Friday, June 2, 2017

Tôm hùm chết hàng loạt, người nuôi tôm Phú Yên điêu đứng

Tôm hùm chết được vớt lên nhưng không có người mua. (Hình: Báo Thanh Niên)
PHÚ YÊN, Việt Nam (NV) – Tôm hùm trên vùng nuôi ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, chết khoảng 350 – 400 tấn, ước thiệt hại hơn 700 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
“Tính đến ngày 1 Tháng Sáu, vùng nuôi tôm hùm thuộc phường Xuân Yên và xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) có 502 gia đình nuôi tôm hùm bị thiệt hại với số lượng 769,175 con. Tỉ lệ số gia đình nuôi mất trắng lên đến 70% – 80%, số còn lại đều thiệt hại hơn 50% nên đời sống các gia đình đang rất khó khăn và bị áp lực lớn về nợ nần,” ông Nguyễn Tri Phương, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Phú Yên, nói với báo Thanh Niên.
Ông Nguyễn Quốc Phong (ở khu phố Phước Lý) than, từ tối 24 Tháng Năm đến nay, tôm cá chết với số lượng rất nhiều. Hầu hết các gia đình nuôi tôm hùm ở đầy đều bị thiệt hại, có gia đình nuôi 20 lồng nhưng đã chết sạch.
“Cuộc sống người dân xung quanh vịnh Xuân Đài chủ yếu dựa vào nghề nuôi tôm hùm. Thế nhưng, tôm hùm chết hàng loạt khiến trắng tay,” ông thở dài nói.
Ông Cao Văn Hòa (ở khu phố Phước Lý) ngao ngán nói: “Gia đình tôi thả nuôi hơn 10 lồng với số lượng hơn 2,000 con tôm hùm sỏi được năm tháng, nhưng đến sáng nay chỉ còn khoảng 400 con. Nếu để lại nuôi ở vùng này thì tôm sẽ tiếp tục chết đến hết nên gia đình tôi quyết định chuyển số lượng tôm còn sống này đến đầm Cù Mông, xã Xuân Cảnh để lánh nạn.”
Theo ngư dân ở đây, giá bán tôm hùm còn sống loại 1 từ 800,000-1.2 triệu đồng/kg, nhưng khi chết chỉ bán được từ 60,000-100,000 đồng/kg. “Với giá này, người nuôi tôm lỗ nặng,” ông Phong nói.
Không chỉ vùng nuôi tôm hùm ở khu phố Phước Lý, các vùng nuôi tôm khác như ở thôn Phú Mỹ và Dân Phú 1 (xã Xuân Phương), tôm hùm cũng chết hàng loạt.
Để làm rõ nguyên nhân tôm chết, sáng 2 Tháng Sáu, Tổng Cục Thủy Sản (Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn) đến vùng nuôi tôm hùm chết để khảo sát, nắm tình hình thực tế và thu mẫu vùng nuôi có hiện tượng tôm chết tại thị xã Sông Cầu.
Trước đó, tỉnh Phú Yên đã lấy mẫu tôm chết ở nhiều địa điểm khác nhau để tìm nguyên nhân nhưng “Khả năng chuyên môn ở cấp tỉnh có giới hạn nên chưa thể kết luận được. Vì vậy, ủy ban tỉnh có kiến nghị hai bộ Tài Nguyên-Môi Trường và Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn hỗ trợ kiểm định nhiều mẫu khác nhau, để từ đó đối chiếu, so sánh, rồi mới đưa ra kết luận có tính khách quan nhất và đúng đắn nhất,” ông Trần Hữu Thế, phó chủ tịch tỉnh, cho biết.
Liên quan đến nghi vấn của người dân đối với công ty Nguyễn Hưng xả thải gây ô nhiễm môi trường, làm tôm chết, ông Nguyễn Tri Phương cho biết ngày 29 Tháng Năm, ủy ban tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra việc bảo vệ môi trường tại nhà máy chế biến thủy hải sản của công ty này.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Kiên, chủ tịch thị xã Sông Cầu, cho biết: “Hiện nay các cơ quan chức năng của tỉnh đang làm rõ nguyên nhân, trong đó có việc kiểm tra, xác định nhà máy của công ty Nguyễn Hưng có xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước nuôi thủy sản hay không. Chính quyền cam kết sẽ giải quyết sự việc một cách trung thực, khách quan, sớm có kết quả trả lời cho bà con.” (Q.D.)

“Giam lỏng” người dân – Một cách cưỡng chế vi phạm xây dưng của giới bạo quyền Hà Nội

 

Trần Quang Thành (Danlambao) - Hôm 11/5/2017 mới đây, tại phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã xảy ra một vụ cưỡng chế công trình xây dựng hiếm thấy. Thay vì phá dỡ công trình, nhân viên thi hành phận sự đã dựng lên một cánh cửa sắt cao vút bịt lối đi của người cư ngụ là đôi vợ chồng già ở tuổi 64.

Video phóng sự do nhóm phóng viên Quang Khởi và Đức Hùng ghi lại, ghi lại cảnh giới bạo quyền Hà Nội “giam lỏng” bằng cách hàn kín cánh cửa ra vào duy nhất của họ được đăng trên trang điện tử Pháp Luật và Xã hội, đã lan truyền nhanh chóng trên mạng gây sự bất bình trong các tầng lớp xã hội. Video này đã bị gỡ khỏi báo Pháp luật và Xã hội sau vài giờ phát hành theo chỉ đạo của cấp trên.

Nội dung video của nhóm phóng viên Quang Khỏi – Đức Hùng ở báo Pháp luật và Xã hội ghi lại như sau – Mời quí vị theo dõi.

Biển Đông: nỗi đau và sự ô nhục


Tình anh em bao la như biển Đông?

Thằng anh to lớn lắm, dềnh dàng như con đười ươi. Theo gia phả của thằng anh, thoạt đầu nó có rất nhiều anh em. Gọi là anh em chỉ vì sống chung trên cùng một mảnh đất, chứ chẳng có dây dưa, rễ má gì. Sống chung nhưng chả yêu thương gì nhau, cuối cùng chúng quay ra giết lẫn nhau. Thằng khoẻ mạnh và ác độc nhất thuộc giòng Hán tộc, cuối cùng tiêu diệt tận gốc toàn bộ các sắc dân khác, chiếm lĩnh hoàn toàn mãnh đất rộng lớn, không thèm san sẻ cho bất kỳ ai. Đấy là thời trong gia phả mà thằng anh gọi là đã qua giai đoạn “thống nhất đất nước” tiếp theo sau thời “Đông châu liệt quốc”. 

Tháng ngày trôi qua với bao nhiêu thăng trầm, thân thể thằng anh ngày càng phình to ra. Nó tiêu diệt nốt vài sắc dân sống gần đó, mãnh đất nó càng rộng ra. Và nó lại có thêm hai đứa em. Hai đứa em này thực ra cũng chả họ hàng gì! Nhận anh em chỉ vì lý do đơn giản là tụi nó thấy cũng hơi hơi giống nhau, thôi làm anh em!

Một đứa em sống trên một nửa mãnh đất của một bán đảo nhỏ phía đông bắc. Đứa này cực kỳ ngỗ nghịch, thằng anh nói gì nó cũng làm lơ như không thèm biết đến. Nó đói ăn nhưng khoẻ mạnh lắm. Ai thách thức là nó liều mạng chơi đến cùng. Thằng anh cũng phải nể sợ tính ngang ngạnh của nó. Có người nhờ thằng anh khuyên bảo để nó sống tử tế, đàng hoàng hơn. Nó chẳng những không nghe mà còn quạy phá nhiều hơn. Nhiều người nói thằng anh coi vậy chứ thương và chìu chuộng thằng em bướng bỉnh này lắm. Ai muốn nhờ thằng anh kiềm chế tính khí hung hãn "đứa em cục cưng" này thì không đi tới đâu!

Ngược lại đứa em đầu, đứa em thứ hai ở phương nam thì hiền khô như cục đất. Theo giả phả, tổ tiên của "đứa em hiền khô" này trong quá khứ đã bị thằng láng giềng khổng lồ hiếp đáp, thậm chí nó còn đè đầu, đè cổ xem như nô lệ bao nhiêu lần. Những lần ấy tổ tiên ấy đã tốn bao nhiêu xương máu mới tống cổ thằng láng giềng hung hãn ra khỏi mãnh đất. Buồn thay, sau khi tư tưởng Hờ Cờ Mờ du nhập vào, quên mất cội nguồn cũng như truyền thống đấu tranh của tổ tiên, ông bà, "đứa em hiền khô" lại quay ra khúm núm nhận cái thằng đã từng là kẻ thù truyền kiếp kia là “anh em”. Thực ra trước 1979, thằng em đã phụ bỏ công lao bao bọc của thằng anh trong thời chiến xâm chiếm miền Nam, chỉ muốn chạy theo đuôi thằng Liên Xô phía trời Âu. Thằng anh làm gì chịu. Nó dạy cho thằng em “một bài học” để đời. Một kiểu dạy không mang tính con người, máu đã chảy, nhà cửa, ruộng vườn tang hoang. Thằng em cuối cùng chịu khuất phục, quên phăng đi mất "bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh", kết nối lại tình anh em, môi hở răng lạnh và được thằng anh vỗ đầu ban tặng cho "mười sáu chữ vàng -bốn tốt". 

Chuyện đời cũng lạ. Thằng em hiền khô đối với thằng anh rất ngoan, nhưng đối với người trong gia đình mình thì vô cùng dối trá, độc ác theo kiểu “ác với dân, hèn với giặc”. Và càng lạ khi càng ngoan hiền chừng nào lại càng bị thằng anh coi thường, ức hiếp nhiều chừng ấy. Không lạ gì “thằng em hiền khô” lúc nào cũng theo gót, bắt chước thằng anh. Thằng anh có cờ đỏ sao vàng, "thằng em hiền khô" cũng cờ đỏ sao vàng. Thằng anh mở cửa, thằng em đổi mới. Thằng anh đả hổ, diệt ruồi. Thằng em diệt ruồi, đuổi muỗi… Thế mà chưa vừa lòng, anh cứ ức hiếp em mình đủ điều. Trời ơi là trời, trời có thấu chăng nỗi lòng đứa em hiền khô này?

Trước khi Thủ tướng Phúc đi Mỹ, Trần Việt Thái, phó viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện ngoại giao bày tỏ mong muốn quan hệ ngoại giao Việt nam-Mỹ sẽ hơn cả tình bạn (more than Friends ). Việt Nam nay muốn làm anh em với Mỹ? Nhận đến hai người anh để tiếp tục đu dây qua lại, để "thằng anh hung hãn" bớt hiếp đáp mình? Việt Nam có lẽ lấy kinh nghiệm đau thương của triều đại Lê Duẫn, đã thực thi chính sách ngoại giao đơn trục, chỉ hướng về thằng anh Liên Xô? Tổng thống Trump rất chú tâm “tiền và việc làm” cho nước Mỹ, nghèo như Việt Nam muốn làm anh em với Mỹ chắc chắn khó khăn lắm!

Hung thần trên biển cả. 

Sau khi chiếm được Hoàng Sa, một phần Trường Sa từ Việt Nam, thằng anh China đã đưa vẽ "đường chín đoạn" xác định chủ quyền biển Đông nhằm mục đích kiểm soát giao thông hàng hải, khai thác tài nguyên… Phát triển hải quân, tăng cường lực lượng "tàu xám", "tàu trắng", bồi đắp, xây dựng đường băng, lắp đặt thiết bị quân sự, tên lửa… trên các đảo nhân tạo, China đã không thèm che dấu tham vọng muốn làm bá chủ khu vực biển Đông và ngang ngược thách thức sự đối đầu với các nước trong vùng. Trước mắt Việt nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, đưa ra bản báo cáo năm 2016. Sau khi xem xét cụ thể 45 lần đụng độ và đối đầu trên Biển Đông từ năm 2010, tuần duyên China liên quan trong 30 lần. Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh khu vực tại CSIS, nói. "Chúng tôi thấy có bắt nạt, quấy rối và đâm va với tàu đến từ các quốc gia có tàu tuần duyên, tàu cá nhỏ hơn". Nghiên cứu này bao gồm vụ đối đầu trên biển giữa Hà Nội và Bắc Kinh năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... Trừ trận chiến Hoàng Sa, cuộc đối đầu trực tiếp giữa hải quân các nước chưa diễn ra, các "tàu xám" chỉ diễn tập mục đích phô trương, hù dọa. Nhưng việc các "tàu trắng" China đụng độ cới các tàu cá Việt Nam là chuyện bình thường. 

Người ngư dân Việt đi biển không lo lắng, không sợ hãi với bảo tố thiên nhiên như khi nhìn thấy một “tàu trắng” với hàng chữ "China Coast Guard" (CCG) chạy đến gần. Rõ ràng gặp một hung thần, một quái vật của biển cả. Ngư dân nước mắt đầm đìa, qụi xuống như cầu khẩn "Xin trời thương chúng con. Chúng con còn nghèo lắm mới đi làm nghề cơ cực như thế này. Xin cứu chúng con". Trời ơi, ai sẽ bảo vệ họ đây? Bảo vệ họ trên ngư trường truyền thống tổ tiên đã đánh cá bao nhiêu đời từ Đinh Lê Lý Trần… đến cả thời Pháp thuộc… Như đáp lại lời cầu khẩn, ngư dân Việt bàng hoàng như trong mơ khi nhìn thấy từ xa, nổi bật trên nền trời xanh biếc, một chiếc tàu tuần trắng đang hùng dũng rẽ sóng tiến đến gần. Cờ hiệu của tàu được nhìn thấy rõ ràng: "Trời ơi, cảnh sát biển Việt Nam! CSB kiêu hùng của "bộ đội cụ Hồ" như đang đang đứng trên bong tàu, vẫy tay chào". Ngư dân Việt nghẹn ngào... "Bọn khốn nạn tàu trắng, hung thần của biển cả kia sẽ phải sợ cuống đít chạy đi như con chó cúp đuôi. Nhưng… kìa... sao lạ quá..., tàu CSB VN kiêu hùng lại thong thả, nhàn nhã rẽ qua một hướng khác,… Họ đang đi dạo chơi không nhìn thấy hung thần trên biển, hoặc thấy hung thần nhưng lại sợ cúp đuôi". Loang thoáng trong gió như chỉ còn lời vang vảng "Hỡi ngư dân Việt hãy tiếp tục hy sinh bám biển, bám đảo...". Trên mặt biển xanh biếc, chỉ còn chiếc tàu cá nhỏ cô đơn, nhỏ nhoi cùng người ngư dân Việt với những giọt nước mắt uất ức lăn trên gò má đã chai đi vì gió biển. Họ tiếp tục đứng vững, tiếp tục cam chịu sự cướp bóc, đánh đập của hung thần biển cả. 

Trong một thông báo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cảnh báo, không khó để nghi ngờ tới năm 2030, China sẽ là một siêu cường trên thế giới và biển Đông sẽ trở thành ao nhà của Bắc Kinh. Đến thời gian đó có lẽ không còn một chiếc tàu nào của Việt Nam, tàu cá hay tàu tuần CSB VN, còn thấy bóng dáng trên biển Đông. 

Cảnh sát biển của “Bộ đội cụ Hồ”

Ngày 19/05 vừa qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển VN tổ chức trọng thể lễ khánh thành tượng đài "Bác Hồ" tại trụ sở mới toanh ở Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. Từ chỗ không có gì, CSB VN đang "ăn nên, làm ra". Đội tàu CSBVN khởi đầu với vài chiếc Shershen class, trọng tải khoảng 150 tấn của Liên Xô, nay đã có đội tàu tuần duyên khá hùng mạnh so với các nước trong khối Đông Nam Á. Được sự giúp đỡ của Hà Lan, Nam Hàn, Nhật và Mỹ, CSB VN có những tàu tuần duyên cỡ lớn như tàu Hayato trọng tải 454 tấn, Yuzan Maru 619 tấn, CSB 8003 do Hàn Quốc viện trợ 1400 tấn. Những tàu tuần duyên lớn nhất hiện nay của Việt Nam là bốn chiếc DN 2000, trọng tải 2500 tấn, do công ty Damen Hà Lan thiết kế, đóng tại Việt Nam. 

Hôm 18/4, Mỹ chuyển giao cho Việt Nam tàu tuần tra USCGC Morgenthau để theo chương trình “Bán trang bị quốc phòng dư thừa” (EDA). USCGC Morgenthau trọng tải 3. 250 tấn, chiều dài 115 m, thủy thủ đoàn 160 người được xem là “anh cả” của đội tàu tuần duyên Việt Nam. Chiếc tàu này là một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam với nhiệm vụ tuần tra biển miền nam VN. Vào ngày 11 tháng tư 1971, USCGC Morgenthau sau nhiều ngày theo dõi, đã giao chiến hơn hai tiếng đồng hồ với tàu SL-8, một tàu giả trang tàu cá của CS Bắc Việt nhằm cung cấp võ khí vào trong nam. Tàu SL-8 đã nổ tung và biến mất trên màn radar. Với chiến công này tàu Morgenthau đã được tặng thưởng huy chương. 

Những tàu tuần duyên của CSB VN so với các hung thần trên biển cả của “thằng anh chuyên bắt nạt thằng em” thì không thấm vào đâu. Chiếc tàu tuần duyên lớn nhất thế giới hiện nay, 12, 000-ton China Coast Guard (CCG) cutter 3901, vừa hoàn thành nhiệm vụ tuần tra biển Đông, thăm viếng các đảo China chiếm đóng trái phép. CCG 3901 là chiếc tàu chị em với chiếc CCG 2901. Một thế hệ tàu tuần khổng lồ, thường trang bị súng 76mm đã hợp với các tàu tuần trong các lực lượng Hải giám, kiểm ngư, ngư chính thành lực lượng hải cảnh Tàu (CCG), một lực lượng tuần tra biển mạnh và hung hãn nhất ở Á Châu. 

Bản chất luôn khiếp sợ trước hung thần biển cả, CSB VN cần gì những chiếc tàu tuần duyên tối tân? Không. CSB VN phải cần tàu để làm ăn, tương tự như CS giao thông đường lộ cần xe gắn máy mạnh. Hàng ngày bao nhiêu chuyến tàu buôn lậu hay không lậu, tàu đánh cá lậu cũng như không lậu, buôn hàng quốc cấm cũng như không quốc cấm, qua lại tấp nập. Trên lộ còn dè chừng camera quay lén, còn giữa cảnh trời biển mênh mông, dễ dầu CSB nhà ta không phát huy sức mạnh của “đạo đức XHCN”. Mấy anh CSGT đường lộ cứ lăn ra khóc thét vì ganh tị. Bởi “ăn nên làm ra” phải biết nhớ ơn “thầy”. Ngày 19/5 vừa qua CSB VN mới long trọng dựng tượng, "cúng tổ" ngay tại bộ chỉ huy CSB VN hoành tráng, mới toanh. 

Những chiếc tàu màu xanh nước biển (Blue boats). 

Nguyên tắc của động vật có chân có cánh: nếu không còn có thể sinh sống trên chỗ hiện tại, phải phiêu lưu, mạo hiểm đi tìm miền đất hứa khác. Vùng biển Đông, ngư trường truyền thống của ngư dân Việt bị các hung thần biển cả thống trị. Không có khả năng đối chọi, ngư dân Việt Nam phải vượt biển xa hơn đến các vùng biển khác. Than ơi, những vùng biển ấy là những vùng biển đã có chủ. 

Ngư dân Việt Nam trên những con tàu màu xanh của biển đã tạo cơn sốt trong vùng Thái bình dương từ Palau, Úc, Papua New Guineas, quần đảo Micronesia, New Caledonia,... Những con tàu bằng gỗ, sơn màu xanh nước biển để khó bị phát giác, ra đa hàng hải của thế kỷ 21 không thể phát hiện, do đó chúng được gọi là “hạm đội tàu ma” (phantom fleet). Hạm đội ma của người Việt thường bỏ neo gần bờ biển, cho thợ lặn xuống biển bắt hải sâm, bào ngư…. Những hải sản có giá trị cao, bù đắp vốn liếng bỏ ra khi đi biển xa. Nhiều “tàu xanh” đã bị các nước trong vùng bắt giữ vì tội xâm nhập hải phận, đánh cá trái phép. 

Theo báo Tuổi Trẻ: "Trong năm 2016 có đến 1. 110 ngư dân VN (nhiều gần gấp đôi năm 2015 và gấp 4 lần năm 2012) bị phía Indonesia tạm giữ ở các đảo Batam, Natuna, Pontianak, Tarempa, Bitung Sulawesi, Papua vì cáo buộc đánh cá trái phép trong vùng biển nước này". 

Tại Tân Thế Giới, New Caledonia, trong năm có khoảng 70 tàu Xanh Việt Nam xâm nhập đánh cá trái phép. Những tàu này phải đi hơn cả tuần lễ mới đến New Caledonia và đôi khi còn đánh nhau với ngư dân địa phương. Chỉ huy tàu tuần của Pháp, Jean Louis Fournier nói tàu của ông đã xua đuổi 55 tàu, bắt giữ 5 tàu. 5 thuyền trưởng “tàu xanh” bị đưa ra toà, mỗi người 10 tháng tù, 30 ngư dân bị đưa về lại VN. Úc, Vanuatu, đảo quốc Solomon cũng có bắt giữ và trao trả ngư dân Việt về lại nước. 

Sự việc nghiêm trọng nên đầu tháng năm đã có một hội nghị tại Brisbane, Úc giữa chính phủ các nước Úc, Tân Tây Lan, New Caledonia, Papua…. Hội nghị kêu gọi chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm về tàu của mình. 

Trước đó, tháng 12 năm ngoái, trong kỳ họp thường niên của tổ chức Western and Central Pacific Fisheries Commission (WCPFC) ở Nadi, Fiji, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Vũ duyên Hải nói Việt Nam có khoảng 105. 000 tàu xanh. Ông ta đưa lý lẽ các tàu xanh thường không có GPS nên dễ đi “lộn đường”, và các tàu này có treo cờ đỏ nhưng chưa chắc của Việt Nam mà bị giả danh bởi một “lực lượng thù địch” nào đó. Lập luận như thế này, các quốc gia khác thấy nói chuyện với cái đầu gối có lẽ hay hơn. Và đương nhiên mong muốn làm hội viên toàn phần của Việt Nam dễ dầu được các quốc gia hội viên khác chấp nhận. 

Khi Cảnh sát biển “bộ đội cụ Hồ” biểu dương lực lượng. 

Theo tin trong nước và ngoài nước, ngày 21/5 năm tàu cá Việt Nam khi đánh cá ở phía bắc đảo Natuna, Indonesia, đã bị lực lượng tuần duyên Indonesia bắt. Một tàu tuần duyên Việt Nam, CSB 8005, chạy đến can thiệp, đã húc chìm lỉm một tàu, không phải tàu Indo… mà là một tàu cá của ta. Kết quả tàu CSB của “bộ đội cụ Hồ” đã giải phóng cho 44 thuyền viên, tóm cổ ngay tại trận một viên chức người Indo. Sau đó có nhiều tàu CSB VN kéo đến. Nhận thấy tàu chiến của mình còn cách xa đến 30 km, nên tàu tuần Indo phải vội vàng vắt giò lên cổ bỏ chạy, chỉ kịp kéo theo 11 thuyền viên người Việt. 

Phân định lãnh hải trên biển chính xác rất khó. Khi có va chạm xẩy ra, bên nào cũng nói xẩy ra trên phần lãnh hãi mình. Dưới cặp mắt quốc tế, tàu xanh Việt Nam có nhiều tiếng tăm không tốt nên họ có cảm tình về phía Indo hơn. Tuy nhiên không ít người chửng hửng về cách hành xử, biểu dương lực lượng hiếm có của CSB VN. Có nhiều giả thuyết xoay quanh “Tại sao tàu của ta lại húc chìm lỉm tàu cũng của ta là thế nào?”:

1. CSB của “bộ đội cụ Hồ” quá lo lắng đến ngư dân, sợ chậm trễ họ sẽ bị hại, nên phải vội vàng chạy hết tốc độ đến hiện trường. Kết quả vì chạy quá nhanh nên “thắng không kịp”, đâm sầm luôn vào tàu cá của ta. Yêu cầu đảng nhà nước trao tặng huy chương cho tổ lái tàu CBS 8005 (http://www. bbc. com/vietnamese/vietnam-40010208), có công đâm chìm lỉm tàu cá của ta vì tàu cá của ta bằng gỗ. Tàu Indo bằng sắt, đâm vào, nó chìm, mình cũng tiêu. 

2. CSB VN chưa bao giờ thực tập đâm tàu, húc tàu. Trước kia gặp hung thần trên biển, CSB VN thường theo phương châm “Tránh voi chẳng xấu mặt nào “. Nay gặp cơ hội thực tập ngàn vàng, không thấy hung thần biển cả đâu cả, nên mạnh dạn tập“húc tàu”. 

3. Trên tàu cá VN bị húc chìm có một nhân viên người Indo đang lập biên bản. CSB VN cần bắt con tin, lấy thế mạnh hù dọa, nên cho thuyền viên VN cùng nhân viên Indo rơi tòm xuống biển và tóm ngay được anh chàng người Indo đang hì hụp, ngo ngoe trên mặt nước. Giải quyết nhanh và gọn như thế, tàu Indo xanh cả mặt, vội vàng bỏ chạy. Hà. . hà một chiến thắng vĩ đại, một màn biểu dương sức mạnh vô tiền khoáng hậu của CSB “bộ đội cụ Hồ”. 

Hy vọng trong tương lai khi kỹ thuật “húc tàu” của CSB VN đã nhuần nhuyễn ngon lành, chắc chắn bọn hung thần biển cả cũng phát sợ run người. Ngày đó tàu ngư dân Việt sẽ phơi phới rẽ sóng trên ngư trường truyền thống ông cha đã để lại. Cần có thời gian dài, ngư dân nên kiên nhẫn chờ đợi. Hiện tại CSB VN phải nhẫn nhịn. Điển hình vào sáng 9/5, tàu CSB 8004, tương tự như tàu CBS 8005, và đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam đã cập cảng Tú Anh, thuộc thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam bắt đầu chuyến thăm chính thức tới China. Tàu CSB VN vui vẻ hướng dẫn khách Tàu đến thăm viếng: "Đấy chúng em chỉ trần trụi như thế này thôi. Các anh có gặp chúng em trên biển xin làm ơn nhịn một ít mãnh biển để chúng em còn húp ít cháo". 

***

Tương lai của Biển Đông?

Văn hóa ngàn xưa của nước Tàu, luôn ăn hiếp kẻ yếu hơn. Muốn không bị nó hiếp đáp, mình phải mạnh lên. Nhưng mạnh lên bằng cách nào? Một câu hỏi nhức nhối cho bao người Việt. Khi cần dựa vào sức mình là chính, ta thấy ngay điểm quan trọng mấu chốt trong sự phát triển đất nước tương tự sự làm ăn hiệu quả của cơ sở kinh doanh: Hệ thống quản lý. 

Hệ thống “Tứ trụ triều đình” là một hệ thống quản lý đất nước cổ lỗ, thiếu hiệu quả, chỉ còn hiện hữu duy nhất ở Việt Nam. Một TBT đảng như một lãnh đạo tinh thần tối cao “Mác Lê” của nước, tương tự như một bí thư đảng bộ trong kinh tế quốc doanh. Một chủ tịch nước, xuất thân từ công an, nghiệp vụ chuyên môn rình rập, tiêu trừ “phản động”, lâu lâu chỉ có công tác đi vay tiền thằng anh hoặc loay hoay chờ đợi được lên kế vị TBT. Một quốc hội trong một đất nước “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” chỉ là trang điểm trơ trẽn cho bộ mặt dân chủ, tôn trọng luật pháp, hiến pháp XHCN. Một ông thủ tướng, ít ma mãnh và ít tham vọng hơn người tiền nhiệm, hiện tại an phận, cắm cúi làm “tài công” trên con tàu kinh tế, ì ạch chuyên chở món nợ công khổng lồ... Trên con tàu kinh tế ấy, nhóm ba người trong tứ trụ đang nhấm nháp các ly rượu “Mác Lê”, hét bảo tài công: "Bão táp kệ nó, cứ nhắm mắt định hướng XHCN nhé." Một hệ thống quản lý chỉ để bảo vệ quyền lợi, bổng lộc cá nhân, dùng trách nhiệm tập thể để trốn tránh, che dấu trách nhiệm cá nhân. Một sự dối trá muôn đời, hô hào công bằng tập thể để tạo cái kén bảo vệ quyền lợi cá nhân. 

Ngày nào hệ thống quản lý "Tứ trụ triều đình", chủ nghĩa "Mác Lê" lỗi thời, nền đạo đức XHCN dối trá, tham nhũng… còn tồn tại, nỗi đau, sự nhục nhã của người Việt nói chung trước sự đối xử hung bạo của hung thần biển cả trên biển Đông, vẫn còn đó. Mãi mãi là một dấu ấn đớn đau như thời đã từng bị đô hộ bởi phương Bắc trong lịch sử bốn ngàn năm văn hóa Việt.

2/6/2017


Formosa thách thức lương tâm người Việt

Đồ Hiếm (Danlambao) - Vụ nổ lớn tại Formosa hôm 30/5/2017 chứng tỏ rằng Formosa vẫn tiếp tục tội ác. Tổng kết hơn một năm sau thảm họa môi trường biển chết do Formosa gây ra, ta thấy:

- Môi trường biển vẫn không có dấu hiệu hồi phục.

- Nhà nước CSVN không có một chính sách nào để làm sạch hay hồi sinh môi trường sinh thái biển.

- Vẫn không thấy một báo cáo tổng kết khoa học và minh bạch về chất độc, di hại của thảm họa lên cá, sinh vật và con người.

- Không một tòa án để xử các tội phạm môi trường Formosa và đồng phạm. 

- Các câu hỏi: Khi nào biển hồi sinh? Khi nào ngư dân có thể đi biển lại? Hầu như không được trả lời.

- Rất nhiều hộ dân tại 4 tỉnh Miền Trung, đặc biệt ngư dân tại Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn chưa nhận được khoản đền bù thỏa đáng.

- Không một báo cáo tổng kết về đời sống của dân bị thảm họa, cũng như phương cách, và hỗ trợ tài chính ra sao?

Ngược lại, Đảng cộng sản Việt gian vốn bản chất lưu manh côn đồ, coi thường mạng dân như cỏ rác, chúng vẫn tiếp tục ra những chiêu đòn:

- Một mặt không dám nhận sai lầm chết người khi rước Formosa vào VN, mặt khác ngăn cấm báo chí truyền thông mọi thông tin liên quan đến Formosa.

- Ra sức đàn áp tiếng nói dân, bắt bớ đánh đập người đấu tranh lên tiếng bảo vệ môi trường.

- Ra chiêu mỵ dân như tắm biển ăn hải sản, đến các trò diễn lưu manh là cách chức các quan chức đã về hưu hoặc đã xin từ chức như Võ Kim Cự, Vũ huy Hoàng…

- Từ việc là tên đồng phạm, đảng CS Việt gian lại tỏ rõ những “hành vi phản động” như: Kích động bằng cách dùng tiền thuế dân để thuê trả cho côn đồ, tự vệ xung phong đàn áp khi dân biểu tình ôn hòa. Gần đây, lại lập ra biểu tình “đấu tố”, ép buộc phụ nữ, cán bộ hưu trí, học sinh để chia rẽ người dân và giáo dân. Cuối cùng chúng lại dùng bạo lực – đây chính xác là khủng bố đỏ - qua bọn côn đồ với gậy gộc, tuýp sắt, gạch đá … dưới cái gọi là “quần chúng tự phát” để truy sát các linh mục đang đấu tranh đòi khởi kiện Formosa.

Lý lịch tội phạm Formosa

Trước hết phải luôn nhắc lại lý lịch tội ác ba đời của Formosa để dân ta nằm lòng và xem xứ người xử tội phạm Fotmosa như thế nào:

- 2014, Formosa phải đóng cửa ngay tại cái nôi Đài Loan. Do các công bố về các chất gây ung thư và phá hủy mô gan từ công nghệ dầu mỏ của Formosa khiến dân Đài Loan bực tức và xuống đường biểu tình rầm rộ (Nhật báo Đài Bắc, 24/2/2014).

- 2009, tại Texas và Louisiana, Hoa Kỳ, các nhà máy của Formosa bị phát hiện xả các chất độc như 1, 2-dichloroethane (EDC), dioxin và chroroform vào đất và nước ngầm, kể cả xuống sông Mississippi. Formosa bị EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa kỳ) phạt 2, 8 triệu Mỹ kim, đồng thời bị buộc phải bỏ ra 10 triệu Mỹ kim để khắc phục các vấn đề gây ô nhiễm môi.

- 1998, tại Campuchia năm, Formosa “xuất khẩu” sang Campuchia 3000 tấn rác nhiễm thủy ngân. Khi tin tức về người dân bị nhiễm độc thủy ngân chỉ mới bởi các bao bì bọc rác, người dân trong vùng tức giận đập phá các công sở Formosa... Chính phủ Campuchia cũng tố cáo Formosa đã đút lót số tiền tổng cộng là 3 triệu Mỹ kim cho các quan chức địa phương, và có khoảng 30 quan chức đã bị chính phủ sa thải trong vụ này(1).

- Đến Việt Nam, thấy Đảng cộng sản Việt gian vừa tham lam vừa ngu dốt, Formosa quen thói lại lập thêm một thành tích khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử là bức tử bờ biển 4 tỉnh miền Trung dài hơn 200 km khiến hàng trăm ngàn ngư dân bị tước đi nguồn sống một cách tức tưởi, không biết tương lai phải xoay sở như thế nào.

Vấn nạn ô nhiễm môi trường

Nói tới ô nhiễm môi trường là phải nói đến hai chất cực độc phenol và xyanua. Chỉ trong 5 ngày nhà máy Formosa khai là mất điện và không thể xử lý được nước thải, thì tổng lượng phenol và xyanua đã thải ra biển Vũng Áng mà Bộ Tài Môi công bố hồi tháng 4/2016 vừa qua là 1, 82 tấn. “Chỉ” 1, 82 tấn phenol và xyanua trong 5 ngày, mà phá hủy gần như toàn bộ rạn san hô lâu đời hàng trăm năm dọc bờ biển miển Trung, có khi cần đến cả hai, ba chục năm mới phục hồi. Nếu tính theo giấy phép xả thải mà Formosa đã được cấp với lưu lượng 45. 000 mét khối/ngày, chỉ riêng với nồng độ phenol hay xyanua thì tổng lượng phenol và xyanua sẽ thải ra biển Vũng Áng sẽ là 17, 37 tấn/năm, tức là lớn gấp 9, 5 lần so với lượng thải của 5 ngày gây ra thảm họa.

Hệ sinh thái biển miền Trung đến nay còn chưa kịp hoàn hồn sau cơn thảm họa 2016, nay lại lãnh thêm một số lượng phenol và xyanua là 17, 37 tấn/năm thì phép màu nào mà hồi sinh cho được Mẹ Trùng Dương ơi?

Theo nghiên cứu của Giáo sư K. Vizayakumar đến từ Indian Institute of Technology thực hiện năm 2001, cho thấy để bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm trong các dự án liên hợp gang thép, đòi hỏi chi phí đầu tư cho các hệ thống xử lý xả thải chiếm đến 10% tổng vốn đầu tư dự án. Nghĩa là với quy mô đầu tư 10 tỉ USD của dự án Formosa Hà Tĩnh, chi phí để đầu tư cho các hệ thống xử lý khí thải, xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn tại đây cần đến 1 tỉ USD.

Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải mà Formosa xây cất chỉ tốn có 45 triệu USD. Vậy liệu rằng Formosa có dành đến 955 triệu USD còn lại để đầu tư vào hệ thống xử lý khí thải và quản lý chất thải rắn, để đảm bảo môi trường hay 955 triệu USD này đã nằm trong các phong bì để mua sự im lặng của đám cán bộ quan chức có thẩm quyền? (2)

Vấn nạn nô lệ chính trị

Cũng cần nhắc lại ở đây, trong việc sản xuất thép trên thế giới, cung đã vượt xa cầu. Đâu đâu trên thế giới, các nước sản xuất thép đều phải cắt giảm sản lượng sản xuất thép xuống tới mức thấp nhất. Vậy VN có cần phải hy sinh môi trường cho việc sản xuất thêm hàng trăm triệu tấn thép dỏm (ma dzê Chai-Na) dư thừa, rồi cũng để rỉ sét?

Lại thêm vấn nạn cho thuê đất 70 năm với sự sinh sản như chuột của hơn 20. 000 nam công nhân Tàu cộng đang làm việc tại Formosa. Suy gẫm một chút, ta thấy thảm họa Formosa gây ra không phải là vấn đề kinh tế, mà chính là vấn đề chính trị, vì rõ ràng: Môi trường nhiễm độc sẽ đưa đến hủy diệt dân sinh; Biển chết, dân Việt tha phương cầu thực và Hà Tĩnh, một địa thế chiến lược quan trọng của VN sẽ trở thành một địa danh cho dân Tàu kéo sang sinh sống!

Tiếp tục tội ác

Hôm 30/05/17, theo báo vẹm, chỉ mới là túi lọc bụi lò vôi của Formosa phát nổ, mà cũng đủ long trời rung đất, làm ô nhiễm cả bầu không khí quanh vùng với bao hiểm họa bệnh tật đe dọa!

Bất chấp mọi hoang mang và thiệt thòi từ phía dân, quan chức Tài Môi vẫn tiếp tục ngoan cố tuyên bố: "Đoàn công tác của Bộ TN-MT, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng đại diện Formosa tiếp tục vào hiện trường vụ nổ để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sau sự cố". Sự chịu đựng của dân suốt một năm qua là quá đủ rồi, bây giờ cứ nghe tuyên bố láo lếu của Tài Môi là làm dân lại căm phẫn thêm mà thôi. Như tuyên bố hôm 6/4/2017 vừa qua, sau đúng một năm thảm họa, Bộ Tài Môi và UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn hồ hởi công bố một cách đại đại chi ngu xuẩn rằng: "Formosa đã khắc phục được 52 trong 53 lỗi, chỉ còn lại 1 lỗi duy nhất mà thôi!”. Hỏi mấy cán gáo Tài Môi và Hà Tĩnh: Tại sao không minh bạch ra cái lỗi còn lại là lỗi gì mà đã vội vàng cho Formosa bước vào hoạt động? 

Mặc dù là tội phạm môi trường hạng sừng sỏ, như là một quả bom nổ chậm treo lơ lững trên đầu dân không biết ngày nào sẽ chụp xuống. Nhưng Formosa vẫn cứ ngang nhiên tiếp tục tội ác tại VN. Trong cuộc đối đấu hôm nay: Một bên là Formosa với sự bao che, ăn chia của đồng bọn đảng CS Việt gian và bên còn lại là người dân Việt. Dưới cái nhìn thế giới, đây là một sự thách thức của tội phạm môi trường và văn minh thế giới. Dưới cái nhìn Việt Nam, đây là sự thách đố của đảng CS bán nước hại dân với lương tri của toàn dân Việt. 

Hỡi toàn thể dân ta ơi, hãy vượt qua sợ hãi, bỏ qua mọi tư lợi của bản thân và gia đình mình, hãy hành động và dấn thân chống lại tội phạm Formosa và bầy đàn CS Việt gian bán nước, trước khi đã quá trễ!

Formosa phải cút khỏi Việt Nam! 

1/6/2017


_______________________________________

Chú thích:

Hồ sơ hủy hoại môi trường của Formosa trên thế giới kinh khủng như thế nào?

Formosa Hà Tĩnh: phát thải “siêu độc”, quản lý “chưa tiên liệu”?

Đối thoại nhân quyền là canh bạc bịp của CSVN

Le Nguyen (Danlambao) - Mỗi dân tộc có sắc thái, đặc thù riêng và để tạo nên khác biệt của từng dân tộc. Có những dân tộc để lại cho hậu thế các công trình kiến trúc đồ sộ khiến nhân loại phải ngưỡng phục và có những dân tộc để lại những tư tưởng gây ảnh hưởng lên một phần đời sống của con người. Những kiến trúc, tư tưởng đó có nhuốm ít nhiều xương máu, xác người đồng loại do tham vọng cá nhân hoặc do tham vọng của nhóm người nắm giữ quyền lực cai trị xã hội loài người.

Nhân loại ngày càng văn minh tiến bộ, khoa học kỹ thuật tân tiến ngày càng đa dạng khiến khoảng cách địa lý quốc gia, con người được thu hẹp và sắc thái, đặc thù của từng dân tộc cũng mờ nhạt dần, hợp cùng với giá trị tư tưởng mới, cơ cấu tổ chức mới, hệ thống luật pháp mới nhằm hướng tới mục đích giúp cho nhân loại giao tiếp, sống chung hòa bình. 

Do đó, mỗi quốc gia không còn là ốc đảo toàn quyền tự tung tự tác, một quốc gia không thể tiến bộ, phát triển nếu không hội nhập vào đời sống của toàn nhân loại và khi hội nhập phải chấp nhận luật chơi chung của cộng đồng nhân loại. Không thể tay ký kết mà miệng lại kêu chúng tôi có sắc thái, đặc thù riêng, nói thế là láo lừa, bịp bợm không thể chấp nhận được bởi không thể trong một trận túc cầu mọi cầu thủ đều dùng chân chơi bóng mà mình lại dùng cả tay lẫn chân và vô tư lu loa rằng đặc thù chơi bóng của chúng tôi là cả tay lẫn chân được! Nếu nghĩ rằng chơi bóng cả tay lẫn chân là hấp dẫn hơn, hay hơn, điều trước tiên phải vận động, thuyết phục thay đổi luật chơi chứ không nên tùy tiện rồi bảo là đặc thù bóng đá của tôi là dùng chân lẫn tay được.

Theo chiều hướng đó có nhiều tổ chức quốc tế được thành lập và Liên hiệp quốc là tổ chức tương đối công bằng. Tổ chức LHQ đã tạo điều kiện, tạo cơ hội bình đẳng cho các quốc gia thành viên có tiếng nói như nhau. Được quyền lên tiếng phản đối, cũng như vận động các thành viên khác sửa đổi các điều luật lạc hậu, mang tính áp chế hoặc không công bằng trong cơ cấu tổ chức chung này . 

Thế cho nên nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc đã ký kết gia nhập Liên Hiệp Quốc phải có bổn phận chấp hành luật pháp quốc tế bởi Việt Nam không bị cấm “phát biểu ý kiến”. Cụ thể là mảng nhân quyền - Việt Nam được quyền chỉ ra những điều lệ bất cập, được yêu cầu sửa đổi để tổ chức chung ngày càng tốt hơn, chứ không thể bao biện nói đặc thù nhân quyền của tôi khác nhân quyền của các anh, rồi ngang nhiên vi phạm hiệp ước đã ký kết, đến khi bị quốc tế lên tiếng cảnh báo, lại ra rả chống chế, giẫy đành đạch ăn vạ bảo là: 

“...Các thành viên Liên Hiệp Quốc xen vào công việc nội bộ... Việt Nam xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo đúng các qui định của luật pháp Việt Nam và phù hợp với các qui định của luật pháp quốc tế... quyền con người được bảo đảm và phát huy ở nước tôi...” 

Thế thì hãy nhìn vào vài vụ việc cụ thể đã, đang xảy ra ở nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam đem đối chiếu với các điều luật qui định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, một trong nhiều hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia, xem cộng sản Việt Nam có vi phạm hay có thực tâm thi hành không? 

1. Trong lời mở đầu, một phần của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền có đoạn viết: “Xét rằng: Nhân Quyền cần phải được bảo vệ bằng luật pháp, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức.” 

Vậy trong nước Việt Nam hiện nay nhân quyền có được luật pháp bảo vệ không? Khi nhục hình tra tấn trong trại tù, trại tạm giam gây chết người, gây thương tật suốt đời cho nhiều cá nhân suốt từ Bắc chí Nam như trường hợp Nguyễn Văn Khương ở tỉnh Bắc Giang, Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội bị đánh chết vì tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Nguyễn Công Nhật ở Bình Dương bị tra tấn đến chết vì bị nghi là ăn cắp trong một hảng sản xuất vỏ xe của Hàn Quốc. Nguyễn Hữu tấn bị cắt cổ vì nghi có liên quan đến cờ vàng... 

Còn nhiều, rất nhiều trường hợp Nguyễn Văn Khương, Trịnh Xuân Tùng, Nguyễn Công Nhật, Nguyễn Hữu tấn... đã bị tra tấn, nhục hình dã man chết âm thầm trong trại tạm giam, trại tù mà không được nhiều người biết tới, vì thân cô thế cô, vì thân phận nghèo nàn ít học, thấp cổ bé miệng nên công lý không đến với họ. 

Cũng như còn rất nhiều người dân rời trại giam với thân tàn ma dại, sống dở chết dở, rồi chết trong đói nghèo bệnh tật do hậu quả của nhục hình tra tấn dã man như thời trung cổ gây ra! Như thế quyền con người có thật sự được bảo đảm và phát huy hay “nhân quyền được bảo đảm” chỉ là những lời bịp bợm, dối trá của quan chức nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

2. Điều 9 của Tuyên Ngôn có ghi ngắn gọn, khá rõ: “Không ai bị bắt bớ tùy tiện, cầm tù hay lưu đày một cách độc đoán.”

Vậy Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Luật sư Lê Quốc Quân cùng một số người, đứng trên vỉa hè cách xa tòa án xét xử công khai “hai bao cao su đã qua sử dụng” của Cù Huy Hà Vũ, vài trăm mét mà bị tấn công bằng dùi cui, roi điện quăng lên xe đặc chủng đưa về đồn công an tạm giữ, xong đưa về nhà khám xét, thu giữ tài sản, nhốt thêm nhiều ngày nữa rồi thả ra, không một lời giải thích? Cũng như chuyện Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giữ theo điều luật 88, về hành vi tuyên truyền chống nhà nước, với các khẩu hiệu: “Khởi tố Formosa... Formosa get out... Cá cần nước sạch dân cần minh bạch... Ngừng xả thải ra biển...”

Còn bao nhiêu người như Phạm Hồng Sơn, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Hoàng Bình bị bắt giam tùy tiện, bị tra tấn tùy tiện kiểu “không có tội đánh cho có tội, có tội đánh cho chừa ” độc ác, man rợ như thời trung cổ. Thử hỏi với việc bắt, thả, khảo tra tùy tiện đó, quyền con người có được luật pháp bảo vệ trong nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa không?

3. Điều 23, khoản 4 có nêu rõ: “Mọi người đều có quyền thành lập và tham gia vào các nghiệp đoàn, để bảo vệ quyền lợi của mình.”

Theo điều luật này thi công nhân Nguyễn Tấn Hoành (Đoàn Huy Chương) thành lập công đoàn để bảo vệ quyền lợi, trước hết là cho mình, cho các công nhân khác, theo luật pháp quy định, tại sao lại bị bắt nhốt tù? Sau khi ra tù bạn trẻ Nguyễn Tấn Hoành không từ bỏ mục tiêu đấu tranh, anh đã cùng với Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đổ Thị Minh Hạnh giúp công nhân đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho thành phần lao động “giai cấp tiên phong lãnh đạo nhà nước và xã hội” vì biết rằng: “Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi, giải trí, kể cả việc hạn chế hợp lý số giờ làm việc và các ngày nghỉ định kỳ có trả lương.” (điều 24, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền). 

Chắc chắn, các bạn trẻ này, không có động lực nào khác hơn là tình đồng loại, giữa người với người, họ không thể đứng nhìn đồng bào mình bị bọn tài phiệt quốc tế cấu kết với đám quan tham ngu tối, ác độc bóc lột, mồ hôi công sức trong môi trường làm việc tồi tệ và bị đối xử không được như một con người, nếu không muốn nói là bị đối xử như con thú! Mọi người đều thấy đều biết, kể cả những kẻ có quyền chức nhưng tất cả đều im lặng... im lặng một cách đáng sợ! 

Những bất công, những tiếng kêu đau thương ngất trời, những vụ việc tự tử trong đồn công an đã diễn ra khá lâu, không còn là chuyện “cá biệt”. Thế mà ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác, không thể bảo rằng nhà nước không nghe, không thấy, không biết được... Mới đây chúng táo tợn cắt cổ nạn nhân Nguyễn Hữu Tấn trong phòng tạm giam như khủng bố IS. Thế luật pháp ở đâu, luật pháp nào bảo vệ quyền con người, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền được sống trong nhà nước XHCN này đây?

4. Điều 30 điều luật cuối cùng của bản Tuyên Ngôn có chốt lại như sau: “Không một điều nào trong Bản Tuyên Ngôn được hiểu và hàm ý cho phép một nước, một nhóm hay một cá nhân nào được quyền có những việc làm hay hành động nhằm hủy diệt nhân quyền và tự do được thừa nhận trong bản Tuyên Ngôn này.”

Qua vài dẫn chứng cụ thể ở trên và điều luật cuối của bản Tuyên Ngôn đã chỉ ra một thực tế là nhân quyền không được bảo đảm thực thi trong nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhà cầm quyền csVN ngang nhiên vi phạm hiệp ước, ngang nhiên cướp lời cưỡng ý tự do, nhân quyền được thừa nhận trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. 

Lãnh đạo csVN luôn dùng thủ đoạn gian manh, dối trá trong đối thoại nhân quyền với các nước tự do, dân chủ tiên tiến trên thế giới chứ không thực tâm cải thiện nhân quyền. Họ sử dụng đàm phán nhân quyền như giải pháp đối phó tình thế chứ không thực tâm tạo cơ hội thăng tiến nhân quyền. Đến khi các nước văn minh vạch trần, đưa ra chứng cứ vi phạm nhân quyền cụ thể, họ lại bảo luật pháp có qui định quyền con người nhưng cấp dưới làm sai hoặc không chấp hành và họ hứa hẹn sửa đổi nhưng không bao giờ có tiến bộ trong đối thoại nhân quyền. Đàm phán nhân quyền của csVN với các nước dân chủ văn minh, với các cơ chế quốc tế, không có điểm dừng, không mang đến kết quả tích cực nào cả bởi cs dùng đối thoại nhân quyền như lá chắn bảo vệ độc tài đảng trị của họ mà thôi chứ chúng không thật tâm cải thiện nhân quyền, thực thi nhân quyền . 

Tóm lại, nhờ phát minh khoa học kỹ thuật, thế giới ngày càng tiến bộ, con người ngày càng văn minh hơn. Cái riêng, cái đặc thù của mỗi dân tộc ngày càng phai nhạt dần, thay vào đó là cái chung cái tốt lành của toàn nhân loại. Cộng sản Việt Nam không thể giữ mãi mấy cái loa ở góc phố, treo trên thân dừa ở các làng quê, rỉ rả bên tai sáng sáng, chiều chiều hay ngập tràn khẩu hiệu đỏ rực trời, giăng mắc khắp cả nước: “Sống làm việc theo hiến pháp và luật pháp... Công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Sống học tập và làm việc theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh...” hoặc làm theo kiểu cách trong thời đại Hồ Chí Minh hô hào, phát động phong trào xóa nạn mù chữ để dân chúng biết đọc, biết viết: “đảng quang vinh Hồ Chí Minh vĩ đại.” 

Thời đại loa đài đã qua, nhân loại không còn mắc lừa như xưa, các nước dân chủ tiên tiến không khờ khạo đến nỗi không biết, các ông “Mười, Anh, Nông Dân”, các anh “Hùng, Dũng, Sang, Trọng”, các chị “Ngân, Phúc, Quang, Trọng” và một đám “quần chúng tự phát... tiền” được chỉ đạo, mặc veston, đi dép kẹp mở miệng bốc mùi phèn, đầu khét nắng diễn dân chủ, nhân quyền. 

Tội nghiệp các quan chức lãnh đạo - những con vẹt cộng sản Việt Nam đâu biết rằng, các tay đàm phán phương tây ngày nay là những người lịch lãm, văn minh có lòng thương người nên không nỡ chỉ thẳng vào mặt các ông bà mắng: “Chúng tôi đã biết tất, các anh chị đừng diễn trò lưu manh, dối trá nữa... những con thú đội lốt người. Hãy đối thoại nhân quyền với tâm thức của người trưởng thành, với phong cách của người lịch sự, văn minh!”

1/6/2017

Ở Việt Nam tự do nằm ở trên đường

Thái Bá Hồng (Danlambao) lược dịch - Với một chiếc xe máy tôi đang đứng bên chợ Bến Thành Sài Gòn. Đằng sau tôi một núi khoảng ít nhất 40 chiếc xe máy khác. Trước tôi mạch đường giao thông vòng siêu khủng. Hàng trăm chiếc xe máy đổ vào mạch vòng không cần luồng lạch, cũng chẳng cần chú ý nguyên tắc ai trước ai sau, một vài chiếc ô tô nhọc nhằn mở lối đi cho mình. Là một thằng ngốc nếu ai đó muốn tìm kiếm cột đèn xanh đỏ. Cứ mỗi phút nấn ná thì núi xe đằng sau càng phình ra. Tôi nhận biết, tôi chỉ có một lời giải, nhấn ga và lọt vào giữa.

Chạy xe máy và Việt Nam- với một số người hiểu châu Á, hai từ này đồng nghĩa. Xe 2 bánh gắn máy thuộc thành viên gia đình. Họ còn cất nó trong phòng ở. Các cửa hàng hay khách sạn ăn uống nhỏ có dịch vụ trông xe.

Sau một vài ngày ở Việt Nam tôi biết được rằng không có dụng cụ to nặng nào mà không cho được lên xe máy. Điều này người đồng hành với tôi đèo trên xe máy chiếc tủ lạnh, chen xe tôi trong mạch đường vòng, đã kể lại. Sau một vài km ngồi trên vespa tôi hiểu rằng, xe máy ở Việt Nam có trọng trách nhiều hơn là phương tiện đi lại.

Trật tự giao thông trên đường xóa bỏ tính toàn quyền của nhà nước

Việt Nam là một trong những nước cuối cùng trên toàn thế giới coi mình là nước cộng sản. Nhiều người Việt Nam ngày nay gọi chính phủ mình là "tư bản đỏ", nghĩa là họ là những nhà tư bản bảo vệ bức thềm CSCN, nhưng trong thực tế họ để cho đồng tiền của họ ngự trị.

Tính toàn quyền của nhà nước trong một nước mà trước đây bị chia đôi, còn được thể hiện rõ ràng. Du lịch đường xa chỉ dưới điều kiện trả giá cao mới được cho phép.

Thường xuyên xẩy ra hiện tượng cưỡng chế, nghĩa là các nhà chức trách cưỡng chế đất của công dân mỗi khi họ cần đất để xây dựng công trình. Vào giữa tháng tư vừa qua ở làng Mỹ Đức phía bắc Hà Nội đã bùng nổ tình huống, khi mà đông người dân trong làng bị cưỡng chế đất, nhà chức trách muốn trịch thu đất của họ cho doanh nghiệp điện thoại Viettel của quân đội. Dân trong làng đã bắt 20 công an và cán bộ địa phương làm con tin.

Nếu tôi đi xe máy xuyên suốt Việt Nam thì tôi không cảm nhận được bộ máy chính quyền khắc nghiệt đó. Bộ khung điều chỉnh hệ thống cscn đối kháng mãnh liệt với hệ thống giao thông vô quy tắc trên đường. Ở đây không cấm gì cả. Hoàn toàn ngược lại, tôi có thể đi tùy ý tôi muốn. Tôi có thể đi ngược đường, nếu không muốn chuyển làn đường. Tôi có thể đi trên vỉa hè dành cho người đi bộ, nếu nhanh hơn. Tôi có thể vượt qua đèn đỏ, nếu có việc gấp. Nhưng khoan đã, bên cạnh đèn đỏ tôi thấy có chíêc xe nhỏ màu xanh lá cây có mũi tên xanh ánh ra chỉ về phía trước. Như vậy có nghĩa là tôi nên vượt qua đèn đỏ.

Cái thần kỳ của sự hỗn loạn tự tạo

Trở lại đường mạch vòng . Tôi nhấn nhẹ ga và tiến vào mạch vòng. Đã đến thời điểm mà gia đình có 5 người trên xe mofa sẽ nhìn tôi với vẻ khó chịu. Tôi đi nhanh hơn, từ phía trái 5 chíếc xe khác lao về phía tôi. Phanh? Nếu hành động vậy là đúng luật Đức nhưng ở đây là sai. Tôi tăng tốc. Và thât thế,. Không có một sự khó chịu trên nét mặt, cả 5 tên đều phanh lại và đi qua phía sau tôi. 

Trong khi đó từ bên phải lại 1 xe máy khác tiến tới. Lần này tôi giảm ga để cho nó đi. Giống như một sự thần kỳ, tôi đã tạo được một lối ra mà không phải phanh xe, tất cả đều trôi trong dòng chảy. Không đầy 1 phút tôi đã bỏ lại mạch vòng giao thông phía sau.

Tình trạng vô pháp luật trên đường giao thông ở VN có mặt trái của nó. Với trung bình cứ 100 000 người thì 25,5 người bị chết vì tai nạn giao thông, VN đứng vị trí cao trên bảng thống kê. Nước Đức theo thống kê của tổ chức y tế thế giới chỉ ở 4,3. Như vậy là không phải là văn hóa đi xe tài nghệ mà là một sự loạn xạ không thèm tôn trọng người khác.

Trật tự giao thông xe máy ở VN CSCN là một sự hoàn thiện kinh tế thị trường thể hiện trên đường giao thông. Mỗi người ai cũng có quyền dành lấy cái tốt nhất cho mình- và qua đó phát sinh con số tai nạn giao thông. Một dòng người tham dự giao thông mà ai cũng được tham dự như ý mình muốn. Như vậy tự do là ở trên mặt đường.

31/5/2017

Đừng chờ chất độc phủ vây

Đường dẫn khí lò cao số 1 Formosa bị nổ đêm 30/5/2017
Quang Dương (Danlambao) - Đêm 30/5 vừa qua một vụ nổ lớn rung chuyển mặt đất với khói đen và mùi khét bốc lên dầy đặc đã xảy ra trong khu vực nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh. Theo nguồn tin từ báo chí trong nước trích lời quan đảng Hà Tĩnh thì tiếng nổ phát ra từ lò luyện vôi. Lò này không nằm trong dây chuyền chính. Cũng theo miệng quan thì mọi hoạt động khác của nhà máy, trong đó có lò cao, vẫn bình thường, ngụ ý không có gì quan trọng.

Kinh nghiệm vụ Formosa cố ý xả chất thải chưa xử lý ra biển làm ô nhiễm biển miền Trung trầm trọng và cá chết hàng loạt hồi tháng 4 năm ngoái, gây tác hại khôn lường cho môi trường và cuộc sống của người dân cho đến giờ, chúng ta không thể tin được rằng Formosa sẽ không thực hiện một cuộc xả độc thứ nhì, thứ ba và nhiều lần nữa dù vô tình hay cố ý, dù có sự cố hay không.

Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về thái độ luỵ Tàu, bản tính gian tham, lừa lọc, ăn hối lộ, luôn dối gạt người dân của các quan chức đương quyền, cốt mong che tội cho Formosa, bất kể tội lỗi đó đã rõ ràng hiển nhiên không thể chối cãi.

Chúng ta không thể ngồi yên nhìn Formosa toa rập với bạo quyền coi thường sinh mạng người dân Việt, đồng thời hủy hoại, đầu độc đất, nước, không khí, môi trường sống của chúng ta như thế. 

Hôm qua nổ lò luyện vôi (nếu quả thật chỉ là lò luyện vôi), khói độc hóa chất phát tán trong không khí bao nhiêu chắc rồi sẽ chẳng có con số nào được thống kê, báo cáo nào được phổ biến. Mà dù có thì tính chính xác cũng không thể tin cậy được. Một lần bất tín vạn lần bất tin. 

Rồi ngày mai, ai dám đoan chắc là sẽ không có thêm một vụ nổ nào khác nữa ở những lò cao, lò thấp, lò xa, lò gần...? Những cái lò, cái nồi "Made in China"!

Vậy thì tốt hơn hết phải tẩy chay, tống cổ Formosa ra khỏi đất nước chúng ta ngay bây giờ. Xin đừng chờ đến lúc chất độc đã phủ vây thì e rằng đã muộn.

Nổ rồi, nổ lớn, nổ to
Khói đen hoá chất bụi lò vãi vung
Vũng Áng, Hà Tĩnh chuyển rung
Formosa lại khùng khùng hại dân

Lò cao, lò thấp, lò gần
Lò xa, lò xạo, lò vần, lò vôi
Lò Trung cộng lò đồ tồi
Chưa chạy cá chết chạy rồi dân tiêu

Quan tham nuốt bạc làm liều
Bưng tai bịt mắt nói điêu quen mồm
Năm qua biển chết cá tôm
Năm nay khói độc phủ trùm không gian

Bảo rằng dân cứ lạc quan
Bụi vôi không độc tản quang tức thì
Bên lề, sự cố hề chi
Luyện kim lò chính vẫn thi công làm

Dân tình nghe thế chẳng ham
Đảng điêu nói gạt làm càn đã kinh
Một lần bất tín bất minh
Vạn lần sẽ chẳng còn tin chút nào

Đứng lên thôi khắp đồng bào
Đấu tranh quyết đánh bật nhào Formosa
Đồ gian, đồ giả, đồ ma
Đồ Tàu, đồ cộng cút xa đất này

Đừng chờ chất độc phủ vây

5/2017