Monday, December 4, 2017

Nhật Ngân là tác giả duy nhất của "Tôi Đưa Em Sang Sông"

Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm Lược: Dựa vào ca khúc "Ngày Cưới Em" của nhạc sĩ Y Vũ và ca khúc "Vẫn Mơ Về Đà Nẵng" của nhạc sĩ Nhật Ngân cộng thêm với "chữ ký" đặc thù của nhạc sĩ Nhật Ngân và các chi tiết phù hợp khác, ta có thể kết luận với xác suất gần như chắc chắn rằng Nhật Ngân là tác giả duy nhất của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông." Lời phủ nhận của nhạc sĩ Y Vũ về cảnh tượng sông, bến, thuyền mô tả trong bài hát là cái tát vào mặt giới nhạc sĩ và văn chương nghệ thuật. Việc nhạc sĩ Y Vũ tự nhận là tác giả có thể do bởi sự thay đổi bản chất con người dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam, đi ngược với sự công minh trung thực của người dân Việt thuộc miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

****

Dạo gần đây có nhiều tin tức và bài vở về vụ ai là tác giả thực sự của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông," một ca khúc rất thịnh hành trong miền Nam Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 (Xem, thí dụ như, HTV 2017, Nguyễn 2009, Nguyễn Dư 2017, Nguyễn Hằng 2017, Trần 2017, Võ 2017, Vương 2013). Lý do cho việc tranh cãi là bìa nhạc ghi tên hai nhạc sĩ Y Vũ và Nhật Ngân, nhưng cả hai nhạc sĩ đều tuyên bố họ là tác giả duy nhất. 

Nhạc sĩ Nhật Ngân có giải thích lý do tại sao tên của nhạc sĩ Y Vũ được ghi trên bìa nhạc. Đó là vì nhạc sĩ Y Vân, anh của nhạc sĩ Y Vũ, muốn giúp Nhật Ngân hoặc em mình có tên tuổi nên cho cả hai làm đồng tác giả. Nhạc sĩ Nhật Ngân cho biết ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" nói về chuyện tình của ông với một cô nữ sinh khi ông ở Đà Nẵng. Câu chuyện đó được đăng tải rộng rãi nhiều năm trước ngày nhạc sĩ Nhật Ngân mất vào năm 2012 tại Hoa Kỳ. Nhạc sĩ Y Vũ, sống tại Việt Nam, kể chuyện tình của ông với cô bạn gái tại trường trung học tại Sài Gòn đưa đến cảm hứng viết bài hát. Vào tháng 11 năm 2017, nhạc sĩ Y Vũ qua nhiều cuộc phỏng vấn trên truyền hình tại Việt Nam tuyên bố ông là tác giả duy nhất, và ông công bố bản thảo viết tay của ca khúc đó ghi ngày 5-6-1962 (Xem, thí dụ như, Anh 2017, Dạ 2017, HTV 2017, Tạ 2017). 

Sau khi đọc xong bài của anh Trần Trung Đạo (Trần 2017), tôi mới biết đến vụ tranh cãi này lần đầu. Khi nhạc sĩ Y Vũ tuyên bố ông là tác giả duy nhất sau khi nhạc sĩ Nhật Ngân (và cả nhạc sĩ Y Vân) không còn sống để đối chất, nhạc sĩ Y Vũ gián tiếp nói rằng nhạc sĩ Nhật Ngân nói láo. Vì lòng kính trọng nhạc sĩ Nhật Ngân và vì muốn bảo vệ tính chất công minh chính trực của người Việt không cộng sản, tôi quyết định tìm tòi sự thật.

Đã có nhiều bài phân tích về những lý do, về các câu trong bài hát, về sự im lặng của nhạc sĩ Y Vũ trong nhiều năm khi ông có dịp đối chất với nhạc sĩ Nhật Ngân khi nhạc sĩ Nhật Ngân còn sống, so sánh lời ca giữa hai bài "Tôi Đưa Em Sang Sông" và "Ngày Cưới Em," về tính chất hợp lý của bản thảo của nhạc sĩ Y Vũ, và vài chi tiết khác (Xem, thí dụ như, Nguyễn Dư 2017, Trần 2017). Tôi sẽ không nhắc lại những phân tích này và sẽ chỉ trình bày những bằng chứng khác dựa vào lời tuyên bố của nhạc sĩ Y Vũ, lời ca của các bài hát liên hệ, và những chi tiết phù hợp với câu chuyện.

A. Hai ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" và "Ngày Cưới Em" nói về hai mối tình khác nhau và không thể là một câu chuyện phù hợp:

Trong một tài liệu ghi cuộc phỏng vấn với nhạc sĩ Y Vũ tại buổi quay hình "Ca Sĩ Bí Ẩn" (ngày phỏng vấn không biết rõ, nhưng tài liệu đó được đăng vào ngày 31-7-2017), có đoạn sau:

Tại buổi quay hình “Ca sĩ bí ẩn” mới đây, nhạc sĩ Y Vũ tiết lộ người con gái trong ca khúc “Tôi đưa em sang sông” chính là người mà ông luôn nhức nhối và khó quên nhất. Dù Y Vũ đã trao trọn tình cảm, sự yêu thương cho người yêu nhưng cô gái vẫn quyết sang ngang với người đàn ông khác tốt hơn và có cuộc sống đầy đủ hơn. “Cô người yêu đi lấy một ông bác sĩ rất giàu”, ông nhớ lại. Vì quá đau lòng, ông đã viết ca khúc “Tôi đưa em sang sông”.

Nhạc sĩ Y Vũ chia sẻ thêm, sau đó 6 tháng, ông lại nhận được thiệp hồng mời đến dự đám cưới của người yêu cũ. Ông ngồi trong sảnh cưới chỉ có một mình với tâm trạng buồn, lẻ loi. Sau khi về, vì quá tủi thân, nhạc sĩ đã cho ra đời ca khúc “Ngày cưới em” để nói lên tâm trạng cô đơn lúc bấy giờ của mình.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình (HTV 2017), nhạc sĩ Y Vũ kể lại câu chuyện có cùng diễn tiến. Ông nói người yêu ông có đám hỏi khiến ông đau khổ và trở về nhà sáng tác ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" trong đêm đó. Vài tháng sau, ông được mời dự đám cưới của nàng, dẫn đến ca khúc "Ngày Cưới Em."

Tuy nhiên, thứ tự tình tiết đó không phù hợp với lời ca trong bài "Tôi Đưa Em Sang Sông." Lời bài hát có các đoạn sau:

Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim
. . .

Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền?
Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân.

Do đó, tác giả rõ ràng kể lại câu chuyện tình trong đó chuyện tình tan vỡ và hai người chia tay ("tôi đưa em sang sông") và sau đó cô gái làm đám cưới lấy chồng ("Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền?... nhìn xác pháo vướng gót chân"). Ai cũng biết xe hoa và xác pháo là hình ảnh của đám cưới, không phải là đám hỏi.

Làm sao có chuyện vì quá đau lòng, nhạc sĩ Y Vũ đã viết ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" và sau đó 6 tháng nhận được thiệp hồng mời đến dự đám cưới của người yêu cũ? Câu chuyện nhạc sĩ Y Vũ kể phù hợp với ca khúc "Ngày Cưới Em" nhưng không phù hợp với ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông." Bài "Ngày Cưới Em" có đoạn sau:

Ngày xưa đưa em sang sông
Ngày nay đưa em bước sang ngang

Ta thấy ngay đoạn đó cho thấy ca khúc "Ngày Cưới Em" không thể nào là "hiệp sau" của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông." Hai bài "Tôi Đưa Em Sang Sông" và "Ngày Cưới Em" kể hai chuyện tình khác nhau. Trong bài "Tôi Đưa Em Sang Sông," cô gái "sang sông" và "sang ngang" trong cùng bài hát. Trong bài "Ngày Cưới Em," cô gái "sang sông" trước bài hát và "sang ngang" trong bài hát.

Sẽ có người cãi rằng, việc "sang ngang" trong bài "Tôi Đưa Em Sang Sông" là việc tác giả tưởng tượng trong tương lai. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng thêm, trình bày sau đây, xác định rõ ràng việc "sang ngang" đó là việc thực sự xảy ra lúc ấy.

B. Ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" có "chữ ký" đặc thù của nhạc sĩ Nhật Ngân:

Tác giả ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" mô tả cảnh tượng rất rõ và cụ thể là việc đang xảy ra vào thời hiện tại: vào giờ phút cuối tiễn nàng và chàng nhìn xác pháo vướng gót chân. Ngoài ra, đó là đặc điểm lời ca của nhạc sĩ Nhật Ngân.

Ta nên nhận ra một nét độc đáo của tác giả với cách dùng "cho thấy, đừng kể" và "chú trọng vào chi tiết rõ rệt" và các từ ngữ dùng rất đơn giản, không sáo rỗng, qua các nhóm chữ "thấm ướt chiếc áo xanh," "đẫm ướt mái tóc em," "bàn tay nâng niu," "bến đất lấm gót chân," "bến gió buốt trái tim," "bước chung một lối mòn," "xác pháo vướng gót chân," và "lấm trong bùn khi mưa." Đặc biệt, "lấm," "gót chân" là các chi tiết đặc thù và tạo ấn tượng mạnh, nhất là tác giả dùng đi dùng lại nhiều lần. Các kỹ thuật đó là đặc điểm của nhạc sĩ Nhật Ngân như trong bài "Một Mai Giã Từ Vũ Khí" (Cao-Đắc 2014). 

Ngược lại, nhạc sĩ Y Vũ dùng chữ thiên về "kể" nhiều hơn "cho thấy" và tổng quát thay vì chi tiết đặc thù, và thường dùng từ ngữ sáo rỗng, cầu kỳ chải chuốt qua những nhóm chữ trong ca khúc "Ngày Cưới Em" như "men nồng nào hoa thơm," "môi hồng nào giá phấn," "áo muôn sắc đua chen," "ngời ánh đêm," "nụ cười ngát hương," "ly rượu mừng tơ duyên," và "dĩ vãng là bóng mây."

Một nhạc sĩ, thi sĩ, và văn sĩ thường có có lối diễn tả ý tưởng, cách dùng chữ đặc biệt, tình tiết câu chuyện, bố cục, và cách dàn xếp ý tưởng phản ảnh các tính chất đặc thù của tác giả, và có thể coi là "chữ ký" của tác giả trên tác phẩm của họ. Đặc biệt, khi một nhạc sĩ, thi sĩ, và văn sĩ viết một tác phẩm là phần tiếp theo của tác phẩm trước, họ luôn luôn giữ các chi tiết trong câu chuyện phù hợp. Lý do đơn giản là không ai muốn làm lẫn lộn độc giả, và hủy hoại câu chuyện và các nhân vật trong câu chuyện của mình. 

Vẫn sẽ có người cãi rằng một tác phẩm nghệ thuật có khía cạnh tưởng tượng, và không nhất thiết đi theo đúng một câu chuyện thật. Tuy nhiên, không ai bắt nhạc sĩ Y Vũ tuyên bố ca khúc "Ngày Cuới Em" là phần tiếp theo của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông." Ông nói rõ rằng ông quá đau lòng khi người yêu "sang sông" mà viết "Tôi Đưa Em Sang Sông" rồi sau đó khi nàng "sang ngang" mới viết "Ngày Cưới Em." Chính ông tự khai ra. 

C. Ca khúc "Vẫn Mơ Về Đà Nẵng" cho biết thêm chi tiết và phù hợp với câu chuyện tình của nhạc sĩ Nhật Ngân:

Quan trọng hơn, có thêm một bằng chứng hùng hồn cho thấy nhạc sĩ Nhật Ngân là tác giả duy nhất của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông." Đó là nhạc phẩm tiếp theo ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông." Đó là bài "Vẫn Mơ Về Đà Nẵng" do nhạc sĩ Nhật Ngân viết (Nhật Ngân).

Bài "Vẫn Mơ Về Đà Nẵng" có đoạn sau:

Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi
Nơi cho tôi những mơ mộng đầu đời
Nơi cho tôi hạnh phúc tình lên hương
Phan Chu Trinh đón đưa chiều tan trường
Ai nỡ đành vội vàng sang sông.

Ta nhận ra đoạn này cho thấy rõ ràng ca khúc "Vẫn Mơ Về Đà Nẵng" là phần tiếp theo của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông," nhưng tiếp theo sau một quãng thời gian khá xa. Câu chuyện thật phù hợp và ăn khớp từng ly từng tý. Câu "Nơi cho tôi những mơ mộng đầu đời" cho thấy đó là mối tình đầu của ông. Câu "Ai nỡ đành vội vàng sang sông?" xác định rằng người yêu đầu tiên của ông vội vàng sang sông. Đặc biệt, nhạc sĩ Nhật Ngân tiết lộ một chi tiết lý thú: cô gái đó là nữ sinh trường Phan Chu Trinh ("Phan Chu Trinh đón đưa chiều tan trường"). Chi tiết này không bất ngờ lắm, vì nhạc sĩ Nhật Ngân là cựu học sinh trường Phan Chu Trinh. Do đó, việc ông có người yêu học cùng trường là có vẻ hữu lý. 

Tại sao chi tiết cô gái là nữ sinh trường Phan Chu Trinh lý thú? Vì nó xác định thêm nữa sự phù hợp giữa lời ca trong bài "Tôi Đưa Em Sang Sông" và cuộc đời của nhạc sĩ Nhật Ngân.

Thứ nhất, ta hãy tìm hiểu thêm về vị trí địa lý của trường Phan Chu Trinh vì vị trí này liên hệ tới các chi tiết trong bài hát. Bài hát có câu "Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim." Khung cảnh đó có phải là khung cảnh gần trung học tư thục Hàn Thuyên ở phố Cao Thắng hoặc ngã bảy Lý Thái Tổ, nơi mà nhạc sĩ Y Vũ kể về mối tình của ông, không? Tôi sống trong Sài Gòn trong thời niên thiếu trong thập niên 1960 và không nhớ có con sông nào thơ mộng hoặc có "bến đất" hay "bến gió." Ngoài ra, ở Sài Gòn có thể có "gió buốt trái tim" không? Gió buốt tim là phải lạnh lắm, nhưng theo trí nhớ tôi, khó mà có cảnh gió buốt tim. Nhiệt độ trung bình ở Sài Gòn là 25oC - 27oC. Ngược lại, tại Đà Nẵng, vào cuối tháng 11 cho tới tháng 2, nhiệt độ trung bình là 18oC. Gió bên sông ở nhiệt độ đó dư sức làm buốt tim.

Trước khi tới Sài Gòn, tôi cũng sống ở Đà Nẵng, nhưng lúc ấy còn quá bé nên không nhớ có sông, bến nào. Tuy nhiên, khi ta xác nhận cô gái trong bài "Tôi Đưa Em Sang Sông" học ở trường Phan Chu Trinh thì việc trở nên dễ dàng. Việc này có lẽ phải nhờ độc giả nào sinh sống tại Đà Nẵng trong khoảng thập niên 1960 cho biết ý kiến rõ rệt hơn. Nhưng ta có thể coi bản đồ và hình ảnh trên Internet. 

Theo Website của trường Phan Chu Trinh thì "[n]ăm học 1954 - 1955, trường được xây dựng tại 167 Lê Lợi (cơ sở cũ của trường hiện nay) và chính thức được mang tên trường trung học Phan Châu Trinh. Từ năm học 2004 - 2005, trường xây dựng thêm cơ sở mới tại 154 Lê Lợi." (Trường THPT Phan Chu Trinh). Dựa vào bản đồ trên Google, trường Phan Chu Trinh ở gần sông Hàn, cách độ 700 mét, đủ ngắn để cặp tình nhân bách bộ "chung một lối về" hoặc "bước chung một lối mòn." Tôi không rõ khoảng thập niên 1960, đường xá từ trường Phan Chu Trinh tới sông Hàn hoặc một bến nào gần đó như thế nào. Nhưng việc "bến đất lấm gót chân" và "[g]ót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn" rất có thể xảy ra vào thập niên 1960 khi đường xá chắc chỉ là đường đất đầy bùn. 

Thứ nhì, bài hát có câu "Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em." Câu đó cho thấy cô gái đi học mặc áo xanh, tạo ấn tượng mạnh vào tâm não người nhạc sĩ. Lúc ấy đồng phục nữ sinh trường Phan Chu Trinh màu gì? Té ra đồng phục các cô là áo dài trắng và quần trắng trong các ngày (trừ thứ hai) một tuần, và "[á]o dài màu thiên thanh dành cho ngày thứ hai mỗi tuần để chào cờ, để chăm chú hát Quốc ca và khúc khích trong Hiệu Đoàn ca" (Phước Khánh 2012).

Như vậy, cô gái quả thực mặc áo xanh, dù chỉ có một ngày một tuần. Tại sao tác giả chọn màu xanh thay vì màu trắng? Có thể vì lý do vần. Giai điệu trong đoạn ấy cần âm không dấu (vần bằng) nghe xuôi tai hơn dấu sắc (vần trắc). Tuy vần điệu là lý do chính đáng, theo tôi, lý do ý nghĩa màu xanh quan trọng hơn. Với kiểu diễn tả "cho thấy, đừng kể" và "chú trọng vào chi tiết rõ rệt," nhạc sĩ Nhật Ngân muốn ghi nhận một khía cạnh đặc biệt nào đó. Áo dài trắng khá thông thường và có thể không vẽ ra một hình ảnh nên thơ bằng màu xanh.

D. Nhạc sĩ Y Vũ phủ nhận sông và đò trong lời ca, cho thấy ông coi thường giới nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, và khán giả:

Như trình bày ở trên, các chi tiết trong lời ca về bến sông, gió buốt hoàn toàn tương phản với cảnh trường Hàn Thuyên ở Sài Gòn trong chuyện tình nhạc sĩ Y Vũ, nhưng phù hợp khít khao với cảnh trường Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng trong chuyện tình nhạc sĩ Nhật Ngân.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Y Vũ phủ nhận ngay chính lời ca trong bài về sông và đò. Trong chương trình "Hát Câu Chuyện Tình" vào khoảng giữa tháng 11 năm 2017 (HTV 2017), về bức tranh trong tờ nhạc vẽ hình người lái đò chở cặp tình nhân trên chiếc đò qua sông (Hình 1), nhạc sĩ Y Vũ nói, "Bức ảnh do họa sĩ Duy Liêm ngày xưa vẽ. Vẽ là theo cái tựa của đề 'Tôi Đưa Em Sang Sông. ' chỉ nghĩ rằng đưa sang sông là đưa một con đò, nhưng mà sự thật sau khi tôi đau khổ mối tình, đêm về tôi nghĩ hai câu thơ của Thâm Tâm là 'Đưa người, ta không đưa qua sông. Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng.' Tôi viết bài này là theo sự trừu tượng chứ không phải hình ảnh thế này. Không có bến nước và con đò nào hết." 

Ông nói thêm về sông ở Sài Gòn, "Không có sông. Nhà ở giữa trung tâm Sài Gòn. Làm sao có sông? Có mỗi sông Bạch Đằng nó đi xa lắm."


Hình 1: Bức tranh minh họa trang bìa của tờ nhạc bài "Tôi Đưa Em Sang Sông."

Câu phủ nhận đó của nhạc sĩ Y Vũ quả thực là lời bào chữa dễ dàng và giúp ông thoát khỏi những căn vặn, thắc mắc về quang cảnh sông đò, bến, đường bùn, và gió buốt tim. Nhưng việc đó dẫn đến một lỗ hổng còn to khủng khiếp hơn, vì nó lả cái tát vào mặt giới nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, và các nhà nghệ thuật.

Khi nhạc sĩ Y Vũ phủ nhận sự hiện hữu các hiện thực trong lời ca, ông biến những tác phẩm nghệ thuật nghiêm trang thành những bức hí họa, những trang điểm trơ trẽn vô hồn, những lời giả tạo vô tình, và những lớp son phấn vô nghĩa. Nhạc sĩ Y Vũ coi thường cái giá trị cao cả và thiêng liêng nhất của nghệ thuật, nhất là nghệ thuật của ngôn ngữ, phương tiện trao đổi ý tưởng và biểu lộ tâm hồn sâu đậm nhất của con người. 

Cái giá trị đó là sự thật.

Sự thật là mục tiêu tối thượng của nghệ thuật. Bên cạnh sự thật là sắc đẹp. Nghệ thuật là mô tả sự thật bằng sắc đẹp. Sự thật, do đó, là cứu cánh, và sắc đẹp là phương tiện. "Trí tưởng tượng con người có cách độc đáo để diễn tả sự thật và thực tế. Nó dùng ngôn ngữ của những hình ảnh và cảm giác cụ thể để ghi nhận một ý thức cho cuộc đời và kinh nghiệm con người" (UMHB). Người nhạc sĩ, thi sĩ, hoặc văn sĩ dùng ngôn từ để biểu lộ ý tưởng và cảm xúc qua những diễn tả của sự thật. Cách diễn tả có thể do trí tưởng tượng, nhưng đối tượng luôn luôn là sự thật. Chính cái tương tác giữa các hiện vật, cảnh thiên nhiên với con người nói lên nỗi bi thương, cơn đau khổ, niềm hạnh phúc, lòng can đảm, của con người với Tạo Hóa. Mối liên quan giữa sự thật và cách diễn tả sự thật được gói ghém sâu sắc nhất qua câu nói bất hủ của Jean Couteau, văn sĩ Pháp: "Thi sĩ là kẻ nói láo luôn luôn nói thật."

Bạn không thể diễn tả một mối tình ngây thơ trong trắng bằng những hiện vật tưởng tượng, vì những hiện vật, cảnh tượng ghi nhận những gì thực sự xảy ra, và đó là cái thiêng liêng cao quý mà bạn muốn ấp ủ và nhớ lại những gì tốt đẹp trong quá khứ. Bạn không thể kể tình yêu của mẹ bạn bằng những tưởng tượng về cảnh một con trâu xả thân, hy sinh tánh mạng mình trước mong vuốt sư tử để cứu con.

Những câu "để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em," "sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim," "bằng xe hoa thay con thuyền," và "gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa" là những diễn tả mộc mạc nhưng chân thành của tình yêu chàng trai dành cho cô nữ sinh trẻ. Tác giả chắt chiu ghi nhận nỗi lo sợ vu vơ về bùn đất lấm gót chân người yêu và làn gió lạnh bên con sông làm buốt giá tâm hồn. Tác giả làm sống lại nỗi ngại ngùng, e dè, thương yêu, và trìu mến qua những hình ảnh đơn sơ nhưng đem lại cảm xúc mạnh mẽ. 

Làm sao những hình ảnh đó chỉ là cách diễn tả "theo sự trừu tượng"?

E. Chế độ cộng sản tại Việt Nam có thể đã thay đổi bản chất con người đi theo gian dối bất chấp đạo đức và lương tri:

Câu chuyện của Y Vũ nhận mình là tác giả duy nhất của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" làm tôi liên tưởng tới câu chuyện Án Anh (người nước Tề) ứng đối với vua Sở. Câu chuyện như sau (Kipkis).

Án Anh (tức Án Tử) là con một vị tướng nước Tề thời Chiến Quốc. Ông nổi tiếng là có tài ứng đối giỏi. Trong dịp Án Anh sang thăm nước Sở, vua Sở muốn làm nhục Án Anh. Khi Án Anh đến nơi, vua Sở đãi tiệc trọng thể. Trong lúc uống rượu thì quân lính Sở áp giải một người bị trói vào. 

Vua Sở hỏi, "Tên kia có tội gì mà phải trói?"

Một tên lính thưa, "Tên này là người nước Tề phạm tội ăn trộm."

Vua Sở mỉm cười chế nhạo, nói với Án Anh, "Người quý quốc hay trộm cắp nhỉ?"

Án Anh bình tĩnh trả lời, "Người ở nước Tề chúng tôi không quen trộm cắp, nhưng sang nước Sở lại sinh ra ăn trộm có lẽ cũng là vì thủy thổ giữa bản quốc và quý quốc khác nhau chăng?"

Án Anh muốn chế giễu ngược lại rằng tập quán hoặc lối sống ở nước Sở đã biến đổi một người lương thiện thành kẻ trộm cắp. 

Câu chuyện Án Anh có thể được áp dụng cho trường hợp nhạc sĩ Y Vũ. Chế độ cộng sản có thể biến đổi bản chất con người. Trước năm 1975, nhạc sĩ Y Vũ không hề phát biểu ý kiến gì cả, khi còn sống trong miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, và dường như hài lòng với việc đồng tác giả cho ca khúc. Chỉ sau khi cộng sản chiếm đóng miền Nam, ông mới dần dần thay đổi. Trước đây, ông kể chuyện tình của ông, nhưng không nhận mình là tác giả duy nhất ngay. Sau đó, ông thay đổi thái độ và tuyên bố ông là tác giả duy nhất vào tháng 11, 2017 và ông còn tiện nghi có được bằng chứng cụ thể qua tờ bản thảo viết tay có ghi tên và ngày tháng.

Ông nói, "Nghe nói tiền bản quyền ca khúc bên Mỹ cao lắm, mà hàng chục năm qua tôi không được một đồng." (Anh 2017). Ông cho biết lý do tại sao ông tuyên bố ông là tác giả duy nhất. "Tiền tôi cũng rất cần nhưng điều tôi cần hơn là danh dự. Thời gian qua tôi đã phải mang nỗi buồn này quá lớn rồi. Tôi biết Nhật Ngân mất rồi mình không nên làm lớn, nhưng đây là danh dự của bản thân tôi. Ở tuổi này rồi tôi còn bon chen gì nữa đâu." (Dạ 2017).

Điểm lạ lùng là ông vẫn không giải thích lý do tại sao ông không tuyên bố sớm hơn, khi nhạc sĩ Nhật Ngân còn sống? Nếu danh dự là việc quan trọng với ông, thì tại sao ông không nghĩ danh dự cũng là việc quan trọng với nhạc sĩ Nhật Ngân? Lời tuyên bố của ông là lời buộc tội nhạc sĩ Nhật Ngân nặng nề nhất.

Tuy nhạc sĩ Y Vũ nói ông chỉ muốn lấy lại danh dự, nhưng ông không phủ nhận việc ông sẽ đòi chia tiền bản quyền. Do đó, việc lấy tiền bản quyền là một lựa chọn. Ai hiện đang sở hữu bản quyền tác phẩm có thể muốn thương lượng với ông, hoặc ông có thể kiện cáo. Tuy nhiên, nếu nhạc sĩ Y Vũ xúc tiến việc thương lượng cho tiền bản quyền với người sở hữu bản quyền, xác suất thành công sẽ rất nhỏ như được trình bày sau đây.

F. Học Thuyết Ngăn Chận sẽ cản trở nhạc sĩ Y Vũ trong việc đòi tiền bản quyền:

Về khía cạnh luật pháp, tôi không rõ có những dàn xếp về bản quyền của nhạc sĩ Y Vũ thế nào tại Việt Nam trước ngày 30-4-1975. Do đó, tôi không rõ mọi việc sẽ thế nào nếu có kiện cáo. Tuy nhiên, dựa vào những gì được biết, tôi nghĩ nhạc sĩ Y Vũ có xác suất thành công rất ít trong việc đòi tiền bản quyền cho ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" tại Hoa Kỳ.

Tôi đã trình bày vấn đề này trong một bài khác (Cao-Đắc 2015). Đại khái, trong luật pháp, một học thuyết căn bản về việc bị mất quyền lợi là "Học Thuyết Ngăn Chận" (Doctrine of Estoppel). Một cách vắn tắt, Học Thuyết Ngăn Chận không cho phép một người chối bỏ cái gì đã được thiết lập là sự thật qua hành động ngay chính của người đó, rõ rệt hoặc hiểu ngầm (Cao-Đắc 2015, Wikipedia 2017). Học Thuyết Ngăn Chận dựa vào im lặng có thể được giải thích như sau. Khi B làm những hành động dựa vào sự tin tưởng lầm lẫn rằng quyền nào đó của A là thuộc về B; và A, biết đến hành động này của B, giữ im lặng và không đòi lại quyền của mình, thì A bị mất quyền đó nếu B chịu thiệt thòi khi phải trả lại A quyền đó (Xem, Cao-Đắc 2015). 

Áp dụng học thuyết này vào trường hợp nhạc sĩ Y Vũ, vì ông giữ im lặng trong suốt thời gian bản nhạc ra đời và sau khi nhạc sĩ Nhật Ngân định cư ở Hoa Kỳ, mặc cho việc nhạc sĩ Nhật Ngân đã kể câu chuyện của mình trên các phương tiện truyền thông rộng rãi, nhạc sĩ Y Vũ coi như bị mất bản quyền, thí dụ ông có. Nhạc sĩ Y Vũ chỉ có thể mong có được một luật sư giỏi để thương lượng người hiện sở hữu bản quyền, nhưng có thể lệ phí luật sư rất cao và nhiều khi có thể mất tiền thêm. 

Đó là không kể nhạc sĩ Y Vũ có thể sẽ phải đương đầu với vụ kiện về việc ông phỉ báng hoặc bôi nhọ thanh danh của nhạc sĩ Nhật Ngân. Khi ấy, những bằng chứng, vật chứng, lời khai, sẽ được đưa ra và xem xét kỹ lưỡng, kể cả việc giám định giấy tờ bằng các phương pháp khoa học.

G. Kết Luận:

Việc tranh cãi về tác giả của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông" đã kéo dài nhiều năm. Tôi nghĩ việc đó nên chấm dứt. 

Nhạc sĩ Nhật Ngân đã tuyên bố ông là tác giả duy nhất và câu đó được truyền bá rộng rãi. Nhạc sĩ Y Vũ biết đến việc đó, nhưng giữ im lặng. Chỉ đến khi nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời, nhạc sĩ Y Vũ mới tuyên bố rầm rộ chính ông là tác giả duy nhất. Tuy nhiên, những chứng cớ hùng hồn gồm có hai bản nhạc tiếp theo "Ngày Cưới Em" của nhạc sĩ Y Vũ và "Vẫn Mơ Về Đà Nẵng" của nhạc sĩ Nhật Ngân, và những chi tiết và nét đặc thù trong lời ca cho thấy nhạc sĩ Nhật Ngân quả thật là tác giả duy nhất của ca khúc "Tôi Đưa Em Sang Sông."

CẢM TẠ

Tôi xin cảm tạ chị Mỹ Thanh có lời khích lệ và cho tôi biết đến video clip trên YouTube về cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Y Vũ trên truyền hình trong chương trình "Hát Câu Chuyện Tình."

Tài Liệu Tham Khảo:

Anh Thư. 2017. Nhạc sĩ Y Vũ: Tôi mất trắng tiền bản quyền 'Tôi đưa em sang sông' ở hải ngoại. 17-11-2017. https://thanhnien.vn/van-hoa/nhac-si-y-vu-toi-mat-trang-tien-ban-quyen-toi-dua-em-sang-song-o-hai-ngoai-901044.html (truy cập 3-12-2017).

Cao-Đắc Tuấn. 2014. "Một Mai Giã Từ Vũ Khí". 22-8-2014.http://danlambaovn.blogspot.com/2014/08/mot-mai-gia-tu-vu-khi.html (truy cập 3-12-2017).

_________. 2015. "Tiếng Gọi Công Dân". 15-5-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/05/tieng-goi-cong-dan.html (truy cập 3-12-2017).

Dạ Ly. 2017. Nhạc sĩ Y Vũ: 'Muốn lấy lại danh dự từ Tôi đưa em sang sông' 19-11-2017https://thanhnien.vn/van-hoa/nhac-si-y-vu-muon-lay-lai-danh-du-tu-toi-dua-em-sang-song-901511.html (truy cập 3-12-2017).

HTV Entertainment. 2017. Nhạc sĩ Y Vũ 34 lần "đưa em sang sông". 18-11-2017. https://www.youtube.com/watch?v=ZnFgRHP6RpY (truy cập 3-12-2017).

Kipkis. Không rõ ngày. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Thay đổi chót: 1-8-2016. https://vi.kipkis.com/V%E1%BB%8F_qu%C3%BDt_d%C3%A0y_c%C3%B3_m%C3%B3ng_tay_nh%E1%BB%8Dn

Nguyễn Duyên (sưu tầm). 2009. Ai mới thật sự là tác giả bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông? 6-7-2009. http://nguyenquocdong.vnweblogs.com/a168590/ai-moi-that-su-la-tac-gia-bai-hat-toi-dua-em-sang-song.html (truy cập 3-12-2017).

Nguyễn Dư. 2017. Lên tiếng cho một nhạc sĩ tài hoa đã khuất. 24-11-2017. http://danlambaovn.blogspot.com/2017/11/len-tieng-cho-mot-nhac-si-tai-hoa-khuat.html (truy cập 3-12-2017).

Nguyễn Hằng. 2017. Tác giả “Tôi đưa em sang sông” đã đưa 34 người tình.... đi lấy chồng. 31-7-2017. http://mautam.net/forum/viewtopic.php?p=852576&sid=89022f985f2a82847d57a0f36acd60b4 (truy cập 3-12-2017) hoặc 22-8-2017. https://cafevannghe.wordpress.com/2017/08/22/nguoi-nhac-si-voi-34-nguoi-tinh/ (truy cập 3-12-2017). 

Nhật Ngân. Không rõ ngày. Vẫn Mơ Về Đà Nẵng. Không rõ ngày. http://lyric.tkaraoke.com/18446/van_mo_ve_da_nang.html (truy cập 3-12-2017).

Phước Khánh. 2012. Một Thời Làm Nữ Sinh Phan Châu Trinh. 5-7-2012. http://truongxua.phanchautrinhdanang.net/index.php/khu-vu-n-phan-chau-trinh/d-i-h-i-pct-th-gi-i-ii/33-m-t-th-i-lam-n-sinh-phan-chau-trinh (truy cập 3-12-2017).

Tạ Ban. 2017. Nhạc sĩ Y Vũ tung bằng chứng khẳng định tác quyền ‘Tôi đưa em sang sông’https://thanhnien.vn/van-hoa/nhac-si-y-vu-tung-bang-chung-khang-dinh-tac-quyen-toi-dua-em-sang-song-900779.html (truy cập 3-12-2017).

Trần Trung Đạo. 2017. Hãy để "Em sang sông". 2-12-2017. http://danlambaovn.blogspot.com/2017/12/hay-e-em-sang-song.html (truy cập 3-12-2017).

UMHB (University of Mary Hardin-Baylor). Không rõ ngày. Statement of Artistic Expression. Không rõ ngày. https://undergrad.umhb.edu/cvpa/statement-artistic-expression (truy cập 4-12-2017).

Võ Anh Dũng. 2017. Ai là tác giả của "Tôi Đưa Em Sang Sông"? 11-2017. http://ptgdn.com/poems/voanhdung/toiduaemsangsong.htm (truy cập 3-12-2017).

Vương Uyên. 2013. Tôi Đưa Em Sang Sông, một bản nhạc hai cuộc tình - Ai thật sự là tác giả? 18-1-2013. http://nguoivietatlanta.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1081%3Atoi-a-em-sang-song-mt-bn-nhc-hai-cuc-tinh-ai-tht-s-la-tac-gi (truy cập 3-12-2017).

Wikipedia. 2017. Estoppel. 8-11-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/Estoppel (truy cập 3-12-2017).

4/12/2017


Dư luận viên


1. Đàn áp người dân yêu nước biểu tình lên án Tàu Cộng xâm lược cướp biển cướp đảo của ta, chống phá người dân làm lễ tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến đấu chống giặc Tàu Cộng xâm lược, nhà nước cộng sản Việt Nam còn tập hợp những người trẻ tuổi ngộ độc ảo thuyết cộng sản, trang bị cho họ chiếc áo đỏ lòm màu máu và lá cờ lênh láng màu máu, đẩy họ ra đối mặt với người dân, gây sự, xung đột với tình cảm yêu nước thương nòi thiêng liêng của người dân, biến họ thành những kẻ vô loài hung hăng điên cuồng khiêu khích, ngăn cản, chống phá cuộc biểu tình, lễ tưởng niệm của lòng yêu nước, chống phá chính giống nòi của họ, bôi bẩn lên trang sử vàng oanh liệt của cha ông mà họ vừa học ở nhà trường.

Nhà nước cộng sản Việt Nam đã nướng nhiều thế hệ trẻ Việt Nam trên ngọn lửa chiến tranh Nam – Bắc điêu tàn, nay lại biến nhiều người trẻ thành những kẻ lạc loài, những đứa con hoang của giống nòi Việt Nam. Biên chế những kẻ lạc loài đó trong tổ chức có tên là Dư Luận Viên, những người cộng sản cầm quyền đã rút ruột tiền thuế nghèo của dân trợ cấp cho những hoạt động gây rối của đám dư luận viên khá đông đúc và hôn mê sâu học thuyết máu đấu tranh giai cấp.

Đội ngũ dư luận viên hôn mê học thuyết máu đấu tranh giai cấp như những kẻ ngáo đá điên cuồng chống phá cuộc xuống đường, chống phá lễ tưởng niệm của lòng yêu nước thì mọi người đều dễ dàng nhận ra và nhiều người còn biết rõ mặt, rõ tên những dư luận viên đầu trò. Những Trần Nhật Quang, Hoàng Nhật Lệ, Đỗ Anh Minh..., toàn những cái tên đẹp như ánh sáng và những gương mặt trẻ ngời ngời như tia nắng ban mai mà tâm hồn bị đầu độc, bị bưng bít trở nên tối tăm như đêm dài nô lệ.

Nhưng còn có những dư luận viên không xuất trận bầy đàn, không xuất hiện ở quảng trường, đường phố, không mang áo máu, cờ máu thì không phải ai cũng nhận ra.

2. Chức bự, quyền to nhưng não bé, nghĩ cạn, lại muốn phô trương quyền uy với thiên hạ, ông cục trưởng cục nghệ thuật biểu diễn của bộ lớn mang tên Văn hóa liền ban lệnh cấm năm nhạc phẩm ra đời ở miền Nam trước năm 1975 đã được người tiền nhiệm của ông cho phép sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội.

Bài hát là sản phẩm của tâm hồn, tình cảm, là sáng tạo nghệ thuật. Sức sống, sức lan tỏa của tác phẩm nghệ thuật chỉ phụ thuộc vào chất lượng nghệ thuật của nó và sự cảm thụ, đồng cảm của công chúng. Câu ca dao về con cò, con vạc, bài dân ca bèo dạt mây trôi chẳng cần quyền uy nào cho phép, chẳng cần quyền lực nào bảo lãnh vẫn sống bền bỉ trong hồn người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác và nó sẽ tồn tại mãi mãi cùng sự tồn tại của dân tộc Việt Nam. Một bạo chúa, một quyền lực độc tài nào muốn giết chết câu ca dao về con cò, con vạc trong tâm hồn người Việt Nam, muốn cấm bài dân ca về những thân phận, những cuộc tình bèo dạt mây trôi cũng không thể giết được, không thể cấm được.

Dùng quyền lực hành chính cho phép sự tồn tại của một bài hát đã là sự vô lối. Càng vô lối hơn khi dùng quyền lực hành chính cấm đoán một sản phẩm của tâm hồn, tình cảm.

Sự vô lối, vô văn hóa của ông cục trưởng ở bộ mang tên Văn hóa gây kinh ngạc và phẫn nộ cho đông đảo người dân. Cả những người không hề biết những bài hát bị cấm giai điệu như thế nào, lời ca ra sao cũng bất bình. Vì hát hay không hát những bài hát đó là lí tưởng thẩm mĩ của họ, là quyền của trái tim họ, quyền của tâm hồn họ chứ không phải quyền của ông cục trưởng, ông bộ trưởng.

Dù vô lối nhưng lệnh cấm năm bài hát của ông cục trưởng là quyền uy của nhà nước cộng sản. Bảo vệ lệnh cấm vô lối của ông cục trưởng là bảo vệ quyền uy nhà nước cộng sản. Cả bộ máy truyền thông nhà nước cộng sản vội vã vào cuộc và những cái tên vẫn thường xuất hiện trên mặt báo lề đảng, những khuôn mặt vẫn thường xuất hiện trên truyền hình nhà nước cộng sản với danh xưng nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà lí luận phê bình âm nhạc như nhà báo Nguyễn L, nhà thơ, nhạc sĩ, “nhà lí luận phê bình âm nhạc” Nguyễn T. K. lại có bài trên báo lề đảng, lại có mặt trên truyền hình nhà nước cộng sản.

Trước đây họ xuất hiện trên mặt báo, trên màn hình televisions, mỗi người một giọng tạo thành dàn hợp xướng tụng ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tụng ca cuộc chiến tranh Nam – Bắc điêu tàn, tụng ca con người mang lí tưởng cộng sản và tụng ca thành tựu rực rỡ của nền văn hóa nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Nay họ đồng loạt ỉ ôi phê phán, gay gắt lên án năm bài hát vừa bị cấm.

Không mặc áo máu, không mang cờ máu nhưng những người như nhà báo Nguyễn L, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà “lí luận phê bình âm nhạc” Nguyễn T. K. chính là những dư luận viên của nhà nước cộng sản ở lãnh địa văn hóa tư tưởng.

3. Mấy hôm nay người dân quan tâm đến đời sống văn hóa đất nước lại xôn xao bất bình về một sự việc do một cụ già 83 tuổi có khuôn mặt rất lão nông gây ra. Khuôn mặt lão nông vốn xuất thân trong gia đình có người tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp là thời trai trẻ của khuôn mặt lão nông hôm nay. Tuổi trẻ đó được tổ chức đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chín năm đưa sang nước Tàu cộng sản học tiếng Tàu, học văn hóa Tàu.

Cùng với việc viện trợ súng đạn cho những người cộng sản Việt Nam đánh Pháp ở Điện Biên Phủ, viện trợ cho hiện tại, nước Tàu Cộng sản còn viện trợ cả văn hóa Tàu Cộng, cả chữ nghĩa Tàu Cộng cho con em những người cầm súng Tàu Cộng chiến đấu chống Pháp nữa, viện trợ cả cho tương lai. Ngày nay với học hàm phó giáo sư, với vốn liếng chữ nghĩa có được trên chặng đường ngàn dặm xa nước đi nhận viện trợ văn hóa, cụ phó giáo sư 83 tuổi đề xuất việc “cải tiến” chữ viết đương đại của người Việt. Làm cho chữ Việt “cải tiến” xa lạ với chính người Việt. Làm cho thế hệ người Việt của tương lai học thứ chữ Việt “cải tiến” phải đoạn tuyệt với chữ viết của thế hệ cha anh, đoạn tuyệt với kho tàng văn hóa đồ sộ của của chữ Việt truyền thống để lại. Làm cho ngữ âm của thứ chữ viết “cải tiến” đơn điệu, thô thiển và xa lạ với ngữ âm tiếng Việt vốn vô cùng phong phú, uyển chuyển, tinh tế và có sức bao dung chấp nhận, nâng niu ngữ âm của mọi miền đất nước. Ngữ âm của thứ chữ Việt “cải tiến” xa lạ với ngữ âm tiếng Việt nhưng lại khá gần gũi, đồng điệu với ngữ âm tiếng Tàu!

Bài dân ca Bèo Dạt Mây Trôi không phải chỉ là khúc cảm thán của con người về thiên nhiên, về cuộc đời trôi nổi vô định. Bèo Dạt Mây Trôi là nỗi niềm, là thân phận những thảo dân vô danh nhỏ bé, mỏng manh trước thiên tai, giặc giã, trước bạo quyền hà khắc, trước biến thiên lịch sử. Bèo Dạt Mây Trôi tuy buồn man mác nhưng có sức sống mãnh liệt vì đó là hồn dân dã Việt Nam. Không thể vì nỗi buồn man mác đó mà phải cải biên, cải tiến, cải tổ, cải táng để bài dân ca Bèo Dạt Mây Trôi cũng có giai điệu hùng tráng như bài Quốc Tế Ca vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian.

Chữ Việt truyền thống tồn tại mấy trăm năm đã mang hồn vía của người Việt, là tài sản của mọi người Việt. Đó là tài sản của những nhà khoa học ở những tháp ngà chữ nghĩa. Nhưng đó cũng là tài sản của bác xe ôm ngồi chờ khách trong nắng bụi vỉa hè mở tờ báo ra đọc. Không thể vì chi tiết nhỏ chưa thật toàn bích, chưa thật hoàn thiện của chữ Việt mà đè ngửa nó ra giải phẫu thẩm mĩ, cắt bỏ chỗ nọ, thêm thắt chỗ kia, biến chữ Việt truyền thống đã mang hồn vía người Việt thành thứ chữ Việt dao kéo, lai căng, đầu Ngô, mình Sở, vô hồn.

Chữ viết đã mang hồn của người Việt bị “cải tiến” thành thứ chữ Việt vô hồn làm sao những người mang hồn Việt có thể thờ ơ, bình thản im lặng. Những đợt sóng lừng của sự bất bình ào ạt dâng lên chặn đứng bàn tay cầm dao bầu chọc tiết heo lăm le muốn giải phẫu thẩm mĩ chữ Việt, biến chữ Việt thấm đẫm hồn Việt thành thứ chữ Việt chết khô, vô hồn.

4. Nhưng cần bình tĩnh để nhận ra người đề xuất “cải tiến” chữ Việt có phải chỉ là một kẻ đốt đền hay là một người lính lĩnh ấn tiên phong đi mở một mũi xung kích mới đánh vào tâm linh, hồn cốt người Việt, đánh vào đời sống văn hóa tinh thần đất Việt, sau lần nổ phát súng thăm dò: Đưa chương trình giáo dục chữ Tàu và văn hóa Tàu vào bậc tiểu học.

Trước sự bất bình, phẫn nộ của người dân về ý đồ giết chết hồn Việt Nam trong chữ viết của người Việt Nam, kênh truyền hình chính thống của nhà nước cộng sản Việt Nam liền mau mắn cho xuất trận một dư luận viên quen thuộc có học vị tiến sĩ văn chương ra chống trả làn sóng phẫn nộ, bảo vệ người lĩnh ấn tiên phong đi mở mũi xung kích mới đánh vào một mảng hồn Việt.

Dư luận viên quen thuộc vì dù là nữ dư luận viên mà cả thanh và sắc đều là dấu trừ, lại đã luống tuổi, là tiến sĩ văn chương, tiến sĩ của văn hay chữ tốt mà nói năng cũng thiếu vắng ý đẹp lời hay nhưng lại xuất hiện khá thường xuyên trên kênh văn hóa nghệ thuật truyền hình nhà nước.

Nữ chiến binh dư luận viên này thường bắn thẳng những loạt đạn ngôn từ chát chúa như người lính trên chốt tiền tiêu quất những loạt AK quyết liệt. Mới cách đây chưa lâu, với giọng khàn khàn, rè rè, nữ chiến binh dư luận viên luống tuổi này đã quất loạt đạn ngôn từ thẳng căng vào những facebooker khi bà cay nghiệt và hồ đồ kết tội: Năm mươi phần trăm facebooker là những kẻ vô công rồi nghề!

Vì sao bà tiến sĩ dư luận viên lại hằn học nã đạn ngôn từ vào facebooker như vậy? Trước đây công việc cứu trợ những thân phận hẩm hiu, thiệt thòi đều do các tổ chức nhà nước đảm nhiệm. Dân ta vốn giàu lòng yêu nước thương nòi. Trong những tai họa của đất nước, người dân mở lòng đổ của ra cứu trợ rất lớn. Nhưng chiến dịch cứu trợ chỉ rầm rộ, ồn ào, thừa thãi ngôn từ về sự đùm bọc chia sẻ trên hệ thống truyền thông nhà nước. Còn của cải vất chất của những tấm lòng từ thiện đến với những người khổ hạnh là một ẩn số không thể nào biết được. Đồng tiền xóa đói giảm nghèo từ ngân sách quốc gia, có sự giám sát của cả bộ máy nhà nước còn đổ thẳng vào nhà quan tham. Đồng tiền cứu trợ của dân đi theo con đường nhà nước làm sao thoát được những quan tham đó. Những tấm lòng trắc ẩn trong dân đành phải trực tiếp tự đứng ra làm từ thiện.

Một tiến sĩ truyền thông hết năm này sang năm khác lặng lẽ, bền bỉ mang quần áo, sách bút, gạo tiền đến những bản làng xơ xác trên núi cao heo hút để những đứa trẻ quần áo tả tơi phong phanh trong gió rét, bữa cơm hàng ngày chỉ có lỏng chỏng vài hạt ngô chưa ăn đã hết từ nay có được manh áo ấm và có được bữa “cơm có thịt”. Tin tưởng ở những nhân cách, những con người cụ thể, người dân đã hồ hởi giao cho một nhà báo trẻ hàng chục ngàn tỉ đồng để anh trực tiếp mang đồng tiền thơm thảo tình người đó đến trao tận tay người dân vùng bão lũ miền Trung.

Nhưng việc làm từ thiện cao cả, kịp thời, hiệu quả và vô tư đó đã bị một chương trình truyền hình 60 phút của đài truyền hình nhà nước cộng sản cật vấn, nghi ngờ, dè bỉu “làm từ thiện với động cơ gì”. Trả lời sự cật vấn, dè bỉu xấc xược đó, facebookers đã lên tiếng. Lập tức, nữ chiến binh dư luận viên thiện chiến, có ý chí chiến đấu cao liền được kênh truyền hình kia đưa ra nghênh chiến và nữ chiến binh dư luận viên đã nghiến răng xả băng đạn ngôn từ vào facebooker: hạng vô công rồi nghề!

Lần này nữ chiến binh dư luận viên lạnh lùng ngạo mạn: Việc cải tiếng chữ viết là việc của các nhà khoa học, không phải việc của đám quần chúng không biết gì!

5. Đài truyền hình nhà nước cộng sản Việt Nam mau mắn đưa dư luận viên gạo cội ra bênh vực người đề xuất “cải tiến” chữ Việt đã xác nhận rằng ý đồ “cải tiến” chữ Việt nhằm làm cho chữ Việt xa lạ với người Việt, xa lạ với cội nguồn văn hóa Việt Nam không phải chỉ là ý đồ riêng của cụ phó giáo sư 83 tuổi.

Điểm mặt vài dư luận viên để xót xa nhận ra rằng với nhà nước cộng sản Việt Nam, tiến sĩ, nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ cũng chỉ là những dư luận viên, công cụ tuyên truyền, công cụ đàn áp dân của nhà nước cộng sản. Nhà nước như vậy không thể có những trí thức, những nghệ sĩ đích thực, chân chính.

4/12/2017

Báo lề đảng vạch mặt kẻ chủ trương hút máu dân tại BOT Cai Lậy

Ngàn Hương (Danlambao) - Sau mấy ngày sôi sục khí thế tổng tấn công của nhân dân Nam Bộ, của người dân Tiền Giang, của các tài xế, và được sự cổ võ hết mình của báo chí lề đảng, nhằm đánh thẳng vào nhóm lợi ích BOT Cai Lậy (Tiền Giang), đã làm cho con quái vật này choáng váng, quằn quại và lăn lóc trong vở kịch “xả-thu xả- thu” liên tục.

Nhờ các kiểu tấn công vừa trực tiếp, vừa gián tiếp liên miên và bền bỉ như vậy, đã làm cho tạm BOT này chỉ trong 4 ngày vừa qua (từ 30/11;01;02 và 03/12), đã “vỡ trận” đến 24 lần.

Câu hỏi đặt ra là, ai đứng đằng sau trạm BOT Cai Lậy này, để ‘hà hơi tiếp sức” cho nhóm lợi ích này ‘ngóc đầu dậy,” và vùng vẫy mạnh hơn trước?

Trước đó, vào ngày 26/10/2017, khi vừa nhận chức Bộ trưởng GT-VT, trả lời câu hỏi về những việc ưu tiên trước mắt trên cương vị mới, ông Nguyễn Văn Thể cho biết có rất nhiều việc phải làm, nhưng "các vấn đề liên quan đến dự án BOT của ngành giao thông" là một trong những việc cần ưu tiên giải quyết trước mắt”….

"Để giải quyết tồn tại của BOT thì phải tập trung giải quyết những vấn đề đã nêu, để sắp tới BOT sẽ phải tốt hơn hiện nay."(1).

Vậy phải chăng, sau hơn 3 tháng “thất thủ” vì vấp phải sự phản ứng kịch liệt của người dân, do trạm BOT Cai Lậy này vừa đặt sai vị trí, vừa thu giá vé quá cao. Thì đến cuối tháng 11 vừa qua, nghĩa là sau khi ông Nguyễn Văn Thể mới ngồi vào ghế Bộ trưởng, trạm BOT Cai Lậy đã tiếp tục thu phí trở lại với những phương pháp tàn bạo và cứng rắn hơn?

Ngoài lực lượng Thanh tra GT và CSGT được tăng cường, nhà cầm quyền còn huy động thêm gồm công an tỉnh, huyện, xã, CSCĐ, và vận dụng các phương tiện xe cộ các loại, sẵn sàng dùng vũ lực để trấn áp người dân. Ngoài ra họ còn thuê cả côn đồ đến đe dọa tài xế, chỉ để bảo vệ cho một đơn vị kinh tế, mà lẽ ra, đây chỉ là mâu thuẫn xảy ra trong quá trình thực hiện hành vi giao dịch dân sự, thì lực lượng chức năng không được phép nhảy vào can thiệp.

Vậy phải chăng, câu nói “sắp tới, BOT sẽ phải tốt hơn hiện nay” là dùng biện pháp mạnh để bảo vệ cái sai của ngành GTVT, nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhóm lợi ích này?

Báo Thanh Niên nêu ý kiến của các chuyên gia, khẳng định: “Phải di dời Trạm BOT Cai Lậy”.

“Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, vấn đề mấu chốt của BOT Cai Lậy là đặt trạm sai vị trí, nếu không xử lý được vị trí trạm thì xung đột không bao giờ giải quyết được. Bộ GTVT và nhà đầu tư loay hoay với chuyện miễn phí cho các phương tiện, rồi miễn giảm cho người dân địa phương sinh sống gần trạm, nhưng đó không phải là giải pháp Vấn đề ở đâu phải xử lý ở đó, sai ở vị trí trạm thì phải di dời trạm.”

Chuyên gia này phân tích thêm: “Mâu thuẫn tại dự án BOT Cai Lậy đang chuyển từ vấn đề kinh tế sang mâu thuẫn xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu Bộ GTVT, nhà đầu tư không chịu lùi một bước, sẽ dẫn đến bất ổn và mất đồng thuận xã hội”.

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Hà Nội, bức xúc của người dân và tài xế với dự án BOT Cai Lậy là đúng. Cơ quan quản lý là Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang phải đối thoại với dân để tìm ra giải pháp giảm bớt căng thẳng, bức xúc cơ bản của người dân hiện nay là vị trí trạm thì lại chưa có hướng xử lý.

“Cả nước không chỉ có trạm Cai Lậy mà có 7 trạm đặt không đúng vị trí. Nếu giải quyết không tốt sẽ tạo dư âm không tốt về đồng thuận trong xã hội”, ông Liên nhìn nhận. Đặc biệt, phải di dời Trạm BOT Cai Lậy hiện nay (2).

Trên thực tế, mâu thuẫn trực tiếp tại BOT Cai Lậy xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích giữa đơn vị cung cấp dịch vụ là chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy, và người thụ hưởng là người dân, mà đại diện là giới tài xế. Cũng tương tự các dự án BOT khác, các doanh nghiệp vận tải và tài xế hoàn toàn không được lấy ý kiến, cũng như mù mờ các thông tin liên quan dự án.

Một cái sai nữa trong các dự án BOT, là điều khoản bảo mật. BOT về bản chất là hợp đồng dân sự, không thuộc danh mục thông tin bí mật nhà nước, vì thế việc duy trì điều khoản bảo mật là phi lý, cần được bãi bỏ. Vì là hợp đồng bí mật, người dân không được tiếp cận với các hợp đồng BOT, đây là bất cập rất lớn.

Ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách của QH Trần Quang Chiểu chia sẻ: “Nguyên lý của BOT là người ta đi đâu trả đấy, đi ít trả ít, đi nhiều trả nhiều và dân có quyền chọn đi và không đi. Còn ở BOT Cai Lậy, là bắt dân đi lên đấy, không có lựa chọn nào khác”….

“BOT giống như cân thịt mà các bà nội trợ hay đi chợ. Họ thích ăn thịt thì mua thịt, thích ăn cá thì mua cá, ăn 1 con mua 1, ăn 2 con mua 2. BOT là một loại hàng hoá trong giao thông, tại sao không thích đi đường đấy lại bắt đi đường đấy, đi 1km mà bắt trả 10km là không đúng nguyên lý”.

Báo Lao Động thống kê các kiểu “tấn công” sáng tạo của các bác tài trong 4 ngày qua: Như có tài xế dừng xe ngay trạm rồi bỏ ra ngoài. Một số tài xế khác không mua vé, cho xe dừng ngay trạm để phản đối. Vì họ cho rằng, họ chỉ đi theo đường Quốc lộ I đã có từ bao đời nay. Họ không có nhu cầu đi vào đường tránh, nên không việc gì phải mua vé. Thậm chí, có tài xế dừng xe ngay trong làn thu phí, nhảy lên đầu xe để lau xe. Cứ thế, mỗi lần BOT Cai Lậy thu phí trở lại là tài xế liền gây áp lực yêu cầu xả trạm. Bên cạnh đó, rất đông người dân và tài xế kéo đến cổ vũ cho các đoàn xe. Có tài xế còn táo bạo hơn, họ cho xe tông thẳng vào thanh chắn barie để vượt trạm(3).

Đặc biệt là báo Tuổi Trẻ hôm nay, đã đánh vỗ mặt vào ông Nguyễn Văn Thể, đương kim bộ trưởng BGTVT, theo kiểu “bắt được tay, day được trán”.

Báo này giật tít: “Trạm BOT Cai Lậy nhầm chỗ: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cần sửa sai!

Theo đó: “Năm 2013, ông Nguyễn Văn Thể - khi đó là thứ trưởng Bộ GT-VT - đã gửi văn bản "gợi ý" đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1, tức nằm ngoài tuyến tránh, đề nghị tỉnh Tiền Giang thống nhất để hợp thức hóa thủ tục. Ông cũng là người ký quyết định phê duyệt dự án này. Các tài liệu, hồ sơ dự án cho thấy tỉnh Tiền Giang làm theo trong tình thế đã rồi”.

3 công văn hỏa tốc

Và ông Nguyễn Văn Thể đã “hối hả, vội vàng” ký liền 3 công văn cùng I ngày để hối thúc tỉnh Tiền Giang cùng phối hợp thực hiện dự án này.

Theo đó: “Vào ngày 28-10-2013, ông Nguyễn Văn Thể - thứ trưởng Bộ GT-VT - ký cùng lúc ba công văn hỏa tốc gửi HĐND, UBND và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang về việc "thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng quốc lộ đoạn tránh qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT".

Tại văn bản này, Bộ GT-VT cho biết đã nghiên cứu một số vị trí và đề nghị thẳng với tỉnh "có ý kiến thống nhất vị trí đặt trạm thu phí tại km1999+900 trên quốc lộ 1". Vị trí này hoàn toàn nằm ngoài tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị trấn (nay là thị xã) Cai Lậy.

Ngày 4-11-2013, HĐND, UBND đã có văn bản phản hồi, thống nhất đặt trạm thu phí tại km1999+900 theo gợi ý của Bộ GT-VT. Hai ngày sau, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cũng có văn bản phản hồi thống nhất.

Đến ngày 19-12-2013, ông Thể ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn km1987+560 đến km2014, tỉnh Tiền Giang theo hợp đồng BOT.

Ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên giám đốc Sở GT-VT tỉnh Tiền Giang - cho biết trong dự án này tỉnh Tiền Giang chỉ đảm nhiệm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định.

“Tiền chi trả bồi thường để thu hồi đất cũng là của nhà đầu tư. Vị trí đặt trạm thu phí cũng do Bộ GTVT xác định sẵn rồi gửi công văn cho tỉnh để hợp thức hóa thủ tục đầu tư”(4).

Như vậy là ông Nguyễn Văn Thể đã coi UBND và các ban ngành của tỉnh Tiền Giang như một con rối, để thực hiện những toan tính của mình.

Vì bị thúc em và đặt trước việc đã rồi, nên tỉnh Tiền Giang chỉ ký để hợp thức hóa chủ trương này.

Nhưng dù có cho uống mật gấu, thì một mình ông Thể cũng không dám “vung tay quá trán” như vậy.

Không chỉ có BOT Cai Lậy, mà toàn bộ các dự án BOT trong cả nước giai đoạn này, đều gắn liền với 3 nhân vật nối danh với nhiều thành tích bất hảo. Đó là Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tất cả những sai phạm động trời tại các dự án BOT đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra rất rõ ràng. Trong đó có 3 vấn đề nhức nhối nhất, là chỉ định thầu chứ không qua đấu thầu công khai, và chỉ tráng men những đoạn đường cũ cho có, rồi đặt trạm BOT thu tiền như kiểu “đơm đó”, với phương châm “không cho chúng nó thoát”, và đường làm một nơi đặt trạm nơi khác như BOT Cai Lậy là điển hình.

“Kết luận thanh tra nêu rõ, trong quá trình xây dựng, Bộ Giao thông vận tải thực hiện không đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định. Trong các dự án BOT, Bộ không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% đều là chỉ định thầu. Bộ này không có quy trình, thủ tục đánh giá hay xác định thế nào là cấp bách. Một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án. Việc chỉ định thầu sẽ rất nguy hiểm khi nhà đầu tư năng lực kém, chưa có nhiều kinh nghiệm và thậm chí có doanh nghiệp còn “tay không bắt giặc”. Đây là lý do để các nhóm lợi ích chia chác, phân chia lợi nhuận. Ở đây lợi ích của phe nhóm đã lũng đoạn cả nhà nước”(5).

Trong tình hình kinh tế hiện nay, người dân thì ngày càng bị bần cùng hóa. Nhưng các quan chức trong bộ máy cầm quyền thì ngày càng giàu có một cách bất minh nhờ các chính sách ăn cướp. Cụ thể là họ thường xuyên tăng chóng mặt các loại thuế-phí và những mặt hàng mà họ độc quyền kinh doanh, như giá điện, giá xăng v.v... Họ dùng đủ các chiêu trò để lừa bịp dân nhằm vơ vét càng nhiều càng tốt.

Nhưng nếu nói về thủ đoạn ăn cắp và hút máu dân một cách trắng trợn và hợp pháp nhất, nấp dưới các chủ trương của đảng và nhà nước, thì các công trình đầu tư BOT trên cả nước hiện này là bậc thầy. Biến nước Việt Nam thành cường quốc rất nhiều thứ, trong đó có BOT.

Con giun xéo mãi cũng quằn. Nhân dân Tiền Giang và các tài xế tại đây đã mạnh dạn đứng lên đấu tranh chống lại cái ác của nhóm lợi ích rất hiệu quả. Các bác tài trong cả nước hãy dũng cảm đứng lên, dùng biện pháp đấu tranh “bất tuân dân sự” như BOT Cai Lậy là bài học quý giá.

Một ông tổ của cộng sản đã nói: “Ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh”.

Thì đây chính là lúc nhân dân ta phải quyết tâm vùng lên thực hiện câu nói này.

4/12/2017


_______________________________________

Chú thích:

Hãy để "Em sang sông"

Trần Trung Đạo (Danlambao) - “Ai là tác giả của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông” là vấn đề được bàn thảo khá rộng rãi trong vài năm qua. Người viết có đọc trên Internet những tranh luận nhưng thú thiệt chưa bao giờ dám hỏi thẳng anh Nhật Ngân vì, một phần, hỏi là nghi ngờ mà nghi ngờ là xúc phạm và phần khác là vì anh đã nói rõ ra rồi. Nhạc sĩ Nhật Ngân khẳng định anh đã viết nhạc phẩm đầu tay đầy kỷ niệm vào năm 1960 khi chỉ vào 18 tuổi ở Đà Nẵng và giải thích lý do có thêm tên nhạc sĩ Y Vũ.

Tôi đưa em sang sông theo lời kể của Nhạc sĩ Nhật Ngân 

Nhạc sĩ Trường Kỳ, một cây bút chuyên viết đời sống và tác phẩm của các văn nghệ sĩ, trong một bài viết vào năm 2000, đã thuật lại nguồn gốc của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông theo lời kể của nhạc sĩ Nhật Ngân, và dưới đây là vài đoạn chính: “Theo lời tâm sự của Nhật Ngân, đáng lẽ ông đã trở thành một nhạc công vĩ cầm như người em họ là Nhật Hiền, nhưng vì gia đình ông quá nghèo, không mua nổi cây đàn cho ông. Do đó, ông đành quyết định thôi học. Vì lòng đam mê âm nhạc và nhất là nhờ ở khả năng thiên phú của mình, Nhật Ngân đã hoàn thành nhạc phẩm đầu tay khi ông mới vừa 18 tuổi vào năm 1960. Ðó là một ca khúc tình cảm mang tên Tôi đưa em sang sông.

Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian đầu, nhưng Tôi đưa em sang sông đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Ðà Nẵng rất ưa thích, chép tay truyền cho nhau hát.

Sau đó Nhật Ngân gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến dùm, với sự sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông tin lúc đó không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị, ướt át. Câu “Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời. Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ, đưa đón trông chờ” được nhạc sĩ Y Vân đổi thành “Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời. Mà đời em là ước mơ đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ” cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.

Câu kết của bản chính là “Nàng đã thay một lối về, thay cả bàn tay đón đưa” cũng đã được Y Vân đổi thành “Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa.” Sự thay đổi lời ca này đã khiến cho tác giả cảm thấy “hẫng” đi một chút, như lời ông nói, vì không đúng với tâm trạng của mình khi đến lúc đó, chưa hề trải qua đời sống trong quân ngũ.

Hơn nữa, vì tác giả còn là một người chưa có tên tuổi nên cần nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng đứng chung tên để Tôi đưa em sang sông đến với quần chúng dễ dàng hơn. Khi được phát hành, Tôi đưa em sang sông được ký tên bởi hai người là Trần Nhật Ngân và Y Vũ".

Nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời ngày 21 tháng 1, 2012 tại California, Hoa Kỳ.

Tôi đưa em sang sông theo lời kể của Nhạc sĩ Y Vũ:

Trong một bài viết được phổ biến rộng rãi trên Internet, nhạc sĩ Y Vũ nhắc lại chuyện tình để lại một đứa con tinh thần có tên Tôi đưa em sang sông“Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên tại đất Sài Gòn náo nhiệt. Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí 
nhớ của tôi, bởi ở đó tôi đã để trái tim mình rung động trước cô bạn chung lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm, chỉ cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần, dám nắm tay. Những khi tan trường sóng bước bên nhau cũng không biết nói câu gì, chỉ biết... đá cái lon sữa bò khua vang đường phố.

Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc "xế nổ" hiệu Roumie ngày ngày đi học. Mỗi chiều khi thay ba ra trông cây xăng, Thanh lại nhắc tôi ra đổ xăng... chùa. Những ngày tháng đó với tôi thật hạnh phúc, lãng mạn. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Thanh biến mất khỏi cuộc đời tôi vì một đám cưới ép gả với chàng bác sĩ. Hụt hẫng, chơi vơi, tôi uống chén đắng đầu đời và nếm trải mùi vị của "thất tình". Tỉnh cơn say vào 2 giờ sáng, tôi ôm guitare và thế là Tôi đưa em sang sông ra đời. Bài hát với giai điệu buồn da diết được coi là tài sản chung cho nhiều chàng trai lâm vào cảnh như tôi thời đó.

Mối tình đầu làm tôi trắng tay, nhưng nỗi bất hạnh ấy đem lại cho tôi xúc cảm để có được hai bài hát tâm đắc. Sau Tôi đưa em sang sông gắn liền với tiếng hát Lệ Thu, ca khúc Ngày Cưới Em lại thành công vang dội: "Hôm nay ngày cưới em, nào men nồng nào hoa thơm, nào môi hồng nào da phấn, khăn áo muôn sắc đua chen..."

Tương tự, nhạc sĩ Y Vũ cũng “ngậm ngùi tâm sự” chuyện tình của ông cho nhạc sĩ Trịnh Hưng nghe: "Đó là nhạc ghi lại mối tình đầu của em. Dạo đó, em còn là học sinh trung học tư thục Hàn Thuyên ở phố Cao Thắng, gần nhà và lớp nhạc của anh, yêu một nữ sinh cùng lớp tên Thanh. Đó là mối tình học trò, trong trắng. Tình yêu chúng em chỉ cảm nhận qua ánh mắt trao đổi, chứ chưa một lần nắm tay nhau. Nhà nàng giàu sang, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ, còn em thì nghèo, chỉ có chiếc xe gắn máy hiệu Bromic do anh Y Vân mua cho. Nàng dặn em, mỗi ngày cứ vào buổi chiều, canh đúng giờ nàng ra thay thế cho cha mẹ nàng về nhà nghỉ ngơi, thì tới để nàng đổ đầy bình xăng cho, không phải trả tiền. Và cứ thế, rồi bẵng đi một tuần không thấy Thanh đi học và ra cây xăng. Em nhớ Thanh quá, mới lấy hết can đảm tới nhà nàng, hỏi thăm cô em gái nàng, thì được biết mấy hôm nay nhà bận rộn vì phải tiếp nhận lễ hỏi cưới chị Thanh, do cha mẹ gả cho một ông bác sĩ lớn tuổi.”

Nhạc sĩ Y Vũ trưng bằng chứng “bản thảo”

Giữa tháng 11, 2017, trong một chương trình truyền hình Hát trên chuyện tình trong nước, nhạc sĩ Y Vũ phát biểu về nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông

“Tôi xin khẳng định một điều bài này của tôi viết có một mình tôi thôi. Anh Y Vân có dạy hai người học trò là Nhật Ngân và Anh Thy. Khi tôi thất tình tôi viết bài Tôi đưa em sang sông được mấy ngày sau, trình anh Y Vân duyệt, bài này được tốt rồi. Anh đề nghị ngay, bây giờ mày có thể để thêm tên Nhật Ngân vào bài này không để cho hai đứa cùng nổi tiếng với nhau, có chút tiếng, bài này hay, sẽ nổi đó. Kính thưa quý vị, tôi rất vô tư. Tôi không nghĩ cái chuyện mấy chục năm sau lại như thế. Tôi bảo anh muốn để thì em để vào. Bài đó ký tác quyền cho nhà xuất bản Diên Hồng và có thêm tên Nhật Ngân, và tôi có hứa trên báo chí là sẽ có một ngày tôi lục được cái bài gốc, gọi là bản thảo, tôi viết tay.” 

Sau đó nhạc sĩ Y Vũ đưa bản viết tay cho người dẫn chương trình và cô đọc “Bản thảo ký ngày 5 tháng 6 năm 1962.” 

Các báo trong nước phần lớn đồng ý với lời “khẳng định” của nhạc sĩ Y Vũ và báo Thanh Niên kết luận: "Lần đầu tiên, nhạc sĩ Y Vũ khẳng định ca khúc Tôi đưa em sang sông do chính ông tay ông viết mà không có bất kì một nhạc sĩ nào tham gia vào. Hơn nữa, nhạc sĩ còn đem theo bản gốc viết tay hơn 40 năm trước để làm bằng chứng chân thật nhất cho những lời kể của ông."

Khoan, xin đừng quá vội. 

- Bản gốc: 

“Bản thảo” chép tay mà nhạc sĩ Y Vũ dùng làm bằng chứng không thể chứng minh đó bản gốc của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông. Ngoài nhạc sĩ Y Vũ, không có người nào hay cơ quan có thẩm quyền độc lập nào xác định đó là bản thảo. Cách đây hơn nửa thế kỷ, mọi sáng tác văn nghệ đều phải chép tay, dù do chính tác giả sáng tác hay chép lại nhạc của người khác. 

Nhạc sĩ Nhật Ngân cũng có thể có một bản thảo chép tay như bản của nhạc sĩ Y Vũ nhưng còn đang thất lạc. Cuộc đời nhạc sĩ Nhật Ngân giống như âm nhạc của anh gắn liền với những chặng đường gian nan của đất nước. Rời Đà Nẵng, đi lính, gia nhập ban Tâm Lý Chiến của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, chịu đựng cực khổ sau 1975, vượt biên sang Thái Lan 1982. Mạng sống lo chưa xong nói gì là bản thảo. 

- Thời điểm nhạc phẩm ra đời: 

Khi còn sống, trong các buổi trả lời phỏng vấn trên báo chí, qua truyền hình, truyền thanh, nhạc sĩ Nhật Ngân đều khẳng định một cách chính xác nhạc phẩm đó anh viết lúc 18 tuổi từ năm 1960. Khẳng định này đã được phổ biến cùng khắp. 

Nhạc sĩ Y Vũ, qua các lời kể, dù thừa nhận đã có biết, có nghe những tranh luận nhưng không phản đối về thời điểm 1960 do nhạc sĩ Nhật Ngân đưa ra. 

Tạm cho là lúc đó nhạc sĩ Y Vũ chưa tìm ra “bản thảo” để chứng minh nhưng ít nhất ông phải nhớ năm nhạc phẩm ra đời và phản bác thời điểm 1960 của nhạc sĩ Nhật Ngân chứ. Chẳng lẽ ông nhớ những chi tiết nhỏ như “Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc "xế nổ" hiệu Roumie ngày ngày đi học” mà lại không nhớ mình sáng tác bản nhạc năm nào? 

Không phản biện về thời điểm có nghĩa ông đồng ý bản nhạc ra đời vào năm 1960 chứ không phải 1962 và như vậy bản của nhạc sĩ Nhật Ngân dù còn đang bị thất lạc mới thật sự là bản gốc. 

- Thời điểm tìm ra “bản thảo”

Trên báo Thanh Niên ngày 17 tháng 11, 2017, Nhạc sĩ Y Vũ tiết lộ thời gian tìm ra “bản thảo”: "Bản gốc của ca khúc này do bà cụ cất giữ. Bà rất quý sáng tác của hai anh em tôi và giữ mỗi người một bản gốc mà bà yêu thích nhất. Bà kẹp bản gốc ca khúc Lòng mẹ của Y Vân và bản gốc Tôi đưa em sang sông trong ngăn tủ của mình cùng với giấy khai sinh của tôi và một vài giấy tờ quan trọng khác. Mãi đến khi bà mất, tôi mới kiếm được những tư liệu này."

Người viết xin lỗi phải nhắc đến bà cụ nhưng vì nhạc sĩ Y Vũ nhắc trước. 

Mẹ của hai nhạc sĩ Y Vân và Y Vũ không phải qua đời năm ngoái, năm kia hay thậm chí không phải mười năm trước mà qua đời cách đây 24 năm. Báo chí trong nước viết về ngày cụ qua đời: “ngày 28/11/1992, nhạc sĩ Y Vân giã từ cõi người khi vừa bước vào tuổi 60 và mười tháng sau, mẹ của ông, (cũng là mẹ của nhạc sĩ Y Vũ) qua đời.”

Theo lời kể của chính nhạc sĩ Y Vũ, bà cụ cũng chẳng chôn giấu “bản thảo” ở một góc nhà nào kín đáo hay gởi cho ai mà để ngay trong phòng của cụ cùng với các giấy tờ quan trọng khác. Do đó, “bản thảo” trong xấp giấy tờ quan trọng phải được tìm ra ngay sau khi bà cụ qua đời. 

Nhưng cứ tạm cho rằng ông không tìm ra “bản thảo” ngay mà 10 năm sau mới tìm ra thì tại sao 14 năm rồi ông không công bố “bản thảo” dù ông có rất nhiều cơ hội và tại sao ông không công bố khi nhạc sĩ Nhật Ngân còn sống để hai mặt một lời cho dứt khoát? Điều gì khiến ông dè dặt? 

- Vai trò của nhạc sĩ Y Vân:

Người có thẩm quyền nhất và có tính xác định cao nhất ai là tác giả của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông chính là nhạc sĩ Y Vân vì cả nhạc sĩ Y Vũ và Nhật Ngân đều đồng ý là nhạc sĩ Y Vân đã ghép chung hai nhạc sĩ vào nhạc phẩm. 

Nhạc phẩm này không phải bây giờ mới nổi tiếng mà nổi tiếng ngay sau khi được Lệ Thu hát cho tới nay. Nhạc sĩ Y Vân qua đời năm 1992. Tuy lâu nhưng không phải quá lâu. Nhạc sĩ Nhật Ngân không có ở trong nước nhưng nhạc sĩ Y Vũ ở bên cạnh anh mình cho đến ngày cuối nhưng tại sao ông không yêu cầu nhạc sĩ Y Vân xác định giùm ông những bí mật, những khuất tất chung quanh nhạc phẩm này nếu ông là “tác giả duy nhất”? 

Người viết không dám phê bình nhạc sĩ Y Vân nhưng khách quan mà nhận xét lý luận cho rằng nhạc sĩ Y Vân thêm tên em mình vào một nhạc phẩm mà ông biết sẽ nổi tiếng có lẽ dễ thuyết phục hơn là thêm một tên còn đang học nhạc 18 tuổi vô danh ở ngoài Đà Nẵng vào nhạc phẩm của em mình.

- Lời nhạc 

Nhạc sĩ Nhật Ngân có hơn 200 nhạc phẩm, không tính nhạc ngoại quốc lời Việt, và nhiều trong số đó đã gắn liền với tâm sự với những người xa quê hương như Xuân này con không về, Một mai giã từ vũ khí nhưng khi được yêu cầu anh thường hát Tôi đưa em sang sông. 

Người viết nghe chính nhạc sĩ Nhật Ngân hát Tôi đưa em sang sông lần đầu 14 năm trước tại Dallas, rồi sau đó những lần khác trong các đại hội Quảng Đà, họp mặt Liên Trường ở Nam California. Anh hát với tất cả xúc động chân thành toát ra từ ánh mắt, từ lời ca, từ niềm hoài vọng về một thành phố cảng thân yêu nơi có bến đò ngang và dòng sông đẹp. 

Ai đã từng sống ở Đà Nẵng hay sống cả hai thành phố Đà Nẵng và Sài Gòn, và lắng lòng ngồi nghe anh Nhật Ngân hát, chắc hẳn sẽ đồng ý chính anh là tác giả của Tôi đưa em sang sông bởi vì “sông” trong Tôi đưa em sang sông là dòng sông thật chứ không phải “đưa người ta không đưa qua sông” theo cách ví trừu tượng của Thâm Tâm. 

Chuyện tình của nhạc sĩ Y Vũ không có tình tiết nào được phản ảnh trong lời nhạc Tôi đưa em sang sông. Theo lời kể của ông phần lớn chỉ diễn ra bên cây xăng ở Ngã Bảy Lý Thái Tổ và thậm chí cầm tay cũng chưa có thì làm gì có “bàn tay nâng niu ân cần” như trong Tôi đưa em sang sông.

Chuyện tình của nhạc sĩ Nhật Ngân không đánh dấu bằng những “cây dài bóng mát”, “vòm lá me xanh”, “thương xá sắp đóng cửa” hay “muôn tà áo tung bay” ở Sài Gòn mà bằng “đường vắng”, “bến đất”, “bến gió”, “lối mòn” thường gặp trong các thành phố xa thủ đô. Nói chung, không một động từ, một danh từ, một tĩnh từ nào trong Tôi đưa em sang sông làm người nghe liên tưởng đến Sài Gòn. 

Tôi đưa em sang sông so sánh với Ngày cưới em 

Nhạc sĩ Y Vũ, trong dịp khẳng định tác quyền Tôi đưa em sang sông có nhắc đến ca khúc Ngày Cưới Em. 

Lẽ ra không cần phải bàn đến nhạc phẩm không liên hệ nhưng vì nhạc sĩ Y Vũ “tâm đắc” và nhấn mạnh nhạc phẩm này cũng đã “thành công vang dội” nên người viết mời độc giả vào Youtube nghe hai nhạc phẩm rồi đọc kỹ lời của hai nhạc phẩm để thấy sự khác nhau trong cách diễn tả và ngôn ngữ được dùng. 

Những câu hát trong Tôi đưa em sang sông là những câu thơ, có trách móc, có chút đắng cay nhưng rất nhẹ nhàng và bóng gió:

Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm 
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em 
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa 
Chẳng lẽ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi 

Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần 
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim 
Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen 
Đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn…

Trong lúc đó, lời của Ngày cưới em

Hôm nay ngày cưới em 
Nào men nồng nào hoa thơm 
Nào môi hồng nào giá phấn 
Khăn áo muôn sắc đua chen 
Mắt biếc ngời ánh đêm 
Làn tóc nụ cười ngát hương 
Từng bước dập dìu bước êm 
Chỉ mình lòng tôi hoang vắng 

Hôm nay ngày cưới em 
Mừng vui họ hàng đôi bên 
Vì đâu nàng mời tôi đến 
Tuy có đây cũng như không 
Chiếc áo tình chóng phai 
Một sớm một chiều đã thay 
Thì nhớ đừng vì có tôi 
Mà nàng giấu vui không cười…

Lời của Ngày cưới em không bóng gió như thơ mà là những đoạn văn xuôi tả rất cụ thể, rõ ràng với “men”, “môi”, “phấn”, “mắt”, “khăn áo”, “họ hàng đôi bên”.

Ngôn ngữ bao la nhưng mỗi nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ chỉ có một cuốn tự điển để sử dụng cho riêng mình và dù có viết trăm bài thì những chữ tác giả dùng cũng giới hạn trong tự điển đó thôi. 

- Tiền bản quyền 

Nhạc sĩ Y Vũ than trên báo Thanh Niên: “Nghe nói tiền bản quyền ca khúc bên Mỹ cao lắm, mà hàng chục năm qua tôi không được một đồng." Đây là điểm thuộc về pháp lý và sẽ do các luật sư chuyên về bản quyền giải thích nhưng trong quan điểm phổ quát, tiền bản quyền thuộc về ai tùy thuộc vào ai giữ bản quyền. Người viết cũng đã từng nộp bản quyền và biết cơ quan bản quyền không dựa vào bản chép tay dù cũ bao lâu của ai đó để xác định bản quyền.

Việt Nam và Mỹ đều là thành viên của Berne Convention cho nên nếu nhạc sĩ Nhật Ngân nộp bản quyền nhạc của ông sau khi định cư ở Mỹ năm 1982 và gia đình nhạc sĩ Nhật Ngân giữ quyền thừa kế bản quyền của Tôi đưa em sang sông thì họ có thể kiện những ai dùng nhạc phẩm vào mục đích thương mại ngay cả đã sử dụng tại Việt Nam trước đây, đang sử dụng hiện nay và cả sẽ sử dụng sau này. 

Nhạc sĩ Y Vũ có nhiều điều kiện, nhiều thời gian, nhiều cơ hội và nhiều người để giúp chứng minh ông là tác giả của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông nhưng đã không làm. Hôm nay, nhạc sĩ Nhật Ngân không còn sống để biện hộ cho anh nên dù nói gì nhạc sĩ Y Vũ cũng chỉ vẽ nên nhiều nhất là một nửa cái bánh mà thôi. 

Trong lúc một số người dễ tin có thể cho những bằng chứng nhạc sĩ Y Vũ đưa ra là thật nhưng những người khác thận trọng, suy nghĩ chín chắn hơn sẽ nghĩ khác. Ngay cả những khán giả vỗ tay khi nhạc sĩ Y Vũ trưng ra bản chép tay mà ông viết là “bản thảo” trên đường về cũng có thể tự trách mình đã vội vàng vì không có gì chứng minh đó là bản đầu tiên của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông. 

Bản chép tay mà nhạc sĩ Y Vũ đưa ra không phải lấy từ hồ sơ lưu trữ của Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa, không phải do gia đình cố nhạc sĩ Y Vân công bố, không phải do một người thứ ba nào khám phá mà chỉ từ nhạc sĩ Y Vũ. 

Mười hai năm trước khi qua đời, nhạc sĩ Nhật Ngân kể lại với nhạc sĩ Trường Kỳ: “Tôi không bao giờ than vãn cuộc đời. Tôi vẫn mang trái tim của tôi, mang sự yêu mến cuộc đời của mình để bước vào cuộc đời." 

Lúc 10 giờ sáng ngày Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012, tác giả Xuân này con không về đã bước ra khỏi cuộc đời cũng bằng trái tim đầy yêu thương như thế.

Vì nhạc sĩ Y Vũ khẳng định ông là tác giả duy nhất của Tôi đưa em sang sông nên người viết muốn phân tích để chứng minh những gì dễ cho là thật và tưởng là thật nhiều khi lại không hẳn là thật. 

Sự kiện Tôi đưa em sang sông là một biến cố đáng tiếc trong âm nhạc Việt Nam nhưng suy cho cùng cũng chẳng làm nhạc sĩ nào thiệt hại hoàn toàn. Cả hai nhạc sĩ cùng với nhạc sĩ Y Vân qua nhân duyên văn hóa đã góp phần tạo nên nhạc phẩm tuyệt vời này. 

Nhạc sĩ Nhật Ngân đã qua đời và nhạc sĩ Y Vũ sắp bước vào tuổi tám mươi, nên mỉm cười đón nhận nhân duyên. Tôi đưa em sang sông sẽ mãi mãi là một phần của văn hóa Việt Nam và các thế hệ Việt Nam mai sau cũng sẽ mỉm cười kính mến và trân trọng khi nhắc đến tên hai vị.

Hãy để “em sang sông”, thưa nhạc sĩ Y Vũ.

1/12/2017