Monday, August 22, 2016

Nông dân Việt Nam khốn đốn vì các loại thuế, phí

Hoàng Dung, thông tín viên RFA 2016-08-22  
000_BN8JI.jpg
Một nông dân mang lúa đã thu hoạch trên một cánh đồng ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 9 Tháng 6 năm 2016.  AFP PHOTO
Nông dân Việt Nam phải đóng nhiều khoản phí, thậm chí có những khoản họ cho là vô lý, trong khi thu nhập quá ít ỏi khiến đời sống của họ vốn đã vất vả thêm phần nặng nhọc.

Các khoản thuế đối với người làm nông nghiệp

Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp và chủ yếu là trồng lúa theo phương thức thủ công, chưa được cơ giới hóa nhiều. Trong khi đó ruộng đất lại manh mún, nhất là ở những tỉnh đất nông nghiệp ít ỏi.
Việc trồng lúa đối với người nông dân tại những nơi đó còn khó khăn không những phải lệ thuộc nhiều vào thời tiết mà còn khó khăn do giá giống, phân bón, thuốc trừ sâu các loại… cao. Bên cạnh đó họ phải cõng thêm nhiều loại phí từ trung ương quy định cũng như của địa phương đưa ra.
Theo nghị quyết của chính phủ ban hành vào ngày 24 tháng 11 năm 2011 có quy định về việc miễn thuế, phí đối với việc sử dụng đất nông nghiệp, thì nhà nước có quy định sẽ miễn các loại thuế về sử dụng đất nông nghiệp, điều này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Tôi thấy khoản thuế giao thông ngân sách và khoản lao động mà họ gọi là lao động sống, 2 khoản thuế đó là nặng và vô lý nhất.
- Chị Hiền, huyện Yên Thành
Tuy nhiên, nhiều gia đình làm nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn phải đóng những loại thuế về việc sử dụng đất nông nghiệp, và còn cõng thêm nhiều loại phí khác do xã tự đề ra.
Lúa làm ra khó bán, nếu có bán được thì giá lại thấp, thời tiết luôn chuyển biến phức tạp, khó lường nhưng các chi phí cho sản xuất nông nghiệp thì mỗi lúc một cao dân lại không có thêm các nghành nghề phụ khác để họ có thể làm thêm; trong khi đó các khoản thuế, phí mà dân phải trả cho sản xuất nông nghiệp lại quá cao so với mức quy định. Ngoài ra lại có những khoản thu không hợp lý như thuế lao động sống, giao thông ngân sách mà họ lại thu nặng…
Anh Dương quê ở Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết trong vụ thu hoạch hè thu vừa qua gia đình anh phải nộp tất cả 20 loại thuế, trong đó có những loại thuế, phí nhà nước cũng như tỉnh không quy định mà chính quyền huyện, xã lại đề ra và bắt dân phải nộp.
Anh Dương cho biết một số loại thuế, phí mà gia đình anh phải nộp trong năm vừa qua anh cũng cho biết nặng nhất là khoản xây dựng nông thôn mới, 1 người phải đóng gần 1 triệu/1 năm.
“Quỹ an ninh quốc phòng, đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng chống thiên tai, phí vệ sinh môi trường…”
Chị Hiền ở huyện Yên Thành cũng cho biết, hiện nay không đóng các loại thuế, phí về đất nông nghiệp nữa nhưng bên cạnh đó các loại phí, thuế liên quan đến đất nông nghiệp lại tăng rất mạnh như giao thông ngân sách hay lao động sống.
Trong vụ chiêm vừa qua thì tôi thấy khoản thuế giao thông ngân sách và khoản lao động mà họ gọi là lao động sống, 2 khoản thuế đó là nặng và vô lý nhất, nhà tôi 4 lao động phải nộp hơn 600.000 đồng cộng với khoản nợ cũ thì hơn 800.000 đồng.
Trong khi nhiều hộ làm nông nghiệp ở Nghệ An lại phản đối vì có nhiều loại thuế, phí nông nghiệp quá cao và vô lý, thì nhiều địa phương thì người dân không mấy quan tâm đến chuyện này.
Anh Vượng quê ở tỉnh Thái Bình cho biết thì chính quyền xã bảo nộp nhiêu tiền thuế nông nghiệp rồi các loại phí khác thì người dân nộp, chứ không có giấy tờ gì hết.
“Bọn em khi nộp thuế không có tờ giấy gì hết nên bọn em không biết, bọn em chỉ biết là đến đó họ nói bao nhiêu thì nộp bấy nhiêu thôi.”
000_Hkg10258875.jpg
Nông dân thu hoạch cà chua ở phía Bắc tỉnh Bắc Ninh. Ảnh chụp ngày 1 Tháng ba năm 2016. AFP PHOTO
Hiện nay, ở huyện Nam Đàn anh Dương cũng cho biết là việc sinh con thứ 3 cũng bị xã quy vào quỹ dân số và mỗi gia đình cũng phải nộp 2 triệu.
“Bữa đi họp, không phạt sinh con thứ 3 nhưng lại quy vào quỹ dân số.”
Không những chính quyền thu các khoản thuế, phí đối với người lao động mà cả những người tàn tật hay trẻ em chính quyền cũng thu.
Trên báo dân trí số ra ngày 20 tháng 8 năm 2016 với tựa đề gia cảnh “chị Dậu” của người đàn ông tàn tật vẫn phải đóng 13 loại khoản phí. Bài báo cho biết anh Vương Đình Dũng, 1 người tàn tật ở xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, đến cái ăn còn thiếu nhưng 1 năm gia đình anh cũng phải đóng các loại thuế, phí gần 1 triệu đồng.

Chính quyền ép người dân nộp

Khi người dân thấy có nhiều khoản thu vô lý, không có quy định rõ ràng của nhà nước cũng như của chính quyền địa phương thì người dân không nộp, tuy nhiên nếu không nộp thì người dân làm gì cũng khó khăn, nhất là trong việc đi xin giấy tờ nơi chính quyền xã, nếu người dân chưa nộp thì chính quyền sẽ không làm cho bất kỳ giấy tờ gì.
Chị Hiền ở Nghệ An cho biết:
“Người dân làm gì cũng phải xuống xã xin dấu, như người dân xuống xin triện vay ngân hàng họ không chấm triện, trẻ con sinh ra làm giấy khai sinh họ cũng không chấm triện, các hồ sơ đi làm ăn xa họ cũng không chấm triện, họ bắt nạp tiền sản lượng họ mới chấm triện. Có trường hợp chị kia là gia đình hộ nghèo đi mổ đi mổ lại nhiều lần, chị ấy xuống xã nhận tiền hộ nghèo thì họ trừ vào tiền sản lượng chứ cũng không trả tiền hộ nghèo đó.”

Cơ quan chức năng nói gì?

Trước những khoản thu vô lý, không có quyết định rõ ràng thì nhiều hộ gia đình ở Nghệ An đều có những phản ánh lên chính quyền cấp xã, huyện tuy nhiên chính quyền lại không trả lời một cách rõ ràng cho người dân, lại chối quanh co.
Những khoản này đều được dân thống nhất, thông qua dân, đóng góp tự nguyện là chính.
- Đại diện UBND xã Diễn Hạnh
Người dân trên địa bàn huyện Yên Thành không được biết các khoán thuế giao thông ngân sách cũng như thuế lao động sống như thế nào. Chúng tôi có liên lạc với ông Nguyễn Tiến Lợi chủ tịch huyện Yên Thành nhưng ông Lợi cho biết là không có 2 loại thuế đó.
“Trong Yên Thành không có thuế ngân sách giao thông cũng như thuế lao động sống, thông tin đó không có.”
Còn nhiều chính quyền cấp xã lại bảo là do dân đóng góp tự nguyện.
Đại diện UBND xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu cho biết:
Những khoản này đều được dân thống nhất, thông qua dân, đóng góp tự nguyện là chính.
Tình trạng thu thuế nông nghiệp quá nặng và vô lý đang làm người dân bất mãn. Bên cạnh đó việc chưa thống nhất được với nhau giữa cơ quan chính quyền từ huyện xuống xã trong những khoản thu đối với nông dân khiến nhiều nông dân hoang mang.
Xưa kia nông dân than thở phải bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời; nay họ còn phải nai lưng ra đóng góp những khoản phí cho địa phương mà thường nông dân không biết rõ có được sử dụng cho phúc lợi dân nghèo hay không!

Truyền thông lề phải:" Nỗi lòng biết tỏ cùng ai"(*)?

Quang Nguyên-23-08-2016

(VNTB) - “Một bộ phận không nhỏ” công chức bị bóp mồm, hay tự bóp miệng nói, chỉ còn miệng ăn, nhậu. Đôi lúc lương tâm của những người này tỉnh ngủ, chỉ muốn "ẳng lên một tiếng" nhưng lại nghe như tiếng nhóp nhép nhai lại. Đáng thương!


Sự ra đi đột ngột bởi một sát thủ chưa xác định của 3 đồng chí, đồng hội, đồng thuyền: Bí Thư, chủ Tịch HDND thành phố Yên Bái và ông Chi Cục Trưởng Chi Cục Kiểm Lâm là một mất mát to lớn của đảng v..v như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, hay là một "cơn bão lòng" của nhân dân Yên Bái như bà chủ tịch UBND tỉnh này phát biểu. Nhưng truyền thông, truyền hình và báo chí lề phải của Việt Nam chỉ được đưa tin như về một cơn bão trong ly nước.

Một vụ ám sát nghiêm trọng, hai người đứng đầu tỉnh và người thứ ba cũng là một cán bộ quan trọng của tỉnh đã chết. Từ trước đến nay chưa bao giờ ở VN có vụ án đặc biệt như vậy, trên thế giới hình như cũng chưa có vụ tương tự, thế mà tin tức chỉ rộ lên được 3 ngày rồi đến hôm nay, thứ Bẩy 20/8 đã không còn được thấy trên mặt báo. Những vụ sát thủ máu lạnh như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa, kể cả vụ hai kẻ bắt trộm chó bị đánh, một chết một trong thương, báo chí đã tranh nhau đưa tin, ngày này qua ngày khác, báo bán như tôm tươi.

Báo chí nước nào cũng vậy, các phóng viện ở đâu cũng vậy, những vụ án kiểu như "cơn bão lòng" này là cơ hội cho họ trổ hết tài để tìm kiếm thông tin, để đưa tin nóng hổi đến mỗi buổi ăn sáng cho độc giả. Thông tin vụ án có bị cố tình bưng bít thế nào, báo chí cũng cố khui ra trình làng, đó là nhiệm vụ của phóng viên. Tin phải nhanh, chính xác, rõ ràng, đầy đủ và khách quan. Càng điều tra đến nơi đến chốn, càng khui được các uẩn khúc tối tăm chừng nào càng chứng tỏ tài năng, phẩm chất của phóng viên.

Hầu hết phóng viên truyền thông "lề phải" Việt Nam làm tốt việc tin phải nhanh, khui được các uẩn khúc tối tăm  qua các vụ án hình sự xảy ra hàng ngày và nhan nhản khắp nước. Vì các vụ cướp, hiếp, giết có tính phổ biến ở VN, nên các phóng viên càng thi nhau chứng tỏ nghiệp vụ, "tìm đến ngọn nguồn của sự thật", có được nhiều chi tiết giật gân càng tốt (đây không nói về nguồn tin cung cấp, người viết đúng hay dựng chuyện) để mua nước mắt sụt sùi của mấy chị bán dưa lê, trát thêm máu đỏ cho tờ báo, câu thêm độc giả và quảng cáo. Chẳng đáng trách vì đấy cũng là một phần "nghề của chàng", phần thêm cá thịt cho nồi cơm gia đình. Các vụ án tham nhũng bị đưa ra tòa, báo chí cũng cố luồn lách tiếp cận những thông tin đáng chú ý. Thế nhưng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở Yên Bái, chưa hề có vụ nào như thế xảy ra, một vụ rất đáng thử tài của phóng viên, một vụ có thể làm nổi tiếng một cách chính đáng cho mình thì các anh chị phóng viên đang phải ngậm hột thị. Người đọc báo chỉ thấy chuyện vụ án hai, ba ngày, với các tin, chi tiết giống y xì nhau trên các trang báo. Sau tin lễ an táng hai vị lãnh đạo không còn thấy tin gì về ba người trong vụ. Y như một vở kịch bị kéo màn!

Người đọc tự hỏi:

Nhà báo VN vô cảm, không lưu ý đến vụ việc?

Nhà báo Việt Nam coi vụ này nhẹ tựa lông hồng, không đám để ý, không coi là tin như chó cắn người? Hay là tin không quan trọng?

Các nhà báo VN coi vụ này không được xã hội lưu tâm?

Đây không phải loại tin dễ câu khách?

Đây là loại tin dễ đụng chạm? Tránh voi chẳng xấu mặt.

Các nhà báo VN thấy đây không là sự đau buồn của nhân dân cả nước?

Tại sao và tại sao…

Nhà báo Việt Nam được đào tạo bài bản từ nhà nước, ăn lương nhà nước. Một vài người "là nhà báo nhưng cũng được", "là đảng viên nhưng cũng khá", nhưng nhiều người từng nhúng tay vào những vụ đánh hội đồng, theo lệnh nhà nước, số đối tượng đã mất lòng đảng, nhất là đối tượng chống đảng, phản cách mạng. Chuyện đưa tin sai sự thật, thêu dệt, bịa chuyện không khó thấy trong làng báo VN, thậm chí nhà báo còn hành xử không khác bọn Mafia tống tiền, đòi phong bao người khác, ngay cả các doanh nghiệp nhà nước, bằng đủ loại hình thức.

Ai cũng biết nghề báo là nghề nguy hiểm, người chọn nghề báo cũng "dễ chết". Nhượng Tống, Từ Chung, Chu Tử cả ba đều bị ám sát, hai chết , một may mắn thoát được, rồi sau di tản cũng nhận trái B40 bắn theo, ra đi mang hận ngàn thu. Các nhà báo VN dù chỉ được đào tạo qua trường lớp quốc doanh, hầu hết đã bước vào nghề bằng một bầu nhiệt huyết cống hiến, có lẽ đã từng hẹn với lòng sẽ có ngày:"Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo"(**), nhưng như cây quýt trồng nơi này thì ngọt, nơi kia thì chua, cái thổ nhưỡng, môi trường họ được ươm, trưởng thành đã biến họ, nếu may mắn còn giữ được lương tâm, thành những con người đáng thương, những nhà báo công chức chỉ biết làm theo lệnh trên. “Một bộ phận không nhỏ” công chức bị bóp mồm, hay tự bóp miệng nói, chỉ còn miệng ăn, nhậu. Đôi lúc lương tâm của những người này tỉnh ngủ, chỉ muốn "ẳng lên một tiếng" nhưng lại nghe như tiếng nhóp nhép nhai lại.

Đáng thương!


(*), (**) Chinh Phụ Ngâm

Tiếng nổ Yên Bái: Đảng bước tới ngưỡng cửa của súng đạn

Đào Đức Thông-23-08-2016

(VNTB) - Phát pháo ấy, ít nhất, cho thấy nó từ chối mọi phê bình và tự phê, mọi kỉ luật, ý thức chính trị, và cả pháp luật. Và nó sẽ lan tràn. Không cần phải kiểm điểm, giải trình, khiếu nại, xử lý. Cuộc đấu tranh âm ỉ trong chính nội bộ hệ thống quyền lực độc tài đã bước tới ngưỡng cửa bạo lực súng đạn.


Vào lúc 7 giờ  45 sáng ngày 18 tháng 8 năm 2016, súng đã đi thẳng vào trụ sở Tỉnh ủy Yên Bái ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Việt Nam; khạc lửa đúng ba phát, đoạt ngay tức thì ba mạng người, trong đó có hai mạng người đứng đầu hệ thống đảng bộ tỉnh gồm Bí thư tỉnh ủy  Phạm Duy Cường và Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn. Nói như lời của bà Phạm Thanh Trà - Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái còn sống sót là “súng nổ do bão lòng”.

Có một sự khá lạ là câu chuyện súng nổ chết 3 quan chức của tỉnh Yên Bái lại làm cho nhân dân trong và ngoài tỉnh muốn ăn mừng. Một việc hết sức lạ lùng và nghiệt ngã!

Có vẻ nhiều người dân Việt Nam muốn tin tiếng súng nổ vào hai quan chức đứng đầu tỉnh Yên Bái là tiếng súng nổ vào hệ thống quyền lực độc tài do đảng CS cai trị đang chứa đựng lắm bất bình trong đời sống xã hội Việt Nam.

Lâu nay đã có nhiều cảnh báo về hiện tượng này, bây giờ là  máu đổ từ chính những “đồng chí” trong cùng hệ thống.

Các đồng liêu của nạn nhân đang đổ dồn vào niềm tin, sát nhân cũng là một đồng liêu của họ - Đỗ Cường Minh, quan chức đứng đầu ngành kiểm lâm của tỉnh.

Nhưng Đỗ Cường Minh lại được nhận định là một người lành hiền, có một gia thế thuộc hàng "quý tộc".

Mọi lý giải nguyên nhân của vụ án nổ súng ở Yên Bái hiện vẫn chỉ là suy đoán. Chúng ta hãy chờ đợi kết luận có lý nhất từ cơ quan điều tra. Hãy tin, như lời ông Nguyễn Xuân Phúc- thủ tướng chính phủ Việt Nam chỉ đạo ngành công an, sớm làm rõ và công khai với nhân dân.

Đạn trong khẩu K59 của nghi phạm Đỗ Cường Minh cũng đã nhả. Tiếng dội của nó chắc không khác những phát đạn bình thường. Nhưng dội vào tâm trạng xã hội Việt Nam thì nó có thể là một phát pháo hiệu của sự sụp đổ chế độ.

Phát pháo ấy, ít nhất, cho thấy nó từ chối mọi phê bình và tự phê, mọi kỉ luật, ý thức chính trị, và cả pháp luật. Và nó sẽ lan tràn. Không cần phải kiểm điểm, giải trình, khiếu nại, xử lý. Cuộc đấu tranh âm ỉ trong chính nội bộ hệ thống quyền lực độc tài đã bước tới ngưỡng cửa bạo lực súng đạn.

Bất bình có thể được nung nấu thành thù hận

Một tâm lý cực kỳ nguy hiểm là người ta có thể những tin, những mong bạo lực sẽ tạo dựng một cảnh tượng hả hê.

Cuộc chỉnh trị hệ thống cai trị tại Việt Nam đang được gióng trống trận.

Tiếng trống giòn giã, thôi thúc, dù có khí thế thì cũng khó chết ai. Nhưng tiếng súng thì khô khốc, đầy chết chóc.

Chỉ có thể tước đoạt khả năng nổ súng bằng chính niềm tin của người dân vào khả năng duy trì công lý, loại bỏ bất bình ngay từ chính những nơi có xung đột của lòng người và hệ thống quyền lực.

Nói như Ức Trai ngày xưa, là làm cho "khắp thôn cùng, ngõ vắng không còn tiếng hờn giận, oán sầu" của dân. Khó thật!

Muốn người dân xót thương khi người làm lãnh đạo đảng, chính quyền chết, thì hãy để nhân dân thực sự được tự do lựa chọn bầu người mà họ yêu quý, tin tưởng lên làm lãnh đạo và được quyền phế truất kẻ không còn xứng đáng ở vị trí lãnh đạo.

"Lẳng lặng mà nghe họ bắn nhau
Bắn nhau vì lẽ có thù sâu
Phen này ông quyết buôn áo giáp
Ông Bự, ông To chỉ định thầu.

Lẳng lặng mà xem họ giết nhau
Nội tình mâu thuẫn chắc từ lâu
Nay đà đến lúc nên dùng đạn
Ông Nọ, ông Kia phải rút đầu.

Lẳng lặng mà nghe thiên hạ chê
Người đăng phây búc, kẻ hả hê.
Làm nhân đạo lý luôn chia sẻ .
Kẻ chết làm sao chúng mới trề".

(Phỏng theo thơ Chúc Tết của cụ Tú Xương)

Thảm trạng đất nước và mấy khả năng lựa chọn

Bùi Minh Quốc-23-08-2016

(VNTB) - Lựa chọn của tập đoàn cầm quyền? Lựa chọn của người dân?


Thảm trạng đất nước đã quá rõ. Chính trị, kinh tế lệ thuộc Trung Quốc. 90% dự án Trung Quốc trúng thầu, nhưng họ đưa công nghệ rác vào và dây dưa tiến độ thi công, đội vốn phi lý. Hàng loạt điểm trên khắp đất nước xuất hiện người lao động Trung Quốc và hình thành những khu dân cư khép kín của họ mà chính quyền VN không kiểm soát nổi. Môi trường bị ô nhiễm độc hại do xả thải từ phần lớn các khu công nghiệp có yếu tố Trung Quốc. Biên giới phía bắc bị mất đất với diện tích bằng một tỉnh Thái Bình. Biển Đông nóng lên từng ngày vì Trung Quốc bắt cướp giết hại ngư dân Việt Nam, đồng thời ráo riết tạo lập các bãi đá chiếm đóng trái phép ở Trường Sa thành căn cứ quân sự. Việc nội trị thì nợ công chồng chất, hầu như không còn tiền để đầu tư phát triển, làm ra đến đâu lo trả nợ không xuể.

Một tình trạng khủng hoảng toàn diện đã hiển hiện.

Đất nước đang gần kề tình trạng mất hiểm soát. Rất nguy hiểm cho mọi tầng lớp, kể cả giới cầm quyền.

Bây giờ phải lựa chọn thế nào để thoát ra khỏi khủng hoảng ?

Tất cả những ai tự thấy mình có trách nhiệm với đất nước phải cùng nhau ra sức

-         Vận động tập đoàn cầm quyền hồi tâm tĩnh trí, thức thời lựa chọn biện pháp ngừng đàn áp các cuộc đấu tranh ôn hoà của người dân. Tiếp tục đàn áp chỉ càng dấn sâu vào con đường tự sát về chính trị và văn hoá. Vận động từng thành viên trong tập đoàn lãnh đạo tối cao, đặc biệt tập trung vận động người đứng đầu bắt tay vào cải cách thể chế chính trị với một lộ trình và bước đi thích hợp, trước hết là trả món nợ các quyền tự do cơ bản của công dân.

-         Vận động các tầng lớp nhân dân tự tập hợp thành tổ chức với mọi kiểu dạng tiến hành đấu tranh đòi món nợ quyền dân. Cuộc đấu tranh đòi làm sạch môi trường của giáo phận Công giáo Vinh đang tiến hành là một kiểu mẫu đấu tranh có tổ chức, có lãnh đạo và đạt hiệu quả ngày càng cao.

-         Vận động các đảng viên, trước hết là các quan chức đã nghỉ hưu cùng các công dân – cử tri tích cực chủ động đến dự các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu quốc hội, đề ra các yêu cầu và chất vấn đại biểu có biện pháp giải quyết các yêu cầu đó. Và không chỉ trong các cuộc tiếp xúc định kỳ mà xác lập  thường xuyên mối gắn kết giữa đại biểu với công dân – cử tri,  dấy lên phong trào công dân – cử tri bám sát đại biểu tạo áp lực buộc đại biểu phải rốt ráo thực hiện trách nhiệm để quốc hội sớm trả món nợ quyền dân cho công dân.

-         Vận động các tổ chức của người Việt ở nước ngoài cùng các tổ chức quốc tế hỗ trợ tinh thần và vật chất cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.


Chỉ có như vậy mới tránh được hỗn loạn mất kiểm sát để thoát ra khỏi khủng hoảng một cách ôn hoà êm thuận.

Đà Lạt tháng 8/2016

Một thành phố ở Úc biểu quyết treo cờ VNCH

Người Việt Nam đi biểu tình tại Úc với cờ vàng ba sọc đỏ thời VNCH. (Hình: lyhuong.net)
Người Việt Nam đi biểu tình tại Úc với cờ vàng ba sọc đỏ thời VNCH. (Hình: lyhuong.net)
MELBOURNE, Úc (NV) – Hôm Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016, thành phố Yarra sẽ biểu quyết cho phép hay không cộng đồng người Việt Nam ở đây treo cờ VNCH kỷ niệm “Ngày Quân Lực VNCH 19 tháng 6.”
Hội đồng thành phố Yarra sẽ biểu quyết theo lời yêu cầu của cộng đồng người Việt Nam tị nạn Cộng Sản tại địa phương muốn được treo cờ VNCH ở tòa thị chính Collingwood hay Richmond, báo Herald Sun tường thuật vụ việc với sự phản đối của Lãnh Sự Quán CSVN.
Thành phố Yarra là một thành phố phụ cận thành phố Melbourne, có khoảng 86,500 cư dân, theo thống kê hồi năm 2015, trong đó gần 30% là những người có nguồn gốc sinh đẻ từ nước ngoài gồm rất đông người Việt Nam.
Như những lần chống đối cộng đồng người Việt Nam treo cờ VNCH trước đây, tòa Ðại Sứ CSVN tại Úc đã gửi thư cho Hội Ðồng Thành Phố Yarra kêu gọi chính quyền địa phương “có biện pháp mạnh mẽ ngăn cấm việc (người Việt Nam tị nạn Cộng sản) xin treo cờ.”
Ðại diện CSVN tại Úc gọi đơn xin phép treo cờ của cộng đồng người Việt tại địa phương là “bất hợp pháp” của “một nhóm người…”
Ðể hậu thuẫn cho việc vận động Hội Ðồng Thành Phố Yarra biểu quyết thuận lợi, bà Nguyễn Phượng Vỹ, thay mặt ban chấp hành Cộng Ðồng Người Việt Tự Do tại bang Victoria đã kêu gọi cộng đồng “đến tham dự phiên họp ngày 23 tháng 8, lúc 6 giờ 30 tối tại trụ sở HÐTP 333 Bridge Rd, Richmond.” Bởi vì “sự tham dự đông đảo của đồng bào sẽ giúp thuyết phục các nghị viên ủng hộ yêu cầu của chúng ta.”
Hồi tháng 10 năm ngoái, thị xã Maribyrnong, phụ cận Melbourne, cũng đã thông qua một kiến nghị của cộng đồng người Việt Nam tại địa phương, cho phép treo Cờ Vàng VNCH trong những dịp lễ đặc biệt.
Cờ Vàng đã được xem là một biểu tượng đại diện cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại sau năm 1975. Cờ Việt Nam Cộng Hòa xuất hiện trong các buổi lễ lớn của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Ngày 19 tháng 2, 2003 thành phố Westminster, quận Cam, California là thành phố đầu tiên ra nghị quyết công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của người Việt Nam tị nạn tại địa phương.
Kế đến là thành phố Garden Grove, cũng ở quận Cam, rồi lan sang các thành phố khác. Cho đến năm 2011, phong trào vận động công nhận cờ vàng đã thành công tại 14 tiểu bang, 7 quận hạt, và nhiều thành phố Hoa Kỳ nơi có người gốc Việt sinh sống, đặc biệt là tiểu bang California với số người Việt Nam đông đảo nhất.

Người Việt Nam tị nạn Cộng Sản ở Úc tuy không nhiều bằng ở Hoa Kỳ nhưng sinh hoạt chính trị, giữ bản sắc và căn cước của người tị nạn Cộng Sản cũng hăng hái không kém. (TN)

Nổ súng Yên Bái: việc Đảng hay việc dân?

Nguyễn An Dân Gửi tới BBC từ TPHCM 

22 tháng 8 2016 

Image copyrightEPA
Image captionThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nạn nhân tại bệnh viện
Tôi im lặng ba ngày là để tôn trọng nỗi đau của gia đình nghi can, gia đình các nạn nhân đã tử vong.
Ai cũng là con người, dù người nằm xuống có sai trái hay ra sao thì cũng nỗi buồn đau của người thân nhân ở lại cũng cần được tôn trọng.
Chúng ta đang ở trong thời bình chứ không phải thời chiến, tiếng súng nổ thanh toán nhau một cách công khai như thế cũng là điều không nên khuyến khích dù đến từ tư duy nào.

Nói về nghi can Đỗ Cường Minh

Trước tiên, quan sát trong mấy ngày qua, thấy có nhiều người tán dương hành động của nghi can Đỗ Cường Minh, thậm chí gọi ông ấy là anh hùng, theo tôi thì không đúng và cũng không nên quan niệm như thế.
Tôi có thể thông cảm với ông Minh chứ không thể tán dương ông Minh, hai cảm xúc đó cần phân biệt rõ ràng với nhau.
Bất chấp động cơ gây án là gì, mâu thuẫn cá nhân hay mâu thuẫn quan trường… dẫn đến phải thanh toán nhau thì từ một tới ba ông cũng đã sai, lại thanh toán nhau, nghĩa là dùng cái sai này đi giải quyết kết thúc cho những cái sai khác, là việc cộng đồng không nên khuyến khích.
Bây giờ ông Minh đi rồi, những nỗi uất ức vì oan ức (nếu có) của ông ai sẽ thanh minh cho ông, một khi sự minh bạch, công khai của thể chế là điều mà dư luận hay chỉ trích là còn yếu ở Việt Nam. Ai sẽ thay ông Minh đấu tranh để giữ công bằng cho thân phận của ông (nếu có), ai hiểu bản chất sự việc và đầy đủ thông tin như chính ông?

Nói với người dân chủ

Ở những người đang tranh đấu dân chủ thì theo tôi càng không nên khuyến khích hay cổ động cho những tư duy như ông Minh, mà là chúng ta chỉ nên cổ động những người đang ở trong hoàn cảnh như ông Minh đứng ra thừa nhận cái sai (nếu bản thân có) và dựa vào nhân dân, cùng với nhân dân và những đảng viên tiến bộ tranh đấu vạch ra cái sai của hệ thống mà ông ấy đang công tác để đòi công lý-công bằng cho mình (nếu bị oan khuất theo giả định của quần chúng là “quít làm cam chịu") dựa trên đạo đức-pháp luật và quy tắc ứng xử xã hội.
Tư duy đối lập phải xây dựng trên tư thế hợp pháp. có như vậy mới đủ sức thuyết phục quần chúng đi theo. Chúng ta không nên và không thể vì cổ vũ dân chủ mà ủng hộ những việc làm phi pháp và sai trái đạo lý như vậy.
Nếu khuyến khích việc đòi công bằng- công lý của một cá nhân bằng những phát súng thì sẽ mãi mãi không bao giờ có hòa bình và công lý vì ai cũng có những uất ức cá nhân của mình người khác, với thể chế và với xã hội, ngay cả ở xứ sở dân chủ tốt như Mỹ.
Nhìn rộng hơn, nếu một nền dân chủ được tái lập sau những phát súng thì nhân dân là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất. Lúc đó trách nhiệm nằm ở tất cả các nhân tố tham gia dùng vũ trang để tranh giành quyền lực với nhau.
Chúng ta phát ngôn là chủ trương ôn hòa bất bạo động nhưng vì sao chúng ta cổ vũ các phe khác bạo động ? Như vậy quần chúng có tin là chúng ta sẽ bất bạo động hoàn toàn hay không ?

Nói về Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng phải có trách nhiệm vì thiếu giám sát nội bộ. Việc ông Minh hành động như thế trong khi bản thân ông ta là người thành đạt (đủ sức cho con đi du học và mua nhà ở nơi này nơi kia) chứng tỏ đây là mâu thuẫn tích tụ lâu dài, không phải vì bế tắc cuộc sống mà làm càn.
Thêm nữa, gia đình ông Minh là gia đình cán bộ nòi (cha vợ là cựu bí thư tỉnh ủy, vợ là cán bộ lãnh đạo đoàn thể), ông là quan chức hàm trưởng phòng, không thể không biết pháp luật và quy chế của Đảng, nhưng ông Minh ứng xử như vậy chứng tỏ ông không còn tin vào pháp luật (do Đảng vận hành) và quy chế xử lý sai phạm trong nội bộ Đảng nữa.
Quan chức Đảng mà còn không tin Đảng sẽ bảo vệ được mình, thì nhân dân liệu còn tin Đảng sẽ bảo vệ được mình vào bảo vệ được đất nước?
Image captionVụ Yên Bái gây chấn động xã hội
Đảng cũng đừng trách nhân dân vì sao bày tỏ “niềm vui hể hả”, đã từ lâu rồi dưới sự cầm quyền của đảng, khi quan chức ra quyết định chính trị thì chưa hẳn là lợi ích của đất nước, nhân dân và dân tộc được cân nhắc, xem trọng hàng đầu ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực…
Dù trong Đảng có nhiều người tốt và nhiều người không tốt, nhưng Đảng là đảng chung của mọi đảng viên, nên đừng trách sao nhân dân khi bày tỏ cảm xúc thì họ phản cảm hết toàn bộ Đảng.
Nhân dân không chỉ cần cơm ăn áo mặc như ông Hồ Chí Minh đã nói, mà nhân dân là nơi sinh ra và nuôi dưỡng chính quyền, nhân dân còn muốn giám sát và chế tài chính quyền nếu chính quyền có sai trái. Nhân dân là ông chủ, chính quyền là đầy tớ, trong việc này đầy tớ tự làm tự sai chứ ông chủ không xúi giục, thì ông chủ cười vài tiếng cũng là cái có thể hiểu được
Bí thư đương nhiệm, chủ tịch HĐND đương nhiệm (hai nạn nhân) cũng phải chịu trách nhiệm trong chính cái chết của mình, cùng với cha vợ nghi can là nguyên bí thư tỉnh ủy Yên Bái. Các báo cáo tổng kết đánh giá tỉnh ủy Yên Bái là đảng bộ trong sạch vững mạnh hàng năm do các vị ấy ký thông qua chính là góp phần lớn dẫn đến thảm họa hôm nay.
Chuyện các quan chức có đảng tịch thanh toán nhau kiểu xã hội đen không mới và càng ngày càng lên cao về cấp bậc và chức vụ cho thấy khủng hoảng chính trị trong Đảng càng ngày càng sâu sắc và trầm trọng.
Nó cũng cho thấy Đảng không thể dùng các quy trình và cơ chế như lâu nay để giải quyết mà phải có sự thay đổi triệt để từ tư duy và đến hành xử quản trị trong nội bộ Đảng và ra ngoài xã hội mới hi vọng giải quyết tận gốc vấn đề
Quan chức cấp tỉnh (trung cấp) nếu đã có ngày dùng một tay súng để xử nhau thì không thể loại trừ nguy cơ quan chức cấp cao (trung ương) sẽ dùng nhiều tay súng để loại nhau, đó là điều không ai mong muốn, nhưng nguy cơ hóa ra là có thật.
Đảng cần nhớ chuyện của Đảng không còn là của Đảng, vì Đảng lãnh đạo xã hội, nên chuyện của Đảng còn là chuyện của dân và ảnh hưởng đến dân.
Mong hương hồn những người đã khuất yên nghỉ và những người đang thụ lý xử lý vụ án này vì bình yên của xã hội, vì an ninh của đảng và của chính bản thân mình về sau mà xử lý công khai, minh bạch, đúng pháp luật, công bố rõ ràng tiền căn hậu quả với nhân dân.
Chúng ta cần nhớ là trong ngắn và trung hạn, nếu Việt Nam hỗn loạn thì chỉ có Trung Quốc đủ sức ảnh hưởng tiếp và hưởng lợi, chính Mỹ đã nhiều lần lưu ý rằng Mỹ không muốn thấy Việt Nam hỗn loạn lúc này.
Vì Việt Nam lúc này chưa có bất kỳ hiệp ước bảo hộ- liên minh với bất kỳ người bạn lớn nào, thì việc xảy ra bạo loạn vũ trang tên bay súng nổ chỉ làm đất nước thêm suy yếu, và những âm mưu đang bành trướng – đồng hóa từ thế lực thù địch của đất nước-dân tộc sẽ tận dụng điều này để thúc đẩy nó mạnh thêm.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, sống tại Sài Gòn.