Friday, May 26, 2017

Bốn đứa trẻ uổng mạng ‘theo kế hoạch’ và ‘đúng qui đinh’

Đoạn sông bốn đứa trẻ lâm nạn. Không ai, kể cả chúng nghĩ rằng nước như thế có thể cuốn người ta trôi mất. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM (NV) – Sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm về chuyện thủy điện đột ngột xả nước khiến bốn đứa trẻ 12 tuổi, ngụ tại thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên uổng mạng hôm 24 tháng 5.
Sáng 24 tháng 5, do đột nhiên được nghỉ học, bảy học sinh lớp sáu trường Trung học Củng Sơn rủ nhau ra đoạn sông Ba, gần cầu sông Ba chơi. Vào mùa này, nước sông Ba chỉ còn xâm xấp, có thể đi bộ qua sông. Không may cho chúng là khi đang tắm, nước từ thượng nguồn đột nhiên ào ạt đổ xuống hạ lưu. Ba đứa trẻ chơi trên bờ vô sự còn bốn đứa trẻ đang ở dưới sông bị nước cuốn và đến trưa 25 tháng 5 người ta mới tìm đủ bốn xác.
Nguyên nhân khiến nước từ thượng nguồn đột nhiên ào ạt đổ xuống hạ lưu đã được xác định là do Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ xả nước.
Ba trong bốn đứa may mắn sống sót kể rằng, bạn chúng đang ở giữa dòng khi nước cuồn cuộn đổ về. Lúc đầu, bạn chúng định leo lên một tảng đá để tránh nhưng thấy sức nước quá mạnh nên quyết định chạy vào bờ nhưng không kịp thóat.
Sau sự kiện bốn đứa trẻ uổng mạng, ngày 25 tháng 5, đại diện Bộ Công Thương, chính quyền tỉnh Phú Yên, huyện Sơn Hòa và Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ đã ngồi lại với nhau.
Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ thì ở cuộc họp ấy, ông Cao Minh Hòa, Phó Bí thư huyện Sơn Hòa, bảo rằng, ông sống ở vùng này đã 40 năm nhưng chưa bao giờ thấy vào mùa này, nước lại ào ạt đổ về như mùa lũ. Giống như nhiều người dân khác trong vùng, ông Hòa tỏ ra bất bình vì Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ xả nước mà không thông báo.
Ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Ba Hạ, khẳng định, việc xả nước đã tuân thủ đúng “quy trình vận hành liên hồ chứa”. Khi lưu lượng nước đổ về hồ chứa 400 m3/s/ngày thì xả nước phát điện. Ông Tuần khẳng định, xả nước như vậy là “hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, ‘đúng theo quy định’ của Thủ tướng và Bộ Công Thương”.
Đại diện Bộ Công Thương, ông Tô Xuân Bảo, Cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, xác nhận, việc Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ xả nước vào ngày 24 tháng 5 là “vận hành bình thường” để phát điện “theo kế hoạch”. Ông Bảo chỉ lấy làm tiếc là Công ty Thủy điện Sông Ba Hạ “làm chưa tốt công tác cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân sống ở vùng hạ du”. Tuy nhiên cũng chính ông Bảo nói thêm, “theo qui định”, các nhà máy thủy điện chỉ phát cảnh báo xả nước trong mùa lũ chứ qui định không đòi phát cảnh báo khi xả nước giữa mùa khô.
Ông Hòa không tán thành “qui định” đó. Theo ông, các nhà máy đã có hệ thống cảnh báo xả nước, chỉ cần mở hệ thống loa,. hụ còi 30 phút trước khi tăng lưu lượng xả để mọi người biết thì sẽ tránh được nhiều chuyện đau lòng. Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch huyện Sơn Hòa, nhấn mạnh sự lo ngại khi các nhà máy thủy điện xả nước theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và lệnh của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) nhưng không thông báo cho dân biết, trong khi dọc khu vực hạ lưu như sông Ba là nơi dân cư đông đúc, tắm sông, mò cua, bắt ốc là chuyện bình thường.
Tuy tán thành đề nghị phải thông báo trước khi thay đổi lưu lượng xả nhưng ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, nhận định, thực hiện điều này không dễ vì đoạn sông Ba từ đập của Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ về đến hạ lưu dài hơn 60 cây số, lệnh của A0 thường rất đột ngột, không dễ báo trước 30 phút. Giải pháp duy nhất mà ông Cam cho rằng cần áp dụng ngay là cấm tắm sông kể cả giữa mùa hè.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên, yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ đề xuất “quy trình cảnh báo xả nước vào mùa hè” để trình Bộ Công Thương xem xét.
Trong mắt dân chúng, bốn đứa trẻ bị nước cuốn khi Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ đột ngột xả nước hôm 24 tháng 5 là chết oan. Dưới mắt hệ thống công quyền đó chỉ là tai nạn đáng tiếc và vì tất cả đều đã “đúng qui trình, qui định, kế hoạch” nên sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm. Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ sẽ hoạt động trở lại như mọi nhà máy thủy điện khác. (G.Đ)

Trộm nẫng thiết bị y tế nặng tới hai tấn

Hiện trường khu vực bị trộm. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM (NV) – Bệnh viên Đa khoa Kiên Giang vừa mất trộm. Vụ trộm khiến người ta ngạc nhiên vì vật bị trộm nặng tới hai tấn.
Công an tỉnh Kiên Giang vừa xác nhận đang điều tra vụ trộm một thiết bị y tế của Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa Khoa Kiên Giang, tọa lạc tại xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Thiết bị y tế này là một khối chì, nặng gần hai tấn, dùng để ngăn các tia phóng xạ phát tán ngoài ý muốn. Theo tờ Tuổi Trẻ thì vụ trộm xảy ra tại Nhà máy sản xuất nhiên liệu xạ trị ung thư cho Khoa Ung bướu của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Nhà máy này đang xây sắp xong và toàn bộ chi phí xây dựng, đầu tư trang thiết bị, trị giá 6 triệu Euro là viện trợ của ngoại quốc.
Theo dân chúng địa phương thì khu vực xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu xạ trị ung thư cho Khoa Ung bướu của Bệnh viện đa khoa Kiên Giang rất vắng vẻ. Họ chưa từng thấy có nhân viên nào bảo vệ công trình.
Người ta tin rằng kẻ gian phải dùng cẩu mới lấy được thiết bị y tế. Một viên chức làm việc tại Khoa Ung bướu của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang nhận định, nếu đem thiết bị vừa bị trộm bán lấy chì thì chỉ kiếm được chừng 100 triệu đồng, còn nếu phải bỏ tiền ra mua thì sẽ rất tốn kém bởi đó là thiết bị chuyên dụng phải nhập cảng. (G.Đ)

Bệnh viện ở Đà Nẵng thiếu giường, thiếu thuốc

Bệnh viện ở Đà Nẵng luôn trong tình trạng thiếu giường bệnh. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Chưa bao giờ các bệnh viện ở thành phố Đà Nẵng tệ hại như hiện nay. Bệnh nhân nằm chen chúc 2-3 người một giường, trong khi người nhà nằm vật vờ khắp các khu vực hành lang, cầu thang của bệnh viện.
Đó là tình cảnh chung của người dân đang điều trị tại các bệnh viện (BV) lớn ở Đà Nẵng, mặc dù Sở Y Tế cùng các cơ quan chính quyền tìm nhiều biện pháp giúp cho các BV nhưng xem ra vẫn vô vọng.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, tại BV Đà Nẵng từ bãi gửi xe, nhà ăn đến dọc các khu hành lang, cầu thang tấp nập người ra kẻ vào.
Ông Đào Viết Lúa (39 tuổi), quê Quảng Nam, cho biết ông nhập viện vào khoa Nội Tim Mạch được hơn một tuần. Gần như trưa nào ông cũng mò mẫm xuống hành lang ngồi… hóng mát vì trên phòng đông quá!
Chung tâm trạng, ông Nguyễn Bống (59 tuổi), quê Quảng Nam, mắc bệnh hẹp mạch vành tim, hổn hển cho biết mặc dù mới trải qua cuộc phẫu thuật nhưng ông phải chấp nhận cảnh nằm ghép hai người một giường.
Tin cho biết, khoa Nội Tim Mạch hiện là một trong những nơi thiếu trầm trọng giường bệnh, gần như bệnh nhân nào cũng phải nằm ghép. Chỉ những trường hợp bệnh đặc biệt nghiêm trọng mới được cho nằm một mình.
Tương tự, khoa Hô Hấp có 100 giường bệnh nhưng luôn có khoảng 150 bệnh nhân. Lúc cao điểm, khoa cùng lúc điều trị cho hơn 200 người. Để có chỗ kê thêm giường cho bệnh nhân, khoa phải dồn các phòng giao ban, phòng nghỉ của bác sĩ, điều dưỡng nhưng vẫn không đủ.
Vấn đề thiếu giường bệnh không chỉ thường xuyên diễn ra tại BV Đà Nẵng, tại BV Phụ Sản-Nhi cũng tương tự.
Bà Trần Thị Hoàng, phó giám đốc BV Phụ Sản-Nhi, cho biết trung bình BV tiếp nhận, điều trị khoảng 1,300 người. “Bệnh nhân chủ yếu là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ nên việc nằm ghép thực sự rất cực. Chúng tôi tận dụng các chỗ trống để kê thêm giường cho bệnh nhân nằm điều trị nhưng vẫn không đủ,” bà cho hay.
Theo bà, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, một phần do cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh. Một phần do tâm lý của người bệnh, họ không tin tưởng vào các BV tuyến dưới do trình độ bác sĩ kém…
Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực, nguồn thuốc dự trữ tại một số BV cũng thiếu không đủ nhu cầu điều trị của bệnh nhân.
“Đây là khó khăn chung của ngành y tế chứ không phải của riêng Đà Nẵng. Thực tế, nguồn lực dành cho y tế hằng năm có hạn, nhưng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân lại rất lớn,” bà Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y Tế Đà Nẵng, nói. (Tr.N)

Đồng Tháp: Giám đốc bệnh viện huyện ‘thần tốc’ bổ nhiệm con làm phó khoa

Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình, nơi có nhiều con, cháu ông Phạm Nông làm việc. (Hình: Báo điện tử VietNamNet)
ĐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Thời gian gần đây nhiều người dân huyện Thanh Bình xôn xao về việc nhân sự bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình có nhiều người là con, cháu của giám đốc bệnh viện.
Xác nhận với báo Tuổi Trẻ ngày 23 Tháng Năm, ông Phạm Nông, giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình, cho biết chính ông ký quyết định bổ nhiệm con trai mình là ông Phạm Trung Hiếu (30 tuổi) làm phó khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh-Xét Nghiệm.
Cụ thể, ông Hiếu được Sở Y Tế tuyển dụng viên chức vào Tháng Mười, 2012, thì đến Tháng Tư, 2013, ông này được bệnh viện bổ nhiệm phó khoa, tức “thần tốc” trong vòng sáu tháng.
“Mới đây mới có quy định phải làm việc từ hai năm trở lên mới đủ điều kiện bổ nhiệm làm lãnh đạo khoa nhưng thời điểm bổ nhiệm con trai tôi lúc đó vẫn chưa có quy định này. Con cháu tôi đều được bổ nhiệm, tuyển dụng đúng quy định,” ông nói.
Ông Nông còn thừa nhận con ông mắc bệnh động kinh, thời gian gần đây không tái phát bệnh nên vẫn đủ sức khỏe để làm việc. Ông cho rằng bệnh lý này không ảnh hưởng đến quá trình làm việc tại khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh-Xét Nghiệm.
Trả lời câu hỏi, ông Hiếu đã từng tái phát động kinh trong quá trình làm việc tại bệnh viện, vậy có thành lập hội đồng chuyên môn để có những giám định cụ thể xem có đủ điều kiện để làm việc hay không, ông Nông cho rằng việc này không cần thiết.
Theo báo điện tử VietNamNet, ngoài con trai mình, ông Nông còn nhận nhiều người thân vào làm tại bệnh viện và lần lượt giữ các chức vụ khác nhau. Con dâu (vợ ông Hiếu) là nhân viên kế toán của bệnh viện; cháu ruột tên Kim Thanh (kêu ông Nông bằng cậu) đang là phó khoa Nhiễm; Thoa (chị ruột Thanh) là nhân viên khoa Chống Nhiễm Khuẩn; Nguyễn Hữu Phước (em ruột Thanh) là thợ điện trong bệnh viện, vợ Phước là điều dưỡng khoa nhi; Trang (kêu ông Nông bằng cậu) là điều dưỡng khoa nhi, Thủy (cháu ông Nông) là nhân viên khoa Dinh Dưỡng…
“Con trai tôi tự dùng tiền của gia đình để đi học và có bằng cấp đại học chính quy đàng hoàng. Mà Hiếu được Sở Y Tế nhận chứ có phải do tôi nhận đâu? Lúc Hiếu mới tốt nghiệp ra trường nó không muốn về Đồng Tháp làm việc. Nhưng tôi thấy mình có một đứa con trai nên khuyên Hiếu nên về Đồng Tháp làm việc với tôi. Vậy mà bây giờ có những phản ảnh như thế này tôi rất đau lòng,” ông nói với báo VietNamNet.
Giải thích về trường hợp của con dâu là nhân viên kế toán của bệnh viện, ông Nông nói trước đây con dâu làm kế toán ở một ngân hàng tại Cần Thơ. “Sau khi cưới, con dâu tôi có thai, khó khăn trong việc di chuyển nên xin chuyển về Thanh Bình làm việc. Nhưng lúc đó ngân hàng nơi con dâu tôi làm việc lại không có chi nhánh ở Thanh Bình nên xin về bệnh viện,” ông nói.
“Còn về trường hợp của Kim Thanh, ông khẳng định cháu gái về công tác tại bệnh viện huyện khi ông chưa làm giám đốc. Còn Thoa đang là hộ lý của bệnh viện, công việc là giặt đồ bệnh nhân, việc thuê không ai chịu làm. Thoa làm việc theo dạng hợp đồng muốn cắt lúc nào chẳng được. Nguyễn Hữu Phước làm thợ điện tại bệnh viện khi tôi chưa làm giám đốc, sau đó Phước cưới Mượt, điều dưỡng của bệnh viện. Còn Trang thì kêu tôi bằng cậu ruột, sau khi tốt nghiệp thì thi tuyển vào bệnh viện thôi,” theo tường thuật của báo VietNamNet.
Ngày 25 Tháng Năm, báo Thanh Niên dẫn tin, ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, đã yêu cầu Sở Nội Vụ phối hợp Sở Y Tế và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ việc bổ nhiệm nhận sự tại bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình khiến dư luận bất bình. Tỉnh cũng yêu cầu làm rõ việc ông Nông bị phản ánh nhận nhiều người thân, con dâu vào làm việc trong bệnh viện.
Tin cho biết, ông Phạm Nông giữ chức giám đốc từ năm 2003, đến nay đã 14 năm (ba nhiệm kỳ). Trong thời gian làm giám đốc, ông từng dính nhiều sai phạm liên quan đến tiền bạc, từng bị ủy ban kiểm tra Huyện Ủy Thanh Bình kỷ luật cảnh cáo về mặt đảng. (Tr.N)

Nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh yêu cầu công an truy tố hình sự tên Phan Sơn Hùng

Nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh yêu cầu công an truy tố hình sự tên Phan Sơn Hùng
Nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh, một cư dân Hà Nội, vừa đến trụ sở công an quận 2, TPHCM, gửi đơn yêu cầu truy tố một nhóm côn đồ đã xông vào nhà tấn công bà và các bạn của bà hồi đầu tháng này.
Vụ hành hung gây công phẫn, vì kẻ tấn công là tên Phan Sơn Hùng, sau đó ngang nhiên đăng lên mạng xã hội đoạn video ghi cảnh nhóm của hắn hành hung bà Hạnh và hai người phụ nữ hôm 2 tháng 5, trong ngôi nhà ở phường Bình An, quận 2, Sài Gòn. Trong một thư ngỏ công bố hôm Thứ Sáu 26/05, bà Hạnh nói rằng Phan Sơn Hùng và đồng bọn rõ ràng đã phạm các tội như: xâm phạm chỗ ở của công dân, dùng hung khí nguy hiểm cố ý gây thương tích cho người khác một cách có tổ chức, và làm nhục người khác. Tất cả đều có bằng chứng do hung thủ tự làm ra và công bố. Bà Hạnh cho biết tuy sự việc đơn giản và rõ ràng như vậy, nhưng đến nay đã quá 20 ngày mà công an vẫn chưa khởi tố vụ án.
Bà Hạnh, một nhà hoạt động từng chống Trung Cộng xấm chiếm biển đảo và chống Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường, còn tố cáo rằng cơ quan điều tra cho đến nay liên tục tìm cách cản trở các luật sư đại diện cho bà và các bạn của bà, tức là những người bị hại. Bà cũng chỉ ra rằng từ khi thực hiện vụ hành hung gây phẫn nộ trong công luận, tên Phan Sơn Hùng vẫn không ngừng tung ra trên trang Facebook của hắn những lời thách thức ngạo mạn.
LeMyHanh-04
Huy Lam / SBTN

Tù nhân lương tâm Trần Anh Kim bị 13 năm tù y án toà sơ thẩm

Tù nhân lương tâm Trần Anh Kim bị 13 năm tù y án toà sơ thẩm
Ảnh: Vietnamnet (trong phiên xử sở thẩm)
Vào chiều ngày 26 tháng 5 năm 2017, toà án nhân dân tối cao Tp Hà Nội đã kết án ông Trần Anh Kim với mức án 13 năm tù giam về tội “hoạt động lật đổ chính quyền” theo điều 79, bộ luật hình sự.
Theo Luật sư Trần Thu Nam, người bảo vệ quyền lợi trong vụ án ông Trần Anh Kim cho biết: “ông Trần Anh Kim bị kết án 13 năm tù giam và Lê Thanh Tùng bị toà kết án 12 năm tù giam. Cả hai người đều không nhận tội mặc dù bị toà kết án tù”.
Luật sư Nam cho biết thêm: “cả hai người sức khoẻ đều bình thường và tinh thần vẫn minh mẫn”.
Như những phiên xử người yêu nước trước đó, toà án nhân dân tối cao Tp Hà Nội đã có thông báo về lịch xử công khai vụ án ông Kim và ông Tùng. Nhưng các ngã đường dẫn vào toà án đều bị phong toả và mọi người không ai được vào tham dự phiên toà. Mỗi bị cáo chỉ được duy nhất người vợ vào tham dự phiên toà và phải bỏ điện thoại, tất cả đồ tư trang bên ngoài.
Tòa án Tối cao đã tuyên y án 13 năm tù giam, 5 năm quản chế đối với ông Trần Anh Kim và 12 năm tù giam, 4 năm quản chế đối với ông Lê Thanh Tùng. Tại tòa, ông Kim và ông Tùng đều khẳng định nếu cần, các ông ấy sẵn sàng đón nhận cái chết vì đất nước.
Được biết, ông Trần Anh Kim năm nay 68 tuổi, quê ở Tp Thái Bình) và ông Lê Thanh Tùng 49 tuổi, quê ở xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn, Tp Hà Nội bị nhà cầm quyền Tp Thái Bình vu cái với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79, bộ Luật hình sự. Phiên toà sơ thẩm trước đó đã kết án cả hai người tổng cộng 25 năm tù giam.
Nguyên Nguyễn/SBTN

Thủ tướng CSVN sắp chấp thuận 3 dự án điện than 7.5 tỉ mỹ kim

Thủ tướng CSVN sắp chấp thuận 3 dự án điện than 7.5 tỉ mỹ kim
Các công ty Nhật Bản, Nam Hàn và Ảrập Saudi sẽ nhận được giấy phép cho ba dự án nhiệt điện than trước khi Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm Nhật Bản vào đầu tháng tới.
Reuters hôm Thứ Năm 25/05 dẫn lời Bộ trưởng Kế Hoạch Và Đầu Tư CSVN Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam dự trù cấp phép cho ba nhà máy nhiệt điện than với tổng trị giá 7.5 tỉ Mỹ kim vào đầu tháng 6. Công ty Taekwang Power Holdings của Nam Hàn và ACWA Power của Ảrập Saudi sẽ rót hơn 2 tỉ Mỹ kim vào một nhà máy nhiệt điện có công suất 1,200 megawatt, dự trù bắt đầu hoạt động từ năm 2021. Công ty Marubeni của Nhật Bản và Điện Lực Nam Hàn Kepco dự trù sẽ đầu tư 2.79 tỉ Mỹ kim cho dự án nhà máy nhiệt điện 1,200 megawatt tại Thanh Hóa, dự trù vận hành vào năm 2021. Ngoài ra, công ty Sumitomo của Nhật Bản sẽ xây một nhà máy nhiệt điện có công suất 1,320 megawatt với tổng kinh phí khoảng 2.64 tỉ Mỹ kim, bắt đầu vận hành năm 2022.
Theo kế hoạch ngành điện mới nhất của nhà cầm quyền CSVN, nhiệt điện than vẫn chiếm phần lớn nhất của nguồn điện. Đến năm 2020, Việt Nam dự trù có 31 nhà máy nhiện điện than với tổng công suất 25,787 megawatt. Số nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030 sẽ tăng lên tới 52, với tổng công suất 55,252 megawatt.
Một nghiên cứu quốc tế dự phóng đến năm 2030, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ô nhiễm than nặng nhất trong các quốc gia ASEAN.
Huy Lam / SBTN

Cá lại chết hàng loạt ở nhiều nơi

Cá lại chết hàng loạt ở nhiều nơi
Cá nổi đầu và bắt đầu chết ở kênh Nhiêu Lộc, Sài Gòn (Ảnh: T. Hoa)
Chiều 25-5, ông Nguyễn Chí Thuần, chủ tịch huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho biết từ đêm 23 đến ngày 24-5, ở khu vực tuyến sông Gành Hào, đoạn từ cầu Hòa Trung đến Vàm Mương Điều, thuộc 2 ấp Trung Cang và Thành Vọng (xã Tân Trung) xảy ra tình trạng cá nổi đầu và chết, được người dân vớt trên mặt nước, trong lú và đáy (hai dụng cụ bắt cá, tôm).
Tại tỉnh Phú Yên, nhiều loài thuỷ sản tự nhiên trên vịnh Xuân Đài sống ở tầng đáy bỗng dưng chết hàng loạt trong mấy ngày qua.
Ông Nguyễn Thành An (ở thôn Phú Mỹ) cho biết gia đình ông nuôi 15 lồng với số lượng khoảng 1,000 con tại vùng nuôi Vũng Mắm, tôm nuôi đã hơn một năm, trọng lượng từ 0.4 – 0.8kg/con. Khoảng hơn một tuần nay, tình trạng cá tự nhiên chết nổi lên mặt nước tại vùng nuôi rất nhiều, nên gia đình ông An đã chủ động đưa lồng nuôi tôm hùm lên cách đáy khoảng 2 – 3m.
“Trong khoảng thời gian này tôm nuôi của tôi không bị chết. Nhưng một số gia đình nuôi khác chưa đưa lồng lên kịp nên tôm chết rất nhiều, có trường hợp tôm nuôi bị chết hết”, ông An cho biết thêm.
Một ghi nhận khác tại khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở Sài Gòn, hơn chục ngày qua, cá nổi đầu lên mặt kênh rất nhiều và bắt đầu có cá chết. Theo một số chuyên gia, việc cá nổi đầu, ngáp ngáp ở Nhiêu Lộc – Thị cho thấy một sự thật là bề mặt dòng kênh này trong xanh, cá tung tăng bơi lội được là nhờ nước sông vào ra theo thủy triều.
Các chuyên gia cho biết dòng kênh đen trước đây vẫn còn “đang tồn tại” ở dạng cống ngầm, và những nguy hại đối với môi trường vẫn đang ngày càng nghiêm trọng. Khi thực hiện giai đoạn 1 của dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nhiều chuyên gia lúc đó đã đưa ra cảnh báo, thành phố cần ưu tiên xây dựng hệ thống lọc nước thải, thay vì chi gần 500 triệu Mỹ kim cho việc làm đẹp dòng kênh.
Vũ Minh Ngọc / SBTN