Friday, July 26, 2019

Tiếng Việt của Việt cộng? Tiếng Việt của Cộng hòa?

Theo RFA-Lê Trương-2019-07-26   
Hình minh họa. Một bạn trẻ người Việt ở Mỹ cầm cờ Việt Nam Cộng Hòa trong một cuộc tuần hành vì tự do cho Việt Nam ở Washington DC hôm 30/4/2005
Hình minh họa. Một bạn trẻ người Việt ở Mỹ cầm cờ Việt Nam Cộng Hòa trong một cuộc tuần hành vì tự do cho Việt Nam ở Washington DC hôm 30/4/2005-AFP
Cách đây mấy năm, anh bạn tôi là một nhà báo người Việt, đang làm ở một tờ báo tiếng Việt tại Mỹ than thở: “Khó quá đi trời đất ơi! Các cụ bắt bẻ từng từ một. “Sân bay” không được, phải gọi “phi trường”. “Đường băng” không được, phải xài “phi đạo”. “Tài khoản” (ngân hàng) không được, phải xài “trương mục”… Các cụ bảo “sân bay”, “đường băng”, “tài khoản” là từ của Việt Cộng, cấm xài. Phải xài từ của Cộng hòa mới được!
Mà nói hay viết theo mấy cụ thì mình cũng chịu. Mình chưa đến 35 tuổi, các cụ thì sáu mươi bảy mươi cả, từ ngữ các cụ dùng chẳng còn trong sách vở hay giao tiếp thời này, chẳng mấy ai còn nói hay viết như thế. Giới trẻ làm sao hiểu? Mà không xài thì các cụ giận, các cụ bảo mình là cộng sản, rồi các cụ tẩy chay báo”.

Tôi cười lăn cười bò. Cười xong, tôi nổi cái tật tò mò táy máy, đi kiếm thử coi chuyện ảnh nói có thiệt không.

Hóa ra là thiệt.

Hóa ra có cả một nhóm người sống ở hải ngoại luôn muốn tẩy chay tiếng Việt đang được dùng trong nước. Họ bảo đó là tiếng Việt của Việt cộng, do một bọn ngu dốt nghĩ ra hoặc chế chữ nên không được dùng. Tôi không rõ hàng ngày khi giao tiếp với người khác thì họ ăn nói thế nào, nhưng trong các diễn đàn về tiếng Việt thời Cộng hòa, nhóm người này yêu cầu chỉ dùng những từ ngữ được sử dụng dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Để xác định được từ đó có đúng là được dùng trong thời Việt Nam Cộng hòa hay không thì chỉ được dùng hai cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Đó là Việt Nam từ điển của Hội Khai trí Tiến Đức, xuất bản năm 1954 và từ điển Hán-Việt của Nguyễn Văn Khôn, cũng xuất bản trước 1975.
Số từ mà nhóm người này tẩy chay khá nhiều. Tôi xin liệt kê một ít.
ngon_ngu_1
ngon_ngu_2





































Tôi chỉ liệt kê một ít từ ngữ phổ biến. Chứ nếu kê đủ chắc ngồi hết nhiều đêm.

Khách quan mà nói, có những từ ngữ đang phổ biến trong báo chí, văn bản tiếng Việt trong nước đúng là rườm rà, màu mè, sai nghĩa, hoặc không phù hợp ngữ cảnh, hoặc khô khan, hình thức. Thí dụ như “đẩy mạnh”, “tăng cường” “nâng cao” “tiến lên một bước”… áp dụng trong hầu hết các báo cáo của nhà nước Việt Nam và các bản tin mang tính thông tấn.
Để giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt, chắc chắn cần nhiều người dùng tiếng Việt ở khắp nơi cùng nhau soi chiếu và chọn lọc.

Nhưng việc tẩy chay những từ ngữ mới trước đây mình chưa từng dùng, chỉ vì ám thị “ghét cộng sản, ghét Tàu” dẫn đến phủ nhận toàn bộ những gì đang được sử dụng trong nước, mới sinh ra trong nước hoặc “có hơi hám Trung Cộng” thì thật cực đoan và trẻ con.
Tôi nhớ có lần ông Tưởng Năng Tiến phải viết một bài dài để giải thích ông không phải người Tàu. Ông cũng phải giải thích rằng ông yêu quý thành tựu văn học, âm nhạc, nghệ thuật … của Trung Hoa nhưng không ủng hộ thái độ của chính quyền Bắc Kinh trong việc xâm lấn biển đảo của Việt Nam…, tóm lại, ông không phải “Hán nô” như có người suy luận trên bút danh của ông rồi áp đặt như thế.
Việc có những người lớn tuổi nuối tiếc chế độ Việt Nam Cộng hòa xong cương quyết quay lưng với ngôn ngữ trong nước như trong bảng kê nêu trên cũng y chang như việc quy kết “Hán nô” với ông Tưởng Năng Tiến, chỉ vì cái bút danh của ông nghe không giống tên người Việt thuần.
Những vị này đòi hỏi chỉ được dùng những từ ngữ đã được dùng trong thời Việt Nam Cộng hòa. Nhưng có lẽ các vị cũng quên mất, ngay cả trong thời Việt Nam Cộng hòa thì tiếng Việt tự nó cũng đã sinh ra và mất đi vô vàn từ ngữ mới, lối nói mới.

Thí dụ cụm từ “Bỏ đi Tám”. Theo tác giả Nguyễn Thị Hậu, nó sinh ra ở khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn vào thời Pháp thuộc, vào đầu thế kỷ 20. Tám là vị trí của người lao động bình dân trong hệ thống thứ bậc trong xã hội (chắc do một nhóm anh Hai nào đó trà dư tửu hậu mà thành). Ở đó quan quyền xếp thứ nhứt, dân công chức xếp thứ hai (thầy Hai thông ngôn, thầy Hai thơ ký…), thương gia Hoa kiều xếp thứ ba (chú Ba mại bản), dân giang hồ dao búa xếp thứ tư. Cũng là giang hồ nhưng thuộc loại đá cá lăn dưa hạ cấp hơn thì xếp thứ năm (thằng Năm móc túi giựt giỏ), thứ sáu là các thầy phú-lít (cảnh sát, police), mã tà. Thứ bảy là giới cho vay (anh Bảy Chà Và). Thứ tám, giới lao động bình dân đông đảo và nghèo nhứt. Thứ chín là giới “chị em”.

“Tám” nghèo và yếu tiếng nói nhứt trong giai tầng xã hội nên chuyện gì tranh chấp xảy ra thì Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy vẫn giành phần hơn. “Tám” thì lãnh đủ. Vậy nên phải ráng nhẫn nhịn, bỏ qua mà sống. “Bỏ qua đi Tám”! Hay tuyệt trần đời!
Ngoài ra, còn có “sức mấy”, “áp phe”, “âm binh”, “cô hồn các đảng”, “cà chớn chống xâm lăng” “cù lần ra khói lửa”, “cà na xí muội”, “cha chả”, “dân chơi Cầu ba cẳng”, “bận đồ khính” “một ly ông cụ”… Tiếng lóng bình dân còn có “bề hội đồng”(ăn hiếp tập thể, một nhóm người xúm nhau trị một người, dùng được trong rất nhiều hoàn cảnh, hay được dùng để chỉ vụ hiếp dâm tập thể)… Nhiều từ lắm, và nhiều từ hay lắm, thế nhưng bây giờ chính những người Việt lớn tuổi ở hải ngoại có còn dùng không?
Ngay ở trong nước, có những từ/lối nói chỉ cách đây một năm gần như thành câu cửa miệng, như “không phải dạng vừa đâu” “không phải đậu vừa rang”, thì sau một thời gian ngắn cũng đã “dạt trôi”, biến mất tăm mất tích, không ai còn nói nữa.
Ở miền Bắc Việt Nam, cách đây độ hai chục năm, muốn khen ai thật độc đáo, cá tính, giỏi giang xuất sắc trong lĩnh vực nào đó, giới trẻ trầm trồ “Nó tanh lắm”, “Khét mù”, “Khét lèn lẹt”, mặc dù người ấy rất thơm tho chứ chẳng tanh với khét gì cả.

Bây giờ, vẫn nội dung ấy thì gọi là “siêu” “chất” “chất vãi” “chất vãi chưởng”, hoặc mạnh mẽ hơn: “trất’ssssss”. “Trất” với dấu sở hữu cách tiếng Anh biến thể đằng sau chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng đó lại là sắc thái biểu thị rằng anh/cô/đứa ấy nó xuất sắc, độc đáo, cá tính đến tột đỉnh, “đỉnh của đỉnh”.
“Đỉnh của đỉnh” về ngữ nghĩa là không chính xác. Đã đỉnh thì chỉ có một chứ lấy đâu ra hai? Nhưng về sắc thái thì nó hết sức thú vị, vì biểu thị thái độ khâm phục, khen ngợi, công nhận… đến mức tột cùng, không thể chê bai một tí tẹo nào nữa.
Cái tươi mới, tung tẩy, biến hóa, sinh động của một sinh ngữ chính là ở những biến thể như vậy. Bởi vì ngoài ngữ nghĩa, nó còn thể hiện một cách tinh vi các cung bậc của thái độ và cảm xúc.
Khi trực tiếp gặp mặt, ngoài tiếng nói, còn có ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ hình thể bổ sung và làm rõ ý nghĩa của từ ngữ. Thí dụ cùng hai chữ “Thấy ghét” nhưng nói với cái nguýt mắt âu yếm, cái phát nhẹ vào vai, đôi môi hơi bĩu ra nũng nịu, chữ “ghét” kéo dài, âm điệu lên xuống trầm bổng… thì nội dung chính xác của nó lại là “Thương rồi á nha”. Còn nếu cộc lốc “Thấy ghét” kèm cái lườm hay cái nhìn trừng trừng khó chịu, thì phải xách quần chạy cho mau chớ xáp xáp vô là ăn tát.
Nhưng trong thời kỳ giao tiếp rất nhiều bằng comment và chat trên mạng xã hội, toàn chữ là chữ như bây giờ, thì phải làm sao để “Thấy ghét (thấy thương)” và “Thấy ghét (thấy ghét)” phân biệt ra, để người bên kia không hiểu lầm ý thực của mình?
Khi chỉ giao tiếp qua chữ viết, những “ý tại ngôn ngoại” biểu cảm qua ánh mắt, nụ cười, sự ngúng nguẩy của đôi vai…hay những điều thú vị như thế đều gần như mất hết. Do vậy mà các hãng sở hữu mạng xã hội phải luôn luôn vẽ ra thật nhiều icon (biểu tượng) sống động, để mà khi chữ viết thất bại, thì người ta gõ thêm một cái icon bổ sung hoặc thay thế. Thậm chí còn phải dùng cả những hình ảnh động để biểu cảm và chính xác hơn.
Thí dụ một cô gái chat với chàng trai “Anh giúp em nha” và “Anh giúp em nhaaaaaaa”. Nội dung y chang nhau, nhưng chữ “nha” kéo dài ở câu sau cũng y như khi cô kéo dài giọng nói với chàng trai vậy. Nó thể hiện sự thân mật, nài nỉ, nhõng nhẽo… mà câu trước không có, hoặc không thể hiện ra được.
Hay, hai ông đang cãi nhau kịch liệt trên mạng, mà một ông chốt: “Vâng, của nhà bác tất. Chào bác em ngược” thì không phải ông nọ đang nhường của cải cho ông kia, mà là bỏ cuộc, tuyệt vọng vì thấy bên kia bướng quá không thể thuyết phục được, hoặc không chấp nữa, cóc quan tâm nữa, “mày muốn nói gì cũng được, bố dí vào”.
Bởi vì ngôn ngữ là sinh ngữ, có sinh ra và mất đi, có chuyển đổi, lai ghép, có trào lưu và thoái trào. Những thay đổi này diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ ở cộng đồng có nhiều người cùng nói thứ tiếng đó. Nó có thể được sinh ra bất thần trong một câu nói, một cuộc trò chuyện giữa bất cứ ai, ở bất cứ đâu, từ đường phố đến “triều đình”, hay trong một tác phẩm được thai nghén nhiều năm. Chỉ cần nó giàu biểu cảm, mới lạ, hài hước hoặc thông minh, hoặc chỉ ngồ ngộ, vui tai… là đã đủ để phổ biến.
Với công cụ internet, mọi khoảng cách ngày càng thu ngắn lại. Một từ ngữ, lối nói vừa phát sinh trong một lũy tre bên này trái đất ngay lập tức được truyền đến một quán bar bên kia trái đất. Và nếu những người ở đó vẫn thấy nó giàu biểu cảm, ngồ ngộ, mới lạ, hay hay… thì họ dùng. Nếu sự thích thú đó ngắn hạn thì từ mới ấy, hoặc nghĩa mới của từ cũ ấy sẽ chết đi. Đời sống của ngôn ngữ cứ trôi chảy như vậy, nó phản ảnh sự phong phú của xã hội.

Chính vì thế mà phải tách bạch thái độ chính trị và những gì không liên quan đến nó. Dưới bất cứ thể chế nào, tiếng Việt vẫn cứ là tiếng Việt, nó được sinh ra từ người sử dụng, được phát triển lên nhờ những người sử dụng thông minh. Cộng sản vẫn có thể viết và nói duyên dáng, thu hút. Cộng hòa vẫn có thể viết và nói ngô nghê. Dưới bất cứ thể chế nào thì tiếng Việt vẫn có xấu, có đẹp, có trong sáng, có tục tằn, có trau chuốt và có thô thiển.
Gượng ép gán thái độ chính trị vào cho những từ ngữ mà trước giờ mình chưa từng thấy, như “từ ngữ của Việt cộng”, “từ  ngữ của Tàu cộng” là công việc rất trái tự nhiên, rất mệt mỏi và khiên cưỡng. Nó chỉ khiến người ta xơ cứng, quẩn quanh, già cỗi, lạc hậu và tự cô lập với cộng đồng.
Nếu thực tâm muốn giữ tiếng Việt cho trong sáng và giàu có, trước nhất phải giữ cái đầu cởi mở, chọn lọc, tinh tế và thông minh. Không thể bắt nó đóng băng, làm một cái xác sống, sống bằng hoài niệm cổ hủ. Đó là một việc vô nghĩa chẳng khác gì muốn cái cây tươi tốt nhưng lại chặt hết rễ của nó.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA

Vì sao “Học sinh ta, không biết sử ta”?

Trung Khang, RFA-2019-07-25 
Ảnh minh họa: Sách giáo khoa môn lịch sử, do bạn Danh Phuong hiện đang là một học sinh cấp ba tại thành phố Hồ Chí Minh, mong muốn sử dụng thiết kế để gạt bỏ nỗi buồn chán mỗi khi học Lịch Sử.
 Ảnh minh họa: Sách giáo khoa môn lịch sử, do bạn Danh Phuong hiện đang là một học sinh cấp ba tại thành phố Hồ Chí Minh, mong muốn sử dụng thiết kế để gạt bỏ nỗi buồn chán mỗi khi học Lịch Sử.Photo courtesy of Danh Phuong
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia 2019, số thí sinh có điểm dưới trung bình môn lịch sử chiếm tới 70,01%.
Vì sao điệp khúc này cứ lặp đi lặp lại mỗi năm?

Môn học không có lỗi, vậy lỗi do đâu?

Có ý kiến cho rằng do phương pháp dạy, có người thì cho rằng chương trình học có vấn đề, là môn phụ .v.v… nhưng theo một số chuyên gia giáo dục, vấn đề nằm ở chỗ học sinh không hứng thú với môn học này.
Trao đổi với RFA hôm 25/7, Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nhận định:
“Đây là chuyện lớn rồi, vấn đề học sinh học kém môn lịch sử có nguyên nhân sâu xa của nó, do người ta chán môn lịch sử, không hứng thú với nó. Vì thế người ta không chịu học, không để tâm đến nó, không chăm chú học, không phấn khởi học… Nguyên nhân là do nội dung lịch sử có những chỗ không được chuẩn, thành ra người ta coi thường.”
Người ta không chịu học, không để tâm đến nó, không chăm chú học, không phấn khởi học… Nguyên nhân là do nội dung lịch sử có những chỗ không được chuẩn, thành ra người ta coi thường.
-Giáo sư Nguyễn Khắc Mai
Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, phương pháp dạy lịch sử và trình độ của giáo viên dạy lịch sử cũng là một phần nguyên do, giáo viên dạy lịch sử như dạy chính trị, do đó học sinh chán. Theo ông, nếu dạy lịch sử đúng thì sẽ tạo ra được sự hào hứng và thấy được triết lý sâu xa nằm trong từng con người lịch sử, nằm trong từng nội dung lịch sử.
Đây không phải lần đầu tiên môn lịch sử bị đem ra “mổ xẻ”. Nhiều năm nay, các chuyên gia giáo dục từng lên tiếng, cho rằng học sinh, sinh viên ngày nay không còn thích học môn lịch sử. Tuy nhiên mọi ý kiến phản biện trước đây, dù đã được lắng nghe, vấn đề này vẫn được lặp lại.
Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy nhận định với RFA hôm 25/7:
“Môn lịch sử thì đáng lẽ ra là môn học mà học sinh rất là thích, tại vì lịch sử Việt Nam cũng rất hay. Đối với học sinh, cái gì về tìm hiểu cội nguồn dân tộc thì thường học sinh rất thích thú. Nhưng không thể hiểu tại sao bây giờ lịch sử lại là môn học mà học sinh chán nhất.Đấy là một điều rất buồn, đó là lỗi của sách giáo khoa… lỗi của phương pháp dạy. Chứ hồi xưa tôi đi dạy thì học sinh thích học môn lịch sử lắm.”
Về cơ bản, kỳ thi đại học được chia theo 4 khối: Khối A thi 3 môn chính gồm Toán, Lý và Hóa học; Khối B thi môn Toán, Hóa, Sinh; Khối C gồm 3 môn đó là văn, sử, địa và Khối D gồm Toán, Ngữ văn và môn Ngoại ngữ.
Môn lịch sử nằm ở khối C, là một trong những khối có ít sự lựa chọn về ngành học đại học, do đó học sinh thường không chú ý môn này. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến điểm thi môn lịch sử thấp nhất.
Có phải như vậy hay không, trao đổi với RFA hôm 25/7, Thầy Đỗ Việt Khoa, nhận định:
“Xưa nay tình trạng này vẫn như thế, chưa có sự cải thiện đáng kể, vì học sinh coi thường môn này. Thứ hai là chính xã hội, chính các thầy cô và chính môn lịch sử gây ra như thế. Cụ thể, trong chương trình phổ thông thì nó được coi là môn phụ, số tiết thường chỉ là 1 tiết / 1 tuần. Thứ hai là ít trường đại học tuyển sinh khối này liên quan đến môn sử, cho nên học sinh không tập trung lắm, học sinh thường tập trung khối A, B và D… rất ít học sinh tập trung vào khối C, thường chỉ những em yếu khối A mới chịu thi khối C.”
Có quá nhiều nguyên nhân để đổ lỗi cho việc ngày càng nhiều học sinh chán học môn lịch sử, nhưng đa số các chuyên gia đều cho rằng, nhà nước Việt Nam lâu nay coi môn lịch sử giống như một công cụ tuyên truyền của chính quyền.
Ảnh minh họa: Sách giáo khoa môn lịch sử, do bạn Danh Phuong hiện đang là một học sinh cấp ba tại thành phố Hồ Chí Minh, mong muốn sử dụng thiết kế để gạt bỏ nỗi buồn chán mỗi khi học Lịch Sử.
Ảnh minh họa: Sách giáo khoa môn lịch sử, do bạn Danh Phuong hiện đang là một học sinh cấp ba tại thành phố Hồ Chí Minh, mong muốn sử dụng thiết kế để gạt bỏ nỗi buồn chán mỗi khi học Lịch Sử. Photo courtesy of Danh Phuong
Theo Thầy Khoa, nhiều vấn đề trong sách giáo khoa lịch sử viết không khách quan, viết một chiều. Ví dụ như đánh Pháp, đánh Mỹ thì chỉ thấy ta thắng địch thua. Hoặc ta giết bao nhiêu tên địch vào ngày giờ tháng năm nào; thu bao nhiêu vũ khí… Nhưng tuyệt nhiên không thấy ta chết bao nhiêu người và thiệt hại bao nhiêu cả.
Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, hiện lịch sử Việt Nam có nhiều vấn đề, như sự phân biệt đối xử đối với những nhân vật lịch sử, ví dụ như Triều Nguyễn, các Chúa Nguyễn đã từng có thời kỳ bị phân biệt. Người ta thấy lịch sử như chuyện chính trị, nay nói thế này, mai nói thế khác nên họ chán. Theo ông, như vậy là không ổn, thái độ đối với lịch sử của những nhà cầm quyền cũng như một bộ phận giới khoa học là không chính xác. Ông nói tiếp:
“Có những vấn đề lịch sử lại không dám nói đến nơi đến chốn, ví dụ như lịch sử hiện đại, cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với 6 tỉnh ở biên giới năm 1979, thì được nói một cách nhạc nhẽo, không đúng. Vì vậy học sinh thấy vô vị. Theo chúng tôi, nguyên nhân là do quan điểm lịch sử không chính xác, có nhiều cái hồ đồ. Vì thế nó làm cho lịch sử mất tính cách lịch sử.”
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng, các giá trị nhân văn, minh triết, không được khai phá trong môn lịch sử, vì thế người ta chỉ thấy bề mặt và một vài sự kiện. Ông nêu ví dụ:
“Tôi lấy ví dụ chỉ cần một câu nói của Nguyễn Trãi: ‘Làm sao trong thôn cùng xóm vắng… không còn lời hờn giận oán sầu…’ Tư tưởng ấy rất nhân văn, nhưng dạy thế nào mà không khơi dậy tư thức của người học sinh, cái tư tưởng nhân văn ấy.”

Phải xây dựng lại từ đầu

Nhiều năm trở lại đây, mặc dù môn lịch sử dần được nhà nước Việt Nam đưa vào các chương trình ngoại khóa nhiều hơn thông qua các cuộc thi để học sinh tìm hiểu thực tế các địa danh, danh nhân. Thậm chí môn học này cũng được áp dụng công nghệ hiện đại để mô tả sinh động tạo sự hào hứng cho học sinh, tuy nhiên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học vừa qua đã chứng minh, môn học này vẫn không hấp dẫn đối với giới trẻ.
Quốc gia nào cũng cảm thấy lịch sử là thiêng liêng, là cần thiết cho học sinh, nhưng dạy gì mà tương ứng với nhu cầu của đời sống là bài toán không đơn giản.
-Sử gia Dương Trung Quốc
Để tìm hiểu thêm, hôm 25/7, RFA liên lạc Đại biểu Quốc hội, Sử gia Dương Trung Quốc, và được ông cho biết như sau:
“Tôi phải trả lời hết sức bi quan rằng, chắc chắn không thể thay đổi ngay một lúc được. Nhưng muốn cải thiện nó, muốn thay đổi nó thì ai cũng nhìn thấy nguyên nhân, từ nguyên nhân nội dung đến chương trình. Hiện luật giáo dục đang được triển khai sau khi đã sửa đổi, cộng với việc thay đổi chương trình đang được diễn ra. Nhưng phải theo một tiến trình thay đổi từ lớp thấp đến lớp cao, từ việc xây dựng chương trình, làm sách giáo khoa, đào tạo giáo viên và đưa vào trong học đường. Sang năm là lớp 1, năm tới là những lớp tiếp theo, và sau một thời gian  mới có thể lấp đầy toàn bộ các chương trình.”
Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc cho rằng, đó là mong muốn, còn thực hiện được hay không vẫn phải cần thời gian. Chính ông cũng đang rất lo lắng, việc chuyển đổi này có diễn ra được như ý hay không, tức là cải thiện được chất lượng dạy và học môn lịch sử để chí ít ra có thể cải thiện được kết quả trong các kỳ thi năm sau. Ông chia sẻ tiếp với RFA:
“Quốc gia nào cũng cảm thấy lịch sử là thiêng liêng, là cần thiết cho học sinh, nhưng dạy gì mà tương ứng với nhu cầu của đời sống là bài toán không đơn giản. Bởi vì những giá trị lịch sử ấy có thể nói đến lòng ái quốc, công dân… nhưng nó có góp phần vào cuộc sống trưởng thành của học sinh hay không? Điều đó sẽ chi phối các bạn trẻ tập trung học cái gì?”
Theo Sử gia Dương Trung Quốc, cho dẫu lịch sử có khách quan như thế nào đi chăng nữa thì cũng sẽ bị chi phối bởi nhà nước khi nhà nước đưa vào những yếu tố mang tính chính trị của những sự kiện đã qua. Đó lại là vấn đề khác và ông Dương Trung Quốc e rằng, liệu điều đó có đủ sức  thuyết phục học sinh hay không?.
*Tựa bài đặt lại theo câu nói của ông Hồ Chí Minh “Dân ta phải biết sử ta”.

Làng chài “tỷ phú” bao giờ hồi sinh?

Theo RFA-TTVN-2019-07-26  
Làng chài ở xã Nghĩa An, Quảng Ngãi năm 2019.
 Làng chài ở xã Nghĩa An, Quảng Ngãi năm 2019.RFA
Từng là nơi có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu bậc nhất miền Trung và cũng là nơi từng được mệnh danh là “làng chài tỷ phú”, tuy nhiên 3 năm trở lại đây, sai lầm tiếp nối sai lầm vô tình kéo cả làng chài ở xã Nghĩa An- thành phố Quảng Ngãi lâm vào cảnh nợ nần, đói khổ, nhiều gia đình ly tán, tha phương cầu thực. Tàu thuyền được trang bị để ra khơi đánh bắt- kế sinh nhai duy nhất của họ cũng bị nằm bờ, mục nát…

Ngư dân rời làng, trốn nợ

Chúng tôi đến làng chài tại hai thôn Phổ An, Phổ Trường thuộc xã Nghĩa An-TP.Quảng Ngãi vào một buổi chiều cuối tháng 7. Khung cảnh nơi đây thật ảm đảm, chỉ thấy toàn người già và trẻ nhỏ. Chúng tôi gặp, hỏi chuyện với vài người dân địa phương và được họ chia sẻ: Vài năm trước thanh niên trai tráng của xã nhiều lắm nhưng ba năm trở lại đây do cuộc sống khó khăn, nợ nần chồng chất nên có lớp bỏ đi làm ăn xa, lớp qua xã bên làm lụng lặt vặt để kiếm cái ăn cái mặc qua ngày.
Ngư trường ở miền Bắc, tàu mình đánh qua đó thì Trung Quốc nó bắt, nó đuổi. Còn đánh trong bờ thì kiểm ngư của mình cũng bắt. Dân chết thôi, đây còn chết nữa.
-Ngư dân Nghĩa An
Bà Khâm (thôn Phổ Trường) cho biết, bà có người con trai vốn là chủ tàu, nhưng do những chuyến đi biển liên tiếp bị thua lỗ nên ngoài việc cầm cố đất đai, nhà cửa, người con trai của bà còn mượn thêm sổ đỏ (quyền sử dụng đất) của vợ chồng bà vay ngân hàng 250 triệu đồng trả nợ. Nhưng rồi số tiền đó cũng không thấm tháp vào đâu, anh đành bỏ tàu nằm bờ, đưa vợ con đi xứ khác làm ăn.
Kể cái sổ của cô không là 250 triệu đồng, còn sổ của nó bây giờ nhà cửa nó bán rồi, bán trả nợ không đủ.
Đi vay nợ ngân hàng. Tới tháng không có tiền trả thì phải đi bốc tiền nóng để trả tiền ngân hàng. Chuyến biển có thì trả tiền “nóng” cho họ, còn chuyến biển vào không có thì tiền “nóng” nó cứ tăng hoài thôi. Lâu ngày bán trả nợ cũng không đủ thì phải đi xứ khác làm kiếm ăn chứ làm sao đây.”
Hiện tại bà Khâm ở nhà trông giữ cháu, sống nhờ tiền lương hưu ít ỏi của chồng và phải nhờ người con trai kế trả nợ lãi suất ngân hàng 2,5 triệu VNĐ/tháng thay cho khoản nợ của người anh.
Ông Trần Văn Liêm (thôn Phổ An) cho biết, trước đây ông là chủ của cặp tàu giã cào, khoảng 3 năm nay, nghề đi biển không có thu nhập ổn định, có khi còn trắng tay về, nên ai cũng nản, cuối cùng ông đành bán cặp tàu cho người con trai, ở nhà nuôi gà. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giờ người con trai của ông Liêm cũng cho tàu neo bến để đi làm thuê kiếm thu nhập mỗi ngày, tuy ít ỏi nhưng không bấp bênh như đi tàu.
“Tôi vừa rồi thiếu nợ bán đôi tàu cho thằng con. Nguyên tài sản trước sau đổi máy là 9 tỷ mấy đồng giờ bán lại cho nó là 6 tỷ mấy đồng. Nó đi được mấy phiên giờ đậu bờ.”
Làng chài ở xã Nghĩa An, Quảng Ngãi năm 2019.
Làng chài ở xã Nghĩa An, Quảng Ngãi năm 2019. RFA
Bà Nguyễn Thị Lập (thôn Phổ An) cho biết bà có 3 người con theo nghề biển, không phải là chủ tàu nhưng những người con của bà cũng đang có cuộc sống hết sức khó khăn.
“Khó khăn lắm! Đi ghe nào cũng không có tiền chia ăn.”
“Làm biển không có, đói lắm. Ba đứa con đi từ hồi ra giêng giờ không có tiền chia luôn.”
Bà Lập chia sẻ thêm, bà có người em chồng là chủ tàu, sau nhiều chuyến ra khơi chỉ đủ hoặc lỗ nên lâm vào cảnh nợ nần phải đi vay mượn giấy tờ đất đai của gia đình bà để xoay vốn đi tiếp nhưng từ năm 2014 đến nay, người em cũng không khấm khá hơn. Bà Lập giờ đi bán dạo bánh xèo để kiếm tiền trả lãi suất ngân hàng giúp người em chồng. Rất nhiều hộ ngư dân ở xã Nghĩa An rơi vào tình cảnh như hộ gia đình bà Lập.
“Cả xã Nghĩa An này vay Nhà nước, lấy sổ đỏ cho mấy người đó (chủ tàu) mượn hết, giờ họ không đưa tiền lời cho Nhà nước, giờ mình mắc mình chịu, mình mắc mình cũng phải đưa cho nhà nước vì giờ họ làm ăn không có lấy gì họ đưa cho mình tiền lời nhà nước. Mình phải khổ theo luôn. Khổ theo vậy đó.”
“Cô trả nợ một tháng 3, 4 triệu có, 3,5 triệu có và 3,6 triệu có. Giờ cô thả tay rồi, cô trả không nổi.”
Hoàn cảnh của gia đình bà Lê Thị Cận khá chật vật, bà cũng có ba người con trai theo nghề biển. Vào năm 2006, bão Chanchu đi qua vùng biển miền Trung đã cướp đi của bà một người con trai. Còn lại hai người con trai hiện đã có vợ có con, vẫn theo nghề biển nhưng không kham nổi cuộc sống nên phải để vợ đi gánh mướn kiếm sống. Bản thân bà Cận tuy tuổi đã cao nhưng vẫn phải làm lụng vất vả để nuôi bản thân.
“Có ba đứa đi biển nhưng chết một đứa rồi. Giờ còn hai đứa mà nó ở riêng hết rồi. Giờ mình ở vậy làm thuê gánh mướn sống qua ngày.”
“Đi biển. Vợ nó ở nhà ai kêu gánh cát, gánh đất gì là nó gánh.”

Khó khăn chồng chất

Được biết vài năm trước đây xã Nghĩa An là địa phương có lực lượng tàu giã cào đánh bắt xa bờ lên đến 1.000 chiếc, hùng hậu bậc nhất miền Trung, ngư trường đánh bắt trải khắp như Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa…Nhiều gia đình có những đôi tàu trị giá hàng chục tỷ đồng trở lên nên được mệnh danh là “làng chài tỷ phú”.
Năm 2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP (nay là Nghị định 17) do Chính phủ Việt Nam ban hành về một số chính sách phát triển thủy sản, đúng vào thời điểm “đi biển” được mùa nên rất nhiều hộ ngư dân ở xã Nghĩa An đã tham gia đăng ký hưởng ứng để vay tiền ngân hàng, cầm cố tài sản gia đình để nâng cấp hoặc đóng mới tàu, sắm máy móc có công suất lớn hơn. Thậm chí có hộ còn thế chấp chính con tàu của mình với lãi suất “nóng” để sắm thêm tàu, gia tăng hoạt động đánh gĩa cào. Thế rồi không hiểu sao những chuyến ra biển trở về của làng chài “tỷ phú” bỗng thưa thớt cá, tôm, thậm chí có người đã “đi có về không”…
Mong muốn của tôi là Nhà nước xem xét sao cho dân bớt đói chứ dưới này đói nhiều lắm.
-Bà Nguyễn Thị Lập.
“Cạn kiệt vì hồi kia đánh bắt máy nó nhỏ, làm lượng dầu nó ít nên thu hoạch được chút đỉnh. Bây giờ tàu công suất nó lớn, nghe ở đâu có cá thì có năm, mười đôi tàu bu lại đánh, đánh chừng một hai bữa là sạch trơn.”.-Lời của ông Liêm.
Chưa hết, việc đánh bắt của bà con còn gặp thêm khó khăn muôn phần khi phải cạnh tranh gay gắt với lực lượng tàu đánh bắt của Trung Quốc vừa quy mô vừa đông đúc trên biển Đông. Đặc biệt tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, tàu Trung Quốc luôn xâm phạm ngư trường của Việt Nam, còn tàu Việt Nam khai thác, đánh bắt quanh ngư trường giữa hai nước thì bị đuổi bắt, đánh gần bờ thì bị kiểm ngư Việt Nam bắt xử phạt. Ông Liêm nói:
“Ngư trường ở miền Bắc, tàu mình đánh qua đó thì Trung Quốc nó bắt, nó đuổi. Còn đánh trong bờ thì kiểm ngư của mình cũng bắt. Dân chết thôi, đây còn chết nữa.”
Bản thân bà con ngư dân xã Nghĩa An cũng cho biết đã mắc sai lầm. Trước đây bà con đánh bắt tàu nhỏ, dùng máy móc của Nhật Bản nên ít hao tốn dầu nhớt, thu hoạch mỗi chuyến đi tuy ít nhưng lại có lãi. Một năm tổng kết các chuyến đi, nhiều tàu kiếm được tiền tỷ không khó. Giờ nâng cấp tàu công suất lớn hơn, đổi qua dùng máy móc Trung Quốc có giá thành rẻ nhưng hao tốn dầu nhớt hơn máy móc Nhật Bản rất nhiều lần. Trung bình mỗi ngày tiêu tốn hơn chục lít dầu, rồi thuế phí tăng,  cộng trung bình mỗi chuyến tàu trong một ngày phải giã cào cho được mấy chục tấn cá may ra mới có lời lãi. Mà kiếm đâu ra hải sản mấy chục tấn…Ông Liêm phân trần:
“Trước đây tôi là một cặp 850CV, làm thu hoạch trả Nhà nước được, nợ khoảng 3 tỷ mà làm trả nhà nước được một năm, hai năm gì đó tính ra còn nợ khoảng 1,7 tỷ đồng sau là còn 1,3 tỷ đồng. Bắt đầu đổi máy lớn, mình bỏ thêm 3 tỷ đồng Nhà nước cho vay thêm. Từ ngày sắm máy lớn đến giờ là đứng hình hết. Một ngày đi là tốn khoảng 45-50 triệu đồng tiền tổn, hồi kia đi khoảng 10 triệu thành ra sản phẩm làm ít mà có dư còn bữa nay làm nhiều lại không có dư.”
Thời điểm “ăn nên làm ra” việc trả nợ ngân hàng không gặp vấn đề gì nhưng sau mấy năm thay máy móc lớn, bắt đầu làm ăn không có, nợ nần chồng chất, thời gian đáo hạn ngân hàng lại bị rút ngắn nên hầu hết ngư dân ở đây đều phải “đụng” đến vay nóng của “xã hội đen” để trả nợ ngân hàng.
Làng chài ở xã Nghĩa An, Quảng Ngãi năm 2019.
Làng chài ở xã Nghĩa An, Quảng Ngãi năm 2019. RFA
Thất nghiệp, không thể xoay sở để trả nợ, nợ ngập thêm nợ, nhiều người phải bỏ xứ trốn nợ, tha phương cầu thực, nhiều bà con ngư dân cho neo đậu tàu ở cảng biển dọc miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An cho đến Quảng Ngãi …để tránh chủ nợ siết tàu hoặc vứt hẳn tàu thuyền cho mục nát rồi tự chìm.
“Mong muốn của tôi là Nhà nước xem xét sao cho dân bớt đói chứ dưới này đói nhiều lắm.”-Lời của bà Nguyễn Thị Lập.
“Bây giờ làm sao ngân hàng hạ bớt lãi suất xuống cho dân làng này. Chứ lãi suất càng ngày càng cao, không riêng gì cô mà mọi người ở đây, những người chủ, những gia đình khó khăn đi vay tiền yêu cầu ngân hàng lãi suất sao hạ xuống bớt cho bà con để bà con nhờ được phần nào. Lãi suất ngân hàng càng ngày càng cao thì ở đây càng bể nữa." - Lời của bà Khâm.
Ước chừng có 400 hộ gia đình xã Nghĩa An sẽ đối diện cảnh mất nhà vì thuế chấp ngân hàng và vay "nóng". Trước tình cảnh toàn xã ngập tràn trong "biển nợ", hàng trăm hộ ngư dân ký đơn cầu cứu chính quyền các cấp và ngân hàng.
“Mong muốn của bà con Nghĩa An đây là mong muốn Nhà nước sáng suốt xuống xem xét lại tình hình Nghĩa An hiện giờ. Phải có cái hướng nào đó để xoay chuyển tình thế chứ để như giờ khoảng năm sau đậu bờ 95% , thậm chí khả năng tới 100% vì máy Trung Quốc này đi khoảng 5 năm, đại tu hết 100 triệu đồng, làm ăn không có phải bỏ bờ và máy cũng hư, ghe cũng hư”. -Ông Liêm kết lời.
Trả lời báo đài Việt Nam vào nữa đầu tháng 7/2019, bà Võ Thị Lệ Thu –Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết địa phương không có vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nên không biết phải xoay sở giúp đỡ bà con như thế nào….Trong khi đó, ông Trần Văn Chinh, phụ trách nghề cá của xã Nghĩa An cho biết lối thoát duy nhất giúp ngư dân thoát khỏi nợ nần là nhà nước hỗ trợ họ chuyển đổi nghề nghiệp!

Căng thẳng Bãi Tư Chính: Lòng yêu nước của người dân bị lợi dụng và phản bội

Theo RFA-Cao Nguyên-2019-07-26   
Biểu tình chống Trung Quốc tại TP.HCM hôm 11/5/2014.
Biểu tình chống Trung Quốc tại TP.HCM hôm 11/5/2014.AFP
Hôm 25/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Thi Thu Hằng lần thứ ba lên tiếng chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày để phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển và khẳng định sẽ “kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền”, đồng thời tiết lộ đã trao công hàm yêu cầu nước này phải rút ngay tàu Hải Dương 8 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc đã điều tàu Hải Dương 8 cùng các tàu Hải cảnh vào khu vực bắc Bãi Tư Chính và trong Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của  Việt Nam.
Từ sau tuyên bố thứ hai hôm 19/7 của Bộ Ngoại giao, báo chí nhà nước được thoải mái đưa tin về sự kiện này. Hàng loạt các bài báo, phân tích bình luận được đăng tải mỗi ngày chỉ trích hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mạng báo VTC có bài “45 năm Trung Quốc leo thang với dã tâm chiếm trọn Biển Đông” điểm lại toàn bộ những sự kiện Trung Quốc đã tấn công vùng biển Việt Nam từ năm 1974 đến nay.
Vietnamnet có tít bài trước khi sửa chữa là “Huy động toàn dân để bảo vệ chủ quyền và phẩm giá của Dân tộc”. Không những chỉ thẳng Trung Quốc, những bài viết này sử dụng từ ngữ mạnh như “dã tâm, xâm chiếm, tham vọng bành trướng…” nhằm khơi gợi tinh thần chống Trung Quốc của người dân Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra căng thẳng trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông trong những năm qua. Tuy nhiên, khác với các năm 2007, 2011, 2012, 2014, lần này người ta không thấy những cuộc biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc, biểu lộ lòng yêu nước của đông đảo người dân Việt Nam.
Không cần nhà nước bật đèn xanh
Lý giải về hiện tượng vắng bóng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, thành viên của đội bóng đá NO-U FC chủ trương chống “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự ý vẽ ra trên Biển Đông nhận định:
“Thực ra bây giờ, các bài báo đó không có tác dụng và ảnh hưởng lớn đến phong trào biểu tình chống Trung Quốc và các tổ chức xã hội dân sự nữa. Bởi vì từ trước đến nay, đã có rất nhiều cuộc xuống đường nhưng người tham gia cảm thấy uất ức là bởi vì lòng yêu nước của họ bị lợi dụng thậm chí là bị phản bội. Rất nhiều người bị đàn áp, bị đánh đập hoặc thậm chí là đi tù.
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính Courtesy of Twitter Ryan Martinson
Gần như 100% ý kiến những người hoạt động liên quan đến các hoạt động chống Trung Quốc hay Đường Lưỡi Bò có cùng một ý kiến chung với nhau là bây giờ mọi việc đã như thế thì hãy cứ để cho Đảng và nhà nước lo trước đã.
Chúng ta có lịch sử 1000 năm Bắc thuộc nhưng vẫn giành lại được độc lập, nhưng trong bối cảnh nhập nhèm như bây giờ, nhân dân bảo vệ tổ quốc mà chính phủ lại đi đêm với Trung Quốc. Người dân đang rất quan tâm cần sự minh bạch trắng đen rõ ràng các đường lối chính sách của nhà nước trong tình hình thực tại.”
Bà Bùi Thị Minh Hằng, người từng rất nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong năm 2011 trước khi bị chính quyền Hà Nội bắt giữ, đưa đi cải tạo với thời hạn 5 tháng khẳng định, bà sẽ không xuống đường dù có được chính quyền “bật đèn xanh”.
“Bản thân tôi đã nhiều lần bị bắt bớ cho nên nên bây giờ tôi xác định là sẽ không xuống đường theo lời kêu gọi của chính quyền.
Lần này khi Trung Quốc có có hành động xâm lược ở bãi tư chính trong khi bà Ngân - Chủ tịch Quốc hội lại đang thăm viếng Trung Quốc. Vì thế, người dân nghi ngờ rằng đây là một màn kịch.
Những lần trước, nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn không hề có một động thái gì để bảo vệ chủ quyền đất nước cả. Họ không cần người dân, cũng không vận động quốc tế, cũng không đưa Trung Quốc ra toà giống như một số nước khác đã làm.
Những hành động đó của nhà cầm quyền Việt Nam cho thấy việc kêu gọi người dân bảo vệ chủ quyền đất nước chỉ là một sự mị dân lừa gạt thôi,”
Một người dân ở Sài Gòn giấu tên, có quan tâm đến tình hình đất nước, cũng khẳng định với phóng viên RFA rằngyêu nước không phải theo thời vụ:
“Yêu nước thì phải rõ ràng chứ không phải theo kiểu thời vụ lúc này lúc khác. Yêu nước không cần phải bị định hướng hay không phải hỏi bất cứ ai.
“Tôi thấy mặc dù ban tuyên giáo hay báo đảng đã “bật đèn xanh”, hô hào sự xuống đường (tuy họ ko nói trực tiếp nhưng có ý như vậy) nhưng người dân Việt Nam đã đủ tỉnh táo để hiểu rằng yêu nước là vô điều kiện, không cần ai cho phép, không cần ai bật đèn xanh, khi nào thấy cần thiết thì tự khắc xuống đường.”
Trả tự do cho những người tù lương tâm để huy động được sức dân
Từ năm 2007 đến nay, đã có ít nhất hàng chục người dân bị tòa án Việt Nam ghép các tội trạng khác nhau vì tham gia phản đối Trung Quốc trên mạng xã hội, hoặc trực tiếp xuống đường.

Năm 2008, nhà văn Phạm Thanh Nghiên bị bắt giữ và tuyên án 4 năm tù giam khi đang tọa kháng tại nhà với hai biểu ngữ yêu cầu chính phủ Hà Nội có thái độ cứng rắn đối với việc Trung Quốc lấn chiếm đảo Trừơng Sa và Hoàng Sa.
Cách đây 5 năm, một số người tham gia biểu tình chống vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan  HD 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng bị lực lượng mặc áo Thanh niên xung phong ở TPHCM bắt giữ và đánh đập.
Trả lời cho câu hỏi “làm cách nào để chính quyền hiện nay có thể lấy huy động được sức dân nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc”, người dân Sài Gòn không nêu tên bày tỏ:
“Lúc trước, chính quyền coi những người biểu tình là những kẻ bị xúi giục, phản động, gây rối. Tuy nhiên đến giai đoạn này thì họ dường như lại cần cái sự “phá rối” đó.
Nếu họ thật tâm thật lòng muốn người dân thể hiện sự phản đối chính quyền Bắc kinh. Họ phải làm một điều gì đấy như là thả những người bị bắt vì tham gia biểu tình. Họ phải hành động để người dân tin tưởng. Người dân đâu phải là con rối trong tay chính quyền!”
Ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động thường chụp ảnh các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đưa ra các giải pháp:
“Điều đầu tiên là đất nước này cần phải có sự dân chủ hóa, phải thay đổi Hiến pháp, phải loại bỏ điều 4 Hiến pháp và các điều chẳng hạn như là luật đất đai và lực lượng quân đội phải tách ra khỏi sự chỉ huy của đảng Cộng sản.”
Ngoài ra, còn rất nhiều việc khác mà tôi tin trong thời gian sớm thì nhà nước chưa thể làm ngay được. Ví dụ như thả các tù nhân lương tâm, những người lên tiếng chống bất công trong xã hội, những người biểu tình chống Trung Quốc và những người có khác biệt về quan điểm chính trị đã bị bắt giam.
Nếu nhà nước dám dũng cảm thay đổi để hòa giải với nhân dân thì tôi tin là sự tha thứ cũng như rộng lượng của người dân ngay lập tức sẽ thay đổi tất cả.”
Theo thống kê của Ân Xá Quốc Tế, Việt Nam hiện vẫn còn giữ ít nhất khoảng 128 tù nhân lương tâm, rất nhiều người trong số này bị bắt giữ vì lên tiếng ôn hòa trên mạng xã hội.
Điểm lại những cuộc biểu tình chống Trung Quốc
Gần như những cuộc biểu tình lớn ở Việt Nam trong những năm gần đây đều có yếu tố Trung Quốc.
Ngày 9/12/2007, hàng trăm người đã tập trung biểu tình chống Trung Quốc tại cả Hà Nội, Sài Gòn phản đối vụ việc Trung Quốc sát nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào đảo Hải Nam của Trung Quốc, lập nên Thành phố Tam Sa.
Tại Sài Gòn, bản Tuyên cáo của người Việt Nam yêu nước được ký tên bởi hơn 3000 người, có sự tham gia của giới văn nghệ sĩ trong đó có nhạc sĩ Tuấn Khanh.
Sáng ngày 29/4/2009, một cuộc biểu tình tại Hà Nội nhằm phản đối sự kiện rước ngọn đuốc Olympics Bắc Kinh đã bị dập tắt nhanh chóng. Nhiều người bị bắt chỉ khoảng 15, 20 phút ngay sau thời điểm bắt đầu.
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hộm tháng 6, 2011
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hộm tháng 6, 2011 AFP
Ngày 5/6/2011, biểu tình nổ ra ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Những người tập trung trước tòa đại sứ Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh tránh xa các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Nguyên nhân là do sự kiện một tàu hải giám Trung Quốc cố ý cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam khi con tàu đang tiến hành các cuộc khảo sát dầu khí ở Biển Ðông.
Liên tiếp những ngày cuối tuần sau đó, Hà Nội liên tục biểu tình phản đối Trung Quốc cho đến đầu tháng 8/2011, khi mà chính quyền Việt Nam thẳn tay đàn áp, bắt bớ người tham gia biểu tình.
Mùa hè năm 2012, hàng ngàn người đã xuống đường tại Hà Nội và Sài Gòn để phản đối Trung Quốc mời thầu dầu khí trong vùng biển Việt Nam và quyết định để thành phố Tam Sa quản lý cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 2014, Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí HD-981 diễn ra trong tháng Năm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có: Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hoá… Đa số các thành phố những cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia.
Tuy nhiên, một số cuộc biểu tình tại Bình Dương và Hà Tĩnh đã dẫn đến bạo động, phá hoại tài sản nhắm vào các công ty có tiếng Trung Quốc bao gồm cả Đài Loan, Singapore hay cá biệt là Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
Sau vụ việc này, chính quyền Việt Nam đã đàn áp thẳng tay những người tham gia biểu tình, bắt bỏ tù ít nhất 3 nhà hoạt động thuộc Hội Anh em dân chủ đang quay phim, chụp hình đoàn biểu tình.

Kê nhầm thuốc khiến bệnh nhân nguy kịch, bác sĩ chỉ ‘rút kinh nghiệm’

Bệnh Viện Nhi Đồng 2, nơi nổi tiếng chuyên điều trị cho bệnh nhi ở khu vực phía Nam. (Hình: Thanh Tra)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một bác sĩ của Bệnh Viện Nhi Đồng 2 đã kê lộn thuốc uống cho bệnh nhân, khiến bé gái phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Theo báo Infonet ngày 26 Tháng Bảy, 2019, bé gái NNHA (20 tháng tuổi, ngụ ở Sài Gòn) được người nhà đưa đến Bệnh Viện Nhi Đồng 2 tái khám hôm 8 Tháng Bảy sau khi bị giải phẫu hạch nách và hạch chi trên. Tại đây, sau khi thăm khám, Bác Sĩ ĐND chẩn đoán bé HA bị “tụ dịch vết mổ” (áp xe sau khi mổ hạch lao) và kê toa thuốc mang về uống.
Trong toa thuốc mà Bác Sĩ ĐND kê cho bé HA uống có loại thuốc Halofar 2mg. Sau ba ngày uống năm viên Halofar 2mg, thì đến chiều tối ngày 10 Tháng Bảy, bé HA bất ngờ “bị trợn mắt, ưỡn cổ, cứng gáy, người lờ đờ…” gia đình liền đưa ngay đến Bệnh Viện Nhi Đồng 2 cấp cứu.
Các bác sĩ Khoa Cấp Cứu Bệnh Viện Nhi Đồng 2 chẩn đoán bé HA “bị ngộ độc Haloperidol – hoạt chất có trong thuốc Halofar 2mg” mà Bác Sĩ ĐND đã kê toa cho bé uống trước đó.
Trả lời giới truyền thông vấn đề này, một lãnh đạo Bệnh Viện Nhi Đồng 2 xác nhận, bác sĩ của bệnh viện đã kê lộn đơn thuốc cho bé gái HA. Cụ thể, thay vì kê loại thuốc Hapacol 150mg, nhưng bác sĩ đã kê thuốc Halofar 2mg.
“Sự nhầm lẫn trên là do hai mã thuốc này giống nhau lại nằm cạnh nhau trong phần mềm của máy tính, nên bác sĩ đã vô tình bấm nhầm. Sau khi kê và in toa thuốc, bác sĩ có kiểm tra lại nhưng không phát hiện lộn thuốc và giao cho người nhà bệnh nhi mua uống. Đây là một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Bệnh viện cũng đã yêu cầu bác sĩ kê toa thuốc trên kiểm điểm và rút kinh nghiệm trong việc kiểm toa thuốc kỹ sau khi in và trước khi giao cho bệnh nhân,” vị lãnh đạo bệnh viện biện minh.
Trong khi đó, theo các chuyên gia về dược, thuốc Halofar 2mg là thuốc sử dụng cho bệnh nhân hoang tưởng, ảo giác nhằm chống loạn thần. Đây là loại thuốc được dùng để điều trị trạng thái hưng cảm, cơn hoang tưởng cấp, mê sảng, run do rượu hay hoang tưởng hư vô, hoang tưởng mạn tính, hoang tưởng phán đoán, bệnh tâm thần phân liệt. Còn thuốc Hapacol 150mg là kháng sinh, kháng viêm và giảm đau.
Tin cho biết, sau khi xảy ra sự việc Bệnh Viện Nhi Đồng 2 đã “gặp gỡ người nhà bệnh nhi trao đổi và giải thích về tình trạng sức khỏe của cháu, đồng thời phúc trình vấn đề này trên hệ thống sự cố y khoa và Phòng Nghiệp Vụ Y, Sở Y tế Sài Gòn.” (Tr.N)

Dân Việt thích ăn đùi gà Trung Quốc tẩm hóa chất ‘giá bèo’

Đùi gà hun khói cay của Trung Quốc bán tràn lan trên mạng nhưng không chứng minh được phẩm chất. (Hình: Zing)
BẮC GIANG, Việt Nam (NV) – Việt Nam có sản phẩm tương tự nhưng người tiêu thụ trong nước chê không dùng, trong khi mặt hàng đùi gà hun khói Trung Quốc nghi tẩm hóa chất để cả năm không hư lại được dân Việt đua nhau mua.
Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng thực phẩm, đồ ăn vặt gắn mác “nội địa Trung Quốc” liên tục xuất hiện trên mạng Internet như kem, chân gà hay ớt xanh. Mới nhất, đùi gà hun khói Trung Quốc “lên kệ” với lời rao bán là “món ăn hot, rất đắt khách ở Trung Quốc.”
“Túi đùi gà người ta hút chân không nên không lo hỏng, giá lại rẻ nên tôi dự định mua chục cái về để tủ, khi nào ăn thì lấy ra bỏ lò vi sóng quay mấy phút cho nóng là có ăn rồi,” chị Thy Huệ, một nhân viên công sở ở Hà Nội cho biết.
Nói với báo VNExpress ngày 26 Tháng Bảy, 2019, chị Lê Hoa, chủ cơ sở chuyên bán đồ ăn vặt ở tỉnh Bắc Giang, cho biết mới nhập nửa tấn đùi gà muối gia vị không chiên cay và đùi gà hun khói của Trung Quốc, nhưng chỉ sau ba ngày lượng hàng tiêu thụ đã gần hết. Những sản phẩm này là “thương hiệu của công ty bên Trung Quốc ra đời từ năm 1997.” Sau khi khảo sát chị mới dám nhập về và bỏ mối với số lượng lớn.
“Đùi gà muối gia vị, không chiên, ăn không bị ngấy, hơi cay cay đúng kiểu vị đồ Trung, chỉ 15,000 đồng (64 cent) một đùi. Nếu khách mua sỉ từ 100 cái thì có giá 11,000 đồng (47 cent); trên 500 cái giá chỉ còn 9,000 đồng (38 cent). Đặc biệt, hạn sử dụng lên đến cả năm không hư,” chị Hoa cho biết.
Chuyên bán đùi gà Xiang Balao loại 110 gram với giá 20,000 đồng một cái (86 cent), anh Hoàng Tam ở tỉnh Lào Cai cho biết, mỗi tuần bán cả ngàn đùi gà, mỗi đùi bán sỉ anh lời khoảng 3,000-4,000 đồng (12 cent-17 cent).
Sản phẩm đùi gà hun khói của Trung Quốc quảng cáo “để cả năm không hư.” (Hình: VNExpress)
Theo anh Tam, hàng bán chạy được tẩm ướp hun khói vàng ươm, thịt chắc, mềm nhưng không bị bở như gà công nghiệp. Khách mua về chỉ cần bỏ lò vi sóng hâm nóng hoặc ăn ngay.
“Khách mua nhiều, mỗi lần lấy cả 10 thùng, còn mua lẻ ít nhất 10 cái nên nếu lấy năm tạ thì chỉ khoảng sáu ngày là hết hàng,” anh Tam khoe.
Tương tự, anh Trần Văn Thắng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) tự nhận chuyên cung cấp đồ ăn vặt Trung Quốc, đăng lên “chợ dân cư” trên Internet rao bán đùi gà hun khói và đùi gà cay “nội địa Trung Quốc.”
Cùng những hình ảnh được cho là tự chụp, anh Thắng quảng cáo đùi gà hun khói đóng túi hút chân không có thể để được đến một năm trong điều kiện bình thường, giá 45,000 đồng/cái. Trong khi đó, đùi gà cay không chiên, sử dụng muối gia vị và “cay cay đúng kiểu đồ Trung” giá chỉ 15,000 đồng/cái (64 cent).
Khi báo Zing liên hệ hỏi mua số lượng lớn đùi gà Trung Quốc nhưng bày tỏ sợ hư hỏng khi để lâu, anh Thắng khẳng định “cứ ôm hàng đi không lo hỏng đâu, kiểu gì cũng có lời.”
Một đầu mối khác tên Thanh tại Hà Nội cũng thừa nhận đùi gà hun khói Trung Quốc có mặt tại thị trường Việt Nam khoảng hai tháng nay, được nhiều người đặt mua.
Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, cả người bán Thắng và Thanh đều không cung cấp được thông tin.
Khảo sát trên thị trường cho thấy, hiện đùi gà hun khói hút chân không nhập khá nhiều về Việt Nam, trong đó có các thương hiệu đến từ Nam Hàn, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản… Các sản phẩm này đa phần nhập lậu, một số “xách tay.”
Trong số sản phẩm đến từ các nước thì hàng Trung Quốc có giá rẻ nhất. Do đó, lượng tiêu dùng tăng mạnh. Còn với hàng Nhật, Nga, Nam Hàn, giá đùi hun khói bán theo cân, dao động từ 230,000- 500,000 đồng/kg ($9.9-$21.5) bán chậm.
Riêng với đùi gà đã chế biến của Việt Nam, giá bán lẻ dao động 20,000 đến 45,000 đồng (86 cent đến $1.9) một cái loại 0.5 -200 gram thì “ế dài.” (Tr.N)