Wednesday, September 30, 2020

Đại đô thị, thành phố thông minh …những “giấc mơ ban trưa” của CSVN

 

Tân Phong – Viettan.org|

Truyền thông trong nước thời gian qua ồn ào về đề án thành lập “thành phố Thủ Đức.” Trên cơ sở sáp nhập 3 quận (Thủ Đức, quận 2 và quận 9), thành phố Thủ Đức được giới chức CSVN kỳ vọng lớn lao “sẽ đóng vai trò là trung tâm thực hiện mô hình ứng dụng khoa học – kỹ thuật, hạ tầng, thương mại khép kín… với những lợi thế hiện có, đơn vị hành chính mới được kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy nền kinh tế thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố Thủ Đức dự kiến sẽ đóng góp 30% GRDP* cho TP.HCM và chiếm 7% GDP cả nước” như lời ông Chủ Tịch Nguyễn Thành Phong trả lời báo giới.

Có thể nói rằng đây là một trong những dự án lớn nhằm cụ thể hóa mục đích chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp của ban lãnh đạo thành Hồ kể từ khi ông Nguyễn Thiện Nhân về ngồi ghế bí thư. Năm 2018, chủ trương chuyển đổi một lượng lớn quĩ đất nông nghiệp đã được chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc và Bộ Chính Trị đảng CSVN chấp thuận. Giới chức CSVN hy vọng sẽ thu về 1.500.000 tỷ đồng trong bối cảnh “ngân sách như dòng sông đã cạn.”

Tại thời điểm chủ trương cho phép chuyển đổi một lượng lớn đất nông nghiệp sang đất đô thị và chuyên dụng được thông qua, đoàn doanh nghiệp của Hội Chính Hiệp Thượng Hải, Trung Quốc đã đặt vấn đề đầu tư nhiều tỷ USD vào bất động sản thành Hồ với đề nghị thời gian sở hữu nhà đất cho người Trung Quốc ở Việt Nam lên tới 99 năm. Không rõ, kết quả việc họp bàn giữa hai bên đã đi tới đâu? Nhiều khả năng vì lý do “nóng, lạnh” ở Biển Đông nên thông tin đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam trở nên rất kín tiếng. Tuy vậy, không có nghĩa những cái vòi bạch tuộc dừng lại.

Theo đó, các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân là những quận sẽ tập trung phát triển cao ốc và đô thị mới dọc theo các tuyến giao thông lớn, huyết mạch, tuyến metro… Việc “thành phố Thủ Đức” có trở thành như lời ông Nguyễn Thành Phong nói hay không thì …hậu xét. Nhưng trước mắt, những cơn sốt đất bùng nổ trong thời gian tới sẽ mang lại cho giới cầm quyền một khoản thu ngân sách không hề nhỏ. Trong bối cảnh thị trường bất động sản thành Hồ đã lao dốc thê thảm từ 2019 đến nay thì việc một đại dự án như “thành phố Thủ Đức” là hy vọng cứu cánh cho ngân sách đang vô cùng nguy ngập.

Thôi thì, “tương lai” luôn là cái bánh vẽ đẹp. Là một người dân Việt Nam, tôi cũng mong cái giấc mộng ấy nó biến thành sự thực mặc dù chẳng có một căn cứ khả tín nào. Đã có quá nhiều cái bánh vẽ to lớn được giới chức CS và những doanh nghiệp ma cô cho người dân ăn đến bôi thực. Không có điều gì đảm bảo liệu cái “thành phố Thủ Đức” ấy sẽ khác với khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc suốt hơn một thập kỷ qua vẫn còn là những khu đất trống mênh mông để chăn thả bò hay như “thành phố thông minh Bắc Hà Nội 4,2 tỷ USD” đã xin chuyển đổi sau lễ động thổ hoành tráng năm 2019?

Vô số những dự án to tát trên giấy đã được thành lập. Các “đặc khu kinh tế,” những đại đô thị, thành phố thông minh, khu công nghệ cao… được rất nhiều nghị quyết, định hướng phát triển của đảng nhắc đến như là những “chiến lược, đột phá” hàng đầu. Để rồi ngoài việc tạo ra những cơn sốt bất động sản điên rồ từ Bắc chí Nam, không có mấy giá trị thực sự cho sự phát triển xã hội hài hòa và bền vững.

Phát triển đô thị theo “tư duy m²,” “lấy lu chống lụt” của những “đỉnh cao trí tuệ” chẳng phải đã được minh chứng bằng vô số những thảm họa qui hoạch khắp mọi miền đất nước?

Thảo Điền, thành Hồ

Không có nơi đâu nghịch lý giữa chất lượng môi trường sống với số tiền khổng lồ phải bỏ ra lại phi lý như ở Thảo Điền, thành Hồ. Đây được coi là khu đô thị chỉ dành riêng cho đám “thượng lưu tôn quí” là các đại gia và quan chức cao cấp cộng sản mới có thể sở hữu những biệt thự, căn hộ nhiều triệu Mỹ Kim. Tuy vậy, đây lại là nơi ô nhiễm nhất, thường xuyên ngập lụt và kẹt xe kinh hoàng.

Được xây dựng trên một bể bùn nhão, ba mặt giáp sông, cao độ mặt bằng chỉ khoảng 1m so với mức nước biển, hai thập kỷ trước đây chỉ là vùng rừng ngập mặn và dừa nước mênh mông, giờ đây Thảo Điền được coi là khu sang chảnh, đắt đỏ nhất miền Nam Việt Nam.

Khi xây dựng khu đô thị này, tất cả các khuyến cáo khoa học về qui hoạch và đặc điểm địa hình, địa mạo đã bị bỏ qua. Quan tâm duy nhất của giới đầu tư và quan chức thành phố là vị trí sát trung tâm sẽ đảm bảo khả năng thương mại tốt nhất. Mỗi mét vuông ở Thảo Điền có giá khoảng 300 triệu đồng. “Tấc đất, tấc kim cương” mức độ bê tông hóa nghẹt thở, những cao ốc vẫn tiếp tục được xây dựng. Trong khi đó, khu vực này cứ mỗi năm lún khoảng 3cm và chắc sẽ không bao lâu sẽ trở thành một Venice. Chỉ khác có điều là những biệt thự hàng triệu USD sẽ được bao quanh bởi một biển nước đen ngòm, hôi thối, ngập tràn rác rưởi chứ không phải những dòng kênh xanh trong thơ mộng.

Nhưng chắc chắn, tất cả đám “thượng lưu tôn quí” ấy sẽ vẫn “ngạo nghễ” bơi trên những dòng kênh bẩn thỉu bằng những chiếc siêu xe hàng triệu USD và không một ai sẽ tính nhường ra một vài m² để làm cống thoát nước hay hồ điều hòa.


Cảnh tượng ngập lụt quen thuộc ở “khu nhà giàu” Thảo Điền, TP.HCM. Ảnh: Zing

Thành phố mới Bình Dương

Thành phố mới Bình Dương cũng là một ví dụ điển hình cho những tham vọng duy ý chí xây dựng các “đại đô thị” của giới chức cầm quyền.

Thành phố này được khởi công rầm rộ cách đây tròn 10 năm với kỳ vọng to lớn sẽ là mô hình đô thị hiện đại kiểu mẫu với các trung tâm hành chính, công nghệ cao, tài chính- ngân hàng- chứng khoán, khách sạn, trung tâm thương mại …như một Singapore thu nhỏ. Chỉ riêng khu hành chính tập trung của thành phố này đã tiêu tốn hết 1.400 tỷ đồng, 7 khu chức năng trung tâm đã được đầu tư 150.000 tỷ đồng theo như kế hoạch tới hết năm 2020.

10 tỷ USD đã được các nhà đầu tư đổ vào thành phố này. Tuy vậy, sau 10 năm, thành phố mới Bình Dương đã trở thành một thành phố ma hoang vắng, không có người ở. Những con phố dài san sát, những căn nhà có giá hàng chục tỷ đồng bỏ không. Đây có thể nói là một biểu tượng cho sự lãng phí, méo mó của nền kinh tế ảo, dựa vào đầu cơ, bất chấp các qui luật cung cầu, vị trí địa lý, công năng thực dụng của một đô thị…

Một trong những khu phố không bóng người ở thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Zing

Thành phố mới Bình Dương chỉ là một trong hàng ngàn những dự án bất động sản, các khu đô thị từ Bắc vào Nam được qui hoạch vô tội vạ, ồ ạt xây dựng, đầu cơ và …bỏ hoang trong hai thập niên vừa qua. Sự lãng phí của thành phố Bình Dương có lẽ cũng chưa là gì nếu so sánh với thành phố Hà Nội.

Hà Nội mở rộng

Năm 2008, với “quyết tâm chính trị” to lớn, nhà cầm quyền CSVN đã quyết định mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Theo đó, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được sáp nhập về Hà Nội.

Từ diện tích gần 1.000 km² và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội mở rộng diện tích tới 3.324,94 km², gấp 2 lần diện tích thành Hồ, có dân số khoảng hơn 6 triệu người (chưa kể một số lượng tương đương là dân nhập cư ngoại tỉnh), trở thành một trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới.

Bị ám ảnh bởi những con số thống kê to lớn và mong muốn xây dựng những megacity hiện đại như Seoul, Jakarta. Những dự án bất động sản bùng nổ khăp mọi nơi ở những vùng mở rộng của thành phố Hà Nội trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2018.

Người dân quay cuồng với những cơn sốt đất, các dự án. Trên cùng một mảnh đất vườn của người nông dân ngoại thành Hà Nội, sau hơn 10 năm đã tăng giá hàng chục lần. Người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn năm xưa, giờ đây đi xe hơi, mặc hàng hiệu và nói chuyện bất động sản triệu USD, “chém gió thành bão” ở quán café, quán karaoke… hoặc đi thuyết trình bán hàng đa cấp. Ai cũng thấy mình “giàu có” hơn. Các báo cáo kinh tế chính trị của thành phố Hà Nội lúc nào cũng sáng ngời những con số tăng trưởng vượt bậc.

Thế nhưng, sau khi cơn sốt đất qua đi, những núi nợ ở khối ngân hàng tăng không ngừng. Đất đai đã bán hết, tiền đã tiêu hết, xe cũng cầm cắm cho các cuộc ăn chơi, đỏ đen, người nông dân giờ không phương tiện sống, không còn ruộng đất và cũng từ chối những công việc nặng nhọc. Tệ nạn xã hội nhức nhối khắp mọi vùng quê Việt Nam.

Những dự án bất động sản thu hồi hàng trăm ngàn hecta bờ xôi ruộng mật để phân lô, xây nhà. Hàng ngàn căn nhà trị giá nhiều tỷ đồng xây lên để bán qua bán lại, hoặc dở dang để hoang hàng chục năm. Chỉ riêng một huyện Mê Linh đã có 47 dự án bất động sản chiếm hữu 2.000 ha trong tình trạng xây dựng dở dang, hoang hóa.

Tình trạng những đô thị ma ở Hà Nội và khối nợ ngân hàng tăng cao khiến cho chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần hối thúc rà soát, kiểm tra và có biện pháp… Nhưng làm sao có có thuốc trị ung thư khi các tế bào ác tính đã di căn?  Khi nền kinh tế kiệt quệ, suy giảm bởi dịch bệnh, cùng lúc với quả bóng bất động sản nổ tung, đó là thảm họa kép mà không sao có thể hóa giải.

Một dự án bất động sản “hoang vắng” ở Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Internet

Trong khi đó, giới chức CSVN một lần nữa lại bơm lên một quả bóng khác mang tên “thành phố Thủ Đức” với hy vọng khôi phục lại thị trường bất động sản ở thành Hồ. Xem ra, thời điểm tính toán cho “vụ áp phe cuối cùng” của đảng Cộng Sản Việt Nam ở thời điểm này có vẻ không phù hợp. Và như vậy, những Megacity, thành phố thông minh, thành phố 4.0 sẽ mãi chỉ là “giấc mơ ban trưa” mà thôi./.

*GRDP: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh/thành phố (Gross Regional Domestic Product).

Ông Đào Duy Quát đừng to mồm nữa!

 


Thao Ngoc|

Văn hóa dân tộc và việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo đúng quy luật của nó là vấn đề lớn.

Nếu thực sự muốn phát triển văn hóa, đòi hỏi người làm công tác văn hóa phải có Tâm và có Tầm, chứ không thể hô hào mà được.

Sáng 28/9/2020, phát biểu tại cuộc hội thảo với chủ đề: “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “thành phố sáng tạo”, ông Đào Duy Quát, nguyên Phó ban Tuyên giáo T.Ư nói: “Nếu thực sự muốn phát triển văn hóa, “phải có một bộ tư lệnh” do Tổng bí thư đứng đầu”.

(https://thanhnien.vn/…/can-co-mot-bo-tu-lenh-do-tong-bi…)

Chúng ta hãy xem xét chủ đề này dưới hai lĩnh vực: Lễ hội và Tâm linh, vì nó mang tầm vóc lớn trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Về các lễ hội:

Việc tổ chức các lễ hội ngày nay được xem như một cơ hội để tăng thu nhập cho địa phương. Vì vậy, họ tìm nhiều cách để thu hút khách tham dự, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của du khách, kể cả những nhu cầu không phù hợp với địa điểm tâm linh, phong tục tập quán, việc thương mại hóa thái quá lễ hội đã làm méo mó bản sắc của lễ hội.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần đã trở thành nơi tranh cướp ấn.

Ban đầu, hội đền Trần là một lễ hội văn hóa truyền thống tốt đẹp. Người ta thông qua đó mà bày tỏ lòng kính sợ Trời Đất, nhớ ơn tổ tiên, khiến con người biết sống hướng thiện, thích hành thiện, theo nhân quả, thuận tự nhiên.

Những năm gần đây, lễ Khai ấn đền Trần đã mất đi ý nghĩa văn hóa và tâm linh ban đầu, đó đã xảy ra tranh giành, cướp ấn, và cả “cò bán ấn”. Nhưng không hiểu lý do gì, ban tổ chức vẫn bất chấp dư luận, vẫn tổ chức khai ấn, phát ấn như cũ.

Đáng chú ý là có hàng ngàn đại biểu, là những cán bộ, quan chức chen lấn xin ấn. Cán bộ mà như thế thì nói sao dân không tranh, giành, cướp, giật ấn? Ai cũng muốn được thăng quan tiến chức thì ai sẽ làm dân thường? Biết điều đó vô lý nhưng người ta vẫn tranh cướp, mua bán các lá ấn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc triển khai lễ Khai ấn đền Trần rầm rộ, không dựa theo một chứng cứ lịch sử nào, thì đó là một sự xuyên tạc nghiêm trọng đối với lịch sử nước nhà.

Điều gì khiến ban tổ chức bất chấp dư luận? Phải chăng là nguồn tiền khổng lồ từ bán ấn, công đức, và các dịch vụ khác?

Hai là lĩnh vực tâm linh:

Sinh hoạt tâm linh vốn mang tính thiêng, khuyến khích con người làm điều thiện. Một khi tâm linh bị thương mại hóa sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại cho con người. Mấy năm trở lại đây đã tồn tại một thực tế là có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an như chùa Phúc Khánh ở Hà Nội là ví dụ điển hình.

Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống “tam giáo đồng nguyên”.

Hay như chùa Ba Vàng làm dậy sóng dư luận vừa qua.Theo PGS, TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, những hoạt động của chùa Ba Vàng cùng các phát ngôn của bà Phạm Thị Yến về luật nhân quả và “vong báo oán” không chỉ đi ngược với giáo lý đạo Phật mà còn có những biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo truyền thống để trục lợi. Theo ông Trần Lâm Biền, đạo Phật là một hệ triết học vô thần từ bi và thoát tục, đạo Phật nói về nghiệp, nhưng không phải là nghiệp từ đời trước mà đời sau phải trả. Chuyện “gọi vong” và “thỉnh vong” là một thuật ngữ nằm trong hệ thống Đạo giáo chứ không phải Phật giáo.

Cúng một lễ oan gia mà bắt người dân nộp 950 triệu, là cưỡng đoạt bá tánh vốn mê lầm tin lời ma sư.

Nhà báo Hoàng Hải Vân trên trang Facebook của ông được rất nhiều người bình luận và chia sẻ.

“Việc truyền bá mê tín dị đoan vong báo oán “mỗi năm thu trăm tỷ” của ngôi chùa Ba Vàng “kỷ lục Đông Dương” này là sự biến dị trơ tráo của tình trạng buôn tăng bán phật đang diễn ra khắp nơi. Việc lừa đảo trục lợi ở đây là rất khó chối cãi, cho nên cơ quan điều tra phải vào cuộc”.

Vậy ai bảo kê cho chùa Ba Vàng với những hoạt động “buôn thần bán thánh”?

Cựu thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn lên tiếng bênh vực chùa Ba Vàng. Ông Sơn nói: “Tôi chưa một lần đến chùa Ba Vàng, chưa gặp Thầy Trúc Minh nhưng theo dõi rất nhiều bài trên mạng.Tôi đánh giá đây là hoạt động hiệu quả, hội tụ rất nhiều phật tử. Ngần ấy con người chịu đến nghe trong nhiều năm, chả nhẽ Thầy lừa được nhiều người thế.”

Đặc biệt là bà Phạm Thị Yến đã xúc phạm nặng nề đến “nữ sinh giao gà” bị hãm hiếp và sát hại, khi rao giảng cho hàng ngàn tín đồ rằng: “Nguyên nhân chính không phải đi shíp hàng, mà khiến bị giết như vậy. Nguyên nhân do ác nghiệp của bạn ấy trong tiền kiếp. Bạn ấy trong tiền kiếp có 2 tội: tội sát hại chúng sinh dã man và tội xâm hại trinh tiết của người khác”.

Thật là độc ác đến tận cùng của con người này. Bà Yến đã lợi dụng chùa để rao giảng những điều hoang đường, phản khoa học trên danh nghĩa là Chủ nhiệm một CLB tu tập.

-Về kẻ đang kêu gào “phải có một bộ tư lệnh” do Tổng bí thư đứng đầu, để phát triển văn hóa: Ông Đào Duy Quát.

Chính ông đã thừa nhận thất bại sau 15 năm thực hiện Nghị quyết:“Sau 15 năm thực hiện, về hành động, quan trọng nhất thể chế hóa nghị quyết thành luật, thành văn pháp quy, thành cơ chế chính sách để thực hiện, thì càng hạn chế. 15 năm thể chế hóa được có 10%”.

Mọi người còn nhớ: Năm 2009, khi đang là Phó ban Tuyên giáo TƯ, kiêm Tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng Sản VN. Trong lúc bọn bành trướng Bắc Kinh đang tìm mọi cách thôn tính nước ta, đưa quân tập trận tại Hoàng Sa mà chúng chiếm trái phép của nước ta, thì TBT Đào Duy Quát, trên tờ báo của mình, đã đưa tin “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông”, nhằm hợp thức hóa cho hành động ăn cướp của giặc Tàu, và ca ngượi cuộc tập trận này như là chính nghĩa.

Điều đáng nói là khi bị dư luận cực lực lên án, thì Đào Duy Quát, là người đứng đầu của tờ báo, đã không dám nhận trách nhiệm, mà đổ lỗi cho “thằng đánh máy”. Quá nhục và quá hèn, không xứng đáng là người đàn ông, chứ đừng nói còn khoác áo Phó Giáo sư-Tiến sĩ.

Vậy bây giờ ông cổ súy cho việc phải là Tổng bí thư làm tư lệnh, người đứng đầu trong việc phát triển văn hóa là có ý gì?

Khi còn đương chức đương quyền, ông chẳng làm nên con mẹ gì. Bây giờ về vườn thì tha hồ chém gió và …nịnh nọt, bợ đít để hy vọng kiếm chác? Hết chỗ nói!

Á có bác Hồ đời em…bị đói to



Mỗi người dân nghèo Việt Nam chỉ cần 50 ngàn/ngày là họ đủ sống. Tính ra mỗi năm người nghèo chỉ sử dụng 18,25 triệu/năm cho tiền ăn. Với số tiền 11 tỷ dựng 11 chữ “Đời Đời Nhớ Ơn Chủ Tịch Hồ Chí Minh Vĩ Đại” thì tính ra mỗi chữ tốn 1 tỷ đồng. Chỉ với 11 chữ này, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã đốt mất 603 năm tiền ăn của người nghèo thành tro bụi.

Cũng tương tự như vậy, tượng đài cha con Nguyễn Sinh Sắc – Hồ Chí Minh ở Quy Nhơn tiêu tốn hết 118 tỷ, tương đương 6.466 năm (sáu ngàn bốn trăm sáu mươi sáu năm) tiền ăn của người dân nghèo xứ Việt. Còn nếu nói tượng đài Hồ Chí Minh trị giá 1.400 tỷ mà Sơn La dự tính xây vào năm 2015 thì nó tương đương với 76.712 năm (bảy mươi sáu ngàn bảy trăm mười hai năm) tiền ăn dành cho người nghèo. Mà hiện nay trên toàn quốc có hàng trăm tượng ông Hồ Chí Minh mà tượng nào cũng ngốn số tiền bằng hàng ngàn năm thậm chí hàng vạn năm tiền ăn của dân nghèo như vậy.

Tiền mà chính quyền này bỏ ra để lo cho lăng Ba Đình là từ 200 đến 300 tỷ mỗi năm. Tính ra mỗi năm cái xác chết này đã ngốn khoảng 1.600 năm (một ngàn sáu trăm năm) tiền ăn của người dân nghèo trên khắp đất nước này.

Như vậy qua đây chúng ta thấy gì? Một khẩu hiệu liên quan đến ông Hồ thì hàng trăm năm tiền ăn của dân nghèo đem đổ sông đổ biển. Một tượng đài cho ông Hồ thì người ta đem hàng ngàn thậm chí hàng vạn năm tiền ăn cho dân nghèo đổ đi. Để chăm sóc xác chết cho ông Hồ mỗi năm thì cũng hàng ngàn năm tiền ăn của dân nghèo bị đem vứt đi. Mà trên đất nước này số tượng đài và số khẩu hiệu về ông Hồ là không sao đếm xuể. Ông Hồ Chí Minh đã chết 51 năm rồi thế mà hằng năm ông ta còn cướp lấy hàng vạn năm tiền ăn của dân nghèo.

Ở Việt Nam, rải rác đây đó còn vô số những trẻ em nghèo hằng ngày phải đu cáp vượt suối, phải chui bọc ni lông vượt thác vv… Nói chung chúng đang đánh đổi sinh mạng để kiếm con chữ và “tiết kiệm” tiền cho đảng hưởng. Rồi đến trường, các em ấy sẽ học trong những ngôi trường dột nát, tồi tàn, thiếu sách vở, thiếu giáo viên, thế nhưng chúng cũng không biết tại sao chúng phải thiếu thốn đến thế?! Rồi bên trong những ngôi trường ấy, các em được đảng dạy phải hát rằng “Á có Bác Hồ đời em được ấm no” và tất nhiên chúng tin như thế.

Thông thường khi đủ khả năng đọc chữ thì những đứa trẻ em vùng cao ấy phải nghỉ học để kiếm miếng ăn vì nhà quá nghèo. Tại những nơi ấy chỉ cần có 50 ngàn đồng mỗi ngày là đủ cho một người sống, kể cả người lớn. Trong số những đứa nghỉ học kiếm cơm ấy thì có đứa kiếm được 50 ngàn/ngày nhưng cũng rất nhiều đứa không kiếm nổi  và phải sống nhờ rau rừng cá suối. Cuộc đời cơ cực cứ bám theo chúng, nó truyền từ ông bà, đến cha mẹ, rồi giờ đến chúng mà chẳng thấy “ấm no” đâu cả. Thế mà chúng đâu biết rằng cái xác chết của người mà đảng bảo là “mang lại ấm no” cho chúng ấy hàng năm vẫn đang cướp đi hàng triệu chén cơm của chúng?! Và với con chữ như thế, chúng vĩnh viễn sẽ sống trong kiếp nghèo mà không hề biết tại sao!

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungsolieungansachnhanuoc?categoryId=100003509&articleId=10056816

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-quyet-73-2018-QH14-phan-bo-ngan-sach-trung-uong-2019-367142.aspx?

https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/son-la-xay-dung-tuong-dai-1400-ty-xuat-phat-tu-tinh-cam-c46a725320.html

https://vietnamfinance.vn/chan-dung-don-vi-trung-thau-lap-khau-hieu-moi-tu-gan-mot-ty-dong-o-hoa-binh-20180504224244270.htm

Cơ sở nào giúp hiện thực hóa được khát vọng xây dựng VN hùng cường?

RFA-2020-09-30

 Ảnh minh họa: Nông dân trồng lúa hôm 1/7/2020.

Ảnh minh họa: Nông dân trồng lúa hôm 1/7/2020.- AFP

Nhận định với báo chí về khả năng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 – 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, đỉnh lũ năm 2020 tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp và sẽ xuất hiện muộn vào giữa tháng 10. Do đó ĐBSCL có thể sẽ có mùa lũ thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Vắng lũ khiến dân ĐBSCL lao đao!

Hôm 30/9, RFA liên lạc ông Hai Lúa, một nông dân ở Cần Thơ, và được ông cho biết tình hình thực tế tại địa phương:

“Lũ đâu mà lũ, giờ này mà khô rang trên thượng nguồn An Giang, bên Đồng Tháp cũng chưa lên gì hết trơn. Còn thua con nước bình thường nữa, còn thua mọi năm, Trung Thu rồi mà không thấy nước nhiều gì mấy. Năm ngoái nó còn lên ngập đầu cầu nhà tui, bây giờ thì không có lên gì hết, cũng có nước nhưng không như mấy năm trước, mội năm cứ xuống thấp, xuống thấp...”

Lũ đâu mà lũ, giờ này mà khô rang trên thượng nguồn An Giang, bên Đồng Tháp cũng chưa lên gì hết trơn. Còn thua con nước bình thường nữa, còn thua mọi năm, Trung Thu rồi mà không thấy nước nhiều gì mấy.
-Ông Hai Lúa

Do mùa mưa năm 2020 đến trễ, cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài, thêm vào đó, từ đầu tháng 6 năm 2020 đến nay, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mekong thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Để tìm hiểu về thực trạng này, RFA hôm 30/9 liên lạc PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, và được ông giải thích:

“Tôi theo dõi các số liệu thủy văn trên thược nguồn sông Mekong thì thấy là những năm sau này, lượng mưa trên thượng nguồn càng ngày càng ít dần. Và cộng thêm áp lực thủy điện ở thượng nguồn họ tích nước khá nhiều, nên khả năng nước về đồng bằng càng ngày càng ít dần. Nếu so sánh 10 năm gần đây với 20 năm trước đó thì lũ nhỏ và trung bình tăng, nhưng lũ lớn giảm rất nhiều. Năm nay chúng tôi cũng lo ngại nước lũ không về Biển Hồ, nên có thể dự đoán năm tới ĐBSCL sẽ đối diện tình trạng khô hạn nghiêm trọng như năm rồi. Hiện nay chúng tôi nghiêng về giả thuyết liên quan biến đổi khí hậu, cái này một số nhà khoa học cũng đã nhận thấy hiện tượng mưa ít dần đang diễn ra ở khu vực sông Mekong này.”

Vài năm gần đây, người dân ĐBSCL không còn được ‘sống chung với lũ’ mỗi năm nữa. Lũ không về, không chỉ làm thất thu nguồn lợi thủy sản, giảm thu nhập của nông dân mà còn có thể gây ra nhiều hậu quả khác. Mặc dù, đối với các nơi khác lũ là thiên tai, nhưng đối với vùng ĐBSCL, hiện tượng ‘mất lũ’ đã dần trở thành một thiên tai…

Nông dân có khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường?

Trong khi người nông dân còn đang lo lắng với những khó khăn trước mắt, thì vào ngày 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp đối thoại với 300 nông dân được cho là xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho khoảng 14 triệu hộ nông dân của Việt Nam lại cho rằng ‘Xây dựng Việt Nam hùng cường là khát vọng của người nông dân’...

Ảnh minh họa: Nông dân dọn đồng hôm 4/6/2020.
Ảnh minh họa: Nông dân dọn đồng hôm 4/6/2020. AFP

Người dân ai mà không muốn đất nước của mình hùng mạnh, vì nếu đất nước giàu có thì đương nhiên đời sống người dân cũng khấm khá. Nhưng liệu khi còn phải lo cơm áo gạo tiền thì khát vọng trước mắt của người nông dân sẽ là gì?

Ông Hai Lúa cho biết ý kiến của mình:

“Khát vọng lớn nhất của nông dân hiện nay là làm sao nhà nước nói với Trung Quốc mở cửa đập trên đó, cho có nước cho dân cày cấy... chứ để khô hạn, xâm nhập mặn thì cây vườn chết hết thì đâu có kinh tế gì đâu. Năm nay còn vậy, thì qua năm còn tệ hơn nữa. Tệ hơn như kinh tế nghèo nàn hơn, lúa thì hẹp diện tích lại, hồi đó mấy triệu hecta giờ còn triệu ngoài, cây trái ở Bến Tre thì chết hết... Nhà nước cũng không có hướng hỗ trợ gì như đào kênh, chứa nước ngọt... mà có chứa thì cũng chỉ dùng tạm chứ không sử dụng trọn vẹn mùa khô được. Mùa khô 6 tháng mà làm vài ba tháng hết nước thì cũng như không.”

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, muốn nông nghiệp Việt Nam phát triển, đời sống nông dân bớt khó khăn, thì ngoài yếu tố cơ cấu đất nông nghiệp, nguồn vốn cho nông dân, khoa học công nghệ phải rất là mạnh... các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học cũng phải thay đổi, coi nông dân, doanh nghiệp là khách hàng, đưa ra các khoa học kỹ thuật tiến bộ hiện đại. Ông nêu lên vấn đề vướng mắc nhất đối với nông nghiệp Việt Nam hiện nay:

“Khâu đang vướng mắc nhiều nhất, đó là sản xuất phải kết nối với thị trường, phải hình thành các chính sách chung. Doanh nghiệp phải nắm vững luật chơi quốc tế, phải có thương hiệu, phải có tiêu chuẩn… Các tham tán thương mại Việt Nam phải giúp cho người dân Việt Nam liên kết với thị trường quốc tế. Các cơ quan công quyền phải tạo điều kiện thuận lợi về hải quan, kiểm dịch, ngoại giao… để nông sản Việt Nam đi vào thị trường thế giới với giá và chi phí thấp nhất.”

Còn theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, đối với tình hình mùa nước nổi càng ngày càng ít dần, khô hạn và xâm nhập mặn xảy ra ở ĐBSCL, người nông dân phải chấp nhận chuyển đổi sản xuất, không thể như ngày xưa nữa. Muốn như vậy, cần phải có hỗ trợ của nhà nước:

Hướng là phải giảm diện tích lúa, vì cây lúa là cây cần nhiều nước ngọt, phải chuyển sang cây trồng cần ít nước hơn hay chuyển sang nuôi trồng thủy sản nước lợ hay nước mặn như nuôi tôm.
-TS. Lê Anh Tuấn

“Hướng là phải giảm diện tích lúa, vì cây lúa là cây cần nhiều nước ngọt, phải chuyển sang cây trồng cần ít nước hơn hay chuyển sang nuôi trồng thủy sản nước lợ hay nước mặn như nuôi tôm. Hay mô hình lúa -tôm, mùa mưa trồng lúa, mùa khô nuôi tôm. Đây là mô hình tương đối phù hợp điều kiện hiện nay, nhưng người nông dân gặp khó khăn cần nhà nước hỗ trợ là cân nguồn kinh phí để chuyển đổi sản xuất lúa qua nuôi tôm chẳng hạn. Thứ hai là phải huấn luyện cho họ, vì họ không có kiến thức nuôi trồng thủy sản, họ đang trồng lúa giờ chuyển sang nuôi tôm thì phải đào tạo, huấn luyện và hỗ trợ."

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chính phủ phải có hỗ trợ về dự báo thay đổi thời tiết, thay đổi dòng chảy để kịp thời thay đổi canh tác và đồng thời phải hỗ trợ chứa nước như đào ao, lấp bạt, dụng cụ chứa nước để nông dân đối phó khô hạn.

Vậy trên thực tế hiện nay, người nông dân có được giúp đỡ gì, nhất là lúc này kinh tế đang khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19.

Ông Hai Lúa, một nông dân ở Cần Thơ, nói tiếp:

“Theo cá nhân tui thì nhà nước nói dóc không à, không có hỗ trợ gì hết. Nhưng dịch cúm này, sáu mươi mấy ngàn tỷ mà rút cuộc có được tới dân gì đâu? Chính tui cũng có được đồng nào đâu mà nói hỗ trợ cho nông dân, không có đâu, nói để mà nói thôi.”

Mục tiêu thu nhập 5.000 USD/người vào năm 2025!

Vào ngày 29/9, khi kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại công bố thông tin: Việt Nam đặt mục tiêu thu nhập 5.000 USD/người vào năm 2025, tức gần gấp đôi so với mức 2.750 USD hiện nay. Liệu mục tiêu này có khả thi?

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định:

“Việc đặt ra các mục tiêu như vậy có thể là điều khích lệ, nhưng điều cơ bản là phải xây dựng những phương án cụ thể và những chính sách và biện pháp để bảo đảm mục tiêu đó được thực hiện. Cho đến nay, chúng ta đặt ra mục tiêu nhưng chúng ta chậm và ít xây dựng các phương án, và thực thi các phương án đó, các chính sách cũng chưa đạt hiệu quả như chúng ta mong muốn."

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao, với thu nhập bình quân đầu người 5.000 USD/năm thì phải tăng trưởng bình quân ít nhất là trên 7 %. Theo ông, đó là mức tăng trưởng mà Việt Nam chỉ đạt trong thời gian ngắn, lúc bắt đầu đổi mới, nhưng những năm sau đó cho đến nay, thì Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy.

Câu chuyện biển đảo của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc

Theo RFA-Nguyễn Tuấn Anh-2020-09-29

 Hình minh hoạ. Cảnh sát biển Việt Nam quan sát tàu hải cảnh Trung Quốc gần giàn khoan HD981 ở Biển Đông hôm 15/7/2014

Hình minh hoạ. Cảnh sát biển Việt Nam quan sát tàu hải cảnh Trung Quốc gần giàn khoan HD981 ở Biển Đông hôm 15/7/2014- Reuters

Đánh giá khách quan, tình hình biển đảo của Việt Nam năm nay tuy vẫn đầy rẫy những nguy biến nhưng cũng le lói vài tia hy vọng. Trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung Khóa 75 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từ 22 – 29/9, vào ngày 26/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra lời kêu gọi chung chung, mong tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và giải quyết các tranh chấp và khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Lợi ích quốc gia – dân tộc

Tuy nhiên, điều mà nhiều người dân Việt Nam quan tâm chủ yếu lại là, nhân dịp lần đầu tiên tham gia gửi thông điệp đến Đại hội đồng LHQ, Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng sẽ đề cập mạnh mẽ đến mức nào đối với chính sách bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh và các hành động tự tung tự tác của Trung Quốc trong mấy năm gần đây ngay trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Nhưng càng quan tâm bao nhiêu, dư luận càng thất vọng bấy nhiêu.

Trong khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử, tam cường EU (E3): Đức, Anh và Pháp đã gửi công hàm phản đối chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Việc ba nước quyền lực nhất châu Âu hôm 16/9 cùng đệ trình công hàm chung tại Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa LHQ phản bác các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt. Công hàm chung đã góp phần phá vỡ chiến thuật “im lặng là đồng ý” của Bắc Kinh trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông.

Theo các chuyên gia, một trong những ý đồ của Trung Quốc khi đệ trình 7 công hàm trước đó lên LHQ là để trong tương lai, Trung quốc có thể tuyên bố rằng, cộng đồng quốc tế đã mặc nhận/tán thành, một khi các nước đều im lặng sau các công hàm của Bắc Kinh. Mưu đồ này rõ ràng đã bị vạch trần, vì mấy tháng trở lại đây, các cường quốc biển đã đưa ra những tuyên bố rất thẳng thắn để phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc.

Công hàm mới nhất của Anh, Pháp và Đức, cùng với các công thư trước đó của Mỹ và nhiều quốc gia khác là sự phản bác rất rõ ràng và mạnh mẽ đối với các yêu sách phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Nghĩa là gió đã đổi chiều, những khẳng định quan trọng trong công hàm của nhiều nước đã khiến Bắc Kinh ngày càng bị cô lập về ngoại giao trong vấn đề này. Đây là dịp đáng ra Việt Nam phải ngỏ lời cảm ơn cộng đồng quốc tế đã có động thái tích cực và kịp thời ủng hộ mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hình minh hoạ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trên màn hình tại UN hôm 24/9/2020
Hình minh hoạ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trên màn hình tại UN hôm 24/9/2020 AFP

Nhưng thay vì cảm ơn quốc tế và mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ lợi ích quốc gia, nhất là tố cáo các vụ vi phạm của Trung Quốc đối với lãnh thổ và hải phận của Việt Nam trên Biển Đông, ông Trọng lại kêu gào phải dỡ bỏ các biện pháp cấm vận ảnh hưởng đến một số nước, hàm ý nhắc đến Cuba (và ngầm hiểu cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc). “Thành đổ đã có chúa xây/ Cớ gì gái goá khóc ngày khóc đêm” (!) Nguyễn Phú Trọng rõ ràng đã rơi vào vòng xoáy ý thức hệ “nguỵ cộng sản” mà bỏ quên mất lợi ích quốc gia – dân tộc.

Trông người mà ngẫm đến ta

Điểm qua tuyên bố của các nguyên thủ quốc gia khác nhân dịp này, thấy xót xa cho thân phận “thuộc quốc” của Việt Nam. Từ Manila, lần đầu tiên Tổng thống Duterte phát biểu trước LHQ. Ông đã tái khẳng định chiến thắng pháp lý trước Trung Quốc trong phán quyết Biển Đông, đã cảm ơn các nước từng ủng hộ phán quyết năm 2016. Và ông tuyên bố, phán quyết này giờ đây là một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài sự thỏa hiệp và vượt ra ngoài tầm của các chính phủ để có thể làm phai nhạt hay bỏ qua.

Trước LHQ, Tổng thống Mỹ Donald Trump 12 lần phê phán đích danh Trung Quốc. Ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc phát triển kinh tế nhanh chóng với cái giá là hy sinh môi trường của nhân loại và chỉ rõ, Trung Quốc mỗi năm đổ hàng triệu tấn nhựa và rác thải ra đại dương, đánh bắt quá mức, phá hủy các rạn san hô rộng lớn và thải ra khí thủy ngân độc hại hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Lượng các-bon Trung Quốc thải ra gần gấp đôi của Mỹ và đang tăng lên nhanh chóng.

Hình minh hoạ. Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại phiên họp thứ 75 của Đại hội đồng LHQ hôm 22/9/2020
Hình minh hoạ. Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại phiên họp thứ 75 của Đại hội đồng LHQ hôm 22/9/2020 Reuters

Ông Trump thẳng thừng tố cáo, “virus Trung Quốc” đã cướp đi vô số sinh mạng ở 188 quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới đã bị Trung Quốc thao túng và lần đầu tiên đề xuất LHQ phải yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm về hành vi vô trách nhiệm của mình. Ông Trump nhắc lại: “Trong thời kỳ virus mới xuất hiện, Trung Quốc đóng cửa đi lại trong nước, nhưng lại cho phép các chuyến bay rời khỏi Trung Quốc và để virus lây nhiễm ra toàn thế giới”.

Về phần mình, Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng tranh thủ bán rao ý tưởng “cộng đồng chung vận mệnh” và nhai lại luận điệu là không có ý đồ bành trướng, bá quyền, gây chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với bất kỳ nước nào. Tuy nhiên, những lời lẽ mị dân đó hoàn toàn chẳng thuyết phục được ai, vì nó hoàn toàn đi ngược lại với những gì nước này đã và đang làm bất chấp cả thời điểm cả thế giới căng mình vật lộn với đại dịch COVID-19.

Trung Quốc liên tục theo đuổi chủ quyền phi pháp. Ngày 18/4/2020, Trung Quốc đã ra quyết định lập “hai quận” mới trực thuộc “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng đòi chủ quyền. Đến đầu tháng 8, nước này tiếp tục ban hành quy định mới về hàng hải, xem các tuyến hàng hải giữa Hải Nam và Hoàng Sa là các tuyến nội địa của Trung Quốc nhằm siết chặt quyền kiểm soát trên các vùng Biển Đông. Có nhiều chỉ dấu cho thấy, Bắc Kinh đang lăm le tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không trên Biển Đông.

Thái độ của “kẻ đi nhờ xe”

Mặc dầu năm 2020 này, Việt Nam giữ chiếc ghế Chủ tịch (luân phiên) ASEAN và Uỷ viên Không thường trực HĐBA/LHQ, nhưng toàn bộ phát ngôn vừa qua của Tổng chủ trước Đại hội đồng LHQ không hề phản ánh trách nhiệm của nước giữ hai cương vị nói trên. Tổng chủ không hề bày tỏ sự hưởng ứng (dù có mức độ) của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trước lời kêu gọi của Mỹ và Bộ Tứ đối với tiến trình xây dựng cấu trúc Indo-Pacific (FOIP).

Kể cả trong các điện đàm trực tiếp mới đây với Mỹ và Tây Âu, Việt Nam vẫn tránh đề cập đến FOIP. Mặc dầu Hà Nội biết rằng, từ nay, an ninh và an toàn trên Biển Đông đã trở thành bộ phận cấu thành của FOIP. Như vậy là dẫu chưa có một cấu trúc an ninh tập thể liên khu vực, nhưng Việt Nam đã được hưởng lợi nhờ ý thức cảnh giác cao của Mỹ và các nước dân chủ trước việc Trung Quốc tham vọng thay thế trật tự dựa trên luật lệ và quân bình lực lượng bằng Pax Sinica – trật tự dựa trên chính sách bành trướng và bá quyền.

Một trong những biểu hiện của Pax Sinica chính là động hướng “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) đầy tham vọng buộc Mỹ và phương Tây phải lấy FOIP làm đối trọng. Tới đây, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tập trận và cấm tàu thuyền các nước lưu thông trên Biển Đông. Vừa qua, Bắc Kinh còn cho bắn đi bốn hỏa tiễn đạn đạo để thị uy Hoa Kỳ cũng như các nước trong khu vực. Trung Quốc cũng vừa thông báo từ 7 giờ đến 15 giờ ngày 28/9, quân đội Trung Quốc tiến hành cuộc diễn tập tại hai khu vực trên quần đảo Hoàng Sa.

Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng, Bắc Kinh cho thực hiện các cuộc tập trận đồng thời khi căng thẳng trong khu vực gia tăng. Trong 4 cuộc tập trận đồng thời này có 2 cuộc được tiến hành gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thông tin này do Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc loan đi. Trung Quốc cho biết thêm, một đợt tập trận khác được tiến hành tại vùng nam Hoàng Hải, có bắn đạn thật và kéo dài từ ngày 28 – 30/9.

Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng như thế mà tuyên bố của ông Trọng vẫn mang âm hưởng “bình chân như vại”, khiến dư luận nghĩ về Việt Nam như một quốc gia kém đáp ứng (less responsive), không hiệu quả (less efficient) và kém trách nhiệm (less accountable). Nói cách khác, đó là thái độ của “kẻ đi nhờ xe” (free riding) trong một chuyến hành trình./.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Sẽ không còn cảnh sát giao thông bụng bự làm việc trên đường phố?

RFA 2020-09-29

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa- Reuters

Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an Việt Nam vào chiều 29/9 đã tổ chức hội nghị thông tin báo chí về dự án Luật Bảo đảm Trật Tự An toàn Giao thông Đường bộ đang được Quốc hội xem xét. Tại hội nghị, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông C08 đã cho biết một số điểm mới của dự án luật vừa nêu.

Trong đó, đáng chú ý nhất là nội dung cảnh sát giao thông với vòng bụng to sẽ không được giao nhiệm vụ điều tiết, xử lý vi phạm trên đường, mà sẽ được điều chuyển làm công việc văn phòng hoặc vị trí khác phù hợp hơn. Điều luật này sẽ được áp dụng cho cảnh sát giao thông cả nước nếu được ban hành.

Theo lời ông Đỗ Thanh Bình, Cục Cảnh sát giao thông sẽ nghiên cứu đưa ra các bài kiểm tra sức khỏe, năng lực, các tiêu chí về cân nặng, chiều cao và số đo vòng 2 của cảnh sát giao thông trước khi phân công làm nhiệm vụ ngoài đường.

Trao đổi với RFA tối 29/9, Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo từ Nha Trang đưa ra nhận xét về đề xuất mới của Cục cảnh sát giao thông như sau:

“Chuyện này đã có từ lâu, không chỉ có cảnh sát giao thông mà những ai bên lực lượng cảnh sát an ninh có giao tiếp với người dân thường xuyên mà bụng to thì trông rất phản cảm. Bây giờ đề xuất này đối với cảnh sát giao thông thì tôi thấy chỉ là một phần thôi và cũng nên như vậy bởi vì trông phản cảm lắm. Mình là người phục vụ người dân, nhiều người rất nghèo khổ mà người đầy tớ của nhân dân lại bụng to, to cao, mập mạp, ngoại hình như vậy gây phản cảm trong giao tiếp. Nếu có đề xuất đó thì tôi ủng hộ.”

Với góc nhìn cá nhân, bạn trẻ Thiên Minh cho rằng:

“Em nghĩ cái đó cũng hợp lý vì nếu một người cảnh sát giao thông bụng bự, cơ thể quá nặng nề thì khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra thì họ không thể nào chạy rượt đuổi hay truy bắt, đủ sức lực để thực hiện nhiệm vụ. Còn về thẩm mỹ thì người cảnh sát có tướng đẹp thì nhìn sẽ được hơn là một người bụng bự.”

Lời bạn Thiên Minh vừa nêu cũng được Cục phó Cục Cảnh sát giao thông C08 nói hôm 29/9 và được báo nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn như sau: “Cảnh sát bụng to sẽ gặp khó khăn trong những tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải cứu người gặp nạn hay giải quyết các công việc cần sức bền và sự nhanh nhạy.”

Theo Nhà hoạt động xã hội Trần Bang từ Sài Gòn, vì nội dung cảnh sát giao thông bụng to không được tham gia công tác trên đường là nội quy trong nội bộ ngành cảnh sát giao thông nên ông không có ý kiến. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ rằng vóc dáng và thể lực của người thực thi pháp luật cũng là yếu tố cần được chú trọng, bởi vì:

Minh họa: Cảnh sát giao thông tại Hà Nội.
Minh họa: Cảnh sát giao thông tại Hà Nội. AFP

“Bụng to trông như ông quan rõ ràng là sinh hoạt bê tha, rượu, bia, ít tập luyện thể lực, những người như thế không đủ tư cách, không đủ sức khỏe là đúng. Đấy thì bất cứ đơn vị chuyên môn nào về lãnh vực mang tính chất kỷ luật phải dùng đến sức khỏe cũng như hình dáng và sự nhanh nhẹn giống như quân đội, công an hay biên phòng, hải quan. Rõ ràng những cái đấy rất quan trọng, vừa là hình dáng để thể hiện sự lành mạnh cũng như sự khỏe mạnh, nghiêm túc trong cuộc sống, đồng thời biểu hiện sức khỏe bởi vì vòng đo cũng là một trong những yếu tố đánh giá thể lực. Giả sử tôi ở ngành đấy thì tôi đã quy định lâu rồi chứ không phải bây giờ vì trông chướng tai gai mắt khi người lính bụng thì to, hách dịch, chỉ được hơn người khác bộ quần áo với cây gậy, quyền bắt nạt dân thôi chứ trông tệ hại và xấu lắm.”

Việt Nam không phải là nước đầu tiên hạn chế nhiệm vụ lực lượng cảnh sát do có vòng bụng lớn mà ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ hay Indonesia được nói cũng đã áp dụng trước đây.

Truyền thông quốc nội dẫn nội dung buổi hội nghị tổ chức ngày 29/9 cho hay dự Luật Bảo đảm Trật Tự An toàn Giao thông Đường bộ đang được xây dựng có quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông thuộc về Bộ Công an, với quan điểm xây dựng luật lấy con người là trung tâm.

Theo bạn trẻ Thiên Minh, ý thức người dân tham gia giao thông đã được cải thiện trong thời gian gần đây do được tiếp cận với thông tin về luật lệ nhiều hơn:

“Em nghĩ tình hình giao thông Việt Nam hiện nay có khả quan tốt hơn những năm trước rất nhiều vì bây giờ mọi người vào một khuôn khổ luật lệ mới khắt khe, dân trí nâng cao, mọi người hiểu biết về luật nhiều hơn thì sẽ ít vi phạm giao thông. Giống như bây giờ ba em mà uống rượu là không dám lái xe đi về, phải đi taxi hoặc Grab.”

Trong khi đó, nhà báo Võ Văn Tạo lại có nhận định khác:

“Người dân đa phần không nắm được luật giao thông nên đi lại bừa bãi. Quy hoạch giao thông của Việt Nam cũng rất dở. Nói chung tình hình giao thông ở Việt Nam vẫn còn luộm thuộm, chưa đi vào nề nếp.”

Ông Võ Văn Tạo cũng đưa ra những sai phạm cả về phía người dân và cảnh sát giao thông ngày càng phổ biến, điển hình như những vụ việc tài xế khi bị lực lượng chức năng chặn xe đã không dừng lại mà tông thẳng người cảnh sát giao thông. Phía người tham gia giao thông đã phạm luật khi không dừng xe; tuy nhiên, nhiều người cho rằng cách yêu cầu dừng xe đang di chuyển của lực lượng chức năng cũng không đúng và nguy hiểm khi cảnh sát đu theo xe.

Phía Bộ Công an Việt Nam mới đây cho biết sẽ đề xuất tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí để ngăn chặn tình trạng người dân chống đối cảnh sát giao thông thông qua những sự việc vừa nêu.

Theo nhà hoạt động Trần Bang, nếu có cách hữu hiện hơn trong việc quản lý giao thông là cần nâng cao nhận thức của cả người dân lẫn lực lượng công quyền:

“Luật giao thông theo tôi thì nếu được thực hiện nghiêm túc, đàng hoàng, minh bạch là tốt. Dù không hoàn hảo nhưng cứ thực hiện nghiệm túc, không lợi dụng việc thi hành nhiệm vụ để kiếm ‘bánh mì, chai nước’ thì rõ ràng là tốt. Còn nếu lợi dụng vị trí làm cảnh sát giao thông để núp lùm bắn tốc độ, đứng góc khuất chờ người ta vi phạm dọa nạt người ta hay một cách nào đó buộc người ta phải chi tiền hoặc tạo ra cái khó chịu. Vì vậy đây là do người thực hiện luật chứ không phải do luật.”

Theo lời Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông C08 nói trong buổi hội thảo 29/9, thời gian tới đây lực lượng này sẽ kiểm tra kiến thức của từng cán bộ cảnh sát giao thông với mục đích được nói nhằm phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao năng lực của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ trên đường phố.

Vì sao ‘bác’ hết… thiêng và… mất giá?

 Theo VOA/Trân Văn/28/09/2020

Tượng đài Nguyễn Tất Thành và thân phụ Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Bình Định, 18/5/2017. (Ảnh chụp từ Báo Bình Định)

Đại diện giới lãnh đạo tỉnh Hòa Bình vừa loan báo sẽ kiểm tra toàn bộ dự án dựng khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” trên một ngọn đồi ở phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình (1).

Cũng vì vậy, chưa rõ kế hoạch dựng khẩu hiệu có 11 từ, mỗi chữ cao 10 mét, mỗi nét rộng 1,4 mét, dày 0,6 mét này, trong 80 ngày và phải hoàn thành trước khi Hòa Bình tổ chức đại hội đảng bộ tỉnh, có thể hoàn thành đúng hạn hay không?

Sở dĩ giới lãnh đạo tỉnh Hòa Bình phải… kiểm tra dự án vừa kể vì dự án bị công chúng chỉ trích kịch liệt. Trong bối cảnh như hiện nay, chẳng ai tán thành việc chi tới 11 tỉ cho dựng khẩu hiệu mà tính ra mỗi từ ngốn của công quỹ một… tỉ!

Phản ứng của công chúng nói chung và của nhiều đảng viên, trong đó có không ít cán bộ lão thành cách mạng nói riêng, cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức về sự kiện vừa kể cho thấy, “bác” không những không còn… vô giá vì… vĩ đại mà còn giảm giá vừa nhanh, vừa nhiều! Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không thể tùy tiện sử dụng công quỹ để chi vô tội vạ cho những dự án, công trình nhằm… tưởng nhớ hoặc bày tỏ sự… biết ơn… dành cho… “bác” như trước.

11 tỉ mà giới lãnh đạo tỉnh Hòa Bình quyết định chi để bày tỏ sự… biết ơn… “bác”, rõ ràng chẳng thấm vào đâu so với 1.400 tỉ mà Sơn La từng muốn chi cách nay năm năm để xây dựng quần thể quảng trường – tượng đài – đền thờ nhằm… tưởng nhớ và… bày tỏ sự… biết ơn… “bác”. Hồi đó, trước phản ứng dữ dội của công chúng, đại diện hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Sơn La từng phải phân bua: Tượng đài… “bác” chỉ chừng 200 tỉ. Khoản tiền 1.400 tỉ là tổng chi phí cho nhiều hạng mục khác (2)!

Phân bua của đại diện giới hữu trách ở Sơn La (chi phí dành cho… “bác” chỉ chừng 1/7 tổng chi của dự án), vô tình xác nhận, những cá nhân này toan đem… “bác” đính kèm vào kế hoạch xây dựng quảng trường, trung tâm hành chính mới!.. Tuy nhiên họ không lường được, kế hoạch xây dựng quảng trường – tượng đài – đền thờ để tưởng nhớ và bày tỏ sự biết ơn… “bác” lại bị công chúng phản đối dữ dội đến mức, thượng cấp phải chỉ đạo đình chỉ dự án.

Đó có lẽ là lần đầu tiên việc tưởng nhớ và bày tỏ sự biết ơn… “bác” bị… trục trặc! Trên thực tế, tưởng nhớ và bày tỏ sự biết ơn… “bác” hết sức tốn kém. Cho dù ngân sách thâm thủng, nợ nần liên tục gia tăng, chi tiêu cho phúc lợi xã hội, đầu tư cho phát tiển liên tục bị cắt giảm nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam luôn luôn phóng tay chi cho những dự án tưởng nhớ và bày tỏ sự biết ơn… “bác”. Đó cũng là lý do khiến những quy mô của những dự án loại này càng ngày càng lớn!

Các dự án, công trình tưởng nhớ và bày tỏ sự biết ơn… “bác” sôi nổi tới mức, tháng 5 năm 2015, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch của Việt Nam phải tổ chức một hội thảo về “Tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”. Theo “quy hoạch” được công bố tại hội thảo đó thì từ 2015 đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng thêm... 58 quần thể quảng trường – tượng đài tưởng nhớ và bày tỏ sự biết ơn… “bác” nhưng do tài chính eo hẹp, các địa phương phải xếp hàng chờ tới lượt mình (3).

***

Sự kiện Sơn La phải chấp nhận… “thiệt thòi” (4), hủy bỏ kế hoạch chi 1.400 tỉ để tưởng nhớ và… bày tỏ sự… biết ơn… “bác” nhằm “giải độc dư luận” đã khiến việc mượn… “bác”… xài công quỹ chuyển hướng.

Sau khi Sơn La thất bại trong việc đem… “bác” đính kèm vào quảng trường, trung tâm hành chính mới, các dự án, công trình nhằm tưởng nhớ và… bày tỏ sự… biết ơn… “bác” bắt đầu được dán nhãn… “xã hội hóa”!

Về lý thuyết, “xã hội hóa” là hạn chế tối đa việc sử dụng công quỹ, thực hiện phần lớn hoặc toàn bộ kế hoạch bằng tiền do công chúng hay các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân đóng góp, song “xã hội hóa” các công trình tưởng nhớ và… bày tỏ sự… biết ơn… “bác” thì… khác. “Bác” trở thành lý do để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền có thể đem công thổ ra trao đổi với… nhà thầu. Mở đường cho phong trào “xã hội hóa” các công trình tưởng nhớ và… bày tỏ sự… biết ơn… “bác” là Quảng Bình!

Năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình bỏ phiếu thông qua Dự án xây dựng Quần thể tượng đài Hồ Chí Minh. Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Bình giao cho một công ty có tên là Sơn Hải 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới và công ty này sẽ bỏ ra 128 tỉ đồng để thực hiện dự án (5). Dẫu đó là đem công thổ đổi công trình nhưng công trình lại liên quan tới… “bác”, thành ra không nơi nào thắc mắc, 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới đã được định giá thế nào, chẳng lẽ chỉ có 128 tỉ đồng?

Tuy nhiên, xét cả về tính chất lẫn quy mô, cả Quảng Bình lẫn Công ty Sơn Hải chẳng là gì so với Nghệ An và Ngân hàng Bắc Á (Bac A Bank). Cách nay bốn tháng, nhân dịp Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của… “bác”, Nghệ An tổ chức khánh thành “Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh” ở núi Chung, huyện Nam Đàn (Đền Chung Sơn). Theo hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam, diện tích Đền Chung Sơn lên tới… 83 héc ta, với 18 hạng mục.

Có một điểm rất đáng chú ý là công chúng không thể biết chi phí xây dựng Đền Chung Sơn là bao nhiêu. Theo một số cơ quan truyền thông thì Đền Chung Sơn thuộc loại… “công trình xã hội hóa một phần” và Bac A Bank được chính quyền tỉnh Nghệ An chọn để góp phần đó (6). Đền Chung Sơn dẫu đã rất lớn nhưng chỉ là một phần của Dự án Bảo tồn, tôn tạo “Khu Di tích Kim Liên”“Khu Di tích Kim Liên” lại gắn với kế hoạch phát triển “Khu Du lịch lịch sử, sinh thái văn hóa núi Chung”.

Đã “xã hội hóa” nhưng “bác” vẫn còn là… bình phong che cho giới hữu trách ở Nghệ An khỏi phải trả lời: Đền Chung Sơn đã ngốn bao nhiêu tỉ của công quỹ? Bac A Bank góp bao nhiêu và được hưởng những gì từ từ “Khu Di tích Kim Liên”, “Khu Du lịch lịch sử, sinh thái văn hóa núi Chung”? Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở trung ương cũng dùng… “bác” làm… lý do để khỏi phải báo cáo cho “dân biết, dân bàn” xem việc phê duyệt những ưu đãi dành cho Bac A Bank có hợp lý và hợp pháp hay không?

***

Thỉnh thoảng, hệ thống tuyên giáo, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam lại nhắc đến ước nguyện lớn nhất của… “bác”Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành (7)… Đem ước nguyện này so với hiện trạng kinh tế, xã hội ở Việt Nam và những khoản chi khổng lồ nhằm… tưởng nhớ và… bày tỏ sự… biết ơn… “bác”, ắt sẽ hiểu vì sao “bác” mất… thiêng!

Chẳng lẽ dùng đủ mọi thủ đoạn để moi cho bằng được công quỹ, thực hiện đủ loại dự án, công trình tưởng nhớ và… bày tỏ sự… biết ơn… “bác”, bất chấp nhân tâm, dân ý là… học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh?

Từ nhân danh “nguyện vọng của nhân dân” như Sơn La để có thể phung phí hàng ngàn tỉ,… đến “xã hội hóa” bằng… công thổ hết cả trăm tỉ như Quảng Bình, hoặc ém nhẹm, giấu biệt chi phí như Nghệ An… thậm chí vì công chúng càng ngày càng dị ứng với quảng trường - tượng đài – đền thờ dành cho… “bác” nên chuyển sang tưởng nhớ và… bày tỏ sự… biết ơn… “bác” bằng… khẩu hiệu, mỗi từ chỉ… một tỉ như Hòa Bình, rõ ràng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam đã dùng rất nhiều chiêu nhằm giảm giá xài… “bác”. Bi kịch nằm ở chỗ, tuy không ngừng sáng tạo, hạ giá tưởng nhớ và… bày tỏ sự… biết ơn… “bác” từ ngàn tỉ xuống chục tỉ, thiên hạ vẫn không ưng!

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/hoa-binh-se-kiem-tra-du-an-khau-hieu-11-chu-gia-hon-10-ti-1284273.html

(2) https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lanh-dao-son-la-tuong-dai-bac-chi-co-200-ty-dong-3280640/

(3) https://thanhnien.vn/van-hoa/quy-hoach-xay-dung-tuong-dai-chu-tich-ho-chi-minh-568164.html

(4) http://soha.vn/xa-hoi/chu-tich-son-la-chua-co-tuong-dai-la-thiet-thoi-cho-chung-toi-20150806095903434rf20150806095903434.htm

(5) https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/thuc-hien-du-an-tuong-dai-chu-tich-chi-minh-voi-nhan-dan-quang-binh.htm

(6) https://baonghean.vn/den-chung-son-nang-nghia-tuong-nho-tri-an-267685.html

(7) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/ham-muon-tot-bac-cua-bac-ho-421662/