Sunday, January 15, 2017

Thông báo về lễ thắp hương tưởng niệm các tử sĩ đã hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa 19/01/1974

Kính thưa anh chị em cô bác,

Như thường lệ, vào ngày Thứ 5 - 19/01/2017 - tới đây, anh em No-U chúng tôi sẽ tiến hành tưởng niệm 43 năm trận Hải chiến Hoàng Sa để tôn vinh những tử sĩ đã hi sinh vì dân tộc.

Trân trọng kính mời anh chị em cô bác ăn mặc trang trọng, lịch sự và phù hợp tới dự lễ tưởng niệm cùng chúng tôi tại Tượng đài Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà Nội vào lúc 9h00 ngày 19/01/2017.

Đề nghị chính quyền Hà Nội bảo đảm an ninh trật tự và ngăn cản bọn dư luận viên đến quấy rối, phá hoại buổi lễ này. Những kẻ tiếp tay, phá rối lễ tưởng niệm là đi ngược lại truyền thống yêu nước nhớ nguồn, là xúc phạm vong linh tiên tổ, là xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ phụng của người dân Việt Nam và nhất định sẽ bị quả báo!

Anh em No-U Hà Nội kính báo.

PetroVietnam bắt tay với công ty Hoa Kỳ giữa những sôi động trong quan hệ Trung-Mỹ về vấn đề biển Đông

CTV Danlambao - Vào ngày 13/01/2017, Exxon Mobil đã ký kết thỏa thuận với công ty quốc doanh PetroVietnam (PVN) về một dự án khai thác dầu khí quy mô tại biển Đông. Ký kết này đã được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh vì lời tuyên bố mới nhất của ông Rex Tillerson, người được Donald Trump bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Dự án 10 tỉ USD mang tên Cá Voi Xanh này được ký kết tại Hà Nội giữa đại công ty Exxon Mobil và PVN với sự tham dự của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Đây là một dự án khai thác khí đốt cho điện lực lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam, có trữ lượng 150 tỉ mét khối, lớn hàng thứ 4 tại Đông Á. Vùng khai thác nằm trên biển Đông, 88 cây số cách bờ biển Quảng Nam - Trung phần của Việt Nam.

Khi đi vào hoạt động, Cá Voi Xanh có thể sẽ đem lại từ 17 đến 20 tỉ USD mỗi năm cho ngân sách nhà nước CSVN.

Exxon Mobil và PVN sẽ xây dựng những đường ống dẫn khí đốt 88 cây số từ biển về đất liền, đến các cơ sở hoán chuyển gas-năng lượng để cung cấp năng lượng cho 4 nhà máy biến điện với tổng năng suất 2.500 megawatts. Dự trù sẽ bắt đầu sản xuất khí đốt cho các nhà máy điện của Việt Nam vào năm 2023.

Điều cần ghi nhận là ông Rex Tillerson từng nắm giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Exxon Mobil và chỉ mới từ nhiệm chức vụ này để trở thành Bộ trưởng Ngoại giao.

Trong thời gian ông lãnh đạo, Exxon Mobil đã thiết lập quan hệ gần gũi với nhà cầm quyền CSVN. Exxon Mobil đã ký một thỏa thuận với PetroVietnam để khai thác dầu hỏa tại 2 khu vực nằm trong vùng biển Đông. Thỏa thuận này đã được ký kết bí mật vì nó đi ngược lại những tuyên bố chủ quyền của Trung cộng nhưng sau đó bị tiết lộ ra trong một công điện ngoại giao.

Tại những vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, viễn ảnh phát triển của công ty này được xem là khổng lồ với dung lượng dầu hỏa có thể khai thác ở biển Đông lên đến 11 tỉ thùng dầu và 190 ngàn tỉ feet khối khí đốt tự nhiên.

Cho đến nay vẫn chưa có một bình luận, phản đối, cảnh cáo nào từ Bắc Kinh đối với ký kết này.

16.01.2017

Hưởng ứng phong trào “chúng ông học đánh vần” theo gương tưởng thú vĩ đại

CTV Danlambao - Sau khi thủ tướng ma-dzê-in lên Vua Tin Vịt (VTV) đánh vần “cờ mờ vờ lờ, cờ vờ lờ”, các đồng chí đảng ta đã nắm bắt tinh thần là phải đi học viết chữ ngay lập tức.

Tòa án là ngành đầu tiên quán triệt tư tưởng của đồng chí tưởng thú bằng quyết tâm đi học chữ vào năm 2017. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối tăm - ấy chết quên - Tối cao, đã loan báo tin vui rằng sẽ “mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn. Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy”.

Sở dĩ các đồng chí quan tòa cần đi học lại cái chữ vì theo như đồng chí Chánh án TAND Tối tăm nói rằng có “nhiều trường hợp viết bản án cũng có lỗi về chính tả thậm chí viết một đằng tuyên một nẻo. Hoặc có trường hợp 2 bản án cùng số, cùng ngày nhưng khác nội dung”.

Thế này thì không chỉ luyện chữ để viết cho đúng chính tả, đúng dấu chấm dấu phẩy đâu các đồng chí ạ. Còn cần học đánh vần nữa, để tránh tình trạng “viết một đằng tuyên một nẻo”. Ơ nhưng lạ lắm cơ! Sao các đồng chí ấy tính tiền nhanh lắm, một chữ số đầu kéo theo hàng loạt số “0” đằng sau, chẳng lẫn đâu xu nào!? Mà trên các tờ tiền ấy toàn viết chữ “tây” thôi, mới đáng nể chứ. Còn trường hợp hai bản án cùng số, cùng ngày nhưng khác nội dung là “chuyện thường ngày ở huyện”, có gì đâu mà nhặng lên thế. Một khi công lý chỉ là một anh hề, thì không có tội thành có tội, tội to thành nhỏ, tội nhẹ thành nặng, miễn là qua được cửa ải “đầu tiên-tiền đâu” thì chuyện gì cũng xong hết.

Nhắc đến ngành Tòa án, không thể quên ý kiến của giới luật sư. Xin trích bình luận trên FB cá nhân của luật sư Lê Công Định và Lê Văn Luân về chuyện “đi học” và chuyện “xử án” của các quan tòa cộng sản:

Luật sư Lê Công Định: “Thẩm phán và thư ký tòa đều là những người tốt nghiệp đại học, mà còn phải học viết câu chữ và chính tả, thì thật hết biết!

Ai có dịp đọc các bản án của tòa Việt Nam, từ địa phương đến tối cao, đều nhận ra rằng tất cả (tôi nhấn mạnh là tất cả) án văn đều viết sai chính tả, sai văn phạm, thậm chí nhiều câu tối nghĩa đến mức ngu ngơ, khiến người đọc phải đoán ý.

Còn tình trạng án một đằng tuyên một nẻo, như Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, là chuyện thường ngày ở pháp đình cộng sản.

Thay vì trau giồi kiến thức pháp luật và năng lực xét xử, đa phần thẩm phán ngày nay chỉ chú trọng moi tiền từ người vô phúc đáo tụng đình. Vì vậy, thực trạng bê bối của tòa án Việt Nam mà ông Chánh án tối cao mô tả hoàn toàn có thật.”

Luật sư Lê Văn Luân khẳng định nền đây là nền “tư pháp cong queo” và phê phán:

“Nền tư pháp được giao vào tay những người mà "án một đằng tuyên một nẻo" như thế này thì có phải mạng người và công lý chỉ như một trò đùa và quá sức rẻ mạt hay không?

Muốn trở thành thẩm phán, phải 15 năm sau khi làm thư ký mới được xem xét bổ nhiệm. Vậy mà chính tả viết còn sai, câu cú không chuẩn ngữ pháp và còn "án bỏ túi" thì trách sao dân chúng đã truyền tai nhau một câu cửa miệng "công lý chỉ là diễn viên hài" và "vô phúc đáo tụng đình" là vậy.

Hơn thế, bên cạnh đó còn có sự giám sát, kiểm sát của viện kiểm sát nhân dân, rồi luật sư tham gia tố tụng. Nhưng tất cả chỉ là vô dụng nếu "án một đằng tuyên một nẻo" như ông Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình vừa nói.

Chữ nghĩa còn sai, bảo sao người ta không bẻ cong luật pháp và công lý để mà xét xử”.

Có người nói rằng, nền tư pháp nói riêng và “đảng ta” nói chung, ưu tiên trước mắt là đồng tiền, chung quanh là đồng bọn, sau lưng là đồng đảng và dưới chân là đồng bào. Còn riêng tôi thì cho rằng đã là tòa án cộng sản thì nó phải thế. Không bẻ cong luật pháp, không bỏ tù người yêu nước, người vô tội, không biến các thẩm phán, chánh án thành những tên đao phủ thì không thể gọi là Tòa án Cộng sản.

Vậy cho nên, đi học chỉ làm trò cười cho thiên hạ, và tốn tiền của dân. Với lại tôi khuyên thật, các đồng chí cứ an tâm đi, đến thánh sống, danh nhân văn hóa thế giới như bác Hồ vĩ đại của chúng ta, còn viết sai chính tả. Bác còn giết hàng triệu người, vẫn được tôn vinh ca ngợi cơ mà. Vậy nên các đồng chí có viết sai chính tả, đọc sai bản án, giết “lầm” vài mạng, hay vài chục mạng người trong cuộc đời “xử án”, thì cũng nhằm nhò gì. Nên các đồng chí cứ an tâm mà tiếp tục viết sai, đọc sai và giết người đi nhé.

16.01.2017

Nói chuyện tầm phào với ông Hữu Thỉnh

Trần Thảo (Danlambao) - Trong buổi lễ trao giải thưởng văn học năm 2016 tại Việt Nam, ngài chủ tiệm của Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, tác giả của hai tập thơ Trường Ca Biển và Thương Lượng Với Thời Gian, đã gửi đi một thông điệp, mà theo miệng lưỡi của ngài chủ tiệm, (là) chưa từng có. Đó là vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng 3 năm 2017 âm lịch sắp tới, HNVVN sẽ tổ chức một hội nghị, mời tất cả những nhà văn VN ở nước ngoài về dự, và theo ông Hữu Thỉnh, đây là một hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học, bất kể là trước năm 1975, những nhà văn đó phục vụ chế độ cũ như thế nào.

Xin hoan hô nhà thơ Hữu Thỉnh một phát cho ngài chủ tiệm HNVVN lên tinh thần. Mới đây nghe ông Hữu Thỉnh than như bọng vì HNV hết ngân sách, còn tính tới việc di dời nhân viên Nhà Xuất Bản về trú tạm ở HNV, lấy cơ sở Nhà Xuất Bản làm khách sạn, tiệm ăn, Karaoke gì đó để cứu đói, ai cũng thấy tội nghiệp, cứ ngại nhà thơ và bộ hạ sắp toi đến nơi, không còn hơi sức để mà thương lượng với thời gian. Thế mà không biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hà hơi phù phép cách gì, khiến cho ông Hữu Thỉnh đột nhiên cựa mình sống dậy, hào khí xung thiên, tính làm chuyện mà mấy chục năm qua, trải bao đời tổng bí, chế độ CSVN cố làm mà làm không ra cua tai nheo gì. Trời ạ! ông Hữu Thỉnh muốn làm gạch nối để hòa hợp hòa giải dân tộc. Trước tiên là nhắm vào thành phần văn nhân nghệ sĩ, sau đó nhờ những cái loa văn nghệ mà chế độ lấy "đại nghĩa dân tộc" thuyết phục được, làm công cụ tuyên truyền, nhân rộng ảnh hưởng, dụ những con bò sữa về cứu nước. 

Không biết ông Tổng bí và ông Chủ tịch bàn thảo mần răng mà coi bộ khi đưa ra thông điệp ông Hữu Thỉnh hơi lẫn lộn. Ông đưa ra nào hình ảnh sông Thạch Hãn rướm máu gì tùm lum, nhưng nhờ sức mạnh đại nghĩa dân tộc bla... bla... " chúng ta mời những nhà văn có lương tâm, có trách nhiệm, yêu quê hương, hãy về làm GIÀU cho đất nước."

Tôi nghe ông HT nói mà không biết tai của mình có nghễnh ngãng hay không, bèn ngó vô bài đính kèm thì đúng là ông HT nói như thế. Ối mèn ơi, ông HT có nói lộn không vậy cha nội? Nhà văn Việt Nam ở hải ngoại này, nếu không kiêm nghề MC cho trung tâm băng nhạc, kiêm nghề quảng cáo dược thảo và Nails Spas, thỉnh thoảng thậm thò thậm thụt với bên đó làm video Mẹ Mìn, thì phần lớn nghèo rớt, trên là răng mà dưới là bình xăng hay mìn, lựu đạn gì đó thì tôi cũng bù trớt, nhưng nói chung mấy ông mấy bà cũng chạy theo cuộc sống ná thở, nghề văn cũng gần như biến thành nghề tay trái. Ông bà nào mà ra tờ báo hoặc mở đài phát thanh, kiếm tiền quảng cáo thì còn khá, chứ chỉ dựa vào cây viết mà xây dựng cuộc sống thì hơi khó, đâu có xuất bản một cuốn sách mà người ta sắp hàng chờ đợi như Harry Potter của J. K. Rowling? Thế nên đề nghị ông Hữu Thỉnh nghiên kíu lại nhé! Chứ mấy ông bà nhà văn hải ngoại mà về hòa hợp dân tộc với các ông, làm GIÀU cho đất nước đâu không thấy, mấy ổng mấy bả ăn thủng nồi của các ông đó ông chủ tịch ơi! Nội cái thân quèn của ông và cả ngàn hội viên sống nhờ vào đồng tiền đảng cung cấp mà còn đói vêu mỏ, các ông còn muốn mời mấy ông bà nhà văn hải ngoại về, thêm chén thêm đủa, coi bộ khó lòng ông ơi. Nếu ông HT có ý nói làm giàu mảng văn học nước nhà thì lại khác, cho tôi điểm trán ông mà gợi ý đôi điều vớ vẩn, biết đâu ông chịu tham khảo ý kiến của tôi, lật một chương mới cho sinh hoạt văn học của cái HNV để khỏi mang tiếng là nhắm mắt nhắm mũi bưng bô cho đảng nhé! 

Ông Hữu Thỉnh à, nghe nói có tới hơn một ngàn hội viên trong tay của ông mà, đúng không? Quân số đông đảo như thế, lại được đảng o bế, gần gũi những bộ óc cực đỉnh của đảng, thì nhân tài thiếu bố gì, hà cớ gì vận động những cây BÚT hải ngoại về để làm GIÀU cho đất nước, coi bộ trật chìa dữ rồi ông Hữu Thỉnh ơi! Tôi chưa đọc hai tập thơ Thương Lượng Với Thời Gian và Trường Ca Biển của ông chủ tịch, nhưng mấy tên " xuyên tạc" chúng nói rằng thơ của Hữu Thỉnh ở Việt Nam chỉ xứng hạng ba, bốn gì đó, có nghĩa là tuy ông HT mang danh chủ tịch HNV, nhưng trong thực tế những cây bút có tài thì ở trong đám hội viên. Thế tại sao trong mấy chục năm qua, cái hội quy tụ toàn là văn nhân tài tử, hữu tài hữu thỉnh, lại chẳng sản xuất được cái mốc gì coi cho được vậy ông chủ tịch? 

Tôi đoán già đoán non, nghĩ rằng có lẽ cây đại thụ Hữu Thỉnh quá lớn, che kín những tài năng khác, không cho họ ló ra chỗ có ánh mặt trời. Nhưng nghe mấy tay xuyên tạc về tài năng của nhà thơ Hữu Thỉnh thì tôi lại bỏ đi cái lập luận vừa rồi. Nếu tính từ năm 1954, tức là gần 70 năm đời ông có đảng, trải qua nhiều đời chủ tịch HNV, mà cũng có tác phẩm quái nào đáng đọc đâu? Thế nên kết luận cho gọn là TẠI VÌ LÀ cho tới ngày nay đảng vẫn chưa buông cây gậy chỉ huy xuống, hơn một ngàn hội viên HNV vẫn răm rắp viết theo ý đảng muốn, không dám xé rào làm cách mạng văn học gì ráo trọi. Thời ông Nguyễn Văn Linh làm tổng bí, ổng chơi ngon, tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ, khuyến khích nhà văn đừng nói trái với lương tâm của mình. Được ba bảy hai mươi mốt ngày, Tổng Linh chưa cởi hết xuống dưới chân, đã run run kéo lên, thế là xong một màn cụp lạc. Anh em văn nghệ sĩ chưa kịp thử cây bút tự do sáng tạo thế nào thì đã bị xếp xó. Rõ chán! 

Ông Hữu Thỉnh à. Nếu chữ GIÀU mà ông đề cập trong cái thông điệp mà ông đưa ra là chỉ về sự phát triển phong phú của văn học, thì tôi đề nghị ông và bác Tổng Trọng dẹp cái vụ hội nghị hoà hợp văn học dân tộc cho rồi. Lý do là chả được cái tích sự gì đâu! Thay vì tiêu tiền trong việc sắm hoa tươi cho hội nghị, in thiệp mời các nhà văn nam nữ hải ngoại (nếu in thì nhớ là thiệp mời đàng hoàng nghe ông chủ tịch, đừng in lộn là GIẤY TRIỆU TẬP thì bỏ mẹ, rõ khổ!), ta cứ dành tiền đó mua sách vỡ cho các em vùng lũ thì tốt hơn. Muốn văn học VN phong phú, muôn hồng nghìn tía thì dễ ợt à. Ông chủ tịch chịu khó bỏ nhỏ với ngài Tổng Trọng, bây giờ ta tiếp tục sự nghiệp dỡ dang của Tổng Linh, thay vì cởi một chút, không gây cảm hứng, ta hãy cởi hết 100 % luôn, chơi bạo một lần cho đời biết đến tên Tổng Trọng chứ, phải không? 

Ông Hữu Thỉnh à, 

Tui nhớ hình như trong tháng 12 của năm 2016 có một bài viết của Hồng Quang, Báo Nhân Dân, chỉ đích danh những người như nhà báo Phạm Trần, nhà báo Ngô Nhân Dụng, nhà văn Tưởng Năng Tiến v. v... và gọi họ là những người chuyên đi tìm một vài hiện tượng xấu rồi gán ghép, dựng chuyện để nói xấu đảng. Sau đó ông Phạm Trần đã thách thức Hồng Quang và tuyên giáo CSVN hãy công khai tranh luận cho ra ngô ra khoai, bởi vì theo nhà báo Phạm Trần, những bài báo ông viết đều đưa ra những nguồn trích dẫn đàng hoàng, ông không hề dựng chuyện, khi sự thật đầy rẫy ra đó. Hồng Quang và Tuyên Giáo im re, chỉ đưa ra những tay dư luận viên gà mờ ra tung hô đảng, ca bài "Nhân dân tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của đảng."

Ông Hữu Thỉnh có biết tại sao tôi nhắc lại vụ này không? Như thế này ông ạ. Thời Đông Châu Liệt Quốc thì phải, có vua gì đó quên tên rồi, ông ta muốn cho dân trong kinh thành đừng lo sợ ông trả thù vì đã từng hất hủi ông ngày trước, hãy yên tâm làm ăn, tuyệt đối tin tưởng vào lãnh đạo của đảng, ý xin lỗi, lúc đó chưa có đảng. Ông vua nọ bèn sắm xe song mã sang trọng và mời một người mà ông ta ghét nhất cho ngồi bên cạnh, và giong xe đi khắp kinh thành. Người dân thấy thế, mới bảo thằng đó vua ghét nhất mà còn giong xe cho hắn đi chơi, vậy là vua đã quên thù xưa, từ đó họ yên tâm làm ăn. 

Bây giờ ông Hữu Thỉnh và Tổng Trọng cần gì tổ chức hội nghị văn học hòa hợp làm gì cho tốn tiền mà lại mất công đạt giấy mời bốn phương tám hướng? Tôi nghĩ ông Hữu Thỉnh nên bắt chước ông vua kia. Muốn cho các ông bà nhà văn Việt Nam hải ngoại tin rằng bây giờ chế độ đã thay đổi, đã cởi 100 %, ông chủ tịch hãy đạt giấy mời tới ba vị là Nhà báo Phạm Trần, nhà văn Tưởng Năng Tiến, nhà báo Ngô Nhân Dụng, và nếu được thì thêm nhà văn Phan Nhật Nam nữa. Hãy tổ chức đón chào bốn vị ấy cho trang trọng, và mời bốn vị ấy chịu khó mỗi vị đọc một bài tham luận, với đề tài tự chọn, trước cử tọa hơn một ngàn hội viên của Hội Nhà Văn. 

Không biết ông chủ tịch có tham khảo ý kiến của tôi hay không, nhưng chưa gì mà tôi đã thấy phấn khởi rạt rào thế này! 

Tôi nghĩ ông chủ tịch dám làm lắm chứ chả chơi? Trong thông điệp của ông, tôi thấy ông trích dẫn "ĐẠI NGHĨA DÂN TỘC" ào ào, khí thế xung thiên như vậy, có gì mà ông không dám, đúng không ông chủ tịch? Đến dòng thơ chửi đảng của Lý Đợi mà ông Hữu Thỉnh còn dõng dạc đọc to ở hội trường cho mọi người cùng nghe, sá gì ba chuyện lẻ tẻ. Chào quyết thắng nhé ông chủ tịch. 

16.01.2017

GIẢI PHÁP CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG HÀ NỘI: “Không để dân ra đường, sẽ hết ùn tắc!”

LĐ - 13 THANH HẢI  11:0 AM, 16/01/2017
Ngày 12.1, lãnh đạo Hà Nội công bố cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với phần thưởng lên tới 300.000 USD. Ngay sau khi biết thông tin trên, KTS Hồ Duy Diệm (Đà Nẵng) - một chuyên gia quy hoạch đô thị - đã liên lạc với PV Báo Lao Động, cho biết ông đã có ý tưởng, sẽ hiến kế cho Hà Nội. Giải pháp là: “Lập lại bán kính phục vụ, không để dân ra đường”.

Thoáng nghe, tôi đã sốc với ý tưởng “không để dân ra đường”, nhưng qua phân tích của KTS Diệm, mới thấy giải pháp của ông thực sự là một triết lý quy hoạch... 
Cần bắt đúng bệnh
Trước khi đưa ra ý tưởng mà ông dự định sẽ hiến kế cho Hà Nội, KTS Hồ Duy Diệm cho biết mình đã 83 tuổi, và suốt đời từng gắn bó với công tác quy hoạch đô thị. Ông đã nghỉ hưu từ lúc 55 tuổi, nhưng cho đến bây giờ chưa từng ngơi nghỉ, trăn trở về vấn đề quy hoạch, bức xúc với những vấn nạn đô thị phi quy hoạch, trái quy luật ở các TP lớn hiện nay.
Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, từng học chuyên ngành về quy hoạch tại Liên Xô (cũ), là chuyên gia quy hoạch tại Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn, Bộ Xây dựng, tham gia công tác quy hoạch TP. Hà Nội và các đô thị Bắc Bộ từ 1962 - 1975. Làm công tác quản lý quy hoạch với tư cách KTS trưởng của TP. Đà Nẵng từ 1976 - 1996, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP. Đà Nẵng...
Vấn nạn tắc đường và quá tải các dịch vụ ở các đô thị lớn nói chung và Hà Nội, TPHCM hiện nay nói riêng là đã rất nghiêm trọng. Muốn đưa ra bất cứ một phương án, giải pháp khả thi nào, thì trước mắt cần “bắt đúng bệnh” thì mới tháo gỡ được: “Người dân ra đường để làm gì? Họ đi đâu mỗi ngày? Vì sao phải đi lại nhiều trên mặt đường đô thị đến thế? Vì sao dân đô thị ở Việt Nam lại dùng phương tiện cá nhân?... Nếu có cách làm cho dân không ra đường nữa, thì sẽ hết tắc đường!”- Ông Diệm “treo” sự ngạc nhiên của tôi ở đó, rồi đi ngược lại câu chuyện xây dựng bộ tiêu chuẩn VN về xây dựng cơ bản và quy hoạch đô thị mà ông đã tham gia từ năm 1962, đó là “bán kính phục vụ”.
Ngoài quy hoạch chi tiết bản đồ 1/500, bất kỳ khu dân cư, đô thị nào cũng buộc phải tính toán lượng dân số để đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản như 100m2/đầu người. 15m2 giao thông/người; 15m2 cây xanh/người... Từ đó, mới áp dụng được bán kính phục vụ cụ thể. Ví dụ, gửi trẻ mầm non không quá 500m, tập dưỡng sinh, gửi ôtô, xe máy... không quá 500m; bậc tiểu học, đến trường, đi mua sắm gia dụng, đến cơ sở y tế... không quá 1.000m. Đến nơi công cộng khác, chờ xe buýt là không quá 10 phút. Tương tự, các hoạt động xã hội công cộng lớn hơn sinh hoạt đời sống thường nhật, thì bán kính phục vụ lớn hơn theo tỉ lệ đó. Nếu áp dụng đúng “bán kính phục vụ đó” để làm quy hoạch, xây dựng, bố trí dân cư, thì không việc gì người dân phải ra đường để bị kẹt xe, ùn tắc giao thông.
Ông Diệm kể, từ khi quy hoạch, xây dựng tập thể Kim Liên (1962), Trung Tự... ở Hà Nội, chúng tôi đã áp dụng “bán kính phục vụ” để quy hoạch. Nhưng rồi công tác đó không được đồng bộ toàn TP và duy trì xuyên suốt các thời kỳ. Dân số tăng, mỗi gia đình ngăn phòng, làm chuồng cu, lấn công viên, lấp hồ để rồi chen nhau ở hết không gian vốn dành cho công cộng. Các đô thị khác cũng “làm ngơ” hoặc cố tình không áp dụng các “tiêu chuẩn VN” trong xây dựng, cắt xén diện tích công cộng, cây xanh, thậm chí thay đổi quy hoạch ban đầu để tăng số nền đất, bán tận thu. Các đô thị, lại “đẻ ra” trường chuyên, lớp chọn, trường điểm để rồi đua chen nhau đưa con đến học cho hơn người... Đó là căn bệnh cần phải thấy rõ.
Siết chặt quản lý đối với dự án mới
KTS Diệm cho biết ông rất đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về 5 cụm chung cư 40 - 50 tầng ở Giảng Võ: “Không cấm việc xây cao tầng, nhưng phải đảm bảo hạ tầng thì mới cho xây”. Hạ tầng được hiểu ở đây tức là bán kính phục vụ. Với những chung cư cao tầng, các tiểu khu dân cư, đô thị cấp phép mới cần buộc nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch, áp dụng “bán kính phục vụ” nhưng một triết lý xuyên suốt để làm sao cho người dân không ra đường. Mặt khác, cần quy định chặt chẽ mật độ dân cư đô thị để đảm bảo diện tích công cộng, giao thông, công viên cây xanh theo đầu người đúng tiêu chuẩn sẵn có tại Bộ XD.
“Tôi thấy hướng Hà Đông - Hà Nội tắc đường buổi sáng, và hướng ngược lại thì tắc buổi chiều. Vì cho dù có XD thêm nhiều nhà cao tầng, khu đô thị mới ở Hà Đông, Hà Tây, Hòa Lạc... thì người dân cũng phải vào nội đô để làm việc, đưa con đi học, chữa bệnh... nếu không đảm bảo bán kính phục vụ tại chỗ cho họ”. KTS Diệm phân tích, để giải quyết vấn nạn tắc đường Hà Nội, không thể chỉ dựa vào quyết tâm cao của Chính phủ, mà phải là câu chuyện trách nhiệm của toàn xã hội. Cần có tiền, thời gian, để dãn dân, bổ sung những sai lầm quy hoạch, XD và bố trí dân cư. Bổ sung quy định về “bán kính phục vụ” như một pháp lệnh, buộc mọi đô thị phải áp dụng. Trước mắt, cần di dời các trường ĐH, cơ quan hành chính, bộ ngành, ra khỏi nội đô...”.
Ở tuổi thượng thọ, KTS Diệm khó có thể tự hoàn thiện một đề án để tham dự cuộc thi ý tưởng về giải pháp chống ùn tắc giao thông mà lãnh đạo Hà Nội vừa đưa ra, tuy nhiên ông cho biết với kinh nghiệm 60 năm tham gia và nghiên cứu về quy hoạch, ông sẵn sàng hợp tác với các KTS trẻ, có cùng đam mê, nỗi bức xúc như mình để hiến kế giúp Hà Nội.

1 lít xăng gánh tới 8.000 đồng thuế môi trường: Tăng rồi tiền để làm gì?

LĐO - KHÁNH HOÀ  5:31 PM, 15/01/2017
Vừa đưa ra lấy ý kiến, dự thảo nới khung thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính trong đó có đề xuất tăng thuế với xăng dầu lên mức 3.000 -8.000 đồng/lít đã trở thành đề tài nóng và nhiều người đặt câu hỏi tăng thuế rồi tiền thu được sẽ bảo vệ môi trường thế nào?

Bên cạnh những ảnh hưởng to lớn tới nền kinh tế khi tăng thuế áp với mặt hàng xăng dầu, một câu hỏi được nhiều chuyên gia và người dân đặt ra là tiền thu được nhờ tăng thuế dùng để làm gì?
Về lý thuyết thuế bảo vệ môi trường sẽ phải dùng để bảo vệ môi trường nhưng chuyên gia môi trường Đào Trọng Tứ cho rằng câu chuyện này đang không thật rành mạch.
“Cần phải rành mạch câu chuyện tăng thuế môi trường cho mặt hàng xăng thì để làm gì? Mặt hàng xăng dầu đang gây ảnh hưởng cho môi trường không khí, vấn đề phát thải nhưng hiện nay có giải pháp nào bảo vệ môi trường không khí  ngoài chuyện hạn chế tối đa phương tiện vận chuyển cá nhân.” Chuyên gia này phân tích.
Ông cho rằng Bộ Tài chính cần làm rõ việc một năm sẽ thu được bao nhiêu tiền từ thuế bảo vệ môi trường và tiền đó dùng làm gì để cải thiện môi trường đồng thời “phải đánh giá một cách chi tiết chứ không thể nói suông là tăng thuế để bảo vệ môi trường vì như thế rất vô lý dù nguyên tắc trong bảo vệ môi trường, người xả thải phải trả tiền”.
Liên quan tới vấn đề này, dư luận từng đặt câu hỏi quanh chuyện chênh lệch thu chi trong vấn đề môi trường. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm, từ năm 2012 đến 2016 (tổng số thu thuế BVMT năm 2012 là 11.160 tỉ đồng; năm 2013 là 11.512 tỉ đồng; năm 2014 là 11.970 tỉ đồng; năm 2015 là 27.020 tỉ đồng; năm 2016 đạt 40.168 tỉ đồng) chiếm tỉ trọng 1,5%-4,1% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỉ trọng 0,3%- 0,9% trên GDP hằng năm. Trong khi đó, năm 2010, tổng chi sự nghiệp môi trường là 6.200 tỉ đồng, năm 2011 chi 7.600 tỉ đồng, năm 2012 tăng lên 9.000 tỉ. Đến năm 2014, tổng chi sự nghiệp môi trường là gần 10 ngàn tỉ đồng và năm 2015 là hơn 11 ngàn tỉ đồng còn số chi năm 2016 khoảng 12.200 tỉ đồng.
“Chưa bàn về chuyện hiệu quả trong sử dụng, riêng việc chênh lệch thu chi nói trên cũng là vấn đề cần xem xét, nhất là khi thuế bảo vệ môi trường cho mặt hàng xăng dầu chỉ là một phần trong nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường”, một chuyên gia khác về môi trường bình luận.

Ngành tòa án sẽ mời giáo viên đến dạy… câu chữ, chính tả

Theo Tiền Phong-6/01/2017, 06:05
Ngoài những thành tựu đạt được thì ngành tòa án còn nhiều tồn tại, bất cập. Một trong số đó là viết bản án sai chính tả thậm chí án một đằng tuyên một nẻo.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.
Chiều 14/1, sau 3 ngày diễn ra, TAND Tối cao tiến hành bế mạc Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2017. Qua hội nghị, lãnh đạo TAND Tối cao đã chỉ ra nhiều phương hướng công tác cho ngành tòa án.
Cùng với đó, ngành tòa án đã phát động phong trào thi đua năm 2017 của Tòa án các cấp với tinh thần: “Tránh nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”.
Tại hội nghị, lãnh đạo tòa tối cao đã trao tặng Cờ thi đua TAND năm 2016 cho 93 đơn vị, trao các tặng danh hiệu Thẩm phán mẫu mực và Thẩm phán tiêu biểu cho một số cán bộ đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót trong ngành tòa án. Đó là các vụ tạm đình chỉ còn nhiều, lên tới 22.000 vụ trong năm qua.
Có nhiều vụ tạm đình chỉ không đúng luật, có vụ căn cứ tạm đình chỉ đã hết nhưng vẫn tiếp tục đình chỉ hoặc đình chỉ quá lâu. Ví dụ như quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có vụ tạm đình chỉ từ năm 2008 tới giờ…
Đặc biệt, Chánh án tòa tối cao cũng chỉ ra nhiều trường hợp viết bản án cũng có lỗi về chính tả thậm chí viết một đằng tuyên một nẻo. Hoặc có trường hợp 2 bản án cùng số, cùng ngày nhưng khác nội dung khiến dư luận đặt câu hỏi về thẩm phán: “Ok thì nhẹ, không ok thì nặng”. Đây là thách thức lớn khi sắp tới ngành tòa án sẽ công khai bản án lên cổng thông tin.
Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trong năm 2017, ngành tòa án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn. Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy…

Ý tưởng ‘gộp Tết tây với Tết ta’: ĐBQH lên tiếng

Theo Người đưa tin-15-01-2017
 Nhiều ý kiến ĐBQH phản đối ý tưởng gộp Tết tây với Tết ta. ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Tết Nguyên đán là bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán ngàn đời, không phải ngày nghỉ đơn thuần”.
Ý tưởng ‘gộp Tết tây với Tết ta’: ĐBQH lên tiếng
Dư luận xã hội đang “nóng” lên chuyện gộp Tết tây với Tết ta. Ý tưởng gộp Tết Nguyên đán cổ truyền với Tết tây dương lịch đang tạo ra một diễn đàn tranh luận sôi nổi. Có ý kiến đồng tình nhưng cũng có những ý kiến phản đối gay gắt.
Trao đổi với PV, nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình với ý tưởng này và cho rằng, Tết Nguyên đán còn mang nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh, không thể gộp vào Tết tây một cách dễ dàng được.
ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, ý tưởng đó là điều không thể chấp nhận được. “Tết tây là Tết tây mà Tết ta là Tết ta, làm sao gộp hai cái Tết hoàn toàn khác nhau vào một được. Ai nghĩ đến việc gộp 2 cái Tết lại với nhau là không đúng”, ĐB Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, dịp Tết tây, chúng ta có nghỉ hay không là việc khác, tại sao phải suy nghĩ đến việc gộp lại? “Nếu muốn gộp 2 cái Tết đó vào với nhau thì tại sao không gộp tất cả những ngày lễ, tết vào làm một luôn”, ông Lợi bày tỏ sự không đồng tình với ý tưởng gộp Tết tây vào với Tết ta.
ĐB Bùi Sỹ Lợi phân tích thêm, Tết tây là dịp nghỉ lễ tính theo năm dương lịch. Còn ở Việt Nam, truyền thống từ xa xưa, hàng nghìn năm của cha ông để lại là ăn Tết theo lịch âm. Việc nghỉ Tết tây hay không lại là việc khác. Nếu bỏ Tết ta là quay lưng lại với truyền thống. Kể cả hỏi trẻ con, chúng cũng không đồng tình. “Nhập hai cái Tết lại với nhau đâu phải điều dễ dàng”, vị ĐBQH nói.
ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng nêu ý kiến, không nên ngụy biện lý do Tết ta kéo dài ảnh hưởng đến nền kinh tế, khiến kinh tế trì trệ để gộp Tết tây với Tết ta. “Tại sao nhiều nước họ nghỉ dài ngày nhưng kinh tế vẫn phát triển. Vấn đề ở đây là năng suất lao động chứ không phải kéo dài thời gian làm việc”, ĐB Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận.
%image_alt%
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.
Đồng tình với quan điểm phản đối ý tưởng gộp Tết ta vào Tết tây, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Tết Tây là một dấu mốc thời gian chung trên toàn thế giới, không thể so sánh rồi gộp với Tết cổ truyền của dân tộc ta được.
Tết cổ truyền là Tết đã có từ ngàn đời của Việt Nam. Tết cổ truyền không chỉ đơn thuần là ngày nghỉ mà còn là Tết của toàn dân tộc, là dịp sum họp gia đình, ngày để người đi xa có dịp về gần. Giữa vấn đề phong tục tập quán và dấu mốc thời gian của đời sống xã hội loài người là hoàn toàn khác nhau, không thể gộp vào nhau được.
Chúng ta đừng nghĩ đơn giản rằng, cứ gộp 2 cái Tết vào là được. Tại sao không gộp tất cả những ngày lễ, tết trong năm và trên thế giới vào làm một, là bởi mỗi ngày lễ, tết như thế đều mang bản sắc riêng. Như Tết Nguyên đán còn mang hồn cốt, đặc trưng riêng của dân tộc Việt Nam, là bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán làm sao bỏ được.
Nếu gộp vào thì không còn ý nghĩa Tết cổ truyền nữa. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được ý nghĩa ngày Tết truyền thống của dân tộc và những giá trị sâu trong nó. Cá nhân tôi không đồng tình với ý tưởng gộp Tết tây với Tết ta”.
Cũng theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng: “Đừng nghĩ gộp vào chỉ để nghỉ dài hơn. Tết Nguyên đán còn là văn hóa, là bản sắc, là tâm linh người Việt. Chúng ta đừng nghĩ đó chỉ là một dịp nghỉ ngơi đơn thuần.
Tôi không nghĩ nghỉ Tết âm lịch dài ngày sẽ khiến kinh tế trì trệ. Vì nhìn rộng ra, Tết cũng là thời điểm kích cầu kinh tế. Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt, nhưng nếu chưa phù hợp có thể điều chỉnh, không thể gộp Tết ta với Tết tây. Như thế là vô lý”.

Dương Thu

Di tích bị “cưỡng bức”

 Không ít vụ trùng tu, tôn tạo di tích ở nước ta đã làm mất nguyên bản, giá trị văn hóa cổ xưa của di tích
Di tích bị “cưỡng bức”
Bia Quốc học có màu sơn khá chói sau khi trùng tu Ảnh: QUANG NHẬT
Dự án “Vệ sinh cấu kiện gỗ và quét vôi trang trí lại cảnh quan di tích” tại di tích lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám đã chính thức ngừng vào ngày 13-1 sau khi vấp phải phản ứng của dư luận.
Mặc áo mới cho di tích
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, cho rằng theo kế hoạch ban đầu, các hạng mục quan trọng của Văn Miếu Quốc Tử Giám như Khuê Văn Các, cổng Tam Quan, nhà Bái Đường, nhà Thái Học sẽ được quét vôi để bảo dưỡng. Tuy nhiên, sau khi có sự đánh giá của các chuyên gia, nhận thấy những hạng mục trên đã xuống cấp khá nghiêm trọng, không chỉ tường bị rêu mọc bám dày mà các chữ viết, hình ảnh trên đó cũng đã bong tróc, nhiều phù điêu hư hỏng nên ban quản lý quyết định ngừng việc quét vôi để xin chủ trương lập dự án tu bổ hợp lý, khoa học nhất. Trước mắt chỉ vệ sinh, làm sạch rong rêu.
Trước đó, một số hạng mục trong Văn Miếu Quốc Tử Giám như tường rào khu vực quanh giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ… được quét vôi trang trí lại bằng vôi trộn với than bùn. Độ vênh giữa các hạng mục vừa được quét vôi với hình ảnh rêu phong còn lại của các hạng mục khác đã ít nhiều làm thay đổi tổng thể cảnh quan của di tích. Thế nhưng, ông Lê Xuân Kiêu khẳng định kỹ thuật quét vôi truyền thống pha với than bùn đang được thực hiện phổ biến trong quá trình tu sửa di tích ở Việt Nam. Cụ thể, đền Ngọc Sơn cũng từng được thực hiện kỹ thuật này để tu sửa.
Trong khi dư luận còn chưa hết băn khoăn về việc Văn Miếu Quốc Tử Giám được quét vôi mới thì công trình Bia Quốc học – Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong nằm ở bờ Nam sông Hương (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) – cũng khiến nhiều người lo ngại vì làm mất giá trị nguyên bản của nó. Được xây dựng vào năm 1920, Bia Quốc học có hình dáng như một bình phong lớn, có hai tầng và mái che, các họa tiết trang trí đều mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Theo thời gian, công trình này xuống cấp nên tháng 11-2016, UBND TP Huế giao Trung tâm Công viên cây xanh Huế làm chủ đầu tư thực hiện trùng tu. Dự án trùng tu gồm các hạng mục: bóc lớp vữa, tháo dỡ ngói lợp hư hỏng, gạch men trang trí, tô trát lớp vữa bị bong tróc ở phần bia; gia cố lại phần nền móng sụt lún, thay lớp gạch lát bị nứt, hỏng; các trụ biểu, lan can cũng được bóc lớp vữa bong rộp, trang trí họa tiết… Tuy nhiên, khi công trình trùng tu gần hoàn thành, nhiều người dân Huế đã lên tiếng phản đối bởi Bia Quốc học bị đơn vị thi công sơn mới với màu vàng lòe loẹt, không giống nguyên bản. Điều đáng nói, trong quá trình tu bổ, đơn vị thi công đã cạo đi nhiều chi tiết trong hệ thống hoa văn trên công trình để làm mới.
Theo đánh giá của TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên – Huế, vấn đề nghiêm trọng chính là việc cạo đi những hoa văn trang trí vốn là biểu tượng chung cho văn hóa truyền thống Việt.
Chẳng khác nào phá hoại!
Dù đơn vị thi công cũng như tư vấn giám sát việc trùng tu Bia Quốc học Huế đều khẳng định làm đúng quy trình, trùng tu theo đúng cấu trúc và kiểu hoa văn gốc nhưng dư luận không khỏi lo ngại trước nguy cơ di tích mất đi hiện trạng ban đầu. Không thể phủ nhận việc tu bổ, tôn tạo di tích là hành động thiết thực góp phần giúp cho nhiều di tích thoát khỏi tình trạng tàn phế, tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ sau. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy không ít vụ trùng tu, tôn tạo di tích ở nước ta đã làm mất giá trị văn hóa cổ xưa của di tích.
Điển hình cho câu chuyện “cưỡng bức” di tích là đền thờ và lăng Ngô Quyền (xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Khi trùng tu, tôn tạo lăng Ngô Quyền, đơn vị thi công đã tự ý xây mới một bức bình phong có tạo hình con quái thú thiếu tính thẩm mỹ và không phù hợp với truyền thống văn hóa người Việt. Sau khi bị Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Hà Nội “tuýt còi”, bức bình phong này mới bị phá bỏ.
Lăng Ngô Quyền với bức bình phong quái thú bị dư luận phản đối Ảnh: YẾN ANH
Lăng Ngô Quyền với bức bình phong quái thú bị dư luận phản đối Ảnh: YẾN ANH

Một dự án trùng tu đáng buồn khác xảy ra tại đình cổ Quang Húc (xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội), được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Quá trình trùng tu đình Quang Húc, đơn vị thi công đã để xà, cột khi ghép vào “không ăn nhập với nhau”, mái đình dột tứ tung, các mảng chạm cổ kính thay bằng những kiến trúc hiện đại. Việc dùng lớp sơn công nghiệp phủ lớp sơn ta, đè lên toàn bộ lớp sơn son thếp vàng cũ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trùng tu và Luật Di sản văn hóa. Một kiến trúc sư cho rằng chỉ sau một thời gian ngắn, lớp sơn công nghiệp sẽ bị nứt nẻ, phá nát hoa văn, các lớp sơn ta với trầm tích cả trăm năm phía dưới. Đó cũng là lý do người dân địa phương mới đây đã đồng loạt ký tên kêu cứu đến Cục Di sản thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Sở VH-TT Hà Nội.
Việc “làm sạch” bia cổ Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Long Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) trước ngày tấm bia từ thời Lý này được đón nhận danh hiệu “bảo vật quốc gia” cũng khiến dư luận phản đối. Nhiều người dân địa phương cho biết một tốp thợ xây đã dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt, phôi bào sắt… kỳ cọ mặt bia với mục đích “làm vệ sinh”. Hành động này đã làm bề mặt bia Sùng Thiện Diên Linh xuất hiện thêm nhiều vết xước, chẳng khác gì hành động phá hoại bảo vật quốc gia.
Phải nắm vững kiến thức
Theo Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì chỉ những người có chuyên môn, kinh nghiệm, chứng nhận hành nghề mới có thể tham gia công việc trùng tu, bảo tồn di tích, di sản. Tuy nhiên, một chuyên gia về di sản văn hóa Việt Nam cho rằng điều đáng buồn là rất nhiều đơn vị thi công được chứng nhận đạt yêu cầu, tức là có chứng chỉ hành nghề, lại trùng tu theo kiểu phá di tích. Khi thực hiện trùng tu, các đơn vị thi công mắc lỗi chung là tháo dỡ và phá bỏ hầu hết các cấu kiện cổ, thiếu tính toán trong quá trình hạ giải, đưa những hiện vật mới và không đúng kích cỡ ban đầu vào di tích trong khi nhiều chi tiết cổ và còn đậm chất mỹ thuật hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng. Chuyên gia này cho rằng để ngăn chặn những “thảm họa” thời gian qua, ngoài giấy phép hành nghề thì điều quan trọng là cá nhân, đơn vị thực hiện công việc phải nắm vững kiến thức về di sản, lịch sử, văn hóa.
GS VŨ MINH GIANG, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia:
Không thể để di tích bị ăn mòn
Dư luận lo ngại việc trùng tu làm biến dạng di tích là đúng, có cơ sở nhưng cũng phải xét từng trường hợp cụ thể. Tôi thấy ở Văn Miếu, việc quét vôi để chống bong tróc lại là bình thường vì không thể để di tích bị ăn mòn, xuống cấp được. Còn việc cạo đi hoa văn ở Bia Quốc học Huế, nếu đúng như báo chí đưa tin thì là sai, không được phép như thế.
GS ĐẶNG VĂN BÀI, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam:
Không nên quá lo ngại
Nguy cơ mất đi tính nguyên bản của di tích trong quá trình tu bổ, tôn tạo là có song cũng không phải quá đáng ngại như nhiều người vẫn nghĩ. Tất nhiên, sai sót cũng có nhưng không phải là nó làm hủy diệt di tích bởi các công trình tu bổ ngày càng khoa học theo dự án đã được duyệt.
PGS TRẦN LÂM BIỀN, chuyên gia nghiên cứu văn hóa Việt Nam:
Làm theo kiểu sửa nhà
Khi nhắc đến việc tu bổ, tôn tạo di tích, không chỉ dư luận mà cả những người tâm huyết với di sản đều lo lắng. Lo lắng của họ không phải là không có lý do vì nhiều di tích khi được tu bổ đã bị làm sai rất nhiều. Những người tu bổ di tích không hiểu di tích mà họ chỉ làm theo kiểu sửa nhà, nhận thức về di tích rất kém. Có những người tự nhận mình giỏi về tu bổ nhưng cũng chỉ là tu bổ liều, làm theo cảm tính… Đình Chu Quyến khi tu bổ xong còn 6 bảng chạm thật đẹp, bây giờ vẫn để trong kho vì đã dỡ xuống rồi nhưng không biết lắp lên chỗ nào… Tôi cho là họ thiếu trách nhiệm, sự yêu quý với di tích kém cũng như ứng xử với di tích thiếu trí tuệ.
Theo NLĐ

Ẩn ý nào sau việc chậm trình dự thảo nghị quyết xử lý công chức đã nghỉ hưu?

Ẩn ý nào sau việc chậm trình dự thảo nghị quyết xử lý công chức đã nghỉ hưu?
Vũ Huy Hoàng - cựu bộ trưởng ngành công thương. Ảnh: Việt Nam Thời Báo
Tương tác giữa quốc hội và chính phủ lại một lần nữa “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Mặc dù đã được xếp lịch để sẽ cho ý kiến về dự thảo nghị quyết xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ hưu có vi phạm vào chiều ngày 11/1/2017, nhưng sáng 9/1 khi bước vào phiên họp thứ 6, báo chí nhà nước cho biết “chính phủ vẫn chưa kịp trình dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, công chức đã nghỉ hưu”.
Vũ Huy Hoàng – nhân vật cựu bộ trưởng ngành công thương mà bị nhiều dư luận xem là tội đồ về đủ thứ chuyện bê bối liên quan đến nhập khẩu phi mã từ Trung cộng, để các nhóm đầu cơ xăng dầu và điện lực tự tung tác trong quá nhiều năm, để các đập thủy điện xả lũ giết chết dân, các công trình đầu tư ngàn tỷ và đắp chiếu… – trớ trêu thay, lại đang manh nha có cơ hội thoát án tù.
Cần nhắc lại, tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào ngày 19/12/2016, chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 3 nội dung bị rút khỏi chương trình nghị sự. Theo đó một nội dung được dư luận chú ý là dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu. Bà Kim Ngân cho rằng “đây là nội dung quan trọng cần có thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo, nên chính phủ chưa kịp chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12 này như dự kiến”.
Tuy nhiên có một hiện tượng “lạ”, là khi nêu vấn đề rút dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu, bà Kim Ngân đã chẳng nêu ra một thắc mắc hay phê phán nào, trước sự chậm trễ và thái độ không “nhiệt tình cách mạng” của phía chính phủ.
Trước khi kỳ họp quốc hội cuối năm 2016 diễn ra, đã có một hội nghị trung ương rất quan trọng đối với tổng bí thư Trọng về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, trong đó nhấn mạnh vụ Trịnh Xuân Thanh đào tẩu và ám chỉ Vũ Huy Hoàng phải “chết thế”. Sau hội nghị này, cái tên Vũ Huy Hoàng được nhiều tờ báo nhà nước lặp đi lặp lại như một lối tuyên truyền đã được đảng quán triệt. Vào thời gian đó, số phận của Vũ Huy Hoàng là rất mong manh. Thậm chí có tờ báo còn lấy ý kiến cho rằng “cứ có sai phạm là đi bệnh viện”, ám chỉ ông Hoàng đi chữa bệnh dài ngày và như một cách đòi hỏi ngành công an phải khẩn trương “ra tay”.
Tuy vậy, tình hình gần đây lại có vẻ “đảo chiều”. Sau vụ bỏ trốn mới nhất ra nước ngoài của nhân vật Lê Chung Dũng PVN, bầu không khí “chống tham nhũng” của tổng bí thư Trọng dường như xẹp hẳn. Cũng không thấy báo chí nhà nước còn ồn ào về vụ Vũ Huy Hoàng.
Thái độ có vẻ bàng quan của phía quốc hội, và đặc biệt của phía chính phủ đối với vụ “truy tố Vũ Huy Hoàng”, đang cho thấy một sức cản ngày càng lớn đối với quyết tâm “những việc cần làm ngay” của ông Nguyễn Phú Trọng.
Nếu không xử lý được tối thiểu trường hợp Vũ Huy Hoàng, cơ hội để ông Trọng được ghi dấu như “Nguyễn Văn Linh thứ hai” là rất thấp.
Lê Dung / SBTN

Canada lên tiếng về vụ phá dỡ Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm

Bên trong khuôn viên Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. (Hình: Facebook)
SÀI GÒN (NV) – Tổng Lãnh Sự Quán Canada tại Sài Gòn vừa lên tiếng về việc nhà cầm quyền thành phố này dự định phá dỡ Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm, đồng thời nói rằng đây là các di sản còn lâu đời hơn cả Canada.
Chỉ ít giờ sau khi đưa nội dung này lên trang Facebook, “status” đã nhận được hơn 12,630 lượt “like” bày tỏ sự ủng hộ sự lên tiếng của Tổng Lãnh Sự Quán Canada, tiếp theo đó là hơn 2,200 lượt bình luận, và hơn 9,000 lượt share.
Nội dung của status như sau: “Bạn nghĩ có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada? Theo kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Quận 2, chính quyền Sài Gòn có dự định phá dỡ Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm để nhường chỗ cho khu đô thị mới. Tu viện được thành lập tại Thủ Thiêm vào năm 1840, nghĩa là đã ở đó được 177 năm (trong khi Canada vừa bước sang tuổi 150 năm nay). Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta hòa nhập những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì phá dỡ chúng? Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!”
Rất nhanh chóng, đã có hàng ngàn ý kiến bày tỏ sự quan tâm về việc này.
Facebooker Đức Thành bình luận: “Chỉ Taliban, IS mới đi phá các di sản hằng trăm năm tuổi.” Liền sau đó Facebooker Doãn Công Hào viết: “Và Cộng Sản nữa.”
Tiếp theo, Facebooker Bưởi Da Xanh viết: “Bọn Cộng Sản Việt Nam có khác gì IS,” và Facebooker Trần Ninh viết tiếp: “Bọn này còn hơn cả Taliban và IS.”
Facebooker Hung Nguyen nhận xét: “Đô thị mà không có đền đài, chùa chiền, nhà thờ, các di tích lịch sử… giống như cơ thể có xác mà không có hồn, thử tưởng tượng Sài Gòn mà không có nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành… thì có gì mà ấn tượng.”
Facebooker Anhngoc LE tự vấn: “Tôi không biết vì sao người ta lại muốn phá bỏ những công trình mang tính lịch sử như thế này? Vì quyền lợi cá nhân hay vì sự kém cỏi trong nhận thức xã hội? Hay là vì họ đang thực hiện hành vi ‘diệt chủng văn hóa’ theo lệnh của Bắc Kinh như lời thiên hạ đang đồn đoán? (Những gì mang dấu ấn lịch sử Việt Nam họ ra tay tàn phá ). Tôi tự hỏi có ai lại tự phá đi những đi sản của mình không? Không!”
Facebooker Tong Ngoc Minh Chau nổi giận: “Chính quyền Cộng Sản chỉ quan tâm đến tiền, quyền và lợi ích nhóm. Ngay trong nội bộ chúng còn đấu đá nhau khốc liệt thì đối với dân thường chúng làm gì chả được. Luật của chúng là thứ luật rừng, tự biên tự diễn. Thêm nữa, tư tưởng Cộng Sản là vô thần nên chúng càng ra sức đàn áp tôn giáo, và tài sản đất đai của các dòng tu trở thành miếng ngon béo bở để chúng xâu xé chia nhau. Thời mới ‘giải phóng’ chúng đã cướp không biết bao nhiêu là tài sản của các dòng tu, các tu sinh thì bị đuổi về không cho tu nữa. Và hơn 40 năm qua cho đến bây giờ chúng vẫn còn tiếp tục cướp ở mọi nơi trên đất nước này.”
Đồng tình, Facebooker Dien Phuc Nguyen viết: “Cộng Sản thì không có xưa, cái gì cướp được thì cướp, chúng cố tình xóa bỏ những di tích của Sài Gòn để cho những thế hệ kế tiếp không biết gì, giống như chúng đã làm với chùa Liên Trì… Bất cứ quy hoạch đô thị ở đâu cũng vậy, đều có tâm linh, đó là món ăn tinh thần của mọi người dân, không phải cứ phát triển đô thị là phải san bằng. Là con người, sống phải có tình người huống chi loài cầm thú cũng có tình nghĩa vậy. Chỉ có những kẻ dòng máu lạnh cảm mới làm điều đó.”
Canada lên tiếng về vụ phá dỡ Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
Tổng Lãnh Sự Canada Richard Bale (phải) và Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Mary Tarnowka (thứ ba từ trái) trong một lần đến thăm Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. (Hình: Facebook)
Mềm mỏng hơn, Facebooker Mai Pham Thi Thanh viết: “Tôi không theo đạo nhưng tôi không đồng ý việc phá bỏ những di tích lịch sử này, nhất là khi việc thực hiện dự án này có thật sự là vì lợi ích chung?”
Là nhà báo, Facebooker Lê Thị Bạch Mai viết: “Thật cảm kích trước sự quan tâm của Tổng Lãnh Sự Quán Canada. Họ không phải là người Việt, cảnh quan này không thuộc đất nước của họ, không nằm trong hệ thống văn hóa kiến trúc của họ, lại càng không mang dấu ấn gì trong đời sống văn hóa của họ… Nhưng, người ta đã kịp đặt ra một câu hỏi khẽ khàng mà rất trang trọng (dễ làm ‘mất mặt’ chính quyền Sài Gòn khi đưa ra đề án phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm như thế này). Tầm nhìn hạn hẹp. Hiểu biết nông cạn về giá trị lịch sử của các công trình văn hóa lâu đời. Chỉ có lợi nhuận là trên hết. Thật tội nghiệp cho Sài Gòn trong tương lai, nếu đề án này được thực hiện! Tôi không đồng ý việc phá bỏ. 1,000 lần không!”
Facebooker Khanh Phan viết: “Tôi cảm ơn Tổng Lãnh Sự Quán Canada tại Sài Gòn đã quan tâm đến Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm. Đây là một công trình mang tính lịch sử và tôn giáo cần phải được bảo tồn một cách triệt để. Khu đô thị hiện đại có thể xây dựng trong 10 năm nhưng công trình lịch sử được xây dựng và bảo vệ hàng trăm năm bằng bao mồ hôi, công sức của quý cha và quý soeur.”
Theo trang web của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, thời vua Minh Mạng, đạo bị bách hại dữ dội, tàn phá các nhà thờ, tu viện. Nhiều tu viện bị phá hủy hoàn toàn, chính vì thế các nữ tu của các tu viện này đã chạy tứ tán khắp nơi. Một số gặp nhau ở Thủ Thiêm và dừng chân ở đây vào khoảng năm 1840.
Theo trang web Giáo Xứ Giáo Họ Việt Nam, nhà thờ Thủ Thiêm thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn hình thành từ năm 1859. Khi đó, nhiều giáo dân ở các nơi vùng Gia Định, Biên Hòa kéo đến sinh sống, cất nhà cửa. Lúc đó chính quyền đã bán rẻ đất cho dân và đặc biệt còn tặng cho các tín hữu một ngôi đình bỏ hoang gần chợ, rồi cho thêm đất đai… thế là một ngôi nhà thờ được hình thành.
Không chỉ là cơ sở tôn giáo, nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm còn là di tích văn hóa, cả hai cơ sở này đều đã được xây dựng hơn 150 năm. Theo kế hoạch xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm, nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phải giải tỏa.
Chính quyền Quận 2 đề nghị Tổng Giáo Phận Sài Gòn hoán đổi nhà thờ Thủ Thiêm lấy một khu đất có diện tích 4,000 mét vuông và 16 tỉ đồng, đồng thời hoán đổi tu viện của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm lấy một khu đất diện tích năm mẫu và 52 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ngay từ năm 2009, Tổng Giáo Phận Sài Gòn cương quyết không di dời nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, và đây là câu trả lời chính thức của Giáo Hội trước những yêu cầu của chính quyền địa phương muốn di dời nhà thờ và tu viện đi chỗ khác để xây dựng một khu vực thương mại đa chức năng. (Q.D.)