
Tờ Thanh Niên dẫn tin, ngày 17 Tháng Mười, tại hội nghị cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, và Việt Nam - Cambodia, do Bộ Công An tổ chức tại thành phố Cần Thơ, ông Hồ Sỹ Tiến, cục trưởng Cục Cảnh Sát Hình Sự, nhận định, tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Theo phúc trình, các thủ đoạn buôn người cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tính chất hoạt động phạm tội xuyên quốc gia và hình thành nhiều đường dây, gây cản trở cho công tác điều tra, khám phá và giải cứu nạn nhân.
Tại biên giới Việt Nam - Lào, nạn nhân chủ yếu tập trung từ các tỉnh miền Trung đã bị đưa sang Lào làm gái mại dâm hoặc lao động khổ sai trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các công trường và bị bóc lột sức lao động tại các khu khai thác khoáng sản.
Tin cho hay, bọn buôn người thường dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em để đưa vào hoạt động trong các ổ mại dâm trá hình hay đưa đến các mỏ vàng, công trường xây dựng ở Lào để bóc lột sức lao động.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, phó cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Ma Túy, Bộ Tư Lệnh Biên Phòng, cũng cho biết, các dịch vụ giải trí như vũ trường, sòng bạc, massage phía Cambodia phát triển, kéo theo nhu cầu tuyển nhân viên nữ. Trong khi đó, một bộ phận phụ nữ ở các tỉnh miền Tây thiếu việc làm, trình độ thấp đã bị lừa gạt đưa sang Cambodia.
Chỉ trong năm 2014 và sáu tháng đầu năm 2015, các đơn vị chức năng đã phát hiện trên 1,000 phụ nữ, trẻ em đi khỏi nơi cư trú với lý do “đi làm ăn xa,” nhưng chủ yếu là qua Cambodia và Trung Quốc.
Cụ thể, năm 2014, Việt Nam có 469 vụ buôn người, liên quan 685 người và 1,031 nạn nhân. Khoảng trong nửa năm 2015, Việt Nam phát hiện thêm 200 vụ, liên quan 310 người đã lừa bán 508 nạn nhân.
Đáng lưu ý, theo ông Tiến, tình hình hoạt động tội phạm mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, trong đó có cả trẻ sơ sinh, học sinh tại các tỉnh biên giới phía bắc cũng diễn ra phức tạp. Chỉ riêng ba tỉnh Lào Cai, Hà Giang, và Lai Châu, trong sáu tháng đầu năm 2015, có 20 vụ xảy ra.
“Đây là những nạn nhân tiềm tàng của hoạt động mua bán người. Do vậy, số vụ trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cambodia trung bình hàng năm chiếm khoảng 6% trên tổng số vụ buôn người được phát hiện ở Việt Nam,” ông Bắc cho biết.
Theo đánh giá của Tổng Cục Cảnh Sát, thời gian qua, những nhóm buôn người luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn để ép các nạn nhân hoạt động mại dâm, ép làm vợ bất hợp pháp; mua bán người thông qua môi giới hôn nhân bất hợp pháp, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, thông qua hình thức đưa người lao động ra nước ngoài, đi du lịch, tham quan, đẻ thuê, mua bán trẻ sơ sinh... Các đối tượng chủ yếu đưa nạn nhân ra nước ngoài bán (chiếm 90%, trong đó sang Trung Quốc chiếm 70% tổng số vụ). (Tr.N)
10-18- 2015 1:26:14 PM

Xót thương người mẹ lao vào biển lửa không cứu được con

 Đăng Lê-08:30 19/10/2015
(Kiến Thức) - Sau tiếng nổ bình gas lớn khiến cả căn nhà chìm trong biển lửa, phát hiện con gái còn kẹt trên gác nên người mẹ đã bất chấp lao vào lửa để cứu con…
Mẹ chạy ngược vào biển lửa tìm con
Khuya 18/10, cả khu phố ở phường Hoà Thành, quận Tân Phú, TP HCM cùng thức trắng để đón thi thể 2 mẹ con chị Nguyễn Thuyền Kiều (43 tuổi) và Quan Kiều My (13 tuổi) vừa được Cơ quan chức năng giao cho gia đình lo hậu sự sau khi làm xong thủ tục pháp y.
Xot thuong nguoi me lao vao bien lua khong cuu duoc con
 Hiện trường vụ hoả hoạn khiến 2 mẹ con chị Nguyễn Thuyền Kiều tử vong.
Chị Kiều cùng con gái tử vong sau vụ nổ bình gas gây hoả hoạn tại quán hủ tíu, lẩu dê trên đường Luỹ Bán Bích, phường Hoà Thành vào sáng cùng ngày.
“Cô ấy không chọn cho mình sự sống khi biết núm ruột của mình còn đang kẹt trong biển lửa nên đã lao vào cứu con và cả 2 mẹ con đều ra đi mãi mãi”, bà Tám, một người dân địa phương chia sẻ trong nước mắt.
Theo người dân cho biết thì sau khi xảy ra tiếng nổ lớn rồi cả căn nhà chìm trong biển lửa, chồng chị Kiều là anh Quan Mãn Phước (41 tuổi) cùng 2 nhân viên phụ quán vội di dời tài sản, tìm cách dập lửa. Lúc này biết con gái là cháu My đang kẹt trên gác, chị Kiều bất chấp đã lao lên để cứu con nhưng do lửa cháy quá nhanh, khói bao trùm nên cả 2 mẹ con cùng kẹt lại…
Rơi nước mắt cảnh mẹ ôm con chết cứng
Ngay khi phát hiện vợ con kẹt trong đám cháy, anh Phước gào khóc và định chạy lên cứu nhưng đã được mọi người ngăn lại vì lúc này toàn bộ căn nhà chìm trong biển lửa.
Lực lượng cảnh sát PCCC, cứu hộ cứu nạn quận Tân Phú đã huy động 7 xe chữa cháy cùng hơn 40 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa.
Xot thuong nguoi me lao vao bien lua khong cuu duoc con-Hinh-2
 Người thân đau đớn trước sự ra đi của 2 mẹ con chị Kiều. Ảnh: Zing.
Sau khoảng 30 phút có mặt, hiện trường vụ cháy đã được khống chế hoàn toàn, nhiều đồ đạc bên trong quán lẩu bị cháy rụi, shop giầy Trung Hiếu bên cạnh cũng bị cháy lan 1 góc nhà phía sau.
Khi Cảnh sát tiếp cận căn gác thì chứng kiến chị Kiều trong tư thế ôm chặt con mình và cả 2 nằm chết khi chưa kịp thoát khỏi biển lửa.
Đến 13h cùng ngày, thi thể 2 mẹ con chị Kiều đưa đưa ra khỏi nhà khiến những người thân và hàng trăm người chứng kiến đều thương xót, không ai cầm được nước mắt.
“Vợ chồng chị Kiều sống rất hiền lành và tốt bụng với hàng xóm. Ngoài bé My đã tử vong trong vụ cháy họ còn có một cô con gái nhỏ khác và may mắn khi hoả hoạn xảy ra bé út ở nhà ngoại nên thoát nạn”, một người hàng xóm cho biết.

Hơn 100 hộ dân chập cháy tivi, tủ lạnh vì xã chặt cây chống bão

(LĐĐS) - Số 40 Trần Tuấn - trantuancx@gmail.com
Đường điện nơi UBND xã Thạch Hải chặt cây phát quang đã làm hỏng đường điện sau đó chập điện. Ảnh: Trần Tuấn
Phát quang cây xanh phòng chống bão nhưng chính quyền chủ quan, tắc trách không ngắt điện làm hơn 100 hộ dân thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bỗng dưng bị cháy tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy tính, nồi cơm điện, quạt điện, bóng đèn... thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sự việc khiến người dân vô cùng bức xúc.
Hơn trăm hộ bị thiệt hại
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về thôn Bắc Hải để tỏ tường sự việc. Vừa đến đầu làng đã thấy cảnh người dân buồn bã, tụm năm tụm ba to nhỏ thể hiện bức xúc khi bỗng chốc hàng loạt thiết bị sử dụng điện đắt tiền bị chập cháy, hư hỏng. Chị Nguyễn Thị Cúc nói: "Ban đầu tưởng chỉ điện của nhà tui bị chập rồi cháy, sau đó hỏi ra thì gần như cả làng ai cũng bị chập điện, hư hỏng tivi, tủ lạnh, quạt, bóng đèn... Nguyên nhân là do xã chặt cây phòng chống bão, cây đổ đập vào dây điện rồi gây chập điện. Lẽ ra họ phải cắt điện, đằng này chủ quan nên mới gây thiệt hại như thế cho dân chúng tôi". Theo chị Cúc, khoảng 18h tối 10.10, bỗng dưng hàng loạt bóng đèn của gia đình chị đang thắp sáng nổ bùm bùm rồi tắt phụt. Tủ lạnh, tivi, đầu chảo cũng bốc khói rồi hỏng luôn. Tổng thiệt hại của gia đình là gần 15 triệu đồng.
Hàng xóm với chị Cúc, gia đình chị Hoàng Thị Linh cũng bị chập điện cháy tivi trị giá 6,5 triệu đồng, cháy đầu chảo và 9 bóng đèn. "Chúng tôi đề nghị chính quyền phải đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho dân, nếu không đến vụ thu thuế, chúng tôi quyết không đóng nộp", chị Linh bức xúc. Theo nhiều hộ dân, khoảng sau 18h ngày 10.10, tất cả những thiết bị cắm sẵn vào ổ điện dù không hoạt động cũng bị chập, hư hỏng.
Tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thạnh - Trưởng thôn Bắc Hải, chúng tôi thấy một số người dân mặt ỉu xìu đến kê khai thiệt hại vì bị chập điện. Giở cuốn sổ ghi chép, thông kê sơ bộ ra, ông Thạnh cho biết, tính đến 10h ngày 12.10 đã có hơn 110 hộ dân trong thôn đến kê khai. Theo danh sách thống kê sơ bộ trên tay ông Thạnh, thiệt hại gồm: Tủ lạnh 13 cái, tivi 17 cái, đầu chảo 16 cái, máy tính 4 cái, nồi cơm điện 5 cái... "Dự kiến còn khoảng vài chục hộ chưa đến kê khai nữa. Trong buổi chiều tôi sẽ thông kê hết để báo lên xã xem có cách nào hỗ trợ cho dân không chứ họ bức xúc lắm", ông Thạnh nói.
 Theo ông Thạnh, chiều 10.10, xã cử 2 đoàn thể gồm hội nông dân và cựu chiến binh đi phát quang cây xanh phòng chống bão. Tại thôn Bắc Hải, cây bạch đàn lớn của hộ ông Trần Điền nằm sát đường điện. Khi chặt cây này đổ, nhánh cây vướng vào làm đường dây điện sập xuống đất kéo theo điện vào nhà của 2 hộ dân bị đứt. Ngay sau đó, mọi người thông báo cho người phụ trách điện của xã đến treo dây điện lên và nối lại điện cho 2 hộ dân bị hỏng. "Khoảng 18h, thấy bí thư xã gọi điện cho tôi nói điện bị chập rồi, khẩn trương thông báo đến nhân dân để rút các thiết bị ra khỏi ổ điện. Ngay lập tức, tôi lên loa thông báo cho dân. Nhưng không ngờ, vẫn có rất nhiều hộ dân bị thiệt hại như thế", ông Thạnh nói.
Do chủ quan
Ngày 12.10, trao đổi với PV Báo Lao Động & Đời sống, ông Nguyễn Hữu Lý - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải - cho biết: "Trước mắt, chúng tôi thông cảm với bà con nhân dân, vì bị thiệt hại chập cháy tài sản nên họ bức xúc là phải. Chúng tôi đang cho thống kê các hộ dân bị thiệt hại và yêu cầu bà con đưa tài sản bị thiệt hại tập trung tại hội quán thôn để cán bộ kỹ thuật điện về kiểm tra xem mức độ thiệt hại, cái gì có thể sửa chữa, cái gì không. Sau đó sẽ có biện pháp khắc phục, xử lý...", ông Lý nói.

Ca ngợi giết đồng bào là 'phát triển nền văn hóa dân tộc'!?

 
“Giết… giết nữa… bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong. 
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”
(Thơ Tố Hữu)
Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - “Tố Hữu là nhà thơ có ảnh hưởng lớn đối với dân tộc Việt Nam, thơ ông mang nét đẹp tư tưởng tâm hồn dân tộc, trong xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc”, đó là nhận định của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam tại hội thảo “Tố Hữu với văn hóa dân tộc”, được tổ chức ngày 16/10/2015 tại Hà Nội. (1)
Bài thơ này của Tố Hữu được đọc đi đọc lại trên các đài phát thanh và các loa phóng thanh trên toàn Miền Bắc vào thời kỳ cao trào Cải Cách Ruộng Đất đẫm máu, thập niên 1950, mà nhiều cụ lớn tuổi ngày nay ở miền Bắc còn thuộc lòng. Nhưng vì ngày nay nhắc lại nó khủng khiếp, xấu hổ quá nên “đảng ta” xóa đi cái tên Tác Giả Tố Hữu.
Giết không một phút nghỉ, giết liền tay nhân dân đồng bào mình thì còn ai chăm sóc ruộng đồng cho lúa tốt?

Chỉ có giết thật nhiều (gần 200.000 xác người CCRĐ) lấy máu xương làm phân bón thì họa may ruộng đồng lúa mới tốt. Và giết, giết nữa… thì người dân mới sợ. Dù có đói khát cũng nộp “thuế máu xong” để nuôi nấng đảng sống bền lâu, mà chung lòng với quốc tế CS quên đi tiền nhân tổ tiên để duy nhất để chỉ tôn thờ Mao Tàu và Stalin Nga?

Thật rùng rợn, hãi hùng, một sự tung hô vong bản man dại mà chắc chắn “vô tiền khoáng hậu” không một áng thơ văn nào từ quá khứ và tương lai có thể so sánh sự khủng khiếp ấy được! Mà đó lại là: “…thơ ông mang nét đẹp tư tưởng tâm hồn dân tộc”(?).

Một dân tộc lấy “giết nhau không một phút nghỉ” làm nét đẹp tâm hồn? – Trời hỡi? Nghe như vang vọng tiếng tru của loài lang sói đang say mồi….
Chưa hết. Nếu hiện nay có ai đó chịu khó, dịch bài thơ “Tiếng đầu lòng con gọi Stalin” của “thi xu hào” đảng CSVN Tố Hữu ra Anh ngữ, rồi nhờ các nhà bình luận thi ca văn học khắp thế giới tham khảo và có ý kiến thì đoan chắc là có đến 101% người ta sẽ ôm bụng cười ngất và xác quyết rằng nó là sản phẩm nhảm nhí của một kẻ tâm thần. Bởi đọc lên thì cảm nhận ngay nó là một vết nhơ bẩn thỉu trong văn học không thể tẩy xóa, như đoạn thơ:

“Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi “Sta-lin”

Ý thơ ấy, ngay tầm gần, đã trái hẳn lẽ thường nhân loại: trẻ con Việt Nam khi tập nói thì gọi “mẹ” chứ đâu đã biết ai là Stalin xa lạ?

Trẻ mới tập nói làm sao nói được cái từ đa âm tiết xịt xoạt như thế, lại nữa, người đàn bà Việt dân quê làm sao có thể:

“Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông (Stalin) thương mười” 

Một kẻ xa lạ chưa từng diện kiến (!?).

“Đây quả là một quái tượng trong thơ ca tiếng Việt và thơ ca thế giới, khi nhà thơ (thường được xem là kẻ chỉ biểu dương những gì nhân ái, lương thiện) lại ngợi ca “công đức” một Bạo chúa, một Hung thần, một Độc tài khét tiếng, một Đao phủ thủ vĩ đại, và để làm cái việc ngợi ca trái lẽ ấy, người làm thơ (Tố Hữu) đã hoàn toàn xé bỏ những giới hạn thông thường của tình cảm nhân loại” (Lại Nguyên Ân) 
“Stalin! Stalin! 
Yêu biết mấy, nghe con tập nói 
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin! 
Hôm qua loa gọi ngoài đồng 
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao 
Làng trên xóm dưới xôn xao 
Làm sao, Ông đã... làm sao, mất rồi! 
Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi! 
Hỡi ơi, Ông mất! đất trời biết không? 
Thương cha, thương mẹ, thương chồng 
Thương mình thương một, thương Ông (Stalin) thương mười 
Yêu con yêu nước yêu nòi 
Yêu bao nhiêu lại yêu Người (Stalin) bấy nhiêu !” (Tố Hữu)
Chỉ có loại “tâm thần” nặng mới loạn ngôn ca ngợi tôn vinh còn hơn cả cha mẹ vợ con mình một kẻ giết người được liệt vào hàng đồ tể khát máu nhất của toàn nhân loại. Mà tàng thư chứng tích lưu trữ tại nước Nga (nơi sinh ra Stalin) và thế giới không còn ai nhầm lẫn được, ghi rất rõ.
Joseph Stalin, người từng cai trị Liên Bang Xô Viết suốt 30 năm (1922-1953) bằng một chế độ độc tài Cộng sản sắt máu. Là kẻ xếp hàng đầu trong danh sách các tên độc tài kẻ thù của nhân loại với Mussolini, Mao Trạch Đông, Francisco Franco, Tito, Nicolae Ceaucescu, Mobutu Sese Seko, Saddam Hussein và Muammar Gaddafi v.v…

Suốt thời kỳ cầm quyền của ông ta, trước thế chiến thứ II, Stalin mở cuộc Đại thanh trừng vào năm 1937, bắn bỏ 70.000 sỹ quan trung, cao cấp quân đội cũ và bỏ tù 20.000 người khác chỉ vì bệnh đa nghi, sợ họ làm phản.

Khi thế chiến II xảy ra Stalin đã ký tên ra lệnh xử bắn thêm 44.000 người nữa.

Tháng 3- 9/1940 ông ký duyệt xử bắn hơn 20 ngàn sỹ quan Ba Lan trong rừng Katyn, gần Smolensk.

Tính riêng thời Stalin (1924 – 1953), số người chết do nhiều đợt thanh trừng, khủng bố, tổng số (không thể kiểm kê hết) lên đến vài chục triệu sinh mạng. Ngày nay số phận Stalin nằm ở các bãi rác.

Stalin tương đồng với “WC” mang ra bãi rác – TT/Putin thương tiếc nạn nhân của Stalin.
Ngày 25/11/2010, Một nghị quyết được thông qua tại quốc hội Nga với 342 phiếu thuận, không ai bỏ phiếu trắng, công nhận vụ giết hại gần 22 ngàn sĩ quan Ba Lan vào mùa xuân năm 1940 là tội ác của Stalin

Ngày 7/4/2011, Thủ tướng Nga Putin đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân của tội ác Stalin tại khu nghĩa trang Katyn. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng đã tuyên bố “Stalin là kẻ giết người”.

Gần đây nhất ngày 5/3/2013 Tờ Polska Times (Thời báo Ba Lan) đưa ra một bản xếp hạng 13 nhà độc tài đẫm máu nhất thế kỉ 20, trong đó: Joseph Stalin, Nga, cầm quyền 1924-1953, chịu trách nhiệm về cái chết của 40-62 triệu người; tội ác lớn nhất: Trại tập trung Gulag .
Mao Trạch Đông - Một trong 13 tên độc tài đẫm máu nhất thế kỉ 20

Cũng trong danh sách này Tờ Polska Times (Thời báo Ba Lan) đưa ra tên đồ tể “Mao Trạch Đông” Trung Quốc, cầm quyền 1943-1976, chịu trách nhiệm gây ra cái chết của 45-75 triệu người; tội ác lớn nhất: nạn đói CCRĐ và Cách Mạng Văn Hóa tại lục địa Trung Hoa.

Gần đây nhất, ngày 9/9/2015 tròn 39 năm ngày mất của Mao Trạch Đông tờ “Thời báo Hoàn Cầu” cơ quan truyền thông của ĐCSTQ có bài xã luận rằng: Chính quyền ĐCSTQ biểu thị sự tán dương và tôn trọng “hết sức khách quan” đối với “cống hiến” của Mao Chủ tịch đồng thời cũng “xác nhận” những “sai lầm” của ông. 
“7 tội ác lớn nhất” của Mao Trạch Đông được phơi bày sau 39 năm ngày ông mất, chỉ riêng 10 năm Đại Cách mạng Văn hóa, hơn 20 triệu người bị giết chết, tự sát và thảm sát. Đây là tội ác giết người vô tội, tàn khốc và vô nhân tính lớn nhất trong lịch sử nhân loại. (2)

Suỵt ! Có ca ngợi thì nói khe khẻ đủ cho Hội Nhà Văn ta nghe thôi …
“Dù ai chửi ngã chửi nghiêng, Tớ quyết bám ghế như kiềng ba chân”. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng chủ tọa cuộc “Hội Thảo” này, rất yêu mến Tố Hữu, ông phát biểu: “Tố Hữu là một nhân cách cộng sản mẫu mực, kiên định, cao quý. Là nhà thơ của dân tộc, nhà văn hóa lớn của cách mạng, Tố Hữu góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền móng cho nền văn hóa mới của dân tộc”.... (Một nềm Văn hóa mới… Giết,giết nữa, cho lúa tốt, thuế mau xong!?)

Được biết “thi xu hào” Hữu Thỉnh sinh ngày 15/2/1942 thuộc gia đình bần cố nông, 10 tuổi phải đi phu kím sống làm đủ mọi thứ lao dịch cho các đồn binh Pháp, 1954 hòa bình lập lại năm 12 tuổi ông mới được đến trường học.

Năm 1963 ông tốt nghiệp phổ thông (lớp 9) nhập ngũ, trở thành người lính thuộc Trung đoàn 202. Từ đây Hữu Thỉnh đã tham gia một số hoạt động như chăn bò, làm cán bộ tiểu đội, (!?) viết báo và làm cán bộ tuyên huấn.

Sau 1975, Hữu Thỉnh học Sơ cấp Thú y vào năm 1982, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ cán bộ biên tập, Trưởng ban Chăn nuôi, của Tạp Chí Thú Y… hội viên cao cấp Hội Nhà văn CHXHCN/VN từ năm 1976. Chỉ mới lớp 9 nhưng Hữu Thỉnh hiện là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – Nhờ có quá trình Trưởng ban Chăn nuôi, Tạp Chí Thú Y nên được “tín nhiệm” đắc cử CT/Hội nhà văn 3 nhiệm kỳ liên tiếp!? (Wikipedia)
Trong văn hóa Việt, lịch sử Kinh Đô Thăng Long xưa Hà Nội cho thấy “kẻ sĩ Bắc Hà” (sĩ phu trí thức Bắc Hà) là những hạt ngọc trai với hào quang khí phách truyền thống qua tư cách các đại sĩ phu: Nguyễn Công Trứ - Chu Văn An - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thiếp- Ngô Thì Nhậm - Phan Huy Ích... và gần hơn là Hoàng Xuân Hãn, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khắc Viện, Trần Độ, Vi Đức Hồi... Nhân cách “kẻ sĩ Bắc Hà” trong họ luôn gạt qua một bên nợ áo cơm trói buộc, chấp nhận sống cảnh thanh bần nhưng coi trời bằng vung luôn giữ gìn nhân cách độc đáo của kẻ sĩ không “mang thân về với triều đình, vào luồn ra cúi tội tình tấm thân” 
Mọi cuộc hội thảo chính trị đều được nhà nước “đảng ta” tài trợ chi trả bằng kinh phí như hội thảo này. Nhưng nhiều lắm thì mỗi quan chức có bài viết và đọc tham luận cũng chỉ năm ba triệu, số tiền chẵng bõ bèn gì để phải bán rẻ nhân cách ngợi ca một “thi xu hào” vong bản tôn thờ 2 “đảo phủ” gớm giếc (Mao và Stalin) mà nhân loại hiên nay nguyền rủa.
Ai cuối đời cũng chỉ mình không về với đất, ngày nay hiệu quả còn hơn cả bia miệng, không gian lưu trữ mạng điện tử, USB, CD sẽ là chứng nhân của bất cứ ai bán rẽ truyền thống suy đồi đạo lý, nhục mạ tinh thần kẻ sĩ. 
Loài vật khi ăn cũng biết lựa cái gì ăn được. Chỉ có loài bọ hung hay vi khuẩn trong môi trường yếm khí tối tăm sinh ra để tiêu hóa chất thải thì chúng mới ăn mà không phân biệt sạch hay bẩn.
* Chú Thích:

Gia tộc Lê Thanh Hải bị loại khỏi đảng bộ TP.HCM?

 
Hoàng Trần (Danlambao) - Danh sách 69 người tham gia ban chấp hành đảng bộ TP.HCM, nhiệm kỳ 2015-2020 đã không có tên bất kỳ thành viên nào trong gia tộc Lê Thanh Hải. 
Con trai lớn của ông Hải là Lê Trương Hải Hiếu, chủ tịch quận 12 đã bất ngờ bị loại khỏi đảng bộ TP.HCM, theo sau số phận vẫn còn chưa rõ ràng của của người cha mình.
Trong khi đó, người em trai ông Hải là Lê Tấn Hùng trước đó đã phải rời khỏi vị trí chỉ huy trưởng lực lượng thanh niên xung phong để sang làm giám đốc tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.
Những động thái trên chỉ là bước đầu cho thấy thời kỳ mạt vận đối với gia tộc Lê Thanh Hải – trùm tham nhũng số 1 tại Sài Gòn đã tại vị qua suốt 2 nhiệm kỳ bí thư.
Đảng bộ TP.HCM chưa có bí thư
Đại hội đảng bộ TP.HCM sáng ngày 17/10 đã thông báo kết quả ‘bầu chọn’ ra 4 phó bí thư, nhưng chưa có bất kỳ ai được cho giữ chiếc ghế bí thư của thành phố đứng đầu kinh tế cả nước.
Trở thành bí thư thành ủy TP.HCM đồng nghĩa với việc chắc chắn có một suất trong bộ chính trị. Do đó, việc chỉ định nhân sự sẽ được dời lại cho đến sau khi đại hội đảng lần thứ 12 kết thúc.
Phó bí thư thường trực Võ Văn Thưởng là một ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế đầy quyền lực này. Trong khi đó, người tiền nhiệm Lê Thanh Hải dù được giao ‘chỉ đạo thành ủy’, nhưng tương lai chính trị vẫn còn chưa rõ ràng.
Tại đại hội đảng 12 vào năm 2016, ủy viên bộ chính trị Lê Thanh Hải sẽ 66 tuổi. Nếu không được trung ương đảng xét cho vào ‘trường hợp đặc biệt’ thì ông này chắc sẽ phải về hưu.
Tuy nhiên, những xung đột lợi ích đối với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ khiến Lê Thanh Hải không có nhiều cơ hội lọt vào hàng ‘tứ trụ’ trong khóa tới.
Nội chiến giữa hai gia tộc
Trước hội nghị trung ương lần thứ 12, cơ quan chặt chém số 1 của ông Dũng là thanh tra chính phủ đã bất ngờ công bố hàng loạt sai phạm của UBND TP.HCM, chủ yếu liên quan đến lãnh vực đất đai và khiếu nại, tố cáo.
Để tránh khỏi cảnh ‘tên bay, đạn lạc’, ông Hải đã phải đưa con trai mình là Lê Trương Hải Hiếu từ quận 1 sang làm chủ tịch quận 12. Kịch bản tương tự đã xảy ra trước đó đối với em trai ông Hải là Lê Tấn Hùng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã không có tên trong danh sách tham gia ban chấp hành đảng bộ, đồng nghĩa với một chiếc vé về vườn trong thời gian sớm.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà, con trai cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh được Nguyễn Tấn Dũng đưa về làm phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ. Đây là sự trả ơn đối với ông Anh vì đã có công đỡ đầu quyền lực cho thủ tướng. 
Những động thái triệt hạ lẫn nhau diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến quyền lực tại đại hội đảng lần thứ 12 đang diễn ra khốc liệt. Mặc dù là những người ‘đồng chí’ của nhau, nhưng giữa hai gia tộc Lê Thanh Hải và Nguyễn Tấn Dũng từ lâu đã xuất hiện những mối hiềm thù gay gắt.
Tại đại hội đảng lần thứ 11, con trai cả của ông Dũng là Nguyễn Thanh Nghị đã bị loại khỏi đảng bộ TP.HCM – nơi ông Hải đang nắm giữ quyền hành tuyệt đối. Hành động này đã khơi mào cho cuộc nội chiến giữa hai gia tộc cộng sản đầy quyền lực.
Đến gần đại hội đảng 12, sự vươn lên một cách nhanh chóng của hai thái tử đảng Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Minh Triết đã cho thấy rõ ưu thế đang nghiêng hẳn về cha con Nguyễn Tấn Dũng.
Không ai khác, chính những người cộng sản đang tự chém giết những người đồng chí của mình. Thời mạt vận của gia tộc Lê Thanh Hải đang đến gần hơn bao giờ hết. Hãy cứ chờ xem!

Hoàng Trần
danlambaovn.blogspot.com

Ý nghĩa phía sau lời tuyên bố của tướng Phạm Trường Long

 
 
Lê Minh Nguyên (Danlambao) - Hôm 17/10/2015 tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Quân Sự Trung Ương của Đảng CSTQ, phát biểu trong bài diễn văn tại Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh: "Chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực một cách cẩu thả, ngay cả trong các vấn đề chủ quyền, và đã làm hết sức để tránh xung đột bất ngờ".
Ông nói thêm “[Những hòn đảo đó] sẽ không phương hại tới tự do hàng hải ở Biển Nam Trung Hoa, mà thay vào đó, nó làm cho chúng tôi có thể cung cấp những dịch vụ công cộng tốt hơn cho hoạt động hàng hải và sản xuất" (VOA 17/10/15).
Diễn đàn Hương Sơn do TQ chủ xướng, mở hội nghị ở Bắc Kinh với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà trong đó có BT QPVN Phùng Quang Thanh tham dự.
Hôm 16/10 ông Thanh cho biết “Đặc biệt trong cuộc gặp lần này BT QPTQ [Thường Vạn Toàn] cũng nêu ra vấn đề là dù TQ có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực" (VOV 16/10/2015).
Tại sao TQ có lập trường như vậy? và lập trường này có phản ảnh đúng thực trạng và hành động của TQ hay không?
Đặt mình vào vị trí của TQ, tạm mang đôi giày của họ để tìm hiểu xem thế giới quan của họ ra sao?
Trước nhất là Giấc Mơ Trung Quốc của ông Tập Cận Bình, ông lãnh đạo và chủ xướng giấc mơ này nên ông đánh động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và ông ở vào thế phải thực hiện nó. Thực hiện ở Hoa Đông (Senkaku) với Nhật thì quá rủi ro vì chính quyền của ông có thể không kiểm soát được nội tình, cho nên như ông Allen R. Carlson viết trên National Interest, tuy quan hệ với Nhật xấu tệ nhưng bị đóng băng (bit.ly/1LAxvS9) tức hòa bình trong căng thẳng.
Thứ hai, Biển Đông xa hơn, chủ nghĩa dân tộc của dân TQ yếu hơn, chính quyền dễ kiểm soát nội tình hơn cho nên dễ xâm lấn hơn. Nhưng Hoa Kỳ, siêu cường mà TQ sợ nhất, cần nhất, muốn chia quyền bá chủ nhất và không muốn đụng độ quân sự nhất, đã đưa ra hai nguyên tắc mà TQ không thể vi phạm, vì HK sẽ phản ứng (1) Tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế, (2) Giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng các phương tiện hòa bình.
Chỉ cần TQ tôn trọng hai nguyên tắc này, tức tôn trọng luật quốc tế UNCLOS (do các quốc gia mạnh về hàng hải vẽ ra và HK thực thi lâu nay trên biển, dù thượng viện HK chưa thông qua) thì HK không can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền. Điều này có nghĩa là HK KHÔNG QUAN TÂM ai làm chủ các mỏm đá, miễn là các nước chủ nhân tuân thủ các quy định về đá nửa nổi (50m), đá nổi (12 hải lý) và đảo có sinh hoạt kinh tế (thêm EEZ 200 hải lý).
Cho nên vấn đề thực sự sẽ là TQ muốn các đảo nhân tạo nửa nổi trước đây được lấn lên để hưởng quy chế 12 hải lý (Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Su Bi) và các đảo tự thân đã có 12 hải lý sẽ lấn lên thành có thêm EEZ (Châu Viên, Chữ Thập, Gạc Ma).
Nếu họ lấn được thì các đảo khác đang ở trong tay Việt Nam và Phi sẽ rất là khó giữ vì họ lập vùng kiểm soát ra vào và cô lập như họ đang làm ở Cỏ Mây với Phi, áp dụng chiến thuật bào mòn (salami slices/lát cá) theo thời gian để VN và Phi bỏ đảo.
Chiến lược của TQ thì BẤT BIẾN, nghĩa là chiếm lấy Biển Đông, KHÔNG TƯƠNG NHƯỢNG các nước có tranh chấp, nhưng chiếm TRONG HOÀ BÌNH, vũ lực chỉ được dùng làm hậu thuẫn phía sau, họ không nổ súng trước nhưng nếu VN hay Phi nổ súng thì họ sẽ vịn vào đó mà ra tay. Tránh đụng độ với HK.
Chiến lược này làm cho HK không thể phản ứng, nên tê liệt hóa được HK mà vẫn đạt được mục tiêu. TQ hay nhắc binh thư Tôn Tử về nghệ thuật cao nhất của chiến tranh là không đánh mà chiếm được thành.
Thứ ba, cũng như HK tuy không máu xanh bằng HK về kinh tế, TQ đang xây dựng các huyết mạch và khu vực kinh tế thương mại nằm trong vùng ảnh hưởng của mình. Con Đường Tơ Lụa trên biển và Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á là để thu hút các nước trong vùng, và Diễn Đàn An Ninh Hương Sơn là cây dù an ninh để bảo về vùng ảnh hưởng này. Họ muốn đẩy HK ra khỏi khu vực. Bà phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh khi phản pháo về việc HK dự định cho tàu chạy vào vùng 12 hải lý đã biểu lộ rõ rệt ý định này khi nói HK đừng nhân danh tự do hàng hải, dùng nó làm cái khiên che chắn để vi phạm chủ quyền của TQ, và không chấp nhận một nước ở quá xa khu vực lại can thiệp vào các vấn đề của khu vực. Rõ ràng TQ khẳng định vai trò lãnh đạo khu vực và tận dụng lợi thế của quốc gia tại chỗ.
Thứ tư, TQ bắt mạch được dòng suy nghĩ của HK là nếu TQ trừng lên hòa bình thì HK không ngăn cản mà còn khuyến khích. HK sẵn sàng chia xẻ gánh nặng sen đầm thế giới mà lâu nay HK cô đơn gánh chịu một mình, vừa tốn kém, vừa đuối. Nếu TQ chung vai với HK trong các vấn đề toàn cầu là điều mà HK mong ước (khí hậu, dịch bệnh, hạt nhân, mũ xanh LHQ...). Cho nên HK sẽ không vì chủ quyền các mỏm đá thuộc về của ai để mất một đối tác quan trọng ở tầm thế giới.
Thứ năm, TQ không phải là Liên Sô. Với Liên Sô, hệ thống kinh tế hoàn toàn là một thế giới riêng, không dính với hệ thống kinh tế HK. Liên Sô sụp đổ là sự chiến thắng của HK và HK có lợi. Ngược lại, với TQ là một nền kinh tế quấn quyện với HK, sự suy yếu kinh tế TQ kéo theo sự suy yếu kinh tế của HK. Hai nước mậu dịch khoảng 600 tỷ một năm và tư bản HK đầu tư sâu rộng vào TQ. Có thể nói TQ giàu lên là nhờ tư bản HK. Vì vậy TQ biết rằng HK không vì việc ai là chủ quyền các mỏm đá để tự bắn vào chân mình.
Việc Bộ Truởng QP Carter hôm 13/10 khẳng định quyền hiện diện ở Biển Đông “Chúng tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng chúng tôi sẽ điều máy bay, tàu bè và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ thực thi các quyền đó vào những thời điểm và tại những địa điểm do chính chúng tôi quyết định, sẽ không có bất kỳ ngoại lệ nào, dù là ở Bắc Băng Dương hay trên các tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại quốc tế khắp nơi trên thế giới, hay tại Biển Đông" chính yếu là để trấn an đồng minh Á Châu hơn là sẽ có một hành động thực chất để đẩy TQ thụt lùi, ông chỉ muốn TQ giữ hòa bình và tôn trọng luật quốc tế trong khi lấn sân chủ quyền.
Cho nên khi được hỏi về thông tin HK đang cân nhắc việc điều tàu chiến tới gần vùng biển quanh các đảo nhân tạo, Bộ trưởng Carter không xác nhận mà cũng không phủ nhận ý định của Hoa Kỳ. (bit.ly/1MrwHLQ)
Những người quan tâm và theo sát thái độ chính trị của HK trong vấn đề Biển Đông, hay việc Mỹ định cho tàu vào vùng 12 hải lý của các đảo TQ bồi đấp ở Trường Sa, thấy rằng nó giống như cái chuông, ngân lên âm thanh trong mùa tranh cử, chính quyền Obama đã tuyên bố xoay trục nhưng trên thực địa thì trớn xoay chưa đủ, trong khi đó TQ quá trắng trợn nên không thể lờ đi hoài khi các đồng minh HK ở Á Châu thúc hối và báo chí cùng quốc hội chỉ trích. Từ năm 2012 đến nay HK đã chẳng bén mảng đến vùng 12 hải lý các đảo TQ chiếm, đợi TQ xây xong hết rồi HK mới tham khảo việc đem tàu chạy qua. Để hai bên cùng chiến thắng, HK có lẽ sẽ đem tàu chạy vô khoảng 30 phút, TQ sẽ lên radio la hét đuổi đi, chiếu radar vô tàu HK, đem máy bay hay trực thăng bay vòng vòng để xua đuổi, sau khoảng 30 phút tàu HK ra khỏi hải phận là êm chuyện. HK nói là đã chứng minh quyền tự do đi lại, nhưng như trước đây, việc tự do cho tàu chiến HK này chắc vài năm mới tái diễn một lần, còn tàu các nước khác như VN, Phi, Mã Lai... thì khó mà bén mảng đến và chẳng có tự do gì cả, và có thể bị TQ bắn chìm. TQ cũng mạnh mẽ tuyên bố là đã bảo vệ được chủ quyền biển đảo.
Rồi sau đó mọi việc sẽ chìm vào quên lãng, HK sẽ chẳng đến hàng tháng để khiêu khích TQ, có thể vài năm đảo qua một lần cho đồng minh thấy có, làm cho có vẻ như HK thực tế có kiểm soát vùng đó.
Cho đến nay, việc vào vùng 12 hải lý chỉ là tin báo chí, không chính thức từ chính quyền HK, mà là do giới chức giấu tên xì ra cho giới truyền thông.
Theo nhận xét của người viết, HK không dại gì đi gây hấn với TQ vì những mỏm đá không có lợi ích kinh tế mà còn phiêu lưu vào vấn đề chủ quyền (máu xanh kinh tế mà). Nếu có, thì đó chỉ là một đoản kịch/skit 30 phút mà TQ có thể là đồng soạn giả.
Tướng Phạm Trường Long và giàn lãnh đạo tối cao của TQ đã có một lập trường dứt khoát và một chiến lược rõ ràng cho sự trừng lên không gây chiến trước với các nước láng giềng và tránh voi không xấu mặt nào, không để đụng chạm quân sự với HK.
Hiện nay TQ cần bành trướng để trở thành bá chủ vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Không như Mỹ Châu mà HK trừng lên thành bá chủ, Châu Á-TBD có quá nhiều các quốc gia mạnh như Nhật, Ấn, Nam Hàn, Nam Dương, Singapore, Úc, Việt Nam bao quanh, cho nên sự trừng lên của TQ sẽ vất vả hơn nhiều vì các quốc gia này đều muốn kềm chế, và Giấc Mơ Trung Quốc để có thể ngang hàng với HK chia đôi thế giới thì chắc không thể xảy ra.
17/10/2015