Tuesday, August 7, 2018

Người biểu tình chống Luật Đặc khu bị dọa nhốt chung với phạm nhân HIV/AIDS

Khánh An-VOA/07/08/2018 
Tòa án ở Biên Hòa, Đồng Nai, xét xử 20 người biểu tình phản đối dự luật đặc khu vào ngày 30/7/2018.
Tòa án ở Biên Hòa, Đồng Nai, xét xử 20 người biểu tình phản đối dự luật đặc khu vào ngày 30/7/2018.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người tư vấn cho 11 trong số 20 người bị kết án vì tham gia biểu tình chống dự luật Đặc khu ở Đồng Nai, hôm 7/8 gửi đơn lên cơ quan hữu quan, đề nghị kiểm tra, giám sát và xử lý việc nhiều thân chủ của ông tố cáo họ bị quản giáo ngăn cản kháng cáo và đe dọa sẽ “nhốt chung với những người bị bệnh HIV” nếu không nghe theo.
Trước đó trong phiên xử sơ thẩm vào ngày 30/7, Tòa án Nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tuyên án 20 người tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6 chống dự luật Đặc khu và An ninh mạng các mức án tù từ 8 – 18 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Bị đe dọa
Sau phiên xử, gia đình của 11 trong số 20 người đã đến nhờ LS. Đặng Đình Mạnh tư vấn về thủ tục kháng cáo. LS. Mạnh cho VOA biết thêm vào ngày 7/8:
“Cách đây khoảng ba ngày, chúng tôi liên tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ gia đình họ cho biết những người đang bị giam bị cán bộ quản giáo đe dọa là không được phép kháng cáo. Nếu kháng cáo, sẽ đưa họ qua giam chung với những người bị bệnh HIV”.
Theo lời LS. Mạnh, những người bị đe dọa đều là nữ giới và đang bị giam tại Cơ sở giam giữ thuộc Công an TP. Biên Hòa.
Trong đơn gửi cho Ban chỉ huy của trại giam và Viện Kiểm sát, HĐND tỉnh Đồng Nai, LS. Mạnh nói ông không ông “không tự tiện suy diễn sự việc được thực hiện có hệ thống hoặc có chủ trương”, nhưng “sự phản ánh nhiều trường hợp về chung một sự việc của các gia đình bị cáo như vậy cho thấy đây không chỉ là hành vi đơn lẻ”.
Đơn của LS. Đặng Đình Mạnh
Đơn của LS. Đặng Đình Mạnh
Thân nhân của các nữ tù nhân đang bị giam giữ tại trại giam này cho VOA biết người thân của họ đang trong tình trạng rất sợ hãi. Có người còn trách gia đình rằng “Ở bên ngoài làm gì mà để cho bả [cán bộ trại giam] chửi em”, đồng thời yêu cầu gia đình “chạy tiền cho cán bộ”, với giá 4 triệu đồng, để không bị chuyển sang nhốt chung với người nhiễm HIV/AIDS.
Bất công
Cáo trạng của VKSND TP. Biên Hòa trong phiên sơ thẩm nói 20 người biểu tình đã “lấn chiếm hết lòng đường, ngăn cản các phương tiện lưu thông qua lại, gây ách tắc giao thông”, và “Mặc dù lực lượng công an đã phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ pháp luật, không được tụ tập thành đám đông trên đường nhưng đám đông đã không chấp hành mà tiếp tục quay lại ngã tư Lạc Cường chuyển hướng vào đường Dương Tử Giang”, trích báo Pháp Luật.
Tuy nhiên theo lời kể của một người dân, có người thân tham gia trong đoàn biểu tình bị bắt, thì họ đã bị công an dẫn vào con đường này để chặn bắt. Người dân không muốn nêu tên, vì lý do an ninh, kể lại với VOA:
“Hôm biểu tình là công an dẫn đường đấy chứ, tới ngã tư Lạc Cường thì đoàn biểu tình xin quay về hướng cũ, nhưng họ không cho. Họ kêu ‘Đi vào đường đấy đi, đường kia đang cấp cứu kẹt xe rồi. Nó dồn mình vào đường đó rồi bắt hết”.
Bản án tù đối với 20 người biểu tình ở Đồng Nai đã bị dư luận và một số tổ chức nhân quyền lên án. Theo LS. Đặng Đình Mạnh, việc “gán ghép” một bản án hình sự cho những người tham gia biểu tình là một điều rất bất công, khi họ chỉ đơn thuần thể hiện quyền biểu đạt đã được Hiến pháp quy định.
Ông phân tích: “Thứ nhất, họ không có hành vi gây rối. Hầu như tất cả họ khi tham gia biểu tình hôm đó thì mỗi người đều mang biểu ngữ ‘Phản đối Luật Đặc khu’, ‘Phản đối cho Trung Quốc thuê đất 99 năm’. Việc họ cầm các biểu ngữ đi trên đường là họ đang thực hiện quyền biểu đạt ý chí. Quyền biểu đạt ý chí thông qua một cuộc biểu tình là hoàn toàn hợp pháp theo luật pháp Việt Nam”.
Ngoài ra, theo LS. Mạnh, trong bối cảnh Việt Nam chưa đưa ra luật biểu tình thì không thể đánh giá hành vi biểu tình là có hợp pháp hay không.
Các cuộc biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng đã diễn ra rầm rộ trên khắp các tỉnh thành Việt Nam vào ngày 10/6, thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Hàng trăm người đã bị bắt và nhiều người bị kết án sau đó bằng các tội danh hình sự.
Trước sức ép mạnh mẽ của công chúng, Quốc hội Việt Nam đã quyết định hoãn việc thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp tới, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay.

‘Chủ trương lớn’ nhưng ‘sống chết mặc bay’

Theo VOA-Trân Văn06/08/2018
Một làng ngoại ô Hà Nội, 22 tháng Bảy, 2018. (Vietnam News Agency via AP)
 Một làng ngoại ô Hà Nội, 22 tháng Bảy, 2018. (Vietnam News Agency via AP)
Nhiều huyện thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn còn chìm trong nước – ở một số nơi, thời gian mà con người, nhà cửa, các loại tài sản, ruộng vườn, hệ thống giao thông,… bị ngâm trong nước đã tròm trèm nửa tháng. Đủ loại dịch bệnh đang bùng phát. Tin mới nhất không những không phải là tin vui mà còn làm thiên hạ nẫu lòng: Nhiều xã thuộc huyện Chương Mỹ - huyện bị ngập sâu, ngập lâu nhất – sẽ phải… sống chung với ngập lụt cho đến năm… 2020 vì… quy hoạch thoát lũ! Hồi cuối tuần trước, Chủ tịch huyện Chương Mỹ chính thức đề nghị di dân bốn xã trong huyện ra khỏi khu vực nằm trong… quy hoạch thoát lũ (1).
***
Tình trạng ngập lụt tràn lan cả ở ngoại thành lẫn nội thành Hà Nội và tính chất nghiêm trọng đạt tới mức chưa từng thấy, diễn ra đúng vào lúc chính quyền thành phố Hà Nội đôn đáo “Tổng kết mười năm thực hiện điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô”. Đầu tháng trước, tại một cuộc họp được tổ chức nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho báo cáo tổng kết mười năm mở rộng Hà Nội, Bí thư các huyện Ba Vì, Thạch Thất cùng khẳng định, mở rộng Hà Nội là chủ trương đúng đắn, giúp hai huyện này phát triển vượt bậc (2)… Song Trời không chịu… chứng, trong vòng chưa đầy một tuần, tính từ khi Bí thư các huyện Ba Vì, Thạch Thất ca ngợi chủ trương mở rộng Hà Nội “hợp lòng dân”, dân Ba Vì, Thạch Thất rên như bọng vì cả hai nằm trong nhóm các huyện thiệt hại đủ đường do mưa, lũ, lụt lội. Đã có không ít chuyên gia khẳng định, ngập lụt chỉ là một trong những hậu quả của qui hoạch mở rộng Thủ đô (3)!
Cách nay mười năm, giống như nhiều chuyên gia, nhân sĩ trong và ngoài Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt – cựu Thủ tướng Việt Nam – phản đối kịch liệt việc mở rộng diện tích Hà Nội từ 921 cây số vuông thành 3.324 cây số vuông. Trong một thư ngỏ gửi các đại biểu Quốc hội lúc ấy, ông Kiệt lên án chủ trương “mở rộng Hà Nội” vì quá vội vàng (“mở rộng Hà Nội” chỉ là ý tưởng nảy sinh trong quá trình thực hiện đồ án “Quy hoạch Vùng Thủ đô”, chưa nghiên cứu thấu đáo thì Thủ tướng lúc ấy – ông Nguyễn Tấn Dũng – đã đem ra… trình Quốc hội). Ông Kiệt nhấn mạnh, quy hoạch đô thị là một lĩnh vực đa ngành, tiếp cận và xử lý nhiều phạm trù tri thức, tác động nhiều chiều đến nhiều mặt của cuộc sống và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển chung của quốc gia, thành ra mở rộng đến đâu, mở rộng như thế nào, mở rộng để làm gì,… phải phối hợp nhiều ngành để nghiên cứu nghiêm túc mới mong có được một dự báo đủ căn cứ, đáng tin cậy, có viễn kiến. Ông Kiệt cảnh báo, thực tế “phát triển đô thị” ở Viẹt Nam trong thời gian vừa qua đã bộc lộ những khiếm khuyết, báo trước khả năng xảy ra “khủng hoảng đô thị” và kêu gọi các đại biểu Quốc hội lúc ấy ngẫm nghĩ, hành động thận trọng (4).
Thư ngỏ vừa kể được hệ thống truyền thông Việt Nam công bố rộng rãi vào đầu tháng 5 năm 2008. Ở đầu Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa 12 – diễn ra trong suốt tháng 5 năm 2008 – chỉ có 45% đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương “mở rộng Hà Nội”. Ngay sau đó, Đoàn Đại biểu của các địa phương tại Quốc hội liên tục họp để “quán triệt” về “chủ trương lớn – mở rộng Hà Nội” của Đảng. Ngày 29 tháng 5 – Nghị quyết “mở rộng Hà Nội” được đem ra biểu quyết lần thứ hai. Lần này, có 458/475 đại biểu… nhất trí, tỉ lệ tán thành khoảng 93% (5). Báo chí Việt Nam xem con đường đưa Nghị quyết “mở rộng Hà Nội” vào đời là… đầy kịch tính!
***
Sau mười năm thực hiện “chủ trương lớn – mở rộng Thủ đô”, báo giới Việt Nam ghi nhận, viễn cảnh về một đại đô thị trải dài từ tả ngạn sông Hồng đến cận vùng trung du phía Bắc đã kích hoạt một làn sóng đầu tư bất động sản lớn chưa từng có vào các khu vực được mở rộng thành… Hà Nội, tạo ra những cơn sốt đất ở nhiều nơi. Việc thu hồi hàng trăm ngàn héc ta đất để giao cho các dự án bất động sản đã khiến cuộc sống, sinh hoạt của 180.000 gia đình nông dân bị lộn ngược. Chỉ trong hai năm, từ 2011 đến 2012, hàng trăm dự án ở các khu vực, trước đây vốn thuộc tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc, nay thuộc Hà Nội trở thành chỗ “treo dự án” khiến cư dân địa phương mất sinh kế (5). Báo giới Việt Nam… quên ghi nhận, vì chỉ tiếp sức cho các dự án bất động sản, “chủ trương lớn – mở rộng Thủ đô” đã tạo nên những cuộc phản kháng chưa từng có ở Dương Nội (Hà Đông), Đồng Tâm (Mỹ Đức),…
Tháng giêng năm ngoái, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội, thú nhận: Quy hoạch Hà Nội nói chung, kể cả quy hoạch lõi đang chệch hướng! Việt Nam đang phải trả giá cho những… qui hoạch “băm nát Hà Nội” (6). Trên thực tế, nhiều ý tưởng về các đô thị vệ tinh được vẽ ra trên giấy, giờ vẫn nằm trên giấy trong khi những cánh đồng trù phú bị bỏ hoang vì chưa biết tới lúc nào các dự án bất động sản mới khởi động. Nhìn một cách tổng quát, “chủ trương lớn – mở rộng Thủ đô” chỉ tạo ra cơ hội cho một số cá nhân, một số nhóm trở thành đại phú, còn với số đông, “chủ trương lớn – mở rộng Thủ đô” trở thành đại họa vì chẳng có gì theo sau “chủ trương lớn” cả. Đến giờ này, những giới, những viên chức có liên quan đến qui hoạch vẫn còn vừa tranh cãi, vừa thử nghiệm các ý tưởng về quy hoạch mà trong số này có… quy hoạch thoát lũ cho… Thủ đô. Mười năm đã qua nhưng giới hữu trách vẫn chưa xác định được đâu là “triết lý phát triển” của Hà Nội: Xây dựng “đô thị nén” - tập trung phát triển hạ tầng ở khu vực trung tâm để tăng tải, hay theo đuổi mô hình “đô thị vệ tinh” - giãn dân từ nội đô ra bên ngoài!
Vào thời điểm chính quyền thành phố Hà Nội rầm rộ kỷ niệm mười năm “mở rộng Thủ đô”, ông Trần Huy Ánh – Kiến trúc sư, thành viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam – chia sẻ với VOV rằng, mười năm qua, Hà Nội chỉ rất thành công trong phát triển bất động sản, còn kết quả của chiến lược phát triển đô thị một cách bền vững thì rất hạn chế. Đường sá nhiều hơn nhưng không ai dám nói chuyện đi lại dễ dàng hơn. Hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được trước những thách thức của biến đổi khí hậu, chưa có kịch bản nào mang tính chiến lược trong vấn đề thoát nước. Các cao ốc mọc lên như nấm chỉ khiến người ta lo ngại nhiều hơn về sự cân đối của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội. Chẳng hạn trẻ em đến trường thiếu an toàn hơn cách nay mười năm, người ta mất nhiều thời gian hơn cho việc đưa trẻ đến trường. Nguy cơ lây nhiễm vì bệnh viện quá tải cao hơn. Trong mười năm qua, Hà Nội không có thêm công viên nào mới, công viên cũ thì bị tư nhân hóa, bị chiếm dụng, sử dụng bừa bãi. Không gian công cộng bị sử dụng tùy tiện và sai mục đích. Quy hoạch Thủ đô thường được điều chỉnh cục bộ nên xây xong rồi sửa... “Chủ trương lớn – mở rộng Hà Nội”, giới thiệu “qui hoạch đến 2030, tầm nhìn đến 2050” nhưng theo ông Ánh, Hà Nội thảm hại như hiện nay là do “tầm nhìn”. “Tầm nhìn” thể hiện năng lực quản trị. Ông Ánh hy vọng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết sẽ được minh bạch hóa để nhận tham vấn rộng rãi từ xã hội để tránh tình trạng cố làm mà không tính toán, cân nhắc (7)...
Dẫu chân thành nhưng hy vọng của ông Ánh và có lẽ cũng là hy vọng của nhiều người khác dường như hão huyền. Kết thúc hội thảo thu thập ý kiến cho dự tính “Tổng kết mười năm thực hiện điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô” diễn ra hồi đầu tháng trước, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, kết luận chắc nịch: Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa 12 về việc mở rộng Hà Nội là đúng đắn và Hà Nội đã thực hiện hiệu quả, thể hiện bằng kết quả phát triển toàn diện đã đạt được!
Dẫu đa số “chủ trương lớn” của Đảng đẩy Việt Nam tụt sâu hơn xuống đáy song đã có bao giờ Đảng tự nhận đã sai và gánh trách nhiệm?
Tuần trước, tờ Nhân Dân – Cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN – đăng bài “Mười năm sau, Hà Nội...”. Tác giả tâm tình, đại loại, giữa không khí tưng bừng kỷ niệm mười năm ngày mở rộng Hà Nội, ông vẫn thấy tiêng tiếc, và phân vân… Mười năm trước, Hà Nội chưa có đường Lê Văn Lương kéo dài. Bây giờ thì nơi ấy là một rừng cao ốc, mới đi đến đầu đường đã rùng mình khi nghĩ tới dòng xe cộ từ những tòa bê tông chồng chất một đống ấy kéo ra. Vào cuối những năm 2000, đôi khi người ta vẫn có cảm giác thong dong khi đi trên phố Nguyễn Tuân, bây giờ thì ai cũng muốn thoát khỏi đó thật nhanh để không bị cảm giác nghẹt thở vì bê tông như sắp đè lên đầu. Tương tự là những tuyến đường Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Vũ Trọng Phụng... Một thập niên trước, Hà Nội không nhiều tòa nhà “cao cao mãi” như bây giờ. Những khu đô thị một thời được coi là “đáng sống” như Linh Đàm, Trung Hòa - Nhân Chính chưa được “cấy” thêm nhiều cao ốc đến dày đặc. Và mười năm qua, những khu đô thị dọc tuyến đường 32 hay đại lộ Thăng Long thuộc vùng Hà Tây cũ vẫn dở dang, chưa biết bao giờ mới lấp đầy người ở. Cũng chưa ai thấy được những chuyển biến nào đáng kể của năm khu đô thị vệ tinh. Dân cư vẫn đều đặn đổ về nội đô cũ. Người Hà Nội vẫn coi tắc đường là người bạn cực kỳ khó ưa nhưng buộc phải làm thân, trừ khi trong phòng và đi ngủ. Theo tác giả, chả mấy nữa, Thủ đô sẽ lại kỷ niệm hai mươi năm ngày mở rộng. Mười năm nữa Hà Nội sẽ ra sao? Sẽ mở rộng thêm lần nữa, hay “trả về địa phương cũ” một số phần đất như từng xảy ra với Xuân Hòa? Ông ta kể đã từng hỏi không ít người về chuyện mở rộng hay thu hẹp. Câu trả lời chung là thế nào cũng được. Miễn là được ăn sạch, thở sạch và không tắc đường. Gần đây, nhiều người nói thêm cái đuôi “học thật” (8)...
Chú thích

Tàn bạo, thâm độc hơn thực dân

Theo VOA-Trân Văn/07/08/2018
Hình minh họa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa có thư khuyến cáo Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Việt Nam sớm đặt định các giải pháp hạn chế sử dụng bia, rượu.
Những thông tin mà ông Shin Young-soo, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO nêu ra không có gì mới (Lượng tiêu thụ bia, rượu ở Việt Nam không chỉ quá cao – mức cồn nguyên chất mà mỗi người Việt từ 15 tuổi trở lên sử dụng hàng năm trung bình là 8,3 lít – mà còn tăng rất nhanh – trong năm năm từ 2010 đến 2015 tăng khoảng 15%. Lạm dụng bia, rượu đã trở thành lý do dẫn tới nhiều vấn nạn trầm trọng về y tế, xã hội: Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 79.000 người chết vì rượu bia, hàng trăm ngàn người cần điều trị những chứng bệnh do bia, rượu gây ra. Bia, rượu gia tăng tai nạn giao thông, các vụ bạo hành. Bia, rượu ngốn từ 1,3% đến 3,3% GDP để giải quyết hậu quả) vì đã được các chuyên gia, báo giới Việt Nam lập đi, lập lại hàng chục năm! Điểm mới của thư khuyến cáo vừa kể chỉ là lạm dụng bia, rượu tại Việt Nam khiến WHO phải tiếp tục cảnh báo (1).
***
Nếu đã từng ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, người ta sẽ rất khó quên những gì mà chương trình giảng dạy văn học và lịch sử bậc phổ thông từng đề cập đến tội ác của thực dân Pháp trong giai đoạn Việt Nam bị đặt dưới sự bảo hộ của Pháp (1884 – 1945). Một trong những tác phẩm thuộc loại “kinh điển” về vấn đề này là “Bản án chế độ thực dân Pháp” do Nguyễn Ái Quốc (sau này trở thành Hồ Chí Minh, Chủ tịch đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) viết và công bố trong hai năm 1925, 1926.
Nguyễn Ái Quốc đã dành hẳn một chương (chương 2) trong 12 chương của “Bản án chế độ thực dân Pháp” để chứng minh, hệ thống công quyền của Pháp tại Đông Dương đã “đầu độc người bản xứ” bằng thuốc phiện và rượu. Theo Nguyễn Ái Quốc, chuyện không ngừng tăng sản lượng và mức tiêu thụ thuốc phiện, rượu vì “lợi ích tối cao của ngân khố”, số lượng đại lý phân phối thuốc phiện, rượu tại các địa phương gấp hàng trăm lần số lượng trường học là bằng chứng rõ ràng nhất về sự tàn bạo, thâm độc của hệ thống công quyền mà Pháp thiết lập tại Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Nguyễn Ái Quốc ví von, việc tổ chức sản xuất, phân phối thuốc phiện, rượu tại Đông Dương, khiến dân chúng Đông Dương trở thành “con nai béo mập bị trói chặt và đang hấp hối dưới những cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói mãi không thấy no” (2).
Cứ thử nhìn bia, rượu bằng nhãn quan… Nguyễn Ái Quốc, so sản lượng và mức tiêu thụ rượu trên dân số thời Việt Nam thuộc Pháp với sản lượng và mức tiêu thụ bia, rượu đã qui ra lượng cồn nguyên chất trên dân số tại Việt Nam hiện nay và so tương quan về số lượng các cơ sở phân phối rượu trên số lượng trường học thời Việt Nam thuộc Pháp với tương quan về số lượng các cơ sở phân phối bia, rượu trên số lượng trường học tại Việt Nam hiện nay, ai cũng có thể thấy, hệ thống công quyền Việt Nam tàn bạo, thâm độc hơn nhiều so với hệ thống công quyền của Pháp tại Đông Dương ngày xưa.
Có thể cũng vì cảm được điều ấy, cách nay năm năm, ông Nguyễn Quang Thân – một nhà văn – viết “Rượu ta nấu nó cho rượu lậu” (3). Ngoài việc dẫn một câu trong “Á tế Á ca” của cụ Phan Bội Châu vừa để làm tựa cho tâm sự của mình, vừa để so sánh, bình phẩm về chuyện bia, rượu xưa – nay, ông Thân còn dẫn “Tuyên ngôn Độc lập”, trong đó, ông Hồ Chí Minh chỉ trích thực dân Pháp không tiếc lời bởi: “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”!
Theo ông Thân: Cụ Phan lên án thực dân cấm dân để bán rượu của mình, Tuyên ngôn Độc lập lên án dùng “rượu cồn” (rượu không tốt) để làm nòi giống suy nhược. Cả hai sự lên án ấy đều đúng. Song còn một điều ít ai chú ý và thừa nhận. Đó là thực dân Pháp quản lý rượu rất chặt chẽ. Vì mục đích “cạnh tranh không lành mạnh” đồng thời cũng để đồng hóa luật giữa thuộc địa, bảo hộ bản xứ với chính quốc, nấu rượu không được phép là tội rất nặng có thể bị tù mọt gông. Thù ai chỉ cần quẳng vào nhà họ một vò rượu lậu là chủ nhân khuynh gia bại sản. Cái chặt chẽ nghiêm khắc ấy hạn chế được rất nhiều tệ uống rượu. Dù uống bất cứ loại rượu nào, nếu không kiềm chế mà đổ nghiện thì cũng tan nát đời trai và làm “nòi giống suy nhược” cả. Ngày nay tình hình uống rượu tệ hơn thời thuộc Pháp rất nhiều!..
So với thời điểm ông Thân viết “Rượu ta nấu nó cho rượu lậu” thì chuyện sản xuất, tiêu thụ bia, rượu ở Việt Nam tệ hơn năm 2013 rất, rất nhiều. Ngoài chuyện gia tăng sản xuất, tiêu thụ rượu bia, ở một số nơi như Hà Tĩnh, chính quyền cấp tỉnh còn buộc chủ các cơ sở kinh doanh ăn uống phải cam kết ưu tiên sử dụng, tích cực mời chào để người tiêu dùng uống “Bia Sài Gòn”, song song với việc chỉ đạo chính quyền nhiều xã, dùng hệ thống truyền thanh cổ vũ dân chúng uống “Bia Sài Gòn” vì đó là cách thiết thực “tăng thu ngân sách cho tỉnh nhà, chung tay xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới” (4).
***
Trong thư ngỏ vừa gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Việt Nam, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO đề nghị chính phủ Việt Nam cố gắng trình Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia để Quốc hội Việt Nam khóa này xem xét tại Kỳ họp lần thứ sáu, sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Chẳng phải tự nhiên mà ông Shin Young-soo nêu ra đề nghị hết sức cụ thể như vậy.
Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đang bị chỉ trích kịch liệt vì dự trù đặt định một số giải pháp nhằm giảm mức tiêu thụ bia, rượu (ấn định địa điểm, thời điểm được phép mua – bán bia rượu…). Phía chống đối Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia mạnh mẽ nhất tất nhiên là Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA). Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, cảnh cáo, dự luật có nhiều nội dung vừa làm ngân sách thất thu, vừa khiến người dân tìm mọi cách để lách luật, nhậu “chui” nhiều hơn. Ông Việt nhấn mạnh, sản xuất và kinh doanh bia, rượu đóng góp cho ngân sách khoảng 50 ngàn tỉ đồng/năm và tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Vậy mà Dự luật Phòng chống tác hại rượu, bia không ghi nhận những đóng góp tích cực của ngành sản xuất – kinh doanh bia, rượu, cũng như chưa làm rõ được các ảnh hưởng tiêu cực khi dự luật này thành luật. Theo ông Việt, phần lớn tác hại của bia, rượu đến từ rượu dân tự nấu, rượu giả, rượu lậu. Không thể đánh đồng vì không công bằng cho các doanh nghiệp đang đóng góp tích cực cho ngân sách.
Theo hướng đó, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch VBA, lưu ý, tổng giá trị của thị trường bia, rượu bất hợp pháp (rượu dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ) hiện vào khoảng 910 triệu Mỹ kim và hoạt động của thị trường này khiến ngân sách thất thu khoảng 441 triệu Mỹ kim. Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vừa có thể kích thích bia, rượu giả, buôn lậu rượu, bia phát triển, vừa khiến nhiều người thất nghiệp và hệ thống công quyền phải lo cho đối tượng này (5)!?.
Với Việt Nam, sức khỏe cộng đồng, đạo đức – tinh thần xã hội và ngân sách, thứ nào quan trọng hơn? Thực tế cho thấy, đến nay, cái sau luôn luôn quan trọng hơn cái trước, còn trong tương lai, muốn biết thứ nào quan trọng hơn thì phải chờ số phận Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và diện mạo thực của dự luật này khi nó trở thành luật.

Chú thích

Đồng hành cùng tù nhân chính trị Nguyễn Trung Trực

Le Anh FB 
Hội Anh Em Dân Chủ vừa trải qua một năm đầy ắp sự biến động và với biết bao những thử thách.
Xu hướng đàn áp thô bạo từ phía nhà cầm quyền đã được leo thang nghiêm trọng. Cụ thể, chỉ trong một năm vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành bắt giam và khởi tố hàng loạt lãnh đạo của Hội Anh Em Dân Chủ theo điều 79-BLHS, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.
Đến nay, hàng trăm năm tù và quản chế đã được nhà cầm quyền CSVN tuyên phạt các lãnh đạo đạo của Hội thông qua những phiên tòa bỏ túi lén lút.
Và tới đây, sẽ có thêm một lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ là anh Nguyễn Trung Trực sắp bị đem ra xét xử sơ thẩm.
Theo thông tin từ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại Quảng Bình vào ngày 17/8/2018 sẽ diễn ra phiên tòa xét xử anh Nguyễn Trung Trực tại tòa án tỉnh Quảng Bình – địa chỉ đường Trần Quang Khải, thành phố Đồng Hới, tình Quảng Bình.
Tù nhân chính trị Nguyễn Trung Trực
Anh Nguyễn Trung Trực là trưởng Ban điều hành Chi hội miền Trung kiêm Phát ngôn nhân của Hội Anh Em Dân Chủ. Kể từ khi tham gia Hội, anh Trực đã cùng với các thành viên Hội AEDC nỗ lực với mục tiêu đấu tranh bảo vệ các quyền con người, vận động cho một xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh.
Bên cạnh đó anh Nguyễn Trung Trực rất tích cực sát cánh hỗ trợ các nạn nhân chịu thiệt hại trong sự kiện “thảm họa Formosa” ở các tỉnh miền Trung. Cùng với các hoạt động khác như: tuần hành phản đối Trung Quốc xâm lược, tham gia các buổi tưởng niệm các anh hùng tử sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc tại biên giới phía Bắc và hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa, kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền….
Với bản chất giả dối, đê hèn và coi thường luật pháp, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn chọn nhà tù làm nơi giam giữ những người yêu nước. Để bảo vệ chế độ độc tài cộng sản, giới cầm quyền Việt Nam chọn cách bưng bít bịt miệng người dân bằng những bản án bỏ túi bởi những phiên tòa bất công, phi nhân tính.
Vì lẽ đó, chúng tôi kêu gọi người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ các nước hãy cùng lên án những hành vi vi phạm của nhà cầm quyền CSVN.
Mong cộng đồng hãy cùng đồng hành với Hội Anh Em Dân Chủ và TNLT Nguyễn Trung Trực trong phiên tòa bất công sắp tới.
Hội Anh Em Dân Chủ Miền Trung
P/S: Chúng tôi sẽ cập nhật tin tức liên quan đến phiên tòa. Xin các bạn hãy theo dõi trên trang nhà và giúp chia sẻ theo địa chỉ:
https://www.facebook.com/Hội-Anh-Em-Dân-Chủ-Miền-Trung-428…/

Vì sao ba đặc khu là cách TQ ‘gây áp lực’ với VN?


Fb. Thuc Tri Pham|

Ba đặc khu ở Việt Nam ‘có vị trí’ trong một ‘Trật tự mới’ về chính trị và địa chính trị mà Trung Quốc đang thiết lập trong khu vực và ở Biển Đông mà Trung Quốc biết rõ giá trị nên đang ‘tạo áp lực mạnh’ với Việt Nam, theo một nhà sử học và Trung Quốc học.
Nếu áp lực này dẫn đến thành công, thì Trung Quốc giành ‘thắng lợi’, còn nếu Việt Nam ‘không chịu khuất phục’, thì Trung Quốc sẽ gặp rủi ro là ‘mắt xích đầu tiên’ của Con đường Tơ lụa trên Biển do Trung Quốc vạch ra và đang thi triển sẽ bị ‘đứt đoạn’, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine nói với BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo tư mùa Hè này ở Warsaw, thủ đô Ba Lan.
“Ba đặc khu ở Việt Nam là một cách mà Trung Quốc làm áp lực với Việt Nam từ đất liền ra biển. Ngoài biển, họ làm áp lực từ Hoàng Sa và Trường Sa, tất nhiên là họ qua cái đó, họ làm cho Việt Nam sợ,” nhà nghiên cứu Trung Quốc học nói.
“Nếu Việt Nam sợ mà không dám có ý kiến khác với Trung Quốc, thì những nước khác mà không bị thiệt hại bằng Việt Nam, họ nói anh Việt Nam bị thiệt hại như vậy mà không làm gì, thì tại sao chúng tôi phải đưa cổ ra để chống lại chiến lược của Trung Quốc là bao vây Biển Đông và bao vây Việt Nam.”
Bình luận về điểm đáng bàn về mặt địa chính trị của ba đặc khu Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn trong liên hệ với điều được cho là Trật tự mới Trung Quốc (Pax Sinica), Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:
“Duyên hải của Việt Nam gần như chạy dọc hết vùng Biển Đông, mà Trung Quốc muốn đi qua Ấn Độ Dương và từ Ấn Độ Dương đi sang Phi Châu, sang Âu Châu, thì phải đi qua Biển Đông.
“Bây giờ Trung Quốc muốn bắt nạt Việt Nam, và nếu Việt Nam sợ, mà Trung Quốc có thể chiếm Biển Đông hay là cưỡng bức một phần nào Biển Đông, thì Trung Quốc sẽ có thể từ đó bành trướng ra các nước khác, mà quan trọng nhất là Việt Nam.
“Trung Quốc phải làm sao để Việt Nam chịu phục tùng và nếu Việt Nam chịu phục tùng, thì họ thắng. Việt Nam không chịu phục tùng thì có thể cái mắt xích đầu của ‘Con đường Tơ lụa’ trên biển có thể bị đứt.”
Hạt nhân Trật tự TQ và thế đứng VN
Bình luận về hạt nhân chính trong Trật tự mới của Trung Quốc (Pax Sinica) ở khu vực, đặc biệt liên quan tới Biển Đông, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:
“Ngày xưa Pax Sinica bắt buộc các nước khác là chư hầu theo Trung Quốc, rồi sau này, Trung Quốc là một nước lớn, thì từ Hải Nam đi xuống dưới thì phải qua cửa ngõ của Biển Đông. Mà cửa ngõ ở Biển Đông, cửa ngõ ngoài biển và cửa ngõ trên đất liền là do Việt Nam thủ giữ.
“Thành ra phải làm sao cho Việt Nam chịu mở cửa thì Trung Quốc mới thành công để bành trướng ra các nước khác, đó là lý do tại sao mà Trung Quốc đã rất ‘hùng hổ’ trong hơn mười năm qua ở vùng Biển Đông.”
Trước câu hỏi, nếu trong toàn bộ Trật tự mới đó của Trung Quốc, có một nhân tố nào đó có thể gây ảnh hưởng, rủi ro tới an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, thì Việt Nam cần phải có thế ứng xử và thế đứng ra sao, nhà sử học từ Đại học Maine nói:
“Trước hết Việt Nam không phải là nước độc nhất chống đối Trung Quốc, Biển Đông rất quan trọng trong vấn đề di chuyển của thế giới. Chúng ta đã biết là khoảng 60% hàng hóa di chuyển trên biển là qua vùng Biển Đông.
“90% của tất cả các hàng hóa đó đi dọc theo bờ biển Việt Nam, cho nên thế đứng của Việt Nam là nếu Việt Nam vận động thế giới, hay Việt Nam cho biết rằng thế giới cần Việt Nam để mới có thể có an ninh trên Biển Đông và qua đó là an ninh các khu vực khác, thì các nước khác sẽ ủng hộ Việt Nam.
“Nhưng Việt Nam phải vận động tích cực, chứ không phải là cứ ‘thò ra, thụt vào’, nếu làm như vậy, mấy nước khác sẽ nói là họ không phải là những nước bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp, mà Việt Nam bị đe dọa trực tiếp mà không làm gì, bây giờ họ không có cách gì để làm khác nếu như Việt Nam không ủng hộ họ,” Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC Tiếng Việt./.

Giáo dục tệ hại, xã hội lãnh đủ hậu quả (1&2)

Song Chi – RFA
Báo Pháp Luật TP.HCM có bài “Kỳ thi THPT quốc gia: Cần cuộc đại phẫu!”rằng: “Sau những sự cố nghiêm trọng ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, ngành giáo dục nếu không “đại phẫu” thì cũng phải “tiểu phẫu” kỳ thi THPT quốc gia để bịt lỗ hổng”.
Thực tế, từ năm 1975 đến nay có ai nhớ được nền giáo dục VN dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản đã trải qua bao nhiều lần sửa chữa, cải cách, cải tiến (hay cải…lùi?), thay đổi cứ xoành xoạch từ chữ viết, cách phát âm, bộ chữ cái, sách giáo khoa, chương trình học, việc tổ chức thi cử…v.v…? Bao nhiêu thế hệ học sinh VN đã bị làm “chuột bạch” cho vô số lần thí nghiệm hỏng bét đó? Nhưng cứ càng “cải” thì càng nát bét, còn người dân thì đổ xô nhau cho con đi du học, như một cách “tị nạn giáo dục”!
Rồi lại còn mơ học theo phương pháp, hệ thống giáo dục của Singapore, Phần Lan…gi đó. Nói thật, trước khi mơ xa như vậy (mà khó thành công lắm vì mỗi nước từ hoàn cảnh kinh tế, bối cảnh văn hóa, lịch sử, hệ thống chính trị…khác xa nhau), hãy học lại từ nền giáo dục của miền Nam VN trước năm 1975, vẫn còn khối điều hay và đáng học, mơ đâu cho xa. Nền giáo dục của miền Nam VNCH với triết lý giáo dục “dân tộc-nhân bản-khai phóng”, “lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người làm căn bản, không xem con người như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng hay tổ chức nào…. lấy quyền con người, quyền dân sự và lấy với bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền làm nền tảng để xây dựng con người” (trích “Ưu việt của giáo dục miền Nam” của tác giả Nguyễn Quang Duy, BBC).
…“Trong những thành tựu này, có thể nói, không gì sánh bằng nền giáo dục VNCH. Tuy non trẻ, ảnh hưởng của nó còn kéo dài, vị ngọt của nó còn thấm đẫm theo nhiều thế hệ người Việt ở hải ngoại lẫn quốc nội sau này. VNCH là một trong những quốc gia đưa giáo dục vào chính hiến pháp, bảo đảm công dân được học hành miễn phí, và nền đại học không bị chi phối bởi chánh trị. Giáo dục thời VNCH chú trọng các yếu tố nhân bản, dân tộc, và khai phóng, có thể kể vài con số ước lượng sơ khởi vào đầu thập niên 1970. VNCH có 2.5 triệu học trò tiểu học, trên nửa triệu học trò trung học, và hơn 100 ngàn sinh viên đại học.
Trên cả nước, số người biết đọc / viết chiếm khoảng 70% dân số. Ngành giáo dục VNCH có đến 3 máy chấm bài thi trắc nghiệm điện tử IBM thế hệ đầu của Mỹ. Lúc đó Singapore mới có 1 máy, và ở VN hơn ba mươi năm sau mới biết sử dụng trở lại …VNCH có hệ thống trường học cả công lẫn tư rất mạnh, ở mọi cấp học. Nhiều trường còn lưu danh đến ngày nay như: Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Vạn Hạnh, Viện Đại học Minh Đức, Học viện Quốc gia Hành chánh, trường Quốc gia Âm nhạc, trung học Pétrus Ký, Chu Văn An, Gia Long, Quốc Học (Huế), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Lasan Taberd, Regina Pacis, Regina Mundi, Bác ái, v.v…” (Trích: “VNCH-Quốc gia trẻ trung của Đông Nam Á”)
Đọc thêm: “Giáo dục trước và sau năm 1975”, RFA, “Nền giáo dục ở miền nam 1954-1975”, Nguyễn Thanh Liêm, “Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến”, blog Huỳnh Minh Tú)…
Điều quan trọng nhất, giáo dục của VNCH không phải chỉ đào tạo ra những con người có kiến thức vững vàng, chuyên môn tốt (điều này thể hiện rất rõ khi so sánh trình độ chênh lệch từ học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, kỹ sư bác sĩ… của miền Nam và miền Bắc sau khi thống nhất vào tháng 4.1975), mà nền giáo dục đó đã tạo ra những thế hệ con người có tư cách, có liêm sỉ, có tinh thần trách nhiệm với công việc và xã hội, có tinh thần quốc gia, dân tộc rất cao. Đồng thời nền giáo dục đó cũng đã tạo ra một môi trường giáo dục đàng hoàng, thầy ra thầy, trò ra trò.
Còn bây giờ?
Một nền giáo dục không có tính triết lý giáo dục, nhồi sọ, nặng tính tuyên truyền, lạc hậu, chạy theo thành tích, không đặt mục tiêu đào tạo Con Người với đầy đủ phẩm chất làm người, phẩm chất công dân mà chỉ nhằm đào tạo những tầng lớp thanh thiếu niên bàng quan về chính trị, vô cảm với thực trạng của đất nước xã hội, học để lấy bằng ra làm quan hay kiếm tiền, kiếm một chỗ đứng trong xã hội…Sau hơn 40 năm, hai hậu quả nặng nề nhất từ nền giáo dục này là bệnh thành tích và gian dối, dối trá, ngày càng trơ trẽn, lộ liễu hơn.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 vừa qua, cho đến nay đã có vài địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…bị phát hiện gian lận, nâng điểm, sửa điểm cho hàng trăm thí sinh; nhưng ai dám chắc rằng chỉ những nơi này mới có gian lận? Báo VietnamNet có bài “Sau gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình…còn gì nữa?”, qua phần trả lời phỏng vấn của các ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Tây Ninh, và thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội, người 12 năm trước đã lên tiếng tố cáo gian lận ở trường Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) cho chúng ta thấy hiện tượng gian lận trong hệ thống thi cử ở VN đã có từ lâu! Và do không giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, không xử phạt nặng nên những chuyện tiêu cực vẫn tiếp tục xảy ra, với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn!
Giáo dục lẽ ra phải là một ngành đàng hoàng tử tế, nhưng lâu nay không ai còn lạ gì những chuyện gian dối của ngành giáo dục như “chạy” điểm, mua bằng, xài bằng giả…Hệ quả là những con người không có đủ kiến thức, trình độ, năng lực nhưng vẫn vào được những trường đại học ngon lành, tốt nghiệp, có bằng cấp…trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, quan chức…và họ đã gây ra bao nhiêu tai họa cho xã hội vì sự dốt nát của mình.
Mới đây, bài báo “Đào tạo phi công Vietnam Airlines, trắng trợn ra giá cả chục ngàn USD?” (báo Giáo dục VN) đề cập đến việc Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương-Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải-ông Nguyễn Văn Thể, đề nghị làm rõ những tiêu cực trong đào tạo bay của Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), khiến dư luận không khỏi lo lắng. Một ngành đòi hỏi phải được đào tạo nghiêm túc, với những quy định cực kỳ khắt khe như phi công mà cũng có thể có những tiêu cực trong quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn… thì quá nguy hiểm!
Một ngành cũng rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người là ngành Y thì cũng nhan nhản những vụ scandal xài bằng giả, ngay cả ông Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng dính scandal gian dối bằng cấp (“Thứ trưởng Bộ Y tế khai gian học vị tiến sĩ”, VNExpress) và dám chắc nếu khui ra thì quan chức ngành Y nói riêng và VN nói chung có khối người gian dối trong chuyện học hành, bằng cấp!
Báo Việt Nam Mới có bài “Hoảng hồn đào tạo cử nhân y dược: Cứ nộp tiền thi là đỗ!”. Bài báo cho biết: “…Tiếp tục điều tra theo thông tin bạn đọc phản ánh về những sai phạm tại Trường mầm non Việt Úc (hay tên gọi là Trung cấp Việt Úc), ngày 1/8, PV được bạn đọc chuyển cho một tờ thông báo tuyển sinh của trường này và nói: “Bất cứ ai có nhu cầu học liên thông lên đại học mà là đại học dược hẳn hoi, chỉ cần nộp tiền, hồ sơ vào trường Việt Úc sẽ được nhận ngay”!
Đúng là “hoảng hồn” thật! Trước đây chưa phát hiện vụ “cứ có tiền là đỗ” mà ngành Y của nước Cộng hòa XHCN VN đã có bao nhiêu vụ sai sót, nhầm lẫn, bao nhiêu vụ bê bối kinh hoàng như đau chân trái thì mổ chân phải, đau một quả thận thì “lỡ” tay cắt cả hai “Những vụ mổ nhầm, cắt nhầm tai hại của ngành Y tế”, 24 giờ, “5 sự việc gây phẫn nộ của ngành y năm 2016”, Zing. vn), đàn ông đi khám thì lại nhận được phiếu siêu âm… tử cung và buồng trứng (“Nam bệnh nhân bàng hoàng vì bác sĩ chẩn đoán “tử cung và buồng trứng”, Dân Trí), chân đau bình thường thì lại bó bột quá chặt đến nỗi hoại tử phải cắt cụt chân (“Vụ nữ sinh bị cắt cụt chân: “Gia đình tôi đã nhiều lần cầu cứu bác sĩ”, Dân Trí) v.v…
Chuyên môn của nhiều y bác sĩ, cán bộ ngành Y đã kém mà vấn đề y đức càng tệ hơn. Dư luận vẫn còn nhớ hàng loạt vụ bê bối như hàng ngàn bệnh nhân bị “nhân bản” phiếu xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội năm 2013, hàng ngàn bệnh nhân bị tráo nhân thủy tinh thể kém chất lượng ở BV Mắt, Hà Nội năm 2013 hay vụ án VN Pharma buôn lậu thuốc chữa ung thư giả năm 2017…
Những vụ này gây rúng động dư luận vì tính chất vô lương tâm đến tột cùng của những con người khoác trên mình chiếc áo trắng tinh khiết của ngành Y nhưng vì tiền mà có thể nhúng tay thực hiện những việc làm gian dối, tàn nhẫn, bất chấp hậu quả. Thứ hai là tính nghiêm trọng của vấn đề xét trên hậu quả do sự việc gây ra đối với bệnh nhân, cuối cùng là quy mô của sự việc!
Còn ở mức độ lẻ tẻ cá nhân như bệnh nhi, bệnh nhân tử vong vì y tá, bác sĩ cho uống lộn thuốc, đi khám thai bị phát nhầm thuốc phá thai khiến sẩy thai (“3 bà bầu bị phát nhầm thuốc phá thai, một người mất con”, Dân Trí) hay bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông (“Bác sĩ thẩm mỹ gây chết bệnh nhân rồi vứt xác xuống sông Hồng”, Thanh Niên) v.v…thì vô số kể.
Một sự thật đáng buồn, nếu nhìn vào xã hội VN bây giờ chúng ta sẽ thấy sự gian dối, phơi bày khắp mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, từ trung ương đến địa phương.
Mới đây, lại đến vụ gần 600 hồ sơ thương binh giả được phát hiện ở Nghệ An, tức là không phải thương binh nhưng lợi dụng sơ hở của pháp luật để làm hồ sơ thương binh nhằm trục lợi chính sách. (“Gần 600 thương binh giả tại Nghệ An: Bộ LĐ-TB&XH lên tiếng”, báo Giao Thông). Người dân không khỏi nghi ngờ, riêng Nghệ An đã có gần 600 thương binh giả, vậy cả nước có bao nhiêu? Rồi còn các diện khác cũng được hưởng những chính sách của nhà nước (thực tế là tiền thuế của dân) như Thanh Niên Xung phong, Gia đình có công với cách mạng…liệu có hiện tượng làm giả này?
Cứ mỗi lần xảy ra một vụ bê bối nào đó, chúng ta tưởng như đã đến tột đỉnh của sự gian dối, liêm sỉ, vô lương tâm của con ngưởi nhưng không, sau đó lại xảy ra những vụ khác, với mức độ còn nặng hơn.
Tại sao vậy?
Đó chính là hậu quả của một nền giáo dục không đặt nặng giáo dục cho con người những phẩm chất làm người, lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, tính trung thực, sự tử tế…
Nhưng suy cho cùng, giáo dục VN cũng chỉ là “nạn nhân” của một hệ thống chính trị độc tài, ngu dân mà thôi. Nhìn lại sở dĩ giáo dục VNCH trước đây đạt được những thành tựu trong đào tạo Con Người là vì môi trường giáo dục nói riêng và cả miền Nam VN trước năm 1975 nói chung có sự tự do, dân chủ, tôn trọng cá nhân, tôn trọng Quyền Con Người, cho dù nền dân chủ ấy còn non trẻ và có những khiếm khuyết, cộng thêm hoàn cảnh chiến tranh có nhiều khó khăn, cản trở việc xây dựng một xã hội thực sự tự do, bình yên, thịnh vượng.
Tất cả các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều là những nước có hệ thống chính trị tự do dân chủ, có nền luật pháp mạnh mẽ, minh bạch.
Chính vì vậy, nếu không có một hệ thống chính trị tự do dân chủ thì không thể có một nền giáo dục tốt được; và không thể đào tạo ra những con người vừa có kiến thức vững, chuyên môn tốt mà còn có nhân cách, có tinh thần trách nhiệm của một công dân được! Có “tiểu phẫu”, “đại phẫu” nền giáo dục này bao nhiêu lần nữa cũng vậy thôi!

Chẳng thể xạo với dân được đâu đảng à !

Fb. Đỗ Ngà |

Tao tốt nè” là thứ văn hóa đáng kinh tởm mà ĐCS đang xây dựng thành một nét văn hoá đặc thù mang đậm bản sắc của thời họ. Lấy trò hề che dã tâm là tiêu chí mà người CS đã xây dựng từ những ngày đầu bước lên đỉnh quyền lực.
Ông Hồ Chí Minh khi mới tiếp nhận quyền lực, với dinh toàn quyền nguy nga của Pháp để lại, nó quá tốt cho một chủ tịch ăn ở và làm việc. Nhưng không! Ông Hồ đã cho làm “nhà sàn đơn sơ” ngay trong khuôn viên Phủ Chủ Tịch này. Rất nực cười, nó chả có vai trò gì cả, vì Phủ Chủ Tịch là nơi quá tốt để ông ta sống và làm việc cơ mà? Dựng lên “nhà sàn đơn sơ” để sống và làm việc mà bỏ Phủ Chủ Tịch nguy nga kia à? Vậy thì tiếp khách quốc tế sao đây? Hỏi cũng là trả lời, nhà sàn chả có vai trò gì trong công việc cho một vị chủ tịch. Vậy mục đích dựng lên nhà sàn để làm gì? Đơn giản, để PR cho cái giọi là “đức tính giản dị” của Hồ Chí Minh. Vị trí nhà sàn trong Phủ Chủ Tịch nó tự tố cáo rằng, giản dị là một vở kịch kệch cỡm. Nếu ai tinh ý chút xíu thì nhìn ra ngay.
Chưa hết, thảm họa CCRĐ xảy ra, giết oan 172.000 mạng người vô tội. Kết thúc chiến dịch man rợ đó, ông Hồ Chí Minh đã lấy khăn mùi xoa chặm nước mắt trước ống kính máy quay. Tội ác đã bị bỏ quên, hành động chùi nước mắt được truyền hình thổi phồng lên rằng “và Bác đã khóc” để PR cho lòng “thương người” của Bác. Đấy rõ ràng là thứ văn hóa đáng kinh tởm, thứ văn hóa “tao tốt đấy” thấy chưa? Để che đậy tội ác giết người hàng loạt, chỉ cần PR một tiểu tiết tào lao là xong.
Hôm nay, làng face cũng rộ lên một bức ảnh của ngành công an. Họ đang diễn kịch để PR cho lòng “thương người” của ngành công an. Họ dựng hình ảnh anh và chị công an đang giúp đỡ một cụ già té xe đạp. Về cái phi lý trong sắp đặt để phó nháy chụp thì cả làng face đã nói, tôi cũng không nói lại làm gì. Cái đáng nói ở đây là bài cũ cố hữu, là nét văn hóa mị dân đáng tởm kiểu khăn mùi xoa hoá giải tội ác thảm sát thời Hồ Chí Minh được dựng lại và thành nét văn hóa đặc thù rất Cộng Sản.
Nói về lực lượng công an CS là chuỗi kinh hoàng cho nhân dân. Họ hùa theo nhóm lợi ích cướp đất khắp nơi, tạo đại nạn dân oan trên khắp đất nước. Mỗi năm, họ giết gần cả trăm sinh mạng thường dân khi bị tạm giam. Với người nói lên sự thật, họ giả danh côn đồ mặc thường phục đánh tàn phế nạn nhận. Còn CSGT thì khỏi nói, họ chỉ có hoạch hoẹ để kiếm tiền, họ hỗ trợ trạm BOT sai trái để phạt dân bất tuân nộp phí BOT vv… mà không thực hiện vãn hồi trật tự giao thông. Đến nỗi dân ghét và gọi bọn họ là “bọn chó vàng” .
Chính vì lực lượng này nó phi đạo đức, nó là nỗi kinh hoàng như thế, nên hình ảnh của nó trong mắt dân chỉ là một lực lượng ác ôn không hơn không kém. Uy tín ngành nát bét, thế là bài cũ của lãnh tụ được đem ra áp dụng. Đám chỉ huy lùa bọn lính lác ra đường lượm bọc, quét rác, và “giúp đỡ người già” như là cách để lừa gạt lòng tin nhân dân rằng “Thấy chưa? Tao tốt nè, đừng phủ nhận lòng tốt tao nha”. Thật tội nghiệp! Nay đã qua hơn nửa thế kỷ, dân trí nay đã khác nên chiêu này không còn tác dụng nữa. Trí tuệ của CS không khá lên được, vẫn như ngày nào.
Lời khuyên chân thành rằng, Đảng nên dẹp nét văn hóa này đi, nó đáng tởm lắm Đảng à! Chẳng thể xạo với dân mãi được đâu./.

Bí thư xã ở Đồng Tháp biến hai con thành ‘hộ nghèo’

Xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nơi ông Lê Hùng Cường làm bí thư. (Hình: Đồng Tháp)
ĐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Bí thư xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, ra lệnh cho cấp dưới đưa hai con gái ruột của mình vào “Sổ hộ nghèo” của người dân xã biên giới, nơi thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ để “hưởng chính sách.”
Báo VietNamNet ngày 7 Tháng Tám, 2018, dẫn tin từ Ủy Ban Kiểm Tra Huyện Ủy Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết đã có quyết định thi hành kỷ luật “Khiển trách” về mặt đảng đối với ông Lê Hùng Cường, bí thư đảng ủy, kiêm chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân xã Thường Thới Hậu A.
Tin cho biết, hồi năm 2015, ông Cường khi ấy đang là “phó Phòng Tài Chính và Kế Hoạch huyện Hồng Ngự, có nhà và hộ khẩu ở khóm 4, phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự, được ủy ban huyện điều động giữ chức chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Thường Thới Hậu A, rồi lần lượt được bầu các chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân.”
Do xã Thường Thới Hậu A là xã biên giới (giáp ranh với Cambodia) nên “người dân có hộ khẩu ở xã sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước. Trong số đó, có việc cử tuyển con em ở xã biên giới này được miễn học phí học các trường đại học và được sẽ được bổ nhiệm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học,” theo báo VietNamNet.
Để con mình được hưởng chính sách ưu đãi nói trên, báo này cho hay: “Ông Cường làm thủ tục cắt hộ khẩu hai con gái từ phường An Thạnh chuyển về xã Thường Thới Hậu A, nơi ông đang công tác.”
Ông Cường còn để cô con gái lớn sinh năm 2001 làm chủ hộ, trái với quy định của Luật Cư Trú. Chưa hết, ông bí thư xã còn tác động cấp dưới làm thủ tục ghép hai con gái của mình vào “Sổ hộ nghèo” của một người dân để “tận hưởng hết các chính sách.”
Sau khi nhận được tố cáo từ người dân, Ủy Ban Kiểm Tra Huyện Ủy Hồng Ngự kiểm tra xác minh và kết luận cho rằng: “Ông Cường đã vi phạm vào những điều đảng viên không được làm nên quyết định kỷ luật đảng viên bằng hình thức khiển trách.”
Ngoài ra, đảng ủy xã Thường Thới Hậu A cũng đã ra quyết định kỷ luật “khiển trách đảng và phê bình rút kinh nghiệm đối với một số cán bộ có liên quan.” (Tr.N)

Cư dân mạng ‘lật tẩy’: Hình ảnh ‘công an giúp dân’ là dối trá

Bức hình thứ 1 - Nguồn từ báo Đồng Tháp Online
VIỆT NAM (NV) – Một số tấm hình chụp cảnh ‘công an giúp dân’ ở Việt Nam đã bị cư dân mạng xã hội Facebook ‘lật tẩy,’ bình luận và bàn tán sôi nổi trong suốt tuần qua.
Trong những tấm hình này, có một tấm được báo chí ‘lề phải’ đăng tải. Nội dung tấm hình cho thấy hai cán bộ công an CSVN, một nam một nữ, với khuôn mặt sáng sủa hiền lành đang nâng đỡ một bà lão đầu bạc trắng, mặc áo nâu đi xe đạp bị ngã, những trái cam rơi rớt trên mặt đường.
Bức ảnh này tương phản với các bức hình công an đánh đập, tra tấn, đàn áp dân, cảnh sát giao thông ăn hối lộ… tràn lan và dày đặc trên mạng.
Bức hình đầu tiên được đăng tại báo Đồng Tháp Online ngày 25/5/2018. Theo bài báo thì đây là một trong những tấm ảnh đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghê thuật, báo chí với chủ đề “học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách, tư tưởng HCM” do tỉnh này phát động. Sau đó, tấm hình cũng có mặt trong một cuộc triển lãm và báo Đồng Tháp chú thích: “những hình ảnh chân thực trong việc học tập… của các cá nhân, tập thể được các nhiếp ảnh gia ghi lại thật sinh động.”
Trong khi cư dân mạng đang xôn xao bình luận thì lại xuất hiện một tấm hình khác với nội dung “y chang”, nghĩa là cũng một bà lão đầu bạc trắng, mặc áo nâu đang được hai người công an một nam, một nữ nâng đỡ bên cạnh chiếc xe đạp ngã, những trái cam rơi trên mặt đường…
Tấm hình thứ 2 – Nguồn từ báo Vĩnh Phúc Online
Tấm hình này thực ra xuất hiện sớm hơn, vào ngày 17/10/2017 trên báo Vĩnh Phúc Online với tựa đề là “Đổi mới tác phong, lề lối, phương pháp làm việc của cán bộ, chiến sĩ CAND.” Chú thích hình ghi: “Chiến sĩ Công an phường Liên Bảo (thành phố Vĩnh Yên) giúp đỡ người già bị ngã xe giữa đường. Ảnh: An Nhi”.
Khá kỳ lạ là nội dung hai tấm hình này lại rất giống với một tấm thứ ba đã được đăng trên báo An Ninh Thủ Đô từ ngày 07/9/2013 ở bài “Những hình ảnh đẹp của công an thủ đô”, theo đó thì tấm hình (hai công an, một nam một nữ đang nâng đỡ một phụ nữ ngã xe đạp, trong cơn mưa) này là tác phẩm mang tên “Vì Dân”, của tác giả Nguyễn Xuân Chính đoạt giải Nhì trong cuộc triển lãm diễn ra cùng ngày tại Hà Nội.
Tấm hình thứ 3- Nguồn từ báo An ninh Thủ đô Online
Dưới đây là một số bình luận trên mạng xã hội facebook:
Facebook Phạm Hồng Phước
“Khi xem những tấm ảnh mà tôi gọi là “mình có 3 người và 1 chiếc xe đạp” có nội dung na ná nhau được viral trên mạng mấy bữa nay, tôi nghĩ những người tử tế và tâm trí trong lành sẽ lập tức chắc lưỡi than “sao con cháu lại để những bà cụ già lưng còng đạp xe đạp mưu sinh ngoài đường thế kia”. Người nước ngoài có thể nghĩ về những mảng tối của đời sống xã hội ở xứ ‘Đông Lào’.
Người ta sẽ tự hỏi vì sao lại diễn ra (không phải xảy ra) những cảnh hầu như y chang nhau chỉ khác nhân vật và địa điểm. Phải chăng do cùng một tay máy ảnh dàn dựng? Hay là có một đề tài đặt hàng cụ thể về ý tứ, nội dung mà nhiều người cùng tham gia?..
Tôi thấy tội nghiệp cho sư phụ Photoshop một lần nữa bị lôi ra quy trách nhiệm. Lần này oan ổng lắm cơ. Bất quá ổng chỉ tham gia ở khâu chỉnh sửa màu sắc, loại bỏ chi tiết rối thừa thôi. Thực tế, những tấm ảnh này là do đầu óc và bàn tay sắp đặt của tay máy ảnh thôi. Trong mỹ thuật vốn có cái thể loại nghệ thuật sắp đặt (Installation arts) do các họa sĩ trẻ ở phương Tây bày ra hồi thập niên 1960, 1970 coi như một nỗ lực cách tân nghê thuật khỏi sáo mòn. Còn trong nhiếp ảnh nghệ thuật, thủ pháp dàn dựng, bố trí đóng một vai trò quan trọng. Và dĩ nhiên, dàn dựng mà non tay, vụng về, thô thiển hay cưỡng đặt ắt cho ra những tấm ảnh phi nghệ thuật, phản tác dụng, làm chối mắt người xem.
Thật ra, chỉ là một người biết yêu cái đẹp, nhìn những tấm ảnh này, tôi không thấy cái gì để gọi là ảnh nghệ thuật cả. Mà nếu gọi là ảnh báo chí thì lại phạm lỗi tày đình vì ảnh báo chí không chấp nhập dàn dựng mà phải người thật, việc thật, trong tình huống thật. Ngay cho dù là ảnh tuyên truyền thì cũng cần có sức thuyết phục người xem để không bị dính phản đòn, thà đừng có thì tốt hơn. Tôi tin rằng ngay cả các bạn áo xanh đàng hoàng cũng phải ngượng vì trò diễn quá lố này của tay máy ảnh”.
Facebook Nancy Hanh Nguyen
“Đẹp vô cùng tổ quốc tôi ơi! Phóng viên vô tình bò ra đường, để máy ảnh sát mặt đất, chụp được ảnh 1 cụ bà chân không tới pedan, tay không tới ghi đông, đang đạp xe, yên sau cài một bó hoa vàng, bất ngờ té trước sự có mặt tình cờ của 2 chiến sỹ công an dưới trời trong nắng dịu dàng. (Xe đổ 1 đường, cam phải lăn 1 nẻo mới là độc đáo!). Tự hào quá Việt Nam ơi!
Facebook Luan Le
“Nếu mà xã hội được khuyếch tán đi lòng tốt thì đương nhiên đó là một điều quý giá cho con người và đất nước. Nhưng một khi người ta cần phải tạo nên điều đó nằm ngoài sự tình cờ thì thật sự nó không mang tới thông điệp gì, dù diễn cảnh ấy có thể là một hoạt cảnh mô phỏng cho điều tốt đẹp. Xã hội ngày nay được vận hành dựa trên những diễn cảnh, tức thông qua những hình ảnh và thông tin mà người ta đưa ra một cách có chủ đích để giao tiếp với nhau. Điều này được Guy Debord nói đến cách đây cũng hơn nửa thế kỷ trước. Người ta sẽ tạo ra lớp lớp những diễn cảnh để thao túng nó và làm mất dần đi cái thực chất của mọi sự.
Chúng ta có cần thiết phải dựng nên những hoạt cảnh về những điều tốt trước ống kính để biểu trưng đối với xã hội hay không? Và tại sao lúc nào cũng là cụ già, chiếc xe đạp và túi cam cùng hai người một nam một nữ mặc sắc phục xuất hiện đúng lúc? Như tôi cũng đã nói đến nhiều lần, đó là việc người ta chỉ cần làm tốt nhất chức phận của mình trước đã, như Khổng Tử gọi là sự chính danh, thì đó đã là những điều tốt đẹp đáng quý của xã hội. Và hẳn nhiên rằng, khi việc mình đã có thể làm tốt thì những việc tốt khác sẽ được nhìn nhận và đánh giá cao bởi sự trung thực có tính bản chất mà nó thuộc về. Chẳng lẽ điều tốt cứ mãi ở trong sự nghèo nàn về tình cảnh và đời sống vật chất thế này hay sao?”.
Facebook Hoàng Dũng
“Dối trá biết nói. Trên tấm hình có logo VAPA (hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN) và dòng chữ mờ chạy ngang: Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL 2018. Nó đoạt giải A. Rõ ràng đây là ảnh-nghệ-thuật, được sắp đặt để chụp và đem dự thi (và có thể sau đó dùng để tuyên truyền) chứ không phải khoảnh khắc đời thường. Cụ già như kia thì hầu như không còn đủ khả năng điều khiển xe đạp. Trừ phi là đảng viên đảng cộng sản. Nếu đó là cú té của nữ cua-rơ thì những trái cam hữu cơ của nàng phải văng theo chiều đổ của xe (sang phải) chứ không thể lăn ngược chiều xe đổ. Sắp đặt thiếu tính toán dựa trên sự gian dối và hời hợt của người làm nghệ thuật. Nếu những bông hoa cúc được buộc lên ghế sau xe thì tại sao nó lại không được để vào giỏ xe? Hoa được buộc vào ghế sau xe thì tại sao những trái cam lại không có dấu hiệu được bỏ vào 1 cái bịch nào đó, chẳng lẽ để lỏng chỏng trong giỏ xe. Có hơi buồn cười không? Chàng công an không thể dựng xe theo cách như thế kia được, rất không thuận. Lẽ ra tay trái của chàng phải đặt phía bên này của ghế sau xe đạp. Cắt. Diễn lại.”
Facebook Phan Thong
Phản nghệ thuật, lại là nhiếp ảnh ghi lại những khoảnh khắc của các sự kiện, vấn đề …sự gian dối, xảo trá thấp hèn đáng lên án dù bất luận về chủ đề nào hoặc làm gì. Nghệ thuật không chấp nhận sự dối trá lừa người xem. Đừng xem thường mọi người. Lố bịch quá…!!!
FB Cánh Hoa Bay
“Sau hơn nửa thế kỷ tuyên truyền hình ảnh tốt đẹp của “bộ đội cụ Hồ”, “chú công an” trên mọi phương tiện truyền thông độc quyền, hình ảnh đọng lại trong tâm trí người dân hôm nay là gì? Dân vào đồn công an, ra bằng manh chiếu bó thây vì “tự tử” bằng đủ loại phương tiện vớ vẩn như dây giày, dao rọc giấy, va vào dùi cui… Dân ra đường lúc nào cũng nơm nớp bị thổi còi đòi ‘bánh mì’ – Một hình thức trấn lột trơ trẽn luôn làm dân oán ghét. Có việc gì đụng đến giấy tờ, phải đến đồn công an thì xem như đi đứt vài ngày lương công nhân. Có khi bị cướp điện thoại, tiền mặt ngay trong đồn công an, nếu trước đó xuống đường phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam hay phản đối Formosa đầu độc môi trường sống. Khi các quan “đói” đất, công an được xua ra để “thu hồi” đất đai nhà cửa dân đang sống trên đó, thường là bồi thường với giá rẻ mạt để sau đó bán lại cho tư nhân, doanh nghiệp với giá trên trời. Còn nhiều lắm, không sao kể xiết! Họ biết dân ghét CA lắm nên giờ mới có nhu cầu biểu diễn màn chăm sóc cho dân. Tuy nhiên, vì không có tâm nên màn biểu diễn thô thiển đã bị dân cư mạng bóc mẽ ngay từ phút đầu tiên”. (UV)