Tuesday, July 28, 2015

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm

Theo BBC-28 tháng 7 2015

Cổ phiếu tại Trung Quốc đại lục tiếp tục trượt giá vào hôm 28/7, sau ngày bán tháo lịch sử hôm 27/7.
Chỉ số Shanghai Composite giảm 4,3% xuống 3.567,38 điểm trong phiên giao dịch đầu ngày.
Hôm 27/7, chỉ số này cũng đã giảm 8%, mức lớn nhất trong 8 năm trở lại đây.
Trung Quốc đang cố gắng trấn an các nhà đầu tư rằng nước này sẽ thực thi các chính sách tiền tệ thận trọng nhằm ổn định thị trường.
Ngân hàng trung ương nước này cho biết sẽ bơm 50 tỷ nhân dân tệ, tương đương 8,05 tỷ đô la, vào thị trường tiền tệ.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng các chỉ số kinh tế chính của nước này đang được cải thiện dần.
Tình trạng trượt giá chứng khoán hôm thứ 27/7 diễn ra sau khi các chỉ số về lợi nhuận của ngành công nghiệp của Trung Quốc và một cuộc khảo sát khu vực sản xuất tư nhân được công bố hôm 24/7 mang lại những kết quả đáng thất vọng.

Ngăn chặn 'giao dịch độc hại'

Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSFC) cho biết sẽ trấn áp tình trạng bán khống.
"Bất kỳ giao dịch độc hại nào cũng sẽ bị điều tra và trừng phạt nghiêm khắc," CSFC cảnh báo.
Tuy nhiên các biện pháp này cũng không giúp cho niềm tin từ các nhà đầu tư được cải thiện đáng kể.
Chiến lược gia chuyên về thị trường chứng khoán Evan Lucas từ hãng giao dịch IG nói rằng "rõ ràng thị trường Trung Quốc không thể tự nuôi sống mình".
"Việc sử dụng dịch đòn bẩy tài chính và những rủi ro của việc yêu cầu ký quỹ bổ sung sẽ ảnh hưởng xấu đến tính ổn định của thị trường".
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình tại đại lục và giảm 0,5% xuống 24.229,47 điểm vào đầu phiên giao dịch.

Dịch Mers ‘đã qua’

Các thị trường chứng khoán khác ở châu Á cũng nhuộm đỏ do ảnh hưởng từ sự lao dốc của thị trường Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản, giảm 1,1% xuống 20.123,70 điểm.
Cổ phiếu của hãng sản xuất máy ảnh Canon tăng 0,8%. Đây là một bất ngờ sau khi công ty này cắt giảm triển vọng lợi nhuận của mình và báo cáo lợi nhuận hàng quý giảm 16% vào hôm 27/7.
Doanh thu máy ảnh bị tác động rõ rệt do tình trạng người tiêu dùng chuyển sang dùng điện thoại thông minh để chụp hình thay vì loại máy ảnh nhỏ gọn.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0,9% xuống còn 2.019,92 điểm.
Thị trường chứng khoán có thể được cải thiện với việc Thủ tướng Hwang Kyo-Ahn tuyên bố nạn dịch Hội chứng Hô hấp Trung Đông (Mers) đã kết thúc.
36 trong tổng số 186 ca nhiễm virus Mers đã tử vong, kể từ lúc trường hợp nhiễm Mers đầu tiên được phát hiện vào ngày 20/5.
Dịch Mers đã là trở lực khiến kinh tế Hàn Quốc chùn bước, ảnh hưởng đến tiêu thụ nội địa và du lịch.
Bệnh nhân nghi nhiễm Mers cuối cùng đã thôi bị cách ly vào hôm 27/7.
Thị trường chứng khoán Úc cũng đi theo xu hướng của khu vực, giảm 0,9% xuống còn 5.542,20 điểm.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dịch vụ hàng đầu của Úc và sự biến động đáng kể của cổ phiếu Trung Quốc cũng như các chỉ số tăng trưởng chậm lại có khiến nhà đầu tư giảm lòng tin.

Bộ quốc phòng chào mừng tướng Thanh bằng bài hát ‘Ca ngợi tổ quốc’ của Tàu


Bạn đọc Danlambao - Bộ quốc phòng CSVN đã sử dụng bài hát ‘Ca ngợi tổ quốc’ của Trung Cộng để chào đón đại tướng Phùng Quang Thanh xuất hiện trở lại trước công chúng.

Ông Thanh đã có mặt tại buổi văn nghệ ‘Khát vọng đoàn tụ’ diễn ra tối 27/7/2015 tại hội trường bộ quốc phòng, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

Đây là chương trình tưởng niệm nhân ngày thương binh liệt sỹ hàng năm, trong đó có cả những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống quân Trung Cộng xâm lược. 

Trong lúc chủ tịch nước Trương Tấn Sang chuẩn bị đọc bài diễn văn khai mạc, ban tổ chức liền cho nổi một bản nhạc thiều của Trung Cộng.

Được biết, đây là bài hát tuyên truyền mang tên ‘Ca ngợi tổ quốc’ do nhạc sỹ Vương Tân sáng tác năm 1950. Đây cũng được coi là ‘quốc ca thứ hai’ của Trung Cộng.  

Phần nhạc thiều nổi lên là đoạn đầu bài hát, có nội dung như sau:

“Lá cờ đỏ 5 sao đang đung đưa trong gió, tươi sáng những âm thanh của bài ca chiến thắng.
Hát cho quê hương thân yêu của chúng ta, từ nay bước tới thịnh vượng và sức mạnh”

Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh từng được Trung Cộng cấp sẵn cho bảng tên tiếng Tàu để 'tiện' trao đổi.



Động thái ngang ngược mới của Trung Quốc ở Hoàng Sa

(Baodatviet) - Giới chức Trung Quốc có kế hoạch khởi động một tuyến du lịch mới tới quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông

Tờ Nhân dân nhật báo ngày 27/7 đưa tin trên. Đây được xem là một động thái vi phạm tiếp theo của Trung Quốc với chủ quyền của Việt Nam, .

Dong thai ngang nguoc moi cua Trung Quoc o Hoang Sa
Tàu du lịch Coconut Princess được Trung Quốc dùng để trái phép đưa du khách tới Hoàng Sa (Ảnh: News.cn)
Trung Quốc đã bắt đầu khai thác trái phép trên cơ sở thử nghiệm ở các tuyến du lịch bằng tàu Coconut Princess tới quần đảo Hoàng Sa vào năm 2013, khởi hành từ Tam Á, đảo Hải Nam. Theo tờ Nhân dân nhật báo, cho đến nay hơn 10.000 khách du lịch đã tham gia tuyến du lịch này.

Gần đây nhất, hôm 21/5, Tân Hoa xã cũng đưa tin hãng Hainan Strait Shipping sẽ đưa một tàu du lịch tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 10 tới để quảng bá du lịch phi pháp tại đây.

Con tàu này có trọng lượng 11.000 tấn, trị giá 24 triệu USD, có thể tiếp nhận 500 hành khách.

Một tàu du lịch cũ trước đó từng đưa hơn 8.000 du khách Trung Quốc tới tham quan trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam kể từ khi Trung Quốc mở tuyến du lịch tại Hoàng Sa từ tháng 4/2013.
Trong thông báo ngày 23/6, chính quyền thành phố Tam Á (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) cho biết đang thuê đóng hai tàu 15.000 tấn phục vụ du lịch ở Biển Đông.

Dự kiến, đầu năm 2016, hai tàu du lịch này sẽ được đưa vào sử dụng, lấy cảng Tam Á làm nơi neo đậu phục vụ cho các tuyến du lịch trái phép như: Tam Á- Hoàng Sa hay các tuyến du lịch vòng quanh Biển Đông. Hai tàu này được coi là tàu du lịch lớn nhất ở thành phố Tam Á.

Theo giới thiệu, hai tàu du lịch trên do công ty đóng tàu Chiết Giang chế tạo, với tổng vốn đầu tư khoảng 650 triệu Nhân dân tệ.

Tàu 7 tầng này có chiều dài 134,5 mét, chiều rộng 20 mét với thiết kế hơn 500 giường nằm, đảm bảo cho từ 500-700 du khách.

Ngoài ra, tàu còn có các khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của các du khách trong những tuyến du lịch đường dài.

Tờ báo cho biết, giới chức Trung Quốc hi vọng cuối năm nay sẽ có thêm nhiều hòn đảo có thể được mở cửa để phục vụ du lịch. Trong số các đảo được mở cửa có đảo Phú Lâm, nơi đặt trụ sở chính quyền của cái gọi là "thành phố Tam Sa", mà Trung Quốc lập nên một cách phi pháp từ năm 2012.

Tuy nhiên, China Daily nói rằng thời tiết và các cơ sở vật chất còn nghèo nàn có thể ảnh hưởng tới các kế hoạch du lịch, vì quần đảo Hoàng Sa thường xuyên hứng chịu bão và gió mạnh.

“Chúng tôi cần xem xét năng lực của các hòn đảo nhằm đón tiếp du khách. Các tàu du lịch không thể neo đậu trên một số đảo và cần phải có các tàu nhỏ hơn để đưa du khách lên các đảo”, China Daily dẫn lời ông Xie Zanliang, người đứng đầu một công ty du lịch nhà nước chuyên phát triển các chuyến du lịch phi pháp tới Hoàng Sa.

Hành động phi pháp của Trung Quốc được ghi nhận từ năm 2012. Khi giới truyền thông Philippines đã dẫn lời giới chức nước này cho biết thành phố Tam Á ở cực nam đảo Hải Nam, Trung Quốc đã lập kế hoạch mở tuyến đường du lịch đường biển (phi pháp) đến quần đảo Trường Sa(thuộc chủ quyền của Việt Nam).

An An
 (Tổng hợp)Tuyến du lịch đường biển phi pháp này được thành lập theo một kế hoạch phát triển du lịch 10 năm của Tam Á, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa(thuộc chủ quyền Việt Nam) và bãi đá ngầm Macclesfield mà Bắc Kinh gọi là quần đảo Trung Sa.

Người Việt sát cánh chống Trung Quốc với Philippines

Những người biểu tình tuần hành với biểu ngữ tới trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại khu tài chính của Makati, phía đông thành phố Manila, ngày 24/7/2015.
Những người biểu tình tuần hành với biểu ngữ tới trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại khu tài chính của Makati, phía đông thành phố Manila, ngày 24/7/2015.
VOA Tiếng Việt
28.07.2015
Hơn một chục người Việt mới đây đã cùng hàng trăm người Philippines biểu tình phản đối bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở thủ đô Manila.

Các hình ảnh đăng tải trên mạng cho thấy những người Việt trẻ tuổi, đa phần là sinh viên và các nhà hoạt động xã hội, hôm 24/7, đã giơ cao các biểu ngữ như “Việt Nam và Philippines cùng đứng lên chống lại sự xâm lược của Trung Quốc” hay “Trung Quốc hãy chấm dứt xây đảo nhân tạo trong lãnh hải Việt Nam và Philippines”.

Luật sư Trịnh Hữu Long cho biết lý do vì sao lại xuống đường cùng người Philippines:

“Đó là nhu cầu của cả hai bên. Chúng tôi cũng muốn đi biểu tình để thể hiện sự quan tâm của mình đối với vấn đề biển, đảo. Một phần nữa là bên phía Philippines họ cũng muốn có sự tham dự của một số nước khác để cuộc biểu tình mang nhiều màu sắc hơn và thể hiện sự đoàn kết của nhiều nước hơn trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Thái độ hung hăng của Trung Quốc tất yếu dẫn tới việc các nước nhỏ phải liên kết lại với nhau để chống lại, thay vì là mạnh nước nào, nước ấy làm. Người Philippines có bày tỏ với đoàn Việt Nam rằng họ rất ngưỡng mộ Việt Nam, vì Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trước hàng nghìn năm qua. Họ cũng bày tỏ mong muốn rằng người dân Việt Nam và Philippines có thể hợp sức với nhau để đưa vấn đề với Trung Quốc trở thành một vấn đề khu vực, một vấn đề quốc tế."

"Chúng tôi cũng muốn đi biểu tình để thể hiện sự quan tâm của mình đối với vấn đề biển, đảo. Một phần nữa là bên phía Philippines họ cũng muốn có sự tham dự của một số nước khác để cuộc biểu tình mang nhiều màu sắc hơn và thể hiện sự đoàn kết của nhiều nước hơn trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông..."-Luật sư Trịnh Hữu Long.

Đây không phải là lần đầu tiên các công dân Việt Nam tuần hành với người dân nước bạn. Anh Long cho biết nhóm của anh tham gia Ngày biểu tình toàn cầu chống Trung Quốc từ 3 năm nay.

Ông Roilo Golez, cựu dân biểu đồng cố vấn an ninh quốc gia Philippines, nói với VOA Việt Ngữ rằng sự hợp lực của người Việt Nam cho thấy ‘Philippines không đơn độc’. Ông nói:

“Việt Nam hiện phải đối mặt với các vấn đề tương tự như chúng tôi trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Những gì Việt Nam vấp phải có khi còn khó khăn hơn chúng tôi vì trong lịch sử của mình, Việt Nam phải nhiều lần chống chọi với sự hiếu chiến của Trung Quốc. Cuộc hải chiến giữa hai bên ở Hoàng Sa năm 1974 làm hơn 70 binh sĩ hải quân Việt Nam thiệt mạng là một ví dụ. Sẽ là điều tốt nhất nếu các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc cùng hành động.”

Trên bình diện chính phủ, Hà Nội và Manila thời qua đã gia tăng hợp tác song phương, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động lấn biển, xây đảo nhân tạo trên biển Đông, gây lo ngại cho cả hai quốc gia Đông Nam Á.

Nhiều nhà quan cho rằng Việt Nam đang chủ động xích lại gần hơn nữa với Philippines để tạo lập liên minh nhằm đương đầu với Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Philippines năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông hiện nay ‘đặc biệt nguy hiểm’ đồng thời khẳng định rằng hai nước sẽ củng cố hợp tác quốc phòng và sẽ ‘kiên quyết phản đối’ Trung Quốc.

Philippines hiện đã đưa tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế phân xử. Khi được hỏi rằng liệu Hà Nội có nên theo chân Manila, luật sư Nguyễn Hữu Long nói:

“Việc Việt Nam đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế sẽ không đơn giản là phân tích lợi hay hại, đúng hay sai. Nó sẽ có những hậu quả chính trị, nó sẽ có những hậu quả kinh tế. Sự phụ thuộc của Việt Nam đối với Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị là rất lớn. Và Trung Quốc sẵn sàng có những đòn trừng phạt cả về kinh tế lẫn chính trị. Nó có thể có biện pháp cấm vận chẳng hạn, đối với kinh tế Việt Nam nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế. Vì thế cho nên trước khi kiện Trung Quốc cần phải cân nhắc rất kỹ thiệt hại sẽ là những gì và Trung Quốc có thể làm gì để ngăn Việt Nam kiện họ. Ai cũng biết rằng, về mặt pháp lý, Việt Nam rất nên kiện. Nó là con đường duy nhất để xác định tính đúng sai, tính hợp pháp của đường lưỡi bò và của những đòi hỏi của Trung Quốc ở biển Đông.”

"Việc Việt Nam đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế sẽ không đơn giản là phân tích lợi hay hại, đúng hay sai. Nó sẽ có những hậu quả chính trị, nó sẽ có những hậu quả kinh tế. Sự phụ thuộc của Việt Nam đối với Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị là rất lớn."-Luật sư Long nói.

Trả lời VOA Việt Ngữ tuần trước, ông Renato de Castro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle ở Philippines, cho biết ông “nghi ngờ” khả năng Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc vì “sợi dây ràng buộc giữa Đảng Cộng sản hai nước. Việt Nam biết giới hạn của mình nằm ở đâu”.

Năm ngoái, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thềm lục địa của mình, quan chức Việt Nam có các động thái tưởng như sẽ sớm đưa Trung Quốc ra tòa. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có hành động cụ thể nào.
Ngoài ra, sau những cuộc biểu tình rầm rộ ở Việt Nam, thậm chí dẫn tới bạo lực, để phản đối việc Trung Quốc, chưa thấy xuất hiện các cuộc xuống đường trong năm nay, dù Bắc Kinh cấp tập xây đảo trên biển Đông.

Luật sư Long cho biết thêm rằng các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam “cần phải gây sức ép để đòi chính phủ mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền”, và đó cũng là cách để “tham gia vào việc quản lý và giài quyết các vấn đề xã hội”.

Trung Quốc đưa du thuyền ra quần đảo Hoàng Sa

Trung Quốc bắt đầu khai thác du lịch thử nghiệm trên con tàu Coconut Princess từ tỉnh đảo Hải Nam từ năm 2013.
Trung Quốc bắt đầu khai thác du lịch thử nghiệm trên con tàu Coconut Princess từ tỉnh đảo Hải Nam từ năm 2013.
VOA-28.07.2015
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm thứ Hai, chính quyền nước này lên kế hoạch đưa du thuyền ra quần đảo Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp trên Biển Đông, trong một động thái có thể khiến Việt Nam quan ngại.

Trung Quốc bắt đầu khai thác du lịch thử nghiệm trên con tàu Coconut Princess từ tỉnh đảo Hải Nam từ năm 2013. Theo tờ báo nhà nước China Daily, đã có hơn 10.000 lượt khách du lịch sử dụng dịch vụ này.

Tờ báo nói thêm, các quan chức hy vọng con tàu thứ hai sẽ hoạt động trước cuối năm nay và nhiều đảo nhỏ có thể được mở ra cho du lịch, bao gồm cả đảo Phú Lâm, nơi đặt trụ sở chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, tờ báo cũng cho biết, cơ sở vật chất và thời tiết xấu có thể cản trở những nỗ lực của ngành du lịch nước này. Quần đảo Hoàng Sa thường bị ảnh hưởng bởi các cơn bão và gió mạnh.

Ông Tạ Chiêm Lương, người đứng đầu một công ty du lịch nhà nước quảng bá các chuyến đi đến Hoàng Sa, nói: “Chúng tôi cần phải tính tới khả năng đón nhận các khách du lịch. Các du thuyền không thể neo đậu vào một vài đảo và hành khách phải vào bờ bằng những con tàu nhỏ hơn”.

Việc triển khai giàn khoan dầu của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa năm ngoái gây đối đầu với Việt Nam và gây ra những cuộc bạo động chống Trung Quốc.

Việt Nam hồi gần đây cũng loan báo kế hoạch đưa tàu du lịch ra quần đảo Trường Sa, nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. Đây là một động thái gây ra sự tức giận từ phía Trung Quốc.

Các quốc gia tranh chấp đang tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền của mình qua việc gia tăng sự hiện diện dân sự trên các đảo có tranh chấp.

Theo Reuters, China Daily.

Người Việt xấu xí – Vì sao nên nỗi?


VOA-28.07.2015
Trong những ngày qua, thông tin về hình ảnh người Việt xấu xí xuất hiện dày đặc. Không chỉ truyền thông trong nước mà báo chí nước ngoài cũng đã đăng tải.

Lệ Quyên, một ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam là tâm điểm chỉ trích khi cho con trai mình đi tiểu vào túi dành cho hành khách say máy bay trên một chuyến bay của hãng Vietnam Airlines.

Nữ ca sĩ đi trên máy bay Airbus A350-900 mới chỉ vừa được đưa vào khai thác tuyến Hà Nội – Sài Gòn.

Một hành khách cùng chuyến bay đã chụp ảnh và chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình, và bức ảnh đã lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, dẫn tới nhiều lời chỉ trích cũng như không ít sự cảm thông.

Về phía ca sĩ Lệ Quyên, cô chưa có phản hồi chính thức nào mà chỉ có một chia sẻ trên Facebook cùng một bức ảnh được cho là ám chỉ về vụ việc vừa xảy ra khiến dư luận vốn đã không có thiện cảm với hành động của cô nay lại tiếp tục ‘dậy sóng’.

Một vụ việc khác cũng khiến dư luận xôn xao là hai khách du lịch Việt Nam đã ăn trộm kính hàng hiệu trong một cửa hàng tại Zurich, Thụy Sĩ.

Qua máy quay giám sát, nhân viên cửa hàng đã phát hiện hai du khách tìm cách lấy trộm 3 chiếc kính trị giá 300 euro/chiếc và đem ra khỏi cửa hàng.

Hai vị khách này đã bị cảnh sát bắt sau khi nhận được tin báo từ nhân viên của cửa hàng.

Cả hai phải nộp phạt 2.000 franc (khoảng 2.200 USD) để được thả và đoàn khách du lịch có thể về Việt Nam vào sáng hôm sau theo đúng lịch trình.

Hướng dẫn viên của đoàn cho biết thêm về hai vị khách: “Nhỏ tuổi nhất trong đoàn, ngồi chỗ đẹp nhất trên xe, ăn nói ngang ngược nhất, luôn trễ giờ bắt cả đoàn phải đợi. Tôi biết là họ nhiều tiền và tiêu tiền nhiều nhất cả đoàn. Tôi và hướng dẫn viên địa phương cũng đã cảnh báo không được tắt mắt nhưng không vào tai họ”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nói: “Đó thực sự là hành động mà bất kỳ ai có lòng tự trọng cũng đều thấy xấu hổ!”

Theo ông Tuấn, Tổng cục Du lịch sẽ yêu cầu doanh nghiệp đưa đoàn khách này báo cáo cụ thể về vụ việc, đồng thời sẽ có công văn yêu cầu các doanh nghiệp khi đưa khách đi du lịch nước ngoài phải khuyến cáo tuân thủ pháp luật, không có các hành vi gây phương hại đến đất nước, văn hóa và hình ảnh quốc gia.

Theo DailyMail, Vietnamnet, Người Lao Động.

Nhạc Trung Quốc đã vào Bộ Quốc phòng Việt Nam?

Ở phút thứ 4'16" đến 4'30" khúc nhạc được vang lên khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên bục phát biểu trong chương trình 'Khát vọng đoàn tụ' tối 27/7 tại Hà Nội.

Khánh An-VOA
 29.07.2015 00:07

Hôm 27/7, trong một chương trình nghệ thuật quy tụ các quan chức đứng đầu nhà nước Việt Nam có tên “Khát vọng đoàn tụ”, diễn ra tại Bộ Quốc Phòng, được trực tiếp truyền hình trong nước như một cách giới thiệu sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sau một thời gian vắng bóng, ngay khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên sân khấu để đọc diễn văn khai mạc thì một đoạn nhạc được phát lên. Đoạn nhạc này ngay sau đó được người dân Việt Nam phát hiện là bài hát “Ca ngợi tổ quốc”, một bài hát được nhiều người xem là “quốc ca thứ hai” của Trung Quốc. VOA của đài VOA phỏng vấn ông Phan Tất Thành, một cựu chiến binh đã từng có một thời gian được học tập, nuôi dạy tại Quế Lâm, Trung Quốc, cũng là người đầu tiên phát hiện ra “sự cố” này.

“Khát vọng đoàn tụ” là một chương trình nghệ thuật lớn được tổ chức nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7. Chương trình này càng thu hút sự chú ý của dư luận khi được đồng loạt loan báo trên các kênh truyền thông của nhà nước trước đó với sự xuất hiện trở lại của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, người đột nhiên vắng bóng trong một thời gian khiến gây ra nhiều tin đồn về tình trạng sức khỏe của ông cũng như khả năng ông đã qua đời nhưng không được tiết lộ.

Chương trình quy tụ nhiều quan chức hàng đầu Việt Nam, gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam...và gần 500 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được phát song trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam vào tối ngày 27/7.

Ngay khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên sân khấu để đọc diễn văn khai mạc thì một đoạn nhạc được phát lên.

Đoạn nhạc này ngay sau đó được người dân Việt Nam phát hiện là bài hát “Ca ngợi tổ quốc”, một bài hát được xem là “quốc ca thứ hai” của Trung Quốc. Bài hát này do ông Vương Tân, người Vô Tích, Giang Tô, Trung Quốc, sáng tác vào tháng 9/1950.

Người đầu tiên được cho là đã phát hiện ra “sự cố” này là ông Phan Tất Thành, một cựu chiến binh đã từng có một thời gian được học tập, nuôi dạy tại Quế Lâm, Trung Quốc. Ông Thành cho biết nguyên nhân ông phát hiện ra vụ việc này.

VOA: Khi ông nghe đoạn nhạc, sau một thời gian ông được người Trung Quốc đùm bọc và lớn lên thì ông cũng có cảm tình sâu nặng...

Cựu chiến binh Phan Tất Thành trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Cựu chiến binh Phan Tất Thành trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc.

Ông Phan Tất Thành: Không. Tôi biết. Tôi cắt lời bạn chỗ này. Với nhân dân Trung Quốc, tôi rất gắn bó, tôi rất yêu thương họ. Tôi cảm nhận được tình cảm của nhân dân Trung Quốc dành cho chúng tôi. Nhưng tư tưởng thâm căn cố đề đại Hán của nhà nước Trung Quốc, của những người cầm quyền Trung Quốc, từ đời vua chúa Trung Quốc cho đến những người lãnh đạo của các chính quyền tiếp theo cho tới bây giờ, tới Tập Cận Bình, trong đầu họ vẫn có màu sắc lúc nào cũng lăm le xâm chiếm bờ cõi Việt Nam. Đó là điều mà tôi không chấp nhận. Tôi tự nhiên trở thành được nhiều bạn “quan tâm” chỉ vì tôi sôi sục có một điều thôi là đất nước này là của chúng tôi, không một thế lực nào có thể xâm phạm đến đây được hết. Có thể suy nghĩ của tôi đụng chạm đến suy nghĩ khác của những người khác, nhưng bất luận thế nào, tôi đã chiến đấu rất nhiều năm để “giành lại độc lập, tự do cho tổ quốc” theo cách nói thông thường bây giờ. Tôi đã ra chiến chường, tôi đã bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Bây giờ nếu xảy ra chuyện gì thì tôi cũng sẵn sàng.

VOA: Ông là người nắm khá rõ về tình hình cả Trung Quốc và Việt Nam, ông nhận định thế nào về những sự việc xảy ra giống như hiện nay ông vừa phát hiện là việc sử dụng một bài hát Trung Quốc cho một sự kiện trong đó có nhiều quan chức lớn?

Ông Phan Tất Thành: Thật ra những cái lỗi của đài truyền hình, lỗi này khác với những cái lỗi như khi người ta bàn cãi về chuyện Công Phượng bao nhiêu tuổi hay nhầm lẫn tên tác giả này sang tác giả kia, những lỗi mà đài truyền hình đã bị phạt tiền nhiều lần lắm rồi. Thực ra trong sâu thẳm tôi vẫn cho rằng đây chỉ là một sự nhầm lẫn ngu dốt của các biên tập viên đài truyền hình mà thôi. Tôi đặt ra câu hỏi “Giặc đã ở trong đài?”, câu hỏi đó là để nâng sự việc lên ở tầm khác, chỉ là một cách nói thôi, chứ còn chưa, chưa có giặc nào vào được Đài truyền hình Việt Nam để mà ngồi phát nhạc Trung Quốc, ca ngợi Trung Quốc theo cách đụng chạm đến danh dự, đến lòng tự trọng, quốc thể Việt Nam của chúng tôi đâu. Đây chỉ là sự ngu dốt của biên tập viên thôi.

VOA: Về chuyện này, cũng như những “sự cố” trong các sách giáo khoa chẳng hạn, cũng liên quan đến Trung Quốc. Có khá là nhiều sự việc “nhầm lẫn” mà là những nhầm lẫn tai hại, ông nghĩ thế nào, đây là nhầm lẫn cố ý hay vô tình, hay có điều gì đó phía sau hậu trường hay không?

Ông Phan Tất Thành: Chỗ này thực ra có hai cách nhìn, cũng có thể nói rằng chỉ vì một nền giáo dục rất sa sút. Nền giáo dục bị bại hoại rồi. Học sinh không học sử. Theo tôi nghĩ bởi vì Việt Nam cũng có một bài “Ca ngợi tổ quốc” của nhạc sĩ Hoàng Vân nên có thể, nếu ta nghĩ khách quan một chút, thì khi biên tập viên gõ tìm bản nhạc “Ca ngợi tổ quốc” thì người biên tập viên này có thể không nghe, không biết và không xác minh lại mà ấn ngay khúc nhạc “Ca ngợi tổ quốc” (của Trung Quốc) để lắp vào chương trình đấy.

Cái lỗi này rất dài, lỗi từ biên tập, từ kiểm soát, từ đủ mọi thứ, cho nên khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước những bước chân đầu tiên lên thì đi trên nền nhạc bài “Ca ngợi tổ quốc” của Trung Quốc, không phải là bài “Ca ngợi tổ quốc” của nhạc sĩ Hoàng Vân nữa. Đấy là nhầm lẫn ngẫu nhiên, vô tình nhưng rất tai hại. Chứ còn khả năng nếu nói bọn Trung Quốc cố tình cài cắm vào, được hay không, thì chuyện đó tôi không dám đánh giá, nhận xét được là Trung Quốc nó đã xâm nhập vào đến đâu trong đất nước này. Không có gì để chắc chắn để nói “có” hoặc “không” cả.

VOA: Vâng, cám ơn ông Phan Tất Thành đã dành thời gian cho đài VOA.

Bấm để nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn.

Bỏ mặc sĩ diện quốc gia

(PL)- Làm sao để mỗi công dân Việt ý thức được rằng hành vi sai trái của một cá nhân có thể gây tổn hại cho hình ảnh đất nước mình trong mắt người nước ngoài và khiến những ai có chút lòng tự trọng đều cảm thấy ê chề?
Câu hỏi đó không dễ có lời đáp. Đương nhiên chẳng ai trong chúng ta muốn thốt lên câu “Tôi là người Việt Nam” trong tâm trạng e dè. Nhất là trong bối cảnh tiếng xấu cứ bay đến dồn dập như hiện nay.
Phản ứng cực đoan để tránh bị coi thường?
Gần đây nhất, theo trang Yahoo! Japan ngày 24-7, một du học sinh Việt bị bắt vì dùng phương thức tấn công mạng DDoS gây cản trở hoạt động kinh doanh trực tuyến của một công ty bán phụ kiện điện thoại di động tại quận Chuo-ku, Tokyo, Nhật. Nguyên do được xác định là do nghi phạm có mâu thuẫn với công ty bị hại nên trút giận bằng cách này.
Cùng thời điểm, mạng xã hội xôn xao trước một loạt tin khiến bất kỳ người Việt nào còn chút sĩ diện phải đỏ mặt: Hai du khách người Việt bị cảnh sát Thụy Sĩ tạm giữ và phạt vì ăn cắp mắt kính hàng hiệu tại TP Zurich; Việt Nam đề nghị Singapore giải thích việc cấm nhập cảnh hàng loạt nữ du khách người Việt; báo Daily Mail đưa tin một nữ ca sĩ Việt Nam nổi tiếng bị chỉ trích sau khi để con trai tiểu vào túi nôn ngay tại chỗ ngồi trên một chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines.
Trước những vụ việc này, cộng đồng mạng dấy lên những ý kiến trái chiều. Có người tỏ ra cực đoan, như một chuyên gia báo chí tại đại sứ quán một nước phương Tây lên Facebook kêu gọi mọi người tẩy chay du lịch đến Singapore vì “dám coi thường các đồng bào của mình, hành xử theo kiểu vơ đũa cả nắm”.
Trong khi đó, một Facebooker khác thẳng thắn: “Một đám đông đạo đức giả kêu gào lên như phải bỏng, nhục quốc thể này kia. Trong lúc ra đường thì hối lộ, làm ăn thì chạy chọt, đẻ con ra thì chạy trường, học xong thì chạy việc... lại xem tất cả như chuyện đương nhiên, thế mà lại nhảy dựng lên chỉ vì chút sĩ diện Việt Nam”.
Cơ hội để nhìn lại mình
Có người bảo rằng trong cái rủi có cái may. Lâu nay người Việt thường tự hào với những kỷ lục hão “nhất thế giới” này nọ nhưng lại lòi ra vô số thói hư tật xấu khi đặt chân ra ngoài biên giới. Vậy thì đây cũng là dịp thích hợp để mỗi người trong chúng ta nhìn lại xem mình đã từng đút lót, tiếp tay cho nạn tham nhũng khi lo giấy tờ nhà đất, chạy trường, chạy chỗ làm cho con em mình? Rõ là cái xấu nhan nhản quanh ta, chẳng việc gì phải xấu hổ thay cho ai khác đã khiến người Việt phải mất mặt.
Trên trang cá nhân, nhà báo Hoàng Linh đặt vấn đề: Chuyện hai du khách ăn cắp mắt kính hàng hiệu tại Thụy Sĩ cho thấy mặt khác của thói sĩ diện. Chỉ cần nhìn vào cuộc đua chơi siêu xe, sắm máy bay của giới thượng lưu tại Việt Nam trong lúc nợ công đang ngập mặt là đủ thấy người mình quen thói sĩ diện quá mức. Vậy thì phải chăng chúng ta chỉ lo tôn sùng sĩ diện cá nhân mà bỏ mặc sĩ diện quốc gia? Một khi sĩ diện quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng, đó cũng là nỗi nhục lớn với mỗi công dân nước Việt.
 Chủ Nhật, ngày 26/7/2015 - 07:00
BENJAMIN NGÔ

Singapore nêu lý do từ chối nhập cảnh với một số phụ nữ Việt

Theo Vnexpress -Thứ ba, 28/7/2015 | 11:01
Singapore cho hay một số phụ nữ không đáp ứng các yêu cầu nhập cảnh, sau khi Việt Nam đề nghị giải thích lý do một số người bị từ chối nhập cảnh tại sân bay Changi.  

san-bay-3991-1438055646.jpg
ICA cho biết Singapore chào đón khách tham quan thuộc mọi quốc tịch. Ảnh minh họa: StraitsTimes

Một phát ngôn viên Cục Quản lý Cửa khẩu và Nhập cư Singapore (ICA) cho biết những người đến nước này có thể phải bị hỏi và kiểm tra thêm. "Việc cho phép nhập cảnh với du khách khi họ tới là do các nhân viên ICA tại quầy kiểm tra của Singapore đánh giá và quyết định", người phát ngôn nói.

ICA không nói có bao nhiêu phụ nữ bị từ chối nhập cảnh, nhưng cho biết nước này chào đón khách tham quan thuộc mọi quốc tịch. "Việc mỗi khách có được vào Singapore hay không không phải là quyền cũng không phải là tự động, mỗi lần vào được cân nhắc dựa trên đặc điểm của từng trường hợp", báo Straits Times hôm nay dẫn lời ICA tuyên bố.

Theo Vietnam Plus, ông Nguyễn Công Huân, Bí thư thứ hai, phụ trách lãnh sự - Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, tuần trước cho hay Đại sứ quán đã trao đổi với ICA để tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng nữ công dân Việt Nam bị từ chối nhập cảnh.

ICA cho biết nhiều trường hợp công dân nữ Việt Nam sử dụng các hộ chiếu khác nhau để nhập cảnh Singapore, cá biệt có trường hợp dùng ba hộ chiếu với nhân thân khác nhau. Đối với những trường hợp vi phạm nêu trên, ICA sẽ không cho phép nhập cảnh.

ICA thông tin thêm, trước sự gia tăng của tình trạng trên, cơ quan này phải kiểm tra chặt chẽ hơn với du khách Việt Nam, nhất là phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều công dân Việt Nam lại không đủ khả năng ngoại ngữ để giải thích lý do nhập cảnh, dẫn đến việc phía ICA có thể từ chối và buộc quay về nước đối với cả những trường hợp chưa vi phạm. Điều này không chỉ xảy ra với công dân Việt Nam mà còn cả công dân Thái Lan và một số nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác.

Hơn 420.00 công dân Việt Nam năm ngoái đến thăm Singapore, tăng 30% so với năm 2010, theo Tổng cục Du lịch Singapore.

Trọng Giáp

Cảnh báo mối nguy sông hồ cho các em học sinh vào hè

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-07-27

Các em nhỏ rất thích tắm sông nghịch nước
Các em nhỏ rất thích tắm sông nghịch nước- RFA

Ba tháng hè, học sinh được nghỉ ngơi, đi bán vé số, đi phụ hồ, đi làm đồng phụ giúp cha mẹ. Có thể nói rằng ba tháng hè là ba tháng vui nhất đối với học trò nghèo Việt Nam bởi các em không phải hồi hộp xin tiền nộp phí học tập của cha mẹ mà còn có thể được rảnh rỗi để làm kiếm tiền. Nhưng đó cũng là mối nguy, ba tháng hè bươn bả dưới nắng trời, khi nóng nực, gặp sống hồ gì thì cởi áo quần giấu vào bụi trẻ, hốc đá để nhảy ùm xuống tắm. Có thể nói rằng mối nguy sông hồ luôn rình rập học trò trong suốt ba tháng hè.
Học sinh không được học môn bơi lặn
Một phụ huynh học sinh tên Trúc ở Bắc Hà, Lào Cai, lo lắng chia sẻ: “Trong chiến tranh thì bằng mọi giá họ đánh nhau nên họ coi thường mọi thứ bao gồm quyền trẻ em. Họ luôn dạy tiến lên đoàn viên chứ không nói đến quyền lao động. Vậy nên trẻ em phải lao động, vui chơi thôi. Hè thì trẻ em có quyền được đi chơi nhưng không có điều kiện vui chơi nên tắm sông hồ, cá nhân, gia đình không có điều kiện vui chơi nên phải trả cái giá đó!”
Theo ông Trúc, vấn đề giáo dục có ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai và sinh mạng của học sinh. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có nhiều ao chuôm, sông hồ nhất khu vực đông Nam Á, những con sông cắt ngang đất nước xuất hiện khắp mọi tỉnh thành trên cả nước. Đó là chưa muốn nhắc đến có quá nhiều đập thủy điện, hồ chứa và ao chuôm trên khắp mọi miền. Nhưng vấn đề giáo dục học sinh lại quá lơ là về chuyện này.
Đưa ra dẫn chứng, ông Trúc nói rằng tại các vùng quê, vùng sâu vùng xa, chỉ riêng bộ môn thể dục thể thao ở các cấp, học sinh chưa bao giờ được dạy môn bơi lặn. Trong khi đó, môn bơi lặn là môn giúp phát triển toàn diện và là môn có thể cứu sống các em học sinh khi gặp sự cố về sông nước. Nhưng có rất nhiều thời gian bỏ ra chỉ để dạy những động tác tay chân, hoàn toàn mang tính tượng trưng, không phải là động tác võ thuật và cũng không phải là động tác yoga.
Trong khi đó, bộ môn thể thao của các trường học khu vực và thế giới đã tiến rất xa, những môn thể thao giúp trẻ em chống stress như yoga hoặc bơi lội, võ thuật được đào tạo có bài bản và cấp bậc ở các trường học. Việt Nam thì không, các tiết học thể dục chỉ dạy những động tác huơ tay múa chân để giãn gân cốt. Trong khi đó, số đông học sinh Việt Nam hằng ngày phải lao động phụ giúp cha mẹ, chỉ việc cuốc đất, khuân vác cũng đủ tốn quá nhiều năng lượng cơ thể. Môn thể dục tại Việt Nam đâm ra xa xỉ và phung phí năng lượng một cách thái quá.
Vấn đề giáo dục Việt Nam, chỉ riêng bộ môn thể dục thể thao không thôi đã thấy thiếu tính thiết thực, không áp dụng hay vận dụng vào đời sống được. Trường hợp có sự cố cần đến sức khỏe thì mọi phản ứng của học sinh đều xoay quanh bản năng chứ không thể ứng dụng bất kì điều gì đã học được ở nhà trường để bảo toàn mạng sống.
Ao hồ luôn là mối nguy mùa hè đối với trẻ nhỏ
Ao hồ luôn là mối nguy mùa hè đối với trẻ nhỏ
Và cũng chính vì lẽ này, hằng năm, cứ đến mùa hè là số lượng học sinh bị chết đuối tăng lên mức báo động và mùa lụt thì số học sinh bị trôi, bị đuối nước cũng bội phát. Nhưng có một chuyện vô lý nữa mà theo ông Trúc là đáng lên án và hết sức bức xúc. Đó là bộ môn thể dục thể thao cũng phải chịu mức phí giống các bộ môn khác trong quá trình học tập. Trong lúc các hồ bơi xây dựng ra rồi bỏ không hoặc cho tư nhân đấu thầu mà học sinh không có chỗ để thực hành môn bơi lặn là hết sức vô lý!
Theo ông, lẽ ra phải có sự phối hợp giữa nhà trường và các cơ quan thể thao, văn hóa địa phương đề xây dựng bể bơi phục vụ học tập và bộ môn bơi lặn phải được xếp vào diện quan trọng, bắt buộc đối với học sinh. Bởi sống trong một đất nước có nhiều sông ngòi, ao chuôm và bờ biển cũng như thiên tai, lũ lụt… Không có cách gì bảo vệ sự sống của học sinh tốt hơn là trang bị cho các em những kĩ năng đủ để bảo toàn mạng sống khi có sự cố về sông nước. Nhưng rất tiếc, đây vẫn là chuyện không tưởng tại Việt Nam.
Mùa hè vất vả và buồn
Một giáo viên tên Huyền, sống ở Bát Xát, Lào Cai, buồn bã chia sẻ thêm:“Tại sao ở một bờ biển mênh mông, sông ngòi dày đặc mà chuyện đó nó vẫn xảy ra? Là vì đứa trẻ ngay từ đầu nó không được trao đổi về không gian như thế, ở đây có câu chuyện về giáo dục.”
Theo cô Huyền, kĩ năng bơi lội của học sinh nói chung là không có, chỉ cò vài em con gia đình khá giả được cha mẹ đưa đến hồ bơi để học bơi thì có khả năng này.
Nhưng con số những em biết bơi rất hạn chế. Và các em này cũng ít tương tác, lăn lộn ngoài đời như những em con nhà nghèo. Phần đông, nói đúng hơn là 99% học sinh bị chết nước là con nhà nghèo, nhà không khá giả, cha mẹ bận lo chuyện cơm áo gạo tiền nên không có thời gia để chú ý tới con.
Hoặc những em bé lang thang đây đó bán vé số, lượm ve chai, hái măng rừng, hái củi, làm thuê ngày hè để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, tích lũy vào năm học để nộp, trên đường bươn bả kiếm sống, có khi do trượt chân lúc qua suối, có khi ngụp lặn tắm sông để chống nắng… Và các em không tài nào trở lại cuộc đời một khi bị trượt chân, con nước cuốn đi.
Cô Huyền nhấn mạnh rằng phần đông, chiếm tỉ lệ rat61 cao các em học sinh chết nước vào mùa hè là con nhà nghèo. Và càng đáng buồn hơn khi phần đông, chiếm tỉ lệ rất cao các học sinh bị chết nước vào mùa lưa lũ cũng là con nhà nghèo. Vì nghèo, các em thiếu thốn mọi thứ, trong đó thiếu cả sự quan tâm của cha mẹ cũng như những kĩ năng đảm bảo giữ được mạng sống. Đó là một chuyện khiến cho một giáo viên nặng lòng với nghề, với học trò như cô Huyền cảm thấy buồn và đôi khi bế tắc.
Cô Huyền nói rằng nếu được đưa ra một kiến nghị, cô mong các quan chức ngành giáo dục hãy nghĩ đến tính mạng của học sinh nhiều hơn và đừng phung phí các khoản tiền vô lý bằng những tiết dạy hết sức đơn điệu và thiếu tính ứng dụng trong môn thể dục thể thao như hiện nay. Và việc đào tạo các môn bơi lặn trong học đường có dễ hay khó?
Tự đặt câu hỏi và tự đưa ra câu trả lời là quá dễ nếu như có sự kết hợp đồng bộ giữa các ban ngành trên tinh thần vì tính mạng và tương lai con em và làm theo tiếng gọi của lương tri giáo dục chứ đừng làm theo tiếng gọi của lương thực, lương tháng và lươn lẹo.
Lời kêu gọi của cô Huyền không biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực. Trong khi đó, mùa hè chưa qua nhưng khắp các tỉnh thành trên cả nước, ngày nào cũng có trẻ em bị chết nước, nếu không tỉnh này thì tỉnh kia. Thật là đáng buồn và tội nghiệp cho các em con nhà nghèo!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Mưa lũ lớn ở Quảng Ninh khiến 15 người thiệt mạng

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-07-28
 Hàng trăm người tham gia tìm kiếm người mất tích
Hàng trăm người tham gia tìm kiếm người mất tích- Ảnh: Báo Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh hiện đang được nói đang trong tình hình khẩn cấp do hậu quả của những ngày mưa lớn vừa qua.

Vào lúc 4 giờ chiều hôm nay, giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông Thôn tỉnh Quảng Ninh cho Đài Á Châu Tự do biết tình hình như sau:

“Hiện nay mưa bắt đầu nhẹ đi rồi. Đêm hôm qua và sáng nay mưa lớn lắm khiến xảy ra sự cố tại một số huyện, trong đó có huyện trọng điểm như thị xã Hạ Long, Cẩn Phả, Vân Đồn, một phần của Hoành Bồ cũng bị ngập nước một số nơi. Tại thành phố Hạ Long hiện có chừng 11 người, trong đó có 6 người mất tích. Những người còn lại đang nằm viện và trong tình trạng nguy kịch. Cũng có một số người mất, tổng cộng 6 người chết. Tại thành phố Hạ Long có một số nơi bị đất đá lấp nên công tác tìm kiếm đang rất khẩn trương. Còn lại các huyện thị thì mưa cũng bớt dần, ngớt lại một chút.”

Một người dân Quảng Ninh cũng cho biết về tình hình ở địa phương như sau:

“Mưa rất to và 6 người chết là đúng rồi. “

Thông tin cho biết chính quyền địa phương có đề nghị với trung ương và quân đội ứng cứu.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết tính đến 8 giờ sáng ngày 28 tháng 7, ngoài số thương vong về nhân mạng, và tổng thiệt hại do mưa lớn kéo dài đối với tỉnh Quảng Ninh lên đến 500 tỷ đồng. Và tin mới nhất của Tuổi Trẻ cho biết con số thương vong đã lên 15 người.

Cháy trung tâm điện thoại Viễn Thông A giữa thành phố Huế

(NLĐO) - Ngọn lửa bùng phát tại kho chứa hàng rồi nhanh chóng lan ra ở tầng 2 khu trung tâm điện thoại Viễn Thông A, khiến chủ các căn nhà liền kề bị một phen hoảng vía.
Vào khoảng 11 giờ 45 phút ngày 28-7, Trung tâm điện thoại, laptop Viễn Thông A (chi nhánh tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), tọa lạc trên đường Hùng Vương, đã xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng.
Ngọn lửa xuất phát từ khu vực tầng 2 của trung tâm này. Tại hiện trường, phía sau biển hiệu ở tầng 2 của trung tâm, khói bốc lên mù mịt, bao trùm các ngôi nhà cao tầng liền kề khiến người dân hoảng hốt. Các nhân viên làm việc tại đây khi phát hiện vụ cháy đã nhanh chóng thoát ra ngoài và báo lực lượng PCCC.
Khói từ đám cháy bao trùm ở các ngôi nhà lân cận
Khói từ đám cháy bao trùm ở các ngôi nhà lân cận
Hơn 5 phút sau khi xảy ra vụ cháy, 2 xe cứu hỏa cùng nhiều cán bộ chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế được điều đến và dập tắt đám cháy trong vòng 30 phút.
Theo một số nhân chứng, đám cháy xuất phát từ kho chứa hàng của trung tâm, nơi có nhiều thùng giấy nên khi xảy ra cháy, khói bùng lên dữ dội. Thiệt hại do vụ cháy gây ra chưa được thống kê. Nguyên nhân vụ cháy có thể do chập điện.
28/07/2015 16:19
Q.Nhật

Hồ Dầu Tiếng xả lũ, hai học sinh bị cuốn trôi

(Baodatviet) - Hai học sinh lớp 11 đang tắm tại một hồ nước cùng thời điển hồ Dầu Tiếng thượng nguồn xả lũ, bị cuốn trôi mất tích.

Ban quản lý (BQL) hồ Dầu Tiếng chiều 27/7 xác nhận thông tin đã ngưng xả lũ để phục vụ công tác tìm kiếm hai học sinh bị nước cuốn trôi ở hạ nguồn.
Theo đó, từ 7 giờ sáng ngày 24/7, hồ Dầu Tiếng bắt đầu xả lũ với lưu lượng 100 m3/giây. Đến 3 giờ chiều ngày 26/7, BQL nhận được thông báo của cơ quan chức năng huyện Dầu Tiếng yêu cầu ngưng xả lũ.
Hai học sinh bị nước lũ cuốn trôi đang học lớp 11 tại tỉnh Tây Ninh và đến sáng 27/7 đã tìm thấy thi thể một em.
Cũng theo thông báo ngày 26/7 của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa thì hồ Dầu Tiếng đã đóng xả tràn lúc 3 giờ chiều ngày 26/7 với nguyên nhân là "để phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ ở hạ du sông Sài Gòn".
Ho Dau Tieng xa lu, hai hoc sinh bi cuon troi
Thủy điện Hồ Dầu Tiếng
Một sự việc đau lòng tương tự xảy ra hồi tháng 4/2014 tại Lai Châu. 7 học sinh khi qua qua sông Nậm Mu - đoạn qua địa bàn bản Hỳ, xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã bị một dòng nước lũ từ thượng nguồn ập về khiến cả 7 em bị lũ cuốn.
Ông Lò Văn Xương, Chủ tịch xã Ta Gia cho biết: “Sự việc xảy ra vào khoảng 10h sáng 13/4, 6 em đã được phát hiện đưa đi cấp cứu thoát nạn, 1 em mất tích".
Ông Vũ Văn Luật - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Lai Châu cho rằng thời điểm này thì không có lũ mà khả năng do thủy điện xả nước phát điện. Tuy nhiên, thủy điện chỉ báo cho địa phương khi xả lũ bất thường trong trường hợp này thủy điện không cần thông báo.
Hơn nữa, về mặt quản lý nhà nước thủy điện thuộc Sở Công thương quản lý chứ không liên quan tới Sở Nông nghiệp, ông Luật cho biết thêm.
Ông Hoàng Kiều Anh - Phó giám đốc Sở Công thương Lai Châu nhận định, khó có thể xảy ra trường hợp học sinh bị cuốn do thủy điện xả nước do sông Nậm Mu toàn thủy điện bé, không nhiều hồ chứa.
Ông Anh cũng cho hay, về mặt quy trình, việc xả nước thủy điện cũng sẽ báo cáo trực tiếp cho địa phương về ngày giờ, xả chứ không thông qua Sở Công thương.
Thứ Ba, 28/07/2015 06:53
Cúc Phương (Tổng hợp)

Hàng loạt cây chết khô trên đường vào sân bay Nội Bài

(PLO) - Cả đoạn đường với hàng trăm cây đều bị chết khô, bong tróc vỏ và trơ thân.

Nằm trong dự án xây dựng nhà khách T2 (sân bay quốc tế Nội Bài), đoạn đường ra vào sân bay thuộc tuyến đường Võ Văn Kiệt (Sóc Sơn – Hà Nội) cũng được cải tạo và mở rộng.


Được chính thức đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015, mỗi chiều có tới 5 làn đường cho phương tiện lưu thông, đây được coi là một trong những đoạn đường hiện đại nhất của Thủ đô.
Tuy nhiên, thời gian trở lại đây, bất cứ ai ra vào sân bay cũng có thể bắt gặp hình ảnh hàng loạt những cây trồng ven đường đang bị chết khô.
Theo quan sát, đoạn trước mặt nhà ga T2, có tới hàng trăm cây rơi vào tình trạng trên. Những cây này đều bị cắt phần ngọn trước khi trồng, chỉ còn lại trơ phần thân, nhìn như những chiếc cọc được cắm xuống đất.


Phần lớn các cây đã bị nứt vỏ, nhiều cây do chết lâu ngày nên vỏ đã bong tróc gần hết. Một số cây được cuộn rơm hoặc lưới để bảo vệ nhưng cũng không thoát khỏi “án tử”.


Pháp Luật TP.HCM - 28/07/2015 16:20
TUYẾN PHAN

Công an ‘nhốt’ xe không hẹn ngày trả

NGÂN NGA - Thứ Hai, ngày 27/7/2015 - 05:10
(PL)- Luật không quy định khi nào trả lại xe tang vật nên nhiều trường hợp khi bị hại nhận lại xe chỉ còn là đống sắt vụn.
Tìm được chiếc xe bị mất trộm, chị Nguyễn Thị Điệp (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) liền báo công an. Tuy nhiên, sau gần ba tháng chị Điệp đến xin lại chiếc xe để đi lại thì công an bảo vụ án chưa khởi tố, chưa định giá nên “cứ về đi, khi nào định giá xong sẽ gọi lên lấy”.
Công an bận, xe bị “nhốt”
Trong căn nhà tuềnh toàng mà chiếc tủ lạnh là vật quý giá nhất, người đàn bà độc thân hành nghề đạp xe đi bán cá viên chiên cho biết: Tháng 3-2014, chị dựng chiếc Cub 81 ngoài hiên nhà nhưng khi quay ra chiếc xe đã không cánh mà bay.
“Tôi chỉ có mỗi chiếc Cub, mua cách đây 20 năm để làm phương tiện đi lại. Sau khi mất xe, tôi báo công an nhưng chẳng có phản hồi gì. Hơn một năm sau (ngày 12-5), phát hiện chiếc xe trong nhà người hàng xóm, tôi qua xin lại thì người này bảo là mua lại của người khác nên không cho” - chị kể.
Chiếc Cub 81 (biển số 53-YB 5309) đang bị tạm giữ tại công an. Ảnh: N.NGA
Dò hỏi, chị biết người trộm xe nên nhờ công an xã can thiệp. “Ai ngờ họ giữ luôn chiếc xe gần ba tháng qua. Lên công an huyện, họ bảo tôi về, khi nào định giá xong thì sẽ trả xe và không biết đến khi nào họ trả” - chị kể.
Theo chị, dù chiếc xe đã cũ nhưng nó là phương tiện thiết thân. “Mỗi khi lên trung tâm TP chữa bệnh, tôi phải mượn xe của người khác. Công an giữ xe lâu quá sợ khi lấy ra hư hỏng hết” - người phụ nữ độc thân nói.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đoàn Văn Sít (Công an xã Tân Phú Trung) cho biết: “Sau khi chị Điệp báo tin, chúng tôi lấy lời khai của các bên và đã chuyển hồ sơ lên huyện hơn hai tháng rồi. Chúng tôi không thể trả xe vì chưa có lệnh của huyện”.
Đến Công an huyện Củ Chi, Đại úy Trần Duy Hiếu (điều tra viên, người thụ lý vụ án) cho hay: “Ở đây lượng án nhiều nên vụ nào xảy ra trước thì chúng tôi giải quyết trước. Còn chiếc xe của chị Điệp phải chờ định giá mới trả được”.
Ông Hiếu cũng cho biết thêm người lấy trộm xe đã thừa nhận hành vi nhưng công an quá bận, chưa làm hồ sơ để thành lập hội đồng định giá nên chưa khởi tố vụ án, chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn với nghi can. “Quá bận nên chúng tôi không có thời gian để làm hồ sơ chuyển qua định giá” - ông nói.
Chưa biết khi nào trả xe
Về trường hợp chị Điệp, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: Đã hơn hai tháng kể từ ngày tiếp nhận tin báo về tội phạm do Công an xã Tân Phú Trung chuyển lên mà CQĐT huyện Củ Chi chưa có quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án là vi phạm thời hạn tối đa hai tháng của BLTTHS. Mặt khác, công an nại lý do bận việc, chưa thực hiện việc định giá chiếc Cub 81 để làm căn cứ khởi tố là chưa phù hợp với nguyên tắc kịp thời theo quy định (Nghị định 26/2005/NĐ-CP).
Về thời hạn xử lý vật chứng, theo luật sư Chánh, hiện BLHS và BLTTHS cũng như các văn bản hướng dẫn vẫn chưa quy định cụ thể về thời gian xử lý tang vật do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết trong bao lâu; vật chứng nào thì CQĐT giải quyết trong giai đoạn điều tra; vật chứng nào cần phán quyết của tòa án... nên chưa biết đến khi nào chị Điệp mới nhận lại xe.
Luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ) cũng cho rằng luật không quy định cụ thể thời hạn, cơ quan tố tụng nào trả lại tang vật cho bị hại nên nhiều trường hợp khi nhận lại xe tang vật chỉ còn là đống sắt vụn. “Thân chủ tôi là bị hại trong vụ án giao thông, bị CQĐT giam xe ô tô 30 chỗ. Ba năm sau tòa mới tuyên trả xe. Lúc này, chiếc xe trị giá hơn 600 triệu đồng đã trở thành đống sắt, bán được vài chục triệu đồng. Nghịch lý là có thiệt hại đấy nhưng cơ quan tố tụng lại không hề có lỗi” - ông nói…
Với vụ việc của chị Điệp, một luật sư cho rằng công an cần nhanh chóng định giá chiếc xe để trả lại cho bị hại, còn việc khởi tố hay xử phạt hành chính là quan hệ khác.
“Thời hạn giao trả, cơ quan giao trả, loại tang vật phải giao trả cho bị hại chưa rõ ràng và điều vô lý này vẫn tồn tại trong tố tụng lâu nay. Vì vậy, trong lần sửa đổi bổ sung BLTTHS sắp tới, các nhà làm luật cần quy định rõ ràng điều này để những người bị hại trong các vụ án đỡ thiệt hại” - nhiều luật sư kiến nghị.

NGÂN NGA