Sunday, August 19, 2018

VN: Có 'bàn tay đạo diễn' biểu tình chống luật đặc khu?

Theo BBC- 18 tháng 8 2018 

image

Có thể có 'bàn tay đạo diễn' đằng sau các cuộc biểu tình gần đây ở Việt Nam chống dự luật về ba đặc khu Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn, một ý kiến trong các khách mời nói với một cuộc Hội luận của BBC hôm 16/8/2018.
Không ngoại trừ 'bàn tay này' có thể 'xuất phát từ nội bộ' của nhà cầm quyền với các 'phe phái lợi ích đối lập' nhau, một nhà báo độc lập từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nêu quan điểm với BBC Tiếng Việt.
Tuy nhiên, ý kiến của khách mời khác tại Bàn tròn thứ Năm từ London tuần này cho rằng nếu điều này có cơ sở, thì đó chỉ là một trong các nhân tố.
Nhân tố chính vẫn là 'lòng yêu nước' lên cao của người dân trong cả nước kết hợp với yếu tố 'phổ biến của mạng xã hội', nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, người trực tiếp chứng kiến các cuộc xuống đường ở TP. Hồ Chí Minh các năm gần đây nói chung và ở Sài Gòn hôm 10/6/2018 nói riêng.

Mới đây, hôm 13/8, người lãnh đạo ngành Công an Việt Nam, Thượng tướng, Bộ trưởng Tô Lâm được truyền thông chính thức nhà nước và Cổng thông tin điện tử Bộ Công An trích thuật, cho rằng:
"Các vụ tụ tập biểu tình đã phát hiện nhiều đối tượng hình sự, ma túy, với tâm lý 'sống ảo', thích được thể hiện", thậm chí các đối tượng khai nhận đã nhận tiền "từ 200.000 VND tới 400.000 VND" để biểu tình.
'Doyêu nướckèm mạng xã hội'
Trước hết, nhà thờ Hoàng Hưng, thành viên sáng lập Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam, thành viên sáng lập Tạp chí văn nghệ mạng Văn Việt nêu quan điểm, bình luận về nhận đinh của lãnh đạo ngành Công an của Việt Nam.
"Không riêng ông Tô Lâm, mà nói chung các lãnh đạo cao cấp lâu nay luôn có một luận điệu vu khống cho các thế lực kích động biểu tình. Bản thân tôi cũng trong số các nhân sĩ trí thức đã bị truyền hình Việt Nam đưa đích danh hình ảnh tên tuổi là người kích động biểu tình (vụ Formosa)," nhà thơ Hoàng Hưng nói.

Nhà thơ Hoàng HưngBản quyền hình ảnhFB HOANG HUNG
Image captionNhà thơ Hoàng Hưng chia sẻ trên FB cá nhân của ông rằng ngày 10/6/2018 ông chỉ ra quan sát, rồi bị cuốn vào dòng biểu tình, nhờ đó ông chứng kiến sự kiện.

"Nhưng lâu nay, đa số nhân sĩ phản biện đều bị giam trong nhà mỗi khi sắp có biểu tình, mà biểu tình vẫn diễn ra ngày càng đông, càng mạnh. Sau đó, lại nói là bọn thù địch, Việt Tân... kích động.
"Rồi giờ là "bọn xấu" chung chung. Nhưng chưa hề bắt được, đưa ra xử được kẻ kích động nào cụ thể. Ngược lại, chính tôi và vài nhà báo độc lập chứng kiến mấy kẻ kích động người dân xông vào nhà máy (vụ Bình Dương) (mấy tên đội mũ cối, nói giọng Nghệ Tĩnh) mà Công an ko không làm gì, sau cũng không thấy xử án, mà chỉ xử một số công nhân hôi của...


"Tôi có chất vấn cán bộ của Bộ Công an việc này (khi họ vào gặp, hỏi ý kiến trí thức về việc Giàn khoan HD981), họ không trả lời được (sau đó, có tin truyền là chính 'bọn Hoa Nam' kích động đốt phá để phá hoại kinh tế và lấy cớ cho nhà nước cấm 'biểu tình chống Tàu.'"
Mặc dù tham gia chương trình Bàn tròn thứ Năm từ Texas, Hoa Kỳ, nhà thơ Hoàng Hưng khẳng định đây chỉ là nơi ông ghé thăm mùa hè này, mà ông vẫn sinh sống ở Sài Gòn là chính và ông chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân của mình góc nhìn về biểu tình ở Việt Nam:
"Là người trực tiếp tham gia nhiều cuộc biểu tình, có cả vợ tôi cũng tham gia, tôi quan sát và khẳng định đó là tình cảm yêu nước, lo cho an nguy của đất nước, bất bình với nhà nước của người dân đã ngày càng rộng lớn.
"Kẻ kích động Biểu tình chính là những kẻ tàn hại đất nước, không dám 'chống Tàu xâm lược'. Các nhà lãnh đạo phải nhìn thẳng sự thật, ứng xử đàng hoàng tử tế với dân, thừa nhận sai lầm... chứ không thể cứ dùng cách vu cáo như thế.
"Dù có người như anh Phạm Chí Dũng, cho là cuộc Biểu tình ngày 10/6/2018 có bàn tay của 'một bộ phận Công an' và lực lượng 'trong nội bộ chính quyền' tổ chức để phản đối luật Đặc khu (nhằm đòi chia chác quyền và lợi), tôi vẫn khẳng định: nếu có sự tổ chức như thế, chỉ là một bộ phận lợi dụng Biểu tình.
"Còn vẫn dứt khoát khẳng định Biểu tình là lòng dân tự giác, nhờ nhiều nhất là mạng xã hội. Chính vì thế Quốc hội mới vội vã thông qua Luật An ninh mạng để ngăn chặn," nhà thơ Hoàng Hưng chia sẻ với Bàn tròn thứ Năm phát đi từ London.
'Bàn tay đạo diễn và thuyết âm mưu?'

Biểu tình chống Luật Đặc khuBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionCuộc biểu tình chống Luật Đặc khu diễn ra hôm 10/6/2018 ở Sài Gòn được cho là có sự tham gia của 'cả vạn' người dân xuống đường đến từ ở khắp nơi trong và ngoài thành phố

Trước đó, cũng tại bàn tròn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam nêu quan điểm và cho rằng có thể có một 'bàn tay vô hình' từ trong 'nội bộ ngành Công an và Chính quyền' đứng đằng sau 'lợi dụng lòng yêu nước' của nhân dân để 'giật dây' biểu tình và thủ lợi cho 'phe cánh của mình'.
Khi được hỏi liệu có căn cứ gì hay không để nhận định như vậy và liệu đây có phải là một dạng 'thuyết âm mưu' hay là không, ông Phạm Chí Dũng nói:
"Tôi đưa ra một thực tế để chứng minh như thế này, vào ngày 10/6, gần như toàn bộ giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền thứ nhất là không kêu gọi biểu tình, trừ một trang 'Tập hợp Quốc dân Việt' ở hải ngoại, còn lại ở trong nước không có bất cứ một cá nhân hay tổ chức xã hội dân sự nào kêu gọi biểu tình vào ngày 10/6.


"Điều thứ hai, vào ngày đó thì đa số giới đấu tranh dân chủ nhân quyền đều bị chặn ở nhà mà không được đi biểu tình. Tôi cũng bị chặn và rất nhiều người bị chặn, chỉ có một số ít đi được thôi.
"Cho nên không thể nói là cuộc biểu tình ngày 10/6 là xuất từ yêu cầu đòi hỏi và yêu sách như lời kêu gọi của giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Nó khác với những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây là từ giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền.
"Nhưng mà cuộc biểu tình ngày 10/6 chống luật đặc khu, lại không phải từ giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, như vậy thì từ đâu? Bây giờ chúng ta đặt dấu hỏi là từ đâu, để thấy rõ rằng nếu như xác định được từ đâu là biết chắc rằng thuyết âm mưu sẽ biến thành hiện thực một cách rất là nhanh chóng.
"Và thông tin thứ hai mà tôi nói là tôi nghe một số người thông tin sau cuộc biểu tình ngày 10/6, họ đặt những dấu hỏi đầu tiên còn nghi ngờ, nhưng sau đó rất nhiều người đã đồng thuận với nhau rằng việc này 'phải có bàn tay' của Công an.
"Tại vì từ trước đến giờ không có một cuộc biểu tình nào có thể nổ ra một cách sôi động và với số đông như vậy mà 'không có bàn tay của Công an', hoặc không có sự 'tạo điều kiện gián tiếp' của Công an."
'Do dân, giới hoạt động hay chính quyền?'
Và nhà báo độc lập từ Sài Gòn đưa ra thêm so sánh để củng cố luận điểm có tính giả thuyết của mình, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói tiếp:

Biểu tình chống Luật Đặc khuBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionCuộc biểu tình ở Hà Nội hôm 10/6 cũng có 'hàng nghìn' người tham gia xuống đường phản đối Luật Đặc khu

"Tôi muốn nói là ngay trong cuộc biểu tình phản đối giàn khoan HD981 của Trung Quốc vào tháng 5/2014, thì cũng trong những đoàn biểu tình đó cũng có những nhóm của Công an, cũng có những nhóm của Dư luận viên, gọi là những nhóm 'ngụy biểu tình' đi tổ chức biểu tình để đánh lạc hướng, để phân hóa đám đông biểu tình ra.
"Thì kì này cũng có những nhóm như vậy và có một điều cũng lạ lùng là mặc dù không có lời kêu gọi nào của giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền, nhưng khi đi vào biểu tình, lại xuất hiện những băng-rôn, cờ quạt đã được chuẩn bị một cách nghiêm túc, một cách quy mô từ trước và theo từng nhóm.
"Và đúng giờ đó thì những nhóm đó hội tụ với nhau tại Bà Quẹo, tại Ngã tư Bảy Hiền và tổ chức biểu tình và sau đó kéo về công viên Hoàng Văn Thụ. Thế thì đây là vấn đề cần phải nói là rất khó hiểu từ phía người dân, mà từ phía chính quyền.


"Có nghĩa là thế này, ông Nguyễn Thiện Nhân nói là đã không chế được 700 đối tượng, nhưng tại sao tới giờ Công an ở Sài Gòn hay Công an ở Bộ Công an lại không công bố, hoặc không dám công bố rằng những đối tượng đó là thuộc xã hội dân sự, thuộc thế lực thù địch, hay là thuộc về người dân, hay là thuộc về phe phái nào ở trong nội bộ Đảng?
"Thì hoàn toàn không có sự công bố nào và tình trạng không công bố như vậy cũng giống y chang như tình trạng đã không công bố một chút nào về những kẻ lạ mặt đã gây ra dẫn đầu cuộc biểu tình và đập phá ở Tỉnh Bình Dương vào năm 2014.
"Như vậy, tất nhiên chúng ta chưa có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng việc 'phe phái nội bộ tổ chức biểu tình' chỉ là thuyết âm mưu, nhưng cũng có rất nhiều câu hỏi mà từ phía chính quyền đã không hề trả lời, đã không hề hồi âm và không hề giải thích.
"Làm cho người dân và giới phân tích càng ngày càng nghi ngờ rằng chỉ có thể một phe phái ở trong nội bộ có tiềm lực về tài chính, có tiềm lực về tổ chức và đặc biệt có tiềm lực về Công an, và 'có sự chỉ đạo' ở trong một bộ phận nào đó của Công an, thì mới có thể tạo ra một cuộc biểu tình lớn như vậy."
'Củng cố thêm giả thuyết?'

Tiến sỹ Phạm Chí DũngBản quyền hình ảnhFB PHẠM CHÍ DŨNG
Image captionTiến sỹ Phạm Chí Dũng đặt ra giả thuyết về việc liệu 'đã có một bàn tay vô hình' từ trong 'nội bộ của chính quyền' và các 'nhóm lợi ích' đã lợi dụng lòng yêu nước để 'đạo diễn' cuộc biểu tình hôm 10/6/2018 nhằm đem lại quyền lợi cho mình.

Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cũng đưa ra thêm từ quan điểm riêng của ông một số dữ liệu nữa mà theo ông là có thể củng cố thêm cho giả thuyết đang được đề cập, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói tiếp:
"Và một vấn đề nữa cũng cần đặt ra là cuộc biểu tình đó nhằm mục đích gì và tại sao 50.000 công nhân [Công ty] Pouyuen [ở quận Bình Tân, TPHCM], những người đầu tắt mặt tối chỉ lo làm việc kiếm cơm, mà họ lại quan tâm đến Luật Đặc khu đến mức mà sau khi cuộc biểu tình ngày 10/6 đã trôi qua, vào ngày hôm sau và hôm sau nữa, công nhân Pouyuen vẫn tiếp tục biểu tình và nổ ra thậm chí đập phá nữa rất dữ dội?


"Như vậy thì ai đã tổ chức, ai đã đạo diễn các công nhân Pouyuen biểu tình chống Luật Đặc khu như vậy? Và thêm một thông tin này cũng cần phải chú ý thêm là Luật Đặc khu được cho là thuộc về lợi ích của một nhóm chính khách ở trong nội bộ của Đảng Cộng sản mà không phải là lợi ích của nhiều chính khách.
"Và những chính khác khi không có lợi ích ở trong Luật Đặc khu, đặc biệt là ở trong các đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc và Vân Phong, thì không thích Luật Đặc khu này và thậm chí là chống Luật Đặc khu này.
"Đó là lý do mà tại sao lại có giả thuyết cho rằng chính những nhóm quan chức không thích Luật Đặc khu đã có thể 'tiếp một bàn tay' vào việc 'đạo diễn' cuộc biểu tình ngày 10/6 chống Luật Đặc khu.
"Và cũng đặt ra một giả thuyết là tại sao gần đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại thay đổi quan điểm như chong chóng, khi trước đó đưa ra định bàn về Luật Đặc khu và đưa ra Quốc Hội, nhưng mà sau đó lại không đưa vào nghị trình bàn Luật Đặc khu nữa?
"Và ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhân nhượng, thỏa hiệp hơn khi nói rằng Luật Đặc khu phải lấy ý kiến của nhân dân, mặc dù chưa đề cập đến việc Trưng cầu Dân ý với Luật Đặc khu," Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng nói thêm với Bàn tròn thứ Năm từ Sài Gòn.
Cho dù có bị những phe phái chính trị lợi dụng để đấu đá lẫn nhau, cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 lên tới hàng trăm ngàn người và lan rộng trên 50% tỉnh thành trong cả nước vẫn cho thấy sự phẫn nộ của người dân đối với Luật Đặc khu cùng tinh thần thoát Trung là có thực, và sức mạnh biển trời của người dân khi biểu tình đã vượt qua 'mọi tính toán riêng tư thâm thù và lợi ích nhóm' của 'các phe phái chính trị' trong nội bộ đảng, ," TS Dũng nhận xét thêm với BBC sau hội luận Bàn tròn thứ Năm.
*Trên đây là các ý kiến xuất phát từ quan điểm riêng của các khách mời tham dự Tọa đàm Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu thêm ý kiến của các khách mời trong các bài vở khác có liên quan, mời quý vị và các bạn đón theo dõi.

Về sự kiện Hội nghị Thành Đô: vì sao đảng cứ im lặng mãi?

Nguyễn Đăng Quang (VNTB) Hội nghị Thành Đô (3-4/9/1990) và các thỏa thuận ký kết giữa lãnh đạo 2 Đảng và Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc đến nay đã đúng 38 năm, song vẫn là một bí mật lạnh lùng! Không chỉ nhân dân thế giới mà ngay cả người dân Việt Nam cũng như người dân Trung Quốc đều bị lãnh đạo của họ dấu tiệt, không hé lộ một lời về những gì họ đã thỏa thuận với nhau tại Hội nghị này cách đây 38 năm về trước! 

Giang Trạch Dân và Lý Bằng hồ hởi chào đón các lãnh đạo ĐCSVN chiều 3/9/1990. Nguồn: Internet
Cách đây hơn 4 năm, ngày 28/7/2014, 61 đảng viên tâm huyết của ĐCSVN đã ký “Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên ĐCSVN” (gọi tắt là “Thư ngỏ 61”). Mời đọc tại đây:https://anhbasam.wordpress.com/2014/07/29/thu-ngo-gui-bch-trung-uong-va-toan-the-dang-vien-dang-csvn/. “Thư ngỏ 61” kiến nghị ĐCSVN thực hiện 2 yêu cầu cấp thiết và trọng yếu của đất nước:

Một: “ĐCSVN cần thay đổi cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa.”

Hai: “Là người chủ đất nước, nhân dân có quyền được biết và phải được biết sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và những điều quan trọng đã ký kết với Trung Quốc như Thỏa thuận Thành Đô 1990, các thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và trên Vịnh Bắc bộ, những thỏa thuận về kinh tế v.v...”

Trong 61 đảng viên ký Thư ngỏ này có 1 quân nhân kỳ cựu, 1 “anh bộ đội cụ Hồ” đích thực, đó là Thiếu tướng Lê Duy Mật (1927-2015), cựu Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu II, cựu Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang (1979-1984). Tướng Lê Duy Mật là người rất cương trực, tính khí khẳng khái, là một vị tướng can trường trận mạc, trải khắp các chiến trường A,B,C,K qua 3 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và Tầu xâm lược! Một chi tiết không phải ai cũng biết, 1 tuần trước khi đấy, ngày 20/7/2014, ông đã gửi TBT Nguyễn Phú Trọng, BCT và BBT một Tâm thư với nội dung rất mạnh mẽ và quyết liệt, đó là yêu cầu Đảng phải công khai hóa Thỏa hiệp Thành Đô, đồng thời phải cho Tổng kết cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. (Xem tại đây:https://bongbvt.blogspot.com/2014/08/thieu-tuong-le-duy-mat-co-hay-khong-mot.html)

Đặc biệt, trong Tâm thư trên, tướng Lê Duy Mật đã trích dẫn nguyên văn một Điều khoản trong Thỏa hiệp Thành Đô do Tân Hoa xã và Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc tiết lộ: “Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng CNCS, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa 2 nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị lâu đời vốn có giữa 2 Đảng và nhân dân 2 nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp trong quá khứ. Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây... Phía Trung Quốc đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam 30 năm (1990-2020) để ĐCSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Hoa.” (hêt trích)

Ông nêu nghi vấn việc này có hay không, thực hư ra sao, Đảng phải làm rõ! Và rồi ông yêu cầu BCT và BBT phải công bố các văn bản đã thỏa thuận ký kết giữa 2 Đảng trong Hội nghị Thành Đô cho toàn Đảng, toàn dân biết để chứng minh hư thực. Nếu Thỏa hiệp Thành Đô là đúng như Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đưa tin, thì rõ ràng đấy là bản thỏa hiệp rất nguy hiểm cho đất nước, chẳng khác nào là phản bội Tổ quốc! Tiếp ngay sau đấy, ông kiến nghị Trung ương xem xét ra tuyên bố phản bác bản Thỏa hiệp đó, chấn chỉnh lại tổ chức, kỷ luật những người đã ký và cả những người thực hiện sau này! 

Tôi quen biết Tướng Lê Duy Mật trong những dịp bàn thảo và ký “Thư ngỏ 61”. Tất cả 61 đảng viên ký tên đều nhất trí cao về nội dung, câu chữ và đặc biệt là về 2 vấn đề trọng yếu và cấp thiết của đất nước. Riêng tướng Lê Duy Mật và một vài anh muốn “Thư ngỏ 61” đề cập thêm Điều khoản mà Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo đã tiết lộ, nhưng khi cân nhắc, ý kiến trên không được chấp thuận, đa số cho rằng cần phải rất thận trọng, để theo dõi thêm, chưa khẳng định vội. Sau này mỗi khi gặp nhau, tướng Mật nói vui, bảo tôi là “Ồ đây rồi, ông bạn hăng hái nhất chặn tớ đây rồi!”. 

Khi gửi Tâm thư và ký vào “Thư ngỏ 61”, tướng Mật ở tuổi 87, sức khỏe đã yếu. Không lâu sau ông phải vào Quân y viện 108 điều trị bệnh hiểm nghèo. Mỗi lần vào thăm ông, tôi nhận thấy, dù đang nằm trên giường bệnh, nhưng ông luôn đau đáu, trăn trở với hiện tình đất nước, nhất là về mối nghi ngờ của ông đối với Hội nghị Thành Đô. Ông hỏi tôi lý do vì sao không đồng tình với ông về Điều khoản mà ông gọi là “bán nước”, tôi đáp: “Thưa anh, tất cả bọn họ đều u mê về ý thức hệ, họ sẵn sàng đặt quyền lợi của họ lên trên lợi ích quốc gia. Song có lẽ họ chưa ngu muội đến mức có thể bán rẻ Tổ quốc!”. Tôi phân tích thêm: “Vả lại, kẻ thù của ta, chắc anh không xa lạ và còn biết rõ hơn em, chúng là bậc thày trong các quỷ kế gây chia rẽ, ly dán và phân hóa nội bộ ta! Do vậy chúng ta cần hết sức tỉnh táo, thận trọng và cảnh giác để khỏi xa vào mưu đồ xấu xa, hiểm độc của chúng!”. Ông im lặng, tay vỗ nhẹ vào vai tôi, không rõ ông đồng tình hay phản đối? Thế rồi hơn một tháng sau, ngày 20/10/2015, tôi lặng người khi nghe tin ông mất, mang sang thế giới bên kia mối nghi ngờ rất lớn mà ông chưa được Đảng giải đáp!

Nỗi u buồn và vẻ mặt trầm tư của tướng Lê Duy Mật trước ngày ra đi. Ảnh: PVĐ
“Tâm thư” của tướng Mật và “Thư ngỏ 61” của các đảng viên gửi ĐCSVN đã hơn 4 năm rồi mà chẳng có ai hồi âm. Tính đến nay, ngoài tướng Lê Duy Mật, có 4 người khác ký “Thư ngỏ 61” đã ra đi mãi mãi cùng ông! Không rõ Đảng muốn đợi những đảng viên ký “Thư ngỏ 61” ra đi bớt rồi mới trả lời hay là Đảng đợi 2 năm nữa, đúng ngày 4/9/2020, mới chính thức công bố cho toàn dân biết? Những điều họ kiến nghị, hoặc những vấn đề họ yêu cầu làm rõ đều nằm trong quy định những quyền đảng viên được biết và bổn phận Đảng phải làm (Điều 3 Điều lệ Đảng và Điều 4 Hiến pháp). Hơn nữa, câu hỏi mà tướng Mật yêu cầu Đảng làm rõ đâu có phải là của “thế lực thù địch” bịa đặt ra, mà đây là sự tiết lộ của “các đồng chí 4 tốt” của Đảng! Sự việc ở đây thật đơn giản: Nếu CÓ thì bảo là CÓ. Nếu KHÔNG thì bảo là KHÔNG, uẩn khúc ghê gớm gì đâu mà Đảng không dám trả lời?

Trong bài viết ngày 3/8/2014 với nhan đề: “Phải công bố các thỏa thuận ở Thành Đô cho nhân dân biết” (mht!http://boxitvn.blogspot.com/2014/08/phai-cong bo cac thoa thuan o thanh do cho nhan dan biet), người viết bài này kiến nghị: “Xung quanh Hội nghị thượng đỉnh và các thỏa thuận mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc ở Thành Đô, có nhiều phân tích, đánh giá, nhận định và thông tin trái chiều, thậm chí cả những đồn thổi nguy hiểm, bất lợi về mặt dư luận... làm người dân hoang mang, bán tín bán nghi, không biết đâu là hư, đâu là thực! Mọi hiện tượng trên sẽ chấm dứt một khi Đảng và Nhà nước báo cáo cho toàn dân biết sự thật về mối quan hệ VN – TQ, đặc biệt là các thỏa thuận mà lãnh đạo ta đã ký với Trung Quốc ở Thành Đô”. 

Nhà thơ thế sự nổi tiếng Thái Bá Tân mới đây post lên FB của mình bài thơ “Đề nghị Đảng giải thích” (https://www.facebook.com/ThaiBaTan02/posts/517370198724875) nói về việc tướng Lê Duy Mật gửi Tâm thư chất vẩn Đảng mà không được trả lời. Xin mạn phép trích dẫn 4 khổ trong bài thơ nói trên để chia xẻ cùng bạn đọc: 

“Thiếu tướng Lê Duy Mật,

Không phải người hồ đồ,

Vừa tiết lộ một ý

Trong Thỏa hiệp Thành Đô.


“Rằng vì lợi ích đảng,

Đảng ta đã tự mình

Xin làm Khu tự trị

Của chính quyền Bắc Kinh.


“Không thể nào tin nổi.

Nhưng nếu đúng, thì đây

Là tội ác cực lớn,

Loại ngựa xéo, voi dày!


“Tôi là con dân Việt,

Có quyền biết thật hư.

Yêu cầu Đảng giải thích, 

Không một phút chần chừ!

Vâng, thưa nhà thơ Thái Bá Tân, nói rõ thật hư, công khai, minh bạch, không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của Đảng cầm quyền đối với 4 triệu đảng viên của mình và 90 triệu con dân đất Việt! Nếu cứ lặng thinh, từ chối trách nhiệm thì Đảng không xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội như đã ghi trong Điều 4 Hiến pháp 2013!

Ghi chú của người viết:

Bài viết này chắc chắn sẽ không có nếu Đảng không giữ im lặng trong suốt 4 năm qua. Đúng ra, theo lẽ thường tình, khi nhận được “Tâm thư” của tướng Lê Duy Mật và “Thư ngỏ” của 61 đảng viên tâm huyết, Đảng nên có hồi âm hoặc đối thoại dưới hình thức nào đó. Nhưng rất tiếc những điều này không diễn ra, mà là những việc làm ngược lại!

Nếu vì lý do gì đó, Đảng không thể công khai cho nhân dân biết về mối quan hệ giữa 2 nước VN-TQ, đặc biệt là các thỏa thuận đã ký với TQ ở Hội nghị Thành Đô, thì ít ra, Đảng cũng nên lên tiếng phủ nhận và bác bỏ nguồn tin (Điều khoản) do Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo tiết lộ, đồng thời lệnh cho 700 báo đài ở Trung ương và địa phương phản bác, lên án và tố cáo nguồn tin xấu độc này! Và, cũng thật lạ, là tại sao Đảng không chỉ thị cho Ban Đối ngoại hay Người phát ngôn BNG hoặc TTXVN lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc có biện pháp chấm dứt, không để lặp lại những trường hợp tương tự! 


Vậy, vì sao Đảng cứ im lặng mãi, không lên tiếng, và cũng chẳng giải thích để yên lòng dân, mà cứ để ai muốn hiểu sao thì hiểu, muốn nghĩ sao thì nghĩ? Đây chính là nguyên nhân gây nên sự nghi ngờ ngày một lớn trong dư luận người dân, kể cả trong nội bộ Đảng! Lỗi này không phải của ai mà chính là của Lãnh đạo và các cơ quan tham mưu của Đảng! 

Hai thách thức lớn đối với ông TBT Nguyễn Phú Trọng

Ánh Liên (VNTB) Có những thách thức lớn vẫn tìm đến ông TBT Nguyễn Phú Trọng, và hai trong số đó bao gồm cả tham nhũng lẫn vấn đề đặc khu. 

Về vấn đề đặc khu, mặt dù trên danh nghĩa là Bộ Chính trị quyết, tuy nhiên, với tư cách người đứng đầu, ông cũng cho thấy trách nhiệm và cái gật đầu quan trọng của mình đối với dự án này, lớn đến mức, bà Chủ tịch Quốc Hội phải nhanh chóng hối thúc các vị ĐBQH mau chóng thông qua Luật đặc khu. Và khi cuộc biểu tình nổ ra, với sự đông đảo của nhân dân, ông đã nhanh chóng có nhận xét mang tính hà khắc đối với người biểu tình: đó toàn là thành phần bất hảo. Người dân lo ngại đặc khu bởi vấn đề Trung Quốc và an ninh - chủ quyền đối với lãnh thổ, trong bối cảnh bản thân hai ngành bảo vệ chính trị nội bộ và đối ngoại là công an và quân đội đang đối diện với chính những vấn đề tham nhũng bên trong. 

Thường thì, đảng và nhà nước Việt nam sẽ phủi tay về mối lo này, và thực tế, ông TBT Nguyễn Phú Trọng, cũng như các quan chức đầu đảng và nhà nước đã lên tiếng trấn an, trong đó: Mong cử tri hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Vì nước vì dân thôi chứ không có mục đích nào khác, không ai dại dột, ngây thơ giao đất cho nước ngoài để người ta vào đây. Tuy nhiên, sự 'ngây thơ' hay không cũng cần thời gian kiểm chứng, còn kiểm soát những rủi ro dù nhỏ nhất cũng cần phải thực hiện. 


Mặc dù không đề cập đến một cách rộng rãi, nhưng sự ra đời của 3 đặc khu vẫn phải chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, trong đó có cả sự phủ bóng của sáng kiến 'Một vành đai - Một con đường'. Sự phủ bóng này đặc biệt hiện diện đậm nét tại khu vực Phú Quốc, nơi gần gũi với dự án kênh đào Kra (kênh đào Thái Lan) mà Trung Quốc nỗ lực vận động bằng tiền lẫn ảnh hưởng chính trị, gần nhất là cuộc hội thảo vào tháng 02.2018. 

Tiếp đó, Quảng Ninh - nơi đang đẩy mạnh cải cách hành chính - kinh tế cũng mong mỏi sự hiện diện của đặc khu, lãnh đạo tỉnh này cử nhiều đoàn qua thăm và học tập Trung Quốc, hối thúc Quốc Hội sớm thông qua Luật đặc khu, một phần trong đó có nỗ lực của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương lúc đó là Bí Thư tỉnh ủy Quảng Ninh, người đã chỉ đạo và cùng các cơ quan của tỉnh quyết liệt xây dựng Đề án thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn [1].

Vậy nguy cơ ở đây là gì? Mới đây, Thời báo Tài chính (FINANCIAL TIMES) trong một bài viết ngắn gọn ngày 14.08.2018 đã dẫn nguồn tin từ FireEye, cáo buộc Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng sáng kiến 'Một vành đai - một con đường' để gián điệp. Theo các chuyên gia tổ chức này, Bắc Kinh sử dụng dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ để theo dõi các công ty và quốc gia cũng như giảm bớt bất đồng. 

'Một trạm chuyển phát dữ liệu' nằm trong tổ hợp dự án thương mại điện tử, Viện Khổng Tử, mạng viễn thông, công ty vận tải, khách sạn, tổ chức thanh toán tài chính và công ty logistics sẽ gửi dữ liệu qua back-end đến một trung tâm phân tích tập trung ở Trung Quốc. 

Hãy tưởng tượng dự thảo Luật đặc khu không có chữ Trung Quốc nào, nhưng tâm thế dựa vào sáng kiến 'Một vành đai - một con đường' đã hiện diện, và bản thân những nhà đầu tư Trung Quốc khá thoáng tay trong việc chi tiền xây các dịch vụ - thương mại tại một nơi mà được 'ưu đãi và bình đẳng', sẽ không có sự phân biệt giữa công ty Trung Quốc hay Nhật Bản, chỉ có thương mại. Cái khác là Trung Quốc chi nhiều tiền và một 'trạm chuyển phát dữ liệu' trên sẽ mọc không chỉ ở Phú Quốc hay Vân Đồn, mà cả Bắc Vân phong. Sự bảo mật và sự sẵn sàng, tiềm lực cho cuộc chiến tranh điện tử của Việt nam hoàn toàn yếu kém. Việt nam chỉ có luật về an ninh mạng nhằm 'bảo vệ chế độ', trong đó nhắm đến các mục tiêu bất đồng chính kiến hơn là các chủ thể bên ngoài. 

Ngoài ra, nhiều quan điểm cho rằng, ba đặc khu kinh tế lần này là phòng thí nghiệm cho cải cách thể chế, tuy nhiên - liệu có đủ thời gian để nghiệm ra đường đi cho cải cách thể chế, hay tất cả sẽ trở thành thí nghiệm cho một tổ hợp mất an ninh - đầu cơ đất và đe doạ chủ quyền quôc gia?

Vấn đề thứ hai là tham nhũng, vừa qua, TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên bố 'tham nhũng đang được kiềm chế'. Chiến dịch đốt lò chạm đến các vị tướng tá trong quân đội trong công an, đó là điều đáng mừng. Nhưng để sử dụng cụm từ 'đang được kiềm chế' là còn quá sớm. Để cụm từ này được hiện diện, thì Yên Bái hay các trạm BOT, thậm chí là câu chuyện của ông Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá tên Trịnh Văn Chiến - phải được đặt lên bàn chiến dịch. Nhưng không, hiện giờ những yếu tố này đã không còn hiện diện nhiều về mặt báo chí, và thậm chí như vụ Biệt phủ Yên Bái hoàn toàn chìm. Nó cho thấy, chiến dịch đốt lò vẫn chưa thực sự trọng tâm vào mục tiêu chống tham nhũng. 

Đặc khu hiện nay nổi bật vấn đề chủ đạo: đầu cơ đất
Tiếp đấy, 'kê khai tài sản' là khâu đầu tiên và quan trọng bậc nhất của kiềm chế và đẩy lùi tham nhũng, nhất là trong giải quyết bài toán liên quan đến BOT hay biệt phủ Yên Bái. Tuy nhiên, ông Tổng Bí thư lại cho rằng, kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm. Rõ ràng, nếu một người đứng đầu còn tư duy nhạy cảm, thì lấy cớ gì để bảo rằng, 'chống tham nhũng là không có vùng cấm'? Khi kê khai tài sản chưa được thực hiện, thì lấy cớ gì để khẳng định rằng, 'tham nhũng đang được kiềm chế'. Nói cách khác, cuộc chiến chống tham nhũng hiện tại có xu hướng thực hiện ở phần 'ngọn'. Chưa kể, bản thân ông Tổng Bí thư - người được là 'thanh liêm', tuy nhiên, ông lại phớt lờ đề nghị đòi công khai tài sản cá nhân từ nhóm trí thức trong nước. Vậy thì, 'kê khai tài sản' cán bộ dưới quyền ông (về mặt đảng) thế nào cho được? 

Bây giờ hãy trộn lẫn cả hai vấn đề 'đặc khu' và 'tham nhũng' vào một để cho thấy tính cộng sinh của nó. Đất đai ở ba đặc khu được làm giá trên trời, và đầu cơ đang tiếp tục diễn ra một cách sôi động, ngay cả trong đội ngũ quan chức cấp cao. Và chuyện đầu cơ (hay dưới lớp từ mỹ miều là 'sốt đất) lại được ông Bộ trưởng Bộ TN&MT đánh giá là 'đương nhiên'. Người dân nhìn vào 3 đặc khu chỉ nổi lên mỗi cụm từ 'mua đất - bán đất', thậm chí, có một thông tin được kháo nhau giữa các nhà báo trong nước, là đặc khu sẽ được thông qua vì quan chức nhà nước nhờ người đứng tên những lô đất lớn. 

Những phi vụ 'mua đất' ở đặc khu, bởi những quan chức đảng và nhà nước lại đặt ra câu hỏi: tiền đâu? Khi câu trả lời không mang tính thuyết phục, thì câu hỏi sẽ đặt tiếp ra: làm thế nào? Vậy thì lúc này sẽ phải tiến hành kê khai tài sản những người mua đất nhiều nhất ở 3 đặc khu này, như một quá trình đầu tiên để chống tham nhũng, thậm chí gián tiếp là chống 'đầu cơ đất'. Dù thế, có vẻ vấn đề này vượt quá tầm với, ngay cả với ông TBT Nguyễn Phú Trọng, và vì vậy, lợi dụng đặc khu để tham nhũng hay tham nhũng để hình thành đặc khu trở thành hai thách thức lớn nhất, về cả mặt 'nói và làm' đối với 'người đốt lò vĩ đại' - Nguyễn Phú Trọng, không chỉ bây giờ, mà cả về sau. 

Khi không trả lời được cả hai thách thức này, thì mọi phát ngôn 'vì dân' sẽ tiếp tục được đánh dấu hỏi. Và có lẽ, đây là một thách thức không hề dễ dàng vượt qua nỗi với thể chế hiện tại.

Chú thích:

[1] http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=398458