Friday, January 23, 2015

Bộ trưởng yêu cầu bán ba đường cao tốc: Khó chồng khó?

(Baodatviet) - Bộ trưởng Thăng yêu cầu lập CTCP dự án tại ba tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Nội Bài - Lào Cai.

Yêu cầu được Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra tại cuộc họp về tình hình thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), ngày 23/1.
Trước kiến nghị của lãnh đạo VEC về việc thành lập hai công ty cổ phần dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đề xuất của VEC, vốn điều lệ của CTCP dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình là 900 tỷ đồng, thời gian khai thác dự án 30 năm (tính từ 2016) với mức lợi nhuận kỳ vọng cho nhà đầu tư là 18%/năm. Trong khi đó, số vốn điều lệ tại CTCP dự án TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là 4.670 tỷ đồng, thời gian khai thác dự án 24 năm tính từ năm 2016 với mức lợi nhuận kỳ vọng cho nhà đầu tư là 18%/năm.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu đơn vị này phải bổ sung thành lập CTCP dự án Nội Bài - Lào Cai.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, khi chuyển nhượng quyền khai thác các dự án cao tốc do VEC đang quản lý và khai thác, VEC phải đánh giá tổng thể từ chủ trương đầu tư, quá trình triển khai, cơ chế huy động vốn, cơ chế tài chính, suất đầu tư đến công tác quản lý vận hành, thu phí của ba dự án đã đưa vào khai thác để có những đề xuất, kiến nghị cho phù hợp.
"VEC cần thành lập các công ty cổ phần dự án hoặc các công ty TNHH của Nhà nước, sau đó tiến hành cổ phần hóa với mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi nhuận của nhà đầu tư và quyền lợi của người dân", bộ trưởng chỉ đạo.
Bán có dễ?
Được đánh giá là đơn vị chủ lực trong công tác đầu tư, phát triển đường cao tốc Việt Nam, thế nhưng trong thời gian qua nhiều dự án của VEC thi công hầu hết đều dính "chàm".
Điển hình như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chỉ sau 2 ngày thông xe toàn tuyến, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245 km đã bị lún, nứt bề mặt kéo dài cả chục mét.
Điều đáng nói, giải thích cho hiện tượng này, VEC đều lý giải nguyên nhân do nền đất yếu, địa chất, thủy văn phức tạp. Đơn vị này còn khẳng định, trong suốt quá trình thiết kế, thi công hàng loạt các giải pháp đã được áp dụng nhằm bền vững hóa công trình. Tuy nhiên, sự cố vẫn xảy ra.
Tiếp đến là cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Sau 5 tháng thông xe, mặt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua xã Yên Hồng, huyện Ý Yên (Nam Định), bị hư hỏng nghiêm trọng. Mặt đường bị xé loang lổ, nhiều hố sâu xuất hiện tạo những “ổ voi”, gây khó khăn cho hàng chục nghìn phương tiện qua lại mỗi ngày.
Đại diện VEC lý giải "đây là đoạn nằm trong khu vực nền đất yếu, chờ lún".
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai do VEC làm chủ đầu tư
Đến dự án cao tốc 20.000 tỷ cũng xảy ra sự cố tương tự. Được đưa vào khai thác sử dụng từ đầu tháng 1/2014 nhưng sau đó vài tháng, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện hiện tượng lún, lệch 3-5 cm.
Theo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cho biết, gói thầu số 3 tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn nối từ đi qua huyện Long Thành (Đồng Nai) vừa đưa vào khai thác vào ngày 2/1/2014 đã xuất hiện hiện tượng lún, lệch 3 – 5cm.
Không chỉ có vậy, kết quả kiểm tra hiện trường của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng chỉ rõ, công tác thi công nền đường tại gói thầu 5A còn một số tồn tại, cụ thể: Vật liệu đắp còn lẫn nhiều cuội, sỏi, đá tảng to so với tiêu chuẩn cho phép, còn lẫn nhiều gốc, rễ cây; công tác thoát nước tạm tại khu vực nền đường đào chưa được quan tâm; bề mặt của nền đường không bằng phẳng; ta luy nền đường đào gói thầu số 6 chưa được gia cố, hiện đã xuất hiện hiện tượng xói lở.
Trước đó, Bộ GTVT từng đưa ra đề xuất bán đường cao tốc để thu hồi vốn. Tuy nhiên, cả 3 dự án được chỉ đạo bán đều nằm trong diện "nghi vấn" về chất lượng. Ngay cả khi không dính sự cố, các chuyên gia đã chỉ thẳng, "Rất khó tìm được các nhà đầu tư nước ngoài “mua” lại các công trình hạ tầng giao thông do vốn cao, thời gian thu hồi vốn quá dài, rủi ro lớn".
TS Phạm Sanh cho rằng, ngoài vấn đề định giá các tuyến đường, thì tìm được cách làm có lợi cho cả hai bên là vô cùng khó khăn.
Thái An

Tham nhũng dự án ODA: Ai chịu thiệt cuối cùng?

(Baodatviet) - Việc thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong việc quản lý nguồn ODA nói riêng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang là vấn đề nóng nổi lên.

 Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã nói như vậy với Đất Việt. Theo đó, ông Thụ cho rằng không riêng gì nguồn vốn ODA bị thất thoát, tham nhũng mà ngay cả nguồn lực công, việc quản lý sử dụng cũng cần được đặt ra.
Tiền đi vay không rơi vào công trình thực
PV: Thưa ông, liên quan tới việc sử dụng nguồn vốn ODA mới đây Ngân hàng thế giới cho biết, cơ quan này đã nhận tới 189 khiếu nại liên quan đến tham nhũng trong các dự án ở Việt Nam. Số khiếu nại này chỉ đứng sau Ấn Độ, với 306 khiếu nại. Ông bình luận như thế nào về con số này? Xét ở góc độ vĩ mô, điều này sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới nguồn ODA trong tương lai?
Ông Bùi Đức Thụ: - Tôi cho rằng việc thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong việc quản lý nguồn lực công nói chung và nguồn ODA nói riêng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang là vấn đề nóng nổi lên. Thậm chí là ở mức báo động nên Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền cần khẩn trương ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, thất thoát lãng phí này.
Phải ngăn chặn không để tình trạng tái phát, một mặt để việc quản lý sử dụng nguồn tài chính công hiệu quả, mặt khác để bộ máy trong sạch, lấy lại uy tín đối với quốc tế và nhà tài trợ.
Tình trạng này đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn ODA, tức là mức cam kết vay và giải ngân không vào công trình thực mà nó bị rơi vãi trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dự án công trình, mục tiêu mà nguồn ODA thực hiện.
Quan trọng hơn là ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ nước ngoài. Làm cho hình ảnh Việt Nam bị mờ nhạt và người ta khó có thể tin tưởng được.
Còn ở trong nước việc tham nhũng làm vẩn đục môi trường kinh doanh, môi trường quản lý nhà nước. Làm phương hại không chỉ đến tài sản của nhà nước mà là của nhân dân.
PV: - Có một nghịch lý là, dù những sai phạm về ODA đã hơn một lần được chỉ thẳng, những sai phạm đều rõ ràng, có địa chỉ... nhưng phía Việt Nam luôn bị động trong việc phát hiện các sai phạm này. Điều này có thể được lý giải như thế nào thưa ông? Từ những vụ việc đã xảy ra, ông thấy cách Việt Nam phản ứng với những cáo buộc tham nhũng các dự án ODA thế nào?
Ông Bùi Đức Thụ: - Nước ngoài phát hiện được thì hết sức hoan nghênh. Người dân Việt Nam thì cũng rất muốn phát hiện nhưng cũng không đủ cơ sở, điều kiện. Chính vì thế là đối tác cung cấp nguồn ODA, tham gia vào việc giám sát quản lý và sử dụng nguồn vốn này đã phát hiện được thì rất tốt cho Việt Nam.
Còn việc phát hiện được rồi cần phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nhưng điều đáng đặt lên ở đây là việc phát hiện tham nhũng thất thoát từ ODA nói riêng, quản lý sử dụng tài chính công nói chung dù có phát hiện được nhưng thực sự bỏ sót cũng còn lớn.
Điều này cần phải xem xét lại nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra kiểm tra để đảm bảo mọi sai phạm đều được phát hiện một cách kịp thời, xử lý một cách công minh thì mới lập lại được trật tự kỷ cương trong quản lý tài chính, kinh tế của nhà nước.

Tham nhũng đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn ODA, tức là mức cam kết vay và giải ngân không vào công trình thực mà nó bị rơi vãi trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.
Tham nhũng đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn ODA, tức là mức cam kết vay và giải ngân không vào công trình thực mà nó bị rơi vãi trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.
Phải có biện pháp căn cơ
PV: - Nhiều chuyên gia đã chỉ thẳng, Việt Nam có sự ngộ nhận về ODA, coi đó là một nguồn viện trợ không hoàn lại nên đầu tư chưa hiệu quả. Thưa ông, liệu có thể coi đây chính là một trong những nguyên nhân tạo ra những tham nhũng, tiêu cực trong các dự án ODA hay không và vì sao?
Ông Bùi Đức Thụ: - Trong ODA có một tỉ lệ nhỏ là viện trợ không hoàn lại. Trước kia là khoảng 14-15% nhưng gần đây tỉ lệ này giảm xuống. Có những khoản hỗ trợ từ thiện, nhân đạo nhưng giờ tỉ lệ này đã giảm. Số còn lại là vốn vay lãi suất thấp.
Hiện Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng đang phát triển chuyển sang ngưỡng thu nhập trung bình nên việc tìm kiếm nguồn ODA như trước là khó, lãi suất cũng cao hơn chứ không còn rẻ như trước kia.
Cho nên cần phải tỉnh táo và thấy rõ trong bối cảnh mới như vậy việc ưu đãi vay phải được sử dụng nghiêm túc, có hiệu quả thì hình ảnh Việt Nam mới giữ được trong con mắt của các tổ chức nước ngoài. Có như vậy thì mới mong duy trì được ODA. Hơn nữa nếu quản lý và sử dụng hiệu quả thì mới đảm bảo trả đầy đủ, đúng hạn và hết nợ khi đến hạn.
Còn vừa qua một số cấp ngộ nhận ODA là cho không cũng có nhưng chủ yếu là cấp tỉnh. Qua làm việc giám sát chúng tôi thấy rằng có tình trạng này.
Song phải thấy rằng ODA phần lớn tài trợ cho dự án công trình cụ thể, cũng có khoản nhà nước đi vay sau đó về cho vay lại hoặc đưa vào cân đối ngân sách để phân bổ cho các dự án công trình.
Lúc đó khoản tiền này được hiểu như là khoản tiền ngân sách nhà nước và người sử dụng không trực tiếp phải đảm bảo trách nhiệm thu hồi trả nợ, nhất là phần ODA vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước hoặc vay để đầu tư một số dự án công trình hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của nhà nước.
Những khoản này ngân sách sau này phải bố trí trả nợ. Vì thế cho nên giữa người sử dụng và nghĩa vụ trả nợ không liên quan trực tiếp nên ý thức trong việc lo xử lý nợ công, trả nợ mà ngân sách nhà nước phải lo thì đúng là cũng có nhiều người chưa ý thức được đầy đủ.
PV: Nhìn lại về nguồn ODA, chúng ta hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề như sau: sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng vốn, tham nhũng ODA. Trong khi đó, Việt Nam đã bắt đầu phải đi vay để trả lãi vay và trả nợ nước ngoài, nợ công đã tiệm cận mức trần. Ai sẽ là người phải gánh chịu hệ quả trực tiếp từ những vấn nạn trên? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm vì để người dân phải gánh chịu hệ quả như vậy?
Ông Bùi Đức Thụ: - Phải thấy rằng dù là ODA đầu tư vào công trình hay đưa vào ngân sách cũng đều phải chi trả vào nghĩa vụ thanh toán từ nguồn thuế đóng góp của dân. Suy cho cùng là người dân phải gánh chịu nên việc quản lý sử dụng một cách hợp lý có hiệu quả là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước nhân dân.
Còn vấn đề nợ công tăng và vì sao tăng là câu trả lời cần được giải đáp. Khi ngân sách nhà nước thu không đủ bù chi thì buộc phải bội chi cao. Khi đó vay trong và ngoài nước tăng lên sẽ khiến nợ tăng lên. Khi đó người quyết định dự toán đó chính là Quốc hội cũng phải xem xét.
Nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng trên diễn đàn Quốc hội đã bàn thảo rất kỹ nhưng phải thấy rằng nguồn thu của chúng ta chỉ có hạn, nền kinh tế đang phục hồi nhưng cũng còn rất yếu. Nếu tận thu thì kinh tế thui chột. Trong khi đó tốc độ tăng chi thường xuyên tăng quá cao (chiếm 67% tổng chi ngân sách nhà nước) dẫn đến phần chi trả nợ rất nhỏ.
Tuy nhiên nếu để nói quy trách nhiệm cũng rất khó. Hiện chúng ta đang khuyến khích cơ chế mở rộng dân chủ cơ chế tập thể nên không rõ trách nhiệm.
Như việc quyết định phân bổ ngân sách nhưng đưa vào những dự án chưa thật hiệu quả, cấp bách ở Trung ương là Quốc hội, địa phương là HĐND các cấp. Vậy phải xử lý trách nhiệm tập thể như thế nào?
Cho nên thời gian tới tôi cho rằng vừa đảm bảo nguyên tắc tập thể nhưng cũng phải đảm bảo trách nhiệm quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu. Vừa qua việc phân bổ nguồn lực là cơ quan dân cử nhưng việc tổ chức thực hiện không hiệu quả dẫn tới thất thoát lãng phí lại là trách nhiệm của người tổ chức thực hiện.
Sau này chấn chỉnh ngay cả việc quy hoạch, kế hoạch chủ trương chính sách của chúng ta có hợp lý hay không. Tiếp đến là việc tổ chức thực hiện từ trung ương cho đến đơn vị cơ sở cũng phải chấn chỉnh lại thì mới tạo được chuyển biến đồng bộ trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công.
Hiện Thường vụ Quốc hội đang xây dựng kế hoạch giám sát ODA để giao cho Ủy ban Tài chính ngân sách hoặc Ủy ban kinh tế của Quốc hội đảm nhận.
Trước mắt tôi cho rằng các cơ quan kiểm toán, thanh tra từ trung ương đến địa phương trực tiếp quản lý phải giám sát vào vấn đề đừng để mất bò mới lo làm chuồng, thấy tham nhũng thất thoát rồi mới đi tìm người truy cứu trách nhiệm. Điều đó là cần nhưng quan trọng là ngăn chặn từ cơ chế phân bổ, quyết định chủ trương, quy hoạch đến sử dụng thì mới là căn cơ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
  • Bích Ngọc (Thực hiện

Nhiều dân cử phản đối Riverside kết nghĩa với Cần Thơ

RIVERSIDE, California (NV) - Một số vị dân cử vừa lên tiếng phản đối thành phố Riverside, miền Nam California, kết nghĩa với thành phố Cần Thơ, Việt Nam, sau khi biết được tin này.

Thỏa hiệp này vừa được chính thức ký kết giữa ông William Bailey, thị trưởng Riverside, và ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, lúc 5 giờ chiều Thứ Hai, 21 Tháng Giêng, tại tòa thị chánh thành phố.


Quang cảnh lễ kết nghĩa tại Riverside. (Hình: Facebook)

“Riverside và phái đoàn Cần Thơ tiếp xúc lần đầu vào Tháng Ba năm ngoái. Tuần trước phái đoàn 18 người này đến tòa thị chánh để ký giấy tờ kết nghĩa giữa hai thành phố. Họ chụp hình và ra phi trường LAX để về Việt Nam lúc 6 giờ sáng Thứ Ba,” ông Phil Pitchford, phát ngôn viên thành phố Riverside, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.

Ngày hôm sau, Riverside công bố lễ khánh thành bảng đường mang tên Cần Thơ trong công viên White Park cùng trên một cột mang bảng tên tám thành phố khác của các quốc gia như Trung Quốc, Ðức, Ghana, Ấn Ðộ, Nhật, Nam Hàn và Mexico.

Sự kiện này khiến một số dân cử gốc Việt phẫn nộ.

Trong kháng thư, đề ngày 22 Tháng Giêng, gởi ông thị trưởng Riverside, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn (Ðịa Hạt 34) và cựu Nghị Viên Andrew Ðỗ (Garden Grove) cùng bày tỏ “sự quan ngại sâu xa với quyết định của thành phố Riverside và khẩn thiết kêu gọi thành phố Riverside cứu xét và hủy bỏ quyết định này. Việc kết nghĩa với thành phố Cần Thơ trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục là một quốc gia độc tài cai trị người dân bằng những hình thức và phương tiện đàn áp trái với Công Pháp Quốc Tế.”

Cựu Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, trong một kháng thư tương tự đề ngày 23 Tháng Giêng, “cực lực phản đối việc làm của thành phố Riverside, vì đã đi ngược lại quan điểm và nguyện vọng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ,” và vì “ở gần ba thành phố Orange County không chấp nhận sự hiện diện của các phái đoàn Cộng Sản Việt Nam, Riverside cũng nên quan tâm và tôn trọng quan điểm và nguyện vọng chính đáng 'KHÔNG CỘNG SẢN' của cư dân mà xem lại và từ chối việc kết nghĩa với thành phố Cần Thơ.”

Tại Westminster, Thị Trưởng Trí Tạ nói: “Tôi và Phó Thị Trưởng Sergio Contreras lập tức hôm nay cho vào nghị trình họp của Hội Ðồng Thành Phố tối Thứ Tư tuần tới, chính thức phản đối và yêu cầu thành phố Riverside thay đổi quyết định.”

Trong khi đó, Thị Trưởng Bảo Nguyễn của Garden Grove nhận xét: “Việc này cho thấy sự quan trọng của người Mỹ gốc Việt trong việc tham gia mọi cấp của chính quyền trong xã hội Mỹ. Chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm và những điều chúng ta mong muốn với các vị dân cử. Tôi hy vọng chúng ta nắm thế chủ động trong việc kết nghĩa với các thành phố có nhiều người Việt Nam tị nạn yêu chuộng tự do trên toàn thế giới.”

Theo báo The Press Enterprise ở Riverside, Cần Thơ, với 1.2 triệu dân, là thành phố thứ chín kết nghĩa với Riverside, chỉ cách vùng Little Saigon chừng một giờ lái xe về hướng Ðông Bắc. Cái tên có nghĩa là “dòng sông thơ phú” được biết đến qua các đại học và kỹ nghệ canh nông lúa gạo. Giới chức hai thành phố hy vọng sẽ hợp tác rộng rãi qua các nghiên cứu đại học, trao đổi sinh viên và đầu tư kinh doanh.

Mối quan hệ, bắt đầu có từ năm 2012 giữa hai thành phố, đến nay mới được chính thức hóa vì có sự phản đối của một số người (không phải là tất cả) trong cộng đồng, theo báo The Press Enterprise.

“Sự kiện này thật vô lý đối với tôi. Người dân, các cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp Mỹ (chứ không phải các thành phố nước ngoài) xứng đáng được quan tâm, lại không được biết đến,” ông John Cole, cư dân Riverside và là cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam năm 1969-1970, được trích lời nói.

Trong khi đó, cũng theo The Press Enterprise, Thị Trưởng Bailey phát biểu rằng: “Ðây là cơ hội mới để chúng ta trao đổi văn hóa và kinh tế, nhờ chia sẻ cùng một quá khứ về nông nghiệp và cùng là thành phố đại học trong hiện tại. Ðây là lúc để chúng ta dang tay cùng Việt Nam trong tình hữu nghị và hòa bình.”

Ðây không phải là lần đầu tiên có một thành phố của Mỹ kết nghĩa với một thành phố của Việt Nam. Các thành phố Mỹ từng kết nghĩa với các địa phương Việt Nam gồm có San Francisco, Oakland, Newport Beach ở California; Pittsburgh ở Pennsylvania; Seattle ở Washington.

Hồi Tháng Tám năm ngoái, Hội Ðồng Thành Phố Irvine bỏ phiếu 3-2 hủy đề nghị kết nghĩa với thành phố Nha Trang sau khi gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, đặc biệt là cư dân vùng Little Saigon.

01-23-2015 6:42:16 PM
Linh Nguyễn/Người Việt
–-
Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com

Mỹ muốn giúp Việt Nam bảo vệ biên giới, vùng biển

HÀ NỘI (NV) .- Mỹ thảo luận thêm nhiều biện pháp giúp Việt Nam bảo vệ bờ cõi, biển đảo hầu tăng cường an ninh ở khu vực vào dịp một phái đoàn liên ngành của chính phủ Mỹ đến Hà Nội họp.

Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách chính trị – quân sự Puneet Talwar. (Hình Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ)

Ông Puneet Talwar, Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách chính trị quân sự của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đến Học Viện Ngoại Giao Việt Nam hôm Thứ sáu nói chuyện về quan hệ giữa hai nước sau hai ngày họp với các quan chức CSVN “ Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Việt-Mỹ thường niên lần thứ 7”.

“Trong các cuộc đối thoại hai ngày vừa qua, chúng tôi đã thảo luận thêm nhiều cách (more ways) để giúp nước quý vị bảo vệ các vùng biên giới và các vùng thủy lộ, cũng như làm sâu sắc hơn an ninh ở khu vực”. Ông Talwar nói như thế trong bài nói chuyện ở Học Viện Ngoại Giao Hà Nội nhưng không đưa ra chi tiết và được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phổ biến trên mạng hôm Thứ Sáu 23/1/2015.

Theo ông Talwar, sự hợp tác an ninh giữa hai bên “đã có lời” nhưng “vẫn còn nhiều việc phải làm”. Ông cho hay Hoa Kỳ tiếp tục hậu thuẫn cho các nỗ lực ngoại giao của khối ASEAN quản lý các tranh chấp trên Biển Đông, gồm cả việc quy định các quy tắc ửng xử trên biển có hiệu lực mà các nước phải tuân hành.

Không thấy ông tiết lộ gì về các cuộc thảo luận để Việt Nam mua một số máy bay tuần tra biển P-3 Orion từng được đề cập nhiều lần trước đây. Hoặc các loại trang bị khác như tàu tuần, radar hoặc các loại trang bị khác mà Hà Nội đang muốn được cải thiện thêm.

Dịp này, ông Talwar không quên nhắc nhở Hà Nội đến cải thiện nhân quyền mà nhờ đó, mối quan hệ giữa hai nước có thể tiến nhanh hơn và toàn diện hơn. Ông cũng hy vọng rằng hai bên sẽ hoàn tất đàm phán hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay.

Khi CSVN bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ năm 1995, mậu dịch hai chiều giữa hai nước chỉ khoảng 451 triệu đô la. Năm 2014, con số này đã đạt gần 35 tỉ đô la và còn trong chiều hướng gia tăng.

“Mở rộng và làm sâu sắc mối quan hệ đối tác với Việt Nam là cột trụ cốt yếu của kế hoạch xoay trục (về Á Châu của Hoa Kỳ). Và năm nay có nhiều triển vọng và khả năng để chúng ta đạt tiến bộ, nên bây giờ là việc của chúng ta biến những khả năng đó thành hành động.” Ông Talwar nói trong bài nói chuyện. (TN)
01-23-2015 6:43:35 PM

Đảng Cộng sản : Trung Quốc đối mặt với nhiều mối nguy an ninh quốc gia

Theo RFI-Thụy My
Ngày 23-01-2015 15:48
media
Đại lễ đường Nhân dân, nơi diễn ra cuộc họp của Hội nghị toàn thể BCH Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh (ảnh chụp 12/11/2013)REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Trung Quốc đang phải đối mặt với « các nguy cơ an ninh quốc gia chưa từng có ». Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay 23/01/2015 tuyên bố như trên, sau cuộc họp hàng tháng do Tổng Bí thư Tập Cận Bình chủ trì.

Theo Tân Hoa Xã, tuyên bố của 25 ủy viên Bộ Chính trị cho rằng « có một số thách thức và mối nguy về an ninh không thể đoán trước được, cho nên đất nước phải luôn luôn cảnh giác trước những nguy cơ tiềm tàng ». Bắc Kinh luôn bảo vệ an ninh quốc gia « theo kiểu Trung Hoa ».

Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, trong những năm gần đây hết sức căng thẳng, với một loạt các xung đột do tranh chấp lãnh thổ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trung Quốc luôn lớn tiếng cho là các hành động của mình chỉ nhằm « bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ».

Bắc Kinh cũng coi chính sách « xoay trục » sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ là mưu toan ngăn chận bước tiến của Trung Quốc.

An ninh mạng được nêu ra như một mối quan ngại ngày càng tăng, và Bắc Kinh thường kêu ca mình là nạn nhân của tin tặc, trong khi tháng 5/2014 Washington đã kết án năm thành viên của một đơn vị quân đội bí ẩn Trung Quốc đã tấn công tin học các công ty Mỹ để chiếm đoạt các bí mật thương mại.

Bạo động trong nước cũng tăng cao, với ít nhất 200 người bị giết chết trong năm qua, trong một loạt các vụ xung đột và tấn công xảy ra tại khu vực Tân Cương và những vùng khác. Chính quyền Bắc Kinh đáp trả bằng hàng loạt cuộc bố ráp trong những tháng gần đây, với khoảng 50 vụ người Duy Ngô Nhĩ bị kết án tử hình và hành quyết kể từ tháng 6/2014.

Mỹ xếp hãng thông tấn Nga 'ngang hàng' với khủng bố

Ngọc Ân - Thứ Bảy, ngày 24/1/2015 - 10:49
(PLO) - Theo RT ngày 23-1 đưa tin, Giám đốc điều hành mới được bổ nhiệm của Cơ Quan Quản trị Phát Thanh (Broadcasting Board of Governors-BBG) trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Andrew Lack đã liệt kê hãng thông tấn của Nga, Russia Today (RT) vào danh sách những mối nguy hiểm chính của truyền thông Hoa Kỳ, bên cạnh các tổ chức khủng bố khét tiếng như Nhà Nước Hồi Giáo (IS) và Boko Haram.
Xếp truyền thông Nga “ngang hàng” khủng bố?
Trong cuộc phỏng vấn với The New York Times, ông Lack cho biết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức truyền thông từ các cơ quan thông tấn của chính phủ Nga (RT) và những nhóm khủng bố Hồi Giáo cực đoan ở Trung Đông như IS và Boko Haram”.
Đây không phải là lần đầu tiên BBG, một cơ quan quản lý truyền thông của chính phủ Hoa Kỳ được cả 2 đảng tài trợ và có nhiệm vụ tuyên truyền ảnh hưởng của Mỹ trên toàn thế giới lại xem một cơ quan thông tấn của Nga là “thách thức” chính.
Còn nhớ hồi tháng 8-2014, chủ tịch BBG, Jeffrey Shell, cũng từng phát biểu: “Chúng ta nên lập ra một kế hoạch và kinh phí cho việc chống lại những thách thức từ RT rồi đem nó đến chỗ chính phủ để xem họ có duyệt không nhé”. Chứng tỏ các cơ quan thông tấn của chính phủ Mỹ thực sự “e dè” hãng tin RT.
Cuộc chiến truyền thông Nga – Mỹ 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng cáo buộc “RT là cái loa tuyên truyền của chính quyền Putin” (ABC news)
Lý giải cho sự “e dè” này, Ian Dunt, biên tập viên của politics.co.uk, trong một cuộc phỏng vấn với hãng RT cho rằng chính “sự lớn mạnh, nguồn thông tin dồi dào và tốc độ đưa tin cực nhanh” của hãng tin Nga là một phần thách thức đối với các hãng tin Mỹ.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, tờ New York Times thường có những bài viết đề cập đến sự “hiện diện đáng kể của Mỹ” trên các hãng thông tấn Nga. Họ cho rằng chính phủ Nga đã đổ hàng triệu USD vào các hãng thông tấn chính của mình như RT và Sputnik trong cuộc chiến truyền thông với phương Tây.
Các chính trị gia Mỹ cũng từng buộc tội RT trong quá khứ, ngoại trường Mỹ John Kerry từng gọi Russia Today là một cái “loa tuyên truyền” của chính quyền Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine . Ngay lập tức, ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov chỉ trích bình luận của ổng John Kerry là “thiếu văn minh”
Ông Lavrov tuyên bố “Các cơ quan truyên thông phương Tây có thể đã từng không có đối thủ trong quá khứ, nhưng giờ đây họ đang phải lo ngại trước sự lớn mạnh của các cơ quan truyền thông Nga. Ngày nay chúng tôi đã giành được nhiều sự quan tâm từ Tây Âu, Bắc Mỹ và Châu Mỹ Latin”
Sự lo lắng của chính phủ Mỹ khi những năm gần đây, các hãng thông tấn Nga dần được công nhận trên toàn thế giới cũng như giành được khá nhiều giải thưởng báo chí quan trọng. Năm 2014, hãng tin RT nhận được đề cử Emmy cho loạt phóng sự về tù binh ở Guantanamo tuyệt thực, họ cũng từng được đề cử vào các năm 2010 và 2012.
Đáp lại sự “thù địch” của truyền thông Mỹ, bà Margarita Simonyan, tổng biên tập của RT phát biểu “Russia Today không bao giờ mong muốn bị xếp chung danh sách với các tổ chức khủng bố, chúng tôi là một hãng thông tấn chính thống. Và hành động khiếm nhã mới đây của người đứng đầu BBG khiến chúng tôi vô cùng phẫn nộ, chúng tôi xem đây là một vụ bê bối quốc tế và cầ một lời giải thích”.
Bà Margarita Simonyan cho biết sẽ liên hệ với BBG cũng như Đại sứ quán Mỹ và bộ Ngoại Giao Mỹ để yêu cầu một lời xin lỗi.

Ngọc Ân

Những lý do cho cuộc ân xá Tết Ất Mùi



Bùi Tín
VOA-22.01.2015
Sáng 7/1, 12 người trong tòa soạn báo Charlie-Hebdo ở Paris, trong đó có 4 họa sĩ vẽ tranh biếm họa nổi tiếng, bị 2 tên khủng bố xông vào bắn chết. Sau đó một tên khủng bố khác bắn chết 5 con tin trong một cửa hiệu Do thái giữa Paris. Cả 3 tên tội phạm bị cảnh sát truy lùng và giết chết ngày 8/1. Chúng là những tên khủng bố theo đạo Hồi. Phía cảnh sát có 3 người hy sinh.

Ngày 10/7 một cuộc biểu tình tuần hành rất lớn gần 4 triệu nhân dân toàn nước Pháp - riêng ở thủ đô Paris hơn 1,5 triệu người, đã diễn ra sôi nổi suốt cả buổi chiều đến đêm khuya giá lạnh, với khẩu hiệu «Chúng tôi là Charlie», «Quyền tự do muôn năm» (Cả Châu Âu đã có mặt. Bên cạnh Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Pháp Manuel Valls là các thủ tướng Đức, Anh, Ý, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ukraina, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Latvia, Albania, Ba Lan, Hungary, Bulgaria. Ngoài khối Liên Âu, có đại sứ Mỹ tại Pháp đại diện Hoa Kỳ, bộ trưởng an ninh đại diện Canada, bộ trưởng ngoại giao Sergey Lavrov đại diện nước Nga….

Chính phủ Hà Nội “nổi bật” hẳn lên trong dịp này do chỉ lên tiếng một cách hình thức cho có lệ, và đại sứ của Hà Nội ở Paris cũng “nổi bật” khi không có mặt trong cuộc biểu tình lịch sử hiếm có này.

Đã có hơn 120 người Việt Nam cùng người Pháp gốc Việt tụ tập thành nhóm đi biểu tình cùng nhân dân ở thủ đô Pháp.

Những người Việt gặp nhau dịp này ở Paris nhắc đến các nhà báo tự do trong nước đang bị giam cầm, đến các 2 nhạc sỹ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình bị tù chỉ vì những bài hát, đến hàng loạt blogger như Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Già, Hồng Lê Thọ, các nhà báo Tạ Phong Tần, Trương Duy Nhất, nhà nghiên cứu Trần Huỳnh Duy Thức, các cô Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thúy Quỳnh … tất cả chỉ vì thái độ yêu nước chống bành trướng, phản biện hòa bình không bạo lực.

Suốt mấy ngày nay trên đất Pháp tổ chức Reporters sans Frontières (Phóng viên không biên giới) cùng các trường đại học báo chí cũng như đài vô tuyến TV1 ở Pháp tổ chức thảo luận rộng rãi về quyền tự do báo chí, tự do biểu đạt trong một xã hội hiện đại, quyền châm biếm, phản biện, phê phán, không có ai hay khu vực nào là bất khả xâm phạm, là nhân vật, khu vực cấm không được đụng đến, trừ tuyên truyền chiến tranh, bạo lực và phân biệt chủng tộc.

Đúng vào lúc này, tin từ Cuba cho biết 53 nhà dân chủ bị cầm tù đã được trả tự do, theo danh sách đưa ra của chính phủ Hoa Kỳ. Đây có thể coi như đợt thả vét cuối cùng các tù nhân chính trị còn lại, để đi đến cuộc gặp gỡ Hoa Kỳ - Cuba trong thời gian tới nhằm lập lại quan hệ ngoại giao, mở lại đại sứ quán ở La Havana và Washington, khôi phục luồng du lịch và thương mại rộng lớn giữa 2 nước.

Từ tình hình trên đây, có nhiều lý do để Bộ Chính trị đảng CSVN thực hiện một cuộc trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị còn tồn tại. Theo thống kê hiện có hơn 100 tù chính trị và tù tôn giáo. Hãy lắng nghe cả thế giới luận bàn về quyền tự do suy nghĩ, tự do báo chí, tự do biểu đạt - vốn là những quyền cơ bản nhất của mọi người trên hành tinh - hãy nhìn hình ảnh gần 4 triệu người tập họp để bảo vệ, truyền bá quyền tự do biểu đạt làm rung chuyển cả nước Pháp và Châu Âu, hãy noi theo gương của Miến Điện và Cuba biết lùi đúng lúc để các bên đều có lợi khi trả tự do cho tù nhân chính trị, hãy làm cho ngày Tết Ất Mùi này thêm ý nghĩa chính trị rộng lớn, đem lại sum họp gia đình cho nhiều công dân của mình. Và cuối cùng là để làm một cú hích tích cực cho cuộc đàm phán gay go nhằm gia nhập khối kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP đang ở vào thời điểm quyết định.

Đó là những lý do cấp thiết cho một cuộc ân xá Tết Ất Mùi thật rộng lớn và cấp bách. Và đây là một thời cơ cực hiếm không nên để trôi qua.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Trung Quốc yêu cầu các nước nhỏ chớ đưa ra ‘đòi hỏi vô lý’

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói, 'Chúng tôi chống lại việc các nước lớn bắt nạt các nước nhỏ. Đồng thời chúng tôi cũng tin rằng các nước nhỏ không nên đưa ra những đòi hỏi vô lý'
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói, 'Chúng tôi chống lại việc các nước lớn bắt nạt các nước nhỏ. Đồng thời chúng tôi cũng tin rằng các nước nhỏ không nên đưa ra những đòi hỏi vô lý'
VOA-24.01.2015
Trung Quốc cho biết họ lên án việc các nước lớn hiếp đáp những nước nhỏ hơn, nhưng nhấn mạnh những nước nhỏ nên chấm dứt những "đòi hỏi vô lý."

Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (22/1), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc là "tất cả các nước, bất kể lớn nhỏ, đều bình đẳng."

“Chúng tôi chống lại việc các nước lớn bắt nạt các nước nhỏ. Đồng thời chúng tôi cũng tin rằng các nước nhỏ không nên đưa ra những đòi hỏi vô lý,” Bà Hoa nói.

Phát biểu này dường như đáp lại phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói rằng "các nước lớn không thể bắt nạt các nước nhỏ," khi được hỏi về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông trong dịp ông đến Philippines đối thoại với các quan chức nước sở tại trong tuần này.

Trung Quốc đang vướng vào tranh chấp với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển giàu tài nguyên này.

Philippines và Việt Nam là hai nước thường lên tiếng mạnh mẽ về việc Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh thổ mà hai nước tuyên bố chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế, thực hiện những hoạt động cải tạo đất đai, quấy rối ngư dân, và làm gián đoạn việc thăm dò năng lượng trong vùng biển của mỗi nước.

Nguồn: GMA, Rappler

Bé gái 11 tuổi đi tìm công lý cho ba mẹ

Em Ngô Thị Cẩm Hiếu, học sinh lớp 6B trường trung học cơ sở Nguyễn Khuyến ở tỉnh Bình Phước
Em Ngô Thị Cẩm Hiếu, học sinh lớp 6B trường trung học cơ sở Nguyễn Khuyến ở tỉnh Bình Phước
Trà Mi-VOA
24.01.2015
Một cô bé 11 tuổi tại một vùng quê nghèo của Việt Nam bị rơi vào cảnh tứ cố vô thân, không nơi nương tựa, gia đình bị mất sạch tài sản, bố mẹ bị đẩy vào vòng lao lý, một mình em kiên trì lặn lội khắp nơi để đi tìm ánh sáng công lý cho song thân.

Đó là câu chuyện thương tâm của em Ngô Thị Cẩm Hiếu, học sinh lớp 6B trường trung học cơ sở Nguyễn Khuyến ở tỉnh Bình Phước.

Tai ương ập đến khi Hiếu vừa lên 10. Ở độ tuổi ‘ăn chưa no lo chưa tới’, em đã phải chứng kiến cảnh gia đình tan nát, toàn bộ tài sản và cũng là phương kế sinh nhai của gia đình em là mảnh đất khoảng 3 ha bị cưỡng chế cho chủ nợ và bố mẹ em bị kết án mỗi người 5 năm rưỡi tù giam về tội danh “cố ý gây thương tích.”

Bản án ngày 25/2/2014 trong phiên tòa không có luật sư là kết cục của vụ tranh chấp dân sự giữa ông bà Ngô Văn Huynh-Nguyễn Thị Tâm (bố mẹ của Hiếu) tại thôn 2, xã Đường 10, huyện Bù Đăng (Bình Phước) với ông Nguyễn Bá Tuyên, chủ nợ, người có anh ruột là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đường Mười.

Bố mẹ Hiếu lâu nay đi khiếu kiện kêu oan về việc bị chủ nợ, có sự cấu kết của cán bộ địa phương, chiếm giữ-phá hoại tài sản, nhưng chưa được xử lý thỏa đáng thì bị cơ quan thi hành án tiến hành kê biên đất, bán đấu giá cho chủ nợ trong lúc vắng mặt và không có chữ ký của ông bà.

Kể từ khi bố mẹ lần lượt bị bắt hồi tháng 7, tháng 8/2013 tới nay, bé Hiếu sống nhờ tình thương và sự cưu mang của một gia đình hàng xóm tốt bụng, một mình bước tiếp con đường đi đòi công lý với sự hỗ trợ của Phòng Công lý Hòa Bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, nơi giúp đỡ miễn phí cho dân nghèo về mặt pháp lý và truyền thông.

Ngoài những chuyến thăm nuôi bố mẹ, cô bé nhà quê đen đúa gầy gò, hơn năm nay, đã đi gõ cửa khắp mọi nơi để cầu cứu, kêu oan cho cha mẹ mình.

Linh mục Đinh Hữu Thoại, Trưởng Phòng Công lý và Hòa bình, cho biết:

“Tôi nhớ lần đầu tiếp xúc với Hiếu là khi ông bố bị bắt, hai mẹ con lặn lội từ Bù Đăng xuống Sài Gòn, đến văn phòng gặp chúng tôi nhờ tôi đưa tin. Ít lâu 2 tháng sau thì tới lượt bà mẹ bị bắt. Cháu Hiếu có gọi điện thoại cho tôi xin kêu oan giúp gia đình cháu, nói rằng ba mẹ bị oan do phía bên kia có người nhà là cán bộ cấp xã, cấp huyện toa rập với nhau chèn ép ba mẹ Hiếu. Cộng tác viên của chúng tôi có đến tận nơi để tìm hiểu hoàn cảnh và trợ giúp cho em chút đỉnh, mới biết em sống với nhà hàng xóm tốt bụng. Ông này là cựu chiến binh lớn tuổi, thấy hoàn cảnh Hiếu như vậy thì cưu mang cháu, cho cháu ở luôn trong nhà. Cộng tác viên của chúng tôi lên tận nơi thăm và đưa tận xuống Sài Gòn để đi ký các giấy tờ pháp lý vì cháu là người thân duy nhất của ông bà. Tuy mới 11 tuổi và sống ở vùng quê rất nghèo nhưng có ý chí và một trí khôn rất sắc sảo.”

Người láng giềng hảo tâm đang nuôi dưỡng em Hiếu không muốn nêu tên khi phát biểu với chúng tôi nói về cô bé bất hạnh:

“Gia đình thấy cháu một mình tội nghiệp nên giúp, giờ nó bé quá có một mình ai nuôi nó, tiền bạc không có, bố mẹ bị bắt, nên chúng tôi làm phước nuôi cháu. Cháu học rất giỏi. Tôi cũng đề nghị ủy ban xã cho cháu xin miễn học phí được hai năm nay. Các thầy cô giáo thỉnh thoảng cũng cho cháu được mấy chục ký gạo. Năm nay sắp tới đây cháu sắp được học bổng. Chúng tôi nuôi cháu nó ăn học. Sách vở vì cháu học giỏi nên năm nào cũng được trường cho. Lúc nhận cháu về nuôi tôi cũng đang công tác trên xã, tôi đề nghị ủy ban quan tâm đến cháu tí. Các ông ấy bảo anh làm phúc thì anh cứ nuôi, chúng tôi có nói gì đâu. Tôi đề nghị ủy ban xã giúp đỡ cháu vì hoàn cảnh cháu vậy, nhưng chẳng thấy họ giúp đỡ gì cũng chịu. Tôi xin xã với các thầy cô quan tâm cháu tí, nhưng cuối cùng chỉ có các thầy cô quan tâm thôi chứ trên ủy ban thì cũng chỉ biết vậy thôi.”

Trái với hình ảnh một cô bé ốm yếu 11 tuổi, trò chuyện với chúng tôi là một Cẩm Hiếu thông minh, ăn nói chững chạc, chín chắn rất nhiều so với độ tuổi vô tư, thơ dại của em.

Hiếu kể về nghịch cảnh gia đình mình:

“Ba mẹ con có vay tiền của ông Tuyên. Lúc đó hoàn cảnh gia đình khó khăn, tới ngày hẹn ông Tuyên vào đòi, nhà con chưa trả được. Ông dẫn theo mười mấy người vào nhà con xiết đất. Từ đó mẹ con mới đi thưa kiện, rồi mẹ con bị bên thi hành án đấu giá bán đất của nhà con trong khi nhà con không có mặt ở nhà. Bên thi hành án đấu giá đất nhà con là 90 triệu/ha mà giá đúng tới 350 triệu/ha lận. Họ đấu như vậy là không đúng giá. Hơn nữa khi đấu giá không có mặt gia đình con ở đó, cũng không có chữ ký của ba mẹ con. Ba mẹ con không chịu nên tiếp tục thưa kiện. Hôm đó, ông Tuyên tới và giữa ông với mẹ con xảy ra xung đột và nhà con đánh nhau với ông ấy. Nhà con không có tiền, còn ông Tuyên có thế lực nên đã đẩy gia đình con vào tù. Tòa chỉ xử mỗi việc nhà con đánh ông Tuyên. Còn việc ông Tuyên lấy đất nhà con sai pháp luật thì tòa không xử. Khi ba mẹ con bị bắt rồi, có lúc con tự bắt xe đò lên Văn phòng Dòng Chúa Cứu Thế để cầu cứu cha Thoại. Con cũng có điện tới Phòng Tiếp Dân của công an tỉnh nhưng họ bảo họ không biết việc này, chỉ có công an huyện mới biết thôi. Mỗi lần đi thăm nuôi ba mẹ con cũng có lên công an huyện và lâu lâu con cũng có ghé bên Viện Kiểm sát. Họ không tiếp. Con có lên Tòa án để gặp thẩm phán và sang bên công an huyện để nộp đơn xin tại ngoại cho ba mẹ con. Họ nói sẽ trả lời mà nay hơn 1 tháng rồi vẫn chưa thấy trả lời con. Khi ba mẹ con bị bắt, con cũng có gọi điện thoại lên công an tỉnh và tòa án tỉnh để hỏi, nhưng họ bảo họ không biết. Có nhiều lần con điện cho chú trực tiếp điều tra ba mẹ con, nhưng chú nói việc này do cấp trên chỉ đạo chú thôi. Rồi nhiều lần sau con điện chú không nghe máy nữa. Nhà ông Tuyên có những người quen trên đó nên họ sẽ không bao giờ quan tâm đến gia đình con. Mẹ con lúc trước từ năm 2009 cũng đã có gửi nhiều đơn lên đó lắm mà họ cũng không trả lời. Vì ba mẹ con, con làm, nếu con cố gắng nhất định con sẽ kêu oan được cho ba mẹ của con. Chỉ cần mình đủ can đảm và niềm tin, mình sẽ làm được. Gia đình con bị oan, yêu cầu tòa xem lại tất cả mọi việc và đưa ra xét xử đúng với luật pháp công lý.”

Khi được hỏi cảm nghĩ của em về công lý, cô bé lớp 6 không ngần ngại nhận xét:

“Có quyền lực và có tiền thì sẽ mua được những thứ đó và họ bắt buộc những người nghèo phải chịu thiệt thòi. Cho nên mình cần phải dũng cảm, kiên cường để chống chọi lại những áp lực mà những người giàu đã gây ra cho mình.”

Chưa biết hành trình đi tìm công lý của cô bé hiếu thảo này kết cục sẽ ra sao và đúng-sai được phân minh thế nào, dù trong phiên phúc thẩm hồi tháng 10 năm ngoái, Tòa án Nhân dân huyện Bù Đăng đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Theo linh mục Thoại, tuy đây là một tín hiệu đáng mừng hiếm thấy nhưng những diễn tiến sau đó không hứa hẹn một điều khả quan:

“Vấn đề của Hiếu liên quan đến tố tụng và chèn ép giữa những người có chức quyền đối với những người thấp cổ bé miệng. Tòa án của tỉnh Bình Phước đã tráo trở bằng cách tại tòa thì họ tuyên khác, nhưng sau đó ra văn bản thì họ lại ra văn bản hoàn toàn khác với nội dung tuyên ở tòa, bất lợi cho ba mẹ bé Hiếu. Sự khác biệt đó cho thấy nó đã được chỉ đạo sau phiên tòa phúc thẩm. Tuy là hủy án sơ thẩm nhưng họ vẫn tiếp tục giam ông bà, không cho tại ngoại điều tra trong khi hoàn cảnh của ông bà đủ điều kiện để tại ngoại điều tra, không cần thiết phải dùng biện pháp ngăn chặn mạnh như tạm giam vì ông bà không có nguy cơ bỏ trốn.  Chúng tôi đã gửi văn thư đề nghị cho ông bà được tại ngoại điều tra nhưng họ phớt lờ, làm cho trại tạm giam có điều kiện tiếp tục dùng nhục hình, bức cung, ép cung. Dù hủy án, điều tra lại nhưng tôi nghĩ kết quả cũng không khả quan lắm, do sự chỉ đạo của một cấp nào đó đối với bản án của phiên tòa phúc thẩm. Tình trạng tư pháp ở Việt Nam rất tệ. Luật sư cũng chẳng có vai trò gì so với hệ thống tòa án, Viện Kiểm sát, và cơ quan điều tra. Ba nơi này mà họ cấu kết với nhau, toa rập với nhau với án bỏ túi thì, như rất nhiều trường hợp khác, mình chỉ làm được động tác là lên tiếng cho người ta thấy được sự oan ức của những trường hợp này mà thôi. Chúng tôi hỗ trợ cho cháu từ đầu tới giờ. Bây giờ thì hy vọng sự lên tiếng của các cơ quan truyền thông về trường hợp này để vụ án không bị bức cung, ép cung một lần nữa.”

Cẩm Hiếu tin rằng có ý chí quyết tâm theo đuổi tới cùng thì mơ ước sẽ trở thành hiện thực. Mong sao em sớm toại thành ước mơ sum họp gia đình và tìm thấy công lý để nụ cười hồn nhiên được trở lại trên gương mặt ngây thơ trĩu nặng ưu phiền của em.

Làn sóng từ chối Viện Khổng Tử trên thế giới và bài học cho VN

Việt Hà, phóng viên RFA 2015-01-23
DSC-1374-9720-1419679758-622.jpg
Lễ gắn biển "Học viện Khổng Tử" tại trường ĐH Hà Nội vào sáng 27/12/2014.Photo courtesy of VNExpress
Tiếp theo sau những phản đối của một số trường đại học Mỹ về sự có mặt của Viện Khổng Tử của Trung Quốc tại các trường đại học ở Bắc Mỹ, mới đây một trường đại học ở Thụy Điển cũng đã từ chối gia hạn hợp đồng với Viện Khổng Tử. Đây được coi là một làn sóng phản đối những ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc thông qua viện Khổng Tử vào môi trường học thuật.
Tuy nhiên Việt Nam mới đây đã cho phép mở một viện Khổng Tử tại trường đại học Hà Nội. Liệu làn sóng từ chối ảnh hưởng của viện Khổng tử trên thế giới sẽ tiến tới đâu, và bài học gì đối với những nước như Việt Nam khi cho phép mở những viện này trong các trường đại học của mình?
Việt Hà phỏng vấn giáo sư sử học Steven Levine, thuộc trường đại học Montana, người đã góp phần đưa viện Khổng Tử vào đại học Montana nhưng gần đây đã lên tiếng phản đối hình thức này. Viện Khổng Tử hiện do văn phòng dạy tiếng Trung quản lý, gọi là Hanban.

Là một cơ quan của chính phủ TQ

Trước hết nói về những gì mà viện Khổng Tử mang lại cho các trường đại học Mỹ, Giáo sư Levine cho biết:
Tôi nghĩ nếu họ được đăng ký như một trường đại học độc lập thì sẽ khác, họ sẽ được nhìn nhận như một nhánh tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc. Nhưng khi họ nằm trong trường đại học thì họ là một phần của trường đại học vốn có chủ trương là tìm hiểu tự do.
-GS Steven Levine
GS Steven Levine: Theo tôi cái mà họ có thể đóng góp nhất là đối với những cơ sở nhỏ không có các chương trình lớn nghiên cứu về đông Á và Trung Quốc là tiền và giáo viên dạy tiếng Trung và văn hóa Trung Hoa nhưng văn hóa Trung hoa mà họ dạy thì rất nhạt và không sâu. Ở các trường đại học lớn và có tiền thì viện Khổng Tử chỉ là một phần rất nhỏ trong những gì họ có. Ở nhiều trường đại học bao gồm trường đại học Montana của tôi ở miền Tây Bắc nước Mỹ thì chúng tôi có rất ít cho các chương trình nghiên cứu về Trung Quốc cho nên viện Khổng Tử đóng vai trò lớn hơn và thực sự viện này chỉ là một cơ quan của chính phủ Trung Quốc, đó chính là phản đối chính của tôi đối với họ.
Tôi nghĩ nếu họ được đăng ký như một trường đại học độc lập thì sẽ khác, họ sẽ được nhìn nhận như một nhánh tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc. Nhưng khi họ nằm trong trường đại học thì họ là một phần của trường đại học vốn có chủ trương là tìm hiểu tự do, các vấn đề học thuật, kiến thức, đào tạo không bị gây ảnh hưởng, nhưng đó không phải là điều đang xảy ra với viện Khổng Tử vì họ là một nhánh của chính phủ Trung Quốc và họ bị giới hạn phạm vi những gì họ có thể nói. Như bạn biết là có nhiều đề tài bị coi là cấm kị vì đảng cộng sản Trung Quốc không cho phép thảo luận những đề tài đó dù là ở Trung Quốc hay ở nước ngoài. Trong các đề tài đó có vụ 4 tháng 6 năm 1989 khi hàng ngàn người bị giết hại ở Bắc Kinh, vấn đề độc lập của Tây Tạng, vấn đề Đài Loan, và nhiều vấn đề khác về nhân quyền mà văn hóa phương Tây ca ngợi còn đảng cộng sản Trung Quốc phản đối vì coi đó là đe dọa cho quyền lực của họ. Theo tôi trường đại học phải là nơi không vấn đề gì không được quyền thảo luận.
Việt HàMột số giáo sư đại học tại Mỹ có lập luận cho rằng những tranh luận về ảnh hưởng không tốt của viện Khổng Tử trong các trường đại học đã bị cường điệu quá đáng vì tâm lý chống Trung Quốc, lo ngại Trung Quốc. Ông nghĩ thế nào về nhận xét này?
GS Steven Levine: Vấn đề không nằm ở chỗ là cường điệu hóa vấn đề Trung Quốc. Theo tôi vấn đề là chúng ta phải duy trì được tính độc lập của học thuật của các trường đại học Mỹ. Tôi nhận thấy là vấn đề ở đây khác với Việt Nam nơi có hệ thống chính trị hoàn toàn khác. Cho nên phản đối của tôi hoàn toàn dựa vào kiến thức về nước Mỹ và nền dân chủ phương Tây.
035_pau501998_05-305.jpg
Một chi nhánh của Viện Khổng tử Trung Quốc quảng bá văn hóa tại thành phố Blagoveshchensk, Nga hôm 22/5/2011.
Việt Hà: Các viện Khổng Tử đã có mặt ở các trường đại học Mỹ cả thập kỷ qua, tại sao đến giờ các giáo sư mới nhận thấy vấn đề của viện này?
GS Steven Levine: Từ cá nhân tôi thì tôi thực sự liên quan trực tiếp đến việc đưa viện Khổng Tử vào trường đại học Montana vào khoảng 10 năm về trước. Lúc đầu, chúng tôi thấy đó là một viện vô thưởng vô phạt, không gây nguy hiểm gì và sẽ mang các nguồn lực vào trường nơi chúng tôi không có nhiều nguồn lực cho việc giảng dạy các vấn đề về văn hóa Trung Quốc. Chúng tôi như bị mù và tôi không có lý do gì biện minh cho những gì tôi làm lúc đó. Lúc đó chỉ là đi tìm thêm nguồn lực cho trường. Nhưng khi tôi bắt đâu xem xét vấn đề cũng như một số các giáo sư khác cũng vậy, chúng tôi thấy vấn đề về kiểm duyệt và tự kiểm duyệt và tôi bắt đầu thay đổi cách nhìn của mình.
Vào năm 2009 tôi dự một cuộc họp các giám đốc viện Khổng Tử ở Bắc Kinh, đó là vào tháng 12 năm 2009 và tôi biết được nhiều hơn Hanban đã thực hiện việc kiểm soát thế nào từ Bắc Kinh. Cuộc họp như là cuộc họp của đảng cộng sản nơi các chỉ thị được các lãnh đạo đưa ra. Rõ ràng là có nhiều thảo luận không được phép. Trong một cuộc họp riêng của viện tôi có đề nghị dạy thuyết Khổng Tử trong quá khứ nhưng họ không làm. Ý tưởng viện Khổng Tử nên dạy về Khổng Tử đã bị từ chối, nó không phải nhiệm vụ của họ…. theo tôi đây thực sự là sự biên dịch sai tên của Viện và tinh thần Khổng tử chỉ để thực hiện ý chí chính trị của Đảng cộng sản.

Cần đảm bảo sự tự do và độc lập

Việt HàBất chấp lời kêu gọi của hiệp hội các giáo sư các trường đại học Mỹ về tẩy chay viện Khổng Tử, hiện chỉ có một vài trường đại học tại Mỹ và Canada không gia hạn hợp đồng với viện này. Ngoài vấn đề tài chính, nguyên nhân nào khiến các đại học chưa có quyết định tương tự?
GS Steven Levine: Theo tôi vấn đề chính là tài chính và một phần là sự giải thích vấn đề. Có một số giáo sư ở một số trường khác cơ bản là đã không nhìn nhận vấn đề này. Họ nói rằng các trường đại học có nhiều nguồn lực và nếu viện Khổng Tử không muốn bàn về Tây Tạng, Thiên An Môn thì họ sẽ nói về những vấn đề này ở chỗ khác. Nó đúng với trường đại học Chicago nhưng không đúng với các trường khác vì viện Khổng tử ở các trường khác là nơi duy nhất có các cơ hội để có được nguồn tiền tài trợ cho các sự kiện liên quan đến Trung Quốc. Nó không phải là một vấn đề đơn lẻ, nó phức tạp hơn thế nhiều. Theo tôi, tiền bạc ở một số nơi không phải là quá lớn nhưng ở những nơi không có nhiều tài trợ thì nó có ảnh hưởng lớn trong những gì mà họ có thể làm. Theo tôi hiện chỉ có một số nhỏ trường từ chối hợp đồng với viện. Có thể trong một hai năm nữa sẽ có thêm những trường khác nữa nhưng tôi thực sự không mấy lạc quan về làn sóng này.
Bây giờ vẫn còn quá sớm để nói nhưng thực sự thì cũng không có đủ các phản ứng ở Mỹ cũng như các nơi khác trên thế giới để khiến Hanban phải thay đổi chính sách của mình.
-GS Steven Levine
Việt Hà: Hiệp hội các giáo sư các trường đại học Mỹ cũng nêu ra điều kiện đối với viện Khổng Tử muốn hoạt động ở các trường đại học Mỹ để đảm bảo sự tự do và độc lập trong nghiên cứu và giảng dạy. Theo ông liệu Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận các điều kiện này hay không?
GS Steven Levine: Theo tôi lãnh đạo Trung Quốc và Hanban sẽ quan sát một thời gian để xem các trường khác ở Mỹ và Canada có phản ứng thế nào. Như đã nói từ trước thì đến lúc này chỉ có vài trường có hành động. Nhưng vấn đề khác nữa là các trường thường không nhanh chóng có hành động. Nó giống như thời gian tan băng trong thay đổi. Cho nên có thể là có một giáo sư hay một số của một khoa nào đó ở trường đặt câu hỏi, và họ sẽ có những cuộc họp trước khi có hành động. Cho nên bây giờ vẫn còn quá sớm để nói nhưng thực sự thì cũng không có đủ các phản ứng ở Mỹ cũng như các nơi khác trên thế giới để khiến Hanban phải thay đổi chính sách của mình.
Việt HàTheo ông thì các nước khác như Việt Nam có thể học được bài học nào từ các trường đại học Mỹ trong trường hợp viện Khổng Tử với điều kiện hạn hẹp về ngân quỹ và nhất là hệ thống chính trị khác biệt?
GS Steven Levine: Tôi hy vọng rằng các trường đại học ở các nơi khác bao gồm ở Việt Nam tiến tới hướng tự do trong giảng dạy. Tôi hiểu là Việt Nam và Trung Quốc có sự kiểm soát rất chặt đối với  các trường đại học. và điều này cũng đúng với nhiều vùng khác trên thế giới. Nhưng theo tôi trường đại học là nơi tự do tìm hiểu, là nơi mà giáo sư và sinh viên không bị trói buộc bởi những lo ngại chính trị. Họ có thể khám phá mọi điều tự do. Tôi hiểu đó là điều lý tưởng nhưng lý tưởng đó nên là điều mà các giáo sư và sinh viên đánh giá cao. Theo thời gian, theo tôi, dù Trung Quốc có ảnh hưởng lớn về kinh tế, Trung Quốc sẽ tiếp tục đặt các viện Khổng tử ở khắp nơi trên thế giới. Tôi nghĩ là những phản ứng với vấn đề này sẽ còn chậm chạp hơn so với sự mở rộng của viện Khổng Tử trong tương lai gần.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Cấp giấy kết hôn cho người chết

  NGÂN NGA - Thứ Sáu, ngày 23/1/2015 - 01:45
(PL)- Lý ra đương sự đã có cuộc hôn nhân hợp pháp nhưng cuối cùng chỉ vì sai sót, chậm trễ của xã khiến họ mất đi các quyền lợi.
Bà Trịnh Thị Bích Phượng (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) kể tháng 2-2001 vợ chồng bà đến UBND xã Phú Lâm (huyện Phú Tân) làm thủ tục đăng ký kết hôn. Do lúc đó xã hết giấy chứng nhận kết hôn nên chưa thể cấp. Gần hai năm sau, khi chồng bà đã mất, xã mới căn cứ vào tờ khai đăng ký trước đây rồi cấp giấy chứng nhận cho bà. Thời điểm đăng ký được ghi lùi lại là tháng 2-2001.
“Sau khi chồng qua đời, tôi làm tròn bổn phận con dâu chăm sóc cha chồng. Tiếp đó, cha chồng tôi cũng mất. Năm 2010, người thân bên chồng tôi khởi kiện ra tòa đòi chia di sản thừa kế là miếng đất mà chồng để lại thì vụ việc bắt đầu trở nên rắc rối. Mọi người cho rằng tôi không có quyền gì với tài sản này nên phải giao hết cho họ. Tôi không đồng ý. Thế nhưng tòa vẫn xử tôi thua” - bà Phượng kể tiếp.
Bà Phượng khổ sở vì ủy ban sai sót khi cấp giấy chứng nhận kết hôn khiến bà mất đi các quyền lợi. Ảnh: NN
Cụ thể, bà Phượng cho biết phiên tòa sơ thẩm vào tháng 6-2011 chấp nhận hôn nhân của bà là hợp pháp nên bà có quyền thừa kế di sản. Phía bên kia kháng cáo. Trong khi chờ TAND tỉnh An Giang xử phúc thẩm, ủy ban xã thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn của bà vì thấy cấp sai. Trên cơ sở này, xử phúc thẩm tháng 11-2014, TAND tỉnh nhận định giấy chứng nhận kết hôn được cấp sau khi chồng bà Phượng chết và giấy này đã bị thu hồi nên hôn nhân của bà không được công nhận. Tòa buộc bà phải trả lại đất cho phía nguyên đơn.
“Chúng tôi có đi đăng ký kết hôn, cưới hỏi đàng hoàng. Việc cấp giấy chứng nhận chậm trễ, không đúng quy định là do thiếu sót của phía ủy ban chứ tại sao lại bắt chúng tôi gánh? Tôi đã ở mảnh đất trên, phụng dưỡng gia đình nhà chồng nhiều năm trời, chòm xóm ai cũng biết hết. Giờ hậu quả ra thế này, tôi biết làm sao đây?” - bà Phượng ứa nước mắt.
Quanh việc này, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng việc xã cấp giấy chứng nhận kết hôn sau khi một người đã mất rồi ghi lùi ngày là sai. Xã phải thu hồi giấy, khắc phục cái sai của mình. Tòa căn cứ vào đó để phán quyết hôn nhân không hợp pháp là phù hợp. Chỉ khổ cho đương sự là lý ra đã có cuộc hôn nhân hợp pháp, được pháp luật bảo vệ các quyền lợi liên quan nhưng cuối cùng chỉ vì cái sai của cơ quan chức năng mà mất tất cả. Qua đây, các cơ quan chức năng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm tốt chức trách để bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Có thể yêu cầu ủy ban bồi thường
Việc kết hôn phải được tiến hành ở UBND xã, hai bên đều phải có mặt bày tỏ ý chí tự nguyện kết hôn. Việc hết mẫu đăng ký kết hôn không có nghĩa là ủy ban hạn chế đi quyền kết hôn của công dân. Lý ra ngay sau đó xã phải hướng dẫn, hẹn người dân trở lại đăng ký theo đúng quy định. Đằng này xã lại để sau khi có người mất mới cấp dẫn đến sai sót phải thu hồi. Trường hợp này, nếu bà Phượng thấy ủy ban gây thiệt hại cho mình, bà có thể yêu cầu bồi thường.
TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên ĐH Luật TP.HCM

NGÂN NGA

Gần 800 người tử vong do TNGT trong tháng 1/2015

(VTC News) - Trong tháng đầu tiên của năm 2015, toàn quốc có 781 người tử vong do tai nạn giao thông.

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong tháng đầu tiên của năm 2015, toàn quốc xảy ra 2.171 vụ, làm chết 781 người, làm bị thương 2.047 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 208 vụ (-8,74%), giảm 119 người chết (-13,22%), giảm 155 người bị thương (-7,04%).

Cụ thể, tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 952 vụ, làm chết 781 người, bị thương 583 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 61 vụ (-6%), giảm 119 người chết (-13,22%), giảm 9 người bị thương (-1,5%).

Va chạm giao thông xảy ra 1.219 vụ, làm bị thương nhẹ 1.464 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 147 vụ (-10,8%), giảm 146 người bị thương (-9,1%).

Gần 800 người tử vong do TNGT trong tháng 1/2015

Một vụ tai nạn giao thông khiến 2 người tử vong ngày đầu năm 2015 ở Hải Dương
Riêng tuyến đường bộ đã xảy ra 2.144 vụ tai nạn, làm chết 765 người và bị thương 2.014 người. Đường sắt xảy ra 12 vụ tai nạn làm 5 người chết và đường thủy xảy ra 13 vụ làm 11 người chết.

Cũng trong tháng 1/2015, đường bộ xử lý 360.995 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tạm giữ 2.909 xe ôtô, 50.404 xe môtô và 904 phương tiện khác; tước giấy phép lái xe 30.638 trường hợp.

Các Đội thuộc Cục xử lý 1.289 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; kho bạc Nhà nước thu 1 tỷ 454,6 triệu đồng; tạm giữ 01 xe ô tô; tước giấy phép lái xe 181 trường hợp; hạ tải 40 trường hợp.

Thứ Bảy, 24/01/2015 | 11:34
Minh Chiến

Chưa rõ cục trưởng Đường sắt Việt Nam tự tử hay bị siết cổ

HÀ NỘI  (NV) .- Ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường Sắt của Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN chết ở phòng làm việc vào chiều ngày Thứ Năm 22/1/2015 với các dấu vết có thể tự tử hoặc bị siết cổ.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt của Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN, chết ở chỗ làm việc, “có vết hằn của dây” trên cổ. (Hình: VNExpress)

Trong các bản tin ngày hôm qua, các tờ báo ở Việt Nam chỉ đưa tin cái chết đột ngột của ông Nguyễn Hữu Thắng tại phòng làm việc của ông mà không đưa ra bất cứ một chi tiết gì liên quan dẫn đến cái chết, hoặc chết thế nào. Người ta chỉ thấy tường thuật một nhân viên lao công Cục Đường sắt Việt Nam khi lên làm vệ sinh phòng làm việc của ông “đã phát hiện ông Thắng chết trong phòng làm việc”.

Trước khi ông chết, cùng trong ngày này, ông đã tham dự 3 buổi họp khác nhau mà VNExpress nói ông “vẫn làm việc và tham gia họp, báo cáo về đề án thu hút nguồn lực xã hội hóa và hạ tầng ngành đường sắt”, tức không có dấu hiệu gì khác thường. Ông Thắng, 60 tuổi, dự trù nghỉ hưu trong năm nay.

Tờ VNExpress hôm Thứ Sáu nói “Một nguồn tin cho biết, ông Thắng chết trong tư thế quỳ, dưới sàn có một đoạn dây nhựa. Kết quả khám nghiệm cho thấy cổ ông có vết hằn.”

Tờ Người Lao Động nói “qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an đã thu được một sợi dây nhựa tại phòng làm việc của ông. Cùng ngày, qua khám nghiệm tử thi, lực lượng pháp y xác định có vết hằn xây xát trên cổ ông Thắng.”

Tờ Người Lao Động nói “Từ những thông tin trên, dư luận cho rằng có thể ông Thắng đã tự tử.”

Nếu tự tử và để có thể chết được thì “sợi dây nhựa” phải còn ở trên cổ ông Thắng và không thể nào lại  “dưới sàn có một đoạn dây nhựa”. Nếu không vậy, tức là ông Thắng tự tử chết...xong rồi vất dây xuống sàn? Chi tiết này cho người ta đặt nghi vấn là ông Nguyễn Hữu Thắng rất có thể đã bị siết cổ chết.

Nói chuyện với VNExpress, “một Thứ trưởng Giao thông cho biết, ông Thắng gần đây làm tốt nhiệm vụ được giao, công việc của ông tại Cục đường sắt diễn ra bình thường. Năm 2014, hoạt động của Cục đường sắt và Tổng công ty đường sắt có chuyển biến, đạt hiệu quả cao sau khi tái cơ cấu, được lãnh đạo Bộ Giao thông đánh giá cao”.

Tháng Tư năm ngoái, ông đã bị Bộ trưởng GTVT “tạm đình chỉ” chức vụ Cục trưởng Cục Đường Sắt” vì những lình xình liên quan đến các lời tuyên bố của ông về dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, tuyến số 3 Nhổn – Hà Nội bị “đội vốn” gần 340 triệu USD.

Theo tin các báo ở Việt Nam, bộ phận điều tra của Bộ Công An “đang tiếp tục tiến hành các thủ tục xác minh, làm rõ sự việc theo quy định của pháp luật”. (TN)
01-23-2015 5:27:53 PM

Việt kiều David Dương 'trục trặc' với thành phố Sài Gòn

SÀI GÒN (NV) - Một viên phó chủ tịch thành phố Sài Gòn vừa ký một văn bản được mô tả là bác bỏ mọi đề nghị từ công ty Xử Lý Chất Thải Việt Nam (VWS) của ông David Dương.

Theo tường thuật của báo điện tử Một Thế Giới thì trong văn bản vừa kể, ông Lê Mạnh Hà, phó chủ tịch thành phố Sài Gòn còn nêu rõ “những dấu hiệu độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh” của VWS.


Bãi rác Ða Phước, Bình Chánh, Sài Gòn. (Hình: Một Thế Giới)

Ông David Dương là một người Mỹ gốc Việt, sống tại Bắc California. Cha ông là ông Dương Tài Thu - chủ hãng giấy Cogido ở Sài Gòn trước tháng 4 năm 1975. Ông David Dương theo gia đình đến Hoa Kỳ định cư năm 1976. Năm 1991, ông David Dương thành lập công ty California Waste Solutions (CWS) chuyên thu gom và xử lý các loại phế liệu. Hồi tháng 7 năm ngoái, CWS thắng công ty Waste Management (WM) khi cùng tranh gói thầu thu gom và xử lý chất thải cho thành phố Oakland, trị giá 2.7 tỉ Mỹ kim, thời hạn 20 năm (2015-2035).

Năm 2005, ông David Dương trở về Việt Nam thành lập công ty Xử Lý Chất Thải Rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS). Theo báo chí Việt Nam thì VWS đầu tư hàng trăm triệu Mỹ kim để xây dựng một nhà máy xử lý rác tại xã Ða Phước, huyện Bình Chánh, Sài Gòn.

Vào thời điểm đó, ông David Dương được các viên chức và báo giới Việt Nam ca ngợi như là một doanh nhân có bản lĩnh, viễn kiến, giàu kinh nghiệm, dư khả năng trong lĩnh vực xử lý rác, vốn đã và vẫn là vấn nạn nan giải cho các đô thị ở Việt Nam. Ông David Dương còn được ca ngợi như một người nặng lòng với quê hương...

Chưa rõ vì sao gần đây, sự thể đột nhiên thay đổi.

Ðầu tiên là một vài tờ báo chỉ trích “công nghệ xử lý rác” của VWS tại bãi rác Ða Phước chỉ là “công nghệ chôn lấp” nhưng giá xử lý rác của VWS lại cao gấp 17 lần so với Ðà Nẵng (áp dụng cùng công nghệ).

Kế đó là văn bản như vừa kể. Tại văn bản này, đại diện nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn xác định, mỗi ngày, ở Sài Gòn có 6,700 tấn rác cần được xử lý. VWS đang xử lý khối lượng rác là 3,000 tấn/ngày, chiếm khoảng 45% thị trường xử lý chất thải rắn, nên VWS được xem là đang thống lĩnh thị trường.

Việc VWS đề nghị được nâng công suất lên 10,000 tấn/ngày và xử lý toàn bộ chất thải rắn ở Sài Gòn sẽ dẫn đến độc quyền trong việc xử lý chất thải tại Sài Gòn, thành ra ảnh hưởng đến quyền được cạnh tranh của các doanh nghiệp khác.

Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn còn bác bỏ đề nghị chuyển 2,000 tấn rác ở một bãi rác tại Củ Chi về bãi rác Ða Phước để nâng công suất xử lý rác lên 5,000 tấn/ngày vì làm như thế là “vi phạm Luật Cạnh Tranh.”

Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn nhận định, vì VWS không xây dựng-điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng chất thải như giấy phép đầu tư mà chỉ chôn lấp rác nên thành phố này đã trả lố cho VWS khoảng 3 triệu Mỹ kim/năm vì phí xử lý rác của VWS cao hơn những doanh nghiệp khác khoảng 3 Mỹ kim/tấn.

Chưa thấy ông David Dương và VWS lên tiếng nhưng trên mạng xã hội, nhiều người xem văn bản vừa kể là bất thường. (G.Ð)
01-23-2015 5:14:24 PM

Vợ cặp bồ với công an, chồng bị 'cắm sừng' và 'khởi tố'

THÁI BÌNH (NV) - Ông Nguyễn Văn Hạnh, ngụ tại thành phố Thái Bình, người bị vợ “cắm sừng,” sau đó bị tạm giam 21 ngày, mới được tạm tha, vừa gửi đơn kêu oan cho nhiều nơi.

Năm 2003, ông Hạnh kết hôn với bà Phạm Thị Chung. Cả hai có một cô con gái 8 tuổi. Gia đình này trú ngụ tại phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Do sinh kế, ông Hạnh thường vắng nhà. Gần đây, ông Hạnh nghe nhiều người “bàn ra tán vào” về việc vợ ông đang ngoại tình với một cán bộ của công an tỉnh Thái Bình.

Ông Nguyễn Văn Hạnh với đơn kêu oan. (Hình: Pháp Luật Việt Nam)

Ngày 24 tháng 4 năm ngoái, ông Hạnh đột ngột quay về và bí mật giám sát vợ mình. Sau khi thấy viên cán bộ của công an tỉnh Thái Bình vào nhà của mình. Ông Hạnh vừa báo cho công an phường, vừa nhờ ba anh rể là: Nguyễn Văn Lanh, Nguyễn Văn Nghinh, Nguyễn Văn Luật, giúp “bắt quả tang” vụ ngoại tình này.

Ông Hạnh đã dùng thang leo lên tầng 1, vào phòng ngủ của hai vợ chồng, bắt quả tang đôi “gian phu, dâm phụ” đang hành lạc và dùng điện thoại ghi lại cảnh này. Trong khi đó thì những người anh rể của ông Hạnh mở cửa cho đại diện tổ dân phố và những người hàng xóm vào nhà.

Trên lầu, viên cán bộ của công an tỉnh Thái Bình - kẻ ngoại tình với vợ ông Hạnh tự viết một “biên bản,” xác nhận đã “quan hệ bất chính” với vợ ông Hạnh, cam kết sẽ đưa cho ông Hạnh khoản tiền là 500 triệu để “bồi thường danh dự,” yêu cầu ông Hạnh giữ kín chuyện và yêu cầu ông Hạnh ký vào “biên bản” thì sẽ giao “biên bản” đó cho ông Hạnh. Ðể có thêm bằng chứng, ông Hạnh đã ký vào “biên bản” này.

Tuy vụ ngoại tình có nhiều người chứng kiến. Nhiều người biết “gian phu” là cán bộ công an tỉnh Thái Bình, song khi ông Hạnh mang các bằng chứng đến công an tỉnh Thái Bình để yêu cầu xử lý “gian phu” thì ông Hạnh lại bị công an tỉnh Thái Bình khởi tố về tội “cưỡng đoạt tài sản.” “Biên bản” do “gian phu” tự lập trước đó được dùng làm bằng chứng để kết buộc ông Hạnh tống tiền.

Không riêng ông Hạnh bị tạm giam mà ba người anh rể của ông cũng bị tạm giam với cáo buộc là “đồng phạm.” Ông Nguyễn Văn Lanh bị tạm giam 15 ngày, ông Nguyễn Văn Nghinh bị tạm giam 11 ngày, ông Nguyễn Văn Luật bị tạm giam 6 ngày.

Chuyện chưa ngừng tại đó, vài ngay sau khi vừa bị khởi tố về tội “cưỡng đoạt tài sản,” Công an tỉnh Thái Bình khởi tố ông Hạnh thêm tội “hủy hoại tài sản.” Sau khi bắt quả tang vợ đang ngoại tình, ông Hạnh giằng điện thoại của vợ để tìm thêm bằng chứng. Do giằng co, điện thoại của vợ ông Hạnh rơi xuống đất, nắp sau bật ra, pin văng ra ngoài và tất cả những yếu tố đó được xem là các tình tiết khiến công an tỉnh Thái Bình thấy rằng, cần phải khởi tố thêm ông Hạnh tội... “hủy hoại tài sản”!

Pháp Luật Việt Nam - một trong những tờ báo tường thuật sự kiện vừa kể, cho biết, họ đã liên lạc với công an tỉnh Thái Bình và nơi này bảo rằng, vụ án đã được chuyển cho Viện Kiểm Sát Tối Cao điều tra.

Các tờ báo tại Việt Nam tường thuật về vụ kêu oan của ông Hạnh không cho biết đầy đủ họ tên, cấp bậc, chức vụ của “gian phu.” Cũng vì vậy người ta không biết nhân dân tỉnh Thái Bình còn được “gian phu” này “phục vụ” nữa hay không (?). (G.Ð)
01-23-2015 5:11:47 PM 

Thứ trưởng Bộ Giao Thông bị đòi lại tiền chạy dự án

HÀ NỘI  (NV) .- Ông Nguyễn Hồng Trường, thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN bị nêu tên “nhắn tin” qua điện thoại di động với một phụ nữ mà bà này đòi lại “phong bì” mà không được việc.

 Đoạn nhắn tin thứ nhất giữa Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và nữ doanh nhân. (Hình: GDVN)

Trên mục “Bạn Đọc” của tờ Giáo Dục Việt Nam có một bài viết kèm theo một số hình ảnh chụp lại ba mẩu tin nhắn trên điện thoại di động giữa ông và một phụ nữ. Sau khi báo GDVN đưa ra tin này, báo Bảo Vệ Pháp Luật của Viện Kiểm Sát Trung Ương đã tới phỏng vấn ghi âm lời giải thích của ông Nguyễn Hồng Trường.

Các bài về tin nhắn qua lại trên tờ GDVN cũng như trả lời phỏng vấn trên tờ BVPL hôm Thứ Sáu 23/1/2015 về chuyện ông Nguyễn Hồng Trường bị lại đòi tiền “quà” (mà không được việc) hiện đều đã bị các tờ báo vừa kể gỡ xuống. Tuy nhiên, chúng đã được nhiều mạng khác tải xuống và phát tán rộng rãi trên mạng.

Đoạn nhắn tin thứ hai giữa Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và nữ doanh nhân. (Hình: GDVN)

Số điện thoại của máy ghi tin nhắn có thể không đầy đủ vì bị xóa một số được đọc thấy trong bản chụp tin nhắn trên mạng là 091 32(?) 3438 mà trong cuộc phỏng vấn của tờ BVPL, ông Trường nhìn nhận là số máy của ông. Hai bản tin nhắn đầu trao đổi với nhau dẫn đến tin nhắn thứ ba người phụ nữ cho biết đã đưa “phong bì” 7 lần cho ông Nguyễn Hồng Trường, nhưng chỉ nhớ rõ 4 lần trao tiền tổng cộng 200 triệu đồng Việt Nam và 10,000 đô la Mỹ.

Trên bản tin của tờ GDVN người ta thấy viết lại các tin nhắn nói trên với các lời diễn giải những chữ viết tắt hay sai chính tả, có thể là cố ý, như sau:

Đoạn tin nhắn thứ nhất:
Số máy từ một nữ doanh nhân: A ơi nhờ a nói giúp a trường ban 3 hộ e một tiếng với ạ, cảm ơn anh... A oi a đã ở phòng chưa e vào?
(Tạm dịch: Anh ơi! nhờ anh nói giúp anh Nguyễn Xuân Trường, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án 3 hộ em một tiếng với ạ. Em cảm ơn anh!... Anh ơi anh đã ở phòng chưa em vào?).
Đoạn nhắn tin thứ nhất giữa Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và nữ doanh nhân
Số máy 0913xxx438: Amh dang hop gan xong, hom truoc em dua bso nheu dsy.
(Tạm dịch: Anh đang họp gần xong, hôm trước em đưa bao nhiêu đấy?
Số máy từ một nữ doanh nhân: Vâng để e dở sổ xem bao nhieu chắc chỉ bữa nhậu của a thoi mà.
(Tạm dịch: Vâng, để em dở sổ xem bao nhiêu, chắc chỉ bữa nhậu của anh thôi mà!).
Đoạn tin nhắn thứ 2:
Số máy từ nữ doanh nhân: Thôi e cũng chẳng hợp làm việc với a đâu, cũng sẽ không bao giờ làm việc nữa a cho e xin lại phong vì mà mấy lần e đưa cho a, a cũng nói giúp a trường trưởng ban giúp e. Phong vì e đưa doi với các a ko nhieu, nhưng là mà đối với e thì rất quan trọng, nén a gũi lại cho e nhé!!! Nếu a có cho thêm e thì tốt vì e rất nghèo a ạ!

Đoạn nhắn tin thứ hai giữa Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và nữ doanh nhân
(Tạm dịch: Thôi, em cũng chẳng hợp làm việc với anh đâu, cũng sẽ không bao giờ làm việc nữa. Anh cho em xin lại phong bì mà mấy lần em đưa cho anh. Anh cũng nói giúp anh Trường, Giám đốc Ban quản lý dự án 3 giúp em. Phong bì em đưa đối với các anh không nhiều nhưng mà đối với em thì rất quan trọng nên anh gửi lại cho em nhé! Nếu anh có cho thêm em thì tốt vì em rất nghèo anh ạ!).
Số máy 0913xxx438:Luc nao den anh gui lsi cho. Anh cung phe binh em day.
(Tạm dịch: Lúc nào đến anh gửi lại cho. Anh cũng phê bình em đấy).

Đoạn tin nhắn thứ 3:
Số máy từ nữ doanh nhân: Chiều nay a cho dua cho e chứ e ko len lấy nữa đau, tông e đưa cho a bảy lần, 4 lần nhớ chính xác tổng là 200 triệu và 10 ngàn đô, còn ba lần nữa e ko nhớ vì sáng nay e ko cầm sổ, để e hỏi lại cậu thư ký hay đi cùng .a thích trả cho e bao nhieu thì trả, e phải vay lãi 1 trieu/10 nghìn ngày đó a a!.
Đoạn nhắn tin thứ ba giữa Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và nữ doanh nhân
(Tạm dịch: Chiều nay anh đưa cho em chứ em không lên lấy nữa đâu. Tổng em đưa cho anh bảy lần, 4 lần nhớ chính xác tổng là 200 triệu đồng và 10 ngàn đô, còn ba lần nữa em không nhớ vì sáng nay em không cầm sổ. Để em hỏi lại cậu thư ký hay đi cùng. Anh thích trả cho em bao nhiêu thì trả, em phải vay lãi 10 nghìn/1 triệu đồng/ngày đó anh ạ!)
Số máy 0913xxx438: Ko dau, anh chi gap em thoi nhe, ko co nhueu the dsu.
(Tạm dịch: Không đâu, anh chỉ gặp em thôi nhé, không có nhiều thế đâu).
Số máy từ nữ doanh nhân: Vậy sao sang nay a ko đưa cho e, e đâu có nhiều thời gian vậy…???? a tương e rỗi tg thế sao????
(Tạm dịch: Vậy sao sáng nay anh không đưa cho em, em đâu có nhiều thời gian vậy? Anh tưởng em rỗi thời gian thế sao?)

Đoạn nhắn tin thứ ba giữa Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và nữ doanh nhân.(Hình: GDVN)

Trên tờ Bảo Vệ Pháp Luật, thấy phổ biến nhiều chi tiết hơn các “text” nhắn qua lại giữa ông Nguyễn Hồng Trường và người phụ nữ. Ông phủ nhận chuyện nhắn tin liên quan tiền bạc với một nữ doanh nhân khi nói “Tôi chẳng bao giờ làm việc ấy cả”.

Nhưng khi bị phóng viên yêu cầu giải thích “Tin nhắn anh nhắn lại cho chị H, anh bảo không nhiều thế đâu. Vậy thì cái gì là không nhiều thế đâu, trong khi tin nhắn của người ta nhắn cho anh là nói về chuyện tiền bạc?”

Ông thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói “Cái đó là việc của tôi với cái H. Còn tôi, nó là cái gì đó thuộc về không phải bí mất đâu, nhưng nó là chuyện riêng.”

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường được mô tả là có nhiều bút phê "lạ" vào đơn xin dự án của doanh nghiệp. (Hình: GDVN)

Phóng viên lại hỏi: “Anh có bao giờ cầm tiền hay vay mượn của doanh nghiệp không? Anh có bao giờ trả lại 100 triệu không?” Ông Thứ trưởng Trường trả lời: “Tôi không trả lại 100 triệu cho ai cả.”

Các công ty của Bộ Giao Thông Vận Tải là chủ đầu tư của rất nhiều dự án cầu đường lớn ở Việt Nam. Tai tiếng các dự án ODA bị tham nhũng rất nhiều nhưng chúng chỉ lộ ra khi nước ngoài trừng phạt người của họ tội hối lộ cho quan chức CSVN. Các cơ quan thanh tra, giám sát của nhà cầm quyền có ở nhiều cấp bậc nhưng không hề phát hiện. (TN)

01-23- 2015 3:13:29 PM