Wednesday, June 10, 2015

Trung Quốc sẽ không ngưng làm đảo nhân tạo

 WASHINGTON (NV) - Các đảo nhân tạo đang trên đường xây dựng các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên trên Biển Đông vẫn tiếp diễn chứ không dừng lại theo lời kêu gọi của Hoa Kỳ.


Bãi đá ngầm Gạc Ma (Johnson South Reef) mà Trung Quốc cướp của Việt Nam năm 1988 nay đã trở thành đảo nhân tạo khổng lồ với các cơ sở quân sự, cảng biển. (Hình: CSIS)

Diễn đàn thông tin Washington Free Beacon cho hay như vậy hôm Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015 dựa theo một bản phúc trình nội bộ của Hội Đồng Cố Vấn An Ninh Hải Ngoại (Overseas Security Advisory Council, gọi tắt là OSAC) gửi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

“Bắc Kinh sẽ tiếp tục phát triển các khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông.” Bản phúc trình của OSAC viết. “Khác với các tàu đánh cá hay các tàu tuần tiễu (có thể đến rồi đi), các đầu tư vào cơ sở hạ tầng chẳng hạn như làm đảo nhân tạo và xây dựng các phi đạo và hải đăng, báo hiệu một sự hiện diện thường trực hơn.”

Bản phúc trình kết luận rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa ở vùng biển này bất chấp lời kêu gọi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter hồi cuối tuần trước.

Ông Carter, qua các bài phát biểu tại nhiều nơi khác nhau, đã lên án các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông là vượt lên trên các thông lệ quốc tế và gây mất ổn định ở khu vực. Ông cũng đòi hỏi Bắc Kinh phải chấm dứt các hành động đang diễn ra, mà tới nay, họ đã biến 7 bãi đá ngầm thành 7 đảo nhân tạo cỡ lớn trên Biển Đông gộp chung diện tích lên đến 2,000 ha.

Các cơ sở gồm doanh trại, dinh thự nhiều tầng, phi trường, rồi đây các loại võ khí và trang bị từ radar, hệ thống truyền tin viễn thông, sẽ được Bắc Kinh mang tới đó, đe dọa an ninh trên toàn khu vực Biển Đông. Phi cơ tuần tra của Hoa Kỳ hồi tháng trước từng thấy hai hệ thống súng lớn đặt trên các xe bánh xích tự hành xuất hiện trên một hòn đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng tại Trường Sa.

“Hoa Kỳ chống việc quân sự hóa và sự gây mất ổn định trên Biển Đông.” Bộ Trưởng Ash Carter tuyên bố như vậy khi đến Hà Nội ngày 1 tháng 6, 2015 vừa qua. Tại đây ông cũng kêu gọi “dừng vĩnh viễn các hành động làm đảo nhân tạo và quân sự hóa” trên Biển Đông.

Dịp này, ông lập lại những lời tuyên bố trước đó rằng phi cơ và tàu chiến của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra các vùng của Biển Đông, những nơi mà luật lệ quốc tế cho phép, bất chấp những đòi hỏi của Bắc Kinh.

Ngày 20 tháng 5, 2015, máy bay tuần tra biển P-8 Poseidon của Hoa Kỳ khi bay trên vùng biển Trường Sa đã bị viên chức đài kiểm soát không lưu của Trung Quốc yêu cầu phải rời khỏi khu vực. Tuy nhiên ông Carter nói rằng, “Bất cứ hành động của ai cũng không làm thay đổi cách hành sử của Hoa Kỳ.”

Bản phúc trình của OSAC nhận định rằng chiến tranh giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp tại khu vực nhiều phần sẽ không xảy ra. Tuy nhiên OSAC khuyến cáo rằng những nguy hiểm mức độ thấp cũng có thể dẫn đến các cuộc xung đột hay biến cố quân sự.

Bản đánh giá về các tranh chấp trên Biển Đông nói trên nằm trong một phúc trình nội bộ được Sở An Ninh Ngoại Giao của Bộ Ngoại Giao soạn thảo hầu giúp các công ty Hoa Kỳ hoạt động ở khu vực nắm bắt tình hình.

Nói rõ hơn, bản phúc trình nhằm giúp các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động ở khu vực đối phó với các tác động từ các tranh chấp trên Biển Đông ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ, nếu chẳng may các căng thẳng leo thang.

Sự nguy hiểm chính yếu tóm tắt trong bản phúc trình được mô tả như một thứ “đối đầu bất ngờ” hoặc tính toán quân sự lầm lẫn có thể trở thành “một điểm nóng tiềm ẩn có thể dẫn đến leo thang căng thẳng hay xung đột.”

Bản phúc trình viết rằng, “Lịch sử đã chứng tỏ rằng sau một loạt những lời tuyên truyền và đe dọa, các cái đầu bình tĩnh hơn thường chiếm ưu thế. Trong bất cứ trường hợp nào, một biến cố nhiều phần có tác động lớn hơn đối với các mối quan hệ giữa các lực lượng quân sự hơn là đối với khu vực tư nhân.”

Bản phúc trình cho rằng một cuộc chiến trên biển nhiều phần sẽ không xảy ra vì không một nước nào trong số những nước tranh chấp hoặc cuộc xung đột kéo dài.

OSAC là một cơ quan được thành lập từ năm 1985 theo đạo luật “The Federal Advisory Committtee Act” với nhu cầu cổ động sự hợp tác về an ninh giữa khu vực tư nhân Hoa Kỳ hoạt động trên thế giới và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. (TN)
06-10-2015 7:03:27 PM


Đứt cáp cầu treo ở Kon Tum: bò chết, người bị thương

KON TUM (NV) - Cầu treo bắc qua suối Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, bất ngờ bị đứt dây văng sập hẳn một bên cầu, khiến 4 người và 7 con bò rơi xuống suối. Rất may không có người thiệt mạng.

Một bên dây văng cầu treo bị đứt hết. (Hình: Người Đưa Tin)

Theo Tuổi Trẻ, khoảng 13 giờ 30 ngày 9 tháng 6, cầu treo bắc qua dòng suối Đăkpne bất ngờ bị đứt dây văng, trong khi có 7 con bò và 4 người đang đi qua cầu.

Hậu quả là đàn bò 7 con bị hất tung, khiến 2 con bò bị chết. May mắn là ông Phạm Công Nhuần, ngụ tại thôn 12 xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, chủ đàn bò cùng 3 người khác đu được dây cáp không rơi xuống suối chỉ bị xây xước nhẹ.

Tin cho biết, đây là cây cầu duy nhất để đi qua lại và vận chuyển hàng hóa của người dân thôn 12, xã Đăk Tờ Re và thôn 14, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy. Cầu được làm vào năm 2010 sau khi chiếc cầu lớn trước đó bị cơn bão số 9 năm 2009 cuốn trôi.

Theo người dân, nguyên nhân khiến “cầu treo bạc tỷ” này bị đứt dây văng có thể do quy mô, kết cấu của chiếc cầu không đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản của 2 thôn kinh tế mới này.

Chứng kiến chiếc cầu đứt nhiều người dân đã bật khóc vì không biết đến khi nào người dân 2 thôn bớt khổ vì giao thông không mấy thuận tiện, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của hàng ngàn người dân của hai thôn của xã ĐăkTờ Re và Đăk Ruồng. (Tr.N)
06-10- 2015 6:17:49 PM

Công an đánh dân gãy xương ức vì nghi trộm tiền

ĐỒNG THÁP (NV) - Nghi ngờ lấy 1.5 triệu đồng trong cặp xách của mình, một trung tá công an huyện Lấp Vò đã báo công an xã bắt nhốt và đánh đập một người dân đến gãy mũi xương ức.


Ông Lộc lo lắng với hồ sơ bệnh án của mình sau khi bị các công an xã đánh. (Hình: Thanh Niên)


Ngày 10 tháng 6, tờ Thanh Niên dẫn đơn tố cáo của ông Trần Văn Lộc (42 tuổi), xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, khoảng 21 giờ ngày 29 tháng 5, trong lúc ông đi viếng đám tang của một người bà con trong xóm thì ông Chế Văn Khen, trung tá công an huyện Lấp Vò cũng đến viếng đám tang và nhờ giữ giùm cặp sách để ông Khen vào viếng.

Khoảng hơn 30 phút sau, ông Khen đi ra và lấy cặp sách đi về, nhưng sau đó ông Khen quay trở lại đám tang tìm gặp ông Lộc bảo bị mất 1.5 triệu đồng trong tổng số 3 triệu đồng trong chiếc cặp trên. Thế là ông Khen lấy điện thoại gọi cho công an xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò mời anh Lộc về trụ sở làm việc.

Qua khám xét mặc dù không phát hiện số tiền 1.5 triệu đồng trên người và xe của ông Lộc, thế nhưng công an xã vẫn bắt giữ người đến gần 8 giờ sáng ngày 30 tháng 5 mới cho về. Theo ông Lộc, trong quá trình bắt giữ, công an xã đã còng tay và dùng chân, tay đánh, đá vào người ông, đồng thời dùng cả dùi cui đánh vào hông ông.


Kết quả siêu âm và chẩn đoán của bệnh viện, ông Lộc bị gãy mũi xương ức. (Hình: Thanh Niên)

Thấy đau nhức khắp người, ông Lộc nhờ gia đình đưa đến Bệnh Viện Đa Khoa huyện Lấp Vò khám bệnh. Kết quả của bệnh viện cho thấy, ông bị chấn thương nhiều vùng trên cơ thể. Đến ngày 3 tháng 6, do có triệu chứng nôn ói nên gia đình đưa ông Lộc đi bệnh viện Hòa Hảo, Sài Gòn để khám. Theo kết quả siêu âm và chẩn đoán của bệnh viện này, ông Lộc bị gãy mũi xương ức.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Chí Thành, trưởng công an xã Bình Thạnh Trung thừa nhận có xảy ra sự việc công an xã đánh người.

Cụ thể, theo ông Thành có 4 công an viên gồm: Bùi Hữu Thuận, Nguyễn Văn Mót, Nguyễn Văn Tình và Trần Thanh Xuân phụ trách ca trực hôm đó vì “nôn nóng,” “thiếu kỹ năng nghiệp vụ” nên đã đánh ông Lộc. “Đây là việc đáng tiếc, các công an viên do chuyên môn yếu kém và nhận thức chưa đúng về sự việc,” ông Thành nói.

Ông Lê Quốc Thịnh, phó chủ tịch xã Bình Thạnh Trung cho biết, trước mắt ủy ban xã đã tạm đình chỉ 4 công an viên đánh ông Lộc.” Chờ kết luận điều tra chính thức từ phía công an huyện và các bên liên quan sẽ ngồi lại để quyết định hình thức kỷ luật dành cho các công an viên đánh người,” ông Thịnh nói.

Trong khi đó, ông Chung Văn Thọ, trưởng công an huyện Lấp Vò chỉ cho biết, “Đã được báo cáo vụ việc công an xã Bình Thạnh Trung đánh người và đã cho thanh tra công an huyện vào cuộc để điều tra làm rõ.” (Tr.N)
06-010- 2015 7:17:04 PM

Bà Tạ Phong Tần tuyệt thực ngày thứ 29, có nguy cơ thiệt mạng

SÀI GÒN (NV) .- Nhà báo tự do Tạ Phong Tần tuyệt thực trong nhà tù số 5, tỉnh Thanh Hóa để chống ngược đãi tù chính trị, đến nay đã 29 ngày, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

 
Nhà báo tự do Tạ Phong Tần trong tấm bích chương vận động “Tháo Còng Báo Chí” của Tổ chức Bảo Vệ Ký Giả Quốc Tế CPJ. (Hình: CPJ)

“Từ bữa gặp đó đến nay không biết tình trạng sức khỏe thế nào. Gia đình trông chờ điện thoại chị ấy gọi về chứ không biết làm sao”.

Bà Tạ Minh Tú, em của nhà báo tự do Tạ Phong Tần nói với báo Người Việt như thế trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại ngày 10 tháng 6, 2015.

Bà Tạ Minh Tú, đại diện gia đình, từ tỉnh Bạc Liêu, miền Nam đi thăm người chị đang bị giam giữ tại nhà tù số 5, huyện miền núi Yên Định tỉnh Thanh Hóa, ngày 3/6/2015 vừa qua. Trong cuộc gặp mặt mỗi tháng một lần này, bà được chị ruột của mình cho biết đang tuyệt thực và lý do tuyệt thực từ ngày 13 tháng 5, 2015.

“Chị ấy tuyệt thực chống đối trại giam đối xử với tù chính trị. Chị nêu lý do là bị tịch thu đồ vệ sinh cá nhân, thau giặt đồ của chị. Hỏi họ tại sao tịch thu thì họ không nói lý do.” Bà Minh Tú kể.

Cuộc thăm gặp hôm đầu tháng của hai chị em cỡ 45 phút “Nói nhiều chuyện bên ngoài, chuyện gia đình, chuyện tuyệt thực”. Theo lời bà Tú, sau 28 ngày tuyệt thực, bà Tần “Chưa tới nỗi phải dìu đi nhưng sức khỏe đã yếu lắm rồi. Từ chỗ phòng giam ra tới phòng thăm gặp thì chị nói chị đã mệt rồi.”

Đến nay, khi bà Tạ Minh Tú nói chuyện với báo Người Việt đã là ngày thứ 35, gia đình vẫn không biết một tin tức gì vì sự bưng bít thông tin và chỉ cho gặp mỗi tháng một lần nếu tù nhân không bị trừng phạt vì một lý do gì đó, hoặc không ra gặp vì một lý do gì đó mà nhà tù không cho biết.

Bà Tạ Minh Tú cho hay, vào ngày thăm bà Tần, nhiệt độ ở đó là 39oC, thời tiết miền núi Thanh Hóa, Nghệ An vốn khắc nghiệt nắng nóng đổ lửa suốt mùa hè và mùa đông lạnh cắt da.

“Chị nói phòng của chị bị nhốt bít bùng, chung quanh không có cửa sổ. Đã vậy, chiều cao chỉ có 3 mét, tường chung quanh bít hết. Lại còn xây cái tường lớn chắn ngay cửa ra vô cao 4 mét, bít rịt như thế làm sao có không khí. Trong khi hiện thời lúc đi thăm là 39 độ. Chị nói nóng quá không ngủ được, thức sáng đêm.” Bà Tạ Minh Tú kể.

“Rồi trong tình trạng tuyệt thực chị không uống thuốc chữa bịnh. Chị có bịnh tim mạch, đau khớp, huyết áp, viêm họng, nên tình trạng sức khỏe càng yếu đi. Vừa đói vừa bịnh hành hạ, toàn than đau nhức, nên bữa chị đi ra gặp thì nói tới nơi đã mệt rồi.”

Bà Tạ Minh Tú cho hay là đã 'khuyên chị ngưng tuyệt thực vì cuộc đấu tranh này còn rất là dài nên cần giữ gìn sức khỏe sau này còn tiếp tục đấu tranh nữa. Chị nói tuyệt thực là đề chống đối ngược đãi tù chính trị. Khuyên chị ngưng tuyệt thực thì chị nói không nói trước được.”

Nhà báo  tự do Tạ Phong Tần bị giam tại nhà tù số 5 huyện Yên Định từ Tháng 5, 2013. Việc đi lại thăm gặp giữa thân nhân ở Bạc Liêu và nhà tù số 5 xa hơn 1,700 km nên rất tốn kém, vất vả. Cũng tại nhà tù này và cùng đồng cảnh ngộ bị hành hạ ngược đãi ở một khu vực với Tạ Phong Tần còn có các tù nhân lương tâm khác như bà Nguyễn Thị Lộc, bà Hồ Thị Bích Khương và cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn.

Ngày 8 tháng 6, 2015, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (AI) kêu gọi mọi người khắp nơi gửi thư cho nhà cầm quyền Việt Nam đòi phải trả tự do lập tức và vô điều kiện cho nhà báo tự do Tạ Phong Tần. Tổ chức AI kêu gọi mọi người đòi hỏi Hà Nội phải giải quyết các sự ngược đãi dẫn đến cuộc tuyệt thực của Tạ Phong Tần, và phải cho nhà báo tự do can đảm này tiếp cận việc chăm sóc y tế thích hợp.

Hôm 9 Tháng Sáu, Mạng Lưới Blogger Việt Nam tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam “giam giữ khắc nghiệt cùng hành vi phân biệt đối xử với các tù nhân lương tâm tại Việt Nam đã vi phạm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.” và “bỏ mặc và biệt giam những người phản đối chế độ hà khắc của trại giam đã vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về quyền con người”.

Tháng Ba vừa qua, Tổ chức Bảo vệ Ký Giả Quốc Tế (CPJ) mở chiến dịch vận động “Tháo Còng Báo Chí” đòi hỏi các chế độ độc tài tại nhiều nước trên thế giới trả tự do cho những người cầm bút can đảm, dấn thân đấu tranh cho quyền tự do báo chí và quyền con người. Một trong những người được CPJ đòi hỏi phải trả tự do vô điều kiện là Tạ Phong Tần.

Nhà báo tự do Tạ Phong Tần, năm nay 46 tuổi, bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam từ tháng 9 năm 2011 và kết án 10 năm tù với quy chụp “Tuyên truyền chống nhà nước” trong phiên tòa ngày 24 tháng 9 năm 2012 cùng một vụ với nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, bút danh Điếu Cày, và nhà báo tự do Phan Thanh Hải, bút danh Anhbasaigon.

Cả ba bị cáo buộc là các thành viên sáng lập tổ chức “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do” phổ biến các bài viết chống phá chế độ, đòi hỏi tự do ngôn luận.

Ông Phan Thanh Hải bị kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế nhưng được thả ngày 1 tháng 9, 2013. Bogger Điếu Cày bị kết án 12 năm tù nhưng được thả ra theo áp lực của chính phủ Hoa Kỳ, bị trục xuất ra khỏi Việt Nam và đến Mỹ ngày 21 tháng 10, 2014. Chỉ còn bà Tạ Phong Tần vẫn bị giam giữ.

Bà Tần đã bị chuyển qua ba nhà tù khác nhau từ Bình Dương, Đồng Nai đến Thanh Hóa. Bà đã tuyệt thực nhiều lần phản đối sự đối xử ác nghiệt và trái luật của cai tù. Nhân ngày Phụ Nữ Quốc Tế năm 2013, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vinh danh bà Tạ Phong Tần là một trong 10 phụ nữ can đảm trên thế giới. (TN)
06-10-2015 12:53:33 PM

Hằn lún trên Quốc lộ 1A: Do sử dụng nhựa thường?

Việt Hương-06:39 ngày 11 tháng 06 năm 2015
TP - “Lún vệt bánh xe trên quốc lộ 1A rất dễ hiểu là vì đầu vào không đảm bảo thì chất lượng hư hại tất yếu sẽ xảy ra”, là khẳng định của ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Cty CPXD Trung Đức, đơn vị thầu gói 1, KM 429+500, địa phận huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Một đoạn đường sụt lún. Ảnh minh họa: Lê MinhMột đoạn đường sụt lún. Ảnh minh họa: Lê Minh
Tưới nước cứu đường
“Trong ngày và đêm nay (ngày 10/6) chúng tôi đã chỉ đạo các nhà thầu trực tiếp khắc phục và cả chúng tôi cũng bám cả ngày và đêm ngoài hiện trường để chỉ đạo. Dù bằng cách nào thì cũng sẽ hạn chế, không để hậu quả xảy ra cho người tham gia giao thông vì lỗi do đường lún”, ông Phạm Hồng Quang, Phó giám đốc Sở Giao thông Nghệ An, đơn vị chủ đầu tư công trình nâng cấp quốc lộ 1A đoạn từ nam huyện Diễn Châu, TP Vinh cho biết. Theo ông Quang, “dù có rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi đảm bảo chắc chắn không phải lỗi do quá trình thi công. Chúng tôi giám sát rất chặt chẽ, và chính các nhà thầu cũng căng mặt ra để đảm nhận trách nhiệm khi trúng gói thầu tuyến quốc lộ 1A mà họ được nhận”.
Phải nói rằng, đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài hàng tháng với nhiệt độ đỉnh của đỉnh nắng nóng này người dân miền Trung phải khổ sở chống chọi đã gây nên nhiều hệ lụy. “Chúng tôi đang thị sát ngoài hiện trường, nhiệt độ đo được trên mặt đường là 76 độ C, nhiệt độ đào thêm 1cm dưới mặt đường nhựa lên 83 độ C nên phải dùng xe tưới nước để cứu đường chứ hôm qua có đoạn đã chảy nhựa, ảnh hưởng rất lớn cho việc đi lại của các phương tiện giao thông”, ông Đinh Đăng Khánh, Phó giám đốc Ban A (Sở Giao thông Nghệ An) nói. Hiện, đoạn đường lún vệt bánh xe trên 2,5cm qua địa phận huyện Diễn Châu, Nghi Lộc đã được khắc phục. Còn những đoạn có vệt lún dưới 2,5cm đang được tưới nước, và sẽ theo dõi và khắc phục tùy theo tình hình.
Lỗi do chất lượng nhựa?
Theo ông Minh (chủ gói thầu số 1, đoạn qua huyện Diễn Châu, Nghệ An), tình trạng lún vệt bánh xe trên quốc lộ 1A, không chỉ đoạn qua Nghệ An mà hầu hết trên cả nước đều dính nếu như nắng nóng đo được ngoài đường trên 60 độ C  và mặt đường chỉ dùng bằng nhựa thường. “Chúng tôi thừa nhận đoạn đường chúng tôi thi công (địa phận huyện Diễn Châu) có bị lún vệt bánh xe kéo dài, đoạn nào trên 2,5cm chúng tôi đã kịp thời khắc phục. Nhưng với tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài và nhiệt độ như thế này thì có khắc phục đoạn này nó lại bị đoạn kia. Nan giải lắm”.
Phải nói một điều, dù đi tìm nguyên nhân nào, do ai đi nữa thì chất lượng nhựa vẫn là kết quả cuối cùng. “Có một sự khác biệt giữa hai đoạn đường quốc lộ 1A đều do chúng tôi thi công, một gói sử dụng nhựa thường thì bị lún, còn một gói sử dụng nhựa Polime thì không sao mặc dù đã đưa vào sử dụng được nửa năm; cũng trong địa phận chịu cái nắng gần 80 độ C ngoài mặt đường”, ông Minh phân tích.
Theo ông Minh, tại KM 517+563, đoạn từ nam thành phố Hà Tĩnh - thị trấn Kỳ Anh cũng do Cty CPXD Trung Đức thầu xây dựng theo sự chỉ định của chủ đầu tư đã bàn giao và đưa vào sử dụng được 6 tháng nhưng không hề có một vệt lún hay hằn bánh xe nào dù lưu lượng phương tiện đạt 43.000 lượt xe (gấp 10 lần trước đây). Ngược lại, đoạn qua huyện Diễn Châu, cũng do Cty Trung Đức thi công nhưng sử dụng nhựa thường do đấu thầu trúng (trong quy định mời thầu của chủ đầu tư dùng nhựa thường - PV) thì bị lún nhiều, lún sâu và kéo dài.
Với đỉnh nhiệt độ nắng kỷ lục kéo dài hơn một tháng qua (ngoài đường 73 độ C) và lưu lượng phương tiện qua lại gấp 10 lần trước đây, thì nguyên nhân “do nắng nóng làm hư đường” cũng là một...lý do. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, chính các nhà thầu công nhận một phần đường hư hỏng nhanh là do chất lượng nhựa đưa vào sử dụng.       
Nắng nóng vượt tiêu chuẩn thiết kế
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, GĐ Sở GTVT Nghệ An, đại diện chủ đầu tư dự án mở rộng QL 1A đoạn Vinh – Cầu Giát có bị hằn lún (Tiền Phong đã phản ánh) cho hay: Toàn tuyến có 5 khu vực bị hằn lún, đã khắc phục được 4 khu vực, còn một khu vực sẽ xử lý xong trong ngày 11/6. “Mặt đường có thời điểm nóng hơn 74 độ C, vượt quá tiêu chuẩn thiết kế là một trong những nguyên nhân chính. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiểm tra lại quy trình thi công. Bộ GTVT yêu cầu xử lý đoạn lún sâu hơn 2,5 cm, nhưng những điểm lún sâu hơn 2,5 cm buộc nhà thầu bỏ tiền ra để xử lý” – ông Kỳ nói.           
Sỹ Lực

Khi đại biểu không buồn thảo luận

Theo Thanh Niên-06-10-2015
Khi đại biểu không buồn thảo luận
 Sáng hôm qua, một chuyện hy hữu đã xảy ra ở Quốc hội lần đầu tiên trong 9 kỳ họp của Quốc hội khóa XIII. Đó là không có đại biểu nào bấm nút cho ý kiến về dự thảo chương trình giám sát năm 2016. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, người điều hành phiên họp, đành tuyên bố cho nghỉ họp sớm, trước 2 tiếng so với dự kiến chương trình.

Mặc dù trước đó, trong phiên họp tại tổ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đã cho ý kiến về chương trình này, đa số ý kiến đồng ý, nhưng ở hội trường, việc thảo luận, trao đổi sâu hơn, kỹ hơn để ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ, nhất là những ĐBQH còn chưa có ý kiến, vẫn rất quan trọng. Trong khi đó, nội dung giám sát trong năm tới theo dự kiến chương trình là khá quan trọng: giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 – 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện) và giám sát hiệu quả thực hiện chính sách phát triển khoa học, công nghệ…

Với cách làm việc như trên, cử tri không khỏi không đặt câu hỏi về hiệu quả của việc tổ chức, triển khai các chương trình giám sát của QH. Những năm qua, mặc dù có một số cuộc giám sát của QH được ghi nhận có chất lượng cao như chương trình giám sát năm 2015 về oan, sai trong hoạt động điều tra tố tụng với kết quả giám sát rất rõ ràng (71 vụ oan sai trong 3 năm); giám sát về tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng (năm 2014)… Nhưng cũng có không ít chương trình, sau khi giám sát, hiệu quả, hiệu lực của các kết luận giám sát là không rõ ràng. Ví dụ, sau các cuộc giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường hay các chính sách hỗ trợ, xóa đói giảm nghèo…, các yêu cầu, kết luận của đoàn giám sát cũng không được thực hiện nghiêm túc.

Và dễ thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các khu công nghiệp… nhiều nơi vẫn rất nghiêm trọng. Tình trạng sử dụng không đúng nguồn vốn, làm thất thoát kinh phí hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Trong chiều hôm qua, góp ý vào dự thảo luật Giám sát của QH và HĐND, nhiều ĐBQH đã tỏ ra có trách nhiệm hơn, khi phân tích, đề xuất cần phải bổ sung các quy định khắc phục tính hình thức trong hoạt động giám sát của QH, HĐND như quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng bị giám sát, trách nhiệm của chủ thể giám sát đối với ý kiến, kiến nghị của mình và quy định cả trách nhiệm, chế tài đối với đoàn giám sát, thành viên của đoàn giám sát…, những điều mà các dự án luật trên còn thiếu. Với những hình thức giám sát khác như chất vấn tại hội trường, chất vấn ở các phiên họp của Thường vụ QH, cũng được đề nghị có những quy định để cải tổ cách làm việc, cách chất vấn để hiệu quả giám sát đó là thực chất.

Như vậy, nếu như ĐBQH có tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm thì sẽ luôn có những ý kiến xác đáng, hợp lý để việc xây dựng, ban hành các dự án luật, thông qua các chương trình, dự án có chất lượng. Nhưng nếu với cách làm việc “lạ” như phiên họp sáng 9.6, chính ĐBQH đã trở thành đối tượng cần tăng cường giám sát chứ chẳng còn được tin tưởng sẽ xây dựng và thực hiện có hiệu quả những chương trình giám sát.


Trộm cắp tại sân bay: Chỉ có nội bộ, không thể do “người ngoài”!

Dân trí Cục Hàng không Việt Nam đang truy tìm thủ phạm ăn cắp hành lý của hành khách tại 3 sân bay quốc tế là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng, trong đó không loại trừ có sự móc nối giữa nhân viên soi chiếu và nhân viên bốc xếp hàng hóa.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, vấn đề mất cắp hàng hóa, hành lý của hành khách đi máy bay đã xảy ra từ lâu và là tình trạng chung của cả thế giới. Tại Việt Nam, từ 12/2013 - 12/2014 ghi nhận 48 vụ việc mất cắp hành lý, tài sản của hành khách và từ đầu 2015 đến nay đã tiếp nhận 23 vụ việc báo cáo mất tài sản.

Quy trình vận chuyển hàng hóa khi đi máy bay được thực hiện từ khâu hành khách làm thủ tục tại quầy xong, hành lý sẽ đi qua máy soi chiếu an ninh và chuyển xuống đảo hành lý (các công đoạn này đều tự động qua băng chuyền). Tại đảo hành lý, nhân viên mặt đất sẽ sắp xếp, phân loại hàng hóa, cho vào xe chuyên dụng để vận chuyển ra máy bay và xếp lên khoang hàng hóa của máy bay.
Việc mất cắp hành lý ở sân bay đã xảy ra từ nhiều năm nay
Việc mất cắp hành lý ở sân bay đã xảy ra từ nhiều năm nay
Ông Phương Hồng Minh - Phó Giám đốc Công ty dịch vụ mặt đất HGS - đặt ra nghi ngờ về việc moi móc hành lý có thể xảy ra lớn nhất ở hầm hàng tàu bay và khu vực phân loại hàng hóa.
“Các quy trình sắp xếp hành lý từ quầy làm thủ tục ra đảo hàng hóa, rồi đưa ra tàu bay thời gian rất ngắn, lại có camera giám sát, nhiều người nên khó thực hiện được” - ông Phương Hồng Minh cho hay.
Dù việc mất cắp hành lý đã xảy ra lâu nay nhưng trong buổi kiểm tra của Cục Hàng không tại sân bay Nội Bài hôm qua (10/6), các đơn vị khai thác mặt đất đều khẳng định đã rà soát và đảm bảo nhân viên của mình tốt, các đơn vị này đều áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nhưng việc mất cắp vẫn xảy ra!?
Trước sự báo cáo giải thích của các đơn vị mặt đất, Phó Cục trưởng Đào Văn Chương (phụ trách về an ninh hàng không) tỏ thái độ không đồng tình và đặt ra câu hỏi có hay không sự thông đồng giữa nhân viên soi chiếu với việc mất hành lý, hàng hóa? Các đơn vị đều cho rằng tuyển dụng người có nhân thân tốt, phẩm chất tốt nhưng có thể do môi trường làm việc nên đã tạo điều kiện cho nhân viên có hành vi không tốt.
Về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm An ninh cảng hàng không quốc tế Nội Bài - cho biết, không loại trừ có sự móc nối giữa nhân viên soi chiếu và nhân viên bốc xếp hàng hóa trong việc trộm cắp hành lý của hành khách. Trong 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện bàn giao 996 vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự hàng không, trong đó bao gồm cả trộm cắp hàng hóa, hành lý.
“Chúng tôi đã xác định, người ngoài không thể vào khu vực sân bay để trộm cắp hành lý, chỉ có nội bộ. Thời gian qua chúng ta cũng phát hiện một số vục việc nhưng xử lý không đến nơi đến chốn, rồi có khi lại động chạm nên không triệt để. Chúng tôi đang lên kế hoạch phối hợp giữa 16 đơn vị liên quan để giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn tình trạng này”.
Theo Cục phó Cục Hàng không Đào Văn Chương, nếu hành khách bị mất cắp hành lý, khi chưa truy được thủ phạm cụ thể là ai, thuộc đơn vị nào thì hãng hàng không sẽ phải chịu trách nhiệm. Việc chặn đứng mất cắp hành lý hàng không là để hình ảnh Việt Nam đến với hành khách và bạn bè trên thế giới với hình ảnh thân thiện - là điểm đến tin cậy cho bạn bè quốc tế.
Châu Như Quỳnh

Học giả Trung Quốc ra sức "mắng nhiếc" Philippines, Nhật Bản


(GDVN) - Dư luận Trung Quốc ngày càng giận dữ và tìm cách chia rẽ đồng minh Mỹ-Nhật, Mỹ-Philippines, nhưng họ không thể ngăn chặn được xu thế liên kết đối phó này.


Tổng thống Philippines Benigno Aquino thăm Nhật Bản
Trang mạng Đài phát thanh Trung Quốc ngày 10 tháng 6 đưa tin, tại Tokyo gần đây, Tổng thống Philippinese Benigno Aquino tuyên bố, Philippines sẽ có khả năng cho phép máy bay và tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sử dụng căn cứ hải, không quân của Philippines.
Báo Trung Quốc lo ngại, đặt câu hỏi: Philippines làm như vậy là có ý đồ chiến lược gì? Hành động này sẽ gây ảnh hưởng gì tới tình hình an ninh Biển Đông? Về vấn đề này, Đài phát thanh nhân dân Trung ương Trung Quốc đã phỏng vấn giáo sư Vương Bảo Phó, Đại học Quốc phòng Trung Quốc.
Philippines tận dụng đồng minh đối phó Trung Quốc
Theo bài báo, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tiến hành thăm Nhật Bản từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 6 năm 2015.
Trong chuyến thăm, ông Aquino cho biết, Philippines đang chuẩn bị khởi động các cuộc đàm phán với Nhật Bản, thỏa thuận liên quan sẽ cho phép máy bay và tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đến căn cứ của Philippines tiếp dầu, tiếp tế để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mở rộng phạm vi hoạt động ở Biển Đông.
Nhật hoàng Nhật Bản tiếp Tổng thống Philippines Aquino
Chuyên gia mang danh giáo sư của Đại học Quốc phòng Trung Quốc có tên là Vương Bảo Phó mở miệng ra đã sặc mùi đố kị và chia rẽ, cho rằng, Philippines “muốn dựa vào sức mạnh bên ngoài để lấy thêm can đảm cho mình”.
Vương Bảo Phó khoét sâu vào mâu thuẫn giữa Mỹ-Philippines, Nhật Bản-Philippines trong quá khứ, cho rằng, khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Philippines từng xảy ra biểu tình quy mô lớn, phản đối Mỹ lập căn cứ quân sự ở Philippines. Sau đó Mỹ đã rút đi, nhưng về sau lại quay lại.
Bảo Phó tuyên truyền: Về lịch sử, Nhật Bản đã phạm một loạt tội ác ở Philippines. Hiện nay, chính quyền Benigno Aquino gác bỏ những điều này sang một bên, hơn nữa bản thân Nhật Bản không phải là bên đương sự ở Biển Đông.
Vương Bảo Phó tuyên truyền có chủ ý cho rằng, Nhật Bản-Philippines ký thỏa thuận như vậy, cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sử dụng căn cứ hải-không quân của Philippines.
Với ý nghĩa nhất định, Chính phủ Philippines hiện nay đang “đổi chác” lợi ích quốc gia hoặc tôn nghiêm quốc gia của mình, bởi vì sử dụng căn cứ hải, không quân có liên quan đến chủ quyền quốc gia, bao gồm một số vấn đề về pháp lý.
Ngày 3 tháng 6 năm 2015, Tổng thống Philippines Benigno Aquino phát biểu tại Thượng viện Nhật Bản
Vương Bảo Phó nói lấy được như vậy cũng chẳng đánh lừa được ai, vì các nước nhỏ như Philippines không dựa vào sức mạnh quốc tế thì làm sao có thể bảo vệ được chủ quyền và lợi ích quốc gia trước một nước Trung Quốc đang ngày càng ra sức bành trướng, quân sự hóa Biển Đông?! - PV.
Vương Bảo Phó cho rằng, trong tình hình này, Philippines khăng khăng làm như vậy chính là hy vọng tăng cường thực lực của bản thân Philippines. Philippines cho rằng, thực lực của họ không đủ, ngoài ra sức lôi kéo Mỹ, còn muốn dựa vào sức mạnh khác.
Trong khi đó, Nhật Bản chính là một nước lớn “không ngừng hung hăng thúc đẩy lực lượng quân sự vươn ra bên ngoài” của khu vực Đông Á, trong đó có khu vực Đông Nam Á, vì vậy, hai bên phối hợp với nhau.
Vương Bảo Phó nói như vậy, nhưng chính Trung Quốc còn hung hăng hăm dọa hơn nhiều. Trung Quốc đang ra sức bành trướng quân sự ra khắp thế giới, chẳng hạn điều tàu chiến tới Địa Trung Hải tập trận, quân sự hóa các đảo đá của Việt Nam trên Biển Đông, gia tăng tập trận ở các vùng biển Tây Thái Bình Dương v.v… - PV.
Ngày 6 tháng 5 năm 2015, Lực lượng bảo vệ bờ biển (Cảnh sát biển) Nhật Bản và Philippines diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila
Các trang bị chủ lực của Nhật Bản sẽ nhanh chóng đến Philippines
Hai bên Nhật Bản-Philippines còn ra tuyên bố chung cho biết, sẽ gia tăng hợp tác trên lĩnh vực quân sự-an ninh.
Đối với vấn đề này, Vương Bảo Phó cho rằng, hợp tác quân sự hai nước Nhật Bản-Philippines thể hiện ở nhiều phương diện như vũ khí trang bị, diễn tập quân sự liên hợp, đào tạo nhân viên quân sự. Trong tương lai, giao lưu và hợp tác hai nước sẽ tiếp tục mở rộng, các trang bị chủ lực của hải, lục, không quân Nhật Bản đến Philippines là khả thi.
Hiện nay, hợp tác quân sự giữa Nhật Bản-Philippines chủ yếu thể hiện ở vài phương diện. Một là trên phương diện vũ khí trang bị, chẳng hạn, Nhật Bản đồng ý bán 10 tàu tuần tra cho Philippines, trị giá 100 triệu USD.
Hai là trên phương diện diễn tập quân sự, hai bên đã tiến hành diễn tập quân sự liên hợp. Mặc dù diễn tập không nhằm vào đối tượng cụ thể hoặc tranh chấp đảo cụ thể, nhưng diễn tập đã là song phương, chứ không phải tiến hành dưới sự lãnh đạo của Mỹ.
Hạm đội liên hợp Nhật Bản và Philippines vừa tiến hành tập trận ở Biển Đông
Ba là giao lưu đào tạo quân sự giữa hai bên rất sôi động, Lực lượng Phòng vệ Biển và Trên không Nhật Bản tiến hành chỉ đạo về tác chiến đối với các cán bộ quân sự của Philippines, đặc biệt là về tình báo.
Nhật Bản nóng lòng thông qua phương thức này để nhúng tay vào Biển Đông. Ngoài ra, Nhật Bản còn có một mục đích - đó chính là muốn lực lượng quân sự của họ có thể vươn ra bên ngoài, trong khi đó, vươn ra bên ngoài phải áp dụng phương thức nhiều kênh, trong đó họ cho rằng, Biển Đông là một cơ hội.
Ngoài ra, Nhật Bản sẽ không từ bỏ bất cứ một cơ hội nào có thể bôi nhọ (lên án), ngăn chặn hoặc gây tổn thất cho Trung Quốc.
Đòi Philippines đàm phán song phương
Theo tuyên truyền của bài viết, trong thời gian thăm Nhật Bản, Tổng thống Philippines Aquino đã có một loạt phát biểu "đánh lừa dư luận, đổi trắng thay đen" về vấn đề Biển Đông.
Có lẽ là bài viết nói đến các phát biểu chỉ mặt đặt tên nhằm vào Trung Quốc của Tổng thống Philippines, chẳng hạn, ông Aquino chỉ ra, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông chẳng khác nào hành vi của phát xít, cảnh báo về khả năng xảy ra Chiến tranh thế giới - PV.
Hạm đội liên hợp Nhật Bản và Philippines vừa tiến hành tập trận ở Biển Đông
Đối với vấn đề này, Vương Bảo Phó cho rằng, một số người Philippines cần vứt bỏ “ảo tưởng”, chấm dứt chia rẽ khiêu khích, trở lại quỹ đạo đúng đắn - đó là thông qua “con đường song phương” để đàm phán, hiệp thương giải quyết tranh chấp.
Con đường giải quyết thực sự của vấn đề Biển Đông là các bên đương sự có thể ngồi xuống đối mặt với hiện thực, tiến hành đối thoại, thông qua con đường chính trị để giải quyết vấn đề - Vương Bảo Phó dụ dỗ thêm và tuyên truyền cho quan điểm “bẻ từng chiếc đũa” của Chính phủ Trung Quốc.
Theo họ Vương, nhưng, hiện nay, Philippines áp dụng biện pháp ngược lại, hơn nữa cấu kết với nước lớn ngoài khu vực, thậm chí không tiếc tổn hại “lợi ích chủ quyền” của mình, cách làm này không có lợi gì cho việc tăng cường thực lực của Philippines và tăng cường vị thế của Philippines trong tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc sẽ không vì Philippines kéo đến vài thằng đầu to tham gia đánh nhau ở Biển Đông mà lùi bước và thỏa hiệp trong vấn đề này. Đây là điều không thể.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Nhật Bản cũng như vậy, muốn thông qua vấn đề Biển Đông để bôi nhọ hoặc ngăn chặn (hành vi bành trướng, xâm lược, gây bất ổn an ninh, ổn định khu vực của) Trung Quốc, đồng thời “trục lợi” trong vấn đề Biển Đông, thu lấy lợi ích cụ thể nào đó.
Thực ra, vấn đề quan tâm nhất của Nhật Bản là kiềm chế Trung Quốc, giảm áp lực ở biển Hoa Đông, bảo vệ an toàn hàng hải ở Biển Đông, tức là bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, không cho Trung Quốc cắt đứt tuyến đường thương mại - năng lượng của Nhật Bản đi qua Biển Đông. Đồng thời, đương nhiên, Nhật Bản muốn phát huy vai trò nước lớn ở khu vực và quốc tế - PV.
Trung Quốc cũng chẳng phải đang tìm cách “gánh vác trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế nước lớn” đó sao? Nhưng, bành trướng, xâm lược thì làm sao mà gánh vác được trách nhiệm “nước lớn”? Bành trướng, xâm lược thì chắc chắn sẽ nuốt quả đắng! - PV.

Mưa nửa giờ, đường ngoại ô TP.HCM ngập nửa mét

TRIỆU NGUYÊN - Thứ Tư, ngày 10/6/2015 - 21:59
(PLO)- Chiều 10-6, cơn mưa kéo dài hơn nửa giờ đã khiến tuyến đường Song Hành, Nguyễn Ảnh Thủ (đoạn giáp ranh giữa quận 12 và huyện Hóc Môn, TP.HCM) ngập nặng gần nửa bánh xe.
Cơn mưa khiến xe cộ bị chết máy hàng loạt và thậm chí có người còn bị té ngã.
Theo đó, mưa to xuất hiện lúc 16 giờ. Chỉ hơn 30 phút sau, các tuyến đường Song Hành, Nguyễn Ảnh Thủ bị ngập nặng. Nước ngập lênh láng đúng vào giờ tan tầm đã khiến hàng trăm xe chết máy, chủ phương tiện phải “vã mồ hôi” dẫn bộ xe về nhà. Không chỉ vậy, nước ngập sâu khiến nhiều xe máy bị sụp hố ga, cạm bẫy trên đường phải té ngã, phương tiện bị hư hỏng.
Tại giao lộ Song Hành- Nguyễn Ảnh Thủ, ngập nước cộng thêm lượng xe cộ đổ dồn về đã khiến giao thông bị rối loạn.
Nhiều người dân ngụ bên đường Song Hành cho hay: Đây là lần thứ 2 trong tuần, tuyến đường Song Hành và Nguyễn Ảnh Thủ ngập nửa mét gây khó khăn cho người dân đi lại. Ngoài ra người dân cho biết, những năm trước nước chỉ ngập đến mắt cá chân người lớn và khi mưa tạnh thì rút liền. Thế nhưng năm nay, tình trạng nước trên tuyến đường Song Hành và Nguyễn Ảnh Thủ vừa ngập sau và rút rất chậm.
Đến hơn 17 giờ 30 cùng ngày, nước mới rút hết tình hình giao thông tại khu vực này mới dần ổn định trở lại.
Một số hình ảnh cơn mưa chiều nay:

Ngập nước trên đường Song Hành



Một chiếc xe máy của một người đàn ông bị gãy cổ do chạy qua đoạn đường ngập bị sụp hố ga dẫn đến té ngã.
TRIỆU NGUYÊN

Học giả Trung Quốc: Việt Nam muốn không bị đánh, phải "ngoan"?!

HỒNG THỦY 10/06/14 12:10
(GDVN) - Họ có súng ống, vũ khí tối tân hiện đại thật đấy, nhưng người Việt lại luôn biết "lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo".


Tham vọng bành trướng, bá quyền sẽ không còn chỗ đứng trong xã hội văn minh.

Tờ Đông Phương Nhật báo xuất bản tại Hồng Kông ngày 9/6 đăng bài phân tích của Ngưu Bạch Vũ, một chuyên gia về quan hệ chính trị Trung - Mỹ bình luận, giới chức Trung Quốc đang nghiên cứu áp dụng Binh pháp Tôn Tử để đối phó với Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam, trong đó "với Mỹ dùng mưu, với Nhật Bản dùng ngoại giao còn với Việt Nam thì dùng quân sự"?!

Ngưu Bạch Vũ dẫn Binh pháp Tôn Tử: "Thượng binh phạt mưu, kỳ thứ phạt giao, kỳ thứ phạt binh, kỳ hạ công thành" và diễn giải ý nghĩa: Kẻ cầm quân thượng sách là dùng mưu, kế đến sử dụng ngoại giao, thứ nữa dùng binh và cuối cùng (hạ sách) mới là công thành.

Ông Vũ lý luận, sở dĩ Bắc Kinh tính toán tới thủ đoạn "phạt binh" tức dùng vũ lực với Việt Nam là vì "tính đặc thù quan hệ Việt - Trung và tương quan lực lượng 2 bên". Quan hệ Trung - Việt khác với quan hệ Trung - Mỹ ở chỗ, Bắc Kinh và Washington là 2 cường quốc hạt nhân phụ thộc nhau rất lớn về kinh tế, nếu dùng quân sự thì cả hai đều phải trả giá quá đắt.

Quan hệ Trung - Việt cũng khác quan hệ Trung - Nhật ở chỗ, tương quan lực lượng quân sự giữa  Tokyo với Bắc Kinh không chênh lệch là bao, nếu Trung Quốc dùng vũ lực với Nhật Bản thì chưa chắc thắng nổi. Quan trọng hơn, sau lưng Nhật bản là Mỹ với một hiệp ước đảm bảo an ninh ràng buộc. Một khi xảy ra xung đột quân sự, Mỹ sẽ nhảy vào. Đó là lý do tại sao tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông dù rất căng thẳng nhưng chỉ dừng lại ở "phạt giao" chứ rất khó rơi xuống ngưỡng "phạt binh" - dùng vũ lực.

Tuy nhiên, quan hệ Trung - Việt thì "đơn giản hơn nhiều", Ngưu Bạch Vũ nhận định. Thứ nhất, thực lực (kinh tế, quân sự) của Việt Nam kém Trung Quốc, thứ 2 quan trọng hơn là "tranh chấp lãnh thổ Trung - Việt" (thực tế là Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa, 7 bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam và nhảy vào tranh chấp cả vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - PV) lại không liên quan gì đến Mỹ, Nhật Bản.


Một số học giả, quan chức và giới truyền thông nhà nước Trung Quốc luôn tỏ ra diều hâu, hiếu chiến với láng giềng, lúc nào cũng chỉ thích nói chuyện bằng nắm đấm.

Ngưu Bạch Vũ cho rằng, một khi Trung Quốc dùng vũ lực với Việt Nam thì Bắc Kinh khỏi lo Mỹ sẽ can thiệp quân sự, thậm chí Bắc Kinh còn tự tin hơn khi ây áp lực ngoại giao, kinh tế và quân sự để "chiến thắng Việt Nam"!? Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn có thể chuyển hóa mâu thuẫn nội bộ, tăng cường tự tin cho giới chức cầm quyền thông qua cuộc xung đột với Việt Nam. Vì vậy Bạch Vũ cho rằng nguy cơ mâu thuẫn Trung - Việt có thể bùng phát thành xung đột quân sự cục bộ rất cao.

Tàu thuyền của Việt Nam đang thực thi pháp luật, ngăn cản và kêu gọi giàn khoan Trung Quốc 981 cùng "hạm đội" tàu hộ tống rút khỏi vùng biển Việt Nam và đang bị Trung Quốc hành hung, gây hấn, theo Ngưu Bạch Vũ có thể dẫn đến 1 cuộc hải chiến quy mô nhỏ.

Vũ thừa nhận có không ít người cho rằng nếu Trung Quốc dùng vũ lực với Việt Nam sẽ bị lên án ỷ lớn hiếp nhỏ, nhưng kết luận: "Đó là thực tế tàn khốc. Khủng hoảng Ukraine đã cho người Trung Quốc thấy, luật chơi trên sân khấu chính trị quốc tế không hề thay đổi. Một nước nhỏ mà ở cạnh một nước lớn đang giở mình trỗi dậy, nếu không muốn bị đánh thì hãy ngoan ngoãn nằm im, chớ để nước lớn phiền lòng"!? Một quan điểm cực kỳ ngông cuồng, hiếu chiến.

Ngưu Bạch Vũ có lẽ chưa từng học lịch sử của chính dân tộc mình hay vì lý do chính trị phải bẻ cong ngòi bút theo ý đồ của thế lực nào đó. Vũ hãy nhớ rằng, dù rất nhiều lần bị gã hàng xóm lớn xác ức hiếp, nhưng chưa bao giờ người Việt biết khuất phục. Họ có súng ống, vũ khí tối tân hiện đại thật đấy, nhưng người Việt lại luôn biết "lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" để bao đời nay vẫn vững vàng nền độc lập tự chủ dù ai đó lúc nào cũng rắp tâm bành trướng, đồng hóa, chia rẽ...đối với láng giềng.

Trận Bạch Đằng, Đống Đa, Chi Lăng vẫn còn đó, Ngưu Bạch Vũ và những tay bút tuyên truyền cổ súy quan điểm diều hâu hiếu chiến ở Trung Quốc hãy đọc lại để tránh cho những người dân lương thiện của nước họ phải bỏ mạng vì bị xúi giục hay cưỡng ép tham gia một cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược nước khác.

Và những người như Ngưu Bạch Vũ nên tìm đọc lại câu chuyện của cụ Thám hoa Việt Nam Giang Văn Minh khẳng khái đáp lại vế đối trịch thượng, ngỗ ngược của Sùng Trinh nhà Minh để thấy được ý chí độc lập tự chủ của người Việt muôn đời không thay đổi:

Theo Wikipedia:

Vào thời điểm Thám hoa Giang Văn Minh đi sứ Trung Quốc, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Hậu Lê và nhà Mạc) với mục đích để cuộc chiến tranh Lê-Mạc kéo dài. Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào năm 1638.

Đến khi triều kiến, Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (tức hoàng đế Sùng Trinh) lấy lý do “Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ” để ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc.

Đồng thời, Chu Do Kiểm còn ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:

“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”"

Nghĩa là: Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc.

Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).

Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:

"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"

Nghĩa là: Bạch Đằng thủa trước máu còn loang.

Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.

Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan và sứ bộ các nước. Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận bỏ qua thể diện, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Nhưng Minh Tư Tông vẫn kính trọng ông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và đưa thi hài ông về nước. Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là "Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ").

Hồng Thủy

Xây Văn Miếu gần 300 tỷ: “Dân có ai biết đâu mà lấy ý kiến”

Theo Infonet-06-10-2015
Mời chuyên gia, tổ chức hội thảo để tiến hành xây dựng Văn Miếu gần 300 tỷ bằng ngân sách (tiền của dân đóng thuế), nhưng Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Vĩnh Phúc cho rằng không cần lấy ý kiến nhân dân...

Xây Văn Miếu gần 300 tỷ: “Dân có ai biết đâu mà lấy ý kiến”
Ông Kim Văn Ngoan Quýnh chia sẻ với PV.

Đã mời chuyên gia nghiên cứu di sản…

Xung quanh việc xây dựng Văn Miếu gần 300 tỷ ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đang khiến dư luận băn khoăn vì trong thời kỳ kinh tế khó khăn, khá nhiều các công trình dân sinh cũng như các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác vẫn còn đang thiếu vốn thì không hiểu vì lý do gì mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại cho xây dựng một công trình tốn kém mà chưa thực sự cấp thiết như vậy? Và số vốn đầu tư “khủng” đó đã được huy động từ đâu?

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ngày 9/6/2015 nhóm PV có cuộc trao đổi với ông Kim Văn Ngoan Quýnh – Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc. Trong cuộc trao đổi, ông Quýnh cho biết: “Nguồn vốn xây dựng Văn Miếu ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được lấy 100% từ tiền ngân sách tỉnh. Số tiền này do nhân ở địa phương đóng thuế mà có”.

“Khi tiến hành xây dựng công trình Văn Miếu này, các lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ấp ủ từ khá lầu rồi. Trước khi xây Văn Miếu, UBND tỉnh cùng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh có ít nhất 3-5 lần tổ chức hội thảo và mời các giáo sư như: Trần Lâm Biền, Hữu Mùi, Lê Kim Thuyền … về dự và xin ý kiến”, ông Quýnh cho biết.

Theo ông Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, tổ hợp công trình văn hóa này (Văn Miếu, Tây Thiên, Quảng Trường – PV) là 3 công trình trọng điểm nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Trước mắt không thể phân tích hết khả năng sử dụng của công trình Văn Miếu. Tuy nhiên, nay mai công trình này sẽ “phát triển tốt”.

… nhưng không cần hỏi dân

Khi PV Infonet hỏi: công trình Văn Miếu này cơ quan nào trong tỉnh đề xuất, ông Kim Văn Ngoan Quýnh khẳng định: “Cái này Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất. Nhưng công trình này xuất phát từ UBND tỉnh và cả Sở Văn hóa tỉnh. Khi điều kiện kinh tế cho phép thì UBND tỉnh giao ngành văn hóa nghiên cứu và đề xuất để tiến hành xây dựng”.

Trả lời câu hỏi “Nguồn vốn xây dựng công trình văn hóa Văn Miếu là 100% tiền ngân sách của tỉnh, tức là lấy từ tiền đóng thuế của người dân, vậy trước khi tiến hành xây dựng Sở văn hóa có tham khảo ý kiến nhân dân không – Vị Phó giám đốc Sở giãi bày: “Không lấy ý kiến nhân dân, vì dân có ai biết đâu mà lấy ý kiến?”

“Nhưng chúng tôi có thông qua HĐND tỉnh, vì có thông qua mới có kinh phí để xây dựng. Công trình văn hóa Văn Miếu chưa hoàn thành, nhưng người dân trong tỉnh rất thích, đặc biệt là người dân TP Vĩnh Yên”, ông Quýnh khẳng định.

Ông Quýnh cũng nhấn mạnh : “Mục đích xây dựng công trình văn hóa này là sự kế thừa của Văn Miếu (Văn miếu phủ Cao Đới – PV) cách đây khoảng 300 năm của tỉnh. Ngoài ra, việc xây dựng Văn Miếu này thể hiện sự tôn sư trọng đạo của người dân tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Không chỉ có vậy, việc xây dựng Văn Miếu còn khuyến khích thế hệ trẻ hiếu học hơn nữa, để các cháu phục vụ cho tỉnh và đất nước”.

Cây xanh chết trên đường nghìn tỷ: 'Chúng tôi xin giữ bí mật'

Theo Người đưa tin-06-10-2015
Khi hỏi về việc bao giờ phía công ty bàn giao công trình, đại diện nhà thầu nói: Chúng tôi xin được giữ bí mật vì liên quan công tác bàn giao của chủ đầu tư'...

Cây xanh chết trên đường nghìn tỷ : ‘Chúng tôi xin giữ bí mật’
 Bà Vương Thị Mai Hương – Phó tổng Giám đốc công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ Bình Minh – đơn vị nhận thầu trồng cây xanh trên con đường nghìn tỷ.

Như PV đã thông tin, hàng trăm cây xanh ven đường trên quốc lộ 5 kéo dài, đoạn qua địa phận Hà Nội đã bị chết khô, kéo theo đó là sự xuống cấp về mỹ quan chung của toàn tuyến đường. Đặc biệt, đoạn qua cầu Đông Trù sang Bắc Thăng Long – Vân Trì (Hà Nội), tỷ lệ cây chết khô lên đến trên 50%.

Trao đổi với PV, chiều 10/6, bà Vương Thị Mai Hương – Phó tổng Giám đốc công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ Bình Minh cho biết, phía công ty nhận thầu trồng cây xanh trên tuyến đường 5. Khối lượng trồng trên toàn tuyến đường này khoảng một nghìn cây, gồm hai chủng loại là cây sấu và cây lát hoa. Thời gian bắt đầu trồng từ đầu năm 2014, hiện nay trên tuyến đường có một số cây bị chết. Phía công ty đã đi khảo sát và tiến hành thay thế.

Khi hỏi về việc quy trình trồng và chăm sóc cây không đúng kỹ thuật nên mới dẫn đến việc cây xanh bị chết, bà Hương cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên về lĩnh vực cây xanh, có đầy đủ kỹ thuật trồng cây. Đối với bất cứ công trình nào cũng thế, khi cây sống thì mới được nghiệm thu rồi bàn giao, còn nếu cây chết thì công ty đã bị lỗ rồi.

Chúng tôi cũng nghiêm túc thực hiện trồng theo đúng kỹ thuật. Mặc dù cây trong vườn ươm được chăm sóc rất kỹ nhưng khi ra ngoài thay đổi về môi trường khí hậu, nguồn nước và điều kiện thổ nhưỡng. Các cây này không thích ứng được thì nó sẽ bị chết”.

“Trong quá trình trồng trên tuyến đường này, công ty đã hai lần thay cây, mỗi lần khoảng 100 cây. Vừa qua, do thời tiết nắng nóng, công ty cũng khảo sát và phát hiện một số cây bị chết. Lần này dự kiến công ty sẽ trồng lại khoảng 70 cây.

Bên công ty chúng tôi là bên nhận thầu, bất cứ cây nào chết cũng ảnh hưởng đến kinh tế của công ty. Chúng tôi đã cố gắng trồng và chăm sóc cây theo đúng quy trình kĩ thuật. Hơn nữa có nhiều điểm khách quan, nguyên nhân là do thời tiết thay đổi đột ngột. Khi thay thế lần hai, phía công ty cũng đã đào hố sâu xuống và tăng chế độ chăm sóc để đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt”, bà Hương cho biết.

Hạng mục cây xanh là hạng mục cuối cùng. Một phần đất ven đường dùng để trồng cây xanh lấy bóng. Chúng tôi đã trồng theo đúng tiến độ. Về cơ bản đã hoàn thiện xong, đến ngày 15/6, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể. Khi hỏi về việc bao giờ phía công ty bàn giao công trình, bà Hương cho biết: “Chúng tôi xin được giữ bí mật vì liên quan đến công tác bàn giao của chủ đầu tư”.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Duân, Phó giám đốc BQL Dự án hạ tầng Tả Ngạn, đại diện chủ đầu tư dự án đường 5 kéo dài cho hay, hạng mục cây xanh hiện chưa nghiệm thu nên trách nhiệm thuộc về các đơn vị thầu hạng mục này.

Ông Duân cho biết, từ khi thi công trồng cây xanh, các nhà thầu đã 3 lần trồng thay thế cây sấu, lát hoa bị chết. Số lượng thay mới mỗi lần lên tới hàng trăm cây. Có thể do thời tiết sương muối và nắng nóng bất thường khiến cây chết nhiều.

Được biết, gói thầu trồng cây xanh toàn tuyến đường này được thực hiện bởi liên danh 3 nhà thầu là: Công ty cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty CP thiết kế xây dựng kinh doanh phát triển nhà và Công ty TNHH xây dựng, cây xanh, chiếu sáng đô thị Bảo Sơn. Các nhà thầu này trồng cây lát hoa và cây sấu trên toàn tuyến này với số tiền trúng thầu là 2 triệu đồng/cây.

Được biết, đường 5 kéo dài được thông xe vào tháng 10/2014 với tổng mức đầu tư trên 6.600 tỷ đồng, có chiều dài 13,3km, được thiết kế hiện đại với vỉa hè rộng cùng hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng đồng bộ.

Hãy 'cám ơn' Trung Quốc

Tàu nạo vét của Trung Quốc trong vùng biển quanh đảo Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Các chuyến bay trinh sát của Mỹ gần những bãi cạn mà Trung Quốc đang cải tạo cho thấy mấy mươi chiếc tàu đang ráo riết tiến hành hoạt động lấy đất lấp biển.
Tàu nạo vét của Trung Quốc trong vùng biển quanh đảo Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Các chuyến bay trinh sát của Mỹ gần những bãi cạn mà Trung Quốc đang cải tạo cho thấy mấy mươi chiếc tàu đang ráo riết tiến hành hoạt động lấy đất lấp biển.
Nguyễn Hưng Quốc
Theo VOA-10.06.2015

Từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc ra sức bồi đắp và tái tạo các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa mà họ chiếm của Việt Nam vào năm 1988 thành những hòn đảo nhân tạo đủ lớn để làm căn cứ quân sự với hải cảng và phi trường cho các loại máy bay, kể cả máy bay phản lực. Báo chí Tây phương xem những hòn đảo nhân tạo này như một vạn lý trường thành bằng cát Trung Quốc sẽ sử dụng như những căn cứ quân sự nhằm chiếm cứ các hòn đảo còn lại ở Trường Sa và khống chế toàn bộ Biển Đông. Hầu như ai cũng nhận định giống nhau: đó là những việc làm nguy hiểm có thể đẩy các tranh chấp trong khu vực thành những xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và các quốc gia liên hệ gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng như, sau các quốc gia ấy, là Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Những nguy hiểm ấy dĩ nhiên là có thật. Tuy nhiên, một mặt, tôi không mong chiến tranh sẽ bùng nổ, mặt khác, tôi lại cho những việc xây dựng ấy là điều may mắn cho Việt Nam.

May mắn thứ nhất là chúng thu hút sự quan tâm của quốc tế trước các âm mưu bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trước, ai cũng biết Trung Quốc có tham vọng chiếm gần trọn Biển Đông. Họ không hề giấu giếm tham vọng ấy. Nó được công khai hoá qua con đường 9 đoạn hoặc con đường lưỡi bò mà họ công bố trước thế giới. Tuy nhiên, người ta vẫn xem lời tuyên bố ấy như những dự định và với dự định, cuộc chiến chỉ dừng lại phạm vi ngôn ngữ, hay nói cách khác, những cuộc khẩu chiến. Bây giờ, với việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo, người ta nhận ra dự định ấy không phải chỉ là một ước mơ. Nó đang được Trung Quốc biến thành hiện thực và hiện thực ấy khiến cho thế giới không khỏi lo lắng. Hệ quả đầu tiên là phần lớn các quốc gia thuộc khối ASEAN (trừ Lào và Campuchia) cảm nhận rõ hơn nguy cơ xâm lấn của Trung Quốc và từ đó, đoàn kết hơn trong nỗ lực chống lại dã tâm xâm lấn ấy.

May mắn thứ hai là chúng thúc đẩy Mỹ phải chính thức nhảy vào cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Trong mấy tháng vừa qua Mỹ thường xuyên theo dõi sát sao mọi chuyển biến trong quá trình xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa. Trong cuộc hội nghị thượng đỉnh về an ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Shangri-la, Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phê phán một cách thẳng thắn và gay gắt các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông. Sự phê phán của Mỹ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của hai quốc gia đồng minh là Nhật và Úc. Trong chuyến đi thăm Việt Nam ngay sau đó, Bộ trưởng Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh đã ký bản “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng” nhằm định hướng cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước trong tình hình mới. Liên quan đến quốc phòng, có hai sự kiện mới đáng chú ý trong quan hệ song phương ấy: Một là Mỹ sẽ viện trợ cho Việt Nam 18 triệu Mỹ kim để mua tàu tuần tra cao tốc của Mỹ; và hai là, cả Bộ trưởng Carter lẫn thượng nghị sĩ John McCain đều hứa hẹn Mỹ có thể sẽ nới lỏng hơn nữa việc bán vũ khí cho Việt Nam để Việt Nam có thể tự vệ trong các cuộc tranh chấp trên Biển Đông.

May mắn thứ ba là việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo tại Trường Sa sẽ làm thức tỉnh giới lãnh đạo Việt Nam. Lâu nay, bất chấp các âm mưu xâm lấn của Trung Quốc, chính quyền Việt Nam vẫn khăng khăng lặp đi lặp lại mấy khẩu hiệu dối trá và cũ rích về “4 tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) và 16 chữ vàng (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai). Năm ngoái, khi Trung Quốc cho giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa Việt Nam, có lẽ chính quyền Việt Nam phần nào đã thức tỉnh. Từ đó, việc lặp lại các khẩu hiệu trên có chiều hướng giảm dần. Nhưng dù sao việc mang giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam cũng ít nguy hiểm hơn việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo và quân sự hoá chúng: từ các căn cứ ấy, việc đánh chiếm các hòn đảo khác ở Trường Sa do Việt Nam làm chủ sẽ trở thành dễ dàng hơn rất nhiều. Đó là chưa kể đến việc, trên cơ sở sự hiện hữu của các hòn đảo nhân tạo ấy, Trung Quốc sẽ tuyên bố thành lập vùng nhận diện hàng không trên toàn bộ Biển Đông.

Khi cho việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ “thức tỉnh” giới lãnh đạo Việt Nam, tôi có hai hàm ý: Một, trước đó, họ chưa biết; và hai, họ quan tâm và tha thiết đến việc bảo vệ chủ quyền cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Với hàm ý thứ hai, có thể sẽ có một số người cho là tôi nhẹ dạ: theo họ, trên thực tế, giới cầm quyền Việt Nam đã đầu hàng hoặc thậm chí, bán đứng Biển Đông cho Trung Quốc. Tôi cố không tin như vậy. Một số người thì có thể, nhưng rất khó tin cả một tập thể đông đảo đến gần 200 người trong Ban chấp hành Trung ương đảng đều đang tâm làm việc đó. Tôi nghĩ, sẽ thuyết phục hơn, nếu chúng ta cho: Một, họ biết nhưng mức độ biết còn hạn chế, chưa thấy hết toàn cảnh những hiểm hoạ đến từ phương Bắc; hai, họ biết nhưng có ảo tưởng là cùng chia sẻ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc sẽ nhẹ tay, không đẩy họ vào thế đường cùng; ba, họ biết nhưng họ theo đuổi sách lược kềm chế và nhân nhượng với hy vọng có đủ thời gian để tìm liên minh cũng như trang bị thêm khí giới chuẩn bị cho những chiến tranh mà theo một số quan sát viên quốc tế, “không thể tránh khỏi”.  Thôi thì, rộng lượng, chúng ta thiên về khả năng thứ ba.

Tuy nhiên, sách lược kềm chế và nhân nhượng cũng phải có giới hạn của chúng: kềm chế và nhân nhượng đến mức nào? Trước, vào năm 2011, tôi đã đặt ra vấn đề ấy trong bài “Nhịn đến chừng nào?”.

Gần đây, trong bài “Phải ấn định một lằn ranh cho Trung Cộng”, nhà báo Ngô Nhân Dụng cũng đặt ra vấn đề tương tự. Ông viết: “người Việt Nam phải xác định một lằn ranh, nếu Trung Cộng bước qua thì sẽ phản ứng quyết liệt. Một chính phủ Việt Nam biết bảo vệ danh dự và chủ quyền dân tộc không thể để cho Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục lấn lướt. Phải xác định trước cả thế giới “lằn ranh” của lòng kiên nhẫn. Nêu rõ những hành động nào của Trung Cộng sẽ được coi là bước qua lằn ranh đó, công bố cho cả vùng Ðông Nam Á và các cường quốc có quyền lợi trong vùng biết rõ. Lằn ranh này được xác định là “bước đường cùng,” tới đó thì nước Việt Nam không thể chịu đựng với lòng nhẫn nhục. Phải báo trước nếu Bắc Kinh bước qua lằn ranh đó thì sẽ sinh chuyện lớn.”

Lâu nay, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn lần khân trong việc công bố những giới hạn của sự kềm chế và nhân nhượng của họ. Sự kiện Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo buộc họ phải suy nghĩ đến những điều đó. Hoặc, nếu họ vẫn có ảo tưởng về lòng tốt của người bạn láng giềng cùng theo chủ nghĩa xã hội thì họ sẽ thức tỉnh và quay lại lo toan cho chủ quyền và tương lai của đất nước.

Tôi cho những sự kiện vừa xảy ra là một điều “may mắn” và chúng ta cần “cám ơn” Trung Quốc là vì thế.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.