Thursday, October 13, 2016

Vì sao ban lãnh đạo Việt Nam bằng mọi giá bảo vệ Formosa Hà Tĩnh?


10/11/2016 - 06:31 
Sự cố biển nhiễm độc trên diện rộng ở 4 tỉnh Bắc Trung bộ do Formosa Hà Tĩnh gây ra, thực sự là thảm họa đối với Việt Nam. Thảm họa này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người ở 4 tỉnh Bắc Trung bộ; đã huỷ diệt sinh thái và môi trường biển; làm tê liệt các hoạt động kinh doanh du lịch. Về thiệt hại kinh tế, theo tính toán của các nhà khoa học thì, chi phí để khắc phục toàn diện các hậu quả do sự cố này có thể lên tới 1.000 tỷ USD.
Tuy vậy, thông qua qua việc xử lý các vấn đề xung quanh vụ việc này thời gian qua đã cho thấy, ban lãnh đạo Đảng CSVN hôm nay, đã chọn chỗ đứng bên phía Formosa - là thủ phạm cũng như kẻ thù của nhân dân miền Trung, bằng mọi giá quyết tâm bảo vệ lợi ích của Formasa Hà Tĩnh mà quên đi lợi ích của dân chúng.
Mối nghi ngờ?
Dư luận xã hội lâu nay vẫn đặt câu hỏi vì sao và ký do gì, trong quá trình đầu tư của Formosa Hà Tĩnh tại Vũng Áng, nhà đầu tư Formosa đã nhận được những ưu đãi vô cùng lớn từ nhà nước Việt nam?
Đó là thủ tục cấp giấy phép đầu tư nhanh nhất, với các chính sách hỗ trợ ở mức cao nhất, thậm chí vượt khung quy định, đây là điều chưa từng có trong tiền lệ. Cụ thể:
Formosa Hà Tĩnh được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh “phá lệ” cho thuê một diện tích hơn 3.300 ha với thời hạn lên tới 70 năm cho dù quy định chỉ cho phép cho thuê tối đa 50 năm, và còn được miễn tiền thuê đất 15 năm với tổng tiền tương đương hơn 96,22 tỷ đồng. Không chỉ có thế, Formosa  Hà tĩnh còn nhận hàng loạt ưu đãi đặc biệt về thuế, cụ thể: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu đi vào sản xuất; giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo; và chỉ phải đóng thuế thu nhập 10% trong 50 năm còn lại (trong khi các doanh nghiệp trong nước phải đóng ở mức 22%); trong trường hợp nếu lỗ thì Formosa được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tài sản cố định; miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo....
Về vốn kinh doanh thì Dự án Formosa được nâng mức cấp tín dụng lên 4 lần vốn tự có (8 tỷUSD) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn "ưu ái" chấp thuận cấp cho Hà Tĩnh gần 300 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để hỗ trợ dự án xây nhà ở cho công nhân Trung Quốc tại dự án Formosa Hà Tĩnh.
Sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm biển, thay vì nhà nước cần công bố sớm nguyên nhân và thủ phạm để có các đối sách phù hợp, nhằm ngăn chặn hậu quả của sự cố môi trường này và trấn an người dân, thì phải sau gần 90 ngày Chính phủ Việt nam mới hoàn tất việc đó. Theo các nhà quan sát, sự chậm trễ và lúng túng trong việc công bố kết quả của thảm họa môi trường biển mất thời gian tới gần 3 tháng là để Chính phủ có thể mặc cả với Formosa Hà tĩnh để đi đến những mặc cả có lợi nhất cho nhà đầu tư Formosa.
Việc Chính phủ lại phải vội vàng chấp nhận thỏa thuận với Formosa Hà Tĩnh trong khi chưa đánh giá được tổng số mức độ thiệt hại. đã chấp nhận số tiền đền bù của Formosa là 500 triệu USD và chưa kể đến việc không khởi tố hình sự đối với Formosa Hà Tĩnh càng khiến người ta nghi ngờ về động cơ.
Đạo diễn và kịch bản của ai?
Việc dự án đầu tư của Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh có bàn tay của Trung Quốc là điều chắc chắn. Đây là một sự cấu kết, thông đồng giữa một nhóm lợi ích trong ban lãnh đạo Việt Nam với chính quyền Bắc Kinh, thông qua vỏ bọc là Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, với mục đích tư lợi về mọi mặt, kể cả chính trị. Và quan trọng hơn cả là dự án Formosa Hà Tĩnh được tiến hành theo kịch bản do phía Trung Quốc dàn dựng và đạo diễn.
Nếu như biết rằng, về mặt tài chính, toàn bộ số vốn đầu tư của Tập đoàn Formosa cho dự án Formosa Hà Tĩnh chỉ vẻn vẹn có mấy trăm triệu USD, trong khi toàn bộ tổng số vốn đầu tư vào dự án này theo kế hoạch tại thời điểm hiện tại là 10 tỷ USD và trong tương lai là 16 tỷ USD đều là tiền của phía Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu Formosa chỉ cần đứng ra làm đại diện (bình phong) trên danh nghĩa để đầu tư vào các dự án ở Vũng Áng, Hà Tĩnh và chỉ cần bỏ chút ít vốn tượng trưng gọi là. Với điều kiện Formosa phải  sử dụng lao động, máy móc,công nghệ và sử dụng những công ty của Trung Quốc làm nhà thầu tại Vũng Áng. (Kịch bản này đã và đang xảy ra tương tự với Tôn Hoa Sen, một vở cũ diễn lại).
Chính vì thế, ngoài 2 tỷ USD của Formosa đầu tư trên danh nghĩa (trong số đó có tới 65%  tiền của TQ), và số 8 tỷ USD mà Formosa Hà Tĩnh vay từ các ngân hàng Việt Nam thì cũng từ khoản tín dụng 16 tỷ USD của Trung Quốc cho Chính phủ Việt Nam vay với lãi suất ưu đãi. Với cam kết phải cho Formosa vay để thực hiện dự án ở Hà Tĩnh. Điều này càng được sáng tỏ hơn khi biết rằng, đứng đằng sau dự án Formosa Hà Tĩnh là Tập đoàn Công ty Luyện kim Trung Quốc MCC (Metallurgical Corporation of China Ltd) dưới lớp vỏ , một doanh nghiệp kinh doanh hàng đầu của nhà nước của Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh.
Việc Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội - ông Hà Ngọc Chiến khẳng định “Dự án (Formosa Hà Tĩnh) được cấp phép tới 70 năm trên một diện tích rất lớn, ở địa bàn rất nhạy cảm. Hiện nay chúng ta thấy gần như Formosa do Trung Quốc điều hành là chính. Cần làm rõ các nguyên nhân chủ quan của chúng ta để có giải pháp khắc phục.” đã xác nhận điều nói trên.
Vậy tại sao Trung Quốc dám bỏ một khoản tiển khổng lồ như vậy để đầu tư vào dự án tại Vũng Áng Hà Tĩnh như vậy, nhằm mục đích gì?
Tai họa tiềm ẩn
Từ lâu, mối đe dọa của Formosa Hà Tĩnh đối với chủ quyền quốc gia đã được các chuyên gia và các tướng lĩnh quân đội đã nhiều lần cảnh báo về tầm quan trọng của khu vực Vũng Áng, đây được coi là một ví trí chiến lược nhạy cảm về an ninh quốc gia. Vì địa điểm này nằm đối diện và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc chỉ khoảng vài trăm km. Đó là chưa kể đến về phía tây, từ cảng Vũng Áng đi qua Lào chỉ có 50km, đây là khu vực có con đường chiến lược do Trung Quốc xây dựng, nếu có việc kết nối con đường này với Vũng Áng và căn cứ quân sự Tam Á trên đảo Hải nam là điều hết sức nguy hiểm. Địa điểm Vũng Áng sẽ có nguy cơ bị chia cắt nếu khi chiến tranh trên Biển Đông xảy ra.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy đã đánh giá rằng, "Hầu hết các nhà khoa học và giới nghiên cứu (trong và ngoài nước) đều cho rằng dự án Formosa “lợi bất cập hại”, và là một “tử huyệt” của Việt Nam. Nó không những gây ra một thảm họa môi trường lớn, mà còn có thể gây ra một thảm họa lớn về an ninh quốc phòng. Nó đang làm cho kinh tế suy thoái nhanh hơn, và làm cho chính trị phân hóa mạnh hơn, trong khi lỗ hổng về an ninh và quốc phòng ngày càng lớn và nguy hiểm hơn.".
Ngày 11/7/2016 vừa qua, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đại tướng Đỗ Bá Tỵ phó Chủ tịch Quốc hội đã cảnh báo rằng “vụ việc Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài…không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng an ninh…”.
Tuy nhiên, các cảnh báo đó đã bị một số các thế lực trong Đảng đã bỏ qua, vì sự trục lợi cũng lợi ích cá nhân của một số nhân vật lãnh đạo cao cấp, Formosa Hà tĩnh vẫn được chấp thuận cho phép đầu tư tại vị trí hết sức nhạy cảm này.
Nếu biết rằng thủ đoạn trong kinh doanh của người Trung quốc luôn dùng thủ đoạn hối lộ để đạt được điều họ muốn và đây là điều quan chức Việt nam lại rất thích. Chính vì thế, vì sao Chính phủ Việt nam lựa chọn các dự án đấu tư từ phía Trung Quốc với tỷ lệ rất cao, cho dù về giá cả không rẻ hơn; công nghệ thì lạc hậu và đặc biệt là có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường?
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá, Bộ Tài chính đã có nhận xét về việc đầu tư của nhà thầu Trung Quốc là: “Đầu tư trực tiếp và gián tiếp của TQ vào VN  không nhiều, đặc biệt, họ hay đưa công nghệ lạc hậu vào VN. Thường thường họ bỏ thầu giá thấp, mà VN  trong giai đoạn đầu lại chủ yếu coi trọng về giá, hơn nữa thủ đoạn của TQ làm ăn, theo cách hối lộ, mua chuộc “có nghề” của họ.”. Do vậy câu trả lời là, khoản lại quả - "hoa hồng %" bằng tiền hoặc hiện vật rất hậu hĩnh, có thể lên đến 30% như điều mà TS Lê Đăng Doanh đã từng khẳng định.
Tạm kết
Từ đó cho thấy, việc dư luận xã hội có tin đồn cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận một bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nặng 50 kg bằng vàng ròng - nguyên chất từ Tập đoàn Formosa là hoàn toàn có cơ sở. Đó là một món quà quá nhỏ mà họ dùng để hối lộ Tổng Bí thư Trọng để phục vụ cho một tham vọng lớn như vậy thì Bắc Kinh đâu có tiếc. Hơn nữa, Tổng Bí thư Trọng là người "trong sạch" mà nhận bằng ấy, thì những đồng chí không trong sạch thì nhận tới cỡ nào? Còn chuyện đồng chí nào cũng có nhiều là chuyện đương nhiên, khỏi phải bàn.
Chính vì thế mà, ban lãnh đạo Việt Nam hôm nay, vì lợi ích trước mắt họ đã bỏ qua mọi nguy cơ mất nước và sự toàn vẹn lãnh thổ. Họ đã đứng về phía các nhà đầu tư Trung Quốc và bằng mọi giá họ đang quyết tâm bảo vệ quyền lợi của thế lực này. Có nghĩa rằng, họ đã chính thức tuyên chiến không chỉ với người dân 4 tỉnh miền Trung, mà họ còn tuyên chiến với toàn thể những người Việt Nam yêu chuộng công lý và sự thật.
Ngày 11/10/2016
 © Kami
 * Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.

Đừng sợ, mắt bão đã xuất hiện

 
Mấy ngày nay cái tên Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức Mẹ Nấm gần như thay thế cho mọi thứ đang dẫn đầu từ khóa (keywords) trên mạng Internet. Người ta gọi nhau, viết những dòng status phản đối mạnh mẽ, trạng thái vừa phẫn uất vừa nghẹn lời với hoàn cảnh của bà mẹ đơn thân với hai con còn quá nhỏ. Không ít người tự đứng vào hàng ngũ có tên “Chúng ta là Mẹ Nấm”. Không ít người trước đây xích mích với chị bỗng nhìn lại mình và bày tỏ sự tiếc nuối cho thời gian đã qua. Người ta đang đối xử với chị như người thân, bất kể cá tính thẳng thắn và bén như dao chưa bao giờ làm cho Như Quỳnh cúi đầu trước chế độ hay ngay cả với bạn bè đồng sự.
Bắt Mẹ Nấm có kết quả đầu tiên là như thế: thay vì đánh tan đám đông, chế độ quần tụ đám đông và làm cho nó có tiếng nói chung khác với trước khi Mẹ Nấm bị bắt.
Hệ lụy nào cũng có nguyên nhân của nó. Nếu bình thản nhắm mắt cho bộ não quay lại tất cả mọi chuyển biến từ vài tháng qua người ta sẽ thấy chưa khi nào chế độ lo sợ và rối loạn như hiện nay. Trước nhất là sự thua cuộc của phe Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù tạm nuốt nhục để giữ sĩ diện và tài sản nhưng vẫn bị phe đương quyền truy bức sau khi đã củng cố quyền lực và bước cuối cùng là nắm luôn Đảng Ủy Công an Trung ương, một vị trí có khả năng khống chế mọi cuộc nổi loạn từ người dân hay từ những âm mưu chính trị của những con bài cuối cùng đã bị đá ra khỏi hệ thống.
Nhưng Việt Nam vẫn còn may mắn trong cơn hấp hối, dòng tiền Trung Quốc bỏ ra cho Formosa đã phơi bày đến từng chi tiết sau khi thảm họa do nó gây ra làm sự chịu đựng của người Việt bùng vỡ. Người dân không còn sợ chế độ, hàng chục ngàn người biểu tình, hàng triệu dân chúng bốn tỉnh miền Trung tuy chưa chung sức nhưng trong thâm tâm đã hòa cùng và đồng cảm bởi hàng chục ngàn người kia đang nói lên tiếng nói cho họ, tiếng nói của những người bị áp bức.
500 triệu đô la nói là tiền Formosa bồi thường được ông Thủ tướng thay mặt chế độ nhận lấy như một bó hoa nhựa chào mừng do Formosa trao tặng ngay sau khi ông công du Trung Quốc trở về đã làm sự phẫn nộ của người dân tràn bờ. Chế độ loay hoay cố tháo bớt sợi giây thòng lọng nhân dân tệ xiết chặt khi Tôn Hoa sen tiếp tục nhận tiền Trung Quốc tính chuyện chặt Cà Ná làm đôi bởi dự án thép bẩn thỉu và vô lương. Chế độ úp mở không ừ không lắc, họ đang đặt người dân Ninh Thuận trên chiếc thuyền thúng bất an giữa những ngày bão táp.
Cách ứng xử gia trưởng của đảng cầm quyền cộng với những cái đầu chỉ biết gật trong Bộ chính trị dĩ nhiên sẽ xuất hiện người chống đối. Với chế độ, chống đối bằng bất cứ cách nào cũng là mối lo cho sự cai trị. Những con số 258, 88, 79 lại được mang ra bỏ vào lọ xóc lên như con bạc trong lúc khát nước và hết vốn, con số nhảy ra thế nào thì con bạc đánh tiền vào tụ ấy trong lúc hoang mang giãy dụa.
Và con số 88 rớt ra giữa chiếu bạc cho blogger Mẹ Nấm.
Trên thế giới hiện nay chưa có nước nào đánh bạc mà tiền vốn được tình trên người dân của mình như Việt Nam. Cách ứng phó khủng hoàng chính trị của Hà Nội luôn luôn làm cho thế giới ngạc nhiên vì không giống với bất cứ ai. Tán ác thua Bình Nhưỡng, lưu manh thua Trung Quốc, ngu xuẩn kém vài nước Phi Châu, thậm chí lì lợm và côn đồ trắng trợn thua xa Duterte của Philippines, nhưng nếu nói về lật lọng trong ngôn ngữ thì Việt Nam không hề thua bạn bè cùng khối.
Mẹ Nấm bị bắt với con số 88 không những làm cho người Việt hiểu chuyện phẫn nộ, nó còn làm cho các định chế chính phủ trên thế giới bất mãn. Trước tiên là Châu âu, rồi Đặc ủy Nhân quyền Liên bang Đức, Rồi Hoa Kỳ và tiếp theo hầu như các nước dưới thể chế dân chủ có quan hệ ngoại giao với Việt Nam đều có thư phản đối. Những lá thư nhẹ nhàng này không giống như lúc trước khi mà Việt Nam còn đu trên sợi giây nhân quyền nhằm vuốt ve sự bất mãn của quốc tế.
Người ta không khó để nhận ra hiện tình hôm nay không cho phép Hà Nội chọn cách đi hai hàng, họ không còn con đường nào khác phải chọn một và chỉ một mà thôi.
Họ chọn Trung Quốc.
Bởi không chọn Trung Quốc thì ngay lập tức Formosa sẽ là những chiếc đinh đóng nắp quan tài cho chế độ. Bao nhiêu tiền lại quả cho các dự án thép họ đã nhận. Bao nhiêu hoa hồng khi trung gian cho Trung Quốc xuất khẩu thép nay đã lộ hàng và chờ ngày ôm trọn sự trừng phạt nếu không dựa vào Trung Quốc thì dựa vào ai?
Bắt Như Quỳnh là cách mà Bộ công an tin là sẽ giúp ông Nguyễn Phú Trọng bớt nhức đầu trong giai đoạn rối rắm hiện nay. Thế nhưng sự bắt bớ nào cũng làm cho đối phương có hai kết quả khác nhau tùy nhân thân và yếu tố chính trị của họ. Thứ nhất, vô hiệu hóa hành động của người này vì không còn tự do phát biểu như khi còn ở ngoài. Thứ hai, cảnh cáo những người còn lại nếu không muốn vào tù bởi những con số khác.
Trả lời cho ý đồ thứ nhất: Một người nổi tiếng như Mẹ Nấm ngồi trong tù vẫn sẽ tiếp tục phát biểu những lời mạnh mẽ và hùng hồn nhất. Chị đã có mục tiêu bởi các tấm bàng mà công an tịch thu tại nhà: Bảng tóm tắt hơn 30 vụ công an giết người trong đồn. Những biểu ngữ chống Formosa. Mục tiêu ấy nay đã được công an đóng dấu cho phép lưu hành trên toàn thế giới.
Lịch sử đã chứng minh rằng lời nói của người bất đồng chính kiến trong tù luôn có sức mạnh gấp trăm lần khi đang ở bên ngoài. Hãy nhìn Trần Huỳnh Duy Thức hôm nay so với trước khi anh bị kết án thì sẽ thấy.
Tấm gương bà Aung  Shan Suu Kyi còn đó, mặc dù bị quản chế 17 năm nhưng không có lúc nào nhân dân Miến Điện quên tới bà. Họ âm thầm làm theo những gì bà truyền đạt ra khỏi nơi quản thúc. Những người đồng chí trong đảng của bà đã tận tâm truyền cái quyền lực âm thầm ấy làm nên một Miến Điện bây giờ.
Ý đồ thứ hai: Có ai sợ hãi sau khi Như Quỳnh bị bắt? Sự thật rành rành ra đó: Người ta công khai tên tuổi của mình khi ủng hộ Như Quỳnh. Hàng trăm blogger như được đánh thức qua sự bắt bớ này và họ đang tập trung lại dưới con số 88.
Mắt bão đã xuất hiện và Mẹ Nấm là nguồn lực thúc đẩy cho một biến cố không ai biết trước. Bão sẽ nổi lên và bão sẽ cuốn phăng đi tất cả những toan tính, âm mưu kể cả xem kẻ thù là đồng chí.
Sự lên tiếng và theo dõi từng động thái của chế độ từ các nhà ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ không phải làm chiếu lệ như nhiểu người chán nản, họ làm theo cách của họ, và cái cách ấy đã từng thành công tại Miến.
Và lịch sử sẽ lập lại: Con số 88 cũng là con số nổi tiếng của Miến Điện, biểu tượng cho một biến cố giết chết hàng ngàn sinh viên vào năm 1988, và phong trào 88 đã làm cho chế độ quân phiệt Miến cáo chung.

Khởi kiện Formosa: người dân đang vùng dậy (Bài 1)

10/09/2016 - 23:17 

     Sự kiện biển miền trung nhiễm độc gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế từ ngày 06-22/4/2016 đã được cả nước và thế giới biết đến. Tính đến nay, nửa năm trôi qua, tác hại và ảnh hưởng của sự việc ô nhiễm biển trầm trọng này đã thực sự tác động tới phần lớn người dân các tỉnh miền trung. Trong suốt thời gian nửa năm qua, tất cả việc giải quyết, ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam đối với thảm họa môi trường này là bưng bít, bịt miệng những người quan tâm, lên tiếng bảo vệ môi trường và ban ơn cho nạn nhân của sự việc. Đây là phong cách ứng xử phổ biến và thông thường của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với nhân dân. Điều khác biệt với trước đây là hiện nay thông tin nhanh nhạy và công khai ngay lập tức, đồng thời có một cộng đồng mạng xã hội phản biện kịp thời đối với sự bưng bít, bịp bợm và dối trá của đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam. Chính vì thói quen ứng xử như vậy, cộng với những khuất tất trong việc cho phép công ty Formosa đầu tư mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã mất đi cơ hội giải quyết triệt để vấn đề thảm họa môi trường biển miền trung.
     Ngày 26 và 27/9/2016, đã có 506 người dân thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An gửi đơn tại tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh khởi kiện công ty Formosa, yêu cầu bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường. Trước đó, vào các ngày 01/9, ngày 20/9 đã có những cuộc xuống đường, tập trung của bà con các xã thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, và thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh để lên tiếng phản đối công ty Formosa. Đặc biệt, ngày 02/10, có khoảng 18.000 người của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã biểu tình xung quanh trụ sở công ty Formosa. Ban đầu, cảnh sát đã đàn áp và đánh đập một số người, sau đó người dân tới đông quá, bao vây và ngăn chặn cảnh sát đánh người. Cuối cùng, cảnh sát đã phải bỏ chạy, một số còn cởi cả quân phục để chạy trốn mà bà con ghi lại được hình ảnh. Ngày 05/10, Tòa án thị xã Kỳ Anh đã trả lại 506 đơn kiện Formosa của bà con Quỳnh Lưu với lý do không đủ căn cứ tính thiệt hại nên không thụ lý đơn kiện. Ngày 08/10, nhà cầm quyền Việt Nam đã huy động khoảng 3000 cảnh sát cơ động, an ninh cùng chó nghiệp vụ để bảo vệ Formosa, ngăn chặn và đàn áp nếu người dân tiếp tục biểu tình. Toàn bộ ứng xử và diễn biến của sự việc đã khẳng định một điều, nhà cầm quyền Việt Nam quyết tâm bảo vệ công ty Formosa, ngăn cản người dân khởi kiện đòi hỏi quyền lợi chính đáng, và khi cần thiết sẵn sàng đàn áp người dân. Chúng ta cần phân tích đầy đủ về sự việc lớn, phức tạp và nan giải này.
     1/ Bản chất vụ việc khởi kiện
     Dải đất miền trung, bao gồm các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có bờ biển kéo dài, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào đánh bắt hải sản và du lịch. Từ ngày xảy ra thảm họa môi trường, dẫn tới việc nguồn nước biển bị nhiễm độc, hải sản chết hàng loạt và người dân không đi tắm biển, du lịch tại các địa phương này thì kinh tế các tỉnh này gần như phá sản. Người dân dọc theo vùng biển, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản, dịch vụ du lịch đã không còn công ăn việc làm, không có thu nhập. Trải qua 6 tháng trời, tình hình đã không được cải thiện, cá vẫn chết, đánh bắt xa bờ được ít mà không bán được sản phẩm; khách du lịch hầu như không còn, toàn bộ ngành du lịch coi như phá sản. Với diễn biến như vậy, người dân đã rơi vào cảnh lầm than, không còn thu nhập để sống. Trong khi đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã đàn áp các cuộc xuống đường, biểu tình bảo vệ môi trường ở Hà Nội và Sài Gòn; liên tục đưa những thông báo dối trá bịp bợm như nước biển đã an toàn, hải sản hết độc và ăn được; tự ý đưa ra mức đền bù cho Formosa là 500 triệu đô-la  mà không có căn cứ, không tham khảo ý kiến người dân; tiếp tục để Formosa thải độc ra môi trường, cả ở biển và trên đất liền; bóp méo, xuyên tạc những hành động ủng hộ, giúp đỡ người dân của lãnh đạo Công giáo, các tổ chức xã hội dân sự... Trong bối cảnh như vậy, người dân nghèo các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã vùng dậy, khởi kiện công ty Formosa đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Cần phải khẳng định và nhấn mạnh một điều, việc khởi kiện và biểu tình của người dân hoàn toàn do nhận thức của họ, trong hoàn cảnh và tình thế không công ăn việc làm, không có thu nhập. Như vậy, đây là một cuộc đấu tranh của những người cùng đường, không còn gì để mất đòi lại những quyền lợi chính đáng của mình. Tất cả những sự hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn của những chủ chăn, chức sắc tôn giáo, các tổ chức đảng phái và xã hội dân sự chỉ là hỗ trợ về thủ tục pháp lý, về điều kiện và phương tiện để người dân đòi hỏi quyền lợi của mình. Những sự việc này sẽ là vô ích nếu người dân không thực sự có động lực, không có quyền lợi thiết thân, sát sườn với họ. Có thể so sánh đơn giản như sau. Các cuộc biểu tình của người dân Hà Nội, sài Gòn vào các ngày 01/5 và 08/5/2016 và các ngày chủ nhật sau đó, người dân Hà Nội và Sài Gòn xuống đường vì muốn bảo vệ môi trường chung cho đất nước, lo ngại sự nhiễm độc sẽ lan tỏa thông qua các nguồn hải sản và thực phẩm không được kiểm soát. Thực chất, những người xuống đường ở Hà Nội, Sài Gòn chưa hề bị ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo và thu nhập do sự kiện thảm họa môi trường gây ra. Nhưng người dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh miền trung có biển bị nhiễm độc khi biểu tình có tâm thế khác hẳn, họ không còn công ăn việc làm, không còn thu nhập, sức khỏe bị ảnh hưởng...chính vì vậy, các cuộc biểu tình, việc gửi đơn khởi kiện, cuộc đấu tranh của họ là cuộc đấu tranh cho chính miếng cơm, manh áo và thu nhập, hay đấu tranh cho chính sự tồn tại, tồn vong của họ. Đó là bản chất vụ việc khởi kiện và đấu tranh của người dân miền trung...
(còn nữa)
Hà nội, ngày 10/10/2016
N.V.B

Tôi đã thấy



10/08/2016 - 21:30 
Tôi đã thấy chiều ngày 8 tháng 10, hàng trăm cảnh sát cơ động với những chú chó nghiệp vụ mõm bị bịt kín diễn tập chống phản động trước cổng Formosa.
Tôi đã thấy hơn hai mươi cái tên trên Facebook bị bắt ở Vũng Tàu vì cái tội tập trung do yêu nước.
Tôi đã thấy Thủ tướng ngồi ăn bát phở, uống café như một người dân bình thường. Báo chí ca tụng ông bình dân nhưng riêng tôi thì thấy ông độc ác sau khi đặt bút ký cái quyết định 1880 định đoạt số phận của người dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa trong đó quy định trả lại đơn khiếu kiện Formosa, tức là ông hất chén cơm của anh chị em tôi ngoài kia và ngồi ăn bát phở trong này.
Tôi đã thấy máu bắt đầu chạy rần rật trong huyết quản của những lá đơn miền Trung, những tờ giấy không phải được viết ra bằng mực mà bằng máu tươi của người dân tôi cùng khổ.
Tôi đã thấy lịch sử bắt đầu viết một trang mới, từ con cá Formosa, từ chính quyền quyết tâm bảo vệ cho thép và từ sự lạnh lùng quay lưng với giọt máu Việt Nam.
Tôi đã thấy những con chó nghiệp vụ bị rọ mõm vì Cảnh sát cơ động không muốn chúng cắn càn, chúng phải cắn đúng đối tượng mà chính quyền muốn chúng cắn: nhân dân.
Những con chó hùng dũng bị rọ mõm ấy nhắc tới những con chó khác biết nói tiếng người nhưng lương tâm thì bị rọ, đang ung dung ngồi quán cà phê, gõ ly chờ nhìn cảnh thịt rơi máu đổ.
Tôi đã thấy những người bị bắt tại Vũng Tàu, bị còng tay chở về đồn buổi trưa, còng tay chở ra khỏi nơi bị bắt vào đêm tối, bị đạp xuống xe giữa đường mặc đêm đen hãi hùng bất kể họ là đàn bà con nít. Những con chó ấy mõm không bị rọ, vừa đánh đập anh chị em chúng tôi tại Vũng Tàu vừa gầm gừ như những con cảnh khuyển chờ được chủ thẩy ra vài cục xương tanh tưởi.
Tôi đã thấy người miền Trung âm thầm đọc kinh, âm thầm sám hối chuẩn bị cho ngày mai tăm tối đang chờ đón họ. Cái tăm tối ấy được dẫn đường bằng ánh sáng của chân lý. Họ dẫn dắt lịch sử chạy theo vết máu của mình để người sống tại các thành phố phồn hoa ghi xuống cho cả thế giới thấy thế nào là khủng bố.
Tôi đã thấy cuộc tắm máu sắp sửa nổ bùng, máu ai cũng màu đỏ nhưng máu của nhân dân bốn tỉnh miền Trung còn có thêm màu xanh của đại dương bị bức tử và màu trắng trợt của những con cá bị người ta nhét thép vào mồm.
Tôi đã thấy người dân khắp nơi lơ láo không biết làm gì khi tiếng than van gọi nhau chuyền từ nhà thờ này sang nhà thờ khác bằng những bài giảng, những lời cầu nguyện cho nạn nhân bị chó tấn công trước cổng Formosa.
Tôi đã thấy khói từ những họng súng chống biểu tình khi rừng rực oai hùng, khi lạnh lùng như rắn độc tấn công thẳng vào những chị, những mẹ, những cụ ông cụ bà. Và tôi cũng thấy họ bình thản như đang ngồi trong nhà thờ với Chúa.
Tôi đã thấy người dân chúng tôi không còn một mối, tan tác trăm nẻo mạnh ai nấy chuẩn bị tư thế cho mình. Tư thế được nhiều người chọn nhất: co mình lại thật chặt chờ cơn bão dữ thổi qua. Co mình lại càng chặt càng an toàn. Co mình tự vệ khi người khác dang tay, phồng ngực lên chống lại sự bất công của cường quyền bạo chúa.
Ôi tôi không còn muốn thấy nữa mà muốn ngồi im suy gẫm. Cái gì đang làm cho dân tộc tôi khốn cùng đến như vậy? Chúng tôi có còn là người Việt Nam nữa hay không? Nếu còn thì thứ tiếng Việt nào khi nói lên mới được mọi người cùng hiểu?

Đàn áp có phải là thượng sách?

 Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-10-12  
Cuộc biểu tình chống Formosa của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh vào sáng Chủ Nhật 2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người.
Cuộc biểu tình chống Formosa của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh vào sáng Chủ Nhật 2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người.  Citizen photo
Liên tục trong tuần lễ đầu tháng 10 nhiều nhà hoạt động dân sự, bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị đàn áp, thậm chí bị bắt giữ. Lực lượng an ninh được biết là triển khai đông đúc tại Hà Tĩnh sau cuộc biểu tình bất bạo động ngày hai tháng 10.
Đây có phải là một đợt trấn áp mới đối với các lực lượng bất đồng chính kiến trong xã hội hay không? Sau đây là ý kiến một số nhà quan sát trong nước về những diễn biến mới này.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, một người hoạt động dân sự trẻ tuổi ở Đà Nẵng, cho biết tình hình tại Hà Tĩnh vào những ngày cuối tuần đầu tháng 10:
“Qua một số người ở địa phương và mạng xã hội thì ngoài đó, phía an ninh người ta tăng cường lực lượng, sau cuộc biểu tình ngày hai tháng mười, người ta gia cố hàng rào, tường rào cho Formosa. Khi mà thấy các động thái như thế, thì phía người dân ngưng không biểu tình nữa vì bên an ninh chuẩn bị kỹ như thế mà biểu tình thì không có lợi.
Những bức xúc, những phẫn nộ của xã hội gia tăng như thế, mà lại cộng hưởng thêm những tranh chấp, xung đột trong nội bộ đảng cầm quyền, có thể là phần nào đấy khiến cho những người nắm quyền khá là lúng túng.
-Nguyễn Anh Tuấn

Tại sao có những đàn áp mới?

Ngày chủ nhật 9 tháng 10 đã không có cuộc biểu tình nào xảy ra ở Hà Tĩnh, nhưng lại liên tục có những đàn áp từ phía lực lượng an ninh đối với những người bất đồng chính kiến với nhà nước. Một nhóm các nhà hoạt động dân sự, trong đó có những người được công chúng biết đến nhiều như Luật sư Lê Công Định, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bị tạm giữ ở Vũng Tàu rồi thả ra khi họ tổ chức họp mặt, bàn vấn đề xã hội dân sự.
Ngày 10 tháng 10 lại thêm một nhà hoạt động dân sự nữa bị bắt tại Nha Trang là Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức là blogger Mẹ Nấm.
Giải thích những hoạt động trấn áp liên tục đó, anh Nguyễn Anh Tuấn nói:
“Những bức xúc, những phẫn nộ của xã hội gia tăng như thế, mà lại cộng hưởng thêm những tranh chấp, xung đột trong nội bộ đảng cầm quyền, có thể là phần nào đấy khiến cho những người nắm quyền khá là lúng túng. Trong trường hợp lúng túng như thế thì người ta cần phải có một hành động nào đó để thị uy, để lấy lại sự tự tin, thể hiện quyền lực của họ.
Ngay sau cuộc biểu tình ngày hai tháng 10, nhà nước Việt Nam chính thức ra tuyên bố buộc tội đảng Việt Tân, một đảng chính trị của người Việt ở hải ngoại là một tổ chức khủng bố, và nói rằng sẽ trừng trị bất kỳ tổ chức cá nhân nào hoạt động hợp tác với đảng này. Được biết là sau thảm họa môi trường cá chết do Formosa gây ra, tổ chức Việt Tân đã có nhiều hoạt động chống Formosa tại Đài Loan là nơi công ty Formosa có trụ sở chính.
Nhà thờ là một phần của xã hội dân sự và nó gắn bó chặt chẽ với đời sống ngư dân địa phương, đặc biệt ở đây là giáo dân. Nếu cư dân địa phương, giáo dân, chịu những thảm họa như thế mà nhà thờ không làm gì mới là lạ.
-Nguyễn Anh Tuấn
Liên quan đến xung đột trong nội bộ đảng cầm quyền mà anh Nguyễn Anh Tuấn đề cập, nhà báo Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn có trao đổi với chúng tôi vào ngày 10 tháng 10, ông nói:
“Ở hội nghị trung ương 4 của đảng cộng sản Việt Nam thì ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu một vấn đề là hết sức lo lắng về sự diễn biến và tự chuyển biến ở trong đảng, đặc biệt  liên quan đến ông Nguyễn Như Phong của Petrotimes lại đăng một cái bài của một người mà đảng coi là cực kỳ phản động là Bùi Thanh Hiếu, hay blogger Người Buôn Gió.”
Đã có hai nhà báo làm việc trong ngành truyền thông của nhà nước Việt Nam đã bị kỷ luật là ông Nguyễn Như Phong và bà Lê Bình. Ông Phạm Chí Dũng cũng nói là có thể nhà cầm quyền đang bắt đầu một chiến dịch trấn áp những người hoạt động bất đồng chính kiến, như vụ bắt bà Như Quỳnh ở Nha Trang, mà theo ông Dũng đã từ lâu trở thành một cái gai trong mắt những người cầm quyền ở thành phố này.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự sống ở Hà Nội thì cho rằng những hoạt động trấn áp của nhà cầm quyền không chắc là bắt nguồn từ những cuộc biểu tình lớn tại Hà Tĩnh:
“Từ sau đại hội của đảng cộng sản Việt Nam, hay nói cách khác là từ khi có bộ phận lãnh đạo mới này lên, thì tình hình vi phạm nhân quyền rất là trắng trợn, tình hình xấu đi một cách trông thấy, trong sáu tháng vừa qua, và việc trong hai ngày vừa qua, cũng là nằm trong xu hướng đó mà thôi.

XHDS trong những chuyển biến xã hội

14440816_1753114371616401_8945838132783814264_622.jpg
Cuộc biểu tình chống Formosa tại Hà Tĩnh vào sáng Chủ Nhật 2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người. Citizen photo
Trở lại câu chuyện những cuộc biểu tình với hàng chục ngàn người ở Hà Tĩnh, bao gồm một số đông giáo dân Công giáo, và có sự dẫn dắt của các vị lãnh đạo tôn giáo, anh Nguyễn Anh Tuấn tiếp lời:
“Nhà thờ là một phần của xã hội dân sự và nó gắn bó chặt chẽ với đời sống ngư dân địa phương, đặc biệt ở đây là giáo dân. Nếu cư dân địa phương, giáo dân, chịu những thảm họa như thế mà nhà thờ không làm gì mới là lạ, là bất bình thường, còn nếu nhà thờ dẫn dắt tiến trình tranh đấu này thì tôi nghĩ nó hoàn toàn bình thường.
Anh Tuấn nói thêm là không thể có chuyện hàng chục ngàn người bị xúi giục như cách bình luận của cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước, mà chắc chắn là họ có những điều không hài lòng, và chính quyền nên tìm hiểu thay vì đàn áp họ. Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì nói:
“Như tôi trả lời phỏng vấn đài RFA trước khi có cuộc biểu tình mấy tuần là chỉ có cách đối thoại với người dân ở đó, và cái cách đối thoại là chính quyền nên nhờ Giám mục Nguyễn Thái Hợp, ông là người có thẩm quyền để giàn xếp với giáo dân vụ này cho êm thấm, và tôi nói lại là ngoài đối thoại, các biện pháp bạo lực, đàn áp, đều thất sách cả.
Đây cũng là ý kiến của nhà báo Huy Đức đăng trên trang cá nhân rằng nhà cầm quyền phải nói chuyện với những vị lãnh đạo tôn giáo thực sự như Đức giám mục Nguyễn Thái Hợp.
Ông Nguyễn Vũ Bình, người từng làm việc cho Tạp chí cộng sản của đảng có nói rằng những cộng đồng giáo dân vốn được tổ chức tốt sẽ làm nên những sức mạnh rất đáng kể mà nhà cầm quyền phải tính đến. Còn anh Nguyễn Anh Tuấn thì nói rằng trong tương lai tới đây, xã hội Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi và chuyển biến, nhà cầm quyền nên coi trọng vai trò của xã hội dân sự để đất nước vượt qua được những thay đổi là chuyển biến đó một cách tốt đẹp.

Giải pháp nào để ổn định cuộc sống ngư dân miền Trung

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-10-12  
Làng chài Mũi Né chụp tháng 3/2016.
Làng chài Mũi Né chụp tháng 3/2016. Làng chài Mũi Né chụp tháng 3/2016.  AFP photo
Chính phủ đã định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại trong 6 tháng, trong lúc biển chưa hoàn toàn sạch và người dân không có việc làm. Sau tháng 9/2016 thì người dân sẽ tiếp tục sống ra sao và cần có những giải pháp nào để đảm bảo ổn định cuộc sống của họ?
Chính sách đền bù
Theo Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, đến cuối tháng 9/2016 đã có đến gần 25.000 người dân mất việc, sau sự cố  môi trường biển bị nhiễm độc do Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Ông Lê Sáng, một người dân ở Hà Tĩnh cho biết, không chỉ tàu cá phải nằm bờ, hay ngư dân và những người sống dựa vào biển không có việc làm, mà những người buôn bán như ông cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của thảm họa môi trường biển. Ông nói với chúng tôi:
“Từ cái bữa biển và cá bị nhiễm độc thế này thì họ bị thất thu nên họ thôi không đi chợ nữa, trước đây chồng đi đánh cá về thì vợ mang đồ hải sản ra chợ bán. Nhưng bây giờ có bán cũng không có ai mua nên chồng cũng không đi biển luôn. Như tôi là có xe ô tô buôn hải sản, mà bây giờ họ không ra biển thì tôi lấy gì buôn? Đấy là một cái thất thu của tôi. Rồi những người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm, bia rượu để cho dân phục vụ cho dân đi biển, nhưng bây giờ dân không đi biển thì họ bán cho ai?”
Ngày 29/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1880/QĐ-TTg về định mức bồi thường thiệt hại cho 7 nhóm đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Theo đó, thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 9/2016. Nguồn kinh phí bồi thường được sử dụng từ nguồn kinh phí do Formosa đền bù.
Chính sách đền bù vừa qua của Chính phủ thì bà con không thể chấp nhận được, với lý do là biển chết mà nhà nước chỉ đền bù cho 6 tháng thì sau 6 tháng sẽ như thế nào?
- Ông Hoa, ngư dân Vũng Áng 
Đánh giá về định mức bồi thường của chính phủ, ông Hoa một ngư dân ở Vũng Áng thấy rằng, mức bồi thường ở mức thấp nhất là 2,9 triệu đồng và cao nhất là 3,69 triệu đồng/người/tháng là quá thấp, chỉ tương đương với mức thu nhập của 1-2 ngày làm nghề trước đây. Ông cho biết:
“Chính sách đền bù vừa qua của chính phủ thì bà con không thể chấp nhận được, với lý do là biển chết mà nhà nước chỉ đền bù cho 6 tháng thì sau 6 tháng sẽ như thế nào? Thứ 2 là chỉ đền bù cho những người đi biển thì còn bà con ở nhà sống bám biển như: buôn cá, làm nước mắm và những nghề ăn theo thì sẽ giải quyết thế nào? Họ là những người sống bám biển thì nhà nước cũng phải có các chế độ, chính sách đối với người ta”
Theo Nhà báo Nguyễn An Dân, việc chính phủ cho ứng trước 3.000 tỷ để giải quyết việc đền bù chỉ mang tính hình thức, theo ông Chính phủ cần có các giải pháp để giải quyết việc làm cho người dân đó mới là vấn đề cần thiết và lâu dài. Ông nhận định:
“Nếu chính phủ để lực lượng lao động này ở không, không làm việc thì nó sẽ ảnh hưởng và tạo ra khủng hoảng xã hội. Và nếu đẩy bài toán đó ra ngoài xã hội thì như vậy chính phủ đã không làm tròn vai trò an dân của mình.”
Trả lời báo Nông Nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết, cùng với việc hỗ trợ ngư dân chuyển từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ, nếu người dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì được ưu tiên các ngành nghề phù hợp với đặc điểm của ngư dân vùng biển.
Vai trò của Giáo hội
Trả lời câu hỏi, vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc có một giải pháp lâu dài nào để đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân?
Theo Linh mục An tôn Đặng Hữu Nam, chánh xứ Phú Yên, hạt Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thấy rằng, Giáo hội đã làm hết sức mình để đảm bảo cuộc sống của bà con giáo dân. Ông khẳng định:
“Đối với Giáo hội thì chúng tôi luôn luôn sẵn sàng, song đối với chính phủ thì họ chỉ xác định là trong 6 tháng. Cuộc sống của người dân ở đây qua 6 tháng thì vô cùng thê thảm rồi, nhưng điều quan trọng nhất là hậu quả của thảm họa này sẽ là 50 -70 năm. Vậy liệu chúng ta có thể giúp đỡ được họ mãi hay không? Trong suốt 6 tháng vừa qua, tôi và Tòa Giám mục Giáo phận Vinh đã rất nỗ lực kêu gọi trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, thế song đó không phải là kế sách lâu dài. Vấn đề để giải quyết triệt để việc này là phải có một chính sách cụ thể từ phía Nhà nước.”
Khi được hỏi, chính phủ cần có một giải pháp lâu dài nào để đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân?
Nhà báo Nguyễn An Dân thấy rằng, vấn đề bế tắc nhất hiện nay là việc người tiêu dùng mất lòng tin và không dám tiêu dùng hải sản, điều đó đã tạo ra một phản ứng mang tính dây chuyền, đã khiến hải sản của ngư dân đánh bắt không tiêu thụ được. Theo ông, lấy lại lòng tin của người tiêu dùng là điểm cần đột phá. Ông đề xuất:
“Để giữ được niềm tin của người dân thì chính phủ cần ra ngay một lệnh cấm khai thác gần bờ từ 20 hải lý trở vào. Sau đó thì mời các trung tâm kiểm định thực phẩm uy tín của thế giới vào để kiểm định chất lượng hải sản đánh bắt ở khu vực từ 20 hải lý trở ra và quảng cáo thật mạnh. Rồi chính các tổ chức đó họ sẽ công bố cho nhân dân biết các loại hải sản đó là an toàn.”
Ông Hoa cho biết, bản thân mỗi người dân cũng đã nỗ lực hết sức để tìm các giải pháp nhằm ổn định cuộc sống của bản thân mình. Ông nói:
Đối với Giáo hội thì chúng tôi luôn luôn sẵn sàng, song đối với chính phủ thì họ chỉ xác định là trong 6 tháng.
- Linh mục Đặng Hữu Nam
“Bây giờ tất cả dân chúng đều ăn không ngồi rồi, muốn đi làm thuê cũng không biết đi kiếm ở đâu, cho nên chúng tôi đang phải tìm cách tìm một cái nghề gì đó cho bà con lao động để kiếm tiền chi tiêu cho cuộc sống. Chúng tôi đã tính có phương án sẽ tổ chức trồng nấm, trồng rau sạch cho bà con.”
Nhà báo Nguyễn An Dân cũng cho biết thêm, bước thứ 2 Chính phủ cần chú trọng giải quyết nghề nghiệp cho lực lượng đánh bắt gần bờ hiện đang không có việc làm. Ông cho biết:
“Theo tôi, chính phủ nên cơ cấu lại, có nghĩa là vùng 20 hải lý trở vào chịu ảnh hưởng của xả thải thì dừng khai thác, còn từ 20 hải lý trở ra thì cần chú trọng đánh bắt xa bờ. Vì thế Chính phủ nên thành lập một hợp tác xã nghề cá ở mỗi tỉnh và luân chuyển một số lao động đánh bắt gần bờ dôi dư vào là các việc chế biến, sơ chế và tiêu thụ hải sản.”
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới Cục Việc làm, Bộ Lao động-TB&XH để tìm hiểu về chính sách trong việc giải quyết việc làm cho các lao động chịu tác động của biển nhiễm độc thuộc 4 tỉnh miền Trung, nhưng không nhận được sự trả lời.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT ông Vũ Văn Tám thấy rằng, "Rời biển, chắc chắn đời sống ngư dân sẽ rất khó khăn, cho nên cách tốt nhất giúp họ bảo đảm cuộc sống chính là sớm phục hồi hệ sinh thái biển. Nếu có chuyển đổi nghề thì cũng chuyển đổi theo hướng nghề nghiệp có liên quan. Trong trường hợp bất đắc dĩ mới chuyển lên lao động trên bờ, mà lao động trên bờ cũng ưu tiên nghề gắn với biển, dựa trên hiệu quả thật sự. Ðó là mong muốn và cũng là trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương liên quan".

CSVN là tay sai của Trung Cộng trong cuộc chiến mậu dịch


Wall Street Journal, một tờ báo hàng đầu về kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ, vừa mới đăng một phóng sự điều tra về việc một công ty sản xuất nhôm của Trung Cộng chở nhôm từ Trung Cộng đến Mexico, rồi từ Mexico bán vào thị trường Mỹ. Đây là hành động không chỉ nhằm tránh bị áp đặt thuế xả rác vào Hoa Kỳ, mà còn lợi dụng việc miễn thuế qua hiệp ước mậu dịch tự do NAFTA được ký kết giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada.
Hơn 1 triệu tấn nhôm, trị giá khoảng 2 tỷ Mỹ Kim, tương đương khoảng 6% hàng tồn kho thế giới, được chở tới Mexico để chuẩn bị nhập vào Hoa Kỳ, thế nhưng kế hoạch này bị các công ty nhôm Hoa Kỳ khám phá, và Bộ Thương Mại Hoa Kỳ nhảy vào cuộc để điều tra về nguồn gốc số hàng tại Mexico. 
Cũng theo phóng sự điều tra của tờ Wall Street Journal, sau khi kế hoạch bán nhôm từ Mexico vào Mỹ bị đổ bể, số nhôm còn lại tại Mexico được chở đến một nhà kho của công ty Global Vietnam Aluminum Corporation ở Việt Nam.
Theo dữ kiện của Bộ Kinh Tế Mexico, tính đến tháng 6 năm nay, số lượng nhôm trị giá hơn 400 triệu Mỹ Kim được chở từ Mexico đến Việt Nam. Còn theo số liệu của Global Trade Information Services thì nhôm của Trung Cộng nhập vào Việt Nam lên đến 1.9 tỷ Mỹ Kim, tăng 1,000% vào năm 2015. Chỉ tính riêng đến tháng 7 năm nay, Trung Cộng chở một số lượng nhôm trị giá khoảng 1 tỷ Mỹ Kim đến Việt Nam.
Thật không ngạc nhiên, tính từ cuối năm 2014, công ty Global Vietnam bán 2,000 tấn nhôm vào Hoa Kỳ. Điều này cho thấy Trung Cộng đang sử dụng Việt Nam như một tiền trạm để trốn thuế xả rác trên toàn thế giới, từ các mặt hàng như thép, nhôm, và còn không biết bao nhiêu mặt hàng khác cũng được xuất đi từ nhiều công ty trá hình được thiết lập tại Việt Nam.
Việt Nam đang trở thành một đặc khu chế xuất, tái chế hàng hóa cho Trung Cộng để bảo đảm nền kinh tế Trung Cộng luôn tăng trưởng và bảo đảm công ăn việc làm của công nhân Trung Cộng. 
Trong quá khứ, khi hai khối siêu cường Tư Bản và Cộng Sản va chạm, thì có một Hồ Chí Minh xếp hàng sau lưng khối cộng sản và hô lớn "có em đây". Chỉ vì lời hô này mà Việt Nam bị đẩy vào cuộc chiến tranh ủy nhiệm và người dân Việt Nam phải đi giữa những làn đạn từ mọi phía. Giờ đây, với cuộc tranh cử đang diễn ra sôi nổi ở Mỹ, mậu dịch sẽ là chiến trường mới giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.
Và một lần nữa cộng sản Việt Nam lại hô "có em đây" và hồ hởi làm tay sai cho Trung Cộng trong cuộc chiến mậu dịch.
Thế kỷ thứ 20, thân xác người Việt Nam ngã xuống vì bom đạn cho cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa vô sản, nay thân xác người Việt Nam tiếp tục ngã xuống vì ô nhiễm môi trường.

Phụ huynh cho con nghỉ học để phản đối bắt đóng tiền phi lý

Đa phần phụ huynh cho các bé nghỉ học là người thiểu số có thu nhập rất ít. Ảnh: Thanh Niên
Trường mẫu giáo Lộc Tân (xã Lộc Tân, Bảo Lâm, Lâm Đồng) bắt buộc 100% phụ huynh các bé phải đóng tiền xây dựng trường học, mà họ gọi là "xã hội hóa". Điều này khiến các phụ huynh bất bình. Do đó phụ huynh đồng loạt cho hơn 100 bé nghỉ học để phản đối việc ép buộc đóng tiền phi lý nói trên.
Theo các phụ huynh cho biết, họ đã nhận được thông báo của lãnh đạo nhà trường về việc đóng 70,000 đồng (khoảng hơn 3 Mỹ kim) để xây dựng trường lớp. Lý do mà lãnh đạo nhà trường yêu cầu như vậy là vì trường đã cho tiến hành xây dựng với tổng kinh phí lên đến 8 tỷ đồng, nên cần sự hỗ trợ của phụ huynh.
Tuy nhiên, đề nghị này đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phụ huynh. Các phụ huynh cho hay, từ những năm trước họ đã đóng tiền "xã hội hóa" nhằm xây dựng trường học, sao không lấy tiền đó để góp vào những phần như: xây dựng hàng rào, làm sân trường mà lại còn bắt họ đóng.
Để chống lại quyết định bắt đóng tiền vô lý, phụ huynh đã đồng loạt cho con em của họ nghỉ học từ ngày 4/10 cho đến nay.
Tại xã Lộc Tân, số người sắc tộc rất đông. Đa phần những người cho trẻ con nghỉ học là người sắc tộc bản địa tại đây. Có thể đối với người Kinh số tiền 70,000 đồng không lớn, nhưng với người sắc tộc đó là cả một vấn đề.
Trả lời báo chí, lãnh đạo phòng giáo dục huyện Bảo Lâm cho biết, chủ trương của ngành giáo dục của huyện là không thu tiền "xã hội hóa" của phụ huynh, nhưng không hiểu vì lý do gì Ban giám hiệu trường mẫu giáo Lộc Tân vẫn quyết định thu tiền để khiến phụ huynh bất bình.
Trường mẫu giáo Lộc Tân có 277 trẻ được học trong 8 lớp. Đến nay có khoảng 100 trẻ được bố mẹ cho ở nhà để phản đối nhà trường bắt đóng tiền phi lý. Trước mắt, lãnh đạo phòng giáo dục cử nhân viên đến gặp phụ huynh để thuyết phục họ cho các bé đến trường học lại bình thường. Mặt khác, sẽ cho xác minh tìm hiểu đến cô hiệu trưởng nhà trường xem có những khuất tất phía sau quyết định thu tiền "xã hội hóa" hay không.
Ngọc Quân/SBTN

Ngư dân Quảng Trị không cho tiêu hủy hải sản vì mức đền bù chưa hợp lý

Nhiều người dân ở tỉnh Quảng Trị đang ngăn cản chính quyền tiêu hủy số lượng hải sản được cho là không an toàn trong thảm họa môi trường do Formosa gây ra.
Họ cho rằng mức hỗ trợ 70% giá trị các loại thủy hải sản do Bộ Tài Chính Cộng Sản Việt Nam ấn định là chưa hợp lý. Trong buổi làm việc hôm 13 tháng 10 của ủy ban nhân tỉnh Quảng Trị, các giới chức đã nhìn nhận một số vấn đề nan giải với thủ tục khai báo thiệt hại để được bồi thường. Theo giới chức Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Quảng Trị, số mẫu đơn kê khai thiệt hại thì nhiều, nhưng không sát với thực tế, nên gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân cũng như cho các viên chức.
Báo Dân Việt dẫn lời ông Nguyễn Văn Huân, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh điều đáng lo ngại là người dân không cho cơ quan hữu trách tiêu hủy số lượng hải sản được cho là không an toàn, và đang lưu trữ trong các kho lạnh, vì cho rằng mức hỗ trợ 70% giá trị của các loại thủy hải sản là chưa hợp lý.
Theo Sở Nông Nghiệp Quảng Trị, tỉnh này có 2,659 tàu thuyền và 4,778 thuyền viên bị ảnh hưởng. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại ước tính hơn 824,000 hécta, gần 16,000 người lao động bị mất thu nhập, và 1,290 tấn hải sản phải tồn kho đông lạnh không được bán ra. Kinh phí bồi thường thiệt hại cho người dân vùng bị ảnh hưởng trong 6 tháng qua là gần 960 tỷ đồng, tương đương 42.7 triệu Mỹ kim.
Nhưng thảm họa môi trường vừa qua vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản trên toàn tỉnh. Hầu như tất cả tàu dưới 90 mã lực đều nằm bờ. Các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá đang hoạt động cầm chừng. Từ tháng 4 đến nay, người dân không dám lấy nước biển vào nuôi tôm, nên tôm nuôi bị chết và xảy ra dịch bệnh trên diện rộng với tổng diện tích bị ảnh hưởng là hơn 310 hécta.
Huy Lam / SBTN

Ngư dân Vũng Tàu đổ cá chết ra quốc lộ phản đối ô nhiễm môi trường

Nhiều ngư dân mang những lồng cá chết đổ ra đường ở ở ngã ba Long Sơn trên Quốc Lộ 51, đoạn qua thành phố Vũng Tàu, để biểu tình phản đối tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường làm cho cá do họ nuôi bị chết hàng loạt.
Được biết, rất đông bà con ngư dân bắt đầu cuộc biểu tình ôn hòa lúc 10 giờ 30 sáng hôm nay. Họ yêu cầu nhà cầm quyền phải điều tra nguyên nhân làm cá nuôi trong lồng bè bị chết hàng loạt. Khu nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và, tại Long Sơn, thành phố Vũng Tàu rộng gần 65 hécta với tổng số lồng nuôi là 5,827 lồng. Các ngư dân cáo buộc Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn gần đó xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường làm cá chết hàng loạt.
Nhà cầm quyền thành phố Vũng Tàu đã huy động một lực lượng đông đảo gồm công an, cảnh sát giao thông và an ninh đến bao vây cả khu dân cư. Cùng lúc đó, công an cũng ngăn chặn không cho người dân qua lại khu vực trạm thu phí T3 trên Quốc Lộ 51. Trong 5 năm nay, kể từ khi dự án Tổ lọc hoá dầu Long Sơn đi vào hoạt động, năm nào cá cũng bị chết vì ô nhiễm, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho ngư dân. Các ngư dân bất mãn đã nhiều lần yêu cầu nhà chức trách có biện pháp giải quyết, nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn suông.
Huy Lam / SBTN