Tuesday, June 13, 2017

Công ty đóng tàu rỉ sét thuộc Bộ Công an mua chuộc khổ chủ đừng tố cáo

Công ty đóng tàu rỉ sét thuộc Bộ Công an mua chuộc khổ chủ đừng tố cáo
Nhằm mục đích làm chìm xuồng cách làm gian dối, các công ty đóng tàu hối lộ cho một số chủ tàu vỏ thép mới đóng đã rỉ sét, bất khiển dụng để những người này rút đơn khiếu nại và từ chối kiểm định độc lập.
Tờ Tuổi Trẻ được  các chủ tàu cung cấp văn bản thỏa thuận và cam kết do công ty Nam Triệu- thuộc Bộ Công An soạn sẵn và đề nghị chủ tàu ký để nhận một khoản tiền gọi là khắc phục hậu quả với điều kiện không khiếu nại và “im lặng” với báo chí. Năm chủ tàu vỏ thép ở Bình Định cũng được công ty Đại Nguyên Dương ở Nam Định đề nghị tặng 130 triệu với điều kiện im lặng.  Rõ ràng, hai công ty đóng tàu này sợ bị điều tra, dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng hơn.
Báo Tuổi Trẻ nhận được “văn bản thỏa thuận và cam kết” mà do công ty Nam Triệu tự soạn thảo đưa cho ông Đinh Công Khánh, một chủ tàu vỏ thép do công ty này đóng.  Công ty trên thuyết phục ông Khánh ký để im lặng, không khiếu nại, từ chối cho thẩm định tàu hư hỏng.  Tương tự, các chủ tàu ở Bình Định cũng lên tiếng tố cáo công ty Đại Nguyên Dương tiếp xúc đề nghị hỗ trợ bằng tiền để mua im lặng.
Ông Nguyễn Văn Lý, một chủ tàu ở xã Mỹ Đức, Phù Mỹ, Bình Định, cho biết công ty Đại Nguyên Dương đã mời năm chủ tàu vỏ thép hỏng do công ty này đóng đến thành phố Quy Nhơn, hứa đưa tiền để thuyết phục rút khiếu nại với các cơ quan điều tra. Công ty trên đề nghị đưa số tiền 400 triệu để thuyết phục nhưng các chủ tàu không chấp nhận.  Ông Lý giải thích: “Tàu của tôi giá hơn 15 tỷ đồng, mới đem về có ba tháng mà vỏ thép đã gỉ như 10 năm, hư tràn lan, đưa mấy trăm triệu bảo đừng khiếu nại sao được.”  
Theo các tố cáo của dân chúng, chính quyền tỉnh Bình Định thành lập tổ thẩm định phẩm chất tàu vỏ thép vào ngày 2/6.   Kết quả thẩm định ghi nhận phẩm chất thép đóng tàu không đúng theo hợp đồng như thay thế thép Hàn/Nhật bằng thép Trung Quốc và máy tàu không phải từ nguyên gốc hãng Mitsubishi của Nhật cũng như linh kiện bên trong máy không phù hợp, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế.
Phong Ly / SBTN

Sau lún, rung lắc, lại thêm sạt lở đe dọa Sài Gòn

Một trong những khu vực được xác định là đặc biệt nguy hiểm do sạt lở ở ven song Sài Gòn. (Hình: Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN (NV) – Sài Gòn hiện có 40 khu vực bị đe dọa bởi sạt lở. Theo Sở Giao Thông-Vận Tải của thành phố này thì 23/40 khu vực đó thuộc diện đặc biệt nguy hiểm, 16/40 thuộc diện nguy hiểm.
Tờ Tuổi Trẻ vừa cho biết, việc di tản khẩn cấp tám gia đình cư trú cạnh bờ sông Rạch Tôm, thuộc xã Nhơn Ðức, huyện Nhà Bè, Sài Gòn, đã hoàn tất. Một số gia đình đang tạm trú trong trường học phía bên kia sông, một số tá túc tại nhà thân nhân.
Hôm 30 Tháng Năm, khu vực vừa kể xuất hiện một vết nứt dài, kết quả khảo sát địa chất xác định đó là tác động của một hố xoáy. Ngoài việc di tản dân, giới hữu trách cho biết đã cắt cử một nhóm theo dõi các diễn biến tại khu vực này và sẽ cố gắng “xử lý” hố xoáy trong vòng một tuần.
Theo các chuyên gia, sạt lở xảy ra do dòng chảy biến đổi. Sự biến đổi này hoặc do khai thác tài nguyên quá mức, hoặc vì tác động của các công trình xây dựng.
Tuy có 23 khu vực thuộc diện đặc biệt nguy hiểm vì sạt lở, chính quyền thành phố Sài Gòn chỉ mới tổ chức di tản dân ra khỏi một trong 23 khu vực nguy hiểm.
Một báo cáo của Sở Giao Thông-Vận Tải thành phố Sài Gòn về sạt lở ở thành phố này xác định, huyện Nhà Bè dẫn đầu về số điểm sạt lở (16 điểm), kế đó là huyện Cần Giờ, quận Thủ Ðức và quận 2 (mỗi nơi có 5 điểm). Song song với việc dựng biển cảnh báo và theo dõi sạt lở, sở này đề nghị cấp thêm tiền để hoàn tất việc xây dựng các bờ kè.
Nhìn một cách tổng quát thì cả địa hình lẫn địa chất của Sài Gòn tiếp tục biến dạng.
Hồi hạ tuần Tháng Tư, Ðại Học Bách Khoa Sài Gòn công bố kết quả một cuộc khảo sát về bề mặt của Sài Gòn. Theo đó, bề mặt nhiều khu vực của thành phố này (các quận: 2, 7, 8, 12, Thủ Ðức, Bình Tân; các huyện: Nhà Bè, Bình Chánh) tiếp tục lún nặng. Ðộ lún trung bình từ 5 mm đến 10 mm/năm.
Lúc đó, ông Lê Văn Trung, người đứng đầu nhóm khảo sát, cho biết, bề mặt Sài Gòn lún nhanh và nhiều vẫn vì khai thác nước ngầm quá mức, hoạt động xây dựng trong quá trình đô thị hóa tăng đè nén bề mặt những khu vực có nền đất yếu và rung động do hoạt động giao thông.
Ông Trung lưu ý thêm rằng, việc khai thác nước ngầm quá mức ở những khu vực gần biển còn khiến nước mặn xâm nhập vào các tầng nước ngầm, tác động tiêu cực đến các loại cây trồng, nguy hại cho nông nghiệp.
Cũng vào thời điểm vừa kể, một số khu vực khác tại Sài Gòn (quận 1, quận Thủ Ðức) liên tục bị rung lắc không rõ nguyên nhân. Trung Tâm Cảnh Báo Ðộng Ðất và Sóng Thần của Việt Nam khẳng định những đợt rung lắc đó không phải do động đất. Theo một số chuyên gia như ông Ðỗ Văn Lĩnh, liên đoàn phó Liên Ðoàn Bản Ðồ-Ðịa Chất Miền Nam, thuộc Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, rung lắc bất thường đã xuất hiện cách nay hơn một thập kỷ ở các quận 3 (ga Sài Gòn), 5 (bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình). Có những đợt rung lắc mà cường độ mạnh đến mức làm tường bị nứt, vỡ. Theo tờ Thanh Niên thì từ đầu năm đến tháng 4, rung lắc đã xảy ra trên một phạm vi rất rộng (quận 7, Bình Thạnh, Nhà Bè, Bình Chánh…).
Dẫu rung lắc xuất hiện càng ngày càng nhiều nhưng chính quyền thành phố Sài Gòn vẫn chưa thực hiện một cuộc khảo sát chính thức nào để xác định nguyên nhân thật và đặt định những giải pháp có thể ngăn chặn các hậu quả đáng tiếc. Các chuyên gia chỉ tạm nhận định, những đợt rung lắc có liên quan đến sự biến dạng của địa tầng, xảy ra do hoạt động xây dựng vừa thái quá, vừa không đúng nguyên tắc.
Ðịa hình, địa chất đã bị biến dạng thì không thể sửa. (G.Ð)

Cà Mau: Cán bộ xã bị tố giành tiền trợ cấp với dân nghèo

Nhiều người nghèo lam lũ ở miền Tây kiếm miếng ăn qua ngày. (Hình: Zing)
CÀ MAU (NV) – Nhiều người là cán bộ hay người thân của cán bộ ở xã Hòa Thành, thành phố Cà Mau bất ngờ có tên trong danh sách tranh suất hộ nghèo, cận nghèo để giành tiền trợ cấp với người dân.
Ngày 12 Tháng Sáu, ông Vương Chí Thiện, chủ tịch xã Hòa Thành, thành phố Cà Mau, xác nhận thông tin trên với báo Người Lao Ðộng và cho biết, ủy ban xã cũng đã báo cáo sự việc về Ban Thường Vụ, Thành Ủy Cà Mau để “có hướng xử lý vụ việc đúng quy định.”
Trước đó, người dân trong xã Hòa Thành tức giận tố cáo trước việc bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, vợ ông Hồ Vũ Phong, phó bí thư đảng ủy xã Hòa Thành, và nhiều người là cán bộ, người thân của cán bộ ở xã này bất ngờ có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương.
Theo phản ánh, mặc dù bà Phượng có hộ khẩu thường trú ở ấp Tân Phong A, nhưng để đưa bà Phượng vào diện hộ cận nghèo, chính quyền xã đã “chuyển hộ khẩu” bà này sang ấp Tân Hóa để làm “con” một gia đình không có quan hệ họ hàng gì.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn On, trưởng ban nhân dân ấp Tân Hóa, bỗng dưng trở thành “chú” của một hộ nghèo để được hưởng chế độ hộ nghèo.
Chưa hết, bà Huỳnh Thị Hằng, chi hội trưởng Chi Hội Phụ Nữ ấp Tân Hóa, cũng được xét hộ cận nghèo, trong khi chồng bà là chi hội trưởng Chi Hội Nông Dân và phụ trách điều tra viên hộ nghèo, cận nghèo của ấp. (Tr.N)

Một sư trụ trì ở Hải Dương nghi tự thiêu giữa chùa

Hiện trường nơi phát hiện ra sự việc. (Hình: Báo Dân Trí)
HẢI DƯƠNG (NV) – Vị sư trụ trì chùa Bùi, xã Ðồng Gia, huyện Kim Thành, được người dân nhìn thấy khi đang bốc cháy giữa đống lửa trong sân chùa và nghi đây là vụ tự thiêu.
Ngày 12 Tháng Sáu, nói với báo điện tử Dân Trí, đại diện ủy ban huyện Kim Thành cho biết, công an huyện đang tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của Ðại Ðức Thích Minh Bá, trụ trì chùa Bùi, xã Ðồng Gia, huyện Kim Thành.
Theo báo cáo của công an, sự việc xảy ra vào ngày 8 Tháng Sáu, người dân sống gần chùa phát hiện trong chùa có đám cháy nên đã vào chùa kiểm tra. Vào tới nơi thì mọi người tá hỏa khi thấy một người đang bị thiêu trong đám lửa giữa sân trước của phòng khách.
Ngay lập tức, mọi người tiến hành dập lửa và gọi xe cấp cứu, đồng thời thông báo sự việc cho cơ quan chức năng. Nạn nhân đã tử vong ngay sau đó do vết bỏng quá sâu và được xác định là Ðại Ðức Thích Bá Minh, trụ trì chùa.
Hiện công an huyện Kim Thành đã bảo vệ hiện trường, lấy lời khai của các nhân chứng để điều tra nguyên nhân vụ việc. (Tr.N)